You are on page 1of 9

[LẬP LUẬN CHO BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC]

1. Có ai đó đã từng nói rằng: “Biển cả là nơi mà tất cả các nguồn nước trên thế gian này đều
đi ra từ đó nhưng nó không vơi, và nó cũng là nơi đón nhận tất cả các nguồn nước nhưng nó
không đầy”. Văn học cũng như những nguồn nước, đều đi ra từ biển cả cuộc đời. Ngày ngày,
tiếng sóng thủy triều vẫn luôn âm vang chuyên chở sóng biển đời thường đến với trang thơ.
Những sự chuyên chở ấy có bao giờ ngừng nghỉ, cũng như mảnh đất hiện thực có bao giờ vơi
đi, khi người nghệ sĩ đến đó để chở nắng gió cuộc đời tưới mát muôn cây. Bởi lẽ vậy thơ ca
phải gắn mình vào nguồn mạch cuộc sống, phản ánh cuộc đời thông qua sáng tạo nghệ thuật
song sự phản ánh ấy không phải là ghi chép máy móc mà là quá trình trải nghiệm, chọn lọc,
hư cấu của người nghệ sĩ. …. đến với thơ ca cũng vậy, …. trải qua biết bao “nắng gió cuộc
đời” để góp nhặt vào trang thơ

2. Bạch Cư Dị từng nói: “Cảm động lòng người, trước hết không gì bằng tình, đầu tiên không
gì bằng lời, tha thiết không gì bằng thanh, sâu xa không gì bằng nghĩa. Vậy đối với thơ tình là
gốc, lời là cảnh, thanh là họa, nghĩa là quả”. Có thể nói, tình cảm là yếu tố sinh mệnh của thơ
ca, thiếu tình cảm thì chỉ có thể trở thành người thợ làm những câu có vần chứ không làm
được nhà thơ. Đồng thời, thơ ca không bộc lộ tình cảm một cách bản năng, trực tiếp mà nó
được ý thức, được siêu thăng, được lắng lọc qua cảm xúc thẩm mĩ gắn liền với ý thức về
mình, về đời.

3. Belinxki đã từng nói: “Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào, sở dĩ họ vĩ đại bởi vì những đau khổ và
hạnh phúc của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội, bởi vì họ là khí quan và
đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại.” Thơ ca cũng như văn chương và các loại
hình nghệ thuật khác, nếu không hút nhựa sống dạt dào ngầm chảy trong lòng cuộc sống thì
nó sẽ mãi mãi là một cây non èo uột, không mang trên mình những cành cây săn chắc, những
chiếc lá xanh tươi phơi phới dưới ánh mặt trời. Là nhà thơ, ngòi bút của anh phải chấm vào
nghiên mực của cuộc đời thì thơ anh mới tươi màu, neo chặt trong bến tâm hồn người thưởng
thức. Và hơn cả, để trở thành “thi sĩ vĩ đại” đòi hỏi anh ta có một trái tim đồng cảm với
những linh hồn đơn côi quạnh quẽ, anh ta phải lắng nghe tiếng khóc khổ đau của nhân loại từ
đó biến tác phẩm của anh thành tiếng nói đại diện cho những kiếp người mòn mỏi trong đời
sống xã hội.

4. Ngày xửa ngày xưa, chuyện kể rằng một người hành khất đã giết giặc bằng giọng hát kì
diệu của mình. Văn học cũng vậy, nó giống như “thế trận đuổi nghìn quân giặc”. Để cho khi
quân thù phanh trái tim nhỏ bé của người hành khất đang phập phồng nơi lồng ngực thì tiếng
hát cất lên cao mãi cùng với non sông. Câu chuyện ấy gợi cho ta liên tưởng về sự biết diệt
của văn chương – dòng chảy hùng tráng của mọi thời đại, và cứ như thế, những vần thơ,
những áng văn bất hủ sẽ “làm cho con người tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn, thức tỉnh tình
yêu đời với con người và khát vọng đấu tranh cho lí tưởng nhân đạo và tiến bộ của loài
người” (Sô – lô – khốp).

5. Mạch nước âm ỉ dưới vách núi đã đổi thay qua những ngày xuân xanh đến những chiều thu
buồn. Những đền đài rồi xụp đổ dưới ánh chiếu của thời gian, những tranh tượng rồi tiêu tan
hoá thành bụi vàng của quá khứ. Ấy vậy mà có những tác phẩm vẫn tồn tại bền bỉ tựa dòng
suối chảy mãi trong tâm hồn bao thế hệ hôm qua, hôm nay và ngày mai. Như trong "Nghĩ lại
về Paustovsky" Bằng Việt từng chiêm nghiệm: "Những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ. Như
những đám mây ngũ sắc ngủ trên đầu". Ẩn chứa trong những tác phẩm ấy là thế giới được
nhà văn phác họa một cách nhẹ nhàng mà lắng đọng, đẹp đẽ mà không khoa trương, giản dị
mà chẳng kém phần tinh tế.

