You are on page 1of 10

Tin Mừng Ga 8: 31-42

  Người Do thái xưa tự phụ họ là con cháu tổ phụ Abraham. Tức là người thong dong Nhưng Chúa Giêsu đã nói
cho họ biết: Hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội, mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con
mới được ở luôn trong nhà. Nhưng để được làm con cái Thiên Chúa chỉ có một đường duy nhất là Đức Giêsu
Kitô. Chính Chúa đã phán: Tôi là đường là sự thật và là sự sống.

          Chúa Giêsu chờ đợi những người Do Thái mới tin Chúa, như đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe. Hãy
noi gương của Thiên Chúa và của Abraham mà phát triển mối tương quan đức tin với Ngài: "Nếu các ngươi là
con cái của Thiên Chúa Cha, thì chắc chắn các ngươi sẽ yêu mến Ta. Nếu các ngươi là con cái của Abraham thì
các ngươi hãy thi hành công việc của Abraham mà tin lời Ta".

          Với trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm nổi bật vai trò của ông Abraham đối với người Do thái.
Người Do thái luôn tự hào về dân tộc mình. Họ thuộc dòng dõi con cháu Abraham, được Thiên Chúa cứu thoát
khỏi ách nô lệ Ai cập để trở thành những người tự do. Chính vì thế, khi Chúa Giêsu nói về sự nô lệ và cần được
giải phóng thì họ tỏ ra bất bình với Người. Người Do thái chỉ nghĩ đơn thuần là họ chịu nô lệ về thể xác và đã
được giải thoát, nhưng Chúa Giêsu muốn nhắc đến vấn đề nô lệ tinh thần, nô lệ của tội lỗi: “hễ ai phạm tội thì
làm nộ lệ cho tội”. (Ga 8, 34)

          Ngài đã vạch trần sự giả tạo nơi người Dothái khi họ dựa vào tổ phụ Abraham và an tâm vì được đảm bảo
bởi uy tín của tổ phụ, nhưng lại hành động ngược lại với những gì Abraham đã làm khi xưa. Vì nếu Abraham
xưa kia có lòng mộ mến và sẵn sàng nghe lời các tiên tri, thì dân này lại đang tìm cách loại trừ vị tiên tri vĩ đại
là chính Đức Giêsu.

          Người Do Thái luôn tự hào là con cháu Abraham nên tự cho mình là người tự do, không làm nô lệ ai.
Đúng là Abraham có hai con trai, một sinh bởi người nô lệ, một sinh bởi người tự do, mà họ thì được sinh bởi
bà Sara, người vợ tự do. Nhưng thực ra họ chỉ đúng một nửa. Họ chỉ là con cái Abraham theo huyết thống, còn
những việc Abraham đã làm thì họ không làm. Abraham, cha của họ được kể là công chính “không phải sau, mà
là trước khi ông được cắt bì” (Rm 4,10). Không phải máu huyết, mà là lòng trung thành với giao ước với Thiên
Chúa mới làm cho họ thành con cháu Abraham đích thực.

          Và trong thực tế ta thấy những người Do Thái tự phụ này không thể nào thăng tiến trên con đường đức
tin. Bởi vì họ chỉ mượn danh nghĩa con cái Thiên Chúa, bà con của Abraham để hưởng lợi mà thôi. Họ cho
mình là người trong nhà, nhưng thực ra họ là những người con xa lạ, người con hoang theo như từ ngữ của đoạn
Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe.

          Nếu người Do thái tự hào là con cái Thiên Chúa thì tất nhiên họ cũng phải tin và thi hành lời Chúa như
ông Abraham tổ phụ họ. Thế nhưng trong thực tế, họ đã không tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và luôn
tìm cách giết Người. Nhận thức mình là con cái Thiên Chúa, chúng ta phải biết lắng nghe và thực hành Lời
Chúa. Đó chính là điều kiện để trở thành môn đệ của Người. Bao lâu chúng ta lắng nghe và thực hành Lời Chúa
thì bấy lâu chúng ta còn là môn đệ của Người. Nếu không, chúng ta chỉ mang danh là kitô hữu chứ không phải
là Kitô hữu đích thực.

          Ta thấy người Do Thái đang tranh luận gay gắt với Đức Giêsu. Họ hãnh diện vì mình thuộc dòng dõi ông
Abraham, nên cho mình là người tự do, chưa hề làm nô lệ cho ai bao giờ (c. 33). Đức Giêsu lại nhìn tự do theo
một chiều hướng khác Ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội, người ấy không có tự do (c. 34). Tự do không bắt
nguồn từ việc mình thuộc dòng dõi ông Abraham. Tự do đến từ việc tin vào lời sự thật của Đức Giêsu. “Nếu các
ông ở lại trong lời của tôi… các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ cho các ông được tự do” (c. 32). Tự do đến từ
chính con người của Ngài: “Nếu Người Con có cho các ông tự do, các ông mới thực sự tự do” (c.36). 

          Và rồi ta thấy người Do thái cố chấp, chỉ tìm cách giết Đức Giêsu (cc. 37, 40). Họ không muốn nhận lời
sự thật mà Ngài nghe được từ Thiên Chúa (c. 40). Khi từ chối sự thật, họ đã trở nên nô lệ cho sự dối trá và sát
nhân. Đức Giêsu là Đấng Giải Phóng, Đấng cho người ta được tự do thực sự. Con người bị trói buộc bởi nhiều
mối dây, bởi những tính toán ích kỷ hẹp hòi mà tự sức mình không sao thoát ra được. Hãy đến với Giêsu, mở ra
với Giêsu, ta sẽ thấy mình được thanh thoát như Ngài. 

          “Giả như các ông là con cái ông Abraham, hẳn các ông phải làm điều ông Abraham đã làm” (c. 39). Giả
như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi đã phát xuất từ Thiên Chúa…” (c. 42).
Như thế những kẻ chống đối Đức Giêsu thật ra chẳng phải là con cái thật sự của ông Abraham hay con cái
Thiên Chúa. Họ sống trong ảo tưởng về mình khi họ cương quyết loại trừ Đức Giêsu.  

