You are on page 1of 31

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH TRÀ VINH


TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÀ VINH
----------
126 Nguyễn Thiện Thành, phường 5, Tp. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh
Điện thoại: (0294) 653 43 44 - 3855246 (162); E-mail: ctec@tvu.edu.vn
Website: http://ctec.tvu.edu.vn

BÀI THU HOẠCH

BỒI DƯỠNG THEO TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP

BÁC SĨ CHÍNH HẠNG III

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO

Họ và tên: NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO

Ngày sinh: 09/02/1997

TRÀ VINH, NĂM 2022


ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG CỦA BỆNH NHÂN ZONA TẠI
BỆNH VIỆN MẮT VÀ DA LIỄU HẢI DƯƠNG
TỪ 01/05/2022 ĐẾN 30/07/2022

TRÀ VINH, NĂM 2022


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết
quả nghiên cứu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất
kỳ bài báo và công trình khoa học nào.

Tác giả

Nguyễn Thị Phương Thảo


DANH MỤC KÍ HIỆU, VIẾT TẮT

AIDS Accquired Immuno Deficiency Syndrome

CMAJ Canadian Medical Association Journal

CMV Cytomegalo Virus

DNA Deoxyribonucleotic acid

DTCT Diện tích cơ thể

EBV Epstein Barr Virus

FDA Food and Drug Administration

GABA Gama-amin-butyric-acid

HHV Human Herpes Virus

HIV Human immunodeficiency virus

HSV Herpes Simplex Virus

NSAID None - steroidal anti - inflammatory drug

VZV Varicella Zoster virus


MỤC LỤC
ĐẶT VẤN ĐỀ...................................................................................................1
CHƯƠNG 1.......................................................................................................2
TỔNG QUAN...................................................................................................2
1.1. Tình hình bệnh Zona..........................................................................2
1.2. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước........................................7
CHƯƠNG 2.......................................................................................................8
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.......................................8
2.1. Đối tượng nghiên cứu........................................................................8
2.2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu......................................................8
2.3. Phương pháp nghiên cứu...................................................................8
CHƯƠNG 3.....................................................................................................10
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU.............................................................................10
3.1. Dịch tễ bệnh Zona............................................................................10
3.2. Đặc điểm lâm sàng bệnh Zona........................................................11
CHƯƠNG 4.....................................................................................................14
BÀN LUẬN....................................................................................................14
4.1. Dịch tễ..............................................................................................14
4.2. Lâm sàng..........................................................................................15
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ.........................................................................19
Đặc điểm lâm sàng, yếu tố liên quan của đối tượng nghiên cứu.................19
TÀI LIỆU THAM KHẢO.................................................................................1
PHỤ LỤC..........................................................................................................4
1

ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh Zona là một bệnh nhiễm trùng da cấp tính do một loại virus hướng da,
hướng thần kinh là Varicella Zoster virus (VZV) gây nên. Đây là một bệnh thường
gặp trong các bệnh da do virus gây nên. Hàng năm có khoảng 600000 đến 850000
người mắc Zona trên toàn thế giới. Nguy cơ mắc zoster trong suốt cuộc đời từ 10%
đến 20%. Bệnh Zona có thể gặp mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở những người lớn
tuổi, đặc biệt là những người suy giảm miễn dịch kéo dài, hóa trị liệu điều trị ung
thư, bệnh nhân HIV/AIDS, …[20].
Triệu chứng lâm sàng của bệnh Zona là thương tổn ở da và thần kinh. Thương
tổn là mụn nước hoặc bọng nước trên nền dát đỏ mọc thành chùm ở một vùng da
dọc theo thần kinh chi phối vùng tổn thương. Thương tổn da thường khu trú ở một bên
cơ thể. ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, các thương tổn của da có thể ở cả
hai bên hoặc rải rác khắp cơ thể (mụn nước, bọng nước lưu vong).
Việc chẩn đoán bệnh Zona không khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn toàn
phát, nhưng đôi khi ở giai đoạn tiền triệu có thể chẩn đoán nhầm đau do viêm mống
mắt , đau do bệnh tim , viêm đau thần kinh cánh tay, đau thần kinh tọa,… Nếu bệnh
nhân không chẩn đoán đúng và điều trị tốt có thể để lại các di chứng sau Zona như
giảm thị lực (Zona mắt), teo cơ, tổn thương một số cơ quan và nội tạng, nhất là đau
thần kinh sau Zona [11].
Dựa vào những lí do nêu trên, tôi tiến hành đề tài nghiên cứu : “Đặc điểm lâm
sàng bệnh nhân Zona tại bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương 01/05/2022 đến
30/07/2022” với mục tiêu:
Mô tả triệu chứng lâm sàng, các yếu tố liên quan của bệnh nhân Zona đến
khám tại bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương 01/05/2022 đến 30/07/2022 qua
đó giúp phát hiện và chẩn đoán đúng bệnh Zona và đưa ra phác đồ điều trị
phù hợp tránh các di chứng do việc điều trị không kịp thời gây ra.
2

CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN
1.1. Tình hình bệnh Zona
1.1.1. Dịch tễ học
Bệnh Zona do Varicella zoster virus (VZV) gây nên. Bệnh xuất hiện vào tất cả
các mùa trong năm nhưng thường mùa xuân và mùa thu là mùa có tỷ lệ mắc bệnh
cao hơn. Bệnh gặp ở cả hai giới, mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc. Bệnh thường hay gặp
ở những người suy giảm miễn dịch như trị liệu ung thư, người dùng thuốc chống
thải bỏ mảnh ghép... đặc biệt ở bệnh nhân HIV/AIDS thì khả năng mắc bệnh cao
hơn [23].
1.1.1. Khái niệm
Zona là bệnh do virus gây tổn thương thần kinh cảm giác biểu hiện ngoài da
bằng các dát đỏ, mụn nước, bọng nước sắp xếp thành chùm, nhóm khu trú theo vị trí
của thần kinh bị tổn thương chi phối [12].
1.1.2. Cơ chế bệnh sinh
Năm 1991, Agut cho rằng VZV lây truyền qua đường hô hấp, nhân lên ở đó và
được các lympho bào vận chuyển đến hệ võng nội mô rồi xâm nhập vào máu sau 5
ngày, gây nhiễm virus huyết lần đầu. Virus sẽ khu trú ở gan, lách rồi được tung vào
máu gây nhiễm virus huyết lần 2 và gây bệnh thủy đậu. Thời gian ủ bệnh từ 10 - 21
ngày sau khi tiếp xúc với virus. Khi tổn thương ngoài da cuối cùng đóng vảy là lúc
bệnh không còn khả năng lây lan [19].
3

