You are on page 1of 13

Sang thu

Sang thu – Khúc giao mùa quyến rũ của Hữu Thỉnh

Bỗng nhận ra hương ổi


Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.

Sông được lúc dềnh dàng


Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng


Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh cuốn hút người đọc ở nhịp giọng hay cách sử dụng từ ngữ?
Sự quan sát tỉ mỉ? Ơ sự cảm nhận tinh tế? Có lẽ ở tất cả những điều đó chăng.
Thông thường nói về thu, các thi sĩ thường mượn măng trúc, hoa cúc, mây xanh, trời
cao, lá vàng, nứớc trong… để diễn tả. Nhưng với Hữu Thỉnh thì không thế, tác giả chọn thời
điểm giao hoà, quấn quýt, lưỡng lự của hai mùa để dồn nén cảm nhận của mình. Mở đầu
bài thơ tác giả dùng một từ diễn tả mức độ trạng huống của tâm trạng, từ này giống như
chất keo hút dính người đọc vào dòng cảm xúc của tác giả: Bỗng nhận ra hương ổi. Ngạc
nhiên khi nhận ra hương ổi chín? Hương ổi chín mùa nào mà chẳng có sao ngạc nhiên? Có lẽ
do mùi hương ổi chín nhuộm lẫn, hoà quyện vào gió se chỉ có mùa thu mới có. Chính hương
ổi đem lại cho gió se một màu mới mang một tính chất mới khác hẳn với các loại gió khác.
Và ngược lại gió se của đầu thu mang hương ổi chín vào khứu giác của con người nhanh
hơn, mạnh hơn. Vì thế nhà thơ mới nhìn thấy tốc độ phả của hương ổi. Nhà thơ khắc in vào
thời điểm giao mùa một nét đặc biệt mang tính đặc trưng của gió đầu thu. Từ đây mùa thu
lại có một dấu hiệu riêng nữa đầy quyến rũ đó là hương ổi chín ngấm đậm trong gió se. Chỉ
những ai yêu vùng quê yêu cây cối nhiên nhiên sống hoà vào thiên nhiên hoà vào cỏ cây
hoa lá mới nhận ra sự chuyển động của hương ổi chín như Hữu Thỉnh. Bình thường sẽ nói
toả, bay chứ không phải phả. Phả vừa bao hàm nghĩa của toả, của bay vừa khiến người đọc
như nhìn thấy, như sờ thấy một chuỗi làn hương của ổi chín cùng một lúc đồng thời ùa
ngấm vào làn gió se. Có thế mới gây nên, mới tạo ra trạng huống bỗng trong nhà thơ. Cảm
thấy, nhìn thấy tốc độ của làn hương ổi chín không lý gì nhà thơ lại không nhìn thấy: sương
chùng chình qua ngõ. Một buổi sớm giao mùa của đầu thu, không gian trong lành, thinh lặng
nên chỉ có hương ổi, có gió se, có sương mờ giăng giăng bảng lảng trước ngõ nhỏ. Nhà thơ
như nghe thấy, như nhìn thấy bước di chuyển của làn sương: từ từ, nhè nhẹ, chầm chậm
như lưỡng lự, như nuối tiếc và có cả sự mời gọi nữa. Tất cả điều đó được gói trong từ láy
tượng hình rất sinh động: chùng chình. Hai thanh huyền của từ láy cho phép người đọc
tưởng tượng ra ngay hình thế, vị trí, dáng dấp của làn sương thu buổi sớm. Làn sương không
cao, không thấp, là là, uốn lượn, mênh mang, dịu dàng, mảnh khảnh và mỏng manh. Như
thế: hương ổi chín cùng với gió se quyện vào sương thu tạo nên một lát cắt giao mùa rất gợi,
rất đẹp, rất quyến rũ. Nó vừa hữu hình vừa vô hình tạo cảm giác lâng lâng, thanh khiết,
quyến luyến và nhớ nhung. Rõ ràng thu đã về chứ đâu còn hình như nữa? Cái hay của từ
hình như không phải tạo ra nội dung ý nghĩa mà hay ở sự tạo cảm giác mông lung, ảo huyền
hư thực xen lẫn.
Cái cảm giác vừa có vừa không, lưỡng lự, quyến luyến, như còn tiếc nuối tiếp tục
được tác giả đẩy lên một nấc thang mới: Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã/ Có
đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu. Thấy được dáng hình thảnh thơi, bình thản của
sông, thấy được nhịp gấp gáp vội vàng của cánh chim trời đã khó. Tác giả còn bắt được động
thái chuyển mình của làn mây bay trên trời vắt nửa mình trên bầu trời cao kia thì thực là
tinh nhạy. Nào ai phân biệt được trên bầu trời cao kia, một nửa của đám mây là màu của
mùa hạ, một nửa kia đang mang chút sắc của chớm thu về. Cái ranh giới giao mùa giống như
ranh giới thời gian của cái kim giây bé nhó chỉ cần tích tắc là đã dy chuyển sang thời khắc
khác. Nhà thơ đã chụp được thời khắc giao mùa ấy bằng tổng hoà các giác quan nhạy cảm
của mình.
Sự giao mùa đã níu dòng sông lại. Như người bộ hành gặp nơi ngơi nghỉ một chút để
lặng ngắm cảnh vật xung quanh với một phong thái yên bình nhàn nhã. Biện pháp nhân hoá
ở đây vừa cho ta thấy rõ đặc tính, mức độ của cử động, vừa cho ta thấy sắc thái toát ra từ
cái dài rộng mênh mang của dòng sông sắp về với cửa bể. Dòng cảm xúc ngập tràn từ thấp
dâng lên cao, từ dòng sông hướng lên cánh chim rồi hoà vào đám mây đang vắt nửa mình
qua ranh giới giao mùa rất mỏng. Có thể nhà thơ nhìn qua tấm gương của dòng sông mà soi
thấu, cũng có thể từ mặt nước lững lờ thoải mái nhà thơ chợt ngẩng lên. Dù thế nào người
đọc cũng nhận ra bước chuyển cảm giác rất tài tình. Chuyển từ thị giác, thính giác sang xúc
giác, chuyển từ cụ thể sang mơ hồ từ hữu hình tới vô hình.
Quả thật Sang thu là lát cắt rất gợi được lọc qua cảm xúc tinh nhạy. Sang thu – một
khúc giao mùa đầy quyến rũ.

