You are on page 1of 4

Là người con của quê hương Vĩnh Phúc, Hữu Thỉnh đã ghi tạc vào

lòng người những vần thơ thiết tha, rung động tâm hồn bao người với
đề tài mùa thu quen thuộc. Tuy nhiên, giữa ông và các nhà thơ khác
vẫn có những nét riêng biệt. Đó là cách cảm nhận đầy tinh tế về sự
chuyển mình của đất trời khi bước sang thu qua bài thơ "Sang thu"
được sáng tác năm 1977. Nếu mùa xuân là mùa hội tụ của những bàn
tay nghệ sĩ tài hoa thì mùa thu bước vào trong thơ ca cũng tự nhiên và
gần gũi. Trước đây, Nguyễn Khuyến nổi tiếng với ba bài thơ thu:
“Thu điếu”, “Thu vịnh, “Thu ẩm", sau này Xuân Diệu có “Đây mùa
thu tới”. Nhỏ nhẹ, khiêm nhường, Hữu Thỉnh cũng góp vào cho mùa
thu đất nước một góc quê hương sang thu:
“Sông được lúc dềnh dàng

Trên hàng cây đứng tuổi”
Bài thơ Sang Thu được Hữu Thỉnh viết năm 1977 khi đất nước vừa
thống nhất được 2 năm, cũng là lúc nhà thơ đắm chìm trong sự tĩnh
lặng, yên bình của làng quê. Đối với ông đó là sự tận hưởng những
mùa thu hòa bình đầu tiên của người lính vừa bước ra khỏi chiến
tranh. Nếu khổ thơ đầu là sự ngỡ ngàng, bâng khuâng trước tín hiệu
báo thu về thì 2 khổ này là sự chủ động trong quan sát và cảm nhận
cảnh chuyển mùa, từ đó gửi gắm những suy tư, trăn trở về đời người.
Những chuyển biến của đất trời khi “Sang Thu” được nhà thơ gợi tả
qua những hình ảnh gần gũi, thân quen mà gợi cảm. Đó là 1 bức tranh
thiên nhiên vừa đậm đà phong vị cổ điển, lại vừa mới mẻ, hiện đại.
Nếu ở khổ thơ đầu, không gian mùa thu là những nét hẹp và gần gũi
nơi vườn nhà, ngõ xóm thì đến đây, không gian thu mở ra vời vợi,
rộng hơn, nhiều tầng bậc hơn:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã”
Từ láy “dềnh dàng” gợi tả 1 dòng sông thu trải dài mênh mang, con
nước trôi êm ả, lững lờ, không chút băn khoăn, hoàn toàn khác biệt
với con sông mùa hạ với những cơn nước lũ ồ ạt chảy suốt ngày đêm.
Đặc biệt 2 chứ “được lúc” khiến dòng sông trở nên có hồn, như biết
bắt nhịp với trạng thái lặng lẽ, nhẹ nhàng của đất trời mùa thu. Dòng
sông cũng dùng dằng và ngập ngừng níu kéo nhịp thở của mùa hạ.
Sông giống như tâm trạng của con người, dường như đang sống
“chậm” lại, ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời. Trái ngược với
“dềnh dàng” của dòng sông, những cánh chim di trú lại bắt đầu ‘vội
vã” đầy lo lắng trước khoảnh khắc giao mùa. Hẳn là đàn chim đã bắt
đầu cảm nhận được chút se lạnh của tiết trời. Tác giả rất tinh tế khi sử
dụng từ “bắt đầu” chứ không phải là đang vội vã, bởi thu mới chạm
ngõ bằng hơi sương lạnh lẽo, còn đủ thời gian cho những cánh chim
làm tổ, tha mồi, chuẩn bị đón một mùa đông lạnh lẽo kéo dài. Với
nghệ thuật tương phản đặc sắc, Hữu Thỉnh đã gợi lên bức tranh thu
đầy sinh động: nhẹ nhàng, lãng mạn nhưng không kém phần hối hả,
vội vã. Phải có tình yêu thiên nhiên và những cảm nhận sâu sắc, nhà
thơ mới thấy được những biến chuyển của vạn vật trong khúc giao
mùa như vậy.Thông qua bức tranh ấy, ông muốn gợi lên sự chuyển
mình của đất nước ta. Một đất nước vừa trải qua mưa bom lửa đạn,
giành được độc lập và đang bắt đầu xây dựng đất nước trong không
khí vui tươi, rộn ràng.
