You are on page 1of 5

Tin buồn: Nhạc sĩ An Thuyên qua đời

Nhạc sĩ An Thuyên – Hòa quyện ca dao và dân ca…

Chúng ta thật ngỡ ngàng, đau buồn trước sự ra đi đột


ngột của Nhạc sĩ (NhS) An Thuyên lúc 16:20 chiều qua,
3/7/2015. Buổi chiều đang lái xe về nhà, tôi nhận được tin
nhắn từ một anh cùng cơ quan: "Lại thêm nhạc
sỹ An Thuyên vừa qua đời chiều nay...", "Vì sao thế, tai nạn
hay sao, Anh?", "Bị đột quỵ, chắc là do thời tiết...".

Thật ư? Anh An Thuyên ơi...

Tháng Năm năm Ất Mùi (2015) sao có nhiều tổn thất cho âm nhạc VN...

Về đọc tin mới biết NhS bị đau tim, chắc là đau lần đầu (và cũng là lần cuối).
Buồn quá, sao lại như thế được?! Theo báo chí: "Con gái nhạc sĩ An Thuyên, ca
sĩ Bông Mai, cho hay chiều nayk hi đang trên đường tới nơi làm việc, nhạc sĩ bất
ngờ thấy đau ngực. Ông đã gọi cho cô để đưa ngay tới bệnh viện. Trên đường đi,
cha cô vẫn còn vui tươi, chỉ trỏ đường xá. Khi lên đến phòng bệnh tại tầng 4 của
bệnh viện Quân y 108, tình trạng của nhạc sĩ vẫn bình thường. Tuy nhiên, tới lúc
con gái chạy ra ngoài gọi bác sĩ và quay trở lại thì thấy ông nằm co.

Nhạc sĩ An Thuyên được bác sĩ khoa A1 (Nội Cán bộ) chẩn đoán bị nhồi máu
cơ tim cấp. Ông ngưng tim lúc 16h20, hưởng thọ 65 tuổi..."

Tôi ngờ ngợ, phải chăng do cấp cứu có vấn đề? Trên đường từ 15:00 NhS
vẫn tỉnh táo, đến BV lên tầng 4, hình như không có sơ cứu, hội chẩn mà để bố
con NhS ở lại phòng 1 mình? Khi NhS có vấn đề và con gái đi gọi BS quay lại
thì đã muộn???". Thà không kịp đến BV, đã đến rồi mà còn bị như thế là làm
sao???...

Bệnh viện 108 được tiếng chữa trị giỏi, lại là quân đội, chữa trị cho các cán
bộ cao cấp. NhS là Thiếu tướng, cán bộ cao cấp... Cách đây mấy tháng, cũng có
cán bộ quân đội cao cấp đã nghỉ hưu, khi bị sự cố hiểm nghèo và may mắn qua
được cơn nguy kịch. Luc vào thăm, ai cũng nói may mà không gọi cấp cứu, mà
nhờ người đưa thẳng vào chuyên khoa, chứ không thì nằm chờ thủ tục, khám xét
và chậm xử lý ở phòng cấp cứu thì chưa biết ra sao (!?)...

NhS có tiền sử cao huyết áp, lần đầu đau tim mà ngành y phải đầu hàng... Có
gì đó không ổn đây? Thời chiến bom đạn không đe doạ được tính mạng các sĩ
quan, chiến sĩ và người dân, sao nay thời bình mà cuộc sống có lúc mong manh
thế???!!! Mỗi năm mất một sư đoàn người lao động sung sức chết vì tai nạn giao
thông, chưa kể các tai nạn xây dựng, tai nạn vì y đức...

Hy vọng sẽ có thông tin rõ hơn từ thời điểm NhS nhập viện cho đến 16:20
đã được xử trí và điều trị ra sao...

NhS An Thuyên thuộc thế hệ gần chúng ta, sinh năm 1949. Hôm qua đến
nay có nhiều bài viết về tiểu sử, sáng tác, sự nghiệp, cuộc sống của NhS và gia
đình... Anh lớn lên từ Quỳnh Lưu, Nghệ An, quê hương những điệu hò, dân ca
xử sở...

