You are on page 1of 5

Phận Sự Của Con Cái Chúa

Bible Text: Truyen Dao 12:1-14

I. Introduction:

Kính Thưa HT, phân đọan KT chúng ta vừa đọc là phân đoạn cuối hay là đoạn kết của
sách Truyền Đạo. Theo truyền thống thì vua Salômon con trai của vua Đavit đã viết sách
này vào cuối những năm trị vì của ông. Ngôn ngữ học cũng đã cho thấy từ ngữ và thể loại
văn chương thích hợp với thời đại của Salômon, thêm vào đó tác giả của sách này cũng nói
rằng ông là vua của Jêrusalem, là người khôn ngoan nhất và giàu có nhất, điều này cũng
thích hợp với những gì chúng ta biết về Salômon. Hơn nữa, sự thật là khi Salômôn cao tuổi
ông đi theo những lời xúi dục của các bà vợ ngoại bang mà thờ lạy các thần ngoại bang
cũng hỗ trợ cho giả thuyết này. Salômôn là người giàu nhất và khôn ngoan nhất trên đất
này, nhưng sau hết mọi sự kinh nghiệm cũng như hưởng thụ cuộc sống này ông kết luận
rằng: hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không. Mọi sự
dưới mặt trời đều hư không theo luồng gió thổi, đời sống trên đất xa cách Chúa là hư
không, là vô nghĩa.

Thưa HT, ngày hôm nay chúng ta cũng gặp không ít những người nói với chúng ta
rằng đời sống trên đất này thật ngắn ngủi, chẳng có là bao nên hãy vui chơi, tận hưởng,
sống thỏa mái, thỏa mãn sở thích của mình. Không những chúng ta nghe từ những người
không biết Chúa, nhưng chúng ta cũng nghe từ những người biết Chúa tương tự như vậy
(Story of Chinese Woman’s Son). Nhiều người sợ rằng theo Chúa, sinh hoạt trong HT
thường xuyên, năng nổ sẽ ảnh hưởng đến công việc của mình, các bạn sinh viên ĐHọc
cũng có những suy nghĩ này – sợ rằng mang mác Tin Lành sẽ khó xin được việc làm ở chỗ
này chỗ nọ. Và rồi thưa HT, có rất nhiều Cơ-Đốc-nhân trở lại với Chúa khi họ có tuổi, và
hứa nguyện phục vụ Chúa khi họ về hưu (nghỉ hưu). Quí ông bà anh chị em ơi, quí vị nghĩ
gì về những suy nghĩ này?? Chúa có vui lòng với những ý tưởng này chăng??

II. Body:

Lời của Chúa nói thế nào: “Trong buổi còn thơ ấu hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi”.
Đây cũng chính là điểm thứ nhất mà tôi muốn cùng chia sẽ với quí ông bà anh chị em.

