You are on page 1of 10

VỘI VÀNG

- XUÂN DIỆU –
I. GIỚI THIỆU CHUNG:
1. Tư tưởng:
- Đối với Xuân Diệu, sự sống chính là điều quý giá, là vẻ đẹp tuyệt vời nhất tạo nên sức hấp
dẫn của cuộc sống nơi trần thế. Xuân Diệu luôn đề cao giá trị của sự sống trần gian.
- Xuân Diệu luôn lo âu trước bước đi của thời gian, thậm chí thời gian trở thành một ám ảnh
trong thơ của Xuân Diệu.
- Xuân Diệu cũng say đắm với tình yêu bởi ông cho rằng trong tình yêu con người được sống
trọn vẹn, hết mình, trong tình yêu con người có sự giao cảm tuyệt đối, trọn vẹn.
- Con người là trung tâm của thế giới, là chuẩn mực để định giá mọi giá trị vẻ đẹp của thế giới.

2. Phong cách:
a. XD là “nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới”
- Mới về nội dung:
+ Trong thơ Xuân Diệu đã phơi trải đến tận cùng thế giới tâm hồn với những trạng thái cảm
xúc vừa đối lập lại vừa thống nhất.
+ Thể hiện một tình yêu với cái nghĩa trần thế nhất của từ này vối sự say đắm về tâm hồn và sự
cuồng nhiệt về thể chất.
+ Xây dựng trong thơ một bức tranh thế giới mà trọng tâm của nó là hình ảnh con người giữa
tuổi trẻ và tình yêu, thế giới ấy giàu màu sắc, giàu âm thanh, luôn phập phồng hơi thở của sự
sống con người, con người trong thế giới ấy tràn đầy khát khao giao cảm với đời.
- Cái mới trong nghệ thuật:
+ XD xây dựng một bút pháp mới mẻ. Cảm hứng trong thơ XD là cảm hứng được khẳng định
bởi cái tôi – một cái tôi tiểu tư sản ngang nhiên muốn đáp ứng mọi nhu cầu. Cảm hứng chi
phối và xây dựng thi tứ. Cái tôi của nhà thơ nhập thân vào đối tượng phản ảnh, có khi biến hóa
qua nhiều hình ảnh, có khi đồng nhất mình với thiên nhiên để giao cảm bằng cả trái tim và tâm
hồn để có thể phát hiện ra những vận động tinh vi trong lòng mình và trong lòng tạo vật.
+ XD sử dụng bút pháp lãng mạn do ảnh của bút pháp nghệ thuật lãng mạn Pháp. Trong thơ,
Xuân Diệu đã đưa hình ảnh nhục thể của con người vào thơ ca và huy động nhiều giác quan
trong cảm nhận và mô tả, đổi mới cách xây dựng cú pháp, nhịp điệu, tận dụng và sáng chế từ
mới, cách đặt câu, gieo vần mới tạo ra nhịp hành khúc và giọng quyền uy.
b. Là nhà thơ có ý thức cá nhân sâu sắc:
- Trong thơ XD, cái tôi là cái tôi tiểu tư sản, ý thức sâu sắc được chính mình và mạnh dạn bày
tỏ khát vọng sống. Niềm ham sống trong thơ XD được thể hiện ở mức độ thiết tha nhất.
- Thể hiện thái độ sống tích cực, trân trọng từng giây phút.
- Thể hiện niềm khao khát giữa thời trẻ, thể hiện một tình yêu trần thế say đắm.
- Cái tôi XD có ý thức sâu sắc về bản ngã của mình và chấp nhận đày đủ nỗi cô đơn, sự tồn tại
vô nghĩa của bản thân.
c. Là nhà thơ của những cảm xúc, cảm giác vừa tinh tế, vừa sâu sắc, lại vừa mãnh liệt.
- Tinh tế: XD có thể phát hiện, diễn tả một cách sinh động những vận động tinh vi, mơ hồ nhất
trong tự nhiên và những xao động bâng khuâng trong tâm hồn con người.
- Sâu sắc: Mọi cảm xúc, cảm giác trong thơ XD đều bắt nguồn từ niềm yêu đời, tha thiết với
cuộc sống.
- Mãnh liệt: được thể hiện ở mức độ của những biểu hiện.
d. Là người rất thành công trong những cách tân nhưng vẫn không thoát li nguồn mạch dân
tộc.
- Cách tân là do tiếp thu luồn văn hóa phương Tây (cụ thể là văn hóa Pháp)
- Nguồn mạch dân tộc là do kế thừa truyền thống văn học dân tộc ở cả đề tài và nguồn thi liệu.
