You are on page 1of 4

Phân tích bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu

MB: Có ai yêu một loài hoa không sắc không hương? Có ai quyến luyến những vần thơ khô khan không
cảm xúc? Văn chương phản ánh hiện thực nhưng nó không phải là một tấm hình khô cứng và vô hồn, mà đó
là tiếng lòng thổn thức từ những câu chuyện của cuộc đời - câu chuyện được ngân vang trên ngọn đồi tuyết
phủ trắng trời, thấp thoáng những đóa sơn trà e ấp trong làn sương giăng mờ ảo. Chính hiện thực cuộc sống
luôn là cảm hứng cho sáng tác văn học, là cội nguồn gọi thức con chữ, là cầu nối tâm hồn đồng điệu của
người nghệ sĩ với độc giả. Điều ấy đặc biệt được kết tinh rõ nét, đủ đầy qua thi phẩm “ Đây mùa thu tới” của
người nghệ sĩ tài hoa Xuân Diệu - một nhà thơ "mới nhất trong các nhà thơ mới". Bài thơ đã thể hiện nguồn
cảm xúc mãnh liệt dạt dào của thi nhân trước cảnh vật chớm thu, để lại cho ta những cảm xúc sâu sắc, khó
nói nên lời:
“ Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Hơn một loài hoa đã rụng cành


Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;
Những luồng run rẩy rung rinh lá…
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…


Non xa khởi sự nhạt sương mờ…
Đã nghe rét mướt luồn trong gió…
Đã vắng người sang những chuyến đò…

Mây vẩn từng không, chim bay đi,


Khí trời u uất hận chia ly.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì.”

KQ:
Trước hết, phong trào Thơ mới được xem là sự kiện mở ra “một thời đại mới trong thi ca” Việt Nam. Thơ
mới đánh dấu sự chấm dứt của mười thế kỉ thơ ca trung đại, đưa thơ Việt Nam vào quỹ đạo hiện đại. Làn gió
văn hóa Tây học đã mang đến nhiều sự đổi mới cho nền văn học Việt Nam. Hoài Thanh trong “Thi nhân
Việt Nam” đã viết: “Tình chúng ta đã đổi mới thơ chúng ta cũng vậy”. Quả thật, “Với thơ Mới, thi ca
Việt Nam như bước vào một thời đại mới”, một thời đại với sự thay đổi sâu sắc về nội dung về tư tưởng.
Đây cũng đồng thời là hiện tượng được nảy sinh và phát triển từ khát vọng giải phóng của cái tôi cá nhân và
nhu cầu đổi mới nghệ thuật của các nhà thơ Việt Nam.

