You are on page 1of 56

* Tiếng sáo thiên thai

Thế Lữ là một trong những gương mặt nhà thơ tiêu biểu, khởi đầu cho phong trào
Thơ Mới ở Việt Nam năm 1930. Nhà thơ đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị cao
không chỉ về nội dung mà cả hình thức nghệ thuật. Trong số tác phẩm tiêu biểu của
Thế Lữ không thể không kể đến bài thơ “Tiếng sáo thiên thai”. Bài thơ thể hiện
được cảnh sắc tươi đẹp, thuần khiết của thiên nhiên. Song vẻ đẹp này không ẩn
giấu nổi tâm sự buồn của nhà thơ, đó là nỗi buồn thời thế khi đất nước loạn li,
nhiều biến động. Và với ý thức của một con người luôn dành tình yêu mãnh liệt
cho đất nước, cho cuộc đời thì đó chính là những mất mát về tinh thần, một nỗi đau
thời thế.

Không gian thiên nhiên tươi đẹp được gợi mở ngay từ đầu bài thơ. Cảnh sắc thiên
nhiên mơn mởn, thanh khiết đến lạ kì, gợi cho người đọc liên tưởng đến cõi tiên
cảnh. Nhưng những khung cảnh xuất hiện trong bài thơ đều là những hình ản được
nhà thơ Thế Lữ trực tiếp đón nhận bằng thị giác, cảm nhận bằng những giác quan.
Và trên hết thì đó là những cảnh sắc tươi đẹp nơi trần thế:

“Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi

Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng

Tiếng đưa hiu hắt bên lòng

Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn”

Dưới ánh sáng của ngày xuân, cảnh vật dường như sinh động, rực rỡ hơn. Những
ngọn cỏ mùa xuân vốn tươi non, xanh ngắt, khi được ánh sáng thanh khiết, nhẹ
nhàng của ngày xuân bao phủ thì cái vẻ thanh khiết, tươi non ấy điểm tô đến cực
điểm. Và trước khung cảnh tươi đẹp ấy, dù không phải trực tiếp đón nhận nhưng
người đọc vẫn cảm nhận được cái chân thực trong cảm xúc, cũng như sự thanh tĩnh
trong tâm hồn. Và khung cảnh tươi đẹp ấy càng trở nên sống động hơn khi có sự
xuất hiện của những đứa trẻ xinh đẹp. Đó là những chú bé chăn trâu, hình ảnh chú
bé chăn trâu ngồi trên lưng trâu và thổi lên khúc nhạc vang vọng trong không gian
vốn quen thuộc trong tâm thức mỗi người. Ở trong bài thơ này, nhà thơ Thế Lữ gợi
ra cái khoảng kí ức thân thuộc đó trong mỗi người.
Vì vậy mà nhà thơ dễ dàng “lôi kéo” được sự đồng cảm, rung động của độc giả dù
chỉ qua hai câu thơ đầu tiên. Nhưng, trong không gian đầy tươi đẹp, tràn đầy sức
sống ấy gợi ra trong nhà thơ những rung động thầm kín, nhưng lại càng tô đậm
thêm cái “bi sầu” trong lòng. Bởi cảnh vật dễ dàng chi phối đến tâm trạng của con
người, đặc biệt là trong tâm trạng đa sầu đa cảm của nhà thơ lại vốn tồn tại những
suy tư, tâm sự: “Tiếng đưa hiu hắt bên lòng/ Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là
buồn”. Âm thanh của cuộc sống lại vô tình gợi ra tiếng lòng buồn man mác của
nhà thơ, hay tiếng lòng buồn ấy vốn đã tồn tại cố hữu trong tâm hồn của nhà thơ,
nên chỉ cần có thời cơ thì nó lại dâng lên da diết. Nỗi buồn ấy như được trải dài với
không gian vô tận “xa vắng, mênh mông là buồn”, đó là nỗi buồn của cá nhân đối
với nỗi buồn thời thế.

“Tiên Nga tóc xõa bên nguồn

Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu

Mây hồng ngừng lại sau đèo

Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi”.

Ở những câu thơ tiếp theo, nhà thơ Thế Lữ tiếp tục phác họa, hoàn thiện bức tranh
thiên nhiên, nhưng trái với vẻ sống động, tươi đẹp ở hai câu thơ đầu. Ở những câu
thơ này, tuy cảnh vật vẫn hiện lên với vẻ đẹp kì vĩ nhưng dường như nó đã bị
nhuốm màu tâm trạng của nhà thơ, do đó mà nó đượm buồn, tĩnh lặng. “Tiên Nga
tóc xõa bên nguồn” dùng hình ảnh mái tóc xõa của Hằng Nga để gợi hình ảnh của
những con suối uốn lượn, và mái tóc xõa ấy gợi ra vẻ đẹp uyển chuyển, thướt tha
của dòng nước. Nhưng ở một góc độ nào đó ta lại mơ hồ cảm nhận được cái đơn
độc trong hình ảnh “Tiên Nga” ấy. Và hình ảnh đượm buồn của cảnh vật còn được
khắc họa thông qua hình ảnh của hàng tùng “Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu”.

Đó là những hàng tùng trên cồn cỏ xa xa kia, nhưng những âm thanh rủ rỉ của tiếng
gió càng làm cho không gian càng thêm đìu hiu, hoang vắng. Nếu câu thơ trên gợi
ra hình ảnh đơn độc của dòng suối thì câu thơ này, tùng mọc theo hàng, nhưng
cũng không tránh khỏi cảm giác tịch mịch. Đó chính là cảm giác lạc lõng, buồn
thương của cả thế hệ người, ở thời đại mà nhà thơ sống. “Mây hồng ngừng lại sau
đèo”, đám mây hồng rực rỡ vốn gắn liền với những cảm giác rạo rực, với những
cung bậc cảm xúc tươi vui. Nhưng ở trong câu thơ này, mây cũng như ngừng lại, bị
khuất lấp sau ngọn đèo sừng sững, hùng vĩ. Nắng nhuộm trên những hàng cây,
nhưng bóng chiều thì lại như lưu luyến, không lỡ rời đi “Mình cây nắng nhuộm,
bóng chiều không đi”.

“Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai

Theo chim, tiếng sáo lên khơi

Lại theo dòng suối bên người Tiên Nga

Khi cao vút tận mây mờ

Khi gần vắt vẻo bên bờ cây xanh”

Hình ảnh hạc trắng bay về Bồng Lai, gợi cho ta liên tưởng đến một thế giới khác,
đó chính là chốn Cực Lạc, nơi không còn những suy tư, không còn những khổ đau
bất hạnh. Hình ảnh chim hạc cũng gợi liên tưởng đến người tiên, là điển tích trong
thơ ca Trung Hoa xưa. Mượn hình ảnh hạc tiên bay về trời, nhà thơ Thế Lữ như
muốn thể hiện ước muốn về một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, không còn
những loạn li, đau khổ. Theo cánh chim, tiếng sáo không chỉ tồn tại trong không
gian giới hạn nơi trần thế mà dường như vượt ra ngoài khơi, mang lại âm sắc cho
cuộc sống. Và dòng suối kia không chỉ chảy lặng lẽ u tịch nữa mà cũng trở nên hài
hòa hơn khi lên cõi tiên. Âm thanh ấy, thanh sắc cuộc sống ấy lúc gần lúc xa, lúc
trầm, lúc bổng, khi vút lên tận mây sáng, có khi vắt vẻo ngay bờ cây xanh

“Êm như lọt tiếng tơ tình

Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không

Thiên Thai thoảng gió mơ mòng

Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay”

Không chỉ miêu tả sinh động những âm thanh vang xa, bao trùm không gian mà
nhà thơ Thế Lữ còn rất chú trọng tính chân thực khi khắc họa tính chất cao độ,
cũng như hình dáng thanh sắc của những âm thanh ấy. Âm thanh đủ sức lan truyền
khắp không gian đất trời nhưng lại nhẹ nhàng, êm ái như tiếng tơ tình “Êm như lọt
tiếng tơ tình”, âm thanh ấy không chỉ êm ái mà còn đẹp tựa Ngọc Nữ uốn mình
trên không. Ta có thể thấy nhà thơ Thế Lữ đã mượn những hình ảnh thần tiên để
gợi ra cái hấp dẫn, tươi đẹp của cảnh sắc. Thông qua hình ảnh tiên nữ đó, âm thanh
dường như có những đường nét rõ ràng hơn khi di chuyển trong trong không gian,
uyển chuyển, mượt mà. Và trong không gian ấy, nỗi lòng của tác giả cũng dường
như vơi bớt suy tư mà đắm mình vào thiên nhiên.

Bài thơ “Tiếng sáo thiên thai” của nhà thơ Thế Lữ quả thực là một bức tranh thơ
tuyệt đẹp không chỉ ở màu sắc, đường nét mà ngay cả vạn vật dường như cũng
chứa đựng những nguồn sinh khí riêng, và sinh khí ấy dường như giao hòa, đồng
cảm với cảm nhận, trạng thái của con người, từ buồn bã, suy tư về việc nhân thế ở
đời. Những cảnh sắc tươi đẹp cũng là cho con người hòa nhập, vui tươi, vơi bớt
những trăn trở, sống và suy nghĩ tích cực hơn.

* Tiếng thu

Trong thơ văn xưa và nay, hình ảnh mùa thu thường xuất hiện trong mạch nguồn
cảm xúc của nhiều các nhà văn, nhà thơ. Mùa thu gợi ra cho con người những cảm
xúc buồn man mác, gợi ra sự chia phôi, mất mát. Vốn là một đề tài đã quá quen
thuộc, lại được chắp bút thành công bởi rất nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng.
Nhưng, không để cho cái quen thuộc, thành công ấy cản bước, cũng bắt nguồn cảm
xúc từ mùa thu, nhưng nhà thơ Lưu Trọng Lư đã không đi vào những khía cạnh
quen thuộc mà thi nhân xưa đã khai thác, ông lựa chọn cho mình một phương thức
biểu đạt mới, một cách cảm nhận mới lạ đầy tinh tế. Và sự thành công, mới lạ này
được thể hiện rõ nét qua bài thơ “Tiếng thu”.

Nhà thơ Lưu Trọng Lư vốn là một trong những cây bút tiên phong cho phong trào
thơ Mới ở Việt Nam. Thơ của ông không cầu kì trau chuốt, mà thơ của Lưu Trọng
Lư hay bởi chính cái chất liệu bình dị mà nhà thơ xây dựng lên nó. Hiện lên trong
thơ Lưu Trọng Lư thường là những hình ảnh gần gũi, thân quen do đó nó bình dị
mà đầy sức gợi, đơn sơ mà đầy tính tạo hình. Bài thơ “Tiếng thu” vừa là một bức
tranh mùa thu đầy thi vị, vừa là bức tranh tâm trạng của nhân vật trữ tình tha thiết,
xúc động lòng người. Ngay ở phần mở đầu bài thơ, nhân vật trữ tình xuất hiện
cùng với những lời tâm sự chân thành, đầy da diết:
“Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?”
Câu thơ như vừa như lời tự hỏi, vừa như lời trách móc đầy tình cảm của nhân vật
trữ tình đối với người mình yêu. Trong tình yêu, những đôi lứa yêu nhau thường
mong muốn có những phút giây riêng tư, hạnh phúc bên nhau để cùng cảm nhận
những dư vị tươi đẹp, chia sẻ những phút giây hạnh phúc khi đón nhận những đổi
thay của cuộc sống. Ở đây, mùa thu đến nhưng đôi lứa lại không ở bên nhau, mỗi
người ở một nơi. Và chính khoảng cách địa lí đó đã vô tình tạo ra khoảng cách
trong tâm hồn, vì xa cách mà chàng trai băn khoăn trăn trở trách móc “Em không
nghe mùa thu”. Có lẽ trong cảm nhận của chàng trai giờ đây tràn ngập cảm xúc, tư
vị của tình yêu dành cho cô gái. Nhưng vẫn băn khoăn rồi đi đến khẳng định, cô
gái không “nghe” được, cũng tức là không cách nào cảm nhận được tấm chân tình
của mình.
Mùa thu thường gợi cho người ta cảm nhận về nỗi buồn, những nỗi buồn man
mác bởi chính sự nhạt nhòa, phôi pha của cảnh vật. Và trong không gian ấy thì đối
với những đôi lứa yêu nhau nhưng không thể ở bên nhau lại càng thêm khắc khoải.
“Dưới trăng mờ thổn thức”, vì em không nghe thấy mùa thu nên em cũng không
thể cảm nhận được ánh trăng mờ, điều đặc biệt là ánh trăng vô tri vô giác ấy được
nhà thơ Lưu Trọng Lư khoác lên nó màu sắc của các giác quan, nên dưới ánh trăng
mùa thu, hay nói đúng hơn là dưới sự cảm nhận của nhân vật trữ tình thì ánh trăng
cũng đượm buồn “thổn thức”, đó là màu sắc ánh trăng hay cũng chính là màu sắc
tâm trạng bi ai của nhân vật trữ tình ấy.
“Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ”
 
