You are on page 1of 11

VỘI VÀNG_13 CÂU ĐẦU

Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới với hồn thơ tiêu biểu cho tiếng nói
thiết tha, tình yêu cuộc sống, con người và rạo rực khát khao giao cảm với đời. Thơ Xuân Diệu
tinh tế, gợi cảm, độc đáo trong chất liệu cũng như trong bút pháp thi ca. "Vội vàng" không chỉ là
thi phẩm đặc sắc nhất trong tập thơ Thơ - bài thơ đầu tay Xuân Diệu dành tặng cho thế gian mà
còn là bài thơ hay nhất cả cuộc sống sáng tác của ông. Bài thơ vừa như một nguồn cảm xúc trào
dâng vừa là tuyên ngôn sống của một nhà thơ khao khát yêu đời. 13 câu đầu là đoạn thơ hay nhất
thể hiện tình yêu thiết tha, niềm đắm say mãnh liệt của thi nhân với cuộc sống tươi đẹp nơi trần
thế. Với "Vội vàng" nhà thơ đã xây lầu thơ giữa vẻ đẹp cuộc đời. Bài thơ hấp dẫn người đọc
không chỉ bởi sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa mạch cảm xúc dồi dào và mạch luận lý sâu
sắc trong một giọng điệu sôi nổi, đắm say mà còn mang đến sự trải nghiệm mới mẻ về sự cách tân
nghệ thuật độc đáo của một hồn thơ mới Xuân Diệu.

Mở đầu bài thơ tác giả bày tỏ thái độ oai nghiêm như muốn đoạt quyền tạo hóa.

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi”

Điệp ngữ "tôi muốn" và thể thơ ngũ ngôn với tiết tấu nhanh, mạnh, dứt khoát đã góp phần
thể hiện khát khao thiết tha, mãnh liệt của thi sĩ. Đó là ước muốn tắt nắng buộc gió để "màu đừng
nhạt mất" để "hương đừng bay đi". Nếu thời gian đi bằng nắng, bằng gió làm nhạt màu, làm phai
hương thì nhà thơ muốn níu giữ thời gian ngưng bước, để màu sắc và hương thơm còn mãi với
cuộc đời, để giữ mãi thời tươi xuân thì của tạo vật. Đó là ước muốn bất tử hóa cái đẹp, giữ cho cái
đẹp tỏa sắc lên hương vì đóa hoa hương sắc cuộc đời tươi thắm, ngọt ngào mà mong manh, ngắn
ngủi biết bao. Có thể nói đằng sau ước muốn phi lí ấy là một tâm hồn yêu người với thái độ trân
trọng, nâng niu và gìn giữ.

Là một nhà thơ khát khao giao cảm với đời, sự mong muốn chiếm lĩnh vẻ đẹp thiên nhiên
của nhà thơ phải chăng xuất phát từ bức tranh thiên nhiên tươi đẹp nơi thiên đường trần thế đang
mơn mởn non tơ.

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất


Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Như ngàn lời mời gọi, điệp ngữ "này đây" được lặp đi lặp lại 5 lần từ đầu đến cuối đoạn
thơ trên, vừa diễn tả sự giàu có, phong phú bất tận của thiên nhiên vừa thể hiện cảm giác hân
hoan, vui sướng của tác giả. "Này đây" là sự hiện hữu của hương sắc cuộc đời, của thiên nhiên
trần thế, không phải xa xôi mà gần gũi ngay trước mắt, không phải ở kiếp khác, không phải ở
tương lai hay quá khứ mà ngay trong lúc này.

Điệp từ "của" lặp lại khiến câu thơ có vẻ hơi Tây và mới lạ. Sau từ "của" mang tính chất
kết nối ấy bức tranh thiên nhiên tươi đẹp nơi thiên đường trần thế lần lượt hiện ra, vườn xuân
cũng là vườn yêu, vườn tình, vườn ái ân hạnh phúc. Thiên nhiên tạo vật say sưa, rộn ràng, mê mải
trao gửi sắc hương, xui khiến lòng người ngất ngây tận hưởng, để thi nhân tạo hóa thành tình
nhân.