Hệ thống hình ảnh trong thơ XD được đánh giá là rất Tây nhưng vẫn mang đậm tâm hồn Việt.
II. TÁC PHẨM:
1. Xuất xứ, nhan đề:
a. Xuất xứ: nằm trong tập “Thơ thơ” xb 1938
b. Nhan đề: “Vội vàng”
- Vội vàng là trạng thái thiếu bình tĩnh của con người khi ý thức được về những giới hạn và về
sự thôi thúc của thời gian, là trạng thái của một cá nhân tràn đầy năng lượng sống.
- Ở đây, vội vàng không chỉ là một trạng thái sống mà nó còn được xem như một phương thức
sống để khắc phục sự hữu hạn của thời gian. Đó là phương thức sống khiến con người luôn
phải hết mình, tận độ. Là phương thức khiến con người hưởng thu tối đa giá trị của sự sống.
- “Vội vàng” là bài thơ tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ Xuân Diệu.
2. Phân tích:
2.1. Đoạn 1 (4 câu thơ đầu): Ước muốn phi lí, tha thiết của tình yêu cuộc sống.
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
- Thể thơ ngũ ngôn ngắn gọn, xúc tích và dễ dàng bộ lộ được cảm xúc bồng bột, gấp gáp.
- Điệp ngữ “tôi muốn”:
+ Từ “tôi muốn” là sự bộc lộ trực tiếp khát vọng ham muốn của cái tôi cá nhân. Ngay ở cụm
từ đầu tiên này, XD đã tự bộc lộ một cái tôi đầy khao khát, thành thực với cảm xúc trong tâm
hồn mình.
+ Điệp ngữ “tôi muốn” nhấn mạnh sự da diết của ước muốn và cũng là biểu hiện sự trào dâng
mãnh liệt của khát vọng. Đây cũng là cách tô đậm cái Tôi chủ quan, cái Tôi ước muốn của XD
nói riêng và của văn học lãng mạn nói chung.
- Một khát vọng lạ lùng: muốn ‘tắt nắng” và “buộc gió”.
+ “Nắng” và “gió” là những hình tượng thiên nhiên, nó xuất hiện và tồn tại là do những vận
động của thiên nhiên, hoàn toàn nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người.
+ Khát vọng “tắt nắng”, “buộc gió” là khát vọng đoạt quyền của tạo hóa. Trong niềm khao
khát ấy XD đã tự nâng mình lên ngang hàng với tạo hóa để trở thành một người khổng lồ của
khát vọng.
+ Tuy nhiên, tắt nắng, buộc gió là nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người. Bộc lộ niềm
khao khát này, con người dễ rơi vào trạng thái hụt hẫng, thất vọng, bởi điều mong muốn là cái
không thể xảy ra.
+ Nếu chú ý tới nguyên cớ sâu xa của khát vọng ấy, ta sẽ thấy cái lí của XD. Nhà thơ muốn
“tắt nắng” để màu đừng nhạt, muốn “buộc gió” lại để “hương đừng bay đi”. Nỗi lo sợ “màu
nhạt”, “hương bay” là nỗi lo sợ vẻ đẹp của cuộc sống phôi pha.
+ Vậy là thực chất của niềm khao khát đầy vể ngông cuồng kia là mong muốn giữ lại hương
thơm và màu sắc – là phần tinh túy nhất của sự sống, là những gì làm nên sức quyến rũ của sự
sống. Nguyên cớ sâu xa của niềm khao khát rất ngông cuồng ấy là tình yêu nồng nhiệt với
những vẻ đẹp của sự sống trần gian.

2.2. Đoạn 2 (7 câu thơ tiếp): Vẻ đẹp của bức tranh cuộc đời nơi trần thế.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần
- Điệp ngữ “này đây” lặp lại trong cả đoạn thơ:
+ nó như một lời giới thiệu đầy nồng nhiệt, nó tạo ra một sức hút mạnh mẽ khiến người ta
không thể không chú ý tới điều đặc biệt của đối tượng được giới thiệu.
+ nó tạo ra một ngữ điệu liệt kê vừa bày tỏ niềm hân hoan sung sướng của thi nhân, vừa thể
hiện sự giàu có, phong phú của hương sắc cuộc đời.
+ nó vừa chỉ ra sự hiện hữu trước mắt trong không gian, vừa là sự khẳng định sự tồn tại trong
thời gian hiện tại – nghĩa là vẻ đẹp trong cuộc đời đang hiện hữu ngay trước mắt, trong tầm
tay, giữa cuộc đời thực.
- Sau điệp ngữ “này đây” là một bức tranh chan chứa “xuân tình”. Tất cả đều hiện ra trong
lăng kính của tình yêu, nhìn bằng đôi mắt say sưa, chiêm ngưỡng, cảm bằng trái tim mê đắm,
khao khát sở hữu, chiếm lĩnh, tận hưởng.