Tình cảm nồng nàn, đắm say, rạo rực vốn là những cảm xúc thuộc về tình yêu, và
để có được những cảm xúc đấy thì có điều kiện tất yếu là những đôi lứa phải được
ở gần nhau, ở cạnh nhau. Và trong bài thơ này, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã nói đến
cái rạo rực, tha thiết trong tâm hồn nhân vật trữ tình. Nhưng cái đặc biệt là cái rạo
rực ấy hoàn toàn đơn phương. Bởi cô gái không cảm nhận được, không nghe thấy
“Em không nghe rạo rực”. Nhà thơ đã điệp lại cấu trúc “Em không biết” như diễn
tả cái dạt dào trong cảm xúc. Và sự rạo rực này được nhà thơ gợi tả sinh động
thông qua gợi nhắc đến cặp hình tượng người chinh phu và chinh phụ.
Thông qua cặp hình tượng này, người đọc dường như liên tưởng đến hoàn cảnh
cách biệt của đôi phu phụ trong bài thơ “Chinh phụ ngâm” của nữ sĩ Đoàn Thị
Điểm. Người chinh phu ở nơi chiến trường xa xôi, người chinh phụ thì mong
ngóng, trông chờ tin tức của người chồng. Cái rạo rực ở đây chính là nỗi nhớ đến
cháy bỏng cùng với nỗi thấp thỏm, khắc khoải không yên. Vì nơi người chồng ra đi
là nơi chiến trận, hiểm nguy luôn rình rập, tính mạng có thể bỏ ngỏ bất cứ lúc nào.
Vì vậy tình yêu thương cùng tâm trạng lo lắng, mong chờ, tạo ra cảm giác rạo rực
khôn nguôn. Ở đây nhà thơ Lưu Trọng Lư mượn cặp hình tượng này để nhấn mạnh
nỗi nhớ của mình dành cho cô gái. Đó là tình cảm rạo rực, khắc khoải khôn nguôi.
“Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc”
Vẫn là điệp khúc “em không nghe”, được lặp lại đến lần thứ ba, gợi liên tưởng
đến dòng tâm sự dạt dào như thác tràn ra trên mặt giấy. Ngay từ những câu thơ
đầu, nhân vật trữ tình đã mặc định là cô gái không nghe thấy mọi sự đổi thay của
trời đất, hay đúng hơn là những tâm sự triền miên, khắc khoải trong tâm trạng của
mình. Và không nghe không phải cô gái vô tình, không muốn nghe mà do hoàn
cảnh cách li, nên cô gái không thể lắng nghe mà cũng không thể cảm nhận đến tận
cùng cái dạt dào ấy. “Em không nghe rừng thu”, không gian được gợi mở ở đây
chính là không gian rừng thu, nơi chứa đựng, sinh sôi của vạn vật. Đó cũng chính
là hình ảnh ẩn dụ của thế giới tâm hồn của chàng trai.
Và trong rừng thu ấy, tiếng lá rơi rụng mang đến những âm thanh xào xạc. Nó gợi
ra những nét tương đồng trong tâm trạng của nhân vật trữ tình. Và trong thế giới
tâm hồn đầy phong phú, nhạy cảm ấy, tiếng lòng của chàng trai càng trở nên rõ nét
hơn bao giờ hết. Và những rung động, những âm thanh đầy hỗn loạn trong thế giới
ấy là do cô gái, đối tượng tình ái của chàng trai ấy. Bởi không chỉ có yêu thương,
không chỉ có cái rạo rực, da diết mà còn có chút giận hờn, trách móc…những tư vị
đặc biệt chỉ có thể có khi tình yêu đích thực nảy nở, bám rễ trong tâm hồn.
Từ đầu đến cuối đều là những độc thoại của nhân vật trữ tình với chính mình,
những câu nói hàm chứa sự giận hờn, trách móc ấy cũng chỉ đặt ra rồi tồn tại khắc
khoải, trăn trở trong chính tâm hồn đầy nhạy cảm ấy. Cô gái không hề xuất hiện,
cũng không thể xuất hiện, do đó đọc những dòng tâm sự của chàng trai dành cho
cô gái, độc giả không khỏi bồi hồi, xúc động. Tình yêu đó thật mãnh liệt, thật đẹp
đẽ, trong sáng biết bao. Đẹp bởi nó đủ mạnh để chàng trai kiên định, đấu tranh để
bảo vệ tình yêu ấy. Đẹp bởi dù có những tổn thương không mong muốn thì chàng
trai vẫn theo đuổi đến cùng tình yêu của đời mình. Và lời tuyên ngôn ấy cũng thể
hiện qua hai câu cuối của bài thơ:
“Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô”
Ở hai câu thơ cuối này, người đọc bỗng thấy hoài nghi bởi sự xuất hiện không
mấy liên quan của hình ảnh con nai vàng, bởi từ đầu chỉ có những sự vật gợi ra cái
trống vắng của cảnh vật thì ở đây hình ảnh con nai xuất hiện bỗng làm cho bức
tranh thơ trở nên sinh động, màu sắc hơn. Cũng làm cho bức tranh tâm hồn những
điểm sáng của hi vọng, bởi sự trong sáng, ngây thơ, ngơ ngác của con nai cũng
chính là cái tươi mới, trong sáng của tình yêu chân chính. Vì vậy mà dù có bao trở
ngại, có những cách ngăn thì tình yêu vẫn đủ lớn để vượt lên trên tất cả “Đạp trên
lá vàng khô”.
Như vậy, bài thơ “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, vừa là bức tranh mùa thu dù đẹp
nhưng mang những nét đượm buồn; cũng vừa là bức tranh tâm trạng đầy sống
động của nhân vật trữ tình. Và sự vận động của tâm trạng ấy cũng khiến người đọc
không khỏi xúc động, bồi hồi. Từ những cách ngăn trong tình cảm thì dòng cảm
xúc ấy vẫn dần lớn lên. Và khi đã đủ “chín” thì tình yêu ấy vươn lên mọi hoàn
cảnh, trở ngại để trở thành bất tử.
* Nắng mới
“Thơ là người thư kí chân thành của trái tim” (Duybralay). Rung lên từ tâm hồn
người nghệ sĩ, thơ tựa như một bản hoà ca với những giai điệu trầm bổng khác
nhau. Giữa những cung bậc rộn ràng của phong trào “Thơ mới” Lưu Trọng Lư chỉ
ra “một nốt trầm xao xuyến”, vang lên rất nhẹ, rất êm nhưng lắng động và lan tỏa
trong lòng người. Không thoát lên như Thế Lữ, không điên cuồng như Hàn Mặc
Tử, Lưu Trọng Lư lặng lẽ tìm cho mình một lối rẽ về quá khứ, về những hồi ức
lung linh, sâu lắng trong tâm hồn. “Nắng mới” là một trong những bài thơ như thế.
Ta bắt gặp ở đây một tâm hồn đầm thắm, mỏng manh và một nỗi buồn sâu lắng
khiến ai đọc qua dù chỉ một lần cùng không thề nào quên.
Từ thửa bé thơ khi đọc Nắng mới của Lưu Trọng Lư, dù trí óc còn non nớt,chưa
thẻ hiểu hết…nhưng lòng tôi lại rung lên, lại xao xác những nỗi niềm. Có lúc tôi tự
hỏi: Tại sao tác phẩm lại tạo nên sự ám ảnh đến vậy? Phải chăng là sức mạnh của
nghệ thuật bài thơ? Giờ đây,khi đối diện với văn bản tác phẩm, sau bao năm suy
ngẫm, tôi muốn tìm cho lòng mình một sự lý giải. Hoài thanh khi nhận xét về thơ
Lưu Trọnh Lư đã giải bày: “…Dầu có ưa thơ người này người khác, mỗi lúc buồn
đến, tôi lại trở về với Lưu Trọng Lư. Có những bài thơ cứ vương vẩn trong trí óc
tôi hang tháng, lúc nào cũng như văng vẳng bên tai”.
Bài thơ “Nắng mới” đã được vẻ đẹp nơi tâm hồn của Lưu Trọng Lư: Thành thực
phiêu diêu trong cõi mộng, cứ để lòng mình tràn lan trên trang giấy. Tưởng như
nhà thơ không hề làm nghệ thuật, chỉ là dòng chảy tự nhiên của cảm xúc.
Bài thơ trải dài theo mạch cảm xúc, kết cấu đan xen giữa quá khứ và hiện tại như
một hồi ức về người mẹ thân yêu của nhà thơ. Không cần phải là “yên ba giang
thượng” như của Thôi Hiệu, cùng không phải là cái ám ảnh “chiều chiều ra đứng
ngõ sau trong ca dao – không gian – thời gian nghệ thuật ở đây chỉ là một buổi trưa
buồn bên song cửa. Bình dị nhưng cũng đủ sức lay động lòng người con nhớ mẹ
“ruột đau chín chiều”. Trong tiếng gà trưa xao xác, kỉ niệm chợt ùa về, đong đầy
trong nỗi nhớ – khúc dạo đầu cất lên đã nghe dìu dắt vang ngân một nỗi buồn man
mác, thiết tha:
“Mỗi lần nắng mới hắt lên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không”.
Một không gian sao quá đỗi hiu hắt, nắng không rực rỡ tươi vui mà chỉ “hắt” bên
song. Chỉ một từ “hắt” cả không gian một màu ảm đạm, một màu hoài niệm…Ở
đây nghệ thuật lấy động tả tĩnh đươc tác giả sử dụng rất thành công, cái động của
tiếng gà trưa xao xác chỉ làm rõ thêm cái tĩnh, cái mông lung mà thôi.
Nói là “Chập chờn sống lại” nhưng có lẽ nhà thơ nhớ rõ lắm, “màu áo đỏ tươi rực
rỡ” trong nắng là chi tiết đặc sắc của bài thơ. Chính là sự kế tiếp của chi tiết nắng
mới, là hệ quả của sự nhắc nhở và là màu lưu giữ những kỉ niệm không thể xóa
nhòa trong lòng tác giả
Từ “nắng mới” trong tựa lại đề một lần nưa được chọn để mở đầu bài thơ như
một sợi dây liên khúc, một nhịp cầu nối về quá khứ xa xưa. Nhưng “nắng mới” là
nắng như thể nào? Người đọc chưa hiểu, chỉ cảm được rằng nắng ở đấy buồn lắm.
Nắng không tươi tắn như trong thơ Hàn Mặc Tử; “Nhìn nắng hàng cau nắng mới
lên”. Dưới con mắt duyên của Xuân Diệu, nắng chỉ là một ảnh hình quen thuộc, soi
rọi vào tiềm thức nhà thơ, gọi về những kỉ niệm xa xưa của một thời tươi đẹp.
Cộng hưởng với màu sắc mới ấy còn có một âm thanh, cùng quen thuộc và buồn
không kém là tiếng gà trưa xao xác não nùng. Từ hình ảnh “nắng mới hắt” có phần
gắt với ba thanh trắc liền ở trên, câu thơ đến đây chợt chùng hẳn xuống, nặng trìu
một nồi buồn qua các từ láy : “xao xác”, “não nùng”, “chập chờn” gợi một nỗi
buồn dịu nhẹ, một tâm trạng quạnh hiu xa vắng. “Mỗi lần” lại nhắc nhở “mỗi lần”.
Lời thơ viết giản dị, tự nhiên, không một chút cầu kỳ, gọt giũa đúng như Hoài
Thanh đã nhận định: “Lư để lòng mình tràn lan trên mặt giấy” nhưng vẫn sức lay
động lạ kỳ. Kỷ niệm ùa vẽ, lung linh trong màu nắng mới, đánh thức dậy trong tâm
hổn nhà thơ cả một thời dĩ vãng tưởng đã nhạt nhòa:
“Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không”.
Hiện tại trước mắt mờ dần, nhường chồ cho quá khứ tràn về. Nhịp cầu đã bắc,
hoài niệm mênh mang… “Những ngày không” phải chăng là những ngày ấu thơ,
khi tác giả còn nhỏ, lòng chưa vướng bận điều gì. Vậy tại sao nó lại khắc sâu trong
tâm khảm nhà thơ đến vậy? Bởi vì “những ngày không” ấy đã in dấu một kỷ niệm
hay hình ảnh một người nào?
Mạch thơ liên tục, trái dài sang khổ hai để chuyển hoàn toàn về quá khứ. Thuyền
hồn đã cập bến “ngày xưa”, câu chuyện cổ tích về một người mẹ đã bắt đầu:
“Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười
Môi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi”.
Từ “nắng mới hắt bên song” gợi nhớ “nắng mới reo ngoài nội”, nhớ chiếc áo dẻ
mẹ phơi trước giậu, bà mẹ lại mang áo rét ra phơi, để cất đi dành cho mùa rét tới.
Cái nắng mới của hoài niệm này mới náo nức, mới tươi vui làm sao, đây nắng như
bởi gắn với một cậu bé lên mười, với một người mẹ chăm chút, hiền dịu… cứ thế,
nỗi nhớ này một thành hình, rõ nét hơn. Dù có tả nhưng khổ thơ thứ hai vẫn thiên
về xác định thời điểm, địa điểm, chỉ đến khổ thơ cuối cảnh và tình mới thật quấn
quít.
Hình ảnh người mẹ thân yêu của tác giả hiện lên, lúc đầu còn mờ nhạt nhưng
càng về sau càng rõ nét và choáng đầy tâm trí. Qua cách nói dường như đang cố
nén niềm thương nhớ chỉ chực dâng trào, ta chợt hiểu ra và đồng cảm sâu sắc với
nỗi buồn của tác giả: người mẹ ấy không còn nữa và tất cả những gì nhà thơ còn
nhớ về mẹ chỉ là chút kỹ niệm nhạt nhòa đọng lại trong tâm hồn non nớt, thơ ngây
của đứa trẻ lên mười. Từ “nắng mới” là cái nắng mỗi độ xuân về, khi mẹ tác giả
thường mang áo ra phơi để áo thơm mùi nắng sau những ngày đông rét mướt.
Nắng thì năm nào chẳng có, sao gọi là “mới”? Nhưng như người ta thường chờ
ngày mùa để ăn “gạo mới”, lòng trẻ vần náo núc chờ mong ngày nắng lại về, để
cùng mẹ phơi áo bên giậu thưa. Cũng là “nắng mới” nhưng cái nắng của quá khứ
không “hắt bên song” buồn bà mà tràn đầy sức sống, niềm vui “reo ngoài nội” vì
đó là nắng của những ngày còn mẹ. Từ “reo” như một nốt nhạc lành lót, tươi vui
khiến câu thơ chợt bùng lên sức sống.
Hình ảnh người mẹ chưa hiện lên trực tiếp mà chỉ thấp thoáng, lung linh sau màu
áo đỏ, sau lưng giậu nhưng đã gây một ân tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc.
Đó có lẽ cũng là hình ảnh đẹp đẽ nhất, trìu mến thương yêu nhất mà nhà thơ còn
lưu giữ, khắc sâu trong tâm trí. Màu đỏ của chiếc áo trong tiếng nắng reo làm cho
câu thơ sáng lên, ấm nóng hơn. Có lẽ cũng nhờ màu đỏ ấy mà việc phơi áo của mẹ
càng trở thành một điểm son trong nỗi nhớ về tuổi thơ. Màu đỏ của chiếc áo là một
chi tiết nghệ thuật rất đặc sắc, nó làm cho kỉ niệm trong sáng, làm ấm nóng một
tâm hồn lạnh lẽo khi phiêu dạt về tuổi thơ lúc còn mẹ. Thử cắt màu đỏ đi: “Chiếc
áo người đưa trước giậu phơi”, hình ảnh của kì niệm xám lại ngay.
“Hình dáng mẹ tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa”.

Mạch thơ lại quay về hiện tại, nhà thơ sực tỉnh nhưng vần chưa hết thổn thức, bồi
hồi. Hình ánh người mẹ vẫn còn đó, nơi đồng nội, giậu phơi, nơi hiên nhà, song
cửa… Dường như đâu đâu cũng in bóng dáng mẹ, vương hơi ấm của mẹ nên nỗi
nhớ lúc nào cùng chỉ chực dâng trào. Và phải chăng “nắng mới” chỉ như cái cớ, chi
là giọt nước làm tràn đầy ly thương nhớ.
Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh “nét cười đen nhánh”, như một nốt lặng cuối bàn
nhạc đế dư ba, dư vị cùa ý thơ còn lan tỏa mài trong lòng người đọc. Dáng hình
người mẹ như hiện lên rõ rệt trong tâm tưởng nhà thơ. Chi tiết gây ấn tượng nhất
Nắng mới là “nét cười đên nhánh” của người mẹ. Câu thơ rất tạo hình.Chân dung
bà mẹ hiện lên chỉ nơi trong hình ảnh ấy. Không phải “miệng” cười hay “nụ” cười
mà là “nét”, lại “đen nhánh”! Hình ảnh thơ bỗng sắc, bỗng lấp lánh hơn. Đây là chi
tiết duy nhất miêu tả người mẹ nhưng nó cũng là điểm son hội tụ tất cả cái hồn của
bức chân dung. Không phải là “nụ cười” hay “miệng cười” mà là “nét cười” vì cái
cười ấy rất kín đáo, rất nhẹ, rất nhanh, dường như chỉ lướt qua trên khuôn mặt chứ
chưa kịp động lại thành một nụ cười, mà lại là “nét cười đen nhánh” nữa. Lưu
Trọng Lư không nói thẳng như Hoàng cầm:
“Nhưng cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng”.
(Bên kia sông Đuống)
Mà lại “đi tắt” để tạo nên một kết hợp từ độc đáo và thú vị, hay nói theo cách của
Hoài Thanh: “câu thơ mất đi một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều mơ mộng”.
Hình ảnh “tay áo” đã đẩy “nét cười” ra phía sau, tạo nên độ sâu cho bức tranh,
đồng thời tăng thêm sức duyên dáng, gợi cảm cho “nét cười”. Ta đã từng bắt gặp
trong thơ Hàn Mặc Từ một hình ánh cùng đẹp và tinh tế như thế; “Lá trúc che
ngang mặt chữ điền” (Đây thôn Vĩ Dạ) nhưng có lẽ hình ảnh “nét cười” ở đây có
hồn, có sức gợi cảm hơn nhiều vì đó là khoảnh khắc, là hình ảnh đẹp đẽ nhất mà
ống kính tâm hồn nhà thơ đã chụp được và lưu trữ mãi. Hình ánh người mẹ quá cố
của nhà thơ từ đầu đến cuối chỉ được phác họa qua ba chi tiết: “nắng mới”, “áo đỏ”
và “nét cười”, trong những giây phút xuất thân của họa sĩ – thi sĩ Lưu Trọng Lư, nó
đã để lại một ấn tượng đẹp và sâu sắc. Phải chăng là vì ta chợt bắt gặp trong hình
ảnh đó một cái gì rất đổi thân quen như của mẹ ta mà cùng là của tất cả những
người phụ nữ Việt Nam thầm lặng hy sinh, thương yêu, chăm sóc chồng con suốt
cả cuộc đời.

Không gian nghệ thuật ám ảnh không tách rời hình ảnh người mẹ… có thể hình
ảnh ấy của bà mẹ đã đọng lại và lưu mãi trong tâm trí người đọc khi bài thơ đã hết,
tạo một nỗi bùi ngùi thương cảm. Cũng là Hoài Thanh khi nói về nhà thơ: “…
Trong khi làng thơ Việt Nam đương đi tìm một nghệ thuật mới lạ, những tình cảm
khuất khá, những hình sắc phiền phức của thiên nhiên, thì Lư chỉ có một ít khúc
đàn bình dị, một ít khúc đàn xưa, dầu có đổi xoay đổi điệu cũng vẫn là những khúc
đàn xưa”.

“Nắng mới” là một bài thơ thoạt đọc qua không có gì đặc biệt, nhưng nếu có một
tâm hồn đồng cảm, một tình yêu sâu nặng với người đã sinh thành ra mình thì bài
thơ thực sự là một tiếng đàn đồng điệu. Hoài Thanh đã từng nói: “Thơ Lưu Trọng
Lư không phải là một bài thơ, nghĩa là không phải là một công trình nghệ thuật mà
là tiếng lòng thốn thức hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta”.

Nghệ thuật của bài thơ sao quá thật bình dị, vẫn là thể thơ bảy chữ, ngôn ngữ
cũng rất bình dị… không có những phá cách, những đột phá trong nhịp điệu, trong
âm luật… vẫn là những khúc đàn bình dị nhưng sao lại ám ảnh đến vậy? Có thể
nói, thành công đặc biệt của bài thơ là đã tạo nên được những chi tiết nghệ thuật –
dù ít thôi nhưng rất đặc sắc, làm chói sáng cả bài thơ… thế mới biết, nghệ thuật
nhiều khi không phải là những gì quá lớn lao, xa vời vượt qua tầm nắm của người
thường, mà có lúc nó thật gần gũi và bình dị…Chính bởi cái bình dị, mộc mạc ấy
đã khiến cho bài thơ có một sức sống trường tồn trong lòng độc giả.
* Chùa Hương

Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau
thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện.6-1934 (Nguyễn Nhược Pháp)
Một bài thơ dài tới 34 khổ, mỗi khổ bốn câu, với những lời thơ trong veo như tâm
hồn của cô gái tuổi 15. Đã đưa ta trở lại những năm 30 của thế kỷ trước. Bắt đầu
đồng hành với câu chuyện kể của nhà thơ. Nhân vật chính là một thiếu nữ lần đầu
theo cha mẹ đi trảy hội Chùa Hương. Lễ Hội nơi “thâm sơn cùng cốc” với thắng
cảnh “Động Hương Tích” đẹp như chốn thần tiên, nhưng phải đi từ rất sớm.

Trang phục “yếm đào, quần lĩnh, áo the, nón quai thao” thời ấy phải con nhà khá
giả hoặc chức sắc mới có. Và cô bé đã dậy sớm diện trang phục , vấn đầu soi
gương. Chắc hẳn cô bé xinh lắm. Và nhà cô bé cho ta cảm giác một tổ ấm hạnh
phúc, khi nghe cuộc trò chuyện của Me em nói với Thầy em và hỏi con gái:

Trong xã hội phong kiến với quan niệm : “Nữ thập tam, nam thập lục” . chứ không
giống như bây giờ. Nữ 18, nam 20 mới được lập gia đình. Và ở trong Thiên Tình
Sử này thì cô bé cũng chỉ mới 15 tuổi. “nhưng đã lắm người thăm”. Nhiều người
mai mối, nhưng “em chưa lấy ai” bởi vì Thầy em bảo. “Rằng em còn bé lắm”. Và
đây là ý nghĩ của cô bé sau khi nghe cha mình từ chối người mai mối: (“ý đợi
người trai tài”). Một câu này thôi cho ta thấy cô bé chắc cũng là người tài sắc.

Chưng diện xong, cả gia đình cô gái lên đường trảy hội Chùa Hương:

Đoạn thơ này Nguyễn Nhược Pháp thêm một lần khẳng định cô gái con nhà “danh
gia vọng tộc” bởi người dân thường thì đi lễ thường đi bộ. Còn ở đây “Me em ngồi
cáng tre” . và “Thầy theo sau cưỡi ngựa. Thắt lưng dài đỏ hoe”. Còn em thì vô tư
hồn nhiên mơ màng “nhìn sông nước”. Một suy nghĩ rất người lớn so với cô gái
tuổi 15 là “mơ xa lại nghĩ gần. Đời mấy kẻ tri âm”…rồi khi thuyền vừa rời bến
“Em thấy một văn nhân”. Có lẽ bởi đang trong tâm trạng mơ màng, tìm kiếm “kẻ
tri âm”. Nên trong mắt em cảm nhận và đánh giá “người văn nhân” ngay rằng:
“người đâu thanh lạ thường! tướng mạo trông phi thường. Lưng cao, dài trán
rộng.” với em có lẽ đây là người mà em vẫn hằng mơ ước :

Một cuộc đối thoại giữa “Me em” và “người văn nhân” cho thấy Chàng ngoài dáng
dấp là một văn nhân, còn là một thi sĩ . Tình cảm giành cho người văn nhân” tiến
thêm một chút nữa có lẽ bắt đầu từ lời khen của thầy “Hay! Hay quá”. Cô gái giờ
đây không chỉ mơ màng mà những lời thơ của chàng làm cho “ngẩn ngơ” mà còn
biết thẹn thùng khi có người khác nhìn nữa. Phải chăng khi có “người ra” thì em lại
không nói “Nam mô A Di Đà”. Là em sợ “người ra” cũng nhìn thấy trong lòng em
đang “mơ màng” hay đang “ngẩn ngơ” vì chàng và những lời thơ hay của chàng.
Câu Chuyện Cô Gái Chùa Hương, giờ đây mới bắt đầu miêu tả cảnh hai bên đường
đến Chùa Hương.

Những lời thơ đơn giản nhưng chứa đựng tâm hồn ngây thơ trong vắt của cô bé.
Đặc biệt là sau “một ngày” ngồi trên thuyền. Ngắm cảnh hai bên bờ Suối Yến cô
cảm nhận nó “đẹp như tranh” . Và mỗi ngọn núi có một tên gọi theo lễ vật mà Phật
Tử hay mang cúng ngày ấy như Oản Gà Xôi,rồi Núi Voi, Mà thấp thoáng trên núi
có “bao nhiêu là khỉ ngồi”. Rồi mới tới “Chùa lấp sau rừng cây”. Tới chùa, hình
ảnh đầu tiên đập vào mắt cô bé là rất nhiều “ăn mày” .Và ,với sự lạ lẫm lần đầu
tiên cô bé có lẽ đã thầm đếm mới biết có “hơn một trăm ăn mày”.

Và rồi Thiên Tình Sử thì vẫn tiếp diễn bên cạnh việc Lễ Chùa:

Sau một ngày trên thuyền cùng Thầy Me và “Người Văn nhân”, mơ màng và ngơ
ngẩn theo cảnh sắc hai bên đường và những câu thơ hay của chàng. Bước lên bờ và
leo dốc vào Chùa, cô gái đã cảm nhận được rằng Chàng cũng để ý mình nên mới
“không dám đi nhanh” khi mà “Chàng đi sau” vì “sợ chàng chê hấp tấp. Số gian
nan không giàu”.