Chính cái nhìn trẻ, cặp mắt xanh non biếc rờn luôn lấy con người làm chuẩn mực của cái
đẹp đã tạo nên vẻ đẹp riêng trong bức tranh xuân của thi sĩ. Tuần tháng mật của yêu thương vội
chốc trở thành mùa vui của bướm ong dập dìu, cành xuân đã hóa thành cành tơ phơ phất đầy nhựa
sống, tiếng hót say sưa của chim yến, chim oanh trở thành điệu tình si say đắm lòng người và bình
minh xuân diễm lệ mang gương mặt của người đẹp kiều diễm với rèm mi ánh sáng.

Bằng tâm hồn phong phú và trí tưởng tượng dồi dào của mình với câu thơ:

"Mỗi buổi sớm, thần vui hằng gõ cửa"

Thi nhân đã tạo ra sự bất ngờ đầy thú vị bởi sự liên tưởng bất ngờ hết sức độc đáo. Hình
ảnh "thần vui hằng gõ cửa" gợi liên tưởng gần gũi với hình tượng mặt trời trong thần thoại Hy
Lạp xưa, cũng có thể là vị thần mang niềm vui ban tặng cho thế gian vào mỗi buổi sớm ban mai,
đánh thức mọi người dậy để tận hưởng thiên nhiên, cuộc sống tươi đẹp. Với Xuân Diệu mỗi ngày
được sống, được chiêm ngưỡng ánh dương, được tận hưởng sắc hương của vạn vật là một ngày
hân hoan vui sướng. Và trong niềm hân hoan vui sướng đó ngòi bút của Xuân Diệu thật sự rất
xuất thần, ông đã sáng tạo nên 1 câu thơ tuyệt bút:

"Tháng giêng ngon như một cặp môi gần"

Đây là câu thơ mới mẻ nhất, hiện đại nhất, đã khái quát được sự hấp dẫn của mùa xuân
bằng sự so sánh vô cùng độc đáo. Có thể nói, trước Xuân Diệu, chưa có ai "tỏ tình" với thiên
nhiên như vậy. Nhà thơ cảm thụ thiên nhiên bằng tình lứa đôi, bằng thể xác và tâm hồn. Sự hấp
dẫn của thiên nhiên hiện ra trong vẻ đẹp của người tình với "cặp môi gần" căng tràn tươi trẻ, mê
đắm và quyến rũ. Từ ngon được thốt lên đầy khát khao, nhục cảm bởi nhà thơ đã huy động mọi
giác quan: từ thị giác, thính giác, vị giác đến xúc giác để tận hưởng thiên nhiên, tuổi trẻ và cuộc
đời này. Phép so sánh như đã đưa cặp môi của người thiếu nữ trở thành trung tâm của vũ trụ, con
người trở thành chuẩn mực cho cái đẹp, là thước đo vẻ đẹp của tạo hóa. "Tháng giêng" là một
khái niệm thời gian vốn vô hình, nhưng trong phép so sánh vừa táo bạo vừa mang sắc thái biểu
cảm ấy đã trở nên trẻ trung hữu hình qua vẻ đẹp cặp môi gần của người thiếu nữ đầy sâu sắc.
Nhưng ngay lúc chàng thi sĩ trẻ đang ngất ngây mê đắm vô cùng trong niềm tận hưởng mật ngọt
tình yêu nơi thiên đường trần thế, đang thỏa thuê với bữa tiệc lớn của trần gian và reo lên "tôi
sung sướng" thì cũng chính là lúc thi nhân ngừng lặng với cảm giác "vội vàng một nửa".

"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa"

Câu thơ bị ngắt làm hai, niềm vui không trọn vẹn. Bởi Xuân Diệu nhận ra rằng điều sung
sướng ấy ngắn ngủi biết bao. Dự cảm mơ hồ về sự mong manh, ngắn ngủi của kiếp người đã
khiến cho thi nhân sống vội vàng tận hưởng. "Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân." Hai câu thơ
được xem như hai cái bản lề khép mở tâm trạng vừa vồ vập đắm say vẻ đẹp của cuộc sống tình
yêu vừa là linh cảm bất an, băn khoăn âu sầu của nhà thơ vì thời gian qua mau, tuổi trẻ một đi
không trở lại, quả thật Xuân Diệu là nhà thơ của những cảm quan tinh tế về thời gian.

