You are on page 1of 10

MÙA XUÂN NHO NHỎ - THANH HẢI

I. Giới thiệu chung:


1. Tác giả:
- Tên thật là Phạm Bá Ngoãn (1930-1980) quê ở huyện Phong Điền -
Thừa Thiên Huế.
- Tham gia hoạt động văn nghệ từ cuối kháng chiến chống Pháp. Là cây
bút có công xây dựng nền văn học giải phóng miền Nam ngay từ những ngày
đầu. Từng là một người lính cầm súng tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống
Pháp và chống Mĩ.
- Thơ chân chất, bình dị và đôn hậu, chân thành.
- Tác phẩm chính: Những đồng chí trung kiên – 1962; Huế mùa xuân – 2
tập, 1970 và 1975; Dấu võng Trường Sơn – 1977.
- Năm 1965 được tặng giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu.
- Sau giải phóng, Thanh Hải vẫn gắn bó với quê hương xứ Huế, sống và
sáng tác ở đó cho tới lúc qua đời.
2. Tác phẩm:
- Năm 1980, Thanh Hải đau nặng phải vào bệnh viện Huế điều trị. Tuy
căn bệnh được các bác sĩ chuẩn đoán là không thể qua khỏi được nhưng ông vẫn
lạc quan yêu đời. Nằm ở tầng 4 bệnh viện, những lúc khỏe, ông thường ra ngắm
cảnh và làm thơ. Nhưng rồi vào một ngày cuối đông, trời Huế bỗng trở lạnh và
mưa lâm thâm, những người bạn của Thanh Hải đã nhận được tin ông qua đời.
Thương tiếc người bạn tài hoa ra đi khi tuổi đời vừa mới 50, mọi người đến
viếng và làm lễ tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Đang lúc làm lễ thì vợ
Thanh Hải tìm gặp nhạc sĩ Trần Hoàn và trao cho ông một bài thơ mà ông đã
sáng tác khi nằm viện vào tháng 11 năm 1980 - bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.
Trong nỗi thương tiếc người bạn và niềm cảm xúc trào dâng mãnh liệt, nhạc sĩ
Trần Hoàn đã phổ nhạc ngay bài thơ trong vòng không đầy 30 phút và bài hát
đã vang lên ngay trong buổi lễ ấy.
-> Bài thơ được viết trên giường bệnh, trước khi nhà thơ qua đời. Thời
điểm đó, đất nước vừa thống nhất lại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử
thách gay gắt.
- Thể thơ 5 chữ, không ngắt nhịp trong từng câu, chia nhiều khổ, mỗi khổ
4-6 dòng. Nhịp điệu, nhạc điệu có biến đổi theo mạch cảm xúc.
- Bài thơ bắt đầu bằng những cảm xúc trực tiếp, hồn nhiên, trong trẻo
trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên, đất trời từ đó mở rộng ra
với mùa xuân của đất nước hôm nay và đất nước 4000 năm. Từ đó, mạch thơ
chuyển sang biểu hiện suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ được góp “mùa
xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc”. Mạch thơ phát triển tự
nhiên để rồi cũng khép lại tự nhiên đằm thắm trong một điệu dân ca xứ Huế.
- Nhan đề: Là một sáng tạo độc đáo của Thanh Hải.
+ Mùa xuân: hiện thân của sự sống, sức sống, một khái niệm trừu tượng.
+ Nho nhỏ: nhỏ bé, bình thường, một tính chất cụ thể, có thể cảm nhận và
hình dung một cách rõ ràng.
“Mùa xuân nho nhỏ” là một cách nói hình tượng, đầy ẩn ý. Nhà thơ đã
dùng một tính từ gợi tính chất cụ thể để cụ thể hóa một khái niệm trừu tượng.