6. Văn chương tồn tại để thực thi sứ mệnh giúp nhân loại nhìn thấy được những "rạng đông
sáng ngời" ẩn giấu nơi ngõ ngách nào đó của cõi trần. m điệu của văn chương chính là hợp
xướng của dàn đồng ca nhiệm màu về tình yêu thương chạm khẽ đến ngưỡng rung động vĩnh
hằng, là tiếng hát ngân vang của trái tim, là nơi dừng chân của tâm hồn, nơi người nghệ sĩ gửi
gắm những bồi hồi, xao xuyến của một linh hồn đa cảm trước cuộc đời. Như Nguyễn Ngọc
từng quan niệm “Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho
con người”. Tình và tư tưởng trong văn như gió ngày xuân, như nắng hạ sang, như trận mưa
cuối thu, như hoa tuyết giữa trời đông. Ta dùng đôi mắt để nhìn, dùng trái tim để cảm. Từ ấy,
người thưởng văn bất chợt tìm thấy "những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách".

7. Phiên chợ "Cuộc đời" phồn tạp bày bán đủ mặt hàng hỉ nộ ái ố nhưng không có sự cảm
thông. Chính vì nhà văn bất mãn trước những nghịch cảnh trên tinh cầu của mình nên anh đã
trao ban những ngọt ngào vốn của riêng dành tặng cho nhân thế. Độc ngạo trên đường trường
độc đạo, tự ly khai mình thoát khỏi những tạp niệm và "tư tưởng đám đông", nhà văn giữ
vững bản ngã, thu mình lại một góc, và viết. Viết cho ai? Về cái gì? Và vì điều gì? Anh cũng
không biết nữa. Bởi khi anh chấm ngòi bút vào nghiên mực rồi, hồn riêng anh nhưng chữ của
trái tim. Nhuần nhị trong những trăn trở về sáng tác của đời thi sĩ, A. De Musset trong
"Những bậc thầy văn chương" viết rằng: "Những lời tuyệt vọng nhất là những lời ca hay nhất
Ta biết có những lời bất hủ song chẳng qua là những tiếng nức nở mà thôi".

8. Thơ là thánh ca của trái tim, là trạm dừng chân tinh thần, là sợi giây giao cảm kết nối
những tấm lòng cảm thông, đồng điệu. Nương dòng văn học cổ kim cho tới văn học hiện đại,
đã có biết bao thi nhân, văn nhân đã gom góp, hiến dâng cho đời những áng thơ kinh động
lòng thế nhân, chao đảo hiện thực một thời và ám ảnh mọi thời. Suy cho cùng, thơ vì cuộc
sống mà tạo thành. Những bản văn sâu sắc, thấm thía mang tiếng nói trào phúng hay giọng
điệu đanh thép đều khởi phát từ nước mắt, từ mềm yếu khổ nạn gò luyện nên, trở thành "lời
phát biểu" đắt giá bất diệt.

9. Văn học không tự sinh ra cũng chẳng tự gầy dựng giá trị. Tất cả những tiếng cười hoan hỉ
hay khổ hạnh khốc liệt trong đời văn, đời chữ đều là phản ánh chân thực thời đại nó sinh ra.
Thực tế, văn chương không phải tấm áo ngôn từ, càng không phải cường điệu hóa nỗi đau mà
trở thành ám ảnh bất biến. Văn chương chỉ tái hiện lại vẻ đẹp của giọt nước mắt bằng cung
cách khiêu gợi nhất mà trong đó vẫn chứa đựng giá trị bất chuyển. Là đóa hoa tỏa hương êm
dịu cho cuộc sống đầy rẫy đớn đau của con người.

