You are on page 1of 4

Bài thơ mở đầu bằng bốn câu thơ ngũ ngôn chứa đựng những khát vọng mãnh

liệt và
táo bạo của thi nhân:

Tôi muốn tắt nắng đi


Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Bốn câu đầu có lẽ là độc đáo nhất trong bài thơ vì chỉ riêng nó là thể ngũ ngôn. Nó là
thể thơ phù hợp cho việc thể hiện những cảm xúc vồ vập của Xuân Diệu bởi câu thơ
ngắn lại giàu nhịp điệu. Điệp ngữ “tôi muốn” được nhắc lại hai lần cùng với đó là hai
động từ mạnh “tắt, buộc” đã làm nổi bật cái tôi khao khát của nhà thơ. Đó là khao khát
“tăt nắng, buộc gió” để giữ lại màu hoa “Cho màu đừng nhạt mất” để giữ lại sắc hương
“cho hương đừng bay đi”. Một khát vọng chiếm đoạt quyền năng của tạo hóa để buộc
hương hoa tươi thắm mãi bên đời. Ngông cuồng hơn cả là nhà thơ muốn vũ trụ ngừng
quay, thời gian dừng lại để thi nhân tận hưởng được những phút giây tuổi trẻ của đời
mình. Bởi nhà thơ sợ“tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, sợ “đời trôi chảy, lòng ta không
vĩnh viễn”. Suy cho cùng khát vọng ấy của Xuân Diệu thật ngông cuồng nhưng cũng rất
hợp lí. Có được khát vọng ấy là nhà thơ nhận thấy cuộc sống này thật đẹp, thật đáng
sống biết bao!

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật


Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Thiên nhiên như một bữa tiệc trần gian đầy những thực đơn quyến rũ: Ở đó có cảnh
ong đưa và bướm lượn, tình tứ ngọt ngào như “tuần tháng mật”. Màu hoa trở nên thắm
sắc ngát hương hơn “giữa đồng nội xanh rì”. Cây cối nảy lộc đâm chồi tạo nên những
“cành tơ” với những chiếc lá tươi non phất phơ tình tứ. Điểm vào phong cảnh ấy là
tiếng hót đắm say của loài chim yến anh đã tạo nên “khúc tình si”say đắm lòng người.
Và cuối cùng Xuân Diệu đã kết lại bức tranh mùa xuân bằng một câu thơ đầy gợi cảm
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Đây là một cách so sánh đầy gợi cảm, có
một chút nhục cảm. Tháng giêng thanh tân, diễm lệ, đầy ánh sáng, màu sắc, âm thanh
và hương thơm trở thành “cặp môi gần” rất “ngon, ngọt” của người tình nhân Những vẻ
đẹp được liệt kê bằng những tính từ đậm nhạt khác nhau để thể hiện tài năng sử dụng từ ngữ của
Xuân Diệu – cảnh vật trong thơ ông đã trở nên cuộn trào sắc màu, cuộn trào sức sống. Sự vật bình
thường ở ngoài đời cũng được đặt cho một dáng vẻ rất kiêu, rất hãnh diện, được trực tiếp nhận ánh
sáng rực rỡ của lòng yêu cuộc sống từ hồn thơ Xuân Diệu đã trở nên lung linh, đẹp đẽ, là biểu
tượng của mùa xuân và tuổi trẻ ở giữa cuộc đời! Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm. Tuổi
trẻ là tuổi đẹp nhất của đời người. Và chắc chắn phần ngon nhất của người thiếu nữ là
bờ môi chín mọng kia. Để rồi thi sĩ phải thốt lên rằng:

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa


Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Trong một câu thơ mà thi sĩ có hai tâm trạng “Tôi sung sướng” – “Nhưng vội vàng một
nửa”. Dấu chấm ở giữa câu đã phân tách nhà thơ thành hai nửa: nửa sung sướng và
nửa vội vàng. Tâm trạng “sung sướng” là tâm trạng: hạnh phúc, lạc quan, yêu đời, tươi
vui đón nhận cuộc sống bằng tình cảm trìu mến, thiết tha gắn bó. Còn “vội vàng” là tâm
trạng tiếc nuối bởi nhà thơ sợ tuổi trẻ qua đi, tuổi già mau tới. Vì thế dù đang sống trong
mùa xuân nhưng thi nhân đã cảm thấy tiếc nuối mùa xuân ngay khi đang ở trong mùa
xuân “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.Tâm trạng đó bắt nguồn từ một quan
niệm mới mẻ về thời gian.

