You are on page 1of 6

Tài liệu ôn thi Tốt nghiệp THPT 2022

CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA


(Nguyễn Minh Châu)
1. Tác giả, tác phẩm:
- Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam thời chống Mĩ và là người
“mở đường tinh anh và tài năng trong văn học thời kì đổi mới” (Nguyên Ngọc). Với một khát
khao mãnh liệt đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn mỗi người, ông đã có những trang văn độc đáo,
giàu tính triết luận về con người và cuộc sống.
- “Chiếc thuyền ngoài xa” được in trong tập “Bến Quê” 1985 sau đó in trong tập “Chiếc
thuyền ngoài xa”(1987). Đây là một trong những truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu mang
đậm phong cách tự sự - triết lí. Với ngôn từ dung dị, đời thường, truyện kể lại chuyến đi thực tế của
nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng và những chiêm nghiệm sâu sắc của anh về nghệ thuật – cuộc đời.
II. Đọc hiểu:
1. Tình huống truyện:
1.1. Tình huống truyện là gì?
- Tình huống truyện: là sự kiện đặc biệt của đời sống được nhà văn miêu tả trong tác phẩm.
Tại sự kiện đó nhà văn đã làm sống dậy một tình thế bất thường có tính chất éo le và gây bất ngờ
trong quan hệ giữa các nhân vật; tại sự kiện đó tính cách nhân vật được bộc lộ rò nét, ý tưởng mà
nhà văn định gửi gắm cũng hiện hình khá trọn vẹn. Đối với viết truyện ngắn việc xây dựng một tình
huống mới lạ hấp dẫn là một điều có ý nghĩa then chốt.
- Với “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã rất thành công khi xây dựng một chuỗi
tình huống đầy kịch tính có sự đan kết giữa tình huống bên ngoài và tình huống bên trong.
1.2. Tình hướng truyện “Chiếc thuyền ngoài xa”:
1.2.1. Tình huống bên ngoài: tình huống gặp gỡ thông qua những phát hiện của nhân vật
Phùng - người nghệ sĩ nhiếp ảnh.
a. Phùng- người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp đã phát hiện ra được “cảnh đắt trời cho”.
- Phùng- nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đến vùng biển miền Trung để hoàn thành bộ lịch ảnh thuyền và
biển. Ban đầu Phùng đã “phục kích” gần một tuần lễ, và đã mấy lần bấm máy nhưng chưa có tấm
nào ưng ý. Cái đẹp vẫn hiện hữu ở quanh ta nhưng phát hiện nghệ thuật không phải là dễ.
- Phùng vẫn kiên trì chờ đợi trong sự khám phá và phải đến lần thứ 5 anh mới phát hiện ra
cảnh “đắt” trời cho. Đó là hình ảnh chiếc thuyền lưới vó trong làn sương sớm buổi ban mai. “Trước
mặt tôi là một bức tranh mực Tàu của một danh họa thời cổ”. Hình ảnh so sánh gợi vẻ đẹp giản dị
chân phương và tinh tế của bức tranh. Cảnh thật huyền ảo và kỳ diệu “sương mù trắng như sữa có
pha đôi chút màu hồng hồng” có đường nét “mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe”, tĩnh tại và
sống động “vài bóng người lớn và trẻ con im phăng phắt như tượng…đang hướng vào bờ” tất cả
đường nét màu sắc của bức tranh rất hài hòa rất đẹp đơn giản nhưng toàn bích.
==> Cái đẹp đôi khi rất giản dị, tự nhiên và hiện diện ngay trong cuộc sống. Tuy nhiên đòi hỏi người
nghệ sĩ phải chờ đợi kiên trì, phải dụng công, người nghệ sĩ phải có sự nhạy cảm để nắm bắt được
giây phút ấy.