Trong các bài thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng thì đây là những vần thơ xuân diệu
nhất. Bằng một hình thức nghệ thuật điêu luyện, sự kết hợp nhuần nhị giữa cảm xúc mong manh
và mạch luận lý, giọng điệu say mê, sôi nổi cùng với những sáng tạo độc đáo về ngôn từ và hình
ảnh thơ. Qua 13 câu đầu, Xuân Diệu đã đem đến một thông điệp mang ý nghĩa nhân văn tích cực:
Trong thế gian này đẹp nhất, quyến rũ nhất chính là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu; thiên
đường chính là cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế. Vì vậy hãy sống thiết tha yêu, hãy đắm say tận
hưởng và tận hiến để mỗi ngày qua đi ta được sống trọn vẹn trong tình yêu và hạnh phúc.

VỘI VÀNG_16 CÂU SAU

Trong “Thi nhân Việt Nam”, nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng khẳng định: “Thơ
Xuân Diệu là một nguồn sống dạt dào chưa từng có ở chố nước non lặng lẽ này.”. Nhắc tới Xuân
Diệu, ta không thể không nhắc tới một bài thơ in đậm dấu ấn, phong cách của ông – Vội vàng.
Được rút ta từ tập “Thơ thơ”, “Vội vàng” là nỗi ám ảnh thời gian và lòng ham yêu, khát sống đến
cuống quýt của Xuân Diệu.

Nếu phần đầu tiên của bài thơ là ước muốn táo bạo cùng vẻ đẹp độc đáo của mùa xuân thì
sang phần thơ thứ hai, nhà thơ giải thích lí do phải sống vội vàng. Tại sao Xuân Diệu lại vội vàng
tiếc nuối mùa xuân ngay khi xuân còn đang thắm. Có lẽ vì thi sĩ có quan niệm rất mới về thời
gian:

“ Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua


Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian.

Nếu người xưa luôn yên tâm bình thản trước sự trôi chảy của thời gian bởi họ quan niệm
thời gian là tuần hoàn thì Xuân Diệu lại quan niệm thời gian, mùa xuân, tuôi trẻ một đi không trở
lại. Thế nên Xuân Diệu luôn hốt hoảng lo âu khi thời gian trôi mau. Thi sĩ không chỉ tiếc mùa,
tháng, ngày mà tiếc từng khoảng khắc, từng phút giây. Ở một bài thơ khác, nhà thơ cũng từng nói:

Tôi từ phút ấy trôi qua phút này

Điều thi sĩ sợ là tuổi trẻ qua đi, tuổi già mau tới bới thời gian như một dòng chảy mà mỗi
một khoảnh khắc trôi qua là mất đi vĩnh viễn. Cách sử dụng cặp từ đối lập “tới – qua”, “non –
già” đã cho thấy sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước bước đi của thời gian. Cùng với hàng loạt
câu thơ văn xuôi theo lối định nghĩa cùng sự lặp lại liên tiếp điệp ngữ “nghĩa là”, Xuân Diệu đã
khẳng định chắc nịch một sự thật hiển nhiên không gì phủ nhận: Dù xuân đương tới, xuân còn
non nhưng xuân sẽ qua, sẽ già, sẽ hết và tuổi trẻ cũng mất. Đối diện với sự thật hiển nhiên mà phũ
phàng ấy, Xuân Diệu không khỏi thảng thốt. Liên tiếp các dấu phẩy được huy động tạo nên điệu
thơ ngậm ngùi, nghẹn ngào.

Để tăng sức thuyết phục mọi người tin vào chân lí: mùa xuân tuổi trẻ là tuyến tính, Xuân
Diệu đã chủ động đối thoại, tranh luận bác bỏ ý nghĩ cố hữu của mọi người là mùa xuân vẫn tuần
hoàn:

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Với Xuân Diệu, tuổi trẻ không thắm lại nên cũng không thể nói mùa xuân là tuần hoàn.
Thế là Xuân Diệu tiếc mùa xuân mà thực chất là tiếc tuổi trẻ. Và đó là nguyên cớ xâu xa khiến thi
sĩ vội vàng một nửa khi xuân mới bắt đầu:

