You are on page 1of 23

1.

Tổng quan
1.1. Đặt vấn đề
Việt Nam lại là một đất nước nhiệt đới xích đạo, nên khí hấu rất nóng, do đó làm cho con
người chóng mệt và thực phẩm nhanh hư hỏng. Vì vậy, nhu cầu làm lạnh để điều hòa
không khí trong sinh hoạt, cũng như làm lạnh trong quá trình sản xuất và bảo quản thực
phẩm ngày càng tăng và tiêu thụ một lượng điện năng đáng kể. Bên cạnh các ngành công
nghiệp thực phẩm, các ngành hóa dầu, luyện kim và các ngành mũi nhọn khác của nền
kinh tế quốc dân, cũng chính là các hộ tiêu thụ lạnh rất lớn cho nhu cầu công nghệ, sự
điều hòa không khí trong sinh hoạt, sản xuất, đồng thời cũng là nơi thải ra nguồn nhiệt
thứ cấp phế thải rất lớn. Như vậy, trong khi nhu cầu năng lượng trong xã hội hiện đại
ngày càng tăng, thì các nguồn năng lượng dự trữ ngày càng cạn kiệt. Điều này đặt ra vấn
đề làm thế nào để tận dụng nguồn nhiệt thải này cho các hoạt động sinh hoạt sản xuất cho
các nhà máy và các khu vực khác. Chính vì thế, việc thiết kế, chế tạo và sử dụng hệ thống
làm lạnh sử dụng các nguồn năng lượng nhiệt thải, năng lượng mặt trời,… là hướng quan
trọng để góp phần giải quyết vấn đề năng lượng hiện nay.
Để phát triển ngành kỹ thuật lạnh một cách cân đối thì bên cạnh máy nén lạnh, ta cần chú
ý trang bị cả hệ thống làm lạnh hấp thụ. Hệ thống lạnh hấp thụ có ưu điểm là không sử
dụng năng lượng điện mà chủ yếu sử dụng nguồn năng lượng nhiệt có nhiệt độ thấp, như
vậy hệ thống lạnh hấp thụ có thể sử dụng nguồn năng lượng mặt trời hay tận dụng các
nguồn nhiệt thải từ các nhà máy tổng hợp rượu, nhà máy sản xuất etylen, axetylen bằng
phương pháp nhiệt phân oxy hóa, nhà máy sản xuất etylen, propylen từ nguồn nguyên
liệu cacbon bằng phương pháp Cracking, nhà máy sản xuất gang thép,…
Ngoài ra, nhờ đặc điểm có thể sử dụng nguồn năng lượng nhiệt thay cho nguồn năng
lượng điện mà hệ thống lạnh hấp thụ còn có thể sử dụng than củi. Nhờ đó mà chúng ta có
thể phát triển mạng lưới cung cấp lạnh mà không cần dùng điện năng, do đó không làm
ảnh hưởng đến sự cân đối của hệ thống điện. Mặt khác, ở những nơi xa xôi hẻo lánh chưa
có điện, những trường hợp dã chiến, chúng ta có thể làm lạnh được nhờ hệ thống lạnh
hấp thụ.
1.2. Lịch sử phát triển
Con người đã biết làm lạnh và sử dụng lạnh cách đây từ rất lâu. Ngành khảo cổ học đã
phát hiện ra những hang động có mạch nước ngầm nhiệt độ thấp chảy qua dùng để chứa
thực phẩm và lương thực từ khoảng 5000 năm trước.
Các tranh vẽ trên tường trong Kim Tự Tháp Ai Cập cách đây khoảng 2500 năm đã mô tả
cảnh nô lệ quạt các bình gốm xốp cho nước bay hơi làm mát không khí. Cách đây 2000
năm người Ấn Độ và Trung Quốc đã biết cách trộn muối với nước hoặc nước đá để tạo ra
nhiệt độ thấp hơn.
Nhưng kỹ thuật lạnh hiện đại bắt đầu phải kể từ khi giáo sư Black đã tìm ra nhiệt ẩn hoá
hơi và nhiệt ẩn nóng chảy vào năm 1761-1764. Từ đó mà con người đã biết làm lạnh
bằng cách cho bay hơi chất lỏng ở áp suất thấp.
Tiếp theo là phát hiện quan trọng, Clouet và Monge lần đầu tiên hóa lỏng được khí SO2
vào năm1870. Từ năm 1871, Cavallo bắt đầu nghiên cứu hiện tượng bay hơi 1 cách có hệ
thống.
Thế kỉ XIX là thời kì phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật lạnh. Năm 1823, Faraday bắt đầu
củng cố những công trình hóa lỏng khí SO2, H2S, CO2, N2O,C2H2, NH3, HCl. Đến năm
1845, ông đã hóa lỏng được hầu hết các loại khí, kể cả etylen nhưng vẫn phải bó tay
trước các loại khí như O2, N2, CH4, CO, NO, H2. Người ta cho rằng đây là các khí không
hóa lỏng được và chỉ ở thể khí nên được gọi là các khí vĩnh cửu., lí do là vì Natlerev
(người Áo) đã nén chúng tới một áp lực cực lớn 3600 atm mà vẫn không hóa lỏng được
chúng. Mãi tới năm 1869, Andrew (người Anh) đã giải thích được điểm tới hạn của khí
hóa lỏng và nhờ đó, Caillelet và Picter (người Pháp) đã hóa lỏng được khí vĩnh cửu O2 và
N2 vào năm 1877, Dewar (người Anh) hóa lỏng H2 vào năm 1898, Linde (người Đức)
hóa lỏng O2 và N2 và tách bằng chưng cất, K. Onnes (người Hà Lan) hóa lỏng được khí
Heli.
Năm 1843, J. Perkin (người Anh) đã đăng kí bằng phát minh đầu tiên về máy lạnh nén
hơi với đầy đủ các thiết bị như 1 máy nén hơi hiện đại gồm có máy nén, dàn ngưng tụ,
dàn bay hơi, van tiết lưu. Đến cuối thế kỉ XIX, nhờ một loạt các cải tiến của Linde (người
Đức) với việc sử dụng NH3 cho máy nén hơi, việc chế tạo và sử dụng máy nén hơi mới
thực sự phát triển rộng rãi trong hầu hết các ngành kinh tế quốc dân.
Máy lạnh hấp thụ đầu tiên do Leslie (Pháp) đưa ra vào năm 1810 là máy lạnh hấp thụ chu
kì với cặp môi chất H2O/H2SO4. Đến giữa thế kỉ XIX nó được phát triển rầm rộ nhờ vào
kĩ sư Carré (Pháp) với hàng loạt bằng phát minh về máy lạnh hấp thụ chu kì và liên tục
với các cặp môi chất khác nhau.
Máy lạnh hấp thụ khuếch tán hoàn toàn không có chi tiết chuyển động được Gellper
(Đức) đăng kí bằng phát minh vào năm 1989 và được Platen và Munter (Thụy Điển) hoàn
thiện vào năm 1922 được nhiều nước trên thế giới sản xuất và chế tạo hàng loạt và nó vẫn
có vị trí quan trọng cho đến ngày nay.
Máy lạnh nén khí đầu tiên do bác sĩ người Mỹ chế tạo. Dựa vào kết quả nghiên cứu của
các nhà lý thuyết, bác sĩ Gorrie đã thiết kế và chế tạo thành công máy lạnh nén khí dùng
để điều tiết không khí cho trạm xá chữa bệnh sốt cao. Nhờ thành tựu này mà ông và trạm
xá của ông đã nổi tiếng trên toàn thế giới.
Máy lạnh ejector hơi nước đầu tiên do Leiblanc chế tạo vào năm 1910. Đây là 1 sự kiện
có ý nghĩa rất trọng đại vì máy lạnh ejector hơi nước rất đơn giản. Năng lượng tiêu tốn
cho nó lại là nhiệt năng nên do đó có thể taajjn dụng các nguồn năng lượng phế thải để
làm lạnh.
Năm 1930, sự kiện quan trọng phát triển kĩ thuật lạnh là việc sản xuất và ứng dụng môi
chất lạnh Freon ở Mĩ. Môi chất lạnh Freon là hợp chất hữu cơ hydro cacbua no hoặc
không no như metal (CH4) hoặc etan (C2H6)…, được thay thế một phần hoặc toàn bộ các
nguyên tử hydro bằng các nguyên tử halogen như Clo (Cl), Flo (F) hoặc Brom (Br). Đây
là những môi chất có tính chất quý báu như không cháy, không nổ, không độc hại, phù
hợp với chu trình làm việc của máy lạnh nén hơi, do đó góp phần tích cực vào việc thúc
đẩy kỹ thuật lạnh phát triển, nhất là kỹ thuật điều tiết không khí.
Ngày nay kỹ thuật lạnh hiện đại đã có những bước rất xa, có trình độ khoa học kỹ thuật
ngang hàng với các ngành kỹ thuật tiên tiến khác. Phạm vi nhiệt độ của kỹ thuật lạnh
ngày nay được mở rộng rất nhiều. người ta đang dần tiến đến nhiệt độ không tuyệt đối.
Phía nhiệt độ cao của thiết bị ngưng tụ, nhiệt độ có thể đạt trên 100 độ C dùng cho các
mục đích của bơm nhiệt như sưởi ấm, chuẩn bị nước nóng, sấy,… Đây là ứng dụng của
bơm nhiệt góp phần thu hồi nhiệt thải, tiết kiệm năng lượng sơ cấp.
1.3. Giới thiệu chung về hệ thống làm lạnh hấp thụ
1.3.1. Phương pháp làm lạnh nhờ hiệu ứng hấp thụ
Phương pháp làm lạnh bằng hấp thụ được thực hiện nhờ các phản ứng hóa nhiệt liên tiếp
nhau của môi chất làm lạnh và chất hấp thụ khi ở cùng áp suất và nhiệt độ. Các chất
thông dụng là H2O-NH3; LiBr-H2O (Lê Xuân Hòa, 2011).
1.3.2. Đặc điểm chung của hệ thống lạnh hấp thụ
Hệ thống làm lạnh hấp thụ thuộc nhóm các hệ thống làm lạnh sử dụng nhiệt năng. Môi
chất của hệ thống làm lạnh hấp thụ là dung dịch của 2 đơn chất. Các đơn chất này sôi ở
những nhiệt độ khác nhau khi ở cùng áp suất. Đơn chất có nhiệt độ sôi thấp hơn là môi
chất làm lạnh, đơn chất còn lại là môi chất hấp thụ. Dung dịch được sử dụng thông dụng
nhất để làm lạnh là hỗn hợp H2O + NH3, H2O + LiBr. Hỗn hợp H2O-NH3 có môi chất
làm lạnh là NH3, chất hấp thụ là H2O. Hỗn hợp LiBr-H2O có môi chất làm lạnh là H2O,
chất hấp thụ là LiBr (Lê Xuân Hòa, 2011).
- Máy lạnh hấp thụ sử dụng cặp môi chất gồm chất làm lạnh-chất hấp thụ là H2O-
NH3 khi nhiệt độ < 0 và được sử dụng để làm lạnh ở dải nhiệt độ 0 đến -70 oC.
- Máy lạnh hấp thụ sử dụng cặp môi chất gồm chất làm lạnh-chất hấp thụ là BrLi-
H2O khi nhiệt độ <0 và được sử dụng để làm lạnh nước đến +4 oC.
Ngày nay, người ta đã đưa vào sử dụng máy lạnh hấp thụ có năng suất lạnh đến 10MW.
Hệ thống làm lạnh hấp thụ có thể sử dụng các nguồn nhiệt dư thừa bỏ đi như khói của
tuabin khí, các cụm máy phát Diesel, khói thải các lò nung, lò luyện gang thép, ... Hệ
thống làm lạnh hấp thụ có thể sử dụng các nhiên liệu rẻ tiền và có thể dùng ở các nơi
không có điện. Máy lạnh hấp thụ không có các bộ phận chuyển động cơ khí nên không có
tiếng ồn, không bị bào mòn cơ khí nên tuổi thọ lớn (Lê Xuân Hòa, 2011).
1.3.3. Chu trình hấp thụ
Trong chu trình này sử dụng ở một cấp hai loại công chất: Chất làm lạnh và chất hấp thụ.
Tính chất của chu trình: Cặp môi chất khi hoà tan vào nhau thì nhả nhiệt (Q>0) và khi
chúng tách ra thì nhận nhiệt (Q<0).
Yêu cầu chung đối với cặp môi chất:
- Chất làm lạnh phải có tính hoà tan cao.
- Độ chênh lệch nhiệt độ sôi giữa chất làm lạnh và chất hấp thụ phải lớn.
- Nhiệt lượng sinh ra trong quá trình hấp thụ phải nhỏ.
- Chất làm lạnh và chất hấp thụ phải có tính dẫn nhiệt cao và độ nhớt thấp.
- Không bị kết tủa, không cháy, nổ, không ăn mòn, rẻ.
- Không phá huỷ môi sinh.
Chu trình hấp thụ bao gồm 3 loại sau đây (Nguyễn Tiến Lực, 2019):
- Chu trình hấp thụ một lần: hỗn hợp công chất đưa vào dàn bay hơi có nồng độ chất
làm lạnh rất cao (99,5%), hiệu quả làm lạnh chủ yếu do bay hơi công chất nguyên
chất.
- Chu trình hấp thụ hai lần: hỗn hợp công chất đưa vào dàn bay hơi có nồng độ chất
làm lạnh thấp, hiệu quả làm lạnh chủ yếu phân tách hỗn hợp ở nhiệt độ và áp suất
thấp.
- Chu trình khuyếch tán: Nguyên lý như chu trình hấp thụ một lần, nhưng ở đây
không dùng công cơ học.
1.4. Các ứng dụng của hệ thống làm lạnh hấp thụ
1.4.1. Ứng dụng của hệ thống làm lạnh hấp thụ trong ngành công nghiệp dệt
may
Trong các nhà máy dệt sợi polyester, nhiệt lượng được sản sinh ra trong quá trình ester
hóa làm nóng máy móc, cũng như nhà xưởng. Thông thường hơi ester hóa sẽ được làm
mát bằng tháp giải nhiệt và ngưng tụ rồi đưa về trở lại tháp phân tách glycol. Trong khi
đó, các xưởng dệt cần phải điều khiển nhiệt độ và độ ẩm ở mức thích hợp để tránh được
tình trạng sợi bị gãy đứt trong quá trình kéo sợi. Bởi vậy việc sử dụng hệ thống làm lạnh
hấp thụ là giải pháp làm mát hiệu quả cho các ngành công nghiệp dệt may vì thiết bị giúp
tận dụng tối đa nhiệt lượng từ quá trình ester hóa để làm mát cho nhà xưởng, nhờ vậy
giúp nhà sản xuất giảm được chi phí nhiên liệu.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể sử dụng hệ thống làm lạnh hấp thụ cho các xưởng
nhuộm. Hệ thống làm lạnh hấp thụ sẽ tận dụng tối đa lượng nhiệt thải ra từ hóa chất thải
ra khi nhuộm nóng để làm giảm nhiệt độ nhà xưởng và máy móc một cách hiệu quả. Tiếp
đó, nước lạnh từ hệ thống làm lạnh sẽ tham gia vào quá trình nhuộm lạnh, góp phần tiết
kiệm chi phí điện năng cho các chủ doanh nghiệp. Ngoài ra, hệ thống làm lạnh hấp thụ
còn được sử dụng để tận dụng nhiệt lượng trong các nhà máy may, đảm bảo nhiệt độ và
độ ẩm vừa phải cho hoạt động sản xuất, không làm sản sinh nấm mốc trên vải và đảm
bảo môi trường làm việc của công nhân luôn mát mẻ. Việc tận dụng nguồn nhiệt của hệ
thống làm lạnh có thể lấy từ lò hơi trong quá trình nhuộm vải
1.4.2. Ứng dụng của hệ thống làm lạnh hấp thụ trong ngành công nghiệp thực
phẩm
Các thực phẩm nói chúng như thịt, trứng, sữa, rau quả, trai cây và thủy sản nói riêng là
môi trường gồm nhiều chất dinh dưỡng như protein, lipid và một số chất khoáng khác rất
thuẫn lợi cho vi sinh vật phát triển, cũng như là nơi xảy ra hiện tượng trao đổi chất. Đa số
các vi khuẩn chỉ có thể phát triển ở độ ẩm 15% nên khi sản phẩm ở trạng thái khô và
được bảo quản thì sự sống của vi sinh vật sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Enzyme trong thwujcc