Sau một hồi chen lấn trong “lớp sóng người lô nhô” cô gái và Thầy Me cũng như
chàng cũng đã “lễ xong”. Có lẽ là mới lễ được ở Chùa Thiên Trù, nên Thầy me sau
khi về “nhà ngang” thì quyết định : “Mai ta vào chùa trong”. Một tín hiệu vui cho
cố gái là “chàng hai má đỏ hồng”. có lẽ chàng cũng ngượng ngùng chăng? Rồi
“kêu với thằng tiểu đồng” : “Mai ta vào chùa trong”. Tín hiệu vui thôi! Chứ chàng
cũng có nói gì với em đâu? Nhưng “đêm hôm ấy” “em nằm nghe tiếng mõ”, thấy
dễ thương và “em mừng”. Em nằm không chỉ nghe tiếng Mõ không mà còn nghe
được cả “tiếng chim trong rừng” nữa! Và rồi “em mơ, em yêu đời” em mơ…và
cùng với nỗi vui mừng, nỗi rạo rực của trái tim, cô gái còn lo nếu có ai nhìn em lúc
này thì “đến nực cười”….Thế rồi:

Ở đoạn này của Thiên Tình Sử ngoài việc Thầy Me sắm sửa lễ vào chùa trong, với
đường đi cheo leo. Có hai tín hiệu vui của chàng giành cho em nữa: vì lo Me em
mệt nên chàng đi theo để săn sóc, và hai là sau khi Me dặn leo đường đá ghập
ghềnh, sẽ mệt mỏi hãy niệm câu: “Nam mô A Di Đà thì sẽ hết mệt. Nhưng cả hai
người Em và Chàng đều “tâm đầu ý hợp” rằng “không cầu” mà : “Đường vẫn thấy
đi mau”.
Chàng vẫn chưa nói chuyện với em. Khi đến chùa Giải Oan chàng thêm một lần trổ
tài “ thảo bài thơ liên hoàn” và bài thơ này cũng được “tấm tắc thầy khen Hay. Chữ
đẹp như Rồng bay” còn em thì sau khi Chàng thảo xong lập tức: “bài thơ này em
nhớ”.

Thông thường leo lên tới “chùa trong” là mọi người thường mệt còn em thì reo lên
với giọng vui tươi chẳng tỏ chút mệt mỏi:

Vào đến chùa trong dù mẹ phải “Tặc ! con đường thấy mà ghê.” Nhưng lời thầy
mới làm cho cô bé chết điếng hồn : “mau nhé chiều ta về”

Mặc dầu cho tới bây giờ thì Chàng vẫn chưa nói gì với em. Nhưng Thiên Tình Sử
của cô gái có “mái tóc đuôi gà” này thì đã yêu say đắm “người văn nhân”. khi nghe
lời Thầy nói “chiều ta về” , cô đã “bỗng rụng rời” cảm thấy “ngày vui luống qua
rồi!” và “nhìn ai thấy “nghẹn lời”. Cô bé mơ màng với khát vọng được “ Tựa vai” ,
sánh bước cùng chàng trên “đường đây kia lên trời”.

Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Ngày vui nào cũng qua, nhưng hy vọng thì tràn đầy
trong tâm hồn trắng trong đang rạo rực vì yêu của cô bé

Bây giờ Thiên Tình Sử của cô gái đi trảy hội Chùa Hương mới bắt đầu làm công
việc như mọi người. Ai tới đây cũng làm với mục đích là “cầu trời khấn phật”. Lời
khấn của cô bé cũng là lời kết của Thiên Tình Sử. “Nghi ngút khói hương vàng.
Say trong khói mơ màng. Em cầu xin Trời Phật. Sao em lấy được Chàng?!.

Không biết chàng trai khấn nguyện điều gì? chỉ biết nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp
ghi mấy lời cuối bài thơ như sau: “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người
lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết
chuyện. tháng 6-1934”.

Cho tới hôm nay! Gần 80 năm bài thơ ra đời. Thi sĩ cũng ra người thiên cổ 76
năm. Cô bé ngày ấy bị tiếng sét ái tình đánh trúng, hôm nay nếu còn, bà cũng gần
một trăm tuổi. Cháu chắt của bà hôm nay cũng bước vào tuổi cập kê như bà thủa
ấy! Và ,có lẽ trong dòng người đang kéo về trảy hội Chùa Hương kia có không ít
người cùng tuổi cháu chắt bà hôm nay cũng như bà ngày ấy, đang ngân nga giai
điệu ca khúc Em Đi Chùa Hương được phổ nhạc từ bài thơ này. Và cũng có không
ít người già có, trẻ có,lẩm nhẩm đọc đôi câu thơ trong Thiên Tình Sử Cô Gái Chùa
Hương của Thi Sĩ tài hoa bạc mệnh Nguyễn Nhược Pháp.
* Nguyệt cầm

Trong thơ Xuân Diệu có vai trò đặc biệt của cảm giác, cảm giác về cuộc sống
xung quanh nhà thơ muôn hình muôn vẻ, có khi lại là những điều lớn lao trong tình
yêu, trong lòng người, nhưng có khi là chỉ qua việc nghe “nguyệt cầm” nhà thơ đã
tạo nên bao điều tinh tế. “Nguyệt cầm” là một trong những điều tinh tế ấy.

Thơ ca lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 có ảnh hưởng nhiều của thi pháp
thơ tượng trưng ở Pháp, tức là “thế giới thống nhất trong tình âm u, huyền bí của
nó” hay “hương sắc và âm thanh trong không gian tương ứng với nhau”
(Bôđơle) ... Trong thơ Xuân Diệu, sự chuyển đổi cảm giác giữa âm thanh, màu sắc,
hương vị ... rất thuần thục, nhà thơ luôn tạo ra những kênh cảm giác giao thoa với
nhau. “Nguyệt cầm” là bài thơ nói nhiều về sự giao thoa ấy. Nhà thơ đã chọn đây
là bài thơ hay nhất của ông, “bài thơ thăng hoa từ đầu đến cuối”.

Không khí bao trùm lên toàn bộ bài thơ toát ra một vẻ lạnh, cái lạnh thấu suốt và
thấm sâu, nó “nhập” vào hồn người từ những câu thơ đầu:

“Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh

Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần

Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm

Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân ...”

“Trăng nhập”, hình như trăng ở đây là một linh hồn nhạy cảm, bơ vơ đang đi tìm
chỗ tựa nương, linh hồn ấy nhập vào “dây cung nguyệt lạnh” càng làm cho cảm
giác lạnh lẽo tăng thêm. Nhưng câu thơ không chỉ đơn giản là cảm giác về xúc
giác, thị giác. Dường như nhà thơ đang định lý giải “tại sao lại gọi là đàn nguyệt?”.

Đây là loại đàn thuộc một loại tỳ bà dành cho phụ nữ chơi. Nhưng nếu như chỉ lý
giải như thế câu thơ trở nên tầm thường quá, lắp ghép các sự vật hiện tượng lại với
nhau để lý giải dòng cảm xúc thực không phải là ý định của nhà thơ. “Dây đàn” ở
đây chính là sự biểu hiện của ánh trăng, trăng dường như hoá thân thành dây đàn,
dây đàn thành âm sắc của trăng.
Với thủ pháp xáo trộn hình ảnh, biến cái thực là “dây đàn” thành cái ảo là “trăng”.
Và ngược lại, Xuân Diệu muốn cấu tứ theo lối đồng nhất: cây đàn nguyệt là đàn
trăng và trăng cũng là một cây đàn, nhà thơ dùng chất liệu ánh sáng và âm thanh để
diễn tả âm sác của “đàn nguyệt”. Câu thơ tạo cho người đọc hai cách hiểu: nêu
trăng là một cây đàn thì giọt đàn là giọt trăng, nếu đàn là trăng thì âm thanh là sắc
trăng. Câu thơ hay đến mức kỳ diệu, đi trên ranh giới giữa cái thực và cái ảo, tạo
nên cho dây đàn hai âm sắc: nóng và lạnh, trong đó lạnh là sở trường:

“Trăng thương, trăng nhổ, hỡi trăng ngần

Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm”

Nhịp thơ 2/2/3 khiến ta liên tưởng đến những buồn thương mà đàn, trăng đã nói
hộ thi sĩ, cứ nao nao, từng đợt, từng đợt như chực trào ra nơi khoé mắt. Âm thanh
nguyệt cầm được cảm nhận sâu sắc chính bởi tâm hồn thi sĩ hoà nhập với tâm tình
nghệ sĩ. Hai câu thơ như tách ra thành những chùm ba hợp âm. Chính vì có trăng
nhập vào đàn nên âm sắc rung lên vừa là âm, vừa là sắc. Mỗi cặp “trăng thương,
trăng nhớ, trăng ngần” là một nốt đàn. “Đàn buồn, đàn lặng, đàn chậm” là sự thay
đổi của nốt đàn, trên là trăng, dưới là đàn, trên là ánh sáng, dưới là âm thanh. Tất
cả đều đạt đến sự tuyệt đối của âm sắc.

Các giai điệu “trăng - đàn”, “đàn - trăng” cứ lặp đi lặp lại dễ gảy cho ta cảm xúc
buồn. Nếu như ở câu trên từ “ngần” đặt ở cuối câu là tiếng đàn dàn trải thì câu dưới
từ “chậm” (thanh nặng) ở cuối câu tiếp theo từ “lặng” (thanh nặng) và “buồn”
(thanh huyền) làm cho tiếng đàn như nghẹn lại, buồn thảm hơn. Những điệp khúc
ấy cứ xoáy vào ta, da diết lạ kỳ. Tiếng đàn là sự đồng vọng của tiếng hồn bay tới
vầng trăng, cái vầng trăng vẫn có tự muôn đời: trăng quá khứ, trăng của thực tại và
trăng của những áng thơ ấy ...

Chính những ảo ảnh cảm giác mà ta cảm nhận được đã tạo nên sự so sánh: “mỗi
giọt rơi tàn như lệ ngân”. Giọt ở đây là giọt đàn, cả bảy chữ là sự chuyển đổi của
các kênh cảm giác: lấy cái hữu hình hoá cái vô hình: nếu như “giọt” là đơn vị của
chất lỏng thì “giọt rơi tàn như lệ ngân” lại là giọt ánh sáng, giọt âm thanh. “Rơi”
không chỉ nghe thấy tiếng vang ngân mà còn thây được cả ánh sáng “tàn”, đem so
sánh với “lệ” là giọt chất lỏng tạo cho “giọt” có cấu trúc muôn hình thể: âm thanh
biến thành ánh sáng, ý thơ lung linh, chính tâm hồn tinh tế của thi nhân đã “kết”
tiếng đàn kia từ âm, sắc thành giọt lỏng.
Cái phi lý tính ấy ta đã gặp nhiều trong thơ Xuân Diệu, tăng sức gợi cảm cho bài
thơ. Có thể nói, Xuân Diệu đã đưa cái trong của tiếng đàn lên đến đỉnh cao của
nghệ thuật, của cái đẹp là “thuỷ ngân”, đồng thời cũng đưa cái buồn của tiếng đàn
xuống đến tuyệt đôi. Âm thanh tích tụ mối sầu ở cảnh, ở tình kết thành giọt rơi
giữa đêm vắng, giọt âm thanh cứ chơi vơi giữa lòng vũ trụ, giữa lòng thi sĩ. Dư âm
của nó cứ lay động nhẹ trái tim nhà thơ, cứ đọng dần, đọng dần cho đầy tâm hồn cô
vắng. So với tiếng đàn trong thơ Nguyễn Du xưa, tiếng đàn của Xuân Diệu buồn
một nỗi buồn hết sức hiện đại, tất cả đều ở mức tinh tế nhất.

Chợt một cảm giác ghê sợ xâm chiếm dần nỗi buồn miên man khi bóng sáng lung
linh bỗng rung mình:

“ Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh

Lung linh bóng sáng bỗng rung mình

Vì nghe nương tử trong câu hát

Đã chết đêm rằm theo nước xanh”.

Vẫn tiếp tục là cảnh, là tiếng đàn cất lên trong đêm khuya mơ hồ, thanh vắng. Câu
thơ vẫn kết cấu theo chùm ba hợp âm nhưng ở đây là sự ngưng đọng ở cảnh: “Mây
trắng, trời trong, đêm thuỷ tinh”. Đó là sản phẩm của sự tương giao, “đêm thuỷ
tinh” là sự sáng tạo, cụ thể hoá cái vô hình thành cái hữu hình có thể sờ nắm được.

Câu thơ không hề nói đến hình ảnh con người, cảnh trong sạch quá đỗi, nỗi buồn
lan toả trong không gian thanh sáng quá thành ra như không có gì lấp vào được.
Không vợi đi mà cứ tăng lên. Không có con người, không một làn gió, không có
âm thanh nào khác ngoài tiếng đàn, càng không có hơi ấm của cuộc sống. Ngước
lên bầu trời cao trong vắt, đối diện với tâm hồn: Mây không phải không có mà là đi
vắng, nghĩa là mọi đêm vẫn có nhưng đêm nay thì không, sự hẫng hụt như tăng
lên. Không gian trong đến choáng ngợp, giữa âm thanh và màu sắc có sự tương
đồng. Chính tiếng đàn thánh thót mà trầm lắng, nhanh dồn dập mà chậm rãi làm
cho ánh trăng kia như run lên trong không gian quá rộng, quá trong:

“Linh lung bóng sáng bỗng rung mình”


Câu thơ có sự chuyển đổi cảm giác cực mạnh, nếu “lung linh” là ánh sáng được
cảm nhận bằng thị giác thì “lung linh” có cả xúc giác, cảm giác ghê sợ, rợn, lạnh ở
phía sau, làm cho ta rùng mình. Dường như ngoài đêm ra, bóng sáng là thính giả
duy nhất của đêm nhạc, nghe nhạc vì rung động nên rùng mình.

“Bóng sáng” là hư ảo nhưng tác giả thấy có một bóng sáng hiện lên trong đêm đó,
cả cái vô hình cũng trở nên rung động, chứng tỏ sự tác động mạnh mẽ của âm
thanh không chỉ làm cho con người xúc động mà còn làm cho cả những cái hư ảo,
tưởng như không tồn tại cũng rung mình. Hai vần “inh - ung” đặt trong một câu
thơ dễ gây cho ta cũng có cảm giác “rung rinh” ấy.

“Bỗng rùng mình” chuẩn bị cho ý thơ dưới:

“Vì nghe nương tử trong câu hát

Đã chết đêm rằm theo nước xanh”

Dường như câu thơ nói rõ thêm nguyên nhân làm cho ta nghe thấy tiếng đàn buồn,
thì ra thi nhân không quá thả hồn mình vào và bay bổng theo tiếng đàn mà quên đi
cuộc sống con người, Xuân Diệu đang hướng tới con người. Hình như tiếng đàn ấy
rất hợp với tiếng lòng thi sĩ, khi hai tiếng ấy gặp nhau có sức gợi hình ảnh rất lớn,
dường như tiếng ấy hợp với tình này.

Tiếng đàn buồn rơi trong đêm trăng làm cho thi sĩ liên tưởng đến những con người
bạc mệnh, những con người ấy cũng đã từng sống trong cảnh buồn thương, rơi
rụng. Số phận của họ mỏng manh như tiếng đàn nhưng không dễ dàng làm cho
người đời quên đi mà ngược lại, luôn in dấu trong cảnh vật, con người. Họ là ai?
“Vì nghe nương tử trong câu hát”. Thì ra chỉ một bản đàn, qua những câu hát buồn
lặng ấy đã tái hiện cả một kiếp người bạc mệnh. Họ là những người phụ nữ tài sắc
nhưng “hồng nhan đa truân”, cuộc đời họ bất hạnh, buồn thảm như tiếng đàn của
họ.

Không phải ngẫu nhiên mà những người phụ nữ tài sắc thường là những người giỏi
cầm thơ, nàng Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đánh đàn biểu hiện nỗi
lòng mình đến độ “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”. Còn “nương tử” trong bài
thơ này có lẽ là nàng Chiêu Quân chăng? Có phải bản nhạc mà nhà thơ nghe là
đang hát về nàng hay nghe nhạc mà tác giả liên tưởng đến nàng? Câu thơ có chiều
sâu của thời gian, ở hiện tại nhà thơ nhìn về quá khứ, không gian được mở rộng,
dường như tiếng đàn là nơi thu hút nhất những cảm xúc tài hoa: người tài hoa, âm
sắc tài hoa, tất cả chơi vơi trong dòng âm thanh lơ lửng trong không gian. Phải
chăng quá khứ đang biểu hiện hiện tại? Cảm giác về âm, sắc ấy khiến cho ánh
trăng cũng rung mình thương xót cho kiếp người xấu số. Cái còn lại của đời người
ấy là tinh anh của người đẹp.

Câu thơ rất “Tây” của Xuân Diệu đã tái hiện rất đúng cuộc đời người con gái tài
hoa nhưng bạc mệnh Chiêu Quân. Đêm rằm chết dần, tàn dần theo nước xanh hay
người con gái ấy gói cuộc đời mình lại trong tiếng đàn, câu hát rồi để mặc chảy trôi
vĩnh viễn theo dòng nước xanh - dòng đời hoang dại? Câu thơ có sự lụi tàn của cái
đẹp, có cái vô tình của tạo hoá, có cái nhẫn tâm của cuộc đời. Bạc bẽo lắm thay !
Cái sự thật phù phàng ấy đã bao lần được nói tới trong văn thơ trung đại, nay đến
lượt Xuân Diệu.

Chính điều đó giữ ông lại với tâm hồn Việt Nam. Bao nhiêu tình cảm tiếc thương
cho đời người tài hoa bạc mệnh biểu hiện bằng hình ảnh thơ phũ phàng, nhà thơ
như muốn nói đến điều tương như vô lý mà lại là sự thực ở đời. Dù sao thì ta cũng
thấy nhà thơ đã nhận ra điều đó, giúp ta hiểu biết thêm về người xưa, về âm thanh
tài hoa của “Nguyệt cầm” . Nghĩ thế những tưởng cho lòng mình ấm lại, tìm thấy
chút gì ấm áp, nhưng trời ơi, tiếng đàn buồn lặng lại bị ánh trăng lạnh lẽo lấn át đi,
không gian tràn ngập tiếng đàn vẫn ám ảnh và đập mạnh vào giác quan của nhà
thơ, của ta, cảm giác lạnh vẫn cứ tăng lên:

“Thu lạnh càng thêm nguyệt tơ ngời

... Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người”.

Không gian của bài thơ ngày càng khuya khoắt, thanh vắng hơn, dường như cái
lạnh của đêm thu càng làm tăng thêm độ ngời sáng của trăng. Tiếng đàn không chỉ
dừng lại ở mức độ tạo nên cảm xúc buồn mà chuyển thành “ghê”, tức là sợ hãi,
mặc cảm như lùi xa. Cả bài thơ có đến ba từ “lạnh” nhưng phải đến từ thứ ba do
được ngăn cách quyết liệt bởi hai dấu phẩy mới thấy hết được cái lạnh toát ra mạnh
mẽ nhất; cách chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang xúc giác đến độ như thế đã là
tuyệt đối! Cái lạnh lọc trong ánh trăng, rùng mình làm người đọc cũng rợn người.
Tiếng kêu “trời ơi” không kìm nén được đã cất lên như sự chứng minh cho sự
không dừng được của cảm xúc, như tiếng kêu thảng thốt của một tâm hồn mềm
yêu trước cái lạnh dễ sợ của đêm nhạc, trước ký ức buồn thương. Cái rùng mình
được diễn tả bằng nhịp ngắt từ “lạnh” riêng thành một nhịp, đó là sự tận cùng của
cảm nhận. Thi nhân đã thu lòng mình vào khí thu lạnh lẽo, ánh trăng tỏ ngời và nỗi
niềm uất hận từ tiếng đàn, những nỗi niềm ấy còn tồn tại trong cả sỏi đá.

