You are on page 1of 4

ình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) đang có chiều hướng gia tăng và

diễn biến phức tạp. Nhiều giải pháp đã được đề ra và thực thi nhưng
BLHĐ dường như vẫn là “bệnh” chưa có thuốc chữa, là nỗi lo sợ của
nhiều học sinh, phụ huynh và nhà trường. Thế nên, cần thay đổi cách
tiếp cận, thay đổi môi trường giáo dục dạy và học trong nhà trường bằng
cách xây dựng trường học hạnh phúc.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui.


Bạo lực sẽ không xuất hiện khi có tình yêu thương, sự sẻ chia
Rất nhiều vụ BLHÐ liên quan đến học trò liên tục xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa vẫn là
hoàn cảnh gia đình, học sinh có tâm lý lứa tuổi mới lớn, dễ học theo bạn bè... Nhất là thời gian gần đây, mạng
xã hội facebook, tiktok phát triển nhanh chóng, bạo lực xảy ra đôi khi chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt. Qua
nhiều vụ việc xảy ra đã được truyền thông đăng tải cho thấy, BLHÐ thường do một số học sinh không hạnh
phúc gây ra, khi các em có môi trường hoặc hoàn cảnh gia đình không tốt. Thế nên, đã đến lúc trường học
không phải chỉ là nơi giáo viên dạy về kiến thức văn hóa, mà còn dạy các em về đạo đức làm người, có lối
sống lành mạnh, tích cực, biết quan tâm chia sẻ và giúp đỡ mọi người. Do đó, để đẩy lùi BLHÐ cần giải pháp
đồng bộ từ nhà trường - gia đình - xã hội.

GS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ÐH Sư phạm TP.HCM cho biết, ngành Giáo dục đặt ra mục tiêu xây
dựng "Trường học hạnh phúc" từ nhiều năm nay,  nhưng liệu học sinh và giáo viên có thật sự hạnh phúc trong
bối cảnh chịu nhiều áp lực của yêu cầu dạy học, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, áp lực
từ các chỉ tiêu thành tích, cuộc thi tổ chức hàng năm ở các trường học... Có nhiều giáo viên và học sinh bên
ngoài tỏ ra là mình ổn nhưng bên trong bất ổn. Vậy làm sao để người dạy và người học thật sự hạnh phúc?

GS. Huỳnh Văn Sơn nhận định, quan trọng nhất khi đối diện BLHÐ là phải tiếp cận phòng ngừa, đánh giá và
dự báo biểu hiện để có những tác động kiểm soát, giảm thiểu. Cần nâng cao nhận thức của phụ huynh, giáo
viên và cả học sinh về vấn nạn BLHÐ, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn phù hợp. Chúng ta phải quan
tâm nhiều hơn đến việc rèn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng đồng hành, hỗ trợ và lắng nghe học sinh dành cho
giáo viên cũng như phụ huynh. Nếu làm cho trường học hạnh phúc hơn, làm cho học sinh biết bao dung, cảm
thông hơn và nhất là mỗi chúng ta kiểm soát dần vấn đề nội tại của mình thì học sinh sẽ cảm thấy cân bằng hơn
và dần tránh đi những biểu hiện hành vi bạo lực trong cuộc sống.

Nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ, Khoa Tâm lý học, Trường ÐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, bản thân giáo
viên thấy hạnh phúc mới mang lại hạnh phúc cho học sinh. Qua một cuộc phỏng vấn ý kiến của học sinh trả lời
câu hỏi "Các em muốn điều gì để hạnh phúc khi đến trường?", các em trả lời: Mong trường giảm khối lượng
bài tập, mong cô chủ nhiệm cười nhiều hơn với lớp và ngừng so sánh thành tích học tập với các lớp khác,
mong có một ngày nghỉ thật sự mà không bị áp lực bởi học tập, hội thao…
Lớp học theo mô hình trường học hạnh phúc tại Trường THCS
Trần Cao Vân, TP. Huế. Ảnh: BNL
Và có một hệ sinh thái hạnh phúc
GS Hà Vĩnh Thọ, Chủ tịch Học viện Eurasia về Hạnh phúc và An sinh, người viết giáo trình Trường học hạnh
phúc ở Việt Nam cho rằng: “Mối nguy hiểm đã hiện hữu khi những bạn trẻ đang lớn lên trong thời đại của
Internet và mạng xã hội. Chúng ta cần hiểu rằng, hạnh phúc của mỗi người đi liền với hạnh phúc của người
khác, của xã hội và của lợi ích chung. Do đó, trường học hạnh phúc nên chú trọng nhiều đến các giá trị đạo
đức”.