phẩm cũng hoạt động rất mạnh, dưới tác dụng của enzyme và vi sinh vật, giá trị dinh
dưỡng của thực phẩm bị mất dần, làm cho màu sắc, mùi vị của thực phẩm bị biến đổi
hoàn toàn, đồng thời sinh ra những độc tố có hại, gây ngộ độc cho người sử dụng.Vì vậy,
thực phẩm chủ yếu được bảo quản lạnh và lạnh đông để giữ nguyên mùi vị, tính chất tươi
sống ban đầu của thực phẩm, trong đó, chủ yếu là các loại thực phẩm như rau, củ quả, thịt
gia súc, gia cầm và thủy sản. Bên cạnh đó công nghệ lạnh cũng hỗ trợ cho sự phát triển
của một số ngành công nghiệp thực phẩm như công nghiệp sản xuất rượu bia, bánh, kẹo,
kem, nước giải khát, công nghiệp chế biến sữa,…. (Nguyễn Tiến Lực, 2019).
Như vậy, không chỉ được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp dệt may, hệ thống
làm lạnh hấp thụ còn được sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm, tiêu biểu là lĩnh
vực sản xuất bia tươi và chế biến thực phẩm.
 Lĩnh vực sản xuất bia
Rượu bia là sản phẩm thực phẩm thuộc loại đồ uống độ cồn thấp, thu nhận được bằng
cách lên men rượu bia ở nhiệt độ thấp dịch đường (từ gạo, ngô, tiểu mạch, đai mạch,…),
nước và hoa húp long. Đối với sản phẩm bia, đây là sản phẩm của quá trình lên men
không chưng cất, do đó quy trình lên men bia rất nghiêm ngặt yêu cầu về nhiệt độ, bởi
nhiệt độ của quá trình lên men sẽ quyết định đến chất lượng sản phẩm. Qúa trình lên men
bia luôn phải trải qua hai giai đoạn: lên men chính và lên men phụ, đối với lên men chính
nhiệt độ ở giai đoạn này đòi hỏi nằm trong khoảng 7 – 10 oC, đối với lên men phụ nhiệt
độ ở giai đoạn này đòi hỏi nằm trong khoảng -1 – 20 oC (Trần Đức Ba, 2007). Như vậy,
rõ ràng là quy trình công nghệ sản xuất rượu bia trải qua nhiều giai đoạn cần phải tiến
hành làm lạnh mới đảm bảo yêu cầu (Nguyễn Tiến Lực, 2019).
Đối với nhà máy sản xuất bia hiện đại, hệ thống lạnh thường được sử dụng ở các khâu cụ
thể như sau:
- Sử dụng để làm lạnh nhanh dịch đường sau khi nấu, dịch đường sau quá trình húp
long hóa có nhiệt dộ khoảng 80 oC cần phải tiến hành hạ nhiệt độ một cách nhanh
chóng xuống nhiệt độ lên men 6-8 oC, tốc độ làm lạnh nhanh khoảng 30 – 45 phút.
Nếu làm lạnh chậm, một số chủng vi sinh vật có hại cho quá trình lên men bia sẽ
kịp phát triển và làm giảm chất lượng bia. Như vậy, trong quá trình hạ nhiệt này
đòi hỏi phải sử dụng 1 lượng lạnh khá lớn.
- Quá trình lên men bia là quá trình được thực hiện ở điều kiện nhiệt độ nhất định 6
– 8 oC. Qúa trình lên men là giai đoạn quyết định để chuyển hóa dịch đường húp
long hóa thành bia dưới tác dụng của nấm men thông qua hoạt động sống của
chúng. Trong quá trình lên men bia thì lượng dịch tỏa ra một lượng nhiệt lớn.
- Bảo quản và nhân men giống là một khâu vô cùng quan trọng cần lạnh trong nhà
máy bia. Men giông được bảo quản trong những tank đặc biệt ở nhiệt độ thấp.
Tank cũng có cấu tạo tương tự như tank lên men, nó có thân hình trụ bên ngoài có
các áo dẫn glycol làm lạnh. Tuy nhiên kích thước của các tank men nhỏ hơn tank
lên men rất nhiều, nên lượng nhiệt cần thiết cho tank men giống không lớn.
- Làm lạnh nước 1 oC, nước lạnh được sử dụng trong nhà máy bia với nhiều mục
đích khác nhau, đặc biệt được sử dụng để làm lạnh nhanh dịch đường sau khi được
húp long hóa đến khoảng 20 oC. Việc sử dụng nước 1 oC là 1 giải pháp rất hữu
hiệu và kinh tế trong các nhà máy bia hiện đại. Phụ tải nhiệt của các mẻ nấu theo
thời gian trong ngày không đều và liên tục mà có dạng hình xung. Khi các mẻ nâu
hoàn thành yêu cầu thì phải tiến hành làm lạnh rất nhanh. Rõ ràng nếu sử dụng
làm lạnh trực tiếp, thì công suất máy lạnh sẽ rất lớn. Việc sử dụng nước lạnh 1 oC
sẽ giúp hạ lạnh nhanh dịch đường cho phép trữ một lượng lạnh đáng kể để làm
lạnh dịch đường của các mẻ nấu một cách nhanh chóng. Điều này cho phép không
cần có hệ thống làm lạnh lớn nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu.
- Làm lạnh hầm bảo quản tank lên men và điều hòa.
Như vậy, trong quá trình sản xuất bia tươi, ta cần phải đảm bảo nhiệt độ nước lạnh phù
hợp để làm mát men bia, thùng lên men, bồn bia tươi và làm lạnh cho hầm bảo quản. Và
trong các phương pháp làm lạnh hiện nay, các doanh nghiệp thường lựa chọn sử dụng hệ
thống làm lạnh hấp thụ để chạy lạnh, đảm bảo mức nhiệt độ lý tưởng cho hoạt động sản
xuất. Lý do là bởi loại hệ thống làm lạnh này có thể tận dụng tối đa nguồn nhiệt hơi nước
từ bồn nấu bia để chạy lạnh mà không tốn kém chi phí điện năng như các thiết bị làm
lạnh thông thường khác.
 Lĩnh vực chế biến thực phẩm
Trong các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm hiện nay, để thanh trùng cho các sản
phẩm và nước giải khát, người ta đã sử dụng hơi nước hoặc nước nóng từ lò hơi. Trong
khi đó, người ta thường sử dụng hệ thống làm lạnh hấp thụ điều khiển bằng hơi để thu hồi
lượng nhiệt bên ngoài để tạo ra hơi nước nóng đạt yêu cầu tiệt trùng cho các loại sản
phẩm. So với nồi hơi có công suất tương tự thì việc sử dụng hệ thống làm lạnh hấp thụ có
thể tiết kiệm 40% nhiên liệu sau mỗi giờ làm việc. Do đó, hệ thống làm lạnh hấp thụ rất
được ưa chuộng trong ngành công nghiệp thực phẩm.
 Ứng dụng lạnh trong bảo quản thực phẩm
Để kéo dài thời gian lưu trữ thực phẩm như cá, thịt, sữa, trứng, rau củ quả…phục vụ cho
quá trình sử dụng, vận chuyển, trao đổi buôn bán thì các thực phẩm cần phải có chế độ
bảo quản phù hợp. Để bảo quản thực phẩm người ta có thể thực hiện nhiều phương pháp
như: Phơi, sấy khô, bảo quản lạnh, tuy nhiên phương pháp bảo quản lạnh tỏ ra có ưu
điểm nổi bật so với các phương pháp khác bởi phương pháp này phù hợp với hầu hết thực
phẩm, khi bảo quản lạnh các thuộc tính tự nhiên của thực phẩm như hương vị, màu sắc,
các vi lượng và dinh dưỡng trong thực phẩm được đảm bảo tối đa.
Đối với phương pháp bảo quản lạnh các thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ thấp nên
kìm hãm sự phân hủy do vi khuẩn gây ra từ đó kéo dài thời gian lưu trữ sản phẩm, tuy
nhiên mỗi thực phẩm có chế độ nhiệt bảo quản khác nhau vì vậy cần phải nghiên cứu chế
độ bảo quản phù hợp với từng loại thực phẩm nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm là tốt
nhất.
Một số thực phẩm trước khi đưa vào các kho bảo quản lạnh cần được tiến hành xử lý lạnh
để hạ nhiệt độ thực phẩm từ nhiệt độ ban đầu xuống nhiệt độ bảo quản nhằm rút ngắn
thời gian gia lạnh, có hai chế độ xử lý là xử lý lạnh và xử lý lạnh đông. Xử lý lạnh là làm
lạnh thực phẩm xuống đến nhiệt độ bảo quản yêu cầu, tuy nhiên nhiệt độ bảo quản này
phải nằm trên điểm đóng băng của sản phẩm, sản phẩm sau khi xử lý còn mềm, chưa bị
hóa cứng do đóng băng. Xử lý lạnh đông là kết đông thực phẩm, thực phẩm hoàn toàn
hóa cứng do hầu hết nước và dịch trong sản phẩm đã đóng thành băng.
Hiện nay, ứng dụng lạnh bảo quản thực phẩm không còn xa lạ trong đời sống con người,
các kho lạnh bảo quản, kho lạnh chế biến phân phối, các máy lạnh thương nghiệp đến tủ
lạnh gia đình, các nhà máy sản xuất nước đá, máy lạnh lắp trên phương tiện vận tải…thực
sự cần thiết, không thể thiếu trong đời sống và sản xuất con người.
1.4.3. Ứng dụng trong điều hòa không khí
Ngày nay, kỹ thuật điều hòa được sử dụng rất rộng rãi trong đời sống và trong công
nghiệp. Khâu quan trọng nhất trong các hệ thống điều hòa không khí đó là hệ thông lạnh.
Máy lạnh được sử dụng để xử lý nhiệt arm không khí trước khi cấp vào phòng. Máy lạnh
không chỉ được sử dụng để làm lạnh về mùa hè mà còn được đảo chiều để sưởi ấm vào
mùa đông.
Điều hòa không khí hay điều hòa nhiệt độ là để duy trì không khí ổn định trong phòng về
nhiệt độ, độ ẩm, độ sách và thay đổi thành phần không khí. Thông thường thiết bị điều
hòa không khí chủ yếu phục vụ cho con người là chính, nhưng ngày nay thiết bị máy lạnh
còn được sử dụng rộng rãi hơn trong các lĩnh vự như cho động vật, thực vật, máy móc,
trang thiết bị y tế, thuốc men, dược phẩm,… Để đạt được mục đích điều hòa không khí,
phải điều chỉnh và duy trì các thông số của không khí như nhiệt độ không khí, độ ẩm
không khí, sự lưu thông và tuần hoàn không khí, hệ thống xử lý bụi và các tạp chất lạ
trong không khí.
Máy lạnh điều hòa không khí công nghiệp là tiện nghi ngày nay, không thể thiếu và thực
sự đang phát triển mạnh mẽ trong thế giới hiện đại. Điều hòa không khí được sử dụng
trong cuộc sống như nhà ở, khách sạn, các phương tiện như máy bay, ô tô và trong các
ngành công nghiệp. Các yêu cầu nghiêm ngặt về nhiệt độ, độ ẩm và thành phần không
khí trong các quy trình công nghệ sản xuất như vải sợi, in ấn, thuốc lá, điện tử, vi điện tử,
máy tính, quang học, cơ khí, …. nhất thiết phải có điều hòa không khí. Các dịch vụ khác
như khách sạn, du lịch,… cũng không thể thiếu điều hòa không khí và các ngành y tế, thể
dục thể thao, giao thông vận tải, vui chơi giải trí cũng không thể thiếu được điều hòa
không khí.
1.4.4. Ứng dụng lạnh trong y tế
Trong y tế người ta ứng dụng lạnh rất đa dạng như ứng dụng lạnh để bảo quản máu, các
bộ phận cấy ghép, các loại thuốc, các loại vacxine. Trong phẩu thuật người ta ứng dụng
lạnh để làm lạnh cục bộ tại nơi phẩu thuật để gây tê, giảm đau, ngừng vòng tuần hoàn
máu, gây ngủ nhân tạo để phẩu thuật, ứng dụng lạnh ướp xác chết phục vụ khám, xét
nghiệm tử thi hoặc chờ mai táng…Nói chung, ứng dụng lạnh trong y tế ngày càng nhiều
và đem lại những hiệu quả hết sức to lớn trong sự phát triển của ngành y tế. Hình 1.10:
Tủ lạnh bảo quản thuốc
1.4.5. Ứng dụng lạnh trong thể dục thể thao
Nhờ có kỹ thuật lạnh mà người ta có thể tạo ra sân trượt băng, đường đua trượt băng và
trượt tuyết nhân tạo cho các vận động viên luyện tập hoặc cho các đại hội thể thao ngay
cả khi nhiệt độ không khí còn rất cao. Trước đây để làm lạnh các sân băng nhân tạo
người ta thường sử dụng nước muối làm chất tải lạnh với nhiệt độ khoảng -10 0C. Tuy
nhiên, do muối có tính ăn mòn cao nên làm giảm tuổi thọ nền và dễ gây rã băng khi rò rĩ.
Vì vậy, ngày nay người ta thường sử dụng hệ thống lạnh làm lạnh trực tiếp để tạo ra các
sân trượt băng, trượt tuyết nhân tạo.
1.5. Tình hình tiêu thụ của hệ thống làm lạnh hấp thụ trong nước và trên toàn
thế giới
Hệ thống lạnh hấp thụ giữ một vai trò quan trọng trong kỹ thuật lạnh. Với chặng đường
phát triển 200 năm, ngày nay các hệ thống lạnh hấp thụ khác nhau đã được hoàn chỉnh và
sử dụng hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở Nga, Mỹ và Trung Quốc,…
Trong điều kiện của nước Việt Nam, hệ thống lạnh hấp thụ là rất phù hợp, nhất là mặt
chế tạo và vận hành đơn giản, không cần dùng điện năng mà có thể dùng than, củi để
chạy máy, cho nên việc nghiên cứu thiết kế chế tạo và ứng dụng hệ thống làm lạnh hấp
thụ ở Việt nam là một việc hết sức ý nghĩa.
3.Các loại thiết bị chính trong hệ thống làm lạnh hấp thụ
3.1. Thiết bị ngưng tụ
3.1.1. Thiết bị ngưng tụ ống chùm nằm ngang
Bình ngưng có thân hình trụ nằm ngang làm từ vật liệu thép CT3, bên trong là các ống
trao đổi nhiệt bằng thép áp lực C20. Các ống trao đổi nhiệt được hàn kín hoặc núc lên mặt
sang hai đầu. Để có thể hàn hoặc núc các ống trao đổi nhiệt vào mặt sang, nó phải có độ
dày khá lớn từ 20-30 mm. Hai đầu thân bình là các nắp bình. Các nắp bình tạo thành vách
phân dòng nước để nước tuần hoàn nhiều lần trong bình ngưng. Mục đích của tuần hoàn
nhiều lần là để tăng thời gian tiếp xúc của nước và môi chất, tăng tốc độ chuyển động của
nước trong các ống trao đổi nhiệt nhằm nâng cao hệ số tỏa nhiệt alpha. Cứ 1 lần nước
chuyển động từ đầu này đến đầu kia của bình thì gọi là 1 pass. Một trong những vấn đề
cần quan tâm là khi chế tạo bình ngưng là bố trí số lượng ống của các pass phải đều nhau,
nếu không thì tốc độ nước trong các pass sẽ khác nhau, tạo nên tổn thất áp lực không cần
thiết (Nguyễn Tiến Lực, 2019).

