You are on page 1of 5

Phân tích bài thơ “ Vội Vàng” -----Xuân Diệu-----

Thơ chính là nghệ thuật của ngôn từ mà ngôn từ chính là phương tiện truyền tải tư tưởng, tình cảm của
người nghệ sĩ. Thơ cũng là giai điệu cảm xúc trong tâm hồn con người. Nếu giai điệu, âm thanh là chất liệu
của âm nhạc; màu sắc, đường nét là chất liệu của hội họa thì ngôn từ chính là chất liệu của văn học. Như nhà
thơ Nguyễn Đình Thi đã từng viết: “Điều kì diệu của thơ văn là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái nghĩa của nó,
ngoài công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc, những
hình ảnh không ngờ, tỏa ra xung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy”. Và anh chàng lữ khách đa tình
Xuân Diệu đã mang đến cho chúng ta những áng thơ diệu kì, làm lay động và sống mãi trong lòng người
như thế qua bài thơ Vội Vàng.
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Mở đầu bài thơ, Xuân Diệu sử dụng những ngôn từ không cầu kì, trau chuốt nhưng lại gợi cảm đến
không ngờ. Chất thơ lan tỏa ra từ những thứ bình dị nhất. Bằng bốn dòng thơ ngũ ngôn ngắn gọn, tác giả đã
thể hiện được tình yêu thiết tha với cuộc đời trần thế:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Nắng và gió là hiện tượng tự nhiên bất biến không thể nào chi phối. Thế nên “tắt nắng”, “buộc gió” là những
khao khát phi lý, ngông cuồng. Phải chăng, thi sĩ muốn đoạt quyền của tạo hóa, cưỡng lại quy luật của tự
nhiên, đất trời, muốn tắt nắng “cho màu đừng nhạt”, muốn buộc gió “cho hương đừng bay đi”. Khát khao ấy
nghe có vẻ phi lý nhưng lại hợp lý với trái tim nhà thơ – trái tim đầy khao khát mãnh liệt, muốn sống cho
trọn vẹn chữ sống, muốn bất tử hóa cái đẹp, giữ cho cái đẹp mãi mãi lên hương tỏa sắc giữa cuộc đời này.
Với Xuân Diệu, thời điểm vạn vật đang căng tràn nhựa sống cũng chính là lúc đang đứng trên tranh giới của
sự lụi tàn, héo úa. Thế nên nếu không vội vàng, không chạy tới để ôm trọn những gì đang có thì làm sao cảm
nhận được hết vẻ đẹp của cuộc đời. Vì vậy nhịp điệu của cả khổ thơ gấp gáp , hối hả, vội vàng. Đại từ “tôi”
được đặt ngay ở câu thơ đầu tiên, mà không phải là “ta” hay “chúng ta”, kết hợp với động từ “muốn”. Nhà
thơ đang thể hiện cái tôi công khai, ngang nhiên chứ không lẩn tránh hay giấu giếm, trái với thơ ca trung đại,
rất ít thể hiện cái tôi của bản thân mình.
