You are on page 1of 3

I, Khổ 1: Những tín hiệu báo mùa thu sang

“Bỗng nhận ra hương ổi


Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
- Cách lựa chọn những dấu hiệu của thời khắc giao mùa đã thể hiện cảm nhận riêng cũng như cái
nhìn độc đáo của HT về mùa thu. Xưa nay các nhà thơ khi miêu tả mùa thu thường mượn những
hình ảnh quen thuộc như lá vàng rơi, một ao sen tàn úa hay một chậu cúc đơm hoa. Còn ở đây,
tác giả sang thu lại lựa chọn một làn hương ổi ngọt lành làm dấu hiệu của thời khắc giao mùa.
Làn hương dân dã ấy đã gợi về không gian của những khu vườn, những lối ngõ nơi miền quê
thân thuộc. Cách miêu tả của nhà thơ đã tô đậm đc ấn tượng về một mùi hương nồng đượm bất
ngờ oà vào hồn người. Mùi thơm của ổi chín như được cô đặc lại phả vào ngọn gió mùa thu và
được ngọn gió se ấy mang đến mọi khoảng không gian của đất trời. Động từ “phả” gợi tả sự bốc
mạnh của làn hương và gợi được cả sự bất ngờ của con người, dùng động từ “phả” chứng tỏ mùi
hương ổi đang ở độ đậm đặc, quyến rũ nhất, nó dẫn dắt trí tưởng tượng của ta trở về những khu
vườn xum xuê trái chín. Cái tinh tế tài hoa của tác giả còn ở chỗ ông đã đặt mùi hương ngọt ngào
kia vào làn gió trong mát lúc đầu thu, phải có thoáng se lạnh của gió heo may ta mới cảm nhận
được cái ngọt ngào thơm mát của mùi hương ổi ấy. Ngược lại, nhờ có mùi hương đậm đà của trái
chín, ngọn gió vô hình thoảng nhẹ của mùa thu mới hiện lên một cách sống động đến thế.
- Ở câu thơ thứ ba, nhà thơ HT đã sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa để miêu tả dáng hình và tâm
trạng của làn sương mùa thu. “Sương chùng chình” giúp ta hình dung những hạt sương nhỏ li ti,
giăng mắc khắp đất trời. Làn sương mỏng nhẹ ấy dường như đang lưu luyến đi ngang lối ngõ,
chưa nỡ từ biệt mùa hạ để bước hẳn sang thu. Hình ảnh thơ độc đáo này đã khơi gợi một cách tài
tình cái không khí se lạnh lúc đầu thu và cả nhịp điệu chầm chậm của mùa thu giữa đất trời. Lối
nhân hóa khiến cảnh vật trở nên sống động hơn.
- Sự hiện diện của làn sương mờ ảo ấy giúp tác giả nhận ra sự biến đổi của thời gian để rồi ngỡ
ngàng thốt lên “Hình như thu đã về”. Không phải ngẫu nhiên, tác giả đã sử dụng cách nói phỏng
đoán “hình như” khi miêu tả thời khắc mùa thu vừa chớm, cách nói ấy phù hợp với những biểu
hiện tinh tế, mơ hồ của phút giao mùa. Nó không chỉ được cảm nhận bằng những giác quan cụ
thể mà còn được lắng nghe bằng cả một tâm hồn thi sĩ rộng mở, nhạy cảm. Câu thơ chứa đựng
những bất ngờ, ngỡ ngàng, những cảm xúc bâng khuâng, mơ hồ, mong manh của thi nhân khi
mùa thu tới, câu thơ như một tiếng reo vui để đón chào mùa thu.
-> Cả khổ thơ là những cảm nhận đầy tinh tế mới mẻ của tác giả về thiên nhiên đất trời trong thời
khắc giao mùa, ẩn sau những đổi thay mơ hồ của tạo vật ấy là sự ngỡ ngàng, là niềm vui, niềm
hạnh phúc của thi nhân khi đón chào mùa thu

