You are on page 1of 24

#Đi_một_bước_kể_một_câu_chuyện

#Tập_1

Vào một ngày đẹp zời, nhân dịp chui ra khỏi nhà đi loanh quanh ngắm phố xá các kiểu, mình
chợt nhận ra một điều rằng ở Hà Nội có muôn vàn câu chuyện hay ho gắn liền với chính các
con đường ngõ phố ấy mà có thể bấy lâu nay nhiều người bỏ quên.
Đó có thể là những giai thoại lịch sử về những danh nhân mà tên của họ được đặt cho con
phố, hoặc đơn giản chỉ là một câu chuyện truyền miệng về tên phố, hay thời xưa nơi đó vốn là
cái gì, vân vân và mây mây...

Vì thế từ hôm nay, mình sẽ (cố gắng chăm chỉ) viết 1 cái series nho nhỏ gọi là “Đi một bước, kể
một câu chuyện” để cùng chia sẻ với cả nhà mấy câu chuyện lịch sử văn hóa trên từng
centimet phố của Hà Nội mà mình biết nha :3 Biết đâu lại có chuyện gì hay hay về con phố
nhà bạn thì sao...
Nếu khả thi thì sẽ cố gắng lên bài đều đặn hàng tuần, theo châm ngôn đi một ngày đàng, học
được vài chục cái sàng khôn = ))))

Câu chuyện của hôm nay sẽ là:


NHỮNG CON PHỐ THƯỜNG XUYÊN BỊ GỌI SAI TÊN Ở HÀ NỘI
(và có thể cả ở nơi khác).

Thực ra cái này mình đã từng nói vài lần rồi, nhưng có vẻ nó vẫn còn tính thời sự, nên là lại lên
thôi.
Gần đây dư luận có rộ lên vụ có nhiều đường phố trong Sài Gòn bị ghi tên sai ngay từ trên biển
tên đường. Ngoài Hà Nội, có lẽ là ở 1 level cao hơn, thì câu chuyện lại khác hoàn toàn: biển
tên phố được ghi đúng 100%, nhưng người dân thì lại thường xuyên gọi sai, hoặc không muốn
gọi đúng.

Dưới đây là 10 tên phố bị gọi sai mà chính tai mình đã từng nghe thấy có (nhiều) người từng
nói. Thử đếm xem bạn từng sai mấy cái nhé:

1. “Bảo Khánh”
Tên đúng phải là Báo Khánh (2 dấu sắc).
Chắc đây là tên phố bị gọi sai nhiều nhất. Thấy bảo sau Cách mạng, khi gắn biển tên phố này,
người ta đã kẻ nhầm chữ “Báo” thành “Bảo”, dẫn đến cả 1 thế hệ gọi nhầm, rồi cứ thế mà gọi
đến nay, thậm chí đa phần các cửa hàng trên phố cũng đều ghi là “Bảo Khánh”, mặc cho biển
tên phố đã được viết đúng.
Gọi là phố Báo Khánh là vì khu vực này khi xưa là đất của 2 thôn Báo Thiên Tự và Hữu Khánh
Thụy. Thời Nguyễn, tỉnh Hà Nội cải cách hành chính, sáp nhập 2 thôn này với nhau, ghép tên
lại mà thành thôn “Báo Khánh”.
Có cái tên “Báo Thiên Tự” là do khu vực từ phố Báo Khánh ra phía Nhà Thờ Lớn ngày nay vốn
là đất của chùa Báo Thiên – một ngôi cổ tự được xây dựng từ thế kỷ 11 và tồn tại mãi tới cuối
thế kỷ 19, khi Pháp cho phá chùa đi để lấy đất xây Nhà Thờ Lớn.
Ngôi chùa này cũng là nơi vua Lý Thánh Tông đã cho dựng “Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp”
(tháp quý để báo cáo chiến thắng tới tận Trời) mà ta vẫn gọi tắt là tháp Báo Thiên, tương
truyền cao đến mấy chục mét và có tầng trên cùng đúc hoàn toàn bằng đồng (chùa đồng Yên
Tử ngày nay chưa là gì nhé!). Vì thế nên tháp được liệt vào một trong An Nam Tứ Đại Khí tức
là 4 thứ bằng đồng lớn nhất Việt Nam thời đó.
Tiếc là tháp này không “thọ” được như chùa. Vào thế kỷ 15, khi giặc Minh chiếm giữ Thăng
Long, đã cho phá tháp để lấy đồng đúc... súng vì muốn đánh lại nghĩa quân Lam Sơn của Lê
Lợi. Đúng là cái bọn Tàu mặt giặc mà....
.

2. “Tô Tịch”
Tên đúng phải là Tố Tịch.
Vầng con phố đã quá nổi tiếng với món hoa quả dầm. Ngược lại với Báo Khánh, “Tố Tịch” là
cái tên thân thuộc hơn với những thế hệ lớn tuổi sống quanh khu vực này, chỉ có gần đây
người ta mới gọi chệch đi thành “Tô Tịch”, không biết là do thuận miệng hơn hay là do họ nghĩ
Tô Tịch là tên người (kiểu như Tô Hoài, Tô Hiệu...)
Thực ra Tố Tịch không phải tên người. “Tố” là “trắng” (giống như “tố nữ” là “cô gái trong trắng”),
còn “tịch” là “cái chiếu”. Đến nay cũng chưa ai dám chắc tại sao lại gọi phố này là phố chiếu
trắng, có thể là do ngày xưa đây là chỗ tập trung các cửa hàng dệt và bán chiếu chăng? :v

3. “Tạ Hiền”
Tên đúng phải là Tạ Hiện (2 dấu nặng).
Thế hệ trẻ bọn mình ngày nay thì quen với cái tên đúng là Tạ Hiện. Nhưng những thế hệ 5x 6x
trở về trước như bố mẹ mình thì đều gọi con phố Tây này là “Tạ Hiền”, chắc vì thuận miệng...
Tạ Hiện là tên gọi tắt của cụ Tạ Quang Hiện, là 1 võ tướng triều Nguyễn. Dưới thời vua Tự
Đức, ông được phong tới chức Đề đốc. Vì bộ máy hành chính của nhà Nguyễn gần như copy
100% của nhà Thanh bên Tàu rồi paste vào Việt Nam, mà chức Đề đốc ở quân đội nhà Thanh
tương đương với quân hàm Đại tướng ngày nay, nên cụ Tạ cũng được xem như một vị Đại
tướng vậy.
Năm 1882, Pháp đánh Hà Nội lần thứ 2 (lần thứ nhất là năm 1873), và 1 năm sau thì nhà
Nguyễn buộc phải dâng toàn bộ Bắc Kỳ cho Pháp. Cụ Tạ bất bình, nộp ấn từ quan, về quê nhà
Thái Bình và khởi nghĩa. Vì kéo dài tới tận năm 1896, cuộc khởi nghĩa của cụ cũng được xem
như là một phần của phong trào Cần Vương chống Pháp do vua Hàm Nghi phát động, dù
không nổi tiếng như những Hương Khê, Ba Đình, Bãi Sậy cùng thời....
Chuyện rằng, dù là một võ tướng, cụ Tạ khi sinh thời còn rất nổi tiếng với tài làm thơ. Và sau
hơn 100 năm kể từ ngày mất, thì giờ cụ nổi tiếng với bia cỏ và nem chua rán...

4. “Hạ Hồi”
Tên đúng phải là Hà Hồi (2 dấu huyền).
Thấy bảo cái tên “Hạ Hồi” được sử dụng sai-bền-vững tới mức, dù biển tên phố viết đúng là
“Hà Hồi”, nhưng nếu bạn viết lên bì thư là “Hạ Hồi” thì bưu điện vẫn sẽ chuyển thư tới đúng địa
chỉ...
Bạn nghĩ là việc 1 đầu xóm Hà Hồi ăn thông ra đường Quang Trung chỉ là ngẫu nhiên á?
Không phải đâu.
Hà Hồi là tên một làng ở Thường Tín, Hà Tây cũ (nay đã là Hà Nội). Nơi này khi xưa vốn là nơi
quân Thanh lập 1 đồn phòng ngự khi sang đánh nước ta cuối thế kỷ 18.
Chuyện kể rằng khi vua Quang Trung đem quân đánh Hà Hồi vào lúc nửa đêm, đã dùng kế cho
quân vây thành, rồi mỗi lần chủ tướng gọi, thì từng tốp quân lần lượt dạ ran lên, khiến cho tiếng
đáp ấy kéo dài mãi không dứt. Vì đêm tối làm mắt mũi kèm nhèm, quân Thanh lại tưởng là
quân Tây Sơn đông khủng khiếp lắm, quân lính đáp mãi không dứt thế cơ mà (!). Thế nên quân
Thanh trong đồn sợ quá đã ra đầu hàng hết, vua Quang Trung chiếm được đồn mà không mất
1 mũi tên hòn đạn nào.
Nghe thì có vẻ hay đấy, nhưng mình nghĩ đấy cũng chỉ là một giai thoại lịch sử được phóng đại
lên để nâng tầm chiến công của vua Quang Trung mà thôi... Và quả thật gần đây đã có những
nghiên cứu chứng minh rằng, nhà Vua cũng đã phải chiến đấu khá gian nan mới chiếm được
cái đồn phòng ngự này.
.

5. “Hải Tượng”
Tên đúng phải là Hài Tượng.
Chẳng có con voi biển nào ở đây nên không có “hải tượng” nào hết...
Ngõ nhỏ này ngày xưa thuộc đất của thôn Hài Tượng. “Hài” nghĩa là “giày dép”. “Tượng” nghĩa
là “thợ”. Thôn Hài Tượng là nơi cư ngụ của những người thợ từ Hải Dương lên kinh đô lập
nghiệp, vì Thăng Long xưa vốn là một cái chợ lớn để người dân các xứ về làm ăn buôn bán mà
(vậy nên mới có tên gọi nôm na là đất Kẻ Chợ). Những người thợ này chuyên làm giày da, dép
da và đồ da nói chung. Vốn khi xưa ngõ Hài Tượng này ăn thông với phố Hàng Giày - một phố
cũng thuộc thôn Hài Tượng vì đều là do hội thợ giày này lập ra cả.
Ngày nay, đi vào trong ngõ, kìm lòng mà băng qua mấy hàng nem chua rán, thì sẽ gặp 1 di tích
cổ là Đình Hài Tượng, là nơi những người thợ giày lập ra để thờ Tổ nghề giày dép.

6. “Lý Văn Phúc”


Tên đúng phải là Lý Văn Phức.
Cụ Lý Văn Phức là một viên quan văn đời Nguyễn. Cụ vừa là một nhà thơ, nhà viết truyện
Nôm, tác giả của nhiều cuốn sách khảo cứu, mà vừa là một nhà ngoại giao, từng đi sứ sang
Bắc Kinh, Philippines, Singapore...
Nhưng cũng như cụ Tạ Hiện, đó chỉ là công việc khi cụ Lý còn sống thôi. Còn sau khi mất, đến
nay thì cụ nổi tiếng với món chân gà và cánh gà nướng...

7. “Cống Đục”
Tên đúng phải là Cổng Đục.
Không có cống với rãnh gì ở đây hết.
Đến nay chúng ta vẫn chưa biết chắc chắn vì sao lại có cái tên nghe rất ngang trái là Cổng
Đục. Có 2 giả thuyết được đưa ra.
- Thuyết 1: Khi Pháp cho đấu thầu phá thành Hà Nội năm 1897 (vâng là đấu thầu đấy ạ, và
người thắng thầu là 1 phụ nữ ạ), thì ở đoạn tường thành phía Đông (tức phố Hàng Mã ngày
nay) có đục 1 cái cổng nhỏ để quân lính tiện đi ra khu chợ phía Đông thành (tức là khu Phố cổ
bây giờ)
- Thuyết 2: người ta cho rằng cái tên này có nguồn gốc từ tận thế kỷ 13. Sau khi nhà Trần soán
ngôi nhà Lý bằng một “cuộc đảo chính không đổ máu”, Thái sư Trần Thủ Độ (kiến trúc sư của
toàn bộ cuộc đảo chính) đã buộc vua Lý Huệ Tông phải thắt cổ tự tử trong một ngôi chùa. Vì sợ
làm tang lễ linh đình sẽ khiến dân chúng nhớ về triều Lý, Thái sư đã sai đục 1 cái cổng nhỏ trên
tường thành để đưa linh cữu vua Lý ra ngoài thành.
Tuy vậy, bằng các cứ liệu lịch sử, đến nay chúng ta biết được rằng cả 2 thuyết này đều... sai
bét :v Vậy nên nguồn gốc cái tên Cổng Đục vẫn cứ là 1 bí ẩn...

