You are on page 1of 8

GÃY THÂN HAI XƯƠNG CẲNG TAY

TS. BS. LÊ QUANG TRÍ


Mục tiêu học tập: Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng:
1. Trình bày được định nghĩa, nguyên nhân, giải phẫu bệnh của gãy thân hai xương
cẳng tay.
2. Mô tả được triệu chứng lâm sàng, hình ảnh X Quang và điều trị của gãy thân hai
xương cẳng tay.
3. Trình bày được các phương pháp điều trị, tiến triển và biến chứng của gãy thân hai
xương cẳng tay.
4. Nhận thức được gãy thân hai xương cẳng tay là một cấp cứu cần được xử trí một
cách khẩn trương và đúng kỹ thuật.

I.ĐẠI CƯƠNG:
1.1. Định nghĩa
Gãy thân hai xương cẳng tay là loại gãy ở đoạn xương được giới hạn bởi hai
bình diện ngang: bình diện trên khoảng 2cm dưới mấu nhị đầu. Bình diện dưới
khoảng 5cm trên nếp khớp cổ tay. Là loại gãy gặp cả ở người lớn và trẻ em (hình
1), đứng sau các loại gãy đầu dưới xương quay, trên lồi cầu, bàn tay, ngón tay và
ngang với gãy xương cẳng chân, đùi. [2]

Hình 1. A. Hai xương cẳng tay bình thương với khớp quay trụ trên và dưới
B. Gãy thân hai xương cẳng tay. [4]
Gãy thân hai xương cẳng tay là loại gãy quan trọng cho nên nếu điều trị còn
di lệch sẽ ảnh hưởng nhiều đến chức năng sấp ngửa của hai xương quay và trụ.
1.2. Nguyên nhân
1.2.1. Trực tiếp
Lực tác dụng trực tiếp đóng một vai trò rất quan trọng đối với gãy thân hai
xương cẳng tay (trong lao động va đập, tai nạn giao thông…) dễ biến thành gãy hở.
1.2.2. Gián tiếp
Thường gặp, do ngã chống tay xuống đất trong tư thế duỗi làm cho xương
cẳng tay gấp, cong lại và bị bẻ gãy.
1.3. Giải phẫu bệnh
1.3.1. Đường gãy
Đường gãy ngang răng cưa không đều gặp nhiều nhất, đường gãy chéo, gãy
có mảnh rời thứ 3…Một số ít trường hợp gãy thành 3 đoạn, gãy thành nhiều mảnh
nhỏ.
1.3.2. Di lệch
Trong gãy thân hai xương cẳng tay, di lệch phức tạp nhất vì các đoạn xương
gãy có rất nhiều cơ từ cánh tay, cẳng tay, bàn tay co kéo. Thêm vào dó liên màng
cốt cũng co kéo làm cho di lệch thành 4 loại (hình 2).[3]
+ Hai đoạn chồng lên nhau, thường chồng lên ở phía xương trụ nhiều hơn
phía xương quay.
+ Hai đoạn di lệch sang bên: đoạn dưới di lệch sang bên so với đoạn trên,
đồng thời hai đoạn trên hoặc hai đoạn dưới của hai xương lại di lệch sang bên so
với nhau (thường kéo sát vào nhau).
+ Gập góc: thường thay đổi, gấp góc ở một hay hai xương, thường gấp góc
mở ra trước và vào trong (do cơ gấp ngón tay kéo).
+ Di lệch xoắn theo trục xương, rất quan trọng vì hạn chế động tác sấp ngửa,
quan trọng nhất là xoắn theo trục của xương quay. Di lệch nhiều hay ít tuỳ theo
chỗ bám của các cơ, đặc biệt là cơ sấp tròn. Vai trò của cơ sấp tròn gây di lệch là
quan trọng nhất.