10. Nhà văn Nguyễn Đình Tú quan niệm rằng: "Vén mây thấy núi, sau núi lại có mây. Cứ vén
từng lớp màn cuộc sống lên, bạn đọc sẽ thấy vô vàn những điều bí ẩn trong đó. Nhà văn đang
giúp bạn đọc nhìn sâu vào đời sống này bằng cách riêng của mình” Thiên chức của những
người nặng lòng với trang sách, hữu duyên với bút mực chỉ được thực thi khi nhà văn thực sự
“sống” giữa cuộc đời, tha thiết gắn bó và khao khát hòa nhập với cuộc đời. Người làm nghệ
thuật không thể ngoảnh mặt trước những vấn đề lớn lao của dân tộc, không thể đứng ngoài
những vận hội, những biến cố có thể xảy đến của thời cuộc, không thể mang một trái tim lãnh
cảm với những trang đời và vẻ đẹp của con người. Người nghệ sĩ chân chính phải thâm nhập
vào nhân quần, trải nghiệm, thẩm thấu và nhặt lấy tinh chất quý giá của đời. Song, hồn cốt
của một tác phẩm văn học còn tuỳ thuộc vào tài năng và "đôi mắt" của mỗi tác giả. Bởi vậy,
sau khi ngụp lặn trong biển hiện thực, anh phải ngoi lên khỏi đại dương cuộc đời để dùng
chính lí trí và cảm xúc, cái say và cái tỉnh của mình để nâng bút viết nên những trang sách bất
tử. Xét đến cùng, người nghệ sĩ phải "Đi trọn đời trên con đường chân thật"(Phùng Quán) và
thấm nhuần một điều rằng càng cá thể càng độc đáo càng hay thì mới có thể thai nghén nên
những tác phẩm khắc họa hiện thực đời sống cả trên bề rộng lẫn chiều sâu.

11. Cuộc hành trình vĩ đại của cuộc đời ẩn chứa muôn vạn những mảng màu, từ đẹp đẽ đến
xấu xa, từ tháp ngài nguy nga đến túp lều giản dị. Đặc biệt là thế giới tâm hồn của con người
lại càng phong phú, phức tạp hơn. Vì vậy, có những điểm mù, những vùng trời, những vẻ đẹp
mà chẳng có một ngôn ngữ nào, không có một loại hình nào có thể miêu tả cho vẹn toàn.
Nghệ thuật khao khát được vẽ trọn một khung cảnh kì diệu lên trang giấy, văn học cũng
muốn múa bút mà viết nó thành văn. Có những khoảnh khắc nghệ thuật rơi vào nỗi bất lực
bởi chẳng thể phản ánh được cái hình sắc “nguyên bản” nhất. Nhưng nghệ thuật không từ bỏ,
văn học cũng chẳng buông xuôi vì tác phẩm nghệ thuật luôn có sứ mệnh chở đi những tư
tưởng lớn của người nghệ sĩ, của thời đại trên đôi cánh của hiện thực cuộc sống.

12. Trên hành trình kiếm tìm, vươn tới nghệ thuật, mỗi người nghệ sĩ lại tìm cho mình một
định nghĩa, một chuẩn mực để đánh giá văn chương, nghệ thuật. Có người cho rằng giá trị
cao nhất của văn chương là vì con người. Có người lại quý văn chương ở sự đồng điệu tri âm:
“Thơ ca giúp ta đi từ chân trời một người đến với chân trời triệu người”. Còn có người lại coi
văn chương nghệ thuật là “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố
cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong
phú thêm” (Thạch Lam). Nguyên Ngọc cũng từng khẳng định: “nghệ thuật là phương thức
tồn tại của con người”. Tất cả những quan điểm các nhà nghệ sĩ đã giúp cho chúng ta nhận ra
văn học là một yêu cầu thiết yếu, một nhu cầu không thể thiếu của con người. Ta tự hỏi con
người sẽ sống như thế nào nếu mai kia chẳng còn văn chương? Có lẽ tâm hồn con người sẽ
khô cằn, chai sạn lắm bởi văn chương cho ta được là CON NGƯỜI với hai chữ viết hoa, với
đầy đủ những ý nghĩa cao đẹp.