          Những người Pharisêu đang tự hào ảo! Coi chừng chúng ta cũng có thể dẫm vào vết chân xưa đó của họ
khi ta cho mình hơn người vì là đạo dòng, là trí thức, hay có công có của giúp Giáo Hội... Nếu không thận trọng
và tiếp tục làm theo lời Chúa dạy thì ta vẫn là nô lệ cho những gì mà mình vốn tự hào.

          Ta cũng thường tự mãn vỗ ngực xưng tên là người công giáo, nhưng nhiều lúc chúng ta không sống đúng
với danh xưng ấy. Thay vì sống theo lời Chúa dạy, làm theo ý Chúa muốn, thì chúng ta lại làm theo ý riêng
mình, sống theo những đam mê dục vọng mình. Thay vì làm tôi Chúa chúng ta lại làm tôi ma quỷ, xác thịt, thế
gian.

          Để khỏi nô lệ cho tội hay ma quỷ, điều kiện là ta phải ở lại trong Lời Chúa. Bởi lẽ khi ở lại với Lời Chúa
là chúng ta giữ Lời Chúa. Mà giữ lời Chúa là dấu hiệu nói lên lòng ta yêu mến Chúa. Cũng đồng nghĩa là ta để
cho Chúa ở lại trong ta. “Chúa chính là đường là sự thật và là sự sống”. Ở lại trong Chúa thì sự thật chiến hữu
lấy ta và sự thật giải thoát ta khỏi ràn buộc của tội lỗi. Nhờ thế ta có được sự sống của Chúa.

          Muốn đến cùng Thiên Chúa Cha, chỉ có con đường duy mhất Chúa Cha làm ra để trước là cho chính
Chúa Cha đến với ta. Vì dù loài người đã phụ ơn và phản bội Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa là tình yêu, Ngài
như không thể bỏ được ta. Ngưới mẹ đối với con của bà đẻ ra là hình ảnh Thiên Chúa đối với ta. Chính Thiên
Chúa đã phán dù bà mẹ có thể quên con mình, nhưng Chúa không quên ta.
Tin Mừng Ga 8: 31-42

   Khi dạy cho các môn đệ “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” Chúa Giêsu nói: “Tinh thần thì sáng suốt mau lẹ,
nhưng xác thịt thì yếu đuối nặng nề”. Lời này thật chí lí với nhóm Biệt Phái trong trang Tin Mừng hôm nay.

Trang Tin Mừng hôm nay nói về chủ đề mối quan hệ của Chúa Giêsu với Abraham, Tổ Phụ của Dân Thiên
Chúa.  Gioan cố gắng giúp các cộng đoàn hiểu được cách Chúa Giêsu đặt mình trong toàn bộ lịch sử Dân Thiên
Chúa.  Ông giúp cho họ cảm nhận được sự khác biệt hiện diện giữa Chúa Giêsu và người Do Thái, và cũng như
sự khác biệt giữa người Do Thái và những người khác, tất cả chúng ta đều là con cái của Abraham.  

Những người Biệt Phái sáng suốt xưng mình là con cái Ông Abraham. Họ chỉ có một Cha, đó là Thiên Chúa.
Nhưng tính ghanh tị và ham danh lợi của họ  đã đè bẹp lí trí của họ, làm cho lòng trí họ ra chai đá cứng cỏi,
khép kín trước sứ điệp Chúa Giêsu loan báo: Họ không tin Chúa Giêsu, họ từ chối Ngài. Hơn thế nữa, họ tìm
cách giết hại Ngài. Việc đó là một việc phản nghịch với Thiên Chúa, một việc mà ông Abraham không làm, họ
phạm một tội ác lớn lao khôn tả, họ đánh mất phẩm chất và danh nghĩa của họ. Đó cũng là vấn đề đánh thức
chúng ta trong mùa chay thánh này.

            Chúa Giêsu khẳng định: Ai muốn làm môn đệ của Chúa, thì phải ở lại trong lời của Ngài. Thật vậy,
người môn đệ phải sống theo Thầy, nên giống Thầy, và cùng với Thầy thi hành sứ vụ. Nhưng chúng ta là những
con người thường sống theo tự nhiên, chiều theo những cám dỗ của ma quỷ, thế gian, xác thịt đi ngược với
đường lối của Thiên Chúa, làm tôi ma quỷ, thế gian, xác thịt, làm nô lệ cho tội, vì Chúa Giêsu đã nói: “ Hễ ai
phạm tội thì làm nô lệ cho tội”.

Thật vậy, nơi câu nói này của Chúa Giêsu được thánh Phaolô Tông đồ minh họa khi viết như sau “Sự thiện
tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tội lại cứ làm”. Sau đó, thánh Phaolô thêm rằng “Tôi
thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?”. Nhưng thánh nhân cũng trả lời:
“Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,19, 24-25a).

Chúa Giêsu đưa ra câu trả lời tương tự với những lời khác “Nếu các ông ở lại trong lời nói của tôi, thì các
ông thật là môn đệ của tôi. Các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông”.

Sự thật không gì khác hơn là Chúa Giêsu Kitô. Nếu chúng ta nhận biết và kết hiệp với Ngài bằng việc ở lại
trong lời Ngài, chúng ta sẽ trở thành con cái của Chúa và không còn là nô lệ của tội lỗi nữa. Những ai theo đuổi
dục vọng của chính mình thì làm nô lệ cho tội lỗi. Vì vậy, không ai có thể tự do như các thánh, như thánh
Phanxicô thành Assisi.

Bởi vậy chúng ta cần ở lại trong lời của Chúa, nghe và thi hành lời Chúa: chính việc ở lại trong lời của Chúa,
chúng ta mới thông hiểu sự thật là các chân lý của Chúa, các chân lý này là ánh sáng dẫn dắt chúng ta sống
đúng với phẩm giá con cái Thiên Chúa, con cái của sự tự do. Sống đúng với phẩm chất là môn đệ của Chúa
Giêsu, vì được nên giống Chúa Giêsu, là con chí ái của Chúa Cha, luôn nói và làm như Chúa Cha đã nói, đã
làm.