- Tâm trạng của người nghệ sĩ trước cái đẹp tuyệt đỉnh:
+ Trong giây phút đó “tôi tưởng mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện,
khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Đây là giây phút thăng hoa trong tâm
hồn người nghện sĩ trước cái đẹp. Đó là niềm hạnh phúc to lớn khi phát hiện cái đẹp của ngoại cảnh
của sự toàn thiện. Sức mạnh kì diệu của cái đẹp đã giúp cho người nghệ sĩ như phát hiện ra “cái đẹp
chính là đạo đức” nó thanh lọc tâm hồn con người, nó giúp tâm hồn con người trong trẻo thanh tân
hơn.
+ Phùng sung sướng và bất tử hóa bức tranh nghệ thuật “trời cho” bằng những tấm ảnh của
mình “tôi gác máy lên bánh xích cả chiếc xe tăng hỏng bấm liên thanh một hồi hết ¼ cuốn phim”.
1
Tài liệu ôn thi Tốt nghiệp THPT 2022
=> Niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ là rung cảm trước vẻ đẹp tuyệt diệu của thiên nhiên tạo hóa,
là khám phá là sáng tạo.
- Ý nghĩa:
+ Qua tình huống người ngệ sĩ đi tìm cái đẹp và những phút giây tâm hồn thăng hoa trước
cảnh đắt trời cho, nhà văn đã gởi gắm những suy tư về nghệ thuật và hành trình sáng tạo của người
nghệ sĩ
+ Vẻ đẹp thơ mộng và lãng mạn của thiên nhgiên và con người vùng phá nước đã mang lại
niềm hưng phấn đặc biệt cho người nghệ sĩ, bức ảnh nghệ thuật của tạo hóa có tác dụng thanh lọc
tâm hồn con người.
+ Với người nghệ sĩ nhận thức chân lí của nghệ thuật: cái đẹp là đạo đức, là cái thiện; cái
thiện và cái mĩ luôn luôn thống nhất. Hành trình sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ phải công
phu khám phá, phải say mê và có tâm hồn rung cảm trước cái đẹp.
b. Phùng - người nghệ sĩ tình cờ phát hiện bi kịch cuộc sống của một gia đình hàng chài
* Tình huống diễn ra bất ngờ và diễn biến rất nhanh .Nhà văn đã tĩnh lược tối đa lời nói và tăng
cường hành động,tất cả diễn ra chớp nhoáng:
- Những tình tiết dồn dập được nhà văn miêu tả:
+ “Một chiếc thuyền đâm thẳng vào chỗ tôi đứng,một người đàn ông và một người đàn bà
rời chiếc thuyền”
+ Người đàn ông trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp và
chiếc lưng của người đàn bà,người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục,không hề kêu một
tiếng,không chống trả cũng không tìm cách chạy trốn.
+ Bóng một đứa con nít lao qua trước mặt tôi “Cũng y hệt như người đàn bà,thằng bé của
tôi cũng như một người câm”, “Nó dướn thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn
ngực trần vạm vỡ cháy nắng…”
=> Bước ra trên chiếc thuyền đẹp như mơ là hình ảnh lam lũ và phi đạo lý: đằng sau “Chiếc thuyền
ngoài xa” là một sự thật tàn nhẫn của một gia đình hàng chài.
1.2..2. Tình huống bên trong, tình huống nhận thức:
- Sau chi tiết người đàn ông hành hạ vợ dẫn đến câu chuyện ở tòa án huyện hoàn toàn trái
ngược với sự chờ đợi của Đẩu và Phùng- những người có thành ý tốt đẹp nhằm bênh vực cho người
đàn bà khỏi bị bạo hành.
+ Đẩu - chánh án huyện :đứng về phía người phụ nữ nhân danh pháp luật bảo vệ chị thoát
khỏi những trận đòn nghiệt ngã.
+ Người đàn bà nhất định không chịu bỏ chồng dù phải sống trong cảnh “ba ngày một trận
nhẹ năm ngày một trận nặng”.
