You are on page 1of 121

CÁC NỮ TU BIỂN ĐỨC

Thánh Biển Đức


Anh Hùng Của Núi Đồi
Lần Đầu Ấn Bản Bởi Tủ Sách Công Giáo (eBooks) 2020

Copyright © 2020 by Các Nữ Tu Biển Đức

Bạn có thể chia sẻ hoặc gửi tặng, nhưng xin đừng sử dụng làm thương mại dưới mọi
hình thức.

Tủ Sách Công Giáo kính tặng.

Sách eBooks được tạo bởi Tủ Sách Công Giáo qua reedsy.com
Mục Lục
Chương 1: CẬU THANH NIÊN ĐI TRỐN
Chương 2: MỘT CÔNG TRÌNH MỚI
Chương 3: NGƯỜI CHA
Chương 4: NHỮNG VIỆC LẠ LÙNG BỞI NƯỚC
Chương 5: KẺ THÙ MƯU HẠI
Chương 6: CON NGƯỜI CỦA NÚI ĐỒI
Chương 7: ĐƯỜNG LỐI AN HÒA
Chương 8: GẶT HÁI Ở PHƯƠNG XA
Chương 9: CHA CỦA NGƯỜI NGHÈO KHÓ
Chương 10: LƯỠI GƯƠM ĐAU KHỔ
Chương 11: VỚI DÒNG THỜI GIAN
Chương 12: CUỐI ĐƯỜNG
Chương 13: CÔNG TRÌNH VẪN TIẾP TỤC
Chương 1: CẬU THANH NIÊN ĐI TRỐN

Xirila rất áy. Cậu Biển Đức đã được cha mẹ gửi đến Rôma để học tập, nhưng
giờ đây không còn hứng thú trong công việc học hành nữa. Tối hôm qua, cậu
nói rõ ràng rằng: cậu không muốn làm một nhà lãnh đạo về luật pháp cũng
như về chính trị. Cậu chỉ muốn làm một nhà ẩn tu sống trong hang!
“Thật là một cậu bé điên khùng!” Xirila nghĩ như thế trong lúc sửa soạn
bữa tối cho Biển Đức và cho bà. Nếu cậu ấy thực sự muốn sống một cuộc đời
thánh thiện, thì tại sao không xin vào một tu viện? Ở Rôma có rất nhiều tu
viện kia mà!
Bà ngồi xuống trước bếp lửa và cau mày trông chừng chiếc ấm nước sắp
sôi. Xirila là một người đàn bà khoảng 55 tuổi, phì nộn, mái tóc điểm bạc. Bà ở
trong gia đình Biển Đức đã lâu năm. Lúc đầu bà chỉ là một người giúp việc. Sau
đó, khi Biển Đức và cô em gái song sinh chào đời, bà được chọn làm vú em của
hai trẻ.
“Lúc bấy giờ ta thật là hạnh phúc, bà tự nhủ, ta thích sống tại thành phố
nhỏ bé Nursia. Còn ở tại thành phố Rôma này, mọi sự đều khác hẳn: ồn ào và
nhớp nhúa quá!”
Bỗng có tiếng bước chân ai đi bên ngoài. Liền lúc đó, cánh cửa mở ra, và
Xirila ngẩng đầu nhìn lên. Thì kìa, cậu Biển Đức đứng ngay ngưỡng cửa. Bà lo
lắng thoáng nhìn gương mặt của cậu.
- Thế nào? Bà hỏi một cách hy vọng, nhưng trong lòng vẫn thấy nặng nề.
Cũng vẫn tia sáng đó lóe lên trong đôi mắt đen láy của cậu thanh niên, rất dễ
nhận ra rằng cậu chưa từ bỏ ý định đi sống ẩn tu.
- Con đã trình với thầy giáo rằng con sẽ không trở lại nữa. Xin vú đừng
giận, con không thể làm cách khác được.
Xirila liền đứng phắt dậy:
- Nhưng này cậu Biển Đức, nhất định ông sẽ tức giận nếu cậu không hoàn
tất việc học tập: dù sao, ông đã dự định nhiều chương trình rất tốt đẹp. Tại sao
cậu không gắng đợi thêm ít năm nữa trước khi quyết định như thế?
Biển Đức mỉm cười, cậu nói một cách dịu dàng:
- Con đã mười bảy tuổi rồi; con trai tới tuổi này có thể đi đánh giặc, hay lấy
vợ rồi. Nhưng phần con… con chỉ muốn phụng sự Thiên Chúa. Vú hiểu chứ?
Xirila lắc đầu cách uể oải:
- Thế nào tôi cũng bị quở trách về việc này. Rồi bà hạ giọng: hãy nghĩ lại đi,
chuyện gì sẽ xảy ra khi nghe tin tôi để cho cậu bỏ trường trốn đi? Ôi, cậu Biển
Đức ơi! Cậu làm cho tôi đau xé ruột gan!
Tình cảm của Xirila bộc lộ hết sức chân thành. Biển Đức nhìn bà một cách
khổ tâm. Cậu không hề muốn gây đau khổ cho ai cả, nhất là cho người đàn bà
khả ái đã từng chăm sóc mình từ nhỏ. Nhưng cậu có thể làm gì đây? Rôma,
thành phố vĩ đại, nơi mà thiên hạ ngày đêm đua nhau chạy theo tiền tài và
quyền thế, không hợp với sở thích của cậu. Cậu khát khao cảnh tĩnh mịch của
thôn quê, ước mong rút lui vào một cái hang nhỏ bé để hằng ngày đọc kinh cầu
nguyện.
Cậu nói một cách thân mật:
- Xin vú đừng lo lắng làm gì. Con nghe nói lối sống của các nhà ẩn tu rất
lành mạnh: có nhiều không khí trong lành, nhiều ánh sáng mặt trời, thức ăn
giản dị…
- Và gió lạnh, mưa rơi, tuyết sa! Cậu Biển Đức ơi, có bao giờ cậu quen với
những thứ ấy đâu! Chắc chắn cậu sẽ chết ngay trong vòng một tháng!
- Không chết đâu, vú Xirila ơi! Trừ phi Thiên Chúa muốn cho con chết. Vú
quên rằng Người săn sóc mọi kẻ trên mặt đất này, ngay cả chim chóc và thảo
mộc ngoài đồng sao?
Xirila thở dài:
- Nếu cậu sống ẩn tu, thì cậu chỉ sống một mình thôi ư? Rồi bà tuyên bố
giọng quyết liệt: “Tôi sẽ đi theo cậu, để thử xem cậu có bị chết vì đói khổ hay
không.”
Biển Đức bật cười:
- Nhưng ẩn tu thì phải sống một mình thôi, mặc dù có nhiều gian khổ. Đó
là điểm then chốt của lối sống ấy. Nhà ẩn tu xa lìa hẳn thế gian, bạn bè, và tất
cả những tiện nghi thông thường, chỉ để được hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.
Ấm nước đã sôi lên sùng sục, Xirila bước đến nhắc nó xuống. Bà nói một
cách cương quyết:
- Cậu phải là một nhà ẩn tu kiểu khác. Phải có người sửa soạn bữa ăn và
may quần áo cho cậu mới được.
Vài hôm sau, Biển Đức và Xirila rời khỏi Rôma, và đi thẳng về hướng
Đông, vào vùng đồi núi. Họ chưa dự định sẽ đi đến đâu, chỉ có cậu thanh niên
là luôn ấp ủ ý định sống trong một cái hang. Tuy đã đi khá xa, nhưng cậu vẫn
nói là nên xa hơn nữa mới tìm được nơi thích hợp.
Xirila lẩm bẩm:
- Tôi vẫn nghĩ rằng bỏ ra đi vào nơi hoang vắng như thế này, thật là một ý
tưởng điên cuồng, biết đâu chúng ta chẳng gặp thú dữ và trộm cướp.
Biển Đức mỉm cười và nheo mắt dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, cậu nói
một cách đơn sơ:
- Nếu có gặp những thứ ấy, thì chắc chắn Thiên Chúa cũng sẽ phù hộ
chúng ta; tất cả điều chúng ta phải làm, đó là có đức tin.
Đức tin! Cậu Biển Đức rất thích nói lên hai tiếng ấy. Đó là một đức tính mà
mọi vĩ nhân thật sự đều phải có. Nó nói lên sự khác biệt giữa thành công và
thất bại, giữa hạnh phúc và thất vọng. Sau khi trở thành nhà ẩn tu, cậu sẽ cố
gắng tăng cường đức tin của mình. Cậu sẽ cố gắng cầu nguyện thật tốt, tìm gặp
Chúa ngay trong tâm hồn mình, tôn kính và yêu mến Ngài vì tất cả lòng nhân
hậu của Ngài. Cậu nghĩ:
- Một lối sống thật tuyệt diệu! Ta sẽ không còn bận tâm về sự thành công
nơi thế trần, song chỉ chú tâm vào việc được hưởng phúc trên trời và cầu
nguyện cho mọi người thân của mình cũng đều được như thế.
Nhưng nhiều giờ đã trôi qua, Biển Đức hơi lo lắng. Xirila thì không phàn
nàn nữa lời, tuy vậy, cậu vẫn thấy rằng bà đã thấm mệt. Cậu đề nghị cách thân
mật:
- Chúng ta nên dừng lại một lát đã nhé, dù sao cũng không cần phải tìm
cho được một cái hang ngay trong ngày hôm nay. Chắc là phải mất ít lâu nữa
chúng ta mới đến được nơi vừa ý.
Xirila lắc đầu:
- Chúng ta nên tiếp tục đi thôi cậu Biển Đức ạ. Vùng này trông có vẻ nguy
hiểm quá.
Thời giờ trôi qua, và mặt trời bắt đầu lặn xuống sau rặng núi. Bầu trời
chuyển dần từ màu hồng sang đỏ nhạt, rồi sang màu đỏ sậm. Rồi màn đêm
buông xuống, với hàng triệu ánh sao sáng nhấp nháy trên con đường núi đồi
cô quạnh. Đom đóm lập lòe trong đám cây. Một làn gió nhẹ bắt đầu khuấy
động đám cỏ cao, và từ xa vọng lại tiếng hót của chim họa mi.
