You are on page 1of 7

2.

Hình thành khái niệm lịch sử

a) Để nắm vững những kiến thức cơ bản của môn học, học sinh phải nắm vững hệ
thống khái niệm khoa học

Hình thành khái niệm lịch sử là khâu quan trọng nhất trong quá trình dạy - học
Lịch sử ở trường phổ thông. Đó là giai đoạn nhận thức lý tính. Nhiều giáo viên chưa
nhận thức được vị trí và ý nghĩa của việc hình thành khái niệm và cũng không có khả
năng làm tốt công việc này. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm
giảm chất lượng dạy - học Lịch sử ở trường phổ thông. Bởi vì, có nắm được khái niệm
lịch sử, học sinh mới nắm được những nét đặc trưng, bản chất của sự kiện lịch sử, mới
nhận thức được những mối liên hệ, quan hệ chủ yếu của các biến cố và hiện tượng lịch
sử.

Trong thực tế dạy - học, việc tạo biểu tượng và hình thành khái niệm lịch sử
được tiến hành gần như đồng thời, không tách ra được: khái niệm được hình thành
trên cơ sở biểu tượng. Song biểu tượng và khái niệm lịch sử là hai phạm trù khác
nhau. Ý nghĩa của việc hình thành khái niệm đã được trình bày trong cuốn sách
“Phương pháp dạy học Lịch sử” nêu trên. Quá trình hình thành khái niệm được xem là
quá trình phát triển tư duy, từ việc nắm kiến thức chưa đầy đủ, chưa hệ thống đến nắm
kiến thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn. Chúng ta thường gặp những thiếu sót khá tiêu biểu
mà học sinh thường mắc phải khi nắm các khái niệm lịch sử là: nhầm lẫn “khái niệm”
với “sự kiện” cụ thể, với “thuật ngữ”, đồng nhất việc hình thành khái niệm với “định
nghĩa” chung chung; không nắm được các đặc trưng (dấu hiệu) trong nội hàm khái
niệm; không phân biệt được các đặc trưng chủ yếu và thứ yếu, cơ bản và không cơ
bản. Vì vậy trên cơ sở biểu tượng có hình ảnh, chính xác, giáo viên hướng dẫn cho
học sinh hình thành khái niệm và nắm các đặc trưng cơ bản trong nội hàm khái niệm.
Để khắc phục tình trạng chỉ nêu những nét rất chung về khái niệm mà không tách biệt
những nét riêng của các khái niệm, cần phân loại khái niệm.

Trong việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, chúng ta gặp nhiều loại khái niệm;
việc đồng nhất các khái niệm dẫn tới hậu quả không nắm được nội dung, tính chất, vai
trò, ý nghĩa của các loại khái niệm. Hiện nay có nhiều quan niệm về phân loại khái
niệm. Có cách phân loại khái niệm theo nội dung mà khái niệm ấy phản ánh như: khái
niệm về kinh tế, về chính trị, về văn hoá, về đấu tranh giai cấp... Có cách phân loại
theo mức độ khái quát của nội dung khái niệm: khái niệm sơ đẳng (gần với biểu
tượng), khái niệm lịch sử trừu tượng tương đối ít phức tạp, khái niệm lịch sử trừu
tượng mang tính khái quát cao, những khái niệm chung. Chúng tôi quan niệm rằng
khái niệm lịch sử là sự phản ánh được khái quát hoá của quá trình lịch sử, nó phản ánh
những mối liên hệ khách quan của các hiện tượng này và quy luật lịch sử.