Hình: Thiết bị ngưng tụ ống chùm nằm ngang (Nguyễn Tiến Lực, 2019).
1-Nắp bình; 2-Ống xả khí không ngưng; 3-Ống cân bằng; 4-Ống trao đổi nhiệt; 5-Ống
gas vào; 6-Ống lắp van an toàn; 7- Ống lắp áp kế; 8- Ống xả khí của nước; 9- Ống nước
ra; 10- Ống nước vào; 11- Ống xả cặn; 12- Ống lỏng về bình chứa.
3.1.2. Thiết bị ngưng tụ kiểu ống vỏ thẳng đứng
Thiết bị ngưng tụ loại này có vỏ trụ tròn đặt thẳng đứng, có các mặt sàng được liên kết
chắc với vỏ. Các ống trao đổi nhiệt được chế tạo bằng thép, đường kính 57x 3.5mm, được
các vào mặt sàng tương tự như loại ống vỏ nằm ngang. Trong loại bình ngưng tụ này,
nước không chứa đầy toàn bộ ổng mà chảy thành lớp mỏng bề mặt trong của ống dưới tác
dụng của trọng lực. Trên bình ngưng tụ có đặt thùng cấp nước có các lỗ và các nút hình
côn để phân phối nước và làm chảy thành màng ở bề mặt trong ống. Các nút này thường
có rãnh xoắn để nước chuyển đọng vòng theo bề mặt nhằm tăng cường truyền nhiệt. Môi
chất lạnh sau khi toả nhiệt cho nước làm mát chảy trong ống được ngưng tụ ở bề mặt
ngoài của ống cũng ở dạng màng mỏng (Nguyễn Đức Lợi, 2006).
Nước sau khi trao đổi nhiệt chảy vào bể chứa bằng bê tông ở đây bình. Môi chất lạnh
lỏng sau khi ngưng tụ được đưa vào bình chứa (10) qua ống dẫn lỏng có miệng ở vị trí
cao hơn mặt sàng dưới 80 mm để tránh đầu vào bình chứa và thiết bị bay hơi. Trên bình
ngang và bình chứa đặt các van ba ngã có hai van an toàn (3) , ống can bằng hơi (8) nối
bình ngưng và bình chứa , van xả dầu (9) , kính quan sát mức lỏng và dầu (1) (Nguyễn
Đức Lợi, 2006).

