You are on page 1of 63

Trần Lệ Xuân

Bà Trần Lệ Xuân (trái) và con gái Ngô Đình Lệ Thuỷ trên bìa tạp chí Life số ra ngày
11/10/1963. Ảnh: TL internet

Trần Lệ Xuân (sinh năm 1924), vợ của Ngô Đình Nhu, là một phụ nữ được biết đến
như một trong những gương mặt then chốt trong chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt
Nam cho đến khi anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị lật đổ và ám sát năm 1963.

Trần Lệ Xuân sinh tại Huế (có tài liệu ghi là Hà Nội). Bà là cháu gái của vua Đồng
Khánh và là con của luật sư Trần Văn Chương (đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ do Ngô Đình
Diệm bổ nhiệm). Lúc nhỏ bà học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, tốt nghiệp tú tài Pháp. Năm
1943 bà kết hôn với Ngô Đình Nhu (em ruột Tổng thống Ngô Đình Diệm) và cải đạo theo Thiên
Chúa, từ bỏ đạo Phật. Bà là dân biểu, chủ tịch Hội Phụ nữ Liên đới, thường được gọi là Bà Cố vấn
và được coi là Đệ nhất Phu nhân (First Lady) của Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1955 đến năm 1963
vì Tổng thống không lập gia đình.

Trong thời Đệ nhất Cộng hoà của miền Nam Việt Nam, Trần Lệ Xuân bị cho là người
lộng quyền. Việc Ngô Đình Diệm để cho bà cũng như Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình
Luyện và người em út Ngô Đình Cẩn tham gia sâu vào việc nước tạo nên hình ảnh gia đình trị độc
đoán kiểu phong kiến.
Trong sự kiện Phật Đản 1963, ngày 3 tháng 8 năm 1963, trong cuộc nói chuyện với phụ
nữ bán quân sự, Trần Lệ Xuân lên tiếng rằng “hoạt động của Phật Giáo là một hình thức phản bội
xấu xa...”. Về sự tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức, bà nhiều lần công khai phát biểu “Vỗ
tay hoan nghênh các vụ tự thiêu, nếu ai có thiếu xăng dầu thì tôi sẽ cho” và gọi vụ tự thiêu là
“nướng thịt sư”. Trả lời phỏng vấn của ký giả báo New York Times, Trần Lệ Xuân nói: “Tôi còn
thách mấy ông sư thêm mười lần nữa. Phương pháp giải quyết vấn đề Phật Giáo là phớt tỉnh,
không cần biết tới”. Các hành động, phát biểu thiếu cân nhắc và quá khích của bà góp phần đổ
thêm dầu vào lửa dẫn đến cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963, chấm dứt nền Đệ nhất Cộng
hòa của Việt Nam Cộng Hòa.

Trần Lệ Xuân cũng là người khởi xướng kiểu áo dài cổ thuyền, khoét sâu (mà dân
chúng vẫn gọi nôm na là “Áo dài Trần Lệ Xuân”) tạo ra một làn sóng thời trang áo dài hở cổ mới
mà những người cổ học lên tiếng phê phán.

Bà còn cho xây dựng tượng Hai Bà Trưng, nhưng với khuôn mẫu Trưng Trắc giống hệt
bà còn Trưng Nhị giống hết con gái Lệ Thủy của bà. Ba năm sau ngày bà đi lưu vong, 2 tượng này
bị đập vỡ.

Sống lưu vong

Trong tháng 10 năm 1963, Trần Lệ Xuân cùng con gái Ngô Đình Lệ Thủy đi Hoa Kỳ
và Roma với dự định sẽ vạch trần mưu đồ của Tổng thống Kennedy và CIA trước công chúng Mỹ.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963 Trần Lệ Xuân và con gái đang trú ngụ tại khách sạn sang
trọng Wilshire Hotel ở Beverly Hill, California thì cuộc đảo chính xảy ra, chồng và anh chồng bà
bị giết.

Ngày 15 tháng 11 năm 1963, Trần Lệ Xuân và Lệ Thủy rời khỏi Los Angeles để đi
Roma sinh sống sau khi phát biểu: “Tôi không thể cư ngụ ở Mỹ, vì lý do đơn giản chính phủ của
họ đã đâm sau lưng tôi.”

Ngày 16 tháng 10 năm 1971, tờ New York Times đưa tin bà bị đánh cướp số nữ trang
trị giá trên 32 ngàn dollar tại Roma.

Ngày 9 tháng 5 năm 1975 khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình NBC Trần Lệ Xuân đã
tố cáo chính quyền Kennedy can thiệp vào Nam Việt Nam là “nhằm tạo thanh thế và sự ủng hộ
cho Đảng Dân chủ (Hoa Kỳ)”.

Ngày 2 tháng 11 năm 1986, Trần Lệ Xuân tố cáo Mỹ chơi xấu với gia đình bà trong
việc bắt giữ Trần Văn Khiêm (em trai bà) về tội giết cha mẹ là ông bà Trần Văn Chương tại nhà
riêng ở Washington, D.C. hồi tháng 7 năm 1986.

Những năm đầu thập niên 1990, Trần Lệ Xuân sống tại vùng Riviera Pháp và thường
chỉ trả lời phỏng vấn nếu được trả tiền.

Hiện nay Trần Lệ Xuân đang sống một mình, viết hồi ký tại 1 trong 2 căn hộ thuộc
quyền sở hữu của bà (căn thứ hai cho thuê) trên tầng 11 của một tòa nhà cao tầng gần tháp Eiffel
tại quận 15, thủ đô Paris (Pháp) và cắt đứt mọi quan hệ với các nhân vật chính trị. Hai căn hộ này
theo bà là của một nữ bá tước tỉ phú người Ý là Capici tặng mặc dù hai người chưa từng gặp nhau.

Con cái

Ngô Đình Trác, tốt nghiệp kỹ sư canh nông, 55 tuổi (2007), lấy vợ người Ý, có 4 con
(3 trai, 1 gái).

Ngô Đình Quỳnh, tốt nghiệp ESSEC (Trường Kinh tế và Thương mại Pháp), hiện làm
cho một công ty của Mỹ tại Bruxelles, Bỉ.

Ngô Đình Lệ Thủy, trưởng nữ, mất vì tai nạn giao thông tại Paris năm 1968.

Ngô Đình Lệ Quyên, tiến sĩ Luật đại học Roma, không nhập quốc tịch Ý tuy có chồng
người Ý. Con trai 7 tuổi (2007) mang họ mẹ trên giấy tờ là: Ngô Đình Sơn.

_________________________

Cựu đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân qua đời

Ngày 24/4, bà Trần Lệ Xuân, cựu đệ nhất phu nhân Việt Nam Cộng hòa, đã qua đời tại
một bệnh viện ở Rome, Ý, hưởng thọ 87 tuổi.

Luật sư Trương Phú Thứ, người chấp bút cho cuốn hồi ký của bà Trần Lệ Xuân, cho
biết bà qua đời khi các con và cháu nội ngoại quây quần bên giường bệnh.

Bà Trần Lệ Xuân sinh năm 1924, là quả phụ ông Ngô Đình Nhu, em trai và cố vấn cựu
Tổng thống Ngô Đình Diệm. Bà có bốn người con, hai trai, hai gái, trong đó trưởng nữ Ngô Đình
Lệ Thủy đã thiệt mạng năm 1968 trong một tai nạn giao thông ở Paris.

Bà Trần Lệ Xuân có nguyện vọng cuốn hồi ký của mình chỉ được phát hành sau khi bà
qua đời.

_________________________

Trong dòng họ Ngô Đình, Trần Lệ Xuân là một người con dâu đặc biệt, không giống ai.
Khi cái gọi là nền đệ nhất cộng hòa tồn tại ở miền Nam, Trần Lệ Xuân chỉ là vợ của người em trai
kiêm cố vấn đặc biệt Ngô Đình Nhu của chính quyền Ngô Đình Diệm, đã ngự trị như một đệ nhất
phu nhân và có nhiều hành động tự tung tự tác trong xã hội, trắng trợn đến mức đã gây nên rất
nhiều điều tiếng không hay trong dư luận.

Theo một số nguồn tư liệu, Trần Lệ Xuân sinh năm 1924 tại Huế (cũng có tài liệu ghi
là Hà Nội) trong một gia đình rất có máu mặt. Xét về phả hệ, trong huyết mạch Trần Lệ Xuân có
cả dòng máu của vua Đồng Khánh. Cha Trần Lệ Xuân là ông Trần Văn Chương, một vị luật sư
thời đó. (Về sau, dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, ông Trần Văn Chương có thời gian được
cử làm đại sứ của chính quyền Sài Gòn tại Mỹ. Kết cục của vị luật sư này hết sức bị thảm: cuối
tháng 7/1986, ông bà Trần Văn Chương đã bị người con trai bị bệnh tâm thần là Trần Văn Khiêm
sát hại trong chính căn nhà của họ ở Washington D.C, Mỹ. Cảnh sát Mỹ đã phải tha bổng sát thủ
Trần Văn Khiêm vì căn bệnh của y nhưng cũng trục xuất y ra khỏi biên giới sang Pháp. Và thực lạ
là, ở Pháp, Khiêm lại sống rất bình thường. Có người cho rằng, trong chuyện này có một nghi án
chính trị nào đó…).

Trần Lệ Xuân lớn lên ở Hà Nội, từng theo học Trường Albert Sarraut và đã tốt nghiệp
tú tài Pháp. Năm 1943, Trần Lệ Xuân kết hôn với người con trai thứ sáu của dòng họ Ngô Đình là
Ngô Đình Nhu và bỏ đạo Phật theo đạo Thiên chúa của gia đình chồng.

Năm 1955, khi Ngô Đình Diệm được Mỹ hậu thuẫn lên làm tổng thống của cái gọi là
nền đệ nhất cộng hòa ở Sài Gòn, Ngô Đình Nhu được cử làm cố vấn đặc biệt. Đánh giá một cách
công bằng, đây là nhân vật có vai trò cực kỳ quan trọng trong bộ máy quyền lực của chế độ Ngô
Đình Diệm. Xuất giá tòng phu, Trần Lệ Xuân cũng nghiễm nhiên có được một vị trí nổi bật trong
chính trường Sài Gòn khi đó.

Tuy nhiên, bản tính "sâu sắc như cơi đựng trầu", Trần Lệ Xuân đã làm ảnh hưởng tiêu
cực tới "nghiệp lớn" của gia đình chồng, vốn tự thân nó đã bị điều tiếng không ít. Trần Lệ Xuân
được bầu vào quốc hội Sài Gòn, (tức là làm dân biểu), được giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ Liên
đới, thậm chí còn được gọi là đệ nhất phu nhân vì Ngô Đình Diệm không lập gia đình. Bản thân
Ngô Đình Diệm cũng tương đối vì nể cô em dâu sắc sảo, bạo nói, bạo làm. Còn Ngô Đình Nhu thì
khi ở thế thượng phong có thể bắt nạt cả thiên hạ nhưng trước mặt vợ vẫn luôn nhũn như con chi
chi vì thực tâm rất ngại ầm ĩ chuyện riêng tư…

Ngồi ở cương vị cao và luôn bị thiên hạ trông vào như thế nhưng Trần Lệ Xuân vẫn giữ
nguyên cách hành xử đành hanh, lộ liễu và rất nhiều khi khinh suất. Không phải ngẫu nhiên mà
nhiều người cho rằng chính Trần Lệ Xuân và cả giám mục Ngô Đình Thục nữa đã "đổ thêm dầu
vào lửa" khiến cho chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm sớm bị xóa sổ ở miền Nam.

Tháng 10/1963, đánh hơi thấy sự thất thế của triều đại Ngô Đình trong con mắt các
đồng minh thân cận, Trần Lệ Xuân cùng con gái lớn là Ngô Đình Lệ Thủy đi Mỹ và Rome với dự
định sẽ to tiếng la làng về một âm mưu đảo chính có thể xảy ra.

Trần Lệ Xuân trả lời phỏng vấn tại phi trường Tân Sơn Nhất trước khi rời Sài Gòn ra đi

Ngày 1/11/1963, khi Trần Lệ Xuân và con gái đang ở khách sạn Wilshire Hotel tại khu
thượng lưu Beverly Hill (California) thì ở Sài Gòn, đã xảy ra đảo chính và Ngô Đình Diệm, Ngô
Đình Nhu rồi cả Ngô Đình Cẩn đều bị giết. Tới ngày 15/11/1963, hai mẹ con Trần Lệ Xuân và Lệ
Thủy phải lật đật rời khỏi Los Angeles sau khi tức tối tuyên bố: "Tôi không thể cư ngụ ở Mỹ, vì lý
do đơn giản chính phủ của họ đã đâm sau lưng tôi".

Từ đó trở đi là những giai đoạn họa vô đơn chí đối với Trần Lệ Xuân. Vừa nhận được
tin chồng và các anh em chồng bị giết chưa bao lâu, Trần Lệ Xuân đã phải nhận tin mẹ chồng qua
đời ở tuổi hơn 90 tại Huế… Bốn năm sau, con gái đầu của Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân là Ngô
Đình Lệ Thủy cũng bị chết trong một tai nạn giao thông ở Paris.

Sau năm 1963, Trần Lệ Xuân cùng những người con còn lại (lúc đó đều còn bé) chuyển
về sinh sống tại Rome trong nhiều năm liền, nơi giám mục Ngô Đình Thục, đang tá túc cho qua
ngày đoạn tháng. Nói một cách công bằng, trong số các anh chị em ruột của Ngô Đình Nhu, hình
như chỉ có một mình giám mục Ngô Đình Thục là thông cảm nhất với những điều tiếng và lận đận
của cô em dâu. (Người em Ngô Đình Cẩn thì trái lại, không tiếc lời gièm pha chị dâu và có lần đã
nói: "Đó là Đát Kỷ của thời nay!").

Có tin cho rằng, chính giám mục Ngô Đình Thục đã chu cấp cho mẹ con Trần Lệ Xuân
mọi kinh phí để họ sống ở Rome. Không những thế, ông Ngô Đình Thục còn tài trợ cho ba người
con của Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng Ngô Đình Thục cũng
chỉ sống ở Italia một thời gian rồi sang Mỹ và để tới ngày 13/12/1984, phải vĩnh biệt cõi trần trong
một viện dưỡng lão vì khủng hoảng tinh thần. Cái chết của giám mục Ngô Đình Thục có lẽ là một
tổn thất nặng về tình cảm đối với Trần Lệ Xuân.

Tiếp sau cái tang Ngô Đình Thục, Trần Lệ Xuân còn phải sống qua bi kịch cha mẹ bị
chính người em ruột lên cơn tâm thần của bà ta giết. Rồi người em út của dòng họ Ngô Đình là
Ngô Đình Luyện cũng qua đời vào đầu năm 1990 ở Paris. Như vậy là Trần Lệ Xuân đã phải chứng
kiến tới 10 cái chết của những người họ hàng ruột thịt.

Sau khi Ngô Đình Luyện (người hình như cũng có điều không mấy bằng lòng với cách
làm vợ của chị dâu) qua đời, Trần Lệ Xuân đã rời Italia sang Paris cư trú. Có nhiều tin đồn là
người đàn bà nhan sắc Trần Lệ Xuân trong mấy chục năm qua đã không chịu ở vậy. Tuy nhiên,
không có chứng cứ xác thực về một lần nào đó Trần Lệ Xuân tái giá.

Năm 2002, một luật sư người Việt từ Mỹ sang chơi Paris đã có dịp trực tiếp gặp Trần
Lệ Xuân ở Paris và đã ghi lại những điều tai nghe mắt thấy của mình. Theo đó, khi ấy, Trần Lệ
Xuân ở một mình trong một căn hộ ở tầng thứ 11 thuộc một tòa nhà mới xây gần tháp Eiffel, nơi
cư dân chủ yếu là các nhân viên ngoại giao từ các nước tới làm việc ở thủ đô Pháp.

Đó là một chung cư có những nét kiến trúc đương đại giống như một cái hộp khổng lồ
bằng kính, có lẽ đã được tạo dựng từ 30 đến 40 năm. Trần Lệ Xuân sở hữu hai căn hộ liền kề nhau
(theo lời Trần Lệ Xuân, tiền mua hai căn hộ là do giám mục Ngô Đình Thục cho. Tuy nhiên, sự
thật không phải như vậy: nguồn tiền đó là do một người ẩn danh tặng cho Trần Lệ Xuân).

Trần Lệ Xuân ở một căn hộ, có hai phòng ngủ và một phòng khách; còn căn hộ kia thì
cho một nhà ngoại giao Nhật Bản thuê, để có thêm tiền sinh hoạt. Món tiền cho thuê nhà cũng là
món lợi tức duy nhất của Trần Lệ Xuân, để có thể đủ tiền sống mà không phải nhờ cậy tới con cái.
Tại Paris, Trần Lệ Xuân sống mai danh ẩn tích đến nỗi nhiều người Việt cư trú lâu năm ở đây và
có những mối quan hệ rộng rãi vẫn tưởng bà ta đang ở tít tận bên Italia…

Theo cảm nhận của người khách Việt khi tới thăm Trần Lệ Xuân ở Paris năm 2002, dù
xa nhà lâu năm nhưng Trần Lệ Xuân vẫn giữ nguyên giọng nói đặc Huế, không vồn vã nhưng
cũng không quá lạnh nhạt. Người đàn bà ở tuổi bát tuần này vẫn trang điểm gương mặt một cách
kỹ lưỡng. Về sức khỏe thì cũng bình thường, không có gì đáng phải phàn nàn, "đi đứng nhanh
nhẹn, lưng thẳng, đôi mắt to và sáng". Tuy nhiên, theo nhận xét của ông khách đó, "cái già" cũng
vất vưởng đâu đó trên khóe mắt vành môi…
Ba người con của Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân đều đã phương trưởng. Người con
trai lớn Ngô Đình Trác từng tốt nghiệp kỹ sư canh nông, lấy vợ người Italia và đã có 4 con, (3 trai,
1 gái). Người con trai thứ hai là Ngô Đình Quỳnh, từng tốt nghiệp Trường ESEC (Ecole
Superrieur de I’Economie et du Commerc (ESEC, một trường tư đào tạo các chuyên gia kinh tế và
tài chính, có học trình chặt chẽ và học phí rất cao). Cô con gái út Ngô Đình Lệ Quyên có bằng tiến
sĩ Luật từ Trường Đại học Rome…

Trần Lệ Xuân đã viết được một cuốn hồi ký bằng tiếng Pháp rồi tự dịch ra tiếng Italia,
Anh và Việt Nam. Theo người đàn bà này tâm sự, cuốn hồi ký đó chỉ có thể được công bố sau khi
bà ta qua đời.

Không hẳn mọi điều trong cuốn hồi ký đó đều là sự thật bởi suy cho cùng, những điều
Trần Lệ Xuân định nói trong đó đều nhằm mục đích "thanh minh thanh nga" cho một dòng họ đã
gây nên quá nhiều ân oán giang hồ trong giai đoạn đầu quyết liệt và phức tạp của lịch sử. Nhưng
lịch sử là quá trình khách quan và đâu dễ những cảm nhận chủ quan của một người trong cuộc,
đầy động cơ cá nhân và thậm chí là vị kỷ, có thể bóp méo được

(Theo An ninh thế giới cuối tuần)

_________________________

Cuộc sống của "đệ nhất phu nhân" Trần Lệ Xuân tại Pháp

Mỗi khi nhắc đến gia đình họ Ngô, mọi người đều biết cặp Ngô Đình Nhu – Trần Lệ
Xuân. Dù đứng trong bóng tối của chế độ Ngô Đình Diệm, nhưng quyền uy lại khuynh đảo cả
miền Nam trước năm 1975. Mấy anh chị em ruột nhà Ngô, nay đã về “nước Chúa”, chỉ còn lại bà
quả phụ Ngô Đình Nhu, tức Trần Lệ Xuân.

Báo Công an Nhân dân ngày 23/9/2009 đã đăng phóng sự về cuộc sống của bà Trần Lệ
Xuân tại Pháp Để độc giả có cái nhìn rõ hơn về nhân vật này, Bee xin đăng lại bài viết.

Sau năm 1963, Trần Lệ Xuân cùng các con chuyển về sinh sống tại La Mã, nơi giám
mục Ngô Đình Thục đang cư trú. Ngày 13/12/1984, mấy mẹ con bà nhận được tin giám mục Thục
từ trần tại Mỹ sau mấy năm bị khủng hoảng tinh thần. Lúc còn ở Việt Nam hay khi sống lưu vong
ở nước ngoài, giám mục Ngô Đình Thục lúc nào cũng yêu thương mẹ con bà. Do vậy, ông không
chỉ là người thân ruột thịt, mà còn là ân nhân nơi đất khách quê người của Trần Lệ Xuân. Người ta
nói, nhà cửa của mẹ con bà ở La Mã đều do ông mua sắm và còn cung cấp cả tiền bạc cho con cái
bà ăn học nữa.

Khi được tin giám mục Ngô Đình Thục qua đời, mẹ con bà Nhu định sang Mỹ chịu
tang. Nhưng chẳng biết vì sao, có lẽ do xích mích trong gia đình, ông Ngô Đình Luyện, em út
trong gia đình họ Ngô đã cấm không cho mẹ con bà sang dự tang lễ.
Gần hai năm sau, ngày 28/7/1986, bà Xuân nhận được điện thoại của em ruột là Trần
Văn Khiêm, báo tin cha mẹ ruột là ông bà Trần Văn Chương qua đời, nhưng không rõ nguyên
nhân. Sau đó, Khiêm bị cảnh sát FBI bắt, do có liên can đến cái chết của hai người này. Cha mẹ
ruột qua đời, bà Nhu cũng không thể qua Mỹ chịu tang.

Đến năm 1990, người em út của Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Luyện qua đời tại Paris
vì bệnh. Mẹ con bà Nhu cũng không thể đến dự tang, do trước đó có xích mích với nhau. Cuộc đời
bà Trần Lệ Xuân, từng chứng kiến 10 đám tang, đều bất đắc kỳ tử của người thân, từng khóc hết
nước mắt, nhưng không lần nào được tham dự tang lễ.

Cho đến nay, người ta vẫn đồn đoán: bà Nhu đã lấy chồng, hoặc qua đời từ lâu rồi, vì
không ai nghe tin tức. Tất cả đều vô căn cứ. Vào tháng 3/2002, luật sư Trương Phú Thứ có sang
Paris chơi, và đã đến thăm bà quả phụ Ngô Đình Nhu, chụp được tấm ảnh của bà. Khi về đến Hoa
Kỳ, ông Thứ có viết một bài khá dài về bà.

Luật sư Trương Phú Thứ cho biết: bà Nhu sống một mình trong căn hộ của một tòa nhà
mới xây gần tháp Eiffel. Bà có hai căn ở tầng thứ 11, tại một khu vực đẹp và đắt tiền nhất Paris.
Bà ở một căn, căn còn lại cho thuê để sinh sống. Đó là nguồn thu nhập duy nhất, đủ để sống,
không cần nhờ vả đến các con. Bà sống ẩn dật, âm thầm lẻ loi, đến mức cựu trung tướng quân đội
Sài Gòn Trần Văn Trung, rất quen thuộc với cộng đồng người Việt tại Paris, cũng tưởng bà Nhu
đang sống ở Italia.

Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Nhu (tháng 7/1962).

Bà Nhu tuy đã ngoài 80, nhưng vẫn khỏe mạnh. Bà đi đứng nhanh nhẹn, lưng thẳng,
đôi mắt to và sáng. Căn nhà bà Nhu khá tầm thường, với hai phòng ngủ và một phòng khách. Trên
tường phòng khách còn treo vài bức ảnh lớn của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu
và con gái lớn Ngô Đình Lệ Thủy. Bà Nhu bác bỏ tin đồn chuyện một người Pháp giàu có biếu
giám mục Thục số tiền lớn, sau đó ông cho bà để mua căn hộ này. Rồi bà dành dụm thêm để mua
căn nữa. Sự thật không phải thế. Bà Nhu trực tiếp nhận được tiền từ một ân nhân ẩn danh. Sau đó
bà nhờ một cựu bộ trưởng thời De Gaulle giúp mua cho hai căn hộ này.
Trần Lệ Xuân nói: “Mấy thanh niên Việt Nam mới đến Pháp, bơ vơ, tôi cho tạm trú ở
căn hộ này, không lấy tiền nhà và điện nước. Một thời gian sau, họ có thân nhân đón đi hay mua
nhà riêng, tôi mới cho một nhà ngoại giao Nhật thuê. Bà còn tiết lộ vị ân nhân đó chính là bà
Capici, một phụ nữ Italia từng nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Bà Nhu chưa
từng gặp mặt vị ân nhân này, và mãi 4 năm sau khi bà này tạ thế, Trần Lệ Xuân mới biết rõ thân
thế và sự nghiệp!