8. “Thụy Khê”
Tên đúng phải là Thụy Khuê.
Cái này dù ít người nhầm nhưng không phải là không có, vì rõ ràng “thụy khê” đọc đỡ méo
mồm hơn hẳn.
Phần lớn đất của con đường này là địa phận của làng Thụy Khuê khi trước, vậy nên mới thành
tên phố. Làng này vốn có tên gốc là “Thụy Chương”. Nhưng đến thế kỷ 19, sau khi vua Thiệu
Trị nhà Nguyễn băng hà, được đặt thụy hiệu (tên đặt sau khi chết) là “Chương Hoàng Đế”, nên
vì kỵ húy nên làng bị buộc phải đổi tên thành làng Thụy Khuê.
Cái vụ kiêng húy Hoàng gia này là một tục lệ khá nặng nề dưới những triều đại sùng Nho giáo
(vd như triều Lê, Nguyễn). Vì kiêng húy tên bà Thái hậu mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa, nên
nhà Nguyễn đã đổi tên cả 1 tỉnh Thanh Hoa thành Thanh Hóa, vậy nên một cái làng Thụy
Chương cỏn con thì có là gì đâu...

9. “Tôn Đản”
Tên đúng phải là Tông Đản.
Việc gọi sai tên này cũng bắt đầu từ việc kỵ húy thời Nguyễn. Tên cúng cơm của vua Thiệu Trị
là Nguyễn Phúc Miên Tông, thế nên tất cả các chữ “Tông” trong văn bản thời bấy giờ đều phải
gọi chệch đi là “Tôn”. Đến tận bây giờ, ta vẫn thấy ở miền Trung và miền Nam, nơi chịu ảnh
hưởng mạnh hơn của nhà Nguyễn, người ta vẫn giữ thói quen kiêng chữ “Tông” này, ví dụ: “Lê
Thánh Tôn”, “Trần Nhân Tôn”...
Cụ Tông Đản vốn là một võ tướng người Nùng dưới triều Lý. Chiến công hiển hách nhất của cụ
đó là cụ đã theo cụ Lý Thường Kiệt đem quân đánh sang tận Trung Quốc, 1 lần và duy nhất
trong lịch sử Việt Nam.

10. “Ngô Thời Nhiệm”


Tên đúng phải là Ngô Thì Nhậm.
Lý do bị gọi chệch từ “Thì Nhậm” thành “Thời Nhiệm”? Vầng bạn đoán đúng rồi đấy, lại là lệ
kiêng húy thời Nguyễn. Vua Tự Đức có tên cha sinh mẹ đẻ là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, lại có
tên khác là Nguyễn Phúc Thì... Thế là cụ Ngô Thì Nhậm, dù sinh trước nhà vua tới 1 thế kỷ,
vẫn phải ngậm ngùi mà bị thay tên đổi họ.
Xin được nói luôn, hầu hết người miền Bắc ít khi gọi sai cái tên này. Cũng giống như trong
trường hợp chữ “Tôn” đã nói ở trên, thói quen gọi “Ngô Thời Nhiệm” đến nay gần như chỉ phổ
biến ở Trung Bộ và Nam Bộ – nơi chịu ảnh hưởng nhiều hơn của triều Nguyễn. Còn ở phía
Bắc, có lẽ các sĩ phu Bắc Kỳ vừa không hoàn toàn thần phục triều Nguyễn, vừa căm giận Tự
Đức kí hiệp ước dâng Bắc Kỳ cho Pháp, nên chẳng kiêng nể gì chăng???
Nói về Ngô Thì Nhậm thì phải nói rất nhiều rất dài, mà cụ cũng rất nổi tiếng rồi, nên thôi xin
được kể chuyện về cụ ở 1 dịp khác, nhân lúc đi qua phố Ngô Thì Nhậm chẳng hạn :3

Đấy tóm lại là cái bài lan man này xin được kết thúc tại đây.
Bài rất dài, xin cảm ơn những ai đã kiên nhẫn đọc hết...
Tuy văn hóa và ngôn ngữ là những thứ có thể thay đổi theo thời gian, thế nên mới có những
thứ sai-mãi-rồi-cũng-thành-đúng; vậy nhưng lịch sử thì lại là bất biến. Vậy nên mình rất mong
với những cái tên đã mang trong nó những chứng tích lịch sử, thì chúng ta nên thực hiện 1
hành động văn minh đó là “trả lại tên cho em” LOL = )))

___________
Ảnh: biển tên của con phố bị gọi sai nhiều nhứt Hà Nội - phố Báo Khánh - rất chuẩn chỉnh với 2
dấu sắc liền nhau.
#Đi_một_bước_kể_một_câu_chuyện
#Tập_2

Cấm Chỉ và giai thoại về Chúa Chổm....

Ở Hà Nội có một con phố tuy nhỏ nhưng khá đặc biệt. Nó đặc biệt ở chỗ nếu cả dạ dày và ví
tiền của bạn đều đang trống rỗng thì tốt nhất đừng nên bước chân vào đó, bởi vì tất cả mọi nhà
trên phố này đều là các quán ăn, nhiều đến nỗi người ta đã gọi nó, cùng con phố nằm vuông
góc với nó, là khu “Phố Ẩm Thực” (với một cái cổng chào to tướng diêm dúa xấu xí đặt ở 1 đầu
phố).
Ngoài ra nó còn đặc biệt ở chỗ, tuy biển tên phố được ghi rõ ràng là “Ngõ Hàng Bông”, nhưng
gần như tất cả biển hiệu quán ăn trong phố đều không viết theo cái tên này, đó là bởi vì người
dân Hà Nội vẫn thường quen gọi con phố ấy với một cái tên khác quen thuộc hơn: “phố Cấm
Chỉ”

Tại sao lại gọi là Cấm Chỉ?


Nếu bạn đặt câu hỏi này với một bác nào đó lớn tuổi sống quanh khu vực này, chắc chắn bác
ấy sẽ kể cho bạn nghe một giai thoại lịch sử khá là thú vị liên quan đến một nhân vật gọi là
“Chúa Chổm” (nghe quen đúng không?); giống như Mẹ mình thường bảo ngày xưa mỗi lần đi
qua đây Ông Ngoại lại kể cho Mẹ về câu chuyện ấy. Bỏ qua các chi tiết rườm rà, thì đại khái
câu chuyện như sau:

Chổm vốn sinh ra trong cảnh bần hàn, từ bé chỉ có mẹ, nên phải đi kiếm củi hoặc làm thuê làm
mướn nuôi mẹ. Lúc nào đói bụng, Chổm thường vào ăn hoặc mua cơm ở các quán cơm bên
đường. Lạ một điều, hễ quán nào Chổm vào ăn là hôm đó đắt hàng vô cùng, còn các quán
khác thì cả ngày chỉ ngồi xua ruồi (cái này các cụ gọi là “tốt vía” hay “nhẹ vía” nè). Vậy nên
quán cơm nào cũng muốn mời Chổm vào ăn, kể cả bán chịu ghi nợ cũng được. Chổm thấy thế
ngày nào cũng ăn uống no nê, rồi toàn bộ đều ghi nợ, và bảo sau này bao giờ ăn nên làm ra thì
sẽ trả nợ....

Bấy giờ là vào lúc nhà Lê suy tàn, nhà Mạc chiếm lấy ngôi báu. Có một vị đại thần trung thành
với nhà Lê đã dấy binh chống lại nhà Mạc. Vị đại thần này cũng muốn đi tìm con cháu vua Lê bị
thất lạc khi trước để đưa về làm vua, cho nó danh chính ngôn thuận mà đánh quân Mạc.

Thật tình cờ và đầy bất ngờ, giọt máu hoàng gia của họ Lê mà vị đại thần đang tìm kiếm lại
chính là Chổm! (đoạn này giống phim Hàn Quốc nè, đùng 1 cái xét nghiệm ADN từ con nhà
nghèo thành con nhà chủ tịch tập đoàn lớn nè LOL). Hóa ra bà mẹ Chổm khi trước vốn là 1 cô
gái bán rượu, thường đưa rượu đến cho lính canh chỗ vua Lê bị nhà Mạc giam giữ. Vua trông
thấy, đã phải lòng cô nàng bán rượu xinh đẹp (đoạn này càng giống phim Hàn Quốc hơn).
Vầng, rồi chuyện gì đến cũng phải đến, nàng bỏ thuốc mê vào rượu cho lính canh uống, rồi vào
tình tự với vua... (đoạn này thì giống phim Mỹ...). Sau cùng, vua biết mình sẽ sớm bị quân Mạc
thủ tiêu nên đã trao ấn vàng cho nàng làm tin, và dặn nếu sau này sinh con trai, thì nó sẽ trả
thù cho cha nó.

Và thế là vị đại thần kia đón Chổm về, lấy danh nghĩa quân nhà Lê, rồi cất quân đánh nhà Mạc.
Nhà Mạc thua tan tác, quân Lê chiếm lại được Thăng Long, Chổm lên ngôi vua.

Bấy giờ khi kiệu của Chổm, lúc này đã là vua, đi ngang qua khu Cửa Nam của Kinh Thành, thì
bỗng có người tới nói là chủ quán ăn khi xưa đòi nợ nhà vua. Vua giữ lời hứa khi xưa, đồng ý
trả nợ. Thấy vậy, một đám đông ở đâu tự nhiên hùa đến cũng đòi nợ vua, nợ thật cũng có mà
nợ giả cũng có, số tiền khai thật cũng có mà số tiền khai vống lên cũng có. Vua sợ quá phải ra
lệnh miễn thuế vài năm, rồi dán tấm biển “Cấm Chỉ” ở con phố phía Cửa Nam thành, cấm
người dân chỉ tay đòi nợ xúc phạm vua. Từ đó mà thành cái tên phố “Cấm Chỉ”. Cũng từ đó mà
có câu “Nợ như Chúa Chổm”, và có cả 1 bài đồng dao như sau:
“Vua Ngô ba mươi sáu tàn vàng
Thác xuống Âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm mắc nợ tì tì
Thác xuống Âm phủ kém gì vua Ngô”
(ý là sống trên đời 1 đống tiền đấy nhưng đến lúc chết đi thì có mang được gì đâu...)

= ))

Đó là một câu chuyện thú vị đúng không? :3


Nhưng dù gì đó cũng chỉ là truyện dân gian, kể cho vui và nghe cho vui mà thôi.
Vì Chúa Chổm là 1 nhân vật lịch sử có thật, việc nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê cũng có thật, và vị
đại thần trong câu chuyện cũng có thật.
Nhưng xét về mặt sự thật lịch sử, thì đôi chỗ trong câu chuyện lại không chính xác!

Vậy câu chuyện có thật trong lịch sử là như thế nào?


Để kể được tường tận, thì phải quay ngược về thời đầu thế kỷ 16, với một sự kiện là việc xây
Cửu Trùng Đài (nghe quen không? Chính là cái Cửu Trùng Đài trong vở kịch “Vĩnh biệt Cửu
Trùng Đài” ở sgk Văn lớp 11 đấy...)

Đầu thế kỷ 16, nước ta đang là thời kỳ nhà Hậu Lê. Các ông vua Lê lúc này phần lớn đều bất
tài, hoang dâm vô độ. Đỉnh điểm là Lê Uy Mục tính hiếu sát, thích giết chóc, nên bị dân gọi là
“Vua Quỷ”. Rồi Lê Uy Mục bị ông em họ của mình lật đổ để chiếm ngôi báu. Ông này tên là Lê
Tương Dực, rất thích vui chơi xa xỉ, tính tình dâm dật, ví dụ bắt cung nữ trần truồng chèo
thuyền trên Hồ Tây để cùng vua “vui chơi”... Nhân dân gọi ông là “Vua Lợn”.
Đỉnh điểm, Vua Lợn sai kiến trúc sư Vũ Như Tô (nhân vật chính trong “Vĩnh Biệt Cửu Trùng
Đài”), lấy tiền quốc khố và nhân lực của cả nước, thiết kế và xây dựng cung điện lớn trăm nóc,
và một cái Cửu Trùng Đài cao tới tận trời.

Chính bởi công trình khủng bố này, mà thuế khóa sưu dịch tăng cao, khiến cho trong nước nổ
ra rất nhiều các cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. Mặc dù sau đó, Vua Lợn đã bị các quan
lại trong triều lật đổ (Cửu Trùng Đài thì bị phá khi chưa kịp hoàn thành, còn Vũ Như Tô cũng bị
đem chém), rồi các quan lại lập 1 người cháu gọi Vua Lợn bằng chú, mới 14 tuổi, lên ngôi vua,
tức vua Lê Chiêu Tông, nhưng tình hình lúc này cũng không trở nên khấm khá hơn.

Cùng với các cuộc khởi nghĩa trong nhân dân, thì bao giờ cũng thế, một khi nhà vua yếu hèn
thì giới quý tộc quan lại cũng bắt đầu đấu đá nhau để tranh giành quyền lực. Nổi lên trong số
đó có 1 vị võ quan tên là Mạc Đăng Dung.