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi

Nên bâng khuân tôi tiếc cả đất trời

Đúng vậy, giữa cái mênh mông của vũ trụ, vô cùng, vô tận của thời gian, tuổi trẻ, sự sống
của con ngừoi bống trở nên quá ngắn ngủi, mong manh chỉ như bóng câu qua cửa sổ, như cái
chớp mà thôi. Suy ngẫm về điều đó, day dứt về điều đó, Xuân Diệu đã đem đến một nỗi ngậm
ngùi mà mới mẻ trong thơ ca Việt

“Với quan niệm một đi không trở lại và bằng tâm hồn rất đỗi nhạy cảm tới mức có thể
nghe thấu cả sự mơ hầu” (Thế Lữ), Xuân Diệu cảm nhận thấm thía sự phôi pha, phai tàn đang âm
thầm diễn ra trong lòng vũ trụ trên cả hai trục không gian và thời gian.

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi

Khắp núi sông vẫn than thầm tiễn biệt

Con gió xinh thì thào trong lá biếc

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi

Phải chăng sợ độ phai tàm sắp sửa.

Thời gian thì rớm vị chia phôi, khắp không gian đâu đâu cũng vọng lên khúc chia li, lời
than thầm tiễn biệt. Gió đùa trong lá không phải là những âm than vui tươi, sống động của thiên
nhiên mà vì hờn tủi trước sự trôi chảy của thời gian. Chim hót những bản nhạc chào xuân rộn ràng
bỗng ngừng bặt, chẳng có mối nguy hiểm hiểm nào cả, mà vì chúng sợ độ tàn phai, héo úa . Vậy
là vạn vật không thể cưỡng lại quy luật tàn phai nghiệt ngã của tạo hóa. Chịu ảnh hưởng sâu sắc
thuyết tương giao trong tượng trưng Phá, Xuân Diệu chẳng những đã đem đến những cảm nhận
tinh tế rất mới, rất Tây, rất hiện đại về thời gian:

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi.

Thời gian vốn vô hình, vô ảnh, không mùi, không vị, đi vào thơ Xuân Diệu bỗng có mùi,
có vị chia phôi. Thơ trung đại, kể cả thơ mới cũng hiếm có câu thơ nào có cách cảm nhận như
vậy. Khép lại phần thơ thứ nhất – phần lí giải vì sao phải sống vội vàng là dòng thơ tràn ngập cảm
xúc:

Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…

Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm

Đến đây thi sĩ đã vỡ lẽ chẳng bao giờ có thể tắt nắng buộc gió, níu giữ mãi tuổi trẻ mùa
xuân ở lại. Khát vọng cháy bỏng, ước muốn táo bạo đã tan thành mấy khói. chỉ còn lại nỗi bàng
hoàng, thảng thốt còn in dấu trong dấu chấm cảm giữa dòng thơ và dấu chấm lửng cuối dòng thơ.
Không thể buộc gió, chẳng thể tắt nắng để níu giữ mãi hương sắc mùa xuân, Xuân Diệu đã hối
thúc mình và mọi người hãy sống vội vàng, hãy chạy đua cùng thời gian: “Mau đi thôi! Mùa chưa
ngả chiều hôm.” Lời giục giã hối thúc mang sắc điệu mạnh mẽ, quyết liệt bởi kiểu câu cầu khiến
có sử dụng dấu chấm cảm giữa dòng. Có thể nói câu thơ “Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm”
rẩt điển hình, tiêu biêu cho hồn thơ vội vàng cuống quýt của Xuân Diệu trước cách mạng tháng 8.
Không chỉ ở “Vội vàng”, Xuân Diệu luôn hối thúc giục giã mọi người cần sống mau, sống vội:

Mau với chứ! Thời gian không đứng đợ

i – Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai

Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn

– Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ

Em, em ơi tình non sắp già rồi!

“Mùa chưa ngả chiều hôm” là một cách kết hợp từ mới lạ, thú vị. Xuân Diệu đã dùng từ chỉ
thời gian cuối ngày để chỉ thời điểm cuối mùa. “Mùa chưa ngả chiều hôm” là mùa chưa tàn, chưa
úa, vì thế hãy vội vàng mau chóng tận hưởng hương sắc của nó. Có thể thấy, Xuân Diệu có cách
cảm nhận về thời gian khác lạ như vậy là nhờ vào “sự ý thức sâu xa về sự sống của cá thể”. Quan
niệm mới mẻ ấy của Xuân Diệu đã khiến cho ta phải trâng trọng từng phút giây của cuộc đời, tận
hưởng một cuộc sống trọn vẹn và đầy ý nghĩa.

