You are on page 1of 6

PHÂN TÍCH BÀI THƠ VỘI VÀNG CỦA TÁC GIẢ XUÂN DIỆU

Xuân Diệu được biết đến là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ, một
trong những nhà thơ lớn của Việt Nam nổi tiếng từ phong trào Thơ mới. Ngay từ những buổi
đầu bước chân chập chững vào làng thơ ca Việt Nam, Xuân Diệu dường như đã tự chọn cho
mình một lẽ sống hết sức độc đáo: sống là để yêu và tôn thờ Tình yêu! Phụng sự lý tưởng
cao cả bằng tất cả tấm lòng nồng nhiệt, cháy bỏng, bằng cuộc sống say mê và bằng việc làm
thơ tình! Nhắc đến Xuân Diệu, sẽ thật là thiếu sót nếu không kể tên "Vội vàng" trong tuyển
tập "Thơ thơ"- một trong những thi phẩm tiêu biểu, bộc lộ quan niệm nhân sinh mới mẻ của
Xuân Diệu, hình thức hấp dẫn với nhiều cách tân táo bạo, nhuần nhị đặc trưng của Thơ mới.
Thơ Xuân Diệu nhẹ nhàng, đằm thắm và tinh tế như chính tác giả của nó, để lại trong tâm
hồn người đọc đôi nét ấn tượng đậm sâu và thật khó phôi pha về niềm yêu đời mãnh liệt,
lòng ham sống đến bồng bột, cuồng nhiệt. Đến với 13 câu đầu trong “Vội vàng”, chúng ta sẽ
thấy rõ được ước muốn táo bạo, kì lạ của thi sĩ và bức tranh xuân – vẻ đẹp thiên đường trên
mặt đất.

Bài thơ Vội vàng được in trong tập "Thơ thơ" (1933-1938), xuất bản năm 1938.
Bài thơ thể hiện một tình yêu đời, tình yêu cuộc sống đến cuồng nhiệt cũng như một quan
niệm nhân sinh chưa từng có trong thơ ca truyền thống và là một trong những tác phẩm
xuất sắc nhất của Xuân Diệu. Người đọc thấy được một lời giục giã sống mãnh liệt, sống hết
mình từng phú từng giây cũng như thái độ tích cực, khát vọng sống của tác giả.

"Tôi muốn tắt nắng đi


Cho màu đừng nhạt mất,
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi."

Những nét đẹp của mùa xuân đâu chỉ thuộc về riêng Xuân Diệu. Từ nghìn năm
trước, các bậc tiền bối đã có những vần thơ tràn trề về tình yêu đối với mùa xuân và cuộc
sống. Nhưng có lẽ say đắm đến mức có những khát vọng, ham muốn táo bạo và phi thường
như Xuân Diệu, đó là điều rất mới mẻ, rất mãnh liệt. Đặc biệt là cái cách nói của nhà thơ.
Trong thơ ca trung đại, nét nổi bật là tính phi ngã, cái tôi trữ tình thường khép nép náu mình
sau những hình tượng thiên nhiên chỉ cốt để lột tả sự hùng vĩ, rộng lớn của cảnh sắc thiên
nhiên. Trong khi đó, Xuân Diệu lại bộc lộ ý thức về cái tôi trữ tình một cách thật độc đáo, táo
bạo. Tác giả sử dụng nghệ thuật điệp ngữ "tôi muốn" cùng với thể thơ ngũ ngôn có tiết tấu
nhanh, mạnh, dứt khoát đã góp phần nâng tầm cái ước muốn mãnh liệt của thi sĩ lên trên cả
phi thường. Đó là ước muốn “tắt nắng” để "màu đừng nhạt mất", buộc gió để "hương đừng
bay đi". Nhà thơ ám ảnh bởi bước đi của thời gian đến độ lo âu trước sự thay đổi của đất trời,
cảnh vật... muốn ôm tất cả, muốn giữ lại tất cả thiên nhiên với vẻ đẹp vốn có của nó. Ông
muốn níu giữ thời gian để màu sắc và hương thơm còn vương mãi trong cuộc đời người thi sĩ,
để giữ mãi thời xuân sắc của vạn vật. Đó chính là ước muốn níu giữ thời gian, chặn vòng
quay của vũ trụ, đảo ngược quy luật tự nhiên, phải chăng là ông đang muốn đoạt quyền tạo
hóa. Nói Xuân Diệu là một nhà thơ mới, quả thật không sai! Nếu như trong thơ ca của những
thi sĩ lãng mạn ngày xưa, thiên đường chính là chốn bồng lai tiên cảnh, , thì trong quan niệm
thơ của Xuân Diệu, cuộc sống trần gian mới đích thực là nơi đong đầy hạnh phúc nhất! Thơ
lãng mạn của ông luôn có một niềm say mê, một niềm khát khao giao cảm với đời. Dường
như lòng yêu đời, yêu cuộc sống của ông đã biến cái ham muốn "tắt nắng", "buộc gió" trở nên
quá táo bạo. Đó là ước muốn bất tử hóa cái đẹp, giữ cho cái đẹp tỏa sắc lên hương vì đóa hoa
hương sắc cuộc đời tươi thắm, ngọt ngào mà mong manh, ngắn ngủi biết bao. Có thể nói đằng
sau ước muốn phi lí ấy là một tâm hồn yêu người với thái độ trân trọng, nâng niu và gìn giữ.

