You are on page 1of 4

Lớp văn Thầy Hoa Giáo xứ Lập Thạch

Họ và tên: Phê-rô. Trần Đăng Chương


Giáo xứ: Thanh Tân

Điểm Lời nhận xét của thầy giáo.


………………………………………………………………
………………………………………………………………
………………………………………………………………
………………………………………………………………
Đề bài: Để giáo dục giới trẻ về đạo lý làm người, tục ngữ có câu: “Gần mực thì
đen, gần đèn thì sáng”. Bạn hãy bình luận câu nói trên.
Bài làm:
Khổng Tử đã từng nói rằng: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, nghĩa là con
người sinh ra bản tính ban đầu vốn lương thiện. Thế nhưng, khi lớn lên, do ảnh
hưởng trực tiếp của đời sống xã hội, con người dần mất đi tính tốt và vô tình để
những thói xấu xâm nhập. Do đó, để có thể giữ được bản tính lương thiện,
chúng ta cần chọn người tốt mà chơi và môi trường sống tốt mà ở. Chính vì thế,
tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Sau đây, chúng ta cùng
tìm hiểu xem tác giả muốn khuyên nhủ điều gì?
Trước hết, ta cần làm rõ mực là gì? Như ta đã biết, mực có màu đen, là
vật dễ làm dơ bẩn mọi thứ mà nó dính vào. Do đó, mực tượng trưng cho những
điều xấu, con người xấu và môi trường sống không lành mạnh. Còn, đèn là vật
phát ra ánh sáng soi rọi mọi thứ, ở gần đèn ta cũng được chiếu sáng. Bởi vậy,
đèn tượng trưng cho những điều tốt đẹp, người tốt và môi trường sống tốt.
Chính vì thế, qua câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” tác giả
muốn nói rằng: Nếu ở gần người xấu, nơi xấu thì ta sẽ bị ảnh hưởng những thói
hư tật xấu; trái lại, nếu tiếp xúc với người tốt, nơi tốt thì ta sẽ học tập được
những điều hay lẽ phải. Điều này được thể hiện rõ qua câu chuyện Mạnh Mẫu
Tam Thiên (mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà). Lần thứ nhất, nhà ở gần nghĩa địa
thì Mạnh Tử bắt chước đào, chôn, lăn, khóc. Lần thứ hai, bà chuyển đến gần
chợ thì con học theo cân, đo, đong, đếm. Lần thứ ba, bà chuyển đến gần trường
học thì thấy Mạnh Tử cũng bắt chước bạn cắp sách đến trường học lễ nghĩa và
tri thức. Như vậy, nơi ở ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách
của chúng ta. Bởi, bản tính con người thường dễ bắt chước học theo người khác.
Chính vì thế, chúng ta cần biết cân nhắc chọn người tốt và môi trường xã hội
lành mạnh, để có thể trở thành con người có ích cho Giáo hội và xã hội.
Thật vậy, đối với từng cá nhân, khi ta tiếp xúc với những điều xấu, tư
tưởng không lành mạnh, thì sẽ bị tiêm nhiễm, và dễ dàng bắt chước theo những
điều xấu đó. Hơn thế nữa, một khi điều xấu lây nhiễm, ta sẽ bị nó dính mãi mà
Lớp văn Thầy Hoa Giáo xứ Lập Thạch

