You are on page 1of 4

hu là thơ của đất trời, là “bình minh mát” của lòng người – theo Xuân Diệu.

Viết về thu, đã có bao áng thơ hay tuyệt tác. Và khi đến với Hữu Thỉnh, ta
có thể cảm nhận được phần nào cái “cốt tủy chung tình bên trong” của nó.
Tất cả mọi vẻ đẹp ở “bề sau, bề sâu, bề xa” của mùa thu đều được gửi gắm
qua bài thơ “Sang thu”- tác phẩm mà có lẽ đến mãi sau này, ta vẫn không
thể ngừng thương nhớ. Đặc biệt là ở hai khổ thơ đầu bài khi tác giả cảm
nhận những tín hiệu giao mùa và khung cảnh thiên nhiên khi đất trời
chuyển từ cuối hạ đến đầu thu.
Hữu Thỉnh sinh năm 1942, quê ở Vĩnh Phúc, là nhà thơ trưởng thành
từ trong quân đội. Ông sáng tác xoay quanh cảm hứng về quê hương, đất
nước, nhân dân, mang đậm hồn quê Việt Nam dân dã. Thơ Hữu Thỉnh mộc
mạc, tinh tế, lãng mạn, giàu rung cảm. Bài thơ “Sang thu” được ông viết
vào năm 1977, in trong tập thơ “Từ chiến hào đến thành phố”. Đó được coi
như những dòng chia sẻ chân thành của một tâm hồn tinh tế trước thiên
nhiên lúc giao mùa, cũng là nơi gửi gắm biết bao chiêm nghiệm kín đáo về
mùa thu mới của cuộc đời, của con người và dân tộc.
“Từ Homero đến Kinh Thi, đến ca dao Việt Nam”, thu vẫn luôn
là nguồn cảm hứng bất tận của các thi nhân. Riêng trong làng thơ Việt, ta
đã bắt gặp một “Thu điếu” trong thơ Nguyễn Khuyến, một “Tiếng thu”
trong thơ Lưu Trọng Lư, một “Thơ duyên” trong thơ Xuân Diệu…. Và mùa
thu trong Hữu Thỉnh cũng để lại ấn tượng sâu sắc với những chuyển biến
tinh tế từ cuối hạ sang đầu thu. Sang thu là một khoảnh khắc rất đặc biệt
của thiên nhiên. Đó là lúc mùa hạ chưa kịp đi mà hương thu đã lặng lẽ đến
rồi. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã nhận ra những tín hiệu đặc trưng của mùa thu:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
Thơ xưa từng viết nhiều về mùa thu. Cổ thi Trung Hoa có câu thơ nổi
tiếng:
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
(Thấy một lá ngô đồng rụng
Mọi người đều biết mùa thu đã về)
Không còn những hình ảnh ước lệ tượng trưng trong thơ cổ điển khi
viết về mua thu như cây ngô đồng, lá phong, hoa cúc…, Hữu Thỉnh đã lựa
chọn những hình ảnh quen thuộc, gần gũi trong cuộc sống đời thường, tạo
nên một tứ thơ mới mẻ khi viết về những tín hiệu sang thu.
Tín hiệu đầu tiên đó là làn hương ổi, đi liền với cụm từ “bỗng nhận ra”
diễn tả cảm xúc bất ngờ, đột ngột, ngỡ ngàng, tự nhiên không hề báo trước.
Mùi hương ổi đặc trưng của mùa thu miền Bắc, thơm lừng phả vào trong
gió se. Động từ “phả” diễn tả một làn hương nồng đậm, ngào ngạt, theo gió
lan tỏa khắp không gian. Sự kết hợp giữa cảm nhận bằng khứu giác và xúc
giác khắc họa sự rung cảm của tâm hồn nhà thơ hòa điệu cùng với cảnh vật.
Làn hương ổi trở thành phong vị rất riêng trong thơ Hữu Thỉnh. Tín hiệu
thứ hai là “gió se” – ngọn gió heo may của miền Bắc, gió khô và thoáng
chút hơi lạnh. Hương ổi thơm cùng làn gió se báo rằng thu đã chớm mùa.
Thu đến rất dịu, rất nhẹ, rất thanh trong. Tín hiệu thứ ba được cảm nhận
bằng thị giác, mùa thu dần hiện rõ trong không gian đất trời qua hình ảnh
của những màn sương. Nghệ thuật nhân hóa kết hợp với từ láy “chùng
chình” tạo nên một nét rất duyên của mùa thu. Sương mang dáng vẻ lãng
đãng, bước đi chầm chậm, cố ý đầy lưu luyến, ngập ngừng giăng mắc khắp
đầu thôn ngõ xóm. Bước chuyển của thiên nhiên đất trời khiến nhà thơ ngỡ
ngàng, thốt lên như tự hỏi “hình như thu đã về”. Từ tình thái “hình như”
diễn tả cảm giác mơ hồ, bối rối, phán đoán không chắc chắn. Nó gợi lên
cảm xúc bâng khuâng trong tâm hồn thi sĩ trước những tín hiệu bất ngờ
không hẹn trước của mùa thu
Khổ thơ đầu thể hiện cảm nhận tinh tế, nhạy cảm của tác giả, nắm bắt
bước đi nhỏ nhẹ của thiên nhiên lúc chuyển mùa sang thu. Khoảnh khắc ấy
là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ. Bức tranh thu mới chớm thân thuộc của
làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện lên thật êm ả, thanh bình. Và quả
thật, mùa thu nào trong thi ca cũng đều là những kiệt tác.

