You are on page 1of 5

“Chao ôi! Thu đã tới rồi sao?

Thu trước vừa qua mới độ nào


Mới độ nào đây, hoa rạn vỡ
Nắng hồng choàng ấp cây bàng cao”
(Thu – Chế Lan Viên)
Mùa thu – mùa của yêu thương, mùa của lá vàng rơi, mùa của những người bạn cùng nhau dạo
bước dưới nắng thu để tận hưởng không khí trong lành trong lành, cùng nhau ngắm vàng rơi, rơi đầu
trời. Mùa thu cũng là lúc thi nhân chìm đắm trong những nỗi nhớ đa tầng, những cảm xúc xao xuyến
trước sự đổi thay của đất trời. Và Hữu Thỉnh cũng không ngoại lệ khi gửi gắm cảm xúc của mình qua
bài thơ “Sang thu”.Khi thời thu xanh ngắt thoảng se lạnh, khi khí thu hiu hắt tiêu sơ, khi những xúc cảm
của mùa thu làm trở dậy những cảm xúc trong tâm hồn người nghệ sĩ ta nhận ra mùa thu đã đi vào trong
thi ca như một đề tài bất tận của muôn đời. Hữu Thỉnh - một trong số những nhà thơ mang trong mình
tiếng thơ không ồn ào, cao giọng mà luôn nén lại, lắng xuống dù dòng xúc cảm luôn mãnh liệt, dạt dào
cũng đã thể hiện tinh tế khoảnh khắc giao mùa tuyệt diệu qua thi phẩm “Sang thu”.
Trước hết, bài thơ ra đời vào năm 1977, hai năm sau khi đất nước thống nhất 2 miền Nam-Bắc,
và nhà thơ đang sống trong những mùa thu đầu tiên của dân tộc. Tác phẩm có sức hấp dẫn mãnh liệt vởi
giọng thơ thay đổi theo mạch cảm xúc: khi náo nức rộng ràng, khi thì chiêm nghiệm suy ngẫm và từ ngữ
chọn lọc, giàu sức gợi, giàu sức tạo hình. Bài thơ là phút giao mùa từ cuối hạ sang đầu thu với những
chuyển biến nhẹ nhàng, gợi cảm nhưng rất rõ nét.
Mở đầu bài thơ, ta như được hòa mình trong bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của làng quê Việt
Nam thật sống động:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”
Dấu hiệu đầu tiên của sang thu chính là chi tiết “hương ổi”, một chi tiết khá mới mẻ và độc đáo đối với
thơ ca thời bấy giờ. Người ta thường quen mùa thu với “sen tàn, cúc nở”, với hương hoa sữa nồng nàn,
với hương cốm thơm nồng, với những con đường rợp lá vàng rơi:
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới.”
(Đất nước- Nguyễn Đình Thi)
Với hương ổi. Hữu Thỉnh đã góp thêm cho thơ thu Việt Nam một mùi hương đậm chất quê nhà. Ông
từng tâm sự: “giữa trời đất mênh mang, giữa cái khoảng khắc giao mùa kỳ lạ thì điều khiến cho tâm
hồn tôi phải lay động, phải giật mình để nhận ra đó chính là hương ổi. Với tôi, thậm chí là với nhiều
người khác không làm thơ thì mùi hương đó gợi nhớ đến tuổi ấu thơ, gợi nhớ đến buổi chiều vàng với
một dòng sông thanh bình, một con đò lững lờ trôi, những đàn trâu bò no cỏ giỡn đùa nhau và những
đứa trẻ ẩn hiện trong triền ổi chín ven sông… Nó giống như mùi bờ bãi, mùi con trẻ… “. Hóa ra đó là
mùi hương quen thuộc, dân dã, mộc mạc luôn vấn vương mãi trong tâm hồn người con yêu xứ sở quê
hương, mùi hương của tuổi thơ, của tiếng cười, của bình yên và hạnh phúc. Điều đặc biệt ở chỗ hương
thơm ấy không những nồng nàn, đậm đặc mà cũng như thấm thoát, dìu dịu, thoang thoảng, lan tỏa khắp
không gian đất trời. Điều đó thể hiện rõ nhất ở động từ “phả”. đây cũng được coi như một thành công
nghệ thuật của bài. Đó chính là sự chuyển động của làn hương ổi, hương ổi vốn vô hình trở nên hữu
hình, phả thành từng luồng vào trong gió, làm ngọt ướt cả không gian, tạo nên một mùi hương thật nồng
nàn, quyến rũ.