Trên bức tường ngăn phòng khách và nhà bếp, có treo bức ảnh đen trắng “Biệt điện
Trần Lệ Xuân” ở Đà Lạt. Bà không hề có ý định trở về thăm Việt Nam. Khi nói về con cái, bà Nhu
có vẻ hãnh diện. Con trai lớn là Ngô Đình Trác, tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, năm nay 57 tuổi,
lấy vợ Italia, có 3 con trai, 1 gái. Bà Nhu khoe những đứa cháu nội, con trai ông Trác: Ai cũng cao
1,8 mét, to lớn và rất đẹp trai. Vợ ông Trác thuộc dòng dõi quý tộc, rất giàu có. Ông Trác chế tạo
được nhiều nông cụ thích hợp cho canh tác những mảnh đất nhỏ. Gia đình ông có một biệt thự to
và đẹp ở nội thành La Mã, có dáng dấp như một tu viện cổ. Bà Nhu từng ở đây nhiều năm, khiến
có tin đồn đoán bà sống trong một tu viện Công giáo!

Người con thứ nhì là Ngô Đình Quỳnh cũng đã ngoài 50 tuổi, tốt nghiệp Trường cao
đẳng Kinh tế và Thương mại - ESEC. Đây là trường tư thục cao cấp, mức học phí rất lớn. Sinh
viên phải thi tuyển gắt gao, nhưng khi tốt nghiệp lại được nhiều cơ quan tài chính quốc tế trọng
dụng. Khi Quỳnh học, bà Nhu không đủ tiền học phí để đóng, phải ký giấy xin khất nợ. Hiện ông
Quỳnh làm đại diện thương mại cho một công ty Hoa Kỳ ở Bruxelles, thủ đô nước Bỉ. Ông ta
không có vợ con, bà Nhu nói: “Nó giống ông bác ruột (Ngô Đình Diệm)”.

Cô gái út, Ngô Đình Lệ Quyên có bằng tiến sĩ luật, Trường đại học Rome. Lệ Quyên là
luật sư ngành công pháp quốc tế rất nổi tiếng, nhưng chỉ được mời thỉnh giảng tại Đại học Rome.
Lý do: Cô không gia nhập quốc tịch Italia! Luật pháp xứ này không cho phép người không có
quốc tịch làm giáo sư chính thức. Lệ Quyên được mời tham dự nhiều hội nghị quốc tế và đã công
bố nhiều tham luận xuất sắc. Cô lấy chồng người Italia, nhưng đứa con trai lại lấy họ mẹ: Ngô
Đình Sơn, khiến cho bà Nhu rất hãnh diện.

Mỗi sáng sớm, bất kể thời tiết nóng lạnh, bà Nhu đều đi bộ chừng 10 phút đến nhà thờ
Saint-Paul dự lễ. Sau thánh lễ, bà ở lại giúp dọn dẹp nhà thờ và xếp đặt trưng bày hoa, nến. Ngày
Chủ nhật, bà còn dạy giáo lý cho trẻ con.

Bà Nhu rất ít đi mua sắm. Nói đến áo quần, bà có vẻ đăm chiêu: “Ở Sài Gòn nóng quá,
nên tôi mặc áo dài hở cổ, khiến Tổng thống không bằng lòng”. Chiếc áo dài hở cổ được đặt tên
“kiểu áo bà Nhu” một thời là mốt thời thượng ở Sài Gòn. Bà nói: “Nhiều khi tôi phải đại diện
chính phủ tiếp phu nhân các nước mà chẳng có đồ trang sức nào cả. Có một bà bộ trưởng muốn
bán số đá rubi trang sức, tôi xin Tổng thống Diệm số tiền 6 ngàn đồng, để mua lại. Ông bằng lòng,
nhưng buộc phải viết giấy biên nhận, ghi đầy đủ lai lịch từng món. Đó là lần duy nhất ông Diệm
cho tôi tiền, và bây giờ cũng không còn nhớ chúng thất lạc ở mô!”.

Bà Nhu kể lại: Dịp mùa xuân 1975, hệ thống Đài truyền thanh Mỹ, NBC có xin phỏng
vấn 30 phút. Bà chấp nhận và đòi thù lao 10.000 USD và 2 vé máy bay khứ hồi hạng nhất Paris -
Washington, để dẫn Lệ Quyên đi thăm ông bà ngoại, Trần Văn Chương. Đó là lần duy nhất bà đi
Mỹ và cũng là lần duy nhất bà xuất hiện trên truyền thông quốc tế sau năm 1963. Ngoài ra bà
chưa từng gặp gỡ hoặc tiếp xúc với bất kỳ báo chí Việt ngữ dưới bất kỳ hình thức nào.

Bà quả phụ Ngô Đình Nhu đang viết dở một quyển hồi ký bằng tiếng Pháp do chính bà
dịch sang tiếng Italia, Anh và Việt Nam. Bà từng nói, chỉ sau khi qua đời sách mới được phát hành

(Theo CAND)

_________________________

Bà Nhu như tôi từng biết

Người được coi là như là cựu 'Đệ nhất Phu nhân' của nền Đệ nhất Cộng hòa ở miền
Việt Nam, bà Trần Lệ Xuân, vừa qua đời ở tuổi 87.

Bà là vợ của ông Ngô Đình Nhu, em trai Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Tin bà Trần Lệ Xuân qua đời được loan báo tới các phương tiện thông tin đại chúng từ
luật sư Trương Phú Thứ, một trong số ít người có tiếp xúc, trò chuyện với bà trong những năm gần
đây.

Từ Seattle, Hoa Kỳ, ông Trương Phú Thứ cho BBC biết:

LS Trương Phú Thứ: Tôi được biết bà Nhu nằm viện đâu chừng ba tuần lễ trước khi
qua đời. Khi bà thấy mệt quá thì bác sỹ họ đưa vào trong nhà thương nằm trong tình trạng rất yếu,
gần như không nói được nữa.

Tới Chủ nhật vừa rồi thì tôi nhận được điện thoại của gia đình bà từ bên Rome, nói bà
đã qua đời vào lúc 2 giờ sáng giờ địa phương. Tất cả ba con của bà đều có mặt lúc ấy.

Trước khi mất khoảng ba năm, bà Nhu ở nhà với con trai cả là Ngô Đình Trác, tại
Rome (Ý). Cô con gái út là Ngô Đình Lệ Quyên cũng ở nhà đó, trong tầng hầm. Cả gia đình ở với
nhau rất vui vẻ hòa thuận. Vậy cho nên bà qua đời là cả gia đình có mặt.

Con trai thứ của bà Nhu là Ngô Đình Quỳnh thì sống và làm việc bên Bỉ.

BBC: Vậy thông tin nói bà Trần Lệ Xuân sống một mình trong biệt thự xa hoa lộng lẫy
mà bạn của bà tặng thì là tin thất thiệt?

LS Trương Phú Thứ: Tin đó cũng như tin mà một vị tự xưng là sử gia tung ra, rằng bà
Nhu có tới 17 tỷ Mỹ kim từ những năm 1960-1961. Tôi chỉ hỏi liệu hồi đó mang cả Sài Gòn ra
bán có thu được 17 tỷ Mỹ kim hay không!

Thứ hai nữa, sau vụ đảo chánh 1963 bà Nhu phải ở trong một căn phòng studio chật
chội, không có phòng ngủ, với bốn đứa con, chứ làm gì có lâu đài xa hoa như họ nói.
Cũng như là thông tin bà bị mất trộm một số tiền lớn ở Rome, hay năm 1963 bà đi mua
đồ trang sức trị giá 30.000 đôla ở New York mà quịt không trả... Toàn chuyện họ bày đặt ra, đâu
có được.

BBC: Thưa, lần cuối cùng ông có tiếp xúc với bà Trần Lệ Xuân là khi nào?

Bà cố vấn Ngô Đình Nhu

Sinh năm 1924 tại Hà Nội

Tốt nghiệp tú tài trường Albert Sarraut

Kết hôn với ông Ngô Đình Nhu năm 1943

Sống lưu vong từ năm 1963 sau khi có đảo chính ở miền Nam Việt Nam

LS Trương Phú Thứ: Lần cuối tôi nói chuyện với bà là chừng cách đây hơn hai tháng.
Lần ấy bà còn khỏe lắm, tiếng nói khỏe và rất to, trong cuộc nói chuyện bà còn cười rất vui vẻ.
Vậy mà tôi cũng không ngờ bà suy sụp mau lẹ như vậy.

BBC: Và các cuộc nói chuyện của ông với bà Trần Lệ Xuân là để bàn thảo về cuốn
sách của bà ấy phải không ạ?

LS Trương Phú Thứ: Vâng, đúng là như vậy. Bà Nhu viết bằng tiếng Pháp vì tiếng Việt
bà viết không được giỏi nhưng tiếng Pháp của bà thì anh bạn tôi là Nguyễn Kim Quý, tiến sỹ văn
chương Pháp, phải công nhận là lối hành văn của người rất giỏi Pháp văn.

Bà học trường Tây, có tú tài phần hai và cũng sống ở Pháp nhiều năm. Hồi tôi đi thăm
bà lần đầu bên Paris năm 2002, bà sống một mình trong một căn hộ bên đó.

Lại nói về điều kiện sinh sống thì căn hộ đó của bà trông cũng rất bình thường, không
thể so được với nhiều căn hộ bên Mỹ, mà lại tận trên tầng lầu thứ 11. Người già mà có tiền ai
người ta chịu sống như vậy chứ?

Cuốn sách của bà Nhu thoạt ra dự tính sẽ phát hành vào tháng 9 năm nay, thế nhưng
với cái chết đột ngột của bà thì chúng tôi phải tạm hoãn phát hành để truy cứu cho thật cẩn thận,
không thể vội vàng được.

Vậy cho nên cuốn sách chắc sẽ ra trễ hơn độ dăm ba tháng.

BBC: Lần đầu tiên ông yết kiến bà Trần Lệ Xuân thì ấn tượng của ông như thế nào ạ.
Ông có ngỡ ngàng vì người thực khác xa với tưởng tượng không?

LS Trương Phú Thứ: Cái hình ảnh mà hồi xưa chúng ta hay xem trên báo chí là hình
ảnh một phụ nữ 28-29 tuổi, trẻ và đẹp. Nhưng hình ảnh của bà Nhu khi tôi gặp bà lần đầu là hình
ảnh một bà cụ, tất nhiên là có khác nhau.

Tôi thì không ngỡ ngàng, vì biết ai cũng phải như thế, con người ta ai mà chẳng phải
già đi. Tất nhiên vẻ đẹp bên ngoài thì không thể giống như hồi xưa.

BBC: Thế nhưng còn sự quyền uy của người phụ nữ từng được cho là một thời khuynh
đảo chính trường, ông có cảm thấy điều này không ạ?
LS Trương Phú Thứ: Thực ra, bà Ngô Đình Nhu có quyền lực gì? Giống như một cô ca
sỹ, hát một bài có người khen kẻ chê, thì bà Nhu cũng vậy.

Bà là vợ của một ông cố vấn, thậm chí còn không có sự bổ nhiệm chính thức của chính
phủ. Vì ông cố vấn là em của ông tổng thống nên ông giúp ông tổng thống mà thôi chứ đâu có
giấy tờ gì.

Nói vì bà Nhu khuynh đảo mà chế độ sụp đổ là điều sai lầm.

Quyết định lật đổ chính quyền Đệ nhất Cộng hòa và thủ tiêu anh em ông Tổng thống
Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu, không phải là quyết định của người Việt Nam, mà là của người
Hoa Kỳ. Đó là quyết định của một nhóm siêu quyền lực đứng sau tòa Bạch ốc của Hoa Kỳ, vì lợi
ích của nước Mỹ mà họ làm vậy.

Ông Ngô Đình Diệm hay ai khác lúc đó làm tổng thống thì chắc đều chung số phận ấy
cả.

Mà chúng ta thấy, ông Tổng thống J.F. Kennedy, chỉ có trì hoãn hoặc từ chối thi hành
đòi hỏi của nhóm quyền lực đó mà cũng bị ám sát chết dưới con mắt chứng kiến của hàng nghìn
người. Tổng thống Mỹ còn như vậy, huống hồ là tổng thống của nước Việt Nam?

BBC: Vâng nhưng thưa ông, chúng ta cũng không thể quên rằng bà Nhu được coi như
Đệ nhất Phu nhân một thời vì ông Ngô Đình Diệm không lập gia đình, bà còn là dân biểu, Chủ
tịch Hội phụ nữ. Và nhiều người cũng chưa quên những câu phát ngôn gây tranh cãi của bà, như
trong chiến dịch đối với Phật giáo, vụ Hòa thượng Thích Quảng Đức...

LS Trương Phú Thứ: Tôi thì thấy rằng đa số vụ, người ta muốn nhắm vào ông tổng
thống, nhưng không biết làm cách nào. Ông Tổng thống Ngô Đình Diệm không phải thánh nhân,
tất nhiên ông cũng có sai lầm.

Nhưng họ không bới móc tấn công được gì ông ấy, nên họ quay ra tấn công bà Ngô
Đình Nhu.

Tuy nhiên, trong các cuộc nói chuyện của tôi với bà Nhu, chúng tôi không bao giờ nói
chuyện chính trị cả, ngay cả những chuyện xảy ra với bản thân bà lúc đó.

Chúng tôi nói những chuyện khác, những điều rồi sẽ nằm trong cuốn sách sẽ phát hành
trong tương lai.

BBC tiếp tục câu chuyện với luật sư Trương Phú Thứ, một trong số ít người có tiếp
xúc, trò chuyện với bà Ngô Đình Nhu trong những năm gần đây.

Bà Nhu, nhũ danh Maria Trần Lệ Xuân, vừa qua đời hôm Chủ nhật 24/04 tại Rome, Ý,
ở tuổi 87.

Ông Thứ, hiện sống tại Seattle, Hoa Kỳ, nói ông đang có trong tay tập bản thảo các bài
viết của bà Trần Lệ Xuân, tập trung thành một cuốn sách sẽ được xuất bản vào cuối năm nay.

BBC: Cuốn sách của bà Trần Lệ Xuân, theo như ông nói là không bàn chuyện chính trị,
chắc sẽ đề cập tới các chủ đề như cuộc sống, con người, về quan hệ xã hội vv..., có phải không ạ?
LS Trương Phú Thứ: Cuốn sách của bà Nhu nói về những chuyện cao hơn, xa hơn như
thế nữa. Thí dụ các vấn đề tâm linh, sự hiện diện của con người, của Thượng đế...

Bà cũng nói về một vài vấn đề mà mọi người muốn biết, như chuyện gia đình, đời tư
của bà từ khi còn nhỏ đi học ở Hà Nội, hay lớn lên đi lấy chồng ra sao. Tôi chắc là độc giả thì
nhiều người tò mò, muốn biết những chuyện này.

Nhưng tựu chung, cuốn sách của bà Nhu sẽ nói về những chuyện cao hơn và xa hơn; và
phải đợi đến khi nào sách ra thì độc giả mới có cơ hội đọc và chiêm nghiệm.

Nói về quá trình viết sách thì mấy năm qua, lúc hứng thú thì bà viết được nhiều, lúc
không hứng thì có khi cả nửa tháng bà không viết chữ nào. Bản thảo đều chuyển cho tôi, và hiện
tôi đang có trong tay đây.

Cuốn sách hiện còn trong tình trạng dở dang, chừng độ 500 trang, nhưng phần cuối thì
còn chưa hoàn tất.

BBC: Dĩ nhiên sẽ có nhiều người tò mò muốn biết liệu khi còn khỏe, cuộc sống riêng
tư của bà Trần Lệ Xuân như thế nào.

LS Trương Phú Thứ: Khi ông cố vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát, thì bà mới có chưa
đầy 40 tuổi, cái tuổi có thể gọi là đẹp và mặn nồng nhất của người phụ nữ. Mà bà Nhu, như chúng
ta thấy, cũng có sắc đẹp, sinh động, giỏi ngoại ngữ, nói tiếng Anh tiếng Pháp lưu loát, đại để là
một người phụ nữ trên mức bình thường.

Cũng có nhiều người, kể cả chính trị gia, vì lúc đó bà Nhu hoạt động chính trường nên
quen biết nhiều người lắm, cũng có lòng yêu mến kính trọng bà.

Tôi được biết có một ông kỹ nghệ gia, làm quản trị cho công ty chế tạo xe hơi Rolls
Royce ở London, cũng đề nghị lập gia đình với bà Nhu, nhưng bà đã khước từ.

Cả đời, bà chỉ biết có một mình ông Ngô Đình Nhu mà thôi.

Trong suốt nửa thế kỷ qua, những người muốn công kích hay phỉ báng bà đã không tìm
ra được bất cứ một điều gì về vấn đề tình cảm để mang ra công kích bà.

Bà Nhu sống thầm lặng, một mình, một cách rất đạo đức, kín đáo và đơn sơ.

BBC: Nói chuyện tới giờ, thì có thể thấy luật sư rất có cảm tình với bà Trần Lệ Xuân?

LS Trương Phú Thứ: Đúng thế, tôi rất có cảm tình với bà. Nói đúng ra, tôi kính phục
bà.

Bà Nhu là một phụ nữ thông minh, rất thông minh. Bà giỏi, dám nói dám làm.

Nhưng có một điều mọi người nên biết, trong những ngày tháng sau này của bà thì tôi
thấy bà Nhu có một đức tính mà ít người có: đó là sự tha thứ.

Bà tha thứ tất cả, cả những người cầm súng bắn vào đầu chồng bà, cả những người đi
bày đặt nói xấu bà trên báo chí, trong dư luận... Bà ấy từng nói là nếu có những việc như vậy, thì
bà ấy tha thứ hết, không có oán hận chuyện gì.
Đó là sự vị tha, hiếm có trong cuộc đời con người ta, vốn có yêu có ghét, có hận thù.
Dường như bà Nhu đã đi xa được hơn những tình cảm bình thường đó.

BBC: Tài giỏi vậy, nhưng bà Trần Lệ Xuân cũng là một người khá cô độc phải không
ạ?

LS Trương Phú Thứ: Không phải "khá cô độc" mà là "quá cô độc" thì có. Từ khi chồng
chết, phải lưu vong ở ngoại quốc thì bà ấy không còn liên lạc với ai nữa.

Bà chỉ sống ở nhà với mấy đứa con. Theo đạo nên bà đi lễ hàng ngày, nhưng cũng chỉ
đến chào hỏi cha cố, rồi các tín đồ ở đó. Bạn bè không có nhiều.

Tôi nhớ bà có một vài người bạn Nhật Bản vì khi nói chuyện với tôi, bà mặc bộ đồ
kimono Nhật. Bà ấy nói với tôi rằng đó là do người bạn Nhật gửi tặng, mỗi năm vài cái để bà mặc
trong nhà. Thì tôi nghĩ chắc bà ấy còn liên lạc với một số ít bạn thân thiết, ngoài ra chẳng có ai
đâu.

Con cái của bà thì họ lớn lên ở ngoại quốc (ông bà Ngô Đình Nhu có bốn con, hai trai
là Ngô Đình Trác và Ngô Đình Quỳnh, hai gái là Ngô Đình Lệ Thủy - tử nạn giao thông năm
1968; và Ngô Đình Lệ Quyên). Họ có những suy tư và lối hấp thụ văn hóa khác, tuy họ đều yêu
thương và kính trọng mẹ.

Vậy nên tôi cũng không nghĩ họ có thể chia sẻ với bà về những suy tư hay thăng trầm
của cuộc đời bà. Nhất là những chuyện quá khứ, thì khi đi khỏi Việt Nam họ còn rất nhỏ nên tôi
cũng không nghĩ họ biết để mà nhắc tới.

Bà Nhu cũng là người rất độc lập, ngay cả về vật chất bà không nhờ vả gì con cái.

Những năm 63-65, gia đình bà ấy khá túng thiếu, cho tới tận sau này, có một ân nhân
ẩn danh cho bà một số tiền rất lớn và bà mua được hai căn apartment ở bên Paris, quận16 gần
trung tâm.

Bà Nhu ở một cái, một cái cho mướn để lấy tiền sinh sống.

BBC: Cơ duyên nào mà ông lại có điều kiện tiếp xúc và cộng tác với bà Trần Lệ Xuân
trong khuôn khổ cuốn sách của bà ạ?

LS Trương Phú Thứ: Gia đình tôi biết gia đình của bà Nhu từ khi tôi còn bé, ở Việt
Nam. Hồi ông bà ở Dinh Độc Lập thì tôi mới mười mấy tuổi đầu, nhưng bà vẫn còn nhớ.

Tôi rời Việt Nam năm 1975. Sau này ra ngoại quốc tôi liên lạc lại, bà ấy mời tôi qua
chơi. Tôi cũng may mắn được bà Nhu quý mến và cho phép dịch cuốn sách của bà.

Lệ Xuân và vụ Phật Giáo


(Thế giới mới số 278 ngày 23. 3. 98 đến số 300)

Những ngày trung tuần tháng 6-1963, khi vụ Phật giáo vừa nổ ra, chưa đi đến hồi quyết
liệt, lúc đó vợ chồng Nhu-Lệ Xuân cũng chưa ra mặt công khai chống Phật giáo. Hai bên, Diệm
và Phật giáo, đang đi dần đến chỗ hoà giải, Uỷ ban Liên phái Phật giáo và Uỷ ban Liên bộ của
chính phủ đã đồng ý ký một thông cáo chung để giải quyết 5 nguyện vọng của Phật giáo đưa ra.
Bên phía Phật giáo có 3 thượng tọa là Tâm Châu, Thiện Minh và Thiện Hoa, về phía chính phủ có
Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Đình Thuần và Bộ trưởng
Bộ Nội vụ Bùi Văn Lương. Dưới bản thông cáo có Hoà thượng Thích Tịnh Khiết “khán” với tư
cách Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt nam. Bản thông cáo được trình cho Diệm xem đề ký, Diệm
cầm lên đọc có vẻ thỏa mãn vì nghĩ sẽ êm đẹp, song không biết ký vào chỗ nào cho đúng. Việc tuy
nhỏ nhưng lại quan trọng vì “thể diện quốc gia”. Chả lẽ tổng thống lại ký ngang hàng với Hoà
thượng Thích Tịnh Khiết, vì dù sao Diệm cũng đường đường là một “nguyên thủ quốc gia”, còn
Hoà thượng Thích Tịnh Khiết chỉ là người đứng đầu một hội đoàn trong cộng đồng quốc gia?
Diệm ngần ngại cầm bút trên tay, còn Nhu suy nghĩ mãi nhưng chưa có ý kiến gì. Chẳng có ai giải
quyết được cái chỗ ký cho hợp lý, cho không bị “mất mặt” tổng thống, trong khi đứng quanh đó
toàn là dân học rộng biết nhiều”! Cuối cùng, Diệm đành bảo Thuần: “Cho mời bà Nhu sang đây
xem bà ấy có ý kiến nào hay không”

Theo bác sĩ Tuyến cho biết, nhiều lần Diệm đã nói: “Đàn bà họ kém về lý luận nhưng
trực giác của họ thì hay lắm”. Với Lệ Xuân, điều này có vẻ đúng. Khi Lệ Xuân vào phòng, Diệm
đưa bản thông cáo cho Lệ Xuân đọc và hỏi: “Giờ ta ký chỗ nào cho đúng tư cách nguyên thủ quốc
gia?”. Lệ Xuân trả lời: “Ký ngang hàng với họ đâu có được. Nếu sau này Phụ nữ Liên đới có
chuyện gì tranh chấp với chính phủ, đòi chính phủ phải giải quyết nguyện vọng, rồi thì chính phủ
cũng ra thông cáo chung, rồi tổng thống cũng ký ngang với tôi hay sao? Chả nhẽ lại có một quốc
gia trong một quốc gia? Không được?”. Diệm suy nghĩ một lúc, hỏi: “Vậy ý kiến của bà làm sao?”
Lệ Xuân nói ngay: “Có khó gì đâu. Bây giờ hai bên ký cả rỗi. Ông cụ Tịnh Khiết cũng ký “khán”
như thế này rồi thì tổng thống ký ở ngoài lề như là bút phê vậy”. Diệm thấy có lý, cho là phải và
đồng ý ký. Diệm cầm bút phê phía ngoài lễ bản thông cáo như sau: “Những điều ghi trong bản
thông cáo chung này thì đã được tôi chấp thuận trên nguyên tắc ngay từ lúc đầu”. Dưới hàng chữ
này ký tên Ngô Đình Diệm. Nhưng, dù bản thông cáo đã được ký, chiều ngày 16.6, hơn 100 tăng
ni dưới sự hướng dẫn của Thượng tọa Tâm Châu kéo tới trước tư dinh đại sứ Mỹ để yêu cầu Mỹ
và các quốc gia trên thế giới dùng áp lực thuyết phục chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi đúng
đắn bản thông cáo chung sắp ban hành.