- Trước thái độ của người đàn bà Đẩu và Phùng rất ngạc nhiên,bất ngờ.Nhưng với lí lẽ của
người đàn bà “Trên thuyền cần có người đàn ông đẻ chèo chống khi phong ba,để cùng làm ăn
nuôi nấng đặng một sấp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa” làm cho cả hai người vỡ lẽ ra
nhiều điều trong cách nhìn về cuộc sống và qua đó hai người cũng hiểu ra những nghịch lý của cuộc
sống.
* Ý nghĩa: Qua tình huống nhà văn muốn gửi gắm thông điệp: “Không nên nhìn cuộc đời
một cách dễ dãi xuôi chiều.Cần phải nhìn nhận mọi việc, hiện tượng trong hoàn cảnh cụ thể của
nó,trong quan hệ với nhiều yếu tố khác nhau và con người phải luôn nhìn lại mình.Hành động
tự nhận thức sẽ làm con người hoàn thiện hơn”
1.3 Đánh giá:
- Với “Chiếc thuyền ngoài xa” Nguyễn Minh Châu thật sự thành công khi xây dựng một
chuỗi tình huống truyện. Điều đó tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn của tác phẩm.

2
Tài liệu ôn thi Tốt nghiệp THPT 2022
- Tình huống truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” có ý nghĩa khám phám,phát hiện về nghệ thuật
và sự thật đời sống. Đó là tình huống nhận thức.
- Nghệ thuật tạo tình huống truyện độc đáo của nhà văn đã tạo điều kiện cho câu chuyện
phát triển một cách hợp logic và góp phần bộc lộ sâu sắc chủ đề của tác phẩm.
2. Hình tượng người đàn bà:
2.1. Lai lịch, ngoại hình và số phận:
- Người đàn bà không tên:
+ Suốt toàn bộ câu chuyện, nhà văn chỉ dung những từ ngữ phiếm định để gọi nhân vật của
mình: người đàn bà, chị, mụ, chị ta, bà, người đàn bà hàng chài,…nhân vật vô danh như bao cuộc
đời nhỏ bé, bất hạnh của những người vủng biển xa xôi, nơi góc khuất của cuộc đời.
+ Nhân vật người đàn bà tuy không tên nhưng có vị trí quan trọng dẫn dắt toàn bộ mạch
truyện. Khi nhân vật xuất hiện thì câu chuyện săn ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng lại chuyển sang
một mạch khác, điều đó giúp cho nhân vật được soi chiếu ở nhiều góc nhìn khác nhau qua đó người
đọc khám phá được góc nhìn từ bề sâu cuộc sống.
- Người đàn bà xấu xí, lam lũ:
+ Hiện ra với vẻ ngoài lam lũ quen thuộc của người đàn bà vùng biển, với thân hình to lớn
cùng những đường nét thô kệch, khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và
dường như đang buồn ngủ, tấm lưng áo bạc phết và rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng.
 Nhân vật được miêu tả chân thực đến từng chi tiết, thật đến nỗi người đàn bà lam lũ từ chiếc
thuyền lưới vó bước thẳng vào trang văn mà không hề sử dụng công nghệ của nghệ thuật. Đó là hình
ảnh của những con người nghèo khổ, lam lũ, vất vả vì cuộc mưu sinh.
+ Nhà văn dừng lại ở chi tiết đôi mắt để khắc sâu hơn về nhân vật:
* Khi chuẩn bị đón nhận trận đòn của chồng, chị đưa cặp mắt nhìn xuống chân
* Khi đối thoại với chánh án tòa án huyện, chị đưa cặp mắt đầy vẻ mệt mỏi nhìn ra ngoài bờ
phá bên kia con đường chính của phố huyện, ở đấy thiếu nữ mặc áo tím vẫn nguồi đợi.
* Khi bắt đầu câu chuyện cuộc đời mình, người đàn bà với con mắt như đang nhìn suốt cả
đời mình.