Ông Dung này vốn là một người đánh cá quê ở Hải Phòng, có sức khỏe hơn người (tương
truyền vũ khí quen thuộc của ông là 1 thanh đao lớn, khi tính ra thì còn nặng hơn Thanh Long
Yển Nguyệt Đao của Quan Vũ bên Tàu khi trước). Ông được tuyển vào đội Cấm Vệ Quân thời
Vua Quỷ Lê Uy Mục, rồi lợi dụng tình hình rối ren, ông dần leo lên đến chức Tổng chỉ huy các
quân doanh thủy-lục trong nước, lần lượt đánh dẹp các thế lực khác, lại nắm nhà vua trong tay
nên quyền thế rất rất lớn (rất giống Tào Tháo thời Tam Quốc).

Vua Lê Chiêu Tông sợ Mạc Đăng Dung sẽ hãm hại mình, nên đã bỏ trốn khỏi kinh thành để tìm
cách đánh lại Dung. Mạc Đăng Dung liền cho lập em trai của vua lên ngôi, tức Lê Cung Hoàng.
Rồi sau đó không lâu, quân Mạc bắt được vua Lê Chiêu Tông, đem giam lại, rồi giết đi. Lúc
này, không còn ai chống đối, Mạc Đăng Dung ép Lê Cung Hoàng phải nhường ngôi cho mình,
và lập ra nhà Mạc. Và thế là nhà Lê, từ Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cho đến Lê Cung Hoàng, tồn tại
được vừa tròn 100 năm với 10 ông vua. Lịch sử thường gọi thời kỳ 100 năm này là “thời Lê
Sơ” (nghĩa là thời kỳ đầu của nhà Hậu Lê).
Tuy vậy, có một vị đại thần trung thành với nhà Lê, tên là Nguyễn Kim (nói cho dễ nhớ thì là
ông này có tên giống với tên 1 chuỗi siêu thị điện máy rất lớn ngày nay...), đã đem quân chạy
sang Lào, rồi lại tìm được người con thất lạc của vua Lê Chiêu Tông, tên là Lê Duy Ninh nhưng
thường gọi là “Chổm”. Nguyễn Kim lập Duy Ninh lên ngôi ngay tại Lào, tức vua Lê Trang Tông,
rồi cùng vua đem quân đánh về vùng Nghệ An Thanh Hóa, đóng tại đây để chuẩn bị tiếp tục
đánh Mạc, lúc này đã là 6 năm từ khi nhà Mạc cai trị đất nước.

Từ đó, vua Lê Trang Tông được xem là vị vua đầu tiên của “thời Lê Trung Hưng” (nghĩa là thời
kỳ nhà Hậu Lê phục hưng trở lại). Như vậy khi học lịch sử hãy hiểu rằng: thời Lê Sơ + thời Lê
Trung Hưng = thời Hậu Lê (để phân biệt với thời Tiền Lê của Lê Đại Hành, và 2 thời tiền hậu
này thì chẳng liên quan quái gì tới nhau cả).

Cũng từ đó, nhà Mạc của Mạc Đăng Dung đang kiểm soát Thăng Long và toàn bộ miền Bắc,
còn nhà Lê Trung Hưng của vua Trang Tông và Nguyễn Kim thì ban đầu kiểm soát khu vực
Thanh Hóa Nghệ An, sau đó mở rộng ra toàn bộ dải đất từ Thanh Hóa vào đến khoảng Quảng
Nam Quảng Ngãi bây giờ (vâng biên giới phía Nam của nước ta thời ấy mới chỉ tới chỗ đó thôi
ạ).
Và vì 2 phe này đánh lẫn nhau trong hơn nửa thế kỷ, nên lịch sử gọi giai đoạn này là nội chiến
Nam Bắc Triều, với nhà Mạc là Bắc Triều, còn nhà Lê Trung Hưng là Nam Triều.

Quay trở về với giai thoại “Nợ như Chúa Chổm” và nguồn gốc tên phố Cấm Chỉ.
Như bạn có thể nhận ra qua những sự thật lịch sử mình vừa kể bên trên, thì ông vua bị giam
(và tình tự với cô bán rượu) chính là Lê Chiêu Tông. Chổm là vua Lê Trang Tông. Và ông đại
thần trong câu chuyện chính là Nguyễn Kim.

Tuy nhiên, mình nói rằng giai thoại trên chỉ là truyện dân gian kể cho vui là bởi vì theo sử biên
niên thì Chiêu Tông sinh năm 1506, còn Trang Tông sinh năm 1514, như vậy nếu thực sự họ là
bố con thì bố chỉ hơn con có 8 tuổi thôi à? Đó là điều vô lý thứ nhất.

Tiếp theo, vua Trang Tông trị vì từ năm 1533 cho đến khi qua đời năm 1548, và trong suốt thời
gian này, ông hoàn toàn ở Thanh Hóa, đơn giản vì Thăng Long vẫn ở trong tay nhà Mạc, và
cuộc nội chiến Nam Bắc Triều vẫn tiếp diễn. Và mãi đến năm 1593, tức là gần nửa thế kỷ sau
khi vua Trang Tông qua đời, thì một vị tướng của quân Nam Triều là Trịnh Tùng (vị Chúa Trịnh
đầu tiên trong lịch sử) mới chiếm lại được Thăng Long, đuổi nhà Mạc chạy lên Cao Bằng. Vậy
là cả cuộc đời vua Trang Tông, tức Chúa Chổm, chưa hề được nhìn thấy Thăng Long, chứ
đừng nói đến việc đi kiệu qua phố và bị đòi nợ! Đó là điều vô lý thứ hai.

Tóm lại, khi được nghe về câu chuyện “Nợ như Chúa Chổm”, bạn hãy hiểu đó là một giai thoại
được dân gian kể lại, có thể để chế giễu vua quan đương thời, vậy nên đúng là chỉ là để nghe
cho vui thôi = ))

Nhưng nếu câu chuyện đó không đúng, thì cái tên “Cấm Chỉ” ở đâu mà ra?
Trước tiên cần hiểu, “cấm chỉ” không có nghĩa là “cấm người dân chỉ tay vào vua để đòi nợ”
như nhiều người vẫn hiểu lầm. “Cấm chỉ” thực chất là một từ Hán Việt, có nghĩa là “cấm tiệt,
cấm tuyệt đối”.

Nhưng mà cấm tuyệt đối cái gì mới được?


Bằng phương pháp chồng bản đồ, người ta đã xác định được con phố Cấm Chỉ này khi xưa
nguyên là một con đường đi vào cửa mở qua “Dương Mã Thành” bảo vệ cửa phía Đông Nam
của thành Thăng Long đời Nguyễn.

Dương Mã Thành là gì?


Bạn hãy hiểu thế này, vào đầu thế kỷ 19, nhà Nguyễn cho đắp lại thành Thăng Long thành hình
vuông theo kiểu Vauban của Pháp (là 1 dạng thành phòng thủ quân sự, với các đoạn tường
thành hình zig zag để có thể bắn yểm trợ lẫn nhau khi xảy ra chiến tranh). Thành lúc này mở 5
cổng Đông, Tây, Bắc, Đông Nam và Tây Nam.
Bên ngoài mỗi cổng này là một hào nước sâu và rộng, bắc trên hào nước là một cây cầu dẫn
sang một đồn canh được xây trên diện tích hình tam giác. Đồn canh này cũng có tường thành
và hào nước bao bọc, và chỉ mở một lối đi ở một cạnh khác của hình tam giác để đi ra bên
ngoài.
Như vậy, muốn đi vào thành qua 5 cửa chính, thì phải đi qua lối đi vào đồn canh này trước, rồi
mới từ đồn canh đi qua cầu mà vào thành. Mỗi một đồn canh hình tam giác như thế gọi là 1
Dương Mã Thành, hay còn gọi là 1 “mang cá” của Cổng Thành, vì nhìn nôm na giống hình cái
mang con cá (ảnh minh họa về Dương Mã Thành xem ở top comment nhé).

Bạn có thể mở bản đồ hoặc google map ra, và hình dung như sau: Dương Mã Thành bảo vệ
cửa phía Đông Nam của thành Thăng Long thời Nguyễn có 1 cạnh chạy song song và ngay sát
phố Tống Duy Tân ngày nay (chính là con phố vuông góc với phố Cấm Chỉ, và cũng nằm trong
cụm “Phố Ẩm Thực”), và 1 cạnh khác thì gần trùng với đoạn cuối phố Điện Biên Phủ đi ra phía
Cửa Nam ngày nay. Còn lối đi từ ngoài thành vào Dương Mã Thành, thì chính là con phố Cấm
Chỉ mà chúng ta nói đến nãy giờ.

Từ đó, có một giả thiết cho rằng, có thể từ “Cấm Chỉ” ở đây có nghĩa là cấm tuyệt đối không
cho một ai ra vào con đường này (vì nó là đường dẫn vào bên trong thành) khi đã có trống thu
không, tức là tiếng trống báo hiệu đóng cửa thành lúc chiều tối, hoặc đơn giản chỉ là để báo
cho mọi người biết trời đã tối hãy cửa đóng then cài cẩn thận (giống như trong phim kiếm hiệp
Tàu hay có người đi hô “cẩn thận củi lửa” vào lúc tối đó)
Kể ra thì cách giải thích này nghe hợp lý và thực tế hơn rất nhiều so với giai thoại Chúa Chổm
trên kia đúng không? :3

__________
Ảnh: biển tên “Ngõ Hàng Bông” ở đầu phố, nhưng gần như chẳng ai quan tâm và cũng chẳng
ai gọi theo cái tên này, lại còn bị che lấp bởi hàng loạt các biển hiệu bún miến cháo phở cơm
rang mỳ xào của “Phố Ẩm Thực”. Thật thương thay cho thân phận cái biển tên! = ))
#Đi_một_bước_kể_một_câu_chuyện
#Tập_3

Vài chuyện linh tinh về Ô Quan Chưởng và các Cửa Ô của Hà Nội.

Không biết các bạn có để ý không, nhưng hình như ở Hà Nội có một kiểu công trình kiến trúc
cổ mà các địa phương khác không có, hoặc chí ít là ở các nơi ấy có thể có dạng công trình
tương tự, nhưng chỉ có ở Hà Nội thì người ta mới gọi nó bằng một cái tên riêng biệt: “Cửa Ô”
(có ai ở Hà Nội mà không biết đến cái Ô Quan Chưởng to lù lù không?)

1. Vậy Cửa Ô là gì?


Trước hết cần nói qua rằng kinh đô Thăng Long khi xưa được quy hoạch theo kiểu “tam trùng
thành quách”, tức là có 3 vòng thành lồng vào nhau (cứ nhớ rằng thành cũng như người, phải
có đầy đủ “3 vòng” là được).

Vòng trong cùng, VIP nhất, gọi là “Tử Cấm Thành”, cũng là nơi ở của người VIP nhất - Hoàng
đế.
Vòng thành thứ 2 được gọi là “Hoàng Thành”, là nơi làm việc của Vua và triều đình. Hoàng
Thành thường được xây bằng gạch và đá, bao trọn lấy Tử Cấm Thành ở bên trong.
Và vòng thành thứ 3 ở ngoài cùng, gọi là “Kinh Thành” hay “Đại La Thành”, được đắp bằng đất,
tương tự như một con đê bao quanh toàn bộ kinh đô (bởi vậy ngày nay mới có phố “Đê La
Thành” vốn là 1 đoạn của vòng thành này). Vì Hà Nội ngày xưa vốn bị bao vây bởi các con
sông (“Hà Nội” nghĩa là “nằm trong sông”) nên có đê chạy bao quanh thành phố cũng là điều dễ
hiểu.

Nói một cách đơn giản ngắn gọn, thì các Cửa Ô chính là những cửa được mở ra trên vòng
thành thứ 3 này. Chữ “ô” ở đây có thể hiểu theo nghĩa giống như cái “ô tủ” (như ta thường nói:
1 ô tủ, 1 ngăn tủ), vì xét về mặt kiến trúc, thì các cửa mở trên vòng thành ngoài cùng này đều
có 2 ô cửa (trông rất giống 2 cái ngăn kéo) nằm 2 bên cổng chính, bởi vậy mà gọi thành tên
“Cửa Ô”.

(Ngoài lề tí là hồi bé mình cứ tưởng cái cổng thành Cửa Bắc và cái Ô Quan Chưởng có chức
năng như nhau. Lớn thêm tí mới biết rằng Cửa Bắc là cửa mở trên vòng thành thứ 2, còn Ô
Quan Chưởng là cửa mở trên vòng thành thứ 3).

Vì là các cửa của vòng thành ngoài cùng, nên ngoài chức năng phòng thủ, các Cửa Ô còn có
chức năng phân định ranh giới giữa bên trong và bên ngoài thành phố. Bên trong thì gọi là
“vùng nội ô”, còn bên ngoài thì gọi là “vùng ngoại ô” – một từ mà đến nay chúng ta vẫn dùng để
chỉ khu vực không phải trung tâm thành phố...