Biển Đức mỉm cười, Xirila thì quá mệt mỏi, không còn biết gì đến vẻ duyên
dáng của phong cảnh trước mặt. Bà chỉ còn có thể lê từng bước một. Biển Đức
thầm nghĩ:
- Ta sẽ nghỉ đêm dưới gốc cây thông to kia. Chắc sẽ không có gì nguy hiểm
xảy ra đâu.
Vừa sửa soạn xong một chỗ cho hai người, cậu thấy Xirila hầu như đã ngủ
thiếp đi. Cậu lại mỉm cười khi thấy mình được canh gác một người bạn đồng
hành trung tín, đầu của bà đè nặng trên vai cậu. Đi lang thang liều lĩnh như thế
này cũng có phần hay hay. Đó là một dịp may mắn để người ta hoàn toàn tin
tưởng phó thác nơi Chúa quan phòng.
Hôm sau, trời rất quang đãng. Biển Đức và Xirila dậy sớm. Cậu vẫn tin
tưởng ở việc muốn sống một cuộc đời ẩn tu, nhưng cậu không khỏi lo lắng cho
bà Xirila. Bà đã có tuổi, việc lội bộ nhiều dặm trường suốt một ngày hôm qua
thật vất vả đối với bà; và Biển Đức nhận thấy cần phải làm một cái gì, hoặc phải
sớm tìm cho được một cái hang, hoặc nếu tìm không được thì phải thẳng đến
một ngôi làng nào đó.
Xirila khẽ hỏi:
- Tôi không muốn làm phiền cậu, nhưng cậu Biển Đức ơi, tôi hết sức rồi,
hai bàn chân của tôi đau đớn quá.
Biển Đức gật đầu:
- Được rồi, sáng nay chúng ta sẽ đi chầm chậm. Nhưng con tin rằng vào lúc
xế chiều hôm nay, chúng ta nhất định sẽ tìm được một chỗ thích hợp để dừng
lại.
Biển Đức đã nói đúng. Chiều hôm ấy, họ bỗng thấy ngọn tháp của một
ngôi thánh đường nhỏ. Lại có nhà cửa và nhiều dấu hiệu khác cho thấy có
người ở chung quanh đó. Xirila kêu lên đang khi bà dừng bước để ngắm nhìn
một làn khói mỏng từ một ống khói bốc lên:
- Tạ ơn Chúa! Cậu Biển Đức ạ, trông thấy nơi này lòng tôi sung sướng vô
hạn.
Enphai là một xóm đạo cách Rôma độ 35 dặm. Sau khi đã trình bày nỗi lo
lắng của mình, Biển Đức và Xirila được dân chúng tiếp đón rất nồng hậu. Họ
nói:
- Dĩ nhiên là hai vị có thể ở lại đây cho đến khi nào lại sức. Chúng tôi bao
giờ cũng sẵn sàng đón tiếp khách lữ hành.
Biển Đức thầm thĩ trong lòng những lời cảm tạ Thiên Chúa. Enphai chắc là
một nơi nghèo khó, nhưng mọi người đều tử tế. Xirila đã nhanh chóng quen
thân với những phụ nữ đang săn sóc bà. Biển Đức tự nhủ: Nhưng ta không nên
quên lý do tại sao ta rời bỏ Rôma. Không phải là để sống yên vui giữa bạn bè,
nhưng là để cầu nguyện. Lạy Chúa, xin giúp con tìm được một nơi cô quạnh
trong những núi đồi này, để con có thể bắt đầu cuộc sống mới của con!
Tuy nhiên, Xirila thì lại có những ý tưởng khác. Một buổi sáng kia, bà lên
tiếng hỏi:
- Tại sao chúng ta không ở lại đây cho rồi? À, cậu Biển Đức này, cậu có thể
phụng sự Thiên Chúa ở Enphai cũng như trong một cái hang ẩm ướt. Cậu vừa
có sức khỏe, vừa có học thức. Nhân dân ở đây cũng cần một chàng thanh niên
như cậu vậy.
Biển Đức mỉm cưới. Tội nghiệp cho bà Xirila trung tín! Chắc chắn Thiên
Chúa không bao giờ ban cho bà ơn thiên triệu làm nhà ẩn tu. Bà chỉ thấy
những nỗi vất vả của nếp sống ấy, mà không thấy được những nét cao đẹp của
nó! Cậu dịu dàng nói:
- Nhiều người khác cũng cần con nữa vú ạ! Như vú đã rõ, con muốn cống
hiến suốt cuộc đời mình vào việc đọc kinh cầu nguyện cho những ai không
bao giờ biết lo cầu nguyện cho chính mình. Nhưng phần vú, con nghĩ rằng
Thiên Chúa muốn chọn vú làm một công việc khác.
Xiria nhìn lên:
- Tôi không bao giờ rời cậu đâu, Biển Đức ạ! Ngày chúng ta rời khỏi thành
Nursia, tôi đã thề hứa với ông rằng, tôi sẽ tận tình chăm sóc cậu như con ruột
của tôi. Vậy, tôi không thể nào thất hứa được, và cậu đi đâu, tôi cũng sẽ đi theo.
Biển Đức mỉm cười dịu dàng nói:
- Vú thật là một người bạn tốt. Xin Thiên Chúa chúc lành cho vú.
Càng lâu ngày, Xirila càng thấy quyến luyến hơn với những người bạn mà
bà mới được quen biết. Biết rõ điều này, Biển Đức cảm thấy chẳng bao lâu nữa,
cậu có thể ra đi một mình làm nhà ẩn tu như ý định của cậu lúc ban đầu. Hằng
ngày, cậu đi viếng nhà thờ sở tại để cầu xin ơn soi sáng, lòng can đảm để bắt
đầu cuộc sống mới. Cậu khấn xin tha thiết:
- Lạy Chúa, Xirila sẽ không bao giờ được hạnh phúc với cuộc sống ẩn tu.
Lối sống đó dành riêng cho con. Sau khi con ra đi, xin Chúa chăm nom săn sóc
bà, cha mẹ cũng như cô em gái song sinh của con hiện tại Nursia. Xin Chúa
chúc lành cho chúng con hết thảy và giúp chúng con làm theo thánh ý Chúa.
Amen.
Một ngày kia, trên đường trở về nhà, cậu đang suy tính cách loan báo cho
mọi người biết rằng cậu sẽ rời khỏi Enphai. Bỗng cậu nghe tiếng ai kêu khóc.
Đó là bà Xirila. Bà rất đau khổ vì vừa làm bể cái rây bằng đất nung. Bà kêu
khóc, khi thấy Biển Đức:
- Làm thế nào đây? Tôi vừa mượn cái này sáng nay. Và người cho tôi mượn,
thật là một người đàn bà tử tế. Tính sao bây giờ, cậu Biển Đức ơi!
Biển Đức nhìn cái rây, nó bị bể làm đôi. Dĩ nhiên là có thể chắp ghép lại,
nhưng vẫn không thể che giấu được vết tích. Cậu trấn an bà Xirila đang khóc:
- Không sao đâu, hãy đưa cả hai mảnh đây cho con. Có lẽ, con đã nghĩ ra
được cách… Xirial lắc đầu kêu khóc:
- Không ai chữa lành nó được đâu! Tôi đành đi thú thật với chủ nó… Ôi,
cậu Biển Đức ơi, sao tôi lại vụng về đến thế?
Biển Đức không trả lời. Cậu cầm lấy cả hai mãnh bể và đi ra khỏi phòng.
Tội nghiệp Xirila! Bà coi là quá quan trọng việc làm bể một cái rây. Nhưng kể
ra bà cũng có lý. Người đàn bà có chiếc rây vốn là người nghèo khổ. Có lẽ bà ấy
đã chọn chiếc rây tốt nhất cho Xirila mượn.
Khi đã ở một mình trong phòng riêng, Biển Đức quỳ gối khẩn cầu:
- Lạy Chúa, xin thương nghe lời con. Đây một chiếc rây nhỏ đã bể, xin
Chúa chữa cho nó lành như cũ, để Xirila được vui sướng. Xin Chúa tỏ cho dân
chúng trong làng thấy quyền năng của Chúa, để cho họ càng thêm yêu mến
Chúa hơn.
Biển Đức còn thêm những lời ca tụng, tôn vinh nữa. Thật ra, cậu đã quên
hẳn cái rây bị bể, và tâm trí chỉ chìm đắm vào ý nghĩ Thiên Chúa là tất cả, còn
nhân loại chỉ được tạo dựng do lòng yêu thương của Ngài. Nhưng khi đứng
dậy, cậu thấy lời khẩn xin của mình đã được chấp nhận. Cái rây bể đã lành
nguyên như cũ, không một vết tích nào cả. Cậu thầm thĩ:
- Tạ ơn Chúa! Chúa luôn sẵn sàng cứu giúp những ai tin tưởng nơi Ngài,
khi họ nói với Ngài như con cái đối với một người cha nhân từ.
Xirila mặc dù không thỏa mãn với lối giải thích đơn giản như thế, nhưng
rất kinh ngạc khi thấy cái rây đã lành nguyên như cũ. Bà kêu lên:
- Này! Quả thật là một phép lạ! Cậu Biển Đức ơi, cậu đã làm một phép lạ
như các thánh đã làm! Biển Đức lắc đầu:
- Không phải phép lạ đâu Xirila ạ. Chỉ vì Thiên Chúa rất quyền phép đó
thôi. Ngài đã nghe lời con cầu xin. Thôi, bây giờ vú có thể an tâm đem trả cái
rây này cho người ta rồi đó.
Khuôn mặt Xirila rạng rỡ hẳn lên:
- Những hãy chờ cho mọi người hay biết việc cậu làm đã chứ! Tôi đã nhiều
lần nói với họ rằng cậu là một con người có lối sống thật thánh thiện. Vậy bây
giờ, chắc họ không còn nghi ngờ gì nữa!
Trong khi Xirila đi trả lại cái rây đã mượn, Biển Đức suy nghĩ rất nhiều.