“Mùa xuân nho nhỏ” ở đây có thể hiểu là sự sống, khát vọng và tình yêu của
chính nhà thơ đối với cuộc đời này - tuy nhỏ bé nhưng thắm tươi, đẹp đẽ để có
thể góp phần làm nên một mùa xuân lớn lao hơn - mùa xuân Đất nước. Đây vừa
là cách nói thể hiện sự khiêm nhường vừa là sự sáng tạo của nhà thơ để thể hiện
khát vọng dâng hiến, hòa nhập với quê hương đất nước.
II. Đọc - hiểu văn bản
1. Khổ 1: Mùa xuân thiên nhiên xứ Huế
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
Hình ảnh mùa xuân của thiên nhiên, đất trời.
- Bức tranh xuân được gợi ra bằng những nét vẽ chấm phá mà giàu sức
gợi cảm bằng một lối tả tinh tế, độc đáo.
+ Hình ảnh đơn sơ: dòng sông xanh, bông hoa tím, tiếng chim chiền
chiện vang trời đều là những chi tiết giản dị, quen thuộc, không có gì bất ngờ
hay lạ lung, khác biệt.
+ Sức gợi của hình ảnh nằm trong chính cách miêu tả của nhà thơ: đảo từ
“mọc” lên đầu câu, nhà thơ đã gợi ra cái động trong cảnh tĩnh - đó là cái động
của một sức sống đang trỗi dậy, đang vươn lên của sự sống trong mùa xuân. Chỉ
có một từ “mọc” thôi mà nhà thơ đã làm cho khí xuân, sức xuân như bừng nở
trong đất trời. Để làm nổi bật khí sắc của mùa xuân, nghệ thuật phối màu cũng
tỏ ra có hiệu quả rõ rệt: tuy sắc xanh, sắc tím đều thuộc gam màu lạnh để gợi cái
thanh nhẹ, dịu lắng rất riêng của cảnh sắc thiên nhiên xứ Huế, song chữ “biếc”
trong từ “tím biếc” đã khiến bức tranh xuân tươi sáng hơn lên. Nếu “tím” chỉ là
màu thì chữ “biếc” còn gợi cả độ ánh lên của màu sắc ấy. Ta có thể hình dung
trên nền xanh mênh mông và tĩnh lặng của dòng sông xuân, sắc tím biếc của
bông hoa ánh lên một vẻ đẹp đầy quyến rũ để làm xao động cảm xúc trong
những tâm hồn mơ mộng. Sắc xanh là màu sắc của mùa xuân. Sắc tím lại rất
đặc trưng cho cảnh và hồn riêng của xứ Huế. Dường như, ngay từ phát hiện đầu
tiên Thanh Hải đã bộc lộ một đôi mắt và một tâm hồn Huế dịu dàng, sâu lắng.
Để đến khi tiếng chim vang lên thì tâm hồn ấy đã bộc lộ thêm cả độ thiết tha.
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời.
Bắt đầu bằng hoa nở, kế đến là chim hót. Thế là đã gần như đủ cả một
mùa xuân. Nhà thơ không chỉ là người ngắm cảnh mà đã giao hòa với cảnh: từ
hô gọi “ơi” và câu hỏi “hót chi” tạo cho câu thơ âm hưởng ngọt ngào, tha thiết.
Trong tiếng gọi và câu hỏi ấy, con chim chiền chiện không còn là một hình ảnh
thiên nhiên vô tình có mặt trong bức tranh xuân mà là một sinh thể đang tràn
đầy cảm hứng trước mùa xuân. Dường như rong cái nhìn của nhà thơ, con chim
nhỏ cũng cảm nhận được cái xôn xao, rạo rực của sự sống đang trở mình trỗi
dậy nên đã ngân lên tiếng hót vang trời. Hoa mọc là cái động của hình ảnh,
chim hót vang trời là cái động của âm thanh. Sự sống, sức sống của mùa xuân
mỗi lúc một căng tràn hơn, rạo rực hơn để gợi nguồn thi hứng trong tâm hồn
nghệ sĩ. Lời thơ giản dị, tự nhiên như lời nói thường mà thật giàu cả nhạc cảm
và thi cảm. Có lẽ đó chính là lí do vì sao khi vừa đọc bài thơ, nhạc sĩ Trần Hoàn
đã có thể lập tức hình thành giai điệu để bài hát ra đời.