Hồn thơ Xuân Diệu bày tỏ một tình yêu tha thiết với cuộc sống và một nỗi lo sợ về sự trôi chảy của thời
gian. Thơ của ông thường viết về mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ với quan niệm nhân sinh mới mẻ cũng như
cách thể hiện độc đáo. Tác phẩm” Đây mùa thu tới” được xuất bản năm 1938 và là một trong những dấu ấn
nổi bật mang đậm hồn thơ và phong cách sáng tác của “ Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu. Nhan đề “đây mùa
thu tới” tô đậm bức tranh mùa thu rộng lớn, đẹp đẽ đang bước đến ngày càng gần, đồng thời cũng là nỗi lo
lắng cảnh vật phai mờ theo bước đi của thời gian. Chính vì hình ảnh rặng liễu bên hồ gần nhà mềm mại tựa
mái tóc thướt tha của người thiếu nữ tuổi đôi mươi là nguồn cảm hứng dạt dào để thi sĩ có thể cất nên những
dòng thơ lãng mạn phảng phất chút man mác u sầu này. Bằng sự sáng tạo độc đáo được cảm nhận bằng
nhiều giác quan, ngôn ngữ giản dị kết hợp cùng những hình ảnh ẩn dụ mang tính biểu tượng và giọng thơ có
phần chậm rãi, man mác, tha thiết, tác giả đã làm rõ những tâm tư, tình cảm của bản thân. Hơn hết, ông đã
vẽ nên một bức tranh rất nên thơ nhưng ẩn sâu trong nét kiều diễm ấy là chút buồn bã của sự phai tàn, lạnh
vắng, cô đơn. Hay đó cũng chính là tâm trạng cô đơn, buồn bã của Xuân Diệu trước sự trôi chảy của thời
gian cũng như niềm khao khát được giao cảm để hóa giải nỗi u buồn.
TB:
- Khổ 1: Quả thật: “Thơ là tiếng nói của tâm hồn, là tình cảm mãnh liệt đã được ý thức, được lắng
lọc qua xúc cảm thẩm mỹ, gắn với sự tự ý thức của mỗi nhà thơ về chính mình và cuộc đời".
Thơ là gương mặt tâm hồn, là cái tiêu biểu và riêng biệt nhất của từng nhà thơ được thể hiện qua mỗi
câu thơ, dòng thơ. Và điều này thật đúng khi chỉ với bốn câu thơ súc tích nhưng Xuân Diệu đã vẽ nên
một bức tranh mùa thu rất sống động vào thời khắc giao mùa, từ đó lắng đọng trong tâm trí bạn đọc
bao nỗi buồn bâng khuâng:
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;”
Hai câu thơ đầu đã gợi ra hình ảnh rặng liễu là sự khởi đầu cho mùa thu. Những “rặng liễu” rủ xuống được
nhân hóa như một người thiếu phụ đìu hiu đứng chịu tang.Hình ảnh “Liễu” gợi ra một nỗi sầu thương, cô
đơn làm cả không gian chìm lắng trong cái buồn, sự tang tóc, ảm đạm, hiu hắt. Hình ảnh ước lệ quen thuộc
trong văn học cổ điển gợi ra hình ảnh mùa xuân nhưng Xuân Diệu đã thổi hồn của văn học phương Tây vào
hình ảnh, đây là liễu của mùa thu và đặc biệt thể hiện quan niệm mỹ học mới mẻ thấm đẫm tinh thần nhân
văn: con người là chuẩn mực của cái đẹp . Với Thơ Mới, nó đã phá bỏ mọi tính quy phạm, ước lệ và sự gò
bó, rập khuôn trong thơ cũ. Nếu trong văn học nghệ thuật thời xưa, thiên nhiên là chuẩn mực cái đẹp của con
người như Nguyễn Du đã từng viết về nét đẹp nhân hậu của Thúy Vân trong” Truyện Kiều”:
“ Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”
thì đến với thơ mới, đặc biệt là thơ Xuân Diệu khi ông đã thể hiện quan niệm mĩ học mới mẻ khi, thiên nhiên
không còn là chuẩn mực, mà chính con người mới là chuẩn mực, cái cao quý nhất và là trung tâm của cái
đẹp. Với từ láy “đìu hiu”, câu thơ gợi một nỗi buồn bâng khuâng, mơ màng khó tả, một nỗi buồn gần như
lặng lẽ và âm thầm. Hai câu thơ đầu khổ còn có sự đặc sắc về nhịp điệu ngôn ngữ khi có hiện tượng láy âm
liên tiếp của các âm thanh trong “liễu – đìu – hiu - chịu, buồn- buông- xuống, tang - ngàn – hàng” đã gợi lên
cho ta một bức tranh được vẽ bằng cả nhạc điệu. Như “ Hồn thơ lớn” Sóng Hồng đã từng viết: “ Thơ là thơ
đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng.” Ông đã khẳng định tính chất kì diệu của
thơ ca: thơ là thơ nhưng thơ còn có màu sắc, đường nét của hội hoạ, thanh âm của âm nhạc và hình
khối của chạm khắc. Say mê ngắm "rặng liễu đìu hiu", nhà thơ khẽ reo lên khi chợt nhận thấy thu đã đến:
“Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.”
Sau tín hiệu mùa thu là rặng liễu, nhân vật trữ tình cất tiếng reo ngỡ ngàng trước sự chuyển mình nhẹ nhàng
của mùa thu “Đây mùa thu tới - mùa thu tới”. Tuy nhiên đằng sau tiếng reo vui ấy là nỗi thảng thốt, bâng
khuâng của TG bởi mùa thu đến rồi mùa thu sẽ qua đi. Thủ pháp điệp cùng với nhịp thơ 4/3 đã mô phỏng
được bước chân của mùa thu thật nhẹ, thật khẽ, thật êm và kéo theo đó là cảm xúc vừa vui nhưng không kém
phần bâng khuâng của tác giả.
Trong câu thơ cuối khổ, mùa thu được nhân hóa như một giai nhân khoác chiếc áo vàng mơ phai dịu nhẹ,
tươi sáng. Màu vàng vốn là màu sắc tượng trưng cho mùa thu. Thế nhưng gam màu này nhuốm sự phai tàn
của sắc lá cho nên mặc dù tươi sáng, thanh thoát thì nó vẫn thấm đượm nỗi buồn. Hình ảnh lá vàng được
Lưu Trọng Lư sử dụng:
“Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô”
⇒ Có thể nói rằng khổ thơ đầu tiên đã khắc họa rõ nét khung cảnh đất trời khi thu về. Hơi sắc mùa thu đã len
lỏi vào từng ngóc ngách bằng một bước tiến rất dịu dàng, đằm thắm nhưng cũng thật đượm buồn.
- Khổ 2: Không chỉ vậy, khổ thơ thứ hai lời miêu tả cảnh sắc thiên nhiên trong khu vườn để diễn tả
những bước đi tinh tế của thời gian, những rung động mơ hồ của lòng người.
“Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh”

