You are on page 1of 3

Suy niệm

Trong xã hội Do Thái, thời Ðức Giêsu có ba việc mà người đạo đức phải thực hiện suốt đời mình, đó là: cầu nguyện, ăn
chay và bố thí. Người Pharisêu trong câu chuyện hôm nay là một người đạo đức. Ông hãnh diện về việc chu toàn lề luật,
ăn chay... Ông thực là một người đạo đức, được mọi người chung quanh tôn trọng. "Khiêm tốn là dám chấp nhận những
gì mình có được để phục vụ cộng đoàn". Người Pharisêu có thể được coi là "người khiêm tốn", nhưng ông hết khiêm tốn
khi đánh giá những việc làm của mình và khinh khi người khác. Hơn thế nữa, trước mặt Thiên Chúa, con người chỉ là con
số zêrô lớn. Ông hết khiêm tốn khi hãnh diện về những việc đã làm và tự đánh giá mình "hạnh kiểm loại A" trước mặt
Thiên Chúa. Sự công chính của một người không phải chỉ là những thành quả cá nhân trong đời sống đạo đức, nhưng
còn phải tin vào Thiên Chúa và mở lòng đón nhận ơn cứu độ đến từ Người. Nói như thế không phải muốn làm giảm nhẹ
những việc đạo đức cá nhân, nhưng việc đạo đức cá nhân đó phải được thực hiện với lòng tin, cậy, mến yêu Thiên Chúa,
đồng thời không coi thường người khác.

Ðời sống của các vị thánh là một bằng chứng rõ nét. Phong thánh cho một người là đặt người đó làm kiểu mẫu, chuẩn
mực, tiêu biểu cho đức tin, cậy, mến Kitô giáo (canonization nghĩa là chuẩn mực hóa, hay còn nghĩa là phong Thánh). Các
vị thánh thực hiện các nhân đức như thương người, khổ chế, cầu nguyện... vì các vị tin vào Thiên Chúa "hết lòng, hết linh
hồn, hết trí khôn". Nếu không thế, các vị chỉ là những vĩ nhân của cuộc đời. Vả lại, các việc đạo đức các vị làm được
không cầu mong được "cấp bằng khen", "giải thưởng" này khác (chắc chắn Mẹ Têrêsa Calcutta không mong những giải
thưởng đời ban tặng, nhưng thực tế, Mẹ có nhiều giải thưởng.).

Người thu thuế trong dụ ngôn là người nhận mình chẳng có nghĩa lý gì trước mặt Thiên Chúa. Ông là người bị xã hội Do
Thái đánh giá là người tội lỗi. Những người chung quanh - nhất là "những người đạo đức" coi thường ông. Ông đứng xa
xa, cầu nguyện như một người đầy mặc cảm vì bị coi thường, nhưng cũng như một người đầy lòng khiêm tốn "không
dám ngước mặt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội'". Ông cần Thiên Chúa
thương xót và cứu độ. Lòng đầy tin tưởng và cần đến Thiên Chúa đã được Thiên Chúa chuẩn nhận "người này ra về
được khỏi tội". Cho dù ông có thực sự tội lỗi đến đâu, lời Ðức Giêsu nói đã công chính hóa ông. Thiên Chúa luôn là Ðấng
đưa tay cứu vớt con người khi họ biết đưa tay cầu cứu Người. Sự công chính của mỗi người cũng bắt đầu từ lúc họ biết
đấm ngực, cúi mình xuống và xin Thiên Chúa thương xót.

Phải chăng chúng ta là người "đạo đức" - theo kiểu Pharisêu - hay chúng ta là người "công chính" vì cần đến Thiên Chúa
cứu độ - như người thu thuế.

Suy niệm : Đi đọc kinh xem lễ, làm việc lành phúc đức, ăn chay cầu nguyện là điều rất nên làm. Nhưng khi làm với Thái
độ kiêu căng, tự cao tự đại, tự mãn cho mình là người công chính, cho mình là người đạo đức thì không tốt qua bài dụ
ngôn hôm nay Đức Giê-su cảnh cáo những người có thái độ này. Đối với chúng ta nhiều khi mình không tự cao, tự mãn
nhưng khi cầu nguyện mình lại không đủ khiêm tốn, tự hạ vậy khi cầu nguyện để được Thiên Chúa nhậm lời ta phải có
thái độ tin tưởng và khiêm nhường như người tội lỗi hôm nay.

