You are on page 1of 8

Nhà văn Thạch Lam từng quan niệm: “Một nhà văn thiên tài là người

muốn cảm nhận mọi vẻ đẹp man mác của vũ trụ”. Quả thật, chẳng theo lẽ cố
nhiên mà anh có thể hiên ngang ngự trị nơi địa đàng văn học, nếu không có
những thi phẩm trác tuyệt chiêu hồn tâm thức độc giả, không có đoạn giai thoại
thuần mộc mà thấu tận tâm can thì suy cho cùng anh cũng chỉ là kẻ buông
tuồng thứ ngôn từ sáo rỗng vào lớp vỏ nhân văn. Thấu thiết với lẽ ấy, bằng
niềm xúc cảm đắm say đến nồng nhiệt với thiên nhiên đất trời, Hữu Thỉnh đã
lấy hồn mình để cảm hồn thu rồi gửi gắm “mọi vẻ đẹp man mác” vào “Sang
thu”, nổi bật trong thi phẩm đó là “...VĐNL...” được thể hiện qua đoạn thơ:
“Bỗng nhận ra hương ổi

Trên hàng cây đứng tuổi”
Nhẹ nhàng mà cất bước vào thi đàn văn học, Hữu Thỉnh - người con của
vùng đất Tam Dương - Vĩnh Phúc đã in dấu vân chữ của mình trên văn đàn
bằng giọng thơ thiết tha, sầu lắng và giàu chất suy tư. Ông là nhà thơ trưởng
thành trong quân đội, vì thế mà trong chiến tranh, ông luôn viết về người lính,
về cuộc sống trong kháng chiến, khi đã hòa bình thì ông viết nhiều về người
nông dân, về mùa thu với tác phẩm tiêu biểu là “Sang thu”. Thi phẩm được
sáng tác vào mùa thu năm 1977 - thời điểm sau hai năm khi đất nước được giải
phóng. Đó là thời khắc thiên nhiên, đất trời đang chuyển mùa, là một trong
những mùa thu đầu tiên khi đất nước ta hòa bình, người lính vừa bước chân ra
khỏi chiến tranh, được in trong tập “từ chiến hào đến thành phố”. Bài thơ là
những cảm nhận tinh tế về sự chuyển biến của đất trời, đồng thời bộc lộ cảm
xúc bâng khuâng, vương vấn trong những triết lí sâu xa về cuộc sống.
Mở đầu thi phẩm, Hữu Thỉnh đã khéo léo phô bày sự mẫn cảm linh diệu
của mình về tín hiệu giao mùa của tiết thu trong không gian gần và hẹp qua hư
thoảng một thoáng nghiêng tai thi sĩ:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”
Với kẻ gieo linh hồn vào con chữ như Hữu Thỉnh, ông đã chọn cho mình
một cuộc sống điền viên giữa chốn phồn hoa phố thị để rồi bất giác nhận ra thứ
“hương” thơm ngạt ngào từ lâu đã lưu tồn trong huyết quản. Đó là “hương ổi”-
mùi hương bình dị, quen thuộc và đặc trưng của miền quê vùng đồng bằng Bắc
Bộ. Có thể nói “hương ổi” chính là một sự phát hiện, một nét vẽ mang tính bất
đồng phản hưởng trong vườn thảo mộc thơ ca bởi từ xưa đến nay chưa từng có
ai lựa chọn một thi ảnh thuần mộc, thanh sơ mà cũng nặng tình, nặng cảnh đến
thế, và hơn hết câu thơ càng trở nên hàm súc, giàu ý vị hơn khi được đặc tả qua
thán từ “bỗng” - một trạng thái bất ngờ, không báo trước. “Bỗng” được ngân
lên như một sự phát hiện mang tính bất ngờ, đột ngột, bâng khuâng về miền
viễn ức “bỗng” bất chợt ùa về. Dường như câu thơ là một thoáng gợn hồi tưởng
về những ngày xưa cũ, về những ngày cái nắng oi ả của mùa hè đang đượm
mình vào cảnh vật, Hữu Thỉnh cùng bè bạn trèo lên cây hái lấy thứ “quà quê”
đang phảng phất hương thơm miền thảo dã mà chộn rộn cùng nhau nói cười.