2. Hà Nội có bao nhiêu Cửa Ô?


Vấn đề này thú vị đây :3
Trong bài “Tiến Về Hà Nội”, Văn Cao có viết 1 câu hát nổi tiếng là “Năm Cửa Ô đón mừng đoàn
quân tiến về...”. Và thế là từ đó rất nhiều người đều nghĩ rằng Hà Nội chỉ có 5 Cửa Ô thôi.
Thực ra nếu các bạn hỏi một bác lớn tuổi nào đó sống ở Hà Nội nhiều năm, có thể bác ấy sẽ
kể tên được nhiều hơn 5 Cửa Ô. Bởi vì đúng là Hà Nội có nhiều hơn 5 Cửa Ô thật.

Tài liệu cổ từ đầu thời Nguyễn chép rằng Hà Nội từng có tới... 21 Cửa Ô lận (!). Nhưng những
bản đồ cổ nhất còn lại (vẽ vào đầu thế kỷ 19) thì cho thấy Hà Nội có tổng cộng 16 Cửa Ô.
Như vậy ta sẽ tạm xác định, có 16 Cửa Ô chắc chắn đã từng tồn tại.
(Còn lí do vì sao cụ Văn Cao viết "năm cửa ô..." thì nghe đồn là bởi cụ là fan cuồng hình tượng
ngôi sao vàng 5 cánh...)

3. Vậy 16 Cửa Ô ngày nay ở đâu?


Ngoại trừ Ô Quan Chưởng, thì ngày nay tất cả các Cửa Ô còn lại đều đã bị phá sạch, không
còn dấu tích. Ta chỉ có thể biết được rằng ngày xưa, Cửa Ô nào nằm ở vị trí nào mà thôi.

Mình sẽ thử liệt kê vị trí của các Cửa Ô ngày xưa nhé. Hãy mở bản đồ hoặc google map ra để
tiện theo dõi khi đọc, hoặc nếu bạn thông thạo đường Hà Nội rồi thì tưởng tượng, hoặc lôi xe ra
lượn 1 vòng cũng được = )) vì các Cửa Ô ngày xưa toàn nằm ở những nút giao thông quan
trọng ngày nay cả LOL.

- Bắt đầu từ dốc Thanh Niên. Ở đây có Ô Yên Hoa, sau bị đổi tên thành Ô Yên Phụ. Tất cả các
trường hợp đổi tên Cửa Ô này đều là do người ta đổi tên cái làng nơi mở Cửa Ô đó.

- Từ dốc Thanh Niên, đi men theo đường đê Yên Phụ sẽ gặp rất nhiều Cửa Ô. Tới đoạn giao
với phố Cửa Bắc, đó là chỗ của Ô Yên Tĩnh, sau bị đổi tên thành Ô Yên Ninh (vầng chính là
đoạn gần phố Yên Ninh có hàng lươn nổi tiếng chẹp)

- Đi tiếp trên đường Yên Phụ, tới dốc phố Hàng Bún, nơi mà năm 1946 Pháp cho xe tăng nã
đạn vào dân thường Việt Nam, chỗ đó ngày xưa có Ô Thạch Khối, dân gian quen gọi là Ô
Hàng Than.

- Đi tới đầu phố Hàng Đậu, chỗ đi lên cầu Long Biên ấy, ngày trước ở đó có Ô Phúc Lâm, dân
quen gọi là Ô Hàng Đậu. Đến đây cũng là hết đường Yên Phụ.

- Men tiếp theo đường Trần Nhật Duật, tới đầu phố Ô Quan Chưởng thì tất nhiên đó là chỗ của
Ô Quan Chưởng rồi (duh!!!). Nhưng đó chỉ là tên dân dã thôi, còn tên đúng của nó là Ô Đông
Hà.

- Gần đó là Ô Trừng Thanh nằm ở ngã ba phố Hàng Chĩnh và Trần Nhật Duật.

- Đi tiếp vào Nguyễn Hữu Huân, tới đúng cái ngã tư Hàng Mắm, chỗ có hàng Xôi Yến nổi tiếng
(mấy ngày qua nghe đồn đóng cửa vì vỡ nợ không biết đã mở lại chưa LOL) thì ngày xưa có Ô
Mỹ Lộc.

- Ngã tư Nguyễn Hữu Huân & Lò Sũ là chỗ của Ô Đông An khi trước.

- Hết đường Nguyễn Hữu Huân, đi thẳng tới Nhà Hát Lớn Hà Nội, thì ở ngay chỗ đó là Cửa Ô
Tây Luông. Khu này khi xưa vốn là chỗ đất đầm lầy, nên khi xây Nhà Hát Lớn, Pháp đã phải
cho đóng xuống đây hơn 30,000 cọc tre để làm móng....

- Vòng lên đường Trần Quang Khải, đi tới khu Quân Y Viện 108, đoạn giao với đường Trần
Hưng Đạo, chính ở đó có Ô Nhân Hòa.

- Ô Đống Mác nằm ở đúng nút giao Lò Đúc và Trần Khát Chân (chỗ này giờ quy hoạch đẹp
rồi). Tương truyền ngày xưa nơi đây là dinh thự của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, nên dân
quen gọi là “Dinh Ông Mạc” rồi lâu dần chệch đi thành “Ông Mác” rồi thành “Đống Mác”. Sau
này, Ô được đổi tên là Ô Lương Yên, vì nằm trong làng Lương Yên. Cũng từ khu đất làng
Lương Yên này mà ngày nay người ta xây Bến xe khách Lương Yên đấy các mẹ ạ.
- Tới đây đi theo đường Trần Khát Chân, tới ngã tư Phố Huế - Đại Cồ Việt, thì chỗ đó là Ô Cầu
Dền (cái tên này có vẻ nổi tiếng nè). Tên chữ của nó là Ô Yên Thọ.

- Chỗ hầm chui Kim Liên bây giờ chính là vị trí của Ô Đồng Lầm ngày trước. Ô này có tên
chính thức là Ô Kim Hoa, sau bị đổi thành Ô Kim Liên.

- Đi qua hầm Kim Liên, thẳng tiến theo đường Xã Đàn, tới nút giao thông chỗ đầu Khâm Thiên
– Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng, thì đó là vị trí của Ô Chợ Dừa (quá nổi tiếng). Nhưng
đó chỉ là cách người dân gọi thôi, còn tên chính thức là Ô Thịnh Quang, sau bị đổi thành Thịnh
Hào (ngày nay gần khu này vẫn còn có phố Thịnh Hào)

- Theo đường Đê La Thành (chính là men theo vòng thành ngoài cùng đấy ạ!!!) mà đi ra Kim
Mã, tới chỗ Bến xe Kim Mã bây giờ, thì là chỗ của Ô Thanh Bảo, dân gian gọi là Ô Cầu Giấy
(vầng bạn không đọc nhầm đâu, mặc dù từ chỗ này tới Cầu Giấy còn xa lắc lơ)

- Từ Kim Mã, đâm qua làng hoa Ngọc Hà, trở về đầu đường Thụy Khuê, khoảng chỗ cổng
trường Chu Văn An bây giờ, là vị trí khi xưa của Ô Thụy Chương. Từ Cửa Ô này, theo đường
Thanh Niên đi về phía Yên Phụ, tới đầu dốc là sẽ lại gặp lại Ô Yên Hoa, là vừa đúng một vòng
Kinh Thành Thăng Long xưa, đi qua đủ 16 Cửa Ô :3

Chậc, mình viết thì viết vậy thôi :3 chứ mình biết là cực kỳ khó nhớ hết đống tên tuổi trên kia
= ))) nhưng dù vậy thì cảm giác khi đi qua một chỗ nào đó, mà ta biết rằng khi xưa ở chỗ đó nó
có cái gì, thì rất thú vị phải không?

4. Tại sao trong số 16 Cửa Ô chỉ riêng có Ô Quan Chưởng còn tồn tại?
Có ai từng thắc mắc điều này không? = ))
Câu trả lời có liên quan đến việc Pháp đô hộ Việt Nam.

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, sau khi biến Việt Nam thành thuộc địa, Pháp dần cho quy hoạch
lại đường phố, đặc biệt là ở Hà Nội, thủ phủ của Liên bang Đông Dương. Không chắc người
Pháp có thực sự muốn xóa bỏ các dấu ấn văn hóa cổ của người Việt không, nhưng thực sự là
đã có rất nhiều di tích bị tàn phá. Tuy nhiên, người Pháp lại có xu hướng thích giữ lại những
công trình nào gắn liền với “dấu ấn” của họ trên đất Việt Nam này, như một kiểu đài kỷ niệm.

Ví dụ nhé, Thành Hà Nội bị Pháp cho phá, nhưng giữ lại cái Cửa Bắc (để làm kỷ niệm) vì trên
tường thành có 2 vết đạn pháo do tàu chiến của Pháp từ sông Hồng bắn vào thành, khi Pháp
đánh Hà Nội lần thứ 2 (năm 1882). Đến nay 2 lỗ đạn này vẫn còn sâu hoắm trên Cửa thành.
Hoặc tháp Hòa Phong bên bờ Hồ Gươm, vốn là 1 công trình thuộc khuôn viên Chùa Báo Ân,
nhưng khi Pháp cho phá chùa để xây Bưu điện trung tâm, đã cho giữ lại tháp này, chắc để “kỷ
niệm” dấu ấn việc mang ngành bưu chính đến Việt Nam.

Và Ô Quan Chưởng cũng thế. Các Cửa Ô khác bị phá hết phá sạch, riêng Ô Quan Chưởng
còn tồn tại, đó có thể là do nó gắn với 1 sự kiện mở đầu cho việc Pháp chiếm Hà Nội (và sau
đó là toàn Bắc Kỳ): sự kiện Jean Dupuis (sgk Sử phiên âm là “Giăng Đuy-puy”)

5. Thôi để kể nốt sự kiện Jean Dupuis nhé = )) dài quá rồi = ))


Đầu những năm 1870, Pháp lúc này đã chiếm xong toàn bộ Nam Kỳ của Việt Nam, và đặt 1 tòa
Soái Phủ ở Sài Gòn để chỉ đạo các việc liên quan đến người Pháp
Người Pháp lúc này rất muốn tiến sâu vào thị trường Trung Quốc để mở rộng buôn bán, nên
đã cho lập 1 đoàn thám hiểm đi ngược sông Mekong từ Việt Nam lên thượng nguồn tận bên
Tàu để tìm đường vào Vân Nam, Trung Quốc. Trong đoàn phượt thủ này có 1 nhân vật đáng
chú ý là Đại úy Francis Garnier (sgk Sử phiên âm là “Gác-ni-ê”)

Tuy nhiên, sau chuyến thám hiểm theo kiểu Indiana Jones này, người Pháp nhận ra con đường
ngược sông Mekong không hề thuận tiện cho việc chở hàng hóa vào Vân Nam (Trung Quốc)
như họ vẫn nghĩ. Nhưng Garnier đã thăm dò được 1 con đường khác, đó là đường đi ngược
theo sông Hồng – một con đường ngắn hơn và dễ đi hơn rất nhiều. Đồng thời, Garnier cũng
làm quen được với 1 tay lái buôn người Pháp tên là Jean Dupuis – một kẻ rất ủng hộ việc mở
đường buôn bán sang Tàu để dễ bề kiếm lời.
Nhưng kế hoạch mở đường ngược sông Hồng này cần phải có sự tự do ra vào vùng hải cảng
ở Bắc Kỳ, mà trong lúc đó nhà Nguyễn đang thi hành chính sách bế quan tỏa cảng, đóng cửa
không giao thương với nước ngoài, nên việc mở đường là rất khó.

Đầu năm 1873, Jean Dupuis đã mặc kệ hết lệnh cấm cản của các quan lại nhà Nguyễn ở phía
Bắc, đưa thuyền buôn chở vũ khí ngược dòng sông Hồng lên Vân Nam để bán, rồi lại đem
thiếc và sản vật Vân Nam xuôi dòng về Việt Nam để buôn lậu. Khi đoàn thuyền của Dupuis từ
Vân Nam trở về, đi qua Hà Nội, đã bị các quan lại địa phương chặn lại, vì các quan cho rằng
chưa có lệnh từ triều đình thì không được tự tiện mở đường buôn bán xuyên biên giới như thế.

Bị cản trở, Dupuis đã cùng toán lính Trung Quốc của mình chiếm lấy 1 con phố ở Hà Nội, mà
nay chính là phố Hàng Chiếu (Ô Quan Chưởng nằm ở cuối phố này), rồi dọa sẽ đánh vào
thành Hà Nội. Người đứng đầu thành Hà Nội bấy giờ là lão tướng Nguyễn Tri Phương tuy đã
hơn 70 tuổi nhưng cũng chẳng vừa, kiên quyết theo lập trường cứng rắn. Hai bên đôi co, bắt
bớ người của nhau ầm ĩ một vài ngày, Dupuis bèn cho người đưa thư cầu cứu Soái Phủ trong
Sài Gòn.