Không biết thiên hạ sẽ nghĩ thế nào khi nghe câu chuyện cái rây. Xirila thì vẫn
luôn luôn mộ mến cậu. Mặc dù không tán thành việc cậu muốn đi ẩn tu, bà
vẫn thấy hãnh diện vì cậu không ngại chấp nhận một lối sống như thế. Lúc
này, chắc bà đang loan tin rằng cậu chẳng khác gì một vị thánh. Điều này
khiến Biển Đức càng dứt khoát:
- Đã đến lúc phải rời khỏi Enphai. Các bạn hữu của Xirila sẽ chăm sóc cho
bà. Bà sẽ rất sung sướng trong ngôi làng nhỏ bé này. Nhưng ta, … ta không thể
chấp nhận ý nghĩ rằng ta là một con người làm được phép lạ. Lạy Chúa, xin chỉ
con con nơi nào phải đến; và lạy Chúa, xin mau chỉ cho con!
Enphai là một nơi nhỏ bé đến nỗi Biển Đức chỉ đi khỏi ít phút là không
còn trong thấy nhà cửa và ngôi thánh đường nữa. Cậu lấy làm ân hận về lối ra
đi như thế này. Nhưng cậu biết rằng, Thiên Chúa sẽ làm cho Xirila và các bạn
hữu của cậu hiểu. Cậu tự nhủ:
- Quả thật, ta đang trở thành nhà ẩn tu rồi. Đây là ngày ta bắt đầu trở nên
hữu ích cho người khác.
Cậu hăng hái dấn bước trên con đường ngoằn nghèo, chung quanh chỉ
toàn là cây cối và bụi rậm, không một bóng người. Thỉnh thoảng, một bầy quạ
từ trong rừng vụt bay ra, những cánh đen lấp loáng dưới ánh mặt trời. Biển
Đức sung sướng nhìn chúng bay đi. Rồi đây, chim trời và thú rừng sẽ là những
người bạn duy nhất của cậu. Lối sống ẩn tu là như thế đấy.
Đi bộ ba dặm, bỗng cậu thấy một người đàn ông, mặc chiếc áo chùng dài
màu xám, từ trong rừng trước mặt bước ra. Người lạ mặt ấy có bộ râu rất dài
khiến ông ta có vẻ hơi man rợ. Tay ông xách một cái giỏ đựng nhiều thứ cỏ vừa
mới hái để chế thuốc. Ông quay lại khi Biển Đức tiến đến gần, và cậu thấy rằng
bộ râu ấy che khuất một khuôn mặt rất khả ái.
- Con đang tìm một tu viện phải không?
Biển Đức lắc đầu và vội vàng giải thích sự hiện diện của mình. Cậu không
có ý đi tìm một tu viện, song muốn tìm một cái hang để sống cuộc đời ẩn tu.
Cậu hỏi:
- Chắc ngài biết được một nơi như thế chứ?
Vị tu sĩ mỉm cười:
- Ta là một tu sĩ con ạ. Ta tên là Romain. Ta đã sống tại tu viện dưới kia từ
nhiều năm rồi.
- Thế thì chắc ngài biết rõ vùng này lắm?
- Rất rõ.
Biển Đức thở ra nhẹ nhõm:
- Vậy, thưa ngài Romain khả ái, xin ngài chỉ cho con một cái hang để con
có thể sống cuộc đời ẩn tu. Con muốn bắt đầu một đời sống chỉ hoàn toàn
thuộc về Thiên Chúa mà thôi.
Romain nhìn cậu thanh niên một cách tinh khôn và nghĩ: chắc chắn đây là
một thanh niên con nhà đạo đức và khác thường. Có lẽ cậu đã từ bỏ lối sống
nhàn hạ để ra đi làm nhà ẩn tu, vì tin tưởng rằng đó là thánh ý Thiên Chúa.
Nhưng không biết cậu có ý thức được những nỗi gian khổ của đời sống đơn
độc chưa? Liệu cậu có đủ sức lực cần thiết để sống toàn bằng rau cỏ và dâu
rừng không?
- Con ạ, ta thấy đã có nhiều vị ẩn tu, họ đều là những người thánh thiện,
cầu nguyện và hy sinh rất nhiều. Nhưng con, con chỉ là một cậu thanh niên!
Đành rằng lòng sốt sắng là một điều thánh thiện, nhưng có lẽ trong vài trường
hợp…
Biển Đức mỉm cười. Những lời nói của vị tu sĩ đáng kính này cũng đã quá
quen thuộc đối với cậu, vì Xirila đã lặp đi lặp lại nhiều lần.
Chương 2: MỘT CÔNG TRÌNH MỚI

Romain khám phá được ngay rằng Biển Đức quả thật đang khao khát sống đời
ẩn tu. Sau cùng, ông đồng ý đưa cậu thanh niên đến một cái hang và cho cậu
một bộ y phục giống như của ông, đó là một áo chùng thô sơ làm bằng da cừu.
Ông dịu dàng nói:
- Bởi vì con chưa quen với nếp sống mới, nên mỗi ngày, ta sẽ mang đến
cho con ít thức ăn, kẻo con chết đói trong những núi đồi hoang dã này. Biển
Đức mỉm cười:
- Xin cha cũng đừng cho ai biết về con. Chắc cha đã hiểu, nếu Xirial cố tìm
ra con…
- Ta sẽ không nói với ai cả, cứ tin lời ta, và nếu như thánh ý Thiên Chúa
thật sự muốn con phụng sự Ngài trong nơi hoang vắng, thì con cứ việc tuân
theo, đừng sợ gì cả.
Cậu thanh niên thở dài sung sướng:
- Xin Chúa chúc lành cho cha vì những lời nói ấy. Và giờ đây, xin cha vui
lòng đưa con đến hang.
Vị tu sĩ gật đầu. Ông có cảm tưởng rằng cậu thanh niên này không phải là
một tâm hồn tầm thường. Nhất định Thiên Chúa muốn dùng cậu để làm một
công trình vĩ đại nào đó. Ông nói:
- Hãy theo ta, cái hang nằm trên con đường này.
Thế là Biển Đức trở thành nhà ẩn tu. Cái hang mà Romain dẫn cậu đến ở
trên sườn đồi. Phía dưới xa, con sông Aniô chảy róc rách giữa những kẽ đá.
Không có một tiếng động nào ngoài tiếng nước róc rách và tiếng hót của nhiều
loại chim giữa cảnh cây đá hoang vu này. Thật là một nơi rất thích hợp cho đời
ẩn tu.
Cùng với thời gian, Biển Đức ngày càng khỏe mạnh và dẻo dai. Ở trong
hang trống trải, nhưng cậu biết cách che mưa tránh lạnh. Romain cũng rất
trung thành, đưa thức ăn đến đều đều từ Tu viện của ông. Biển Đức hoàn toàn
không còn nhớ tiếc gì những cảnh đường phố nhộn nhịp của thành Rôma mà
cậu đã từ bỏ. Phải chăng trong cái hang của cậu, cậu đã học được nhiều điều
mà cậu chưa bao giờ học ở nhà trường: Cậu thường cầu xin:
- Lạy Chúa, xin tiếp tục dạy dỗ con. Xin cho con biết Chúa nhiều hơn để
con càng thêm yêu mến Chúa hơn, và xin chỉ bảo con cách thức cầu nguyện.
Ba năm trôi qua, Biển Đức rất sung sướng trong cái hang của mình, và
không hề nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa, Thiên Chúa sẽ trao cho mình một công
trình mới phải thực hiện. Mặc dù cậu vẫn cố gắng ẩn thân khỏi mắt thế trần,
nhưng có nhiều người trong vùng đồi núi này đã biết chút ít về cậu. Đó là
những nông dân chất phác, đã có dịp đi săn bắn ngang qua hang của cậu. Lúc
đầu, họ hơi sợ hãi khi gặp thấy một nhà ẩn tu trẻ tuổi kỳ lạ trong vùng đồi núi
của họ, nhưng chẳng bao lâu, nỗi sợ ấy tan biến. Họ thấy Biển Đức rất khả ái và
quan tâm đến cuộc sống an lạc của họ. Dần dần, họ tìm đến cậu thường xuyên
hơn. Họ hỏi:
- Tại sao cậu lại sống như thế này? Họ muốn được biết rõ Thiên Chúa là ai
mà Biển Đức phụng sự cách trung thành đến thế.
Biển Đức vốn đã tìm cách xa rời xã hội loài người, bỗng thấy mình hành
động như một bậc thầy và như một nhà dẫn dắt tinh thần cho những người
nông dân dốt nát. Cậu kể cho họ nghe tiểu sử các thánh, cậu giảng giải cho họ
ý nghĩa của sự sống và cái chết, trình bày cho họ thấy rằng nhiệm vụ quan
trọng nhất của con người thế trần là tìm kiếm Thiên Chúa và ca tụng lòng
nhân hậu của Ngài. Một bác nông dân nói:
- Thật là tuyệt diệu, xin cứ dạy bảo chúng tôi thêm nữa đi.
Thế là Biển Đức dạy dỗ những người nông dân, và danh tiếng của cậu
nhanh chóng lan tràn trong khắp vùng núi đồi ấy. Subiacô, nơi cậu đang ở, đã
trở thành một địa điểm tụ tập của những con người chất phác muốn hiểu biết
Thiên Chúa. Họ thường xuyên băng qua sườn đồi dốc đá để đến nghe cậu nói.
Họ cũng biết là người bạn mới của họ có một cô em gái song sinh ở nhà, tên là
Scôlastica. Cô đã dâng mình cho Chúa và một ngày nào đó, chắc chắn sẽ cống
hiến cả cuộc đời để phụng sự Người. Một trong những người bạn mới của Biển
Đức có lần kêu lên:
- Nhưng cậu ăn thứ gì? Cậu làm thế nào để có đủ thức ăn nếu cậu dành tất
cả thời giờ cho việc đọc kinh cầu nguyện?
Biển Đức mỉm cười và thuật lại cho những người nông dân về Romain.
Gần như ngày nào vị tu sĩ khả ái ấy cũng mang đến một gói thức ăn. Ông buộc
tất cả những thứ ấy vào một sợi dây dài, thòng xuống dọc theo sườn đồi. Một
cái chuông nhỏ được buộc vào sợi dây. Khi nghe chuông reo, Biển Đức biết bữa
ăn thường ngày đã có sẵn trong tầm tay, cậu chỉ việc đưa tay với lấy cái gói treo
lủng lẳng trước cửa hang. Chỉ có một lần chương trình đó bị hỏng: đó là ngày
ma quỷ đã ném một viên đá để làm vỡ chuông. Biển Đức nói:
- Lũ ác thần không thích những kẻ cố gắng kiếm tìm Thiên Chúa. Nhưng
chúng ta có nên lo sợ những thủ đoạn của chúng không? Nhất định là không!
