You are on page 1of 3

Là người con của quê hương Vĩnh Phúc, Hữu Thỉnh đã ghi tạc vào lòng

người những vần thơ thiết tha, rung động tâm hồn bao người với đề tài mùa
thu quen thuộc. Tuy nhiên, giữa ông và các nhà thơ khác vẫn có những nét
riêng biệt. Đó là cách cảm nhận đầy tinh tế về sự chuyển mình của đất trời
khi bước sang thu qua bài thơ "Sang thu" được sáng tác năm 1977.
"Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về."
Trong đó, khổ thơ đầu là tín hiệu thu về, nhẹ nhàng, thơ mộng và bâng
khuâng. Bài thơ Sang Thu được Hữu Thỉnh viết năm 1977 khi đất nước vừa
thống nhất được 2 năm, cũng là lúc nhà thơ đắm chìm trong sự tĩnh lặng,
yên bình của làng quê. Đối với ông đó là sự tận hưởng những mùa thu hòa
bình đầu tiên của người lính vừa bước ra khỏi chiến tranh. Khổ thơ mở đầu
làm rung động người đọc bởi những tín hiệu báo thu về trong không gian
gần và hẹp. Đó là những nét phát họa giản dị mà lại vô cùng gợi cảm.
Sự biến đổi của đất trời sang thu đưa nhà thơ cảm nhận bắt đầu từ hương ổi
đang vào độ chín phả vào trong gió se.
"Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”
Chúng ta từng biết đến nhiều bài thơ hay viết về mùa thu với những thi liệu
quen thuộc. Điển hình như là Cổ thi Trung Hoa có 2 câu thơ nổi tiếng
“Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên Hạ tận tri thu”

Bích Khê trong bài “Tì Bà” cũng tìm đến với mùa thu bằng lá ngô đồng để
diễn tả cái buồn trùng trùng điệp điệp của mùa thu, của sự nhung nhớ, mông
lung
“Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi: thu mênh mông”

