You are on page 1of 8

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

-Hồ Chí Minh-

Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5-1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước.
Người là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, đồng thời là một nhà thơ
lớn, một nhà văn với phong cách nghệ thuật độc đáo, vừa đa dạng vừa thống
nhất. Văn chính luận của người thường ngắn gọn, súc tích, lập luận sắc sảo, chặt
chẽ, bằng chứng giàu thuyết phục và đa dạng về bút pháp. Thơ nghệ thuật của
Bác còn có sự hòa hợp độc đáo giữa bút pháp cổ điển và hiện đại, gữa chất thép
và chất tình, giữa sự trong sáng, giản dị và sự hàm súc sâu sắc. Tiêu biểu chắc
chắn phải kể tới những áng văn: Nhật Kí trong tù (1942-1943), Tuyên ngôn độc
lập (1945), Tuyên ngôn độc lập (1945)... đã khắc sâu vào tâm trí của mỗi người
dân Việt Nam. Trong những tác phẩm văn học của Hồ Chí Minh, để nói tới kiệt
tác có thể sánh ngang với các thiên cổ hùng văn của dân tộc thì chắc hẳn chúng
ta phải nhắc đến “Tuyên ngôn Độc lập” do Người soạn thảo ra. Với giọng văn
hùng hồn đanh thép cùng những lí lẽ sắc bén, Tuyên ngôn độc lập có sức thuyết
phục cao đối với cả người đọc và người nghe. Tác phẩm là kết quả của bao
nhiêu con người đã hi sinh, bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu nước mắt đã tuôn,
đó cũng là kết quả của bao nhiêu niềm tin, hi vọng và là sự tin tưởng của hơn
hai mươi triệu người dân Việt Nam

Nếu như Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt mở đầu bằng một lời tuyên
ngôn đanh thép: ”Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, Bình Ngô đại cáo khẳng định
một chân lý ịch sử: ”Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo
trừ bạo” thì Tuyên ngôn độc lập mở đầu bằng cách trích dân hai câu trong hai
bản tuyên ngôn độc lập nổi tiếng trên thế giới. Đó là những lời tuyên bố nổi
tiếng được Bác trích ra từ hai bản tuyên ngôn bất hủ của Pháp và Mĩ. Với bản
Tuyên ngôn Độc lập của nước Mĩ vào năm 1776, Người trích dẫn: “Tất cả mọi
người đều sinh ra…quyền mưu cầu hạnh phúc”. Không chỉ dừng lại ở đó, để
làm nổi bật hơn về tính phổ biến của những lẽ phải, Người còn nêu lên những
lời trong bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Pháp được tuyên bố
vào năm 1791, Người trích: “Người ta sinh ra… về quyền lợi”. Đây là một cách
nêu dẫn chứng khéo léo lại vừa kiên quyết. Khéo léo vì một mặt Người tỏ ra vô
cùng tôn trọng chân lí chung, dù rằng đó là chân lí ấy của các nước đang là kẻ
thù của mình đưa ra. Một mặt nó cũng hàm chứa một sự phê phán, mỉa mai.
Thực dân Pháp và đế quốc Mĩ là những kẻ xâm lược tàn bạo, chúng đã chà đạp
lên chân lí, chà đạp lên chính lương tâm và lý tưởng của cha ông chúng xưa kia.
Khéo léo ở đây nữa là Người đã dùng lí lẽ của kẻ thù để chống lại kẻ thù, dùng
phương pháp “gậy ông đập lưng ông”. Đồng thời, việc trích dẫn lời của hai bản
tuyên ngôn của Pháp và Mỹ còn mang ý nghĩa sâu xa hơn đó là Người đã đặt
Bản tuyên ngôn của nước ta ngang hàng với hai bản tuyên ngôn bất hủ ấy, đặt ba
nền độc lập đăng đối gợi được niềm tự hào dân tộc như Nguyễn Trãi đã từng
viết trong Bình Ngô đại cáo:

“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.”

Hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mĩ chỉ dừng lại ở việc nhấn mạnh quyền con
người, nhưng ở đây Người đã suy rộng thêm về quyền dân tộc. Người dõng dạc
khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào
cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Sự phát triển từ quyền
con người, quyền dân tộc là suy luận hết sức thông minh và chặt chẽ. Đó còn là
một sáng tạo có ý nghĩa to lớn, một cống hiến vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh
cho dân tộc Việt Nam và cả nhân loại. Sự phát triển ấy chẳng những là phát
súng lệnh khởi đầu cho bão táp cách mạng ở các nước thuộc địa, báo hiệu sự sụp
đổ của chủ nghĩa thực dân trên khắp thế giới vào nửa sau thế kỉ XX mà còn là
phát súng hiệu thức tỉnh kêu gọi các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đấu
tranh để giải phóng độc lập tự do. Câu nói của Người dường như đã tiếp sức và
mở đầu cho trào lưu giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

“Tuyên ngôn Độc lập” trước hết là một văn kiện lịch sử quan trọng. Nó
cũng chính là bản văn quan trọng bậc nhất của đất nước ta. Để có được “Tuyên
ngôn Độc lập” như vậy, biết bao đồng bào, đồng chí đã phải hy sinh trong suốt
80 năm chống thực dân Pháp. “Tuyên ngôn Độc lập” cũng chính là một cột mốc
lịch sử quan trọng, đánh dấu sự chấm dứt giai đoạn mất nước, giai đoạn nhân
dân ta phải sống kiếp trâu ngựa, nô lệ, nó còn mở đầu cho một kỉ nguyên
mới:một kỉ nguyên Độc lập tự do. Với hệ thống lập luận rõ ràng chặt chẽ, lí lẽ
sắc bén cùng giọng văn hùng hồn, thống thiết, bản “Tuyên ngôn Độc lập” của
Hồ Chí Minh thật xứng đáng sánh ngang với các bản tuyên ngôn bất hủ trên thế
giới cũng như các thiên cổ hùng văn của dân tộc như “Hịch tướng sĩ” của Trần
Quốc Tuấn hay “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi.
VIỆT BẮC

-Tố Hữu-

khổ 5
Hình ảnh so sánh “nhớ gì như nhớ người yêu” diễn tả mức độ sâu sắc mãnh liệt
nỗi nhớ Việt Bắc của Tố Hữu. (khúc này nói chuyện tình yêu đôi lứa xíu nè cho
đỡ chán) Bởi lẽ, không có nỗi nhớ nào so sánh được với nỗi nhớ của những
người đang yêu. Một nỗi nhớ cháy bỏng, tha thiết, mãnh liệt, nhất là khi phải xa
nhau thì nỗi nhớ càng cồn cào, da diết khôn nguôi.
Dường như nỗi nhớ của người cách mạng với thiên nhiên, với đồng bào Việt
Bắc có lẽ cũng không kém phần tha thiết như thế. Vì vậy, cảnh và người phút
chốc lại trở về vơi đầy trong tâm trí của người đi.
Nỗi nhớ ấy vừa được so sánh với “Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương”,
vừa gắn với không gian, thời gian đầy ắp kỷ niệm, vừa là cảnh thật vừa mang ý
nghĩa biểu tượng. Trăng là ban đêm, nắng là ban ngày. Như vậy, nỗi nhớ ở đây
bao trùm khắp cả không gian và thời gian.
Nỗi nhớ được thể hiện ở nhiều tầng bậc hết sức sinh động. Có khi nỗi nhớ hiện
hữu cùng bước đi thời gian: “trăng lên – nắng chiều – sớm – khuya”. Có khi nỗi
nhớ trải ra khắp không gian: “bản khói cùng sương – bếp lửa- rừng nứa- bờ tre-
ngòi Thia – sông Đáy- suối Lê…” . Từ nỗi nhớ thiết tha ấy, thiên nhiên Việt Bắc
hiện lên với vẻ đẹp êm đềm thơ mộng. Điệp từ “nhớ” đặt đầu các câu thơ càng
làm nổi bật lên nỗi nhớ ngày càng mênh mông, bất tận.