Câu thơ đảo từ “long lanh” lên đầu cho ta thấy ánh sáng phát ra từ tiếng đàn, đọng
vào sỏi đá. Cái cảm giác xù xì, trầm đục ấy lẽ ra phải được cảm nhận bằng thị giác
nay “vang vọng” thì đã chuyển sang thính giác. Tiếng đàn đẹp và hay nay lại là
tiếng vang của những mối hận trong lòng, những mối hận đã lên tiếng. Thế mới
biết sự nhập tâm của người chơi đàn và người nghe đàn đạt đến mức độ như thế
nào ! Trăng đêm thu trong “Nguyệt cầm” nhớ trăng bến Tầm Dương, Xuân Diệu
nhớ đến Bạch Cư Dị.

Câu thơ đưa ta về bến Tầm Dương, với cảnh và tình ngày xưa, với cùng một lứa
bên trời lận đận, để cảm nhận tiếng đàn ở mức độ tinh vi nhất: cả trăng, nhạc và
ánh sáng ... hoà vào nhau. Nhà thơ đã nghe tiếng đàn bằng toàn bộ sự sống của
mình. Còn ta, ta nghe tiếng đàn thơ bằng các giác quan của mình. Tất cả nằm trong
sự cộng hưởng đến tuyệt vời. Thế mới biết năng lực tạo hình bằng âm thanh của
Xuân Diệu đạt đến mức tài hoa như thế nào.

Tiếng đàn về đêm khuya nghe càng rõ, càng dồn dập:

“Bốn bề ánh nhạc biển pha lê ...

Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê”

Hình ảnh thơ được cấu tạo từ sự tương giao, sự chuyển đổi của các giác quan: âm
nhạc toả lan trong không gian mang lại cả màu sắc, hình khối. Ta không chỉ nghe
thấy mà còn cảm thấy trong cái rùng mình, sờ nắm thấy từ chất liệu quý “pha lê”.
Không gian bao quanh, tiếng đàn hoá thành đại dương chứa âm thanh, mỗi giọt
âm thanh vừa là trăng, là bạc, là pha lê. Câu thơ như vút cao lên. Tuy nhiên, từ đầu
tới giờ đêm nhạc chỉ gây cho ta cảm giác ớn lạnh thì biển pha lê kia cũng chỉ là
một bể sầu vô định, mênh mông, choáng ngợp mà trên đó có một linh hồn - chiếc
đảo đang bơ vơ. Hai từ “bốn bề” đặt ở đầu câu thứ nhất lặp lại ở cuối câu thứ hai
vừa đóng khung cuộc đời con người trong đó lại vừa mở ra một không gian vô tận
mà ở đó con người thật nhỏ bé, khó xác định, cứ bị ngợp dần.

Có thể nói mặc cảm cô đơn bế tắc luôn ám ảnh các nhà thơ mới, nhất là Xuân
Diệu. Ông như một “con chim hoạ mi hoan hỉ hót trong bóng đêm những nỗi cô
đơn của mình bằng những tiếng ngọt ngào” (Shelley). Hình ảnh “chiếc đảo hồn
tôi ... “ là nỗi lòng tự bạch của thi sĩ nói riêng và một tầng lớp lúc bấy giờ. Tiếng
“rợn” như một cái rùng mình trước sự thật ấy.

Đây không phải là lần duy nhất Xuân Diệu cảm thấy choáng váng vì cô đơn. Ông
khát khao giao cảm hết mình với đời nhưng những gì mà ông nhận lại thì “chưa
đủ” nên càng thấy cô đơn, mà càng cô đơn ông càng giao cảm, càng đi sâu vào
những điều tinh tế, ông đã thạo dò la tâm cảnh, tâm tình. Khát khao ấy biểu hiện rõ
nét trong hai câu thơ:

“Chỉ biển trời xanh, chẳng bên trời

Mắt nhìn thêm rợn ánh khơi vơi”

(Buồn trăng)

Cái vô biên, bất tận của vũ trụ luôn tác động đến cảm giác, cảm xúc của thi sĩ, và
khi ấy phương thức giãi bày, bộc lộ tuyệt vời nhất lại là thơ.

Toàn bài im ắng và lặng lẽ. Cái tĩnh mịch như lên cao độ ở hai câu kết:

“Sương bạc làm thinh khuya nín thở

Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê”


Không còn gì ngoài tiếng đàn đang thả ra từng giọt ảm thanh não nề. Sương bạc,
đêm khuya là thính giả của đêm nhạc cũng lặng thinh và nín thơ và rồi chợt nhận
ra rằng sao Khuê đang bị mờ dần bởi mối sầu trong nhạc, nhà thơ ngước nhìn lên.
Lúc này giọng đàn sầu não đã chiếm lĩnh cả bên trong những vì tinh tú, tâm sự
trong nhạc đã sâu sắc tuyệt đối. Vũ trụ đã nghiêng mình, lòng người đã bị chinh
phục !.

Bài thơ kết thúc trong lúc cả vũ trụ bị thu hút bởi âm thanh Nguyệt cầm. Chỉ còn
những sợi ánh sáng trăng, giọt âm thanh trăng như vương lại, đọng trên trang thơ.

*Lời kỹ nữ

II. Xuất xứ và Hoàn cảnh sáng tác:

1. Xuất xứ:

“Lời kỹ nữ” là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu giai đoạn
trước Cách mạng tháng Tám 1945, nằm trong tập thơ “Gửi hương cho gió” (51 bài
- xuất bản năm 1945 trên tạp chí báo Thời đại).

2. Hoàn cảnh sáng tác:

“ Lời kỹ nữ” được Xuân Diệu sáng tác năm 1939 tại Hà Nội. Bằng sự đồng cảm và
ý thức cá nhân: muốn thoát khỏi sự cô đơn mà tự biết không sao thoát nổi, càng sợ
thì càng lún sâu vào bi kịch cô đơn (lời kỹ nữ hay đó lại là tiếng lòng của người thi
sĩ), Xuân Diệu đã sáng tác bài thơ với khả năng thâm nhập và giác quan hết sức
nhạy bén.

III. Đề tài và Chủ đề:

1. Đề tài:

Nói về tình yêu, khát vọng hạnh phúc và giải phóng cá nhân.

2. Chủ đề:

Bài thơ“Lời kỹ nữ” đã thể hiện niềm khao khát tình yêu, khao khát hạnh phúc. Vẫn
với đề tài tình yêu quen thuộc nhưng tình yêu trong bài thơ lại là một tình yêu
không trọn vẹn, nó chỉ thoảng qua rồi vụt tan giữa khách giang hồ và người kỹ nữ.
Bài thơ là cái nhìn đầy cảm thông của tác giả đối với nhân vật người kỷ nữ. Bên
cạnh đó bài thơ còn cho thấy với Xuân Diệu Thơ mới đã lên đến đỉnh cao rồi bắt
đầu đi vào bế tắc.

IV. Nội dung:

1. Phân tích toàn bài thơ:

Khi chúng ta đọc vào bài thơ “Lời kỹ nữ” thì ta càng cảm nhận ra đây chẳng phải
là một cô gái bình thường trong cái nghề nghiệp vốn dĩ luôn bị khinh bỉ. Cô gái
này nhạy cảm với vẻ sáng lạnh của thiên nhiên nghe thấu nỗi giá băng ngoài trời
buốt xương da mà rung lên niềm cô đơn.

Bài thơ là một lời van vỉ tội nghiệp của người kỹ nữ. Một thời gian, không gian đặc
biệt và cả một cảnh ngộ cụ thể được mở ra:

Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa

Vội vàng chi,trăng sáng quá ,khách ơi!

Đêm nay rằm :yến tiệc sáng trên trời

Khách không ở lòng em cô độc quá.

Vậy là lời van vỉ này cất lên sau lúc vừa kết thúc “cuộc yêu đương gay gắt”. Sau
đỉnh điểm của cuộc tình, kỹ nữ bỗng càng thấy lòng trống trải, cô đơn. Cuộc đời
nguời kỹ nữ thường gắn với ban đêm, ánh trăng. Nhưng trăng sáng của “đêm nay
rằm”chỉ soi tỏ thêm nỗi cô độc nỗi lòng mà thôi. Ánh trăng sáng, bữa“yến tiệc sáng
trên trời” thật quá tương phản với cảnh ngộ “riêng em” dưới chốn trần gian. Bởi
thế, kỹ nữ đành xin - mà xin đâu chỉ một lần - lời thơ như một điệp khúc cầu khiến:

Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả

Tay em đây mời khách ngả đầu say

Đây rượu nồng ….

Đằng sau những dòng thơ ấy ta như thấy các động tác bày biện lần lượt với thái độ
thiết tha, mời mọc niềm nở. Sau gối lả, tay ngả, rượu nồng là một “sản vật” hết sức
đặc biệt được cung kính dâng lên:

…..Và hồn của em đây


Em cung kín đặt dưới chân hoàng tử.

Gắn liền bốn từ “đây” là bốn động tác mời mọc bằng bốn vật dâng. Dấu chấm
trước chữ “và” ngắt dòng thơ thành hai câu chứng tỏ người mời rất có ý thức về sự
quý giá của vật dâng thứ tư - vật dâng cuối cùng này: “hồn”. Cẩn trọng và thành
kính biết bao khi tôn vị khách làm hoàng tử và đặt dưới chân người ấy “hồn của
em đây”. Không phải ngẫu nhiên mà trong lời van xin này ba lần kĩ nữ nhắc tới
hồn của mình. Đó là ý thức về đời sống độc lập của tinh thần (với thể xác). Đó là
nhận cảm thấm thía về nỗi cô đơn và ước mong vượt thoát khỏi tình cảnh cô đơn.
Hơn thế, hồn hiện ra như một thực thể vật chất (có thể nâng đặt, có thể bị đạp , có
thể “triền miên trên sóng”) minh chứng cho sự mâu thuẫn, giằng xé giữa ước ao về
mặt trong sáng của tinh thần với cái hoen ố của than xác, cái tủi cực của đời sống
cơm áo. Vừa mới cung kính đặt “hồn của em đây”, “dưới chân hoàng tử”,kỹ nữ đã
vội kêu lên :”chớ đạp hồn em!”. Sau đó lại lần nữa cầu xin nhờ cậy:

Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng

Trôi phiêu lưu không vọng bến hay gành

Vì mình em không được quấn chân anh

Tóc không phải những dây tình vướng víu.

Ngay giữa lúc “tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng”, kỹ nữ đã nhận ra sự lõng lẽo
của quan hệ chung tình, sự bất lực, vô vọng của lời nguyền. Dẫu “xanh tốt”, những
sợi tóc kia cũng“không phải những dây tình vướng vía”. Khi tình yêu đã không níu
kéo nổi tình yêu thì hãy để hồn “trôi phiêu lưu”, “triền miên trên sóng” cho quên đi
nỗi đau đớn.

Sự tự quên của con người ta bộc lộ nhiều thái độ. Có khi bất lực, buông xuôi. Có
khi bởi bằng lòng, thỏa mãn. Lại có khi vì nguyện ước thiêng liêng “Dâng tất cả để
tôn thờ chủ nghĩa” (Tố Hữu). Người kỹ nữ này đang muốn tự quên mình bởi ý thức
quá rõ về sự cô đơn, bởi nhớ đến mình thì chạm vào nỗi cô đơn không cùng mà
thôi. Cô sợ những giây phút “riêng em phải gặp lòng em”, chính mình đối diện với
lòng mình mà thấm thía nỗi trớ trêu, bất hạnh. Còn bi kịch nào đau đớn hơn khi
con người phải chốn chạy bản thân mình. Van xin “Chớ để riêng em phải gặp lòng
em” chứng tỏ kĩ nữ đang còn, và hơn thế đang rất có ý thức về tình cảnh của mình.
Cũng bởi thế cô muốn thoát mà tự biết không sao thoát nổi. Đây là một ý thức tỉnh
táo về mình, về người, về sự bất lực trước hoàn cảnh:

Người giai nhân: bến đợi dưới cây già;

Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt.

Bao trùm khắp cói lòng kỹ nữ giờ đây là nỗi sợ, nỗi cô đơn lạnh lẽo. Nỗi sợ chẳng
giấu nỗi nữa mà được thốt lên thành lời. Nỗi cô đơn đã toát ra thành cảm giác rất
trực tiếp:

Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo,

Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.

Trong văn chương Việt Nam trước đó quả chưa có ai cảm nhận nỗi cô đơn như
người kĩ nữ của Xuân Diệu. “Giá băng tràn mọi nẻo” ngoài trời đất đã ngấm sâu
buốt xương da hay giá băng trong mỗi lòng người đã tỏa ra làm lạnh cả đất trời,
điều ấy thật là khó phân biệt! Trạng thái cô đơn của tâm hồn, của tinh thần được
cảm giác hóa qua các giác quan buốt nhức của thân thể.

Dấu mời mọc cung kính, dẫu van xin thiết tha đến mấy, kĩ nữ không sao giữ nổi
bước chân của vị khách làng chơi. Dự cảm chia li, ám ảnh cô đơn thoắt thành sự
thực.

Nước mắt đàn bà sao tắm được mộng giang hồ của “người viễn du”:

Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt,

Cuộc yêu đương gay gắt vì làng chơi.

Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi,

Gỡ tay vướng để theo lời gió nước.

Trong bài thơ có hai nhân vật: kỹ nữ và vị khách chơi. Trong buổi “đêm nay rằm”
đặc biệt này, có lẽ cô đã gặp một vị khách làng chơi không phải bình thường. Phải
vị khách như thế nào đó thì cô mới mời ngồi lại trong chốc nữa, mới cẩn trọng
dâng hiến cả hồn, mới nhờ cậy chia vơi bớt nỗi cô đơn đến như vậy. Nhưng cái
quy luật ở đời là không phải mọi mơ ước đều thành sự thật và điều thật oái oăm:
người khách vẫn hiểu vẫn nghĩ cô như bao kỹ nữ bình thường khác và cứ xử sự
bằng cách thông thường trong hoàn cảnh ấy: “Gỡ tay vướng để theo lời gió nước”.
Té ra chàng ta cũng chỉ là một kẻ tầm thường!

Bao lời van xin chẳng thể mũi lòng. Niềm tin đã trao nhầm chỗ! Câu thơ cuối bài
như ánh mắt nhìn theo mái, như lời than, những tiếng nấc qua cái lắc đầu thất
vọng:

Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt.

Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi.

Du khách đi.

- Du khách đã đi rồi.

Than về sự đi của người cũng là than về nỗi bất hạnh của mình. Nhịp thơ ở đoạn
cuối này trầm lắng lại cùng cái vắng vẻ, lạnh buốt và mênh mông rộng dài của trời
đất thiên nhiên, cùng bước chân xa dần du khách. Lối ngắt câu tạo nhịp lắng ấy
khác hẵn với đoạn trước. Khi kĩ nữ cất lời, thể thơ tám chữ không tách khổ với
cách gieo vần liên tục nối tiếp đã tạo nên hình tượng những con sóng trữ tình vừa
miên man vừa ngày một dâng cao. Trong toàn bài thơ từng cặp âm tiết tham gia
vần chân được luân phiên đổi thay thanh điệu tạo thêm nhịp nhàng của giọng nói:
ơi -trời, quá -lả, say -đây, da -già, chặt - mắt, chơi -khơi, trôi -rồi….bên cạnh đó lời
thơ cũng được gieo vần lưng như:

Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả,

Tay em đây mời khách ngả đầu say;

Hoặc

Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng,

Trôi phiêu lưu không vọng bến hay gành;…

Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo,

Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.

Người giai nhân: bến đợi dưới cây già;


Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt.

Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt,

Cuộc yêu đương gay gắt vì làng chơi.

Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi,

Gỡ tay vướng để theo lời gió nước.

2. Bộ ba trăng – du khách – kỹ nữ hay nổi buồn của những số phận lỡ làng:

2.1 Ánh trăng – hình ảnh tuy quen mà lạ:

Không biết tự bao giờ, ánh trăng luôn là nguồn cảm hứng bất tận muôn đời của các
thi sĩ văn nhân. Trong cảm quan của người nghệ sĩ, trăng không đơn thuần là
nguồn sáng trong đêm mà đã trở thành một hình tượng nghệ thuật độc đáo, là hóa
thân của những xúc cảm, là tiếng nói của những tâm hồn cô đơn, lạc lõng; là người
bạn tri âm tri kỷ của những vầng thơ…

Trong nền văn học trung đại, ánh trăng đóng vai trò là chứng nhân cho tình yêu đôi
lứa vĩnh cửu:

“Vầng trăng vằng vặc giữa trời

Đinh ninh hai miệng một lời song song”

Cũng có khi trăng khơi gợi nỗi nhớ thương, sầu muộn của những cuộc tình ly biệt
cho biết bao thiếu phụ trong những đêm trường lạnh vắng:

“Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm

Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông

Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng

Trên hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau”

cho những mối tình khắc khoải, ưu tư:

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi


Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”

Nhưng đối với các ẩn sĩ thì trăng như người bạn tri âm, tri kỷ an ủi những nỗi cô
đơn và mang lại nguồn thơ dào dạt:

“Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe”

hay:

“Nước biếc trông như từng khói phủ

Song thưa để mặt bóng trăng vào”

Từ những năm đầu thế kỉ XX, xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi lớn lao. Sự gặp
gỡ, giao lưu văn hóa phương Tây đã mang lại những biến đổi sâu sắc trong ý thức
và tâm lí của con người. Đúng như Hoài Thanh nói: “Tình chúng ta đã đổi mới, thơ
chúng ta cũng phải đổi mới”. Sự thức tỉnh của ý thức cá nhân, của khát vọng “cởi
trói” đã mang lại một diện mạo mới cho văn học thời kì này. Ánh trăng đến đây
không còn được miêu tả theo lối ước lệ tượng trưng như thời kì trước mà đã được
các tác giả thổi hồn vào làm cho nó thực sự trở thành một chủ thể mang một sức
sống mới, một màu sắc cá thể hóa rõ rệt, cao độ. Trăng cũng như người, biết chờ
đợi, hẹn hò, có tâm trạng vui, buồn, cô đơn khi xa cách. Trong thơ Xuân Diệu, Hàn
Mặc Tử, Lưu Trọng Lư… bàng bạc một thế giới ánh trăng lung linh huyền ảo với
đủ mọi hình hài dáng vẻ và trạng thái cảm xúc. Đó là trăng ngà, trăng ngần, trăng
sáng, trăng xa, trăng mộng, trăng tàn, trăng lạnh…Nhưng trước hết đó là một ánh
trăng buồn – một nỗi buồn vô vọng. Ánh sáng huyền hoặc của trăng không làm
người ta say sưa ngắm nghía mà nó khiến người ta lạnh lẽo và run sợ, sự cao xa
vời vợi của trăng làm cho con người trở nên chơi vơi, hụt hẫng:

“Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá

Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ”

“Sương nương theo trăng ngừng lưng trời

Tương tư nâng lòng lên chơi vơi”

“Gió sáng bay về, thi sĩ nhớ


Thương ai không biết, đứng buồn trăng

Huy hoàng trăng lộng, nguy nga gió

Xanh biếc trời cao, bạc đất bằng…

Trăng ngà lặng lẽ như bông tuyết

Trong suốt không gian tịch mịch đời”

Trăng cơ hồ đã trở thành hóa thân của nhà thơ - một tâm hồn cô đơn muốn tìm chỗ
ẩn tựa nương mình:

“Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh

Hay:

Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần”

(Nguyệt cầm)

Trăng trong thơ Xuân Diệu đặc biệt rất nhạy cảm với bước chuyển mình của thời
gian, nhất là trong những thời khắc giao mùa. Thu đến, thu đi là lẽ đương nhiên
của trời đất, vậy mà trăng như người con gái đẹp, buồn nỗi buồn u uẩn, lạnh lẽo, xa
xôi:

“Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ

Non xa khởi sự nhạt sương mờ

Đã nghe rét mướt luồn trong gió

Đã vắng người sang những chuyến đò”

(Đây mùa thu tới).