Hình 1.3: Cơ chế sinh bệnh học của varicella zoster virus
- Các yếu tố nguy cơ thường gặp của bệnh Zona:
+ Tuổi cao (> 50 tuổi)
+ Bệnh da, bệnh toàn thân phải điều trị corticoid hệ thống kéo dài
+ Nhiễm HIV
+ Đái tháo đường
+ Thiếu vi chất dinh dưỡng
+ Bệnh nhiễm độc và máu ác tính, đặc biệt khi trải qua hóa trị liệu
+ Ghép tế bào gốc máu ngoại vi, ghép tạng
+ Rối loạn dạng thấp (viêm khớp dạng thấp, viêm tế bào khổng lồ, viêm da cơ)
+ Bệnh thận mạn tính
1.1.3. Căn nguyên gây bệnh
Varicella Zoster Virus (VZV) là một trong 8 loại virus Herpes gây bệnh ở
người (Human Herpes Virus - HHV), thuộc nhóm Alpha herpes virus.
1.1.4. Đặc điểm lâm sàng
1.1.4.1. Tổn thương cơ bản
Trước khi tổn thương mọc 2 - 3 ngày thường có cảm giác báo hiệu trước như:
nóng rát, đau vùng sắp mọc tổn thương. Kèm theo triệu chứng toàn thân ít hoặc
nhiều như mệt mỏi, đau đầu, hạch ngoại vi lân cận có thể sưng và đau.
Vị trí tổn thương: Thường khu trú, tập trung ở những vùng đặc biệt, và đa số
xuất hiện ở 1 bên của cơ thể dọc theo đường đi của các dây thần kinh chi phối như:
trán - quanh mắt - đầu, hoặc cổ - vai - cánh tay, liên sườn một bên từ sau lưng vòng
ra ngực hoặc dọc từ hông xuống đùi. Một số trường hợp đặc biệt xuất hiện ở hai bên
hay lan tỏa khi tổn thương nhánh thần kinh vắt ngang tủy sống.
Tổn thương cơ bản: Thường bắt đầu là những dát đỏ tròn hoặc bầu dục kích
thước 0.5 - 1cm, sau 1 - 2 ngày trên đó xuất hiện các mụn nước (1 - 2 mm), các
bọng nước (1 – 2 cm). Mụn nước hình thành trong 12 - 24 tiếng và tiếp tục xuất
hiện trong vòng từ 1 - 4 ngày ở người bình thường, lúc đầu trong, căng, sau đục
dần, có thể có dịch máu, dịch mủ rồi mụn nước, bọng nước đóng vảy tiết. Người già
4

các mụn nước hình thành chậm, còn ở trẻ em tổn thương thường nhẹ và nhanh hơn.
Bệnh thường được điều trị khỏi trong vòng 10 - 15 ngày, vảy tiết bong để lại sẹo
trắng viền thâm. Trước hoặc cùng với tổn thương da thường đau ở vùng tương ứng,
có thể nổi hạch sớm,. Hạch là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán bệnh.
Rối loạn cảm giác rất thường gặp. Biểu hiện là đau dây thần kinh từng cơn lan
tỏa, hoặc thành các điểm đau chói dai dẳng, cảm giác rát, nóng, khu trú ở vùng có
thương tổn da [9]. Ở người trẻ đau chỉ nhẹ và thoáng qua, nhưng người già đau
thường dữ dội và khá dai dẳng [10]. Nếu Zona ở người suy giảm miễn dịch sẽ có
mụn nước lưu vong, hai bên hoặc rải rác khắp cơ thể.
1.1.5. Các thể lâm sàng
1.1.5.1. Theo vị trí tổn thương
- Zona liên sườn và ngực, bụng: Tổn thương sắp xếp theo dây thần kinh liên sườn.
Hay gặp nhất là dây thần kinh ở khu vực T3 đến L3.
- Zona ngực, cánh tay: Tổn thương sắp xếp ở phần trên ngực và chạy dọc theo mặt
trong cánh tay.
- Zona cổ, cổ gáy, cổ cánh tay: Zona vùng này có thể gây yếu cơ hoành.
- Zona đầu, mặt: Liệt dây thần kinh mặt thường gặp do Zona dây thần kinh số III,
IV và VI. Zona dây VII gây liệt cùng bên với tổn thương da. Tổn thương ở lưỡi
thường do tổn thương dây VII và gây mất vị giác. Tổn thương nhánh II hoặc III
của dây thần kinh V kèm theo có tổn thương trong khoang miệng.
- Zona mắt: Zona mắt chiếm từ 10 - 25% các trường hợp. Nếu không được điều trị
thích hợp có thể gây viêm nhãn cầu mãn tính và giảm thị lực.
- Tổn thương Zona nhánh hàm trên và hàm dưới của dây tam thoa có thể gây hoại
tử xương và gây rụng răng.
- Zona hạch gối (hội chứng Ramsay Hunt): Tổn thương ở vành tai, có thể có ở 2/3
trước lưỡi và vòm họng cùng bên. Bệnh nhân có rối loạn thính giác, buồn nôn,
chóng mặt, rối loạn cảm giác 2/3 trước lưỡi, có thể có liệt mặt cùng bên. Bệnh do
tổn thương dây VII, VIII. Một số trường hợp hiếm gặp có cả tổn thương dây V,
VI, IX và X.
5

- Zona thắt lưng, bụng, sinh dục, đùi: Theo dây thần kinh tọa.
- Zona vùng cùng cụt có thể gây rối loạn chức năng của bàng quang hoặc gây liệt
ruột.
- Zona 2 bên đối xứng, Zona toàn thân: Ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, trong đó
có bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế miễn dịch
như Corticoid, thuốc chống ung thư, thuốc chống thải mảnh ghép.
1.1.5.2. Theo loại hình tổn thương
- Zona thể thông thường
- Zona xuất huyết
- Zona hoại tử (Thường gặp trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch)
1.1.6. Điều trị
Mục tiêu chính của điều trị Zona là làm dịu và bảo vệ vùng da bị tổn thương,
làm lành nhanh thương tổn, ngăn ngừa nhiễm khuẩn, giảm thời gian đau sau Zona,
cải thiện hoạt động và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
1.1.6.1. Điều trị tại chỗ
- Phù hợp với giai đoạn bệnh: giai đoạn cấp tính dùng hồ nước, dung dịch xanh
methylen 1%, dung dịch castellanin, kem acyclovir, kem kháng sinh.
- Giai đoạn đóng vảy tiết nếu còn sưng nề đỏ bôi mỡ acyclovir, mỡ kháng sinh.
- Giai đoạn thương tổn da đã lành sẹo nhưng vẫn còn đau dai dẳng bôi kem Emla,
kem Capsaicin, lidocain gel, ...
1.1.6.2. Điều trị toàn thân
 Thuốc kháng Virus:
- Là thuốc được lựa chọn hàng đầu, thường đáp ứng tốt trong 72 giờ sau khi bắt
đầu xuất hiện mụn nước, chỉ định dùng điều trị Zona trong 7 ngày đầu.
- Acyclovir 800 mg x 5 viên/ngày x 7 ngày, cách 4 giờ uống 1 viên.
- Famcyclovir 500 mg x 3 viên/ ngày x 7 ngày, cách 4 giờ uống 1 viên
- Valacyclovir 1000mg x 3 viên/ ngày x 7 ngày, cách 8 giờ uống 1 viên.
6