13. Từ cổ chí kim, văn chương vẫn luôn lấy con người và cuộc đời làm cứu cánh. Đến với
văn chương là đến với thế giới, là được thanh lọc, giáo dục, mở rộng tâm hồn. Khi bàn luận
về đặc trưng của văn học, Tô Hoài cho rằng: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra
đời”. Đó chính là lẽ tất yếu của văn chương nghệ thuật. Tác phẩm phải trở thành một tấm
gương phản ánh, soi chiếu đời sống, phải là một khúc xạ của đời sống. Mỗi tác phẩm đều
phải “soi bóng thời đại”, phải cho con người ta thấy được bản chất của sự sống, của cuộc
sống thực tại. Nhưng nếu chỉ đơn thuần mang trong mình hơi thở của thời đại thì vẫn chưa đủ
làm nên sức nặng của tác phẩm. Trong mỗi trang văn cũng đồng thời cần hiện lên một thế
giới mới – thế giới được tạo lập từ những người nghệ sĩ tài hoa, là thế giới của ước mơ và hy
vọng.
14. Thời gian cứ trôi đi lặng lẽ mà vô tình nhưng thời gian cũng chính là thứ nước rửa ảnh
làm nổi bật lên những tác phẩm hay, độc đáo. Có một nữ văn sĩ từng nói đại ý rằng: “Sẽ
không bao giờ chúng ta gặp lại mình như chiều nay”. Nguyễn Tuân cũng từng nói: “Tôi quan
niệm đã viết văn phải cố viết cho hay và viết đúng cái tạng riêng của mình. Văn chương cần
có sự độc đáo hơn trong bất kì lĩnh vực nào khác”. “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng
sông”. Mỗi khoảnh khắc trôi đi không bao giờ trở lại. Sẽ chẳng bao giờ ta gặp lại một Nam
Cao, một Nguyễn Tuân, Xuân Diệu hay Thạch Lam,… thứ hai trên cõi đời này nữa. Bởi lẽ
văn chương không bao giờ là sự lặp lại và mỗi nhà văn có một tạng riêng, một phong, cách
riêng. “Mỗi công dân có một dạng vân tay. Mỗi nghệ sĩ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ
không trộn lẫn” (Lê Đạt)

NHỮNG CÂU VĂN GIÀU HÌNH ẢNH - ÁP DỤNG CHO NGHỊ LUẬN
XÃ HỘI
1. Tôi tin rằng mỗi con người đều có một số nhịp tim hữu hạn. Tôi không có ý định lãng phí
bất kỳ nhịp nào của mình.

2. Cuộc sống như một vòng tròn vẽ bằng tay, không bao giờ có một vòng tròn hoàn hảo.
Việc chúng ta có thể làm là chấp nhận cái vòng tròn không hoàn mĩ đó thôi.

3. Cuộc sống cũng giống như kính vạn hoa vậy, bạn tưởng rằng mình chỉ xoay nhẹ một tí thôi
nhưng thực ra bên trong nó đã biến hóa rất nhiều, biến thành cả một thế giới khác.

4. Muốn thoát khỏi bầy sói thì phải ác hơn cả sói, nếu không muốn chết thì cố mà mọc nanh.

5. Suy cho cùng khung trời nào mà chẳng có bão giông. Chỉ là người có chỗ trú, kẻ thì không.
Cuộc sống cũng như một cơn mưa rào. Không có ô thì cố gắng mà chạy.

6. Mọi người trên thế giới này giống như những ngôi sao trên bầu trời kia. Nhìn thì rực rỡ và
lấp lánh, nhưng bên trong rất đỗi cô đơn.

7. Cuộc đời có kẽ hở, ánh mặt trời mới có thể rọi vào. Không có đêm tối vĩnh hằng, chỉ có
bình minh chưa đến.

8. Chúng ta dùng bút chì khi còn nhỏ, nhưng lớn lên lại dùng bút mực. Bạn biết lý do không?
Bởi những lỗi lầm thời bé có thể xóa, còn lớn lên thì không.

9. Đừng bao giờ ném bùn vào người khác. Bạn có thể ném trật và tay bạn chắc chắn bị bẩn.

10. Cuộc sống vốn chẳng dễ dàng, cho nên bạn bây giờ đã mạnh mẽ hơn quá khứ rất nhiều.
Dù vận mệnh ngoan cố đổ thêm nước sôi, cứ bình thản pha một tách trà…

11. Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in
dấu lại trên mặt đất và in dấu trong trái tim người khác.

12. Một con chim đậu trên cành cây không bao giờ sợ cành cây bị gãy bởi niềm tin nằm ở
đôi cánh chứ không phải ở cành cây.
NHỮNG TRÍCH DẪN GIÚP BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI THÊM
SÂU SẮC
1. Đem một nắm muối bỏ vào cốc nước, cốc nước trở nên mặn chát. Đem một nắm muối bỏ
vào hồ nước, hồ nước vẫn ngọt lành. Lòng người cũng vậy, càng nông cạn càng dễ biến chất,
càng sâu sắc càng khó lung lay. Ý nghĩa của đời người không ngoài việc tu tâm dưỡng tính,
để mở lòng ra bao la như biển hồ, trước những nắm muối thị phi của cuộc đời vẫn thản nhiên
không xao động. (Tống Mặc)