Những ngày tháng 7 và tháng 8-1963, chế độ Diệm phải đối phó với đủ loại kẻ thù
trong và ngoài. Đã có lúc Nhu nói với Diệm là ông ta quá mệt mỏi với chính trị, muốn đưa gia
đình ra nước ngoài nghỉ một thời gian, cũng là cái cớ để các phe phái chống đối khỏi cho là gia
đình trị. Nhưng Diệm không đồng ý để Nhu ra đi và nói: “Chú phải ở với tôi, nếu chết cùng chết,
ta không thể chiều ý bọn phiêu lưu chính trị và nhượng bộ mấy ông sư quá khích bị ngoại quốc
mua chuộc” (ý Diệm muốn nói bị Mỹ mua chuộc). Còn Lệ Xuân thì bướng bỉnh và quyết liệt nói:
“Chúng ta không thể khuất phục và chiều ý mấy tay nhà tu làm loạn do CIA giật dây. Nếu vị nào
chân tu ta vẫn kính trọng và giúp đỡ còn ông nào làm loạn ta nhốt cổ lại”. Nhưng, một chế độ do
Mỹ dựng nên thì Mỹ muốn lật đổ lúc nào chả được. Vì vậy, vào khoảng tháng 8-1968, Trần Kim
Tuyến và đại tá Phạm Ngọc Thảo đã bàn nhau là loại Nhu-Lệ Xuân ra, chỉ giữ lại Diệm trong
guồng máy cai trị. Với ý đồ đó, đại tá Thảo và Trần Kim Tuyến đã bàn kế ám sát Nhu. Tuyến đồng
ý. Nhưng làm cách nào? Tuyến đưa ra kế hoạch đợi cho vợ chông Nhu lên nghỉ tại Đà Lạt vào
cuối tuần và sẽ khử Nhu khi Nhu đi săn bằng cách cho máy bay dội bom, coi như bỏ bom nhầm.
Sau đó, nếu cần sẽ cho chiếc máy bay ám sát kia bay sang Cao Miên (Campuchia) hay Thái Lan
hoặc Lào tỵ nạn là xong. Đại tá thảo đồng ý kế hoạch khử Nhu do Tuyến đưa ra, giao cho Tuyến
bố trí nhân sự. Sau khi khử Nhu xong, đại tá Thảo sẽ cho quân đội làm kiến nghị ủng hộ Diệm,
nhưng yêu cầu cải tổ chính phủ, thả hết các tu sĩ bị bắt các nhà chính trị đang bị giam giữ. Như
vậy “ngoại quốc” không có lý do gì đòi hỏi ở Diệm nữa.

Tuyến đã chọn được hai phi công thân tín lên Đà Lạt nằm chờ ngày Nhu và Lệ Xuân
lên đó nghỉ mát. Người nhà Tuyến đã nằm ở nhà viên trưởng ty cảnh sát Đà Lạt là T.Q.B. - một
trưởng ty do Tuyến bổ nhiệm trước đây, đồng thời lại là một tay săn bắn giỏi mỗi lần Nhu lên Đà
Lạt là theo T.Q.B. vào rừng đi săn. Vào hạ tuần tháng 8-1963, Nhu lên Đà Lạt bảo T.Q.B. vào khu
Phi Nôm thuộc quận Đức Trọng để đi săn. Mọi động tĩnh của Nhu trong chuyến đi săn này đều
được người nhà của Tuyến báo cáo rành rẽ về cho Tuyến. Song, vào giờ chót âm mưu hạ sát Nhu
phải hoãn lại, vì Tuyến biết Mỹ muốn loại cả Diệm lẫn Nhu và toàn bộ gia đình nhà Ngô ra khỏi
bộ máy cai trị, chứ không phải chỉ một mình Nhu. Nếu khử được Nhu và Lệ Xuân thì chưa chắc
Diệm đã chịu ngồi lại làm tổng thống.

Tuy nhóm đại tá Thảo và Trần Kim Tuyến đã bỏ ý định giết Nhu-Lệ Xuân, nhưng ý
định đảo chính để cứu Diệm thì vẫn duy trì. Vì vậy, lúc đó tướng Huỳnh Văn Cao đã báo cáo với
Nhu: đại tá Thảo là người của cộng sản nằm vùng. Nhưng Nhu chưa tin và chỉ nghi ngờ Tuyến-
Thảo có ý định đảo chính thôi. Cho nên Nhu yêu cầu Diệm phải đẩy Tuyến đi Ai Cập làm đại sứ
gấp vào tháng 9-1963, để Nhu ở nhà nắm trọn công tác an ninh, đàn áp Phật giáo và các đảng phái
khác.

Vào trung tuần tháng 8-1963, cao trào Phật giáo xuống đường tranh đấu dâng cao, lớn
mạnh, vì lúc đó nhân dân đã chán ghét chế độ Diệm cứ để cho vợ chồng Nhu-Lệ Xuân tự do nhục
mạ các vị tu hành. Hàng ngày hai đài VOA và BBC loan tin vụ đàn áp Phật giáo để dư luận thế
giới theo dõi. Lúc này Diệm cũng thấm mệt và đã có lần nói với vợ chồng Nhu: “Thôi ta về Huế
nghỉ để chăm sóc mẹ già, cho người ta cai trị đất nước này xem có hơn nhà Ngô không?”. Nhưng
vợ chồng Nhu nhất quyết một mất một còn. Khi thấy Mỹ o ép quá, Nhu đã lên tiếng dọa tiếp xúc
với miền Bắc để hai miền hiệp thương với nhau. Song Mỹ đã “tương kế tựu kế“, hù dọa lại một số
tướng lĩnh: nếu Nhu đi với Bắc Việt thì sớm muộn gì cũng bị cộng sản nuốt trôi, lúc đó các tướng,
tá sẽ bị đi tù hoặc bị giết. Sự khích động trên quả có hiệu quả khiến cho đám tướng lĩnh quyết tâm
hơn trong việc hạ Diệm-Nhu.

Bấy giờ ở bên Mỹ, vợ chồng Trần Văn Chương cũng điên đầu vì Lệ Xuân đã bênh vực
nhà chồng, mạt sát các vị tu hành. Lúc đó, Trần Văn Chương đang làm đại sứ Việt nam cộng hoà
tại Mỹ. Chương tuyên bố với tư cách cá nhân: Xuân là kẻ mất tư cách. Trả lời câu hỏi của báo chí
Mỹ về tư cách Lệ Xuân, Chương tuyên bố: “Nó (Lệ Xuân) nổi tiếng cứng đầu nhất nhà, không ai
dạy bảo được nó bất kỳ một điều gì. Nó thích gì làm nấy, chị và em nó sợ nó như sợ cọp”
Sự thực thì vợ chồng Trần Văn Chương cũng xấu hổ với người ngoài vì có đứa con gái
cứng đầu và chua ngoa. Nhân vụ này, Chương gửi điện về Sài gòn xin từ chức, lấy lý do không
cộng tác với chế độ nhà Ngô vì nhà Ngô đã làm mất lòng dân, mất sự kính nể của các tôn giáo.

Nhưng sự thật, Chương đã được CIA bật đèn xanh cho biết là Mỹ đã quyết định thay
Diệm bằng một nhân vật khác, có thể là một viên tướng để chống Cộng hữu hiệu hơn. Nhưng, dù
người nào lên nắm quyền thì cũng là người của Mỹ. CIA nhắm đến Chương vì ông ta đã ở Mỹ
nhiều năm (đại sứ chế độ Diệm đại Mỹ từ 1954-1963). Có lẽ vì vậy mà Trần Văn Chương mới cấp
tốc gửi điện về Sài gòn xin từ chức với hy vọng làm thủ tướng sau Diệm mà không bị Phật giáo và
các đảng phái đối lập trong nước phản đối.

Khi Diệm nhận được điện từ chức của hai vợ chồng Trần Văn Chương (ông Chương là
đại sứ, còn bà Chương là quan sát viên của Việt nam cộng hoà tại Liên hợp quốc), thì Diệm hốt
hoảng ngồi thừ ra không biết trả lời làm sao cho dư luận trong và ngoài nước về sự rạn nứt này
giữa hai gia đình vốn là thông gia với nhau, nay trở thành đối đầu nhau. Tề gia đã không xong thì
làm sao nói đến chuyện trị quốc được!

Trong khi đó, Nhu và Lệ Xuân đọc bức điện từ chức và phản ứng theo cách riêng của
từng người. Nhu thừ người ra, bóp trán suy nghĩ; còn Lệ Xuân nổi tam bành lên, cho rằng chính
cha mẹ mình cũng chống đối lại mình, thì làm sao ăn nói với người ngoài! Nhu nghĩ, nếu bây giờ
ra mặt chống đối vợ chồng Trần Văn Chương thì không còn ra thể thống gì nữa, ai lại con rể chửi
bố mẹ vợ, hơn nữa tất cả đều là người có học thức cả. Song, Lệ Xuân nghĩ, nếu công khai chỉ trích
Trần Văn Chương cũng không được vì dù sao cũng là bố đẻ ra mình, nói gì thì nói họ cũng cho là
con chửi lại cha. Ai cũng biết Lệ Xuân bênh vực họ nhà chồng, nên bà ta bàn với Nhu cho đăng
một bản tin của Việt Tấn Xã (VTX) nói về vụ luật sư Trần Văn Chương từ chức, để cải chính
chuyển thành Chương bị bãi chức(!). Nhu đồng ý lý lẽ do Lệ Xuân đưa ra và để cho Lệ Xuân soạn
thảo bản tin của VTX, sau đó cho những báo ngày thân chính quyền đăng lại, các báo nước ngoài
cũng dựa vào đây để dịch lại. Bản tin với lời bình luận của VTX như sau:

“Ngày 23-8-1963, ông bà Trần Văn Chương có đánh điện xin từ chức nhưng trước đó
hai tiếng đồng hồ, Bộ ngoại giao đã gửi điện tín cho ông Chương biết chính phủ Việt nam cộng
hoà quyết định cách chức ông kể từ sáng ngày 23. 8-1963, tức là trước khi ông bà Trần Văn
Chương xin từ chức, chứ không phải từ chức như đài VOA loan tin hồi 20 giờ 35 ngày hôm đó.
Nhưng vì, trong mình trạng thiết quân luật mọi điện tín đều bị quân đội kiểm soát bởi vậy bức
điện tín của Bộ ngoại giao mới tới Hoa Kỳ sau bức điện của ông Chương gửi về Sài gòn”.

Nếu giải thích như trên, cả hai bên đều có lý ở Mỹ, ông Chương cho rằng ông đã từ
chức trước khi bị cách chức. Còn Lệ Xuân thì lại quả quyết rằng ông Chương mất chức vì quyết
định của chính phủ diễn ra trước hành động của ông Chương. Sở dĩ Lệ Xuân tức giận ông Chương
vì ông đã tuyên bố với báo chí Mỹ là: con gái ông đã thiếu tri thức, vô lễ với tôn giáo, với các nhà
tu hành. Giận cha mẹ, Lệ Xuân nói càn thông qua VTX: “Trần Văn Chương, đại sứ Việt nam cộng
hoà bị chính phủ lột chức, một kẻ đã tự hào rằng theo Khổng giáo, đang tiếp tục tuyên truyền
chống chủ nghĩa cũ và phản bội con gái y tại Hoa Kỳ”
Lệ Xuân còn ra lệnh VTX tấn công cha mình như sau: “Đạo Khổng lấy điều trung làm
trọng, và người theo đạo Khổng nếu không làm tròn trách nhiệm chúa mình giao phó thường sự
xử bằng cách tự vẫn”.

Ngôn ngữ trên nếu không được Nhu-Lệ Xuân chỉ đạo thì đố ai dám nói công khai trên
báo chí như thế. Song, chừng đó cũng chưa hả dạ, Lệ Xuân còn thông qua VTX vạch tội cha
mình: “Trần Văn Chương, người có một toà nhà tại Washington và một căn nhà tại Paris, đã phản
bội và bị cách chức đại sứ, y đã nói tại Câu lạc bộ Phụ nữ Dân cử quốc gia Washington rằng sức
mạnh duy nhất của chính phủ (Việt nam cộng hoà) là nhờ viện trợ Mỹ, chứ không phải sự ủng hộ
của dân chúng. Điều này rất đúng với Trần Văn Chương vì trước kia y đã nhập quốc tịch Pháp, đã
sống ở Hoa Kỳ từ 9 năm nay, chứ không đúng với chính phủ Việt nam”.

Đây không phải là lần đầu tiên Lệ Xuân chửi những người thân thích của mình. Năm
1960, sau khi cuộc đảo chính 11-11-1960 bất thành, Nhu-Lệ Xuân đã chửi cả người chú ruột là
bác sĩ Trần Văn Đỗ vì lúc đó bác sĩ Đỗ đứng trong nhóm trí thức chống lại chế độ gia đình trị họ
Ngô. Nhóm này lấy nhà hàng sang nhất Sài gòn là Caravelle làm nơi hội họp bí mật với nhau, để
thảo truyền đơn và ký bản kiến nghị yêu cầu Diệm thay đổi đường lối cai trị và phải loại vợ chồng
Nhu-Lệ Xuân, Cẩn ra khỏi chính quyền. Khi Nhu-Lệ Xuân nhận được bản kiến nghị trên, Lệ
Xuân đã tuyên bố với báo chí: “Bọn người phiêu lưu chính trị, một bọn chính trị nhà săm
(chambre) Caravelle”. Lệ Xuân còn nói: “Ai làm loạn chính phủ cũng nhốt, dù là chú bác tôi”.

Trong những ngày tháng 8-1963 đầy sôi động đó, nhiều cảnh tượng ngoạn mục đã diễn
ra. Phe đối lập Phật giáo đã có lần dùng 5 con khỉ cho mặc quần áo: con lớn nhất mặc áo thụng
đen cổ viền đỏ, trên lưng áo đề chữ Thục; con thứ hai mặc quần trắng áo dài đen đề chữ Diệm;
con thứ ba mặc quần áo xanh đề chữ Nhu; con thứ tư quần rộng áo dài đen chỉ Ngô Đình Cẩn; con
thứ năm mặc quần trắng áo dài vàng hở cổ đề chữ Lệ Xuân. Sau đó, họ lén đem vào chợ Bến
Thành thả ra. Cả 5 con khỉ vội leo lên trần chợ đứng trố mắt nhìn người qua kẻ lại. Cả chợ nhốn
nháo lên, cảnh sát mật vụ lại một phen xanh mặt vì làm sao bắt được 5 con khỉ, mà dùng súng bắn
thì không được. Sau đó, chúng phải cho đóng cửa chợ, đuổi mọi người ra và cho xe vòi rồng tới
xịt nước mới tóm được 5 anh em nhà khỉ”!

Ngay cả một số tướng tá hám danh thích làm tay sai cho ngoại bang để có tiền, có chức
và sần sàng trở mặt phản phúc cũng được vợ chồng Nhu tin dùng để đề phòng đảo chính. Vợ
chồng Nhu đã mua chuộc và hứa hẹn cho một số tướng tá hứa trung thành chế độ nhà Ngô sẽ
được tướng số tiền lớn, lên chức. Nhưng với ngoại bang thì số tiền đó có thấm vào đâu. Cho nên,
vào thời điểm tháng 10-1968, chẳng biết ai trung thành, ai phản phúc với chế độ Diệm, phải chờ
đến giừ chót điều đó mới rõ ra...

Còn báo chí và đài nước ngoài hàng ngày đều tập trung vào vụ Phật giáo, gọi Lệ Xuân
là “một Lucrèce Borgia Việt nam”, “Ong chúa”, “Rồng Cái”, “Mụ phù thủy”, “Mụ đàn bà bất
lương”, “Mụ đàn bà ngoa ngạnh, hiểm độc”...

Lệ Xuân không chỉ mạt sát các vị sư sãi thượng tọa bên Phật giáo mà còn nhiều lần lớn
tiếng phê bình các tu sĩ công giáo như vụ các cha di cư ở Long Khánh, Hố Nai, Biên Hoà, Lâm
Đồng... về Sài gòn xin gặp Diệm để xin khai thác gỗ, đều bị vợ chồng Nhu yêu cầu Diệm bác,
mặc dù Diệm vẫn nhớ ơn các cha ở đây vận động giáo dân ủng hộ Diệm đương đầu với Bình
Xuyên, Hoà Hảo năm xưa. Lệ Xuân trả lời là các cha nên lo việc giảng đạo, đừng nên lo việc kinh
tài làm giàu làm gì.

Nhưng khi nổ ra vụ Phật giáo, không những báo chí và các phương tiện truyền thông
khác chống bà Nhu, mà ngay Giáo hoàng ở Roma cũng phải lên tiếng về vụ chính phủ Diệm đàn
áp Phật giáo. Lệ Xuân đã phản ứng lại vụ này. Giáo hoàng Jean XXIII lúc đó là một vị giáo hoàng
nhân đức, hiền từ được cả cộng đồng thế giới kính nể, nhưng Lệ Xuân thì chống lại, bởi cho Giáo
hoàng đã phê phán mình. Bà ta phát biểu: “Thương hại cho giáo hoàng 23? Ông muốn vừa lòng
mọi người thì lại bị người ta lợi dụng”.

Trước khi Lệ Xuân xuất ngoại để gọi là đi “giải độc”, một số báo chí trong và ngoài
nước thân chính quyền Diệm đã có nhiều bài viết ca tụng Lệ Xuân là người phụ nữ can đảm, dám
nói lên sự thật. Lệ Xuân còn trả lời phỏng vấn của Hãng truyền hình CBS như sau: “Phật tử đã
nướng thịt sư của họ sau khi đã đánh thuốc mê ông ta”. Dường như câu trả lời trên vẫn chưa làm
bà ta thỏa mãn, Lệ Xuân còn mỉa mai nói thêm: “Nướng thịt người như vậy mà cũng không có
nhiên liệu tự túc, phải dùng xăng viện trợ”.

Tuyên bố với CBS như trên hình như cũng chưa khiến Lệ Xuân vừa lòng, bà ta yêu cầu
nữ ký giả Margueritb Higgins cho đăng lại rõ câu nói trên để cho dư luận thế giới biết và bà ta đã
nói với báo New York Herald Tribune như sau: “Tôi đã nói những câu trên. Nếu cần thì tôi sẽ nói
lại như vậy. Tôi cố ý đánh động dư luận thế giới, cho họ tỉnh cơn mê. Thế giới đã hiểu lầm vụ
Phật giáo tại Việt nam. Tôi cố ý làm cho vụ tự sát ấy xấu xa, trơ trẽn, làm cho người ta phải xấu
hổ... Ở Mỹ, luật pháp cấm tự sát thì ở Việt nam cũng vậy. Nếu mình trọng những kẻ tự sát, tức là
mình khuyến khích những kẻ ngu xuẩn bị người ta đánh lừa đi tìm vinh quang giả hiệu trong cái
chết”.

Vào trung tuần tháng 8-1963, khi nghe tin nhà sư Thích Nguyên Hương tự thiêu ở Phan
Thiết, Lệ Xuân nói: “Họ càng nướng thịt sư chừng nào, tôi lại càng vỗ tay chừng nấy. Nếu họ
nướng thêm 30 sư nữa, tôi lại càng vỗ tay mạnh hơn. Chính phủ không chịu trách nhiệm về
chuyện điên rồ của họ”.

Trong một lá thư gửi cho tuần báo Time, Lệ Xuân lại xác nhận lời mình đã nói. Còn
báo Chicago Sun Times trong thời đó có một bài bình luận dưới nhan đề Bà Nhu kinh tởm, viết:
“Những vụ tự thiêu rùng rợn, những cuộc đàn áp dã man của lính và cảnh sát ông Diệm sẽ tiếp tục
khi bà Nhu còn quyền bính trong tay mình”. Theo dư luận nhân dân Mỹ, một phần lớn uất ức của
dàn chúng Việt nam dồn vào Lệ Xuân.

Còn một vị sư người Mỹ, ông David C. Oaks, đã phản ứng sau khi nghe xin Lệ Xuân
muốn “diệt Phật tử”. Ông nói: “Cũng như đạo Do Thái văn còn tồn tại sau khi Hitler đã chết mục
xương, sẽ đến ngày bà Nhu và chính thể Diệm không còn ai nhắc nhở đến trong lúc Phật giáo nảy
nở...“.

***
Kể từ ngày 8-5-1963, liên lạc giữa chính phủ Diệm và Mỹ trở nên căng thẳng. Đến vụ
bố ráp chùa chiền đêm 21-8-1963, Mỹ ra mặt chống đối Diệm. Lúc đầu, Mỹ còn dè dặt và lịch sự
theo lối ngoại giao, chỉ nói xa xôi về vụ chính phủ Diệm đàn áp Phật giáo, nhưng cuối cùng Mỹ
cảnh cáo chế độ Diệm trước dư luận quốc tế.

Báo chí Mỹ và quốc tế cũng muốn biết rõ thái độ của Tổng thống Kennedy về chính
phủ Diệm như thế nào, nên lúc đó Walter Cronkite, một thông tín viên rất nổi tiếng của Hãng
truyền hình CBS đã xin được phỏng vấn Tổng thống Kennedy vào ngày đầu tháng 9-1963 tại hoa
viên Nhà trắng. Ngay lúc mới vào viên phụ tá báo chí của Tổng thống Kennedy đã nhắc nhở
Walter Cronkite là nên phỏng vấn tổng thống về tình hình Việt nam vì tổng thống muốn nói đến
vấn đề này. Đây là một cách ngoại giao rất mới, thông qua truyền hình.

Những câu Kennedy tuyên bố về tình hình Việt nam lần này trong lúc ngồi ghế xích đu
giữa cảnh thiên nhiên đẹp đẽ trong hoa viên Nhà trắng đã đánh đấu cho một biến chuyển quan
trọng trong mối bang giao giữa Diệm và Kennedy. Chính sách “sống chết với Diệm” đến đây coi
như chấm dứt. Không cần úp mở gì, Kennedy đã phải công nhận chiến tranh chống Cộng tại Việt
nam không thể thắng nổi với chính sách của Diệm, với gia đình Diệm. Cho nên chinh sách của
Mỹ cần phải đổi mới và chính quyền tại Việt nam cũng cần phải thay đổi. Lời tuyên bố trên của
Kennedy là tiếng chuông báo tử cho gia đình Ngô. Kennedy nói: “Chính phủ Ngô Đình Diệm đã
mất hết sự ủng hộ của dân chúng Việt nam. Tôi cho rằng những vụ đàn áp Phật tử vừa rồi là thiếu
khôn ngoan. Chính phủ Mỹ không làm gì được hơn là nói rõ cho chính phủ Diệm biết đó không
phải là cách chống Cộng hữu hiệu. Muốn thắng Việt Cộng, chính phủ Việt nam (Cộng hoà) cần
phải thay đổi chính sách của mình và có lẽ cần thay người nữa”.

Dù Kennedy không nói đến vợ chồng Nhu-Lệ Xuân, nhưng báo chí cũng thừa biết rằng
cần thay ai rồi. Lệ Xuân nghe được lời tuyên bố trên, không thể nào im lặng. Ngày hôm sau, 2-9-
1963, tuần báo tiếng Anh Times of Vietnam tại Sài gòn buộc tội CIA đã tiêu đến 24 triệu đô la để
tìm cách lật đổ chính phủ Diệm nhưng lại bị thất bại. Người ta thừa biết rằng tờ Times of Sai gon
là tờ báo của Lệ Xuân tài trợ cho hai vợ chồng Gene Gregory làm. Lệ Xuân còn thẳng thắn tuyên
bố với một phóng viên người Đức là chính tay bà ta đã viết bài báo đó.