Ánh trăng không chỉ tác động đến nhân vật trữ tình qua con đường thị giác mà
bằng

cả cảm giác và xúc giác. Người kỹ nữ trong thơ Xuân Diệu đã nhận thấy trong tâm
hồn mình cái lạnh lẽo của ánh trăng và nàng đã phải run lên vì giá lạnh.
Tóm lại ánh trăng trong Thơ mới nói chung và Thơ Xuân Diệu nói riêng tuy quen
mà rất lạ, tầm ý nghĩa của ánh trăng không chỉ giới hạn ở cái nỗi buồn chia biệt mà
đã nâng lên thành nỗi cô đơn tuyệt vọng của những tâm hồn khát khao giao cảm
nhưng lại rơi vào bế tắc hoàn toàn.

2.2 Hình ảnh người kỹ nữ - cái nhìn mới về giá trị nhân bản sâu sắc

Hình ảnh người kỹ nữ cũng không phải là đề tài mới lạ trên thi đàn, trước Xuân
Diệu, Nguyễn Du đã bao lần khóc thương cho những kiếp “phận bạc má hồng”
trong Độc Tiểu Thanh Ký, Long Thành Cầm Giả Ca, hay Tỳ Bà Hành của Bạch
Cư Dị…nhưng cái người xưa cảm là cảm về cái tài, cái sắc của những số phận bẽ
bàng phải nhuốm bùn nhơ mà phí tài đọa sắc, những nàng thiếu nữ ấy âm thầm,
lặng lẽ chịu đựng kiếp đời đen bạc của mình chẳng lời oán than, phản kháng.
Nhưng Xuân Diệu thì không. Bằng cái nhìn cảm thông sâu sắc và sự đồng điệu của
hai tâm hồn, chàng thi nhân ấy đã nhìn người kỹ nữ tận nơi sâu khuất nhất của tâm
hồn và chàng nhận ra rằng tự sâu trong tâm thức, cái khát khao hạnh phúc cá nhân,
tình yêu đôi lứa luôn cháy bỏng và đốt cháy tâm hồn nhỏ bé, yếu đuối của nàng.
Thế nhưng cuộc đời một co gái làng chơi không cho nàng có cơ hội thực hiện
mong ước nhỏ nhoi ấy, đáp trả lại nàng chỉ có sự ờ hững của người du khách và
không gian bao la, rộng lớn quá đỗi lạnh lẽo, vô tình. Nàng run lên và dường như
ngất lịm trong nỗi lo sợ tuyệt vọng không lối thoát.

2.3 Nỗi buồn của những số phận lỡ làng

Xuất hiện trong Lời kỹ nữ là hình ảnh của bộ ba trăng – du khách – kỹ nữ xen kẽ,
đan cài vào nhau trong mối tương quan giữa cảnh và tình – một mối tình tuyệt
vọng của người kỹ nữ. Đi suốt bài thơ là tiếng lòng thiết tha đến thổn thức của
nàng, mà mở đầu là những lời nỉ non nghe như mời gọi, van xin, níu kéo khách
làng chơi trong khoảnh khắc chia lìa:

“Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa;

Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi!”

Nàng chưa đợi người du khách trả lời đã vội phân trần:

“Đêm nay rằm yến tiệc sáng trên trời


Khách không ở lòng em cô độc quá”

Hóa ra, sau giây phút vui vẻ, người khách qua đường đang hối hả ra đi trong khi
lòng kỹ nữ giục giã tha thiết mong níu giữ chân người. Tình cảnh của người kỹ nữ
thật đáng thương và chua xót: trên tầng xanh kia đương vui kỳ hội ngộ, yến tiệc
náo nhiệt cả một bầu trời, và ánh trăng ngời sáng cả một vùng nhưng ánh sáng ấy
không sưởi ấm trái tim giá lạnh đang khát khao yêu thương của nàng mà trái lại
càng xô đẩy lòng nàng chìm vào bóng tối cô đơn, buồn tủi.

Nàng luôn sống trong tâm trạng khắc khoải, đợi chờ một tâm hồn đồng điệu, chỉ
một cánh tay, một bờ vai hờ hững cho nàng nương tựa, để thấy được chở che, thậm
chí nếu có thể, nàng sẵn lòng hiến dâng tất cả những nàng có chỉ với một mong
mỏi rằng: Người lữ khách ở lại cùng nàng trong đêm vắng, đừng bắt nàng phải
mòn mỏi trong hiu quạnh mà thôi:]

“Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả,

Tay em đây mời khách ngả đầu say;

Đây rượu nồng. Và hồn của em đây,

Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử.”

Trước khao khát của người kỹ nữ, Xuân Diệu đã đưa lời thơ lên một tầm cao mới
thật có cánh. Vẫn là “em” đang đối thoại, nhưng khách đã hóa thành “hoàng tử”.
Hai từ cung kính được thi nhân dùng rất đắc, người kỹ nữ tự hạ thấp thân mình, mà
đề cao người khách lạ như một vị hoàng tử cao quý, nàng tôn trọng tình nhân, tôn
trọng tình cảm mà nàng đã trao gửi và cũng chính vì thế cũng tôn trọng chính bản
thân mình. Với tấm thân lấm bụi trần ai, nhưng tâm hồn nàng luôn hướng về những
giá trị cao cả, tốt đẹp, điều đó rất đáng thông cảm và ngợi ca.

Nàng rất táo bạo và mạnh mẽ khi dám cất lên tiếng lòng mình mà không ngại trở
thành người con gái lả lơi bởi vì nàng khao khát, nàng nhận thức được tình cảm
của mình, đó là cái quyền lợi chính đáng của mỗi người và nàng cũng cần có nó.
Thế nhưng tất cả việc làm của nàng đều không làm người khách động lòng thương
xót, không một tín hiệu hồi tâm, không một động thái cho rằng nàng sẽ không cô
độc giữa đêm nay. Nhìn trăng sáng khoan thai chế ngự, ánh sáng càng rạng rỡ nàng
lại thấy lòng băng giá, nàng thốt lên tiếng lòng đau đớn như lời than ai oán tịch
liêu:

“Chớ đạp hồn em! Trăng về viễn xứ.

Đi khoan thai trên ngự đỉnh trời tròn.

Gió theo trăng từ biển thổi qua non;

Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn.

Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn,

Chớ để riêng em phải gặp lòng em;”

Còn gì tái tê hơn khi cõi hồn nàng đã chất chứa, đong đầy như biển lớn bao la, mà
từng giây phút trải qua đời là từng vết cứa của nhát dao lạnh ngắt. Nỗi buồn lạc
lõng cứ làm run rẫy chiếc linh hồn cô độc, bé nhỏ kia, và trong nỗi vô vọng ấy chỉ
có mình nàng với nàng mà thôi. Mọi khát khao giao cả với cuộc đời đều bị khước
từ, cự tuyệt một cách lạnh lùng…

Đau đớn và tuyệt vọng, nàng chua xót nhận ra:bao nhiêu mơ ước, khát khao cả
những cố gắng mà nàng cất công nài nỉ chỉ là hư vô, sự thật phủ phàng cuộc đời cô
kỹ nữ chỉ có thể giữ chân khách làng chơi trong chốc lát, gặp gỡ chư một sự tình
cờ, gió thoảng, mây trôi. Cuộc tình của nàng sẽ không bao giờ trọn vẹn. Với nàng,
ngoài những tháng ngày ngụp lặn giữa cuộc đời trụy lạc cứ bập bềnh trôi, không
còn gì khác cả. Bởi đời nàng còn mong gì tìm ra bến đổ:

“Tay ái ân du khách hãy làm rèm,

Tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng

Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng,

Trôi phiêu liêu không vọng bến hay gành;

Vì mình em không được quấn chân anh,

Tóc không phải những dây tình vướng víu,”

Lời than khóc của người kỹ nữ cũng là tiếng lòng chung của biết bao thiếu nữ:
“Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo,

Trời đầy trăng, lạnh lẽo suốt xương da.

Người giai nhân: bến đợi dưới cây già;

Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt.”

Bởi sự thật mãi mãi không thay đổi, Nàng chỉ là bến sông hiu quạnh mà khách bộ
hành chỉ ghé thăm khi mỏi gót, quá giang một đêm trong suốt cả cuộc đời đằng
đẳng. Cứcố hy vọng và tin tưởng nhưng vị khách ia chẳng phải là hoàng ử, cũng
chẳng là vị ân nhân sẽ cứu rỗi cuộc đời bạc bẽo của nàng. Du khách cũng chỉ là du
khách, cũng chỉ là cách chim bằng mỏi mệt xếp cách nghỉ ngơi trong phút chốc
cạch đời nàng.

“Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt.

Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi.

Du khách đi. Du khách đã đi rồi.”

Cái mờ nhòa nhập nhòe trước mắt người kỹ nữ là dòng sông của cuộc đời đang
cuộn trôi, người du khách đã thật sự cất bước không gì lưu luyến, chính nơi đó -
nơi mà bước chân lạnh lùng của chàng khuất bóng thì kỹ nữ cũng như chết lặng
ngừi đi vì uất nghẹn dâng trào. Hết thật rồi! Nàng chẳng còn hơi sức và hy vọng để
níu kéo. Đó là duyên phận mà nàng phải vương mang. Cố níu kéo chỉ càng thêm
đau đớn và tuyệt vọng.

Xuân Diệu đã khơi gợi những nỗi niềm sâu xa nhất, thầm kín nhất và cũng là chân
thật nhất của những số phận người kỹ nữ lỡ làng. Ở họ luôn ẩn chứa niềm khát
khao giao cảm, ước mơ về một hạnh phúc để sưởi ấm trái tim vốn bị người đời xa
lánh, khinh khi. Đó là nét mới nổi bật trong Lời kỹ nữ và cũng là bi kịch xót xa của
chính thi nhân và những nhà thơ mới đương thời.

3. Nỗi buồn trong Thơ mới và Nỗi Buồn trong thơ Xuân Diệu:

3.1 - Nỗi buồn trong Thơ mới

Trong bài “Về cái buồn trong thơ mới” Hoài Chân cho rằng: “Đúng là thơ mới
buồn, buồn nhiều”, “cái buồn trong thơ mới không phải là cái buồn ủy mị, bạc
nhược mà là cái buồn của những con người có tâm huyết, đau buồn vì bị bế tắt
chưa tìm được lối ra”.

Nỗi buồn cô đơn là cảm hứng của chủ nghĩa lãng mạn.Với các nhà thơ mới, nỗi
buồn ấy còn là cách giải thoát tâm hồn, là niềm mơ ước trãi lòng với chính mình.
“Thơ mới vừa cất tiếng khóc chào đời đã buồn ngay trong bản chất” (Phan Cự Đệ).
Như trong thơ của Chế Lan Viên:

“Tôi có chờ đâu ,có đợi đâu

Đem chi xuân lại gợi thêm sầu

Với tôi tất cả như vô nghĩa

Tất cả không phong ngoài nghĩa khổ đau”

Thơ mới là một điệu sầu mênh mông,trong đó có 3 nỗi sầu đậm nhất: Sầu nhân thế,
sầu thời thế, sầu thân thế. Vào giai đoạn trào thơ mới xuất hiện cũng là lúc các
luồng văn hóa phương tây xâm nhập vào Việt Nam. Các nhà thơ đã hết sức mở
lòng, hồ hỡi đón nhận nó như sự giải thoát cho mình. Chính tư tưởng mới mẽ này
cho họ sự tự do, sự cởi mình khỏi những ràng buộc, những hà khắc niêm luật chặc
chẽ của thơ cũ. Nhà thơ mới có ý thức cá nhân sâu sắc, cái tôi lớn lao. Nếu như thơ
cũ chỉ là phi ngã, vô ngã thì thơ mới

đề cập đến bản ngã. Họ hoàn toàn làm chủ mình, ý thức được mình, cái tôi lớn cảm
xúc dâng trào, được bộc lộ, được bài tỏ….nhưng cái xã hội đương thời chỉ là tù
đọng,như một cái nhà tù giam lõng “trái tim rạo rực chỉ chực nhảy ra khỏi lồng
ngực”.Chính vì thế mà họ sầu, nỗi sầu thế hệ, nỗi sầu dai dẳng triền miên.

“Ta là một, là riêng, là thứ nhất

Không có chi bè bạn nổi cùng ta”

Hay

“Tôi là con nai bị chiều đánh lưới

Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối”


(Xuân Diệu)

3.2 - Nỗi Buồn trong thơ Xuân Diệu:

Qua bài thơ Xuân Diệu lột tả được một cách xuất thần, đó là mối tình vu vơ tuyệt
vọng của người kỹ nữ. Ðọc bài này, người ta sẽ cám cảnh thương cho những duyên
phận bẽ bàng, thương đau; mà cũng cám ơn ngọn bút tài hoa của thi nhân đã nói
giùm tâm cảnh, hoàn cảnh xót xa của đời những người con gái ăn sương, hương
sắc tàn phai theo năm tháng... Mỗi ngày mỗi đêm, tuổi xuân rơi rụng dần mà không
tìm thấy chút hy vọng nào cho một hạnh phúc nhỏ nhoi; tìm quên trong cảm giác
hầu hạ phục tùng những tấm chồng tạm bợ cũng không sao khỏa lấp đuợc nỗi cô
đơn truyền kiếp và cái định mệnh khắt nghiệt đã đóng nặng dấu ấn vào tim. Họ
bám víu, nhưng không giữ đuợc gì. Ôm ấp từng khách lạ để tìm hơi ấm hạnh phúc
hão huyền. Tình yêu là đâu? Tình yêu là gì? Không chết đi một ít mà chết ở tận
cùng con tim. Con tim cũng đã mất đi hình dạng của nó. Sống vật vờ như thế với
từng đêm mộng mị chiêm bao. Mỗi sớm mai thức dậy, nhìn thấy sông trôi, người
chồng một đêm cũng trôi, cuộc tình tạm bợ cũng trôi đi trong đôi mắt run mờ.

V. Nghệ thuật:

1. Ngôn ngữ:

Cũng trong phong trào thơ mới, các nhà thơ không những sang tạo ra hệ thống
nhân vật, hình tượng, thế giới nghệ thuật …mà họ còn sáng tạo ra cả hệ thống lời
thơ, câu thơ.

Và Xuân Diệu cũng thế, ông đã đưa vào lời thơ của mình một hệ thống từ vựng
mới cũng như cách sử dụng mới. Hệ thống từ vựng của Xuân Diệu mang đầy tính
cụ thể, nó mới đến nổi nhiều người không chấp nhận được, ngay cả những người
luôn ủng hộ thơ ông. Hoài Thanh đã nói: “Ngay lời văn Xuân Diệu cũng có vẻ chơi
vơi. Xuân Diệu viết văn như trẻ con học nói hay như người ngoại quốc mới võ vẽ
tiếng Nam. Câu văn tuồng bỡ ngỡ”. Nhưng rồi cũng chính Hoài Thanh khẳng định:
“Cái dáng bỡ ngỡ ấy chính là chỗ Xuân Diệu hơn người”.

Thật vậy, càng đọc thơ Xuân Diệu, ta càng nhận thấy ông đưa vào thơ nhiều từ mới
và cách dụng rất lạ. Thậm chí ông còn sử dụng cả những cách nói định lượng về
những cái trừu tượng vốn không có trong tiếng Việt mà là của thơ Pháp. Chính nhờ
hệ thống ngôn từ cùng cách sử dụng mới mẽ ấy đã khiến thơ Xuân Diệu trở nên
đầy ấn tượng độc đáo.

Mặc dù vậy, Xuân Diệu vẫn còn giữ những nét truyền thống dân tộc: những từ ngữ
cổ điển, quen thuộc (viễn du, viễn xứ, bến, gành…). Và những nét duyên dáng Việt
Nam ấy đã xuất hiện trong thơ Xuân Diệu một cách rát sáng tạo, độc đáo mà không
theo lối mòn của thơ xưa:

Tình giai nhân:bến đợi dưới cây già

Tình du khách:thuyền qua không buộc chặt

Như vậy, ta có thể thấy Xuân Diệu không hề quay lưng lại với quá khứ, mà trái lại
ông còn dựa vào quá khứ để làm giàu thêm ngôn ngữ thơ của mình – ngôn ngữ thơ
Xuân Diệu mang đầy nét sang tạo.

2. Nhân vật:

Thật ra môtíp người kỹ nữ không phải đến Thơ mới mới có mà đả có và trở nên
quên thuộc trong thơ cổ điển. “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị nói đến mối giao tình
của một kỷ nữ với du khách Tư Mã Giang Châu. đó là chuyện của cặp giai nhân -
tài tử, tri âm - tri kỷ.hình ảnh người con gái giang hồ vốn đã xuất hiện trong nhiều
nhà thơ khác, và có trước Xuân Diệu cũng khá lâu (Bi Xuân Nương của Phan Văn
Duật ra đời năm 1927). hay Nguyễn Du với "Long Thành cầm giả ca", "Giang Hồ
" của Lưu Trọng Lư. Nguyễn Bính trong Oan nghiệt đứng ở nhân vật tôi kể về
mình và gia đình mình. nhưng trong lời kỹ nữ của Xuân Diệu "đã khơi sâu vào tâm
thức của thời đại, vì vậy nó đạt tới tần trí tuệ cao hơn và ý nghĩa nhân bản sâu sắc
hơn" (Lý Hoài Thu). Nhân vật trữ tình trong bài thơ ấy là "em", là lời tân trạng của
ngôi thứ nhất thể hiện tâm trạng cảm xúc buồn cô đơn của người kỹ nữ: Họ khao
khát hanh phúc, sọe buồn, sợ cô đơn. Bài thơ là sự chuyển hóa của tác giả vào
nhân vật trữ tình "em" để nói lên tâm trang của chính mình. Xuân Diệu - với hồn
thơ "khát khao giao cảm với đời" luôn là mạch nguồn cảm xúc trong mỗi bài thơ.
Số phận của người kỹ nữ luôn ở trong tình cảnh cô đơn,mối tình của họ chợt đến
rồi chợt đi, tình cảm trong chốc lát bởi vậy họ rất sọ nỗi cô đơn buồn tủi phải đối
mặt với không gian bao la rộng lớn "đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời. khách
không ở lòng em cô độc quá". Phải là một trái tim tha thiết, yêu thương luôn "mở
hồn ra.
VI. Tổng kết và Đánh giá nhận xét:

1. Tổng kết:

Đến với Lời kỹ nữ ta cứ bị ám ảnh bởi không gian mênh mông, bởi ánh trăng rằm
sáng lạnh đến gợn người và nỗi cô độc tội nghiệp của một cô gái tài sắc, có ý thức
về bi kịch của cá nhân mình. Lời kỹ nữ trở thành một trong những bài thơ tiêu biểu
nhất của Xuân Diệu thời trước Cách mạng tháng Tám 1945, trở thành một trong
những bài thơ hay nhất của phong trào Thơ mới lãng mạn 1932-1945, bởi lẽ khả
năng nhập thân vào nhân vật để tìm thấy ở đó niềm đồng cảm với nỗi xót xa lớn
nhất của lòng mình. Nói tới thi sĩ lãng mạn Xuân Diệu là nói tới một cõi lòng cô
đơn khi những ước ao bồng bột, những khát khao sôi nỗi đụng phải sự hờ hững,
lạnh lẽo của người đời, khi trái tim si mê lại hiến dâng nhằm chỗ. Bi kịch ấy Xuân
Diệu tìm thấy ở người kỹ nữ. Giữa thi sĩ và cô gái tài sắc này quả có tấm lòng “biệt
nhỡn liên tài”, có sự “đồng bệnh tương liêu”. Trong một không gian, một thời gian
một con người ôm mối cô đơn đang mong tìm đồng cảm. Nhưng càng thiết tha tìm,
càng sợ gặp lòng mình thì càng lún sâu vào bi kịch cô đơn.