Nếu trong 4 câu đầu, ta thấy thiên nhiên mùa xuân đã thật hào phóng khi
trao tặng những vẻ đẹp và sự sống thì ở hai câu thơ cuối, ta lại thấy con người
như đang mở rộng tấm lòng để đón nhận tất cả:
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Bút pháp tỉnh lược khiến hình ảnh thơ trở nên đa nghĩa: “giọt” ở đây có
thể là giọt mùa xuân trong ánh sáng của trời xuân, giọt sương rơi từ trên phiến
lá buổi bình minh nắng sớm. Song trong mối liên hệ với hai câu trước, nó cũng
cho phép ta tưởng tượng ra âm thanh tiếng chim đang vang xa bỗng như gần lại,
rõ ràng, tròn trịa như kết lại thành giọt sương óng ánh sắc màu rơi rơi không dứt
để nhà thơ có thể đưa tay hứng lấy từng giọt âm thanh. Như vậy, từ một hình
tượng được cảm nhận bằng thính giác (âm thanh), nhà thơ đã chuyển đổi thành
một sự vạt có thể cảm nhận bằng thị giác (hình ảnh) và cụ thể đến mức có thể
cảm nhận bằng cả da thịt, bằng sự tiếp xúc của đôi tay mình. Nghệ thuật ẩn dụ
chuyển đổi cảm giác đã đạt đến độ tinh tế đáng khâm phục. Song hơn cả sự tài
hoa về nghệ thuật là niềm say sưa, ngây ngất, xốn xang, rạo rực của nhà thơ
trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời lúc vào xuân. Đặt trong hoàn cảnh hiện tại
của nhà thơ, nó là biểu hiện của niềm lạc quan yêu đời, tâm hồn trong sáng giàu
bản lĩnh. Một cách tự nhiên, rung động trước đất trời xuân đã trở thành điểm
khởi đầu cho tình yêu với quê hương, đất nước, với cuộc đời này.
2. Hai khổ tiếp: mùa xuân của đất nước.
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao
Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước
Từ bức tranh xuân của thiên nhiên, liên tưởng thơ vận động một cách tự
nhiên đến mùa xuân của đất nước, của cách mạng, của cuộc đời. Làm nên bức
tranh xuân của thiên nhiên là dòng sông xanh, bông hoa tím, tiếng chim ngân
vang trong đất trời còn làm nên bức tranh xuân đất nước lại là con người.
“Người cầm súng” là người chiến sĩ bảo vệ Tổ Quốc, “người ra đồng” là người
nông dân sản xuất để dựng xây đất nước - đó là những con người đang làm nên
một đất nước tươi đẹp, bình yên cho tất cả mọi người. Nếu chỉ có hai hình ảnh
ấy thôi, đoạn thơ sẽ chẳng khác gì một bức tranh cổ động đậm màu sắc chính
trị. Chất thơ lai láng của đoạn thơ tỏa ra trong cách cảm nhận của nhà thơ về
hình ảnh con người trong không gian đất nước: trong cái nhìn của nhà thơ, mùa
xuân của thiên nhiên đã vừa như bao bọc vừa như được nảy nở từ bàn tay con
người. Cho nên hiện lên trong đoạn thơ không phải là “người cầm súng” và
“người ra đồng” mà là “mùa xuân (của) người cầm súng” và “mùa xuân (của)
người ra đồng”. Thành phần khởi ngữ “mùa xuân” làm nổi bật chủ đề mùa xuân
để tiếp nối và khẳng định cội nguồn cảm hứng về bức tranh xuân tươi đẹp, tràn
đầy sức sống “Người cầm súng” và “người ra đồng” là hai hình ảnh cụ thể triển
khai chủ đề ấy. Và trong không khí xuân, hình ảnh con người cũng hiện lên thật
đặc biệt: “người cầm súng” với “lộc giắt đầy quanh lưng”, “người ra đồng” với
“lộc trải dài nương mạ”. Đó trước hết là hình ảnh thực: người lính với vòng lá
ngụy trang đầy chồi lộc trên lưng, người nông dân với nương mạ xanh tốt đang
