You are on page 1of 4

“Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, những phát hiện luôn luôn cần thiết

trong cuộc đời.

Trở mình theo biến động của lịch sử, sáng tác của
Nguyễn Minh Châu sau năm 1975 không mang cảm
hứng anh hùng cách mạng nữa mà mang cảm hứng
thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân
sinh. Theo mạch cảm hứng ấy, nhà văn đã viết
“Chiếc thuyền ngoài xa” (1983) với những phát
hiện sâu sắc.

Phát hiện đầu tiên là phát hiện về nghệ thuật. Người


nghệ sĩ với ham muốn về một vẻ đẹp “toàn bích” đã
kiên nhẫn chờ đợi cả tuần lễ và có thể sẽ là lâu hơn
nếu cần. Cuối cùng thì phút giây mong đợi cũng đến: “Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe
vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào… một vẻ
đẹp thật đơn giản và toàn bích”.

Nét đẹp tuyệt vời của thiên nhiên đã làm thăng hoa cảm xúc trong tâm hồn người nghệ sĩ, rồi cả
hai kết hợp lại để cho ra đời một bức ảnh giá trị mà “Không những trong những bộ lịch năm ấy
mà mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp của tôi vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia
đình sành nghệ thuật”. Đó là sự khẳng định và tôn vinh cái đẹp, là sự động viên đối với người
nghệ sĩ.

Tâm huyết và xúc cảm đã nâng bước người nghệ sĩ chân chính trong hành trình tìm kiếm cái
đẹp, đến lượt mình, cái đẹp lại giúp người nghệ sĩ nói riêng và công chúng nói chung “khám
phá thấy cái chân lí của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm
hồn”, mang lại “cái khoảnh khắc hạnh phúc ngập tràn tâm hồn mình”. Đó là ý nghĩa tồn tại của
cái đẹp, của nghệ thuật. Nhưng sự tồn tại ấy sẽ càng có ý nghĩa hơn nếu phản ánh được cả
những góc khuất của cuộc đời. Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa đẹp như “một bức tranh mực
tàu của một danh họa thời cổ” trước tiên khơi mở sự thánh thiện trong tâm hồn, rồi trong hành
trình khám phá, nó hé lộ bao điều khiến ta phải suy tư, trăn trở.

Một đôi vợ chồng làng chài với những đường nét thô kệch, đối lập hẳn với thiên nhiên thơ
mộng. Trong sự tương phản ấy đã ngầm chứa bao nhiêu sự bất ổn. Đúng là bất ổn thật, vì ngay
sau đó đã diễn ra một cảnh tượng lạ lùng mà ai chứng kiến cũng không tài nào hiểu được: một
người đàn ông đánh vợ một cách tàn nhẫn, đánh bài bản thành thông lệ “ba ngày một trận nhẹ,
năm ngày một trận nặng”, “lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ
mỗi phát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông
1
nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ””; còn người đàn bà “với một vẻ cam chịu đầy nhẫn
nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy”. Thật bất
thường! Bất thường trong cả cách bạo hành của người đàn ông và cách người đàn bà cam chịu.
Cả nhiếp ảnh Phùng và chúng ta đều ngơ ngác trước một câu hỏi: Tại sao? Để rồi, khi tất cả đã
được làm sáng tỏ tại tòa án huyện, chúng ta mới vỡ lẽ ra được bao điều.