Ấy là cái bi kịch tất yếu, cái bi kịch lẫn quẫn không sao gỡ thoát nổi của Xuân
Diệu thời ấy. Bi kịch của kĩ nữ cũng là bi kịch của mọi cá nhân “ thanh quý, tài
sắc, biết suy nghĩ” trong xã hội cũ. Lời van vỉ của kỹ nữ cũng là tiếng lòng của thi
sĩ Xuân Diệu. Hai nỗi cô đơn đã gặp nhau trong những lời thơ thành thực khác
thường: “Lòng kĩ nữ, lòng thi sĩ..”

* Ngậm ngùi
Huy Cận bắt đầu nhận ra buổi chiều trong ánh nhìn thật riêng nhất, mang đầy tính
hiện thực, chân dung của thiên nhiên được lồng vào cảm xúc con người. Hình ảnh
trong trạng thái khép mình trước dòng trôi chảy của thời gian. Ánh chiều nghiêng
nghiêng như chia đôi trên bãi. Vườn hoa cũng xếp mình chuẩn bị cho sụ nghỉ ngơi
cuối ngày. Và rõ ràng hơn, con nhện bắt dầu giăng tơ buồn vươn khắp lối. Tất cả
đã sẵn sàng bước vào đêm. Thiên nhiên từng bước chuyển mình chậm rãi.

Cái hay của Huy Cận đã hòa nhập mình cùng với thiên nhiên đồng cảm với nhau
trong cái ưu trầm, sâu kín của đời, cất lên tiếng nhỏ nhẹ với nỗi buồn như thế:
“Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.”

Câu thơ chứa đầy nghịch lí. Trời vừa chiều, đêm chưa đến mà sao lại mời cô gái đi
ngủ. Mà lam sao có thể ngủ vào lúc này được chứ khi những công việc của chiều
hôm chưa xong xuôi, gọn gàng. Hay đây là một giấc mộng mà chàng trai ngộ nhận
trong mơ đang nói vu vơ những lời vô nghĩa. Nhưng không phải vậy. Hãy xem
cảnh chiều được miêu tả, nắng chậm rãi đi, vườn cây khép lá, con nhện giăng tơ.
Đó là khoảng thời gian của chờ đợi. Chàng trai đã chờ đợi quá lâu cho nên khi
chiều sắp tàn chàng muốn mau đến để cùng tâm sự tỏ bày đấy thôi. Anh đến hầu
quạt chỉ là cái cớ, muốn được gần gũi mới là lí do:

“Lòng anh mở với quạt này;

Trăm con chim mộng về bay đầu giường.

Ngủ đi em, mộng bình thường!

Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ…”

Lòng anh cũng rộng mở trong giấc em mơ. Anh luôn ở cạnh để trông em ngủ. Ru
em có gió của quạt, có giấc mộng yên bình, có tiếng gió của hàng dương xào xạc.
lòng anh là trăm con chim một về ru em giấc ngủ say. Những con chim mộng đến
từ thiên đường của ánh sáng.

Câu thơ dội lên như khát vọng đang cuộn trào trong lòng chàng trai trẻ. Lời ru ngọt
ngào tựa gió cuốn mây bay, muôn hoa khoe sắc, ong bướm rập rờn. Gió từ tay quạt
như gió từ trăm phương đổ tới mát lành, hiền dịu. Hãy ngủ đi em và mơ giấc mơ
bình thường. Bởi có anh đang kề cận, đang ở rất gần em. Không có bão tố nào có
thể làm em sợ hãi. Không có ai có thể làm phiền em lúc này. Câu thơ vang vọng
như tiếng lòng đang run, như lời cuối ly biệt:

“Cây dài bóng xế ngẩn ngơ…

– Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?

Tay anh em hãy tựa đầu,

Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…”


Có lẽ đó là một lời tự cảm, ru em cũng là ru chính mình. Câu thê trĩu nặng ưu tư,
buồn bã đến nao lòng. Huy Cận ngậm ngùi nhìn dòng đời trôi, đau khổ, tuyệt vọng
muốn đem gửi tất cả vào trong giấc mộng, muốn mang đến cho em tất cả những gì
tốt đẹp nhất trên cõi đời này. Và khi trong cuộc sống thực ta không thể làm được
điều đó thì trong giấc mộng ông muốn hiến dâng đến tận cùng. Tay anh là nơi tin
cậy để em tựa đầu êm giấc ngủ. Từ mái đầu ấy anh có thể cảm nhận được nỗi sầu
trĩu nặng trong trái tim em mà sót thương, đồng cảm.

Lời thơ nhẹ nhàng, êm ái như không có chuyện gì nhưng ẩn chứ một niềm đau
thầm kín. Thực và mơ, tỉnh và mộng cứ đan cài hòa làm người đọc thêm bối rối.
Có lẽ chính nhà thơ cũng không thể biết được đó là mơ hay là thực nữa. Lớp lớp
ngôn từ cứ thế mà xô đẩy tới, tràn trào trong cơn mộng mị đến câu cuối cùng thực
sự rơi vào thinh không. Cuối cùng là giọt nước mắt.

Xuân Diệu từng nhận xét về Huy Cận: “Thơ ông như nụ mùa xuân, như trái mùa
hè, gói gắm lại, nhưng đầy căng nhựa thơm và mật ngọt. Ông không làm mê ta
bằng màu sắc và âm điệu; ông có một sức quyến rũ lạ lùng hơn, khó hiểu hơn: là
mùi thơm. Thơ ông phô bày một cái gì thầm kín, rạo rực; thơ ông không phải là
rượu đã rót vào chén, thơ ông là men đương lên; thơ ông không phải hoa sẵn trên
cành, thơ ông là dòng nhựa đương chuyển. Ông cảm nghe sức sống, cái nao nức
của cảnh vật, cái tình ý của thiên nhiên”. Điều đó thật đúng với bài thơ này

* Xuân

 Chế Lan Viên (1920-1989) là một nhà thơ, nhà văn hiện đại của nền văn
học nước nhà. Con đường văn chương của ông trải qua nhiều biến cố với nỗi
băn khoăn, tìm tòi không ngừng nghỉ. Thơ của ông chất chứa sức mạnh của
tri thức với vẻ đẹp trí tuệ phong phú, nhiều màu sắc dưới ngòi bút tài hoa đầy
thi vị. 

      Tác phẩm “Xuân về” là một trong những tác phẩm nổi bật cho phong
cách thơ Chế Lan Viên với nhiều cung bậc cảm xúc thể hiện qua bức tranh
mùa Xuân tươi đẹp. Mở đầu là hình ảnh pháp nổ báo hiệu Xuân về, từng
tiếng pháo vang là từng phút giây mùa xuân đến gần hơn với trái tim của
những con người yêu Xuân. Những cánh hoa Xuân thi nhau nở rộ, vươn cao
mong muốn góp thêm sắc màu cho bản giao hưởng ríu rít của những chú
chim non. Không chỉ hoa trong vườn mà cỏ cây cũng nghe thấy tiếng gọi của
chị Xuân, chúng gãi mình chờ nắng rụng, chờ những tia nắng Xuân ấm áp
ươm mầm cho những chồi non xanh biếc. Không chỉ có trăm hoa đua nở,
chim hát ngân vang, cỏ vươn đón nắng mà những đôi bướm lượn. Cánh
bướm dập dìu, lấp ló vương lấy làn sương sớm mai đọng lại. Cánh bướm
chập chờn đậu lên những đóa hoa nở rộ, hái những mật ngọt của đời. Khu
vườn mùa Xuân hiện lên đầy sức sống, tô điểm thêm với khúc hát ngây thơ
trên cỏ rộng, đàn chim khuyên tíu tít, ganh đua nhau hứng những ánh dương
sa chiếu dọi. Ánh dương sa đó phải chăng là tia nắng của niềm tin, hy vọng
về một khởi đầu mới, bắt đầu cho một cuộc hành trình, một chặng đường mới
đáng trông đợi. 
      Khổ thơ tiếp theo tác giả vẫn tập trung miêu tả cảnh sắc thiên nhiên mùa
Xuân nhưng với nét dịu dàng hơn. Với nghệ thuật nhân hóa hình ảnh hàng
dừa “ôm bóng ngủ”, vải “hớ hênh phô”, xoan “khều” mặt trời Chế Lan Viên
như thổi hồn thêm vào bức tranh khu vườn rực rỡ một nét đẹp dịu êm, thơ
mộng. Bức tranh không chỉ mang hơi thở của muôn hoa, chim chóc mà còn
mang hơi thở của những loại cây. Tà chuối non phấp phới đung đưa theo gió
Xuân êm ái lấp lánh dưới làn sương sớm mai một màu xanh mơn mởn. Chế
Lan Viên một lần nữa nhấn mạnh lại vẻ đẹp của những tia nắng ẩn trong
tiếng pháo vang hòa cùng cánh đào chớm nở rạo rực đón Xuân về.
      Không khí mùa xuân đẹp đến thế cớ sao lòng người vẫn buồn vu vơ, tiếng
hát con tim không thể ngân vang cùng tiếng hát của muôn loài. Một tâm hồn
héo úa không thể nguôi ngoai. Mặc cho nét đẹp mỹ miều của Xuân có lôi
cuốn đến mấy thì tâm trí vẫn nghĩ về cảnh nghìn xưa. Tác giả đánh thức tâm
hồn bơ vơ bởi lời nhắc “Lòng hỡi lòng! Kìa trời xuân bát ngát; Muôn sắc
màu rạng rỡ dưới hương đưa”. Lời nhắc này không đơn giản là nhắc nhở
người đọc mà chính là nhắc nhở chính bản thân nhà thơ. Chế Lan Viện được
nhà phê bình Mai Quốc Liên bình luận rằng ông là người đa cảm, dễ xúc
động nhưng cũng dễ mủi lòng tha thứ. Có lẽ vì vậy nên trong thơ Chế Lan
Viên luôn chất chứa nhiều cảm xúc thất thường. Chính vì vậy, ông tự nhắc
nhở mình rằng: “Hãy bảo ra: cành hoa đào mơn mởn; Không phải là khối
máu của dân Chàm; Cành cây thắm nghiêng mình trong nắng sớm; Không
phải là hài cốt vạn quân Chiêm!; Quả dừa xanh không phải đầu chiến sĩ; Xác
pháo rơi không phải thịt muôn người” Chế Lan Viên gợi cho chúng ta nhớ về
cuộc chiến đẫm máu của người Chăm Pa cuối cùng vẫn bị suy yế và tan rã
bởi Hoàng đế Minh Mạng của đất Việt ta vào thế kỷ 19. Tác giả dễ buồn
cũng rất biết cách xoa dịu bằng những năng lượng vui tươi. “Hãy bảo ta:trời
xuân luôn vui vẻ; Và bảo ta: muôn vật đợi ta cười”. 
      Khổ thơ cuối thể hiện nỗi niềm băn khoăn, trăn trở về ký ức còn đọng lại.
Mặc dù đã mở lòng để đón xuân mới, điệp từ “ta những muốn” có thể hiểu
được khát khao rũ bỏ được ký ức đau buồn để dang rộng đôi tay, mở cửa trái
tim đón lấy tình yêu căng tràn của Xuân mới. Nhưng than ôi, nàng Xuân yêu
kiều, diễm lệ đến nao lòng mà trái tim ta đã phủ đầy băng giá. 
      Thơ Chế Lan Viên khắc họa rõ nét tính cách thẳng thắn, mạnh dạn nói lên
tâm tư, vấn đề muốn đề cập. Bài thơ “Xuân về” như một cơn gió mới thổi
hồn cho văn thơ Chế Lan Viên bay bổng với nỗi niềm tâm tư trĩu nặng, đa
dạng cảm xúc như chính cốt cách con người nhà thơ. 

* MÙA XUÂN CHÍN


Cũng như Đây thôn Vĩ Dạ, thi phẩm Mùa xuân chín quả là tiếng thơ thuộc
loại trong trẻo nhất của Hàn Mặc Tử. Trong trẻo song cũng đầy bí ẩn. Có phải
vì thế mà thơ Hàn thuộc dạng kén tri kỉ tri âm. Cứ tựa như một giai nhân kiêu
kì vừa đầy quyến rũ vừa sẵn sàng làm nản lòng những kẻ mon men đến gần.
Biết bao người vây quanh, ngưỡng mộ, cầu thân, cuối cùng thường chỉ nhận
được sự chối từ lịch lãm.

Đến nay cách hiểu thi phẩm chủ yếu vẫn chỉ qui về chủ đề ca ngợi thiên nhiên
tươi đẹp, cảm thông với lao động nhọc nhằn. Đưa vào giảng dạy cho học trò
thường chỉ khai thác bức tranh mùa xuân đầy xuân sắc, cảm xúc thiên nhiên
hết sức tinh vi… Mới chỉ khơi khơi vành ngoài như vậy, hèn chi chỉ nhận
được sự hững hờ. Cái duyên, cái hồn riêng của Hàn Mặc Tử trong thi phẩm
chẳng mấy khi chịu hiện hình ló rạng.

Có lẽ do không bắt đầu bằng tháo gỡ mạch liên kết “nhảy cóc” của thi phẩm,
nên đối tượng thật, cũng như những tình ý sâu kín nhất của Mùa xuân chín
vẫn luôn trốn chạy khỏi chúng ta.

1. Chuỗi “sực nhớ” miên man hay là dòng tâm tư bất định
Ai cũng biết những khía cạnh lí thuyết chung này: thơ lãng mạn lấy việc đào
sâu vào cái Tôi làm cứu cánh, cái Tôi của thơ lãng mạn là cái Tôi nội cảm, kết
cấu của các thi phẩm lãng mạn thường tựa vào mạch diễn biến của cảm
xúc…

Nhưng ít ai chịu thấy cho thật kĩ rằng xúc cảm can thiệp vào mạch vận động
ở mỗi tác phẩm và ở từng tác giả không hề giống nhau. Đơn cử ba đại diện
vào loại lớn nhất của Thơ mới là Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bính.
Nếu xúc cảm trong các bài thơ của chàng thi sĩ chân quê dựa nhiều vào “cốt”
– khiến thơ ít nhiều mang tính tự sự kể lể, thì ở chàng thi sĩ của ái tình cảm
xúc dâng trào trên bề mặt lại dựa hẳn vào một cái “tứ” khá chặt nào đó dưới
bề sâu. Trong khi ấy, mạch thơ của chàng thi sĩ thơ điên lại trôi chảy theo một
dòng tâm tư hoàn toàn bất định khước từ sự dẫn dắt của lôgic lí trí. Vì thế,
tìm kiếm tâm sự của Nguyễn Bính ta có thể lần theo mạch “chuyện”, để hiểu
tâm tư Xuân Diệu ta có thể bám sát mạch “ngôn từ lôgic” rải rác trong các
mảng thơ để liên kết thi tứ. Còn các thi phẩm Hàn Mặc Tử rất khác: đã “phi tự
sự” lại còn “phi lôgic”! Tất cả đều có vẻ thiếu mạch lạc, cóc nhảy, đầu Ngô
mình Sở. Về thực chất đó là kiểu liên kết siêu lôgíc rất đặc trưng của Thơ
điên. Toàn bài là một dòng tâm tư đầy những bất chợt cứ trôi chảy với hai
biểu hiện trái chiều: mạch hình ảnh phía trên thì theo liên tưởng tán lạc, mạch
tâm tư bên dưới thì theo cảm xúc nhất quán – nhưng là kiểu nhất quán đầy
uẩn khúc chứ không hề giản đơn. Ngay trong bài Mùa xuân chín này có một
câu thơ dường như muốn tiết lộ với chúng ta về khía cạnh ấy của thơ Hàn.
Đó là: Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng. Tôi muốn lưu ý chữ “sực nhớ”.
Tức là những khoảnh khắc bất chợt, bất thần, vụt hiện, ngẫu nhiên. Có thể
nói, dòng tâm tư bất định trong thơ Hàn Mặc Tử chính là một chuỗi những
“sực nhớ” như thế. Các hình ảnh trôi trên bề mặt của dòng tâm tư là những
ấn tượng, những kỉ niệm vụt hiện, mình Sở đầu Ngô, nhưng tất cả những ảnh
hình bất chợt đầy ngẫu nhiên ấy lại đan bện vào cùng một nỗi niềm đang
miên man chuyển hoá, vần vụ. Như thế, “phi lôgic” bề mặt, song lại “lôgic” ở
bề sâu chính là bản tướng của cái hình thái được gọi bằng “siêu lôgic” trong
thơ Hàn.

Có lẽ vì những phiền toái ấy, người đọc bước vào thơ Tử luôn bị mất dấu vết,
mất phương hướng, chơi vơi, mệt. Người bối rối thì đâm tự hoài nghi, kẻ
nông nổi lại dễ tự dối mình, và thường khi là tự mãn với vài ba lượm lặt đứt
nối, rụng rơi nào đó.

Bước vào Mùa xuân chín cũng thế.

Mạch thơ là dòng tâm tư bất định với những chuyển kênh bất chợt. Về thời
gian, đang say đắm trong thời khắc hiện tại – với cảnh xuân phô bày trước
mắt và bao cô thôn nữ đang khao khát xuân tình đầy ý vị, thoắt cái đã sang
một tương lai vô vị – Ngày mai trong đám xuân xanh ấy / Có kẻ theo chồng
bỏ cuộc chơi. Đương còn lắng nghe những lời thầm thĩ gần thế, đã sực nhớ
đến một ảnh hình trong quá khứ xa thế – Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng /
Chị ấy năm nay còn gánh thóc / Dọc bờ sông trắng nắng chang chang. Về
cảnh sắc, bức tranh xuân đang từ ngoại cảnh (mái nhà tranh, giàn thiên lí,
sóng cỏ xanh tươi, đám thôn nữ…) thoắt biến thành tâm cảnh (người con gái
gánh thóc dọc bờ sông trắng), vừa mới “xuân sang” với nắng ửng, thoắt đà
“xuân chín”, rồi bất ngờ vuột hẳn ra ngoài cõi xuân với nắng chang chang. Cứ
“nhảy cóc” như thế là bởi cứ “sực nhớ” mà ra. Kí ức thi sĩ cứ liên tục “vặn
kênh”, “chuyển kênh”. Về mạch cảm xúc, nó không được triển khai theo kiểu
cứ tăng tiến mãi một chiều. Mà vận động theo lối đứt gẫy rồi chuyển điệu đột
ngột tựa như bất chợt chuyển kênh. Bài thơ có bốn khổ, thì ba khổ đầu
nghiêng về diễn tả vẻ rạo rực xuân tình trong cảnh vật và trong lòng người.
Thế rồi trạng thái rạo rực đang dồn đẩy tới, thoắt chuyển thành trạng thái
bâng khuâng. Mạch cảm xúc vì thế có tới hai cao trào: rạo rực thì đến mức
“hổn hển” – Hổn hển như lời của nước mây, còn “bâng khuâng” thì đến thành
xa vắng – Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng. Mới vừa “rạo rực” thoắt đã
“bâng khuâng”, vừa ngây ngất yêu đời đã da diết thương đời. Đó chính là
mạch chuyển lưu các đối cực của xúc cảm. Tất cả là chuỗi những “sực nhớ”.
Những “sực nhớ” được xâu thành chuỗi bởi một mạch cảm xúc luôn chuyển
lưu, vần vụ đã tạo thành dòng tâm tư bất định. Đó chính là lối liên kết độc đáo
của Mùa xuân chín nói riêng và Thơ điên Hàn Mặc Tử nói chung.

