You are on page 1of 2

Đề: Viết đoạn văn ngắn cảm nhận khổ 1 bài Sang Thu của Hữu Thỉnh

Mùa thu được xem như là mùa của thi ca, nó đem lại nhiều nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thơ. Những
bài thơ viết về đề tài mùa thu đều mang một nét đặc sắc trong nền văn học của dân tộc, có thể kể đến
“Thu ẩm”, “Thu vịnh”, “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến hay “Thu hứng” của Đổ Vũ. Người ta yêu thu
bởi sự dịu dàng và thanh thoát của nó. Đặc biệt là mùa thu trong bài “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã mang
đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về phác họa tài hoa của tác giả, gợi dậy cho người đọc một
tình cảm sâu thẳm như rất thân quen, hay như đã lâu mới gặp. Mùa thu hiện lên giản dị mà nhiều xúc cảm
qua khổ thơ đầu tiên:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

Mở đầu câu thơ là từ “bỗng” như đang thông báo về sự xuất hiện đột ngột của một sự vật trong không
gian. Nhà thơ đã đánh động đến mọi giác quan để nhận ra sự chuyển mình của thiên nhiên, với cảm nhận
bằng khứu giác sắc bén, tác giả đã nhận ra hương thơm của ổi. Hương vị ấy không phải thoảng qua hay
bay bổng theo gió mà là đậm đặc, ngào ngạt “phả vào trong gió se”, hòa quyện vào tiết thu. Khác với
"tỏa" hay "thoang thoảng", động từ “phả” như muốn nhấn mạnh sự trộn lẫn làm cho hương ở mức độ đậm
nhất, thơm nồng. Mùa thu không chỉ đến qua khứu giác mà còn tác động đến xúc giác của tác giả. “Gió
se” là thứ gió khô, lạnh và dịu dàng mà khắc hẳn với những cơn gió mùa hạ oi bức, nồng ẩm, cũng là một
đặc trưng báo hiệu mùa thu đang dần đến. Hương ổi đã gắn liền với tuổi thơ ấu của biết bao người, là mùi
vị của quê hương, đặc biệt là những vùng quê Bắc Bộ, đã thấm dần vào tư tưởng của Hữu Thỉnh và đó
cũng là nguyên nhân gợi hứng những nhớ thương khi mỗi độ thu về.

Sự cảm nhận bằng thị giác cũng được thể hiện rất rõ. Hình ảnh màn sương trước ngõ như đang “cố ý”
chậm lại, thong thả, nhẹ nhàng để nhắc nhở lòng người đang mong đợi rằng mùa thu đã tới. Từ láy gợi
hình “chùng chình” là một sáng tạo của riêng Hữu Thỉnh, gợi cảm giác như những giọt nước li ti đang
giăng mắc trong không gian, tạo nên làn sương ở chiều thấp, như đang chùng xuống, lững lờ trôi. Phép
nhân hóa ở từ láy “chùng chình” dường như làm cho màn sương có tâm hồn, chưa muốn vội vã sang thu
mà níu kéo mùa hè ở lại.

Khổ thơ thứ nhất khép lại bằng câu thơ “Hình như thu đã về” với thành phần tình thái “hình như” vừa
mang nét nghĩa không chắc chắn, vừa là cái ngỡ ngàng, ngạc nhiên có chút bâng khuâng, không thật rõ
ràng. Từ những dấu hiệu ban đầu của “hương ổi”, “gió” và “sương”, tác giả đi đến kết luận rằng mùa thu
có lẽ đã đến. Dù vậy, sự giao mùa của thiên nhiên đất trời không có một lằn ranh nào rõ ràng, nên kết luận
này cũng chỉ đến từ những quan sát tinh tế của nhà thơ.

Chỉ qua khổ đầu tiên, người đọc đã có thể phác họa nên một mùa thu thật đẹp, thật khác qua cấu tứ tự
nhiên và hợp lí của bài thơ. Bằng khả năng quan sát tinh tế và cách dùng từ có chọn lọc kết hợp với các
phép tu từ, Hữu Thỉnh đã tạo ra một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp về thời điểm giao mùa hạ - thu. Bài
thơ dường như là sự cưỡng lại, muốn níu kéo thời gian của một tâm hồn không muốn già đi theo năm
tháng. Những rung cảm đầu tiên qua những tín hiệu “vô hình”, bằng quan sát tỉ mỉ để tạo ra bài thơ mang
lại nhiều xúc cảm đến người đọc, tác giả hẳn là người rất yêu thiên nhiên và vẻ đẹp của đất trời quê
hương mới có thể tạo nên bức tranh quê hương đồng bằng Bắc Bộ thanh bình, yên tĩnh như thế!

You might also like