Qua đoạn thơ, ta đã thấy được niềm khát khao sống mãnh liệt, cháy bỏng của ông Hoàng
thơ tình Việt nam. Từ đó, chúng ta thêm trân trọng quan niệm nhân sinh, tích cực, tiến bộ. Cũng
như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng nói: “Đây là tiếng nói của một tâm hồn yêu đời, yêu sống
đến cuồng nhiệt. Nhưng đằng sau những tình cảm ấy, có một quan niệm nhân sinh mới mẻ chưa
thấy trong thơ ca truyền thống”

CHIỀU TỐI_CỔ ĐIỂ VÀ HIỆN ĐẠI

"Nhật ký trong tù" của Hồ Chí Minh có đóng góp rất lớn vào thành tựu của văn học Việt
Nam. Những vần thơ được Bác viết chan chứa tình thần dân tộc, lòng yêu đất nước hoà quyện với
tình yêu thiên nhiên, yêu con người lao động. Như Tố Hữu cũng đã từng viết:

"Vần thơ của Bác vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình"

Chiều tối là một trong những bài thơ xuất sắc nhất được trích từ tập Nhật kí trong tù. Bài
thơ không chỉ thành công trong việc tái hiện chân dung người chiến sĩ cách mạng với tinh thần lạc
quan, niềm tin mạnh mẽ vào cách mạng mà còn thể hiện được tài năng nghệ thuật xuất chúng của
Hồ Chí Minh khi kết hợp yếu tố cổ điển và hiện đại trong cùng một bài thơ, mang đến một "hơi
thở" mới cho thơ ca Việt Nam.

Thứ nhất, yếu tố cổ điển trong bài thơ được thể hiện qua những hình ảnh thơ quen thuộc,
được sử dụng nhiều trong thơ ca cổ điển. Đó là cánh chim trong một buổi chiều xa xăm, là áng
mây trôi nhẹ lững lờ:

"Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không"

Cánh chim mỏi sau ngày dài chao liệng trên bầu trời cũng về rừng ra tìm chốn nghỉ ngơi
như con người vậy, sau bao vất vả, mệt nhọc cũng mong có chốn để dừng chân, thư thả. Chòm
mây chiều cô độc trôi đi một cách vô định. Cảnh đượm buồn như nỗi lòng người thi sĩ, có mệt
mỏi, có buồn thương và cả sự cô đơn lạc lõng nơi đất khách quê người. Bút pháp "tả cảnh ngụ
tình" trong thơ cổ cũng được Bác vận dụng đầy sáng tạo, lấy trạng thái của cảnh để bộc lộ những
tâm sự, cảm xúc con người, như đại thi hào Nguyễn Du từng nói: "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".

Phải chăng, lúc này đây, trên con đường giải lao đầy gian khó, những gông cùm trĩu nặng
trên đôi vai cùng trạng thái mất tự do về thể xác cũng khiến Bác có chút mỏi mệt, nỗi buồn
vương, ưu tư vẫn còn nặng lòng mà mượn cảnh để nói lên những tâm sự của mình.

Yếu tố cổ điển còn được thể hiện qua thời gian nghệ thuật, đó là buổi chiều. Các nhà thơ
xưa thường chọn buổi chiều để nói về nỗi nhớ và nỗi buồn. Cảnh chiều cũng thường gợi cho con
người sự trống trải và nỗi khắc khoải trong lòng. Ở bây, Bác cũng đã chọn chiều tối để bộc lộ cảm
xúc, dường như đây là khoảng thời gian thật nhất để nhân vật trữ tình thể hiện rõ những nội tâm
của chính mình.