 Kháng sinh toàn thân


Dùng kháng sinh toàn thân khi có nhiễm khuẩn thứ phát, người già có nguy cơ
nhiễm khuẩn cao, bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Một số kháng sinh có thể lựa
chọn:
- Cephalexin 500mg x 4 viên/ ngày x 7 ngày hoặc
- Doxycyclin 100mg x 2 viên/ ngày x 7 ngày hoặc
- Erythromycin 500mg x 4 viên/ ngày x 7 ngày
 Thuốc giảm đau
- Các trường hợp đau vừa và nhẹ: Đáp ứng với thuốc giảm đau Paracetamol và
giảm đau chống viêm không steroid - NSAID (None-steroidal anti-inflammatory
drug): Aspirin, Acetaminophen, Ibuprofen.
- Các trường hợp đau nhiều: Dùng thuốc giảm đau gây nghiện: Oxycodone, 10 mg,
12 giờ/lần.
 Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
- Các thuốc hay dùng: Amitriptylin (Elavin), Notriptylin (Pamelor),
Imipramine (Tofranil), Desipramine (Norprammin). Kết quả tốt đạt được sau
nhiều tuần.
 Thuốc chống động kinh
- Gabapentine (Neurontin): Ức chế kênh Canci và tăng GABA (gama – amin -
butyric - acid) trong não [26].
- Hàm lượng viên nang mềm 100 mg, 300 mg, 600 mg.
 Kháng Histamin
- Clopheninramin 4 mg hoặc
- Fexofenadin (telfast) 120 mg, 60 mg, 180 mg hoặc
- Desloratadin (aerius) 5 mg...
7

 Corticoid
Quan điểm sử dụng glucocorticoids vẫn còn nhiều tranh cãi. Prednisolon được
chỉ định trong các trường hợp Zona có biến chứng mạch máu và không bị suy giảm
miễn dịch.
1.1.7. Tiến triển và tiên lượng
1.1.7.1. Tiến triển
- Bệnh thường là lành tính, tiến triển từ 2 - 4 tuần là lành tổn thương da. Tuy nhiên
có thể gặp một số biến chứng, di chứng nhất là đau sau Zona.
- Bệnh nhân Zona có miễn dịch vĩnh viễn nhưng những người có suy giảm miễn
dịch như bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài thì
Zona có thể tái phát.
1.1.7.2. Biến chứng
- Bội nhiễm vi khuẩn gây viêm mô tế bào và hoại tử khi đó thương tổn gây viêm
tấy nhiều, trong mụn nước, bọng nước chứa mủ, bội nhiễm có thể gây ra nhiễm
khuẩn huyết (do liên cầu, tụ cầu khuẩn) (hiếm gặp).
- Thương tổn dây thần kinh. Loại biến chứng này khá phổ biến, gây ra đau sau
Zona (postherpetic pain) kéo dài nhiều tháng nhiều năm sau khi thương tổn da đã
lành. Có thể có liệt một số dây thần kinh như liệt dây VII ngoại vi, mất cảm giác
lưỡi.
- Viêm giác mạc gây loét, sẹo giác mạc, viêm thần kinh thị giác, viêm mống mắt
thể mi ở bệnh nhân Zona mắt.
- Viêm phổi nặng do virus.
- Viêm não, màng não rất ít gặp, thường xảy ra ở cuối thời kỳ bệnh.
1.2. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước
1.2.1. Trên thế giới
- Ở Hoa Kỳ, Gnann J.W., Whitley R.J., (2002) nghiên cứu hàng năm có khoảng
500.000 - 1.000.000 trường hợp Zona mới mắc (tỷ lệ 1,2 - 3,4/1000 người/năm).
Số trường hợp mới mắc của Zona ở những người trên 75 tuổi vượt quá con số 10
trường hợp/1000 người/năm [39].
8

- Theo Douglas Mark W và cộng sự (2004), số người mới mắc của Zona ở độ tuổi
dưới 20 là 0,4 - 1,6 trường hợp/1000 người/năm, tỷ lệ mắc Zona ở độ tuổi trên
60 cao hơn gấp 8 - 10 lần so với ở độ tuổi dưới 60 [29].
1.2.2. Việt Nam
- “Nghiên cứu đặc điểm và một số yếu tố liên quan đến đau trong bệnh Zona” của
tác giả Tô Thị Thúy Hằng (2015). Kết quả nghiên cứu trên 73 bệnh nhân cho
thấy, bệnh hay gặp ở người lớn tuổi, bệnh nhân trên 50 tuổi đau gấp 10,2 lần so
với nhóm bệnh nhân dưới 50 tuổi, bệnh nhân cao tuổi nặng hơn so với nhóm
bệnh nhân trẻ tuổi. [4]
CHƯƠNG 2
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
2.1.1. Tiêu chuẩn lựa chọn
- Tất cả những bệnh nhân được chẩn đoán là Zona được khám và điều trị tại khoa
Da liễu bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương 01/05/2022 đến 30/07/2022 đáp
ứng được các tiêu chuẩn chẩn đoán.
- Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Zona:
+ Triệu chứng lâm sàng: tổn thương mụn nước, bọng nước mọc thành chùm trên
nền da viêm đỏ, tổn thương phát triển theo vùng chi phối của dây thần kinh.
+ Triệu chứng đau nhức hoặc rát bỏng nơi tổn thương: Đau có thể ở nhiều mức
độ khác nhau (theo thang điểm Likert).
+ Có thể có hạch phụ cận sưng đau.
2.2.2. Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân không hợp tác nghiên cứu.
2.2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu
2.2.1. Địa điểm:
- Khoa Da liễu bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương.
9

2.2.2. Thời gian: Từ 01/05/2022 đến 30/07/2022.


2.3. Phương pháp nghiên cứu
2.3.1. Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang loạt ca bệnh.
2.3.2. Cỡ mẫu:
Mẫu thuận tiện, không xác xuất trong suốt thời gian nghiên cứu, chọn tất cả
các bệnh nhân được chẩn đoán bệnh Zona (đủ tiêu chuẩn lựa chọn) điều trị tại khoa
Da liễu bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương 01/05/2022 đến 30/07/2022.
2.3.3. Các bước tiến hành
2.3.3.1. Kỹ thuật thu thập số liệu:
Theo phiếu theo dõi thống nhất gồm các chỉ số:
- Hỏi bệnh: tuổi, giới, nghề nghiệp, thời gian bị bệnh, các bệnh liên quan, các triệu
chứng cơ năng, các loại thuốc đã dùng.
- Khám lâm sàng: xác định các tổn thương cơ bản, diện tổn thương, đánh giá mức độ
bệnh theo thang điểm Likert, chụp ảnh một số bệnh nhân điển hình.
2.3.3.2.Các bước
- Khám lâm sàng và chọn bệnh nhân điều trị cho mỗi nhóm, ghi vào phiếu theo
dõi.
- Tiến hành điều trị theo phác đồ chung.
2.3.3.3. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả điều trị
- Cách xác định mức độ tổn thương: Theo quy tắc bàn tay của Blokin (1953),
1 lòng bàn tay của bệnh nhân tương ứng với 1% diện tích cơ thể (DTCT).
+ Mức độ nhẹ: < 1% DTCT.
+ Mức độ vừa: 1% - 2% DTCT.
+ Mức độ nặng: > 2% DTCT.
2.3.4. Xử lí số liệu
- Xử lý số liệu theo phương pháp thống kê y – sinh học, sử dụng phần mềm SPSS.
Với các test thống kê thường dùng trong y học.
- Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.
10