Trước khi xuất ngoại mấy ngày, vào sáng 4-9-1963, Lệ Xuân đã mở một cuộc họp báo
ngay tại dinh Gia Long để trả lời về thái độ của Tổng thống Kennedy đối với chính phủ Việt nam
Cộng hoà. Buổi họp báo này được người ta gọi là cuộc “trả miếng Kennedy”. Trong buổi họp báo
trên, một phóng viên đã yêu cầu Lệ Xuân bình luận về lời tuyên bố của Tổng thống Mỹ về việc
chính phủ Việt nam Cộng hoà cần phải thay đổi chính sách của mình và có lẽ phải thay đổi người
nữa”. Lệ Xuân quắc mắt trả lời: “Chính sách nào? Người nào? Tôi không muốn chỉ trích Tổng
thống Kennedy, nhưng nếu Kennedy không chịu nói rõ thêm một chút thì người ta có thể hiểu lầm
được”. Khi một phóng viên đọc lại lời Kennedy nói “chính phủ Việt nam đã mất hết sự ủng hộ của
dân chúng”, Lệ Xuân nói: “Ồ! Tôi không đồng ý chút nào. Tại các Ấp chiến lược, dân chúng khóa
cổng để chống Cộng và tự bảo vệ lấy mình. Tôi đủ chứng cớ về việc này. Còn Tổng thống
Kennedy có chứng cớ gì không” Lệ Xuân còn nói thêm: “Tôi phải hết sức thận trọng trong lời lẽ
tôi tuyên bố với các ông hôm nay. Tôi họp báo như vậy là trái ý gia đình tôi rồi”. Sau đó, Lệ Xuân
còn nói thêm: “Tổng thống Kennedy lầm to nếu ông cho rằng chính phủ Việt nam không được dân
chúng ủng hộ. Nếu thật Tổng thống Kennedy nói như vậy thì chuyện này rất trầm trọng, vì chứng
tỏ chính phủ Mỹ hoàn toàn sai lầm, không hiểu gì về tình hình Việt nam cả. Nếu dân chúng Mỹ tin
lời Tổng thống Kennedy thì sao họ không gửi một phái đoàn nghị sĩ sang đây quan sát? Người nào
nói không thắng nổi Việt Cộng với chính phủ ông Diệm thì tôi xin trả lời là thực tại đi ngược lại
lời họ nói. Không một chứng cớ gì để có thể nói rằng chính phủ Việt nam đang đánh thua và cần
phải thay đổi. Chính sách chúng tôi là chính sách thắng. Chỉ có bọn phá hoại cứ quấy phá chúng
tôi, không để chúng tôi áp dụng chính sách ấy”. Cay cú và hằn học hơn, Lệ Xuân còn tuyên bố:
“Tôi nói mãi kiệt cả sức, nhưng báo chí các ông có đời nào chịu đăng tải cho đúng lời của tôi
tuyên bố đâu. Báo chí toàn nói sai lạc cả. Chính phủ Việt nam đang bị một cuộc âm mưu quốc tế
làm hại”. Lệ Xuân cụ thể hóa rằng hai tờ báo Washington Post và New York Times nổi cộm lên
trong âm mưu này.

Về mối bang giao giữa chính phủ Diệm và Mỹ, Lệ Xuân nói: “Mỹ một tay vỗ về chúng
tôi, còn một tay đấm chúng tôi sau lưng. Chúng tôi không hiểu nổi. Tôi gắng hiểu nhưng thật
không hiểu nổi”.

Ngoài những lời tuyên bố trên, Lệ Xuân còn phát ngôn nhiều điều nóng bỏng khác, như
đề nghị chính phủ Mỹ nên rút bớt chuyên viên viện trợ, vì Lệ Xuân có cảm tưởng một số đông
những người này chỉ làm việc cho CIA. Bà ta nói: “Chúng tôi chỉ cần cố vấn quân sự vì chúng tôi
không giỏi về ngành đó. Nhưng các chuyên viên, chúng tôi có cần đến họ đâu, chúng tôi không
cần ai đến cai trị giúp chúng tôi. Nếu những chuyên viên dân sự có làm mật vụ để tìm cách lật đổ
chính phủ chúng tôi, thì đó không chỉ là phản bội chính phủ Việt nam, mà còn phản bội cả chính
phủ Mỹ nữa”.

Đến đây, chúng ta trở lại lời tuyên bố của Tổng thống Mỹ Kennedy là cần thay đổi
người mà ai cũng biết là nhằm ám chỉ vợ chồng Nhu-Lệ Xuân. Ngày 11-9-1963, những giới có
thẩm quyền tại Washington đều xác nhận tin “Mỹ đã trực tiếp tin cho Tổng thống Ngô Đình Diệm
rõ là xem việc ông bà Nhu ra khỏi chính phủ Việt nam là một việc cần thiết. Đại sứ H. C. Lodge
đã thông báo cho Diệm biết điều này trong một buổi nói chuyện dài một viếng rưỡi tại Sài gòn
ngày 9-9-1963. Diệm đã tức giận đỏ mặt khi nghe Lodge nói đến việc này.

Đến đây là bước đường cùng, nên Diệm-Nhu đã nghĩ ra một cách dọa Mỹ là miền Nam
Việt nam sẽ bắt tay với miền Bắc Việt nam nếu Mỹ cắt viện trợ. Một mặt, Diệm-Nhu dự định sẽ
gửi một “sứ thần” ra nước ngoài để gây thanh thế cho chính phủ mình và lay chuyển dư luận thế
giới, nhất là dư luận dân chúng Mỹ. “Sứ thần” trên không ai khác hơn là Trần Lệ Xuân. Vì vậy Lệ
Xuân xuất ngoại lần này là cố tranh đấu cho Mỹ tiếp tục chính sách “sống chết với Diệm”, tiếp tục
viện trợ cho chế độ Diệm. Cho nén, không có gì là lạ khi những câu nói của Lệ Xuân đều tỏ vẻ bị
kích động, không khác gì một phú gia keo kiệt có hũ vàng bị người ta chạm đến. Cũng vì thế mà
một khi nghe chính thể Diệm bị chỉ trích là Lệ Xuân đã phản ứng thật hung dữ như chính mình bị
tát vào mặt.

Trong thời gian dự hội nghị ở Belgrade (Nam Tư), ngày 13-9-1963, vào buổi trưa nghỉ
họp để các thành viên ăn trưa, Lệ Xuân lại ngồi cùng bàn với Edward Kennedy (em ruột tổng
thống Kennedy), thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ, đại diện cho bang Massachusettes. Edward
Kennedy đã cùng 12 thượng nghị sĩ Mỹ tham dự hội nghị quốc tế này. Về việc Lệ Xuân gặp
Edward Kennedy, phát ngôn viên chính thức của phái đoàn nghị sĩ Mỹ tuyên bố là phái đoàn
không hề có ý gặp Lệ Xuân ở đây hoặc nơi nào khác và đã cố tránh gặp gỡ hoặc tiếp xúc với Lệ
Xuân nhưng cuối cùng cũng không tránh được, do Lệ Xuân đã chủ động tìm họ bằng mọi cách.

Qua ngày 14-9-1963, cũng tại Belgrade, Lệ Xuân đang tươi cười bỗng nhiên chảy nước
mắt khi nghe tin Mỹ có thể cắt viện trợ tại Việt nam. Lệ Xuân đã phản ứng mạnh khi tuyên bố:
“Cắt viện trợ trong lúc chiến thắng kề một bên là tự nhiên gạt bỏ chiến thắng. Nếu làm như thế, tôi
chắc chắn chính phủ Mỹ sẽ mất hết tin tưởng của thế giới tự do”.

Cuộc họp báo của Lệ Xuân ngày hôm ấy được tổ chức ngay tại khách sạn nơi bà ta trú
ngụ với con gái là Lệ Thủy. Lệ Xuân mặc áo lụa màu xanh nhạt, đeo hoa tai ngọc, vai bên phải có
đính nữ trang bằng ngọc, còn tay đeo hột xoàn và vòng vàng. Lệ Xuân trả lời báo chí một cách
gay gắt nhưng đôi khi cũng mỉm cười, rồi đột nhiên có lúc chảy nước mắt, khiến cho các phóng
viên quốc tế ngẩn cả người. Bà ta đặc biệt công kích cái gọi là “âm mưu quốc tế định lật đổ chính
phủ Diệm”. Khi các phóng viên hỏi dựa vào đâu bà ta khẳng định về điều đó, Lệ Xuân trả lời:
“Tôi đã đọc thấy “âm mưu” này ở trong các cột báo New York Times, Washington Post và trong
những bản tin tức của các hãng Associated Press và United Press International, họ đã lặp đi lặp lại
rằng chính phủ Việt nam đã bắn chết người ở Huế. Nhưng kỳ thực 9 người này chết vì bị bom
plastic, một thứ khí giới chỉ có Mỹ hoặc Việt Cộng mới dùng đến thôi”. Lệ Xuân còn nêu lên bằng
chứng khác của “âm mưu quốc tế”' này là việc các cơ quan truyền thông trên cứ lải nhải mãi việc
ông Nhu “điều khiển công an, mật vụ”. Lệ Xuân đã cải chính là Nhu chẳng hề dính dáng đến việc
này (!).

Báo chí quốc tế cũng chất vấn Lệ Xuân về việc bà ta tham chính. Lệ Xuân cũng miệng
lưỡi đáp lại: “Tôi không hề nói chuyện với mấy bộ trưởng. Không bao giờ cả. Bốn tháng nay, tôi
không thấy mặt anh chồng tôi (tức Diệm). Đến lúc rời Việt nam, tôi cũng không đi chào anh
chồng tôi nữa. Tôi có chức vụ gì trong chính phủ đâu... Tôi chỉ thích sống yên lặng. Tôi ghét nhất
là sự huyên náo và đám đông. Tôi chỉ thích một chuyện là được yên thân ở nhà với chồng con và
lo nấu ăn. Tôi nấu ăn ngon lắm? Tôi ghét chính trị lắm”. Trong khi đó, những nhân vật trong chính
phủ Mỹ gắng gượng làm lơ về việc Lệ Xuân sắp sang Mỹ. Họ nhớ lại những cuộc viếng thăm của
bà Tống Mỹ Linh, vợ Tưởng Giới Thạch trước đó. Song báo chí thì không làm ngơ, họ đặt vấn đề
trong lúc nhân dân Mỹ đang công phẫn về việc đàn áp Phật giáo tại Việt nam, Lệ Xuân sang sẽ
không thu hoạch được kết quả gì, trái với bà Tống Mỹ Linh hồi trước...

Ngày 19-9-1963, Hội nghị Liên hợp nghị sĩ quốc tế bế mạc. Ngày 22-9-1963, Lệ Xuân
đến Roma, cũng vẫn những lời tuyên bố đầy lấp liếm và láo xược về tình hình Việt nam và chế độ
Diệm. Ngày 29-9-1963, Lệ Xuân và con gái - Lệ Thủy rời Roma sang Paris. Khi tới sân bay Orly,
bà ta đã bị hàng trăm sinh viên Việt và Pháp chờ đón ở cổng để “tặng” cho nhưng quả trứng thối.
Cảnh sát Pháp phải cho một chiếc xe hơi riêng đón hai mẹ con bà tại chân thang máy bay, để thoát
cảnh “dàn chào danh dự” bên ngoài. Vì thế, các phóng viên và nhiếp ảnh viên đã bị hẫng, không
gặp được Lệ Xuân cũng như không chụp được một tấm ảnh nào của bà ta khi đến Paris.
Hai mẹ con trú ngụ tại một khách sạn loại sang trên đường Kleber và cả ngày 30.9, hai
người không rời khỏi phòng, không biết vì mệt hay vì sợ phản ứng của sinh viên. Tối ngày 2.10,
cảnh sát Paris nhận được một cú điện thoại cho biết có một quả bom được gài tại khách sạn. Cảnh
sát vội đổ xô tới đấy bao vây và lục soát hơn nửa tiếng đồng hồ nhưng chẳng thấy gì. Về phía hai
mẹ con Lệ Xuân thì hồn vía lên mây. Sau đó, người ta nhớ lại rằng người gọi điện thoại đã nói
tiếng Pháp giọng châu Á. Báo chí nghe tin cũng kéo tới nhưng lại chẳng bấm được tấm ảnh nào,
họ rất sốt ruột vì từ ngày Lệ Xuân mới đây, họ chưa mở được cuộc phỏng vấn nào với bà ta, dù
toà đại sứ hứa hẹn sẽ có một cuộc họp báo nhưng chưa rõ ngày giờ và địa điểm. Chính vì thế báo
Le Monde ngày 2.10 đã viết một bài có ý khiêu khích Lệ Xuân, cho rằng bà ta không muốn gặp
báo chí vì sợ họ và cũng không dám phỉnh gạt báo chí ở đây như ở các nơi khác.

Lệ Xuân tức giận nên ngày 3.10 đã cho mở cuộc họp báo trong một gian phòng chật
hẹp nhưng phải chứa đến 200 nhà báo quốc tế (song đa số lại là những người được toà đại sứ gài
vào để ủng hộ Lệ Xuân!). Kết quả cuộc họp báo thầy nhàm chán, một nhà báo Pháp đã lắc đầu
than: “Người nào đến để xem một người đàn bà đẹp thì cũng không đến nỗi thất vọng. Nhưng ai
đến để tìm hiểu thêm về tình hình Việt nam thì lúc ra về cũng chẳng hiểu gì hơn lúc mới đến”.

Tuy vậy, theo báo chí phương Tây tường thuật lại, cuộc họp báo trên cũng phải nhờ đến
cảnh sát Pháp bảo vệ trật tự vì trên đường từ khách sạn Kleber từ Toà đại sứ đi qua đường Villiers
hàng mấy trăm mét, khi xe của Lệ Xuân rẽ ngang đường Jouffroy thì bị một nhóm sinh viên đã
đón sẵn ở đầu đường, ném sơn vào xe và hô đả đảo Lệ Xuân. Trong khi bên trong diễn ra cuộc
họp báo, bên ngoài có cuộc biểu tình của Việt kiều hô to: “Đập chết con rắn độc” và ném cà chua,
trứng thối... 15 người đã bị bắt khi xô xát với cảnh sát. Lệ Xuân chỉ ở lại Paris 5 ngày và ngày 7-
10-1963, bà ta sang Mỹ

***

Trong thời gian ở Roma, Lệ Xuân được Ngô Đình Thục cấp cho một căn nhà để ở cùng
với con gái lớn là Lệ Thủy. Nhiều phóng viên đã đến gặp Lệ Xuân để phỏng vấn về tình hình
chính trị Việt nam, nhưng Lệ Thủy đã thay mặt mẹ ra trả lời các báo là nếu muốn phỏng vấn thì
phải trả tiền trước, với giá từ 500 đến 1.000 đô la cho một cuộc phỏng vấn.

Phóng viên Joseph Lowry đã đến tìm Lệ Xuân khi bà ta dọn sang ở tại Paris trong một
căn hộ có 5 phòng tại cao ốc số 8 đường Charles Floquet gần tháp Eiffel.

Lúc tới nhà Lệ Xuân, ông nhìn thấy con gái út của Lệ Xuân là Lệ Quyên 4 tuổi và cô
Nguyễn Thị Thuần, thư ký riêng của Lệ Xuân, đã theo Lệ Xuân từ Việt nam nhằm phục vụ cho bà
ta. Lúc đầu Lệ Quyên và cô Thuần không chịu mở cửa cho Lowry, nhưng sau Lệ Thủy chạy ra, và
khi biết ông là phóng viên thì hỏi ngay:

- Ông bằng lòng trả bao nhiều ?

Lowry từ chối trả tiền và nịnh Lệ Thủy:

- Tôi rất mến mộ mẹ cô và tôi định thực hiện cuộc phỏng vấn này hoàn toàn có lợi cho
vị cựu đệ nhất phu nhân Việt nam cộng hoà.
Lệ Thủy không thèm để ý tới lời tâng bốc đó, trả lời:

- Mẹ tôi đang nghỉ trong buồng, mẹ tôi làm việc mệt lắm: viết báo và viết hồi ký cuộc
đời mẹ tôi. Mẹ tôi không cần ai phỏng vấn gì cả.

- Nhưng cuộc phỏng vấn hôm nay sẽ không làm hại và cũng không gây ảnh hưởng xấu
đến cuốn sách mà mẹ cô đang viết.

Nghe Lowry nói vậy, Lệ Thủy không trả lời vội và để hé cửa, nhưng không mời Lowry
vào phòng khách, mà chạy sang phòng bên cạnh gặp mẹ. Hai mẹ con nói gì đó với nhau, Lệ Thủy
chạy ra trả lời:

- Phải trả tiền!

Lowry không biết làm thế nào cho Lệ Xuân mở miệng được, nên quay sang phỏng vấn
Lệ Thủy, vì chả lẽ cất công lặn lội sang đây mà không có được câu nào cho báo. Lệ Thủy cũng
tinh ranh, không chịu trả lời những câu hỏi chính mà bảo:

- Ông cũng trả tiền cho tôi như mẹ tôi thì tôi mới trả lời những câu ông cần phỏng vấn.

Nhưng rồi Lệ Thủy lại chữa ngay:

- Tôi mới có 18 tuổi, chưa được phép nói những điều ông vừa hỏi...

Lệ Thủy cũng cho biết là Lệ Xuân khòng biết đánh máy chữ nên toàn viết tay các bản
thảo rồi gửi cho báo, cả tập hồi ký cũng viết tay rồi thư ký đánh máy lại. Lệ Thủy cũng cho biết
tình hình Việt nam mà cô vừa được tin là đen tối. Song, nói tới đây, sực nhớ là mình đi quá xa, nên
lại nói:

- Ông định trả bao nhiều thì ông nói ngay đi? Ông thử nói giá tôi nghe coi

Lowry cho Lệ Thủy hay là tại Mỹ không có lệ phải trả tiền cho người được phỏng vấn.
Nhưng Lệ Thủy vẫn tỉnh bơ, nói:

- Thì ông cứ thử cho đại một cái giá nghe coi và giá nào thì ông có thể trả lời được?

Lowry phải nói thật là tiền bạc không dư dả gì nên không có để trả cho người được
phỏng vấn. Lệ Thủy nói ngay:

- Hiện tại ông không có tiền mặt thì ông có thể ký chi phiếu cho tôi. Tôi biết người Mỹ
thường dùng chi phiếu để thanh toán khi mua bất cứ món gì.

Rồi cô ta lạnh lùng nói tiếp:

- Tôi sẵn sàng nhận chi phiếu của ông vì ông đang cộng tác với một tờ báo lớn kia mà!

Lowry cho biết ông ta không có quyền ký chi phiếu trả Lệ Thủy. Nghe vậy, Lệ Thủy
hỏi ngay:

- Thế hiện tại trong ví ông có được bao nhiều tiền?

- Tôi không thể trả 50 đô la cho bất cứ ai lúc này được.


Tới đây, Lệ Thủy mỉm cười, quay sang cô thư ký đứng bên cạnh nói bằng tiếng Việt mà
Lowry không hiểu nói gì. Rồi Lệ Thủy đóng cửa lại và quay gót vào trong buồng. Thấy Lệ Thủy
giơ tay sắp đóng cửa, Lowry khẩn khoản nói:

- Tiền bạc không phải là vấn đề quan trọng, mà điều quan trọng là độc giả Mỹ thích đọc
bài phỏng vấn bà Lệ Xuân, góa phụ của cố vấn Ngô Đình Nhu.

Lệ Thủy vẫn cứ khăng khăng:

- Phải từ 500 đến 1.000 đô la, số tiền này có là bao. Mẹ con tôi thường trả lời trên giấy
và cũng với giá tiền như trên mới được. Nếu ông chấp nhận, mẹ tôi đang ở trong buồng, ông có
thể phỏng vấn, thu băng, chụp hình. nhưng chỉ 15 phút.

Lowry đành phải “goodbye” ra đi! Xem như vậy thì thấy hai mẹ con Lệ Xuân quả là
bất nhã với báo chí dù là người ta có thiện chí với bà ta. Nhưng bảo Lệ Xuân cần tiền thì cũng
không đúng hẳn. Bởi đây là bài phỏng vấn có ý bênh vực Lệ Xuân và “đính chính” những điều mà
người ta đã hiểu không đúng về bà ta. Một số người thân tín của Lệ Xuân sau này cho biết, sở dĩ
bà ta ra giá cao như vậy vì bà ta rất kỵ hay đúng hơn ghét các nhà báo Mỹ. Làm như vậy, Lệ Xuân
muốn họ không quấy rầy mình, nhất là sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, bà ta không còn tỉnh táo để
bình tâm trả lời phỏng vấn một cách đàng hoàng được.

Khi Lệ Thủy đang theo học năm thứ ba Đại học Y khoa, được Ngô Đình Thục mua cho
mộtchiếc xe Peugeot 404 đểđi. Không ngờ đó lại là chiếc xe định mệnh. những lúc nghỉ học, Lệ
Thủy thường được bạn bè sinh viên rủ đi chơi xa để cho quên nỗi buồn gia đình đang gánh mấy
cái tang trong một năm. Lệ Thủy cũng thường đi khiêu vũ với các bạn đồng học. Chính vì nỗi
buồn gia đình nên nhiều buổi dự tiệc, Lệ Thủy đã uống rượu để quên đời. Một bữa, Lệ Thủy uống
rượu ngà ngà say, vừa lên xe, rồ ga thì xe vọt nhanh đâm vào cột đèn, đầu xe bị dúm lại, Lệ Thủy
đang ôm tay lái bị mảnh kính xe vỡ đâm vào người và tay lái đập vỡ ngực khiến tắt thở ngay trên
xe. Lệ Xuân dã ngất xỉu khi hay tin Lệ Thủy bị tử nạn xe hơi vào lúc nửa đêm ngày 12. 4-1967.
Khi chết, Lệ Thủy vừa tròn 24 tuổi.

Tờ Paris Match của Pháp có đăng ảnh và bài viết về cái chết của Lệ Thủy. Có nhiều giả
thuyết được đưa ra. Một số người thân cận với gia đình Lệ Xuân cho rằng, khi học ở Paris, Lệ
Thủy có quen thân với một vị thái tử của một nước châu Á. Vị thái từ này tuy đã có vợ con rồi
nhưng vẫn có nhiều cảm tình với Lệ Thủy. Họ thường gặp nhau ở những bữa tiệc thịnh soạn. Có
thể giữa hai người chỉ là bạn bè, nhưng người ta lại nhìn họ bằng cặp mắt khác, cho rằng họ là “bồ
bịch” của nhau. Cho nên những người đó cho rằng cái chết của Lệ Thủy là do cơ quan an ninh của
nước đó đã phá hoại xe của Lệ Thủy bằng cách tháo đi một con ốc trong bộ phận tay lái, nên khi
Lệ Thủy rồ máy xe chạy thì tay lái không còn điều khiển được nữa và gây ra tai nạn. nhưng dù
sao, đó cũng chỉ là dự đoán mà thôi. Dù sao, cái chết của Lệ Thủy cũng khép lại hy vọng cuối
cùng của Lệ Xuân về một cô con gái trong tương lai có thể “kế nghiệp” bà ta trên chính trường Sài
gòn - lúc này đang bước vào một cuộc tranh chấp quyền lực mới giữa các tướng tá...

______________________
Bà Ngô Đình Nhu (Nguyễn Phú Thứ)
Nguyễn Phú Thứ

Tôi đến thăm Bà Ngô Đình Nhu vào lúc 2 giờ trưa ngày 16 tháng 3 năm 2002 tại kinh
thành Paris của nước Pháp. Nắng êm dịu vừa lên sau buổi sáng ẩm ướt của những ngày đầu Xuân
và Paris thì lúc nào cũng chật ních những người và xe. Thành phố có cả một kho tàng bảo vật và
huyền thoại. Ở đây người đi bộ đầy đường với những tiệm ăn và quán cà phê nối tiếp chạy dài cả
dẫy phố. Người Paris ham muốn hưởng thụ, chậm chạp nhưng thon thẻ hơn người Seattle. Cuộc
sống thư giãn chậm chạp của những ông Tây bà Đầm là niềm ước mơ của những người luôn phải
vội vã lập cập với tốc độ từ sáng sớm đến nửa đêm ở Cali hay Texas.

Bà Nhu ở một mình trong một đơn vị gia cư (apartment) của một toà nhà mới xây gần
tháp Eiffel. Nói là mới để phân biệt với những chung cư san sát ở Paris đã được xây cả đến vài ba
thế kỷ với những đường nét hoa văn cổ kính. Chung cư Bà Nhu ở có những nét kiến trúc đương
đại giống như một cái hội khổng lồ bằng kính, có lẽ đã được tạo dựng từ 30 đến 40 năm. Bà Nhu
là sở hữu chủ hai (02) đơn vị gia cư ở trên tầng lầu thứ 11 của toà nhà cao tần ở khu vực có địa thế
rất đẹp và đắt tiền nhất thủ đô Paris, ngay giữa cái nôi của văn hóa và chính trị thế giới. Nơi đây,
một tấc đất chẳng biết giá tới mấy chục hay mấy trăm tấc vàng. Cả vùng này hầu như là nơi cư
ngụ của các nhân viên và phái đoàn ngoại giao trên đất Pháp. Bà Nhu ở một đơn vị và cái thứ hai
cho thuê để lấy tiền sinh sống. Đó là lợi tức duy nhất của bà, cũng tiệm tạm đủ sống và không cần
nhờ vả đến các con. Bà sống ản dật, đi về lẻ loi thầm lặng đến nỗi một khuôn mặt quen thuộc của
cộng đồng người Việt quốc gia ở Paris là cựu trung tướng Trần Văn Trung vẫn nghĩ là bà Nhu
sống ở bên Ý.
Trên đường đến thăm bà Nhu, tôi vẽ ra trong đầu óc qua hình ảnh của những chung cư
đắt tiền ở New York hay San Francisco đã xem trên những tạp chí chuyên về địa ốc ở Mỹ và nghĩ
là nơi cư ngụ của bà Nhu chắc phải sang trọng lắm. Những apartment của Jacqueline Kennedy hay
Joyn Lennos ở New York và của các tay tài phiệt ở San Francisco gợi cho tôi một náo nức mong
chờ. Các cụ mình ngày xưa vẫn nói “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây” thì chắc là đã có một so sánh cẩn
trọng, tôi bước đi vội vàng với những lung linh nơi lãnh địa của giới thượng lưu. Những dòng họ
quý tộc từ bao nhiêu đời cấu trúc nên vẻ hào nhoáng phong nhã của kinh thành Ánh Sáng và dân
cư ngụ dù ở chân trời góc biển nào lưu lạc tới đây cũng được nhận lãnh ấn tích của người Paris.