ngời lên dưới bàn tay chăm bón. Nghệ thuật điệp từ, điệp cấu trúc khiến cho sắc
xuân, khí xuân như lan tỏa, tràn trề. Mùa xuân là mùa của sự sống sinh sôi, nảy
nở nên gắn với mùa xuân là lộc biếc, chồi non. Đặt từ “mùa xuân” và “lộc” ở
đầu mỗi câu thơ, nhà thơ còn gợi cho ra về một cuộc sống đang lên, đang sinh
sôi bất tận từ bàn tay con người và trong không gian đất nước. Trong mối liên
hệ với thời điểm bài thơ ra đời (1980), người đọc còn có thể hình dung đến mùa
xuân đất nước, mùa xuân cách mạng khi đất nước đang trong những ngày đầu
thống nhất rất tươi tắn và non trẻ, đang tràn đầy hi vọng vươn lên. Trong không
gian đất nước, quê hương, con người đi tới đâu là mùa xuân theo tới đó: người
cầm súng mang cả mùa xuân lên tiền tuyến, người ra đồng gieo mùa xuân trên
từng nương mạ. Họ chính là mùa xuân của đất nước, họ cũng là người đem đến
cho mùa xuân cho đất nước bằng bàn tay, khối óc và bằng cả sự sống, sức sống
thanh xuân của chính mình. Từ những hình ảnh cụ thể của “người cầm súng” và
“người ra đồng”, nhà thơ đã nâng lên thành một cảm nhận có tính khái quát về
mùa xuân đất nước:
“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao
Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.”
Vẫn sử dụng hình thức lặp cấu trúc lại kết hợp với cặp từ láy “hối hả” và
“xôn xao”, Thanh Hải đã tạo cho câu thơ cái nhịp đầy gấp gáp, sôi nổi của một
nguồn cảm hứng rạo rực và phấn chấn. “Tất cả” là từ gợi ra một mối liên hệ
rộng lớn. Và điều làm nên mối liên hệ rộng lớn ấy là những nỗ lực và sức sống
của con người. “Hối hả” là từ chỉ trạng thái vội vã do ý thức được về sự thôi
thúc thời gian, ở đây gợi nhịp điệu khẩn trương của không khí làm ăn tập thể để
xây dựng đất nước. “Xôn xao” vừa gợi tả những âm thanh vang lên từ nhiều
phía, vừa biểu hiện được những rung động, xao xuyến từ trong lòng người - vừa
là sự sống bên ngoài, vừa là sức sống bên trong cùng lúc vang ngân, lan tỏa để
tạo nên mùa xuân đất nước.
Tình yêu đất nước không chỉ được bộc lộ trong cách cảm nhận đầy tinh tế
và cái nhìn tha thiết yêu mến của nhà thơ với từng dấu hiệu của sự sống trong
thiên nhiên đất trời và con người. Tình yêu đất nước còn được bộc lộ ra trong
những suy tư sâu lắng:
Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
Bốn nghìn năm là bề dày lịch sử của đất nước. Nếu từ góc nhìn lịch sử,
bốn nghìn năm ấy sẽ gắn với bao thăng trầm, biến cải, đổi thay. Song từ góc
nhìn về con người, Thanh Hải lại khái quát lên điều khác: “vất vả” là phải mất
nhiều sức lực, tâm trí; “gian lao” là sự khó khăn, gian khổ. Vậy là có một sự hô
ứng không hề ngẫu nhiên giữa hai câu thơ này với hai câu thơ trước nó: ở hai
câu trước, nhà thơ khẳng định mùa xuân đất nước được tạo nên và nảy nở từ
bàn tay, khối óc và sự sống của con người, ở hai câu thơ này nhà thơ lại một lần
nữa khẳng định chính sức lực, tâm trí và những nỗ lực cố gắng của con người để
vượt lên gian khổ, khó khăn đã làm nên lịch sử bốn nghìn năm. Ý thơ này của
Thanh Hải có sự gặp gỡ với ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Mặt
đường khát vọng”:
“Ôi đất nước bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”.