Lời bình của Vũ Nho


Có lẽ do những lý do đặc biệt về thời tiết gắn liền với thiên nhiên, hoa trái, và tất nhiên có
liên quan trực tiếp với tâm lý, tình cảm của con người mà mùa Thu cùng với mùa Xuân đã
thành “mùa cổ điển” trong thơ Việt Nam và Trung Quốc. Chỉ riêng về nét Thu trong thơ cũng
có bao nhiêu điều đáng nói.
Mùa Thu đã đi qua còn gửi lại
Một ít vàng trong nắng, trong cây
Một ít buồn trong gió trong mây
(Tế Hanh )
Với các thi nhân, mùa Thu lưu dấu ấn của mình trong những vần thơ đượm một vẻ thơ
trong trẻo. Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh,
Nguyễn Đình Thi… đều có những câu thơ, những bài thơ mùa Thu tuyệt đẹp. Đến lượt mình
Hữu Thỉnh lại làm cho mùa Thu có thêm hương sắc mới.

Mùa Thu đến với anh khá đột ngột và bất ngờ, không hẹn trước. Bắt đầu không phải là
những nét đặc trưng của trời mây hay sắc vàng hoa cúc như trong thơ cổ điển. Bắt đầu là
hương ổi thơm náo nức. Một chữ “phả” kia đủ gợi hương thơm như sánh lại. Nó sánh bởi vì
hương đậm một phần, sánh còn tại bởi hơi gió se. Hương thơm luồn vào trong gió được tinh
lọc, được cô đặc thêm. Gió mùa Thu hào phóng đem chia hương mùa Thu- bấy giờ là hương
ổi chín- tới khắp nơi trong vũ trụ. Tại một vùng quê nhỏ, trong một phút giây nào đó, người
viết chợt bắt gặp hương Thu và bỗng sững sờ.
Đã cảm được hương ổi, đã nhận ra gió se, hơn thế nữa, mắt lại còn nhìn thấy sương đang
chùng chình qua ngõ. Những dấu hiệu đặc trưng của mùa Thu đều hiện diện. Thế mà sao tác
giả lại viết “hình như Thu đã về”? Còn điều chi nữa mà ngờ? Thu đã về thật đấy rồi, sao lại
còn nghi hoặc? Như đã nói ở trên. Cái chính là sự bất ngờ, đột ngột. Do bất ngờ nên cả khứu
giác (mùi hương ổi), cả xúc giác (hơi gió se), cả thị giác (sương chùng chình) đều mách bảo
Thu về mà vẫn chưa thể tin, vẫn chưa dám chắc. Cái bảng lảng mơ hồ chính trong cảm giác
“hình như” ây đã tôn thêm vẻ khói sương lãng đãng lúc Thu sang. Đó là một nguyên nhân.
Nhưng sâu xa hơn, ở đây còn bộc lộ nét “sang Thu “trong hồn người mà sau chúng ta sẽ nói
tới.
Hình như Thu đã về
Đó là một ấn tượng tổng hợp từ những cảm giác riêng về hương, về gió, về sương. Từ
hương nhận ra gió. Từ gió nhân ra sương. Nhưng khi phát hiện “Sương chùng chình qua
ngõ” thì trong sương cũng có hương, trong sương cũng có gió, và trong sương như còn có cả
tình. “Chùng chình” hay chính là sự lưu luyến, bâng khuâng, ngập ngừng, bịn rịn? Cái ngõ mà
sương đẫm hương, sương nương theo gió đang ngập ngừng đi qua vừa là cái ngõ thực, vừa
là cái cửa ngõ thời gian thông giữa hai mùa. Phút giây giao mùa của thiên nhiên ấy, nhìn
thấy rồi, cảm thấy rồi mà sững sờ khó tin. Do đó, “hình như Thu đã về” còn như là một câu
thầm hỏi lại mình để có một sự khẳng định.