Khái niệm lịch sử bao giờ cũng ở mức độ trừu tượng khá cao, vì nó không chỉ
phản ánh một sự kiện riêng lẻ hay một nhóm sự kiện mà còn phản ánh những hiện
tượng phức tạp đa dạng về mặt kinh tế, xã hội, chính trị... những quan hệ của con
người với thiên nhiên, của con người trong xã hội (lao động sản xuất và đấu tranh giai
cấp). Cũng như mọi khái niệm khoa học khác, những khái niệm dùng trong dạy học
Lịch sử (khái niệm lịch sử) cũng có loại phức tạp và đơn giản, tuỳ theo việc phản ánh
một quá trình hay một sự kiện lịch sử. Ngoài ra còn có các khái niệm chung, làm cơ sở
lý luận cho việc nhận thức lịch sử cũng như các khái niệm nói chung, khái niệm các
môn khoa học có liên quan đến lịch sử đều có nội hàm và ngoại diễn của nó. Nội hàm
của khái niệm là tổng hợp những nét chung, những đặc trưng của sự kiện lịch sử được
phản ánh trong khái niệm. Còn ngoại diên của khái niệm tập hợp những sự kiện lịch
sử mà nội hàm là đặc trưng của nó được phản ánh một khái niệm chung. Ví dụ: khái
niệm “cách mạng tư sản” mà học sinh thường gặp trong nhiều bài lịch sử, nhất là khoá
trình lịch sử cận đại, hiện đại có nội hàm là những nét chung bản chất, những đặc
trưng riêng của cuộc cách mạng (do giai cấp tư sản hay các lực lượng có xu hướng tư
sản lãnh đạo) xoá bỏ hay hạn chế ở mức độ khác nhau sự thống trị của giai cấp phong
kiến, thay thế sự bóc lột phong kiến bằng sự bóc lột tư bản, đặt cơ sở và tạo điều kiện
cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Còn ngoại diên của khái niệm này là những
cuộc cách mạng tư sản diễn ra với nhiều hình thức khác nhau (cuộc Cách mạng Hà
Lan thế kỷ XVI, cuộc Cách mạng tư sản Anh thế kỷ XVII, chiến tranh giành độc lập
của các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ, cuộc đấu tranh thống nhất nước Đức và Italia thế kỷ
XIX, cuộc Duy tân Minh Trị ở Nhật Bản...).

Sự phân loại khái niệm lịch sử và nhận thức về nội hàm, ngoại diễn của nó là
điều quan trọng đối với việc hình thành khái niệm - khâu quan trọng bậc nhất của quá
trình dạy học Lịch sử. Đó là điều kiện cơ bản để hiểu sâu một sự kiện, phân biệt các
sự kiện khác nhau về nguyên tắc giữa các sự kiện có nội dung và bản chất khác nhau,
như phân biệt “cách mạng tư sản” với “cách mạng vô sản”, “cách mạng” với “đảo
chính”, “cải lương”...

b) Về con đường hình thành khái niệm lịch sử

Các cuốn sách Phương pháp dạy học Lịch sử đã viết khá nhiều, khá kỹ và sâu.
Song vấn đề này chỉ mới dừng lại ở nhận thức lý luận, mà chưa thể hiện trong thực
tiễn giảng dạy. Hiện nay không ít giáo viên Lịch sử không hể quan tâm đến việc hình
thành khái niệm mà chỉ lo trình bày các sự kiện để học sinh ghi nhớ. Trong thực tế,
giáo viên đã giới hạn việc học tập của học sinh ở mức độ biết sự kiện (nhưng do nhiều
nguyên nhân mà học sinh không biết đầy đủ và còn sai lệch), chứ chưa phải nâng lên
mức hiểu lịch sử. Như vậy là không đạt yêu cầu, mục tiêu của việc học tập lịch sử. Do
đó, nắm kiến thức khoa học trước hết phải nắm vững các khái niệm khoa học, cần
nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hình thành khái niệm và con đường
sư phạm, có hiệu quả cao nhất về công việc này.

Thứ nhất, trong quá trình dạy học Lịch sử ở trường phổ thông, học sinh không
chỉ nắm một khái niệm, mà phải nắm một hệ thống khái niệm gồm những khái niệm
có quan hệ với nhau và có một khái niệm trung tâm. Ví dụ: khi học về Lịch sử thế giới
cổ đại với sự ra đời của giai cấp và nhà nước, học sinh cần nắm được hệ thống khái
niệm “kinh tế”, “giai cấp”, “nhà nước”, trong đó khái niệm “giai cấp” giữ vị trí trung
tâm.

Thứ hai, việc hình thành khái niệm phải tiến hành trên cơ sở của việc tạo biểu
tượng và bắt đầu bằng việc nêu rõ nội dung những đặc trưng cơ bản của khái niệm.
Đây là công việc đầu tiên song rất quan trọng vì nó giúp cho học sinh nắm được bản
chất của sự kiện lịch sử. Ví dụ: đối với khái niệm “nô lệ”, “nông nô”, “nông dân”,
“công nhân”, học sinh không nên dừng lại ở hiểu biết rằng đó là những người lao
động bị áp bức. Trên cơ sở những tài liệu lịch sử cụ thể, giáo viên hướng dẫn các em
nêu được những đặc trưng cơ bản để phân biệt các tầng lớp, giai cấp này. Như vậy,
các em mới phân biệt được nhiệm vụ lịch sử, yêu cầu của thời đại đối với những
người này. Khi nêu các đặc trưng của những khái niệm này, chúng ta sẽ giúp cho học
sinh nắm được những cái chung, cái riêng và đặc thù trong mỗi khái niệm. Như trong
các khái niệm trên có một điểm chung - nô lệ, nông nô, nông dân, công nhân đều là
người lao động bị áp bức, song mỗi tầng lớp, giai cấp có một vị trí khác nhau trong
lịch sử (“nô lệ” ở thời kỳ chiếm hữu nô lệ, hoàn toàn lệ thuộc vào “chủ nô”, “công
nhân” ở thời kỳ tư bản chủ nghĩa được “tự do” bán sức lao động, bị bóc lột bằng “giá
trị thặng dư”…).