→ Ở đoạn thơ này, thiên nhiên Việt Bắc không còn ảm đạm “những mây cùng
mù” mà ấm áp, vui tươi. Chỉ có những người gắn bó máu thịt với Việt Bắc mới
có những cảm nhận sâu sắc và thấm thía về Việt Bắc đến như vậy.
khổ 6 4 câu đầu
Cụm từ “Ta đi ta nhớ…” là lời tâm sự chân thành và là lời nhắn nhủ tha thiết
của người đi dành cho những người ở lại, của người cách mạng dành cho mảnh
đất Việt Bắc anh hùng. Cụm từ “Mình đây ta đó…” kết hợp với “đắng cay ngọt
bùi” càng nhấn mạnh hơn những ân tình sâu thẳm. Hai tiếng “thương nhau”, thật
nhẹ nhàng nhưng cũng thật sâu lắng, người đi kẻ ở “Thương nhau chia củ sắn
lùi”, “Bát cơm xẻ nửa, chăn sui đắp cùng” đã thể hiện những tình cảm đùm bọc,
chia sẻ, gắn bó khăng khít đậm đà nghĩa tình quân dân, chính sức mạnh đoàn kết
ấy đã tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.
“Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”
Một người mẹ chịu thương chịu khó. Một người mẹ tảo tần vì con, vì bộ đội, vì
đất nước, nhân dân. Đó là người mẹ Việt Bắc từng ngày lao động miệt mài đóng
góp cho cuộc kháng chiến, từng ngày nuôi giấu cán bộ cách mạng. Viết về
người mẹ ấy, nhà thơ Tố Hữu có hình ảnh “nắng cháy lưng”. Không tả rõ nét
dáng hình người mẹ Việt Bắc, chỉ ba chữ đó thôi cũng đã đủ tái hiện lên chân
thực, trọn vẹn vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp lao động của người mẹ Việt Nam thời
chiến. Gần gũi, bình dị nhưng vô cùng mạnh mẽ, trang thơ Tố Hữu cho ta thấy
mẹ là một phần của những trang sử hào hùng, là hậu phương đắp bồi yêu
thương, sức mạnh cho những người lính chắc tay súng ra chiến trường giành lại
tự do cho dân tộc, đất nước.
"Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan”
Bên cạnh cái khốc liệt của khói lửa chiến tranh, cái tang thương của mất mát, hy
sinh, vẫn còn rộn rã ở đó một cuộc sống ngập tràn âm thanh nơi miền cao Việt
Bắc. Bên cạnh những giờ tập luyện mệt nhoài chuẩn bị cho cuộc chiến, những
giây phút căng thẳng khi đối mặt địch, các cán bộ cách mạng của ta cũng hòa
mình vào cuộc sống nơi núi rừng Việt Bắc, cùng đồng bào, cùng nhân dân xây
dựng cuộc sống. Họ đi gieo con chữ, đem ánh sáng văn hóa đến nơi đây, những
lớp bình dân học vụ để xóa mù chữ được mở ra ở khắp mọi nơi. Hồ hởi, phấn
chấn và ngập tràn hy vọng, không khí đó dường như ắp đầy khắp các bản làng
Việt Bắc, câu thơ “Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan” gợi ta nhớ đến
cái tươi vui, mê say từng thấy trong câu “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”
trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng.
“Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa...”
Với vốn ngôn ngữ phong phú, giàu hình ảnh của mình, nhà thơ Tố Hữu đã giúp
người đọc hình dung ra không gian, không khí rộn ràng niềm vui của quân dân
Việt Bắc sau những giờ phút chiến đấu ác liệt. Văng vẳng trong không gian
thanh bình ấy là tiếng “mõ rừng chiều” gọi trâu về của người lao động. Âm
thanh tiếng giã gạo đêm khuya, tiếng chày tiếng cối hòa cùng tiếng suối xa càng
đậm tô thêm bức tranh sinh hoạt thân thương, gần gũi, tràn đầy sức sống nơi núi
rừng Việt Bắc. Những âm thanh ấy cùng hòa quyện lại, một cách rất riêng, tạo
nên một khúc nhạc ấn tượng mà chỉ riêng núi rừng Việt Bắc có, do những con
người Việt Bắc cùng cán bộ cách mạng thời kỳ kháng chiến xây đắp nên.
