You are on page 1of 3

Triết học tôn giáo

Bản tóm 10
Giuse Bùi Quang Minh, SJ

Plotinus (204 – 270): Hữu thể và thần bí

Một trong những vấn đề được bàn thảo nhiều quanh chủ đề tương quan giữa các hình
thái tôn giáo (diễn tả qua Truyền thống và những tín biểu) và kinh nghiệm của cá nhân. Khoa
thần bí Kitô giáo và Hồi giáo chịu ảnh hưởng khá nhiều từ tư tưởng về của Plotinus, nhất là từ
siêu hình học và nhân học. Plotinus đặt ra câu hỏi về mối tương quan giữa tôn giáo và lý trí
(khác với Kant và Newman), từ những yếu tố thuộc về tri thức luận và hữu thể luận của Platon
và Aristotle. Qua đó ông tạo nên một khung điều kiện trên đó có thể nối kết kinh nghiệm thần
bí với những lĩnh vực thực tại khác.
Điểm chính trong triết học tôn giáo của Plotinus là bản văn nói về Cái Mỹ (I 6 1) và những
suy tư về Cái Thiện và Cái Nhất (VI 9 9). Các tác phẩm của Plotinus do học trò và người bạn của
ông là Porphyrios tập hợp và sắp xếp trong tác phẩm The Enneads.

Siêu hình học về cái Đẹp (kalos – the Beauty)


Trong các bản văn đầu tiên của mình (I 6), Plotinus nói về cái Đẹp như là kinh nghiệm về
thẩm mỹ. Điều đó hệ tại ở việc hình thành sự tưởng tượng về Đơn Nhất. Điều đó phải được giả
thiết là con người có khả năng đưa kinh nghiệm khả giác trong thế giới khả giác của mình vào
cảnh vực lý giác. Và hoa trái của nó chính là kinh nghiệm về cái Đẹp. Cũng như Platon trong lời
trần tình về cái Đẹp của nữ ngôn sứ Diotima, cái đẹp cũng khởi đầu bằng cái đẹp của thân thể
(không chỉ hiểu là thân thể người, mà là các sinh vật có hình thái). Đó là khởi điểm của một kinh
nghiệm thẩm mỹ, và kinh nghiệm thẩm mỹ (esthetic) thì gắn liền với kinh nghiệm tình yêu
(erotic). Cả Platon và Plotinus đều khẳng định điều này và nhấn mạnh đến bậc cao hơn của một
kinh nghiệm thẩm mỹ. Cái Mỹ không chỉ được ngưỡng mộ, mà còn được ái mộ và ao ước. Kinh
nghiệm thẩm mỹ là một kinh nghiệm của hòa điệu, gắn bó và cân đối, tương ứng. Và khái niệm
trung tâm được dung để giải thích cái Đẹp không gì khác hơn là eidos. Kinh nghiệm thẩm mỹ là
một sự hồi niệm. Con người hồi tưởng lại các eidos, forms của mình. Và đồng thời trông thấy các
sự vật và các form của nó cho chúng ta biết về thẩm mỹ. Xấu là cái thiếu đẹp hoặc không đẹp,
theo nghĩa là chúng ta không khám phá ra nơi nó Form hay cái trình bày của form đến với ta
không đầy đủ. Cái đẹp là sự trình bày viên mãn của một hình thể và sự triển nở của nó cho ta.
Trong cái Đẹp thì linh hồn cũng được trở nên ý thức về mình, mỗi lúc một lớn hơn.
Như đã nói, Eidos với tư cách là hữu thể bản chân là nguyên nhân của cái Đẹp. Bản chất
của sự vật là đẹp sẽ được đánh giá theo mức độ nó thông dự vào tính toàn vẹn của bản chất hữu
thể. Kinh nghiệm thẩm mỹ là con đường dẫn đến hữu thể. Hữu thể luôn là đối tượng của sự ao
ước. Plotinus, trong thái độ chống một quan niệm quá suy lý về hữu thể, đã cho rằng hữu thể có
tính đẹp dựa nào sự hiện hữu bản chân của nó. Tuy nhiên, nói thế Platon cũng không chủ trương
bài lý trí. Nói rằng, Cái đẹp trong mức độ là thước đo của hữu thể có nghĩa là xếp đặt cái đẹp vào
tổng thể của thực tại mà thôi. Thế giới của cái mỹ thì không tồn tại độc lập. Kinh nghiệm về thẩm
mỹ có thể được diễn tả thậm chí trong ngôn ngữ của hữu thể.
Tri thức luận thẩm mỹ có được là do sự hồi nhớ. Khi nhìn thấy một sự đẹp, linh hồn nhớ
lại chính mình và ý thức được nơi mình có khả năng thẩm mỹ. Cũng như Plato và Aristote,
Plotinus phân biệt các tài năng của linh hồn. Khả năng thẩm mỹ là được điều hành bởi chức
năng cao nhất của linh hồn, nhưng nó không thuần túy lý trí nhưng còn gói ghém cả chiều kích
tâm cảm. Tri thức về cái đẹp được giả định bởi hai điều kiện hiện hữu của eidos. Trước hết đối
tượng được tri nhận sẽ hiện ra trong sự đa dạng của các bộ phận nơi nó. Plotinus phân biệt Thể
và Hình. Hình là sự xuất hiện của Thể không phân chia dưới dạng đa. Thêm vào đó eidos là một
cách thức hiện hữu cao hơn và không thể phân chia, xuất hiện trong linh hồn. Tri thức thẩm mỹ
là sự kết hợp của hai cách hiện hữu của Eidos. Tri giác sẽ tập hợp hai cách nhìn lại thành một
thể thống nhất. Nó được mang vào nội tâm của chủ thể và hòa hợp với tâm hồn.