Men theo dòng cảm xúc, người đọc dường như được thả hồn vào những câu thơ dài, âm điệu chậm như
bước chân thư thái dạo ngắm vườn xuân ở khổ hai. Thi sĩ từ tốn cho người đọc thấy những gì tinh hoa, tươi
đẹp nhất của trần gian với những vẻ đẹp lãng mạn, tinh khôi và vô cùng mới mẻ:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
“Ong bướm” và “yến anh” được nhắc đến bởi nó gợi lên vẻ lả lơi, tình tứ, gợi lên ý niệm về mùa xuân và
tình yêu. Bên cạnh đó, từ “của” được lặp đi lặp lại cùng với “này đây” như một cặp không thể cách rời. Thơ
Xuân Diệu mới lạ ở chỗ cảnh vật đẹp nhưng không riêng lẻ mà giao hòa, quấn quýt và đan xen nhau. Tất cả
đều mang vẻ đẹp của sự trẻ trung và sức sống tròn trịa, có đôi có cặp. Mọi thứ đều có cảm giác non tơ, mơn
mởn: “hoa” nở trên nền “xanh rì” của đồng nội bao la, “lá” của “cành tơ” đầy sức xuân và nhựa sống. Cuộc
sống hiện ra trong hình ảnh một khu vườn thiên nhiên sống động, đầy sắc màu, trong cảm xúc của một niềm
vui trần thế. Ta bắt gặp một tấm hòng yêu cuộc sống đến thiết tha, đón nhận cảnh sắc thiên nhiên bằng cả
tâm hồn nhạy cảm. Có ý kiến cho rằng: “Hình ảnh của cuộc sống đi vào thơ Xuân Diệu như một thứ ánh
sáng được khúc xạ qua lăng kính tình yêu rất tinh khôi và giàu sức sống”.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần;
Xuân Diệu bằng cặp mắt si tình đã tạo ra hình tượng nghệ thuật độc đáo, mới mẻ, phá bỏ đi những quy tắc,
những chuẩn mực của cái đẹp trong thi ca. Nếu thơ Trung Đại lấy vẻ đẹp thiên nhiên làm thước đo cho vẻ
đẹp của con người thì với Xuân Diệu con người đang độ xuân thì là đẹp nhất. Bức tranh thiên nhiên vốn đã
đẹp, đã thơ mộng, giờ con được điểm tô bằng “ánh sáng chớp hàng mi”. Phải chăng đây là ánh sáng bình
minh khiến hàng mi khẽ giật mình hay chính là ánh dương thanh tân tỏa ra sau cái chớp mắt của người thiếu
nữ? Hình ảnh thơ đa nghĩa gợi chiều sâu cuốn hút cho bức tranh thiên nhiên trần thế. Và ngòi bút của nhà
thơ lại xuất hiên một lần nữa trong sự táo bạo qua từ “ngon”: “tháng giêng” được tác giả ví như “cặp môi
gần” của người thiếu nữ xinh đẹp. Lời thơ thể hiện khát vọng yêu đương đến cuồng nhiệt, tình yêu cuộc
sống đến si mê, cháy bỏng. Ông đã sáng tạo ra một thế giới đầy xuân sắc, trong đó con người là trung tâm, là
chuẩn mực của cái đẹp.
Nhưng tựa như một cung đàn đang vút cao, đến đây bỗng dưng chùng xuống:
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Dấu chấm được đặt giữa câu khiến nhịp thơ bị ngắt quãng, tạo nên sự chuyển đổi đột ngột về giọng điệu và
trạng thái của nhân vật trữ tình. Niềm vui say của nhà thơ như bị cắt ngang khi nhận ra quy luật của thiên
nhiên, của tạo hóa. Xuân Diệu hiểu rằng sắc thắm nào rồi cũng nhạt, hương nồng nào rồi cũng phai, vẻ đẹp
cuộc đời mong manh, ngắn ngủi. Nếu con người Trung Đại quan niệm thời gian tuần hoàn với chu kì bốn
mùa: “Xuân đến, xuân đi, xuân lại đến” thì với Xuân Diệu thời gian là luyến tính, là một dòng chảy mà mỗi
khoảnh khắc qua đi là mất đi vĩnh viễn. Cách nhìn này mang đậm ý vị triết học: “Không ai tắm hai lần trên
một dòng sông” (Heraclit).
Từ nỗi ám ảnh về số phận mong manh, chóng tàn lụi của tuổi xuân, tác giả đã đề ra giải pháp táo bạo: con
người không thể chặn đứng bước đi của thời gian, con người chỉ có thể chạy đua với nó bằng một nhịp sống
mới mà tác giả gọi đó là “vội vàng”:
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa cùng gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều.