Lời Chúa còn là sức sống nuôi dưỡng sự sống của Thiên Chúa trong linh hồn ta, là sức mạnh giúp ta chiến
đấu với ba thù để không bao giờ làm tôi ma quỷ, thế gian, xác thịt hay làm nô lệ cho tội nữa, nhưng được tự do
sống theo ý Chúa. Khác với nhóm Biệt phái, họ xưng mình là con cái Abraham nhưng họ đã làm những việc
Ông Abraham không làm, đó là tìm cách giết Chúa Giêsu. Họ tự hào họ chỉ có một Cha là Thiên Chúa, nhưng
họ lại sống phản nghịch với Ngài, như Chúa Giêsu nói: “giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải
yêu mến Tôi, vì Tôi phát xuất từ Thiên Chúa”. 

Để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu thì cũng giống như mở lòng mình ra với Thiên Chúa.  Lời Chúa Giêsu
chính là lời của Thiên Chúa.  Chúng thông tri sự thật, bởi vì chúng làm cho mọi việc được biết như chúng đang
ở dưới mắt của Thiên Chúa và không phải như dưới mắt của người Biệt Phái.  Sau đó, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa
Giêsu sẽ dạy điều tương tự cho các môn đệ.   

Trong thực tế họ không tin nhận Chúa Giêsu, nên họ không phải là con cái Thiên Chúa. Chúng ta nhận thức
mình là con cái Thiên Chúa là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta phải sống đúng phẩm chất, đúng danh nghĩa ấy, nếu
không chúng ta chỉ mang danh mà không sống thực. Chúng ta phải sám hối tội lỗi để trở về với phẩm giá là con
cái Thiên Chúa, con cái của sự tự do, là phải biết tin nhận Chúa Giêsu, biết lắng nghe và sống lời Ngài, không
phạm tội nữa, vì phạm tội là từ chối Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng ta.

Chúa Giêsu là người con và ở mãi trong nhà Chúa Cha.  Kẻ nô lệ thì không ở trong nhà Chúa Cha. Sống ở
ngoài nhà, ngoài nhà của Thiên Chúa có nghĩa là sống trong tội lỗi.  Nếu họ chấp nhận lời của Chúa Giêsu thì
họ có thể trở thành con cái và được tự do thực sự.  Họ sẽ không còn là nô lệ nữa.  Và Chúa Giêsu nói tiếp:  “Ta
biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta:  vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các
ngươi.”  Sự khác biệt thì rất rõ ràng ngay tức thì:  “Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta.  Còn các ngươi,
các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi”.  Chúa Giêsu không cho họ quyền nói rằng họ là con
cái của Abraham, bởi vì các hành động của họ khẳng định điều trái ngược.  

Chúa Giêsu lặp đi lặp lại cùng một sự thật nhưng dùng nhiều chữ khác nhau:  “Bất cứ ai đến từ Thiên Chúa
thì lắng nghe lời của Thiên Chúa”.  Nguồn gốc của lời khẳng định này là từ tiên tri Giêrêmia, người đã nói rằng:
“Ở trong chúng, Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta.  Ta sẽ là Thiên
Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.  Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia:
‘Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA’, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta – Sấm ngôn của
ĐỨC CHÚA – Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31:33-34).
Nhưng họ sẽ không mở lòng mình ra để trải qua kinh nghiệm mới này về Thiên Chúa, và bởi vì điều này, họ sẽ
không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng đã được Chúa Cha sai đến.
            Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta sẵn sàng đến với những người chống đối tôn giáo chúng ta, sẵn
sàng đối thoại với họ, để trình bày cho họ biết Thiên Chúa và Chân Lý của Ngài, không sợ thất bại nhưng hi
vọng giúp ích cho nhiều người khác.

Chúng ta cần thông cảm với người tội lỗi, cần nhẫn nại với người khô khan nguội lạnh và cầu nguyện cho
họ. Chúng ta sẵn sàng giúp đỡ cho những người yếu đuối, nhờ đó chúng ta mới lôi kéo được nhiều người trở về
làm con Thiên Chúa, làm môn đệ của Chúa Giêsu, là biết lắng nghe và sống lời Chúa dạy. Lôi kéo nhiều người
ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, không còn làm tôi ma quỷ, thế gian, xác thịt mà sống đạo tốt hơn cho xứng đáng với
ơn rửa tội họ đã lãnh nhận, đã được cứu chuộc nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu.

Chúng ta luôn biết cầu nguyện cho mình và mọi anh em của chúng ta, để mọi người được trở về với Chúa
trong mùa chay, sống đúng với danh nghĩa là Kitô hữu của mình, và trung thành sống theo lời Chúa, mãi mãi là
môn đệ Chúa Giêsu.
 hứ Tư tuần V Mùa Chay (Ga 8,31-42)
Nô Lệ Tội Lỗi
 
