You are on page 1of 4

“Mau với chứ, vội vàng lên với chứ

Em, em ơi, tình non đã già rồi


Con chim hồng trái tim nhỏ của tôi
Mau với chứ ! Thời gian không đứng đợi”
Thi sĩ đã cất lên những câu thơ rất hay, tươi sáng, không kém phần lãng mạn và còn
“tha thiết, rạo rực, băn khoăn” (Hoài thanh) ấy chính là Xuân Diệu. Đặc biệt ở “Vội
vàng”, tình yêu cuộc sống ấy lại càng thêm mãnh liệt, tha thiết hơn qua con mắt
nhìn đời đầy xao xuyến của Xuân Diệu. Với 13 câu đầu, ta như cảm thấy rạo rực
cùng Xuân Diệu bởi lẽ “ thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của con người
khi chjam vào cuộc sống” đúng như Nguyễn Đình Thi đã từng nói.
(trích 13 câu thơ)
Xuân Diệu là người con của đất Hà Tĩnh với mẹ là thi sĩ quê ở Gò Bồi, Bình Định. Ông là
một cây bút có sức sáng tạo mãnh liệt, dồi dào, bền bỉ, có đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh
vực đối với nền văn học Việt Nam hiện đại. Điển hình như tập “Thơ thơ” (1938), “Riêng
chung” (1960) hay “Gửi hương cho gió” (1945)...Trong đó ấn tượng nhất chính là bài thơ
“Vội vàng”-một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu trước cách mạng tháng
8. Bài thơ là dòng cảm xúc mãnh liệt, dào dạt tuôn trào nhưng vẫn theo mạch lập luận, bố
cục vô cùng chặt chẽ. Qua từng khổ thơ, tác giả đã bộc lộ một niềm khao khát sống mãnh
liệt và quan niệm vô cùng độc đáo về thời gian và tuổi trẻ.
Mở đầu là
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất,
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Bằng thể thơ ngũ ngôn kết hợp cùng nhịp thơ 2/3 có tiết tấu nhanh mạnh, nhà thơ đã
mang đến giọng điệu rắn chắc, giúp bộc lộ triệt để quyết tâm chặn đứng bước đi thời gian
của mình. Quyết tâm ấy được ẩn chứa trong cái khát khao ngông cuồng, mạnh mẽ và lạ
lùng của thi sĩ mà biểu hiện cụ thể chính là qua điệp ngữ “Tôi muốn” và cách điệp cấu
trúc “Tôi muốn...cho”. Ước muốn mạnh mẽ hiện lên qua cách thể hiện cái “tôi” cá nhân
của nhà thơ. Một cái “tôi” thật khác biệt: bộc lộ trực tiếp ý thức cá nhân, không ém mình
mà lừng lững hiện diện, mà áng ngữ ngay cửa ngõ bước vào thế giới thơ. Ý nguyện của
thi sĩ là muốn tác động vào vũ trụ để giữ nguyên vẻ đẹp của thiên nhiên ở thực tại, một vẻ
đẹp chóng mất, chóng phai tàn. Dù vậy, nhà thơ vẫn muốn vĩnh viễn hóa chúng bằng cách
“tắt nắng”, “buộc gió”. Mong ước chủ quan này của thi sĩ dường như vô lí, “rời xa cuộc
sống”, “thoát li hiện thực” nhưng nó lại có lý trong tâm hồn: say mê thiên nhiên, say mê
cuộc sống của Xuân Diệu.
Nhưng ý muốn chủ quan làm sao thắng nổi quy luật khách quan nên dù mạnh mẽ
nhưng vẫn thật bất lực. Tất cả chỉ dừng lại ở “tôi muốn” mà thôi. Tuy vậy, cái ham muốn
lạ lùng ấy đã hé mở một lòng yêu bồng bột, vô bờ với cái thế giới thắm sắc, đượm hương.
Từ ấy, Xuân Diệu say sưa vẽ ra thiên đường ngay trên mặt đất, tạo nên một không gian xa
lạ mà lại rất đỗi quen thuộc, một khu vườn mùa xuân của chính Xuân Diệu:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng cỏ nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần.”
Bữa tiệc nơi trần thế đã được nhà thơ gợi lên qua hàng loạt những hình ảnh “ong
bướm-tuần tháng mật”, “hoa-đồng nội xanh rì”, “lá-cành tơ phơ phất”, “yến anh-khúc tình
si”. Bên cạnh đó, tính từ chỉ màu sắc “xanh rì”, âm thanh “khúc tình si” và động từ “phơ
phất”...song hành cùng danh từ chỉ sự vật “hoa, lá, ong bướm” đã cùng họa quyện, tạo nên
một bức tranh thiên nhiên muôn màu, muôn vẻ. Không những thế, điệp ngữ “này đây” đặt
ở nhiều vị trí khác nhau như đang diễn tả bước chân hăm hở của thi nhân và cảm xúc ngạc
nhiên, ngỡ ngàng khi mỗi bước chân là một phát hiện mới về cuộc sống mà nhà thơ muốn