Hình 2. Hình ảnh di lệch ổ gãy hai xương cẳng tay trên X- Quang [3]
Sự di lệch của hai loại gãy: gãy cao và gãy thấp (hình 3).[2]
+ Nếu gãy ở cao 1/3 trên của thân xương quay, trên chỗ bám của cơ sấp tròn:
- Đoạn trung tâm có ngửa ngắn, cơ nhị đầu bám vào (động tác ngửa cẳng
tay) kéo làm cho phần trên chỗ gãy ở trong tư thế ngửa tối đa.
- Đoạn ngoại vi có các cơ sấp (sấp tròn và sấp vuông) kéo làm cho phần
dưới chỗ gãy ở tư thế sấp tối đa.
- Do đó, nếu gãy ở cao 1/3 trên của thân xương thì di lệch nhiều nhất, khó
nắn chỉnh, phần trên ngửa, phần dưới sấp (cổ tay, cẳng tay không ở tư thế ngửa
được).
+ Nếu đường gãy ở đoạn giữa và đoạn dưới, dưới chỗ bám của cơ sấp tròn:
- Đoạn trung tâm (đoạn trên) có các cơ ngửa đồng thời có cả cơ sấp tròn kéo
sấp lại, nên ít di lệch hơn, không thể ngửa tổi đa được.
- Đoạn ngoại vi (đoạn dưới) chỉ còn một cơ sấp vuông kéo nên ít di lệch
hơn, không kéo sấp tối đa được.
+ Cuối cùng, cũng phải nói thêm tới di lệch xoắn theo trục của xương trụ,
tuy ít hơn xương quay (xương quay sấp ngửa, xương trụ gấp duỗi). ở đoạn xương
trụ có các sấp, ngửa kéo mạnh, nhưng đoạn dưới xương trụ có cơ sấp vuông co
kéo, kéo gần vào xương quay, làm cho đoạn dưới sấp tối đa, làm hẹp màng liên cốt
lại.

Hình 3. Lực kéo của các cơ trong gãy hai xương cẳng tay 1. Cơ nhị đầu 2.
Cơ ngữa ngắn 3. Cơ sấp tròn 4. Cơ sấp vuông 5. Cơ cánh tay quay[3]
+ Tóm lại: xoắn theo trục xương, gấp góc, di lệch sang bên, chồng lên nhau,
làm cho hai xương cẳng tay gãy có thể tạo thành hình chữ K, chữ X…
II.TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG VÀ X- QUANG [1]
2.1. Nhìn
Bệnh nhân đến khám bệnh bao giờ cũng lấy tay lành đỡ lấy cẳng tay đau,
sưng nề ở cẳng tay, làm biến dạng rõ rệt. Cẳng tay trông tròn như một cái ống,
không rõ các nếp gấp nữa, gấp góc chỗ gãy làm cho cẳng tay cong, di lệch sang
bên làm cho cẳng tay gồ lên. Mặt trước cổ tay quay vào phía trong (sấp), phần trên
cẳng tay ngửa ra ngoài. Có thể có vết tím bầm (hình 4).

Hình 4. Hình ảnh lâm sàng gãy hai xương cẳng tay [1]
2.2. Cơ năng
Mất cơ năng hoàn toàn.
2.3. Sờ, nắn
- Ấn có điểm đau chói cố định. Nắn nhẹ nhàng có thể thấy cử động bất
thường, tiếng lạo xạo xương.
- Cần khám xét tỉ mỉ, kỹ để phát hiện thương tổn mạch máu, thần kinh.
- Đối với gãy thân xương cẳng tay không di lệch, các triệu chứng lâm sàng
rất nghèo nàn như: sưng nề khu trú, rồi lan rộng ra cả cẳng tay. Sau 24 –48 giờ
xuất hiện vết tím bầm. Cơ năng không giảm hoàn toàn. Giá trị hơn cả là điểm đau
chói cố định tại ổ gãy.
2.4. Hình ảnh X.quang
Chụp toàn bộ xương cẳng tay, lấy cả khớp khuỷu và cổ tay. Chụp ở hai tư
thế: tư thế thẳng: cẳng tay và mu bàn tay đặt lên film. Tư thế nghiêng: Mỏm trên
ròng rọc, mỏm trâm trụ đặt lên film. Có chụp như vậy mới thấy rõ được hướng di
lệch để nắn chỉnh.
III.ĐIỀU TRỊ:
3.1. Sơ cứu, cấp cứu ban đầu
3.1.1. Giảm đau
+ Toàn thân, phong bế gốc chi bằng Novocain 0,25%. Gây tê tại ổ gãy: dung
dịch Novocain 1% x 20ml vào hai ổ gãy xương quay và xương trụ.
3.1.2. Cố định cánh bàn tay bằng nẹp. (hình 5)