Bây giờ nhà thơ mới xem xét cảm giác “Thu sang” kia có đích thực không, hay chỉ là ảo
giác. Thiên nhiên được quan sát ở một không gian rộng lớn hơn, nhiều tầng bậc hơn. Bức
tranh Thu từ những gì vô hình (hương, gió) từ mờ ảo (sương chùng chình) từ nhỏ hẹp (ngõ)
chuyển sang những nét hữu hình, cụ thể (sông, chim, mây) với một không gian vừa dài rộng,
vừa cao vời. Người đọc thích thú với cấu trúc tự nhiên, chặt chẽ và tuyệt đẹp như trong câu
thơ cổ điển:
Sông được lúc dênh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Dòng sông không cuồn cuộn dữ dội và gấp gáp như trong những ngày mưa lũ mùa hạ.
Sông êm ả, dềnh dàng, sông đang lắng lại, đang trầm xuống trong lững lờ như ngẫm nghĩ,
suy tư. Tương phản với sông, chim lại bắt đầu vội vã. Hơi Thu lạnh làm cho chúng phải khẩn
chương chuẩn bị cho chuyến bay tránh rét. Ta thường chỉ chú ý vào sự “vội vã” đối rất đẹp
với sự “dềnh dàng”. Xin chớ quên từ “bắt đầu” rất độc đáo ở đây. Bắt đầu vội vã thôi, chứ
chưa phải là đang vội vã. Phải tinh tế lắm mới có thể nhận ra sự “bắt đầu” này trong những
cánh chim bay. (Cũng như Huy Cận phải tinh tế lắm mới nhận thấy “trọng lượng” của bóng
chiều rơi xuống cánh chim làm nó chao nghiêng “Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”).
Dù có sự vội vã của chim (cái vội vã mới chớm, mới bắt đầu) không khí Thu vẫn là không
khí thư thái, lắng đọng, chậm rãi, lâng lâng. Vì thế mà đám mây mùa Hạ mới thảnh thơi
duyên dáng “vắt nửa mình sang Thu”. Đám mây như một dải lụa, như một tấm khăn voan
của người thiếu nữ trên bầu trời nửa đang còn là mùa Hạ, nửa đã nghiêng về mùa Thu. Nếu
ở khổ thơ thứ nhất, còn phải có một cái ngõ thực cho sương đi qua để gợi đến cái ngõ ảo
nối giữa hai mùa, thì ở đây, chỉ cần một áng mây bâng khuâng mà có thể thấy bầu trời đang
nhuộm nửa sắc thu. Hình ảnh mây là thực, nhưng cái ranh giới mùa là hư. Nó chỉ là sản
phẩm của trí tưởng tượng lạ lung của nhà thơ. Bầu trời một nửa Thu. Đám mây mùa Hạ
đang nhuốm sắc Thu. Đến một lúc nào đó nó bỗng ngỡ ngàng thấy đang bồng bềnh trong
bầu trời Thu trọn vẹn, trở thành “từng mây lơ lửng trời xanh ngắt” như mây Thu trong thơ
Nguyễn Khuyến. Chúng ta, cùng với áng mây chỉ còn biết reo lên thích thú, vừa khâm phục,
vừa “khen cho con mắt tinh đời” của nhà thơ.
Thật ra, đó chỉ là một cảm giác. Hai khổ thơ trên rất đẹp về tạo hình, rất tinh trong cảm
nhận, như hai cành biếc của một cây thơ lạ. Nhưng khổ thơ thứ ba là cái gốc của cây thơ đó,
là nơi cho hai nhánh thở trên tựa vào để khoe sắc tỏa hương. Khổ thơ thứ ba đem đến cho
bài thơ một vẻ đẹp mới, làm trọn vẹn thêm cái ý “sang thu” của hồn người chưa thật rõ ở
hai khổ thơ trên.
Trong khổ thơ này, mùa Thu được khẳng định bằng đoán nhận, bằng kinh nghiệm, bằng sự
suy ngẫm chứ không phải bằng cảm nhận trực tiếp như hai khổ thơ trước. Mùa Thu không
được quan sát từ gần ra xa, từ thấp lên cao mà Thu đang từ từ thu vào trong tâm tưởng,