Đúng là “những cuộc đời đã hóa núi sông ta” bởi vất vả và gian lao là
cuộc sống của con người, trong cảm nhận của nhà thơ đã trở thành cuộc sống
của đất nước trải qua suốt năm. Cầm súng và ra đồng hôm nay, công cuộc chiến
đấu và dựng xây này vậy là đã được bắt đầu và tiếp nối từ bốn nghìn năm trước,
nó tất yếu sẽ là cuộc hành trình đi tới tương lai:
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
Cách so sánh “Đất nước như vì sao” thật đặc biệt. Ngôi sao thật nhỏ bé,
khiêm nhường giữa ngàn sao trên bầu trời đêm. Nhưng trong bầu trời đêm dù có
trăng và ngàn sao thì mỗi ngôi sao vẫn tự mình lấp lánh. Vì sao còn gợi ra vẻ
đẹp, ánh sáng và hi vọng vẫn lặng lẽ tồn tại và lặng lẽ khẳng định sự tồn tại của
mình. Và cũng như quy luật vận hành của vũ trị, tiến trình phát triển, đi lên của
dân tộc ta, dất nước ta là không gì ngăn cản nổi. Từ “cứ” gợi tính tất yếu, cũng
gợi cái mạnh mẽ, khỏe khoắn của hoạt động “đi lên phía trước”. “Phía trước” ở
đây là tương lai - một tương lai tươi đẹp, trong lành được làm nên từ ngay trong
hiện tại gian lao, vất vả. Một cách giản dị và hàm súc, khổ thơ đã thể hiện niềm
tin vào sự bền vững của đất nước và niềm tin mãnh liệt vào những gì tốt đẹp ở
tương lai. Chính niềm tin ấy, tình yêu Tổ Quốc ấy đã khiến những lời thơ giản
dị lại có sức vang ngân đặc biệt.
3. Khổ 4,5: Mùa xuân của con người mang khát vọng cống hiến
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
- Trong cuộc sống, ai cũng có khát vọng của riêng mình. Có khát vọng
lớn lao, có ước mơ bình dị. Song khát vọng dâng hiến cho đời bao giờ cũng là
khát vọng cao quý nhất bởi nó nâng tầm với con người vượt qua giới hạn nhỏ bé
của một cá nhân.
- Nội dung khát vọng của nhà thơ:
+ Từ ngữ: “Làm” - dùng khả năng, sức lực của mình để tạo ra một giá trị
hoặc để thực hiện một nhiệm vụ quyền hạn nào đó gắn với vị trí và khả năng
của mình.
“Nhập” - hòa mình vào để trở thành một phần trong một khối, một chỉnh
thể nào đó.
“Dâng”- trao tặng bằng sự chân thành và tôn kính.
Khi khẳng định “ta làm” “ta nhập” “lặng lẽ dâng cho đời” là khi nhà thơ
thể hiện tư thế chủ động, tích cực. Ý thức tự nguyện trong gắn bó và dâng hiến
đời mình cho đất nước, quê hương. Song nếu ở khổ thơ đầu, đại từ nhân xưng
được dùng là “tôi” thì ở đây nhà thơ lại dùng từ “ta”. Về thực chất, “ta” ở đây
vẫn là cái tôi nhà thơ, song cái tôi ấy không chỉ đang nói tiếng nói của chính
mình mà nói tiếng nói đại diện cho cả thế hệ, tiếng nói của con người thời đại
mình. Khát vọng dâng hiến của nhà thơ cũng là khát vọng của con người mới,
cuộc đời mới.