"Em chọn lối này" sáng tác năm 1972 đã giúp cho chị Thanh Hoa nâng tầm.
Báo chí nêu 10 ca khúc chọn lọc của NhS An Thuyên. "Đêm nghè hát đò đưa
nhớ Bác" (1974) là kết tinh từ những điệu hò ví dặm. Những năm 1980 các sân
khấu hội diễn rất hay được nghe bài hát này. Bất ngờ vào năm 1985 xuất hiện
"Tiếng đàn Balalaika trên sông Đà" làm bay bổng khí thế một công trình Thuỷ
điện Sông Đà do Liên Xô giúp đỡ, mặc dù những ngày đó cả nước đang rất khó
khăn, "mì độn, bo bo" nhưng "Cuộc đời vẫn đẹp sao" (PHĐ), "Cho ngày nay,
cho ngày mai, cho muôn đời sau" (Hoàng Vân), "Dòng sông quê em, dòng sông
quê anh" (Đoàn Bổng),... cùng với sáng tác của An Thuyên đã góp phần xây
dựng một niềm tin lao động, cuộc sống mai sau sẽ tươi đẹp và khí thế hữu nghị...

Và rồi, sau một loạt các ca khúc tiếp đó, năm 1990 "Ca dao em và tôi" đã
"kết tinh" một An Thuyên từ ca dao thực thụ qua những năm tháng nghiên cứu,
ấp ủ và tham gia viết nhạc kịch như chúng ta đã biết... Bài hát này được thai
nghén từ khi An Thuyên viết nhạc kịch Trương Chi, khi xong thì giao riêng cho
NSND Thanh Hoa độc quyền hát trước, "Cho đến khi em hát trên truyền hình thì
anh mới được giao cho ca sĩ khác hát nhé"... Và đúng thế, chính ca khúc này mà
nhiều tên tuổi đã xuất hiện, cả nam và nữ, rồi thành danh...
Khâm phục tài năng và có chút cá tính của An Thuyên, tôi tin rằng vì
An Thuyên và "Ca dao em và tôi" thì NhS Nguyễn Trọng Tạo mới có sáng tác
xuất thần "Khúc hát sông quê" vào năm 2002 tại Vũng Tàu, phổ thơ Lê Huy Mậu
chỉ trong 30' buổi sáng ngày 2/9/2002 và ngay tối đó NSND Thu Hiền đã biểu
diễn trên chính sân khấu Vũng Tàu...

Chuyện thế này: dịp Tết năm 2001, chúng tôi cùng anh bạn Nghệ An là bạn
cùng lứa với NhS An Thuyên đến Trường Văn hoá Nghệ thuật Quân đội (khi đó
NhS An Thuyên là Hiệu trưởng) chúc Tết. Đến nơi có đầy đủ BGH, lãnh đạo các
phòng... Anh An Thuyên mời khách vào nâng cốc đầu xuân cùng các chiến sĩ,
mời các ca sĩ trẻ đang học lên để minh hoạ một số ca khúc các GV mới sáng tác...
Cuộc vui càng vui hơn khi có NhS Nguyễn Trọng Tạo (NTT) đến chúc Tết và
chia vui... Khi ca sĩ trẻ hát xong "Ca dao em và tôi", mọi người tán thưởng và
cảm ơn tác giả có ca khúc tuyệt với... Nhưng NhS Nguyễn Trọng Tạo thì không,
anh nói trong chếnh choáng men ngày Tết đại ý ca từ không có gì để khen, mà
nên sửa... Thơ ca gì, tình yêu gì mà toàn "cắt' (Cắt nửa vầng trăng...), "chặt",
"bẻ" (chặt đôi câu thơ, bẻ ...). Rồi hai anh to tiếng, chê nhau (cũng là khích
nhau)... Chúng tôi ái ngại quá, càng can các anh ấy càng to tiếng "mi, tau..." (Cái
giọng Nghệ Tĩnh tôi quen rồi, rất tình cảm "mi-tau" ngay cả lúc cãi nhau! 😊 ...).
Nghĩ cũng lạ, Anh NT Tạo đến chúc Tết lại to tiếng với chủ... Thế rồi
anh An Thuyên buông một câu, "không hay tôi đố anh sáng tác được bài như
rứa!". Anh NT Tạo (lúc đó đã "tỉnh hơn" rồi), "Được rồi, cứ đợi đấy, tôi sẽ viết
được bài hay hơn anh coi!".

Đó là lời thách đố và sự nhận lời... Để rồi gần 20 tháng sau, "Khúc hát sông
quê" mới giúp NhS Nguyễn Trọng Tạo trả lời được lời thách... Bài nào hay hơn?
- xin nhường cho khán giả và công chúng, nhưng cả hai đều hay, đều đậm chất
dân ca...