2.3.5. Đạo đức nghiên cứu


- Nghiên cứu được tiến hành khi có sự cam kết giữa người nghiên cứu và cơ quan
chủ quản là Khoa Da liễu - Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương.
- Những bệnh nhân tự nguyện tham gia nghiên cứu mới đưa vào danh sách sau khi
đã được giải thích rõ về mục đích và yêu cầu của nghiên cứu. Các bệnh nhân từ
chối tham gia vẫn được khám và điều trị chu đáo.
- Các thông tin cá nhân của bệnh nhân được hoàn toàn giữ bí mật, và mọi số liệu
thu được chỉ nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu và không sử dụng cho mục
đích nào khác.
2.3.6. Hạn chế của đề tài
- Do thời gian nghiên cứu có hạn, nên kết quả nghiên cứu có thể bị sai lệch so với
các nghiên cứu khác có thời gian nghiên cứu dài hơn với cỡ mẫu lớn hơn.
11

CHƯƠNG 3
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Dịch tễ bệnh Zona
3.1.1. Tuổi
Bảng 3.1 Phân bố bệnh nhân theo nhóm tuổi (n = 72)
Số ca bệnh Tỷ lệ
Nhóm tuổi
(n) (%)
< 10 0 0
10 - 19 1 1,4
20 - 29 0 0
30 - 39 3 4,2
40 - 49 3 4,2
50 - 59 10 13,9
60 - 69 23 31,9
70 - 80 18 25
≥ 80 14 19,4
Tổng 72 100
± SD 67,03 ± 1,817; Min = 18; Max = 98

Nhận xét: Số đối tượng nghiên cứu trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ đa số (90,2%).Tuổi
trung bình của đối tượng nghiên cứu là 67,03 ± 1,817

3.1.2. Giới

Nam
42%

Nữ
58%
Nam Nữ

Hình 3.1: Phân bố bệnh theo giới


Nhận xét: Tỷ lệ nữ là 58% nhiều hơn nam là 42%
12

3.2. Đặc điểm lâm sàng bệnh Zona


3.2.1. Tiền triệu
Bảng 3.2 Các triệu chứng tiền triệu (n = 72)
Triệu chứng n %

Ngứa 5 6,9

Rát bỏng 33 45,9

Đau nhức cắn giật 72 100

Khác 0 0

Nhận xét: Tất cả đối tượng nghiên cứu đều có triệu chứng tiền triệu là đau nhức
cắn giật ở vị trí tổn thương, trong đó 45,9% có rát bỏng kèm theo, chỉ có 6,9% đối
tượng cảm thấy ngứa trong thời gian tiền triệu.

Bảng 3.3 Thời gian tiền triệu

Thời gian tiền triệu n %

< 3 ngày 42 58,3

3-4 ngày 25 34,7

≥ 5 ngày 5 6,9

Tổng 72 100

± SD 2,46 ± 0,133; Max = 5; Min = 1

Nhận xét: Đa số bệnh nhân có thời gian tiền triệu (thời gian từ khi xuất hiện triệu
chứng đầu tiên đến khi xuất hiện mụn nước) dưới 3 ngày, chiếm 58,3%, còn lại
34,7% từ 3 - 4 ngày; 6,9% có thời gian tiền triệu lớn hơn 5 ngày. Thời gian tiền
triệu trung bình là 2,46 ± 0,133 ngày, ngắn nhất là 1 ngày và dài nhất là 5 ngày.
13

3.2.2. Thương tổn cơ bản


Bảng 3.4 Đặc điểm của thương tổn (n = 72)
Đặc điểm thương tổn n %
Dát đỏ 72 100
Mụn nước, bọng nước 72 100
Mụn mủ 51 81,9
Bọng mủ 42 58,3
Mụn xuất huyết 4 5,6

Nhận xét: 100% bệnh nhân đều là tổn thương mụn nước trên nền dát đỏ, các tổn
thương hay gặp khác là mụn mủ, bọng mủ, chỉ một số ít bệnh nhân có xuất hiện
mụn xuất huyết, mụn nước lẫn máu và không gặp mụn nước lưu vong.

Bảng 3.5 Vị trí thương tổn (n = 72)


Thể lâm sàng n %
Đầu - mặt - cổ 28 38,9
Mắt 27 37,5
Tai 6 8,3
Liên sườn 22 30,6
Thắt lưng 6 8,3
Cánh tay 5 6,9
Hông - sinh dục - chi dưới 3 4,2
Khác 0 0
Tổn thương 1 bên cơ thể 72 100

Nhận xét: 100% đối tượng nghiên cứu chỉ có tổn thương ở 1 bên cơ thể. Vị trí
thường gặp nhất là đầu - mặt - cổ, mắt và liên sườn chiếm tỷ lệ tương đương khoảng
30%, trong đó Zona vùng đầu - mặt - cổ chiếm tỷ lệ cao nhất là 38,9%, tiếp đó là ở
14

mắt chiếm 37,5%, liên sườn chiếm 30,6%. Các vị trí khác ít gặp, chỉ chiếm từ 4 -
8%.
Bảng 3.6 Phân bố bệnh nhân theo diện tích thương tổn (n = 72)
Diện tích tổn thương da n %
Mức độ nhẹ (< 1%) 18 25
Mức độ vừa (1 - 2%) 44 61,1
Mức độ nặng (> 2%) 10 13,9
Tổng 72 100
Nhận xét: Diện tích tổn thương chủ yếu gặp ở mức độ vừa (61,1%) mức độ nhẹ
chiếm 25% và mức độ nặng chỉ chiếm 13,9%.
3.2.3. Triệu chứng toàn thân
Bảng 3.10 Triệu chứng toàn thân (n = 72)
Biểu hiện
Có Không Tổng
Triệu chứng
0 72 72
Sốt
(0%) (100%) (100%)
6 66 72
Hạch phụ cận
(8,3%) (91,7%) (100%)
Nhận xét: Trong số 72 đối tượng nghiên cứu chỉ có 8,3% sưng đau hạch phụ cận.
Không có đối tượng nào ghi nhận triệu chứng sốt trong suốt quá trình bị bệnh.
3.2.4. Một số bệnh kết hợp
Bảng 3.11 Một số bệnh phối hợp
Các bệnh n %
Tăng huyết áp 28 38,9
ĐTĐ 10 13,9
RLLP máu 5 6,9
Khác 5 6,9
Không 33 45,8
15