→Khổ thơ đã thể hiện nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi với cảnh vật và con
người và những kỉ niệm cùng với đồng đội khi còn ở Việt Bắc. Nhịp điệu hài
hòa, uyển chuyển, ngôn ngữ giản dị, mộc mạc nhưng đi sâu vào tâm trí người
đọc, thể hiện tài năng sáng tác của Tố Hữu. Bởi vậy mà bài thơ "Việt Bắc" được
đánh giá là một bản tình ca và một khúc hùng ca hoành tráng.
2. Khổ 7: Bức tranh tứ bình
Hai câu thơ mở đầu là lời của người cán bộ về xuôi hỏi người ở lại
“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người”
Đại từ mình ta được sử dụng như một lời trò chuyện thân mật của đôi lứa trong
tình yêu. Câu lục mở đầu như lời ướm hỏi, hỏi mà không cần trả lời, câu bát là
lời khẳng định sau khi về sẽ nhớ hoa nhớ người. Hoa và người mang ý nghĩa
tượng trưng, hoa là biểu tượng cho thiên nhiên Việt Bắc tươi đẹp, người ở đây là
nói đến đồng bào VB. Tám câu thơ còn là lại hình ảnh thiên nhiên và con người
Việt Bắc trong nỗi nhớ của người về, được chia thành từng cặp lục bát cân đối
đoạn thơ có kết cấu đan xen độc đáo: câu lục tả cảnh câu bát tả người theo lối
chấm phá của thơ cổ.
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao cài thắt lưng”
Rừng VB vào mùa đông là một màu xanh bạt ngàn, trên cái nền xanh ấy, ta lại
thấy hoa chuối đỏ tươi, bập bùng cháy như những bó đuốc. Nếu ai đã biết hoa
chuối nở, sẽ thấy rằng nhà thơ chỉ viết hai chữ “đỏ tươi” nhưng cũng đủ gợi cho
ta thấy hoa chuối đã làm sáng lên cả một góc rừng. Nhờ hai gam màu tương
phản xanh và đỏ, ta thấy mùa đông VB không có dấu vết lụi tàn, băng giá, trái
lại rất đỗi ấm áp và tràn đầy sức sống.
Trên cảnh nền ấy, hình ảnh con người xuất hiện “đèo cao nắng ánh dao gài thắt
lưng”. Người đứng trên đỉnh đèo cao, ánh nắng chiếu vào lưỡi dao trên thắt lưng
làm lóe sáng. Hình ảnh này gợi lên tư thế vững chãi và sự tự tin của người làm
chủ núi rừng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”.
Đến đây, nền xanh trầm tĩnh đã nhường chỗ cho nền trắng tinh khiết của hoa mơ
rừng. Hai từ “trắng rừng” khiến cảnh rừng như bừng sáng. Hoa mơ là dấu hiệu
báo trước khi mùa xuân tới ở nơi đây, bởi loại hoa này thường chỉ ra vào mùa
xuân, giống như hoa đào và hoa mai. Hình ảnh về một rừng hoa mơ trắng thơm
ngát quyến rũ, làm say đắm lòng người được gợi mở trong câu thơ làm cho
người đọc ngây ngất trước cảnh đẹp của thiên nhiên. Trên phông nền của ngày
xuân là hình ảnh người con gái chuốt từng sợi giang để làm dây gói bánh chưng,
bánh tét, làm nón lá khiến cho không khí trở nên gần gũi ấm áp hơn bất kỳ lúc
nào.