Bức tranh thu được mở rộng tuyệt đối khi thi sĩ ngước nhìn đám mây
trời và phát hiện ra 1 điều thú vị:
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
Thu đến làn mọi vật thay đổi. Cả đám mây mùa thu cũng trở nên khác
lạ. Tác giả đã nhân hóa mây trời qua cụm từ “vắt nửa mình”. Tựa hồ
như sắc trắng của mùa hạ đang hòa quyện dần với gam màu vàng dịu
của mây mùa thu. Hình ảnh này gợi sự liên tưởng gợi cảm, rõ nét về
sự giao thoa của 2 màu hạ-thu. Có lẽ, chưa có ai tả mây mùa thu với
sự liên tưởng thú vị, sáng tạo như HT. Mây không bồng bềnh hay lơ
lửng mà là mây thảnh thơi, duyên dáng, tinh nghịch nằm vắt mình
trên bầu trời, nừa là mùa hạ, nửa là mùa thu. So với khổ thơ đầu, ở
khổ thơ này, không gian thu được mở rộng hơn, cao hơn thì của trời
mây, sông nước. Cảm xúc con người cũng chuyển đổi từ trạng thái
mơ hồ bỡ ngỡ trước cảnh thu sang khẳng định rằng mùa thu đã thực
sự trở về. Ranh giới chuyển giao 2 mùa rất mong manh, mơ hồ nhưng
qua góc nhìn của HT bỗng trở nên cụ thể, rõ ràng. Tóm lại, ở khooe
thơ trên, với những hình ảnh bình dị mà độc đáo, ta cảm nhận được sự
rung động sâu sắc, say sưa của nhà thơ trước vẻ đẹp thu sang. Sự rung
động ấy không chỉ giúp nhà thơ miêu tả chính xác trạng thái của vạn
vật mà còn thổi vào nó cái hồn tinh tế, sống động.
Và sau những đam mê, say sưa sự chuyển mình của đất trời sang thu,
thi nhân khép lại lòng mình để tiếp tục nhắm nhìn sự vật xung quanh
với những đổi thay sâu kín. Từ đó, nhà thơ hướng chúng ta đến 1 mùa
thu của lòng người với những trải nghiệm của chính bản thân mình:
"Vẫn còn bao nhiêu nắng.
Đã vơi dần cơn mưa.
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi."