Nhận xét: Trong các bệnh kèm theo thường gặp, tăng huyết áp chiếm tỷ lệ cao nhất
(38,9%), tiếp đến là đái tháo đường (13,9%), 45,8% đối tượng nghiên cứu không có
bệnh nền phối hợp.
16

CHƯƠNG 4
BÀN LUẬN
4.1. Dịch tễ
4.1.1. Giới
Nghiên cứu 72 bệnh nhân, tôi nhận thấy tỷ lệ bệnh nhân nữ chiếm 58%, tỷ lệ
bệnh nhân nam chiếm 42% (hình 3.1), phù hợp với các nghiên cứu của tác giả Võ
Hồng Khôi tỷ lệ bệnh nhân nam chiếm 43,8%, nữ chiếm 56,2% [14]. Nghiên cứu
của Jeffrey I. Cohen cho thấy nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở nữ giới, đặc biệt trong
nhóm bệnh nhân cao tuổi [38]. Nghiên cứu của Ko và Sheen cho thấy tỷ lệ bện nhân
nam chiếm 57%, nữ chiếm 43% [33]. Tuy nhiên sự khác biệt về giới là không đáng
kể, cũng có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ mắc bệnh theo giới gần
xấp xỉ như nhau hoặc nếu có sự khác biệt thì không nhiều, các tác giả này cũng
không tìm thấy sự liên quan đặc biệt nào của bệnh về giới tính [28]. Như vậy không
có sự khác nhau về tỷ lệ mắc giữa hai giới.
4.1.2. Tuổi
Bệnh Zona có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng đặc biệt khi tuổi càng cao
thì tỷ lệ mắc bệnh càng tăng và di chứng đau càng nhiểu [5] [11]. Nghiên cứu của
Đặng Văn Em lứa tuổi trên 50 chiếm 79,07% và dưới 50 tuổi chiếm 20,93% [3].
Theo kết quả nghiên cứu của Trần Thế Công, tỷ lệ mắc Zona ở lứa tuổi trên 50 là
56,6%, trong đó nhóm tuổi trên 70 chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 25,3%) [2]. Nghiên
cứu của Ko và Sheen cho thấy nhóm tuổi thường gặp nhất là trên 45 [33]. Ở người
cao tuổi sức đề kháng giảm và thường kèm theo các bệnh mạn tính, miễn dịch với
virus VZV giảm dần, đến khi không đủ để ức chế siêu vi nên bệnh Zona hay gặp ở
người cao tuổi. Trong nghiên cứu của tôi tuổi trung bình là 67,03 ± 1,817 với tỷ lệ
nhóm tuổi trên 50 tuổi là 90,2%, trong đó nhóm trên 70 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là
44,4% (Bảng 3.1). Vấn đề tuổi bệnh nhân cao cũng cần được lưu ý trong công tác
khám chữa bệnh hàng ngày, theo tác giả Schamader và Habif thì tuổi càng cao tỷ lệ
mắc bệnh Zona càng tăng và di chứng đau càng nhiều. Khi điều trị kịp thời đa số
bệnh nhân triệu chứng đau sẽ giảm rõ rệt và ít để lại di chứng [36].
17

4.2. Lâm sàng


4.2.1. Tiền triệu
Thời gian tiền triệu là khoảng thời gian từ lúc xuất hiện triệu chứng cơ năng
đến khi xuất hiện tổn thương da đầu tiên trên lâm sàng. Triệu chứng tiền triệu chủ
yếu là đau, ngoài ra có thể có rát bỏng trên da và ngứa. Trong quá trình nghiên cứu
tôi gặp tính chất đau tiền triệu rất đa dạng và vị trí bị bệnh khác nhau nên có thể dẫn
đến chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như đau nửa đầu, đau thần kinh liên sườn,
đau thắt ngực, …Theo nghiên cứu của tôi 100% bệnh nhân có triệu chứng đau tiền
triệu, tính chất đau có thể là đau nhức, đau nhói như điện giật từng cơn vùng da sắp
xuất hiện tổn thương, 45,9% là triệu chứng đau kèm theo rát bỏng vùng da tổn
thương, chỉ có 6,9% có kèm theo ngứa (Bảng 3.2). Các triệu chứng này có thể do
virus Varicella zoster đang ở trạng thái tiềm tàng trở lại trạng thái hoạt động, nhân
lên làm hạch rễ sau của đoạn thần kinh bị viêm cấp lan truyền theo dây thần kinh ra
ngoài gây viêm lan toả, xung huyết, phù nề, hoại tử làm tổn thương một khoanh
đoạn thần kinh và gây tổn thương một vùng da, niêm mạc, lúc này trên da bắt đầu
có biểu hiện của tổn thương Zona. Nghiên cứu của các tác giả Vũ Ngọc Vương
cũng gặp 100% bệnh nhân có triệu chứng đau tiền triệu [16]. Nghiên cứu của Võ
Hồng Khôi thấy rẳng gần 100% bệnh nhân có biểu hiện đau, trong đó có tới 98,6%
bệnh nhân cảm giác đau như điện giật [14]. Theo tác giả Klaus W. và cộng sự gặp
84% bệnh nhân Zona có biểu hiện đau tiền triệu [32]. Theo tác giả Đặng Văn Em và
cộng sự, 100% BN Zona đều có tiền triệu trước 1-3 ngày với triệu chứng đau rát,
đau ê ẩm vùng sắp mọc tổn thương [3]. Nghiên cứu của tác giả Tô Thị Thúy Hằng
cũng cho kết quả đau tiền triệu như điện giật chiếm 98,6%, đau rát bỏng chiếm
94,5%, đau nhức râm ran chiếm 67,1%, đau kèm theo ngứa chiếm 41,1% [4].
Khoảng thời gian tiền triệu không giống nhau ở mỗi bệnh nhân. Thời gian tiền
triệu trong nghiên cứu của tôi dưới 5 ngày chiếm đa số 93,1%, trong đó dưới 3 ngày
chiếm 58,3%, từ 3 - 4 ngày chiếm 34,7%, trên 5 ngày chỉ chiếm 6,9%, thời gian
trung bình là 2,46 ± 0,133 (bảng 3.3). Nghiên cứu của một số tác giả trong nước
như Trần Thế Công, thời gian tiền triệu trung bình là 2,2 ngày [2]. Tác giả Tô Thị
18

Thúy Hằng thời gian tiền triệu là 4,02 ngày [4]. Thời gian đau tiền triệu trong
nghiên cứu của Vũ Ngọc Vương dưới 5 ngày chiếm đa số 83,82%, trên 5 ngày chỉ
chiếm 16,18% (trung bình là 4,35 ± 1,65 ngày) [16]. Theo tác giả Oaklander AL và
cộng sự cho rằng thời gian tiền triệu cấp tính, nặng nề và kéo dài sẽ có nguy cơ cho
sự phát triển của đau sau Zona hơn bệnh nhân không có tiền triệu [27]. Như vậy,
trong nghiên cứu của tôi thời gian tiền triệu gặp 100% và phù hợp so với các tác giả
trên.