khó có thể dứt ra được. Bởi, cha ông từng nói rằng: “Những thói xấu ban đầu
là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết
cục biến thành ông chủ nhà khó tính”. Quả thế, thói quen xấu rất dễ dàng
xâm nhập và chi phối chúng ta, nó làm ta mất kiểm soát trong lời nói cũng như
việc làm. Điều đó được thể hiện qua hành vi nói tục chửi thề, lúc đầu ta nói chỉ
theo phong trào, cho vui nhưng lâu dần những câu nói bậy, chửi thề được thốt ra
vô ý thức, mà ta không còn làm chủ được bản thân nữa. Vậy, chúng ta cần tỉnh
táo và tránh xa những tật xấu, để không cho những thói hư hỏng có cơ hội xuất
hiện. Trái lại, để có thể trở nên những con người hữu ích, thì chúng ta cần
thường xuyên tiếp xúc với những điều tốt và người đạo đức. Đối với người Ki-
tô hữu, việc chúng ta lắng nghe và thực hành lời Chúa hằng ngày là phương
pháp hữu hiệu nhất, để giúp ta đi vào nẻo chính đường ngay. Vì có lời chép
rằng: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (
Tv 119,105). Thật vậy, lời Chúa là ánh sáng duy nhất đem lại cho ta cảm giác
bình an ở đời này và hạnh phúc ở đời sau.
Bên cạnh đó, trong gia đình, chúng ta thấy rằng cha mẹ ảnh hưởng rất
nhiều đến sự hình thành nhân cách của con cái. Do đó, cha mẹ phải nêu gương
cho con cái, để người trẻ có thể phát triển nhân cách một cách tốt đẹp nhất.
Chính Chúa Giê-su đã dạy rằng: “Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh
quả xấu” (Mt 7,17). Thật vậy, cha mẹ sống hòa thuận, yêu thương nhau và
thường xuyên dạy cho con cái những điều hay lẽ phải, thì gia đình đó sẽ có
những người con ngoan. Trái lại, nếu cha mẹ chỉ biết lo làm ăn không quan tâm
đến con cái, vợ chồng suốt ngày cãi vã, đánh đập nhau, thì chắc chắn những đứa
trẻ lớn lên trong môi trường đó sẽ nhanh chóng trở thành người con hư hỏng.
Không những thế, trong học đường, chúng ta cũng cần phải “chọn bạn mà
chơi”, để có thể trở thành người con ngoan trò giỏi. Bởi, cha ông cũng đã nói:
“Thói thường gần mực thì đen, anh em bạn hữu phải nên chọn người”. Thật
vậy, nếu ta giao du với những người bạn xấu thường xuyên trốn học, quậy
phá; thì trước sau gì ta cũng sẽ bắt chước mà trở thành con người hư hỏng.
Ngược lại, nếu ta tiếp xúc với những người bạn tốt, chăm ngoan học giỏi, vâng
lời cha mẹ; thì sẽ học tập được nhiều đức tính tốt đẹp.
Không dừng lại ở đó, ngoài xã hội, chúng ta cũng cần phải chọn môi
trường sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn, để có thể trở thành những con
người tốt có ích cho xã hội. Trái lại, nếu chúng ta sống trong những nơi ăn chơi
trụy lạc, xung quanh toàn là bọn đầu trộm đuôi cướp, rượu chè cờ bạc thì sớm
muộn cũng bị lây nhiễm bởi những thứ xấu xa đó. Điều đó được thể hiện rõ qua
hình ảnh Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông là một người tài giỏi, thế nhưng không chịu
nổi chốn quan trường quỷ kế đa đoan, đã xin về ở ẩn. Ông đã nói rằng: “Ta dại
ta tìm nơi vắng vẻ; người khôn người đến chốn lao xao” (Cảnh Điềm – Nguyễn
Bỉnh Khiêm) . Bởi lẽ, Nguyễn Bỉnh Khiêm lo sợ chốn quan trường sẽ biến mình
trở thành một kẻ đầy mưu mô, xảo trá; vì thế, ông đã chọn nơi vắng vẻ, để có
thể tu tâm dưỡng tính. Thật vậy, môi trường xã hội không chỉ hình thành nhân
Lớp văn Thầy Hoa Giáo xứ Lập Thạch

cách, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển nhân cách của một con
người.
Tuy nhiên, nhiều người được sống trong môi trường tốt, gần người tốt
nhưng vẫn xấu. Họ bị lòng tham làm cho mù quáng, và dục vọng xác thịt chiếm
hết tâm trí, nên đã không nhìn thấy được những ánh sáng phát ra từ những
người tốt. Điều này được thể hiện qua hình ảnh Giu-đa Ítcariốt, mặc dù ông
được tiếp xúc với Chúa Giê-su và nghe lời Chúa hằng ngày, nhưng vẫn không
bỏ được lòng tham của xác thịt, để rồi bán Chúa với giá 30 đồng bạc. Thật là
điều đáng buồn cho những kẻ lãnh nhận ánh sáng lời Chúa, nhưng thực hiện
hành động của những con quỷ.
Trái lại, cũng có nhiều người chơi với người xấu mà không bị lây nhiễm,
ở nơi tội lỗi lan tràn, nhưng vẫn giữ được tâm hồn trong sạch. Đó là những con
người có nghị lực và đầy bản lĩnh. Mặc dù, họ tiếp xúc với kẻ xấu và sống trong
môi trường xấu, nhưng không bị biến chất bởi những hoàn cảnh xấu . Điều đó
giống như bông sen sống trong bùn hôi tanh, bẩn thỉu, nhưng vẫn giữ được vẻ
đẹp và tỏa hương thơm ngát “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hơn thế
nữa, chính Thánh Inhaxiô là một minh chứng sống động cho hình ảnh trên.
Thánh nhân vừa là người bạn, và là người thầy của Thánh Phanxicô Xaviê.
Trước khi vào dòng Tên, Thánh Phanxicô Xaviê đã từng là một người đam mê
danh vọng trần tục, coi thế gian là tất cả. Mặc dù, Thánh Inhaxiô cùng học và
cùng sống với Thánh Phanxicô Xaviê, nhưng không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng
xấu ấy. Trái lại, Ngài đã biến đổi hoàn toàn cuộc đời Phanxicô Xaviê thành một
vị đại Thánh.
Vậy, chúng ta phải làm gì để có những con người tốt? Trước hết, mỗi
người cần tự rèn luyện và giáo dục bản thân, học tập đức tính tốt nơi những con
người tốt. Cùng với đó, chúng ta phải giữ cho mình một linh hồn trong sạch, để
có thể miễn nhiễm với những điều xấu. Bởi, mọi lời nói, cử chỉ, hành động đều
xuất phát từ bên trong của mỗi người. Chính Chúa Giê-su đã nói rằng: “Vì từ
bên trong từ lòng ngươi, phát xuất mọi ý định xấu” ( Mc 7,21). Cùng với đó,
Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Viên cũng từng nhận định: “Ô nhiễm môi trường
xã hội là hậu quả của sự ô nhiễm môi trường tâm hồn” ( Diễn văn khai giảng
năm học 2017 của Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Viên ). Vì thế, tất cả chúng ta
cần thanh lọc tâm hồn, xóa bỏ mọi vết nhơ của sự tham lam, ích kỷ và dục vọng
trần thế, để môi trường sống được thêm phần lành mạnh.
Bên cạnh đó, song song với việc đào tạo tri thức, các nhà giáo dục cần
quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức cho người trẻ. Đó là hành trang quan
trọng hơn cả cho người trẻ bước vào đời. Bởi, người có tài mà không có đức thì
trước sau gì cũng trở thành người độc ác, làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của
người xung quang. Cùng với đó, các bậc cha mẹ phải đặc biệt chú ý đến việc
nuôi dạy con cái trở nên những người hữu ích. Chính các ngài phải nêu gương
Lớp văn Thầy Hoa Giáo xứ Lập Thạch