Bút pháp điểm xuyết trong thơ cổ cũng đc Bác vận dụng đầy tinh tế để làm nổi bật nội
dung, tầng tư tưởng của bài thơ. Nguyễn Du trong truyện Kiều cũng đã sử dụng bút pháp này để
miêu tả, làm nổi bật sức sống và vẻ đẹp hài hoà của mùa xuân:

"Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa"

Trong Chiều tối, chữ ' hồng" trở thành nhãn tự tạo nên nguồn sáng cho cả bài thơ. Sự xuất
hiện của ánh lửa hồng đã xua đi cái lạnh lẽo, trống trải trong lòng người, đồng thời thắp lên ngọn
lửa của niềm tin, của sức sống.
Yếu tố hiện đại được tác giả kết hợp nhuần nhuyễn với yếu tố cổ điển tạo nên nét nổi bật.
Yếu tố hiện đại được thể hiện qua tâm trạng của nhân vật trữ tình. Đó là một tâm trạng buồn
nhưng không bị lụy, luôn lạc quan hướng về phía trước. Dù mệt mỏi nhưng vẫn không ngừng
hành động, vẫn sẽ tiếp tục với hành trình của mình sau nghỉ ngơi. Từ hình ảnh thiên nhiên buồn
đến hình ảnh con người lao động trong đời , ánh than rực hồng là sự phát triển mới mang tinh thần
mới, tinh thần của niềm tin yêu vào một tương lai tươi sáng cho dân tộc, ngày mà mọi người dân
được làm chủ cuộc đời mình, lao động sản xuất giữa bầu trời tự do. Yếu tố hiện đại còn được thể
hiện rất rõ qua hình ảnh con người trong bài thơ, trong thơ cổ, con người thường rất nhỏ bé thu
mình trước thiên nhiên rộng lớn, bao la để đặc tả nỗi cô đơn thì đến với chiều tối, hình ảnh cô em
xóm núi hiện lên nổi bật trong lao động, dù công việc rất đỗi bình dị nhưng lại đầy thu hút. Cuối
cùng, tinh thần hiện đại thể hiện qua quan niệm sống, cách sống của tác giả: Mạnh mẽ đối mặt,
vượt qua gian khổ, thách thức, đối mặt với hiện tại khắc nghiệt bằng thái độ lạc quan, hướng về
tương lai tương sáng. Trong khó khăn, vất vả, dẫu có đôi lúc mệt nhoài với thực tại sống bác
không hề khuất phục, vẫn lạc quan với niềm tin lớn lao. Trong khó nhọc Bác lấy thơ ca làm bạn,
lấy lý tưởng làm mục tiêu và lấy ý chí để tranh đấu.

Bác đã viết bài thơ "Chiều tối" bằng tất cả tình yêu với thiên nhiên, với con người Việt
Nam. Từng khoảnh khắc của thời gian luôn được Bác trân trọng, từ "Giải đi sớm", đến "Chiều
tối" hay "Ngắm trăng" đều thấy ở Người một tâm hồn rộng lớn với bao phẩm cách cao đẹp. Thơ
Bác mãi là ánh sáng soi rọi cho mỗi người, mỗi quê hương dân tộc bước đi và phát triển.

CHIỀU TỐI FULL

Hồ Chí Minh là một cái tên mà tất cả con dân Việt Nam đều ghi tạc trong tim với một lòng
yêu quý, kính trọng vô bờ bến. Trong quá trình tìm lại tự do cho dân tộc, Bác đã phải chịu rất
nhiều khổ cực, gian khó, đã rất nhiều lần bị bắt giam, chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác, bị
đánh đập, tra tấn dã man. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn ấy, ở Người vẫn ánh lên một tinh
thần lạc quan, một niềm tin vào một ngày mai tươi sáng. Bài thơ "Chiều tối" nằm trong tập thơ
"Nhật kí trong tù" đã thể hiện được phần nào tinh thần ấy của Người. Bài thơ chỉ đơn giản là tả lại
cảnh nơi thôn dã vào một buổi chiều tối, thế nhưng ẩn chứa trong đó là một ước mơ tự do cho bản
thân, ước mơ được quay trở lại quê hương để tiếp tục sứ mệnh của mình.

Bài thơ được sáng tác khi Bác bị giải từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo. Bức
tranh chiều tối được nhìn qua cặp mắt của người tù tay đeo gông chân vướng xiềng:

"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không."

Dịch thơ: "Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,


Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không."