đang lắng lại trong suy tư:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
Vẫn là nắng, mưa, sấm chớp, bão dông như mùa hạ, nhưng “mức độ” đã khác rồi. Để ý sẽ
thấy cái gì cũng bắt đầu đi vào chừng mực, vào thế ổn định. Đâu phải là ngẫu nhiên mà mấy
từ “cây đứng tuổi” lại đứng ngự vào chỗ kết thúc của bài thơ, vốn là một chỗ cực kì quan
trọng? Phải chăng cái “đứng tuổi”của cây là một cái chốt cửa để qua đó ta mở sang một thế
giới khác, thế giới sang Thu của hồn người? Vẻ chín chắn, điềm tĩnh của cây trước sấm sét,
bão dông vào lúc sang thu hay đó chính là sự từng trải, chín chắn của con người sau những
bão táp của cuộc đời? Ngược trở lên hai khổ thơ trước ta bỗng hiểu vì sao lại có sự chùng
chình, bịn rịn lúc sang Thu, vì sao vừa có sự dềnh dàng lại vừa có sự vội vã. Thì ra, trước mắt
việc đi mãi, ngoảnh đầu Thu đến rồi. Bốn mùa luân chuyển vô hình, lặng lẽ, bỗng chợt Thu.
Đời người vất vả, tất bật , bận rộn, lo toan đôi lúc “quên cả vừng trăng, lạc cả mùa” (Tô Hà).
Bỗng chốc mái tóc pha sương, tuổi đứng ở mức tứ tuần, sững sờ mình đã “sang Thu”. Ở vào
cái tuổi ấy, con người không còn bồng bột, sôi nổi, ào ạt, băng băng như thời thanh niên.
Con người sâu sắc thêm, chín chắn thêm, chín chắn đến tận cách cảm xúc và biểu đạt. Nếu
là một ai khác, nếu ở thời điểm khác, khi đã nhận ra hương, ra gió, ra sương Thu, sẽ có thể
kêu lên, sẽ có thể reo lên “ôi, mùa Thu đã về”, hoặc “A! mùa Thu đã về”. Nhưng tác giả
“Sang thu” chỉ thầm một nhận xét vừa mơ hồ vừa nghi hoặc: “hình như Thu đã về”.
Thiên nhiên sang thu chủ yếu là lắng lại, chủ yếu là chừng mực, đúng mức. Con người cũng
thế. Nhưng có điều khi sang thu, khi nửa đời nhìn lại thì người ta một mặt sâu sắc thêm,
chín chắn thêm, thâm trầm, điềm đạm thêm; mặt khác, người ta lại phải khẩn trương thêm,
gấp gáp thêm, phải “mau lên chứ, vội vàng lên với chứ”. Thành ra cái chữ “vội vã” của bầy
chim lại cũng là sự vội vã của con người nữa đấy. Thiên nhiên và con người đều cùng một
nhịp sang Thu. Nhan đề “Sang Thu” vừa bao trùm lại vừa thấm vào từng từ ngữ, cảnh vật.
Hương quả sang Thu. Ngọn gió sang Thu. Màn sương sang Thu. Dòng sông, bầy chim, đám
mây, bầu trời sang Thu. Nắng sang Thu. Mưa sang Thu. Sấm chớp giông bão, cây cối sang
Thu. Nhưng trong từng cảnh sang Thu của thiên nhiên, đất trời, tạo vật là lồng lộng hồn
người sang Thu .Vừa lưu luyến bồi hồi lại vừa nghiêm trang chững chạc, vừa sâu lắng lại vừa
rộng mở bâng khuâng, vừa khiêm nhường nhưng cũng tự hào, kiêu hãnh.
Sự sang Thu của đất trời, sự sang Thu của bản thân người viết, sự sang Thu của mỗi đời
người gặp nhau ở đây. Bài thơ hòa hợp được con người với thiên nhiên, vũ trụ nhỏ với vũ
trụ lớn, vấn đề của cá nhân với vấn đề phổ quát của nhân loại. Nó hòa hợp một cách rất tự
nhiên trong độ chín của ngòi bút tài hoa Hữu Thỉnh “vào Thu đang độ đẹp hết mình (Phan
Thị Thanh Nhàn ).
Hà Nội, mùa hè 1992