Có lẽ giờ đây, khi người lính tăng thiết giáp ấy đã trải qua cơn thương hải tang
điền của thời cuộc, dần quen với mùi khói bom khét lẹt của chiến tranh thì thứ
hương thơm thân thuộc kia bỗng chốc trở nên hào nhoáng, xa cách muôn trùng.
Nhờ tài dụng ngữ cùng sự tinh tế của mình, Hữu Thỉnh đã khiến mùi hương kia
không “bay”, không “quyện” mà nguyện “phả” vào trong gió. Nếu từ “bỗng”
như một nốt trầm xao xuyến giữa đại lộ phồn tạp chốn nhân gian thì “phả” lại
như một nốt thăng dai dẳng cứ reo ngân mãi trong tâm hồn người lữ khách.
Động từ mang sắc thái lan tỏa mạnh mẽ ấy đã khơi gợi trước mắt độc giả một
cảnh sắc hết sức thi vị: tại khắp ngõ xóm nơi miền quê dân dã, hương ổi đang
dần đặc lại do cái dư vị nồng nàn của nó và khi gặp “gió se” đầu mùa thì thứ
hương sắc ấy càng cô đặc, sánh quyện lại mà nằm ẩn yên trong tâm hồn người
nghệ sĩ. Và hẳn phải là người có sự quan sát tỉ mỉ, những rung động tế vi, Hữu
Thỉnh mới có thể cảm nhận tận tường sự rung chuyển khẽ khàng trong khoảnh
khắc giao mùa nơi thiên nhiên trần thế mà phác thảo lên bức tranh thanh nhã
đến vậy!
Men theo dòng chảy man mác của xúc cảm tâm hồn, Hữu Thỉnh đã khéo
léo in dấu trong tâm khảm độc giả hình ảnh làn sương mờ ảo ẩn tàng sau khung
cảnh bình dị ấy:
“Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
Nếu làn sương trong thơ Đông Thiên Triết dày đặc, mịt mù “Bầu trời ảm
đạm sương mù sa” hay như cảnh sắc Hồ Tây buổi sớm “Mịt mù khói tỏa ngàn
sương” thì với Hữu Thỉnh, làn sương của ông lại thanh mảnh, mỏng nhẹ đến lạ
kì! Phải chăng chính bởi dáng hình mảnh dẻ ấy mà nó có thể dễ dàng lườn
mình trên khắp các ngõ ngách, giăng mắc mọi nẻo thôn quê, giúp cho khí tiết
đất trời thêm phần thanh tao, mát mẻ. Có thể nói vào khoảnh khắc làn sương đi
qua ngõ xóm cũng là lúc nó đang đi qua cái ngõ thời gian, đi qua thứ rào cản vô
hình mà dẫn dắt đời người sang một ngưỡng của mới. Và có lẽ chỉ khi làn
sương xuất hiện nơi miền quê dân dã thì cảm nhận về “sương” của Hữu Thỉnh
mới thực là thấm thía, tinh tế làm sao khi thứ “tinh thể thuần khiết” kia không
chỉ được cảm quan bằng thị giác mà còn được kết tụ bởi những rung cảm tâm
hồn, là niềm khát khao giao cảm giữa hồn thi nhân và hồn tạo vật. Như Lưu
Trọng Lư từng quan niệm: “Một câu thơ hay là một câu thơ giàu sức gợi”, đến
với Hữu Thỉnh, ta nhận thấy câu nói trên hoàn toàn xác đáng qua cách ông
miêu tả làn “sương” mờ ảo với từ láy tượng hình “chùng chình”. Với thủ pháp
nhân hóa, “chùng chình” vốn là tính từ chỉ trạng thái nửa muốn đi, nửa muốn ở
lại của con người nay lại được Hữu Thỉnh đem gợi tả sự bịn rịn, quyến luyến
của làn sương cuối hạ với đất trời “sang thu”. Phải chăng làn “sương” giờ đây