3. Sống Lời Chúa : Khiêm nhường để sám hối và được ơn tha thứ.

4. Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhìn nhận mình là người tội lỗi như người thu thuế hôm nay hầu để lời
cầu nguyện của con được Thiên Chúa nhậm lời Amen.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, bắt đầu phút cầu nguyện, trước hết con dâng lên Chúa tâm tình khiêm tốn. Trước mặt Chúa Toàn
Năng, con chẳng đáng là gì. Lời cầu nguyện khiêm tốn của con không phải chỉ để xin ơn, nhưng là để nhận biết những ơn
lành Chúa ban, để dâng lời cảm tạ Chúa, lời cầu nguyện khiêm hạ không làm con yếu đuối, nhưng thúc đẩy con trở nên
can đảm chấp nhận mọi sự thật về mình. Con nhận biết khuyết điểm hạn chế của con để sẵn sàng đón nhận ân sủng
Chúa ban.
Chúa đã tuyên dương thái độ của người thu thuế, vì ông khiêm tốn thống hối ăn năn và chờ đợi ân sủng cứu độ từ
lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa cho con đừng chỉ dừng lại nơi việc thống hối bên ngoài, nhưng biết đi sâu vào nội
tâm và thể hiện trong cuộc sống: biết đến với Chúa trong tâm tình tin tưởng phó thác và biết đối xử với anh em trong
tinh thần huynh đệ cảm thông.
Lạy Chúa Giêsu, hình ảnh tuyệt đẹp trong cuộc sống là lúc Chúa liên kết với Chúa Cha trong lời cầu nguyện. Xin Chúa
dẫn đưa con đến với Cha trong tâm tình yêu mến.

Lạy Chúa, hằng ngày con vẫn cầu nguyện trong giờ kinh lễ, và ngay lúc này con đang cầu nguyện với Chúa. Xin Chúa
giúp con khiêm tốn, không tự mãn, nhưng biết mở lòng hướng nhìn về Chúa và cậy trông vào lòng thương xót bao la của
Chúa. Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô dụng, con chỉ làm công việc con phải làm. Amen.

SUY NIỆM

Cầu nguyện là một ơn huệ Chúa ban, nhất là cho một số người đặc biệt.

Ơn đặc biệt, vì khi cầu nguyện ta được Chúa tiếp nhận để tâm sự với Ngài. Đó là ơn cao quý. Vì không phải bất cứ người
nào cũng có thể gọi dây nói để nói bất cứ truyện gì, chung hay riêng với các vị nguyên thủ quốc gia. Nhưng phải là những
người đã được các vị đó trao cho trách nhiệm quan trọng cần báo cáo lại trực tiếp với họ, hoặc phải là người thân tình.
Thế mà khi ta cầu nguyện ta được nói với chính Thiên Chúa, Đấng toàn năng cao cả. Đặc biệt, vì bất cứ ở đâu, bất cứ
ngày nào giờ nào ta đều có thể cầu nguyện, và Thiên Chúa luôn luôn sẵn sàng nghe ta.

Đặc biệt, vì số người được trực tiếp với các vị nguyên thủ quốc gia không phải nhiều. Nhưng với Chúa, tất cả chúng ta là
con cái, và hễ thành tâm muốn gặp Chúa đều được Chúa lắng nghe.

Cũng chính vì những nét đặc biệt này mà khi ta cầu nguyện ta cũng phải theo đường lối đặc biệt. Nghĩa là: với tâm tình
khiêm cung và thái độ cởi mở.

Người thu thuế, là hạng người bị đông đảo quần chúng coi là tội lỗi, nhưng người tội lỗi này ý thức được tội lỗi của mình,
nên vào đền thờ với tâm tình khiêm nhường và thái độ sợ hãi nhưng tin tưởng. Vì khiêm nhường anh ta tự biết mình
không đáng đến gần bàn thờ Chúa, nên đứng xa. Không dám ngước mắt nhìn lên nhưng tin tưởng vào lòng khoan nhân
của Chúa đang nhìn mình và đấm ngực thưa: "Lạy Thiên Chúa, con là kẻ tội lỗi, xin thương xót con"... Chúa Giêsu nói:
Anh ta đã được tha thứ tất cả, được mặc áo công chính. Trái lại, người biệt phái vốn là hạng người được dân chúng coi là
đạo đức, nhưng ông ta không được tha tội, vì ông ta đã đến trước mặt Chúa với tâm tình tự phụ tự mãn, đến để khoe
công lành phúc đức chứ không xin tha tội, vì thế khi về ông ta không được nên công chính.

Suy Niệm

– Trong bài Tin Mừng hôm nay, để dạy chúng ta cách cầu nguyện, Chúa Giêsu kể dụ ngôn về người Biệt Phái và người
thu thuế. Chúa Giêsu có một cách nhìn khác khi trông thấy các sự việc. Người nhìn thấy điều gì đó tích cực trong người
thu thuế, kẻ mà mọi người nói rằng: “Hắn ta không biết cách cầu nguyện!” Chúa Giêsu, qua lời cầu nguyện, đã sống rất
hiệp nhất với Chúa Cha đến nỗi mà tất cả mọi thứ đã trở thành biểu hiện sự cầu nguyện của Người.