Chiếc thang máy nhỏ hẹp vừa đủ chỗ đứng cho một ông Mỹ quá khổ đưa tôi lên tầng
11 của toà nhà cao tầng. Bà Nhu mở cửa đón khách trong chiếc áo kimono Nhật mầu xanh nước
biển, khuôn mặt trang điểm kỹ lưỡng với giọng nói đặc Huế không vồn vã mà cũng chẳng qua
lạnh nhạt. Bà Nhu sắp vào tuổi 80 nhưng rất khỏe mạnh. Bà đi đứng nhanh nhẹn, lưng thẳng, đôi
mắt to và sáng. Có người nói từ năm 1963 đến nay bà chẳng già đi chút nào. Thật ra đó chỉ là một
lối nói để diễn tả sức khoẻ sung mãn của một người tuy đã nhiều tuổi đời nhưng vẫn giữ được vóc
dáng linh hoạt và nét mặt không có những nếp nhăn theo thời gian. Tuy nhiên “cái già” cũng
vương vất đâu đó trên khoé mắt vành môi. Khi bà cười thì khuôn mặt trông rất tươi trẻ phô bầy bộ
răng trắng vẫn còn đầy đủ trong tình trạng hoàn hảo.

Chỗ ở của bà Nhu tuy không nghèo nàn nhưng chẳng có gì đáng nói, ngay cả không
bằng cái apartment mà tôi thuê mướn ở ngoại ô thành phố Seattle vào mùa Đông năm 1975 khi
vừa đến Mỹ. Đơn vị gia cư của bà Nhu rất tầm thường giống như những apartment rẻ tiền ở Mỹ
với hai phòng ngủ và một diện tích nhỏ làm phòng khách. Phía tay trái lối đi từ của ra vào là nhà
bếp. Trên tường phòng khách treo vài khung hình lớn có những tấm hình Tổng thống Ngô Đình
Diệm, Đức Cha Ngô Đình Thục, Ông cố vấn Ngô Đình Nhu, cô trưởng nữ Ngô Đình Lệ Thủy và
nhiều người thân tộc đã quá vãng. Khoảng trống phía bên tay phải là phòng khách có một bộ xa
lông, bên cạnh kê bàn ăn với 6 cái ghế. Bộ bàn ghế này và vài cái tủ nhỏ kê ngoài phòng khách
làm bằng gõ gụ mầu đen với những nét chạm trổ Việt nam quen thuộc. Bà Nhu cho biết trước kia
thân sinh là ông Bà Trần Văn Chương có một apartment ở Paris và những đồ đặc này được mang
từ Việt nam qua, lâu lắm rồi. Khi hai cụ thân sinh bán cái apartment đi thì cho Bà Nhu bộ bàn ăn
và hai cái tủ nhỏ này. Tôi đã đọc mấy bài báo nói về khiếu thẩm mỹ của bà Nhu qua việc sắp xếp
và trang hoàng Dinh Độc Lập. Giờ này được đứng ngay giữa cơ ngơi của riêng Bà mà chẳng thấy
một “công trình” nào xem cho bắt mắt, có thể vì điều kiện tài chánh hay thời trưng diện của bà đã
qua.

Đứng ở nhà bếp nhìn ra ngoài có cảm tưởng như tháp Effeil sát ngay bên cạnh khung
cửa kính. Tôi tiếc thầm, phải như phòng khách mà được xếp đặt ở chỗ này thì đẹp biết bao. Ngồi
đây nhâm nhi ly cà phê nhìn thiên hạ từ khắp nơi trên thế giới đổ xô đến chân tháp chờ lên thang
máy nhìn cả kinh thành Paris. Ngày như đêm lúc nào cũng là hội hè đình đám. “Vui với cái vui
của thiên hạ” chắc lòng mình cũng phần nào đỡ trống trải. Có lẽ cũng vì vậy mà phòng ngủ bên
cạnh nhà bếp có kê một bộ xa lông để bù đắp lại sự thiếu sót to lớn của người thiết kế khu chung
cư. Phòng ngủ thứ hai là chỗ làm việc của bà Nhu với đủ loại sách báo. Cả đơn vị gia cư của một
người sống lẻ loi một mình không có đến một cái giường nhỏ. Buổi tối bà Nhu trải một cái chăn
trên nền nhà, ở một chỗ nào đó trong “căn hộ” nhỏ hẹp để nghỉ qua đêm. Bà không ngủ trên
giường nệm nên mặc dầu đã lớn tuổi mà vẫn giữ được lưng thẳng và đi đứng nhanh nhạn mạnh
dạn.

Bà Nhu mời tôi ngồi trên một cái ghế ngay đầu bàn ăn cạnh khu phòng khách. Bà ngồi
ghế đối diện, chân trái gác lên một chiếc ghế thấp hơn. Bà nói kỳ này khí hậu thay đổi bất thường
nên cái chân hơi bị đau vì vết thương ngày trước. Bà Nhu bị gẫy chân trái trong vụ hai phi công
Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử ném bom Dinh Độc Lập vào ngày 27 tháng 2 năm 1962. Sau
này bà đang đi bộ thì trượt chân ngã và cũng cái chân trái này gị gẫy lần thứ hai. Mặc đầu bà
không gặp khó khăn gì khi đi đứng nhưng đôi khi cũng thấy khó chịu.

Đối với tôi đây chỉ là một cuộc thăm viếng thường tình giữa người đồng hương nơi xứ
lạ. Tôi không có ý định phỏng vấn bà Nhu và và chắc chắn bà sẽ không được tự nhiên, thoải mái
khi phải đóng khung trong những câu hỏi của một cuộc phỏng vấn. Phần khác tôi cũng không
muốn khơi lại những đau thương mà bà phải gánh chịu trong cơn bão táp lịch sử và bể oan cừu
cay nghiệt của cuộc đời. Tôi muốn cuộc thăm viếng không bị gò bó và trói buộc vào một chủ đề,
đồng thời cũng không muốn tìm tòi những gì mà cá nhân tôi và rất nhiều người được nghe đủ loại
chuyện tốt xấu về bà mà chẳng biết hư thực ra sao, và từ những mù mờ đó đã có biết bao câu hỏi
về một người đàn bà một thời xe ngựa thênh thang. Tôi muốn câu chuyện được tự nhiên và để bả
chủ động bất cứ những gì bà muốn nói. Tôi có thể dùng những tiểu xảo của kỹ thuật phỏng vấn
“gài” bà vào những sơ hở để thỏa mãn những gì tôi muốn biết hoặc chỉ nghe đồn thổi. Tôi đã
không làm như vậy vì lòng kính trọng đối với bà và lương tâm ngay lành của tôi.

Tôi mở đầu câu chuyện bằng mấy lời xã giao thông thường, kính chúc bà luôn được
mạnh khỏe an vui. Bà bắt đầu nói về lai lịch nơi hiện cư ngụ. Rất nhiều người biết qua báo chí
chuyện một người Pháp giầu có biếu Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục một món tiền lớn và
Đức Cha Thục đã cho bà Nhu để mua một đơn vị gia cư trong toà nhà cao tầng này và sau đó Bà
dành dụm mua thêm được một đơn vị nữa. Sự thật không phải như vậy. Bà Nhu trực tiếp nhận
được một số tiền rất lớn từ một vị ân nhân ẩn dsnh. Có tiền trong tay, Bà đã nhờ một cựu bộ
trưởng thời chính phủ De Gaulle giúp mua liền một lúc hai đơn vị gia cư này. Vào những năm mà
người Việt vượt biển ra đi một cách rầm rộ gần như công khai, Bà Nhu cho mấy thanh niêm mới
bơ vơ đến Pháp tạm trú ở đơn vị gia cư thứ hai và không lấy tiền thuê mướn hay bất cứ chi phí
điện nước nào cả. Một thời gian sau những thanh niên này tìm được thân nhân hay vì nhu cầu
công việc ra đi tạo lập đời sống mới thì bà Nhu cho một nhà ngoại giao Nhật Bản thuê mướn cho
đến ngày nay. Vị ân nhân tặng bà Nhu số tiền kếch xù đó là bà Capaci, một cư dân thành Milan
nước Ý và cũng là một trong bẩy người phụ nữ giầu nhất thế giới. Bà Nhu chưa được một lần gặp
vị ân nhân này và mãi đến bốn năm sau khi Bà Capaci tạ thế bà Nhu mới được biết tên cũng như
thanh thế và sự nghiệp của người đã gia ân cho mình.

Trên bức tường ngăn phòng khách và nhà bếp có treo tấm hình đen trắng ngôi nhà của
ông bà Nhu ở Đàlạt, tôi kể cho bà nghe chuyến đi về Việt nam nhân dịp Tết Tân Tỵ, lần đầu tiên
sau 26 năm vội vã ra đi lánh nạn cộng sản. Tôi đã đi ĐàLạt, ghé lại thăm ngôi nhà xưa của thời
trung học, bước qua đướng đứng nhìn nhà ông bà Nhu một lúc lâu. Ngôi nhà của ông bà Nhu hiện
không có người ở nhưng được bảo quản khá tốt, không thấy những đổ vở hoang tàn vì thời gian
hay qua những biến động. Hiện nay bà Nhu không có ý định về thăm Việt nam mặc dầu bà được
nhà cầm quyền Hà nội đánh tiếng cho biết là nếu bà muốn về thì cũng chẳng có trở ngại gì. Những
kỷ niệm về một nơi chốn thân thương xa xưa gợi lại miền ký ức dấu ái, bà nói “tôi gặp ông cố vấn
năm 16 tuổi, đến năm 18 tuổi thì làm đám cưới”. Bà có vẻ buồn khi nói đến ngôi nhà ở Đà Lạt.
Một vùng trời mộng mơ với những kỷ niệm của ngày tháng êm đềm nơi sứ sương mù vẫn còn
vương vất đâu đây. Khi nói về những người con thì bà Nhu có vẻ bẳng lòng với chút hãnh diện.
Tôi cố tình không hỏi gì về trưởng nữ Ngô Đình Lệ Thủy đã bị chết thảm trong một tai nạn xe cộ
trên xa lộ vòng đai của Paris. Rất có thể đây là một âm mưu quốc tế còn nhiều nghi vấn chưa được
sáng tỏ và tôi cũng không muốn khơi lại những kỷ niệm đau buồn để rồi những giọt nước mắt của
bà mẹ lại một lần nữa ướt đẫm trên khuôn mặt đã có quá nhiều khổ đau. Ông con trai lớn Ngô
Đình Trác tốt nghiệp kỹ sư canh nông, năm nay cũng đã 55 tuổi, lấy vợ người Ý và có bốn con, ba
trai một gái. Bà Nhu nói về những đứa cháu nội, con trai của ông Trác, trong niềm vui “cao một
mét tám, to lớn và đẹp trai lắm”. Vọ ông Trác thuộc giòng dõi quý tộc rất giầu có. Ông Trách rất
đam mê công việc trồng trọt chăn nuôi và đã chế tạo được nhiều dụng cụ nông cơ thích hợp cho
việc canh tác những thủa đất nhỏ. Gia đình ông Trác sỡ hữu một biệt thự to và rất đẹp trong nội
thành Roma. Ngôi biệt thự này có cách cấu trúc và đáng dấp như một tu viện. Bà Nhu đã ở đấy
nhiều năm nên rất nhiều người lầm tưởng rằng bà đã tá túc ở một tu viện Công giáo trong khoảng
thời gian dài.

Người con trai thứ hai là Ngô Đình Quỳnh cũng đã trên 50 tuổi, tốt nghiệp trường
E.S.E.C. (École Suprrieure de l’Econmie yet du Commerce) chứ không phải trường H.E.C.
(Hautes Etudes Commerciales) như rất nhiều báo chí và sách vở đã sai lầm. E.S.E.C. là trường tư
đào tạo các chuyên gia kinh tế và tài chánh cao cấp, có học trình gay gắt và học phí rất cao. Sinh
viên được nhận vào học trường này phải vượt qua những cuộc thi cử cam go và sau khi tốt nghiệp
được các cơ quan kinh tế và tài chánh trên toàn thế giới trọng vọng. Khi Ngô Đình Quỳnh học
trường này bà Nhu đã không đủ khả năng trả học phí nên phải làm giấy xin nợ tiền học. Hiện ông
Quỳnh làm đại diện thương mại cho một số công ty Hoa Kỳ ở Bruxelles, thủ đô nước Bỉ. Ông
Quỳnh không lập gia đình. Bà Nhu cười nói “Ông Quỳnh giống Bác”, hàm ý sống độc thân như
Tổng thống Ngô Đình Diệm. Đang lúc tôi nói chuyện với bà Nhu thì một thiếu nữ người Pháp gõ
cửa bước vào với một xấp hình trên tay. Cô bé 17 tuổi này vừa trở về sau chuyến đi làm công việc
thiện nguyện giúp các thanh nữ Phillippines bị bệnh AIDS. Tất cả chi phí cho chuyến đi của cô bé
này do ông Ngô Đình Quỳnh đài thọ. Cô bé có những lọn tóc mầu hạt dẻ khoe những tấm hình
chụp chung với các nạn nhan của căn bệnh thời đại và ước mong sẽ được trở lại thủ đô của nước
Phillippines để tiếp tục công viêc bác ái. Bà Nhu nói ông Quỳnh sống đạm bạc và rất tích cực
trong những hoạt động từ thiện nên ước vọng của cô bé chẳng phải là một giấc mơ.

Cô con gái út Ngô Đình Lệ Quyên có bằng tiến sĩ Luật từ trường đại học Roma. Lệ
Quyên là một luật gia ngành Công Pháp rất nổi tiếng nhưng chỉ được mời thỉnh giảng và tham
luận ở phân khoa Luật của đại học Roma mà thôi. Lý do đơn giản là Lệ Quyên không chịu vào
quốc tịch Ý. Luật lệ nước Ý không cho phép những người không có quốc tịch được quyền giảng
dậy một cách chính thức trong học trình. Lệ Quyên thường xuyên được mời dự các hội nghị quốc
tế và có nhiều bài tham luận xuất sắc làm sửng sốt các “cây đại thụ” của ngành công pháp thế
giới. Lệ Quyên có chống người Ý những đứa con trai 7 tuổi lại chính thức mang họ mẹ trên giấy
tờ hộ tịch. Bà Nhu hãnh diện nói tên cháu bé là Ngô Đình Sơn, một tự hào dòng họ hay là sự gìn
giữ gốc rễ gia tộc.

Mỗi buổi sáng sớm, bất kể thời tiết. Bà Nhu đều “xuống đường” đi bộ chừng độ 10
phút đến nhà thờ Saint Léon dâng thánh lễ hằng ngày. Cũng tại ngôi thánh đường này, lần đầu tiên
vào tuần lễ đầu tháng 11 năm 2001, bà Nhu tổ chức lễ tưởng niệm Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Thông thường sau thánh lễ Bà ở lại giúp dọn dẹp nhà thờ và xếp đặt trưng bày hoa nến. Ngày chủ
nhật, bà phụ trách dậy lớp thánh kinh cho các trẻ nhỏ. Bà gia nhập đạo Công giáo khi lập gia đình,
nhưng lúc thiếu thời được giáo dục trong các trường Công giáo nên có thể nói là bà đã lớn lên và
trưởng thành trong tín lý của đạo Chúa. Trong câu chuyện, bà Nhu nhiều lần biểu lộ Đức Tin tuyệt
đối nơi sự an bài của Đấng Tối Cao. Khi nghe tôi nói có thân nhân đang bị bệnh và rất muốn trở
về Mỹ sớm hơn, bà Nhu đi vào phòng làm việc lấy cho tôi một tượng ảnh Đức Mẹ Maria đúc bằng
kẽm to hơn đồng một xu Mỹ kim. Bà nói mang tượng ảnh về cho bệnh nhân thì Đức Mẹ sẽ cứu
giúp và chữa khỏi. Tôi nghĩ là vì có Đức Tin mạnh mẽ như vậy nên bà đã vượt qua được bao cơn
sóng gió ba đào mà sống mạnh khỏe đến ngày nay.

Trên đường từ nhà thờ về, bà Nhu cũng thỉnh thoảng ghé lại tiệm bán hoa và cây cảnh,
mua vài bông hoa hay một chậu cảnh trang hoàng trong nhà. Ít khi bà phải nấu nướng vì ăn rất ít
và những bà bạn người Pháp thương mang đồ ăn đến cho nên cũng chẳng bận rộn gì việc bếp núc.
Trước kia tôi nghe có người nói bà Nhu chỉ ăn qua loa, hai ba lần một tuần. Tôi nghĩ là nếu ăn
uống như vậy thì làm sao mà… thở được. Bây giờ tôi nghe chính bà Nhu nói “hai ngày nay tôi
chưa ăn gì cả, vì tôi không ăn nên không có bệnh”. Các vị tu sĩ An Độ giáo rất ít khi ăn uống
nhưng người nào cũng mạnh khỏe và sống lâu trăm tuổi. Ở các nước Âu Mỹ đa phần người ta chết
vì ăn chứ có ai chết vì đói.

Bà Nhu hầu như không đi sắm sửa quần áo giầy dép. Mỗi năm một bà bạn người Nhật
gởi qua cho vài cái áo kimono đủ mặc trong nhà, có việc đi đâu thì mặc mấy cái quần áo cũ cũng
còn tâm được. Nói đến quần áo, Bà có vẻ đăm chiêu “ở Sài gòn nóng quá nên tôi mặc áo dài hở
cổ, Tổng thống không bằng lòng”. Chiếc áo dài hở cổ được đặt tên là “kiểu áo Bà Nhu” đã một
thời là “mốt” của các thiếu nữ Sài gòn và cũng là một đề tài xôn xao của những người vô công rồi
nghề. Bà kể chuyện trước kia phải đại diện chính phủ tiếp đón phu nhân các vị quốc khách mà
chẳng có đến một món trang sức nên thấy thiếu sót. Nhân có bà vợ một ông bộ trưởng muốn bán
mấy món đồ trang sức làm bằng đá đỏ (ruby), bà Nhu có trình và xin Tổng thống số tiền sáu ngàn
đồng bạc Việt nam để mua lại. Tổng thống nghe lời giãi bầy cũng hợp lý nhưng yêu cầu người bán
phải viết một tờ giấy biên nhận với đầy đủ lai lịch của những món đồ trang sức này. Bà Nhu nói
đó là lần duy nhất Tổng thống cho tiền và cũng chẳng còn nhớ những đồ trang sức đó bây giờ thất
lạc nơi đâu.

Trong lúc nói chuyện, thỉnh thoảng bà Nhu cũng đề cập đến những diễn biến chính trị,
kinh tế và xã hội toàn cầu. Bà có những phân tích, lượng giá vấn đề một cách chi tiết và hợp lý
đồng thời đưa ra những kết luận làm người nghe dễ dàng bị thuyết phục. Điều này chứng tỏ tuy
sống khép mình trong một căn phòng nhỏ bé những bà vãn theo dõi thời cuõc một cách cẩn thận.
Bà vẫn còn giữ những liên lạc cần thiết với gfiới ngoại giao quốc tế trong một giới hạn cẩn trọng.
Nhớ lại Phong trào phụ nữ liên đới năm xưa, Bà nắm hai tay trước mắt nhìn lên trần nhà nói bằng
tiếng Pháp “phụ nữ phải được giải phóng, phụ nữ phải được tôn trọng”. Giấc mơ của bà là người
phụ nữ phải có chỗ đứng vá tiếng nói trong xã hội. Ước vọng của bà là người phụ nữ phải có
những cơ hội thuận tiện để thăng tiến trong mọi lãnh vực của đời sống. Tiếng nói của bà rõ ràng,
chắc nịch, lên xuống với những cảm xúc làm người nghe rất dễ bị lôi cuốn rồi nhiệt tình ủng hộ.

Trong cả một buổi chiều, lúc nói chuyện này và đột nhiên nói sang chuyện khác nhưng
Bà không hề đả động gì đến nước Mỹ mặc dầu Bà biết tôi đến từ một tiểu bang ở vùng Tây Bắc
nước Mỹ. Nhiều người nói bà Nhu căm thù Mỹ lắm vì những sai lầm trong chính sách đối với Việt
nam và nhất là đối với Đệ nhất cộng hoà Việt nam. Vào những ngày tháng cuối năm 1963, cả thế
giới đã kinh ngạc nghe và nhìn bà Nhu mạt sát nước Mỹ và những nhà lãnh đạo của siêu cường
này ở tại một địa điểm chỉ cách Toà Bạch Ốc một quãng đường. Tôi nghĩ là bà dã không còn mang
những “hận thù” đó trong tim óc nữa và thực sự muốn quên hết để mọi chuyện nhẹ nhàng đi vào
lịch sử. Bà kể chuyện vào mùa Xuân năm 1975, hệ thống truyền thanh NBC của Mỹ có xin phỏng
vấn trong 30 phút. Lý do bà chấp nhận lời yêu cầu của NBC và đòi mười ngàn (10,000) Mỹ kim
thù lao cộng với hai vé máy bay khứ hồi hạng nhất Paris - Washington DC, vì lúc đó Lệ Quyên rất
nhớ và muốn đi gặp ông bà ngoại. Bà Như không có tiền trang trải cho chuyến đi nhưng vì thương
con nên bằng lòng trả lời cuộc phỏng vấn để có tiền đưa con gái đi gặp ông Bà Trần Văn Chương
ở thủ đô của nước Mỹ. Đối với một tổ hợp truyền thông to lớn như NBC thì những điều kiện đó
thật quá nhỏ bé và họ đã vội vàng thực hiện cuộc phỏng vấn. Đó là lần duy nhất bà đi Mỹ và cũng
là lần duy nhất bà tiếp xúc với giới truyền thông quốc tế sau năm 1963. Ngoài ra, bà chưa từng
gặp gỡ hoặc tiếp xúc với báo giới Việt ngữ dưới bất cứ hình thức nào. Trong quá khứ đã có vài tờ
bào ở Đức quốc và Clifornia đăng tải bài phỏng vấn Bà Ngô Đình Nhu. Tất cả những bài “phỏng
vấn” đó đều là những ngụy tạo mà độc giả rất dễ dàng nhận ra tính chất giả dối và bịa đặt của
người viết.

Bà Nhu cũng không nói gì về vụ phản loạn 1-11-1963 và những người được ngoại bang
thuê mướn sát hại chống Bà. Tôi có nói xa gần đến đám quân nhân phản loạn để dò xét phản ứng
của bà nhưng không trong chờ ở một sự tức giận thường tình của một con người vì thời gian đến
gần 40 năm cũng đã làm nguôi ngoai cơn thịnh nộ. Bà có vẻ buồn, nhìn qua khung cửa sổ nói một
cách nhỏ nhẹ bằng tiếng Anh “đó là một bọn ngu dốt”.

Đồng hồ chỉ tám giờ rưỡi tối. Những ngọn đèn của Paris kết nối làm thành một biển
ánh sáng và thành phố đã bắt đầu đi vào cuộc sống ban đêm. Hơn sáu giờ đồng hồ ngồi nói
chuyện, tôi đã uống hết hai ly nước bưởi nhưng tuyện nhiên không thấy bà Nhu uống một chút
nước nào. Tôi sợ ngồi lâu quá Bà sẽ mệt mỏi những thực sự thì chính tôi là người đã thấm mệt. Bà
Như không tỏ ra mệt mỏi hay có một dấu hiệu nào biểu hiện sự rã rời sau một buổi chiều dài
chuyện trò.