+ Hệ thống các hình ảnh:
++ Ong bướm, đồng nội, cành tơ: là những hình ảnh gợi liên tưởng về không gian mùa
xuân.
++ Yến anh, hàng mi: là những hình ảnh gợi liên tưởng về con người giữa thời tuổi trẻ.
+ Trong quan niệm của XD thì mùa xuân và tuổi trẻ là hai phần ngon nhất của cuộc đời. Vì thế
những hình ảnh không chỉ hiện diện như những khái niệm mà hiện diện bằng những sắc thái,
dạng tồn tại rất cụ thể.
++ Với ong bướm đó là tuần tháng mật – thời kì tìm mật, làm mật của ong bướm, cũng
có thể hiểu đó là thời kì say đắm, hạnh phúc nhất của lứa đôi. Và dù hiểu theo cách nào: mật
ngọt của thiên nhiên, hoa trái hay những ngọt ngào của đôi lứa ngây ngất yêu đương, thì cụm
từ “tuần tháng mật” gợi cảm nhận về một khoảng thời gian ngọt ngào và gợi hình dung về cảm
xúc say đắm trong tâm hồn trẻ trung của thi sĩ.
++ Với đồng nội, cụm từ “xanh rì” gợi ra hình ảnh của một màu xanh, của sụ sống đang
gợi nên, đang bừng lên, tràn trể, ứa nhựa. Trên nền xanh của không gian đồng nội, hoa chính
là kết tinh tinh túy của sự sống. Vẻ đẹp ấy được tạo nên bởi quá trình sống hết mình cùng cuộc
sống của cỏ cây nơi đồng nội.
++ Nếu tính từ “xanh rì” làm hiện lên một không gian mênh mông của những cánh
đồng xanh mà trên đó nổi bật những cánh hoa tuơi thắm thì trong câu thơ sau: Này đây lá của
cành tơ phơ phất có sự kết hợp hài hòa của từ láy, phép láy vần trong những âm tiết mang
thanh bằng “cành tơ phơ phất” gợi những lá cành mơn mởn, non tơ nhưng cũng thật mềm
mại, mong manh, yếu đuối trong gió xuân.
++ Vẻ đẹp cuộc đời không chỉ được cảm nhận bằng thị giác mà còn bằng thính giác:
“khúc tình si”. Trước hết đó là âm thanh véo von, ríu rít của tiếng chim. Sau nữa nó là những
giai âm say đắm của lứa đôi. Bởi chim yến anh cũng là biểu tượng cho hạnh phúc lứa đôi.
++ Hình ảnh ẩn dụ về ánh sáng chớp hàng mi là một cách biểu hiện quen thuộc trong
thơ XD. Ông thường miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên qua vẻ đẹp của con người. Ví dụ như Lá
liễu dài như một nét mi. Ở đây ông miêu tả ánh bình minh của thiên nhiên như cái chớp mắt
duyên dáng của hàng mi thiếu nữ. Ánh sáng là hạnh phúc, sự sống của đôi mắt. Khi XD dùng
từ ánh sáng chớp hàng mi ta có thể liên tưởng ánh sáng như hàng mi thiếu nữ vừa mở bừng
mắt dậy để chào đón bình minh. Và chỉ cần người thiếu nữ ấy chớp đôi hàng mi là thế gian
bừng sáng.
- Từ những cảm nhận cụ thể, XD nâng lên thành tầm quan niệm sống:
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần
+ Nếu diễn xuôi câu thơ: Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa, thì ta hiểu: mỗi buổi sớm thức
dậy được đón ánh nắng của ngày mới như được thần Vui gõ cửa cuộc đời mình. Niềm vui là
một cảm xúc thông thường. Ở đây, cách dùng từ “Thần Vui” gợi tới những phép màu, những
diều kì diệu.
++ Với XD, sống chính là phép nhiệm màu, và được sống chính là điều kì diệu nhất.
Điều này hoàn toàn đúng bởi chỉ khi có sự sống vạn vật mới có thể bộc lộ vể đẹp của nó. Và
khi được sống, mỗi sinh thể mới có thể được hưởng thụ những điều tuyệt vời nhất của sự sống
trần gian .
++ Trong quan niệm của XD, sự sống chính là một niềm hạnh phúc và hạnh phúc là
được sống đúng với cái nghĩa trần thế nhất của từ này. Đây là một quan niệm sống tích cực bởi
nó khiến con người gắn bó với sự sống, với đời, nó khác hẳn những tiếng rên rỉ, thở dài trong
thơ của nhiều nhà thơ mới đương thời. Chính điều này đã lí giải vì sao thơ của XD luôn có một
sức hút mạnh mẽ với những ai trẻ tuổi và trẻ lòng.