“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”
Trong những bức họa trên, chúng ta mới thấy được đường nét, màu sắc và ánh
sáng. Đến đây, ta nghe thấy tiếng âm thanh của rừng, đó là tiếng nhạc ve. Chính
nhạc ve đã làm mọi thứ trở nên xao động. Phải nói rằng trong các bức tranh tứ
bình ở đây thì mùa hè Việt Bắc là đặc sắc hơn cả. Trong những ngày cuối cùng
của mùa xuân, những cây phách vẫn là màu xanh, nụ hoa vẫn náu kín trong
những chiếc lá. Nhưng khi những tiếng ve đầu tiên của mùa hạ cất lên thì chúng
đồng loạt trổ hoa vàng. Chỉ đôi ba ngày cũng đủ khiến rừng phách trổ hoa vàng
ruộm thật đẹp. Nhà thơ đã sử dụng chữ “đổ” cũng thật tinh tế và đặc sắc. Nó đã
nhấn mạnh đến tính mau lẹ trong sự biến chuyển của màu sắc, đồng thời cũng
diễn tả những trận mưa hoa vàng rừng phách mỗi khi có một luồng gió ào qua.
“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
Bộ tranh tứ bình kết thúc bằng bức tranh thu. Ba bức tranh trên là cảnh ngày,
riêng bức tranh mùa thu này lại là cảnh đêm. Bức tranh gợi lên ánh trăng rọi qua
vòm lá tạo thành một khung cảnh huyền ảo “Rừng thu trăng rọi hòa bình”. Nó
đã khiến ta nhớ đến một câu thơ cũng viết về đêm rừng Việt Bắc của Hồ Chí
Minh: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”.
Có thể thấy, hình ảnh mùa thu trên núi rừng Việt Bắc thật dịu dàng, nên thơ và
trữ tình với hình ảnh ánh trăng hòa bình thể hiện sự tròn đầy và chung thủy
trước sau như một của người dân nơi đây với cách mạng.
Đây đúng là khung cảnh trữ tình dành cho những cuộc hát giao duyên, cho nên
nó là cảnh cuối cùng. “Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung” – chữ “ai” là cách
nói bóng gió, ám chỉ người đang hát cùng với mình, làm cho lời lẽ trở nên tinh
tế và tinh tứ hơn. Qua tiếng hát ấy, ta cũng thấy được phẩm chất chung thủy và
ân tình của người Việt Bắc. Bức tranh thu đã làm hoàn chỉnh bức tranh tuyệt mỹ
của núi rừng VB.
2.Khổ 9: Hồi ức về những đoàn quân ra trận
Sang khổ thơ thứ chín, là bức tranh sống động hào hùng, tái hiện lại khí thế tiến
công như vũ bão và sức mạnh chiến thắng của quân và dân ta. Hay còn gọi là
cảnh ra quân trong tác phẩm Việt Bắc.
4 câu đầu
Cụm từ “của ta” thể hiện sự sở hữu cùng với niềm tự hào dân tộc về những con
đường kháng chiến. Như muốn khẳng định mỗi con đường, ngọn núi, dòng sông
nơi đây đều thuộc về Việt Nam. Trong câu thơ ta còn bắt gặp từ láy toàn phần
“đêm đêm”, từ láy ấy gợi ra không gian và thời gian. Thời gian ấy kéo dài liên
tục từ đêm này qua đêm khác, gợi tả lên hoàn cảnh khó khăn, gian khổ trường
kỳ nơi chiến khu Việt Bắc. Hình ảnh so sánh “những đường…đất rung” đã thể
hiện được khí thế ra trận hùng dũng, long trời lỡ đất của quân ta. Từ láy “rầm
rập” diễn tả tiếng bước chân mạnh mẽ từ một đoàn quân đông đảo trong đêm,
gợi lên nhịp độ khẩn trương, gấp gáp. Đó không chỉ là sức mạnh tổng hợp về số
lượng, mà còn là sức mạnh tinh thần của mọi người. Và dường như sức mạnh ấy
đã khiến cho thiên nhiên rung chuyển; thể hiện quyết tâm của đoàn quân, là đạp
phăng tất cả mọi chông gai thử thách, tiêu diệt kẻ thù và bảo vệ nền độc lập tự
do.