Chắc hai NhS đều tâm đắc và không ít lần "mi-tau", nhưng có lẽ các anh
cũng không ghi vào "lịch sử sáng tác...". Xin mạn phép hương hồn
NhS An Thuyên, xin phép NhS Nguyễn Trọng Tạo tôi nêu lại mấu chuyện nhỏ,
cũng cảm ơn NhS An Thuyên đã khích NhS Nguyễn Trọng Tạo để anh ấy ấp ủ
"món nợ" gần 20 tháng mới bật ra phổ nhạc "Khúc hát sông quê" chỉ trong vòng
30 phút!

Không ít các ca khúc VN rất hay được ra đời vì những lời thách, vì cái "tôi"
của Nhạc sĩ trước phái đẹp... Không có Ái Vân đã không có "Trăng chiều" của
Đặng Hữu Phúc, không có Thuý Cải đã không có "Về quê" của Phó Đức Phương,
không có Lê Giang đã không có "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" của Lư Nhất Vũ...
Và chắc chắn còn nhiều thầm kín phía sau những tình ca, bản nhạc...

Những sáng tác của An Thuyên dễ đi vào công chúng vì đượm chất dân ca.
Anh đã phát hiện ra rằng, thực chất dân ca Nghệ Tĩnh chủ yếu được hình thành
bởi ba nốt nhạc: "LA - MI - ĐÔ", thiếu một trong 3 nốt này sẽ không còn chất
dân ca Nghệ Tĩnh. Vâng, đó chính là gam La thứ trữ tình... Anh cũng đề nghị các
nhà nghiên cứu âm nhạc xác minh lại và tìm những đặc trưng tương tự cho các
làn điều dân ca các vùng miền khác...

An Thuyên đã tài tình "rút ruột" dân ca vào ca khúc, nhưng Anh cũng tinh tế
đưa ý tứ ca dao vào lời ca khúc của mình:
"Đêm ra đồng, em đổ ánh trăng vàng đi" (Ca dao em và tôi)
từ ca dao:
"Hỡi cô tát nước bên đàng, Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi"
(có người nhầm là câu thơ của Bàng Bá Lân!).

An Thuyên cũng đã tài tình đưa được những chi tiết rất đắt của vùng miền
quê Anh: áo tơi mặc trong ngày nắng.
"Trời chang chang nắng, ai quàng áo tơi..." (Hà Tĩnh mình thương),
hay như
"Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng
Dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng"
(Ca dao em và tôi)

Ai đã từng ở miền Trung gió Lào khô khốc, nắng chang chang đổ lửa (đợt
nắng Hà Nội tuần qua chưa thấm đâu) mới hiểu được giá trị của "quàng áo tơi"....

Còn nhiều, nhiều nữa những đặc sắc, độc đáo trong những sáng tác
của An Thuyên...
Tiếc sao, Anh đã ra đi quá nhanh, quá sốc cho gia đình, bạn bè, người yêu
âm nhạc và công chúng...

Viết đến đây kiểm tra báo mạng thấy bài của anh Nguyễn Trọng Tạo viết
nhanh đêm qua mà Dân Trí vừa đăng:
http://dantri.com.vn/van-hoa/vinh-biet-an-thuyen-nguoi-nhac-si-cua-cong-
chung-1093935.htm

Và công chúng cũng nhận được thông báo về Lễ tang:


"Tang lễ của Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên sẽ diễn ra vào lúc 7h30 phút
sáng thứ năm, ngày 9/7 (tức ngày 24/5 âm lịch Ất Mùi) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc
phòng, số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 7h30 đến 12h30."

Ai có điều kiện xin đến viếng, tiễn đưa Anh về cõi vĩnh hằng, về với những
lời du ngàn thu của dân ca, ca dao để linh hồn Anh sớm siêu thoát...

Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Nhạc sĩ An Thuyên...

Những ca khúc của Anh và tâm hồn âm nhạc của Anh sẽ sống mãi với công
chúng!

Đêm cuối tuần, mưa, buồn...

Hà Nội, ngày 4 tháng 7 năm 2015


Nguyễn Ngọc Bình
www.uet.vnu.edu.vn/~nnbinh
fb.com/nnbinh.ict
nnbinh2010@gmail.com

You might also like