+ Câu thơ: Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần là một câu thơ rất Xuân Diệu!
++ “Tháng Giêng” là khởi đầu của mùa xuân, khởi đầu của một năm, và là thời điểm
mùa xuân đầy hứa hẹn với lá nõn, nhành non và nụ hoa.
++ “cặp môi gần” gợi liên tưởng tới làn môi tươi hồng của thiếu nữ. Từ “gần” gợi
khoảng cách gần khiến hình ảnh cặp môi trở nên gợi cảm hơn, dễ gợi những khát khao.
++ Xuân Diệu đã sử dụng cách so sánh độc đáo khi đặt cái trừu tượng của tháng Giêng
bên cạnh cái cụ thể của cặp môi gần, đặt cái rực rỡ của tự nhiên trong vẻ đẹp gợi cảm của con
người. Từ đó, Xuân Diệu bộc lộ quan niệm thẩm mĩ mới mẻ: cái đẹp của con người trở thành
chuẩn mực, thành một định giá.
++ Câu thơ còn độc đáo trong cách dùng từ “ngon”. Từ “ngon” vốn được dùng để chỉ
cảm giác vị giác, sự hưởng thụ một cách vật chất, thì ở đây lại được chuyển để diễn tả sự hấp
dẫn không cưỡng lại được của tháng Giêng, của mùa Xuân. Hay nói một cách khác, so sánh
mùa xuân ngon như cặp môi gần là một so sánh táo bạo, tràn đầy nhục cảm khiến cuộc đời trở
nên quyến rũ như cặp môi người yêu ngọt ngào. Tính từ “gần” nhấn mạnh cảm giác kề cận,
khiến cho những gì khát khao đều như ở trong tầm tay.
-> Cuộc sống hiện lên thật đẹp, thật tình tứ và nhà thơ tự bộc lộ mình như một tình nhân vĩ đại
của cuộc sống.
=> NX chung:
Với những thủ pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hóa, ần dụ chuyển đổi cảm giác, phép
điệp, những từ ngữ, hình ảnh giàu sức biểu cảm … nhà thơ đã vẽ lên hình ảnh cuộc đời tràn
đầy hương thơm, màu sắc, âm thanh và nhất là niềm vui sống đầy quyến rũ. Đó là thiên đường
ngay trên mặt đất, trong hiện tại, chứ không phải ở một cõi xa xăm nào khác. Và đó cũng
chính là nguyên nhân niềm yêu đời mê đắm của Xuân Diệu.
2.3. Đoạn 3 (19 câu thơ tiếp): Quan niệm tích cực của nhà thơ về thời gian và tuổi trẻ.
“ Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm”
a. Cách cảm nhận về thời gian trong mối quan hệ với tuổi trẻ.
- Xuân Diệu đã thể hiện một tâm trạng đầy phức tạp, mâu thuẫn khi đối diện với cuộc sống,
với thời gian:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
+ Câu thơ “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa” được ngắt làm hai vế với nhịp thơ 3/5
và dấu chấm giữa dòng thơ khiến mạch thơ đang dào dạt tuôn chảy bỗng ngưng lại đột ngột,
và tương ứng với sự ngưng lại ấy là sự thay đổi của dòng cảm xúc.
++ Cụm từ “Tôi sung sướng” đã bộc lộ niềm hạnh phúc của Xuân Diệu. Đặt trong mạch
vận động của bài thơ, có thể hiểu niềm hạnh phúc ấy đến từ niềm hạnh phúc được hưởng thụ
sự sống trần gian. Trong đoạn thơ trước, Xuân Diệu đã phát hiện ra thiên đường nơi trần gian.
Thiên đường ấy đem đến niềm hạnh phúc cho cái tôi ham sống và luôn say đắm với vẻ đẹp của
sự sống trần gian.
++ Từ “nhưng” là một liên từ tạo tương quan đối lập. Ở đây đối lập với sung sướng là
sự vội vàng và “không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Vội vàng là trạng thái của con người do
sự thôi thúc của thời gian. Khi vội vàng, con người thường không thể thưởng thức sự sống một
cách trọn vẹn. Khi nắng hạ bừng lên là khi xuân cạn ngày. Với Xuân Diệu, một người luôn quá
yêu đời, yêu cuộc sống thì ông luôn lo lắng, luôn sợ thiếu thời gian cho tình yêu đời.