Ta nên tiếp tục đọc kinh cầu nguyện và làm những việc thiện. Thiên Chúa luôn
ở bên cạnh chúng ta. Ngài sẽ không bao giờ rời bỏ ta.
Những người nông dân ra về, lòng đầy khâm phục người bạn trẻ của họ.
Họ thường kể cho vợ con nghe về vị ẩn tu ở Subiacô. Các bà vợ hỏi:
- Chắc thỉnh thoảng mình cũng nên đem cho cậu ấy ít thức ăn, và nếu cậu
ấy là một chàng thanh niên thành thị, chắc cậu sẽ không đủ sức khỏe để sống
như vậy mãi đâu. Chồng các bà trả lời:
- Cậu ấy không cần nhờ vả chúng ta thứ gì cả. Tu sĩ Romain hằng ngày đã
mang những thứ cần thiết đến cho cậu rồi.
Khốn nỗi Biển Đức không bao giờ kể cho những người ấy rằng, có đôi lúc
Romain không thể vượt nổi con đường dài dẫn đến hang. Dù sao, vị tu sĩ khả ái
ấy cũng đã có tuổi, tới được địa điểm để có thể thòng dây xuống không phải là
chuyện dễ, vì chỗ nào cũng có đá và bụi gai; vả lại, cũng không thể nhờ người
khác được, bởi trước kia ông đã hứa với Biển Đức là sẽ không bao giờ cho ai
biết nơi cậu ẩn tu.
Vào một mùa chay nọ, khi vị ẩn tu ở Subiacô gần tròn 20 tuổi, thì những
cuộc thăm viếng của Romain hoàn toàn ngưng hẳn. Trong những ngày đầu,
Biển Đức tìm cách sinh sống bằng rau cỏ và dâu rừng mọc giữa kẻ đá, nhưng
sau đó, cậu trở nên rất suy nhược. Tuy nhiên, cậu không nói gì với những
người bạn nông dân của mình. Cậu tự nhủ: Đức Kitô đã chẳng ăn chay suốt 40
ngày trong rừng vắng đó sao? Nhiều vị đại thánh cũng đã chẳng làm như vậy
đó sao? Vậy tại sao ta lại muốn tìm kiếm an nhàn, trong khi được cơ may để
chịu đau khổ vì tội lỗi của mình và của mọi người trên thế giới? Thế rồi Biển
Đức cầu nguyện:
- Lạy Chúa, xin đừng quên con, nếu thánh ý Chúa muốn cho con sống trên
trần thế này để làm vinh danh Ngài, nhất định Ngài sẽ ban cho con mọi thứ
cần thiết.
Đức tin, đặc tính của mọi tâm hồn vĩ đại không hề suy giảm nơi Biển Đức.
Một buổi sáng kia, cậu nghe có tiếng động trong bụi cây xung quanh hang.
Tiếng cành cây gẫy rang rắc dưới bước chân; những viên đá nhỏ khua rào rạo.
Cáo ai đó-chắc chắn là một người nông dân-đang tiến lại gần.
Nhưng người lạ mặt không phải là một nông dân. Đó là một linh mục.
Đêm vừa qua, ngài nghe một tiếng từ trời bảo: Hãy đi đến tìm gặp một vị ẩn tu
trong vùng đồi núi Subiacô đang cần thức ăn. Giờ đây, ngài đến sau khi băng
qua nhiều dặm đường rừng hoang vắng, tay xách một giỏ đầy thức ăn. Biển
Đức nói cách biết ơn:
- Chúc cha vạn an. Cái hang này rất nghèo hèn, nhưng cha có thể tạm trú
được. Xin mời cha vào nghỉ ngơi.
Vị linh mục nhìn cậu thanh niên gầy còm đang đứng trước mặt ngài. Chưa
bao giờ ngài thấy những cử chỉ lịch sự như thế, và đôi mắt đen lay láy khả ái
đang nhìn thằng vào mắt ngài. Đích thật đây là nhà ẩn tu thánh thiện mà ngài
được lệnh phải đến cứu giúp.
- Con ạ, ta đến đây để mừng lễ Phục Sinh với con. Đây, ta đem cho con
bánh mì, thịt, rượu và trái cây… Biển Đức mỉm cười:
- Thưa cha, có thật hôm nay là ngày lễ Vượt Qua không?
- Chứ là ngày nào nữa con?
- Đối với con, hôm nay thật là lễ Vượt qua vì con đã được phúc gặp cha (đi
qua).
Vị linh mục gật đầu. Rõ ràng nhà ẩn tu ở Subiacô không còn theo dõi được
ngày tháng. Sống giữa cảnh hoang vắng, chỉ làm bạn với những thứ hoang dại,
cậu đã quên rằng nơi thế giới bên ngoài, thiên hạ vẫn nóng nảy bám chặt vào
thời giờ. Họ dùng ngày giờ để làm giàu, để chiến thắng, để hưởng thụ những
lạc thú của cuộc đời. Đối với Biển Đức, thời giờ chỉ là một cái gì nhờ đó cậu có
thể tiếp tục tự hiến cho Thiên Chúa bằng kinh nguyện và hy sinh.
Cậu thanh niên và vị linh mục cùng nhau sống một ngày rất thú vị. Tối
đến, khi vị khách đứng dậy để ra đi, bỗng nhiên ngài quay nhìn người bạn trẻ:
- Này con, ta có cảm tưởng rằng con sẽ không còn được làm nhà ẩn tu nữa.
- Không được sống ẩn tu?
- Phải, ta nghĩ rằng con sẽ làm một tu sĩ trong tu viện, để mang lại chân lý
đức tin cho nhiều người. Biển Đức lắc đầu:
- Con chưa hề bao giờ muốn sống trong một tu viện.
- Con ạ, đôi khi những chương trình mà chúng ta ôm ấp không phải là
chương trình Thiên Chúa muốn dùng để cứu độ chúng ta. Đôi khi một con
người rất tốt cũng có thể là con người vị kỷ chút ít.
Biển Đức thinh lặng. Mặc dù khó chấp nhận điều này, nhưng nhiều lần cậu
cũng đã băn khoăn về ý nghĩ đó. Cuộc sống yên tĩnh của một nhà ẩn tu như
thế này, không lo lắng nhiều như bao người khác…Có chắc đó là một điều tốt
không, đang khi hàng triệu người đồng loại phải đấu tranh để sinh sống giữa
thế gian; trong khi bao thanh niên phải bỏ thân nơi chiến trường, và biết bao
trẻ em không biết gì về những chân lý trong đạo?
- Chắc con đồng ý với ta chứ? Biển Đức hơi mỉm cười:
- Thưa cha, con biết rằng sống ở Subiacô đây, con rất sung sướng. Thiên
Chúa đã dạy dỗ con nhiều điều trong lúc con cầu nguyện. Nhưng nếu Thánh Ý
Chúa muốn con đi nơi nào khác…”
Vị linh mục mỉm cười:
- Ta sẽ cầu nguyện cho con, và con cũng đừng quên cầu nguyện cho ta nhé!
Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn tất cả chúng ta!
Vài tuần sau, có những người khách khác đến hang của Biển Đức. Đó là
những tu sĩ thuộc một tu viện tại Vicôvarô, cách đó độ 18 dặm. Nhà ẩn tu trẻ
tuổi đón tiếp họ một cách thân mật, và tự hỏi không biết những người khách lạ
này muốn gì? Tuy nhiên, cậu không cần phải chờ đợi lâu. Vì thời gian gần đây,
cha Bề trên của các tu sĩ ấy đã qua đời. Dĩ nhiên là họ có thể chọn một người
trong tu viện lên thay thế, nhưng họ đã nghe nói nhiều về sự thánh thiện của
Biển Đức. Họ hỏi nhà ẩn tu trẻ tuổi:
- Thầy có thể đến giúp chúng tôi không? Xin mời thầy về làm Bề trên
hướng dẫn chúng tôi.
Biển Đức không biết phải làm gì. Trong thâm tâm, cậu cảm thấy lối sống
của mình và lối sống của các tu sĩ trong tu viện không phù hợp nhau. Nhưng
biết đâu vị khách đến thăm vào dịp lễ Phục Sinh đã nói đúng? Biết đâu Thiên
Chúa không muốn cậu sống ẩn tu? Có lẽ về tu viện tại Vicôvarô, cậu mới thật
sự hữu ích nhất cho người đồng loại chăng? Cậu nói:
- Tôi còn trẻ quá, không thể làm Bề trên quý thầy được. Tôi cũng không
biết gì về nếp sống trong một tu viện.
- Nhưng thầy là một con người cầu nguyện. Đó chính là điều quan trọng
nhất. Chúng tôi chỉ cần có chừng đó. Nhân danh Thiên Chúa, xin thầy vui lòng
đến.
Các tu sĩ ấy van nài cách hết sức thành khẩn. Sau cùng, Biển Đức đồng ý về
với họ và làm Bề trên; dạy dỗ họ những gì ngài biết về đời sống thiêng liêng.
Biển Đức thầm thĩ:
- Xin Thiên Chúa chúc lành cho cuộc mạo hiểm này. Con rất đau xót khi
phải rời bỏ cái hang, nơi con đã sống hạnh phúc.
Khi về nhà mới, Biển Đức nhận thấy quang cảnh rất giống ở Subiacô, sông
Aniô vẫn nằm trong tầm mắt, len lỏi giữa những bờ đá, để nối kết với sông
Tibe. Cũng những dặm đường thông thường giữa núi rừng, và những vùng
hoang vu chưa hề bị khai phá. Tuy nhiên, sau đó, Biển Đức cảm thấy ngạc
nhiên thật sự, khi các tu sĩ đưa vị Bề trên mới của họ lên một ngọn tháp của tu
viện, cơ sở này được xây trong một ghềnh đá, gồm một loạt hang, mỗi hang độ
2m bề dài, 1m50 bề rộng và 2m50 bề cao. Lối vào hang được trổ ở phía trên,
bằng những bậc cấp đúc trong đá. Mỗi hang có một cửa sổ nhỏ nhìn ra con
sông. Không có đồ đạc gì cả, chỉ có hai cái bệ được đục vào những bức tường
ẩm ướt.
