You are on page 1of 3

Bài làm

“Tôi về phố cổ Hội An


Một chiều đầu tháng ngập tràn nắng xuân.
Khách nơi xa lẫn khách gần
Cảnh quan đô hội níu chân từng người.”
Phố cổ Hội An là cầu nối giữa cái cổ với cái hiện đại, là cuốn nhật ký với
vô vàn kỷ niệm, nỗi niềm xưa cũ, là nơi mà sự bình dị tưởng chừng như vĩnh
hằng. Lặng lẽ, yên tĩnh mà ung dung, đó là những điều mà khiến Hội An nổi bật
với chúng ta đến vậy, khiến nó mang một vẻ đẹp cổ kính đến nao lòng với
những con đường sáng rực cùng những chiếc đèn lồng, những con thuyền nhỏ
an nhiên tự tại ngắm cảnh thiên nhiên…
Tọa lạc tại hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven tỉnh Quảng
Nam, cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía Nam, phố cổ Hội An là thành phố
du lịch nức tiếng của Việt Nam, thu hút rất lớn khách du lịch cả trong và ngoài
nước. Để đến Hội An từ Hải Phòng, ta nên đi bằng máy bay để tới Đà Nẵng rồi
mới đi xe ô tô đến phố cổ để tiết kiệm thời gian và tiện lợi hơn khi tổng thời
gian cả bay lẫn đi xe chỉ có hơn 2 tiếng. Nhưng bạn cũng có thể đi bằng xe
khách đến Hội An nhưng tổng thời gian đến đó sẽ tăng lên 17 tiếng. Vì Hội An
không có các nơi đồi trũng gập ghềnh hay phải đi đường dài, nên đồ chuẩn bị
không cần nhiều, ngoại trừ việc các bạn có thể đem theo đôi ủng và quần áo
thay khi lên thuyền ngắm cảnh trên sông hoặc quần áo đẹp để chụp những bức
ảnh thơ mộng nhất có thể.
Hội An được thành lập vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVI, dưới thời nhà
Lê nhưng chỉ khi sau năm 1570 thì Hội An mới thật sự phát triển, mở cửa giao
thương với bên ngoài và trở thành thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất Đông
Nam Á thời kỳ đó. Trong suốt các thời kỳ và triều đại sau, phố cổ Hội An càng
khẳng định vị thế, giá trị kinh tế và giao thương của mình khi số lượng thuyền,
người buôn bán từ nhiều nước tăng lên, thu hút các thương nhân từ Nhật, Trung,
Xiêm, Indonesia đến bán các đồ gia dụng, hữu ích: đồ đồng, sắt,... và mua lại
đường, tơ lụa,... Nhưng mọi thứ rồi sẽ mất đi cái huy hoàng của nó, Hội An
cũng thế. Kể từ sau cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đến thời nhà Nguyễn, Hội An đã
bị tàn phá nặng nề, dù sau đó được gây dựng lại nhưng mất đi các nét văn hóa
nước khác trong kiến trúc. Sau đó, Hội An dần mất đi vị thế, sự phồn vinh một
thời và gần như rơi vào lãng quên. Không những thế, phố cổ còn từng suýt nữa
rơi vào sự biến dạng của quá trình đô thị hóa tại Việt Nam. May mắn thay, gần
đây, Hội An đã dần khôi phục lại và trở nên nổi tiếng với bạn bè năm châu.
Kiểu nhà phổ biến ở thành phố Hội An thường chỉ có một đến hai
tầng với kiểu dáng hẹp, chiều sâu dài tạo thành kiểu nhà hình ống. Những
vật liệu chính dùng để dựng nhà thường rất chắc chắn, độ bền cao giúp
giảm thiểu thiệt hại từ khí hậu và bão lũ. Thường thấy, các nhà có kết cấu
kiểu nhà khung gỗ với hai bên tường ngăn cách. Bố cục chủ yếu ở đây có
vỉa hè, nhà chính, nhà phụ, hiên, nhà ba gian, vườn sau. Nhiều nhà phố ở
Hội An sắp xếp và bố trí căn nhà thành ba phần gồm không gian buôn bán,
không gian sinh hoạt và không gian thờ cúng. Cho dù khoảng cách giữa các nhà
trong khu phố cổ khá hẹp nhưng nhờ vào lối kết cấu mở cho tổng thể kiến trúc
và nét thiết kế cổ kính xưa, nó mang tới cho chúng ta một cảm giác yên bình,
bình dị tới lạ kỳ.
Con đường tại phố cổ thường ngắn, hẹp và chạy dọc ngang như bàn cờ.
Những con đường nhỏ hẹp nhưng lại luôn tấp nập bóng người, uốn lượn quanh
co, ôm trọn những kiến trúc làm cho du khách cảm nhận được phần nào sự nhộn
nhịp, vui tươi của phố cổ. Không một tiếng gầm rú của xe cộ, không còn tiếng
ồn ào đến đau đầu tại chốn công sở, trường học, nhà máy xí nghiệp,... là những
điều du khách sẽ cảm thấy ngạc nhiên nhất khi lần đầu đặt chân trên đất Hội An,
như thể đây là một nơi thuộc xa xưa bất chợt hiện ra tại chốn hiện đại này. Ở
một số đường, nổi bật nhất là đường Trần Phú, tập trung các kiến trúc quan