+ Xuân Diệu khẳng định: “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”- ông lo lắng, nhớ nhung,
tiếc nuối mùa xuân ngay khi đang ở giữa mùa xuân. Nghĩa là nhà thơ có một nhận thức sâu sắc
về sự đối lập giữa thời gian vũ trụ trôi chảy và đời người hữu hạn. Khi ý thức như vậy, con
người sẽ càng trân trọng cuộc sống và tăng cường nhịp độ sống.
- Chính nỗi lo âu tiếc nuối đã khiến nhà thơ đón trước bước đi của thời gian và bộc lộ một
quan niệm mới mẻ về thời gian:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”
+ Với Xuân Diệu, mỗi khoảng khắc thời gian đều quý giá, vì nó “đến” cũng là “đi” và trôi qua
là mất hẳn, không thể lấy lại được.
+ Vì thế, ông phát hiện ra điều tưởng như nghịch lí: đương tới - đương qua; còn non- sẽ già. Ở
hai câu thơ, câu trúc lặp được sử dụng với những điệp từ, điệp cú pháp trong kiểu câu định
nghĩa tăng thêm ấn tượng cho sự khẳng định: mùa xuân là hiện thân rực rõ nhất của cuộc sống,
đồng thời nó cũng là biểu tượng của thời gian nên nó luôn vận động. Để thể cảm nhận của
mình về mùa xuân, Xuân Diệu đã sử dụng cặp từ mang ý nghĩa đối lập: “tới – non”, “qua –
già”. “Tới” – “non” là khởi đầu quá trình sống, khi sự sống vừa xuất hiện và còn đang ở giữa
thời tươi. Có “qua”- “già” là kết thúc của quá trình sống, đã đến thời phai với những phôi pha,
héo tàn. Để xác lập mối quan hệ giữa hai trạng thái này, Xuân Diệu sử dụng từ “nghĩa là” điệp
đi điệp lại. Sự xuất hiện của hai từ này đã thể hiện mối quan hệ tương đồng, đồng nhất.
+ Từ ý nghĩa cụ thể của hai câu thơ này, ta thấy sự phát hiện của nhà thơ: nhìn thấy phai ở thời
tươi, thấy điểm kết thúc ngay trong lòng cái mở đầu.
-> Xuân Diệu đã thể hiện ở đây một quan niệm mang tính triết học về thời gian: thời gian chảy
trôi theo trình tự tuyến tính một đi không trở lại, là thời gian tự hủy diệt trong lẽ tồn vong.
- Xuân Diệu không chỉ thể hiện ở đây những vận động của thời gian mà còn thể hiện những
cảm xúc mạnh mẽ, mãnh liệt:
“Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thăm lại!”
+ Nhà thơ đồng nhất sự trôi chảy của thời gian với sự mất mát của chính mình: “Mà xuân hết,
nghĩa là tôi cũng mất”.
++ Khi cái mất là cái tồn tại khách quan bên ngoài của cá nhân thì nó chỉ đem đến sự
nuối tiếc, nhưng khi cái mất thuộc về cá nhân thì nó lại đem đến sự đau xót.
++ Nhận diện về sự trôi chảy của thời gian khiến nhà thơ cảm thấy đau xót và nuối tiếc.
Bởi cùng với thời gian là sự chảy trôi của tuổi trẻ, của đời người. Những khoảnh khắc thời
gian đẹp nhất, những khoảnh khắc đời người đẹp nhất cũng sẽ trôi qua.
+ Xuân Diệu đã thể hiện những nghịch lí, những mâu thuẫn giữa khát vọng cá nhân và thực tế
cuộc sống mà cá nhân phải đối mặt: Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật
++ Từ “rộng” chỉ cái khát vọng vô cùng của tuổi trẻ
++ Từ “chật” là giới hạn hẹp mà mỗi cá nhân có được, đó là giới hạn của thời gian, tuổi
trẻ - thời gian luôn trôi chảy, tuổi trẻ thì không kéo dài. Sự trôi chảy của thời gian khiến tháng
năm của tuổi trẻ bị thu hẹp lại. Với người yêu đời, ham sống, coi mùa xuân và tuổi trẻ là hai
phần ngon nhất của cuộc đời như Xuân Diệu thì sự trôi chảy của thời gian tuổi trẻ là điều đau
xót nhất.
+ Xuân Diệu đã phản bác lại quan niệm về thời gian xưa (của các nhà thơ thời trung đại): Các
nhà thơ xưa đo đếm nhịp đi của mùa màng, biết thời gian nên thấy xuân tuần hoàn: “Sen tàn
cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân” (Nguyễn Du – “Truyện Kiều”). Còn
Xuân Diệu lại ý thức về sự một đi không trở lại của thời gian nên chỉ thấy sự chảy trôi, mất
mát. Chính nhà thơ cùng từng thấy rõ sự thay đổi: “Cái bay không cái trôi/ Từ tôi phút trước
sang tôi phút này”. Với Xuân Diệu, thời gian là thời gian tuyến tính, qua đi không quay trở lại.