Thứ ba, khái niệm được diễn đạt bằng một thuật ngữ. Để nắm được khái niệm
cần phải hiểu thuật ngữ diễn đạt nội dung đó. Có khi thuật ngữ diễn đạt được những
đặc trưng của khái niệm, nếu sự vật được phản ánh là đơn nhất, khái niệm “trống
đồng” nói lên những đặc trưng của trống đồng. Có khi một thuật ngữ diễn đạt một
khái niệm có nội dung phức tạp, qua các thời kỳ lịch sử khác nhau thì việc nắm nội
dung của nó không đơn giản, như “nhà nước cổ đại”, chỉ một bộ máy, tổ chức chính
trị ở thời kỳ chiếm hữu nô lệ. Sau khi học phần Lịch sử thế giới cổ đại, học sinh mới
hiểu được sâu sắc khái niệm này, nó còn được trở lại nhiều lần để so sánh với các khái
niệm “nhà nước phong kiến”, “nhà nước tư sản”, “nhà nước vô sản”.

Thứ tư, học sinh nắm được khái niệm một cách dễ dàng hơn nếu như các em sử
dụng các phương tiện trực quan. Vì thế việc sử dụng đồ dùng trực quan là điều kiện
rất quan trọng. Ví dụ: trong khi học Lịch sử thế giới trung đại và cận đại, học sinh gặp
khái niệm “công trường thủ công”. Giáo viên có thể cho các em xem bức tranh hay
minh hoạ về cảnh lao động trong một công trường thủ công và các em sẽ nhận thức
được rằng đặc trưng của công trường thủ công là có phân công lao động, song lao
động bằng tay vẫn giữ vị trí quan trọng. Khi hình thành khái niệm “cách mạng công
nghiệp”, giáo viên cần làm cho học sinh thấy rõ hai hệ quả (hai mặt) của cách mạng
công nghiệp: sự phát minh máy móc, thúc đẩy kỹ thuật, sản xuất phát triển và việc
phân chia thành hai giai cấp cơ bản của xã hội tư bản chủ nghĩa. Để đạt được yêu cầu
này, giáo viên sử dụng sơ đồ sau đây:

Trên cơ sở sử dụng tranh, ảnh, sơ đồ... để học sinh nắm được nội dung các đặc
trưng của khái niệm, giáo viên hướng dẫn học sinh làm bảng sơ kết những vấn đề
được trình bày trong các đồ dùng trực quan. Ví dụ, về khái niệm “công trường thủ
công” nêu trên, giáo viên hướng dẫn học sinh lập bảng tổng kết sau đây:

Việc hình thành khái niệm như vậy phải tiến hành trên cơ sở tích luỹ một số kiến
thức lịch sử cần thiết, nhất là đối với những khái niệm chung, thường gặp trong cả
khoá trình, như khái niệm “cách mạng”, “văn hoá”, “tôn giáo”, “chủ nghĩa tư bản”,
“chủ nghĩa đế quốc”... Ví dụ: việc hình thành khái niệm “chủ nghĩa tư bản” được tiến
hành như sau:

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của việc học tập khoá trình Lịch sử thế
giới cận đại là hình thành khái niệm về “chủ nghĩa tư bản”. Bởi vì, có nắm được khái
niệm này mới hiểu được Lịch sử thế giới thời kỳ cận đại và thời kỳ tiếp theo của Lịch
sử thế giới và Lịch sử dân tộc từ nửa sau thế kỷ XIX.