"Phải chăng cái “đứng tuổi” của cây là một cái chốt cửa để qua
đó ta mở sang một thế giới khác, thế giới sang Thu của hồn
người? Vẻ chín chắn, điềm tĩnh của cây trước sấm sét, bão
dông vào lúc sang thu hay đó chính là sự từng trải, chín chắn
của con người sau những bão táp của cuộc đời?" .

Bình về 2 khổ đầu:


Nếu mùa xuân đã đi vào thi ca với sự tinh khôi của đất trời khi khởi đầu cho một
năm mới thì mùa thu bước vào thơ ca cũng tự nhiên và gần gũi với những khoảnh
khắc nhẹ đến nao lòng của thiên nhiên. Trước đây Nguyễn Khuyến nổi tiếng với
ba bài thơ thu: “Thu điếu”, “Thu vịnh”, “Thu ẩm”, sau này Xuân Diệu có “Đây mùa
thu tới”. Nhỏ nhẹ, khiêm nhường, Hữu Thỉnh cũng góp vào cho mùa thu đất nước
một góc quê hương sang thu:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Sóng được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Đoạn thơ có cái hương vị ấm nồng của chớm thu ở một miền quê nhỏ. Tín hiệu
đầu tiên để tác giả nhận ra là hương ổi phả trong gió. Mùi hương quê nhà mộc
mạc được gió đưa trong không gian cứ lan tỏa, thoang thoáng bay. Cảm giác bất
chợt đến với nhà thơ “Bỗng nhận ra”. Một sự bất ngờ mà như đã đợi sẵn, đợi từ
lâu rồi, để giờ đây có dịp là buông ra ngay. Trong số chúng ta chắc chắn không ai
chưa một lần nếm vị ổi giòn ngọt, chua chua nơi đầu lưỡi. Cái dư vị của hương
thơm đó cứ vấn vương lại trong ta khi chợt đọc câu thơ của Hữu Thỉnh. Có hương
ổi. Và gió. Và sương. Mùa thu lại về. Mùa thu mang theo hương quê và mang theo
sương mờ ướt lạnh. Dường như có thêm sương nên thu dễ nhận hơn. “Sương
chùng chình qua ngõ” hay là chờ đợi gì đây? Cứ dần như thế, cứ nhẹ nhàng, mềm
mại như thế, thu đến tự lúc nào không hay. “Hình như thu đã về”. Nhà thơ giật
mình, hơi bối rối. Tự bao giờ nhỉ? Thu về? Từ hương hay từ gió, hay từ sương?
Hữu Thỉnh cũng hơi ngỡ ngàng trước thoáng đi bất chợt của mùa thu. Thu về, thu
lại về trên quê hương, trên những con đường bờ đê và trên cả những con sông,
cánh chim trời.

Cái bỡ ngỡ ban đầu vụt tan biến đi nhường chỗ cho sự rung cảm mãnh liệt
trước mùa thu:
“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Con sông quê hương dềnh nước mùa thu. Những cánh chim bay đi vội vã. Tất
cả đều hối hả, xôn xao khi thu về. Không còn cái gay gắt của mùa hè nóng nực, chỉ
còn lại một bầu không gian ẩm ướt và se se lạnh. Một thoáng rối lòng để rồi
nhường lại cho mùa thu. Mùa thu vừa mới chớm rất nhẹ, rất dịu, rất êm, mơ hồ
như cả đất trời đang cựa mình thay áo mới. Hữu Thỉnh không tả trời thu “xanh
ngắt mấy tầng cao” như Nguyễn Khuyến mà chỉ điểm vào bức tranh thu một chút
mây vương lại của mùa hè qua:

“Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Mây trời vắt nửa mình sang thu. Lối diễn đạt của nhà thơ thật độc đáo. Hình
như trong đám mây đó còn có lại một vài làn nắng ấm mùa hè nên mới “vắt nửa
mình”. Thu về làm cho bao cảnh vật đổi thay và đám mây cũng khác lạ.