Người đàn ông trước đây vốn hiền lành, không bao giờ đánh đập vợ, nhưng vì cuộc sống mưu
sinh quá vất vả đã dồn ép lão đến chỗ bức bách cần phải có một phương thức giải tỏa. Và thay
vì uống rượu như những người đàn ông khác, lão chọn cách đánh vợ. Sự lí giải này không khỏi
khiến chúng ta xót xa cho sức mạnh của đói nghèo biến con người ta thành tàn bạo. Ấy vậy mà,
người đàn ông tàn bạo ấy vẫn có cái lí do hợp lí để tồn tại có ích trên cõi đời này: thuyền cần
một người đàn ông để “chèo chống khi phong ba để cùng làm ăn nuôi nấng đặng sắp con nhà
nào cũng trên chục đứa”. Ra thế, vì sự tồn tại của lão đàn ông vũ phu này đem lại miếng ăn cho
những đứa con, mà chúng lại là tất cả với người mẹ hết mực thương con này, mà bà chấp nhận
đòn roi, chấp nhận với tình thương và lòng vị tha cao cả: “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống
cho con chứ không thể sống cho mình”. Bây giờ thì tất cả đã hiểu, đàn con là nguyên nhân
khiến người đàn bà này dũng cảm đón nhận những đày đọa về thể xác lẫn tâm hồn, sự thấu hiểu
đối với nguyên nhân tàn bạo của người chồng lại là nguyên nhân khiến bà không oán trách. Bà
còn tỏ sự hàm ơn, bởi ông ta đã đoái hoài đến bà, cho bà biết thế nào là hạnh phúc gia đình_thứ
hạnh phúc mà bà ngỡ sẽ không bao giờ có được vì gương mặt đã bị tàn phá do di hại của đậu
mùa. Bà chỉ tự trách mình: “Cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại
chật”. Hình như trong tâm can người đàn bà này, tình thương và lòng vị tha đã lấn át tất cả, đến
độ chỉ biết có thấu hiểu và cảm thông cho dù là những hành động tưởng như không thể tha thứ,
không thể chấp nhận được. Lẽ nào bà không thấy là mình cũng khổ chẳng kém người đàn ông
,và hành động của lão so với bà thật quá ích kỉ! Và trong khi người chồng bị cuộc sống đói
nghèo làm cho tàn bạo thì người vợ, người mẹ ấy phải mạnh mẽ đến thế nào mới có thể vượt
qua và trở nên cao cả đến nhường ấy!

Ôi, sao người đàn bà xấu xí ấy lại có trái tim nhân hậu đến thế!Lúc nào cũng chỉ nghĩ đến
chồng con dù bản thân có bị thiệt thòi. Luôn luôn, cái lí lẽ bà đưa ra bác bỏ mọi thiện chí của
Phùng và Đẩu. Hai kẻ đại diện cho công lí nhưng đành đuối lí trước cái lí lẽ nghiệt ngã nhưng
chân thành của người đàn bà. “Một cái gì vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện
vùng biển” và cả trong chúng ta. Chiếc thuyền ngoài xa đúng là đẹp thật nhưng lại gần mới
thấy nó ẩn dấu bao cay đắng, bi kịch. Vậy mà, dưới đó vẫn ánh lên đôi sắc màu bình yên: “ở
trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận vui vẻ”, “Vui nhất là lúc
ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…”. Niềm hạnh phúc của người đàn bà ấy thật đơn
sơ quá! Nhưng lại có thể khiến bà bất chấp cả đói nghèo và bạo lực, quyết gắn bó trọn đời với
người đàn ông vũ phu: “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ
nó”. Những lời quyết tâm ấy chỉ có thể thốt ra từ một sức sống rất mãnh liệt, và ở người đàn bà
2
này, sức sống mãnh liệt ấy đã được nuôi dưỡng từ khát khao hạnh phúc và ý thức nâng niu, giữ
gìn hạnh phúc, dù là hạnh phúc đó có không trọn vẹn.