Vì thế: “Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”
+ Chính quan niệm về thời gian tuyến tính của Xuân Diệu đã chi phối mắt nhìn, cảm xúc của
ông trước sự biến đổi của cảnh vật thiên nhiên, của cuộc sống.
b. Những bâng khuâng nuối tiếc trong không gian:
- Xuân Diệu phát hiện cái còn của vũ trụ là sự sống nối tiếp nhau bừng nở trong đất trời, cái
mất thuộc về cá nhân con người:
“Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi”
Chính sự phát hiện này là cơ sở để Xuân Diệu bộc lộ thái độ trước cuộc sống và sự sống trong
đất trời:
“Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
+ Tiếc là phản ứng của con người trước những điều mất mát. Cái mất là điều quý giá, là điều ta
tha thiết muốn giữ gìn thì cái tiếc càng đau xót hơn. Ở đây “tiếc cả đất trời” là tiếc tất cả những
gì thuộc về sự sống.
+ Niềm nuối tiếc là biểu hiện trái chiều của tình yêu, “tiếc cả đất trời” là biểu hiện của một tình
yêu lớn.
+ Tình yêu sự sống, cuộc sống của Xuân Diệu xôn xao, dào dạt tới mức không chỉ tràn ngập
trong trái tim nhà thơ mà nó còn chi phối, tác động , làm “lây nhiễm” trong cả đất trời.
- Những câu thơ:
“Mùi tháng năm đầu rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?”
có mối quan hệ tương đồng giữa cái tôi Xuân Diệu với vạn vật trong vũ trụ. Tương đồng ở
những cảm xúc, phản ứng trước bước đi của thời gian.
+ Khi nhà thơ “tiếc” là khi “năm tháng đều rớm vị chia phôi”, sông núi “than thầm tiễn biệt”.,
“gió hờn” và “chim sợ”. Một loạt những từ “tiếc”, “rớm”, ‘than”, “hờn”, “sợ” đã biểu hiện
được trường cảm xúc mạnh mẽ và biểu hiện được mối đồng cảm giữa con người với vũ trụ khi
cảm nhận sự trôi chảy của thời gian.
+ Xuân Diệu đã đem hồn mình để hiểu hồn tạo vật nên mới thấy cả vũ trụ đang vận động theo
nhịp đập của trái tim mình. Những cảm nhận, những phát hiện tinh tế này được Xuân Diệu
biểu hiện bằng lối trữ tình cảm giác rất độc đáo và đặc trưng.
+ Trong câu thơ: “Mùi tháng năm đầu rớm vị chia phôi” Xuân Diệu không chỉ huy động các
giác quan mà còn huy động cả thế giới tâm hồn tinh tế, nhạy cảm. Bằng sự huy động cả thế
giới vật chất và tâm hồn, nhà thơ đã cảm nhận được hương vị của chia li, phôi pha trong bước
đi cùa ngày tháng. Thời gia được cảm nhận bằng khứu giác để thấy mùi li biệt, cảm nhận bằng
vị giác để nhận ra vị chia phôi, và cả thị giác khi liên tưởng đến những giọt lệ buồn khi mỗi
khoảnh khắc vừa đến trong hiện tại lập tức bị đẩy vào quá khứ không thể lấy lại, dòng thời
gian vì thế màm đẫm hương vị chia li, mất mát. Sự trôi chảy của thời gian cũng là sự mất dần
của thời gian và đem đến những nỗi đau trong không gian vì mỗi một sự vật trong không gian
cũng đang lặng lẽ, ngậm ngùi tiễn biệt một phần đời của mình, chia li với tuổi trẻ và cuối cùng
là chia li sự sống của mình, sự chia li tất yếu không thể cưỡng lại được.
++ cơn gió lo âu “thì thào” và hờn giận vì phải bay đi
++ chim chóc đang “rộn ràng” bỗng im bặt tiếng hót
++ cuộc sống đang náo nức bỗng thảng thốt ngừng lặng vì nghĩ tới “độ phai tàn sắp
sửa”
c. Sự đúc kết cả cảm xúc và giải pháp của nhà thơ khi thể hiện tuyên ngôn sống của
mình:
“Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm”
- Điệp ngữ “chẳng bao giờ” khiến câu trên là một lời than tiếc nuối, tựa như tiếng nức nở,
nghẹn ngào vì “xuân bất tái lai” (xuân không quay trở lại), vì sự chia phôi với thời gian tuổi
trẻ, với mỗi khoảnh khắc quý giá không thể lấy lại trong cuộc đời.