đã hóa ông lão “thất thập cổ lai hy” đang lãng đãng rải bước trên khắp viễn
phố, lang thang qua mọi nẻo đường, những vườn ổi nồng nàn chín mọng, đồng
cỏ nội xanh rì man mác để rồi lão ta sinh tình lưu luyến, đập tan ý nghĩ hòa vào
khoảng không vô định mà bịn rịn ở lại dương gian ngắm nhìn trần thế. Với tôi,
khung cảnh vừa mơ hồ vừa hiển hiện ấy không chỉ gợi cái cảnh thi vị mà còn
ngụ cái tình trung khúc. Bởi lẽ giữa cái chậm rãi, tịnh mịch, dần lấn mình của
mùa thu lẽ nào hồn thi nhân không có chút xôn xao, rạo rực? Hay nói cách
khác, là làn sương đang vướng bận chốn nhân gian hay do chính Hữu Thỉnh
đang chùng mình trước khoảnh khắc giao thoa còn vương nồng hoài niệm của
đất trời? Và ngay cả khi ông đã cảm quan khoảnh khắc giao mùa bằng tất thảy
các giác quan: khứu giác, xúc giác, thị giác thì Hữu Thỉnh vẫn không dám vui
mừng mà reo lên khúc hoan ca mà chỉ cơ hồ thốt lên:
“Hình như thu đã về”
Có lẽ với tất thảy những đặc trưng, tín hiệu mà thiên nhiên mang lại, Hữu
Thỉnh đã ngờ ngợ nhận ra “thu đã về” nhưng xét cho cùng thì những dấu hiệu
kia chỉ là một thoáng gợn mơ hồ trong tâm hồn nhạy cảm, một chốc ngỡ ngàng
qua tâm hồn tinh tế, vì thế nên ông chỉ dám biểu lộ qua “hình như”. Thành phần
tình thái “hình như” là một trạng thái phỏng đoán cơ hồ, là một sự phát hiện có
căn cứ nhưng chưa được xác thực. Dường như mùa thu đã chạm ngõ tới “cửa
khẩu” tâm hồn, gieo cho người thi nhân thứ cảm xúc bồi hồi nhưng cũng để lại
niềm bâng khuâng, bải hoài trước sự hiên diện của nó. Như vậy, với bốn câu thơ
cùng các từ láy, hình ảnh độc đáo, Hữu Thỉnh đã làm hiển hiện trước mắt độc
giả sự giao thoa mờ ảo của cảnh vật và cảm xúc ngỡ ngàng của nhà thơ trước sự
vẫn động nhẹ nhàng nơi tạo hóa.
Âm điệu thơ bao giờ cũng là sự cất cánh, hiện diện của cái gọi là hồn thơ.
Và giờ đây, ta nhận ra hồn thơ Hữu Thỉnh đã ký thác vào một cấu trúc ngôn từ
chan chứa tính nhạc với những âm hưởng vội vã, chuyển mình hòa nhịp cùng
mùa thu trong không gian cao và rộng:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã”
Như Chế Lan Viên từng quan niệm: “Không có thơ đâu giữa lòng đóng
khép”, thấu thiết với lẽ ấy, Hữu Thỉnh đã khai phóng tâm hồn, dùng thiên nhãn
của mình trông vọng ra xa mà cảm quan sự dao động thất thường nơi thiên
nhiên trần thế. Trong không gian thắm sắc đượm hương ấy, ông đã bất giác
nhận ra sự khác thường của dòng sông và với phép nhân hóa cùng từ láy “dềnh
dàng”, Hữu Thỉnh đã khơi gợi trước mắt độc giả một cảnh sắc hết sức thi vị:
Khi nàng thu đã gõ cửa, dòng sông bàng bạc hôm nào không còn cuồn cuộn
chảy trôi như ngày hạ chí, heo hút, lạnh lẽo như tiết đông về mà đã “được lúc”
tĩnh lặng, nhẩn nha tựa phiến lá hững hờ trôi dạt trên dòng tiểu khê cô quạnh.
