You are on page 1of 3

Ngay mở đầu khổ thơ thứ nhất, tác giả đã khéo léo sử dụng mùi hương để viết về mùa

thu:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió dịu."
Câu thơ có hương vị ấm nồng của chớm thu ở một miền quê nhỏ .Tín hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra
mùa thu là “hương ổi”. Mùi hương quê nhà mộc mạc “phả” trong gió thoảng bay trong không
gian ."Phả" là một động từ mang ý tác động được dùng như một cách khẳng định sự xuất hiện của hơi
thu trong không gian: "hương ổi", một mùi hương không dễ nhận ra, bởi hương ổi không phải là một
mùi hương thơm ngào ngạt, nồng nàn mà chỉ là một mùi hương thoảng đưa êm dịu trong gió đầu thu,
nhưng cũng đủ để đánh thức những cảm xúc trong lòng người.Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ: “bỗng
nhận ra” -một sự bất ngờ mà như đã chờ đợi sẵn từ lâu lắm .Câu thơ không chỉ tả mà còn gợi liên tưởng
đến màu vàng ươm , hương thơm lựng , vị giòn, ngọt, chua chua nơi đầu lưỡi của trái ổi vườn
quê.“Hương ổi" được hữu hình trong bài “Sang thu" là một cái mới trong thơ, đậm dà màu sắc dân dã
của Hữu Thỉnh.
Không chỉ cảm nhận mùa thu bằng khứu giác, xúc giác mà nhà thơ còn cảm nhận màn sương thu trong
phút giao mùa. Màn sương hình như cũng muốn tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc vào thu nên chùng
chình chưa muốn dời chân:
"Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về"
Tác giả sử dụng thành công từ láy tượng hình "chùng chình" gợi cảm giác về sự lưu luyến ngập ngừng,
làm ta như thấy một sự dùng dằng, gợi cảnh thu sống động trong tĩnh lặng, thong thả, yên bình. "Chùng
chình" là sự ngắt quãng nhịp nhàng, chuyển động chầm chậm hay cũng chinh là sự rung động trong tâm
hồn nhà thơ? Một chút ngỡ ngàng, một chút bâng khuâng, nhà thơ phát hiện ra vẻ đẹp rất riêng của
không gian mùa thu. "Hình như" là một từ tình thái diễn tả tâm trạng của tác giả khi phát hiện sự hiện
hữu của mùa thu. Nếu các từ ngữ "bỗng nhận ra" biểu lộ cảm xúc ngạc nhiên thì hai chữ “hình như” thể
hiện sự phỏng đoán một nét thu mơ hồ vừa chợt phát hiện và cảm nhận. Sự góp mặt của màn sương
buổi sáng cùng với hương ổi đã khiến cho nhà thơ giật mình thảng thốt.
Không phải là những hình ảnh đã trở nên ước lệ nữa mà là chi tiết thật mới mẻ, bất ngờ. Xưa nay, màu
thu thường gắn liền với hình ảnh lá vàng rơi ngoài ngõ, lá khô kêu xào xạc... Và ta ngỡ như chỉ những
sự vật ấy mới chính là đặc điểm của mùa thu. Nhưng đến với "Sang thu" của Hữu Thỉnh, người đọc chợt
nhận ra một làn hương ổi, một màn sương, một dòng sông, một đám mây, một tia nắng. Những sự vật
gần gũi thế cũng làm nên những đường nét riêng của mùa thu Việt Nam và chính điều này đã làm nên
sức hấp dẫn của "Sang thu".
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Khổ thơ thứ nhất khép lại bằng câu thơ "Hình như thu đã về". Từ "hình như" không có nghĩa là không
chắc chắn, mà là thể hiện cái ngỡ ngàng, ngạc nhiên và có chút bâng khuâng. Từ ngọn gió se mang theo
hương ổi thơm chín, vàng ươm đến cái duyên dáng, yểu điệu của một làn sương cứ chùng chình không
vội vàng trước ngõ, tác giả đã nhận dần nhận ra sự chuyển mình nhẹ nhàng nhưng khá rõ rệt của tiết trời
và thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa bằng đôi mắt tinh tế và tâm hồn nhạy cảm của một thi sĩ yêu
thiên nhiên, gắn bó với cuộc sống nơi làng quê.
Sau những bất ngờ, ngỡ ngàng trước khoảnh khắc thu sang, thi nhân mở rộng mọi giác quan để thấy
được sự thay đổi của từng sự vật, hiện tượng mỗi độ thu về:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã”
      Sức thu bao trùm lên mọi cảnh vật, thiên nhiên, đất trời tạo nên một bức tranh thu rộng lớn, trong
sáng và bình yên vô cùng. Dòng sông thì “dềnh dàng”, một trạng thái lười biếng, nhẹ nhàng, chậm rãi.
Dường như dòng sông ấy đã quá mỏi mệt sau khi ồn ã những trận lũ trong mùa hạ đỏ lửa, từng cơn mưa