Hình 5. Cố định gãy hai xương cẳng tay [2]


3.2. Điều trị thực thụ
3.2.1. Phương pháp bảo tồn
+ Bó bột cánh – cẳng – bàn tay ngay: chỉ định đối với gãy không di lệch
hoặc di lệch ít. Bột để 8-10 tuần.
+ Nắn chỉnh bó bột
- Đối với gãy thân hai xương cẳng tay có di lệch, nhiều tác giả đều thống
nhất: phải nắn chỉnh thật tốt, nhất là đối với xương quay không để di lệch chồng,
không để gấp góc, không xoắn theo trục.
- Đối với trường hợp gãy di lệch ít: nắn nhẹ nhàng, kéo nhẹ theo trục cẳng
tay và ấn nắn nhẹ vào ổ gãy để chữa gấp góc nhẹ rồi bó bột từ 1/3 trên cẳng tay tới
khớp đốt bàn tay. Bột để 8-10 tuần.
+ Nắn chỉnh bằng tay: gây tê tại ổ gãy bằng Novocain 1% x 20ml hoặc gây
tê đám rối thần kinh cánh tay. Trẻ em phải gây mê.
- Phương pháp nắn: để bệnh nhân nằm, khuỷu gấp 90 0, có sức kéo lại bằng
băng vải vòng qua phần dưới cánh tay, trên khuỷu và buộc cố định vào móc ở
tường rồi kéo đi, người khác ngồi kéo đều, liên tục vào các ngón tay, một tay nắm
ngón cái riêng để kéo mạnh, trực tiếp vào xương quay, một tay kéo ba ngón
giữa.[2] (hình 6)

Hình 6. Các thì nắn chỉnh ổ gãy hai xương cẳng tay [1].
Thì 1: kéo thẳng trục để chữa di lệch chồng và gấp góc.
Thì 2: Nắn chữa di lệch xoắn theo trục bằng cách kéo ngửa bàn tay ra và vặn
sấp 1/3 trên cẳng tay nếu gãy ở 1/3 trên, hoặc để nửa sấp nửa ngửa ở 1/3 giữa, 1/3
dưới.
Thì 3: người nắn dùng hai ngón tay cái và hai ngón chỏ bóp vào khoang liên
cốt (mặt trước và mặt sau) cho màng liên cốt rộng ra để chữa di lệch sang bên và
đẩy các đoạn xương gãy không kéo sát vào nhau. Kiểm tra X- Quang hết di lệch→
bó bột.
+ Nắn chỉnh bằng máy kéo: kéo, nắn, chỉnh hình trên máy, kéo, nắn, giữ tốt
hơn nắn bằng tay vì sức kéo đều, liên tục và nhất là khi nắn hết di lệch thì cố định
rất tốt, bó bột dễ dàng. Nhưng kéo bằng máy dễ bị giãn cách giữa hai đầu gãy để bị
khớp giả. Bohler nắn kết quả bằng tay tốt nên không dùng máy nắn nữa.
+ Bó bột: tư thế bất động [3]
- Đối với gãy 1/3 trên: khớp khuỷu gấp 900, cẳng tay để ngửa hoàn toàn.
- Đối với gãy 1/3 giữa, gãy 1/3 dưới thì để cẳng tay ở tư thế trung bình giữa
sấp và ngửa. Cổ tay ở tư thế trung bình và hơi ngả sang phía xương trụ. Ngón cái
để ở tư thế đối chiếu trung bình sao cho đốt bàn ngón 1 nằm trên trục dọc của
xương quay.
- Kỹ thuật bó bột: đặt một nẹp bột dài khoảng 75cm ở mặt sau từ phần trên
cánh tay tới khớp bàn tay- ngón tay (hình 7).
Hình 7. Kỹ thuật đặt nẹp bột điều trị gãy hai xương cẳng tay [3]
Đặt thêm một nẹp bột dài 25-30cm ở mặt trước cẳng tay từ phần dưới khuỷu
tới khớp cổ tay (sát trên nếp gấp khuỷu). Trên mỗi nẹp, ở mặt trước và mặt sau
cẳng tay, đặt một đoạn tre hay gỗ tròn (đường kính khoảng 1cm và dài 15cm). Có
tác dụng bóp để căng rộng màng liên cốt ra để tránh di lệch thứ phát. Sau đó quấn
bột vòng tròn. Nên chụp X- Quang lại →thấy kết quả nắn tốt, cần rạch dọc bột
ngay, không để sót một lớp băng bột nào…Sau 2-3 ngày bó bột, sưng nề hết đi
dùng băng quấn cho bột khít lại, 7-8 ngày sau chụp X- Quang kiểm tra. Một tuần
sau thay bằng bó bột kín vòng tròn. Khi thay bột mới cũng phải kéo dọc theo trục
để xương cẳng tay khỏi di lệch thứ phát. Thời gian để bột 10-12 tuần. Sau này
Bohler không dùng que gỗ tròn đặt trước, sau để màng liên cốt căng rộng ra, mà
chỉ dùng ngón tay bóp nhẹ lên bột.
3.2.2. Phương pháp phẫu thuật kết xương:
- Chỉ định: đối với gãy 1/3 trên có di lệch, gãy 1/3 giữa, 1/3 dưới mà nắn
chỉnh không kết quả. Gãy xương hở.
- Kết xương bằng đinh nội tuỷ: nắn chỉnh và kết hợp xương ổ gãy dưới màn
hình tăng sáng sau đó đặt nẹp bột tăng cường (hình 8)