Tinh thần (Trí – noùs – Intellect)


Trong I 6 thì Plotinus bàn về kinh nghiệm thẩm mỹ theo lối bị động. Ngược lại trong V 8
Plotinus bàn về kinh nghiệm thẩm mỹ theo lối chủ động, nơi đó chủ thể sáng tạo theo tiến trình
như của một nghệ sĩ. Ở đây Plotinus nói đến phần thứ hai (hypostasis) của linh hồn: trí năng
(intellect). Như đã nói, Eidos lúc này cũng là nguyên nhân của vẻ đẹp của một tác phẩm. Trước
khi nhà nghệ sĩ thể hiện nó ra thành tác phẩm, nó đã xuất hiện trong ông, theo mức độ ông là
người thực thi nghệ thuật. So sánh về trí năng với nghệ thuật ta có 3 điểm sau:
a. Sáng tạo: nghệ sĩ mang lại điều gì đó mới mẻ. Đặc nét của nghệ thuật là sự độc
đáo. Plotinus phản đối ý kiến cho rằng nghệ thuật chẳng qua chỉ là bắt chước thiên nhiên mà
thôi. Nghệ thuật là sự hợp nhất của hình và thể. Trí năng không là thể, nhưng là cái thực hiện
các thể. Ông so sánh linh hồn với chất liệu còn trí năng với nghệ sĩ. Tương quan giữa thể giới
hữu hình và trí năng được trung gian bởi khái niệm hình ảnh. Hình ảnh này không là một hình
ảnh nhân tạo (nghệ thuật) nhưng là một hình ảnh tự nhiên. Một hình ảnh nghệ thuật là một bức
tranh hay pho tượng, trong khi hình ảnh tự nhiên có thể chỉ là phản chiếu hay bóng mà thôi.
b. Trực giác: Nghệ sĩ không là kẻ xây dựng. Cái tổng thể thì cao vượt hơn chi tiết.
Trực giác là sự hợp nhất mà một tác phẩm nghệ thuật còn giữ được cho đến chi tiết cuối cùng.
Và ở đó mà Plotinus phân biệt giữa nghệ thuật và khoa học. Khoa học làm việc với tiền đề và kết
luận. Tri thức trực giác của nghệ sĩ thì nền tảng hơn suy tư khoa học.
c. Tổng thể: Mỗi tác phẩm nghệ thuật phản ánh toàn bộ thực tại. Plotin so sánh tính
tổng thể của trí năng mới sự đồng chất giữa vàng và ánh sáng. Ánh sáng thì trong suốt và xuyên
qua. Mỗi một phần của thể thật là đều là phản ánh toàn phần của trí năng. Nếu trong trí năng ta
nhận ra thể, ta sẽ nhận ra toàn bộ thực tại.

Đơn Nhất (ἕν – hen- the One)