Hình ảnh giàu tính gợi ấy đã khơi lên trong tiềm thức độc giả dáng dấp “những
khách bộ hành phiêu lãng” giữa lòng phố thị phồn vinh, khi những người chiến
sĩ đã trải qua bao cuồng phong bạo vũ của cuộc đời, thì giờ đây họ chỉ muốn
“chùng chình” trong giấc điệp mà “dềnh dàng” hưởng ngạn kiếp sống vô
thường. Cảm nhận cảnh vật lúc sang thu, đa phần thi sĩ sẽ đều nghiêng về vẻ
biến suy một chiều của cảnh, vì thế cảnh thu thường tiêu sơ, mạt vận. Nhưng
với Hữu Thỉnh, ông đã làm cho câu thơ đầy ắp sự chuyển lưu, ông biến cái đơn
chiều thành cái đa chiều qua hình ảnh tương phản, tiểu đối với dòng sông:
“Chim bắt đầu vội vã”. Nhịp thơ lúc này dần trở nhanh, với biện pháp nhân hóa
cùng từ láy “vội vã”, dường như đàn chim đã cảm thức được sự dồn dập đang
ập đến của khí thu se lạnh mà “vội vã” bắt chuyến xe cuối cùng bay về phương
Nam tránh rét. Từ “bắt đầu” như gợi sự chuyển động nhẽ nhàng của tạo vật,
thiên nhiên đang từng bước sải dài cánh tay mà đón thu về.
Và giờ đây, giữa cái nhốn nháo, biến thiên của cảnh vật ta bỗng bất chợt
lạc vào khoảng lặng tâm hồn người thi nhân, một khoảng lặng giàu chất suy tư,
hoài niệm ẩn khuất sau hình ảnh thi vị:
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình đang thu”
Với hình ảnh sóng đôi và phép tu từ nhân hoá, Hữu Thỉnh đã gợi tả “đám
mây” tựa hồ một dài lụa mềm mại, thướt tha đang hoà mình trong gió mà lơ
lửng giữa trời xanh. Dường như dải lụa ấy đã trở thành nhịp cầu Ô Thước nối
giữa hai bến bờ: “cuối hạ” và “đầu thu”. Hình ảnh đậm chất thi vị ấy cũng từng
xuất hiện trong thơ của Lê Thu An:
“Mây trời một dải trắng phau
Vắt ngang sườn núi chiều thu ngập ngừng”
Có thể thấy cả Hữu Thỉnh và Lê Thu An đều thể hiện tài dụng ngữ của
mình qua từ “vắt” nhằm giúp câu thơ thêm phần sinh sắc, độc đáo. Có thể nói
trong “Sang Thu”, động từ “vắt” đã tạo nên một thi pháp mới trong thi đàn văn
học Việt Nam: làm xác định thể không xác định, làm hữu hình cái vốn vô hình
và đặc biệt hơn cả, Hữu Thỉnh đã lấy không gian để làm hiển lộ thời gian. Bởi
vậy, mà hình ảnh “đám mây” cũng có hai ý hiểu. Trước hết là gợi ra sợi tơ
mỏng mảnh ngăn cách hai khoảng trời vô định: một “nửa” là màu vàng rạo rực
của mùa hè, “nửa” còn lại là sắc xanh trong trẻo của mùa thu, hình ảnh ấy có thể
nói là một liên tưởng thú vị, độc đáo bậc nhất của nhà thơ, là khoảnh khắc giao
thoa mỏng manh tựa sợi tơ hồng. Và có lẽ ẩn tàng sau khung cảnh kì công hi
hữu của thiên nhiên còn chứa đựng một lớp phong cảnh thấm đẫm ý niệm nhân
sinh nữa, đó là hình ảnh ẩn dụ cho sự hoài niệm, lưu luyến một thời quá vãng
của thi nhân. Phải chăng, ngày hạ chí kia còn là những tháng ngày vương nồng
ước mơ, hoài bão, là ngày tháng nhiệt huyết, huy hoàng nhất của tuổi thanh
xuân. Và có lẽ, không phải ai cũng chạm tay được đến giấc mộng Nam Kha ấy,
có những giấc mơ, hoài bão đã chôn vùi vĩnh viễn ở cái ngưỡng cửa sung mãn
nhất của cuộc đời, đã chìm vào dĩ vãng cùng lớp rêu phong phủ lấp thời gian.
Đó chính là những người đồng đội đã vào sinh ra tử cùng Hữu Thỉnh, những
người “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, số phận họ tựa hồ như những người
xây dựng lên Angkor kì vĩ, đời họ đã chìm vào từng trụ đá, phận họ đã ngấm và
từng thớ đá nhưng những gì là nghệ thuật, là máu huyết họ kí thác cho đời sẽ
luôn vượt qua sự băng hoại của thời gian mà trường tồn mãi trong tâm hồn độc
giả. Như vậy, chỉ với bốn câu thơ ngắn ngủi cùng nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ,
hình ảnh chọn lọc, độc đáo, Hữu Thỉnh đã làm hiển hiện trước mắt độc giả tâm
hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên của bản thân, đồng thời khắc họa một cách sinh
động hình ảnh giao mùa của tạo hóa.