Trước khi tôi xin cáo từ bà Nhu có nói đến cuốn sách của bà. Theo chỗ tôi được biết thì
cuốn sách này sẽ được phát hành cùng một lúc tại nhiều nơi trên thế giới bằng bốn thư ngôn ngữ:
Việt nam, Anh, Pháp và Ý. Bà viết bằng tiếng Pháp và tự dịch sang tiếng Anh và Ý. Bản dịch tiếng
Việt đang trong giai đoạn nửa chừng. Cũng vì vậy mà tôi hạn chế bài viết này trong một kích
thước vừa đủ, những gì độc giả muốn biết hay những gì gọi là “bí mật lịch sử” sẽ rất có thể được
nói đến hoặc phân giải trong cuốn sách mà rất nhiều người chờ đợi. Tôi chợt nghĩ đến “Ông tướng
phương chèo” Nguyễn Khánh. Ông này đi đến đâu cũng cầm cuốn vở học trò huyênh hoang có
nhật ký của bà Nhu trong tay. Tôi nghĩ rất có thể ông này lượm được cuốn vở bà Nhu ghi chép
những chuyện vụn vặt của một người nội trợ trong gia đình nhu hôm nay đi chợ cần phải mua
những món gì, đến bao giờ thì phải đóng tiền trường cho con… Ngoài ra chẳng có gì đáng nói tới
hay có một giá trị gì cả. Tôi cũng không hiểu được lý do tại sao khi bị đuổi ra khỏi nước mà
đương sự còn ôm theo “báu vật” đó để làm gì. Đặt trường hợp “báu vật” đó mang lại danh vọng
và lợi lộc hoặc là một thứ vũ khí để để mạt sát nhục mạ bà Nhu thì chắc chắn độc giả đã được đọc
từ lâu rồi.

Tôi bước ra chỗ thang máy để xuống phố lang thang với người Paris mà trong lòng xôn
xao niềm vui vì không ngờ một “bà cụ” gần 80 tuổi đã vật vã với bao sóng gió phủ phàng của
cuộc đời mà lại còn có một sức khoẻ thật sung mãn, trí óc minh mẫn đến như thế. Ở vào tuổi đời
như vậy mà còn giữ được thể chất và tinh thần trong một tình trạng gần như lý tưởng thì thật là
hiếm có. Bà Nhu đã thực sự lánh xa những tục lụy phù phiếm của trần gian. Bà sống trong hơi thở
nhịp tim của đời sống tận hiến và phó dâng với niềm cậy trong tuyệt đối nới sự quan phòng của
Đấng Tạo Hóa. Tôi cầu chúc Bà luôn mạnh khỏe, an vui.

______________________

Trần Lệ Xuân
Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu, là một phụ nữ được biết đến như một trong
những gương mặt then chốt trong chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam cho đến khi
anh em Diệm Nhu bị lật đổ và ám sát năm 1963.

Trần Lệ Xuân sinh năm 1924 tại Huế (có tài liệu ghi là Hà Nội). Bà là cháu gái của vua
Đồng Khánh và là con của luật sư Trần Văn Chương (ông sau này làm đại sứ tại Mỹ do Ngô Đình
Diệm bổ nhiệm). Lúc nhỏ bà học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, tốt nghiệp tú tài Pháp. Năm
1943 bà kết hôn với ông Ngô Đình Nhu (em ruột Tổng thống Ngô Đình Diệm) và cải đạo theo
Thiên Chúa, từ bỏ đạo Phật. Bà là dân biểu, chủ tịch Hội Phụ nữ Liên đới, thường được gọi là Bà
Cố vấn và được coi là Đệ nhất Phu nhân (First Lady) của miền Nam Việt Nam từ năm 1955 đến
năm 1963 vì Tổng thống không lập gia đình.

Trong thời Đệ nhất Cộng hoà của miền Nam Việt Nam Trần Lệ Xuân bị cho là người
tai quái và lộng quyền. Việc Ngô Đình Diệm để cho bà cũng như Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu,
Ngô Đình Luyện và người em út Ngô Đình Cẩn tham gia sâu vào việc nước tạo nên hình ảnh gia
đình trị độc đoán kiểu phong kiến.

Trong sự kiện Phật Đản 1963, ngày 3 tháng 8 năm 1963, trong cuộc nói chuyện với phụ
nữ bán quân sự, Trần Lệ Xuân lên tiếng rằng “hoạt động của Phật Giáo là một hình thức phản bội
xấu xa…”. Về sự tự thiêu của hoà thượng Thích Quảng Đức, bà nhiều lần công khai phát biểu
“Vỗ tay hoan nghênh các vụ tự thiêu, nếu ai có thiếu xăng dầu thì tôi sẽ cho” và gọi vụ tự thiêu là
“nướng thịt sư”. Trả lời phỏng vấn của ký giả báo New York Times, Trần Lệ Xuân nói: “Tôi còn
thách mấy ông sư thêm mười lần nữa. Phương pháp giải quyết vấn đề Phật Giáo là phớt tỉnh,
không cần biết tới”. Các hành động, phát biểu thiếu cân nhắc và quá khích của bà góp phần đổ
thêm dầu vào lửa dẫn đến cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963, chấm dứt nền Đệ nhất Cộng
hoà của miền Nam Việt Nam.

Trong tháng 10 năm 1963, Trần Lệ Xuân cùng con gái Ngô Đình Lệ Thuỷ đi Hoa Kỳ
và La Mã với dự định sẽ vạch trần mưu đồ của Tổng thống Kennedy và CIA trước công chúng Mỹ
.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963 Trần Lệ Xuân và con gái đang trú ngụ tại khách sạn sang
trọng Wilshire Hotel ở Beverly Hill, California thì cuộc đảo chính xảy ra, chồng và anh chồng bà
bị giết.

Ngày 15 tháng 11 năm 1963, Trần Lệ Xuân và Lệ Thuỷ rời khỏi Los Angeles để đi La
Mã sau khi phát biểu: “Tôi không thể cư ngụ ở Mỹ, vì lý do đơn giản chính phủ của họ đã đâm
sau lưng tôi.”

Ngày 16 tháng 10 năm 1971, tờ New York Times đưa tin bà bị đánh cướp số nữ trang
trị giá trên 32 ngàn dollar tại La Mã.

Ngày 9 tháng 5 năm 1975 khi trả lời phỏng vấn Đài truyền hình NBC Trần Lệ Xuân đã
tố cáo chính quyền Kennedy can thiệp vào Nam Việt Nam là “nhằm tạo thanh thế và sự ủng hộ
cho Đảng Dân chủ”.

Ngày 2 tháng 11 năm 1986, Trần Lệ Xuân tố cáo Mỹ chơi xấu với gia đình bà trong
việc bắt giữ Trần Văn Khiêm (em trai bà) về tội giết cha mẹ là ông bà Trần Văn Chương tại nhà
riêng ở Washington.

Trần Lệ Xuân cũng là người khởi xướng kiểu áo dài cổ thuyền, khoét sâu (mà dân
chúng vẫn gọi nôm na là “Áo dài Trần Lệ Xuân”) tạo ra một làn sóng thời trang áo dài hở cổ mới.

Những năm đầu thập niên 1990, Trần Lệ Xuân sống tại vùng French Riviera (Pháp) và
thường chỉ trả lời phỏng vấn nếu được trả tiền . Vì vậy ít khi bà được phỏng vấn.

Hiện nay Trần Lệ Xuân đang sống một mình, viết hồi ký trong một căn hộ sang trọng
tại quận 15, thủ đô Paris (Pháp) và cắt đứt mọi quan hệ với các nhân vật chính trị. Căn hộ này theo
bà là của một nữ bá tước tỷ phú người Ý tặng (theo nguồn tin khác là của Giám mục Ngô Đình
Thục mua cho).

______________________

Những năm lặng lẽ của Trần Lệ Xuân


Chủ nhật, 11/2/2007, 15:36 GMT+7
Mỗi khi nhắc đến gia đình họ Ngô là phải nhắc đến vợ chồng Ngô Đình Nhu - Trần Lệ
Xuân. Tuy là những người đứng sau rèm "chấp chính", nhưng Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân lại
có nhiều quyền thế, và có thể nói có khi hơn cả Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Mấy anh em ruột nhà Ngô thì nay ai cũng đã về "Nước chúa", chỉ còn lại bà quả phụ
Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân. Vậy bà quả phụ một thời lẫy lừng hiện nay sống như thế nào?
Chúng tôi xin tiết lộ một vài chi tiết về cuộc sống hiện nay của người con một thời "làm mưa làm
gió" trên đất trời phương Nam.

Ngày hai anh em Diệm - Nhu bị hạ sát thì Trần Lệ Xuân đang ở đất Mỹ để "giải độc"
cho chế độ nhà Ngô. Trần Lệ Xuân cùng trưởng nữ là Ngô Đình Lệ Thuỷ đã tới nhà thờ để dự lễ
cầu hồn cho những người thân. Nỗi đau tang gia chưa nguôi thì bà Lệ Xuân được tin mẹ chồng là
bà Ngô Đình Khả (Phạm Thị Thân) hơn 90 tuổi đã tạ thuế tại Huế.

Quả phụ Ngô Đình Nhu cùng các con không được về nước chịu tang mẹ chồng và bà
nội. Cả Giám mục Ngô Đình Thục và Ngô Đình Luyện cũng không được về nước chịu tang thân
mẫu. 3 năm sau những biến cố ấy thì trưởng nữ của bà, Ngô Đình Lệ Thủy lại qua đời do tai nạn
giao thông tại Paris, Pháp.

Bà Trần Lệ Xuân cùng các con nhỏ chuyển về sinh sống tại La Mã, nơi Giám mục Ngô
Đình Thục đang tạm sống tại đó. Ngày 13-12-1984, mấy mẹ con quả phụ Ngô Đình Nhu lại nhận
được tin Giám mục Ngô Đình Thục đã từ trần tại đất Mỹ sau mấy năm bị khủng hoảng tinh thần.

Khi còn ở Việt Nam, hay lúc sống lưu vong, Ngô Đình Thục lúc nào cũng thương yêu
mẹ con Trần Lệ Xuân. Do vậy, với gia đình bà, ông Ngô Đình Thục không chỉ là người thân ruột
thịt mà còn là ân nhân của bà nơi đất khách. Nghe nói, nhà cửa của mấy mẹ con bà quả phụ Ngô
Đình Nhu ở La Mã đều do ông Ngô Đình Thục chu cấp, và còn tài trợ tiền bạc cho ba đứa con bà
Nhu ăn học đến nơi đến chốn.

Khi được tin ông Ngô Đình Thục qua đời, mấy mẹ con bà Nhu định sang Mỹ phục
tang, nhưng không biết vì lý do gì có chuyện xích mích trong gia đình họ Ngô, nên ông Ngô Đình
Luyện em út trong gia đình họ Ngô không cho mẹ con bà Nhu sang Mỹ dự tang lễ Giám mục Ngô
Đình Thục.

Gần hai năm sau, ngày 28-7-1986, Lệ Xuân nhận được điện thoại của người em trai
ruột là Trần Văn Khiêm báo tin song thân là ông bà Trần Văn Chương đã qua đời nhưng không rõ
nguyên nhân. Sau đó lại được tin Trần Văn Khiêm bị Cảnh sát Mỹ bắt giữ do có liên quan đến cái
chết của song thân. Cha mẹ qua đời bà cũng không thể qua Mỹ chịu tang.

Đến năm 1990, người em út của Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Luyện cũng qua đời tại
Paris vì bệnh. Mẹ con bà Nhu cũng không sang dự đám tang, vì trước đó giữa bà Nhu và ông
Luyện đã có sự xích mích.

Cuộc đời Trần Lệ Xuân, từng chứng kiến 10 cái tang (đều bất đắc kỳ tử), từng khóc hết
nước mắt nhưng không một lần được tham dự lễ tang, âu cũng là một chữ lệ!.
Cho tới nay có nhiều người nghe tin đồn: Bà Nhu đã lấy chồng, hoặc đã qua đời từ lâu
rồi. Tất cả chỉ là tin đồn. Vào tháng 3-2002, một người bạn của chúng tôi là luật sư Trương Phú
Thứ có sang Paris chơi và đến thăm bà quả phụ Ngô Đình Nhu. Khi về lại Mỹ, luật sư Trương Phú
Thứ đã viết một bài khá dài về cuộc gặp gỡ với bà quả phụ Ngô Đình Nhu.

Luật sư Trương Phú Thứ cho biết, bà Nhu ở một mình trong căn hộ của một toà nhà
mới xây gần tháp Eiffel (Paris). Bà Nhu là chủ sở hữu 2 căn hộ ở trên tầng lầu thứ 11 của tòa nhà
cao tầng ở khu vực có địa thế rất đẹp và đắt tiền nhất ở thủ đô Paris.

Trần Lệ Xuân với lực lượng phụ nữ bán quân sự

Bà Nhu ở một cái, và cái thứ hai cho thuê để lấy tiền sinh sống. Đó là lợi căn hộ nữa.
Sự thật không phải như vậy. Bà Nhu trực tiếp nhận được một số tiền lớn từ một ân nhân ẩn danh.
Có tiền trong tay, bà đã nhờ một cựu bộ trưởng thời Chính phủ De Gaulle giúp mua liền một lúc
hai căn hộ này.

Bà Nhu cũng cho biết: "Mấy thanh niên Việt mới bơ vơ đến Pháp tạm trú ở căn hộ thứ
hai và tôi không lấy tiền thuê mướn hay bất cứ chi phí điện nước nào cả. Một thời gian sau, những
thanh niên này đã được thân nhân hay vì nhu cầu công việc ra đi tạo lập đời sống thì bà Nhu cho
một nhà ngoại giao Nhật Bản thuê mướn cho đến ngày nay.

Bà Nhu cũng cho biết: Vị ân nhân tặng bà Nhu số tiền kếch sù đó là bà Capici, một
người Italia, từng lọt vào danh sách những người phụ nữ giàu có nhất thế giới. Bà Nhu chưa được
một lần gặp vị ân nhân này và mãi đến 4 năm sau khi bà Capici tạ thế bà Nhu mới biết được tên
cũng như thanh thế và sự nghiệp của người đã gia ân cho mình.

Trên bức tường ngăn phòng khách và nhà bếp có treo tấm hình đen trắng ngôi nhà của
bà Nhu ở Đà Lạt. Bà Nhu hiện nay không có ý định về thăm quê hương Việt Nam. Khi nói về
những người con thì bà Nhu có vẻ bằng lòng với chút hãnh diện.

Người con trai lớn Ngô Đình Trác tốt nghiệp kỹ sư canh nông, năm nay cũng đã 55
tuổi, lấy vợ người Italia và đã có 4 đứa con, 3 trai, 1 gái. Bà Nhu khoe là những đứa cháu nội, con
trai của ông Trác, ai cũng "cao một mét tám, to lớn và đẹp trai lắm".

Vợ ông Trác thuộc dòng dõi quý tộc rất giàu có. Ông Trác rất đam mê công việc trồng
trọt chăn nuôi và đã chế tạo được nhiều dụng cụ nông cơ thích hợp cho việc canh tác những thửa
đất nhỏ. Gia đình ông Trác sở hữu một biệt thự to và rất đẹp trong nội thành La Mã. Ngôi
Bruselles, thủ đô nước Bỉ. Ông Quỳnh không lập gia đình. Bà Nhu cười nói: "Ông Quỳnh giống
bác ruột", hàm ý sống độc thân như ông Ngô Đình Diệm.

Cô con gái út Ngô Đình Lệ Quyên có bằng tiến sĩ Luật từ Trường đại học Roma. Lệ
Quyên là một luật sư ngành Công pháp rất nổi tiếng nhưng chỉ được mời thỉnh giảng và tham luận
ở Phân khoa Luật của Đại học Roma mà thôi. Lý do đơn giản là Lệ Quyên không chịu nhập quốc
tịch Italia. Luật pháp Italia không cho phép những người không có quốc tịch được quyền giảng
dạy một cách chính thức trong học trình.

Lệ Quyên thường xuyên được mời dự các hội nghị quốc tế và có nhiều bài tham luận
xuất sắc khiến các "cây đại thụ" của ngành Công nghiệp pháp thế giới phải ngưỡng mộ. Lệ Quyên
có chồng người Italia nhưng đứa con trai 7 tuổi lại chính thức mang họ mẹ trên giấy tờ hộ tịch. Bà
Nhu hãnh diện nói tên cháu bé là Ngô Đình Sơn, niềm tự hào dòng họ là sự giữ gốc rễ dân tộc.

Mỗi buổi sáng sớm, bất kể thời tiết, bà Nhu đều xuống đường đi bộ chừng 10 phút đến
nhà thờ Saint dự thánh lễ hàng ngày. Thông thường sau thánh lễ, bà ở lại giúp dọn dẹp nhà thờ và
xếp đặt, trưng bày hoa nến. Ngày chủ nhật, bà phụ trách dạy lớp giáo lý cho các trẻ nhỏ.

Bà Nhu hầu như ít đi mua sắm. Một bà bạn người Nhật đã lo cho bà về cái mặc rồi. Nói
đến quần áo, bà có vẻ đăm chiêu: "Ở Sài Gòn nóng quá nên tôi mặc áo dài hở cổ. Tổng thống
không bằng lòng". Chiếc áo dài hở cổ được đặt tên là "kiểu áo bà Nhu" đã một thời là "mốt" của
các thiếu nữ Sài Gòn và cũng là một đề tài xôn xao của những người vô công rồi nghề.

Bà Nhu kể chuyện trước kia phải đại diện chính phủ tiếp đón phu nhân các vị quốc
khách mà chẳng thành NBC của Mỹ có xin phỏng vấn trong 30 phút. Lý do bà chấp nhận lời yêu
cầu của NBC và đòi 10 ngàn USD thù lao với hai vé máy bay khứ ngồi hạng nhất Paris -
Washington DC, vì lúc đó Lệ Quyên rất nhỏ và muốn đi gặp ông bà ngoại.

Vì không có tiền trang trải cho chuyến đi nhưng vì thương con nên bà bằng lòng trả lời
cuộc phỏng vấn để có tiền đưa con gái đi gặp ông bà Trần Văn Chương ở thủ đô nước Mỹ. Đối
với một tổ hợp truyền thông to lớn như NBC thì những điều kiện đó thật quá nhỏ bé và họ đã vội
vàng thực hiện cuộc phỏng vấn. Đó là lần duy nhất bà đi Mỹ và cũng là lần duy nhất bà tiếp xúc
với giới truyền thông quốc tế sau năm 1963. Ngoài ra, bà chưa từng gặp gỡ hoặc tiếp xúc với báo
giới Việt ngữ dưới bất cứ hình thức nào.

Bà quả phụ Ngô Đình Nhu (Trần Lệ Xuân) đang viết dở dang một cuốn hồi ký bằng
tiếng Pháp, và do chính bà chuyển ngữ sang tiếng Italia, Anh và Việt Nam. Bà cho biết, chỉ sau
khi bà tạ thế các con của bà mới đem ấn hành.

Theo Nhân Hưng

______________________

Trần Lệ Xuân, người đàn bà mệt mỏi


10:30, 19/03/2008
Hiện giờ, Trần Lệ Xuân đang lặng lẽ cư trú ở Pháp, trong cảnh sống mà có nhân chứng
đã phải thốt lên rằng: "Đó là sự lưu vong buồn tủi!".

Trong dòng họ Ngô Đình, Trần Lệ Xuân là một người con dâu đặc biệt, không giống ai.
Khi cái gọi là nền đệ nhất cộng hòa tồn tại ở miền Nam, Trần Lệ Xuân chỉ là vợ của người em trai
kiêm cố vấn đặc biệt Ngô Đình Nhu của Tổng thống Ngô Đình Diệm, đã ngự trị như một đệ nhất
phu nhân và có nhiều hành động tự tung tự tác trong xã hội, trắng trợn đến mức đã gây nên rất
nhiều điều tiếng không hay trong dư luận.

Theo một số nguồn tư liệu, Trần Lệ Xuân sinh năm 1924 tại Huế (cũng có tài liệu ghi
là Hà Nội) trong một gia đình rất có máu mặt. Xét về phả hệ, trong huyết mạch Trần Lệ Xuân có
cả dòng máu của vua Đồng Khánh. Cha Trần Lệ Xuân là ông Trần Văn Chương, một vị luật sư
thời đó. (Về sau, dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Trần Văn Chương có thời gian được
cử làm đại sứ của chính quyền Sài Gòn tại Mỹ. Kết cục của vị luật sư này hết sức bị thảm: cuối
tháng 7/1986, ông bà Trần Văn Chương đã bị người con trai bị bệnh tâm thần là Trần Văn Khiêm
sát hại trong chính căn nhà của họ ở Washington D.C, Mỹ. Cảnh sát Mỹ đã phải tha bổng sát thủ
Trần Văn Khiêm vì căn bệnh của y nhưng cũng trục xuất y ra khỏi biên giới sang Pháp. Và thực lạ
là, ở Pháp, Khiêm lại sống rất bình thường. Có người cho rằng, trong chuyện này có một nghi án
chính trị nào đó…).

Trần Lệ Xuân lớn lên ở Hà Nội, từng theo học Trường Albert Sarraut và đã tốt nghiệp
tú tài Pháp. Năm 1943, Trần Lệ Xuân kết hôn với người con trai thứ sáu của dòng họ Ngô Đình là
Ngô Đình Nhu và bỏ đạo Phật theo đạo Thiên chúa của gia đình chồng.

Năm 1955, khi Ngô Đình Diệm được Mỹ hậu thuẫn lên làm tổng thống của cái gọi là
nền đệ nhất cộng hòa ở Sài Gòn, Ngô Đình Nhu được cử làm cố vấn đặc biệt. Đánh giá một cách
công bằng, đây là nhân vật có vai trò cực kỳ quan trọng trong bộ máy quyền lực của chế độ Ngô
Đình Diệm. Xuất giá tòng phu, Trần Lệ Xuân cũng nghiễm nhiên có được một vị trí nổi bật trong
chính trường Sài Gòn khi đó.

Tuy nhiên, bản tính "sâu sắc như cơi đựng trầu", Trần Lệ Xuân đã làm ảnh hưởng tiêu
cực tới "nghiệp lớn" của gia đình chồng, vốn tự thân nó đã bị điều tiếng không ít. Trần Lệ Xuân
được bầu vào quốc hội Sài Gòn, (tức là làm dân biểu), được giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ Liên
đới, thậm chí còn được gọi là đệ nhất phu nhân vì Ngô Đình Diệm không lập gia đình. Bản thân
Ngô Đình Diệm cũng tương đối vì nể cô em dâu sắc sảo, bạo nói, bạo làm. Còn Ngô Đình Nhu thì
khi ở thế thượng phong có thể bắt nạt cả thiên hạ nhưng trước mặt vợ vẫn luôn nhũn như con chi
chi vì thực tâm rất ngại ầm ĩ chuyện riêng tư…

Ngồi ở cương vị cao và luôn bị thiên hạ trông vào như thế nhưng Trần Lệ Xuân vẫn giữ
nguyên cách hành xử đành hanh, lộ liễu và rất nhiều khi khinh suất. Không phải ngẫu nhiên mà
nhiều người cho rằng chính Trần Lệ Xuân và cả giám mục Ngô Đình Thục nữa đã "đổ thêm dầu
vào lửa" khiến cho chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm sớm bị xóa sổ ở miền Nam.
Tháng 10/1963, đánh hơi thấy sự thất thế của triều đại Ngô Đình trong con mắt các
đồng minh thân cận, Trần Lệ Xuân cùng con gái lớn là Ngô Đình Lệ Thủy đi Mỹ và Rome với dự
định sẽ to tiếng la làng về một âm mưu đảo chính có thể xảy ra.

Ngày 1/11/1963, khi Trần Lệ Xuân và con gái đang ở khách sạn Wilshire Hotel tại khu
thượng lưu Beverly Hill (California) thì ở Sài Gòn, đã xảy ra đảo chính và Ngô Đình Diệm, Ngô
Đình Nhu rồi cả Ngô Đình Cẩn đều bị giết. Tới ngày 15/11/1963, hai mẹ con Trần Lệ Xuân và Lệ
Thủy phải lật đật rời khỏi Los Angeles sau khi tức tối tuyên bố: "Tôi không thể cư ngụ ở Mỹ, vì lý
do đơn giản chính phủ của họ đã đâm sau lưng tôi".

Từ đó trở đi là những giai đoạn họa vô đơn chí đối với Trần Lệ Xuân. Vừa nhận được
tin chồng và các anh em chồng bị giết chưa bao lâu, Trần Lệ Xuân đã phải nhận tin mẹ chồng qua
đời ở tuổi hơn 90 tại Huế… Bốn năm sau, con gái đầu của Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân là Ngô
Đình Lệ Thủy cũng bị chết trong một tai nạn giao thông ở Paris.

Sau năm 1963, Trần Lệ Xuân cùng những người con còn lại (lúc đó đều còn bé) chuyển
về sinh sống tại Rome trong nhiều năm liền, nơi giám mục Ngô Đình Thục, đang tá túc cho qua
ngày đoạn tháng. Nói một cách công bằng, trong số các anh chị em ruột của Ngô Đình Nhu, hình
như chỉ có một mình giám mục Ngô Đình Thục là thông cảm nhất với những điều tiếng và lận đận
của cô em dâu. (Người em Ngô Đình Cẩn thì trái lại, không tiếc lời gièm pha chị dâu và có lần đã
nói: "Đó là Đát Kỷ của thời nay!").