"Của ong bướm này đây tuần tháng mật;


Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si."

Trong đoạn thơ, điệp ngữ "này đây" được sử dụng 5 lần kết hợp với thủ pháp liệt
kê khiến nhịp thơ trở nên dồn dập, hối hả, đó còn là một sự chỉ trỏ ngơ ngác, ngạc nhiên, như
một tiếng reo vui hồ hởi, vui sướng tột cùng để rồi chìm ngập đắm say trước vạn vật. Của ong
bướm tuần tháng “mật” ngọt ngào, nào là hoa của đồng nội xanh “rì”, nào là lá của cành tơ
“phơ phất”, của yến anh là khúc tình “si”; qua đó thể hiện nét đẹp phong phú bất tận của thiên
nhiên. Trong bức tranh thiên nhiên tưới tắn ấy, nhà thơ lấy con người làm chuẩn mực của cái
đẹp, tạo nên vẻ đẹp riêng trong bức tranh xuân của thi sĩ. Tuần tháng mật của yêu thương
cũng trở thành mùa vui của bướm ong dập dìu, cành tơ phơ phất đầy nhựa sống, tiếng hót say
sưa của chim yến, chim oanh. Cảnh vật trong thơ ông đã trở nên cuộn trào sắc màu, cuộn trào
sức sống. Cách ngắt nhịp trong đoạn thơ đầy linh hoạt, biến hoá (3/2/3 và 3/5) đã lột tả được
nhịp điệu vui tươi, phấn khởi. Nếu thơ xưa, các nhà thơ chỉ sử dụng thính giác và thị giác để
cảm nhận vẻ đẹp của ngoại giới thì các thi sĩ thời Thơ mới lại huy động tất cả các giác quan
từ nhiều góc độ để cảm nhân vẻ đẹp và sự quyến rũ đắm say hồn người của cảnh vật và đất
trời lúc xuân sang. Sự vật bình thường ở ngoài đời cũng được đặt cho một dáng vẻ rất kiêu sa,
rất hãnh diện dưới con mắt của một tấm lòng yêu cuộc sống thiết tha, thiên nhiên đất trời
mang trong mình hồn thơ của Xuân Diệu đã trở nên lung linh, đẹp đẽ, là biểu tượng của mùa
xuân và tuổi trẻ ở giữa cuộc đời! Đặc biệt là những hình ảnh, những khung cảnh được miêu tả
thật cụ thể, in đậm phong cách Xuân Diêu: tuần tháng mật, đồng nội xanh rì ... tất cả tràn trề
sự sống và thật đắm say!