II. Khổ 2: Những biến chuyển của đất trời lúc sang thu
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
- Khung cảnh đất trời lúc sang thu được tái hiện vừa chân thực vừa sống động, lối miêu tả nhân
hóa khiến mỗi sự vật hình ảnh đều hiện lên tràn đầy sức sống và chất chứa tâm hồn. Dòng sông
“dềnh dàng”, chầm chậm trôi, nhàn nhã ung dung. Đó là con sông của mùa thu tĩnh lặng, trong
trẻo. Khi những cơn mưa rào mùa hạ tạm ngưng, khi mùa bão lũ đi qua, dòng sông như được
nghỉ ngơi, thư thái. Dòng sông ấy cũng như đời người lúc xế chiều, khi đi qua một thời tuổi trẻ
vất vả, bon chen cũng lắng mình chậm lại để nghỉ ngơi.
- Tương phản với dòng sông là hình ảnh những cánh chim bắt đầu vội vã bay về phương Nam để
tránh rét. Hình ảnh này gợi liên tưởng đến những con người ở tuổi xế chiều vẫn phải vất vả
ngược xuôi. Từ những hình tượng thiên nhiên quen thuộc ấy, nhà thơ đã gợi lên những động thái
riêng của không gian khi mùa thu về
=> Bằng thủ pháp đối và biện pháp tu từ nhân hóa, HT không chỉ tái hiện một cách chính xác
những quy luật tự nhiên mà còn gợi được nhịp điệu của đất trời và cả những suy ngẫm sâu xa về
đời người lúc vào thu.
- Những đổi thay của cảnh vật trong khoảnh khắc giao mùa còn được nhà thơ thể hiện bằng một
hình ảnh rất độc đáo: “Có đám mây mùa hạ/Vắt nửa mình sang thu”. Thơ về mùa thu từ xưa đến
nay có không ít hình ảnh mây trắng và trời xanh, nhưng có lẽ chưa ở đâu ta bắt gặp một áng mây
sống động gợi nhiều liên tưởng như câu thơ này của HT. Nhà thơ tả không gian bầu trời mà giúp
người đọc hình dung được nhịp điệu của thời gian. Thời gian vô hình đã được được hữu hình hóa
bằng một nhịp cầu đặc biệt. Nhịp cầu ấy chính là đám mây mùa hạ đang vắt nửa mình sang thu.
Mây mỏng như dải lụa treo trên bầu trời đã nối liền những ngày cuối hạ và những thời khắc đầu
tiên của mùa thu.
=> Có thể nói, khoảnh khắc giao mùa mong manh, tinh tế đã hiện lên thật sống động qua những
câu thơ rất giàu chất tạo hình
III. Khổ 3: Những biến chuyển của thiên nhiên và suy ngẫm về đời người lúc chớm thu
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”
- Ta lại gặp ở đây những hình ảnh tương phản và lối miêu tả rất giàu sức gợi của tác giả. Thời
gian vốn vô hình, khoảnh khắc chuyển mùa lại càng mơ hồ tinh tế nhưng HT đã tái hiện rất tài
tình qua những sự vật hữu hình, đó là mưa và nắng. Đây là những hiện tượng thời tiết, những
hình ảnh thiên nhiên gần gũi dễ quan sát và nắm bắt. Nắng vẫn còn nhưng không chói chang gay
gắt như mùa hạ. Những cơn mưa đặc trưng của hè cũng đã thưa dần và tiếng sấm cũng nhỏ hơn,
bớt bất ngờ hơn. Những từ ngữ chỉ mức độ được sắp xếp theo trình tự giảm dần “vẫn còn”, “vơi
dần”, “bớt” đã cho thấy mùa hạ nhạt dần và mùa thu đậm nét hơn.
- Không chỉ đất trời mà cả tâm hồn con người cũng lắng lại trong những suy tư. Ở đây, nhà thơ
đã sử dụng những từ ngữ hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa đặc sắc. Tiếng sấm vốn là dấu hiệu của
những cơn mưa rào mùa hạ. Sang thu, sấm thưa và nhỏ dần, nên không đủ sức lay động những
hàng cây đã bao mùa thay lá. Tiếng sấm còn là ẩn dụ cho những biến động bất thường của ngoại
cảnh, của cuộc đời, ẩn dụ cho những gian nan thử thách mà con người gặp phải trên đường đời.
Còn hàng cây đứng tuổi lại gợi cho ta liên tưởng tới cái xế chiều của đời người, liên tưởng đến
những con người đã trường thành, đã từng trải nên trầm tĩnh và vững vàng hơn giữa cuộc đời.
Với những hình ảnh ẩn dụ này, phải chăng HT muốn nói con người khi đã chiêm nghiệm nhiều
sẽ trở nên hiểu biết hơn, sẽ bình tĩnh hơn trước mọi biến cố cuộc đời, sẽ vững vàng hơn và có thể
ung dung trước mọi đổi thay, biến động của đời người tự như hàng cây lâu năm rễ bám sâu vào
lòng đất.
- Còn trong một bài phỏng vấn gần đây, HT đã mang đến một cách hiểu mới cho hai câu này;
“Sấm là những khó khăn thử thách mà dân tộc Việt Nam đã trải qua trong hai cuộc chiến tranh
ác liệt chống Pháp chống Mĩ. Còn hàng cây đứng tuổi là hình ảnh đất nước dân tộc ta vững vàng
vượt qua thử thách. Trải qua biết bao lao khổ, đạn bom ác liệt, chúng ta không hề sợ hãi trước
bất cứ thế lực nào, vững vàng tiến về phía trước trong công cuộc xây dựng đất nước.”
=> Để tổng kết về bài thơ: về nội dung, bài “Sang thu” đã thể hiện những cảm nhận tinh tế sâu
sắc của tác giả về khoảnh khắc giao mùa. Nhà văn đã nắm bắt và tái hiện một cách chân thực và
sống động, những nét đặc trưng của mùa thu miền Bắc. Đồng thời tác giả gửi gắm những cảm
xúc, những suy ngẫm sâu sắc về đời người.
=>Về nghệ thuật: Sức cuốn hút còn bắt nguồn từ hình thức nghệ thuật độc đáo. Đó là hệ thống
ngôn từ giản dị, tự nhiên, gần gũi và giàu sức gợi. Đặc biệt, nhà thơ còn sáng tạo nhiều hình ảnh
mới lạ có khả năng hữu hình hóa những biến động tinh tế vô hình khúc giao mùa. Giọng thơ nhỏ
nhẹ sâu lắng cũng mang lại những rung động lớn cho tác phẩm.

You might also like