mời bạn đọc cùng thưởng thức. Có lẽ chính lời mời gọi ấy đã khiến “thần Vui” đến “gõ
cửa mỗi sáng”, điểm lên bức tranh một nét chấm phá thật sinh động.
Trong quan niệm thẩm mĩ của Xuân Diệu, con người trong tình yêu và tuổi trẻ là vẻ
đẹp đáng quý nhất cuộc sống này. Chính vì thế, ông thường xây dựng bằng nghệ thuật
nhân hóa nhằm mang đến cho thiên nhiên dáng vóc của con người. Điển hình là bình
mĩnh diễm lệ mang gương mặt của người thiếu nữ kiều diễm “Và này đây ánh sáng chớp
hàng mi”. Với Xuân Diệu, kẻ say mê sự sống, ánh sáng rực rỡ chiếu tỏa khắp thế gian như
phát ra từ đôi mắt của người thiếu nữ ấy. Và đỉnh cao của quan điểm thẩm mĩ ấy được thể
hiện trọn vẹn trong câu thơ cuối:
“Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”
Tháng Giêng, thời điểm mọi sự sống của thiên nhiên đang trong giai đoạn đẹp nhất
được so sánh với cặp môi gần của một người thiếu nữ. Đây quả là một phép so sánh táo
bạo, độc đáo, giúp gợi lên sự cuốn hút mãnh liệt của vẻ đẹp mùa xuân đến tâm hồn thi
nhân. Không có tình yêu tha thiết với thiên nhiên, với cuộc sống đến mức cuồng nhiệt thì
làm sao có được những vần thơ mê say và cháy bỏng đến vậy! Nhưng hơn hết, cả câu thơ
là lời khẳng định cho quan niệm thẩm mĩ mới của Xuân Diệu: con người là chuẩn mực
cho vẻ đẹp của thiên nhiên.
Vẻ đẹp thiên nhiên của mùa xuân hiện ra đầy sức sống và xuân tình qua lối thể hiện
rất hiện đại bằng nhữnh hình ảnh mới lạ, ngôn ngữ gợi cảm, tinh tế với nhiều biện phá tu
từ đặc sắc như so sánh, nhân hóa. Đặc biệt là những chuyển đổi cảm giác “mùi hương,
màu sắc, âm thanh” tương giao. Hơn nữa, hình ảnh khu vườn mùa xuân tuyệt bích cũng
đã giúp ta hiểu hơn về khát khao của nhà thơ: Thì ra Xuân Diệu muốn “tắt nắng”, “buộc
gió” là vì muốn giữ mãi hương sắc cho trần thế này. Hương sắc là sinh khí, là nhan sắc, là
vẻ đẹp của đất trời. Thế nên, tác giả muốn giữ tất cả lại để tận hưởng.
Sau cái cao trào của cảm xúc ấy, nhà thơ chợt tỉnh lại và ý thức về thời gian:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Đang ở đỉnh điểm của hạnh phúc, tâm hồn nhà thơ bỗng trỗi lên nỗi lo âu vì cái mong
manh của cuộc đời “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng 1 nửa”. Sự đan xen của hai cảm xúc
trái ngược là điều thường gặp trong thơ Xuân Diệu. Nó dẫn nhà thơ đến những suy tư và
quan niệm nhân sinh mang tính triết lý. Thi sĩ đã nhận ra tính khắc nghiệt của dòng thời
gian “thời gian thoăn thoắt thoi đưa, nó đưa đi mất có chờ đợi ai”. Về hình thức, đây là
một câu thơ mang tính chất độc đáo bởi dấu chấm được đặt ở giữa câu. Khoảnh khắc này,
cảm xúc của nhà thơ dường như đã có một sự thay đổi mãnh liệt nên ông đã đặt một dấu
chấm vào giữa câu thơ như một cách thể hiện sự đứt đoạn của cảm xúc.
Dấu chấm ấy đã ngắt câu thơ thành hai tâm trạng trái ngược: “Tôi sung sướng”-hăm
hở, say xưa và “Vội vàng một nửa”-lo âu, chần chừ. Tại sao lại là vội vàng một nửa?
Thường người ta chỉ tiếc khi mùa xuân đã qua nhưng tâm hồn nhạy cả của thi nhân nhưng
tâm hồn nhạy cảm của thi nhân đã nhân ra “trong gặp gỡ có mầm li biệt”. Ở đây, “vội
vàng một nửa” là cách nói riêng của Xuân Diệu, nó cho thấy cái tình riêng của nhà thơ:
vừa vồ vập vừa lo âu. Vồ vập vì cái đẹp mà lo âu cũng vì cái đẹp, cái ngon ngọt ấy chỉ
trong chốc lát thôi sẽ biến mất. Đây chính là tấm lòng tha thiết cùng sự trân trọng mãnh
liệt với cái đẹp được ẩn chứa trong sự choáng ngợp của một kẻ tình si.
Hai câu thơ cuốn đoạn thơ đầu tiên đã trở thành 1 cái bản lề độc đáo giúp tạo ra sự biến
chuyển tinh tế từ cái hạnh phúc sang cảm xúc âu lo, chuyển từ cảm nhận về thiên đường
trần thế sang cảm thức độc đáo, mới mẻ của thi nhân về thời gian.