Hình 8. Nắn chỉnh, kết hợp ổ gãy hai xương cẳng tay bằng kim Kirschners
dưới màn hình tăng sáng [3]
- Kết xương bằng nẹp vít với nẹp của Lane, nẹp ép theo trục của Danis và
đặc biệt hiện nay là các nẹp của AO (hình 9).

Hình 9. Kết hợp xương bằng nẹp vít [3].


Khi kết xương có lực ép theo trục, ổ gãy được kết xương được vững chắc,
BN tập vận động được sớm, nên chức năng được phục hồi tốt.
IV. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
4.1. Tiến triển bình thường
Nếu điều trị đúng phương pháp để xương trở về vị trí giải phẫu thì xương
liền sau 12 tuần. Tuy nhiên còn để lại nhiều biến chứng phức tạp.
4.2. Biến chứng
4.2.1. Biến chứng sớm
- Thương tổn mạch máu, thần kinh.
- Đầu xương gãy đâm thủng cơ, ra biến thành gãy mở. (hình 10)

Hình 10. Biến chứng gãy hở do không cố định xương gãy tốt [3]
4.2.2. Biến chứng muộn
- Hạn chế vận động gấp, duỗi khuỷu, các ngón tay, bàn tay giảm tinh tế.
- Hạn chế động tác: sấp ngửa cẳng tay, xoay cổ tay. Phù nề dai dẳng, đau
vĩnh viễn.
- Liền lệch vẹo: biến dạng chi do gấp góc là biến chứng khá phổ biến. Do đó
lực của chi sẽ yếu đi.
- Chậm liền xương, khớp giả.
- Cầu can nối, dính giữa hai xương: do gãy 1/3 trên, bó bột trong tư thế cẳng
tay sấp. Biến chứng này là mất động tác xoay của cẳng tay.
- Gãy lại đối với gãy hai xương cẳng tay phần lớn gặp ở dạng gãy trục
xương gấp góc, đặc biệt đối với trẻ em.

1. Bùi Văn Đức – Gãy xương và trật khớp. Bài giảng Bệnh học ngoại khoa. Tập
V. Trường Đại học Y Dược TP.HCM. trang: 80-85. 1989.
2. Gãy hai xương cẳng tay- Giáo trình ngoại khoa Học viên Quân Y (p.45-48)
3. John Ebnezar - Textbook of Orthopedics, Devaraj Urs Medical College Kolar,
Karnataka, 2010, p: 69-74.

You might also like