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đậy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Đây là lời tự hối thúc bản thân chạy đua với thời gian, không chịu khuất phục trước thời gian của tác giả “
Mau đi thôi! Mùa chưa ngã chiều hôm”. Đại từ nhân xưng “ta” cất lên tiếng nói của “cái tôi” đầy kiêu hãnh,
là lời nói hộ khát vọng sống của nhiều người. Một câu thơ bắt đầu bằng ba chữ “ta muốn ôm” với giọng thơ
rắn chắc, dứt khoát, tôn lên tầm vóc lớn lao của con người khi đứng trước “cả sự sống mới bắt đầu mơn
mởn”. Những tiếng “ta muốn” được láy đi láy lại như một điệp khúc bất tận khẳng định khao khát sống
mãnh liệt của Xuân Diệu. Những câu thơ gấp gáp, giục giã như một dòng suối ào ạt tuôn chảy chen lấn, xô
đẩy nhau. Một loạt các động từ được sử dụng theo mức độ tăng dần của sự khao khát “ôm, riết, say, thâu,
cắn” thể hiện tâm trạng si mê cuồng nhiệt, cảm xúc ngày càng dâng tràn. Thi sĩ không chỉ muốn chiếm đoạt
đơn thuần mà còn muốn đắm chìm, hòa mình vào với sự sống đẹp đẽ, căng tràn sức sống ngoài kia. Từ
“cắn” được đặt trong mạch thơ là biểu hiện của tâm trạng hoảng hốt khi cái đẹp đang trôi đi, vì thế phải
“cắn” để giữ lại được “xuân hồng”. Sắc hồng trong tâm hồn thi sĩ không chỉ là màu thơ mộng của mùa xuân,
mà còn là màu sắc tươi đẹp của tuổi trẻ.
Có người từng nói: “Dấu hiệu của tài năng là ở năng lực tạo ra các tác phẩm mẫu, từ đó tạo ra những quy
tắc hoàn toàn mới cho nghệ thuật”. Thi phẩm Vội Vàng thể hiện sâu sắc những cái mới, những cách tân
nghệ thuật vô cùng độc đáo và sáng tạo. Bài thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa mạch cảm xúc dồi dào và
mạch triết lí sâu sắc. Những ý thơ rất lạ lùng cùng với những hình ảnh sáng tạo “rất Xuân Diệu” đã neo đậu
nơi bến lòng người đọc cảm xúc dạt dào và hình ảnh chàng thi sĩ “say men sống” cuồng nhiệt. Xuân Diệu
quả là:
Kẻ đưa răng bấu mặt trời
Kẻ đựng trái tim trìu máu đất
Hai tay chín nóng bám vào đời
Kẻ uống tình yêu dập cả môi.
< Xuân Diệu>

----------Hết----------

Phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” ----Hàn Mặc Tử----
Thơ là tiếng nói của cảm xúc, mà những cảm xúc không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ nào khác ngoài
ngôn ngữ nghệ thuật. Ta thường bắt gặp ở đó cái long lanh vô hình ẩn hiện trong bóng dáng cuộc sống, lắng
nghe ở đó tiếng trở mình rất khẽ của những tình cảm mong manh… Thơ còn là bến đỗ khi con người cảm
thấy hụt hẫng vào một phút giây nào đó trong cuộc đời. Đến với thơ là đến với lời mời gọi ân cần của trái
tim, để chia sớt, để chung cùng. Đến với Đây thôn Vĩ Dạ, ta được đến với những gì tha thiết nhất, khao khát
nhất của một tình yêu, của những nỗi niềm riêng tư…
Bài thơ được khơi nguồn cảm hứng từ tấm bưu thiếp và lời hỏi thăm của Hoàng Thị Kim Cúc – người con
gái thôn Vĩ mà Hàn Mặc Tử thầm thương trộm nhớ. Đây là cuộc hành trình về thăm chốn cũ trong tâm
tưởng tác giả, thể hiện một hồn thơ đầy thiết tha với cuộc đời và tình yêu chưa bao giờ tắt với mảnh đất và
con người xứ sông Hương, núi Ngự.
Bài thơ được mở ra bằng lời mời gọi tha thiết:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
“Thôn Vĩ” ở đây chính là thôn Vĩ Dạ, mảnh đất mà tác giả luôn ấp ôm trong lòng, luôn khao khát được một
lần trở lại. Đây chỉ là một thôn nhỏ nằm bên sông Hương với những rặng tre đầu làng, với những hàng cau
cao vút, với những khu vườn xanh mướt…một vẻ đẹp hết sức bình dị nhưng cũng rất dỗi thân thuộc. Với
Hàn Mặc Tử, có lẽ nơi này đặc biệt hơn bởi ông đã gửi gắm một phần linh hồn ở đó, mang theo một mảnh
hồn quê xứ sở, gìn giữ trong tim đến suốt cuộc đời. Nơi đây không đơn thuần là một địa danh mà đã trở
thành một nơi ấp ôm trọn vẹn tiếng lòng thi sĩ, là bến đỗ để ngàn năm vỗ về tâm hồn con người.