Trước hết về khái niệm “phương thức sản xuất” (sự thống nhất trong một thời
gian nhất định của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất) ở một mức độ nhất định,
học sinh đã nắm được khi học Lịch sử thế giới cổ đại và trung đại, nhất là khi học về
công trường thủ công, về sự bóc lột của chủ công trường thủ công đối với người lao
động làm thuê (chưa phải là tư sản và vô sản).
Trong các bài “Cách mạng Hà Lan thế kỷ XVI”, “Cách mạng tư sản Anh ở thế
kỷ XVII”, và “Cách mạng tư sản Pháp thế kỷ XVIII”, tính chất tư bản chủ nghĩa của
các công trường thủ công đã được trình bày đầy đủ, chi tiết và học sinh dần dần thấy
rõ tính hơn hẳn của sản xuất tư bản chủ nghĩa so với sản xuất phong kiến, cũng như
mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa với quan hệ
sản xuất phong kiến lỗi thời. Những sự kiện cụ thể về sự xâm nhập của chủ nghĩa tư
bản vào nông thôn Anh trong những thập kỷ đầu thế kỷ XVII làm cho học sinh hiểu rõ
nguyên nhân và tiền để của Cách mạng tư sản Anh. Các cuộc cách mạng tư sản bùng
nổ tiếp theo ở Mỹ, Pháp, Đức, Italia, Nhật... dưới nhiều hình thức khác nhau càng giúp
học sinh đi sâu hơn vào nguyên nhân bùng nổ của cuộc cách mạng này.

Khái niệm “chủ nghĩa tư bản” tiếp tục được mở rộng nội dung khi học sinh tìm
hiểu về chế độ xã hội, chính trị, sự phát triển của các nước sau khi cách mạng tư sản
hoàn thành, chế độ tư bản được xác lập, thay cho sự thống trị của chế độ phong kiến.
Ở đây, giáo viên miêu tả và phân tích phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được
thực hiện trên cơ sở lao động làm thuế. Từ đó, các em hiểu rõ sự xuất hiện hai giai cấp
cơ bản là tư sản và vô sản. Nhắc lại những kiến thức đã học, giáo viên giúp học sinh
phân biệt tình trạng đời sống và vị trí của nô lệ, nông nô, công nhân... trong lịch sử.

Khái niệm “chủ nghĩa tư bản” được khai thác ở khía cạnh về quan hệ giữa giai
cấp tư sản thống trị với giai cấp vô sản và các tầng lớp nhân dân lao động khác, để học
sinh thấy rõ mẫu thuẫn giữa giai cấp vô sản và nhân dân lao động với giai cấp tư sản
ngày càng sâu sắc, dẫn tới những cuộc đấu tranh mạnh mẽ gay gắt. Sự phát triển tất
yếu của lịch sử, mà cuộc đấu tranh giai cấp giữa tư sản và vô sản là động lực, dẫn tới
thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Kết quả là chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ
thắng lợi cũng như sự sụp đổ không tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản.

Như vậy, sự hình thành khái niệm “chủ nghĩa tư bản” được tiến hành trong một
quá trình học tập dài, trải qua các khoá trình lịch sử cận đại, hiện đại thế giới và Việt
Nam, trên cơ sở các tài liệu - sự kiện lịch sử phong phú và sự khái quát - lý luận được
nâng cao dần.

Cuối cùng, việc hình thành khái niệm phải dẫn tới việc sử dụng những khái niệm
đã học để tiếp thu kiến thức mới vào đời sống. Ví dụ: khi đã nắm khái niệm “cách
mạng tư sản”, học sinh sẽ có cơ sở lý luận để đánh giá, nhận định những sự kiện, như
cuộc Cách mạng tư sản Pháp thế kỷ XVIII, cuộc Chiến tranh giành độc lập của các
thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ, hay những sự kiện xảy ra ở thời hiện đại. Nắm vững các
khái niệm “chiến tranh chính nghĩa” và “chiến tranh phi nghĩa”, học sinh có nhận thức
đúng về những cuộc chiến tranh đã xảy ra trong lịch sử, cũng như các cuộc chiến
tranh đang diễn ra trên thế giới ngày nay. Từ việc nhận thức đúng mà học sinh có thái
độ và hành động đúng.

3. Việc nêu quy luật và bài học lịch sử trong quá trình dạy - học Lịch sử

Trên cơ sở tạo biểu tượng để hình thành khái niệm, học sinh đã có sự khái quát -
lý luận, song chưa phải đã dừng lại ở đây, mà phải tiến đến nắm quy luật và rút ra bài
học lịch sử. Như đã trình bày, nghiên cứu khoa học cũng như học tập lịch sử phải đạt
đến trình độ nắm quy luật (tuỳ theo yêu cầu và trình độ), và ý nghĩa thực tiễn của việc
học lịch sử là biết vận dụng những bài học của quá khứ cuộc sống hiện tại. Công việc
này cũng là một phần quan trọng của việc phát triển tư duy và năng lực thực hành của
học sinh.