Bằng những hình ảnh thơ mới lạ, cấu trúc câu độc đáo, các biện pháp tư từ được Xuân
Diệu sử dụng hiệu quả, mang ấn tượng mạnh và quan niệm thẩm mỹ mới mẻ: lấy con
người làm chuẩn mực cho cái đẹp. Xuân Diệu đã cảm nhận cuộc đời bằng một tâm hồn
say mê, khát khao tột độ. Nhà thơ đã đề xuất một cách sống mới: Sống vội vàng. “Vội
vàng” không có nghĩa là sống gấp, sống bất chấp mọi lẽ luân thường đạo lý mà là sống
tận hưởng và tận hiến cho mọi vẻ đẹp, niềm vui ở đời một cách sâu sắc
So sánh với những nhà thơ cùng thời, thay vì chọn cách quay trở về thời đại trước hay
chối bỏ thực tại thì “Vội vàng” của Xuân Diệu đã thành công đưa khát khao sống trọn vẹn
từng giây phút của cuộc đời đến với độc giả. Với tài năng hiếm có của mình, có lẽ những
câu thơ tràn đầy khát vọng tận hưởng, tận hiến từng giây phút cuộc đời của Xuân Diệu
trong “VV” nói chung và 13 câu đầu nói riêng sẽ mãi để lại ấn tượng , rung động trong
lòng người đọc qua nhiều thế hệ sau này.

You might also like