Trong cái không gian đậm mùi thu ấy, thấp thoáng hình ảnh “Sương chùng chình” nhẹ lướt qua đường,
qua thôn xóm, tựa như bóng dáng một thiếu nữ yểu điệu, thướt tha, nhẹ nhàng lướt qua đánh thức tâm
hồn thi nhân. Chỉ với hai hình ảnh “hương ổi” và “sương” giàu giá trị gợi hình gợi cảm, tác giả như vẽ
ra trước mắt ta một mùa thu đặc trưng của mỗi làng quê Việt Nam trong cái tiết trời se se, mát mẻ, dễ
chịu, gợi trong lòng người đọc cảm giác bâng khuâng, xao xuyến lạ lùng. “Gió se”chính là gió heo may
se se lanh, gió của mùa thu, báo hiệu mùa thu đến. Làn gió ấy đã từng khiến Xuân Diệu mấy lần rung
động:
“Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy sương mỏng manh”
(Đây mùa thu tới- Xuân Diệu)
Sau làn “hương ổi” và luồng “gió se” là làn “sương thu”:
“Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.”
Làn sương ấy không phải là làn sương dày đặc, mịt mù như trong câu ca dao quen thuộc miêu tả cảnh
Hồ Tây lúc ban mai: “Mịt mù khói tỏa ngàn sương” hay như nhà thơ Quang Dũng đã viết trong bài thơ
Tây Tiến: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”. Hữu Thỉnh đã gợi tả chính xác làn sương thu huyền
ảo, mong manh đang giăng mắc đầy đường thôn ngõ xóm. Với biện pháp nghệ thuật nhân hóa “chùng
chình”, tác giả đã thổi hổn vào làn sương thu khiến cho sự vật vô tri, vô giác bỗng có linh hồn, cảm xúc;
có những bước chân ngập ngừng, bâng khuâng trước mùa thu về nhưng lại dùng dằng, lưu luyến với
mùa hạ. Nửa như muốn bước vào cửa ngõ mùa thu, nửa lại còn quyến luyến với mùa hạ cũ. Những bước
đi của làn sương thu thật yểu điệu, thướt tha, thật dịu dàng, mong manh và quyến rũ. Từ “ngõ” trong ý
thơ của Hữu Thỉnh không chỉ đơn thuần là ngõ nhỏ nơi làng quê. “Ngõ” ấy chính là cửa ngõ của thời
gian, thông giao giữa hai mùa thu và hạ. Con ngõ ấy chứng kiến khoảnh khắc giao mùa của thiên nhiên,
nơi đầy gió, đầy sương và đầy hương. Bức tranh giao mùa đã được thi sĩ “thức ngọn” các giác quan để
cảm nhận: mở rộng khứu giác để thấy mùi ổi chín thơm nơi đồng nội, xúc giác để thấy làn gió se lành
lạnh, thị giác để thấy sương chầm chậm qua và cả giác quan tâm hồn. Tác giả đặt hồn mình vao trong
từng cảnh vật để nắm bắt được cái hồn mùa thu trong gió, trong sương, để thấy được sự vận động vô
hình của sự vật, sự chuyển động thật khẽ, thật nhẹ, thật êm. Trong cảm nhận của tác giả, với từ “bỗng”
thể hiện thái độ bất ngờ, nhạc nhiên đến sững sờ khi nhận ra những dấu hiệu đầu tiên báo thu về. Thế
nhưng, thi sĩ dường như vẫn thoáng chút mơ hồ, nghi hoặc, tự hỏi lòng mình để thầm xác định với bao
bâng khuâng xao xuyến như Xuân Diệu:
“Đây mùa thu tới, mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”
Sở dĩ, tác giả có những cảm xúc như vậy vì bước chân của mùa thu quá nhẹ, quá khẽ, quá êm, gợi bao
cảm xúc xa xuyến bâng khuâng. Đó cũng là cảm xúc đặc biệt của người vừa đi qua chiến tranh, trong
giây phút bình yên của cuộc sống thanh bình được cảm nhận khoảnh khắc giao mùa. Hơn nữa, cảm xúc
ấy còn được diễn tả qua giọng thơ chậm rãi và những hình ảnh miêu tả mùa thu thật đẹp, thật có hồn. Đó
chính là tình cảm, cảm xúc của một tâm hồn tinh tế, gắn bó sâu nặng với quê nhà.