4.2.2. Thương tổn cơ bản


4.2.2.1. Đặc điểm thương tổn
Nghiên cứu trên 72 đối tượng nghiên cứu cho thấy 100% bệnh nhân có mụn
nước, bọng nước trên nền dát đỏ, mọc thành chùm, thành dải theo dây thần kinh chi
phối, mụn mủ gặp 81,9%, bọng mủ gặp 58,3%, đây chính là thương tổn cơ bản
trong giai đoạn cấp của Zona. Ngoài ra gặp một số bệnh nhân Zona có tổn thương
mụn nước có lẫn máu nhưng tỷ lệ thấp (4,6%), không gặp mụn nước lưu vong (bảng
3.4). Ở người bình thường bị Zona thường không có mụn nước lưu vong, mụn nước
lưu vong có thể gặp ở những người suy giảm miễn dịch. Mụn nước thành chùm là
tổn thương cơ bản đặc trưng nhất của bệnh Zona. Thực tế, trên cùng một BN có thể
gặp nhiều loại tổn thương cùng lúc. Kết quả nghiên cứu của tôi phù hợp với những
hình ảnh tổn thương đã được mô tả trong y văn từ trước tới nay và nhiều nghiên cứu
cũng cho kết quả tương tự [5] [11]. Nghiên cứu của tác giả Gnann JW cũng cho
thấy các triệu chứng tiền triệu xảy ra từ 1 đến 5 ngày trước khi phát ban ở 70 - 80%
các trường hợp, giai đoạn cấp tính có đặc điểm là phát ban mụn nước ở các vùng da
có tiền triệu [39]. Mụn nước cũng có thể bị bội nhiễm thêm vi khuẩn tạo thêm mụn
mủ hoặc mụn nước chảy máu, yếu tố nhiễm khuẩn góp phần làm tổn thương Zona
nặng hơn và kèm theo làm tổn thương thần kinh lớn hơn, nguy cơ để lại sẹo xấu và
đó cũng là nguy cơ phát triển của đau sau Zona.
19

4.2.2.2. Vị trí
Trong nghiên cứu của tôi cho thấy 100% đối tượng nghiên cứu có tổn thương
ở một bên cơ thể, không có bệnh nhân nào có tổn thương xuất hiện ở cả hai bên cơ
thể. Vị trí xuất hiện tổn thương do Zona rất đa dạng, nhưng gặp nhiều nhất là ở đầu
- mặt - cổ (chiếm tỷ lệ 38,9%), tiếp đến là tổn thương ở mắt với tỷ lệ chiếm 37,5%,
sau đó mới đến liên sườn (30,6%) và còn gặp nhiều thể lâm sàng khác như Zona tai,
Zona sinh dục... (bảng 3.5). Nghiên cứu của tôi phù hợp với nghiên cứu của tác giả
Tô Thị Thúy Hằng cho thấy Zona vùng đầu mặt cổ là hay gặp nhất chiếm 39,7%,
vùng liên sườn 23,3%, các vùng khác gặp ít hơn. Tác giả cũng cho rằng tổn thương
vùng đầu mặt cổ có nguy cơ bị đau sau Zona cao gấp 6 lần so với bệnh nhân tổn
thương ở vị trí khác [4]. Tuy nhiên theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Lai,
Zona liên sườn ngực hay gặp nhất chiếm 45%, tiếp đến là đầu mặt cổ chiếm 23,4%,
các vùng khác chiếm tỷ lệ ít hơn [7]. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Hoài, Zona
liên sườn chiếm 39,4% và ở đầu - mặt - cổ cũng chiếm đến 36,6% [6]. Theo Arnold
thì Zona do thần kinh vùng ngực chi phối gặp cao nhất (55%) tiếp đến là dây thần
kinh sọ (20%), vùng thắt lưng (15%), vùng cùng cụt và các vùng khác điều chiếm
5% [28]. Tác giả Habif cũng nhấn mạnh rằng Zona rất hay gặp ở các vùng do dây
thần kinh ngực chi phối [36].
4.2.2.3. Diện tích thương tổn
Trong nghiên cứu của tôi, trên 72 đối tượng nghiên cứu, diện tích tổn thương
vừa (1 - 2% diện tích cơ thể) gặp chủ yếu chiếm 61,1%, tổn thương nhẹ gặp 25% và
mức độ nặng chỉ chiếm 13,9% (bảng 3.6). Nghiên cứu của tôi cũng cho kết quả
tương tự như tác giả Nguyễn Thị Lai, Đặng Văn Em gặp chủ yếu tổn thương mức
độ vừa [7], [3]. Nghiên cứu của Tô Thị Thúy Hằng diện tích tổn thương trung bình
là 2,49 DTCT, mức độ tổn thương vừa và nặng chiếm 64,4% [4]. Nghiên cứu của
tác giả Vũ Ngọc Vương thì cho ra kết quả diện tích tổn thương nặng và vừa gặp chủ
yếu (86,77%), trong đó diện tích tổn thương nặng chiếm 52,21%, tổn thương nhẹ
chỉ gặp 13,23% [16]. Có thể có sự khác biệt lớn là do đối tượng nghiên cứu của tác
20

giả gặp chủ yếu lớn hơn 80 tuổi là đối tượng có khả năng miễn dịch suy giảm nhiều,
tình trạng sức khoẻ yếu và có nhiều bệnh lý nền kèm theo.
4.2.3. Triệu chứng toàn thân
Nhiều tác giả khi nghiên cứu đều gặp triệu chứng toàn thân như đau, sốt, sưng
hạch phụ cận, mệt mỏi [6] . Triệu chứng đặc trưng của một phản ứng viêm thường
hay gặp đó là sốt và hạch viêm phản ứng. Trong nghiên cứu, tôi gặp 6 bệnh nhân có
dấu hiệu sưng hạch phụ cận chiếm 8,3% (bảng 3.10). Theo một số tác giả triệu
chứng lâm sàng có thể gặp trong bệnh Zona là sốt ở mức độ nhẹ và sưng hạch phụ
cận [22]. Như trong nghiên cứu của tác giả Đặng Văn Em và Trần Thế Công, theo
tác giả Đặng văn Em, BN có sốt nhẹ chiếm tỷ lệ 9,62% và bệnh nhân có sưng hạch
phụ cận chiếm 53,85% [3], tác giả Trần Thế Công sốt chiếm 25,3%, sưng hạch phụ
cận chiếm 38,7% [2].