Các tu sĩ nói với Biển Đức:
- Đây là nơi chúng tôi cố gắng phụng sự Thiên Chúa. Tất cả đều khó
nghèo, và chúng tôi không cho phép mình được hưởng một sự tiện nghi nào cả.
Vị Bề trên mới gật đầu:
- Còn quy luật đời sống quý thầy ra sao, xin cho tôi biết?
Các tu sĩ tròn xoe mắt nhìn vị Bề trên trẻ tuổi của mình. Họ không bao giờ
có một quy luật sống. Mỗi người dùng thì giờ tùy tiện. Không định giờ nào
phải thức dậy hay đi ngủ. Ngay cả các kinh nguyện cũng tùy ý mỗi người tự
chọn lấy. Công nghiệp chính của đời sống tại Vicôvarô là ở sự khó nghèo.
Sau khi đi thăm viếng nhà nguyện, một cái động lớn được đục khoét trong
đá, phía dưới những phòng nhỏ, Biển Đức cảm thấy lòng càng thêm băn khoăn.
Làm sao những tu sĩ này hy vọng nên thánh được, khi họ không tập đức vâng
phục? Tự ý sống khắc khổ mà không biết tới đức khiêm nhường, thì đâu có giá
trị gì! Biển Đức báo cho các tu sĩ biết:
- Các thầy ạ, chúng ta cần phải sống có nề nếp. Chúng ta cần một nếp sống
chung và phải sống như một gia đình, phục tùng một người cha. Chúng ta phải
có một quy luật cho đời sống tại Vicôvarô, và mọi người đều phải tuân theo
quy luật ấy.
Các tu sĩ im lặng lắng nghe. Đối với họ, đây là một ý tưởng mới mẻ, đầy trở
ngại khó khăn. Chắc vị Bề trên mới của họ không có ý định làm như lời ngài
đã nói đâu. Nhưng Biển Đức rất nóng lòng trong việc soạn thảo một quy luật
cho tu viện. Nhiều tuần trôi qua, và khi thấy rằng một số tu sĩ đã không tuân
theo những quy luật đơn giản và ít ỏi của mình, ngài liền khuyến cáo họ một
cách thẳng thắn:
- Các thầy ạ, hãy nhớ lại Lucifer. Trước kia, hắn là một thiên thần xinh đẹp
rực rỡ nhất. Nhưng sự kiêu căng đã thâm nhập vào lòng hắn. Hắn không muốn
phụng sự, và Thiên Chúa đã đẩy hắn ra khỏi Thiên đàng vĩnh viễn.
Tuy nhiên, những lời nói như thế không được đón nhận một cách khiêm
tốn. Các tu sĩ bắt đầu âm thầm công kích vị Bề trên trẻ tuổi đã cố tìm cách chỉ
bảo cho họ đường lối nên thánh: Ông là ai? Chỉ là một cậu thanh niên đã bỏ
nhà trường trốn đi. Một người ẩn tu kỳ dị đã sống ba năm như một con thú
rừng! Một tu sĩ lẩm bẩm:
- Chúng ta đã vấp phải một sai lầm rất lớn, là đã đưa ông ta về đây. Ông ấy
muốn cai trị chúng ta như thể chúng ta là những đứa con nít!
Biển Đức biết tất cả những gì xảy ra sau lưng ngài, và rất đau lòng. Một số
ít quy luật ngài đã soản thảo không có gì là khắt khe lắm. Chính ngài cũng tuân
theo, nhưng những vị tu sĩ này thì quá lười biếng. Khi chuông gọi đi đọc kinh,
nhiều người vẫn không lo đi tới nhà nguyện. Họ bảo rằng, lúc ấy họ không
thấy thích thú việc đọc kinh, đến mai họ sẽ đọc cũng được. Biển Đức suy nghĩ:
- Lạy Chúa, con phải làm gì đây? Con không muốn khắc nghiệt; cho chỉ
muốn giúp những tu sĩ này biết yêu mến Chúa hơn thôi.
Trong những tuần đầu tiên khốn khổ này, tâm trí của vị Bề trên trẻ tuổi
thường quay về với cái hang yên tĩnh ở Subiacô. Những người bạn nông dân
của ngài giờ đây như thế nào? Ai đang dạy dỗ đức tin cho họ? Ai sẽ lo cho
những đứa bé mới sinh tại Subiacô được lãnh nhận phép rửa tội?
Vốn biết rằng các tu sĩ không còn thích mình nữa, nhưng Biển Đức không
ngờ họ lại thù hận ngài. Tuy nhiên, các sự việc cũng chóng xảy đến. Một ngày
kia, trong bữa ăn, người hầu bàn đem vào để trước mắt ngài một bình rượu.
Như thường lệ, vị Bề trên trẻ tuổi giơ tay ban phép lành trên bình rượu ấy.
Bỗng ngài hết sức kinh ngạc: bình rượu tự nhiên vỡ làm đôi, như thể ngài đã
ném hòn đá, thay vì lời nguyện, vào thức uống dùng trong bữa ăn. Biển Đức
sững sờ nhìn vũng rượu đang lan dần trên sàn nhà. Không nghi ngờ gì nữa,
rượu này không thể uống được. Những bàn tay độc ác đã bỏ thuốc độc vào đó!
Ngài nói cách bình tĩnh:
- Thưa anh em, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót chúng ta!
Trong căn phòng vuông rộng lớn đã được khoét trong đá, không bao giờ
có ánh sáng mặt trời lọt vào, các tu sĩ đều xôn xao hổ thẹn. Kế hoạch để diệt
trừ Biển Đức đã bị vỡ! Ngài sẽ làm gì sau khi đã khám phá ra âm mưu muốn
giết ngài? Một tu sĩ lẩm bẩm:
- Đó là một sự rủi ro thôi. Thưa cha, chúng con nói thật đấy, cái bình quá
cũ nên bị vỡ.
Gương mặt Biển Đức trở nên nghiêm nghị:
- Tại sao quý thầy lại đối xử với tôi như thế? Phải chăng tôi đã chẳng nói
trước với quý thầy rằng, đường lối của tôi không bao giờ thích hợp với đường
lối của quý thầy? Vậy, hãy đi tìm một bề trên khác cho vừa ý quý thầy. Còn
phần tôi, tôi không thể nào ở với quý thầy được nữa.
Mọi người đều thinh lặng khi Biển Đức bước ra khỏi phòng và người chủ
mưu hại ngài rất run sợ. Họ nghĩ chắc là vị Bề trên sẽ đi gọi dân làng chống lại
mình. Những người bạn nông dân của ngài sẽ cầm liềm, đòn xóc đến sát hại
mọi người ở Vicôrarô! Nhưng Biển Đức không hề có ý định như thế. Ngài chỉ
muốn trở lại cái hang của ngài ở Subiacô. Ở đấy, ngài sẽ tiếp tục sống cuộc đời
ẩn tu, phụng sự Thiên Chúa trong kinh nguyện và hy sinh.
Chương 3: NGƯỜI CHA

Chẳng bao lâu, dân làng Subiacô đều hay biết việc Biển Đức trở về. Sau một ít
tuần, con đường dẫn đến hang của ngài lại tấp nập. Một lần nữa, nhà ẩn tu trẻ
tuổi đứng ra làm thầy dạy và làm người hướng dẫn. Ngài kể sự tích các thánh,
những thánh nhân ở miền Ai Cập xa xôi, đã lìa bỏ thế gian để sống đời ẩn tu
trong sa mạc và ngày đêm tìm kiếm Chúa.
Cũng như trước đây, những người nông dân ở Subiacô rất cảm động về các
câu chuyện ấy. Thực ra, một vài người trong bọn họ bỗng thấy lòng ước muốn
tìm kiếm Thiên Chúa cách lạ thường, và cũng muốn sống trong sự khó nghèo
khắc khổ như những nhà ẩn tu trong sa mạc. Nhưng tính sao đây? Biển Đức
nghĩ họ là những người quê mùa dốt nát, biết rất ít về đạo lý, và không có sa
mạc nào ở gần Subiacô.
Rồi một ngày kia, Biển Đức nói: Thưa các bạn, tôi đã cầu nguyện nhiều giờ
và xin Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta. Tôi nghĩ rằng cuối cùng Ngài đã
nhận lời. Với sự trợ lực của Thiên Chúa, chúng ta sẽ thành lập một đan viện
nhỏ tại Subiacô này.
Nhưng chúng ta sẽ không sống như những nhà ẩn tu, mà sẽ sống một cuộc
đời viện tu, giúp đỡ nhau đọc kinh cầu nguyện, học hành và lao động. Theo
cách thức này, gia đình nhỏ bé của chúng ta, sẽ khám phá được ý nghĩa của sự
bình an.
Mọi người rất mừng rỡ. Trong một thời gian ngắn, đã có mười hai người
đến với Biển Đức. Họ khiêm tốn vâng phục ngài như vâng phục một người cha.
Phần ngài, ngài hứa dẫn dắt và yêu mến họ như đối với những người con. Vốn
đã học nhiều năm ở trường, lúc đầu ở Nursia, sinh quán của ngài, sau đó tại
Rôma, ít ra ngài cũng có thể dạy các bạn của mình đọc và viết. Vậy nhờ ơn
Chúa trợ lực, tất cả đều tập lao động. Bởi vì thánh nhân cũng cần phải ăn uống,
phải đề phòng bệnh tật và cung ứng những nhu cầu cho mai sau. Biển Đức nói:
- Chúng ta sẽ khai phá đất đai và trồng hoa màu. Anh em ạ, ma quỷ khó
lòng cám dỗ những người bận công việc!
Chẳng bao lâu, quang cảnh quanh vùng Subiacô thay đổi rõ rệt. Đất đai
màu mỡ đã được cày bừa và trồng trọt, giờ đây sản xuất đầy đủ lương thực cần
dùng cho Biển Đức và những người theo ngài, lại còn dư chút ít cho người
nghèo nữa.
Với thời gian, tin tức về những gì xảy ra ở Subiacô, được đồn thổi đi khắp
nơi xa gần. Nhiều nông dân khác cũng đến xin gia nhập gia đình Biển Đức.