Với một đoạn thơ ngắn vỏn vẹn hai khổ mà nhà thơ đã dựng lại một bức tranh
thu nồng đượm hơi ấm cuộc đời, hơi ấm quê nhà. Những hình ảnh sang thu thân
quen, giản dị mà tươi tắn, sống động. Với những từ láy: “chùng chình”, “dềnh
dàng”, “vội vã” và một giọng thơ vừa có thoáng ngỡ ngàng, vừa vui sướng, Hữu
Thỉnh đã đưa ta về một miền quê dân dã mà ấm áp tình người. “Sang thu”- một
hình ảnh quê hương tự nó đã tôn thêm vẻ đẹp cho đất nước, cho quê nhà, cho
đồng quê trong mùa thu chung của đất trời Việt Nam.

SANG THU
1. Sang thu gồm mười lăm câu thơ, chia làm ba khổ, cả bài thơ chỉ có một dấu
chấm (.): Mở đầu bài thơ là những tín hiệu báo thu về, tiếp đến là quang cảnh đất
trời vào thu, và bài thơ được kết lại bằng những biến chuyển trong lòng cảnh vật
và suy ngẫm của nhà thơ trước cuộc đời. Theo mạch vận động của tứ thơ, cảnh
vật tựa hồ như một cuốn phim quay chậm dần hiện lên. Vẻ đẹp của bài thơ nằm
trong chính mạch chuyển vận tinh tế ấy.
Sang thu được chia làm ba khổ khúc chiết, nhưng nhịp thời gian chuyển dịch qua
ba khổ thật khó phân định. Từ đầu đến cuối bài thơ các hình ảnh thơ, trạng thái
sự vật đều mang hơi thu, dáng thu. Đó là hương ổi, gió se, sương chùng chình,
sông dềnh dàng, chim vội vã, nắng vẫn còn, mưa đã vơi, sấm bớt bất ngờ và hàng
cây đứng tuổi… Nhưng thật ra, trong sự dính liền của hệ thống hình ảnh, vẫn có
một sự chuyển vận của tự nhiên, của vạn vật khi đất trời sang thu.

Cả bài thơ đều nằm trong sự vận động sang thu, nhưng mỗi khổ thơ mang một
dáng vẻ: Khổ một, cảnh vật là những tín hiệu mách bảo sự hiện diện đâu đó của
mùa thu từ góc nhìn vườn ngõ Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/
Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về; Khổ hai nghiêng về cảnh sắc
thiên nhiên, mây trời, sông nước chuyển mình sang thu Sông được lúc dềnh dàng/
Chim bắt đầu vội vã, Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu; Khổ ba
nghiêng về những những biến đổi bên trong các hiện tượng thiên nhiên và tạo vật
Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa/ Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng
cây đứng tuổi.

Có thể thấy, ba khổ thơ làm nên hành trình chuyển vận của thiên nhiên: Từ gần
đến xa, từ thấp đến cao, từ ngoài vào trong… Sự chuyển vận tinh tế nhưng cũng
rất mãnh liệt. Từ sự chuyển vận của tứ thơ trên bề mặt câu chữ của bài thơ Sang
thu, nhà phê bình Chu Văn Sơn đã phát hiện ra “mạch cảm nghĩ” của thi sĩ trước
mùa thu: “Sau một thoáng ngỡ ngàng ở khổ một …Hình như thu đã về, là đến
niềm say sưa ở khổ hai …

Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu, và kết lại ở khổ ba với vẻ trầm ngâm
…Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi. Tương ứng với những cung bậc
của mạch cảm là các cấp độ của mạch nghĩ. Khổ đầu: Bất giác, khổ hai: Tri giác,
khổ ba: Suy ngẫm. Mạch cảm và mạch nghĩ bao giờ cũng song hành và chuyển hóa
sang nhau trong cùng một dòng tâm tư. Chúng đan dệt với nhau khiến cấu trúc
nghệ thuật càng tinh vi, phức tạp”.

Như vậy, rõ ràng là trong thế giới nghệ thuật của bài thơ Sang thu có một sự
chuyển vận của đất trời và của dòng cảm xúc nhà thơ. Cấu trúc của chỉnh thể
nghệ thuật ấy được tạo bởi sự chuyển vận ngầm đã mang lại cho người đọc
những khám phá lý thú và bất ngờ.
2. Mở đầu bài thơ ta bắt gặp tiếng reo vui khi hồn thơ bất giác nhận ra những tín
hiệu báo thu về:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Trong thơ thu, người đọc đã từng bắt gặp lá thu rơi trong thơ Lưu Trọng Lư, áo
mơ phai dệt lá vàng trong thơ Xuân Diệu; hương cốm mới, cái chớm lạnh, xao xác
hơi may trong Đất nước của Nguyễn Đình Thi… Với Hữu Thỉnh, thu về bằng hương
ổi, và gió se. Trong nhịp bước âm thầm của thời gian, đất trời chuyển từ mùa hạ
sang thu, gió thu nhẹ nhàng mang theo chút hơi “se” rất đặc trưng của mùa thu
Đồng bằng Bắc bộ, hương ổi “phả” vào trong gió, lan tỏa vào không gian. Đây thực
sự là những hình ảnh đặc trưng của mùa thu nhưng lại vô cùng quen thuộc, gần
gũi với con người Việt Nam.