2 câu tiếp theo
Hai câu thơ tiếp theo, mô tả cụ thể hình ảnh của anh bộ đội hành quân ra trận.
Đó là một hình ảnh vừa hào hùng, vừa lãng mạn. Từ láy “điệp điệp trùng trùng”
khắc họa đoàn quân đông đảo, bước đi mạnh mẽ như những đợt sóng dâng trào,
đợt này nối tiếp đợt kia, tưởng chừng như không bao giờ có điểm dừng lại.
Trong câu thơ ấy, tác giả còn thể hiện được vẻ đẹp bình dị của người lính, là vẻ
đẹp hiên ngang qua hình ảnh “chiếc mũ” và “cây súng”. Trong những đêm hành
quân ấy, ở đầu mũi súng của người lính luôn ngời ngời ánh sao. Đó vừa là ánh
sao hiện thực trong đêm tối, vừa là tượng trưng cho ánh sáng của niềm tin, ánh
sáng của lý tưởng Cách Mạng, soi đường dẫn lối cho người lính chiến đấu. Hình
ảnh ấy còn gợi cho ta liên tưởng đến hình ảnh “đầu súng trăng treo” trong bài
thơ “Đồng chí” của Chính Hữu. Ánh sao trên bầu trời Việt Bắc, còn có thể hiểu
là Tổ Quốc. Người lính ra trận mang theo cả Tổ Quốc, lý tưởng bên mình.
Và trên núi rừng Việt Bắc đêm khuya, cùng hành quân với bộ đội là những đoàn
dân công phục vụ chiến đấu.
2 câu tiếp theo
Những bó đuốc rực sáng soi đường, làm sáng bừng hình ảnh của những đoàn
dân công, quang gánh xe thồ, ngày đêm tải đạn tải gạo ra tiền tuyến. Đây còn là
hình ảnh tả thực, cho ta thấy lực lượng đông đảo hùng hậu “từng đoàn” của
người dân, vượt qua mọi khó khăn, núi cao đèo dốc để tiếp lương tải đạn đảm
bảo sức mạnh về vật chất, cho bộ đội kháng chiến chống kẻ thù. Bước chân của
họ, qua cảm nhận của Tố Hữu, chính là “bước chân nát đá”. Hình ảnh cường
điệu khẳng định ý chí kiên cường, sức mạnh to lớn và tinh thần đoàn kết của
đoàn dân công. Đó là hình ảnh được tác giả nâng niu, trân trọng với cụm từ
“muôn tàn lửa bay”. Đây cũng là hình ảnh tả thực, nhưng đồng thời cũng gợi
được trong ánh lửa đó, là ánh sáng yêu nước, là tấm lòng của những người dân
công sẵn sàng đi ra tiền tuyến, sẵn sàng hy sinh xả thân vì nước. Tóm lại, đó là
sự xuất hiện của những con người không tên trong lịch sử Việt Nam, là hậu
phương vững chắc của các anh bộ đội vào trận đánh quân thù.
Hai câu thơ tiếp theo, sẽ thể hiện rõ niềm lạc quan tin tưởng của quân dân về
ngày mai thắng lợi trong cuộc chiến lần này.