tựa thác đổ thì nay đã có dịp nghỉ ngơi “được lúc” nên nó cố ý chậm lại.
     Trái ngược với dòng sông thong thả, êm đềm ấy, đàn chim lại “vội vã”. Hình ảnh nhân hóa, tả thực
cảnh những cánh chim phải vội vã tìm thức ăn và di cư về phía Nam để tránh mùa đông giá rét sắp tới.
      Với nghệ thuật đối lập, nhân hóa và sử dụng từ láy, nhà thơ đã làm nổi bật một bức tranh mùa thu
sống động trên quê hương mình, không giống với sắc thu ở bất cứ một nơi nào khác.
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.”
      “Đám mây mùa hạ” giúp khán giả liên tưởng tới một đám mây trắng xốp, bồng bềnh đang trôi trên
nền trời xanh thẳm. Không giống với bầu trời mây "xanh ngắt mấy tầng cao" như Nguyễn Khuyến hay
“lớp lớp mây cao đùn núi bạc” trong “Tràng Giang” của Huy Cận. Nó có cá tính riêng, khác biệt và
không giống với một đám mây nào khác. Đây thực sự là một hình ảnh thơ cực kỳ độc đáo, bầu trời mùa
thu cũng đang cùng đi vào cuộc chuyển mình. Đám mây mùa hạ còn đó trên nền trời, đã “vắt nửa
mình”.
      Hình ảnh thơ nhân hóa đặc sắc, sử dụng động từ “vắt”, đẩy lên đầu câu. Tại sao lại chỉ vắt nửa
mình? Hình như đám mây ấy còn luyến lưu chút hương vị của mùa hạ, lại hớn hở, bồi hồi muốn đón
nhận mùa thu, nó cứ thế lưỡng lự, băn khoăn nên tinh nghịch “vắt nửa mình sang thu”. 
      Khổ thơ 2 là cái nhìn phóng khoáng, từng rung cảm mãnh liệt trước không gian nghệ thuật rộng lớn,
diệu vợi. Tâm hồn thi sĩ ngọt ngào của Hữu Thỉnh đã khéo léo nắm bắt lấy bước đi của mùa thu, những
bước đi được cảm nhận và diễn tả lại bằng tâm hồn tinh tế của người thi sĩ.
Với một đoạn thơ ngắn vẻn vẹn hai khổ mà nhà thơ đã dựng lại một bức tranh nồng đượm hơi ấm cuộc
đời, hơi ấm quê nhà. Những hình ảnh sang thu thân quen, giản dị mà tươi tắn, sống động. Với những từ
ngữ lấp láy: "chùng chình", "vội vã", "dềnh dàng", và một giọng thơ vừa có thoáng ngỡ ngàng, vừa vui
sướng. Hữu Thỉnh đã đưa ta về một miền quê dân dã mà ấm áp tình người.
Khoảnh khắc giao mùa hiện lên tinh tế, sống động qua những câu thơ giàu chất tạo hình. Ông quả là
một người tinh tế và nhạy cảm khi nhìn nhận sự vật, hiện tượng trong khoảnh khắc giao mùa. Khổ thơ
cuối cùng lại thể hiện rõ hơn nữa sự tinh tế của tác giả trong việc khám phá những biến chuyển của đất
trời từ cuối hạ sang thu:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Hữu Thỉnh sử dụng linh hoạt phép đối “vẫn còn – vơi dần” , “nắng – mưa” gợi sự vận động ngược chiều
của các hiện tượng thiên nhiên tiêu biểu cho hai mùa. Những cơn mưa mùa hè đã vơi dần, bớt dần; nắng
cũng không còn chói gắt, làm người ta lóa mắt nữa mà đã là ánh nắng mùa thu dịu nhẹ như màu mật
ong.
Tín hiệu thu về đã rõ nét hơn bao giờ hết. Cái đặc sắc, tinh nhạy của Hữu Thỉnh còn được thể trong cách
ông sắp xếp từ ngữ giảm dần về mức độ: vẫn còn – vơi – bớt cho thấy sự nhạt dần của mùa hạ, và mùa
thu mỗi ngày lại đậm nét hơn. Hai câu thơ cuối thể hiện những chiêm nghiệm, suy nghĩ sâu sắc về cuộc
đời, con người của tác giả:
Sấm cũng bớt bất ngờ
Bên hàng cây đứng tuổi
Câu thơ vừa mang ý nghĩa tả thực lại vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Trước hết về ý nghĩa tả thực: sấm là
hiện tượng tự nhiên, thường là dấu hiệu của những cơn mưa rào mùa hạ. Sang thu tiếng sấm cũng trở
nên nhỏ hơn, không còn đủ sức lay động những hàng cây đã trải qua bao mùa thay lá nữa.
Bên cạnh đó tiếng sấm còn để chỉ những biến động bất thường của cuộc đời, những gian nan, thử thách
mà mỗi chúng ta phải trải qua. Tương ứng với nghĩa biểu tượng của “sấm” , “hàng cây đứng tuổi” là
biểu trưng cho những con người trưởng thành, đã trải qua biết bao sóng gió, giông tố trong cuộc đời.
Bởi vậy, dù có thêm những bất thường, biến động cũng không dễ dàng khiến họ lung lay, gục ngã; họ
trở nên bình tĩnh, ung dung hơn trước những biến cố, thăng trầm của cuộc sống.

You might also like