“Hơn một” tức là nhiều loài hoa, nhà không chỉ rõ loài hoa nào, chỉ biết là rất nhiều hoa. Cũng không phải
một màu sắc nhất định như thơ cổ mà là một màu được pha giữa hai màu đỏ và xanh. Ngoài ra với cách sử
dụng từ “giữa” ta thấy được tài năng sử dụng từ của Xuân Diệu, “sắc đỏ giữa màu xanh” ý muốn nói màu đỏ
đang lấn át dần, mùa thu đã đến mang theo sự tàn úa cho cảnh vật. Và không chỉ cảm nhận mùa thu bằng thị
giác, Xuân Diệu còn mở rộng hồn mình để đón nhận “những luồng run rẩy” của cảm xúc, của mùa thu:

“Những luồng run rẩy rung rinh lá…


Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.”
Các từ láy "run rẩy", "rung rinh”, "mỏng manh" là những nét vẽ thần diệu gợi tả cái run rẩy, cái rùng mình
của cây lá buổi chiều thu. Nghệ thuật sử dụng các phụ âm , “r" (rụng, rũa, run rẩy, rung rinh) và phụ âm "m"
(một, màu, mỏng manh) với dụng ý thẩm mĩ trong gợi tả và biểu cảm đặc sắc. Đó cũng là một nét mới trong
thi pháp của Xuân Diệu.Câu thơ trên không chỉ cho thấy sự quan sát tinh tế để nhận biết những thay đổi nhỏ
bé trong thiên nhiên mà còn là sự giao cảm từ đáy sâu tâm hồn của thi sĩ, lá run rẩy hay chính tâm hồn nhà
thơ cũng lo âu, sợ sệt? Qua đó ta thấy được bút pháp chấm phá đầy tài tình cùng với việc sử dụng hàng loạt
tính từ để khắc họa hình ảnh của Xuân Diệu.
- Khổ 3: Tiếp đến, khổ thơ thứ 3 đã miêu tả bước chân của mùa thu đến với không gian rộng lớn hơn,
đó là không gian vũ trụ bao la, mênh mông, rộng lớn nhưng lại có nỗi buồn da diết:
“Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…
Non xa khởi sự nhạt sương mờ…”
Từ những hình ảnh của thiên nhiên, hoa lá trong vườn, lăng kính của thi văn chuyển sang một không gian
bao la rộng lớn hơn, mở rộng một bầu trời thu bao la càng làm cho nỗi buồn càng thêm da diết. Các hình ảnh
“vầng trăng, dáng núi, sương thu, gió thu, con thuyền, dòng sông” đều như mờ ảo, nhạt nhòa trong bầu trời
thu buồn lạnh. Phép nhân hóa “nàng trăng tự ngẩn ngơ” bộc lộ cảm quan mĩ học mới mẻ của tác giả, trong
đó con người là chuẩn mực của cái đẹp. Trăng được hình dung như một người thiếu nữ với tâm trạng ngẩn
ngơ, không phân chất được nỗi niềm một cách cụ thể. Trăng ở đây có tâm trạng và dáng vẻ của con người.
Dường như qua hình ảnh này ta cảm nhận được nỗi buồn man mác trong lòng nhân vật trữ tình. Hình ảnh
núi non bắt đầu nhạt nhòa trong sương, đường nét bắt đầu không rõ. Trong đó còn đồng thời chứa đựng
nhiều tâm tư tình cảm và cả những hình ảnh của quê hương gần gũi và thân thuộc. Trời đã buồn, mặt đất còn
buồn hơn. Trong không gian vắng người, vắng đò, chim di tản, có một câu thơ thật hoang lạnh:
“Đã nghe rét mướt luồn trong gió…
Đã vắng người sang những chuyến đò…”
Ở đây, Xuân Diệu tách gió và rét ra làm hai, cái rét lẩn khuất, ẩn mình trong gió, chưa thực sự hiện diện bởi
mùa thu chỉ vừa mới bắt đầu. Ông đã sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác . Vốn dĩ, Ngôn từ là
tinh hoa quý giá nhất của người làm thơ. Người làm thơ cũng như kẻ làm vườn vậy, phải chăm chút sao
cho vườn hoa ngôn ngữ của mình nở ra những bông hoa đẹp nhất. Nói cách khác, “Làm thơ là cân một
nghìn milligram quặng chữ”. Ở đây, người nghệ sĩ mang nỗi ám ảnh về thời gian đã tinh tế “cân một
nghìn milligram quặng chữ” ấy khi sử dụng động từ “luồn” nhằm cụ thể hóa cái vô hình khó nắm bắt, rét
mướt của làn gió bỗng như có sắc hình, khẽ khàng chạm đến tâm hồn con người. Mùa thu không chỉ dừng
lại ở những hình ảnh thiên nhiên mà còn trong cuộc sống của cong người: “ Đã vắng người sang sông những