- Ở câu sau tác giả đưa ra giải pháp: “mau đi thôi” – cấu trúc cầu khiến mang sắc thái giục giã,
cuống quýt rất quan thuộc của Xuân Diệu đã chỉ ra cách để thi nhân tận hưởng cao nhất cuộc
sống – sống nhiệt tình, sôi nổi, say mê, sống hết mình với đời, với người, sống vội vàng, gấp
gáp khi “mùa chưa ngả chiều hôm”, khi vẫn còn trong mùa xuân, trong tuổi trẻ.
- Từ “mùa” và “chiều hôm “ là hai khái niệm chỉ thời gian, tuy không cùng một hệ thống.
Nhưng độ chênh của thời gian một năm và một ngày càng làm tăng thêm sự gấp gáp, vội vàng
của con người yêu đời, ham sống luôn sợ thiếu thời gian.
- Khi không thể “tắt nắng” và “buộc gió” để giưa mãi vẻ đẹp cuộc sống thì cách vội vã, tăng
cường tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống là giải pháp thiết thực. Quan niệm này được nhà thơ thể
hiện trong một số bài thơ khác của mình: “Mau lên chứ, vội vàng lên mấy chứ/ Em, em ơi tình
non sắp già rồi”, hoặc “Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai/ Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh
viễn”.
=> NXC:
Đoạn thơ với kết cấu trùng điệp, giọng điệu gấp gáp đã thể hiện những quan niệm mới
mẻ của Xuân Diệu về thời gian và tuổi trẻ, đưa ra những triết lí nhân sinh tích cực, mạnh mẽ
của một trái tim tha thiết yêu đời. Những quan niệm triết lí cùng cách cảm nhận về thời gian và
tuổi trẻ ấy đã góp phần khẳng định giá trị của cái tôi cá nhân của con người trong thời đại mới-
những con người không chấp nhận sống vô nghĩa, mờ nhạt trong quỹ thời gian hữu hạn của
đời mình.
2.4. Đoạn 4 (9 câu thơ cuối): Triết lí sống mạnh mẽ, tích cực qua niềm khao khát tận
hưởng cuộc đời.
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
- Câu thơ mở đầu đoạn là một lời bày tỏ đầy khát khao: “Ta muốn ôm”
+ Nếu điệp ngữ “tôi muốn” trong khổ đầu của bài thơ mang sắc thái van lơn, khẩn khoản mà
bất lực thì câu thơ này lại như một lời tuyên bố dõng dạc, mạnh mẽ, kiên quyết tới cuồng nhiệt
của niềm yêu và niềm khao khát chiếm lĩnh.
+ Câu thơ ngắn gọn, chỉ ba từ, tạo giọng điệu mạnh mẽ, dứt khoát.
- Câu thơ: “Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn” là bổ ngữ nghệ thuật cho niềm khao khát được
khẳng định ở câu thơ trên. Tác giả muốn ôm, nhưng không phải là một sự sống đơn lẻ mà là cả
sự sống lớn – một sự thâu tóm, chiếm lĩnh trọn vẹn không muốn bỏ sót điều gì. Niềm khao
khát ấy hướng về trạng thái mới mẻ, non tơ và luôn tràn đầy sự sống. Nghệ thuật ẩn dụ chuyển
đổi cảm giác đã giúp nhà thơ biến cái không thể, thành có thể. Cụ thể là đã khiến vẻ đẹp trừu
tượng của cuộc sống hiện ra cụ thể, sống động, đầy cám dỗ: ‘mơn mởn”, non tơ như một cây
đời tràn đầy nhựa sống.
- Những câu thơ còn lại là vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống tuyệt diệu, quyến rũ:
“Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
+ Nhà thơ gợi ra các dạng tồn tại của sự sống:
++ “mây”, “gió”, “cánh bướm” – là những hình ảnh thiên nhiên thi vị, thơ mộng, đem
đến cảm xúc lãng mạn cho tâm hồn con người.
++ “non nước”, “cây”, “cỏ’ - gắn với thiên nhiên phóng khoáng, tràn đầy sinh khí của
sự sống hồn nhiên, tự nhiên
++ “xuân hồng” – hiện thân rực rỡ nhất của thiên nhiên nơi trần thế
-> Tất cả sự tồn tại cụ thể ấy của sụ sống đều đang vận động, đang xôn xao để phô lộ
trọn vẹn vẻ đẹp tiềm ẩn trong nó.