Sau khi đặc tả tín hiệu sang thu của thiên nhiên đất trời, Hữu Thỉnh đã làm
hiện lộ trước mắt độc giả sự thay đổi của cảnh vật và suy ngẫm về đời người:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần sau mưa”
Vậy là giờ đây, mùa thu đã về với màu áo mơ phai, với rừng phong lá chín
nhuốm màu hoài niệm, để cho nàng hạ chí ngậm ngùi phai dấu một thời rực rỡ
êm đềm. “Nắng”, “mưa” vốn là hiện tượng thiên nhiên đặc trưng của mùa hạ.
Và giờ đây, với sự quan sát tinh tế, niềm nhạy cảm nơi tâm hồn của Hữu Thỉnh,
ông đã khéo léo gợi ra cảnh sắc đất trời bắt đầu chuyển mình “sang thu” qua
phép tu từ đảo ngữ cùng những từ chỉ mức độ: “vẫn còn”, “bao nhiêu”, “vơi
dần”. Câu thơ đi theo niêm luật giảm dần, bởi dù cho “vẫn còn bao nhiêu”
nhưng nắng không còn chói chang, bỏng rát như cái dư vị đầu mùa. Mà giờ đây,
nắng như bị hao tổn sức lực, tiêu hao sinh khí, chỉ vương lại chút hơi ấm mùa hạ
cùng sắc vàng vầng thái dương. Song hành với sự tiêu hao của tia nắng, từng
đợt “mưa” cũng đã “vơi dần” theo tháng năm. Không còn những đợt mưa triền
miên, dai dẳng của tháng ngày hạ chí, giờ đây “mưa” đã dần thưa lại, ít đi để
nhường chỗ cho bầu trời trong xanh, êm ả ngày thu về. Hẳn rằng để có thể nhận
ra những thay đổi mờ ảo ấy, thi nhân đã phải sống đến tận cùng cảnh ngộ, hòa
nhập đến từng thoáng gợn tâm hồn, để rồi mỗi câu chữ thoát ra từ mạch nguồn
xúc cảm đều tựa như “hạt ngọc buông xuống trang bản thảo” (Tô Hoài). Và từ
hình ảnh đất trời sang thu ấy, cuối bài thơ, Hữu Thỉnh đã thể hiện suy ngẫm sâu
sắc của bản thân về cuộc đời con người qua hình ảnh:
“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Câu thơ trước hết mang ý nghĩa tả thực. Qua phép tu từ nhân hóa, những
tiếng sấm giờ đây đã phiêu du vào miền dĩ vãng cùng từng đợt mưa, những dư
âm của nó không còn âm ỉ, vang vọng mà kinh động tới đất trời, nên “hàng cây”
hôm nào đã quen dần hay không còn “bất ngờ” trước nó nữa. Và có lẽ ẩn tàng
sau lớp nghĩa tả thực ấy còn là sự ẩn dụ cho một ý niệm bề sâu mang nỗi phức
cảm ngổn ngang đồng hiện. “Sấm” là tượng chưng cho những vang động bất
thường, những khó khăn, gian khổ của cuộc đời, còn “hàng cây đứng tuổi” là
biểu tượng cho con người từng trải, từng kinh qua bao gian truân, khổ cực của
thế cuộc luân trầm. Đặt vào hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, khi dân tộc ta vừa
trải qua cuộc kháng chiến trường kì với Mĩ, Pháp, có thể hiểu con người khi ấy
đã thỏa nghiệm qua cơn cuồng phong bạo vũ, trải nghiệm đủ bao thương hải
tang điền của thời cuộc nên họ dần trở nên điềm tĩnh, vững vàng hơn với sự
biến thiên, những tác động bất thường của cuộc sống. Câu thơ như được chưng
đúc trong những ngày tháng Hữu Thỉnh đứng trước điểm dừng của tuổi trẻ nhiệt
huyết, ông đã dùng thiên nhãn của mình mà trông vọng về một thời quá vãng xa
xăm, và có lẽ chính bởi những đau thương, mất mát một thời khiến ông khôn
nguôi rạo rực mà viết nên những vần thơ da diết, nghẹn ngào đến thế. Như vậy,
với biện pháp nhân hóa, ẩn dụ, ngôn từ hàm súc, chọn lọc, Hữu Thỉnh đã khéo
léo phô bày sự mẫn cảm linh diệu của mình trong khoảnh khắc giao mùa của
thiên nhiêu, đồng thời cũng mở ra một cảnh giới mới của nhân sinh: không chỉ
có thiên nhiên, đất trời “sang thu” mà đời người cũng “sang thu”.