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua


Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời ”
Chữ “Xuân” được điệp đi điệp lại nhiều lần như một điệp khúc thiết tha. “Xuân” ấy vừa
là xuân của đất trời vừa là “xuân” của cuộc đời, của tuổi trẻ. Mỗi lần nhắc lại là mỗi lần
ta bắt gặp cái ngậm ngùi của thi nhân. Xuân của thiên nhiên thì còn mãi mà “xuân” của
đời người đã “hết” thì “tôi cũng mất”. Dù lòng yêu có “rộng” đến bao nhiêu thì “lượng
trời” vẫn cứ chật. Nên “tuổi trẻ nhân gian” không thể “dài” thêm mãi. Vũ trụ có thể vĩnh
viễn, mùa xuân rồi cũng tuần hoàn nhưng tuổi xuân của con người chỉ có một lần, đã
qua là qua mãi. Cho nên Xuân Diệu đã nồng nhiệt phủ định:

“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,


Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!”
Thước đo thời gian của thi sĩ là tuổi trẻ. Tuổi trẻ một đi không trở lại “chẳng hai lần
thắm lại” thì làm chi có sự tuần hoàn! Trong cái mênh mông của đất trời, cái vô tận của
thời gian, sự có mặt của con người thật là ngắn ngủi, hữu hạn. Nghĩ về tính hạn chế
của kiếp người, Xuân Diệu đã đem đến một nỗi ngậm ngùi thật mới mẻ:

“Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi


Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
Đọc hai câu thơ, ta cảm nghe rất rõ tiếng thở dài bất lực của thi nhân. Ta nghe rõ cả cái
bâng khuâng, nuối tiếc của nhà thơ phả vào đất trời. Dường như trước mắt người đọc
là cả một trời tiếc nuối.

Phải chăng vì quá yêu mến tuổi trẻ mà từ sự nuối tiếc ấy, thi nhân đã “thức nhọn giác
quan” để sống “toàn tâm, toàn ý, sống toàn hồn” mà “say”, “thâu”, “hôn”, “cắn” cho kỳ
hết những hương nồng của tuổi trẻ ?

Ta muốn ôm!
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!
Ba chữ Ta muốn ôm như phơi bày ra hết sự ham hố và cuồng nhiệt của Xuân Diệu với
cuộc sống trần thế. Nếu như mở đầu bài thơ, nhà thơ xưng tôi với ước muốn táo bạo
tắt nắng buộc gió, thì ở đoạn cuối này cái tôi đó đã hòa vào cái ta chung để tận hưởng
hết những hương sắc của cuộc đời.
Ngay sau đó là câu thơ thể hiện sự tươi non của cả cuộc sống mới bắt đầu mơn mởn.
Từ láy mơn mởn được nhà thơ dùng rất gợi cảm và giàu ý nghĩa. Nó cho ta thấy các
sự vật, cây cối đang ở độ non mướt, tươi tốt, đầy sức sống khiến cho thi nhân tràn lên
khao khát.

Điệp ngữ ta muốn được lặp đi lặp lại như một nhịp điệu hối hả, như hơi thở gấp gáp
của thi nhân. Chứng tỏ Xuân Diệu đang nồng nhiệt đến rối rít, cuống quýt như muốn
cùng một lúc giang tay ôm hết cả vũ trụ cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình. Đồng
thời nó còn nói lên được cái ham muốn khát thèm đến hăm hở, cuồng nhiệt của nhà
thơ. Mỗi một lần khao khát “ta muốn” là một lần kết hợp với một động từ chỉ trạng thái
yêu thương mỗi lúc một mạnh mẽ, nồng nàn hơn “ôm- sự sống”, “riết- mây đưa, gió
lượn”, “say- cánh bướm, tình yêu”, “thâu- cái hôn nhiều”, để cuối cùng là một tiếng kêu
của sự cuồng nhiệt, đắm say, thể hiện niềm yêu đời, khát sống chưa từng có trong thơ
ca Việt Nam:Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!

Thi nhân muốn ôm hết vào lòng mình mây đưa và gió lượn, muốn say đắm với cành
bướm tình yêu, muốn gom hết vào lồng ngực trẻ trung ấy một cái hôn nhiều. Muốn thu
hết vào hồn nhựa sống dạt dào “và non nước và cây và cỏ rạng”. Để rồi nhà thơ như
con ong bay đi hút nhụy đời cho đến say “chếnh choáng” hút cho đã đầy ánh sáng, cho
“no nê thanh sắc của thời tươi” mới lảo đảo bay đi.

Với ngôn từ vừa táo bạo, mới mẻ, vừa đặc sắc, tinh tế, những hình ảnh rất mới lạ, rất
tây, nghệ thuật trùng điệp trong diễn tả …Bài thơ đã đưa ra một quan niệm sống tích
cực của Xuân Diệu: Phải biết tận hưởng vẻ đẹp của cuộc đời, sống mãnh liệt, sống hết
mình, sống nồng nàn, say mê. Hiểu một cách đúng đắn quan niệm này có nghĩa là mỗi
người cần phải sống hết mình với cuộc sống hôm nay, sôi nổi, chân thành và tha thiết
với đời. Chính vẻ đẹp của con người sẽ làm nên vẻ đẹp bất tử cho cuộc đời.

You might also like