Khi thi hành bổn phận của vị Khâm Sứ Tòa Thánh tại Hungary, Ðức Tổng Giám Mục Angelo Ronalli nhận
được một bức thư nặng lời chê bai và quở trách Ngài về mọi mặt do một linh mục gởi cho. Ðọc xong bức thư,
Ðức Tổng Giám Mục Angelo Roncalli không nói một lời, lòng vẫn thao thức yêu thương vị linh mục đã chỉ
trích Ngài.
Thời gian trôi qua, Ngài được phong chức Sứ Thần Tòa Thánh tại Paris, rồi lên Hồng Y Giáo Chủ ở Pénitria
và cuối cùng đắc cử Giáo Hoàng với danh hiệu là Gioan XXIII. Khi Ngài lên ngôi Giáo Hoàng thì vị linh mục
viết thư chỉ trích Ngài vẫn còn sống. Một hôm, gặp dịp giáo dân trong vùng tổ chức cuộc hành hương về Rôma
để yết kiến Ðức Tân Giáo Hoàng và cũng là vị cựu Tổng Giám Mục của họ ngày xưa. Vị linh mục nọ cũng đi
chung với phái đoàn. Ðến Rôma, vị linh mục ấy xin được gặp riêng để yết kiến Ðức Gioan XXIII, và lời thỉnh
cầu được chấp nhận.
Sau đây là câu chuyện do chính linh mục ấy thuật lại: Trong lúc đứng ở phòng khách trên điện cao Vatican
để đợi đến phiên vào triều yết Ðức Thánh Cha, đầu óc tôi cứ nghĩ đến bức thư chỉ trích Ngài năm xưa. Tôi thầm
nghĩ đã mấy chục năm qua rồi, chắc giờ đây Ðức Thánh Cha không còn nhớ nữa đâu. Nhưng nếu rủi khi Ngài
còn nhớ thì sao? Lòng tôi cảm thấy xao xuyến hồi hộp và hy vọng Ðức Thánh Cha sẽ tha thứ cho tôi.
Ðang lúc suy nghĩ miên man thì bỗng cánh cửa chợt mở, linh mục thư ký dẫn tôi vào. Vừa thấy tôi, Ðức
Thánh Cha niềm nở đưa tay bắt và mời tôi ngồi. Ngài ân cần hỏi thăm công việc mục vụ của tôi, của giáo phận
và bùi ngùi nhắc đến những người bạn cũ năm xưa bên Hungary. Ngài thương nhớ tất cả, không trừ một ai và
như thể xứ sở của tôi là chính quê hương của Ngài vậy.
Lúc ấy lòng tôi rất khấp khởi, vì chắc Ðức Thánh Cha đã quên hẳn bức thư hỗn hào ngày xưa. Câu chuyện
vẫn tiếp tục trong bầu khí vui vẻ thân tình. Bỗng tôi thấy Ðức Thánh Cha đưa tay với lấy cuốn Kinh Thánh,
Ngài mở ra để trước mặt tôi bức thư hỗn láo kia. Tôi xấu hổ và sợ hãi, tôi đang lúng túng với muôn ngàn âu lo
thắc mắc, thì Ðức Thánh Cha đã cầm lấy tay tôi cách dịu dàng và bảo: "Con đừng sợ, Cha không bao giờ giận
con đâu? Cha cám ơn con, Cha cũng là người có những khuyết điểm. Cha ngăn bức thư con viết vào Kinh
Thánh để hằng ngày đọc mà xét mình, hầu có thể dứt khoát với những khuyết điểm còn tồn tại, hoặc xa lánh
những lầm lỡ có thể xảy đến trong tương lai. Mỗi lần như thế, Cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con".
Anh chị em thân mến!
Ðức Gioan XXIII nổi tiếng là vị Giáo Hoàng hiền lành và khiêm nhượng. Ngài đã biết tận dụng những lời
phê bình chỉ trích để canh tân đời sống đức tin của mình luôn mãi. Vì những lời khen tặng, nhất là vì lịch sự,
như hậu ý vụ lợi có hại cho sự phát triển tinh thần và nhân cách của người nhận hơn là làm lợi cho họ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta đọc thấy thái độ của Chúa Giêsu đối với người Do Thái vừa mới tin
vào Ngài. Ngài thấy lòng tin của họ chưa được trọn vẹn lắm, nên Ngài đã đề nghị với họ những biện pháp thiết
thực để củng cố lòng tin đó. Nhưng Ngài đòi họ cần phải sống Lời Chúa, để cho Lời Chúa thấm nhập vào trọn
cuộc đời họ, để Lời Chúa giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ tội lỗi. Tuy nhiên, những người Do Thái này chưa có đủ
khiêm tốn để chấp nhận đề nghị của Chúa. Họ tự phụ mình là con cháu của Abraham và không cần ai chỉ dạy
thêm điều chi nữa.
Anh chị em thân mến!
Chúa Giêsu chờ đợi những người Do Thái mới tin Chúa, như đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe. Hãy noi
gương của Thiên Chúa và của Abraham mà phát triển mối tương quan đức tin với Ngài: "Nếu các ngươi là con
cái của Thiên Chúa Cha, thì chắc chắn các ngươi sẽ yêu mến Ta. Nếu các ngươi là con cái của Abraham thì các
ngươi hãy thi hành công việc của Abraham mà tin lời Ta".
Vậy, những người Do Thái tự phụ này không thể nào thăng tiến trên con đường đức tin. Bởi vì họ chỉ mượn
danh nghĩa con cái Thiên Chúa, bà con của Abraham để hưởng lợi mà thôi. Họ cho mình là người trong nhà,
nhưng thực ra họ là những người con xa lạ, người con hoang theo như từ ngữ của đoạn Tin Mừng mà chúng ta
vừa nghe.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã khuyên chúng ta
như sau: Lòng mến Chúa phải tuyệt đối. Vì như Lời Chúa dạy: "Không ai được làm tôi hai chủ". Con làm tôi
mấy chủ? Mỗi ngày hãy dành riêng ít phút thinh lặng để giúp đời nội tâm tiến lên. Lâu nay con để dành mấy
phút? Con chỉ có một việc quan trọng nhất, như Maria đã chọn phần tốt nhất là ngồi bên chân Chúa. Nếu con
không sống nội tâm, nếu Chúa Giêsu không phải là linh hồn các hoạt động của con thì con thấy nhiều, rõ nhiều
rồi, cha miễn nói thêm. Con chỉ có một của ăn là "Thánh ý Cha", nghĩa là con sống, con lớn lên bằng ý Chúa,
con hành động do ý Chúa. Ý Chúa như thức ăn để con sống lành mạnh. Ngoài ý Chúa, con sẽ chết. Con chỉ có
một giây phút đẹp nhất, giây phút hiện tại sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn. Ðời con sẽ tuyệt đẹp, nếu
con biết thêu dệt những giây phút kết hợp mật thiết với thánh ý Chúa.
Phải! ý Chúa muốn cho mỗi người chúng ta trong hiện tại là trở nên những con thảo của Ngài, chứ không
phải là những đứa con hoang. Hãy thi hành công việc của Thiên Chúa. Hãy để cho Lời Ngài thấm nhập trong cả
cuộc sống của mình.
Lạy Chúa, nhiều lúc vì tự phụ, con ỷ lại vào trí khôn, vào sức riêng của mình để xa tránh Chúa. Xin Chúa
thương ban cho con tâm hồn khiêm tốn hiền lành, để cho Lời Chúa hướng dẫn từng giây phút cuộc đời con.
Amen.