Có tin cho rằng, chính giám mục Ngô Đình Thục đã chu cấp cho mẹ con Trần Lệ Xuân
mọi kinh phí để họ sống ở Rome. Không những thế, ông Ngô Đình Thục còn tài trợ cho ba người
con của Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng Ngô Đình Thục cũng
chỉ sống ở Italia một thời gian rồi sang Mỹ và để tới ngày 13/12/1984, phải vĩnh biệt cõi trần trong
một viện dưỡng lão vì khủng hoảng tinh thần. Cái chết của giám mục Ngô Đình Thục có lẽ là một
tổn thất nặng về tình cảm đối với Trần Lệ Xuân.

Tiếp sau cái tang Ngô Đình Thục, Trần Lệ Xuân còn phải sống qua bi kịch cha mẹ bị
chính người em ruột lên cơn tâm thần của bà ta giết. Rồi người em út của dòng họ Ngô Đình là
Ngô Đình Luyện cũng qua đời vào đầu năm 1990 ở Paris. Như vậy là Trần Lệ Xuân đã phải chứng
kiến tới 10 cái chết của những người họ hàng ruột thịt.

Sau khi Ngô Đình Luyện (người hình như cũng có điều không mấy bằng lòng với cách
làm vợ của chị dâu) qua đời, Trần Lệ Xuân đã rời Italia sang Paris cư trú. Có nhiều tin đồn là
người đàn bà nhan sắc Trần Lệ Xuân trong mấy chục năm qua đã không chịu ở vậy. Tuy nhiên,
không có chứng cứ xác thực về một lần nào đó Trần Lệ Xuân tái giá.

Năm 2002, một luật sư người Việt từ Mỹ sang chơi Paris đã có dịp trực tiếp gặp Trần
Lệ Xuân ở Paris và đã ghi lại những điều tai nghe mắt thấy của mình. Theo đó, khi ấy, Trần Lệ
Xuân ở một mình trong một căn hộ ở tầng thứ 11 thuộc một tòa nhà mới xây gần tháp Eiffel, nơi
cư dân chủ yếu là các nhân viên ngoại giao từ các nước tới làm việc ở thủ đô Pháp.

Đó là một chung cư có những nét kiến trúc đương đại giống như một cái hộp khổng lồ
bằng kính, có lẽ đã được tạo dựng từ 30 đến 40 năm. Trần Lệ Xuân sở hữu hai căn hộ liền kề nhau
(theo lời Trần Lệ Xuân, tiền mua hai căn hộ là do giám mục Ngô Đình Thục cho. Tuy nhiên, sự
thật không phải như vậy: nguồn tiền đó là do một người ẩn danh tặng cho Trần Lệ Xuân).

Trần Lệ Xuân ở một căn hộ, có hai phòng ngủ và một phòng khách; còn căn hộ kia thì
cho một nhà ngoại giao Nhật Bản thuê, để có thêm tiền sinh hoạt. Món tiền cho thuê nhà cũng là
món lợi tức duy nhất của Trần Lệ Xuân, để có thể đủ tiền sống mà không phải nhờ cậy tới con cái.
Tại Paris, Trần Lệ Xuân sống mai danh ẩn tích đến nỗi nhiều người Việt cư trú lâu năm ở đây và
có những mối quan hệ rộng rãi vẫn tưởng bà ta đang ở tít tận bên Italia…

Theo cảm nhận của người khách Việt khi tới thăm Trần Lệ Xuân ở Paris năm 2002, dù
xa nhà lâu năm nhưng Trần Lệ Xuân vẫn giữ nguyên giọng nói đặc Huế, không vồn vã nhưng
cũng không quá lạnh nhạt. Người đàn bà ở tuổi bát tuần này vẫn trang điểm gương mặt một cách
kỹ lưỡng. Về sức khỏe thì cũng bình thường, không có gì đáng phải phàn nàn, "đi đứng nhanh
nhẹn, lưng thẳng, đôi mắt to và sáng". Tuy nhiên, theo nhận xét của ông khách đó, "cái già" cũng
vất vưởng đâu đó trên khóe mắt vành môi…

Ba người con của Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân đều đã phương trưởng. Người con
trai lớn Ngô Đình Trác từng tốt nghiệp kỹ sư canh nông, lấy vợ người Italia và đã có 4 con, (3 trai,
1 gái). Người con trai thứ hai là Ngô Đình Quỳnh, từng tốt nghiệp Trường ESEC (Ecole
Superrieur de I'Economie et du Commerc (ESEC, một trường tư đào tạo các chuyên gia kinh tế
và tài chính, có học trình chặt chẽ và học phí rất cao). Cô con gái út Ngô Đình Lệ Quyên có bằng
tiến sĩ Luật từ Trường Đại học Rome…

Trần Lệ Xuân đã viết được một cuốn hồi ký bằng tiếng Pháp rồi tự dịch ra tiếng Italia,
Anh và Việt Nam. Theo người đàn bà này tâm sự, cuốn hồi ký đó chỉ có thể được công bố sau khi
bà ta qua đời.

Không hẳn mọi điều trong cuốn hồi ký đó đều là sự thật bởi suy cho cùng, những điều
Trần Lệ Xuân định nói trong đó đều nhằm mục đích "thanh minh thanh nga" cho một dòng họ đã
gây nên quá nhiều ân oán giang hồ trong giai đoạn đầu quyết liệt và phức tạp của lịch sử. Nhưng
lịch sử là quá trình khách quan và đâu dễ những cảm nhận chủ quan của một người trong cuộc,
đầy động cơ cá nhân và thậm chí là vị kỷ, có thể bóp méo được.

Văn Thư

______________________

"Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân" bây giờ ra sao?


Mỗi khi nhắc đến gia đình họ Ngô, mọi người đều biết cặp Ngô Đình Nhu – Trần Lệ
Xuân. Dù đứng trong bóng tối của chế độ Ngô Đình Diệm, nhưng quyền uy lại khuynh đảo cả
miền Nam trước năm 1975. Mấy anh chị em ruột nhà Ngô, nay đã về “nước Chúa”, chỉ còn lại bà
quả phụ Ngô Đình Nhu, tức Trần Lệ Xuân. Đệ nhất phu nhân, một thời lừng lẫy, ngày nay sống ra
sao?

Sau năm 1963, Trần Lệ Xuân cùng các con chuyển về sinh sống tại La Mã, nơi giám
mục Ngô Đình Thục đang cư trú. Ngày 13/12/1984, mấy mẹ con bà nhận được tin giám mục Thục
từ trần tại Mỹ sau mấy năm bị khủng hoảng tinh thần. Lúc còn ở Việt Nam hay khi sống lưu vong
ở nước ngoài, giám mục Ngô Đình Thục lúc nào cũng yêu thương mẹ con bà. Do vậy, ông không
chỉ là người thân ruột thịt, mà còn là ân nhân nơi đất khách quê người của Trần Lệ Xuân. Người ta
nói, nhà cửa của mẹ con bà ở La Mã đều do ông mua sắm và còn cung cấp cả tiền bạc cho con cái
bà ăn học nữa.

Khi được tin giám mục Ngô Đình Thục qua đời, mẹ con bà Nhu định sang Mỹ chịu
tang. Nhưng chẳng biết vì sao, có lẽ do xích mích trong gia đình, ông Ngô Đình Luyện, em út
trong gia đình họ Ngô đã cấm không cho mẹ con bà sang dự tang lễ.

Gần hai năm sau, ngày 28/7/1986, bà Xuân nhận được điện thoại của em ruột là Trần
Văn Khiêm, báo tin cha mẹ ruột là ông bà Trần Văn Chương qua đời, nhưng không rõ nguyên
nhân. Sau đó, Khiêm bị cảnh sát FBI bắt, do có liên can đến cái chết của hai người này. Cha mẹ
ruột qua đời, bà Nhu cũng không thể qua Mỹ chịu tang.

Đến năm 1990, người em út của Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Luyện qua đời tại Paris
vì bệnh. Mẹ con bà Nhu cũng không thể đến dự tang, do trước đó có xích mích với nhau. Cuộc đời
bà Trần Lệ Xuân, từng chứng kiến 10 đám tang, đều bất đắc kỳ tử của người thân, từng khóc hết
nước mắt, nhưng không lần nào được tham dự tang lễ.

Cho đến nay, người ta vẫn đồn đoán: bà Nhu đã lấy chồng, hoặc qua đời từ lâu rồi, vì
không ai nghe tin tức. Tất cả đều vô căn cứ. Vào tháng 3/2002, luật sư Trương Phú Thứ có sang
Paris chơi, và đã đến thăm bà quả phụ Ngô Đình Nhu, chụp được tấm ảnh của bà. Khi về đến Hoa
Kỳ, ông Thứ có viết một bài khá dài về bà.

Luật sư Trương Phú Thứ cho biết: bà Nhu sống một mình trong căn hộ của một toà nhà
mới xây gần tháp Eiffel. Bà có hai căn ở tầng thứ 11, tại một khu vực đẹp và đắt tiền nhất Paris.
Bà ở một căn, căn còn lại cho thuê để sinh sống. Đó là nguồn thu nhập duy nhất, đủ để sống,
không cần nhờ vả đến các con. Bà sống ẩn dật, âm thầm lẻ loi, đến mức cựu trung tướng quân đội
Sài Gòn Trần Văn Trung, rất quen thuộc với cộng đồng người Việt tại Paris, cũng tưởng bà Nhu
đang sống ở Italia.
Trần Lệ Xuân và Ngô đình Nhu (tháng 7/1962).

Bà Nhu tuy đã ngoài 80, nhưng vẫn khỏe mạnh. Bà đi đứng nhanh nhẹn, lưng thẳng,
đôi mắt to và sáng. Căn nhà bà Nhu khá tầm thường, với hai phòng ngủ và một phòng khách. Trên
tường phòng khách còn treo vài bức ảnh lớn của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu
và con gái lớn Ngô Đình Lệ Thuỷ. Bà Nhu bác bỏ tin đồn chuyện một người Pháp giàu có biếu
giám mục Thục số tiền lớn, sau đó ông cho bà để mua căn hộ này. Rồi bà dành dụm thêm để mua
căn nữa. Sự thật không phải thế. Bà Nhu trực tiếp nhận được tiền từ một ân nhân ẩn danh. Sau đó
bà nhờ một cựu bộ trưởng thời De Gaulle giúp mua cho hai căn hộ này.

Trần Lệ Xuân nói: “Mấy thanh niên Việt Nam mới đến Pháp, bơ vơ, tôi cho tạm trú ở
căn hộ này, không lấy tiền nhà và điện nước. Một thời gian sau, họ có thân nhân đón đi hay mua
nhà riêng, tôi mới cho một nhà ngoại giao Nhật thuê. Bà còn tiết lộ vị ân nhân đó chính là bà
Capici, một phụ nữ Italia từng nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Bà Nhu chưa
từng gặp mặt vị ân nhân này, và mãi 4 năm sau khi bà này tạ thế, Trần Lệ Xuân mới biết rõ thân
thế và sự nghiệp!

Trên bức tường ngăn phòng khách và nhà bếp, có treo bức ảnh đen trắng “Biệt điện
Trần Lệ Xuân” ở Đà Lạt. Bà không hề có ý định trở về thăm Việt Nam. Khi nói về con cái, bà Nhu
có vẻ hãnh diện. Con trai lớn là Ngô Đình Trác, tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, năm nay 57 tuổi,
lấy vợ Italia, có 3 con trai, 1 gái. Bà Nhu khoe những đứa cháu nội, con trai ông Trác: Ai cũng cao
1,8 mét, to lớn và rất đẹp trai. Vợ ông Trác thuộc dòng dõi quý tộc, rất giàu có. Ông Trác chế tạo
được nhiều nông cụ thích hợp cho canh tác những mảnh đất nhỏ. Gia đình ông có một biệt thự to
và đẹp ở nội thành La Mã, có dáng dấp như một tu viện cổ. Bà Nhu từng ở đây nhiều năm, khiến
có tin đồn đoán bà sống trong một tu viện Công giáo!

Người con thứ nhì là Ngô Đình Quỳnh cũng đã ngoài 50 tuổi, tốt nghiệp Trường cao
đẳng Kinh tế và Thương mại - ESEC. Đây là trường tư thục cao cấp, mức học phí rất lớn. Sinh
viên phải thi tuyển gắt gao, nhưng khi tốt nghiệp lại được nhiều cơ quan tài chính quốc tế trọng
dụng. Khi Quỳnh học, bà Nhu không đủ tiền học phí để đóng, phải ký giấy xin khất nợ. Hiện ông
Quỳnh làm đại diện thương mại cho một công ty Hoa Kỳ ở Bruxelles, thủ đô nước Bỉ. Ông ta
không có vợ con, bà Nhu nói: “Nó giống ông bác ruột (Ngô Đình Diệm)”.

Cô gái út, Ngô Đình Lệ Quyên có bằng tiến sĩ luật, Trường đại học Rome. Lệ Quyên là
luật sư ngành công pháp quốc tế rất nổi tiếng, nhưng chỉ được mời thỉnh giảng tại Đại học Rome.
Lý do: Cô không gia nhập quốc tịch Italia! Luật pháp xứ này không cho phép người không có
quốc tịch làm giáo sư chính thức. Lệ Quyên được mời tham dự nhiều hội nghị quốc tế và đã công
bố nhiều tham luận xuất sắc. Cô lấy chồng người Italia, nhưng đứa con trai lại lấy họ mẹ: Ngô
Đình Sơn, khiến cho bà Nhu rất hãnh diện.

Mỗi sáng sớm, bất kể thời tiết nóng lạnh, bà Nhu đều đi bộ chừng 10 phút đến nhà thờ
Saint-Paul dự lễ. Sau thánh lễ, bà ở lại giúp dọn dẹp nhà thờ và xếp đặt trưng bày hoa, nến. Ngày
Chủ nhật, bà còn dạy giáo lý cho trẻ con.

Bà Nhu rất ít đi mua sắm. Nói đến áo quần, bà có vẻ đăm chiêu: “Ở Sài Gòn nóng quá,
nên tôi mặc áo dài hở cổ, khiến Tổng thống không bằng lòng”. Chiếc áo dài hở cổ được đặt tên
“kiểu áo bà Nhu” một thời là mốt thời thượng ở Sài Gòn. Bà nói: “Nhiều khi tôi phải đại diện
chính phủ tiếp phu nhân các nước mà chẳng có đồ trang sức nào cả. Có một bà bộ trưởng muốn
bán số đá rubi trang sức, tôi xin Tổng thống Diệm số tiền 6 ngàn đồng, để mua lại. Ông bằng lòng,
nhưng buộc phải viết giấy biên nhận, ghi đầy đủ lai lịch từng món. Đó là lần duy nhất ông Diệm
cho tôi tiền, và bây giờ cũng không còn nhớ chúng thất lạc ở mô!”.

Bà Nhu kể lại: Dịp mùa xuân 1975, hệ thống Đài truyền thanh Mỹ, NBC có xin phỏng
vấn 30 phút. Bà chấp nhận và đòi thù lao 10.000 USD và 2 vé máy bay khứ hồi hạng nhất Paris -
Washington, để dẫn Lệ Quyên đi thăm ông bà ngoại, Trần Văn Chương. Đó là lần duy nhất bà đi
Mỹ và cũng là lần duy nhất bà xuất hiện trên truyền thông quốc tế sau năm 1963. Ngoài ra bà
chưa từng gặp gỡ hoặc tiếp xúc với bất kỳ báo chí Việt ngữ dưới bất kỳ hình thức nào.

Bà quả phụ Ngô Đình Nhu đang viết dở một quyển hồi ký bằng tiếng Pháp do chính bà
dịch sang tiếng Italia, Anh và Việt Nam. Bà cho biết, chỉ sau khi qua đời sách mới được phát hành.

Quang Hưng

______________________

Biệt điện Lệ Xuân thành khu trưng bày tài liệu quý
TP - Trong ba biệt thự của Biệt điện Lệ Xuân (Đà Lạt), tài liệu được trưng bày theo 2
chuyên đề lớn: Lưu trữ Việt Nam từ 1962 đến nay và miền Trung Tây Nguyên trong cuộc đấu
tranh giải phóng dân tộc.
Dưới chế độ
Ngô Đình Diệm, Biệt
điện Lệ Xuân là vùng
cấm đối với người dân.
Thế nhưng từ tháng 12
năm nay, Biệt điện với Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản trong kho chuyên dụng
những công trình kiến trúc độc đáo và Khu trưng bày tài liệu lưu trữ quý hiếm của quốc gia sẽ trở
thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử kỳ thú chào đón du khách trong và ngoài nước.

Ngày 22/11, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV Phạm Thị Huệ cho biết, vừa
hoàn tất việc trùng tu Biệt điện Lệ Xuân ở số 2 Yết Kiêu, Đà Lạt và xây dựng kho lưu trữ chuyên
dụng hiện đại nhất nước trong khuôn viên Biệt điện với tổng kinh phí hơn 53 tỷ đồng.

Biệt điện tọa lạc trên đồi thông thơ mộng gồm 3 biệt thự lộng lẫy (Bạch Ngọc, Hồng
Ngọc, Lam Ngọc), hòn non bộ, hồ bơi nước nóng, vườn hoa cây cảnh...

Đặc biệt, vườn hoa do kỹ sư Nhật Bản thiết kế và xây dựng có hồ sen hình địa đồ Việt
Nam. Khi hồ được bơm đầy nước, bản đồ tuyệt đẹp sẽ hiện ra. Biệt thự Lam Ngọc có hầm trú ẩn
và đường hầm thoát hiểm với nắp hầm làm bằng loại thép đặc biệt, đạn bắn không thủng.

Biệt điện từng là nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng bậc nhất của chế độ cũ bởi sự xa hoa, lộng
lẫy cùng danh tiếng, quyền uy của chủ nhân (vợ chồng “ông cố vấn” Ngô Đình Nhu - Trần Lệ
Xuân).

Sau năm 1963, Biệt điện Lệ Xuân trở thành Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên và mấy chục
năm nay là nơi lưu trữ tài liệu quý hiếm quốc gia.

Trong 3 biệt thự của Biệt điện, tài liệu được trưng bày theo 2 chuyên đề lớn: Lưu trữ
Việt Nam từ 1962 đến nay (nhằm phục dựng lại toàn bộ lịch sử của ngành lưu trữ Việt Nam) và
miền Trung Tây Nguyên trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có những mảng đặc
sắc, ấn tượng như Mộc bản triều Nguyễn, Ngô Đình Nhu - nhà lưu trữ Việt Nam…

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã chọn 6 tác phẩm Mộc bản đặc sắc trong số hơn 30
ngàn tấm Mộc bản triều Nguyễn (đang được bảo quản công phu, nghiêm ngặt tại kho lưu trữ trong
Biệt điện) để chế tác một số phiên bản nhằm đưa ra trưng bày trong tủ kính cho du khách thưởng
lãm.

Đó là những tấm gỗ quý được khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược dùng để in sách mà
tất cả nội dung khắc trên đó đều đã được Hoàng đế “Ngự lãm”, phê duyệt.

Mộc bản triều Nguyễn là dạng tài liệu đặc biệt của Việt Nam và hiếm có trên thế giới,
là tài liệu quý đã được ghi trong bộ nhớ ký ức nhân loại của UNESCO.

Mảng tài liệu trưng bày về Ngô Đình Nhu tạo sự ngạc nhiên thú vị, bởi lâu nay, nhiều
người chỉ biết Ngô Đình Nhu là linh hồn của Tổng thống Ngô Đình Diệm chứ ít ai biết rằng “ông
cố vấn” còn là nhà lưu trữ xuất sắc. "Ông cố vấn" đã để lại dấu ấn không nhỏ trong lịch sử lưu trữ
Việt Nam thời kỳ 1938 - 1946.
Theo Tiến sĩ Đào Thị Diến (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I), Ngô Đình Nhu là người
Việt Nam duy nhất tốt nghiệp trường Cổ tự học Quốc gia danh tiếng của Pháp.

Trong thời gian làm việc tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, Ngô Đình Nhu được
Giám đốc Paul Boudet đánh giá là Lưu trữ viên - Cổ tự trẻ đầy triển vọng, có văn hóa rộng và khả
năng nghề nghiệp hoàn hảo.

Chỉ 6 ngày sau khi Việt Nam làm lễ tuyên bố độc lập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên
Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký sắc lệnh cử nhân vật này làm Giám đốc Nha
Lưu trữ Công văn và Thư viện toàn quốc.

Kim Anh

______________________

Trần Lệ Xuân và Đệ nhất biệt điện ở Đà Lạt


Thứ Ba, ngày 29/03/2011, 10:53

(Tin tuc) - Ngôi biệt thự sau hơn 50 năm vẫn giữ nguyên nét sa hoa và tráng lệ xứng
tầm với danh hiệu "Đệ nhất biệt điện" ở xứ sở ngàn hoa.

Đã có hàng trăm bài viết, cuốn sách và công trình nghiên cứu về chế độ 'gia đình trị'
ở miền Nam Việt Nam dưới thời Ngô Đình Diệm. Hầu hết những tài liệu đã công bố, đăng tải về
lịch sử giai đoạn này đều có đề cập đến cặp vợ chồng "đệ nhất" Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân.
Tuy nhiên, những thông tin về sự khởi nghiệp của Ngô Đình Nhu và "đệ nhất biệt điện" - nơi
hưởng lạc xa hoa lộng lẫy của gia đình họ Ngô ở Đà Lạt thì không hẳn đã nhiều người biết đến.

Một trong ba biệt điện của Trần Lệ Thủy tại Đà Lạt (ảnh: xehoivietnam.com)

Đệ nhất biệt điện

Thời kỳ gia đình họ Ngô còn thống trị miền Nam, giới tướng lĩnh ngụy quyền và nhiều
người dân thượng lưu Sài Gòn biết đến khu biệt điện xa hoa lộng lẫy bậc nhất của gia đình Ngô
Đình Nhu - Trần Lệ Xuân ở số 2 Yết Kiêu (phường 5 - Đà Lạt, Lâm Đồng hiện nay). Sau nửa thế
kỷ, sự lộng lẫy và vẻ mỹ lệ của khu biệt điện này không hề mất đi.
Hồ bơi trong khu biệt thự Bạch Ngọc. Thời của Trần Lệ Xuân, toàn bộ hệ thống này
đều được làm nóng. (Ảnh: xehoivietnam.com)

Khu biệt điện từng được xem là "đệ nhất trời Nam" được khởi công từ năm 1958 có ba
toà biệt lập với các tên gọi Bạch Ngọc, Lam Ngọc và Hồng Ngọc.

Bạch Ngọc là nơi giải trí của gia đình Trần Lệ Xuân và các tướng tá; Lam Ngọc dùng
làm nơi nghỉ cuối tuần của riêng gia đình Lệ Xuân, còn Hồng Ngọc là biệt thự mà "bà Nhu" xây
tặng cho Trần Văn Chương, bố đẻ của mình.

Còn đây là biệt thự Lan Ngọc - một trong những biệt điện mà Trần Lệ Xuân sở hữu.
(Ảnh: xehoivietnam.com)

Lúc khởi công xây dựng cụm biệt điện này, gia đình họ Ngô đang thời kỳ "làm mưa
làm gió" ở miền Nam nên Trần Lệ Xuân đã huy động tối đa nhân, vật lực và tinh hoa kiến trúc
nhân loại để thể hiện đến đỉnh cao uy quyền và sự giàu sang phú quý của chủ nhân. Nội thất của
tất cả các biệt thự trong tổng khuôn viên 13.000m2 có đầy đủ phòng làm việc, hội họp, phòng
khiêu vũ.
Vườn hoa phía dưới biệt thự Lam Ngọc, được thiết kế bởi những kỹ sư Nhật bản. Ảnh:
xehoivietnam.com

Ngoài sân có hồ bơi nước nóng, vọng đài và một vườn hoa do những kỹ sư được thuê
từ Nhật Bản sang thiết kế (nên còn gọi là vườn hoa Nhật Bản). Điểm thú vị, độc đáo của vườn hoa
Nhật Bản phía sau biệt thự Lam Ngọc là có một hồ sen khi bơm đầy nước trên hồ này sẽ hiện rõ
hình địa đồ Việt Nam.