Hình: Thiết bị ngưng tụ kiểu ống vỏ thẳng đứng (Nguyễn Đức Lợi, 2006).
1,13 – Kính quan sát mức lòng; 2 - Ống dẫn hơi vào; 3 – Van an toàn; 4 – Hộp phân phối
nước; 5 – Đường xả không khí; 6 – Vỏ bình; 7 - Ống dẫn lỏng ra; 8 - Ống cân bằng; 9 –
Van xả dầu; 10 – Bình chứa cao áp; 11 – Van an toàn; 12 – Đường cấp lỏng từ bình chứa.
Ưu điểm : Hiệu quả trao đổi nhiệt khá lớn, phụ tải nhiệt của bình đạt 4500 W/m2 ở độ
chênh nhiệt độ 4 - 5K , tương ứng hệ số truyền nhiệt 800 - 1000 W/m2.K; Thích hợp cho
hệ thống công suất trung bình và lớn, không gian lắp đặt chật hẹp, phải bố trí bình ngưng
ở ngoài trời; Do các ống trao đổi nhiệt đặt thẳng đứng nên khả năng bám bẩn ít hơn so
với bình ngưng ống chùm nằm ngang, do đó không yêu cầu chất lượng nguồn nước cao
lắm; Do kết cấu thẳng đứng nên lòng môi chất và dầu chảy ra ngoài khá thuận lợi, việc
thu hồi dầu cũng dễ dàng. Vì vậy bề mặt trao đổi nhiệt nhanh chóng được giải phóng để
cho môi chất làm mát (Nguyễn Tiến Lực, 2019).
Nhược điểm: Vận chuyển, lắp đặt, chế tạo, vận hành tương đối phức tạp. Lượng nước
tiêu thụ khá lớn nên chỉ thích hợp những nơi có nguồn nước dồi dào và rẻ tiền. Đối với hệ
thống rất lớn sử dụng bình ngưng kiểu này không thích hợp, do kích thước cồng kềnh,
đường kính bình quá lớn không đảm bảo an toàn (Nguyễn Tiến Lực, 2019).
3.1.3. Thiết bị ngưng tụ kiểu ống lồng ống
Thiết bị gồm hai ống lồng vào nhau và thường được cuộn lại cho gọn. Nước chuyển động
ở ống bên trong, môi chất chuyển động ở ống ngược lại ở phần không gian giữa các ống.
Ống thường sử dụng là ống đồng và cũng có thể sử dụng ống thép (Nguyễn Đức Lợi,
2006).