1. Chúng ta hãy nghĩ đến Chúa và có Ngài trong khi chúng ta còn trẻ:
Từ ngữ nghĩ đến Chúa và có Chúa, có nghĩa rằng, chúng ta nhận biết Chúa là đấng hiện
hữu, Ngài là Đấng Tạo Hóa là Cứu Chúa của chúng ta. Chúng ta nhớ đến Ngài, Nghĩ đến
Ngài trong tư tưởng, trong đời sống của chúng ta. Có nghĩa rằng chúng ta tin cậy nơi
Ngài, và có Ngài trong lòng và tư tưởng chúng ta. Đó chính là ý nghĩa của từ tưởng nhớ
Đấng Tạo Hóa.
Truyền Đạo 12: 1-8, cho chúng ta thấy được quan cảnh của sự già nua, chết chóc và tàn
đổ. Người truyền đạo nói rằng: trong buổi còn thơ ấu hãy tưởng nhớ Đấng tạo hóa ngươi,
trước những ngày gian nan chưa đến, trước những năm tới mà người ta nói rằng ta không
lấy làm vui trong lòng. Thưa HT, những hình ảnh ẩn dụ này nói lên quan cảnh của sự già
nua, bệnh tật và chết chóc: Khi mà con người ta già yếu thì người ta, lo lắng buồn rầu: và
người buồn thì cảnh có vui đâu bao giờ. ở trong câu thứ 2 cho thấy được sự già yếu, thị
lực suy yếu làm cho sự cảm nhận của sáng suy yếu: bầu trời, mặt trăng và các ngôi sao
trở nên tối tăm, trời như là có mây mù. ở trong câu 3: kẻ giữ nhà run rẩy – đôi tay trở nên
yếu đuối và run rẩy, những người mạnh sức – đang chỉ về đôi chân – trở nên yếu. Kẻ xây
cối ở đây chính là hàm răng của chúng ta. Trông qua cửa sổ - đôi mắt: đôi mắt cửa sổ của
tâm hồn, mắt cũng đã làn. Cánh cửa bên đường đóng lại có nghĩa là đôi tai trở nên nặng –
người già thường hay bị nặng tai. Nghe tiếng chim kêu bèn chờ day – chỉ về sự mất ngủ
hay khó ngủ khi có tuổi. Tiếng con gái hát đều hạ hơi – già rồi phổi yếu, thanh quản yếu
không còn ca hát như ngày xưa. Sợ độ cao, sợ tốc đô – sợ ra đường: hay còn gọi là sợ
chết…Cây hạnh trổ bông – tóc hoa râm – tóc muối tiêu – tóc bạc. Cào cào trở nên nặng –
chẳng còn sức lực, hết ham muốn xác thịt. và rồi con người đi đến nơi đời đời của mình.
Thưa HT, người truyền đạo quả thật là dí dỏm khi dùng những hình ảnh này để diễn tả
tuổi già và sự chết chóc. Câu 6 và câu 7 cũng nói lên quang cảnh chết chóc tàn đổ một
cách rỏ ràng và rồi linh hồn con người phải đi đến chỗ gặp Đấng tạo hóa để chịu phán xét.
Người truyền đạo muốn nói lên rằng, mọi người phải nghĩ đến Chúa, phải nhớ đến Ngài,
tưởng đến Ngài và có Ngài trong cuộc đời của mình khi mà mình còn trẻ, còn mạnh khỏe.
Chúng ta phải kính sợ Ngài, tin cậy Ngài và thờ phượng Ngài khi chúng ta còn có thể.
Chúng ta hãy thờ phượng Ngài và luôn có Ngài trong đời sống của chúng ta khi chúng ta
còn có sức khỏe và thì giờ. Đừng chần chờ mà nói rằng: hãy để Ngài mai, hãy để tháng
sau, hãy để năm sau, hãy để sau khi tôi nghĩ hưu. Không bao giờ nên như vậy quí ông bà
anh chị em – vì chúng ta không biết khi nào chúng ta trút hơi thở cuối cùng. Chúng ta
không biết khi nào chúng ta lìa cõi đời này. Thật sự chúng ta không biết. cũng có thể là
20 năm nữa, 10 năm nữa hoặc giả là hôm nay, ngày mai, không ai trong chúng ta biết
được. Nếu chúng ta không biết ngày đó, thì ngay bây giờ khi chúng ta còn minh mẫn, còn
biết được mọi điều thì hãy nhớ đến Chúa, có Ngài trong cuộc đời chúng ta và hết lòng tin
cậy Ngài.