PHÂN TÍCH BÀI TIN MỪNG THỨ TƯ TUẦN V MÙA CHAY NĂM LẺ (05/4/2017) – (Ga 8, 31-42) BÀI
PHÂN TÍCH (Ga 8, 31-42)
BỐI CẢNH CỦA BÀI TIN MỪNG.
Chúng ta vẫn ở trong Chương 8 Phúc âm Gioan, và Bài Tin mừng hôm nay sẽ kết thúc chương 8.
Như ta biết: Thời gian đang diễn ra Lễ LỀU của người Do Thái gồm 07 ngày. Mỗi ngày, Chúa Giêsu lại vào
Đền thờ giảng dạy dân chúng và ngày nào cũng diễn ra cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với người Do Thái về
căn tính của Ngài là Con Thiên Chúa.
Cuộc tranh luận hôm nay không còn liên hệ đến lề luật hay ông Môsê mà liên hệ đến một nhân vật cao nhất, đó
là Tổ phụ Abraham. Chắc chắn cuộc tranh luận sẽ sôi nổi và gai góc hơn nhiều.
Chủ đề tranh luận: NÔ LỆ – TỰ DO.
Thế nào là nô lệ, thế nào là tự do đích thực? Bài Tin mừng hôm nay sẽ giải đáp vấn đề đó.
Đó là bối cảnh của Bài Tin mừng hôm nay.
“KHI ẤY, CHÚA GIÊSU NÓI VỚI NHỮNG NGƯỜI DO-THÁI ĐÃ TIN NƠI NGÀI RẰNG”
Có lẽ cuộc tranh luận mấy ngày nay đã phân người Do Thái ra làm hai: Một bên là những kẻ không tin, phần
còn lại là những người đã tin, con số người tin vào Chúa Giêsu cũng khá đông, vì Gioan viết: “Khi Đức Giê-su
nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người” (Ga 8, 30).
Và một giả thiết nữa: những người không tin đã bỏ đi và chỉ còn lại những người tin vào Chúa Giêsu và Ngài
tiếp tục nói với họ.
Vâng, đúng vậy, chỉ có những ai tin, họ mới đủ can đảm ở lại để nghe Chúa Giêsu nói tiếp. Còn những kẻ
không tin, họ càng nghe càng khó chịu nên đã bỏ ra đi nơi khác.
“NẾU CÁC NGƯƠI CỨ Ở TRONG LỜI TA, CÁC NGƯƠI SẼ THẬT LÀ MÔN ĐỆ CỦA TA, VÀ SẼ ĐƯỢC
BIẾT SỰ THẬT, VÀ SỰ THẬT GIẢI THOÁT CÁC NGƯƠI”
“CỨ Ở TRONG”
Nếu ai từng đọc Phúc âm của Gioan, ta sẽ thấy ông diễn đạt cụm từ “Ở trong” rất sâu sắc, nó không ở bên cạnh,
ở trên, ở giữa, hay ở bên dưới mà là ở trong, có nghĩa nó diễn tả một mối quan hệ thật sâu sắc: “Cha ở trong
Con, Con ở trong Cha”, “Ai ở trong Tình yêu thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy”,….
Chúa Giêsu mời gọi những kẻ đang tin Ngài, cứ ở trong Lời của Ngài, có nghĩa giữ lời Ngài, liên kết mật thiết
trong niềm tin tưởng nơi Ngài. Gioan nói, người đó mới chính thực là môn đệ của Chúa Giêsu.
“SẼ ĐƯỢC BIẾT SỰ THẬT, VÀ SỰ THẬT GIẢI THOÁT CÁC NGƯƠI”
Và khi ở trong Lời của Chúa Giêsu, họ sẽ trở thành một con người khác, một con người mới, có sự hiểu biết
sáng suốt để nhận ra sự thật, sự thật về Thiên Chúa và sự thật về chính mình cũng như sự thật về anh em.
Theo Gioan, sở dĩ chúng ta cứ ở lì trong tội, không nhận ra tội, đó là vì chúng ta không nhận chân được sự thật,
ta cứ mơ hồ lẫn lộn cái giả tạo, cái tạm thời, cái mau qua, cái hào nhoáng bên ngoài và ta cũng bị đánh lừa bởi
chính những dục vọng bên trong của mình.
Vì thế nếu chúng ta chấp nhận ở trong Lời của Chúa Giêsu, chúng ta mới nhận ra được sự thật, và ngược lại,
chính sự thật đó sẽ giải thoát chúng ta, làm cho chúng ta trở thành những con người tự do, không còn bị những
dục vọng kìm hãm, ta càng trở nên minh mẫn hơn nữa, sáng suốt hơn và nhận ra sự thật rõ hơn nữa.
“HỌ THƯA LẠI NGƯỜI: “CHÚNG TÔI LÀ CON CHÁU ABRAHAM, VÀ CHƯA BAO GIỜ LÀM NÔ LỆ
AI CẢ. TẠI SAO ÔNG LẠI NÓI ‘CÁC NGƯƠI SẼ ĐƯỢC TỰ DO’?”
Có lẽ người Do Thái rất khó chịu và tự ái khi nghe Chúa Giêsu nói: “SỰ THẬT GIẢI THOÁT CÁC NGƯƠI”.
Đọc đến đây, làm chúng ta nhớ lại Bài Tin mừng hôm qua, Gioan viết: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi
thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 8, 23).
Gioan diễn tả rất sâu sắc: Chính vì họ thuộc về hạ giới, nên từ trong suy nghĩ, suy nghĩ rất người, nên họ không
thể lãnh hội được những điều Chúa Giêsu nói, mặc dù Gioan cho rằng họ là những người đã tin Chúa Giêsu,
nhưng có lẽ niềm tin đó hời hợt, yếu ớt và mong manh. Vì thế họ mới phản bác lại Chúa Giêsu.
Họ đưa ra lý lẽ: “CHÚNG TÔI LÀ CON CHÁU ABRAHAM, VÀ CHƯA BAO GIỜ LÀM NÔ LỆ AI CẢ”.
Ở đây Chúa Giêsu đang nói trên bình diện siêu nhiên: Ai phạm tội là làm nô lệ cho tội, chỉ có Sự thật mới giải
phóng con người tội lỗi của ta mà thôi.
Nhưng người Do Thái lại hiểu trên bình diện tự nhiên: Họ chưa làm nô lệ cho ai, vậy không cần phải giải phóng
để được tự do.