Soái Phủ Nam Kỳ lúc này đã tính 1 mưu kế thâm sâu hơn để chiếm Hà Nội, rồi tiến tới sẽ là
toàn bộ Bắc Kỳ (thề đoạn này mưu mô cứ như Tam Quốc). Soái Phủ gửi thư đòi Dupuis phải
rời khỏi Bắc Kỳ, nhưng lại cố tình chuyển qua tay 1 quan chức người Việt trong thành, và như
vậy đương nhiên việc này bị bại lộ. Triều đình Huế biết được bức thư, cứ tưởng là Soái Phủ
Nam Kỳ sẽ đứng về phía quân ta mà đuổi Jean Dupuis đi (quá ngây thơ!) nên đã xin Soái Phủ
hãy đứng ra làm trọng tài mà cho người ra Bắc để dàn xếp vụ Dupuis này cho xong đi hộ cái....

Và thế là triều đình nhà Nguyễn sập bẫy.

Được nhời như cởi tấm lòng, Soái Phủ Pháp danh chính ngôn thuận cử người Pháp tiến ra
Bắc Kỳ....

Đoán xem ai là người được Soái Phủ cử ra Bắc nào? = ))


chính là Đại úy Francis Garnier.

Garnier ra Hà Nội với danh nghĩa dàn xếp vụ Dupuis, nhưng cuối cùng đã hợp quân cùng với
toán lính của Dupuis, tổng cộng có khoảng 200 người cả Pháp cả Tàu, và đánh vào thành Hà
Nội. Trong thành Hà Nội lúc đó có 7000 lính người Việt (nhiều gấp 35 lần quân địch).
Nhưng thành Hà Nội đã thất thủ chỉ trong 1 giờ đồng hồ. Bên phía Pháp chết mất 1 người, bị
thương 1 người. Bên phía Việt Nam, chết rất nhiều, tổng chỉ huy Nguyễn Tri Phương bị
thương, rồi bị bắt sống, rồi tuyệt thực mà chết trong ngục. Sự kiện này lịch sử gọi là sự kiện
Pháp đánh Hà Nội lần thứ nhất năm 1873 (chi tiết về trận đánh này xin được để dành để kể ở 1
dịp khác).
Sau này khi Pháp đặt lại tên phố phường Hà Nội, con phố Hàng Chiếu được đổi tên thành phố
“Jean Dupuis” vì khi trước Dupuis đã chiếm phố này làm căn cứ. Cửa Ô Quan Chưởng ở cuối
phố cũng bị gọi là “Cửa Jean Dupuis” luôn (xem ảnh ở top comment nhé).

Còn về lí do vì sao dân gian quen gọi là “Ô Quan Chưởng”, thì người ta vẫn còn đang tranh cãi.
Có nhiều thuyết lí giải điều này: có thuyết nói là do có ông quan Chưởng Ấn khi xưa lập dinh
thự gần đấy, rồi cũng có thuyết nói có ông quan Chưởng Cơ làm nhiệm vụ trông coi kiểm soát
Cửa Ô, rồi lại có thuyết cho rằng có ông quan Chưởng Vệ đã chiến đấu với giặc Pháp rồi hi
sinh ở đây..v..v. Chưởng Ấn, Chưởng Cơ, Chưởng Vệ đều là các chức quan thời Nguyễn và
đều có thể gọi tắt là “Quan Chưởng” được, nên đều hợp lý cả phải không? Nhưng dù sao thì
tất cả các cách lí giải này cũng chỉ đều là truyền thuyết truyền miệng để giải thích cho cái tên
dân gian "Ô Quan Chưởng" mà thôi. Còn tên đúng của Cửa Ô, như 3 chữ Hán vẫn còn rất rõ
phía trên cổng chính, thì là: “Đông Hà Môn” (Cửa Ô Đông Hà).
Nhưng giờ mà ra đường ai hỏi "mày đi đâu đấy?" lại trả lời "tao đi lên chỗ Ô Đông Hà" thì chắc
chả ai biết đấy là đâu LOL...

Thế thôi hết rồi, xin dừng bút dừng bút....


Lần nào cũng bị tham lam mà viết dài. Xin cảm ơn những ai đã đọc đến tận đây.
The end thank you good night = )))
#Đi_một_bước_kể_một_câu_chuyện
#Tập_4

Phố Mã Mây và mấy câu chuyện Ta, chuyện Tàu, chuyện Tây...

Có lần mình đọc được ở đâu đó đã gọi phố Mã Mây là một “hình ảnh thu nhỏ của toàn bộ khu
Phố Cổ Hà Nội”... Kể ra thì nói thế cũng hơi quá, nhưng thực sự thì Mã Mây là một trong số ít
các con phố mang trong mình đầy đủ dấu ấn của cả người Việt, người Trung Quốc và người
Pháp qua từng thời kỳ lịch sử đầy biến động của Hà Nội nói riêng, và của Việt Nam nói chung...
Vậy nên sẽ là hợp lý khi bước tới con phố nhỏ này, chúng ta sẽ kể cho nhau nghe cả những
câu chuyện Ta, chuyện Tàu và chuyện Tây. :3

1. Đến Mã Mây nghe chuyện Ta


Có ai từng thắc mắc tại sao giữa một rừng các con phố “Hàng” có tên gắn liền với mặt hàng
buôn bán tại phố đó thì lại lòi ra một ông có tên khác hẳn là “Mã Mây” chưa? Và ngày xưa thì
phố Mã Mây bán gì nhỉ?

Thật ra chỗ này thì phải minh oan cho Mã Mây một chút, đó là phố này ra đời bởi sự "giao lưu
kết hợp" của 2 phố "Hàng" riêng biệt, đó là phố Hàng Mã và phố Hàng Mây. Thế nên ta có thể
gọi Mã Mây là “phố nằm trong phố”.

Bố đẻ của phố Mã Mây ngày nay là phố Hàng Mã, nhưng không phải là cái phố đông-nghịt-
toàn-người-lớn mỗi dịp Trung Thu đâu nhá LOL.
Cái phố Hàng Mã mà mình đang nói đến ở đây đã có từ trước cái phố Hàng Mã đông vui nhộn
nhịp ngày nay khá lâu. Khi phố Hàng Mã mà nay chúng ta biết ra đời, thì để phân biệt, người ta
gọi con phố sinh sau đẻ muộn ấy là “phố Hàng Mã trên”, còn con phố Hàng Mã ở Mã Mây là
“phố Hàng Mã dưới” (đừng có nghĩ bậy bạ!!! gọi là “trên” và “dưới” là vì trên bản đồ thì phố
“trên” nằm ở hướng Bắc còn phố “dưới” nằm ở hướng Nam, vậy thôi LOL).

(Từ đoạn này hãy vừa đọc vừa soi google map cho nó dễ tiêu nè)

Ngày nay, nếu đi vào Mã Mây từ phía Hàng Bạc, thì đoạn phố từ ngã ba đó cho đến ngã tư Mã
Mây - Lương Ngọc Quyến (chỗ có cái đền Hương Tượng to đùng ấy) chính là tương ứng với
phố "Hàng Mã dưới" khi trước.

Nhưng vì sao cùng một mặt hàng là đồ mã mà lại phải chia ra làm 2 con phố riêng biệt?
Thời xưa, phố “Hàng Mã dưới” chuyên tập trung làm các loại đồ mã kích thước lớn, chủ yếu
phải làm khung tre, khung gỗ bên trong rồi mới dán giấy ra bên ngoài, ví dụ như ngựa giấy, voi
giấy, hay đặc biệt hơn là nhà táng dùng trong đám ma. Thời đầu thế kỷ 20, ô tô tất nhiên chưa
phổ biến, dân ta cũng chưa có mốt dùng xe ngựa để rước linh cữu người chết, mà vẫn dùng
kiệu đòn rồng để khiêng áo quan. Và đương nhiên nhà táng là 1 thứ hàng hóa cần thiết trong
mỗi đám tang như thế. Tuy chỉ làm bằng giấy màu, giấy thiếc vàng hoặc bạc, nhưng có những
chiếc nhà táng có giá lên đến 150 đồng 1 cái (ở một diễn biến khác, thì giá gạo những năm
1930 chỉ có 8 hào 1 thúng). 1 đồng ăn 10 hào, cứ như vậy tính ra thì chỉ lo mua độc 1 thứ hàng
mã này thôi cũng tốn kém ra phết...

Đó là phố “Hàng Mã dưới”, còn phố “Hàng Mã trên” thì ngược lại, không làm các đồ mã to lớn
cồng kềnh kia, mà chỉ làm các đồ mã nhỏ như đèn giấy, hoa giấy, hoặc đồ mã thờ cúng như
mũ Ông Táo..v..v. (Còn ngày xưa đồ chơi Trung Thu cho trẻ con thì lại được bán ở phố Hàng
Gai cơ nhé).
Sau này, đến khoảng giữa thế kỷ 20, theo văn minh phương Tây, người ta dần dần không dùng
đến những thứ đồ mã to lớn trong các đám tang nữa, nên nghề làm đồ mã (to lớn) ở phố
“Hàng Mã dưới” dần tàn lụi. Người dân ở phố “dưới” này mà còn muốn giữ nghề thì chuyển cả
về phố “Hàng Mã trên”. Rồi nghề làm đồ chơi Trung Thu ở bên phố Hàng Gai cũng mất đi,
những người còn lại cũng lại chuyển về phố “Hàng Mã trên” nốt...
Bởi vậy mà ngày nay ta vẫn còn phố "Hàng Mã trên" vui tươi nhộn nhịp, còn "Hàng Mã dưới"
thì chỉ còn tồn tại trong mấy bài post dài loằng ngoằng như này mà thôi...

Đó là về ông bố của phố Mã Mây ngày nay, còn bà mẹ đẻ của nó là phố Hàng Mây thì đơn giản
hơn.
Phố Hàng Mây ngày xưa tương ứng với đoạn còn lại của phố Mã Mây bây giờ, tức là từ ngã tư
Mã Mây - Lương Ngọc Quyến cho đến chỗ giao với phố Hàng Buồm.

Khu vực lân cận phố Hàng Mây, nay là các phố Đào Duy Từ, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến,
Hàng Giày... (nói chung là cái khu bây giờ bị cấm đường để làm phố đi bộ cuối tuần trong Phố
Cổ ấy) khi trước được gọi là “khu vực cửa sông” vì chúng nằm ở sát chỗ cửa sông Tô Lịch đổ
ra sông Hồng. Cửa sông ấy chính là ngã ba phố Chợ Gạo – Trần Nhật Duật hiện nay (và vâng,
lúc ấy vẫn là một con sông Tô Lịch xanh ngát xanh như tình yêu ông bà anh chứ không phải
như ngày nay đâu ạ). Mà “trên bến, dưới thuyền”, đã là cửa sông thì luôn là địa điểm tàu bè
giao thương tấp nập lắm. Nơi ấy vốn là chỗ thuyền buôn chở các sản vật từ miền ngược xuôi
về để buôn bán, trong đó có mây tre nứa. Vì thế ở phố Hàng Mây, có những cửa hàng nhỏ bán
các đồ gia dụng đan từ mây tre, từ đó mà thành tên phố.

Kể dài dòng vậy là để thấy, phố Mã Mây mà ngày nay ta biết tới vốn được sinh ra bởi cặp vợ
chồng “Hàng Mã dưới” và “Hàng Mây”.
Mình nhớ có lần đọc được trên 1 vài trang du lịch Hà Nội (dám) viết rằng phố Mã Mây được
ghép bởi phố “Mã Vĩ” và “Hàng Mây” thì là rất sai!!! Bởi phố Mã Vĩ (tức là "lông đuôi ngựa" vì
phố này thường bán các đạo cụ sân khấu làm từ lông đuôi ngựa) thì ngày nay là một đoạn của
phố Hàng Quạt, chẳng liên quan gì đến Mã Mây cả :v (và thực ra 2 chữ “Mã” đó chỉ là đồng
âm nhưng khác nghĩa). Đề nghị các bác bán tour tham quan Hà Nội nên làm ăn có tâm chút
chứ cứ viết bừa phứa thế kia thì hỏng hết....

2. Tới Mã Mây kể chuyện Tàu


Mình luôn quan niệm lịch sử là một dòng chảy miên viễn trong cả không gian và thời gian. Một
sự kiện tồn tại trong lịch sử luôn luôn có sự xô đẩy của các sự kiện xảy ra trước và sau nó,
cũng như các sự kiện xảy ra cùng thời điểm đó nhưng ở một nơi khác.
Bởi vậy một trong những điều mình không thích ở việc dạy và học Sử thời phổ thông tại Việt
Nam đó là việc sgk Sử thường lôi 1 sự kiện ra khỏi dòng chảy lịch sử và đặt nó chơ vơ ở đó,
làm cho học sinh không hiểu gì hết trơn, dẫn tới kiểu học đối phó, và làm hỏng hết tư duy lịch
sử.