Điểm thứ hai mà tôi muốn chia sẻ cùng quí ông bà anh chị em đó chính là:

2. Kính sợ Chúa và vâng phục Ngài. (Eccl 12:13)

Tại sao chúng ta cần phải kính sợ Chúa? Trong Mathiơ 10:28 says, Đừng sợ kẻ chỉ giết
được thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn
và thân thể trong địa ngục. Chúng ta chỉ nên sợ một mình Đấng này mà thôi bởi vì Ngài
đang nắm giữ vận mạng của mỗi một chúng ta, Ngài là vua trên muôn vua, là Đức Chúa Trời
Chí Cao và Ngài cũng là Quan Án Công Bình – là đấng phán xét thế gian sẽ đem đoán xét
các công việc, đến nỗi việc kín nhiệm hơn hết…. (Eccl 12:14). Chính vì vậy mà nhà Truyền
Đạo nói rằng khá kính sợ Đức Chúa Trời và vâng giữ các điều răn Ngài. Ở đây chúng ta thấy
rằng chúng ta kính sợ chứ không phải là sợ hãi, không phải là chúng ta run rẩy, hoảng hốt
khi nghe đến Ngài và lời Ngài. Không, không hề như vậy. Kính sợ mang một ý nghĩa, yêu
mến, tôn trọng và vâng phục. Kính sợ có nghĩa là mỗi một người phải nghiêm túc trong mối
liên hệ của chúng ta với Chúa, yêu mến Ngài và sẵn sàng vâng theo ý chỉ của Ngài. Kính sợ
Chúa không phải là sự sợ hãi và run rẩy trước Ngài bởi vì chúng ta được ban cho danh phận
làm con cái của Đức Chúa Trời chúng ta không phải là nô-lệ và bởi Thánh Linh mà chúng ta
gọi Ngài là Abba – Cha.

Hơn nữa Chúa Jêsus mong muốn chúng ta vâng giữ điều răn của Ngài không phải vì
chúng ta sợ hãi mà vì chúng ta yêu mến Ngài. Chúa Jêsus phán trong Giăng 14:15 rằng “nếu
các ngươi yêu mến ta thì giữ gìn các điều răn ta.” Thưa HT, đây là điều mà Chúa muốn thấy
từ chúng ta, từ con cái của Ngài, Ngài mong muốn chúng ta yêu mến Ngài, kính sợ Ngài và
vâng giữ các điều răn Ngài khi chúng ta còn sức lực. Đó chính là nghĩa vụ và phận sự của
mỗi chúng ta. Cũng như phận sự của con cái là vâng lời ba mẹ, làm theo sự chỉ dạy của ba
mẹ thì chúng ta là con cái của Chúa chúng ta cũng phải vâng giữ điều răn, sự dạy dỗ của
Ngài. Và một điều mà tôi muốn mở rộng ra ở đây đó chính là nhiệm vụ của phụ huynh và
người hướng dẫn đối với trẻ cũng như con cái của chúng ta đó chính là: “Hãy dạy trẻ thơ con
đường nó phải theo hầu cho khi về già cũng không lìa khỏi đó” Prov 22:6, Hãy dạy chúng
con đường mà chúng phải theo để rồi đến khi về già cũng không lìa bỏ đường đó. Hãy dạy
con cái chúng ta, hãy dạy cho trẻ biết được và nhận thức được rằng: có một Đấng Tạo Hóa,
Một Cứu Chúa mà chúng phải tin cậy và thờ phượng. Nếu như chúng ta tin Chúa và yêu
Ngài hết lòng, và biết rõ kết cục của những người vô tín là thể nào thì chúng ta phải có
nhiệm vụ dạy dỗ và nhắc nhở con cái của mình. Đời sống trên đất là ngắn ngủi, ham chi
danh lợi quyền và thú vui của đời này mà đánh đổi một tương lai tốt đẹp nơi cõi vĩnh hằng.
như vậy, nhiệm vụ của chúng ta là yêu mến Chúa, thờ phượng Ngài, vâng giữ các điều răn
Ngài và dạy dỗ con cái chúng ta đi trong đường lối tin kính. Điều thứ 3 mà tôi muốn cùng
chia sẻ với quí HT đó chính là: Chúng ta nên dành thời gian phục vụ Chúa khi chúng ta còn
sức lực.