Ngoài ra, GS Hà Vĩnh Thọ cũng đưa ra giải pháp khác, đó là nhà trường có thể tập huấn, hỗ trợ, xây dựng đội
ngũ học sinh là người hòa giải khi xảy ra BLHÐ. “BLHÐ không diễn ra ở tầm một cá nhân mà mang tính hệ
thống… Vậy nên, việc chúng ta tạo ra một hệ sinh thái hạnh phúc đó là học sinh, giáo viên, nhà trường quản lý
nhà trường và cả chính quyền nữa là cách duy nhất để có thể giải quyết gốc rễ vấn đề. Và các thầy cô là hạt
giống của hệ sinh thái đó" - GS Hà Vĩnh Thọ chia sẻ.
Thừa Thiên Huế là địa phương được chọn triển khai thí điểm dự án “Trường học hạnh phúc ở Việt Nam” có
giá trị 215.000 USD. Dự án được triển khai từ năm 2018, nếu được đánh giá thành công thì mô hình này có thể
nhân rộng ở quy mô lớn hơn. Giáo viên được đào tạo dựa trên một khung lý thuyết và các phương pháp thực
hành rõ ràng, nhằm giúp giáo viên và học sinh (từ lớp 1 đến 12) cách tiếp cận mới xây dựng trường học hạnh
phúc. Trong hành trình tìm kiếm những cách thức và giải pháp để giảm bớt áp lực trong nhà trường thì đây sẽ
là phương pháp hỗ trợ giải quyết vấn đề BLHÐ.

Em N.A.T. - học sinh Trường THPT Cao Thắng (Huế) cho biết, trước kia em khó chia sẻ với cha mẹ, ở trường
có ít bạn chơi nên em hay chát trên mạng xã hội. Mới đầu, em thấy vui nhưng sau đó thấy mệt mỏi khi xem
nhiều thông tin bạo lực, dẫn đến suy nghĩ tiêu cực. Từ khi tham gia dự án “Trường học hạnh phúc”, em thực
hiện hai công việc chính đó là lắng nghe bản thân mình và thực hiện lòng biết ơn. Mỗi ngày em viết 10 điều
biết ơn. Em cảm thấy mình thay đổi, không còn stress, cáu giận, làm tổn thương người khác khi gặp chuyện
không vui. Giờ thì em thoải mái chia sẻ với cha mẹ và mọi người. Cũng theo em N.A.T, khi tham gia dự án
“Trường học hạnh phúc” không chỉ tâm lý vững vàng hơn mà kết quả học tập của em cũng được cải thiện.

Theo cô Ðinh Thị Hồng Vân, giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ÐH Sư phạm - ÐH Huế, trường học hạnh phúc
là những thứ rất quen thuộc, cụ thể. Ðó là xây dựng mối quan hệ, sự hài lòng trong mối quan hệ của bản thân
đối với người khác. Chúng ta hãy bắt đầu dần từ những cái thoải mái, tự tin nhất. Ðể lan tỏa trường học hạnh
phúc, cần tạo được môi trường an toàn bằng hệ sinh thái. Hàng tháng, thầy cô có thể chia sẻ những điều đã làm
được hoặc khó khăn đang gặp phải. Từ đó, các thầy cô hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta cần nhận được sự
tôn trọng, sự lắng nghe và sự thấu hiểu.

“Khi giáo viên và học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh. Những điều tốt, điều thiện sẽ tăng lên và lan tỏa
trong xã hội. Khi nhân lên cái đẹp để dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực cùng với những giải pháp đồng bộ từ
nhà trường, phụ huynh và cả xã hội mới giúp vấn nạn BLHĐ được đẩy lùi.”

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT).

Trường học hạnh phúc, trong đó có chương trình đào tạo dành cho giáo viên nhằm trang bị sự hiểu biết, kiến
thức và kỹ năng giúp họ chú ý và chăm sóc sự hạnh phúc và sức khỏe của tất cả học sinh. Chỉ khi học sinh cảm
thấy an toàn về cảm xúc, được xã hội chấp nhận và hòa nhập, các em mới có thể phát huy tiềm năng của mình,
học hỏi, phát triển toàn diện. Và từ đó, tình trạng BLHÐ sẽ dần được đẩy lùi.

You might also like