Cái cảm giác “hình như” đó gần như bị xóa tan bởi những tín hiệu chuyển mùa dần hiện ra rõ
hơn:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã”
Đầu tiên, không gian mở ra hoàn toàn trái ngược so với khổ thơ đầu, từ hẹp đến rộng, từ vườn quê ngõ
xóm đến không gian của đất trời bao la, từ sự vật vô hình đến hữu hình, từ những thứ mơ hồ khó nắm
bắt đến hiển hiện rõ nét như dòng sông, cánh chim hay đám mây. Chỉ với hai nét chấm phá, Hữu Thỉnh
đã gợi ra một bức tranh thiên nhiên thoáng đãng, cân đối và hài hòa. Dưới mặt đất là dòng sông thu thơ
mộng, hiền hòa đang lững lờ chảy, nó có chút gì đó giống như sự hưởng thụ sau bao tháng ngày mệt mỏi
cùng bão lũ, cùng mưa gió,….và điều đấy cũng được ông khắc họa rất rõ qua phép nhân hóa ‘‘dềnh
dàng’’. Như được thổi hồn vào khiến dòng sông cũng có linh hồn, gợi được vẻ đẹp của dòng sông mùa
thu không ồn ào thác lũ như mùa hạ mà thật nhẹ nhàng trầm tư và thật duyên dáng làm sao! Từ láy
‘‘dềnh dàng” không chỉ sử dụng nghê thuật nhân hóa mà còn mang chất suy nghĩ, đắn đo của Hữu
Thỉnh như ông đang lưu luyến điều gì đó và cũng không muốn xa nó. Phải chăng đó là một thời đã qua-
cái thời mưa bom bão đạn, cùng đồng đội vào sinh ra tử và giờ đây đất nước đã thống nhất, hòa bình mà
mọi người đã tự cho mình nghỉ ngơi trong khi ngoài kia là dịch bệnh, là đói nghèo, là những khó khăn
nhiều vô kể, và từng ấy đã khiến ông đắn đo, trăn trở đến chừng nào. Trái lại, trên bầu trời ta lại bắt gặp
hình ảnh những cánh chim “bắt đầu vội vã’’ cũng diễn tả thật chính xác và tinh tế những biến chuyển
của đất trời.