cho con cái về tri thức lẫn đạo đức, để có nhiều người “tài đức vẹn toàn” phục
vụ cho Giáo hội cũng như xã hội.
Mặt khác, đối với người Ki-tô hữu, chúng ta có nhiều mẫu gương sống
động để noi theo, nhưng hơn hết vẫn là nơi Đức Giê-su: một mẫu gương tuyệt
hảo nhất. Ngài là Con một Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang, xuống thế
làm người như chúng ta. Tuy nhiên, Người không hề vướng một vết nhơ tội lỗi
nào. Chính Chúa đã nói rằng: “Thầy đã nêu gương cho anh em” (Ga 13,15).
Hơn thế nữa, Công đồng Vaticano II cũng đã khẳng định rằng: chủ yếu của sự
thánh thiện là ở chỗ kết hợp với Đức Ki-tô. (GH 39,50) (Hiến chế tín lý về Giáo
Hội). Thật vậy, chỉ nơi Đức Ki-tô thì ta mới có thể trở thành một con người trọn
lành thánh thiện.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong nền kinh tế ngày càng phát triển;
nhưng đời sống đạo đức lại xuống cấp trầm trọng. Con người chạy theo đam mê
trần thế, mà không chú ý đến việc trở thành người tốt. Đặc biệt là thế hệ trẻ
ngày nay. Họ là tương lai của Giáo hội và xã hội. Thế nhưng, người trẻ bị cuốn
vào lối sống hưởng thụ, sa vào nhiều tệ nạn xã hội. Chúng ta có thể thấy, trên
các mặt báo tràn lan những vụ án giết người cướp của, cờ bạc, ma túy, mại dâm,
… và nhiều vấn đề khác nữa. Tất cả những tệ nạn ấy, đều dính dáng đến hình
bóng của người trẻ và đã làm tê liệt tinh thần của họ. Đó là một thách đố lớn
cho giới trẻ hiện nay.
Trước thực trạng trên, bản thân là một người trẻ, là một Ki-tô hữu và là
một người bước theo Chúa. Trước hết, chúng ta cần tránh xa những tệ nạn xã
hội, để không bị sa vào thói ăn chơi hưởng thụ. Cùng với đó, chúng ta phải biết
chọn người tốt mà chơi, chọn nơi lành mạnh mà sống, để có thể duy trì và học
tập thêm nhiều đức tính tốt đẹp. Hơn thế nữa, là thành viên của Hội Thánh,
chúng ta không được sống tách biệt với người khác; nhưng phải là những người
tốt nêu gương cho họ. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải siêng năng cầu
nguyện cùng Chúa Giê-su. Xin Người dẫn đường chỉ lối cho ta vượt thắng mọi
cơn cám dỗ ở đời này, để có thể là đèn chiếu tỏa ánh sáng cho người khác.
Tựu chung lại, qua bài phân tích trên, câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta phải
biết cách chọn người bạn tốt mà chơi, những môi trường tốt mà sống. Đồng
thời, tác giả cũng khuyên nhủ chúng ta tránh xa những cái xấu, cái không lành
mạnh. Cùng với đó, chúng ta phải cố gắng không được để cho bản thân chiều
theo tính xác thịt, đam mê trần thế, hầu có thể trở thành một người hữu ích cho
Giáo hội và xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng không được xa lánh những người
xấu, nhưng cùng sống với họ, để biến đổi những con người tội lỗi ấy quay lại
nẻo chính đường ngay.

You might also like