Thi sĩ hết sức tài tình khi thổi vào câu thơ chất Huế rất riêng, đầy ngọt ngào, ý vị. Câu thơ chỉ toàn thanh
bằng nhẹ nhàng cất lên khiến người đọc cảm tưởng đây là lời mời nhẹ nhàng, ý nhị nhưng cũng đầy trách
móc của người con gái Huế: sao lâu như vậy vẫn chưa “về chơi”. Hai tiếng “về chơi” nghe sao mà chân
thành và tha thiết đến lạ! Biết bao nhiêu tình cảm chất chứa đong đầy trong hai chữ giản đơn ấy. Nhà thơ sử
dụng câu hỏi tu từ ở câu thơ đầu khác nào một sự trách móc, dằn vặt xuyên suốt tác phẩm. Để rồi, trong câu
thơ nào, hình ảnh nào, dù đẹp đến đâu thì người đọc cũng chợt bâng khuâng nhận ra một nỗi nhớ, nỗi sầu
nghẹn ngào trong lòng thi sĩ.
Thôn Vĩ dẫu chỉ trong tâm tưởng nhưng hiện lên thật rõ ràng, cụ thể qua ngòi bút tài hoa của Hàn Mặc Tử:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Trong cùng một cây thơ, chữ “nắng” được lặp lại đến hai lần. Chắc có lẽ ánh nắng ấy rực rỡ đến độ đong
đầy không gian, vươn lên vạn vật, chảy tràn sánh vàng tựa như mật. Trong khu vườn thôn Vĩ, cau là loại cây
cao nhất, đón những ánh nắng đầu tiên nhất. Bởi vậy, ánh “nắng hàng cau” là ánh nắng trong trẻo nhất,
thanh tân nhất, thuần khiết nhất. Trong tâm tưởng của nhà thơ, nắng là thứ chất lỏng ngọt lành của mẹ thiên
nhiên rót đầy vào khu vườn, mặt trời càng lên cao, thứ chất lỏng ấy càng dâng lên cho đến lúc phủ qua tán
cao, bao trùm cả khu vườn bằng sắc vàng óng ánh của nó.
Đại từ phiếm chỉ “ai” khiến cho câu thơ tiếp theo thêm phần ý vị, mang âm hưởng của những điệu hò trên
sông Hương. “Vườn ai” không chỉ riêng một khu vườn cụ thể nào mà tựa như theo dấu cuộc hành trình
trong tâm tưởng, hai bên đường đều là những mảnh vườn như thế. Đắm chìm trong sắc xanh của cây lá miệt
vườn, Hàn Mặc Tử liền thốt lên “mướt quá”. “Mướt” là trạng thái mỡ màng, tươi tốt, căng tràn sức sống của
những cành cây, tán lá. Hẳn khu vườn phải được chăm sóc hết sức tỉ mỉ, cẩn thận từ một bàn tay khéo léo.
Hay do chính nhà thơ cũng cẩn thận, nâng niu, gìn giữ từng phiến lá trong tâm hồn mình nên mới thoát lên
một ý thơ đẹp đẽ như vậy.
Ông còn vẽ nên hình ảnh so sánh “xanh như ngọc”, khiến người đọc như cảm nhận được tiếng nhựa sống
chuyển mình xôn xao trong tán lá, thấy hương vườn yểu điệu bước ra qua từng con chữ. Vẻ đẹp được sánh
với “ngọc” không chỉ tráng lệ mà còn quý giá vô cùng. Giữa màu “xanh như ngọc” ấy thấp thoáng bóng
dáng con người:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
“Mặt chữ điền” là gương mặt phúc hậu, thường dùng để miêu tả trang nam nhi. Vậy khuôn mặt đó là mặt ai?
Phải chăng đây chính là khuôn mặt của thi sĩ, hay là khuôn mặt của người thiếu nữ sông Hương?