Ví dụ nhé, hồi cấp 3 học Sử về 2 lần quân Pháp đánh thành Hà Nội (năm 1873 và 1882), ta sẽ
thấy có sự trùng hợp là cả 2 viên chỉ huy quân Pháp trong 2 lần đánh này là Francis Garnier và
Henri Riviere sau đó đều bị giết ở Cầu Giấy bởi quân Cờ Đen
Nhưng quân Cờ Đen là ai? Từ đâu chui ra? Sao tự dưng lại tham gia vào các trận chiến này?
Thì sgk Sử không nói tới! (cứ thế bảo sao học sinh chả ghét Sử).

Tại sao đang kể chuyện về phố Mã Mây mà mình lại nói mấy thứ này?
Bởi mình muốn kể cho nó tường tận 1 chút. Vì vào thời Pháp thuộc, con phố này đã được
người Pháp gọi là "phố Quân Cờ Đen" (Rue des Pavillons Noirs).
Giữa thế kỷ 19, nhà Thanh bên Tàu đang vào giai đoạn suy yếu (chính là thời kỳ của Từ Hy
Lão Phật Gia!). Một sự kiện quan trọng góp phần đẩy Thanh triều rơi vào khủng hoảng là cuộc
khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1851 - 1864), khi mà một nho sĩ đã lãnh đạo người dân nổi
lên chống lại triều đình với khẩu hiệu "phản Thanh phục Minh" (chống lại nhà Thanh, khôi phục
nhà Minh).
Cuộc chiến này được xem là cuộc chiến lớn nhất thế kỷ 19 ở Trung Quốc, kéo dài tới 13 năm
và làm khoảng hơn 20 triệu người chết.

Sau cùng, nhà Thanh giành chiến thắng nhưng cũng rơi vào tình trạng kiệt quệ, để rồi bị các
nước phương Tây xâu xé. Còn đám tàn quân của Thái Bình Thiên Quốc trốn được sự truy sát
của triều đình, thì chạy tuốt luốt xuống phía Nam, vượt biên bất hợp pháp vào Việt Nam, đóng
quân ở vùng rừng núi và trở thành thổ phỉ.
Đó là các toán quân Cờ Vàng đóng ở Hà Giang, Cờ Trắng đóng ở Tuyên Quang, và nổi tiếng
nhất trong số đó là quân Cờ Đen đóng ở Lào Cai - chính là quân Cờ Đen mà ta đang nói tới
bên trên. (gọi là Cờ Vàng, Cờ Trắng, Cờ Đen là vì mấy hội này dùng cờ có màu tương ứng để
làm cờ hiệu trong quân).

Về phía Việt Nam, triều đình nhà Nguyễn lúc này đang rối tung vì vấn đề người Pháp xâm
lược, nên chỉ có thể có 1 động thái yếu ớt là cử một viên tướng ra Bắc để dẹp loạn đống quân
Cờ màu này. Đó là Phò mã Hoàng Kế Viêm (có tài liệu ghi là Hoàng Tá Viêm).

Ông Viêm này có đầu óc tính toán sâu xa, ông đã đàm phán và chiêu hàng thành công quân
Cờ Đen, rồi điều động chính quân Cờ Đen đi đánh dẹp quân Cờ Vàng, Cờ Trắng; và sau cùng
là đánh Pháp trong 2 lần Pháp chiếm thành Hà Nội.
Không nhớ mình đọc ở đâu đó có người đã ví tình cảnh lúc ấy đại để là: "sau Thái Bình Thiên
Quốc, có 3 con chó dữ xộc vào Việt Nam. Hoàng Kế Viêm đã dụ được con chó Cờ Đen, cho nó
ăn rồi sai nó đi cắn chết 2 con chó Cờ Trắng, Cờ Vàng; rồi lại sai nó đi cắn Pháp". Một so sánh
rất chuẩn!

Như đã nói, trong cả 2 lần đánh thành Hà Nội thì Pháp đều thành công rất nhanh, nhưng sau
đó thì cả 2 viên sĩ quan chỉ huy quân Pháp đều bị giết bởi quân Cờ Đen trong các trận đánh ở
Cầu Giấy.

Sau khi giết được Đại tá Hải quân Pháp Henri Riviere tại trận Cầu Giấy lần thứ 2, quân Cờ Đen
bèn kéo quân vào nội thành và chọn một con phố ở gần "Chinatown" của Hà Nội (là các phố
tập trung nhiều người Hoa kiều như Hàng Buồm, Đào Duy Từ, Lãn Ông) và đóng quân tại đó.
Bạn đoán đúng rồi đấy, con phố mà quân Cờ Đen chọn chính là phố Mã Mây (và vì thế Pháp
mới gọi phố này là phố Quân Cờ Đen).

Sau đó không lâu, Pháp - Thanh hoà hoãn với nhau sau khi nhà Thanh thua Pháp trong 1 cuộc
chiến, còn ở Việt Nam thì triều Nguyễn cũng đã đồng ý nhượng Hà Nội cho Pháp. Lúc này
phần lớn quân Cờ Đen rút về Tàu; đám ở lại Hà Nội thì nhàn rỗi sinh ra rảnh háng, lại ngựa
quen đường cũ, quay về với "thói quen" cướp hiếp giết thời còn làm thổ phỉ.
(Vậy mới thấy là việc quân Cờ Đen xuất hiện trong sử Việt chỉ là một mắt xích nhỏ trong dòng
chảy lịch sử quan hệ 3 nước Việt - Pháp - Thanh, mà sgk Sử của chúng ta đã lờ đi một cách
phũ phàng)

Có một giai thoại gắn với bọn thổ phỉ Cờ Đen ở phố Mã Mây rằng: chúng đóng quân ở đây và
thường bắt cóc trẻ con để đòi tiền chuộc. Nhưng mà dân Việt Nam lúc đấy đa phần nghèo rớt
mùng tơi, biết đứa nào là con nhà giàu mà đòi tiền bây giờ?
Thế là các bố Cờ Đen bèn nghĩ ra một cách, ấy là khi bắt cóc bọn trẻ con về, sẽ cho chúng nó
nhịn đói 1 2 ngày. Đến lúc đói mờ mắt rồi, thì các bố sẽ nấu một nồi cháo trắng thật nóng, rồi
đổ ra bát đặt trước mặt bọn trẻ con. Đứa nào nhà nghèo, quen ăn cháo rồi, thì sẽ biết đường
mà húp vòng quanh bát cho khỏi nóng, và thế là được thả đi vì có bắt thì nhà nghèo cũng chả
có tiền mà chuộc; còn đứa nào mà vục mặt vào chính giữa bát cháo ăn lấy ăn để thì chắc chắn
là chưa phải húp cháo bao giờ... suy ra đích thị là con nhà giàu!!! Cứ thế giữ lại mà đòi tiền
thôi!
Đúng chuẩn bọn Tàu thâm nho mà...

3. Và vài câu chuyện Tây


Cuối thế kỷ 19, sau khi đã chiếm xong Hà Nội, Pháp bắt đầu quy hoạch thành phố này trở
thành một "Paris thu nhỏ".
Ban đầu người Pháp đã có ý định mở rộng khu vực xung quanh phố Mã Mây này để trở thành
trung tâm của thành phố; vì như đã nói, đây là khu vực cửa sông, tập trung giao thương buôn
bán tấp nập, lại gần khu phố người Tàu, phố phường nhộn nhịp đông vui. Nhưng nghe đồn sau
đó, vì thấy khu này đất đai có phần chật hẹp, nên người Pháp đã chuyển hướng về phía Hồ
Hoàn Kiếm. Nhờ vậy mà ngày nay chúng ta mới có một loạt các con đường dài rộng theo đúng
chuẩn đại lộ Châu Âu để mà cấm đường làm phố đi bộ Hồ Gươm!

Vậy nhưng trước khi cái sự đổi hướng về phía Hồ Gươm đó được thực hiện, thì người Pháp
đã "kịp" đã xây dựng ở khu vực này vài cơ quan quan trọng của chính quyền thuộc địa rồi.

Ví dụ như Toà Thượng Thẩm ở phố Hàng Tre (gần ngay chỗ các mẹ hay ăn bánh tráng nướng
ấy). Vì Pháp cho rằng Triều đình Huế chỉ được phép xét xử các vụ án giữa người Việt với nhau
thôi, còn nếu liên quan đến Pháp thì phải đưa ra Hà Nội để xét xử tại cái Toà án Hàng Tre này.

Mà cái trò đã có Toà án thì kiểu gì cũng phải có nhà tù. Và cái nhà tù đó được Pháp đặt tại
chính con phố Mã Mây này.
Nguyên một dãy nhà bên số lẻ (khoảng từ nhà số 19 cho đến nhà số 33 ngày nay) khi trước
vốn là dãy nhà một tầng được Pháp thuê hoặc mua lại của tư nhân để làm nhà ngục. Và cái
nhà tù tạm bợ này tồn tại cũng phải được đến mười mấy năm, cho tới đầu thế kỷ 20, khi cái
nhà tù "chính quy" là Hoả Lò đi vào biên chế, thì nhà tù Mã Mây mới được cho về hưu...

Dù là được kiểm soát bởi người Việt, người Tàu hay người Tây thì khu vực quanh phố Mã Mây
vẫn luôn là một điểm giao thương quan trọng. Những năm đầu thế kỷ 20, ở Mã Mây xuất hiện
các nhà trọ dành cho dân lái buôn từ miền Trung ra. Và cũng như cái mối quan hệ toà án - nhà
tù bên trên, thì hễ cứ mở trọ cho dân buôn thì thế nào cũng có cờ bạc. Người ta nói rằng cũng
như nơi khác, ở đây quanh năm đánh bạc giấu giếm, nhưng cứ đến ngày "cát tó duy dê" (cách
người Việt đọc từ "quatorze juillet" - tức là ngày 14 tháng 7 - Quốc khánh Pháp) mà dân ta gọi
là "Ngày Hội Tây" thì sẽ có trải chiếu đánh bạc xóc đĩa công khai ngay bên lề đường không
phải sợ bố con thằng nào...

Đến đây tự dưng mình nhớ ra rằng ngày nay, mỗi dịp đầu năm đi chúc Tết trong Phố Cổ, vẫn
thường nhìn thấy những chiếu bạc đầu năm mở sới công khai trên vỉa hè... Thôi thì cũng là một
kiểu kế thừa truyền thống... chỉ là "ngày Hội Tây" và "ngày Hội Ta" lệch nhau mất nửa năm mà
thôi LOL

Vậy thôi ạ, kể hết chuyện Ta chuyện Tàu chuyện Tây rồi thì xin dừng ở đây. Cảm ơn các mẹ
đã ngồi nghe em lảm nhảm...

____________
Ảnh: biển tên dựng tại giữa phố Mã Mây ngày nay. Trên con phố này giờ đây chẳng còn nhà tù
nữa mà thay vào đó là hàng loạt khách sạn và văn phòng du lịch; cũng chẳng ai phải húp cháo
trắng nữa mà đầy rẫy các hàng cơm rang bò nướng phở xào, thậm chí có cả 1 "trung tâm" dạy
nấu các món Việt truyền thống;
nhưng mà vẫn trên con phố ấy, cũng chẳng còn nhà nào bán đồ mã hay đồ mây tre nứa nữa....
#Đi_một_bước_kể_một_câu_chuyện
#Tập_5

Một vòng chuyện kể cây xanh quanh Hồ Gươm

Chả là mấy hôm nay ngồi nhà rảnh rang đọc báo thì thấy dư luận có vẻ xôn xao về việc Hà Nội
định thay cây quanh Hồ Gươm. Cũng phải thôi, vì ở một nơi được xem là trái tim của vùng đất
ngàn năm lịch sử, thì đến cái cây cũng là 1 dạng di sản...

Tập lần này của “Đi một bước...” sẽ hơi đặc biệt một tí, bởi mình sẽ không tập trung vào một
con phố nhất định như mọi khi; mà mình sẽ đưa các bạn đi tham quan một vòng cái “bảo tàng”
cây xanh quanh Hồ Gươm, để từng gốc cây ấy kể cho các bạn nghe những câu chuyện hay ho
về lịch sử văn hóa...

Nên lần này sẽ là đi một (vài trăm) bước, kể một (chục) câu chuyện nhé.
Bài sẽ dài, nên hãy kiên nhẫn ạ...

Bắt đầu từ Vườn hoa Lý Thái Tổ. Vào những ngày mùa xuân, khi đi qua đây, bạn sẽ nhìn thấy
quanh tượng đài cụ Lý có trồng một loạt những cây có nhiều chùm hoa màu vàng cam, làm rực
sáng cả tán cây.
Đó là cây hoa Vô Ưu (nghĩa là “không có ưu phiền”) – loài cây đã chứng kiến sự ra đời của
Đức Phật.