“Và này đây ánh sáng chớp hàng mi


Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Chưa bao giờ trong thơ ca Việt Nam, hình ảnh mặt trời - vầng thái dương lại hiện lên với đôi
nét dịu dàng, tình tứ và lãng mạn đến thế. Hình ảnh "thần vui hằng gõ cửa" gợi những
liên tưởng gần gũi với hình tượng mặt trời trong thần thoại hy lạp xưa. Với Xuân Diệu, mỗi
ngày được sống, được nhìn thấy mặt trời, được tận hưởng sắc hương của vạn vật là một ngày
vui. Niềm vui sướng trong tâm hồn nhà thơ dâng tràn khiến ngòi bút của Xuân Diệu thật sự
xuất thần và thi sĩ đã sáng tạo nên 1 câu thơ tuyệt bút:"Tháng giêng ngon như một cặp môi
gần". Một chữ “ngon” chuyển đổi cảm giác thần tình, gợi nên sự hấp dẫn của mùa xuân đất
trời. Đây là câu thơ mới mẻ, hiện đại, thể hiện được sự hấp dẫn của mùa xuân bằng so sánh vô
cùng độc đáo. Có thể nói Xuân Diệu là người đầu tiên "tỏ tình" với thiên nhiên. Nhà thơ đem
lại một khái niệm vốn trừu tượng thuộc về thời gian "tháng giêng" so sánh với một hình ảnh
vốn cụ thể, nhưng sao câu thơ Xuân Diệu vẫn tinh khôi, vẹn nguyên, trong sáng, lại gần gũi
và trẻ trung đến thế. Sự hấp dẫn của thiên nhiên hiện ra trong vẻ đẹp của người tình với "cặp
môi" căng tràn tươi trẻ và quyến rũ. Từ “ngon” được thốt lên đầy khát khao, nhà thơ đã huy
động mọi giác quan: từ thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác để tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên,
cuộc đời này . Phép so sánh như đã đưa đôi môi của người thiếu nữ trở thành trung tâm của
vũ trụ, lấy con người làm chuẩn mực cho cái đẹp, thước đo vẻ đẹp của tạo hóa: một cách so
sánh vô cùng lạ lùng, táo bạo

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa


Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”

Đang ở đỉnh điểm của hạnh phúc, tâm hồn nhà thơ bỗng trỗi lên nỗi âu lo trước
cái mong manh của xuân sắc phai tàn sắp sửa. Thi nhân nhận ra cái quy luật khắc nghiệt của
dòng chảy thời gian. Hai tâm trạng trái ngược như dồn nén trong dòng thơ "Tôi sung sướng.
Nhưng vội vàng một nửa". Về hình thức, đây là một cấu trúc độc đáo bởi nó ngắt thành 2 câu
chứa đựng 2 tâm trạng, 2 cảm xúc trái ngược nhau: sung sướng- vội vàng. Nhưng điều mà
Xuân Diệu muốn diễn tả là "vội vàng một nửa", nó gợi tả nên tâm trạng tiếc nuối, lưu luyến
tuổi xuân. Theo lẽ thường tình thì con người ở “cái dốc bên kia của cuộc đời” thì họ mới biết
luyến tiếc tuổi xuân. Nhưng ở đây Xuân Diệu đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, đang quá
đỗi trẻ trung mà đã biết nuối tiếc, đã vội vàng "Tôi không chờ nắng hạ mới hòai xuân." Hai
câu thơ như cánh cửa khép mở tâm trạng vừa vồ vập đắm say trong vẻ đẹp của cuộc sống,
tình yêu vừa có linh cảm bất an, lo lắng của nhà thơ. Lo lắng vì thời gian qua mau, tuổi trẻ đã
đi thì sẽ không trở lại. Qua đây, phải nói rằng Xuân Diệu là nhà thơ của những cảm quan tinh
tế về thời gian, không gian.

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua


Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”

Con người thời trung đại hình như yên trí với quan niệm thời gian tuần hoàn với cái chu kỳ
bốn mùa, cũng như cái chu kì ba vạn sáu ngàn ngày của kiếp người. Xuân Diệu nhìn cuộc đời
bằng con mắt xanh non biếc rờn nhưng cũng không tránh khỏi những hoài nghi, mất mát.
Điều thi sĩ sợ nhất là tuổi trẻ qua đi, tuổi già mau tới bởi thời gian là tuyến tính nên thời gian
như một dòng chảy mà mỗi một khoảnh khắc qua là mất đi vĩnh viễn. Cách dùng cặp từ đối
lập trong hai câu thơ “Tới – qua”, “non – già” đã cho người đọc thấy được sự cảm nhận rất
đỗi tinh tế của thi nhân về bước đi của thời gian. Thời gian như dòng chảy không ngừng nghỉ.
Cái ta đang có cũng là cái ta đang mất, trong hiện tại đã có quá khứ và hé mở tương lai.