Những đàn chim ấy đang vội vã bay về phương Nam tránh rét khi cái se lạnh của mùa thu đang về. Đặc
biệt, ấn tượng trong hai câu thơ còn ở cách dùng từ ngữ khéo léo trong hai từ ‘‘được lúc’’ và ‘‘bắt đầu’’
giúp ta được mọi sự thay đổi của thiên nhiên đều đang trong khoảng khắc giao mùa dù là nhỏ nhất. Và
rồi ta cũng gặp hình ảnh mùa thu về đất trời, đọng lại trong những đám mây:
‘‘Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu’’
Từ ‘‘có’’ đứng đầu câu thơ gợi cảm nhận của nhà thơ là trực tiếp, bất ngờ trước một ấn tượng, một phát
hiện, tưởng như nhà thơ đang hòa mình trong thiên nhiên để cảm nhận khoảnh khắc giao mùa. Những
chuyển biến của thời gian vốn rất vô hình đối với chúng ta nhưng qua bàn tay tài hoa của Hữu Thỉnh
như trở nên hữu hình, từ hạ chuyển sang thu được thể hiện như hai không gian gần nhau và cây cầu nối
giữa hai miền không gian ấy chính là đám mây yểu điệu, nhẹ nhàng tựa như dải lụa đào mềm mại, tấm
khăn voan mỏng manh đang phất phơ giữa hai miền. Động từ ‘‘vắt’’ đảo lên đầu câu cùng phép tu từ
nhân hóa đã khiến thiên nhiên như trở nên có hồn, đám mây như đang lơ lửng giữa bầu trời, nối bờ cả 2
thời gian. Trong thơ ca Việt Nam, không ít những vần thơ nói về đám mây trên bầu trời thu:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”
(Nguyễn Khuyến - “Thu điếu”)
Hình ảnh đám mây thướt tha ấy dường như cũng có nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến. Sang thu rồi mà
vẫn còn nhớ hạ, còn hạ đó mà đã chạm vào biên giới của mùa thu. Đây là hình ảnh lạ, độc đáo, vừa thực
vừa ảo. Hữu Thỉnh đã có 1 cách cảm nhận rất độc đáo, dùng không gian để chỉ thời gian, thấy được
những bước đi thật khẽ, thật êm của thu về làm nên một nét thu vô cùng quyến rũ. Nhà thơ đã nắm bắt
được những cái hồn của tạo vật, thấy được những bâng khuâng, xôn xao, náo nức của dòng sông, cánh
chim, đám mây trong phút giao mùa. Qua những hình ảnh miêu tả mùa thu về trong không gian rộng lớn
và nhịp thơ nhanh, gấp gáp. Ta cảm nhận được tâm trạng xôn xao, rộn ràng sau giây phút đầu ngỡ
ngàng, bâng khuâng, xao xuyến. Tác giả xúc động nghẹn ngào, mở rộng lòng mình để đón thu.
Nếu như hai khổ thơ đầu nghiêng về mùa thu của đất trời thì đến khổ thơ kết, tác giả lại hướng
chúng ta về một mùa thu của lòng người với những trải nghiệm của chính bản thân mình:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Các phụ từ “vẫn, đã, cũng” chỉ sự tiếp diễn và lặp lại, diễn tả thiên nhiên mùa hạ vẫn còn hiện hữu khi
thu về. Đó là quy luật của thiên nhiên: khi xuân về mà vẫn còn giá lạnh, khi đông sang mà vẫn còn nắng
vàng, khi thu đến vẫn còn sấm chớp nắng mưa. Với những từ ngữ trên, tác giả đã gợi lên một sự gặp gỡ
giao thoa giữa các mùa trong năm thật thú vị. Những từ ngữ chỉ lượng “bao nhiêu, vơi dần, cũng bớt”
giúp ta thấy được sự tinh tế của tác giả. Dường như nhà thơ đang cân đong, đo đếm để thấy được lượng
mưa nắng của đất trời. Nắng vẫn còn nhưng không gay gắt, oi nồng như mùa hạ mà e ấp trong mình sự
nên thơ, lãng mạn cùng ánh vàng ngọt ngào như rót mật vào lòng người. Những cơn mưa không còn ào
ạt trút xuống mà thưa thớt đi dần. Đó chính là mùa thu êm đềm tươi mát đang về trên đất mẹ quê hương.
Sau những tình cảm ẩn chứa trong lời thơ, đến hai câu thơ cuối, tác giả Hữu Thỉnh đã thể hiện một cách
rõ ràng những suy ngẫm, triết lý về cuộc sống, về mùa thu của đời người:
“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Hình ảnh “sấm” chỉ một hiện tượng tự nhiên của thời tiết, thường xuất hiện sau những cơn mưa lớn.