Tương truyền, khoảng 600 năm trước Công Nguyên, dưới chân núi Himalaya có nước Ca-Tỳ-
La-Vệ, được trị vì bởi vua Tịnh-Phạn và hoàng hậu Ma-Da. Theo tục lệ ở đây, phụ nữ khi sắp
sinh con đầu lòng sẽ quay về ở nhà cha mẹ đẻ. Hoàng hậu lúc đó đang mang thai, trên đường
trở về nhà, bà cùng đoàn tuỳ tùng ghé lại nghỉ chân ở Vườn Lâm-Tỳ-Ni. Lúc đang dạo chơi
trong vườn, Hoàng hậu đột ngột trở dạ, đưa tay vịn vào cành cây hoa Vô Ưu mà sinh ra Thái
tử Tất-Đạt-Đa Cồ-đàm, người mà sau này sẽ trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Vô Ưu lại được trồng nhiều quanh tượng đài vua Lý. Lý Thái
Tổ là một vị vua sùng kính đạo Phật, trong thời gian trị vì của ông nói riêng và triều Lý nói
chung, Phật Giáo đã phát triển đến cực thịnh và trở thành quốc giáo. Trồng một loài cây thiêng
của Phật giáo ở nơi tượng đài một vị vua tôn sùng đạo Phật, thì là quá hợp lý còn gì...

À xin nói thêm là khi du nhập vào Việt Nam, hoa Vô Ưu còn được gọi bằng một cái tên khác
(chắc là gần gũi hơn) là hoa Vàng Anh. Nhưng cá nhân mình vẫn thích cái tên “Vô Ưu”, rất ý
nghĩa, mà đọc lên nghe nó lại sang mồm hơn bao nhiêu = ))

Từ Vườn hoa Lý Thái Tổ, băng qua đường Đinh Tiên Hoàng sang phía sát Hồ Gươm, bạn sẽ
gặp ngay một gốc cây lớn, xù xì, trên thân có rất nhiều cục u to hơn nắm tay, đó là 1 cây Gạo
cổ thụ, đã trồng ở đây từ đầu thời kỳ Pháp thuộc.

Người Việt quan niệm “cây Gạo có ma, cây Đa có thần”. Người ta tin rằng trên cây Gạo có
nhiều hốc, là nơi hồn ma trú ngụ; thân cây thẳng, lại nhiều u nhiều gai, giống như những bậc
thang để các hồn ma này leo lên thế giới bên trên. Cũng vì thế mà ở các làng quê, người ta
hay trồng cây Gạo ở ngoài cánh đồng hoặc ở bãi tha ma, với mục đích là “dồn” ma ra xa khỏi
làng, để các chúng khỏi quấy nhiễu người dân...
Thế tại sao lại cứ phải là “ma cây Gạo” mà không phải 1 loại cây nào khác nhỉ? Trong “Truyền
Kỳ Mạn Lục” của Nguyễn Dữ có kể 1 câu chuyện sự tích Ma Cây Gạo khá hay, tóm lược như
sau:

Trình Trung Ngộ vốn là một thương nhân trẻ tuổi, giàu có, đẹp trai (đúng chuẩn soái ca)
thường đi buôn bán bằng thuyền. Trong một lần đi buôn, chàng đem lòng yêu một cô gái xinh
đẹp hay tựa vào lan can cầu mà ôm đàn gảy mấy khúc nhạc buồn. Hai người thường chuyện
trò đằm thắm, hằng đêm vẫn đưa nhau xuống thuyền để abcxyz (chậc chậc) và còn thề sau
này chết sẽ chôn chung một huyệt.
Có người bạn nhắc Trung Ngộ rằng đang ở nơi đất khách, phải biết cẩn thận tìm hiểu kỹ càng.
Nghe lời bạn, Trung Ngộ gặng hỏi mãi, nên một đêm nàng đành dẫn chàng về nhà mình. Khi
bước vào nhà, Trung Ngộ chỉ thấy giữa nhà đặt một cái quan tài, bên trên có bài vị ghi tên
người yêu mình, cạnh đó là tượng một cô gái tay ôm đàn. Sợ quá, chàng bỏ chạy, từ đó ốm
nặng, đêm nào cũng nghe tiếng người yêu gọi, bạn bè phải trói chàng lại. Một đêm, chàng cởi
được trói, bỏ đi. Bạn bè đi tìm thì đã thấy chàng nằm ôm quan tài của nàng mà chết, họ chôn
cả 2 người ở đấy.
Từ đó, đêm đêm người ta thường thấy 2 con ma dắt nhau vừa đi, vừa hát, vừa khóc, gieo tai
vạ cho thôn. Người dân bèn vứt hài cốt của 2 người họ xuống sông, thì 2 hồn ma lại nhập vào
cây Gạo cổ thụ bên bờ sông, tiếp tục tác quái, không ai chặt nổi cây. Có một đạo sĩ lập đàn tế,
cầu thần linh trừ 2 tên dâm quỷ. Sấm sét nổi lên, cây Gạo bị sét đánh gãy nát. Trên không
trung có tiếng roi vọt và tiếng kêu khóc thảm thiết, 2 con ma bị âm binh lôi đi...

Có một giai thoại rằng, sau khi chiếm xong Hà Nội và xem xét vài nơi khả thi, Pháp đã chọn
khu vực quanh Hồ Gươm để làm trung tâm hành chính, và xây dựng Tòa Đốc Lý (tòa thị chính
thành phố) ở ngay vị trí của UBND TP Hà Nội bây giờ. Lúc chuẩn bị xây, có người mách cho
mấy bố người Pháp về cái sự “trồng Gạo để dồn ma” nói trên của người Việt, thế là mấy bố
Pháp (chắc vì sợ quá) mà răm rắp nghe theo, cho trồng ngay 2 cây Gạo ở phía bên kia đường,
sát Hồ Gươm, để “dụ” ma tránh xa chỗ làm việc của mình = ))

2 cây Gạo thời đó, nay chỉ còn 1 cây, chính là gốc Gạo cổ thụ đối diện Vườn hoa Lý Thái Tổ
mà ta đang nói tới. Cây Gạo còn lại vốn ở trước cửa đền Ngọc Sơn, lệch về phía Tháp Bút,
nhưng đã chết từ lâu, nay không còn nữa....

Men theo vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng mà đi về phía đền Ngọc Sơn, chỉ độ vài chục bước
chân từ gốc Gạo cổ thụ, đến khi nào mà nhìn sang bên kia đường thấy phố Trần Nguyên Hãn,
thì lúc đó bạn đã đứng dưới gốc cây Lộc Vừng nổi tiếng của Hồ Gươm. Và chỉ cách đó vài mét
về phía mép Hồ, là 1 cụm 9 cây Lộc Vừng chụm vào một chỗ (mà người ta vẫn hay gọi là “cây
Lộc Vừng 9 gốc”).

Những cây Lộc Vừng này được nhiều người biết tới bởi cứ đến khoảng giữa tháng 3, mùa Lộc
Vừng thay lá, là cả góc Hồ chỗ này sẽ được dát vàng màu lá Lộc Vừng, cả trên ngọn cây lẫn
dưới gốc cây, đẹp rực rỡ, làm các nghệ sĩ nhiếp ảnh (cả nghệ sĩ xịn lẫn nghệ sĩ còn-xa-mới-
xịn) cứ gọi là thích mê tơi....

Xét về ý nghĩa, Lộc Vừng được xem là 1 trong 3 loài cây “Tam Đa”, trong đó Lộc Vừng là Lộc;
Sung là Phúc (ý là “sung túc”); và Vạn Tuế là Thọ. Cũng thật tình cờ và đầy bất ngờ là quanh
Hồ Gươm lại có đầy đủ cả 3 loại cây Tam Đa ấy (một cây Sung mọc dưới chân Tháp Bút, còn
Vạn Tuế được trồng rải rác ở vườn hoa).

Những ý nghĩa như thế đa phần chỉ phổ biến trong giới chơi cây cảnh, còn đối với người dân
Hà Nội sống quanh Hồ Gươm, mấy gốc cây Lộc Vừng già này chỉ đơn giản là nơi tập thể dục,
tập dưỡng sinh, và cả nhảy đầm mỗi sáng mà thôi... À dạo gần đây từ khi có Phố Đi Bộ thì còn
là chỗ ngồi đắt hàng của các họa sĩ truyền thần nữa....

Bước tiếp trên vỉa hè rộng thênh thang đúng chuẩn đại lộ Châu Âu, chẳng mấy mà gặp đền
Ngọc Sơn (ở cổng đền cũng có vài cây hoa Vô Ưu). Đứng từ đây nhìn sang bên phía Tượng
đài Cảm Tử, sẽ thấy một cây Đa rất lớn, tỏa bóng xanh um một góc trời, với hàng trăm sợi rễ
nhỏ rủ xuống. Đó chính là cây Đa đền Bà Kiệu.

Gọi là “cây Đa đền Bà Kiệu”, đơn giản vì nó đã đứng bên đền Bà Kiệu hàng trăm năm nay.
Người ta vẫn kể lại rằng, ngày xưa, có lẽ trước cả khi có 2 cây Gạo mà mình đã kể, thì ở bên
Hồ Gươm từng có 1 cây Gạo khác, ở chính vị trí của cây Đa đền Bà Kiệu ngày nay, và nó nằm
bên trong thân cây Đa, được cây Đa “ôm” lấy. Nhưng lâu dần, cây Gạo chết đi, tạo ra một
khoảng rỗng bên trong cây Đa đến tận bây giờ.

Tìm hiểu một chút về tập tính sinh trưởng của cây Đa, bạn sẽ biết giới khoa học gọi hiện tượng
này là sự “thắt nghẹt” hay “bóp cổ” của cây Đa đối với cây chủ. Khi hạt Đa theo chim ăn hạt
phát tán đi, nảy mầm trên tán một tán cây khác, nó sẽ phát triển ngay trên cây chủ ấy, bộ rễ
của nó sẽ bao bọc lấy cây chủ, làm cho cây chủ chết dần để thế chỗ...

Mặc kệ sự đấu tranh sinh tồn tàn khốc trong tự nhiên ấy, người Hà Nội vẫn kể mãi về cây Đa
cây Gạo bên đền Bà Kiệu như một mối tình chung thủy, quấn quýt với nhau cả đời, rồi một cây
chết đi, để lại trong “lòng” cây còn lại một khoảng trống không thể lấp đầy.... (thật là cảm
động!!!)

Vì đang cùng nhau đi một vòng quanh Hồ Gươm, nên chúng ta sẽ không rẽ vào bên trong đền
Ngọc Sơn (và vào trong Đền cũng phải mất tiền vé nữa); chỉ xin để lại 1 chú ý nhỏ rằng, chi tiết
“cây Si cổ thụ trong đền Ngọc Sơn bị bão quật ngã, rồi được người Hà Nội cứu sống” ở cuối
truyện ngắn “Một Người Hà Nội” của Nguyễn Khải trong sgk Văn lớp 12 (có ai còn nhớ
không?), vốn được dựa trên một sự kiện có thật. Và cây Si ấy ngày nay vẫn còn sống nhăn.

Từ cổng đền Ngọc Sơn, đi tiếp về phía Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, băng qua mấy gốc
cây Sưa Đỏ có giá cả chục tỷ (may mà mấy cụ Sưa này nằm ở khu trung tâm, chứ không chắc
cũng bị “Sưa tặc” cưa trộm đem bán lâu rồi), là sẽ nhìn thấy tòa nhà Hàm Cá Mập.

Đến đây, mình sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện có thật, còn creepy hơn chuyện về cây
Gạo bên trên.
Từ chỗ Hàm Cá Mập cho tới KFC Bờ Hồ ngày nay, thời đầu Pháp thuộc, vốn là một bãi cỏ rất
rộng, chỉ mọc mấy cây dừa lớn. Người ta gọi khu đất này là “Bãi Gáo”, còn mấy cây dừa đó là
“cây dừa bêu đầu”.

Cái tên rùng rợn này xuất phát từ việc vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Pháp
thường đem chém những người Việt dám đứng lên chống lại chính quyền thực dân ở đây, rồi
treo đầu họ lên mấy cây dừa này để răn đe người dân. Mỗi lần như thế, bên dưới gốc cây sẽ
có dán cáo trạng đầy đủ của những người tử tù kia. Sau này, chẳng biết có phải để tăng sức
đàn áp về tâm lý hay không, Pháp còn cho đóng cọc trên bãi đất, rồi cắm luôn cái đầu tử tù trên
cái cọc ấy chứ chẳng thèm treo lên nữa...

Tất nhiên trước cảnh tượng đó thì ai cũng rùng mình, nhưng vẫn có những bà những cô, đánh
liều cầm mảnh giấy hứng những giọt máu nhỏ xuống từ những cái đầu tử tù kia, rồi đem về
dán ở đầu giường, cho rằng đó là bùa để trừ ác quỷ Phạm Nhan (loại quỷ mà dân gian tin là
chuyên gieo rắc bệnh phụ nữ, làm hại sản phụ). Viết đến đây chợt mình nhớ tới chi tiết cái
bánh bao tẩm máu tù nhân bị chém, dùng để làm thuốc chữa bệnh lao trong truyện ngắn
“Thuốc” của Lỗ Tấn. Trong cùng 1 khoảng thời gian như nhau, hoàn cảnh như nhau, đã có
những người Việt Nam và người Trung Quốc ngu dốt như nhau....