Ngay cả ở bình diện tự nhiên, suy nghĩ của họ cũng sai luôn, vì Người Do Thái đang sống dưới ách thống trị
của đế quốc Rôma thế mà lòng kiêu hãnh dân tộc vẫn không chấp nhận bị nô lệ: “Chúng tôi không hề làm nô lệ
cho ai bao giờ” (Ga 8,33).
Chúa Giêsu nhắc cho họ nhớ về một tình trạng nô lệ nguy hiểm hơn nhiều: nô lệ cho nết xấu, cho tội lỗi; nguy
hiểm hơn vì: – nó khó được nhận biết: họ đang bị nó trói buộc mà vẫn tưởng mình tự do; – nó là viên thuốc độc
bọc đường: người ta phạm tội mà vẫn cảm thấy vui khoái, an nhiên tự tại.
Lời Chúa cảnh báo người Do Thái cũng là cảnh báo chúng ta phải gọi đích danh, nhìn đúng chân tướng của thứ
nô lệ nguy hiểm này.
Tại sao họ cứ tự hào mình là con cháu Abraham. Niềm tự hào đó có cứu nổi họ không? Người Do Thái nên nhớ
rằng: Thiên Chúa có thể làm cho hòn đá này trở thành con cháu Abraham, điều đó không khó gì. Vậy niềm tự
hào con cháu Abraham chỉ là tự hào hão.
Ngày nay các Chế độ nô lệ đã bị xoá bỏ, nhưng vẫn còn đó biết bao hình thức nô lệ mới: tình trạng bóc lột sức
lao động, cách riêng lao động trẻ em, những hình thức mại dâm công khai hoặc trá hình, nạn ấu dâm mà báo chí
mấy ngày nay cho dù lề phải lẫn lề trái đang công kích dữ dội. Thế mới biết nạn ấu dâm, tình trạng xâm hại tình
dục trẻ em đã ung nhọt từ lâu, bây giờ mới bị khui ra
Bi đát hơn nữa có những thứ nô lệ trói buộc cả tinh thần: Cứ nhìn những người nghiện ma túy trong cơn vật vã
khi thiếu thuốc, mới thấy hết nỗi khổ của những ai phải chịu cảnh nô lệ do đam mê tự họ gây nên. Rồi còn
những thứ nghiện mới, nghiện mua sắm, nghiện shopping, nghiện khiêu vũ, nghiện nhảy đầm, nghiện trò chơi
trên mạng… Những thứ đó làm người ta mất tự do nhưng vẫn cứ tưởng: “CHƯA BAO GIỜ LÀM NÔ LỆ AI
CẢ”
Con người qua mọi thời đại vẫn luôn sống trong thân phận nô lệ, nô lệ cho tội lỗi, nô lệ cho chính mình. Chính
vì để giải thoát con người thoát khỏi vòng nô lệ nên Thiên Chúa đã sai Con Một mình xuống thế để cứu chuộc
nhân loại.
“CHÚA GIÊSU TRẢ LỜI RẰNG: “QUẢ THẬT, QUẢ THẬT, TA BẢO CÁC NGƯƠI: HỄ AI PHẠM TỘI,
THÌ LÀM NÔ LỆ CHO TỘI.
MÀ TÊN NÔ LỆ KHÔNG Ở MÃI TRONG NHÀ; NGƯỜI CON MỚI Ở VĨNH VIỄN TRONG NHÀ. VẬY
NẾU CHÚA CON GIẢI THOÁT CÁC NGƯƠI, THÌ CÁC NGƯƠI SẼ ĐƯỢC TỰ DO THỰC SỰ”
“QUẢ THẬT, QUẢ THẬT”
Trước sự ngộ nhận của người Do Thái, khi họ hiểu quan niệm “ Nô lệ – Tự do” trên bình diện tự nhiên. Chúa
Giêsu muốn nói với họ rằng: suy nghĩ như vậy hoàn toàn sai lầm, nên Ngài mới lặp lại 2 lần cụm từ “Quả thật,
quả thật”. Ngài muốn dẫn họ đến một quan niệm đích thực về Tự do – Nô lệ. Chúa Giêsu mới nói “HỄ AI
PHẠM TỘI, THÌ LÀM NÔ LỆ CHO TỘI”.
Nô lệ cho tội, đó mới là thứ nô lệ nguy hiểm nhất, vì nó giết chết chúng ta cả hồn lẫn xác, còn những thứ nộ lệ
khác không đáng kể.
Độc giả có thể thắc mắc:
“NÔ LỆ CHO TỘI” nó nguy hiểm đến mức nào?
Gioan diễn tả như sau: “TÊN NÔ LỆ KHÔNG Ở MÃI TRONG NHÀ; NGƯỜI CON MỚI Ở VĨNH VIỄN
TRONG NHÀ”.
Người con mới ở vĩnh viễn trong nhà”, thứ nô lệ cho tội đó, đã cắt đứt mối quan hệ giữa ta với Thiên Chúa, ta
không là con Thiên Chúa nữa và bị loại ra ngoài, cắt đứt nguồn ân sủng.
“VẬY NẾU CHÚA CON GIẢI THOÁT CÁC NGƯƠI, THÌ CÁC NGƯƠI SẼ ĐƯỢC TỰ DO THỰC SỰ”
Chúa Giêsu khẳng định: Chỉ có Ngài, Chúa Con mới giải thoát chúng ta, chỉ có Ngài mới làm cho con người tự
do thực sự.
“TỰ DO THỰC SỰ”
“Tự do thật sự” đó là thứ tự do của người con được ở nhà Cha mình. Như trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”,
người con hoang đàng là một kẻ nô lệ khi đòi chia gia tài và quyết định ra khỏi nhà cha để đi hoang với bọn
đàng điếm.
Anh ta chỉ được phục hồi quyền làm con khi dám can đảm trở về với cha mình. Chỉ có ở trong nhà cha, anh ta
mới là người con đích thực, được tự do thực sự (Lc 15, 11-32).
“TA BIẾT CÁC NGƯƠI LÀ CON CHÁU ABRAHAM, THẾ MÀ CÁC NGƯƠI LẠI TÌM GIẾT TA: VÌ LỜI
TA KHÔNG THẤM NHẬP VÀO LÒNG CÁC NGƯƠI. TA NÓI NHỮNG ĐIỀU TA ĐÃ THẤY NƠI CHA
TA. CÒN CÁC NGƯƠI, CÁC NGƯƠI LÀM ĐIỀU CÁC NGƯƠI ĐÃ THẤY NƠI CHA CÁC NGƯƠI”
Người Do Thái luôn tự hào họ là con cháu của Abraham. Chúa Giêsu sẽ đánh thẳng vào niềm tự hào đó.
Ngài đưa ra một tiêu chuẩn để xem họ có phải là con cháu của Abraham không.
Không phải cứ dựa vào huyết thống mà tự nhận mình là con cháu của ai đó, mà là có biết làm những gì cha ông