Xuân Diệu lấy sinh mệnh cá thể của mình làm thước đo thời gian. Tức là lấy quỹ thời gian
hữu hạn của cuộc đời mình ( sinh mệnh cá thể ) ra để đo đếm thời gian trong vũ trụ. Thậm chí
thi sĩ lấy quãng ngắn nhất, giàu ý nghĩa nhất trong sinh mệnh của con người là tuổi trẻ để làm
thước đo:

“Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất


Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời ”

Chữ “Xuân” được điệp đi điệp lại cả năm đến sáu lần (trong ba câu đầu đã có tới năm lần).
“Xuân” ấy vừa là xuân của đất trời vừa là “xuân” của cuộc đời, của tuổi trẻ. Mỗi lần nhắc lại
là mỗi lần ta bắt gặp cái ngậm ngùi của thi nhân. Xuân của thiên nhiên thì còn mãi mà “xuân”
của đời người đã “hết” thì “tôi cũng mất”. Dù lòng yêu có “rộng” đến bao nhiêu thì “lượng
trời” vẫn cứ chật. Nên “tuổi trẻ nhân gian” không thể “dài” thêm mãi. Ở đây, hệ thống từ ngữ,
hình ảnh được đặt trong thế tương phản đối lập cao độ (tới – qua, non –già, rộng – chật, xuân
tuần hoàn, - tuổi trẻ chẳng hai lần, còn – chẳng còn) để làm nổi bật tâm trạng nuối tiếc thời
gian, cuộc đời. Vũ trụ có thể vĩnh viễn, mùa xuân rồi cũng tuần hoàn nhưng tuổi xuân của con
người chỉ có một lần, đã qua là qua mãi. Cho nên Xuân Diệu đã nồng nhiệt phủ định:

“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,


Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại !”
Thước đo thời gian của thi sĩ là tuổi trẻ. Tuổi trẻ một đi không trở lại “chẳng hai lần thắm lại”
thì làm chi có sự tuần hoàn ! Trong cái mênh mông của đất trời, cái vô tận của thời gian, sự có
mặt của con người thật là ngắn ngủi, hữu hạn. Nghĩ về tính hạn chế của kiếp người, Xuân
Diệu đã đem đến một nỗi ngậm ngùi thật mới mẻ:

“Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi


Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”

Đọc hai câu thơ, ta cảm nghe rất rõ tiếng thở dài bất lực của thi nhân. Ta nghe rõ cả cái bâng
khuâng, nuối tiếc của nhà thơ phả vào đất trời. Dường như trước mắt người đọc là cả một trời
tiếc nuối. Tâm trạng ấy của Xuân Diệu ta cũng bắt gặp trong bài thơ “Giục giã”:

“Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn


Vừa xịch gối chăn mộng vàng tan biến
Dung nhan xê động sắc đẹp tan tành
Vàng son đang lộng lẫy buổi chiều xanh
Vừa ngoảnh lại cả lầu chiều đã vỡ”

Phải chăng vì quá yêu mến tuổi trẻ mà từ sự nuối tiếc ấy, thi nhân đã “thức nhọn giác quan”
để sống “toàn tâm, toàn ý, sống toàn hồn” mà “say”, “thâu”, “hôn”, “cắn” cho kỳ hết những
hương nồng của tuổi trẻ?

Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu là cảm nhận đầy tính mất mát. Mỗi khoảnh khắc trôi
qua là một sự mất mát lớn lao. Sự tàn phai không chỉ đến “khắp sông núi” mà còn ở từng cá
thể. Và thời gian trôi đi sẽ khiến cho cái nhan sắc thiên nhiên diệu kỳ này bước vào độ tàn
phai. Một sự tàn phai không thể nào tránh khỏi:

“ Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi


Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”

Đây là hai câu thơ thể hiện rất rõ cách cảm nhận tinh vi về thời gian của Xuân Diệu. Cảm
nhận ấy không chỉ bằng thị giác mà còn cảm nhận bằng cả khứu giác “mùi tháng năm”, cả vị
giác “vị chia phôi”. Mỗi khoảnh khắc đang rời bỏ hiện tại để trở thành quá khứ được hình
dung như một cuộc chia lìa. Khoảnh khắc nào cũng là một chia lìa, một mất mát. Và dòng
thời gian được nhìn như một chuỗi vô tận của những mất mát, chia phôi. Cho nên, thời gian
thấm đẫm hương vị của sự chia lìa. Dậy lên đó đây khắp không gian là lời than thở tiễn biệt
“khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”. Nó là lời thở than của vạn vật, là không gian đang
tiễn biệt thời gian, mà sâu xa hơn là mỗi sự vật thời gian đang ngậm ngùi tiễn biệt một phần
đời của chính nó. Những phần đời của sinh mệnh cá thể đang ra đi không thể nào cưỡng lại,
nó tạo nên sự trôi chảy không ngừng, tạo nên sự phôi pha, phai tàn của từng cá thể:

“Con gió xinh thì thào trong lá biếc


Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?”

Gió đùa trong lá không phải là những âm thanh của thiên nhiên tươi vui của mùa xuân, mà là
lời “thì thào” về nỗi hờn giận, buồn thương. Gió phải chia tay với cây lá mà bay đi; chim chóc
trên cây đang ca hát rộn ràng chào xuân bỗng ngừng bặt, chẳng phải có sự đe dọa nguy hiểm
nào, mà chỉ vì chúng buồn tiếc cho mùa xuân sắp trôi qua. Thế là chẳng riêng gì Xuân Diệu
mà cả vạn vật trong thiên nhiên cũng thức nhận về cái quy luật nghiệt ngã, cái một đi không
bao giờ trở lại của thời gian ấy. Có phải vậy mà Xuân Diệu đưa ra một quyết định hợp lí cho
mình và cho tất cả mọi người “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.

“Chẳng bao giờ ôi! chẳng bao giờ nữa


Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm”

Thi sĩ bỗng thốt lên lời than. Tiếc nuối, lo lắng và chợt tỉnh vì "mùa chưa ngả chiều hôm",
nghĩa là vẫn còn trẻ trung, chưa già. Lên đường! Phải vội vàng, phải hối hả “Mau đi thôi”.
Câu cảm thán với cách ngắt nhịp biến hóa làm nổi bật nỗi lòng vừa lo lắng băn khoăn vừa
luống cuống tiếc rẻ, bâng khuâng. Thế đấy, không thể “buộc gió”, không thể “tắt nắng”, cũng
không thể cầm giữ được thời gian, thì chỉ có cách thực tế nhất là chạy đua với thời gian, là
phải tranh thủ sống . Xưa kia, Nguyễn Trãi viết trong chùm "Thơ tiếc cảnh":

"Xuân xanh chưa dễ hai phen lại


Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên".

Những vần thơ của Nguyễn Trãi giúp ta cảm nhận sắc điệu trữ tình trong "Vội vàng" về màu
thời gian, về sắc thời gian, về tuổi trẻ. Cũng qua đó để hiểu thêm về lòng ham sống đến nhiệt
cuồng của nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới”.

"Ta muốn ôm.


Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chuếnh choáng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!"