 Chi tiết đôi mắt mở ra hình ảnh của một cuộc đời không bình lặng, bất hạnh, lúc nào cũng hướng
về các con, đầy nhẫn nhịn, cam chịu. Đôi mắt ẩn giấu một số phận.
- Người đàn bà có số phận bất hạnh:
+ Bất hạnh đầu tiên:
++ Chị là người con gái không có nhan sắc. chị tự kể về đời mình Từ nhỏ tôi đã là một đứa
con gái xấu xí, lại rỗ mặt sau một bận lên đậu mùa. Đấy là nỗi khổ của người con gái không có
nhan sắc.
++ Thị khát khao hạnh phúc nhưng duyên phận lại hẩm hiu Cũng vì xấu, trong phố khong ai
lấy, tôi có mang với anh con trai một nhà hàng chài giữa phá.
++ May mắn duy nhất là người chồng do số phận đưa đẩy anh con trai cục tính nhưng hiền
lành lắm không bao giờ đánh đập tôi. Đây là niềm an ủi cho cuộc đời chị. Tuy nhiên, điều may
mắn đó dần dần mất đi theo thời gian với những đứa con lần lượt ra đời. Cuộc sống nghèo khó gắn
với chiếc thuyền lênh đênh trên mặt phá sóng gió bất kì.
++ Vợ chồng tần tảo nhưng cuộc sống vẫn hết sức nghèo khổ. Mặc dù lao động cực lực
nhưng cái nghèo vẫn đeo bám, in hằn trên khuôn mặt mệt mỏi tái ngắt. Có khi biển động cả nhà vợ
chồng con cái toàn ăn xương rồng luộc chấm muối.
- Bất hạnh kế đến phải nói, chị là nạn nhân của những trận đòn vô cớ, nghiệt ngã của lão
chồng vũ phu với Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có người
chồng nào như hắn. Không chỉ hứng chịu đau đớn về thể xác mà còn bị chà đạp một cách tàn nhẫn,
sự dằng vặt đau đớn về tinh thần.
3
Tài liệu ôn thi Tốt nghiệp THPT 2022
- Chấp nhận những trận đòn của chồng, chị không chống trả cũng không tìm cách chạy trốn
và còn xin chồng nếu có đánh thì mang lên bờ mà đánh. Đây chính là nghịch lí của người mẹ, thà
gánh chịu nỗi đau thể xác chứ không muốn các con bị tổn thương về tinh thần. Người đàn bà với
một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng. Người đàn bà dường như lúc này mới
cảm thấy đau đớn- vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã. Miệng mếu máo gọi con, người
đàn bà ngồi sụp xuống trước mặt thằng bé, rỏ xuống những dòng nước mắt.
 Ngòi bút nhà văn đau đớn, xót xa khi tái hiện lại số phận đầy bi kịch của người đàn bà.
2.2. Vẻ đẹp tâm hồn, tính cách nhân vật:
2.2.1. Người đàn bà có lòng vị tha:
- Vị tha đối với chồng:
+ Dù bị ngược đãi, chị vẫn cam chịu bởi vì chị hiểu nỗi khổ của người chống, chị hiểu nguyên
nhân của nạn bạo hành gia đình xảy ra ở gia đình chị Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra
đánh, giá tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn.
 Chị cảm nhận được chính cuộc sống nghèo khổ, nhọc nhằn tù túng là nguyên nhân nỗi khổ người
chồng.
+ Chị cố bệnh vực chồng khi thuyết phục Đẩu đừng bắt li dị Quý tòa bắt tội con cũng được,
phạt tù con cũng được nhưng đừng bắt con phải bỏ nó.
 Bản tính vị tha thể hiện rõ nét ở người phụ nữ này.
- Vị tha đối với con:
+ Vì các con chị sẵn sàng chịu đựng sự hành hạ của chồng hết ngày này sang ngày khác.