trọng, giao thoa nhiều nền văn hóa, điển hình là các hội quán do người Hoa xây
dựng nhằm tưởng nhớ đến quê hương họ. Một số kiến trúc mang vẻ đẹp do giao
thoa giữa nhiều nước càng làm nổi bật thêm vẻ cổ kính của phố cổ, trong số đó
không thể không nhắc tới là Cầu Hội An với sự kết hợp giữa kiến trúc Việt-
Nhật-Trung. Nó là minh chứng cho sự tồn tại của một thương cảng sầm uất, nơi
văn hóa giao thoa. Cầu được làm hoàn toàn bằng gỗ với trụ cầu bằng gạch đá,
và một điểm đặc biệt nữa chính là mái che lợp ngói âm dương đã ngả màu theo
thời gian.
Khi về đêm, cũng là lúc hoạt động diễn ra sôi nổi hơn, phần kiến trúc
cũng không kém cạnh khi người dân cùng thay thế đèn nê-on bằng đèn phát ra
từ đèn lồng soi sáng khu phố cổ, càng góp phần bộc lộ rõ vẻ cổ kính tuyệt diệu.
Ánh sáng huyền ảo hòa quyện với nhau giống như một buổi dạ tiệc của ánh
sáng, nơi giao thoa giữa sự bình dị của kiến trúc cổ xưa với sự sôi nổi của nhịp
sống hiện đại. Đúng lúc này, mọi thứ cùng chìm vào ánh đèn, cùng gợi lại
những nét đẹp từ cổ xưa tưởng chừng đã mất, chính là lúc đẹp nhất, để con
người nhớ về những thứ từng hiện hữu.
Khi đặt chân tới Hội An, thật sự rằng đến đấy để ngắm mỗi cảnh thôi thì
thật là lãng phí. Tại Hội An, dù là buổi sáng hay buổi đêm, các bạn vẫn sẽ có cơ
hội được trải nghiệm món ăn, trò chơi hay lễ hội. Cao lầu, mỳ Quảng, cơm hến
và chè Hội An là những món nên thử vì hương vị đặc sắc của chúng khiến bạn
khó có thể cưỡng lại được mà phải gọi thêm các món khác. Còn về đêm, bạn sẽ
được trải nghiệm những hoạt động khác nhau, nổi bật nhất là thả đèn hoa đăng
trên sông, ước nguyện về những điều may mắn sẽ diễn ra với bản thân. Không
đủ cuốn hút? Vậy sao không tham gia các trò chơi dân gian? Sau khi đi một
vòng ngắm cảnh đêm Hội An rồi, bạn có thể dừng chân ngay đầu phố Nguyễn
Thái Học hay công viên Kazik để hòa mình vào không khí nhộn nhịp của trò
chơi bài Chòi, đập bùng binh,... Hoặc với cảnh đẹp đến nao lòng như thế, không
chụp một bức ảnh lưu niệm thì cũng tiếc.
Có thể nói, phố cổ Hội An có một sự ảnh hưởng không hề nhỏ tới chính
vùng đất đó, tới ngành du lịch của nước nhà và cả khách du lịch. Từ việc được
UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1999, Hội An đã thu hút
rất nhiều khách du lịch từ bốn phương, đồng thời truyền bá văn hóa vùng đất
mình tới bạn bè năm châu, từ đó giúp nền văn hóa, truyền thống tốt đẹp và vẻ
đẹp của Hội An thêm trường tồn. Việc thu hút nhiều khách đến thăm sẽ tăng
doanh thu, nguồn vốn không chỉ cho riêng phố cổ mà cả đất nước, càng làm đất
nước ta thêm phồn thịnh và đầu tư thêm nhiều hơn vào Hội An khi năm 2022,
tổng doanh thu du lịch Quảng Nam đạt 3800 tỷ đồng. Phố cổ đồng thời truyền
cảm hứng cho khách du lịch trong và ngoài nước tìm hiểu sâu hơn về văn hóa,
kiến trúc để cùng chung tay bảo tồn những gì tinh túy nhất của Hội An.
Bước xuống những con đường ở Hội An, vừa ngắm nhìn những ngôi nhà
cổ san sát nhau với những chiếc lồng đèn sáng rực, tôi như được thả lòng,
những tâm tư nặng nề giờ đã phai nhòa, còn lại trong tôi là sự thán phục trước
vẻ đẹp trầm lắng nơi đây, nét buồn thoang thoáng khi nhìn thấy sự thay đổi
nhanh chóng của thời gian và cảm giác như được trở lại những năm xưa. Tôi chỉ
mong lúc nào Hội An cũng sẽ như thế, vẫn sẽ bình dị, yên ắng mà vẫn toát được
vẻ cổ xưa cho đến sau này, nếu không, tôi sẽ chẳng thể chấp nhận điều đó.
Hội An đã, đang và sẽ luôn là huyền thoại, dấu ấn khó phai của lịch sử, là
cầu nối giữa cổ xưa và hiện không bao giờ gãy đôi. Hội An vẫn sẽ luôn ở trong
tâm trí chúng ta, hiện lên xinh đẹp, cổ kính một cách sinh động như thế dù ta có
trải qua bao nhiêu đi nữa, để ta được quay lại những khoảng thời gian xưa, tận
hưởng vẻ đẹp giản dị luôn trường tồn. Để điều đó xảy ra, chúng ta cần phải
chung tay bảo vệ phố cổ khỏi việc rơi vào quên lãng, liên tục truyền bá hình ảnh
đẹp của Hội An ra ngoài thế giới, gìn giữ kiến trúc cổ xưa bằng cách không đập
phá, vẽ bậy hay xả rác ra đường làm Hội An mất đi sự hấp dẫn của nó.

You might also like