mình muốn không?
Abraham luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, nghe lời Ngài, ông đã ra đi về miền đất mà Thiên Chúa đã chỉ cho
ông. Ông ra đi không biết mình đi đâu, rồi cũng vì nghe lời Thiên Chúa ông sẵn sàng hy sinh, sát tế đứa con trai
độc nhất của mình. Ông làm tất cả những điều đó chỉ vì tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa, nên ông mới được
Kinh thánh gọi là Cha của những kẻ tin.
Nhưng người Do Thái lại không làm công việc Abraham đã làm là tin vào Con Một Thiên Chúa, trái lại họ còn
tìm cách giết Chúa Giêsu .
“CÁC NGƯƠI LÀM ĐIỀU CÁC NGƯƠI ĐÃ THẤY NƠI CHA CÁC NGƯƠI”
Người Do Thái trong suốt thời Cựu ước luôn tìm giết các tiên tri và các ngôn sứ. Người Do Thái thời Chúa
Giêsu cũng thế, họ đang làm công việc cha ông họ đã làm thời Cựu ước khi tìm cách giết Chúa Giêsu. Vậy họ
có còn là con cháu Abraham không?
HỌ ĐÁP LẠI: “CHA CHÚNG TÔI CHÍNH LÀ ABRAHAM!” CHÚA GIÊSU NÓI: “NẾU THỰC CÁC
NGƯƠI LÀ CON CHÁU ABRAHAM, THÌ CÁC NGƯƠI LÀM CÔNG VIỆC CỦA ABRAHAM! NHƯNG
CÁC NGƯƠI ĐANG TÌM GIẾT TA, LÀ NGƯỜI ĐÃ NÓI CHO CÁC NGƯƠI BIẾT SỰ THẬT MÀ TA
NGHE TỰ THIÊN CHÚA. ĐIỀU ĐÓ ABRAHAM ĐÃ KHÔNG LÀM! CÁC NGƯƠI ĐANG LÀM VIệC
CỦA CHA CÁC NGƯƠI!”
Có lẽ người Do Thái rất bực bội khi Chúa Giêsu đánh thẳng vào niềm tự hào là con cháu Abraham, họ khẳng
định lại một lần nữa “CHA CHÚNG TÔI CHÍNH LÀ ABRAHAM”.
Họ cố bám vào cái phao này như để khẳng định họ đang làm công việc của Thiên Chúa khi phản đối Chúa
Giêsu là một kẻ lộng ngôn đòi ngang hàng với Thiên Chúa.
Chúa Giêsu lại một lần nữa trách cứ họ: “NẾU THỰC CÁC NGƯƠI LÀ CON CHÁU ABRAHAM, THÌ CÁC
NGƯƠI LÀM CÔNG VIỆC CỦA ABRAHAM”.
Trong khi Abraham luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, thì họ lại đòi giết Con Thiên Chúa. Như vậy họ đâu phải là
con cháu Abraham!
“HỌ LẠI NÓI: “CHÚNG TÔI KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG ĐỨA CON HOANG! CHÚNG TÔI CHỈ CÓ
MỘT CHA LÀ THIÊN CHÚA!” CHÚA GIÊSU NÓI: “NẾU THIÊN CHÚA LÀ CHA CÁC NGƯƠI, THÌ
CÁC NGƯƠI YÊU MẾN TA, VÌ TA TỰ THIÊN CHÚA MÀ ĐẾN; VÌ TA KHÔNG TỰ MÌNH MÀ ĐẾN,
NHƯNG CHÍNH NGÀI ĐÃ SAI TA ĐẾN”.
Đến đây thì người Do Thái không còn chịu nổi nữa. Lúc đầu họ cứ đưa ra luận điểm: Họ là con cháu Abraham
để biện mình cho mình,. Nhưng họ đã bị Chúa Giêsu bẻ gãy luận điểm này có lẽ họ thấy Chúa Giêsu nói đúng
vì họ đã làm công việc của cha ông họ trong suốt thời Cựu ước là giết các tiên tri, vậy họ không còn là con cháu
Abraham nữa.
“CHÚNG TÔI KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG ĐỨA CON HOANG”
Không lẽ họ là đứa con hoang, không có nguồn gốc, không biết cha mẹ mình là ai, thật không có gì nhục nhã
cho bằng. Họ quay sang bám vào một cái phao khác.
“CHÚNG TÔI CHỈ CÓ MỘT CHA LÀ THIÊN CHÚA”
Bây giờ họ không còn nói họ là con cháu Abraham mà là con Thiên Chúa “Chúng tôi chỉ có một cha là Thiên
Chúa”.
Nhưng Chúa Giêsu một lần nữa đánh thẳng vào luận điểm này. Gioan viết: “Chúa Giêsu nói: “Nếu Thiên Chúa
là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng
chính Ngài đã sai Ta đến”. Như vậy, có khác gì Chúa Giêsu nói họ là những đứa con hoang.
Như thế những kẻ chống đối Đức Giêsu thật ra chẳng phải là con cái thật sự của ông Abraham hay con cái
Thiên Chúa. Họ sống trong ảo tưởng về mình khi họ cương quyết loại trừ Đức Giêsu.
Trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, người dự tòng đã tuyên xưng từ bỏ tội lỗi, để sống trong tự do của con
cái Thiên Chúa, từ bỏ những quyến rũ bất chính, để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi.
Chúng ta đang sống những ngày cuối Mùa Chay thánh 2017, chỉ còn vài ngày nữa là bước vào TUẦN THÁNH,
đây chính là dịp để ta ý thức lại cuộc sống của mình. Ta đã dứt khoát với tội lỗi, đã dứt khoát những thói quen
xấu trói buộc ta chưa, hay ta vẫn ở lì trong những thói quen xấu đó để tiếp tục làm kẻ nô lệ cho tội. Nếu vậy, ta
chưa phải là con người tự do.
Mùa Chay là thời gian để chúng ta trở lại điều mình đã tuyên xưng, để được sống đúng với ơn gọi Kitô hữu
mình đã lãnh nhận.
Amen.
________________________
Giuse Nguyễn Viết Tâm.
Sự nô lệ
(21.03.2018 – Thứ Tư Tuần V Mùa Chay)
Lời Chúa: Ga 8,31-42