chuyến đò”. Những chuyến đò vắng vẻ vốn đã từng tấp nập người qua, con thuyền lênh đênh trên sông
nước, như đợi chờ khắc khoải hình bóng một người “Đã vắng”, không chỉ trong hiện tại mà “đã” từ trước
đây.
- Khổ 4: Khép lại bài thơ là hành trình của mùa thu đi từ ngoài vào trong, từ không gian của vũ trụ đến
không gian của lòng người khiến ta trở nên xúc động:
“Mây vẩn từng không, chim bay đi,
Khí trời u uất hận chia ly.”
Mùa thu đến khiến hoa rụng, lá tàn phai, cảnh trở nên vắng lặng và đặc biệt, vạn vật chia lìa nhau. Các hình
ảnh "mây,"chim","khí trời"được nhà thơ Xuân Diệu tinh tế sử dụng thể hiện rằng sự vật tuy nhẹ nhàng
nhưng cũng không kém phần buồn bã, u uất. Những sự vật dường như là rời rạc, không có sự liên kết, nỗi
buồn đẹp của sự chia ly. Cụm từ "hận chia ly" gợi lên sự xót xa vô ngần, dường như là sự căm ghét những
sự chia rẽ của đôi lứa khi thu về. Buồn tương tư, "buồn không nói". Một dáng điệu "tựa cửa nhìn xa", một
tâm hồn "nghĩ ngợi gì" rất mơ hồ, xa xăm:
“Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.”
Không chỉ vậy, mùa thu còn đến và gõ cửa lòng người. Trong hai câu thơ trên, hình ảnh thơ chỉ chấm phá
vài ba nét mà đã khơi gợi cho người đọc nhiều liên tưởng xa xôi. Hình ảnh “thiếu nữ” được sử dụng trong
câu thơ để gợi sự tươi trẻ, thanh xuân. Đi kèm với đó là cụm từ “buồn không nói” như một sự che đậy tình
cảm giấu kín ở bên trong. Khuất sau cái dáng “buồn không nói”, “tựa cửa nhìn xa” ngỡ bất động đã chất
chứa bao nỗi niềm nhớ nhung. Hẳn là nàng thơ ấy chất chứa nỗi buồn trong lòng, không tỏ với ai. Cái đặc
sắc đó là nhân vật ở đây vẫn đang độ tuổi “xanh mơn mởn” nhưng lại mang trong mình tâm trạng sâu lắng
thay vì vui tươi như đúng độ tuổi của mình. Có thể thấy cảnh buồn đã lan sang lòng người, người vì thấy
cảnh buồn mà tâm tư cũng trở nên nặng trĩu. Ta bỗng nhớ tới những dòng thơ trong ấn phẩm “ Truyện Kiều”
của đại thi hào Nguyễn Du khi tả nỗi sầu bi của nàng Kiều lúc bị Tú Bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Hay những dòng thơ của Vũ Đình Liên khi vẽ lên cảnh lụi tàn của văn hóa chữ nho xưa trong bài thơ “ Ông
đồ”:
“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…”
ĐG Bài thơ vẽ ra một bức tranh khi mùa thu đang đến đẹp mà buồn, lạnh lẽo, tàn phai, chia ly. Đằng sau
bức tranh ấy là tâm trạng buồn bã, cô đơn trước sự trôi chảy của thời gian và niềm khát khao giao cảm của
người thi sĩ. Hình ảnh thơ quen thuộc có tính ước lệ nhưng được thổi hồn mang màu sắc cá thể độc đáo của
tác giả, đặc biệt là hình ảnh thơ được cảm nhận bằng nhiều giác quan như thị giác, xúc giác. Gắn với hình
ảnh thơ là các thủ pháp so sánh, nhân hoá, điệp ngữ, tương phản, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được sử dụng
khéo léo. Ngôn ngữ thơ giàu nhạc tính, có những sáng tạo từ độc đáo mới mẻ, sử dụng từ láy giàu chất tạo
hình, giàu chất biểu cảm, diễn tả được những biến thái rất tinh vi mơ hồ của thiên nhiên và lòng người như
‘đìu hiu’

KB
“Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá

Riêng những câu thơ còn xanh
Riêng những bài hát còn xanh”
Vượt qua mọi định luật của sự băng hoại, văn chương vẫn bất hủ song hành cùng thời gian dẫu trải qua
những thăng trầm thay đổi. Những tác phẩm chân chính luôn là những tác phẩm in dấu trong lòng người đọc
mang đến những giá trị lớn lao về cả nội dung và nghệ thuật. Và bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu
cũng là một tác phẩm như thế, làm đọng lại trong lòng người đọc biết bao những cảm xúc đầy tinh tế.

You might also like