+ Chị xin chồng nếu có đánh thì đưa lên bờ mà đánh, để không làm tổn thương tâm hồn
những đứa con.
+ Chị nhận khổ đau về mình, đây là cách bảo vệ con, không muốn con phải chứng kiến cảnh
phi đạo lí xảy ra trong gia đình.
2.2.2. Người đàn bà với tấm lòng thương con vô bờ bến:
- Chị ý thức mình sống cho con, sống vì con Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con
chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được. Chị tự nguyện buộc mình vào người chồng vũ
phu vì một lí do đơn giản mà tất yếu trên thuyền phải có một người đàn ông.
 Cuộc sống của người dân chài lênh đênh trên biển cần có người đàn ông chèo chống khi sóng gió,
vì sự sống của gia đình, cho đàn con nheo nhóc.
- Bị chồng đánh đập tàn bạo, chị chấp nhận điều đó như một phần của cuộc đời mình. Vì cuộc
sống, vì sự tồn tại của một gia đình, chị chấp nhận nó như thiên chức của người phụ nữ ông trời sinh
ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ.
 Thương con, hi sinh vì con là bản tính muôn đời của người phụ nữ Việt Nam. Đó là nguyên nhân
của sự cam chịu, nhẫn nhục những trận đòn đau đớn.
- Nỗi đau của người mẹ không phải bởi những trận đòn của chồng mà bởi sự chứng kiến cảnh
phi đạo lí của gia đình của thằng Phác hay những đứa con. Đó là điều bấy lau nay chị lo sợ. Tấm
lòng của người mẹ thật sâu sắc xuất phát từ ý thức bảo vệ các con, bảo vệ sự yên bình, trong sáng
trong tâm hồn trẻ thơ.
- Khi thằng Phác chứng kiến cảnh bố đánh mẹ thì những giọt nước mắt của người mẹ ấy đã
chảy ra những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt. Nó kết tinh tất cả nỗi đau
tinh thần, thể xác cùng nỗi đau số phận của người mẹ.
- Khi đứa con chống lại bố để bảo vệ mẹ như một viên đạn bắn vào người đàn ông, bây giờ
đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà. Đứa con vừa như vị cứu tinh vừa như sự trừng phạt đối với
người mẹ. Lòng người mẹ đau như xát muối và cảm thấy ê chề, nhục nhã.

4
Tài liệu ôn thi Tốt nghiệp THPT 2022
- Người đàn bà đã gửi thằng Phác lên rừng ở với ông ngoại vì sợ thằng bé có thể làm điều gì
dại dột với bố nó. Chiều sâu trong tấm lòng người mẹ này là cách bảo vệ con, sợ vì thương mẹ mà
nó làm điều gì sai trái với bố nó.
 Tình mẫu tử vút lên trên nền cuộc sống cơ cực, ngang trái xót xa. Nguyễn Minh Châu đã phát
hiện ra những vẻ đẹp lẫn trong cái lấm láp của bụi bẩn đời thường. Hình ảnh người đàn bà vùng biển
xấu xí, cam chịu, nhẫn nhục vẫn lóe lên tình mẫu tử sáng ngời làm lay động trái tim bao người đọc
2.2.3. Người đàn bà ít học nhưng sâu sắc và thấu hiểu lẽ đời:
- Chị từ chối cơ hội được “tháo củi xổ lồng” để thoát khỏi người chồng vũ phu chỉ vì con, vì
chồng và vì mình. Tất cả điều đó được thể hiện qua những lí lẽ sắc sảo của chị. Tác giả đi sâu miêu
tả ngôn ngữ của nhân vật với nhiều sắc thái khác nhau nhằm thể hiện sự sắc sảo- vẻ đẹp tâm hồn
người đàn bà.
+ Với Đẩu- vị quan tòa xin cứu xét, lời lẽ của chị khẩn thiết như van xin con lạy quý tòa, quý
tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con phải bỏ nó.