Chẳng ai ngờ, cái chỗ hành hình và bêu đầu những tử tù mà ít người dám bén mảng tới ấy,
hơn một trăm năm sau, lại là nơi đông đúc sầm uất bậc nhất của thành phố...

Tiếp tục rảo bước, đến khi nhìn thấy đài phun nước thì là ta đã đứng ở giữa Quảng trường
Đông Kinh Nghĩa Thục rồi. Cái quảng trường nó có tên hẳn hoi, nhưng hầu như chẳng mấy ai
quan tâm, người ta chỉ đơn thuần gọi nó là “đài phun nước Bờ Hồ”.

Nếu đứng từ cửa hàng KFC Bờ Hồ và nhìn sang phía Hồ Gươm, bạn sẽ thấy một cây cổ thụ
khá lớn với những chiếc lá có hình tim, đó chính là cây Bồ Đề duy nhất ở khu vực xung quanh
Hồ Gươm. Chuyện cây Bồ Đề gắn liền với sự thành đạo của Đức Phật thì chắc ai cũng biết rồi
(chưa biết thì mời google ạ). Nên với cây Đề này, mình sẽ kể một câu chuyện khác, với mốc
thời gian gần chúng ta hơn nhiều...

Tới gần cây Đề, ngước nhìn lên cái cành cây lớn nhất vươn ra phía Quảng trường Đông Kinh
Nghĩa Thục mà soi kĩ một lúc, ta có thể thấy những sợi dây thép hoen gỉ được quấn quanh
cành cây. Đó chính là những vòng dây dùng để treo một cái “loa hình nấm” (người ta gọi thế
chứ thực ra mình thấy giống hình đĩa bay kiểu UFO hơn...) rất quen thuộc với người dân thủ đô
những năm 1960s, 1970s... (xem ảnh cái loa ở top comments nhé)

Bố mẹ mình kể: thời đó những chiếc loa UFO này được treo khắp thành phố. Dưới những cái
loa ấy, người Hà Nội đã tụ tập bên nhau mỗi đêm Ba mươi để nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết...

Cũng cùng nhau, họ đã khóc dưới những chiếc loa này vào năm 1969, khi người ta thông báo
bệnh tình của Bác trở nặng, và cả tin Bác đã ra đi...

Nếu từng xem những phim tài liệu về cuộc chiến Hà Nội 12 Ngày Đêm - Điện Biên Phủ Trên
Không năm 1972, bạn sẽ thấy có những tiếng phát thanh “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý!
Máy bay địch cách Hà Nội 70 ki-lô-mét...” thì cũng chính là phát ra từ những chiếc loa này. Bố
mình bảo, thời ấy báo động vậy thôi, chứ nghe “còn cách Hà Nội 50km” chưa kịp nhảy xuống
hầm, ngẩng lên đã thấy máy bay ở ngay trên đầu rồi....

Và, người Hà Nội lại ôm nhau vỡ òa sung sướng dưới những cái loa này vào trưa ngày 30
tháng 4 năm 1975.

Đến giờ, chúng ta chẳng còn biết đến những chiếc “loa hình nấm” này nữa, đơn giản vì nó đã
hoàn thành xong sứ mệnh lịch sử của nó, và chắc chỉ còn vài cái trong bảo tàng... Bỗng dưng
mình lại nghĩ đến vụ gần đây người ta cãi nhau về việc bỏ loa phường.... = )))

Cứ theo vỉa hè quanh Hồ mà đi tiếp, qua hàng kem Thủy Tạ nổi tiếng, là sẽ vào đường Lê Thái
Tổ. Dọc con đường này được trồng thẳng tắp một hàng Xà Cừ rất lớn – loại cây vẫn được xem
là cây đô thị tiêu biểu của những con phố Pháp ở Hà Nội.

Mình có đọc được rằng, ban đầu người Pháp cho trồng nhiều Xà Cừ để lấy bóng mát thật,
nhưng rồi nhận thấy loại cây này có bộ rễ ăn ngang, chứ không đâm sâu xuống lòng đất, nên
rất dễ đổ mỗi lần có mưa bão lớn. Thành ra người Pháp đã cho dừng việc trồng Xà Cừ, nhưng
sau khi tiếp quản Thủ đô, thành phố Hà Nội (vì một lí do nào đó) lại cho trồng lại giống này...

Không biết thông tin này có chuẩn xác không, nhưng rõ ràng tới gần đây, người ta lại lấy lý do
cây Xà Cừ dễ đổ ra để thay một loạt cây xanh trong thành phố....

Tản bộ trên đường Lê Thái Tổ, khi đi qua phố Báo Khánh (mà người ta cứ gọi nhầm là “Bảo
Khánh”), đừng chỉ mải ngắm những tán Xà Cừ xanh ngát mà quên mất rằng bạn sắp được diện
kiến cụ cây già nhất khu vực quanh Hồ Gươm, cũng có thể là già nhất ở nội đô Hà Nội – đó
chính là cây Đa đại thụ hơn 300 năm tuổi trong sân tòa soạn báo Nhân Dân. Chỉ cần đứng từ
vỉa hè bên phía mép Hồ, nhìn sang bên kia, cũng đã trông thấy cụ Đa này rồi.

Những cây Đa già cỗi trong thành phố như thế này là dấu tích còn lại của các làng Việt cổ, bởi
ai cũng biết, mỗi làng quê Việt Nam xưa đều có trồng Đa ở đầu làng hoặc ở sân đình. Ở Thăng
Long cũng vậy, vào thời phong kiến, ngoài khu vực thành quách của giới quý tộc, thì dân cư
vẫn sống trong những ngôi làng chen vai sát cánh với nhau. Và những cụ Đa còn tồn tại lại sau
quá trình đô thị hóa này chính là kí ức về những làng quê đó... Thế nên có người nói, giờ muốn
tìm những gốc cây trăm tuổi thì trên rừng không có đâu vì phá rừng hết rồi, chỉ còn tìm vào
trung tâm Hà Nội may ra mới có thôi....

Năm 1835, dưới bóng cây Đa này, cụ nghè Vũ Tông Phan đã lập trường Hồ Đình (còn gọi là
trường Tự Tháp) ở chính vị trí của trụ sở báo Nhân Dân bây giờ. Đây là một trong những
trường học tư thục đầu tiên ở Thăng Long, có sức ảnh hưởng rất lớn tới phong trào Đông Kinh
Nghĩa Thục sau này. Cũng dưới gốc Đa ấy, Hội Hướng Thiện ở Thăng Long với 2 thành viên
cốt cán là Vũ Tông Phan và Nguyễn Văn Siêu đã từng bước hiện thực hóa ý tưởng chấn hưng
văn hóa Thăng Long, mà một bước trong số đó là dựng đền Ngọc Sơn năm 1841 và xây cụm
công trình Tháp Bút – Đài Nghiên – Đình Trấn Ba năm 1865.

Đủng đỉnh đi hết con đường Lê Thái Tổ, ta sẽ gặp phố Hàng Khay. Thời đầu Pháp thuộc, phố
này và phố Tràng Tiền vốn được gộp vào gọi chung là Phố Thợ Khảm (rue des Incrusteurs) vì
có nhiều nhà làm nghề khảm trai. Người ta kể lại rằng, đây là con phố đầu tiên được người
Pháp cho lát vỉa hè và trồng rất nhiều Phượng Vĩ 2 bên đường. Nhưng sau đó, người Pháp
sống ở khu vực này đã phàn nàn rằng những gốc cây chắn lối vào cửa hàng của họ, rồi thì vì
có lắm cây nên đến mùa hè người Pháp lại điên đầu vì tiếng ve kêu, và lại đổ tội vì nhiều cây
sinh ra nhiều muỗi gây bệnh sốt rét... Rốt cục, cũng lại là chính quyền Pháp cho chặt bỏ 2 hàng
Phượng ấy.

Ngày nay, ven bờ Hồ ở chỗ này có rất nhiều Liễu. Mình vẫn nhớ hồi bé, mỗi lần viết Tập Làm
Văn tả Hồ Gươm, là thể nào cũng: “những cây Liễu rủ lá xuống mặt Hồ như những cô gái đang
gội đầu” = )) Thật chẳng biết Xuân Diệu nhìn đâu mà thấy “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang”
buồn như trấu cắn thế, chứ với mình thì hàng Liễu này lúc nào cũng mang một cảm giác bình
lặng, an yên...

Theo hàng Liễu mà đi tiếp vài bước chân, thì sẽ tới một vườn hoa nhỏ, nơi người ta dựng một
cái đồng hồ bằng kính rất to (mà lại quay ra phía Hồ, chắc để cho rùa với cá xem giờ...). Ở vị trí
cái đồng hồ này, khi trước là một chợ hoa tươi nổi tiếng của Hà Nội, mà người ta vẫn gọi đơn
giản là “Quán Hoa” (vì có nhiều quán bán hoa). Đây là nơi tụ về của các gánh hàng từ những
làng hoa nổi tiếng quanh Hà Nội như Tứ Liên, Hữu Tiệp và đặc biệt là Ngọc Hà. Chẳng thế mà
người Hà Nội có câu:
“Ngày Rằm đi chợ mua hoa
Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua...”

Đi qua chỗ trước kia là Quán Hoa ấy, ta sẽ lại về đầu đường Đinh Tiên Hoàng. Lúc này đón ta
sẽ là một hàng Sấu già chạy thẳng từ đầu đường, qua Tháp Hòa Phong tới tận quá chỗ Bưu
Điện Hà Nội, và cả con phố Đinh Lễ ở gần đó cũng rợp trong bóng mát của những cây Sấu.

Người ta cứ nghĩ Hà Nội khi vào thu thì mới có cảnh “tháng Tám mùa Thu, lá khởi vàng chưa
nhỉ?” nhưng ít ai biết Hà Nội còn một mùa lá vàng nữa, ấy là cuối Xuân đầu Hạ, vào khoảng
tháng Ba tháng Tư, chính là mùa thay lá của Xà Cừ, của Lộc Vừng, và đặc biệt là của Sấu.
Những ngày lá bay ấy, cả đoạn đầu đường Đinh Tiên Hoàng này sẽ ngập vàng trong lá Sấu
rụng, để đến tầm tháng Sáu tháng Bảy (tức là thời gian bạn đang đọc bài viết này đây), Sấu sẽ
kết quả sai trĩu cành, là thứ quả đặc sản của mùa Hè Hà Nội.

Bố mẹ mình nói, thời bao cấp, vào mùa Sấu ra quả, cả trẻ con lẫn người lớn cứ đua nhau trèo
cây để hái Sấu. Mà thân cây Sấu thì vừa thẳng vừa cao, cành cây lại giòn, lỡ chẳng may ngã
xuống thì không vỡ đầu cũng gãy tay què chân... thế nên thời đó, người ta bảo cứ đứa nào trèo
Me, trèo Sấu, và nhảy tàu điện thì đều là con nhà hư hỏng cả...

Hư hỏng không thì không rõ, chỉ biết rằng từ trước đến nay, người Hà Nội vẫn luôn yêu Sấu
như thế, như Băng Sơn viết: “trong máu người Hà Nội, có vị chua của Sấu”.

Đi qua hàng Sấu, chẳng mấy bước chân nữa là ta gặp lại cây Gạo cổ thụ rồi, cũng là hết một
vòng cây xanh quanh Hồ Gươm.

Trong một lần đi dạo ở Phố Đi Bộ, mình từng rất ấn tượng với hình ảnh một bác nghệ sĩ già,
ngồi dưới gốc cây Gạo xù xì này, ôm cây đàn banjo cắm vào chiếc loa cũ rè rè, và say sưa tấu
lên bài Tiến Về Hà Nội của Văn Cao. Chắc là mấy chục năm nay rồi vẫn cứ là: “Năm cửa Ô
đón mừng đoàn quân tiến về”...

Lúc chiều nay đọc báo, thấy mừng húm vì UBND Thành Phố đã xác nhận là không có chuyện
sẽ thay cây quanh Hồ Gươm; vậy mà kéo xuống bên dưới vẫn có những comment kiểu như:
“nên bỏ bớt những cây già nua xấu xí, tránh làm mất mĩ quan đô thị”.

Chẳng biết theo họ thế nào mới là mĩ quan đô thị, nhưng cá nhân mình thấy, bài Tiến Về Hà
Nội mà được đàn lên dưới gốc 1 cái cây non còi cọc mới trồng, thì thật là lạc quẻ hết sức (!)

____________________
P.S: vì mình kiếm được vài cái ảnh hay ho mà ko muốn up nhiều ảnh cùng post, nên mọi người
chịu khó kéo xuống xem ảnh ở dưới top comments nha.

P.P.S: à quên, vì bài rất rất dài, nên như thường lệ, cảm ơn những ai đã đọc hết :”>
— đang nghethe Rain.

You might also like