Hình: Thiết bị ngưng tụ kiểu ống lồng ống (Nguyễn Tiến Lực, 2019).
Ưu điểm: Có hiệu quá trao đổi nhiệt khá lớn và gọn.
Nhược điểm: Chế tạo tương đối khó khăn, các ống lồng vào nhau sau đó được cuộn lại
cho gọn, nếu không có biện pháp chế tạo đặc biệt các ống dễ bị móp, nhất là ống lớn ở
ngoài, dẫn đến tiết diện bị co thắt, ảnh hưởng đến sự lưu chuyển của môi chất bên trong.
Do môi chất khi chuyển động vào ra một ống duy nhất nên lưu lượng nhỏ, thiết bị ngưng
tụ kiểu ống lồng ống chỉ thích hợp đối với hệ thống nhỏ và trung bình (Nguyễn Đức Lợi,
2006).
3.1.4. Thiết bị ngưng tụ kiểu tấm bản
Thiết bị ngưng tụ kiểu tấm bản được ghép từ nhiều tấm kim loại ép chặt với nhau nhờ hai
nắp kim loại có độ bền cao. Các tấm được dập gợn sóng . Môi chất lạnh và nước giải
nhiệt được bố trí đi xen kẽ nhau. Cấu tạo gợn sóng có tác dụng làm rối dòng chuyển động
của môi chất và tăng hệ số truyền nhiệt động thời tăng độ bền của nó. Các tấm bản có
chiều dày khá mỏng nên nhiệt trở dẫn nhiệt bé, trong khi diện tích trao đổi nhiệt rất lớn.
Thường cứ hai tấm được hàn ghép với nhau thành một panel. Môi chất chuyển động bên
trong, nước chuyển động ở khoảng hở giữa các panel khi lắp đặt (Nguyễn Tiến Lực,
2019).
Trong quá trình sử dụng cần lưu ý hiện tượng bám bẩn ở bề mặt ngoài các panel (phía
đường nước) nên cân định kỳ mở ra vệ sinh hoặc sử đụng nguồn nước có chất lượng cao.
Có thể vệ sinh cáu bẩn bên trong bằng hoá chất, sau khi rửa hoá chất cần trung hoà và rửa
sạch để không gày ăn mòn làm hỏng các panel (Nguyễn Tiến Lực, 2019).
Ưu điểm: Do được ghép từ các tấm bản mỏng nên diện tích trao đổi nhiệt khá lớn, cấu tạo
gọn. Dễ dàng tháo lắp để vệ sinh sửa chữa và thay thế. Có thể thêm bớt một số panel để
thay đổi công suất giải nhiệt một cách dễ dàng. Hiệu quả trao đổi nhiệt cao, tương đương
bình ngưng ống vỏ amôniắc.
Nhược điểm: Chế tạo khó khăn. Cho đến nay chỉ có các hãng nước ngoài là có khả năng
chế tạo các dàn ngưng kiểu tấm bản. Do đó thiếu các phụ tùng có sẵn để thay thế sửa
chữa . Khả năng rò rỉ đường nước khá lớn do số đệm kín nhiều.