Đơn Nhất là một thuộc tính siêu nghiệm của hữu thể. “Tất cả các hữu thể (beings) thì đều
nhờ vào Đơn Nhất”. Sự toàn hảo của một hữu thể tùy thuộc vào tính hợp nhất của nó với cái
Đơn Nhất. Ví như Hồn là nguyên nhân của sự hợp nhất của toàn bộ thân xác, nhưng vẫn tiếp tục
tính đa dạng trong tài năng của mình (tri giác, cảm giác, etc.) Tuy nhiên, Plotinus phân biệt Linh
Hồn và Đơn Nhất và từ đó sự khác biệt giữa hữu thể và Đơn Nhất. Mỗi Eidos là một hữu thể
(theo tinh thần Platon) và là nguyên lý của Đơn Nhất tính (hợp nhất tính) tuy nhiên, nó cũng là
cơ bản cho Đa Tính. Cũng vậy, tinh thần cũng không phải là nguyên lý cuối cùng của thực tại. Vì
tinh thần thì tự đó là đã là một nguyên lý lưỡng phân rồi: giữa hành động suy nghĩ và điều được
suy nghĩ. Trong trường hợp Tinh Thần tự suy nghĩ về mình thì cũng vậy, dù có một đặc tính
riêng biệt: Nếu tinh thần tự nghĩ về mình, thì nó sẽ nghĩ đến nguyên nhân của sự đa dạng của
nó, và nó có kinh nghiệm về Hợp Nhất (Đơn Nhất) và từ đó, nó ý thức rằng nó không là Đơn
Nhất thuần túy, nhưng nó xuất phát từ Đơn Nhất.
Plotinus không chứng minh sự hiện hữu của Đơn Nhất. Ông khám phá Đơn Nhất như
nguyên lý quan yếu trong tất cả mọi hệ thống triết lý của mình mà nếu chối bỏ sẽ không giải
thích được vũ trụ. Đơn Nhất vượt lên trên lãnh vực hữu thể và yếu tính. Đơn Nhất là một thực
tại khôn tả và không bị giới hạn nào. Nó không rơi vào sự quy gán của phạm trù, kể cả lượng và
chất. Nó chẳng tác động cũng chẳng chịu tác động cả trong không và thời gian. Khi chúng ta nói
rằng Đơn Nhất là nguyên do của mọi sự thì chúng ta không nói về Đơn Nhất theo nghĩa tự thân,
cho bằng chúng ta phát biểu tương quan của sự vật với Đơn Nhất. Khi chúng ta nói Đơn Nhất,
thì đơn thuần chúng ta phủ định tính Đa và tính Khả Phân, chứ không thể phát biểu về Đơn Nhất
theo nghĩa xác định.
Do đó nếu ta có xác định một tính chất nào của Đơn Nhất, thì cũng không nên kể đó là
những đặc điểm tích cực, chính xác của Đơn Nhất, mà chỉ nên coi đó như là những đặc tính
tương đối, so với những thực tại bên dưới mà thôi. Ông diễn tả Đơn Nhất như một Hư vô vượt
mọi yếu tính (Nihil superessentiale).
Vậy thì làm sao ta có khả năng đi vào Đơn Nhất? Đơn Nhất không là trọng tâm của linh
hồn mà là trọng tâm của mọi hữu thể. Tuy nhiên, linh hồn có khả năng dùng trọng tâm của mình
để đụng chạm tới trọng tâm tối cao. Đơn Nhất thì luôn luôn trong ta, nhưng ta không phải lúc
nào cũng ở bên Đơn Nhất. Đơn Nhất không khao khát ta, nhưng ta khao khát Đơn Nhất, vì ta chỉ
có thể sống chân chính khi ta lấy Đơn Nhất làm trọng tâm.
Vì là trọng tâm tuyệt đối nên Đơn Nhất là nền tảng của mọi hữu thể, là nguồn mạch của
tinh thần, là cội rễ của linh hồn. Dù là suối nguồn của mọi sự nhưng không vì đó mà Đơn Nhất
bị giảm thiểu hay biến thể. Sự chiếu tỏa của tinh thần từ Đơn Nhất có thể sánh ví ánh sáng phát
ra từ mặt trời. Tinh thần là phản ánh sự hoàn hảo của Đơn Nhất. Ánh sáng cần thiết bao lâu mặt
trời còn chiếu soi. Vì thế Tinh Thần và Linh hồn thì trường cữu như chính Đơn Nhất. Nhưng vì
ánh sáng, nếu không có mặt trời thì làm sao tồn tại, nên tinh thần và linh hồn sao có được nếu
không có Đơn Nhất. Tinh thần ngoài tài năng suy tư thì còn mang trong nó tình yêu. Việc suy tư
chỉ xảy ra trong phạm vi tinh thần, chỉ có tình yêu thì mới có thể đụng chạm vào cái thiện, nằm
bên kia tinh thần (một loại mystique về tình yêu). Sự gặp gỡ loại này không do tự sức mà có, con
người chỉ có thể chuẩn bị sẳn sàng và chờ đợi sự tỏ hiện này mà thôi. Và khi ấy “là sự tương
phùng của hai trọng tâm, của linh hồn và Đơn Nhất”. Sự hợp nhất ấy không là một sự trông nhìn,
nhưng là một thứ trực giác, của “ra khỏi mình (exstase), tự biến mình thành đơn giản và hành
vi dâng hiến.”

You might also like