Hình thức trình bày đoạn thơ rất đặc biệt, thể hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả.
Ba chữ "Ta muốn ôm" được đặt ở giữa dòng thơ mô phỏng hình ảnh nhân vật trữ tình đang
dang rộng vòng tay để ôm tất cả sự sống lúc xuân thì - sự sống giữa thời tươi vào lòng. Đó là
chân dung của một cái tôi đầy tham lam, ham hố đang dứng giữa trần gian, cuộc đời, dòng đời
để ôm cho hết, riết cho chặt, cho say, cho chếnh choáng, thâu cho đã đầy, cho no nê, cho tới
tận cùng những hương sắc của đất trời giữa mùa xuân... Tất thảy đều vồ vập, khát khao đến
cháy bỏng với các mong muốn được giao hoà, giao cảm mãnh liệt với vạn vật, với cuộc đời.
Đây quả là một khát khao vô biên, tuyệt đích, rất tiêu biểu cho cảm xúc thơ Xuân Diệu. Điệp
từ, điệp ngữ được sử dụng với tần số dày đặc trong cả đoạn thơ tiêu biểu cho nhịp điệu dồn
dập, đầy bồng bột, đắm say. Chính những câu thơ đó lưu lại trong ta ấn tượng về một dòng
sông cảm xúc cứ dâng trào, ào ạt từ câu mở đầu cho đến câu cuối cùng bài thơ. Chỉ riêng điệp
ngữ ta muốn được điệp tới bốn lần, mỗi lần điệp đi điệp lại liền với một động từ diễn tả một
trạng trái yêu thương mỗi lúc một nồng nàn, say đắm: ôm, riết, say, thâu. Đó chính là đỉnh
điểm củacảm xúc bồng bột, sôi nổi và đắm say khiến nhà thơ phá tung những quan niệm của
thi pháp trung đại để biểu lộ tâm hồn mình trong một cách nói tưởng như vô nghĩa mà hoá ra
rất sáng tạo "Và non nước, và cây, và cỏ rạng." Một trạng thái tham lam, ham hố không có
điểm tận cùng trong tâm hồn nhà thơ. Tròn cảm nhận của thi nhân, cuộc đời trần thế như bày
ra cả một bàn tiệc với tất cả hình ảnh của cuộc sống tươi non, đầy hương sắc. Nhà thơ diễn tả
thiên nhiên bằng các mĩ từ, lại nhân hoá khiến nó hiện ra như con người có hình hài và mang
dang dấp của tuổi xuân. Câu cuối cùng kết thúc cả bài thơ:" Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào
ngươi." Đây là lời gọi thiết tha với sự cuồng nhiệt cao độ của 1 trái tim khao khát tình yêu và
cuộc sống. Trong hồn thơ Xuân Diệu, mùa xuân - tuổi xuân ngon lành và quyến rũ như một
trái chín ửng hồng, như mời mọc. Trong câu thơ này, hình ảnh xuân hồng với từ "cắn" khiến
câu thơ thật gợi cảm xen chút giật mình trước tứ thơ thật độc đáo, diễn tả niềm khao khát giao
cảm mãnh liệt, sự ham hố cuồng nhiệt của Xuân Diệu mãi mãi là khát vọng, là
ham muốn không có giới hạn.

 Bài thơ là lời giục giã thế hệ trẻ sống vội vàng, sống để hưởng thụ hết những gì đẹp đẽ
nhất của cuộc đời. Bởi tuổi trẻ của mỗi người chỉ đến một lần duy nhất và thời gian thì
không đứng yên để đợi một ai cả. Nó sẽ trôi đi và người ta sẽ mất nó vĩnh viền.
 Đồng thời, bài thơ đã thế hiện lòng ham sống mãnh liệt của cái tôi Xuân Diệu rất hiện
đại cùng với một quan niệm sống mới mẻ về thời gian, tuổi trẻ và hạnh phúc.
 Cái tôi trong thơ Xuân Diệu là cái tôi tiêu biểu của thời đại thơ Mới, cũng là dấu mốc
cho sự thắng thế hoàn toàn của thơ Mới trên thi đàn lúc bấy giờ:
Giá trị nghệ thuật:

 Cách liên tưởng, so sánh mới lạ với những hình ảnh thơ độc đáo, giàu sức gợi cảm, gợi
hình: Tháng Giêng ngon, Mùi tháng năm,...
 Thủ pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác để người thi sĩ có thể cảm nhận mùa xuân, cái đẹp
của thiên nhiên đất trời bằng tất cả các giác quan. Đó chính là cách sống hết mình, tận
hưởng hết mình, giao hòa với thiên nhiên của Xuân Diệu
 Một loạt những hình ảnh nhân hóa, biện pháp điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc và các
động từ mạnh đã tạo ra nhịp điệu cuống quít, hối hả, rộn rã khiến cho bài thơ mang âm
hưởng như một lời hiệu triệu, một sự giục giã của Xuân Diệu với những con người trẻ.

You might also like