Trong “Lời tự bạch với Sang thu”, nhà thơ Hữu Thỉnh từng trầm ngâm kể: “…giữa
đất trời mênh mang, giữa cái khoảnh khắc giao mùa kì lạ, điều khiến cho tâm hồn
tôi phải lay động, phải giật mình để nhận ra, đó chính là hương ổi. Với tôi, thậm
chí là với nhiều người khác không làm thơ thì mùi hương đó gợi nhớ đến tuổi ấu
thơ, gợi nhớ đến buổi chiều vàng với một dòng sông thanh bình, một con đò lững
lờ trôi, những đàn trâu bò no cỏ giỡn đùa nhau và những đứa trẻ ẩn hiện trong
triền ổi chín ven sông… Nó giống như mùi bờ bãi, mùi con trẻ… Hương ổi tự nó
xộc thẳng vào những miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta”.

Đến hai câu tiếp theo trong khổ đầu của bài thơ, chúng ta bắt gặp sự chuyển vận
của đất trời rất tinh tế. Sự vật đang ở thế vận động mạnh - hương ổi “phả”, gió
“se”, bỗng như chùng lại:

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Sương thu như muốn đọng lại, lưu luyến, ngập ngừng trong sự chuyển dịch chầm
chậm qua ngõ. Từ láy “chùng chình” đặt giữa câu thơ tạo nên sự ngắt quãng nhịp
nhàng (Sương/ chùng chình/ qua ngõ), mà vẫn chứa đựng sự chuyển vận của
sương trong không gian thong thả, yên bình. Biện pháp nhân hóa được sử dụng
trong câu thơ “Sương chùng chình qua ngõ”, như để diễn tả sự cố ý trong chuyển
động chậm của sương. Nó như muốn giăng mắc vào giậu rào, níu vào nhành cây
khô đâu đó ở trước ngõ, đầu thôn. Ở đây, sương mang vẻ duyên dáng, yểu điệu
như bóng hình thiếu nữ chưa muốn rời bước trước ngõ nhà ai. Trong cái “chùng
chình” của sương, có sự níu giữ của hồn thơ, có vẻ tư lự của thi sĩ trước thời khắc
giao mùa.

Trong sự chuyển mình tinh tế của cảnh vật nhà thơ nhận ra “thu đã về”. Sự hiện
hữu của nó cũng không thật rõ, nhà thơ chỉ phỏng đoán bằng cảm nhận -“hình
như”.

3. Nếu ở khổ thơ mở đầu, tín hiệu mùa thu mới chỉ là sự đoán định với ít nhiều bỡ
ngỡ thì đến khổ thơ thứ hai, cùng với dòng chảy thời gian, thu bước ra khỏi thời
khắc giao mùa, hiện hình rõ nét. Mùa thu đi từ ngõ để đến với không gian rộng
hơn, nhiều tầng bậc hơn. Hơi thở của thu, đến đây đã rõ rệt hơn. Sự hiện diện của
thu không còn mơ hồ, không phải “hình như” nữa mà đã cụ thể, hữu hình trong
thiên nhiên và tạo vật:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Sông vào thu với dòng trôi “dềnh dàng”, thong thả, khoan thai, rất mềm mại và
duyên dáng. Trên nền không gian ngưng đọng ấy, có chuyển động vội vã, gấp gáp
của đàn chim trời trong hành trình di trú. Sự vận động của đất trời ở thời điểm
giao mùa được cụ thể hóa bằng những sắc thái đổi thay của cảnh vật.

Từ láy “vội vã” đặt trong vế đối với từ “dềnh dàng” ở câu trên tạo nên mạch vận
động từ chậm đến nhanh, từ nhẹ đến mạnh. Phải chăng có sự tương phản giữa
sông dềnh dàng và chim vội vã? Dềnh dàng cũng là sự vận động nhưng diễn ra
chậm, còn vội vã là nhanh. Quá trình ấy phù hợp với quy luật vận động từ chậm
đến nhanh.