+ Đối diện với sự sống tươi đẹp ấy, cái tôi Xuân Diệu đã có những hành động cụ thể để thể
hiện khát vọng của mình. Một hệ thống các động từ mạnh được sử dụng với mật độ dày đặc đã
góp phần bộc lộ chân dung tâm hồn cái tôi Xuân Diệu:
++ “ôm” – gợi liên tưởng đến vòng tay nồng nàn
++ “riết” – xiết chặt, chỉ sự nồng nhiệt của vòng tay ấy
++ “say” – cái chếnh choáng của cảm giác, sự thăng hoa của tâm hồn
++ “thâu” – thu nhận, đón nhận, và cách thu nhận ở đây rất độc đáo: thu nhận trong một
nụ hôn – phương thức giao cảm của tình yêu.
-> Với cách dùng các động từ này, chân dung tinh thần của “cái tôi” Xuân Diệu được
bộc lộ khá trọn vẹn. Nhà thơ như là một tình nhân vĩ đại của cuộc sống. Và bởi vì tình yêu quá
lớn lao giành cho hết thảy sự sống trên trần gian nên tình yêu ấy được biểu hiện ra bằng vòng
tay nồng nàn và trái tim nồng nhiệt.
+ Mục đích của “cái tôi” Xuân Diệu khi chiếm lĩnh sự sống ấy là để hưởng thụ tất cả những vẻ
đẹp, những tinh túy của sự sống trần gian:
“Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi”
++ Các từ “chếnh choáng”, “no nê”, “đã đầy” gợi trạng thái viên mãn cả về thể chất và
tâm hồn khi con người được đáp ứng tối đa nhu cầu sống.
++ Điệp từ “cho” đã nhấn mạnh và cực tả cảm giác tận hưởng tới mãn nguyện của niềm
yêu.
++ Nếu những nhu cầu sống chỉ là những gì về đời sống vật chất thì sự thỏa mãn nhu
cầu chỉ khiến cho con người trở nên phàm tục. Nhưng những nhu cầu mà Xuân Diệu bộc lộ lại
mang đầy tính nghệ sĩ. Đó là nhu cầu về hương thơm, ánh sáng, màu sắc của thời tươi – là
những vẻ đẹp tinh túy của sự sống trần gian, đáp ứng những ngu cầu thẩm mĩ, thỏa mãn nhu
cầu tinh thần. Nó đem đến niềm đam mê và hứng thú.
++ Đặt bên cạnh hương thơm và ánh sáng, thanh sắc thời tươi thì các từ láy “chếnh
choáng”, “no nê”, “đã đầy” mang một ý nghĩa đặc biệt: qua những từ này, Xuân Diệu thể hiện
được những khát vọng ham muốn rất trần thế mà không trần tục, khiến những cảm xúc rất
cuồng nhiệt, nồng thắm mà vẫn rất tinh khiết.
+ Câu thơ cuối “ - Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!” mang một vẻ đẹp độc đáo, mới lạ.
++ “Hỡi” là từ hô gọi, đem đến cho câu thơ hình thức của một lời đối thoại, nó cũng gợi
ra không khí của một cuộc đối thoại giữa cái tôi thi sĩ với “xuân hồng”.
++ “xuân hồng” – hiện thân rực rõ nhất của sụ sống nơi trần gian. Vì chữ “hồng” vừa
gợi màu xuân rực rỡ, vừa gợi ra trạng thái chín của mùa xuân. Từ đó gợi cho ta hình dung về
một mùa xuân như là một trái chín khi hương thơm và vị ngọt đã được bộc lộ trọn vẹn.
++ Từ “cắn” diễn tả một hành động chiếm lĩnh để hưởng thụ tuyệt đối hương thơm và
vị ngọt. Nó biểu hiện niềm hạnh phúc lên đến đỉnh điểm khiến cho sụ tận hưởng vẻ đẹp cuộc
sống của nhà thơ mang sắc thái nhục cảm đầy cám dỗ.
++ cách nói “ta muốn cắn vào ngươi” thể hiện sự ngang hàng của con người với thiên
nhiên (xuân hồng) và làm nổi bật sự chủ động của con người trong việc bày tỏ khát vọng của
mình.
-> Nếu ở câu thơ “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần” mới chỉ gợi ra độ hấp dẫn
của mùa xuân, của tháng giêng để khơi gợi niềm khát khao giao cảm trong tâm hồn nghệ sĩ thì
đến câu thơ này, niềm khao khát ấy đã được chuyển hóa thành hình ảnh cụ thể là những hình
ảnh giao cảm chiếm lĩnh, hưởng thụ sự sống ( ta muốn cắn vào ngươi) góp phần bộc lộ trọn
vẹn diện mạo của cái tôi Xuân Diệu trong thơ – một cái tôi ham sống, ham yêu và khao khát
giao cảm với người với đời.

You might also like