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an

31 Khi ấy, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người rằng : “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi,
thì các ông thật là môn đệ tôi ; 32 các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” 33 Họ đáp : “Chúng
tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói : các ông sẽ
được tự do ?” 34 Đức Giê-su trả lời : “Thật, tôi bảo thật các ông : hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. 35 Mà kẻ
nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. 36 Vậy, nếu người Con có giải
phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. 37 Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham,
nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. 38 Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy
nơi Cha tôi ; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói.” 39 Họ đáp : “Cha chúng tôi là ông
Áp-ra-ham.” Đức Giê-su nói : “Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc
ông Áp-ra-ham đã làm. 40 Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã
nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. 41 Còn các ông, các ông làm những việc cha
các ông làm.”

Họ mới nói : “Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha : đó là Thiên Chúa !” 42 Đức Giê-
su bảo họ : “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa
và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.”
Kể truyện:
Một hôm, lão đi ra ruộng để cấy tỉa. Lão sống bằng nghề nông.
Ruộng của lão thì xa nhà cả cây số. Thế mà hôm nay, lão đi làm lại quên bao thuốc lá ở nhà.
Thường khi đến đầu ruộng, lão ngồi đầu bờ mà hít một hơi thuốc cho nó đã cơn thèm. Hôm nay, ngồi xuống,
không thấy gói thuốc trong túi, lão trở nên bần thần, chán nản.

Lão cố gắng quên đi. Bước xuống ruộng, tự nhiên lão cứ nghĩ đến gói thuốc, sao mình lại để quên chứ?
Thế rồi, mỗi lúc tay chân lão chậm đi. Và cuối cùng, lão bỏ việc mà về nhà, vì nhớ đến thuốc. Lão lệ thuốc
vào thuốc thế cơ chứ!
Ngẫm nghĩ:

Khi hạt giống rơi xuống đất, nơi nó được sinh ra, nó sẽ lại mọc lên những cây mới, cho ra những hạt mới, có
sức sống như nó, có khi còn mạnh mẽ hơn nó. Vì nơi nó sinh ra là nơi đất tốt.
Nhưng khi nó bị chim trời mang nó đi nơi khác, nó sẽ bị rơi vào nơi sỏi đá, nơi đất khô cằn, nó sẽ không nảy
sinh mầm sống. Nó sẽ chết đi.

Suy niệm:
Bài Tin Mừng Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy biết nhận ra thân phân tôi đày của tội lỗi, làm mất đi sự tự do và
sự sống.
Con người cũng vậy, tất cả đều được sinh ra trong tình yêu: Tình Yêu Thiên Chúa, sự cộng tác của tình yêu
lứa đôi.
Chính vì Tình Yêu mà con người được sinh ra giống hình Thiên Chúa, và được sống trong vườn địa đàng.

Sau khi con người phạm tội chối bỏ những ân sủng làm con Thiên Chúa, con người đã luôn lệ thuộc vào thế
gian, xa rời cội nguồn yêu thương, và bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm thân phận. Lạc loài vô vọng, không biết
mình là ai. Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Abraham, chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. (Ga 8,
33)

Họ nhận ông Abraham là cha, nhưng họ lại không biết rằng, cha của ông Abraham chính Cha Trên Trời. Họ
không nhận Chúa Giêsu nên không biết Chúa Cha.

Ngày nay, con người đang sống trong một thế giớ đầy huyền ảo của khoa học, họ hưởng thụ nền  khoa tân
tiến, và con người đã lệ thuộc rất nhiều vào khoa học, vào sản phẩm của khoa học. Con người đã chỉ nghe theo
khoa học, làm theo khoa học, coi khoa học như người cha dạy dỗ muôn điều. Như xưa dân Do Thái coi ông
Abraham như người cha vậy: Họ đáp: “Cha chúng tôi là ông Abraham.” (Ga 8, 39)

Thật vậy, cuộc sống hưởng thụ đã làmc on người không còn nhận ra Thiên Chúa của mình nữa. Họ chỉ còn
biết đến vật chất, đến phương tiện, đến thuận lợi, đến cái riêng phục vụ cho bản thân.

+ Họ đi trên chiếc xa sang trọng, mà quên đi thiên nhiên bên ngoài.


+ Họ bay trên những chuyên cơ tốc độ, họ tưởng mình là ông vua vũ trụ.
+ Họ làm được những điều vĩ đại, họ tưởng mình là đấng sáng lập.
+ Họ làm ra của cải vật chất, tiền bạc thật nhiều, họ tất cả là do công sức của họ làm ra.

Tất cả những điều đó, tất cả những thứ đó, chẳng phải đã có từ muốn thuở, từ khi chua có mặt trời mặt trăng.
Tất cả những thứ đó, chẳng phải do Thiên Chúa tạo dưng nên hay sao?

Đúng, tất cả mọi sự, mọi loài trong vũ trụ này đều do quyền năng của Thiên Chúa tạo dựng nên. Chính là
Cha chúng ta.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong nô lệ của vật chất, của thú vui, của tệ nạn, của tội lỗi nên con người đã
không nhận ra Chúa Giêsu Kitô. Không nhận ra Thiên Chúa là Cha.

Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, trong mùa chay thánh này, xin ban Thánh Thần xuống trên chúng con, để chúng con trở về
bên Chúa, từ bỏ tất cả những gì thuộc về thế gian, thuộc về đam mê, thuộc về tội lỗi, để chúng con biết nhận ra
Chúa Giêsu là Đấng cứu chuộc chúng con. Nhận biết Chúa Giêsu để nhận biết Chúa Cha Trên Trời. Amen.

Gã Đầu Bạc

You might also like