2. Trong những năm tháng cuộc đời, người nào cố gắng, nỗ lực nhất định sẽ thoát kén thành
bướm. Bạn phải tin rằng, có một ngày bản thân sẽ phá kén thoát ra, trưởng thành hoàn mỹ
hơn cả sự mong đợi của mọi người, nhưng quá trình này vốn vô cùng gian khổ, vất vả, có lúc
sẽ cảm thấy nản lòng chùn bước. (Sưu tầm)
3. Biển cả bao la đến mấy nhưng chưa khất từ một giọt nước, núi cao đến vạn trượng song
chẳng một lần từ chối những hòn đá nhỏ. Cuộc sống này là vậy, mọi sự lớn lao đều được góp
nhặt từ những thứ nhỏ nhặt, tầm thường mà ta tưởng chừng như nó vô nghĩa. (Lê Đức)

4. Người ta thường tiếc vì cuộc đời không có nút Delete. Nhưng ta luôn có thể nhấn Restart.
Một cơ hội để ta khởi động lại. Một cơ hội để ta sửa chữa những hư hại của trái tim. Để ta
quét vài con virus phiền nhiễu ra khỏi đầu óc. Để xóa bớt những mối quan hệ nặng nề mà vô
dụng. Để dọn dẹp lại cuộc đời mình. (Phạm Lữ Ân)

5. Sự kiên nhẫn là lớp bảo vệ chống lại điều sai trái cũng như quần áo chống lại cái lạnh. Bởi
nếu bạn mặc thêm quần áo khi trời thêm lạnh, cái lạnh sẽ không thể làm hại bạn. Cũng như
vậy, bạn phải gia tăng lòng kiên nhẫn khi đối diện với những sai trái trầm trọng, và chúng sẽ
không thể làm bạn phiền não. (Leonardo da Vinci)

6. Quả táo mọc trên cùng một cây cũng có quả ngon, quả thối. Cuộc đời cũng vậy, vốn dĩ
chẳng có gì trọn vẹn. Đôi khi chúng ta phải trải qua những việc vô cùng đau khổ mới biết trân
trọng, bao dung và yêu thương. (Hoa Thanh Thần)

"Câu 1: Nghị luận xã hội (8,0 điểm)

Người xưa có câu: "Hữu xạ tự nhiên hương". Quan điểm trên gợi cho anh/chị suy nghĩ
gì về việc xây dựng hình ảnh bản thân trong cuộc sống hiện nay.

"Picasso từng là một họa sĩ vô danh. Ông đã dùng 15 đồng bạc cuối cùng trong túi để thuê
sinh viên dạo quanh hàng tranh và hỏi: "Ở đây có bán tranh của Picasso không?". Sau đó
chưa đầy một tháng, tên tuổi ông lan khắp Paris và ông trở nên nổi tiếng. Câu chuyện này của
Picasso ngày nay được người ta lan truyền như một bài học điển hình của việc quảng bá và
truyền thông thương hiệu cá nhân, nhưng liệu có mâu thuẫn với quan điểm "Hữu xạ tự nhiên
hương" của người xưa hay chăng?

Như chất xạ mang trong mình hương thơm đặc biệt thì ắt sẽ tự lan tỏa và thu hút xung quanh;
mỗi người nếu mang trong mình giá trị riêng, tư chất riêng thì ắt sẽ được công nhận, một cách
tự nhiên không gượng ép.

Nikola Tesla chưa từng phải tự nhận mình là "cha đẻ của công nghệ thời hiện đại", nhưng cả
thế giới đều mệnh danh nhà bác học này như thế vì những phát minh đi trước thời đại của
ông. William Shakespeare có thể sẽ chỉ mãi là một chân nhắc tuồng hoặc một diễn viên vô
danh trong nhà hát, nếu không tài tình sáng tác nên những tác phẩm vừa kịch tính, vừa sâu
sắc phản ánh được khủng hoảng của thời đại, để trở thành một nhà soạn kịch danh tiếng. Dù
trong bất kì lĩnh vực nào, khi mỗi chúng ta hoàn thành được trách nhiệm và bổn phận của bản
thân, đó đã là điều quý giá vô cùng. Khi ấy, ta đã vô hình trung kiến tạo nên một giá trị nhất
định. Mà đã là giá trị, tự nhiên sẽ tỏa sáng mà chẳng cần bất kì ánh đèn sân khấu nào.