Hình: Thiết bị ngưng tụ kiểu tấm bản (Nguyễn Tiến Lực, 2019).
3.2.Thiết bị bay hơi
3.2.1. Thiết bị bay hơi ống chùm nằm ngang
Thiết bị bay hơi làm lạnh chất lỏng có cấu tạo tương tự như bình ngưng tụ ống chùm nằm
ngang. Thiết bị sử dụng các trao đổi nhiệt là thép áp lực trơn C20 đường kính Ф38x3,
Ф51x3.5, hoặc Ф57x3.5. Các chùm ống được bố trí so le, cách đều và nằm trên các đỉnh
tam giác đều, mật độ tương đối dày để giảm kích thước bình, đồng thời giảm dung tích
chứa NH3. Thân và nắp bình bằng thép CT3. Để bình có hình dáng đẹp hơn, hợp lý tỷ số
giữa chiều dài và đường kính cần duy trì trong khoảng L/D = 5-8. Các mặt sang thường
được làm bằng thép Cacbon hoặc thép hợp kim và có độ dày khá lớn 20-30 mm. Ống
được núc chặt vào mặt sang hoặc hàn. Khoảng hở cần thiết nhỏ nhất giữa các ống ngoài
cùng và mặt trong của thân bình là 15 – 20 mm. Phía dưới bình có thể có rốn để thu hồi
dầu, từ đây dầu được đưa về bình thu hồi dầu. Môi chất được tiết lưu vào bình từ phía
dưới, sau khi trao đổi nhiệt, hơi sẽ được hút về máy từ bình tách lỏng gắn ở phía trên bình
bay hơi. Đối với các bình có công suất lớn, môi chất lỏng được đưa vào ống góp rồi đưa
vào một số ống nhánh dẫn vào bình, phân bố đều theo chiều dài. Hơi ra bình cũng được
dẫn ra từ nhiều ống phân bố đều trong không gian. Bình bay hơi có trang bị van phao
khống chế mức chất lỏng, van phao tác động đóng van điện từ cấp dịch khi mức dịch
vượt quá mức cho phép. Trong trường hợp muốn khống chế mức dịch dưới có thể dùng
thêm van phao thứ hai tác động mở van điện từ cấp dịch khi lượng dịch quá thấp
(Nguyễn Tiến Lực, 2019).
Các nắp bình cũng có các vách phân dòng để chất tải lạnh chuyển động nhiều lần trong
bình, tăng thời gian làm lạnh và tốc độ chuyển động của nó, nhằm nâng cao hiệu quả trao
đổi nhiệt.

Hình: Thiết bị bay hơi ống chùm nằm ngang (Nguyễn Tiến Lực, 2019).
3.2.2. Thiết bị bay hơi kiểu tấm bản
Để làm bay hơi các chất lỏng trong chu trình hở người ta sử dụng các dàn lạnh panen.
Cấu tạo của dàn gồm hai ống góp lớn nằm phía trên và phía dưới , nối giữa hai ống góp là
các ống trao đổi nhiệt dạng ống trơn thẳng đứng. Môi chất chuyển động và sôi trong các
ống, chất lỏng cần làm lạnh chuyển động ngang qua ống. Các dàn lạnh panen được cấp
dịch theo kiểu ngập lòng nhờ bình giữ mức - tách lỏng. Mọi chất lạnh đi vào ống góp
dưới và đi ra ống góp trên (Nguyễn Tiến Lực, 2019).
Tốc độ luân chuyển của nước muối trong bể khoảng 0,5 - 0,8 m/s, hệ số truyền nhiệt k =
460 - 580 w/m2 .K. Khi hiệu nhiệt độ giữa môi chất và nước khoảng 5 - 6K, mật độ dòng
nhiệt của dàn bay hơi panen khá cao khoảng 2900 - 3500 W/m2.
Dàn lạnh panen kiểu ống thẳng có nhược điểm là quãng đường đi của dòng môi chất
trong các ống trao đổi nhiệt khá ngắn và kích thước tương đối cồng kềnh. Để khắc phục
điều đó người ta làm dàn lạnh theo kiểu xương cá.

Hình: Thiết bị bay hơi kiểu panen (Nguyễn Tiến Lực, 2019).
3.3. Thiết bị hấp thụ
Thiết bị hấp thụ của hệ thống lạnh hấp thụ được biết đến như là thành phần quan trọng
nhất của hệ thống về mặt hiệu suất và chi phí. Diện tích truyền nhiệt của bộ hấp thụ
chiếm khoảng 40% tổng diện tích truyền nhiệt của hệ thống. Chi phí chế tạo hệ thống sẽ
giảm đáng kể nếu như diện tích truyền nhiệt của bộ hấp thụ có thể được giảm bớt bằng
cách nâng cao hiệu quả truyền nhiệt-truyền chất trong bộ hấp thụ (Nguyễn Đình Hiếu,
2017).
3.3.1. Thiết bị hấp thụ loại bề mặt
Thiết bị hấp thụ loại bề mặt rất đơn giản. Trong thiết bị khí và lỏng chuyển động ngược
chiều nhau và tiếp xúc với nhau trên bề mặt thoáng của chất lỏng. Loại thiết bị này có bề
mặt tiếp xúc pha bé, nên chỉ được dùng khi chất khí hòa tan trong lỏng. Các loại thiết bị
này thường được lắp nối tiếp nhau thành từng dãy. Trong trường hợp cần làm nguội trong
quá trình hấp thụ người ta tưới nước lên bề mặt thiết bị hoặc nhúng toàn bộ thiết bị vào
trong bể nước lạnh (Nguyễn Bin, 2005).
Hình: Thiết bị hấp thụ loại bề mặt kiểu vò (Nguyễn Bin, 2005).

Hình: Thiết bị hấp thụ loại bề mặt kiểu ống (Nguyễn Bin, 2005).
3.3.2. Thiết bị hấp thụ loại màng
Thiết bị có cấu tạo đơn giản, được phân thành loại ống và loại tấm.
Ưu điểm:
- Trở lực nhỏ.
- Vận tốc chất lỏng lớn (5 m/s).
Nhược điểm:
- Hiệu suất thấp khi chiều cao lớn.
- Khó phân bố đều chất lỏng.
 Thiết bị hấp thụ loại màng ống
Loại này có cấu tạo giống thiết bị trao đổi nhiệt ống chùm. Chất lỏng chảy dọc theo thành
trong ống từ trên xuống, chất khí đi từ dưới lên tiếp xúc với màng chất lỏng và quá trình
hấp thụ được thực hiện ở màng chất lỏng trên thành ống. Để lấy nhiệt tỏa ra khi hấp thụ
người ta cho nước lạnh vào khoảng giữa các ống. Đường kính ống từ 25 đến 50mm
(Nguyễn Bin, 2005).