Nhịp cầu mong manh giữa hạ sang thu, cuối cùng đã được cụ thể qua đám mây:
Vắt nửa mình sang thu. Cả đất trời đang cựa mình thay áo mới. Hữu Thỉnh không
tả trời thu “xanh ngắt mấy tầng cao” như Nguyễn Khuyến mà chỉ điểm vào bức
tranh thu một chút mây vương lại của mùa hè đã qua - mây trời vắt nửa mình
sang thu.

Hình như trong đám mây còn có làn nắng mùa hè. Hình như trong làn mây đã
mang theo chút se của mùa thu. Đám mây mang trên mình cả hai mùa. Bước đi
của thời gian trong hình ảnh “đám mây” vừa mãnh liệt lại vừa vô cùng tinh tế. Đó
là cái tinh tế của hồn thơ nhạy cảm trước những chuyển vận của tạo vật ở thời
khắc giao mùa.

Sang thu âm thầm nhưng thi sĩ vẫn cảm nhận được được sự khẩn trương trong
mạch vận động.

4. Ở hai khổ thơ đầu, thu hiện hình bằng hình ảnh, bằng sự chuyển động được
nhìn thấy thì ở khổ cuối, thu lắng sâu vào suy ngẫm. Hình tượng thơ, bởi vậy
mang tính triết lý sâu xa:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Vẫn là nắng, mưa, sấm, chớp của mùa hạ vương lại đâu đây, song chỉ là “vẫn còn”,
“đã vơi dần”, “cũng bớt bất ngờ” bởi mùa thu không phải “hình như… đã về” mà
đã hiện hữu trong không gian. Trong sự vận động của tứ thơ, theo mạch cảm,
mạch nghĩ (từ bất giác sang tri giác đến suy ngẫm, theo ba khổ thơ), “nắng”,
“mưa”, “sấm” không chỉ là hình ảnh tự nhiên mà còn mang tính biểu tượng - cho
những sóng gió, thăng trầm trong cuộc đời mà con người phải trải qua.

Rồi đây nàng thu sẽ ngự trị cảnh vật nhưng tác giả vẫn tin rằng hàng cây đứng tuổi
vẫn còn đó. Thời gian mang tính lưỡng giá ấy để nhà thơ suy ngẫm trước cuộc
đời. Qua bão giông, sóng gió của cuộc đời con người cần vững vàng, điềm tĩnh
đón nhận mọi thử thách.

Mở bài:
‘’ thơ là thơ, đồng thời là nhạc, là họa, chạm khắc theo một cách riêng’’ (sống hồng).
Trên nền cảm hứng sáng tạo đó, Hữu Thỉnh đã tìm về với thiên nhiên đất nước.
Ngỡ như ông đã hóa thân vào cảnh sắc để ca hát triền miên về trời thu xanh và
cảnh vườn thu, ngõ xóm của đồng bằng Bắc Bộ. Để rồi một “Sang thu” ra đời, nhẹ
nhàng mà tha thiết, là bức tranh mộc mạc về miền quê Bắc Bộ, êm dịu và nên thơ.
Thi phẩm là sự hòa hợp giữa cảm nhận tinh tế của ông trước bức tranh chuyển giao
từ cuối hạ sang thu với những rung động nhẹ nhàng, tình cảm và còn là dòng suy ngẫm
của ông về dòng đời nhân sinh ở tuổi xế chiều.

Kết bài:
Mùa thu bao giờ cũng thế, đến hay đi đều rất lặng lẽ và để lại dư âm thấm dần trong tâm
cảm con người. Mùa thu có lẽ là mùa đẹp nhất trong năm , mùa dễ làm lay động những tâm
hồn thi nhân , thi sĩ. bài thơ là sự rung cảm, cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước sự thay đối
của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu thật nhẹ nhàng, tinh tế mà rõ rệt với những hình ảnh
thơ giàu ý nghĩa triết lý, giàu sức biêủ cảm. Sang thu, khúc giao mùa nhẹ nhàng, thơ mộng,
bâng khuâng mà cũng thầm thì triết lí đã nối tiếp hành trình thơ thu dân tộc, góp một tiếng
thơ đằm thắm về mùa thu quê hương đem đến cho thế hệ trẻ tình yêu đất nước qua nét
thu đẹp Việt Nam. Tất cả tạo nên đặc sắc cho bức tranh giao mùa hiếm có của thiên nhiên
Việt Nam. Qua đó giúp người đọc có những cảm xúc đong đầy, tự hào và thêm thương yêu
Tổ quốc.

You might also like