Tập trung vào việc phát triển bản thân, tự khắc cái "tôi" của ngày hôm nay sẽ khác với cái
"tôi" của ngày hôm qua, có thể trưởng thành hơn, nhiều trải nghiệm hơn. Cũng giống như
mỗi ngày bước lên một nấc thang mới, bạn sẽ bước đến một đỉnh cao mà không cần phải giới
thiệu, người ta cũng biết bạn là ai. Còn khi sự tập trung của chúng ta bị phân tán vào việc
"làm sao để được nhiều người biết đến hơn?", "làm sao để trở nên nổi tiếng?", để rồi bất chấp
tất cả mà đánh đổi sự nổi lên nhất thời của mình bằng những tai tiếng còn lại mãi về sau. Thì
khi ấy, giá trị ở đâu ta đã kiến tạo? Trước khi đặt ra câu hỏi trách móc rằng sao cuộc đời bạc
bẽo quá, không cho mình nổi một sự công nhận, thì hãy tự hỏi lại chính mình đã làm được
những gì để đòi hỏi một sự ghi công?

Song, trong một thời đại bùng nổ và cạnh tranh thông tin, thời đại mà bất kỳ cái gì cũng cần
được quảng cáo rầm rộ và nhờ truyền thông để nâng tầm giá trị, thì liệu "hữu xạ" có còn "tự
nhiên hương", liệu cứ hoàn thiện bản thân là sẽ tự thu hút những cơ hội? Nhiều người chắc
hẳn sẽ trả lời rằng: Không! Đã qua rồi cái thời mà "tiếng lành đồn xa", tỏa hương ngồi chờ
ong bướm đến. Thời đại hiện nay với những sự thay đổi chóng mặt đòi hỏi chúng ta phải chủ
động và hành động quyết liệt chứ chẳng thể "há miệng chờ sung". Người ta chẳng còn ngạc
nhiên với những thương hiệu toàn cầu vẫn ngày ngày quảng cáo và phủ sóng trên khắp các
kênh truyền thông, từ truyền hình đến mạng xã hội…

Quả thực, vật đổi sao dời, thời thế thay đổi đã là quy luật tất yếu. Nhưng thời thế không phải
là cái cớ cho việc gồng mình xây dựng hình ảnh cá nhân một cách giả tạo, rồi tự an ủi rằng
ngày nay phải làm thế cho hợp thời.

Quả thực, sống là không chờ đợi, là chủ động nắm bắt cơ hội cho chính mình. Nhưng sống
chủ động cũng chẳng phải cái cớ cho sự vội vã và nóng lòng muốn thành công sớm, để rồi
bất chấp đốt cháy giai đoạn, ngụy tạo và giả dối.

Đừng vội vin vào câu chuyện của Picasso để ngụy biện rằng, không tự quảng bá mình thì sẽ
chẳng ai biết đến. Vì trước khi nghĩ đến chuyện tự truyền thông, Picasso cũng phải vẽ những
bức họa, dấn thân vào nghệ thuật sáng tạo, cũng phải có một giá trị nào đó để đem đến cho
người. Và mọi sự ghi nhận, nể phục đều trên nền tảng của cái chất rất riêng mà chúng ta có,
chứ không phải qua việc "gióng trống khua chiêng" cho một bản sao nhạt nhòa hoặc phô
trương cho sự dị biệt lố lăng.

Xây dựng hình ảnh bản thân trong cuộc sống hôm nay là cần thiết. Nhưng linh hồn của việc
tạo dựng hình ảnh ấy là cái chất bên trong, cái giá trị mà chúng ta có, chứ chẳng phải một cái
vỏ rỗng tuếch. "Hữu xạ tự nhiên hương" vẫn đúng, vì bức thông điệp quan trọng nhất trong
quan niệm này của người xưa là hướng mỗi con người đến sự phát triển và hoàn thiện bản
thân mình, tập trung nâng tầm giá trị mình bằng chính cách mình sống và cách mình ứng xử.
Và "tự nhiên hương" giống như quả ngọt cho quá trình đi tìm phiên bản hoàn hảo nhất của
chính mình, cũng là một sự lựa chọn. Chúng ta có thể chọn "tự nhiên hương", cũng có thể
chọn chủ động truyền thông thương hiệu cá nhân, chỉ cần có điều cốt lõi là "hữu xạ" thì mọi
con đường đều là đáng quý.