4.2.4. Bệnh phối hợp


Trong nghiên cứu tôi thấy bệnh kết hợp chiếm tỷ lệ 54,8%, trong đó hay gặp
nhất là tăng huyết áp chiếm tỷ lệ 38,9%, tiếp đến đái tháo đường 13,9%, rối loạn
chuyển hóa lipid 6,9%, một số bệnh khác ít gặp hơn, không có bệnh nhân ung thư,
HIV... (bảng 3.11). Khi so sánh với nghiên cứu của tác giả Đặng Văn Em, nghiên
cứu của tôi cũng tương đương, tăng huyết áp gặp 21,15%, đái tháo đường 11,54%,
một số bệnh ít gặp hơn như gout [3]. Theo nghiên cứu của Vũ Ngọc Vương thấy
hay gặp nhất là tăng huyết áp chiếm tỷ lệ 37,50% tiếp đến đái tháo đường 30%, rối
loạn chuyển hóa lipid 26,67% [16]. Theo tác giả Secgin Soyuncu và cộng sự, trong
nghiên cứu có 13,6% bị đái tháo đường, 6,1% bị ung thư [35]. Như vậy bệnh kết
hợp trong bệnh Zona hầu hết là bệnh của người cao tuổi.
21

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ


I. KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu 72 bệnh nhân Zona điều trị tại khoa Da liễu Bệnh viện Mắt và
Da liễu Hải Dương tôi có kết luận như sau:
Đặc điểm lâm sàng, yếu tố liên quan của đối tượng nghiên cứu
Bệnh Zona có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tuổi thường gặp là trên 50 tuổi
(chiếm tỷ lệ 90,2%), trong đó có 44,4% bệnh nhân trên 70 tuổi.
Tỷ lệ bệnh ở nam: 42%, nữ: 58%. Bệnh kết hợp hay gặp là tăng huyết áp, đái
tháo đường và rối loạn lipid máu…
Dấu hiệu đau giật thời gian tiền triệu gặp ở 100% bệnh nhân, có thể kèm theo
rát bỏng hoặc ngứa ở vị trí tổn thương. Thời gian đau tiền triệu dưới 5 ngày chiếm
đa số (93,1%). Mức độ đau tăng dần theo lứa tuổi và diện tích tổn thương, tuổi càng
cao, diện tích tổn thương càng lớn mức độ đau càng nặng.
Tổn thương cơ bản bệnh Zona là mụn nước thành chùm, bọng nước trên nền
dát đỏ (100%). Vị trí thường gặp nhất là vùng đầu - mặt - cổ (38,9%), tiếp đến là
mắt (37,5%) và liên sườn (30,6%).
Triệu chứng toàn thân ghi nhận 8,3% bệnh nhân sưng đau hạch phụ cận.