Một khi đã bước vào cuộc sống an bình của kinh nguyện và lao động, ít người
muốn rời bỏ nó. Con số 12 đan sĩ thuở ban đầu cứ gia tăng dần, đến nỗi cần
phải thiết lập nhiều nhà hơn. Những ngôi nhà đơn sơ này làm bằng gỗ, chỉ vừa
đủ để tránh mưa tránh tuyết. Mỗi nhà có 12 người với một vị bề trên điều
khiển.
Có lần, một đan sĩ trẻ tuổi lên tiếng hỏi:
- Tại sao trước kia không ai nghĩ đến việc này nhỉ? Trước khi biết cha Biển
Đức, tôi sinh sống rất chật vật. Tôi không hiểu gì về Thiên Chúa và chân lý của
Ngài. Tham vọng của tôi lúc bấy giờ, là làm thế nào để được mạnh khỏe và
giàu có hơn người khác, để khỏi bị đói rét. Một đan sĩ khác hỏi lại:
- Và bây giờ thì khác hẳn phải không?
Vị đan sĩ trẻ tuổi mỉm cười:
- Rất khác. Cha Biển Đức đã chỉ cho tôi thấy rõ giá trị của cầu nguyện và
lao động. Thật là vũ khí thần lực! Chỉ có chúng mới hàn gắn được các vết
thương do những lưỡi gươm đẫm máu gây nên. Thế là những đan sĩ khác gật
đầu tán thành. Cha Biển Đức đã dạy cho họ rất nhiều điều, kể cả gốc tích
những sự đau khổ do chiến tranh gây ra trên quê hương của họ. Bây giờ họ
mới hiểu tại sao ở nước Ý lạ có nhiều người nghèo khổ, đói rét và dốt nát như
thế. Suốt trong mấy thế kỷ trước, những quân xâm lược rất hùng cường, từ các
miền lân cận kéo sang tàn phá nước Ý, và để lại bao nhiêu hậu quả tai hại;
những quân ấy, chẳng biết gì về giáo huấn của Đức Kitô, đã tìm vinh dự trong
tham vọng cá nhân của họ. Họ cố gắng lấn chiếm thật nhiều đất đai, không
màng chi đến phẩm giá và quyền sở hữu bất khả xâm phạm của người đồng
loại. Vị đan sĩ trẻ tuổi nói tiếp:
- Nhưng bây giờ thì khác hẳn. Một khi dân chúng đã được nghe nói về
Subiacô, về việc chúng ta làm cho đất đai sản xuất đầy đủ để nuôi sống cả trăm
người, chắc họ sẽ bắt đầu làm theo chúng ta. Chiến tranh sẽ không còn, mọi
người chỉ còn muốn cầu nguyện và lao động. Cha Biển Đức sẽ trở nên một
nhân vật lừng danh trong xứ!
Thế nhưng, Biển Đức không màng chi đến danh vọng. Bấy giờ nước Ý
đang hưởng cảnh thái bình dưới triều đại Théodorit, vua của quân Otrogôt. Vì
thế, Biển Đức chỉ mong ước phụng vụ những người khác nữa và hàn gắn những
vết tích tàn khốc do những quân xâm lăng để lại. Nhằm mục đích ấy, ngài cầu
nguyện, giảng dạy và lao động rất nhiệt tình, đến nỗi những linh hồn được
ngài chăm sóc cũng thấm nhuần tinh thần của ngài. Tại Subiacô, người ta sống
trong an hòa và bác ái. Vì thế những người trước kia chỉ là ngoại giáo, hay tin
thờ lầm lạc, giờ đây cũng bắt đầu trở nên thánh thiện.
Với tháng ngày trôi qua, dĩ nhiên danh tiếng Biển Đức mỗi ngày một lan
rộng. Ngay cả tại Rôma, người ta cũng thường đem ngài và công trình của ngài
ra làm đầu đề câu chuyện. Nhiều bậc phú hộ trưởng giả đến ở lại Subiacô ít
ngày, để thấy được tận mắt công việc vị tu sĩ nổi danh này đang làm. Và họ trở
về với lòng đầy khâm phục. Cậu thanh niên quê quán Nursia đã bỏ trường học
ở Rôma trốn đi lúc 17 tuổi, giờ đây đang thực sự điều khiển một trường học kỳ
lạ. Ngài đang dạy những nông dân dốt nát để họ trở thành đan sĩ. Một số người
ở Rôma thường hỏi:
- Nhưng tại sao chúng ta đã có rất nhiều tu viện ở đây, mà Biển Đức lại còn
thiết lập một tu viện khác ở Subiacô?
Những người nào đã đến thăm Subiacô sẽ trả lời cách nhanh chóng rằng,
đan việc của Biển Đức không phải là một tu viện thường. Ngài đòi hỏi những
kẻ theo ngài phải cày cuốc, phải lao động với hai bàn tay của mình và nhận làm
những công việc khiêm tốn. Ngài đòi hỏi họ phải có lòng bác ái và biết vâng
phục. Lúc bấy giờ, có khoảng 12 đan viện được dựng lên bằng gỗ; mỗi đan viện
có một vị Bề trên điều khiển, và thiết lập trong phạm vi cách Subiacô hai dặm.
Từ đan viện nhỏ bé của ngài đã được dâng kính thánh Clêmentê, Biển Đức vẩn
theo dõi và chăm sóc tất cả các đan viện khác được phồn thịnh. Một người
khách trên đường trở về Rôma thuật lại:
- Tôi chưa bao giờ thấy một cảnh an bình như thế. Một chuyến đi thăm
Subiacô có giá trị bằng cả chục bài giảng.
Một hôm, vào năm 522, Đan phụ Subiacô gặp hai nhà quý tộc Rôma là
Equitô và Têtulô, mỗi người dắt theo một cậu con trai. Khi họ đã tiến lại gần,
Êquitô nói:
- Thưa cha, chúng tôi đem con trai của chúng tôi đến cho ngài. Tên của
chúng là Maurô và Plaxiđô. Xin ngài vui lòng nhận chúng vào đan viện của
ngài.
Biển Đức nhìn hai cậu bé, Maurô độ 12 tuổi, Plaxiđô độ 7 tuổi. Chúng ăn
mặc sang trọng giống như cha của chúng. Têtulô vội vàng nói thêm, vì tưởng
rằng sự thinh lặng của Biên Đức là một sự từ chối.
- Chúng ngoan lắm, lại thông minh và có giáo dục. Các cháu sẽ không làm
phiền lòng cha đâu. Êquitô nói tiếp:
- Các cháu lại khỏe mạnh nữa; chắc chắn chúng sẽ là những người hữu
dụng trong miền thôn quê như thế này.
Đan phụ Subiacô, bấy giờ đã 42 tuổi, đặt tay lên đầu hai cậu bé và hỏi cách
thân mật:
- Các con nghĩ thế nào? Các con có thật lòng muốn làm đan sĩ không?
Maurô, cậu bé lớn tuổi hơn, gật đầu trịnh trọng đáp:
- Thưa Đan phụ, con muốn làm một đan sĩ, nhưng không phải ở tại Rôma.
Con muốn phụng sự Thiên Chúa tại đây.
Bé Plaxiđô cũng gật đầu lia lịa:
- Con cũng muốn phụng sự Thiên Chúa tại đây nữa. Rồi cậu tuyên bố bằng
một giọng thanh tao, rõ ràng:
- Con thích Subiacô.
- Cha Đan phụ mỉm cười. Những môn đệ tiên khởi của ngài cũng chỉ trạc
tuổi Maurô và Plaxiđô. Vừa rồi, những người trưởng giả ở Rôma đã bắt đầu
quan tâm đến các sự thay đổi ở Subiacô. Họ nhiều lần yêu cầu những đan viện
gần sông Aniô mở cửa cho con em của họ, để chúng được tiếp nhận một nền
giáo dục Kitô giáo.
Nhiều cậu bé đã được nhận và được mệnh danh là “hiến sinh”. Các cậu
cũng theo luật lệ của đan viện. Họ tập cầu nguyện và lao động như những bậc
đàn anh; họ cũng đi học nữa. Sau này, khi đến tuổi khôn lớn, họ sẽ nhận lãnh
chiếc áo đan sĩ. Têtulô van nài khẩn khoản:
- Xin cha vui lòng nhận hai trẻ này. Cha sẽ huấn luyện chúng trở nên
những Kitô hữu tốt. Êquitô đưa tay ra hiệu, và hai cậu bé lui ra một quãng xa,
rồi ông khẽ nói:
- Thưa Đan phụ, nếu được, xin cha nhận cho hai đứa trẻ này vào làm đan
sĩ.
- Còn các bạn có bị trở ngại gì chăng? Êquitô thở dài:
- Chúng con còn nhiều nhiệm vụ giữa thế gian quá; chúng con không thể
rời bỏ vợ con và công việc làm ăn. Nhưng chúng con có thể dâng hai đứa con
trai của chúng con cho Chúa thay cho chúng con. Têtulô cũng gật đầu:
- Thưa cha Đan phụ, những người hàng xóm của chúng con đều làm như
vậy. Họ nói với chúng con rằng, nhà trường của cha tại Subiacô vượt xa bất cứ
nhà trường nào tại Rôma.
Biển Đức mỉm cười và ngài rảo mắt nhìn những mảnh ruộng vườn phì
nhiêu, những đan việc rải rác; nơi đó, hàng chục người đàn ông và thanh niên
đang bận rộn bắt tay vào nhiều công việc khác nhau. Đúng thế, “Trường dạy
phụng sự Thiên Chúa” mới bắt đầu cách đây hai mươi năm trong cái hàng
nghèo nàn của một nhà ẩn tu, giờ đây đã trở thành một nơi phồn thịnh. Biển
Đức dịu dàng nói:
- Thiên Chúa rất nhân từ với những tâm hồn quảng đại. Ngài sẽ chúc phúc
đặc biệt cho các bạn, vì đã dâng cho Ngài hai con trai.