Buổi chiều thường là lúc đoàn tụ, nhưng cũng là khi con người ta thấy vô cùng cô đơn nếu
không có một chốn để về. Cánh chim mỏi sau một ngày kiếm ăn cũng đã bay về tổ của mình.
Trên không trung chỉ còn lững lờ một chòm mây. Giữa thiên nhiên bao la hùng vĩ, con người và
cảnh vật đều như dừng lại, chỉ có chòm mây ấy vẫn nhẹ nhàng trôi, càng làm nổi bật lên sự yên
ắng, êm ả của buổi chiều tối nơi rừng núi. Chòm mây ấy cũng giống như Bác, đang trong tình
cảnh tù tội, vẫn phải cô độc bước đi. Chòm mây cô đơn, lặng lẽ, Bác cũng lặng lẽ, cô đơn. Tuy
thế, phải là một người có lòng yêu thiên nhiên, phải có một tâm thái ung dung, bình tĩnh, lạc quan,
vượt lên mọi gông cùm về thể xác để ngắm thiên nhiên, hòa mình với thiên nhiên như thế. Thân
xác mỏi rã rời vì phải đi cả ngày đường vất vả, nhưng Bác vẫn dõi mắt theo cánh chim về tổ, tầng
mây lững lờ trôi lúc chiều về.

Tuy chỉ hai câu thơ bảy chữ, nhưng cũng đã khiến cho người đọc tưởng tượng ra được
cảnh chiều muộn nơi rùng núi thật mênh mông, âm u, vắng vẻ, quạnh quẽ. Đồng thời, cũng nói
lên niềm mong ước quay trở về với quê hương, ước mong được tự do như đám mây kia. Trong
khung cảnh thiên nhiên mênh mông, đượm nét buồn lúc chiều muộn nơi rừng núi, bỗng xuất hiện
con người:

"Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng."

Dịch thơ: "Cô em xóm núi xay ngô tối,

Xay hết, lò than đã rực hồng."

Giữa cảnh buồn của thiên nhiên như trong thơ cổ, cô sơn nữ hiện lên như một điểm sáng,
làm cho cả bức tranh trở nên sinh động, vui tươi hơn. Đó chính là nét cố điển mà hiện đại trong
thơ của Hồ Chí Minh. Bức tranh vừa có người, vừa có hoạt động khỏe khoắn của con người trong
đó. Đó chính là nét đẹp, nét đáng quý của người dân lao động. Cô gái đang miệt mài xay ngô bên
lò than rực hồng để chuẩn bị bữa tối. Ở đây, bản dịch thơ không đảm bảo được nghệ thuật của bản
chữ Hán. Bác đã lặp lại hai chữ "bao túc" ở cuối câu thứ ba và đầu câu thứ tư, như những vòng
xay nối tiếp nhau của cô gái, như sự tuần hoàn của thời gian, trời đã tối, tối dần. Bức tranh vừa ấm
áp bởi cảnh tượng lao động khỏe khoắn của người thôn nữ lao động, vừa bởi cái ánh hồng của bếp
lò. Đó chỉ là một thứ hạnh phúc bình dị, vậy mà Bác vẫn gạt bỏ hết những đau đớn, mệt mỏi về
thân xác để cảm nhận được.

Nhà văn Nam Cao đã viết: "Khi người ta đau chân, người ta không còn tâm trí đâu để nghĩ
đến người khác được.", để nói rằng, con người ta thường có xu hướng lo cho những đau khổ của
bản thân. Thế nhưng, ở Bác Hồ – một người lúc nào cũng lo nỗi lo của dân tộc, của đất nước –
vậy mà cũng vẫn luôn quan tâm đến những thứ nhỏ nhặt nhất, bình dị nhất. Đó chính là nhân cách
cao đẹp của vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta.

Bài thơ "Chiều tối" là một bài thơ tiêu biểu cho nét đẹp cổ điển và hiện đại trong thơ Hồ
Chí Minh. Bài thơ chỉ đơn giản là tả về phong cảnh thiên nhiên và con người nơi xóm núi khi
chiều muộn, đồng thời, cũng ẩn chứa trong đó nỗi niềm ước mong được tự do, được sum họp của
Người. Đồng thời, ở Bác, chúng ta vẫn luôn thấy ánh lên một vẻ đẹp của tinh thần quên mình, của
một trái tim giàu lòng yêu thương luôn biết quan tâm đến những điều bình dị nhất.

You might also like