Thế rồi, may mắn mà cũng là bất hạnh thay cho bà khi tấm lòng của bà không được người
chồng thấu hiểu thì đã có đứa con thấu hiểu. Vì thấu hiểu mà nó càng thương mẹ hơn và ra sức
bảo vệ người mẹ. Nhưng để bảo vệ mẹ, nó buộc lòng phải bất hiếu với bố. Chồng đánh vợ, con
đánh cha, cha con đánh nhau, bi kịch nối tiếp xảy ra trong cái gia đình ấy. Người mẹ vì không
muốn tâm hồn trẻ thơ của con mình bị tổn thương đã xin chồng lên bờ mà đánh, nhưng cho dù
đã cố gắng, đứa con vẫn bị tổn thương. Thằng Phác đã đánh lại bố nó, thậm chí còn định dùng
dao giết ông. Nó có biết đâu trong khi nó cố gắng bảo vệ người mẹ thì nó lại càng làm cho bà
bị tổn thương nhiều hơn, bởi vì tình thương của bà quá bao la, bà không muốn nó vì bà mà có
lỗi với cha, càng thương nó bà càng có mặc cảm tội lỗi vì không làm tròn trách nhiệm của một
người mẹ, vì không thể mang lại hạnh phúc cho nó, bảo vệ nó khỏi bị tổn thương. Sao mà
người đàn bà ấy đáng thương quá! Thằng Phác, đứa con trai “từ tính khí đến mặt mũi giống
như lột ra từ cái lão đàn ông đã từng hành hạ mụ”, đứa con trai mà bà yêu nhất, cùng với lão
đàn ông, là lẽ sống của đời bà nhưng cũng lại là nguyên nhân gây đau khổ cho cuộc đời bà.
Nhưng hai nguyên nhân gây đau khổ ấy lại xuất phát từ một nguyên nhân khác, sâu xa hơn, là
gốc rễ của mọi tội ác, bi kịch xảy ra không chỉ trong gia đình bà: đói nghèo, lạc hậu. Chiến
tranh đã lùi xa, nhưng di chứng của nó vẫn tiếp tục âm thầm làm lở loét những vết thương, gây
đau đớn cho con người hậu chiến. Đã đánh đổ những kẻ thù xâm lăng lớn mạnh, hung tàn,
nhưng trước cuộc chiến với đói nghèo, lạc hậu, con người phải làm gì đây? Đẩu và Phùng đều
là những con người rất yêu công lí, rất nhiệt tình, một người nắm trong tay pháp luật, một rất
sẵn lòng dũng cảm, nhưng cả hai đều bất lực: “Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là
người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó
nhọc…”. Vậy đấy, để tiêu diệt cái ác thì phải giải phóng con người khỏi cuộc sống tăm tối, đói
nghèo, nhưng để làm được điều đó cần phải có những giải pháp thiết thực chứ không phải chỉ
là những lí thuyết suông. Lời người đàn bà thật giản dị nhưng chân thành đã giúp Đẩu, Phùng
và chúng ta ngộ ra một điều thật đơn giản mà lại chẳng dễ dàng về một giải pháp cho “Chiếc
thuyền ngoài xa”.

Quả thực, chiếc thuyền ngoài xa có thể tuyệt đẹp với một vị khách tình cờ ngang qua, còn với
những con người trong cuộc vật lộn với sóng gió trên bước đường mưu sinh thì nó đắng cay vô
cùng. Cuộc sống là như vậy, thường tồn tại những mặt đối lập nhau gay gắt đòi hỏi chúng ta
phải có tình yêu và lòng can đảm để đối diện và thấu hiểu, quyết không thể có cái nhìn đơn
giản và sơ lược được. Người nghệ sĩ chân chính với tinh thần trách nhiệm cao trong khi khát
khao những vẻ đẹp tuyệt bích vẫn không thể xa rời hiện thực dù nó có xấu xí, nghiệt ngã. Vì
vậy mà nhiếp ảnh Phùng mỗi lần ngắm kĩ bức ảnh dù là ảnh đen trắng chụp chiếc thuyền ngoài
xa đều “thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai” và nếu nhìn lâu hơn lại thấy
người đàn bà vùng biển nọ “đang bước ra khỏi tấm ảnh… hòa lẫn trong đám đông”.
3
“Chiếc thuyền ngoài xa” là khám phá đầy ý nghĩa của Nguyễn Minh Châu đối với cuộc đời
cũng như nghệ thuật. Lời văn giản dị với những hình ảnh, chi tiết vừa chân thật, vừa giàu ý
nghĩa biểu tượng đã đưa chúng ta đến với ý nghĩa thật sự của nghệ thuật: “nghệ thuật phải vì
cuộc đời mà tồn tại”; đồng thời, giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc sống quanh
mình. Tác phẩm không chỉ là sự nhận thức và phê phán cái xấu, cái ác trong cuộc sống mà còn
toát lên tư tưởng nhân đạo sâu sắc.

You might also like