+ Hình ảnh: “con chim hót” đem đến cho đời âm thanh rộn rã, náo nức;
“cành hoa” lại mang hương sắc góp phần làm cho cuộc đời này trở nên rực rỡ
ngát hương. “Con chim” “cành hoa” tuy nhỏ bé song vẫn góp phần làm nên mùa
xuân của thiên nhiên, đất trời. Việc nhắc lại những hình ảnh của mùa xuân đã
được gợi ra trong khổ thơ đầu đã khiến hình ảnh có thêm chiều sâu ý nghĩa mới:
nó không chỉ là biểu tượng cho mùa xuân của thiên nhiên đất trời mà còn góp
phần diễn tả niềm mong muốn được sống có ích, được cống hiến cho đời tất cả
những gì tinh túy nhất dù nhỏ bé, khiêm nhường của nhà thơ. Theo lẽ tự nhiên,
con chim sinh ra để hót, bông hoa sinh ra để tỏa sắc hương. Thanh Hải muốn sự
cống hiến của mình cho đời cũng tự nhiên như thế.
Khát vọng hòa nhập được thể hiện đầy đủ nhất ở câu cuối khổ:
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
“Nốt trầm” tạo ra một âm thanh trầm lắng chứ không vút cao rộn rã,
không thánh thót vang xa song trong bản thân hòa ca nó vẫn tạo được âm điệu
lắng sâu, da diết làm rung động trái tim người và để lại những dư âm lan tỏa.
Từ hình ảnh con chim, cành hoa, nốt nhạc, mạch thơ dẫn dắt một cách tự
nhiên đến ý tưởng về “mùa xuân nho nhỏ”.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
“Con chim”, “cành hoa”, “nốt trầm xao xuyến” là biểu tượng của mùa
xuân trong thiên nhiên và trong lòng người. Khi đã làm con chim hót, làm
nhành hoa tỏa hương, làm nốt trầm xao xuyến là nhà thơ đã trở thành một “mùa
xuân nho nhỏ”. Có thể nói, đây là ẩn dụ đặc sắc nhất mà Thanh Hải đã tạo ra
trong bài thơ để nói về cuộc đời tươi đẹp của mỗi người góp phần làm nên mùa
xuân lớn của đất nước, của dân tộc. Tự nguyện làm mùa xuân là nhà thơ đã tự
nguyện sống đẹp bằng tất cả sức sống thanh xuân, tươi trẻ của mình cho đất
nước: “Lặng lẽ dâng cho đời”. Từ “lặng lẽ” nghĩa là kín đáo, không ồn ào, phô
trương, từ “dâng” lại thể hiện niềm thành kính, biết ơn khi cống hiến sự sống,
sức sống thanh xuân của chính mình. Điều đáng quý nhất là sự dâng hiến ấy
không phải chỉ có một giới hạn thời gian mà là trong cả cuộc đời. Từ “dù” nêu
điều kiện không thuận, bất thường nhằm khẳng định rằng điều được nói đến vẫn
xảy ra, vẫn đúng ngay cả trong trường hợp đó.
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
“Tuổi 20” là hoán dụ chỉ những tháng năm tuổi trẻ - khoảng thời gian mà
sức sống căng tràn trong lồng ngực và hoài bão ắp đầy trong tâm hồn. “Tóc
bạc” lại là hoán dụ chỉ tuổi già - khi sức sống đã hao vơi, cũng là khi con người
cần dừng lại để ngơi nghỉ. Thế nhưng quy luật tưởng muôn đời ấy đã không
diễn ra với Thanh Hải. Bằng cách sử dụng điệp từ “dù”, Thanh hải muốn khẳng
định rằng trong điều kiện không thuận (tuổi già) thì sự cống hiến đã trở thành
khát vọng suốt đời của nhà thơ. Trong thực tế, nhà thơ đã sống đẹp và cống hiến
không mệt mỏi cho đất nước, nhân dân. Ông là nhà thơ cách mạng đã tham gia
2 cuộc kháng chiến, bám trụ ở quê hương trong những năm tháng khó khăn nhất
của cách mạng miền Nam. Cũng trong thời gian ấy, những bài thơ của Thanh
Hải như “Mồ anh hoa nở”, “Cháu nhớ Bác Hồ” đã vượt lên sự khủng bố tàn bạo
của kẻ thù, khẳng định niềm tin vào chiến thắng. Sau ngày giải phóng, Thanh
Hải vẫn gắn bó với quê hương cho tới lúc qua đời. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
được ông viết trong những ngày tháng cuối cùng trên giường bệnh chính là một
cống hiến tuyệt vời của ông cho thơ ca Việt Nam, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn
bao thế hệ bạn đọc.
