You are on page 1of 2

MB1:

Tác phẩm văn học không phải thứ gì đó nhất thành và bất biến. Muốn làm cho nó
được sống, nó phải được chở vào đời, phải được va đập với những hồn người nhạy
cảm và tinh tế, hay thậm chí là cả những trái tim đơn độc đến chai sạn, đau đớn
đến cùng cực và xót xa vô hạn. "Một mảnh giấy tàn" với những ẩn ức khó nói của
nàng Tiểu Thanh ngày xưa ấy đã bắt gặp một tấm lòng ưu ái con người - Nguyễn
Du, để từ đó, trong cái tang thương đến xác xơ, nghiệt ngã của cả một đời con
người được nhìn nhận lại, được thấu hiểu, được trân trọng bằng nỗi xót tiếc vô hạn
của người đời sau. Mảnh giấy tàn ấy mong manh, nhỏ bé và đơn độc, nhưng nó đã
vượt qua mọi thiết chế chính trị, vượt qua mấy trăm năm để gây thương gây tiếc
cho một tấm lòng nghệ sĩ đa thanh. Nỗi ủy khuất trăm năm được mở khóa, được
khai thị nhờ một cuộc tri âm dầu muộn màng nhưng giá trị. Đó là tấc lòng tri âm
của kẻ mê cái đẹp, say con chữ, đau khổ trước sự đổ vỡ trái tim và tiếng lòng của
một kiếp nữ nhân tài hoa bạc mệnh. Cái còn lại của một đời viết có lẽ chính là như
thế. Bàn về tiếng nói tri âm trong văn học, có ý kiến cho rằng: …..

MB 2:

Phùng Quán đã đi qua “30 năm cá trộn, rượu chịu, văn chui” nhờ: “Có những
phút ngã lòng/Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy.” Đối với người nghệ sĩ đa tài mà
nhiều lắm những truân chuyên ấy, sáng tạo nghệ thuật giống như một cách để
buông xả hết những đắng cay giằng xé của cái đời thường đầy thăng trầm nghiệt
ngã. Viết cũng giống như là một cách để sống, để an ủi linh hồn mình và vực dậy
tâm hồn người yếu ớt, để cùng bước qua những khổ ải nơi chốn trần gian. Người
nghệ sĩ phải đau với nỗi đau của mình, đau với nỗi đau của đời, thương cho nỗi
đau của người. Có như vậy, thứ văn chương anh viết ra mới có giá trị nâng đỡ trái
tim bạn đọc, mới hướng con người đến những giá trị nhân văn, đến vùng trời của
chân- thiện-mỹ. Bàn về chức năng, giá trị của văn học, có ý kiến cho rằng….

MB 3:

Một chiều mưa Hà Nội, tôi ngồi nghe lại khúc “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn:
“Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng/Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.” Đã mấy
thập kỉ trôi qua, mà nhạc Trịnh vẫn khiến người ta si mê nhiều đến thế. Vậy điều gì
thực sự đã làm nên giá trị của một tác phẩm nghệ thuật? Tôi thiết nghĩ đó làm tấm
lòng, là trái tim và tài năng của người nghệ sĩ. Không có Trịnh, sẽ chẳng có một
“Diễm xưa”, sẽ chẳng có những lời ca gieo vào lòng người biết bao nhiêu là thổn
thức. Trịnh, hay chính tài năng của Trịnh, tấm lòng của Trịnh đã tạo nên thứ nghệ
thuật vượt thời gian ấy. Chẳng riêng gì âm nhạc, câu chuyện sáng tạo là câu
chuyện của muôn đời, muôn người nghệ sĩ. Phải lăn lộn với nghề nhiều năm, phải
thực sự gắn bó với kiếp sống của đời thi sĩ “uống mặn nồng nhưng chỉ thấy chua
cay”, phải đau đớn thay cho những thân kiếp ở trên đời, phải thương yêu vạn vật
tất thảy, phải xót xa cho những gì đã mất, và hoài tiếc cho những thời đã qua,
người nghệ sĩ mới có đủ trải nghiệm, đủ dạn dĩ để viết ra những áng văn chương
bất hủ. Đi nhiều, nghĩ nhiều, ngẫm nhiều, sống nhiều, người nghệ sĩ mới có thể
phát kiến ra những giá trị mới, góc nhìn mới, quan niệm mới về cuộc đời, con
người. Bởi “Tự tử đối với đời nghệ sĩ không phải phát súng hay sợi dây thừng mà
là khi ngồi vào bàn viết anh ta không viết được điều gì mới mẻ” (Eptusenco)

MB 4:

Trong bài thơ “Vermeer”, nhà thơ Ba Lan Wislawa Szymborska đã viết:

“Chừng nào người phụ nữ ở bảo tàng Rijk

trong im lặng và chăm chú trong tranh

ngày qua ngày còn rót sữa

từ bình sang âu

thì thế giới còn chưa xứng đáng đâu

với ngày tận thế.”

Chừng nào cái đẹp còn tồn tại thì thế giới còn tồn tại. Và nghệ sĩ chính là người
ươm mầm, nuôi dưỡng cái đẹp ấy. Thông qua tác phẩm nghệ thuật, cái đẹp thức
dậy trong mỗi con người khả năng thẩm mĩ, khả năng cảm nhận thế giới và cảm
nhận chính mình. Tác phẩm văn học không chỉ đơn thuần là một bản ghi chép lại
cuộc sống của con người, mà hơn thế, nó còn phải tác động vào cuộc sống của con
người, để con người lạc quan hơn, tin tưởng hơn vào những giá trị đẹp đẽ vẫn hằng
tồn trong đời.

You might also like