Viết về đề tài mùa thu đã từng có một Xuân Diệu với nguồn cảm hứng mới
mẻ, yêu đời cùng sự nhạy cảm, tinh tế trong thi phẩm “Đây mùa thu tới”:
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ hàng ngàn
Đây mùa thu tới mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt nắng vàng”
Nếu những rặng liễu trong văn đàn thường được xuất hiện cùng vẻ đẹp
khách quan, vẻ đẹp của riêng bản thân liễu thì với Xuân Diệu, ông không đi
theo lối mòn thi pháp ấy. Ông đã tạo ra một thi ảnh hãn hữu nơi địa đàng văn
học khi tinh tế “áp đặt” vào liễu một vẻ đẹp chủ quan, liễu mang trong mình vẻ
đẹp của con người. Dáng liễu là dáng người, tâm trạng liễu là tâm trạng người,
cảm nhận liễu, ta như thấy trong đó phảng phất dáng hình những giai nhân đài
các với vẻ kiêu sa mà âu sầu ủy mị. Và trước rặng liễu mang trong mình sắc
vàng thê lương vương nồng hoài niệm ấy, Xuân Diệu đã vồn vã đón chào mùa
thu “với áo mơ phai dệt nắng vàng”. Có thể thấy, mùa thu trong Xuân Diệu là
những tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến được hiển lộ rõ ràng qua cái cảnh thi
vị, còn với Hữu Thỉnh, những tâm trạng, suy ngẫm của ông lại nằm ở bề sâu của
cảnh, ẩn khuất trong cảnh, bủa vây bởi cảnh. Song cả hai bài thơ đều mang
trong mình những cảm nhận tinh tế của thi nhân trước khoảnh khắc giao thoa
của đất trời, đều mang đến cho độc giả một “đôi mắt”, một tâm hồn mới, những
giá trị nhân văn cảo đẹp và với những lẽ ấy, cả hai thi phẩm đều xứng đáng vượt
qua sự bang hoại của thời gian, trở thành vì sao sáng ngời trên bầu trời văn học.
Như Lê-ô-nít Lê-ô-nốp từng quan niệm: “Mỗi tác phẩm là một phát minh
về hình thức và khám phá về nội dung”. Thấu thiết với lẽ ấy, Hữu Thỉnh đã rất
sáng tạo khi trình bày bài thơ theo thể thơ năm chữ và có duy nhất một câu. Có
thể nói bài thơ đã rất thành công với nghệ thuật tả cảnh điêu luyện, ngôn từ,
hình ảnh hàm súc, chọn lọc, giọng điệu trữ tình tha thiết và đẫm chất suy tư.
Qua đó thi nhân đã đánh thức tình cảm của mỗi người về tình yêu quê hương
đất nước qua khúc giao mùa.
Như Aimatôp từng quan niệm: “Tác phẩm văn học chân chính không kết
thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện”. Thấu thiết với
lẽ ấy, qua cái “thần” nơi ngòi bút Hữu Thỉnh, “...VĐNL...” trong “...số
lượng...” câu thơ trên được thể hiện một cách tài tình, chính nhờ điều đó đã đưa
đẩy “Sang thu” trở thành áng thơ “lưu danh thiên cổ”, vượt qua quy luật băng
hoại của thời gian mà trường tồn mãi trong tâm hồn độc giả. Và có lẽ những
vần thơ tha thiết ấy vẫn chưa “hết khả năng kể chuyện” mà còn vương sợi tơ
hồng nối tiếp tới ngày hôm nay, khi đặt trong hoàn cảnh phát triển của thời đại.

You might also like