4. Khổ 6: Lời ca ngợi quê hương đất nước qua khúc dân ca Huế
Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam Ai, Nam Bình.
Nước non ngàn dặm mình.
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế
Ở khổ thơ đầu, nhà thơ đã thể hiện niềm say sưa đón nhận những âm
thanh của đất trời mùa xuân thì ở khổ thơ này, nhà thơ lại hòa cùng nhạc điệu
của đất trời bằng làn điệu dân ca xứ Huế. “Nam ai” là điệu dân ca Huế có tình
chất dịu dàng, trìu mến, yêu thương. Nam ai, Nam bình là hai khúc dân ca nổi
tiếng mang điệu hồn xứ Huế lắng sâu da diết trong không gian Huế đẹp và thơ.
Sau nguyện ước dâng hiến sự sống, cuộc đời mình cho đất nước, quê hương,
nhà thơ khao khát cất lên khúc hát quê hương ngọt ngào da diết để tiếng hát ấy
ngân vang trong không gian nước non ngàn dặm:
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Khi nói đến “nước non ngàn dặm” là nói đến niềm tự hào về non song
gấm vóc. Điệp lại cụm từ này ở 2 dòng thơ lien tiếp, nhà thơ như để tâm hồn
mình và tâm hồn bạn đọc bay bổng lên trong cảm nhận và tưởng tượng về
không gian núi nước quê hương bát ngát, phóng khoáng và tươi đẹp. Ở hai câu
thơ này, chỉ có một từ cuối câu là thay đổi: từ “mình” ở câu 3 gợi mối quan hệ
thân thương máu thịt (nước mình), từ “tình” ở câu 4 lại biểu hiện tình cảm lắng
sâu, da diết được nảy nở chính từ mối quan hệ ấy. Điều mà nhà thơ biểu đạt
được ở đây là một tình yêu da diết, lắng sâu với đất nước quê hương thương
yêu, gắn bó. Nó cho ta hiểu, mong muốn được cất lên khúc hát Nam ai Nam
bình là mong ước của một trái tim yêu tha thiết đất nước quê hương mình.
Bài thơ khép lại bằng sự lan tỏa của âm vang “Nhịp phách tiền đất Huế” -
âm vang của thứ nhạc cụ gắn liền với ca Huế tạo dư âm khắc khoải và lắng
đọng của khúc ca ấy trong tâm hồn người nghe, cũng tạo nên sự hòa quyện lí
tưởng của ý, lời và nhịp điều ở khổ thơ cuối này.
III. Tổng kết:
- Bài thơ có một tứ thơ độc đáo - mùa xuân nho nhỏ: Ý tưởng, khát vọng
sống đẹp, dâng hiến sức sống, sự sống trọn đời của mình cho mùa xuân đất
nước đã được thể hiện trọn vẹn qua hình ảnh một mùa xuân nhỏ bé, khiêm
nhường với con chim hót, cành hoa, nốt nhạc trầm xao xuyến - cũng là một mùa
xuân tươi đẹp bởi đó chính là những gì tinh túy nhất trong sự sống của chính
mình.
Từ những cảm xúc đẹp về mùa xuân, bài thơ gợi mở suy nghĩ về một lẽ
sống cao đẹp của một tâm hồn trong sáng.
- Bài thơ có một hệ thống hình ảnh bình dị mà tươi tắn, gần gũi mà giàu
sức gợi để không chỉ góp phần tạo nên một bức tranh xuân tươi đẹp mà còn biểu
hiện ước nguyện thiêng liêng của con người.
- Bài thơ có giai điệu đẹp - vừa xôn xao vừa sâu lắng bởi sự hòa quyện
của chất thơ và tính nhạc.

You might also like