Thôn Vĩ Dạ qua cái nhìn của thi sĩ ngập trong nắng. Nó như một bức tranh sơn dầu với ánh nắng tỏa ra lấp
lánh trên những hàng cau, nhè nhẹ rơi từng hạt, từng hạt óng ánh vàng vào cõi lòng người đọc. Chẳng ai biết
được những cảnh vật ấy là dĩ vãng, hiện tại hay trong trí tưởng tượng của nhà thơ. Chỉ biết rằng tình yêu
thiên nhiên và con người thôn Vĩ khiến nó hiện lên thật đẹp. Có lẽ là vì: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi
đất bỗng hóa tâm hồn…Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” (Chế Lan Viên). Hàn Mặc Tử đã phủi đi lớp bụi
mờ của thời gian, vượt qua nỗi đau của thể xác, những tổn thương tinh thần, đem vẻ đẹp từ qua khứ của thôn
Vĩ Dạ đến với hiện tại, đến với từng dòng thơ, từng câu từ. Chính bởi vậy, người đọc cảm nhận được cảnh
sắc thôn Vĩ không chỉ qua thị giác mà còn qua những xúc cảm, những rung động của trái tim.
Ở khổ thơ đầu, dẫu chỉ trong tâm tưởng nhưng nó là cảnh vật chân thực trong kí ức. Vậy mà chỉ mới chớp
mắt thôi, cảnh vật dần trở nên mờ ảo hơn:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp bay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Theo lẽ tự nhiên của trời đất, mây phải chuyển động theo hướng gió, nhưng ở đây Hàn Mặc Tử lại để “gió
theo lối gió, mây đường mây”. Phải chăng sự chia li của mây, gió chính là sự chia li của thi sĩ và Hoàng Thị
Kim Cúc, và cũng là sự chia li giữa tâm hồn và thể xác con người? Nỗi niềm tiếc nuối chia li đó được Hàn
Mặc Tử gửi gắm vào dòng sông Hương hiền hòa, thơ mộng: “Dòng nước buồn thiu, hoa bắp bay”. Dòng
nước “buồn thiu” chậm chạp phải chăng là vì mang nặng nỗi lòng của con người? Và chợt gió thổi khiến
“hoa bắp lay”. Ta cũng từng bắp gặp hình ảnh hoa bắp lay ở “Bờ sông vẫn gió” của Trúc Thông:
Lá ngô lay ở bờ sông,
Bờ sông vẫn gió, người không thấy về.
Hay trong câu ca dao:
Ai về Giồng Dứa qua truông,
Gió lay bông sậy bỏ buồn cho ai.
Và cho dù ở đâu chăng nữa, hình ảnh những cây bắp, cây lau lay mình trong gió cũng thật đượm buồn. Bãi
ngô trãi dài bên bờ sông Hương của Hàn Mặc Tử cũng vậy, cũng mang một vẻ đẹp buồn thương. Thiên
nhiên rất đẹp nhưng lại rất lãnh lẽo, dường như nó phảng phất tâm trạng u buồn, cô đơn của nhà thơ trước
khoảng cảnh ngày càng lớn dần của cuộc sống đối với mình.
Và thoắt cái, khung cảnh đã chuyển sang một đêm trăng huyền ảo:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Rõ ràng đây là cảnh thật mà cứ như ảo. Dòng sông ở đây không chỉ là dòng sông của sóng nước, mà còn là
dòng sông của ánh trăng lấp lánh ánh vàng. Cũng vì lẽ đó, con thuyền vốn là cảnh vật nay cũng trở thành
mộng tưởng. “Thuyền ai”? Thuyền của người dân thôn Vĩ hay thuyền của thi nhân tự tạo ra trong tâm tưởng
để xuôi dòng sông thời gian trở về nơi bến cũ? Câu hỏi tu từ: “có chở trăng về kịp tối nay?” nghe mới xót xa
làm sao! Tại sao bắt buộc lại là “tối nay” mà không thể là “tối mai” hay bất kì thời gian nào khác? Có lẽ là
vì thi nhân ý thức được căn bệnh hiểm nghèo của bản thân, ý thức được thần Chết đang cận kề nên ông giục
giã, khao khát được nhìn thấy con thuyền ấy để kịp quay về với thôn Vĩ, nơi “đất lạ hóa quê hương” lần
cuối.