Cuối hạ, đầu thu, không chỉ có anh nắng dịu đi, cơn mưa chậm lại, mà sấm cũng thưa thớt dần. Chúng
không còn dữ dội để có thể làm lay động hàng cây nữa. Thiên nhiên dường như cũng dịu dàng hơn, ưu
ái hơn đối với mùa thu. Không chỉ thế, ở hai câu thơ này, tác giả còn thể hiện những ý nghĩa ẩn dụ sâu
sắc. Hình ảnh “sấm” còn là biểu tượng cho những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời
con người; là những khó khăn gian lao mà đất nước phải trải qua. Cụm từ “bớt bất ngờ” đã được nhân
hóa chỉ trạng thái của con người. Còn hình ảnh ẩn dụ “hàng cây đứng tuổi” không chỉ là hình ảnh tả
thực của thiên nhiên chỉ những cây cổ thụ lâu năm, mà còn là biểu tượng của con người, biểu tượng của
đất nước luôn vững vàng, kiên cường. Những con người đã trải qua năm tháng của thời gian, đã kinh
qua nhiều biến cố trong đời thì bây giờ đã vững vàng, điềm tĩnh trước những khó khăn ập tới. Ngoài ra,
tác giả không dùng từ “cây” mà là “hàng cây” để ám chỉ sự khăng khít, đoàn kết bền chặt. Không gì
khác là dân tộc ta, dân tộc quật cường mạnh mẽ, chúng ta đối mặt với hai cường quốc thế giới mà không
hề sợ hãi. Ta vẫn vững bước tiến lên, đánh tan chúng một cách đầy mạnh mẽ hào hùng vì chúng ta có
lòng yêu nước. Thứ đó đã truyền từ bao thế hệ: thời bà Trưng, bà Triệu “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh,
đạp luồng sóng dữ, chém cá Kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ
chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta” hay đến khi chủ tịch Hồ Chí Minh giúp dân thoát khỏi
“1000 năm đô hộ giặc tây, 100 năm đô hộ giặc tàu”,.... ta đã có ý thức phải bảo vệ tổ quốc, nền độc lập
dân tộc và chính điều ấy đã giúp dân tộc ta thành những ‘‘hàng cây đứng tuổi’’ đầy kiên cường, bản
lĩnh. Lúc viết bài thơ này, Hữu Thỉnh mới chỉ ngoài ba mươi tuổi, ấy vậy nhưng Hữu Thỉnh đã tự cho
rằng mình là người từng trải. Có lẽ điều này xuất phát từ hoàn cảnh của ông xuất thân từ một người lính,
đã trải qua biết bao nhiêu là khó khăn, gian nan, vất vả; với biết bao nhiêu tang tóc, hi sinh, mất mát nơi
chiến trường khốc liệt… nên đã rèn luyện cho nhà thơ một bản lĩnh cứng cỏi và nghị lực vươn lên, dám
đương đầu với mọi biến động bất thường mà cuộc sống sẽ xảy ra.

Hạ đi, thu đến mang theo những cảm xúc bất chợt để rồi gieo lại trong lòng ai những bồi hồi về một
nàng thu nồng nàn êm ái. Hữu Thỉnh đã khắc họa nên bức tranh giao mùa ấy bằng ngòi bút sắc nét mang
đầy hơi thở trữ tình cùng những triết lý sâu xa. Với những dòng thở bốn chữ vỏn vẹn, bài thơ mộc mạc
một tình yêu thiên nhiên đằm thắm, về khát khao yêu đời mà tác giải mong muốn gửi gắm cho bạn đọc
cũng như gửi lại cho tuổi trẻ của chính mình đã đi qua tự thuở nào. Tác phẩm như viên pha lê đầy góc
cạnh, trải qua bao thăng trầm để trọn vẹn lung linh. “Sang thu” chính là như thế! Sinh ra trên đời để lặng
lẽ yêu thương và du dương suốt dặm đường.

You might also like