Nhà thơ Lưu Trọng thì bồi hồi, bâng khuâng với lời ướm hỏi
“Em không nghe mùa thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô”
Vẫn là đề tài mùa thu nhưng ở Hữu Thỉnh lại có sự mới mẻ khi ông đến với
mùa thu không phải bằng những hình ảnh truyền thống như lá vàng, hoa
cúc, hương cốm dẻo bùi hay màu trời, sắc nước mà bằng hương ổi vườn nhà
dụng dị, mộc mạc. Hương ổi, thứ hương thơm quê mùa, dân dã. Hương ổi
không nồng nàn. Đó là thứ hương dìu dịu, nhè nhẹ. Hương vị ấy đơn sơ,
mộc mạc, đồng nội, rất quen thuộc của quê hương. Thân quen là thế nhưng
rồi người ta lại vô tình lãng quên nó để rồi trong khoảnh khắc giao mùa mới
bất giác nhận ra. Bằng cảm nhận tinh tế, bằng khứu giác, thị giác, nhà thơ đã
chợt nhận ra dấu hiệu của thiên nhiên khi mùa thu lại về. "Bỗng" rồi "phả",
hai động từ được đặt trực tiếp ở đầu câu như một sự kết hợp hoàn hảo, cùng
nhau viết lên tâm trạng của nhà thơ. Phải chăng đó là sự ngỡ ngàng, bối rối
khi bất chợt nhận ra tín hiệu của mùa thu? Động từ "phả" dường như đang
tập trung làm bật lên hương thơm nồng nàn từ vườn ổi chín lan tỏa rộng
khắp trong không gian thân thuộc của làng quê . Thứ hương thơm ấy lại lan
tỏa trong làn gió se nhè nhẹ ren rét. “Gió se” là gió heo may, chúng đến với
nhân gian vào mỗi dịp đầu thu làm tê tê, gai gai những cánh tay trần mềm
mại. Trước Cách mạng, Xuân Diệu đã từng mang gió se đến cho người đọc
với những thoáng rùng mình ớn lạnh: “Những luồng run rẩy rung rinh lá”.
Nhưng câu thơ của Hữu Thỉnh lại dắt mùa thu đến bên ta êm ái, dịu dàng
biết bao. Ông như đang mở rộng lòng mình để kịp đón nhận và tận hưởng
hết sự bắt đầu nhẹ nhàng của một mùa thu nơi đồng bằng Bắc Bộ. Không
chỉ có hương ổi hay gió thu mà trong dòng cảm nhận về những tín hiệu đầu
tiên còn là sương thu:
"Sương chùng chình qua ngõ"
Với từ láy “chùng chình” thì đây là hình ảnh nhân hóa thể hiện sự cảm nhận
tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh. Không phải sương long lanh, mờ ảo mà
chúng ta đã gặp trong thơ của Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến mà là sương
chùng chình. Chính từ “chùng chính” đã diễn tả bước đi nhẹ nhàng, khoan
thai, chậm rãi của mùa thu. Bởi lẽ sương đầu thu còn mỏng tang, nhẹ nhàng
chuyển động chầm chậm nơi đường thôn, xóm làng. Đồng thời với từ chùng
chình, làn sương sớm mai như có tâm hồn, như lắng đọng, suy tư chất chứa
một nỗi niềm như vừa muốn bước qua ngưỡng cửa của mùa thu vừa muốn
cố níu kéo chút say nồng của cuối hạ. Sự “chùng chình” của sương thu hay
là chút tiếc nuối của lòng người trước bước đi của thời gian. “Ngõ” ở đây có
thể là ngõ thực, cũng có thể là hình ảnh ẩn dụ rất thơ, rất tinh tế về ranh giới
chuyển giao giữa 2 mùa hạ thu. Sự chuyển biến nhẹ nhàng của thiên nhiên
trong phút giao mùa đã khơi dậy nơi tâm hồ còn nhiều cảm xúc. Câu thơ mở
đầu với cụm từ “bỗng nhận ra” diễn tả thật chính xác cảm giác ngỡ ngàng
thú vị trước sự thay đổi đột ngột của thiên nhiên. Dường như thu đến với
con người rất tình cờ, trong vô thức khiến lòng người như ngỡ ngàng.
Và sau những phút giây bỡ ngỡ ban đầu, từ “hình như” khép lại khổ thơ
nhưng lại mở ra cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến, vấn vương, có chút mơ
hồ, rối bời, mông lung, đoán định trước cảnh đất trời trong buổi thu sang:
“Hình như thu đã về"
Sự bâng khuâng, mơ hồ được lột tả qua 2 chữ “hình như” càng tạo thêm vẻ
khói sương lãng đãng lúc thu sang. Và phải chăng những tín hiệu thiên
nhiên kia chưa đủ làm nên một mùa thu trọng vẹn hay chính tâm hồn thi sĩ
chưa kịp sẵn sáng để đón chào sự thay đổi của tạo vật?
Nói tóm lại, khổ thơ trên là những cảm nhận ban đầu của tác giả về khung
cảnh đất trời mùa thu. Đó là những cảm nhận vô cùng tinh tế trước những gì
tưởng như vô hình như hương ổi, như gió mùa thu, sự mờ ảo của sương thu,
sự nhỏ bé của ngõ thu. Cái hay của Hữu Thỉnh là đã biến cái vô hình thanh
hữu hình bằng chính việc cảm nhận sự vật bằng nhiều giác quan khác nhau:
thị giác, xúc giác, thính giác và cả lý trí của con người cùng tình yêu thiên
nhiên, quê hương đất nước của nhà thơ.
Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung là một bức tranh mùa thu mộc mạc
nhưng duyên dáng và mang đậm hồn quê. Có một cái gì thật êm, thật dịu
dàng toát lên từ các hình ảnh thơ. Mùa thu lặng lẽ và nhẹ nhàng ấy khiến ta
nôn nao nhớ đến những miền quê xa vắng, khơi dậy trong ta tình yêu và sự
gắn bó với quê hương. Tình yêu ấy bắt đầu từ lòng yêu những gì bình dị và
thân thương nhất của quê hương như yêu hương ổi vườn nhà.

You might also like