Hình: Thiết bị hấp thụ màng kiểu ống (Nguyễn Bin, 2005).
1 - Thân; 2 - Ống.
 Thiết bị hấp thụ màng kiểu tấm
Gồm các bản xếp thẳng đứng song song với nhau ở khoảng cách nhất định. Bản có thể
được chế tạo bằng kim loại, chất dẻo,…
Chất lỏng đi từ trên xuống chảy theo thành màng trên bề mặt bản nhờ bộ phân phối (2).
Khí đi ngược chiều từ dưới lên (Nguyễn Bin, 2005).
Hình: Thiết bị hấp thụ màng kiểu tấm (Nguyễn Bin, 2005).
1 - Bản; 2 - Phân phối lỏng.
3.3.2. Thiết bị hấp thụ loại phun
Loại này gồm thân (1) và hệ thống vòi phun (2). Những hạt chất lỏng được phun ra trong
thiết bị sẽ tiếp xúc với dòng khí đi từ dưới lên và quá trình hấp thụ xảy ra (Nguyễn Bin,
2005).
Hình: Thiết bị hấp thụ loại phun (Nguyễn Bin, 2005).
1 - Thân; 2 - Vòi phun.
3.3.3. Thiết bị hấp thụ loại cơ học
Ngoài ra còn có loại thiết bị hấp thụ cơ học. Chất lỏng bắn ra trong các phễu, ở đó khí sẽ
tiếp xúc với hạt lỏng và có quá trình hấp thụ. Khí chuyển động qua thiết bị theo đường
ngoằn ngoèo giữa các bậc. Chất lỏng chảy từ trên xuống và được lấy ra ở đáy. Bộ phận
bắn tung chất lỏng được gắn vào một trục quay, có tác dụng trì hoãn sự chảy của chất
lỏng và làm bạn chất lỏng trong phễu, tạo khả năng tiếp xúc pha tốt với chất khí (Nguyễn
Bin, 2005).

Hình: Thiết bị hấp thụ cơ học loại cánh khuấy (Nguyễn Bin, 2005).
1-Thùng ; 2 - Thân; 3 - Trục nằm ngang; 3 – Đĩa.

Hình: Cấu tạo thiết bị tháp hấp thụ cơ học loại đĩa (Nguyễn Bin, 2005).
1 - Thân; 2 - Đĩa; 3 - Trục với bộ phận bắn chất lỏng; 4 - Cửa vào của chất lỏng; 5 - Cửa
vào của chất khí; 6 - Đếm tách bọt; 7 - Cửa khí trơ; 8 - Dung dịch ra.

Hình: Một đĩa của thiết bị hấp thụ cơ học loại đĩa (Nguyễn Bin, 2005).
3.4. Van tiết lưu
3.4.1. Van tiết lưu đơn giản
Cấu tạo chung: tạo ra sự co hẹp đột ngột trên đường đi của đường dẫn mọi chất lạnh
(Nguyễn Tiến Lực, 2019).
Ống tiết lưu: Ống tiết lưu có cấu tạo là một đoạn ống có tiết diện nhỏ (khoảng 0,4 -
0,5mm ), dài (khoảng 0,4 - 0,8mm) được xoăn lại để giảm diện tích và được làm bằng
đồng hoặc hợp kim đồng, được bọc kín để bảo vệ .
Nguyên lý hoạt động: Khi dòng môi chất lạnh chuyển động qua ống tiết lưu, do tiết diện
của ống tiết lưu hẹp nên môi chất bị nén lại và thay đổi một số thông số trạng thái. Chiều
dài của ống tiết lưu lớn hơn rất nhiều so với đường kính để giảm thiểu khả năng bốc hơi
qua lại trạng thái cũ của môi chất lạnh.
Ứng dụng: Được sử dụng nhiều trong các hệ thống lạnh nhỏ , hộ gia đình , cá nhân như
máy điều hòa không khí gia đình , tủ lạnh gia đình,… Cấu tạo đơn giản giá thành rẻ và
hiệu quả sử dụng cao .
3.4.2. Van tiết lưu điều khiển bằng tay
Cấu tạo: Cấu tạo chung gần giống một van mở nước bình thường. Van gồm hai ngõ vào
và ra. Van có hai bộ phận chính là (Nguyễn Tiến Lực, 2019):
- Bộ phận đứng yên: là thân van thường được cấu tạo từ hợp kim, thép.
- Bộ phận di chuyển: gồm màng chắn (chốt chắn) và vít được gắn cứng với nhau,
trên đầu vít có thể gắn tay quay để dễ điều chỉnh.
Tiết diện co hẹp của van được điều chỉnh bằng tay qua cơ cấu ren vít để thay đổi về độ
rộng khe hở.
Van tiết lưu điều khiển bằng tay được sử dụng ở những hệ thống lanh đơn giản , công
suất nhỏ như nhà máy nước đá , . . . hoặc là những hệ thống lạnh cũ. Cấu tạo van tiết lưu
điều khiển bằng tay đơn giản dễ lắp đặt, dễ khắc phục sự cố, yêu cầu tay nghề công nhân
không cao. Van tiết lưu điều khiển bằng tay không điều chỉnh được nên phải theo dõi
trạng thái của hệ thống thường xuyên và hệ thống dễ xảy ra sự cố hơn.
3.4.3. Van tiết lưu nhiệt
Là van tiết lưu dựa vào sự thay đổi của nhiệt độ tại điểm đo để thay đối lưu lượng thể tích
đi qua van. Sơ đồ cấu tạo cơ bản của một van tiết lưu nhiệt được thể hiện ở hình bên dưới
như sau (Nguyễn Tiến Lực, 2019).