Quang cảnh thiên nhiên lúc giao mùa được tái hiện chân thực và sống
động qua những hình ảnh cụ thể, hữu hình ở khổ thơ thứ hai:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã”
Thu đã sang mùa, hiện rõ ở hình ảnh “sông dềnh dàng, chim vội vã”
trong không gian rộng lớn của cảnh vật. Nghệ thuật nhân hóa được nhà thơ
sử dụng đặc sắc để khắc họa bức tranh mùa thu. Con sông không còn khô
cạn mà dềnh dàng nước đầy. Từ láy “dềnh dàng” diễn tả trạng thái như
đang cố tình trôi chậm lại của con sông mùa thu, tĩnh lặng, trong trẻo, êm
đềm. Dường như nó cũng đang tận hưởng thời khắc giao mùa tươi đẹp mà
muốn hòa mìn vào cái thanh nhẹ, dịu êm của đất trời. Những đàn chim bắt
đầu “vội vã” bay về phương Nam tránh rét. Chúng cũng dường như gấp gáp
hơn, khẩn trương hơn khi nhận ra những đợt gió heo may se lạnh đang về.
Hai câu thơ trên tác giả sử dụng nghệ thuật đối một cách nhịp nhàng, làm
nổi bật hai trạng thái trái ngược của thiên nhiên. Từ “được lúc” và “bắt
đầu” thể hiện chính xác sự đổi thay trong thoáng chốc của cảnh và sự tinh
tế của tác giả khi nắm bắt được những trạng thái của thiên nhiên lúc giao
mùa.
Bức tranh mùa thu còn được tác giả cảm nhận qua hình ảnh liên tưởng,
sáng tạo độc đáo, đầy chất thơ:
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Động từ “vắt nửa mình” vừa gợi hình vừa gợi cảm. Đám mây như dải
lụa treo trên bầu trời, thảnh thơi, duyên dáng, nửa nghiêng về mùa hạ, nửa
nghiêng về mùa thu. Câu thơ không chỉ miêu tả thiên nhiên mà còn gợi
bước đi của thời gian. Đám mây như một cây cầu đặc biệt để nối liền những
ngày cuối hạ và đầu thu, ranh giới ngày càng bé dần, để rồi đến một lúc nào
đó, đám mây hoàn toàn nhuốm màu sắc mùa thu. Có lẽ, ta cũng từng bắt
gặp ở đâu đó đám mây như vậy trong thơ của Lê Thu An:

“Mây trời một dải trắng phau


Vắt ngang sườn núi chiều thu ngập ngừng”
Bằng ngôn từ miêu tả đặc sắc, khổ thơ đã tái hiện thật đẹp khoảnh khắc
giao mùa. Bức tranh mùa thu mang hơi thở hồn quê Bắc Bộ mang đến cho
người đọc bao dư vị khó quên. Nhà phê bình Nhật Chiêu từng tâm sự: “Thơ
ca, trong bản chất của nó là mây, là một thể vô định và huyền ảo. Và thơ ca,
cũng còn là bão tố.” Và có lẽ, lúc đó cái đám mây “vô định và huyền ảo”
kia bỗng dưng ùa về lấp kín hồn thơ của Hữu Thỉnh, cũng đầy bất ngờ và
hư ảo như cái hương ổi thơm quen thuộc từ đâu xộc thẳng vào hồn ông.
Vậy ắt hẳn hồn nhà thơ phải luôn đong đầy cảm xúc mới có thể cho ra đời
những dòng thơ sâu sắc như vậy.
Bài thơ được viết bằng thể thơ năm chữ, tự do, gieo vần linh hoạt,
không hạn định. Ở hai khổ thơ đầu, nhà thơ Hữu Thỉnh đã sử dụng đặc sắc
nghệ thuật nhân hóa, cùng với hình ảnh thơ giản dị, tự nhiên, giàu sức gợi,
mới lạ, từ láy độc đáo, giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng. Tất cả đã góp phần
làm nên thành công nghệ thuật cho tác phẩm.
Hạ đi, thu đến mang theo những cảm xúc bất chợt để rồi gieo lại trong
lòng người những bồi hồi về một nàng thu nồng nàn êm ái. Với hai khổ thơ
đầu, bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã vẽ nên một bức tranh mùa thu
đầy nồng nàn, thơ mộng, gieo vào lòng người biết bao cảm xúc. Tác phẩm
như viên pha lê đầy góc cạnh, trải qua bao thăng trầm để trọn vẹn lung linh
mãi với thời gian.

You might also like