– Cách trình bày dụ ngôn thì mang phong cách rất giáo huấn. Thánh Luca đưa ra một lời giới thiệu ngắn gọn được dùng
như là chìa khóa cho bài đọc. Sau đó, Chúa Giêsu nói dụ ngôn và cuối cùng chính Chúa Giêsu áp dụng dụ ngôn vào cuộc
sống.

– Lc 18:9: Lời giới thiệu. Câu chuyện dụ ngôn được trình bày bởi câu sau đây: “Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với
những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác!” Câu nói này là của thánh Luca. Nó chỉ về thời
đại của Chúa Giêsu. Nhưng nó cũng chỉ về thời đại của chúng ta. Luôn có những người và những nhóm người tự hào
mình là người công chính và ngoan đạo và hay khinh bỉ kẻ khác, coi họ là những kẻ kém hiểu biết và bất trung.

– Lc 18:10-13: Câu chuyện dụ ngôn. Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Biệt Phái, một người thu thuế.
Theo quan niệm người ta vào thời bấy giờ, người thu thuế thì bị khinh khi, và họ không thể nào tự mình thưa chuyện với
Thiên Chúa bởi vì họ là những kẻ ô uế. Trong câu chuyện dụ ngôn, Người Biệt Phái cảm tạ Chúa vì ông ta tốt lành hơn
những kẻ khác. Lời cầu nguyện của ông ta không có gì khác hơn là một lời tự khen ngợi mình, lời đề cao các phẩm hạnh
của mình và khinh miệt đối với kẻ khác và đối với người thu thuế. Người thu thuế thậm chí không dám ngước mắt lên,
nhưng ông ta đấm ngực và nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!” Ông ta tự đặt vào vị trí của mình, là
vị trí của ông ta đứng trước mặt Thiên Chúa.

– Lc 18:14: Sự ứng dụng. Nếu Chúa Giêsu để cho người ta bày tỏ ý kiến của mình và nói ai trong hai người ấy ra về được
nên công chính, thì tất cả mọi người sẽ nói rằng: “người Biệt Phái!” Bởi vì vào thời ấy, đây là ý kiến chung. Chúa Giêsu thì
lại nghĩ theo cách khác. Đối với Chúa, kẻ ra về được nên công chính, nghĩa là trong một mối quan hệ tốt đẹp với Thiên
Chúa, không phải là người Biệt Phái, mà lại là người thu thuế. Chúa Giêsu làm đảo lộn mọi thứ. Điều chắc chắn rằng các
giới chức tôn giáo của thời ấy đã không hài lòng với sự ứng dụng mà Chúa đã cấu tạo trong dụ ngôn.

– Chúa Giêsu cầu nguyện. Thánh Luca cho chúng ta biết một cách đặc biệt, về đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu. Ông
cho thấy Chúa Giêsu cầu nguyện liên lỉ. Sau đây là danh sách văn bản của sách Tin Mừng Luca, trong đó Chúa Giêsu xuất
hiện trong lời cầu nguyện: Lc 2:46-50; 3:21; 4:1-12; 4:16; 5:16; 6:12; 9:16,18,28; 10:21; 11:1; 22:32; 22:7-14; 22:40-46;
23:34; 23:46; 24:30). Khi đọc sách Tin Mừng Luca, bạn có thể tìm thấy các lời khác nói về việc cầu nguyện của Chúa
Giêsu. Chúa Giêsu sống trong liên kết với Chúa Cha. Thi hành ý muốn của Chúa Cha là hơi thở của cuộc đời của Chúa
Giêsu (Ga 5:19). Chúa Giêsu cầu nguyện rất nhiều và, được nhấn mạnh để cho dân chúng và các môn đệ của Người sẽ
làm như vậy, bởi vì từ sự hiệp nhất với Thiên Chúa phát sinh ra chân lý và người ta có thể khám phá và tìm được chính
mình, trong mọi thực tế và lòng khiêm tốn. Trong cầu nguyện, Chúa Giêsu đã mật thiết gắn bó với sự kiện cụ thể của đời
sống và với các quyết định mà Người phải làm. Để trung thành với chương trình của Chúa Cha, Người đã tìm cách gặp gỡ
riêng với Ngài để lắng nghe lời Ngài. Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Thánh Vịnh. Người đã làm như bất kỳ người Do Thái
sùng đạo khác và Người thuộc lòng chúng. Thậm chí Chúa Giêsu đã thành công trong việc sáng tác bài Thánh Vịnh của
riêng mình. Đó là Kinh Lạy Cha. Cả cuộc đời của Chúa là lời cầu nguyện thường trực: “Người Con không thể tự mình làm
bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm!” (Ga 5:19, 30). Đối với Người có thể ứng dụng với những gì
Thánh Vịnh đã nói: “Phần con, con chỉ biết cầu nguyện!” (Tv 109:4).

You might also like