Nhìn lại lời nhận xét của Einstein dành cho vua hề Charlot: "Ngài chỉ diễn câm thế mà mọi
người trên thế giới đều hiểu. Ngài chắc chắn sẽ trở thành một nhân vật vĩ đại". Phải chăng,
cũng vì thế chúng ta càng có thể có niềm tin rằng: Chỉ cần mình thực sự là ánh sáng, thì mình
ắt sẽ tỏa sáng…"

Câu 2: Nghị luận văn học (12,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: "Viết văn, cũng chừng ấy ký tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng
tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng
mình".Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về
ý kiến trên".
"Văn thì cứ suy tôn Hàn Dũ, thơ lại chỉ thấy thần tượng Đỗ Phủ, chẳng khác gì leo núi phải
lên Thái Sơn, bơi thuyền phải ra Đông Hải vậy. Nếu cứ ôm lấy Đông Hải, Thái Sơn, mà
ngoài ra không biết cái lạ của Thiên Thai, Vũ Di, cái đẹp của Tiêu Tương, Kinh Hồ thì người
đó chỉ là anh đốn củi trên Thái Sơn, bác lái đò ngoài Đông Hải".

Trong "Tùy Viên Thi Thoại", Viên Mai quan niệm dấu ấn của mỗi người nghệ sĩ nằm ở sự
mới mẻ, độc đáo, nhìn xa trông rộng để quan sát hết thảy giang san. Phải chăng, mỗi nhà văn
cũng cần sáng tạo "thế giới của riêng mình", "thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ
cho riêng mình".

Từ ba màu sắc chính là xanh, đỏ, vàng mà tạo ra những bức tranh muôn hình vạn trạng; từ
bảy nốt nhạc mà tạo nên biết bao âm giai lúc trầm, lúc bổng, lúc dạt dào, lúc sâu lắng; và
cũng chừng ấy chữ cái mà biết bao tác phẩm văn học muôn màu muôn sắc ra đời. Với nguồn
nguyên liệu thô sơ, ít ỏi ấy, bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ đã lựa lọc để sáng tác nên "thế
giới của riêng mình" - thế giới của tình cảm, cảm xúc, thế giới của những mảnh đời với muôn
kiểu tình huống, thế giới được tạo nên từ quan niệm và cách nhìn của chính nhà văn.

Sáng tạo "thế giới của riêng mình" là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn. Và
liệu có phải chỉ có nhà văn, nhà thơ mới tạo tác được thế giới ấy? Từ cửa sổ phòng bệnh,
trong nỗi cô đơn tuyệt vọng của bệnh tật và cả khát khao vươn tới cái đẹp, Van Gogh đã khắc
họa thế giới riêng chứa đầy cảm xúc hỗn tạp qua bức tranh "Đêm đầy sao". Trong đêm trăng
mang đau đáu của mối tình đơn phương, Beethoven đã tạo nên thế giới riêng qua "Sonat ánh
trăng", lúc mãnh liệt như những đợt sóng trào, lúc mênh mang như dòng sông Danube, lúc
trầm mặc, dịu êm như vầng trăng huyền ảo. Không chỉ riêng văn học, mà ở các lĩnh vực như
hội họa, điêu khắc, âm nhạc, người nghệ sĩ đều có thể tạo nên thế giới riêng. Tôi băn khoăn
rằng, liệu thế giới riêng trong văn học có gì khác biệt? Phải chăng, điều đó nằm ở tính đại
chúng, không phải ai cũng tự sáng tạo được một bức tranh, hay viết một bản nhạc để gửi gắm
tâm tư, nhưng ai cũng có thể viết văn, làm thơ, giãi bày tình cảm qua ngôn từ. Mỗi người đều
tạo ra một thế giới riêng qua ngôn từ!

Viết văn, cũng chừng ấy kí tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của
riêng mình. Nguyễn Tuân từng quan niệm "Nghề văn là nghề của chữ", đó là nghề "dùng chữ
nghĩa sinh sự để sự sinh". Từng ấy kí tự, mỗi nghệ sĩ với quan điểm sáng tác khác nhau,
giọng văn khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, tính cách khác nhau sẽ tạo nên tác phẩm khác
nhau. Người ta nhớ về Nguyễn Tuân là bậc thầy sáng tạo ngôn từ, thế giới của ông là thế giới
của những người tài hoa nghệ sĩ, sự vật được viết dưới bình diện văn hóa thẩm mỹ. Theo nhà
nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh, nhu cầu tránh trùng lặp trong văn học đã buộc Nguyễn Tuân
tung ra tất cả những chữ đồng nghĩa trong vốn liếng của mình. Nói về phi công Mỹ, ông
những từ "cướp trời, giặc trời, vân phỉ…", nói về lính Mỹ bị giải đi, ông dùng những từ "Một
dây tù Mỹ, một dây tội tù, một chuỗi quỷ sống, một xâu vô lại".