Trước hết, khổ thơ đề cập đến hiện tượng thời tiết trong thời điểm
chuyển giao cuối hạ đầu thu. Nắng hạ vẫn còn nồng nhưng không còn
gay gắt, chói chang mà là nắng thơ, nắng mộng, ánh nắng ngọt ngào
của buổi đầu thu. Mưa cũng ít dần, vơi dần đi. Sấm không còn gào
thét dữ dội trên bầu trời mà trở nên hiền hòa, êm dịu hẳn đi. Và hàng
cây cổ thụ kia cũng không còn bất ngờ, không còn giật mình, lay động
lá cành bởi tiếng sấm nữa mà đứng im lìm, trầm mặc để cb bước vào
màu lá rụng. Với phép đải ngữ và từ ngữ chỉ mức độ “bao nhiêu”,
“vơi dần”, “bớt”, khổ thơ đã miêu tả rất thực về hiện tượng thời tiết
trong thời điểm giao màu hạ-thu: Hạ nhạt dần, thu đậm nét. Thế
nhưng điểm đặc biệt của khổ thơ lại là 2 câu thơ cuối, không chỉ đơn
thuần là mà còn chứa đựng nhiều hàm ý sâu xa. Thông qua việc tả
thực thiên nhiên, tác giả đã gửi gắm những suy ngẫm mang tính triết
lý sâu sắc. “Nắng, mưa, sấm” hay chính là sự tác động của ngoại
cảnh, những biến cố bất thường của cuộc đời. Còn “hàng cây đứng
tuổi” khiến ta liên tưởng đến con người trải nghiệm. Khi con người đã
từng trải thì cũng vững vàng hơn trước những cử động, thử thách của
cuộc sống. Hệ thống hình ảnh vừa thực, vừa ẩn dụ, thông qua sự
chuyển biến của thiên nhiên, tác giả liên tưởng đến sự thay đổi của
loài người. Theo thời gian, bản lĩnh con người được rèn dũa sẽ ngày
càng cứng cỏi, vững vàng, điềm tĩnh, tự tin, chín chắn hơn. Đặc biệt
khi ta quay trở về thời điểm sáng tác bài thơ 1977, 2 năm sau khi
chiến tranh, bản thân HT từng là một người lính đi qua chiến tranh thì
bài thơ còn là những suy ngẫm của 1 người lính từng trải qua trận mạc
gian khổ, giờ đây, tạm lưu vào góc khuất của cs trong thời bình để suy
ngẫm về những trải nghiệm đã qua.
“Sang Thu” chính là những khoảnh khắc êm dịu của 1 mùa thu hòa
bình mà người lính vừa bước ra khỏi chiến tranh cảm nhận được. Đó
là cảm giác rất hiếm hoi trong thời chiến nên nhà thơ vô cùng trân quý
và cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên bằng tất cả giác quan tinh tế của
mình.
Như vậy nhan đề “Sang Thu” với phép đảo ngữ vừa nhấn mạnh sự
vận động, chuyển biến của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu, vừa là sự
sang thu của lòng người, đời người, là bước chuyển quan trọng của
cuộc đời và giai đoạn bồng bột, sôi nổi, say mê, khát vọng sang 1 giai
đoạn khác chín chắn, điềm tĩnh, vững vàng hơn trước những khó
khăn, thử thách. Thu 1977 là 1 trong những mùa thu độc đáo, khi đất
nước còn nhiều khó khăn, vất vả thì bài thơ này còn thể hiện bản lĩnh
cứng cỏi của 1 người đã từng đi qua thời kỳ giông bão, nay lắng lại
trong những chiêm nghiệm, suy tư, để nhìn lại những gì đã qua và cb
cho những gì sắp tới. Đó chắc hẳn cũng là nỗi lòng của muôn triệu
người dân đất Việt lúc bấy giờ. Cho đến nhan đề này mở rộng hơn là
sự “sang thu” của đất nưỡ: Trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt, đất
nước vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khắn, gian khổ để vươn lên.
Với thể thơ 5 chữ mang âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết cùng hệ thống
hình ảnh tu từ đặc sắc, gợi cảm, 2 khổ thơ trên là bức tranh thiên
nhiên trong khoảnh khắc giao mùa hạ-thu rất đặc trưng của đồng bằng
Bắc Bộ cùng những suy ngấm mang tính triết lí của tác giả.
Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung là một bức tranh mùa thu
mộc mạc nhưng duyên dáng và mang đậm hồn quê. Có một cái gì thật
êm, thật dịu dàng toát lên từ các hình ảnh thơ. Mùa thu lặng lẽ và nhẹ
nhàng ấy khiến ta nôn nao nhớ đến những miền quê xa vắng, khơi dậy
trong ta tình yêu và sự gắn bó với quê hương. Tình yêu ấy bắt đầu từ
lòng yêu những gì bình dị và thân thương nhất của quê hương như
yêu hương ổi vườn nhà.

You might also like