You are on page 1of 2

Kính chào cô và tất cả các bạn, mình tên là Trần Hồng Uyên Thảo, học sinh lớp

11H. Hôm nay mình xin phép giới thiệu về một bài hát đã để lại ấn tượng sâu sắc
trong tâm mình.

Phát huy thắng lợi của cuộc tiến công giải phóng thành phố Sài Gòn, từ ngày 30
tháng 4 năm 1975, đồng bào chiến sĩ các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông
Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, góp phần đi đến thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta. Sức mạnh chiến thắng này có phần đóng
góp không nhỏ của chị em phụ nữ Việt Nam. Gương chiến sĩ, chiến đấu của các
mẹ, các dì, các chị mãi mãi là bài ca bất diệt, sáng ngời phẩm chất anh hùng cách
mạng, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Và vẻ đẹp của những phụ nữ anh
hùng ấy đã được thể hiện một cách trọn vẹn trong bài hát “Những cô gái đồng
bằng Sông Cửu Long” của tác giả Huỳnh Thơ.

Đôi lời về tác giả, ông có tên khai sinh là Ngô Văn Thi, sinh năm 1936 tại thị trấn
Nhà Bè, Sài Gòn. Nguyên công tác tại Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy Thành
phố Hồ Chí Minh. Ông tham gia cách mạng và hoạt động văn nghệ từ trong Kháng
chiến chống Pháp. Thời Kháng chiến chống Mỹ, ông hoạt động ở chiến trường
miền Nam. Sau giải phóng năm 1975, Huỳnh Thơ tốt nghiệp Đại học Sáng tác tại
Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Ông sáng tác ca khúc và một số tiểu phẩm khí
nhạc. Một tác phẩm đáng chú ý khi nhắc về Huỳnh Thơ đó là Những cô gái đồng
bằng sông Cửu Long,cũng chính là bài thi tốt nghiệp Nhạc viện của ông, là khởi
nguồn của bút danh Huỳnh Thơ.

Bài hát “Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long” đã ghi một dấu ấn khó phai trong
lòng mình bằng giai điệu: mượt mà, sâu lắng và thiết tha!. Lần đầu tiên nghe được
bài hát này là vào năm học lớp chín, mình lặng người đi trước những âm thanh tha
thiết, bay bổng. Hình ảnh những cô gái đồng bằng sông Cửu Long hiện lên sao mà
đẹp đến thế: "Những đầm sen, những dòng sông lấp lánh trăng sao/ Những xóm
thôn đồng xanh trải rộng…", những "nhịp cầu tre lắt lẻo dòng kinh/ In bóng hình
người con gái quê tôi", mà nét đẹp thật riêng ấy chỉ mảnh đất Đồng Bằng Sông Cửu
Long mới có. Và "áo bà ba, súng quàng vai hôm sớm ra đi…". Họ đi cứu nước chỉ
chọn vào giờ khắc "hôm sớm", khi vừa tắt nắng, đi lẫn dưới trăng sao, mờ vào sương
khói miệt đồng, che mắt kẻ thù mà đánh giặc… Bài hát đã chọn những hình tượng:
"Đẹp thay tuổi xuân con gái quê tôi", càng "đẹp thay tuổi xuân đi giải phóng quê
hương"; và "đang cùng toàn dân viết đẹp những bài ca", cùng hình ảnh "Cây súng
bên mình cũng đẹp như em". Tác giả đã chọn ca từ, nét nhạc chăm chút cho cái đẹp
thật điển hình, thật toàn vẹn về những người con gái của dòng sông quê hương ông,
trong chiến trận gian lao mà anh dũng! Bài ca còn mang một tư tưởng lớn - đời tự do
có gì đẹp hơn! Một chân lý hát lên vang động, chân lý mà vì nó, cả dân tộc đã không
tiếc gì xương máu!

Bài ca đã được thể hiện bởi rất nhiều ca sĩ như: Cẩm Ly, Mắt Ngọc, … Nhưng trong
đó ấn tượng nhất là bản ghi âm của nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền. Tiếng hát của cô đã
làm cháy lòng, sục sôi biết bao thế hệ đi chiến đấu. Là tiếng hát mẫu mực, đỉnh cao
của mọi thời gian!

“Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long” là một bài hát oanh liệt theo năm tháng,
góp phần ghi dấu một mốc son quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân
tộc. Để có ngày chiến thắng, hàng chục ngàn bà mẹ Việt Nam vĩnh viễn mất con,
hàng ngàn người mẹ, người chị ở Nam bộ bị giam cầm, đọa đày trong các nhà tù ở
miền Nam, hàng ngàn chị em hy sinh tuổi thanh xuân của mình trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Qua bài hát này, trên hết,ta thấy rõ những
phẩm giá truyền thống quý báu, cao đẹp mang đặc trưng của phụ nữ Việt Nam nói
chung và phụ nữ Nam Bộ nói riêng đã, đang và luôn được gìn giữ, tôn vinh trong ca
khúc, tồn tại mãi mãi trong lòng nhiều người nghe.

Cảm ơn cô và tất cả các bạn đã lắng nghe.

You might also like