Maurô và Plaxiđô quen rất nhanh với nếp sống ở Subiacô. Họ tiếp tục đi
học đều đặn như khi còn ở Rôma, nhưng giờ đây, họ học được rất nhiều điều
mới mẻ. Lần đầu tiên trong đời, hai cậu khám phá được ý nghĩa của lao động
thể xác: họ trồng hoa màu; họ hòa đồng với những người khác vốn là nông
dân; họ tập giúp ích bằng những việc nhỏ nhặt. Rồi đến giờ qui định, họ theo
các bậc đàn anh vào nhà nguyện để dâng lời ngợi khen Thiên Chúa.
Lúc đầu, lối cầu nguyện theo kiểu tất cả cùng hát Thánh vịnh, có vẻ hơi lạ
lùng, chỉ lặp lại mãi những câu kinh như nhau. Nhưng sau nhiều tuần, Biển
Đức và các đan sĩ của ngài hát một cách trọng thể 150 Thánh vịnh mà vua
Đavít đã soạn trước đó hàng ngàn năm. Có lúc, những câu kinh cổ kính này
tràn ngập hân hoan, ca ngợi Thiên Chúa vì lòng nhân từ và quyền năng vô biên
của Ngài. Lúc khác, chúng trở nên tha thiết, van xin, cầu cứu, thống hối, cầu
khẩn lòng nhân từ và thứ tha của Thiên Chúa. Một lần, Maurô nói:
- Không có lời nguyện nào tốt hơn cách thức cha chúng ta đã tìm ra. Ngài
gọi đó là “Thần vụ, là việc Chúa”. Như một gia đình, chúng ta dâng lời ca ngợi
lên Thiên Chúa, không phải vì chúng ta ước mong Ngài ban ơn gì cho chúng ta
mà thôi, song chính là vì chúng ta cảm thấy Ngài đáng được chúc tụng ngợi
khen. Những người ngoài đan viện không được hạnh phúc như thế, bởi vì
không có ai dạy bảo họ những điều quan trọng này. Họ luôn luôn cố gắng tìm
cho được nhiều tiền của, nhiều quyền thế hơn. Chính đó là nguyên nhân sinh
ra chiến tranh. Plaxiđô gật đầu:
- Cha chúng ta có thể làm thay đổi tất cả. Rồi cậu tuyên bố dõng dạc:
- Cha chúng ta biết cách làm cho thiên hạ sung sướng mà khỏi cần phải
giao tranh.
Đúng thế, Biển Đức thường xuyên rao giảng Tin Mừng của sự an hòa; ngài
nhấn mạnh rằng mọi tâm hồn khao khát an hòa, đều có thể gặp thấy nó qua
cầu nguyện và lao động. Kết quả là mọi người ở Subiacô đều công nhận rằng:
cha Đan phụ quả thật là một con người rất khôn ngoan.
Các cậu bé hiến sinh yêu quý đặc biệt vị đan sĩ niên trưởng sốt sắng này.
Ngài dạy họ đọc và viết, trồng hoa màu, chăm sóc cừu và bò. Ngài lo cho họ
được ăn uống đầy đủ, áo quần tươm tất và nghỉ ngơi hợp lý. Hơn nữa, ngài dạy
các môn đệ niên thiếu ấy một bài học quan trọng: nơi trần thế, không có một
hạnh phúc nào lâu bền, nếu người ta không biết luôn luôn tôn vinh Thiên
Chúa. Một người phụng sự Thiên Chúa hết sức mình, nhất định không thể hận
thù người đồng loại hoặc tham lam của cải người khác. Người ấy chỉ biết coi
đồng loại như là anh em của mình, đều là con cái Thiên Chúa, đều có linh hồn
bất tử được tiền định hưởng phúc muôn đời.
Một hôm, có một nhóm đan sĩ trình bày một vấn đề với cha Biển Đức. Họ
muốn di chuyển ba đan việc của họ, đang ở xa độ một trăm dặm và lại ở trên
một đỉnh núi, đến nơi khác thuận tiện hơn. Đan sĩ đại diện nói:
- Thưa cha, đi lấy nước dưới hồ thật là một công việc vất vả, con đường dẫn
xuống thung lũng đi theo một dốc đá rất cheo leo. Mỗi lần đi xách nước, là
chúng con thấy nguy hiểm đến tính mạng.
Cha Đan phụ mỉm cười, ngài quá biết rõ con đường đó. Ngài hỏi:
- Chỉ có thế thôi sao? Quý thầy chỉ muốn di chuyển đến gần hồ mà thôi
phải không?
Các đan sĩ gật đầu. Lời yêu cầu của họ thật hợp lý. Chắc chắn người cha
nhân từ sẽ chấp thuận ngay không khó khăn gì. Nhưng Biển Đức lại có những
ý tưởng khác. Ngài nói vài lời thân mật rồi bảo các môn đệ ra về, đừng bận tâm
gì về việc di chuyển đến gần hồ nữa.
Các đan sĩ trở về đan viện trên núi, lòng hơi băn khoăn. Họ không ngờ
Đan phụ lại đối xử như thế. Một người nói:
- Có lẽ cha Đan phụ chỉ muốn thử thách lòng vâng phục của chúng ta, chứ
ngài không hề muốn chúng ta trượt ngã với những thùng nước và lăn nhào
xuống hố đâu.
Các thầy đã nghĩ rất đúng. Người cha thánh thiện và nhân từ, đâu có muốn
cho con cái mình chịu vất vả vô ích. Khuya hôm đó, ngài đánh thức Plaxiđô
dậy, và dẫn cậu khi ấy nửa thức nửa ngủ, vừa kinh ngạc, đến phòng của ngài.
Ngài nói:
- Này con, con hãy đi theo cha.
Cậu bé rất muốn hỏi lý do, nhưng cậu chế ngự được miệng lưỡi ngay. Cậu
đã được học biết rằng: tại Subiacô, không bao giờ người ta hỏi lý do khi nhận
mệnh lệnh. Cậu bé vui vẻ thưa:
- Thưa cha, con sẵn sàng.
Biển Đức mỉm cười và dắt cậu môn đệ trẻ tuổi đi. Một lát sau, cả hai cha
con đã biến vào đêm tối.
Cha Đan phụ theo một lối đi chật hẹp và hiểm trở dẫn đến ba đan viện trên
núi. Plaxiđô chầm chậm và dò dẫm đi theo. Họ đi đâu giữa đêm hôm khuya
khoắt thế này? Tại sao cậu phải ra ngoài với Đan phụ trong lúc mọi người khác
đang an giấc?
Phía dưới xa, con sông Aniô lấp loáng dưới ánh trăng bạc, đang chảy xiết
giữa những bờ đá chật hẹp. Plaxiđô liếc mắt nhìn xuống thung lũng. Cậu có thể
nhận ra cái hồ mà cậu và Maurô vẫn hàng ngày mang thùng đi xách nước. Cái
hồ này có một lịch sử lý thú. Trước đây nhiều thế kỷ, hoàng đế Clauđiô đã ra
lệnh đắp đập chắn ngang con sông, để làm một cái hồ đẹp thích hợp cho những
môn thể thao dưới nước và bơi lội. Hoàng đế thường đưa gia đình và các kẻ hầu
cận đến nghỉ nơi đây mỗi khi ngài cảm thấy cần thay đổi bầu không khí ồn ào
và nóng bức của Rôma. Ngôi biệt thự tráng lệ của hoàng gia giờ đây không còn
nữa, nhưng Plaxiđô biết rằng di tích của nó hãy còn.
Tuy nhiên, không có nhiều thời giờ để ngắm thung lũng, Plaxiđô gắng hết
sức đi theo cha Đan phụ của mình trên con đường dốc đứng, hai bên có những
vực sâu. Nhưng cậu không hề nghĩ đến những thứ ấy, kể cả làn gió buốt đang
rên siết giữa những khe đá. Cậu chỉ cầu mong cho cuộc mạo hiểm trong đêm
khuya này sớm chấm dứt tốt đẹp.
Họ đã trông thấy xa xa bóng đèn của 3 đan viện. Plaxiđô giờ đây mệt hết
sức, biết rằng đó là đan việc của các đan sĩ hôm trước đã đến phàn nàn về sự
vất vả trong việc đi lấy nước. Giờ đây, không thấy bóng dáng một người nào.
Tất cả đều có vẻ tĩnh mịch.
Khi tới đỉnh núi, cậu bé sốt ruột quay nhìn cha Đan phụ. Có việc gì xảy ra
chăng? Các đan sĩ đã thức dậy chưa? Hay là các đan việc đã được di chuyển
xuống thung lũng ngay giữa đêm khuya rồi?
Nhưng cha Đan phụ không nghĩ như Plaxiđô. Hình như ngài đang phân
vân trước một vấn đề quan trọng. Ngài khẽ bảo:
- Con hãy quỳ xuống đi, chúng ta cầu nguyện cho các đan sĩ đang ngon
giấc này được gặp may mắn.
Plaxiđô cảm thấy hình như hai cha con quỳ ở đó rất lâu, thinh lặng và bất
động, ngay trên núi. Gió rên siết ở chung quanh. Vầng trăng ẩn sau một cụm
mây, hình như họ là hai người còn lại giữa một thế giới trơ trọi. Nhưng Plaxiđô
biết rằng Đan phụ của cậu đã quên hẳn cảnh vật xung quanh. Môi ngài mấp
máy. Thỉnh thoảng, ngài đưa tay lên trời như để cầu xin một ơn huệ vĩ đại.
Nhìn ngài, cậu bé thấy lòng tràn ngập ước mong. Cậu nghĩ thầm:
- Ta muốn giống như Đan phụ; ta cũng muốn cầu nguyện sốt sắng được
như thế.
Bổng cha Đan phụ cúi xuống, sờ soạng mặt đất đầy sỏi đá. Gặp được 3 viên
đá rồi, ngài xếp chúng lại với nhau, ngay tại nơi cầu nguyện. Rồi ngài đứng dậy,
gương mặt ngài không còn vẻ trang nghiêm nữa, nhưng đầy vẻ hân hoan lạ
thường. Ngài dịu dàng nói:
- Hãy lại đây con, Thiên Chúa rất tốt lành, Ngài đã nhận lời cầu xin của
chúng ta.
Plaxiđô sốt ruột, tới gần chỗ Đan phụ đang đứng:
- Thưa cha, bây giờ chúng ta phải làm gì đây? Biển Đức mỉm cười:
- Chúng ta trở về nhà bình an.