+ Đẩu - vị thế ngang hàng giữa người với người chị cám ơn các chú, lòng các chú tốt nhưng
các chú đâu có phải là người làm ăn. Lời lẽ của người từng trải đang giải bày tâm sự. Đó là thực tế
cuộc đời, là cái lí của người làm ăn. Trên thuyền cần có người đàn ông. Phải, cũng có khi biển
động sóng gió chứ chú, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để
chèo chống khi phong ba.
+ Trả lời câu hỏi của Đẩu “dù hắn có man rợ?”
 Đằng sau vẻ cam chịu là bản năng sinh tồn mãnh liệt, người đàn bà biết hi sinh, cam chịu, biết
chấp nhận hoàn cảnh để bảo vệ gia đình mình.
- Chị là người sống có trước có sau, có tình có nghĩa qua cái nhìn thâm trầm thấu suốt đời
mình:
+ Chị hướng về quá khứ, tìm về những điều tốt đẹp đã từng có với người chồng để tạo nên
động lực sống cho mình, để an ủi, động viên mình “lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục
tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”.
+ Dù bị ngược đãi nhưng chị vẫn chịu đựng vì chị thấu hiểu nỗi khổ của của chồng với những
lí lẽ rất đời.
+ Trước tòa chị cố bênh vực cho người chồng và nhận hết lỗi về phía mình bỗng mụ đỏ mặt,
nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.
 Bản tính ở người phụ nữ vị tha, thâm trầm sâu sắc được thể hiện ở người phụ nữ có vẻ cam
chịu này.
- Chị biết chắt chiu những hạnh phúc nhỏ nhoi của cuộc đời mình để vui sống:
+ Ở nơi tận cùng của cái khổ với bao nỗi cơ cực, khốn khó và cả những đòn roi tủi nhục, chị
vẫn tìm thấy sắc màu của bình yên, những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi rất thực, rất đời thường. Đó là lí
do chị chấp nhận cuộc sống hiện tại như một nghịch lí “ngồi nhìn đàn con chúng tôi nó được ăn
no”.
+ Hạnh phúc với chị còn là có người đàn ông bên cạnh để chèo chống khi sóng gió “vả lại
trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con gái sống hòa thuận, vui vẻ”.
+ Cuộc sống gắn với người đàn ông vũ phu không phải là không có những giây phút đầm ấm,
hạnh phúc. Chị quý trọng điều ấy, cho thấy hạnh phúc của chị rất giản đơn, chị không phải sống cho
mình, không phải vì cái được cho mình mà tất cả là cho gia đình nhỏ kia.
 Người đàn bà đã chắt chiu những giọt đắng cay cuộc đời mình. Đó là niềm vui, hạnh phúc giản
đơn nghe xót xa, tội nghiệp. Với chị, hạnh phúc thật bình thường, nhỏ bé nhưng nò đã ánh lên trên
gương mặt xấu xí, mệt mỏi của chị. Phút giây ấy như xua đi bao mệt mỏi, nhọc nhằn trong gương
mặt tái ngắt. Phút giây ấy dù là thoáng qua nhưng đáng quý vô cùng.
2.3. Đánh giá:
5
Tài liệu ôn thi Tốt nghiệp THPT 2022
- Qua hình tượng người đàn bà hàng chài, nhà văn đã nâng niu, trân trọng những hạnh phúc
nhỏ bé, đời thường của những số phận bất hạnh, kiếp đời khuất lấp. Đó chính là chiều sâu nhân đạo
của nhà văn.
- Nguyễn Minh Châu đã phát hiện ra vẻ đẹp khuất lấp- hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn con
người lao động nhọc nhằn. Đó là một bước tiến trong tư tưởng nghệ thuật, cảm hứng nghệ thuật của
Nguyễn Minh Châu sau những năm 1980. Qua đó, ta thấy vấn đề nhân sinh, thân phận con người
luôn là niềm day dứt, trăn trở của nhà văn.

You might also like