Thế giới riêng mình không có nghĩa là nhà văn tự tách biệt bản thân khỏi dòng chảy chung
của nhân loại. Xuyên suốt các thời kì phát triển, mỗi người nghệ sĩ đều không ngừng nỗ lực
cống hiến những áng văn thơ ghi lại dấu ấn cuộc đời, mỗi tác phẩm đều là tinh hoa tiền nhân
để lại cho hậu thế tiếp nối, kết thừa, phát triển. Người ta thường hiểu lầm rằng nghệ sĩ chủ
trương xóa bỏ gò bó để tự do tạo ra thế giới của riêng mình, nhưng không có gò bó cũng
không có nghệ thuật. Sở dĩ, bậc đại sư vẽ ngựa Hàn Can thành công là bởi ông lấy ngựa thực
làm thầy. Thạch Đào đời Thanh cũng từng nói "Nhặt góp hết thảy những đỉnh núi lạ rồi mới
viết bản thảo". Không có người nghệ sĩ nhân chính nào tách biệt khỏi thế giới chung và cũng
không có tác phẩm thành công nào mà không dựa trên tinh hoa của người xưa để lại.
Thế giới của riêng mình cần bắt nguồn từ thực tế cuộc sống. Nghệ thuật là lĩnh vực của sáng
tạo, người nghệ sĩ được phép dựng xây một thế giới riêng, song không có nghĩa thế giới ấy xa
rời thực tế. Nhà văn thụ hưởng bầu sinh quyển thời đại, chứng kiến đổi thay thời thế nên lẽ
tất yếu thế giới mà nhà văn gây dựng mang hình ảnh của cuộc sống. Hơn hết, vượt lên trên
nhu cầu thỏa mãn sáng tạo cá nhân, mỗi nhà văn, nhà thơ đều có sứ mệnh cao cả ghi lấy
những cuộc "bể dâu", những biến cố lịch sử không thể nào quên. Sáng tác trong thời kì đòi
hỏi tính quy phạm, cái ta chung vô cùng chặt chẽ, Đỗ Phủ vẫn thành công xây dựng thế giới
nghệ thuật riêng. Suốt cả một đời, những dòng thơ dung dị, chân thật của Thánh Thi xoay
quanh lòng yêu dân, ái quốc và tinh thần đấu tranh chống bọn cường quyền. Thế giới trong
thơ ông bắt nguồn từ chính cuộc đời thực, khi nhà thơ chịu nhiều cảnh cực khổ loạn lạc, tận
mắt thấy bao hiện tượng thối nát của xã hội, kinh qua nỗi khổ của lê dân bá tánh. Cảm hứng
từ cuộc đời mới làm nên chất riêng trong thế giới của văn sĩ.

Từ thế giới riêng của người nghệ sĩ, bạn đọc thấy được hình ảnh của chính mình, bởi "Bài thơ
hay làm cho ta không còn thấy câu thơ, chỉ còn cảm thấy tình người. Quên rằng đó là tiếng
nói của ai, người ta thấy nó như tiếng ca từ trong lòng mình, như là của mình vậy" (Tố Hữu).

Trong nhịp bước phát triển của thế giới công nghệ ngày nay, cụm từ "thế giới riêng" đã chẳng
còn xa lạ với chúng ta. Không ít người tạo ra một không gian riêng trên nền tảng mạng xã
hội, họ cho rằng đó là thế giới của họ và hễ khi người khác phạm sai lầm, tâm lý đám đông
khiến họ sẵn sàng mỉa mai, buông những câu nói lạnh lùng làm tổn thương người khác, và
rồi, chúng ta dần xa nhau, mất đi sợi dây kết nối tâm hồn với tâm hồn. Bởi vậy, câu nói
không chỉ đúng với nhà văn mà còn có giá trị trong thời đại hôm nay, thế giới của mình
nhưng không phải vị kỉ, không phải cho riêng mình!

"Viết ra không phải là việc khó; cái khó là phải có những câu chuyện gì đáng kể để kể, những
tư tưởng gì đáng ghi để ghi" (Jérôme và Jean Tharaud).

P/s: Thế giới riêng và thế giới chung - tuy hai mà một, tuy một mà hai. Bài đăng viết về một
khía cạnh trong đề thi học sinh giỏi quốc gia, chỉ mang tính chất tham khảo để độc giả cùng
đưa ra cảm nhận riêng, bởi "Câu hỏi cuối cùng cho thế giới vẫn còn đó" (Albert Einstein)".

You might also like