2 câu tiếp theo
“Nghìn đêm thăm thẳm” là chỉ về rất nhiều đêm trường kỳ kháng chiến của
Cách mạng, còn “sương dày”, nếu hiểu theo nghĩa tả thực thì là thời tiết ở Việt
Bắc vô cùng khắc nghiệt. Nhưng nếu đọc cả 2 câu, ta sẽ thấy được sự tương
phản giữa “thăm thẳm sương dày” và “đèn pha bật sáng”. Chúng ta cũng đã từng
bắt gặp hình ảnh “đèn pha bật sáng” đâu đó trong “Bài thơ về tiểu đội xe không
kính”. Thì ở trong “Việt Bắc”, đèn ở đây hiểu là ánh sáng của những đoàn xe
hành quân xuyên đêm, phá tan đi những lớp sương dày. “Sương dày” còn có thể
hiểu là những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất trong những ngày đầu
chống Pháp. “Nghìn đêm” ở đây còn có thể hiểu là bóng tối của kiếp sống nô lệ
của nhân dân ta trước sự thống trị của kẻ thù tàn ác. Nhưng thay vì bi quan tuyệt
vọng, Tố Hữu cũng như là mọi người dân, đã luôn vững tin vào hình ảnh một
“ngày mai lên”. Một bình minh huy hoàng, tráng lệ đang vẫy gọi người dân Việt
Nam.
Tiếp theo 4 câu thơ sau, sẽ là một khúc khải hoàn ca, ăn mừng chiến thắng.
2 câu tiếp theo
Tin thắng trận từ khắp nơi, từ khắp mọi miền đất nước dồn dập đổ về chiến khu
Việt Bắc. Những cụm từ “vui về, vui từ, vui lên” và “tin vui” là nghệ thuật sử
dụng điệp từ “vui”, để gợi tả không khí vui tươi, hồ hởi của nhân dân khi giành
lại được chiến thắng trên khắp dải đất hình chữ S. Tố Hữu đồng thời cũng liệt kê
hàng loạt các địa danh, để thể hiện chiến công ở Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên,
ở Đồng Tháp, An Khê, Việt Bắc, đèo De, núi Hồng. Nhịp thơ nhanh, dồn dập,
như muốn nhấn mạnh cảm giác phấn khích, háo hức trào ra khỏi lồng ngực. Tin
thắng trận đến khiến cả không gian tràn ngập niềm vui. Đó là niềm vui lớn, niềm
vui của con người, của dân tộc, và của cả một đất nước.
Tố Hữu đã thật sự rất tài tình khi đã tạo dựng được một bức tranh hoành tráng
về lịch sử Cách Mạng. Bằng ngôn từ thơ ca, cách sử dụng điệp âm điệp thanh
hiệu quả, thể thơ lục bát này đã thể hiện hoàn chỉnh vẻ đẹp của con người nơi
chiến khu Việt Bắc, một vẻ đẹp vừa thép vừa tình.
C. TỔNG KẾT
1. Giá trị nghệ thuật
- Bài thơ được viết theo kết cấu đối đáp của ca dao trữ tình với sự luân phiên của
người ở lại và người ra đi tạo cho bài thơ sự nhịp nhàng, đăng đối.
- Cách xưng hô mình - ta quen thuộc trong ca dao với sự biến đổi linh hoạt giữa
mình với ta; người ở lại có lúc là mình, có lúc là ta; người ra đi lúc là ta, lúc là
mình tạo ra tình cảm thân mật, tha thiết
- Tố Hữu sử dụng thể thơ lục bát - thể thơ đặc sắc của dân tộc, với những luyến
láy, vần điệu nhịp nhàng khiến cho nỗi nhớ trong bài thơ càng trở nên nồng nàn,
sâu đậm.
- Sử dụng nhiều từ láy, tượng hình giàu hình ảnh.
2. Giá trị nội dung
Phân tích bài thơ Việt Bắc để cảm nhận đây như một bản trường ca về cuộc
kháng chiến chống Pháp chông gai, gian khổ nhưng đầy tự hào, anh dũng. Ở đó
còn là nỗi nhớ thương da diết khôn nguôi giữa những người cách mạng và Việt
Bắc, tình cảm tha thiết, đậm sâu giữa quân và dân ta. Bài thơ khẳng định tình
nghĩa thủy chung gắn bó, tình cảm uống nước nhớ nguồn của những cán bộ
Cách Mạng đối với thủ đô kháng chiến, quê hương Cách Mạng và người dân
VN. Từng lời thơ còn thấm đượm tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tự hào
non sông gấm vóc.

You might also like