2. Cảnh chín hay tình chín?


Nhìn từ bên ngoài, Mùa xuân chín trước hết là một bức tranh xuân. Thơ Mới
viết về mùa xuân đâu phải ít, nhưng được như Mùa xuân chín đây thì đâu có
nhiều. Bức tranh xuân ấy xứng đáng là một đóng góp của Hàn Mặc Tử đối
với mạch thơ xuân. Song, thi phẩm đâu chỉ là chuyện cảnh xuân được họa
bằng những vẻ xuân sắc phơi lộ bên ngoài. Đó chỉ là cái hữu hình, hữu thể
thuộc về hình tướng bề ngoài. Chưa phải là điều đáng nói nhất. Đáng nói ở
đây phải là cái vô hình vô thể náu ở trong lòng vạn vật kia. Tức là tình xuân
vậy. Nó vừa là xuân tình trong lòng tạo vật, vừa là xuân tình trong lòng con
người. Đành rằng nó cũng được phát lộ ra bên ngoài bằng xuân sắc. Nhưng
ở khía cạnh này xuân sắc chỉ là ngôn ngữ, là chất liệu của xuân tình. Hãy xét
kĩ một câu thơ: Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời có thể thấy rõ khuynh hướng
cảm hứng của Hàn Mặc Tử. Nhiều người cứ mặc nhiên coi rằng nội dung của
nó là giống với câu “Cỏ non xanh tận chân trời” của Nguyễn Du. Không phải.
Quả là không thể chối bỏ ảnh hưởng của câu “Kiều” này đối với Hàn thi sĩ.
Nhưng cần thấy rằng cái mà Tố Như định thể hiện là sắc cỏ non xanh (nghĩa
là ngoại hình của cỏ) trải ra chân trời (bề rộng), còn cái mà Hàn Mặc Tử
nhằm tới lại là sóng cỏ (nghĩa là sự rung động của cỏ) [8] đang gợn mãi lên
đến tận vòm trời (chiều cao). Đây không nói chuyện hơn kém, mà chỉ nhận
diện sự khác nhau. Trong tương quan ấy, nếu sắc nghiêng về cái hữu hình,
thì sóng nghiêng về cái vô hình; sắc là hiện thân của xuân cảnh, còn sóng là
hoá thân của xuân tình. Rõ ràng, Hàn Mặc Tử muốn thông qua sóng cỏ thuộc
về hình tướng của tạo vật để nắm bắt cái xuân chín thuộc về chân tâm của
tạo vật.

Vì thế “xuân chín”, về thực chất, là “tình chín”.

Và Tình chính là phần hồn cốt của Xuân.

Trong thi phẩm này, tình xuân không chỉ chín trong cảnh vật, mà còn chín
trong cả con người. Hai vẻ xuân chín này diễn ra vừa đồng thời ở người và
cảnh, vừa giao ứng giữa cảnh với người. Nói cách khác là cả hai chín cùng
nhau, chín sang nhau và chín trong nhau. Sự song hành và hoà điệu như thế
mới tạo nên Mùa xuân chín. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là ở đó.

“Trong làn nắng ửng: khói mơ tan


Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang”

Khổ thơ là một bức tranh toàn vẹn diễn tả cái diện mạo tươi thắm của cảnh
lúc xuân sang: làn nắng ửng, khói xanh mơ, tà áo biếc, lấm tấm vàng… Đó là
sắc xuân, đó cũng là tình xuân. Tình dậy lên bên trong phát lộ thành sắc bên
ngoài. Và không chỉ ở sắc, tình còn hiện lên trong khí xuân. Để rõ thêm điều
này, có lẽ nên tham khảo bài Sáng trăng, thi phẩm có cách cảm nhận rất gần
gũi với Mùa xuân chín. Thậm chí, ở đó thi sĩ đã dùng cả những hình ảnh,
ngôn từ như trong Mùa xuân chín để thể hiện cái tình dậy lên trong hồn người
và phát lộ ra bên ngoài như thế nào: “Vui thay cảnh sáng trăng / ái tình bắt
đầu căng / Hoa thơm thì nín lặng / Hương thơm thì bay lan / Em tôi thì hổn
hển / áo xiêm lấm tấm vàng / Em tôi đã hiểu chưa?/ Đó là khúc tình ca / Nẩy
theo hơi thở nhẹ / ở trên làn dây tơ / Của lòng em rộn rã…”. Như thế, khi ái
tình bắt đầu căng, lòng xuân náo nức thì nó tràn ra thành sắc xuân, sức xuân,
khí xuân… hiển lộ thành sắc màu, thành cử chỉ, thành hơi thở, thành hương
thơm, thành tiếng hát… của người thiếu nữ. Cũng như thế, ở Mùa xuân chín,
ửng là xuân tình của nắng, xanh mơ là xuân tình của khói, lấm tấm vàng là
xuân tình của những mái nhà gianh, sột soạt trêu là xuân tình của gió, và sắc
biếc của tà áo bị trêu tròng là xuân tình nơi giàn thiên lí… Cứ như thế, như
thế vẻ xuân tình của thiên nhiên theo làn sóng cỏ xanh tươi gợn lên đến tận
trời. Cả bầu không gian mênh mông ấy, tràn đầy vẻ xuân, khí xuân. Xuân tình
từ thiên nhiên lây lan giao ứng với xuân tình trong lòng người, cả hai nhập
vào nhau trong cùng một tiếng hát. Là tiếng hát của những cô thôn nữ mà
cũng là tiếng hát của nước mây. Thiên nhiên và con người đồng ca, đồng
vọng hay tiếng hát trong lòng thiên nhiên đang cất lên qua lời ca của con
người thì cũng thế:

“Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời


Bao cô thôn nữ hát trên đồi

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây”

Thiên nhiên mùa xuân cũng được cảm nhận và được mô tả như một thiếu
nữ. Dường như sau cái bức tranh dệt bằng các chi tiết thiên nhiên ấy ta thấy
thấp thoáng bóng một thiếu nữ tràn ngập xuân tình, khi thì qua sắc nắng ửng
(như sắc má ửng hồng), khi thì qua tà áo biếc, khi thì qua lời nước mây hổn
hển rồi lại thầm thĩ… ấy là Nàng Xuân vậy.

Chẳng phải thi sĩ muốn nhằm tới cái vô hình vô thể của xuân, và dùng cái
hữu hình làm chất liệu để gợi ra cái vô hình hay sao?

3. Lòng xuân gửi vào Mùa xuân chín


Vừa ngất ngây xuân chín…

Mùa xuân và mùa thu được thi ca ưu ái đến mức thiên vị. Xung quanh hai
mùa này có biết bao áng thơ ca nổi tiếng. Vậy nên, riêng việc viết về mùa
xuân hay vẽ nên một bức tranh xuân thú vị vẫn chưa phải là điều thật độc
đáo. Cái độc đáo của bài thơ xuân này nằm ở chữ “chín”. Ai đã đọc Hàn Mặc
Tử hẳn thấy rằng mùa xuân có một uy thế lấn lướt trong thơ của thi sĩ này.
Say mê vẻ xuân, Hàn đã có hẳn một tập “Xuân như ý” với những bài xuân
tràn đầy thánh ý: Xuân gấm, Xuân hôn phối, Xuân trẻ, Xuân non, Xuân lịch
sự… Ngay cái trạng thái “xuân chín” này cũng chứa đựng một quan niệm rất
riêng của thi sĩ. Không nắm được quan niệm ấy, ta chỉ đến với bài thơ như
một bức tranh thiên nhiên đơn thuần. Như đã nói ở trên, lõi của Xuân là Tình.
Xuân chín ấy là Tình chín. Chín là thời điểm mãn khai, là trạng thái căng tràn,
là khoảnh khắc nhậy cảm: sắc xuân mãn, thì xuân đoạn. Đó là đỉnh điểm mà
cũng là giao điểm: tại đó nó chuyển thì, chuyển sắc.
Điều rất thú vị của Mùa xuân chín là trong bài thơ có cả một hệ thống nhân
vật. Người thì: “bao cô thôn nữ”, “ai ngồi dưới trúc”, “khách xa” [9] và “chị ấy”.
Còn thiên nhiên cũng có thể xem như một nhân vật: nhân vật Nàng Xuân.
Tình xuân chín trong lòng thiên nhiên ấy bắt đầu bằng làn nắng ửng. Từ
chớm chín, nhanh chóng thành chín rục, chín muồi, chín mẩy… Xuân tình nảy
nở và tràn căng cùng lúc trong cả những con người kia lẫn thiên nhiên này.
Không phải ngẫu nhiên mà bức tranh xuân ở đây lại được hoạ bằng tất cả
những gì tình tứ thế:

“Trong làn nắng ửng: khói mơ tan


Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang”

Cả đến mái nhà tranh cũng phát lộ xuân tình. Có lẽ còn lâu nữa về sau, mái
nhà tranh vẫn cứ là một hình ảnh thân thương, dễ động lòng người Việt. Nó
lặn sâu trong kí ức cộng đồng như một ảnh tượng của quê hương nghìn đời.
Ta gặp trong thơ cổ điển của Nguyễn Khuyến “Năm gian nhà cỏ thấp le te”
đơn sơ thanh bạch, ta gặp trong thơ cách mạng của Tố Hữu “Mơ mơ mấy
xóm tranh chìm trong mây” cùng những “Mái nhà tranh thấp ngủ im hơi” đắm
chìm buồn tủi hồi chưa cách mạng, ta cũng gặp trong thơ Trần Đăng Khoa
những mái gianh tảo tần dầu dãi mà rất đỗi thiêng liêng “Mái gianh ơi hỡi mái
gianh / Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương”… Nhưng vẻ tình tứ của
những mái gianh thì có lẽ chỉ thơ lãng mạn mới khơi dậy được. Đúng thế, cái
sắc “lấm tấm vàng” kia đâu chỉ là màu nắng in từ ngoài vào. Đó cũng chính là
dấu hiệu đầy gợi cảm của xuân tình khi “ái tình bắt đầu căng” phát lộ từ trong
ra, khoe sắc ra bên ngoài. Hàn Mặc Tử thường cảm nhận như thế: “Em tôi thì
hổn hển / áo xiêm lấm tấm vàng” (Sáng trăng), “Ngả nghiêng đồi cao bọc
trăng ngủ / Đầy mình lốm đốm những hào quang” (Duyên muộn)…Cả cái làn
gió đang “sột soạt” trêu tròng tà áo biếc nơi giàn thiên lí kia nữa cũng thật
phong tình. Cứ như là muốn… lật dở ra xem vậy! Xem chừng, làn gió táo bạo
này cũng chính là làn gió “liều lĩnh” đã “lọt cửa cọ mài chăn” [10] bay từ Thơ
Đường Luật của Tử về giàn thiên lí này thôi. Lời thơ Tử vẫn thường ánh lên
màu sắc dục là như thế.

Dường như đối với Hàn Mặc Tử, tình xuân nảy nở cứ càng lúc càng nồng
nàn mãnh liệt hơn : thành sắc màu, thành ánh sáng rồi thành gió trêu, thành
sóng cỏ… mà cuối cùng là thành tiếng hát tình tứ. Tiếng hát là kết tinh cao
nhất của tình xuân. Từ trong lòng tạo vật phát ra ngoài, rồi gợn lên, lan đi, vắt
vẻo ở lưng chừng núi, và cuối cùng thì cao bay lên tận đỉnh trời thành lời của
nước mây. Khi tiếng hát đã rộn rực say đắm đến thành “hổn hển” rồi thì đó là
hơi xuân bốc lên cao nhất, lòng xuân tới độ nồng nàn nhất, chín nhất. Nó là
đỉnh điểm của khí xuân tình xuân, điểm chín của vẻ xuân thì xuân. Nó “thầm
thì” rót vào tai người “khách xa” những lời tình quyến rũ mà trong trẻo, nên
khách đã: “nghe ra ý vị và thơ ngây”. Từ lòng người đến đất trời mây nước,
tất cả đã vào điểm chín của tình xuân. Cả vũ trụ dường đang chan chứa vẻ
xuân.

“Lời thơ quả là ngất ngư bởi hồn thi sĩ cũng đang tràn ngập xuân tình.

… đã nuối tiếc xuân thì”

Đỉnh điểm cũng là giao điểm. Giờ xuân chín cũng là giờ xuân mãn. Xuân thì
không còn nữa. Tình đã mãn rồi xuân cũng phôi pha phai lạt. Xuân chín cũng
là chấm dứt xuân. Nó chấm dứt vào cái ngày cuối cùng của quãng đời thiếu
nữ. Nửa sau của bài thơ đã chuyển mạch thành tiếc xuân thì.

Ivan Bunhin có một truyện đầy dư vị triết học về đời người. Chuyện rằng xửa
xưa tuổi thọ con người ngắn lắm, chỉ được 18 năm thôi. Trong khi đó tuổi các
loài khác cao hơn nhiều. Loài lừa có đến năm mươi năm, loài chó những 40
năm, còn ít như loài khỉ cũng tới 30 năm. Con người cho đó là chẳng công
bằng, bèn lên kiện Thượng đế. Thượng đế nhân từ mà nghiêm khắc ưng
thuận cho con người thêm tuổi. Nhưng người nói: tuổi muôn loài có hạn, nên
con người muốn tăng thọ, thì phải lấy tuổi của các loài khác thêm vào. Tham
lam và dại dột, loài người đã ưng ý liền. Từ đó tuổi thọ con người dài tới 60 –
70 tuổi. Song, cũng chỉ có 18 năm đầu được làm người, 30 năm kế tiếp là tuổi
con lừa (nai lưng làm việc), 10 năm tiếp theo làm con chó (khư khư giữ lấy
những của nả làm ra), và cuối đời sống tuổi con khỉ (xấu xí nhăn nheo)…

Nghĩa là, tuổi người hết vào cái lúc xuân chín vậy.

Do ý thức được điều nghiệt ngã ấy mà không phải đến Thơ Mới, thi nhân mới
tiếc xuân thì. Thơ xưa đã đầy những lời cảnh báo về sự ngắn ngủi của tuổi
xuân – Chơi xuân kẻo hết xuân đi / Cái già sồng sộc nó thì theo sau. Nhưng
có lẽ chỉ đến Thơ Mới- tiếng thơ của ý thức cá nhân cá thể – thì nó mới thành
tiếng nói đầy ý thức về cái ngắn ngủi đến tàn nhẫn của tuổi trẻ và xuân thì ở
mỗi cá nhân và mọi cá nhân. Xuân Diệu vội vàng giục giã: “Xuân đang đến
nghĩa là xuân đang qua / Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già / Mà xuân hết
nghĩa là tôi cũng mất”. Xuân của đời người đã ngắn, xuân của đời con gái còn
ngắn hơn. Chả thế mà người ta vẫn nói một đời đàn ông bằng hai đời đàn bà.
Nguyễn Bính thở dài ngán ngẩm: “Tuổi xuân má đỏ môi hồng / Bước chân về
đến nhà chồng là thôi”. Hàn Mặc Tử cũng đã bao lần hẫng hụt về điều ấy.
Việc lấy chồng là một mất mát không gì sánh được. Nó khiến cho tất thảy đều
vô nghĩa. Nàng thì mất ước mơ, mình thì mất hồn thơ: “Ngày mai tôi bỏ làm
thi sĩ / Em lấy chồng rồi hết ước mơ / Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng / Ngồi lên để
thả cái hồn thơ”… Còn ở đây, giữa lúc Mùa xuân chín, tiếng ca còn đương
làm rạo rực cả nước mây, mà Hàn Mặc Tử đã thấy trước cái tương lai buồn,
thấy trước ngày mai vô vị, mà thốt lên lời tiên báo:

“Ngày mai trong đám xuân xanh ấy


Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.”

Nhìn xuân chín hiện thời, đã thấy nhỡn tiền cái kết cục mai hậu! Thật là một
dự báo se lòng về hậu xuân chín. Khác chi xuân mãn, xuân tàn, xuân lạc tạ !

Nhìn thấy “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, cái Tôi Xuân Diệu sẽ vội ném mình
vào cuộc chạy đua với thời gian, để sống đã đầy đến từng khoảnh khắc, tận
hưởng và tận hiến. Còn Hàn Mặc Tử thì khác. Cái Tôi của Tử không có được
sự bồng bột vô tư ấy. Mà nó đầy uẩn khúc. Dòng tâm tư bất định lưu chuyển
bên trong Cái Tôi kia chính là: nhìn xuân sắc thì rạo rực xuân tình, nhưng vừa
chợt khát khao đã dằn lòng tiết dục, vừa định hoà nhập thoắt đã cô đơn. Cho
nên gặp xuân chín mà tiếc xuân thì, nghe xuân ca mà buồn xuân mãn. Có
phải với “cuộc chơi” kia, Tử chỉ là kẻ đứng ngoài, là vị “khách xa” nên sinh
buồn? Không hẳn vậy. Tử buồn chung cho kiếp người. Nỗi sầu vừa dâng lên
trong Cái Tôi kia chính là sầu nhân thế. Tử không hề hiện ra như một Cái Tôi
náo nức nhập cuộc chơi, lúc nào cũng vồ vập tận hưởng. Có lẽ cũng như
chàng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về sau, Tử cũng chỉ là một nghệ sĩ đi ngang
qua cuộc đời này để hát lên cái linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư
ảo thôi. Chả thế mà giữa đỉnh điểm cuộc chơi hiện tại, chợt nghĩ đến ngày
mai mà buồn – Ngày mai trong đám xuân xanh ấy…, sực nhớ đến dĩ vãng mà
thương, chả biết người ấy giờ này có còn được thế nữa không – Chị ấy năm
nay còn gánh thóc / Dọc bờ sông trắng nắng chang chang? Người đọc câu
thơ này đã có lúc cho rằng đó là hình ảnh nhọc nhằn của lao động, và xúc
cảm của thi sĩ là xót thương cho đời người vất vả. Người viết đã từng đối lập
cảnh trong “nắng ửng” của bao cô thôn nữ, với cảnh trong “nắng chang
chang”; đằng thì hát (chơi), đằng thì gánh thóc (lao động), đằng thì hiện tại
nhỡn tiền, đằng thì khuất chìm trong quá vãng, để rồi đinh ninh rằng: hôm nay
họ là những thôn nữ hát trên đồi, ngày mai họ sẽ thành người chị gánh thóc,
cái “nắng chang chang” chắc chắn sẽ làm tiêu tan cái “nắng ửng” này đi. Vui
sướng chỉ thoáng qua, nhọc nhằn mới vĩnh viễn. Có lẽ không phải thế. Đây
không hẳn là hình ảnh vất vả (khổ) mà là hình ảnh thơ mộng (đẹp). Trong thơ
Hàn Mặc Tử hình ảnh người tình xa chợt hiện về trong sắc trắng tinh khôi,
nhiều khi lóa sáng nhìn không ra, bao giờ cũng là hiện thân của vẻ xuân tình
mà trinh khiết. Đó là kỉ niệm về độ xuân thì của “chị ấy” vốn đọng trong kí ức
thi nhân. Vì thế hình ảnh này là một thoáng “sực nhớ” của niềm khát khao,
hơn là của nỗi thương xót. Nếu có chút ngậm ngùi nào đó thì phải là nỗi lo âu
cho hiện tại (“năm nay”) có còn không cái độ xuân thì ấy, chứ không phải xót
xa vì gánh thóc nhọc nhằn – nắng chang chang đâu chỉ có nghĩa là gay gắt!
Nên nhớ, Hàn Mặc Tử là một thi sĩ lãng mạn. Đối tượng của hồn thơ lãng
mạn là vẻ xuân tình của độ xuân thì, chứ chưa phải là lao động!

Thế đấy, nỗi niềm của Tử là cái trạng thái tâm hồn đầy uẩn khúc của vị khách
thơ đi ngang qua vườn trần gian, đúng vào cái thời điểm xuân chín để mà
thấy ra cái cảnh thần tiên đương khi xuân chín và cái tương lai vô vị buồn sầu
ngay khi hậu xuân chín trong kiếp người của mọi cá thể. Đó chẳng phải là vấn
đề lớn của cõi nhân sinh này hay sao? Tiếc xuân thì đó mới là nỗi niềm sâu
xa nhất của thi phẩm và đó cũng là nỗi đau thương của chàng thi sĩ thiết tha
vớí cuộc đời mà luôn phải sống trong mặc cảm lìa đời vậy.