3. Chúng ta nên dành thời gian phục vụ Chúa khi chúng ta còn sung sức:
Trong văn hóa và phong tục của người phương đông nói chung và VN chúng ta nói
riêng thì truyền thống tôn trọng người lớn tuổi trong gia đình, bậc sinh thành của chúng ta rất
là tốt đẹp và dường như gia đình nào cũng đều có điều này. Dường như đây chính là văn hóa
của chúng ta. Khi ăn, chúng ta cũng phải chờ ba mẹ ăn rồi thì mới dám ăn, ai cho gì thì cũng
chờ ba mẹ và cũng dành điều tốt nhất cho họ. vì chúng ta yêu mến và kính trọng họ. Còn
Chúa của chúng ta thì sao, Ngài đáng được tôn trọng, vinh hiển và xứng đáng được nhận
những điều tốt nhất từ chúng ta. Vậy mà thái độ thờ phượng Chúa của chúng ta là gì: có phải
là khi chúng ta có thời gian rãnh, khi chúng ta sắp xếp được công việc? và thái độ dâng hiến
của chúng ta như thế nào? Chúng ta có chuẩn bị từ trước khi đến nhà Chúa không? Hay là
khi đến giờ dâng hiến thì lấy ví tiền ra lựa…. There is just story: “3 Sons, the less smart
parent will send to Bible school.” Một số người nói rằng, lạy Chúa con sẽ phục vụ Ngài khi
con về hưu, khi con về hưu con sẽ chấp nhận lời kêu gọi của Ngài. Thưa HT, không nên có
tư tưởng như vậy, khi chúng ta yếu đuối, già cả về hưu, trở nên chậm chạp thì chúng ta dâng
điều này cho Chúa. Đừng dâng phần còn dư thừa lại cho Chúa thưa HT. Ngài xứng đáng
nhận những điều tốt đẹp nhất, tuổi trẻ, sức lực của chúng ta. (mau dâng cho chúa bao điều tốt
nhất, thời thanh xuân luôn cả năng lực). Điều tốt nhất của quí vị là gì: là tuổi trẻ, sức lực, sự
hăng hái, nhiệt tình cộng với tình yêu Chúa. Tôi không có ý nói rằng, Chúa không cần sự
phục vụ của những người lớn tuổi. Tôi tin rằng Ngài trân trọng sự phục vụ của quí vị. Nhưng
điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là thái độ của chúng ta khi đến với Chúa dành thời
gian cho Ngài. Nếu chúng ta dâng những gì tốt nhất mà chúng ta đang có lên cho chúa thì tôi
tin chắc rằng Chúa sẽ vui lòng với điều mà chúng ta đang làm.Tất cả những điều mà chúng
ta có thể làm cho Chúa, dành cho Ngài thì hãy làm ngay bây giờ đừng chần chờ, đừng hẹn
rày hẹn mai. Vì Chúa chúng ta xứng đáng nhận lãnh những điều tốt nhất, và vì chúng ta
không biết khi nào chúng ta trở nên yếu đuối và bất lực.
III. Conclusion:

Thưa quí ông bà anh chị em, lời của Chúa nhắc nhở chính mình tôi và quí vị rằng
Chúa mong muốn chúng ta thờ phượng Ngài và phục vụ Ngài khi chúng ta còn mạnh khỏe
và tràn đầy sức sống. Chúa mong muốn chúng ta dành những điều tốt nhất cho Ngài, vì Ngài
là Đấng tạo dựng chúng ta, cũng là Đấng đã hy sinh thân báu để cứu chuộc chúng ta. Đời
sống trên đất thật là ngăn ngủi nhưng nó lại quyết định cho một tương lãi trong cõi vĩnh hằng
chính vì vậy, hãy kính sợ Chúa và vâng giữ điều răn Ngài, vâng giữ lời Ngài. Đời sống thiếu
vắng Chúa Jêsus là đời sống thiếu ý nghĩa là một sự hư không. Hãy trung tín với Chúa, phục
vụ Ngài và nhắc nhở điều này cho con cái và hậu tự của chúng ta. Amen!

You might also like