Khu hầm trú ẩn trong biệt điện. Ảnh: xehoivietnam.com

Giấc mộng bá quyền cuồng loạn và mưu đồ chia cắt Tổ quốc Việt Nam đã theo người
đàn bà quyền lực bậc nhất miền Nam một thời đến tận chốn hưởng lạc cuối tuần này! Đặc biệt,
trong biệt thự Lam Ngọc có hầm trú ẩn được thiết kế bằng thép có thể chống đỡ được sức công
phá của đạn B40 và đường hầm thoát hiểm mà cho đến tận ngày nay người ta vẫn chỉ có thể
phỏng đoán các đường hầm trong nhà đều dẫn ra sân bay Cam Ly(?).
Vườn hoa thể hiện ý muốn bá chủ thiên hạ của Trần Lệ Xuân. Ảnh: xehoivietnam.com

Cũng chẳng ai còn nhớ Trần Lệ Xuân đã phải bỏ ra bao nhiêu triệu Mỹ kim để xây
dựng nên cụm biệt điện đặc biệt này, nhưng vẻ đẹp lộng lẫy, tinh tế đến từng cái rãnh thoát nước
của khuôn viên thì vẫn trường tồn với thời gian sau gần nửa thế kỷ "triều Ngô" kết thúc. Có lẽ
cũng chính vì sự nuối tiếc một thời vàng son ở chốn bồng lai tiên cảnh, nên những ngày cuối đời
định cư tại Pháp trong sự cô quạnh của tuổi già, “bà Nhu” vẫn mang theo bên mình tấm ảnh chụp
khu biệt điện này chăng?

Thiên hạ đệ nhất Nghinh Phong

Ngoài ngôi biệt điện ở Đà lạt, Trần Lệ Xuân từng sở hữu 2 ngôi biệt thự ở Nha Trang
với tên gọi: biệt thự Nghinh Phong, Vọng Nguyệt.

Đệ nhất Nghinh Phong - một trong những ngôi biệt thự tại Nha Trang mà Trần Lệ
Xuân từng sở hữu. Ảnh: nhatrangtravel.com

Năm 1923, người Pháp đã xây một cụm biệt thự trên núi Chutt để làm nơi ăn ở cho các
nhà hải dương học, xung phong tiền trạm chuẩn bị cho việc thiết lập một viện nghiên cứu biển
vùng Đông nam Á. Theo thứ tự từ mỏm núi Chutt vào, 5 biệt thự ấy có tên là: Xương Rồng, Bông
Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ, Bàng. Biệt thự nào trồng cây nấy quanh vườn để dễ nhớ, dễ tìm. Sau
khi khánh thành 5 biệt thự này, người Pháp tiến hành xây Viện Hải dương học (năm 1925), nay là
Viện Nghiên cứu biển Nha Trang.

Một góc Nghinh Phong và Vọng Nguyệt. Ảnh: nhatrangtravel.com

Chủ nhân đầu tiên của biệt thự Xương Rồng là tiến sĩ Krempt - người Ðức. Ông là vị
giám đốc đầu tiên của Viện Hải dương học Nha Trang. Từ năm 1940 đến năm 1945, hoàng đế Bảo
Ðại và hoàng hậu Nam Phương thường đến nghỉ tại biệt thự Xương Rồng, lấy việc câu cá làm thú
tiêu khiển, thế là cụm biệt thự này có tên Lầu Bảo Ðại từ ấy.

Năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai
miền Nam - Bắc. Gia đình tổng thống Ngô Ðình Diệm là chủ nhân mới của 2 biệt thự Xương
Rồng và Bông Sứ. Bà Trần Lệ Xuân - phu nhân cố vấn Ngô Ðình Nhu đã đặt cho biệt thự Xương
Rồng tên mới là Nghinh Phong và Bông Sứ là Vọng Nguyệt.

_________________________

Cận cảnh "chốn hưởng lạc" của "bà cố vấn" Trần Lệ Xuân
27/04/2011 09:40:04

Biệt điện Trần Lệ Xuân được xây dựng từ năm 1958 theo một kiến trúc độc đáo với
những trang thiết bị xa hoa, lộng lẫy, hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ.

Đến nay, khu biệt điện còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn chưa thể giải mã. Đây cũng là
chốn ăn chơi hưởng lạc số một của Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân khi còn sống dưới chế độ Việt
Nam cộng hòa.

Không phải ngẫu nhiên mà biệt điện Trần Lệ Xuân được lựa chọn xây dựng tại địa
điểm số 2 Yết Kiêu, phường 5, TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Theo nhiều nhà nghiên cứu, lý do chính để gia đình họ Ngô lựa chọn đây làm chốn
hưởng lạc là toàn bộ khu vực biệt điện hội tụ đầy đủ các yếu tố về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Biệt điện nằm trọn trên một quả đồi cao cách xa trung tâm thành phố Đà Lạt; có ba mặt tiền; gần
sân bay quân sự Cam Ly; xung quanh khu vực là nơi sinh sống của nhiều tướng lĩnh dưới quyền…
Khu biệt điện có 3 biệt thự tách biệt là Hồng Ngọc, Bạch Ngọc và Lam Ngọc. Trong đó
biệt thự Lam Ngọc được chia làm hai khu (Lam Ngọc 1 và Lam Ngọc 2) là nơi Trần Lệ Xuân
dùng để sinh sống và làm việc.

Biệt thự Hồng Ngọc được Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân xây dựng tặng riêng cho cha
ruột là Trần Văn Chương. Tuy nhiên, do mâu thuẫn cha con mà Trần Văn Chương chưa một lần
bước vào biệt thự Hồng Ngọc, cũng chưa từng công nhận đây là biệt thự của mình.

Trong mỗi biệt thự chia ra thành những phòng nhỏ, có phòng làm việc, phòng ngủ và
nơi dành riêng cho khiêu vũ được thiết kế thông với nhau bằng các ô cửa. Tất cả các trang thiết bị
trong phòng đều được nhập từ các nước phương Tây nên rất hiện đại.

Vào những ngày cuối tuần, Trần Lệ Xuân thường cùng người nhà và các tướng lĩnh đến
nghỉ ngơi, ăn uống tại biệt thự Bạch Ngọc.

Để phòng tránh tình huống bất trắc có thể xảy ra, Trần Lệ Xuân cho xây dựng một hầm
trú ẩn nội bộ thông với phòng ngủ và phòng làm việc. Ngoài ra, tại biệt thự Lam Ngọc còn có hầm
thoát hiểm thông ra vườn Nhật Bản (nhiều người cho rằng hầm này thông ra sân bay Cam Ly).

Đáng chú ý, tại vườn Nhật Bản, ngoài hoa cây cảnh được trang trí hài hòa với thiên
nhiên và kiến trúc biệt điện còn có một ang nước hình bản đồ Việt Nam.

Ang nước bị chia làm đôi bởi một chiếc cầu nhỏ bắc qua một dòng nước tượng trưng
cho tham vọng của gia đình họ Ngô là muốn chia đôi đất nước lúc bấy giờ.

Trước biệt thự Bạch Ngọc, Trần Lệ Xuân cho xây dựng một bể bơi lớn, chỗ nước sâu
nhất lên tới 2,2m nhưng không phát hiện hệ thống làm nóng nước.

Nhiều người cho biết, với thời tiết lạnh như Đà Lạt cách đây gần 60 năm thì không thể
tắm nước tự nhiên. Nhưng cũng không thể cho người đun nóng gần 300m3 nước đổ xuống bể cho
mỗi lần tắm. Đây đang là một điều hết sức bí ẩn mà đến nay vẫn chưa một ai đưa ra cách lý giải
thuyết phục.

Năm 1963, cuộc đảo chính xảy ra, Trần Lệ Xuân cùng các con bay sang Mỹ sinh sống,
bỏ xa chốn xa hoa, được ví là “đệ nhất trời Nam” này.
Biệt thự Lam Ngọc 1 nơi Trần Lệ Xuân dùng làm nơi sinh sống và làm việc

Biệt thự Hồng Ngọc được Trần Lệ Xuân xây tặng cho cha là Trần Văn Chương
Tại vườn Nhật Bản có một cái ang nước hình bản đồ Việt Nam (ở giữa là Chùa Một
Cột - tượng trưng cho Hà Nội)

Một góc vườn Nhật Bản


Du khách tới tham quan về tiểu sử Trần Lệ Xuân tại biệt thự Lam Ngọc
Hai cửa hầm nội bộ và hầm thoát hiểm trong biệt điện
Tủ lạnh trong phòng của Trần Lệ Xuân
Tủ sắt trong phòng Trần Lệ Xuân tại biệt thự Lam Ngọc

Bồn tắm của Trần Lệ Xuân


Ngô Đình Trác và Ngô Đình Quỳnh (con Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân) cùng Ngô
Đình Diệm đi thăm hồ cá bên cạnh ang nước hình bản đồ Việt Nam trong vườn hoa Nhật Bản năm
1963. Đây cũng là lần cuối cùng Ngô Đình Diệm xuất hiện tại biệt điện.
Đường dẫn ra bể tắm tại biệt thự Bạch Ngọc
Bể tắm của Trần Lệ Xuân còn nhiều điều bí ẩn

______________________

Bà Nhu như tôi từng biết (phần 1)


Người được coi là như là cựu 'Đệ nhất Phu nhân' của nền Đệ nhất Cộng hòa ở miền
Việt Nam, bà Trần Lệ Xuân, vừa qua đời ở tuổi 87.

Bà là vợ của ông Ngô Đình Nhu, em trai Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Tin bà Trần Lệ Xuân qua đời được loan báo tới các phương tiện thông tin đại chúng từ
luật sư Trương Phú Thứ, một trong số ít người có tiếp xúc, trò chuyện với bà trong những năm gần
đây.

Từ Seattle, Hoa Kỳ, ông Trương Phú Thứ cho BBC biết:

LS Trương Phú Thứ: Tôi được biết bà Nhu nằm viện đâu chừng ba tuần lễ trước khi
qua đời. Khi bà thấy mệt quá thì bác sỹ họ đưa vào trong nhà thương nằm trong tình trạng rất yếu,
gần như không nói được nữa.

Tới Chủ nhật vừa rồi thì tôi nhận được điện thoại của gia đình bà từ bên Rome, nói bà
đã qua đời vào lúc 2 giờ sáng giờ địa phương. Tất cả ba con của bà đều có mặt lúc ấy.

Trước khi mất khoảng ba năm, bà Nhu ở nhà với con trai cả là Ngô Đình Trác, tại
Rome (Ý). Cô con gái út là Ngô Đình Lệ Quyên cũng ở nhà đó, trong tầng hầm. Cả gia đình ở với
nhau rất vui vẻ hòa thuận. Vậy cho nên bà qua đời là cả gia đình có mặt.

Con trai thứ của bà Nhu là Ngô Đình Quỳnh thì sống và làm việc bên Bỉ.

BBC: Vậy thông tin nói bà Trần Lệ Xuân sống một mình trong biệt thự xa hoa lộng lẫy
mà bạn của bà tặng thì là tin thất thiệt?
LS Trương Phú Thứ: Tin đó cũng như tin mà một vị tự xưng là sử gia tung ra, rằng bà
Nhu có tới 17 tỷ Mỹ kim từ những năm 1960-1961. Tôi chỉ hỏi liệu hồi đó mang cả Sài Gòn ra
bán có thu được 17 tỷ Mỹ kim hay không!

Thứ hai nữa, sau vụ đảo chánh 1963 bà Nhu phải ở trong một căn phòng studio chật
chội, không có phòng ngủ, với bốn đứa con, chứ làm gì có lâu đài xa hoa như họ nói.

Cũng như là thông tin bà bị mất trộm một số tiền lớn ở Rome, hay năm 1963 bà đi mua
đồ trang sức trị giá 30.000 đôla ở New York mà quịt không trả... Toàn chuyện họ bày đặt ra, đâu
có được.

BBC: Thưa, lần cuối cùng ông có tiếp xúc với bà Trần Lệ Xuân là khi nào?

Bà cố vấn Ngô Đình Nhu

Sinh năm 1924 tại Hà Nội

Tốt nghiệp tú tài trường Albert Sarraut

Kết hôn với ông Ngô Đình Nhu năm 1943

Sống lưu vong từ năm 1963 sau khi có đảo chính ở miền Nam Việt Nam

LS Trương Phú Thứ: Lần cuối tôi nói chuyện với bà là chừng cách đây hơn hai tháng.
Lần ấy bà còn khỏe lắm, tiếng nói khỏe và rất to, trong cuộc nói chuyện bà còn cười rất vui vẻ.
Vậy mà tôi cũng không ngờ bà suy sụp mau lẹ như vậy.

BBC: Và các cuộc nói chuyện của ông với bà Trần Lệ Xuân là để bàn thảo về cuốn
sách của bà ấy phải không ạ?

LS Trương Phú Thứ: Vâng, đúng là như vậy. Bà Nhu viết bằng tiếng Pháp vì tiếng Việt
bà viết không được giỏi nhưng tiếng Pháp của bà thì anh bạn tôi là Nguyễn Kim Quý, tiến sỹ văn
chương Pháp, phải công nhận là lối hành văn của người rất giỏi Pháp văn.

Bà học trường Tây, có tú tài phần hai và cũng sống ở Pháp nhiều năm. Hồi tôi đi thăm
bà lần đầu bên Paris năm 2002, bà sống một mình trong một căn hộ bên đó.

Lại nói về điều kiện sinh sống thì căn hộ đó của bà trông cũng rất bình thường, không
thể so được với nhiều căn hộ bên Mỹ, mà lại tận trên tầng lầu thứ 11. Người già mà có tiền ai
người ta chịu sống như vậy chứ?

Cuốn sách của bà Nhu thoạt ra dự tính sẽ phát hành vào tháng 9 năm nay, thế nhưng
với cái chết đột ngột của bà thì chúng tôi phải tạm hoãn phát hành để truy cứu cho thật cẩn thận,
không thể vội vàng được.

Vậy cho nên cuốn sách chắc sẽ ra trễ hơn độ dăm ba tháng.

BBC: Lần đầu tiên ông yết kiến bà Trần Lệ Xuân thì ấn tượng của ông như thế nào ạ.
Ông có ngỡ ngàng vì người thực khác xa với tưởng tượng không?
LS Trương Phú Thứ: Cái hình ảnh mà hồi xưa chúng ta hay xem trên báo chí là hình
ảnh một phụ nữ 28-29 tuổi, trẻ và đẹp. Nhưng hình ảnh của bà Nhu khi tôi gặp bà lần đầu là hình
ảnh một bà cụ, tất nhiên là có khác nhau.

Tôi thì không ngỡ ngàng, vì biết ai cũng phải như thế, con người ta ai mà chẳng phải
già đi. Tất nhiên vẻ đẹp bên ngoài thì không thể giống như hồi xưa.

Bàn tay người Mỹ

Bà Trần Lệ Xuân khi còn ở Sài Gòn

BBC: Thế nhưng còn sự quyền uy của người phụ nữ từng được cho là một thời khuynh
đảo chính trường, ông có cảm thấy điều này không ạ?

LS Trương Phú Thứ: Thực ra, bà Ngô Đình Nhu có quyền lực gì? Giống như một cô ca
sỹ, hát một bài có người khen kẻ chê, thì bà Nhu cũng vậy.

Bà là vợ của một ông cố vấn, thậm chí còn không có sự bổ nhiệm chính thức của chính
phủ. Vì ông cố vấn là em của ông tổng thống nên ông giúp ông tổng thống mà thôi chứ đâu có
giấy tờ gì.

Nói vì bà Nhu khuynh đảo mà chế độ sụp đổ là điều sai lầm.

Quyết định lật đổ chính quyền Đệ nhất Cộng hòa và thủ tiêu anh em ông Tổng thống
Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu, không phải là quyết định của người Việt Nam, mà là của người
Hoa Kỳ. Đó là quyết định của một nhóm siêu quyền lực đứng sau tòa Bạch ốc của Hoa Kỳ, vì lợi
ích của nước Mỹ mà họ làm vậy.

Ông Ngô Đình Diệm hay ai khác lúc đó làm tổng thống thì chắc đều chung số phận ấy
cả.

Mà chúng ta thấy, ông Tổng thống J.F. Kennedy, chỉ có trì hoãn hoặc từ chối thi hành
đòi hỏi của nhóm quyền lực đó mà cũng bị ám sát chết dưới con mắt chứng kiến của hàng nghìn
người. Tổng thống Mỹ còn như vậy, huống hồ là tổng thống của nước Việt Nam?

BBC: Vâng nhưng thưa ông, chúng ta cũng không thể quên rằng bà Nhu được coi như
Đệ nhất Phu nhân một thời vì ông Ngô Đình Diệm không lập gia đình, bà còn là dân biểu, Chủ
tịch Hội phụ nữ. Và nhiều người cũng chưa quên những câu phát ngôn gây tranh cãi của bà, như
trong chiến dịch đối với Phật giáo, vụ Hòa thượng Thích Quảng Đức...

LS Trương Phú Thứ: Tôi thì thấy rằng đa số vụ, người ta muốn nhắm vào ông tổng
thống, nhưng không biết làm cách nào. Ông Tổng thống Ngô Đình Diệm không phải thánh nhân,
tất nhiên ông cũng có sai lầm.

Nhưng họ không bới móc tấn công được gì ông ấy, nên họ quay ra tấn công bà Ngô
Đình Nhu.

Tuy nhiên, trong các cuộc nói chuyện của tôi với bà Nhu, chúng tôi không bao giờ nói
chuyện chính trị cả, ngay cả những chuyện xảy ra với bản thân bà lúc đó.
Chúng tôi nói những chuyện khác, những điều rồi sẽ nằm trong cuốn sách sẽ phát hành
trong tương lai.

'Bà Nhu như tôi từng biết' (phần 2)

Bà Trần Lệ Xuân và con gái đi xem hát

BBC tiếp tục câu chuyện với luật sư Trương Phú Thứ, một trong số ít người có tiếp
xúc, trò chuyện với bà Ngô Đình Nhu trong những năm gần đây.

Bà Nhu, nhũ danh Maria Trần Lệ Xuân, vừa qua đời hôm Chủ nhật 24/04 tại Rome, Ý,
ở tuổi 87.

Ông Thứ, hiện sống tại Seattle, Hoa Kỳ, nói ông đang có trong tay tập bản thảo các bài
viết của bà Trần Lệ Xuân, tập trung thành một cuốn sách sẽ được xuất bản vào cuối năm nay.

BBC: Cuốn sách của bà Trần Lệ Xuân, theo như ông nói là không bàn chuyện chính trị,
chắc sẽ đề cập tới các chủ đề như cuộc sống, con người, về quan hệ xã hội vv..., có phải không ạ?

LS Trương Phú Thứ: Cuốn sách của bà Nhu nói về những chuyện cao hơn, xa hơn như
thế nữa. Thí dụ các vấn đề tâm linh, sự hiện diện của con người, của Thượng đế...

Bà cũng nói về một vài vấn đề mà mọi người muốn biết, như chuyện gia đình, đời tư
của bà từ khi còn nhỏ đi học ở Hà Nội, hay lớn lên đi lấy chồng ra sao. Tôi chắc là độc giả thì
nhiều người tò mò, muốn biết những chuyện này.

Nhưng tựu chung, cuốn sách của bà Nhu sẽ nói về những chuyện cao hơn và xa hơn; và
phải đợi đến khi nào sách ra thì độc giả mới có cơ hội đọc và chiêm nghiệm.

Nói về quá trình viết sách thì mấy năm qua, lúc hứng thú thì bà viết được nhiều, lúc
không hứng thì có khi cả nửa tháng bà không viết chữ nào. Bản thảo đều chuyển cho tôi, và hiện
tôi đang có trong tay đây.

Cuốn sách hiện còn trong tình trạng dở dang, chừng độ 500 trang, nhưng phần cuối thì
còn chưa hoàn tất.

'Chỉ biết có mình ông Nhu'

Cả đời, bà chỉ biết có một mình ông Ngô Đình Nhu mà thôi. Trong suốt nửa thế kỷ qua,
những người muốn công kích hay phỉ báng bà đã không tìm ra được bất cứ một điều gì về vấn đề
tình cảm để mang ra công kích bà.

LS Trương Phú Thứ

BBC: Dĩ nhiên sẽ có nhiều người tò mò muốn biết liệu khi còn khỏe, cuộc sống riêng
tư của bà Trần Lệ Xuân như thế nào.

LS Trương Phú Thứ: Khi ông cố vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát, thì bà mới có chưa
đầy 40 tuổi, cái tuổi có thể gọi là đẹp và mặn nồng nhất của người phụ nữ. Mà bà Nhu, như chúng
ta thấy, cũng có sắc đẹp, sinh động, giỏi ngoại ngữ, nói tiếng Anh tiếng Pháp lưu loát, đại để là
một người phụ nữ trên mức bình thường.
Cũng có nhiều người, kể cả chính trị gia, vì lúc đó bà Nhu hoạt động chính trường nên
quen biết nhiều người lắm, cũng có lòng yêu mến kính trọng bà.

Tôi được biết có một ông kỹ nghệ gia, làm quản trị cho công ty chế tạo xe hơi Rolls
Royce ở London, cũng đề nghị lập gia đình với bà Nhu, nhưng bà đã khước từ.

Cả đời, bà chỉ biết có một mình ông Ngô Đình Nhu mà thôi.

Trong suốt nửa thế kỷ qua, những người muốn công kích hay phỉ báng bà đã không tìm
ra được bất cứ một điều gì về vấn đề tình cảm để mang ra công kích bà.

Bà Nhu sống thầm lặng, một mình, một cách rất đạo đức, kín đáo và đơn sơ.

BBC: Nói chuyện tới giờ, thì có thể thấy luật sư rất có cảm tình với bà Trần Lệ Xuân?

LS Trương Phú Thứ: Đúng thế, tôi rất có cảm tình với bà. Nói đúng ra, tôi kính phục
bà.

Bà Nhu là một phụ nữ thông minh, rất thông minh. Bà giỏi, dám nói dám làm.

Nhưng có một điều mọi người nên biết, trong những ngày tháng sau này của bà thì tôi
thấy bà Nhu có một đức tính mà ít người có: đó là sự tha thứ.

Bà tha thứ tất cả, cả những người cầm súng bắn vào đầu chồng bà, cả những người đi
bày đặt nói xấu bà trên báo chí, trong dư luận... Bà ấy từng nói là nếu có những việc như vậy, thì
bà ấy tha thứ hết, không có oán hận chuyện gì.

Đó là sự vị tha, hiếm có trong cuộc đời con người ta, vốn có yêu có ghét, có hận thù.
Dường như bà Nhu đã đi xa được hơn những tình cảm bình thường đó.

BBC: Tài giỏi vậy, nhưng bà Trần Lệ Xuân cũng là một người khá cô độc phải không
ạ?

LS Trương Phú Thứ: Không phải "khá cô độc" mà là "quá cô độc" thì có. Từ khi chồng
chết, phải lưu vong ở ngoại quốc thì bà ấy không còn liên lạc với ai nữa.

Bà chỉ sống ở nhà với mấy đứa con. Theo đạo nên bà đi lễ hàng ngày, nhưng cũng chỉ
đến chào hỏi cha cố, rồi các tín đồ ở đó. Bạn bè không có nhiều.

Tôi nhớ bà có một vài người bạn Nhật Bản vì khi nói chuyện với tôi, bà mặc bộ đồ
kimono Nhật. Bà ấy nói với tôi rằng đó là do người bạn Nhật gửi tặng, mỗi năm vài cái để bà mặc
trong nhà. Thì tôi nghĩ chắc bà ấy còn liên lạc với một số ít bạn thân thiết, ngoài ra chẳng có ai
đâu.

Con cái của bà thì họ lớn lên ở ngoại quốc (ông bà Ngô Đình Nhu có bốn con, hai trai
là Ngô Đình Trác và Ngô Đình Quỳnh, hai gái là Ngô Đình Lệ Thủy - tử nạn giao thông năm
1968; và Ngô Đình Lệ Quyên). Họ có những suy tư và lối hấp thụ văn hóa khác, tuy họ đều yêu
thương và kính trọng mẹ.
Vậy nên tôi cũng không nghĩ họ có thể chia sẻ với bà về những suy tư hay thăng trầm
của cuộc đời bà. Nhất là những chuyện quá khứ, thì khi đi khỏi Việt Nam họ còn rất nhỏ nên tôi
cũng không nghĩ họ biết để mà nhắc tới.

Bà Nhu cũng là người rất độc lập, ngay cả về vật chất bà không nhờ vả gì con cái.

Những năm 63-65, gia đình bà ấy khá túng thiếu, cho tới tận sau này, có một ân nhân
ẩn danh cho bà một số tiền rất lớn và bà mua được hai căn apartment ở bên Paris, quận16 gần
trung tâm.

Bà Nhu ở một cái, một cái cho mướn để lấy tiền sinh sống.

BBC: Cơ duyên nào mà ông lại có điều kiện tiếp xúc và cộng tác với bà Trần Lệ Xuân
trong khuôn khổ cuốn sách của bà ạ?

LS Trương Phú Thứ: Gia đình tôi biết gia đình của bà Nhu từ khi tôi còn bé, ở Việt
Nam. Hồi ông bà ở Dinh Độc Lập thì tôi mới mười mấy tuổi đầu, nhưng bà vẫn còn nhớ.

Tôi rời Việt Nam năm 1975. Sau này ra ngoại quốc tôi liên lạc lại, bà ấy mời tôi qua
chơi. Tôi cũng may mắn được bà Nhu quý mến và cho phép dịch cuốn sách của bà.

You might also like