* MƯA XUÂN
Mùa xuân là mùa của lễ hội, mùa của đôi lứa hẹn hò, trao nhau những lời hẹn
ước. Mùa xuân cũng là mùa của cảm xúc thơ ca, thăng hoa trong tâm hồn các thi sĩ.
Nếu như mùa xuân trong thơ Xuân Diệu đẹp đến vô thực, nồng cháy đến khiến ta say
mê, điên cuồng muốn chiếm hữu thì mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính lại hoàn toàn
khác. Với Mưa xuân, mùa xuân của Nguyễn Bính cũng đậm chất giản dị, thanh bình của
làng quê Việt Nam như chính tâm hồn ông vậy!

Câu chuyện về mưa xuân nhưng mở đầu bài thơ không phải mưa, không phải cảnh
xuân, mà là sự xuất hiện trực tiếp của con người. Một người con gái:

Em là cô gái trong khung cửi


Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa
Đó là một cô gái trẻ làm nghề dệt lụa. Chắc hẳn đây là một cô gái đẹp, tấm lòng cô
trong sáng, thuần khiết, được tác giả so sánh như một “vuông lụa trắng” vẫn chưa
được mẹ già “bán chợ làng xa” tức là chưa có chồng. Cách nói thật lạ, thật hay! So
sánh giản dị, giàu tính tượng hình mà cũng đầy tinh tế. Cô gái trẻ này chính là mẫu
người thiếu nữ thôn quê trong trắng, thuần khiết, nét đẹp giản dị thường xuất hiện
trong thơ Nguyễn Bính.

Nhắc đến sự quen thuộc, tôi chợt nhớ đến “Thôn Đoài ngồi nhớ Thôn Đông” từng xuất
hiện trong “Tương Tư”. Sở dĩ có sự liên tưởng này, bởi vì trong 4 câu thơ tiếp theo,
hình ảnh Thôn Đoài lại xuất hiện, trong một chiều mưa xuân:

Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay,


Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.
Đến đây, sau khi tả người, Nguyễn Bính đã kể đến chuyện mưa xuân, mưa xuân vào
một buổi chiều. Cảnh nhà đơn chiếc chỉ có hai mẹ con bỗng trở lên vui tươi ở khổ thơ
này. Bởi một bữa “mưa xuân phơi phới bay”. Đọc câu thơ, ta có cảm giác từ “phơi phới”
như làm sống động cả khổ thơ, khiến cho mùa xuân cũng trở nên thật có hồn. Cảm
giác như không phải mưa xuân phơi phới mà chính là lòng “em” đang “phơi phới” sắc
xuân thì. Mùa xuân như thổi sắc “phơi phới” vào hồn “em” tươi trẻ, khiến hoa xoan
cũng nở rộ đẹp xinh, “phơi phới” báo hiệu mùa xuân về. Rồi “hội chèo làng Đặng đi
ngang ngõ” đã làm cho khung cảnh yên bình bị phá vỡ. Tiếng trống hội làng thúc giục,
với tiếng loa của “hội chèo” cộng thêm “mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.làm cho
“vuông lụa trắng” khấp khởi khi ngồi dệt bên khung cửi hay chính tấm lòng thiếu nữ
đang mong ngóng nên khấp khởi?

Khấp khởi vì sao? Phơi phới vì sao? Phải chăng bởi bởi cái gọi là “gió mưa là chuyện của
trời. Tương tư là chuyện của tôi yêu nàng”? Qủa thật vậy:

Lòng thấy giăng tơ một mối tình


Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ tới anh
Ba câu trước miêu tả tâm trạng bối rối xen lẫn chờ đợi, khấp khởi nhưng cũng ngại
ngùng e lệ điển hình của cô gái mới biết yêu. Không biết là do “mưa xuân phơi phới”,
“hội chèo đi ngang ngõ” hay lời nói của mẹ đã làm cho “vuông lụa trắng” phải “ngừng
thoi lại”. Không biết có phải tay xinh ngừng dệt là do lòng “giăng tơ một mối tình”?
Lòng mới chỉ “giăng tơ” mà sao “hai má em bừng đỏ”? Tất cả câu hỏi đều được trả lời
bằng câu thơ cuối, là do anh, tại anh, là vì nghĩ đến nha: “Có lẽ là em nghĩ tới anh”.

Câu chuyện mưa xuân lại được kể tiếp như nối tiếp tâm trạng bâng khuâng, khấp khởi
nhớ đến anh của cô thôn nữ:

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn


Em ngửa bàn tay trước mái hiên,
Mưa chấm tay em từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem
Bóng tối bao phủ lấy làng quê, nhà nhà đồng loạt lên đèn. “Em” ra trước mái hiên ngửa
bàn tay ra đón lấy những hạt mưa, chính là những hạt “mưa xuân phơi phới”. Dường
như khi biết yêu, tâm hồn con người cũng trở nên lãng mạn hơn! Có điều, em đưa tay
ra hứng mưa mà chẳng để ý lắm đến mưa, trong lòng “giăng kín” chỉ nghĩ tới Trời đã
buông màn nhung tối đen xuống, bao phủ làng quê. Nhà nhà đã lên đèn, em lúc này
mới để ý và ra “trước mái hiên”,làm một hành động rất đẹp “ngửa bàn tay” ra đón
“mưa xuân phơi phới bay”. Mặc dù “mưa chấm tay em từng chấm lạnh”. Nhưng em
không cảm thấy mưa lạnh đang rót vào tay mình từng hạt, mà em chỉ nghĩ tới “thế nào
anh ấy chẳng sang xem”.

Lòng người biết yêu thổi vào mùa xuân cũng có hồn hơn hẳn, bởi “vuông lụa trắng”
khấp khởi trong lòng khi nghĩ tới “anh ấy”nên không ngần ngại dẫu ngoài trời đang
mưa:

Em xin phép mẹ, vội vàng đi


Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe,
Mưa bụi nên em không ướt áo,
Thôn Đoài cách có một thôi đê
Từ “vội vàng” xuất hiện trong khổ thơ thật đúng lúc, thật kịp thời, rất đúng với diễn
biến tâm trạng của cô gái đang yêu. Đọc đoạn thơ này, nhịp thơ cũng vì từ “vội vàng”
mà nhanh hơn một nhịp; có cảm giác như thể em đang vội vàng để đến Thôn Đoài,
nhưng đi xem hát đấy mà chẳng phải vì hát đâu, mà là vì anh, vì muốn gặp anh. Em đi
nhanh như thế, đến nỗi cách một thôi đê mà mưa bụi cũng chẳng thể làm ướt áo em.
Thế cũng đủ hiểu trong lòng em đang vội vã, khấp khởi đến thế nào. Vậy mới nói,
không phải phơi phới tại mưa xuân, mà tại lòng xuân:

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm


Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em
Em đi xem hát chèo, người ta hát thâu đêm, chắc hẳn phải vui lắm, hay lắm, nhộn nhịp
lắm nhưng em chẳng quan tâm. Với tâm trạng của một thiếu nữ mới biết yêu, điều em
quan tâm nhất chỉ có anh. Mặc kệ lời mẹ dặn “xem về kể mẹ nghe”, mải tìm kiếm anh
nên em “chẳng thiết xem”. Vậy em có tìm thấy hay không? Giữa chốn đông người đi
xem hát ấy, chưa biết. Chỉ thấy phía trước và ngay đêm nay, nơi căn nhà ấm cúng của
em và Mẹ sẽ có “giường cửi lạnh”. Em không ngủ cũng không dệt nên “thoi ngà nằm
nhớ ngón tay em”. Thoi ngà nhớ người, hay em đang nhớ anh?

Chờ mãi anh sang, anh chả sang,


Thế mà hôm nọ hát bên làng,
Năm tao bẩy tiết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng
Vậy là em không tìm thấy anh, buồn làm sao! Em đã trông mong nhiều như thế, trái
tim em thuần khiết như thế. Bốn câu thơ diễn tả tâm trạng cũng như những lời trách
rất thật, rất nhẹ nhàng của cô gái thôn quê. Hoá ra không dưng mà đầu câu
chuyện Mưa xuân, em lại “hai má bừng đỏ” khi “nghĩ tới anh”. Hoá ra họ đã gặp nhau ở
đám “hát bên làng” hôm nọ. Anh chàng đã “năm tao bảy tiết” hò hẹn. khiến cô gái
“lòng còn như vuông lụa trắng” đã tin tưởng và hôm nay thì lại thấy “cả mùa xuân cũng
bẽ bàng”. Anh đã hẹn nhưng rồi anh không đến, khiến hồn Em - một cô gái ngây thơ
chờ đợi, tìm kiếm đến buồn bã, bơ vơ. Em thất vọng vì tìm không gặp anh, phải lủi thủi
“bẽ bàng” và có cảm giác rằng mùa xuân tươi mới kia, mới đó còn “phơi phới” giờ cũng
đã trở nên thật “bẽ bàng”, em lẻ loi, tội nghiệp trở về:

Mình em lầm lũi trên đường về,


Có ngắn gì đâu một dải đê
Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt
Lạnh lùng em tủi với canh khuya
Đám hát tan nhưng đêm chưa tàn. Nếu như ở khổ thơ trước, với tâm trạng “phơi phới”,
khoảng cách đến thôn Đoài chỉ ngắn ngủi có một thôi đê, đến nỗi mưa xuân cũng
không làm em ướt áo; thì giờ đây, một thôi đê cũng trở nên dài bất tận. Đám hát đã
tan, và “em mải tìm anh” trong vô vọng. Anh đã không đến hay là em tìm không gặp?
hay là bởi không duyên?. Bao nhiêu câu hỏi không lời giải đáp. Chỉ biết rằng giờ đây
“mình em lầm lũi trên đường về”! “Mình em tủi với canh khuya”! Có lẽ em là người sau
cùng rời đám hát, nên đường về chỉ có mình em.

Khi đi, em khấp khởi vui bao nhiêu thì bây giờ về là đoạn đường lê thê. “Mưa nặng hạt”
và chỉ có “áo mỏng che đầu” khiến em bị “mưa nặng hạt” làm ướt áo. Thấm lạnh từ
mưa và cả cái lạnh từ trong “vuông lụa trắng”, làm em tê tái bước chân trên đường về
cô độc.

Bữa ấy, mưa xuân đã ngại bay


Hoa xoan đã nát dưới chân giầy
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”
Đúng là “Cảnh nào cảnh chẳng đeo tình. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, mưa
xuân giờ đã biết vui. Biết buồn theo em. Mưa “phơi phới” giờ cũng ngại bay, hoa xoan
vẫn rụng nhưng không lớp lớp dày” nữa mà giờ thì “hoa xoan đã nát” dưới chân giầy”.
Bởi “hội chèo làng Đặng về ngang ngõ”. Thôn Đoài đã hết hội rồi. Còn mẹ lại bảo “Mùa
xuân đã cạn ngày”. Em buồn, Xuân buồn, bởi hội tan, gánh chèo rời đi, em đâu còn cơ
hội để tìm anh nữa. Hình ảnh hoa xoan bị đạp dưới chân giày cũng giống như sự ngóng
trông, khắc khoải và hy vọng của em vỡ vụn theo trong chiều mưa nặng hạt ấy. Hy
vọng không còn em chỉ còn biết tự thầm thì với lòng mình, như đang nói với anh thôi:

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày


Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ bảo rằng: “Hát tối nay!”
Em không gặp được anh, em lủi thủi một mình, em tủi với canh khuya nhưng em không
hề mất hết hy vọng. Cô gái trẻ ngây thơ, thuần khiết như “vuông lụa trắng” vẫn chờ
đợi, vẫn tin tưởng đó chỉ là chưa gặp, có nghĩa là sẽ gặp, có điều không biết là bao giờ.
Bởi biết đâu, hội sau em vẫn sẽ lại không may mắn, lại sẽ không gặp được anh?
Bài thơ Mưa xuân được Nguyễn Bính viết theo thể thơ tứ tuyệt trường thiên. Đó là mùa
xuân ở vùng quê bắc bộ những năm nửa đầu của thế kỷ 20. Trong Mưa xuân có bức
tranh làng quê ngày xuân, có hội làng, có nỗi lòng của một thôn nữ ở tuổi cập kê. Mưa
xuân như một câu chuyện được thi sĩ kể bằng thơ. Đó là một câu chuyện về tình yêu,
về nỗi nhớ mong, tương tư của một cô gái trẻ nơi thôn quê thuần khiết. Câu chuyện
chưa kết thúc, cứ khiến người đọc vừa hy vọng, lại vừa man mác buồn.

* Tương tư
Nếu như trong phong trào thơ mới Xuân Diệu tiếp thu những nét thơ hiện đại
phương Tây để làm nên những đặc sắc thơ của chính mình thì Nguyễn Bính lại giữ
nguyên những giá trị truyền thống để làm nên những phong cách của mình. Ông
lưu giữ những màu sắc dân tộc Việt Nam. Tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật ấy
là bài thơ tương tư, có thể nói bài thơ thể hiện được những trạng thái cảm xúc của
những con người đang yêu nhau.

Mở đầu bài thơ hình ảnh nhớ mong, có thể nói nỗi tương tư tình cảm nhớ nhung ấy
không thể nào khiến cho nhà thơ dồn nén được nữa cho nên nhà thơ bật ngay trong
những câu thơ đầu nỗi lòng mình:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

Gió mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Hình ảnh thôn Đoài, thôn Đông hiện lên quen thuộc, nhịp điệu như dìu dặt đưa
thoi như những câu ca dao của thời xưa. Tình yêu của những đôi trai gái phát sinh
nảy nở giữa không gian làng quê. Đó chính là không gian của hai thôn là thồn Đoài
và thôn Đông. Hai hình ấy như đại diện thay mặt cho anh và em. Ở đây ta thấy
phong cách nghệ thuật của nhà thơ, nhà thơ không bày tỏ tình cảm một cách hiện
đại như Xuân Diệu mà ông chọn cách thể hiện kín đáo như ca dao xưa. Không
những thế thì hình ảnh của hai thôn này còn xuất hiện rất nhiều trong thơ Nguyễn
Bính. Một người ngồi đây chín nhớ mười thương một người. Câu thơ gợi cho ta
nhớ đến câu ca dao “Chín nhớ mười thương” của ca dao. Ở đây nhà thơ đã sử dụng
sáng tạo câu ca dao ấy qua đó ta thấy được những nét truyền thống trong thơ
Nguyễn Bính. Đồng thời thể hiện được tâm trạng nhớ thương của người con trai
dành cho người con gái. Không dừng lại ở đó mà nhà thơ còn thể hiện được những
nỗi nhớ kia qua việc so sánh việc nắng mưa của trời và việc nhớ thương của người
đang yêu. Nắng mưa chính là những hiện tượng tự nhiên hàng hữu thì nỗi nhớ, sự
tương tư kia cũng chính là sự hằng hữu trong chính trái tim của người con trai đang
yêu. Đã yêu là phải nhớ, phải tương tư, nó là một quy luât như nắng mưa của trời
vậy.

Đến những câu thơ tiếp theo thì chúng ta lại thấy những lời trách móc của chàng
trai khi thấy được thể hiện lên. Những hình ảnh thân thuộc của giếng nước, gốc đa,
mái đình lại xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính:

“Hai thôn chung lại một làng

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?

Ngày qua ngày lại qua ngày

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng

Bảo rằng cách trở đò giang

Không sang là chẳng đường sang đã đành

Nhưng đây cách một đầu đình

Có xa xôi mấy cho tình xa xôi?

Tương tư thức mấy đêm rồi

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?

Bao giờ bến mới gặp đò

Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?”

Hai thôn ấy chung một làng mà sao nghe cách xa đến vậy, nếu mà nhớ người ta thì
phải tìm đường mà sang thăm người ta chứ đằng này lại còn trách người ta không
sang với mình. Cũng không biết được rằng có phải cô gái không sang không hay là
tại vì nỗi tương tư kia khiến cho người tương tư thấy thời gian quá dài làm cho họ
tưởng rằng đã bao lâu rồi không thấy người thương sang. Mà khi người ta đã tương
tư rồi thì lúc nào cũng thấy người kia vô tâm, vô tình lắm. Những ngày qua ngày
mà nhà thơ cứ tưởng là đã qua mấy mùa rồi. Vì buồn nhớ cho nên nhìn cảnh vật
cũng như thay đổi “lá xanh đã nhuộm thành cây lá vàng”. Chỉ có những người
tương tư mới có thể hiểu hết được tâm trạng chờ đợi người yêu đến, một phút mà
dài tựa ba thu. Thế rồi nhà thơ khẽ trách người yêu của mình vì nếu có cách sông
thì còn không sang được huống chi đây cách có mỗi một đầu đình mà sao nghe
tình cảm xa xôi quá trời. Trách rồi nhà thơ lại giãi bày những nỗi tương tư của
mình. Chính bởi tương tư nàng nên nhà thơ mới thức trắng mấy đêm rồi. Một câu
hỏi cất lên vừa là lời trách móc, vừa là lời bày tỏ tình cảm lại vừa là một câu hỏi
không có câu trả lời. Thức trắng đêm không biết vì ai, cho ai, nói như thế nhà thơ
nhằm thể hiện cái “ai” ở kia chính là người con gái. Trong sự trách móc hờn giận
ấy nhà thơ tự hỏi không biết đến khi nào thì hai người mới gặp được nhau. Hình
ảnh bến đò trong những câu thơ tình lại hiện lên trong tương tư của Nguyễn Bính.
Ở đây không thể hiện sự lìa xa mà mong ước đoàn tụ.

Những câu thơ cuối bài cất lên như một ước nguyện với cái kết viên mãn của một
lễ vu quy giản dị nhưng lại hạnh phúc:

“Nhà em có một giàn giầu

Nhà anh có một hàng cau liên phòng

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”

Hình ảnh trầu cau thể hiện ước nguyện đến bên nhau của nhà thơ với người con gái
mình yêu. Gian giầu kia cũng như đang chờ đợi hàng cau đến để làm nên những
miếng trầu kết duyên vợ chồng. Từ nôi nhớ tương tư kia nhà thơ mong muốn được
nên duyên vợ chồng với người con gái nọ. Miếng trầu là đầu câu chuyện, miếng
trầu như gợi ta nhớ đến sự tích trầu cau trong truyện cổ tích. Chính sự tích ấy đã
mang lại những miếng trầu thật ngon thấm đẫm tình vợ chồng. Nét quê hương hiện
lên qua hình ảnh trầu cau ấy, lễ vật cho ngày cưới thiếu gì thì thiếu chứ không thể
nào thiếu được trầu cau. Câu thơ “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông” một lần nữa lại
được cất lên. Như vậy mở đầu bằng nỗi nhớ thì cuối cùng nhà thơ cũng kết thúc
bằng một nỗi nhớ. Và câu thơ cuối lại như trách móc rằng không biết cau thôn
Đoài hay chính là người con gái kia có nhớ đến mình không hay là nhớ đến người
khác.

Như vậy qua đây ta thấy được những tâm tư tình cảm của nhà thơ khi viết bài thơ
này. Có thể nói chính những hình ảnh làng quê quen thuộc với những câu thơ
mang đậm chất truyền thống dân tộc và mang hơi thở của ca dao nên bài thơ cứ thế
đi vào lòng người với những giai điệu nhịp nhàng nhưng lôi cuốn. Nỗi tương tư
được thể hiện rất kín đáo và thân thương. Cả bài thơ kết tụ của nỗi nhớ tương tư
người yêu thế rồi cảm thấy người ta như đang vô tâm với mình vậy.

của mỗi câu thơ với quê hương” (Tô Hoài).

You might also like