Hình: Sơ đồ cấu tạo cơ bản của một van tiết lưu nhiệt (Nguyễn Tiến Lực, 2019).
(1) Bầu cảm biến nhiệt có vỏ thường được làm bằng đồng, hợp kim đồng. Môi chất
trong bầu không thông với môi chất của hệ thống. Bầu cảm biến nhiệt độ được nối
với nắp trên của van tiết lưu qua một ống dẫn có tiết diện nhỏ.
(2) Nắp trên của văn được làm bằng hợp kim, có dạng hình nắp và được hàn cũng hay
bắt bulong với thân van.
(3) Màn chắn là một tấm mỏng được làm từ vật liệu đàn hồi, có thể là kim loại hay phi
kim loại.
(4) Rãnh thông có tiết diện tương đối nhỏ, làm nhiệm vụ thông giữa phần dưới và
phần trên của van.
(5) Bulong chắn đầu hiệu chỉnh bảo vệ vật hiệu chỉnh áp suất cân bằng của van và
chống bụi bẩn gây hư hỏng hay khó hiệu chỉnh về sau.
Nguyên lý hoạt động: nhiệt độ của đường ống được truyền cho bầu cảm biến nhiệt. Môi
chất bên trong bầu sẽ thay đổi trạng thái và tạo ra một áp suất tác động lên màng chắn
một lực. Lực này tương quan so với lực đàn hồi của lò xo cộng với áp suất bên trong
dòng môi chất lạnh đã được cài đặt. Nếu F lớn hơn lực đàn hồi của lò xo cộng với áp suất
bên trong dòng môi chất lạnh thì màng chắn đẩy môi chất lạnh đi xuống , chốt trụ sẽ làm
ch cửa van mở to thêm , môi chất lạnh đi qua van nhiều hơn . Nếu F nhỏ hơn lực đàn hồi
của lò xo cộng với áp suất bên trong dòng môi chất lạnh thì lực đàn hồi của lò xo sẽ làm
cho van khép lại dần. Tiết diện của khe hẹp nhỏ lại và môi chất lạnh đi qua van ít hơn. Sự
thay đổi ít hay nhiều môi chất lạnh đi qua van đó làm thay đổi trạng thái của môi chất sau
khi môi chất đi qua dàn bay hơi. Qua đó chúng ta có thể điều chỉnh lực nén lò xo để đạt
được trạng thái mong muốn của lưu chất.
Ứng dụng: được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống lạnh công nghiệp, dân dụng có quy
mô vừa và lớn.
3.4.4. Van tiết lưu điện tử
Là van tiết lưu dựa vào một hay nhiều tín hiệu đo được tại một hay nhiều vị trí trong hệ
thống lạnh để điều chỉnh thể tích của môi chất lạnh đi qua van. Về cấu tạo, van điện tử
phức tạp hơn so với van tiết lưu nhiệt, gồm 3 thành phần chính (Nguyễn Tiến Lực, 2019):
- Bộ phận cảm biến: Thường dùng trong hệ thống là cảm biến nhiệt độ, áp suất và
lưu lượng.
- Bộ phận xử lý tín hiệu hay bộ phận điều khiển: là 1 hệ thống điện được cấu tạo
phức tạp. Dùng để chuyển đổi các tín hiệu đo được thành tín hiệu điện tử, xử lý và
xuất tín hiệu điều chỉnh van.
- Van tiết lưu: được cấu tạo bằng 1 cơ cấu van điều chỉnh lưu lượng đơn giản và 1
cơ cấu dịch chuyển bằng động cơ điện từ trường để thay đổi tiếp diện van.
Bộ phận tiết lưu trong hệ thống van tiết lưu điện tử được điều khiển bằng điện. Tiết diện
của khe hẹp trong van được điều khiển bởi động cơ bước hay động cơ servo hay cũng có
thể sử dụng cơ cấu trượt nhờ từ tính và cơ cấu điều khiển đặc biệt khác.
Nguyên lý hoạt động: Cảm biến chuyển các tín hiệu đo được thành tín hiệu được thành
tín hiệu điện và dựng thành hệ thống xử lý. Hệ thống xử lý các tín hiệu này và so sánh
với các tín hiệu đã được cài đặt hay thông số tối ưu cho hệ thống rối xuất ra tín hiệu điện
làm cho cơ cấu chấp hành hoạt động và làm thay đổi thiết diện khe hẹp tiết lưu. Qua đó
thay đổi lưu lượng đi qua van để điều chỉnh cho hệ thống hoạt động ổn định hay đáp ứng
yêu cầu cụ thể nào đó.
Sử dụng cho những hệ thống lạnh lớn và mới có hàm lượng công nghệ cao. Những hệ
thống lạnh đòi hỏi sự chính xác về nhiệt độ hay yêu cầu khắt khe về tốc độ điều khiển vì
hệ thống có khả năng điều khiển nhanh và mịn. Giá thành đầu tư tương đối cao nhưng
hiệu quả mang lại về kỹ thuật và kinh tế khá lớn.
4.Kết luận
4.1. So sánh hệ thống lạnh hấp thụ với hệ thống lạnh thông thường
Ưu điểm lớn nhất của hệ thống lạnh hấp thụ là không sử nguồn cơ năng hay điện năng
mà chỉ cần sử dụng nguồn nhiệt năng có nhiệt độ không cao (80-150 0C) để hoạt động.
Chính vì thế hệ thống lạnh hấp thụ góp phần vào việc sử dụng hợp lý các nguồn năng
lượng khác nhau, tận dụng nhiệt năng thừa, phế thải, thứ cấp, rẻ tiền ở dạng nước nóng,
hơi trích từ các cửa tubin nhà máy nhiệt điện, từ lò hơi của các nhà máy thực phẩm, công
nghiệp nhẹ, hoặc từ các sản phẩm cháy và khí thải công nghiệp (Nguyễn Đức Lợi, 2006).
Ưu điểm tiếp theo của hệ thống lạnh hấp thụ là rất đơn giản, kết cấu chủ yếu gồm các
thiết bị trao đổi nhiệt và trao đổi chất, chế tạo dễ dàng, bộ phận chuyển động duy nhất là
bơm dung dịch. Cũng vì vậy, hệ thống lạnh hấp thụ làm việc đơn giản; sửa chữa và bảo
dưỡng dễ dàng, máy làm việc ít ồn và rung. Trong vòng tuần hoàn môi chất không cần
dầu bôi trơn, nên bề mặt các thiết bị trao đổi nhiệt không bị bám dầu làm nhiệt trở tăng
như máy lạnh nén hơi NH3 (Nguyễn Đức Lợi, 2006)
Hệ thống lạnh hấp thu có nhược điểm là cồng kềnh, diện tích lắp đặt lớn hơn. Lượng
nước làm mát yêu cầu cũng lớn hơn, vì phải làm mát thêm bình hấp thụ. Tuy nhiên, trong
điều kiện của nước Việt Nam, hệ thống lạnh hấp thụ là rất phù hợp, nhất là mặt chế tạo và
vận hành đơn giản, không cần dùng điện năng mà có thể dùng than, củi để chạy máy, cho
nên việc nghiên cứu thiết kế chế tạo và ứng dụng hệ thống làm lạnh hấp thụ ở Việt nam là
một việc hết sức ý nghĩa (Lê Xuân Hòa, 2007).
4.2. Tầm quan trọng và tính cấp thiết của hệ thống làm lạnh hấp thụ
Khí hậu nước ta nóng và ẩm, phía nam hầu như không có mùa đông, bờ biển dài trên 3
ngàn cây số, đó là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành lạnh. Thực vậy, kĩ
thuật lạnh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế ở nước ta. Kỹ
thuật lạnh đã thâm nhập vào hơn 60 ngành kinh tế, đặc biệt vào các ngành chế biến thực
phẩm, hải sản xuất khẩu, công nghiệp nhẹ, điều hoà không khí,… Hàng chục ngàn cơ sở
đang sử dụng thiết bị lạnh lớn nhỏ. Ngoại tệ nhập thiết bị lạnh cũng lên hàng trăm triệu
USD mỗi năm. Như vậy, trong khi nhu cầu năng lượng trong xã hội hiện đại ngày càng
tăng, thì nguồn nhiệt thải ra từ các nhà máy ngày càng lớn, các nguồn năng lượng dự trữ
ngày càng cạn kiệt. Điều này đặt ra vấn đề làm thế nào để tận dụng nguồn nhiệt thải này
cho các hoạt động sinh hoạt sản xuất cho các nhà máy và các khu vực khác.
Do đó việc phát triển hệ thống lạnh hấp thụ ở nước ta là thực sự cấp thiết và chắc chắn nó
sẽ mang lại hiệu quả to lớn. Bởi hệ thống làm lạnh hấp thụ có thể sử dụng các nguồn
nhiệt dư thừa bỏ đi như khói của tuabin khí, các cụm máy phát Diesel, khói thải các lò
nung, lò luyện gang thép, ... Máy lạnh hấp thụ có thể sử dụng các nhiên liệu rẻ tiền, đặc
biệt là ánh sáng mặt trời, cho nên có thể dùng ở các nơi xa xôi hẻo lánh, những nơi chưa
có điện. Từ những ưu điểm trên, có thể thấy việc sử dụng hệ thống lạnh không chỉ giúp
bảo vệ môi trường, xử lý nguồn nhiệt thải hợp lý, tiết kiệm nguồn năng lượng mà còn
giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí nhiệt lượng, từ đó giúp giảm giá thành sản
phẩm, nâng cao lợi nhuận.
5. Tài liệu tham khảo
Nguyễn Bin. 2005. Phân riêng dưới tác dụng của nhiệt (Chưng luyện, Hấp thụ, Hấp phụ,
Trích ly, Kết tinh, Sấy). In: Các quá trình, thiết bị trong công nghệ hóa chất và thực phẩm
Tập 4. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
Nguyễn Hiếu Nghĩa. 2017. Luận văn tiến sĩ kỹ thuật: Nghiên cứu quá trình truyền nhiệt –
chất trong bình hấp thụ của máy lạnh hấp thụ NH3 – H2O loại liên tục phù hợp với điều
kiện Việt Nam. TP HCM: Trường đại học Bách Khoa TP HCM.
Nguyễn Tiến Lực. 2019. Công nghệ bảo quản lạnh thực phẩm. TP HCM: Trường đại học
Sư Phạm Kỹ Thuật TP HCM.
Lê Xuân Hòa. 2007. Giáo trình Kỹ thuật lạnh. TP HCM: Trường đại học Sư Phạm Kỹ
Thuật TP HCM.
Nguyễn Đức Lợi. 2006. Kỹ thuật lạnh cơ sở. Nhà xuất bản giáo dục.

You might also like