II. KIẾN NGHỊ


Qua kết quả nghiên cứu, ta có thể thấy việc chẩn đoán bệnh Zona không khó,
nhưng việc BN phát hiện và đến cơ sở y tế khám ngay từ giai đoạn có những triệu
chứng đau tiền triệu đầu tiên thì lại rất khó khăn.
Cần có các chương trình tuyên truyền, giáo dục người dân các triệu chứng đặc
trưng ở giai đoạn tiền triệu của bệnh Zona để có thể tự phát hiện và đi khám kịp
thời. Qua đó các bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị chính xác ngay từ giai đoạn sớm
nhằm hạn chế tối đa di chứng và đem lại kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. TIẾNG VIỆT
1. Nguyễn Lan Anh (2020), "Nguyên cứu một số thay đổi miễn dịch và hiệu
quả hỗ trợ điều trị bệnh Zona bằng kem lô hội AL-04", Luận án Tiến sĩ Y
học, Viện nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng 108.
2. Trần Thế Công (2007), "Nghiên cứu tình hình, đặc điểm lâm sàng và tác
dụng giảm đau bằng phác đồ Acyclovir phối hợp Neurontin trên bệnh nhân
Zona", Luận văn Thạc sĩ Y học, Học viện quân Y.
3. Ngô Xuân Nguyệt Đặng Văn Em (2005), "Kinh nghiệm điều trị bệnh Zona
bằng Acyclovir tại khoa da liễu Bệnh viện TWQĐ 108", Tạp chí Y học Thực
hành. Số 3, tr. 7-10.
4. Tô Thị Thuý Hằng (2015), "Nghiên cứu đặc điểm và một số yếu tố liên quan
đến đau trong bệnh Zona", Luận văn bác sĩ CK cấp II, Bệnh viện Bạch Mai.
5. Phạm Văn Hiển (2016), "Da liễu học", Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam. 5,
tr. 99-103.
6. Nguyễn Thị Thu Hoài (2013), "Mô tả một vài đặc điểm dịch tễ, lâm sàng
bệnh zona điều trị tại khoa da liễu Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái
Nguyên và bệnh viện 103", Tạp chí Khoa học và Công Nghệ. 112, tr. 237-
243.
7. Nguyễn Thị Lai (2005), "Nghiên cứu một số đặc điểm của Zona ở người cao
tuổi và hiệu quả của Acyclovir trong điều trị Zona", Tạp chí Y học thực
hành. 10, tr. 23-25.
8. Đặng Văn Em Nguyễn Lan Anh (2016), "Nghiên cứu một số đặc điểm dịch
tễ và lâm sàng bệnh Zona tại Bệnh viện TƯQĐ 108 ", Tạp chí Y dược lâm
sàng 108. 11, tr. 294-299.
9. Đặng Văn Em Nguyễn Lan Anh (2018), "Nghiên cứu hiệu quả hỗ trợ điều trị
zona của kem lô hội Al-04", Tạp chí Y dược lâm sàng 108 ,. 13, tr. 92-97.
10. Đặng Văn Em Nguyễn Lan Anh (2018), "Nghiên cứu một số thay đổi miễn
dịch trong bệnh Zona", Tạp chí Y dược lâm sàng 108. 13, tr. 264-268.
11. Bộ môn Da liễu trường Đại học Y Hà Nội (2017), "Bệnh học Da liễu", Nhà
xuất bản Y học. Tập 1, tr. 94-99.
12. Bộ môn Da liễu trường Đại học Y Dược Hải Phòng (2019), "Da liễu học",
trường Đại học Y Dược Hải Phòng, tr. 80-90.
13. Võ Hồng Khôi Tô Thị Thuý Hằng (2018), "Đặc điểm đau trong bệnh Zona
theo thang điểm trực quan tương ứng (VAS)", Tạp chí Y học Việt Nam. 467,
tr. 100-103.
14. Nguyễn Văn Liệu Võ Hồng Khôi, Tô Thị Thuý Hằng, Nguyễn Thị Thu
Hương (2019), "Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng trong bệnh Zona", Tạp chí Y
học Việt Nam. 481, tr. 204-207.
15. Nguyễn Tất Thắng Vương Thế Bích Thanh (2013), "Các yếu tố liên quan
đến đau thần kinh sau Zona ở bệnh nhân Zona điều trị tại bệnh viện Da Liễu
thành phố Hồ Chí Minh", Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh. 17, tr. 360-
361.
16. Vũ Ngọc Vương (2019), "Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng yếu tố liên quan và
hiệu quả của điện châm kết hợp Acyclovir trong điều trị bệnh Zona", Luận
án Tiến sĩ Y học, học viện y học cổ truyền quân đội.
B. TIẾNG ANH
17. J. D. Berry và K. L. Petersen (2005), "A single dose of gabapentin reduces
acute pain and allodynia in patients with herpes zoster", Neurology. 65(3), tr.
444-7.
18. M. Drolet và các cộng sự. (2019), "Effectiveness and cost-effectiveness of
vaccination against herpes zoster in Canada: a modelling study", Cmaj.
191(34), tr. E932-e939.
19. K. J. Friesen và các cộng sự. (2017), "Cost of shingles: population based
burden of disease analysis of herpes zoster and postherpetic neuralgia", BMC
Infect Dis. 17(1), tr. 69.
20. K. L. Hawkins và các cộng sự. (2018), "Herpes Zoster and Herpes Zoster
Vaccine Rates Among Adults Living With and Without HIV in the Veterans
Aging Cohort Study", J Acquir Immune Defic Syndr. 79(4), tr. 527-533.
21. S. K. Kanodia, A. K. Seth và A. M. Dixit (2012), "Dose related efficacy of
gabapentin in acute herpetic neuralgia among geriatric patients", Indian J
Dermatol. 57(5), tr. 362-5.
22. J. J. Kennedy và các cộng sự. (2019), "Infection and Functional Modulation
of Human Monocytes and Macrophages by Varicella-Zoster Virus", J Virol.
93(3).
23. F. Marra và các cộng sự. (2020), "Risk Factors for Herpes Zoster Infection:
A Meta-Analysis", Open Forum Infect Dis. 7(1), tr. ofaa005.
24. M. Shahid và các cộng sự. (2019), "Efficacy of a topical gabapentin gel in a
cisplatin paradigm of chemotherapy-induced peripheral neuropathy", BMC
Pharmacol Toxicol. 20(1), tr. 51.
25. H. G. Thyregod và các cộng sự. (2007), "Natural history of pain following
herpes zoster", Pain. 128(1-2), tr. 148-56.
26. J. Yu và các cộng sự. (2019), "Gabapentin increases expression of δ subunit-
containing GABA(A) receptors", EBioMedicine. 42, tr. 203-213.
27. Oaklander AL (1999), "The pathology of shingles: Head and Campbell’s
1900 monograph", Arch. Neurol. 56, tr. 1292-1294.
28. Odom N.B. Arnold H.L., James W.D., (1990), "Varicella - Zoster", andrews
disease of the skin, tr. 447-453.
29. Mark W. Dougla, et al (2004), "Tolerability of Treatments for Postherpetic
Neuralgia", DermIS. 27, tr. 1217-1233.
30. D. Gilde K. M. Galetta (2015), "Zeroing in on zoster: a tate of many
disorders produced by one virus", J Neurol Sci. 358, tr. 38-45.
31. Cooper E. M. Katz J, Walther R.R., Sweeney E. W., Dworkin R. H. Melzack
R (2004), "Acute pain in herpes zoster and its impact on health related
quality of life ", Clin Infect Dis. 39, tr. 342-348.
32. Richard Allen Johnson Klaus Wolff (2009), "Herpes Zoster", Color Atlas &
Synopsis of Dermatology. 6 ed, McGraw Hill, tr. 837-845.
33. Sheen T.S Ko J.Y, Hsu M.M. (2000), "Herpes zoster oticus treated with
acyclovir and prednisolone: clinical manifestations and analysis of
prognostic factor", Clin otorlaryngol. 25, tr. 139-142.
34. Nandini Sen Leigh Zerboni, stefan L. Oliver et al (2014), "Molecular
mechanisms of varicella zoster virus pathogenesis", Nature Reviews
Microbiology. 12, tr. 197-210.
35. at al Secgin Soyuncu (2009), "Herpes Zoster as a useful clinical maker of
underlying cell – mediated immune disorder", Ann Cad Med Singapore. 8, tr.
136-138.
36. Habif Thomas (2015), "Herpes Zoster, Skin diagnosis and treatment",
Elsevier Mosby, tr. 210-215.
37. Cebrian C. Ana M. (2010), "Epidemiology of Herpes Zoster ifection among
patients treated in primary care center in the valenc community (Spain)",
BMC Family practice, tr. 11-13.
38. Jeffrey I. Cohen (2013), "Herpes Zoster", N Engl J Med. 369, tr. 255-263.
39. John Gnann (2002), "Varicella Zoster Virus: Atypical Presentations and
Unusual Coplications", Journal of Infectious Diseases. 186, tr. 91-94.
40. Bader M. Mazen S. (2013), "Herpes Zoster: Diagnostic, therapeutic and
preventive approches", Postagraduate medicine. 125, tr. 32-81.
PHỤ LỤC
BỆNH ÁN NGHIÊN CỨU
I. HÀNH CHÍNH
Họ và tên:___________________________Tuổi:___________Giới: Nam/Nữ
Địa chỉ ________________________________________________________
Nghề nghiệp:_________________________SĐT:______________________
Điều trị tại:_____________________________________________________
Ngày vào viện:____________Ngày ra viện:___________Mã bệnh án:_______
II. LÂM SÀNG
1. Thời gian xuất hiện triệu chứng khởi phát (ngứa, rát, đau nhức, dát đỏ):
2. Triệu chứng cơ năng:
 Ngứa Có  Không 
 Nóng rát Có  Không 
 Đau nhức cắn giật Có  Không 
- Thời gian bắt đầu xuất hiện đau nhức cắn giật: ______________________
- Đánh giá mức độ đau theo thang điểm Likert (trước điều trị):_______điểm

Cường độ đau Cảm nhận đau của BN Biểu hiện của BN


0 điểm Không đau Biểu hiện bình yên
1-2 điểm Đau ít nhất BN hơi khó chịu
3-4 điểm Đau ít Nhăn mặt
5-6 điểm Đau vừa Rên rỉ
7-8 điểm Đau nặng Kêu la
9-10 điểm Đau dữ dội Có thể bị choáng

Mức độ đau: Không đau = 0 điểm; Đau nhẹ: ≤ 4 điểm;


Đau vừa:5 - 6 điểm; Đau nặng: ≥ 7 điểm
- Thời gian xuất hiện bọng nước mụn nước: ________________________
 Tổn thương trên da : Dát đỏ  Mụn nước  Bọng nước 
Mụn mủ  Bọng mủ  Mụn xuất huyết 
 Vị trí: Liên sườn  Thắt lưng  Đầu – Mặt - Cổ  Mắt 
Tai  Cánh tay  Hông - sinh dục – chi dưới  Khác 
- Mức độ tổn thương theo nguyên tắc bàn tay của Blockin (1953):______%
(1 lòng bàn tay của bệnh nhân tương ứng 1% diện tích cơ thể)
 Mức độ nhẹ: < 1% diện tích cơ thể
 Mức độ vừa: 1 - 2% diên tích cơ thể
 Mức độ nặng: > 2% diện tích cơ thể
- Sưng hạch phụ cận: Có  Không 
- Mất ngủ: Có  Không 
- Bệnh phối hợp:
 THA Có  Không 
 RLLP máu Có  Không 
 Đái tháo đường Có  Không 
 Ung thư (ghi rõ) Có  Không 
 HIV/AIDS Có  Không 
 Bệnh lý khác (ghi rõ):_______________________________________

Người nghiên cứu

Nguyễn Thị Phương Thảo

You might also like