Con đường và những biện pháp sư phạm để rút ra quy luật và bài học lịch sử
trong dạy - học Lịch sử rất đa dạng, nhưng nếu rơi vào công thức, giáo điều sẽ làm
giảm tác dụng của việc giáo dưỡng và giáo dục. Trên cơ sở những sự kiện lịch sử cụ
thể, những biểu tượng và khái niệm đã thu nhận được, giáo viên hướng dẫn học sinh
thấy được bản chất, những mối liên hệ cơ bản, thường lặp lại giữa các sự kiện và rút ra
quy luật (tuỳ trình độ học sinh các lớp, tính chất của quy luật mà có thể nêu lên quy
luật, hoặc chỉ cho các em những vấn đề cơ bản). Ví dụ, qua nhiều bài học về tình hình
các nước trước khi nổ ra cuộc cách mạng tư sản, giáo viên cho học sinh thấy mâu
thuẫn giữa lực lượng sản xuất mới với quan hệ sản xuất cũ, lỗi thời là nguyên nhân
dẫn đến cách mạng. Nội dung của vấn đề ngày một thể hiện cụ thể và sâu sắc qua các
bài học và cuối cùng có thể nêu tổng quát quy luật về tính tất yếu giữa lực lượng sản
xuất và quan hệ sản xuất (quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ của
lực lượng sản xuất). Tuỳ trình độ của học sinh mà có thể nếu quy luật này, song nội
dung cơ bản của nó phải được thể hiện và quán triệt (một cách thích hợp) trong nội
dung các bài học lịch sử nói chung, về cách mạng tư sản nói riêng.

Việc rút ra bài học kinh nghiệm cho cuộc sống được tiến hành thông qua việc so
sánh, đối chiếu. Công việc này trước hết phải đáp ứng những nguyên tắc cơ bản của
phương pháp luận sử học, thực tiễn lịch sử và nhằm vào yêu cầu của hiện tại. Do đó,
giáo viên cần lưu ý học sinh không chỉ nắm vững kiến thức lịch sử quá khứ mà còn
hiểu biết sâu sắc về tình hình chính trị - xã hội ngày nay, để cho sự so sánh đối chiếu
không rơi vào công thức. Về mặt sư phạm, phải chú ý đến đặc điểm lứa tuổi, tâm lý,
trình độ học sinh.
Có nhiều biện pháp tiến hành so sánh, đối chiếu, liên hệ tài liệu lịch sử với hiện
tại.

- Rút ra bài học kinh nghiệm lịch sử cho hiện tại khi học các sự kiện quá khứ (rút
ra bài học từ Công xã Pari cho cách mạng Việt Nam).

- Nêu triển vọng của một sự kiện lịch sử đang học trong quá trình phát triển của
nó, qua học tập Lịch sử cách mạng Việt Nam trong những năm 1930-1945; nêu sự
phát triển của phong trào giải phóng dân tộc với các cao trào 1930-1931, 1936-1939,
1939-1945 và thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.

- So sánh những hiện tượng xã hội cùng loại, những hiện tượng cùng có nguồn
gốc và đang phát triển trong hiện tại để hiểu rõ bản chất của nó (khi học về chủ nghĩa
đế quốc những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, so sánh nó với giai đoạn chủ
nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa tư bản hiện đại để thấy rằng: dù có những đặc điểm
khác nhau trong mỗi giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản, nhưng về bản chất là
không hề thay đổi).

- So sánh, đối chiếu những sự kiện quá khứ và hiện tại để hiểu rõ hơn những sự
kiện ấy. Liên hệ công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa của dân tộc trong những thời kỳ
trước để hiểu rõ nhiệm vụ của chúng ta ngày nay trong việc kế thừa, bảo vệ, phát triển
những di sản văn hoá của dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.

- So sánh, đối chiếu hai sự kiện trái ngược nhau để nêu bản chất của mỗi sự kiện
(tìm hiểu các bên tham chiến trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, Chiến tranh thế
giới thứ hai... để xác định tính chất chính nghĩa hoặc phi nghĩa của mỗi bên).

- Nhấn mạnh những vấn đề quá khứ vẫn có ý nghĩa đối với thời đại hiện nay (tư
tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc, về xã hội hạnh phúc, ấm no, văn minh tiến
bộ...).

Việc so sánh, liên hệ, đối chiếu giữa lịch sử quá khứ với hiện tại phải sát, đúng
(tài liệu quá khứ và tình hình hiện nay), thiết thực (rút ra bài học có ích).

You might also like