Đều cùng là một vầng trăng nhưng tại sao Hàn Mặc Tử lại muốn nhìn thấy vầng trăng thôn Vĩ, mà không
phải vầng trăng ở trại phong Quy Hòa? Ánh trăng thôn Vĩ là ánh trăng tinh khiết của thời tuổi trẻ tràn đầy
sức sống, còn ánh trăng Quy Hòa dù là tri kỉ nhưng đã chứng kiến biết bao đêm bệnh tật giày vò của thi sĩ.
Dù thể xác bị trói buộc bởi bệnh tật nhưng tâm hồn của ông luôn khao khát chiếc thuyền kia “chở trăng về”
thời tươi đẹp của cuộc đời.
Bước chân sang khổ thơ cuối, cảnh vật ngày càng hư vô, huyền ảo khiến người đọc xác định vị trí trong vô
định.
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Về thôn Vĩ, cảnh thôn Vĩ vẫn như đẹp, người thôn Vĩ vẫn chất phác, hiền lành như thế, nhưng đó chỉ là dĩ
vãng, tất cả giờ nằm ngoài tầm với của nhà thơ. Thế nên tất cả chỉ là phiếm định, là “ai” chứ không phải một
người cụ thể nào. Càng nhớ, cuộc trở về trong hoài niệm càng mơ hồ, mơ hồ. Để rồi đến cuối cùng, Hàn
Mặc Tử dường như trở nên xa lạ trong chính kí ức của bản thân. Số phận nghiệt ngã đã đẩy giấc mơ của Hàn
Mặc Tử ngày càng xa. “Khách đường xa” này là ai? Là Hoàng Thị Kim Cúc mà thi nhân một thuở thầm mến
hay chính là thân phận hiện tại của Hàn Mặc Tử, chỉ là vị “khách đường xa” ghé trọ nơi cuộc sống này?
Cụm từ “nhìn không ra”gợi lên hình ảnh cô gái thôn Vĩ ngày xưa mờ ảo trong cõi mộng. Người con gái xứ
Huế đẹp quá, kín đáo và huyền ảo quá, khiến chàng thi nhân không nhìn ra “áo em trắng” hay không nhìn
thấu được lòng em. Cuộc trở về trong mơ tưởng chừng như hạnh phúc, nào đâu lại kết thúc trong cay đắng,
tuyệt vọng:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Thêm một lần nữa, câu hỏi tu từ lại xuất hiện: “Ai biết tình ai có đậm đà?” khiến ta băn khoăn càng băn
khoăn. “Ai” là ai? “Tình ai” là tình của ai? Hàn Mặc Tử đang hoài nghi về tình cảm người đời dành cho
mình. Hoài nghi là một tâm trạng mà nhà thơ dành cho con người thôn Vĩ. Nhà thơ đang gánh chịu nỗi đau
về thể xác giờ đây phải gánh thêm nỗi đau về tâm hồn. Giữa nhà thơ và cuộc sống giờ đay không bị ngăn
cách bởi bốn bức tường, mà bằng chính nỗi mặc cảm của nhà thơ, của “ai” “mờ nhân ảnh”.
Theo dấu những vần thơ của Hàn Mặc Tử, người đọc như lạc vào cuộc hành trình từ thực tại đến mơ ảo,
“vườn thơ Hàn rộng không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh” (Hoài Thanh). “Đây thôn Vĩ Dạ” là bản tình ca
về tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, con người. Trải qua bao năm tháng, cái tình của Hàn Mặc Tử vẫn
còn tươi nguyên, nóng hổi và day dứt trong lòng người đọc. Đây là một nghệ sĩ tài hoa, một trái tim suốt đời
thổn thức vì tình yêu, một người nghệ sĩ đã biến những nỗi đau thương bất hạnh của cuộc đời mình thành
những đóa hoa thơ, mà trong đó thơm ngát nhất, thanh khiết nhất là “Đây thôn Vĩ Dạ”

----------Hết----------

You might also like