Chương 4: NHỮNG VIỆC LẠ LÙNG
BỞI NƯỚC

Hôm sau, sự sốt ruột đã lên đến tột độ, các đan sĩ ở những đan viện trên núi, lại
đến xin Đan phụ cho phép di chuyển về ở gần hồ hơn. Một lần nữa họ lại bị từ
chối, và được lệnh trở về đan viện. Đan phụ bảo họ hãy tìm cẩn thận trên đỉnh
núi, sẽ thấy nơi có 3 viên đá xếp chung lại với nhau. Cứ chỗ ấy, đào sâu xuống,
sẽ có mạch nước dồi dào.
Plaxiđô hân hoan đến khoe với Maurô đang hái dâu trên rừng, khi thấy sự
việc đã xảy ra đúng như Đan phụ nói:
- Cha chúng ta đúng là một vị thánh! Chưa hề thấy ai làm được cho nước
chảy ra từ đất khô. Ồ, anh Maurô ơi, chúng ta đến đây là một điều may mắn
biết bao! Maurô gật đầu:
- Subiacô là một nơi kỳ diệu nhất trên thế giới. Và không một nhân vật nào
vĩ đại bằng cha Đan phụ Biển Đức của chúng ta!
Vài hôm sau, Maurô được gọi đến phòng cha Đan phụ. Vừa bước vào
phòng, cậu bé liền có cảm giác là đã xảy ra chuyện gì chẳng may. Đan phụ vốn
rất bình tĩnh, nhưng đang nhìn ra ngoài cửa sổ một cách lo lắng khác thường.
- Thưa cha Đan phụ, cha cho gọi con? Biển Đức gật đầu truyền lệnh:
- Con hãy đi nhanh ra bờ hồ, Plaxiđô đang bị lâm nguy đến tính mạng.
Maurô vội vã chạy như bay ra phía bờ hồ. Vừa mới ít phút trước đây,
Plaxiđô được sai ra hồ xách nước. Phải chăng anh ấy đã bị trượt chân và nhào
xuống hồ? Vâng phục là một quy luật tại Subiacô, một sự vâng phục nhanh
chóng và khiêm tốn.
Cậu bé 12 tuổi chạy tới bờ hồ đúng lúc Plaxiđô đã bị nước cuốn trôi xa
khỏi bờ, và đang hì hụp cố gắng tranh sống. Maurô chạy thẳng đến cứu bạn, và
chỉ trong ít phút, đã đem được bạn lên bờ. Nhưng đang khi Plaxiđô bị ướt đẫm
và thở chẳng ra hơi, đang cố gắng giải thích sự việc đã xảy ra, thì Maurô run sợ
vì kinh hãi:
- Tôi vừa đi trên mặt nước Plaxiđô ạ! Nhân danh Chúa, làm sao tôi có thể
đến cứu anh bằng cách khác được? Cậu bé Plaxiđô kêu lên:
- Nhưng không phải anh đã cứu tôi đâu! Trong khi hì hụp dưới nước, tôi
thấy một chiếc vạt áo của cha Đan phụ ở phía trên đầu tôi. Tôi với lên và níu
lấy. Nhờ thế, tôi đã không bị chết đuối!
Maurô tròn xoe đôi mắt kinh ngạc:
- Nhưng lúc ấy, Đan phụ đang ở trong phòng của ngài kia mà! Có thật bạn
trông thấy ngài ở đây không?
Thở hổn hển và bối rối, cả hai cậu liền chạy đi tìm Đan phụ. Khi thấy hai
cậu đứng trước mặt, nỗi lo ngại trên mặt ngài liền biến mất, ngài nói cách đơn
sơ:
- Hôm nay, cả hai chúng con đã biết được giá trị của đức vâng phục.
- Thưa cha, có đúng là đức vâng phục không?
- Phải, Plaxiđô ạ: Maurô chạy đi cứu con ngay, không dừng lại để tra hỏi gì
cả. Các con ạ, vâng phục là một nhân đức tuyệt diệu! Không có nó, người ta
không thể vào được Nước Trời!
Maurô nhìn thẳng vào cha Đan phụ, cậu kính cẩn nói:
- Nhưng chính cha đã làm tất cả những việc ấy. Trong khi chạy đến bờ hồ,
con đã xin cha cầu nguyện. Vậy, nếu không nhờ lời cha, chúng con biết làm gì
được?
Plaxiđô, giờ đây đã hơi bình tĩnh, bắt đầu mỉm cười:
- Không phải Maurô đã cứu con đâu, nhưng thưa cha, chính là cha đó. Con
cảm ơn cha. Lần sau đi xách nước, con sẽ cố gắng cẩn thận hơn.
Câu chuyện về việc lạ lùng này, đã được thực hiện nhờ lời cầu nguyện của
Đan phụ, nhanh chóng lan tràn khắp Subiacô. Plaxiđô và Maurô nhiều lần
được yêu cầu mô tả lại. Chẳng bao lâu, mỗi cậu đều quen với việc tường thuật
phần của mình trong phép lạ ấy. Maurô đã đi trên mặt nước. Plaxiđô đã thấy
chiếc vạt áo của cha Đan phụ ngay trên đầu. Mỗi cậu đều được cứu sống nhờ
lời cầu nguyện của Đan phụ. Đó là những lời cầu nguyện rất đẹp lòng Chúa, vì
xuất phát từ lòng yêu mến.
Các đan sĩ ở Subiacô bao giờ cũng cho rằng câu chuyện Plaxiđô được cứu
là một điều kỳ lạ. Đối với đan sĩ Gioan, trước kia là một người ngoại giáo thuộc
bộ lạc Gốt, thì đó là câu chuyện làm tho thầy vui mừng đặc biệt. Đan sĩ ấy tự
nhủ:
- Cha Biển Đức là một người tốt, ngài là một người lạ lùng. Ngợi khen
Thiên Chúa đã sai ngài đến với chúng con.
Những lời nói trên đây có một âm điệu đặc biệt, và đan sĩ Gioan chỉ thích
hát to lên mỗi khi thầy làm việc ngoài đồng. Một buổi sáng kia, vị đan sĩ chất
phác ấy được sai đi lao động tại một địa điểm mới. Thầy phải mang lưỡi hái
xuống bờ hồ. Có vài miếng đất cần được khai hoang ở đó. Cha Đan phụ hỏi:
- Con đã rõ công việc phải làm rồi chứ? Đan sĩ Gioan gật đầu lia lịa:
- Thưa cha, con phải dọn cho thật sạch mảnh đất ấy, và con sẽ làm được.
Tuy con ngu dốt, nhưng con có bắp thịt vạm vỡ. Cha sờ thử xem. Đan phụ mỉm
cười, ngài nói:
- Chúa ở cùng con. Mảnh đất con khai hoang hôm nay sẽ cung cấp lương
thực cho chúng ta trong ít tháng nữa.
Thầy Gioan thẳng tới bờ hồ, nơi đã chứng kiến việc cứu Plaxiđô cách lạ
lùng. Khi nhìn mặt nước hồ phẳng lặng, thầy thấy lòng tràn ngập hân hoan,
được sống, được mạnh khỏe, được làm đan sĩ ở Subiacô, thật là hạnh phúc. Thế
rồi thầy cất tiếng hát vui vẻ: “Cha Biển Đức là một người tốt”. Thầy nói với đàn
chim đang bay lượn trên đầu:
- Cha Đan phụ là một người lạ lùng, ngợi khen Thiên Chúa vì đã sai ngài
đến với chúng con.
Nước hồ xanh gợn sóng lăn tăn dưới ánh mặt trời, đang khi vị đan sĩ thuộc
bộ lạc ngoại giáo ấy – xưa kia đã có lần mang quân xâm lược nước Ý – vừa ca
hát vừa làm việc cách hăng say. Tất cả gai cỏ đều bị cắt phăng đi dưới lưỡi hái
chính xác của thầy đang đưa lên đưa xuống nhịp nhàng đều đặn. Sau một giờ,
công việc được giao phó cho thầy gần hoàn tất. Chỉ còn lại một vài bụi nhỏ
cách đó ít thước. Thầy Gioan tự nhủ:
- Bụi à? Cỏ dại à? Có gì đâu đáng kể!
Và chiếc lưỡi hái lại bắt đầu lấp loáng dưới ánh mặt trời, và thầy lại cất
giọng hát vang. Bỗng lưỡi hái sút khỏi cán gỗ khi thầy vung mạnh tay. Nó văng
lên cao như một con chim bằng bạc rồi rơi tõm xuống hồ. Thầy Gioan kêu lên:
- Trời ơi! Làm thế nào bây giờ?
Thầy Gioan chán nản nhìn xuống hồ một lúc lâu, rồi lại nhìn cán gỗ vô
dụng trước mặt. Thầy sẽ không thể xong việc khai hoang mảnh đất đã được
giao cho. Và ở Subiacô, khó tìm được dụng cụ tốt như thế. Thầy phải đi ngay
lập tức vào báo cáo cho người niên trưởng biết việc không may vừa xảy ra.
Thầy buồn rầu lẩm bẩm:
- Chắc là tại ta bất cẩn và kiêu căng về sức khỏe của mình.
Và đang khi đi tìm kiếm một đan sĩ đàn anh để thú lỗi, thầy nghĩ đến câu
Phúc Âm vừa đọc trong Thánh Lễ ban sáng: “Ai tự nâng mình lên sẽ phải hạ
xuống, và kẻ nào hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Đan sĩ Gioan đi được một
quảng ngắn, thì gặp được Maurô. Vừa mới đây, Maurô được cử làm phụ tá cho
Đan phụ trong việc quản trị 12 tu viện. Thầy lật đật kể cho Maurô nghe về việc
không may vừa xảy ra.
- Đó là lỗi tại con. Đáng lẽ con phải sử dụng cái hái một cách cẩn thận hơn.
Nhưng vì con muốn làm cho giỏi, và gây cảm tưởng tốt đẹp nơi cha Đan phụ…
Maurô không nhịn cười được khi trông thấy nét mặt sầu khổ và vẻ lúng
túng của thầy Gioan, liền thân mật nói:
- Đừng lo, tôi đang đi tìm gặp cha Đan phụ đây. Tôi sẽ kể cho ngài biết nỗi
lo lắng của anh, và ngài sẽ làm cho mọi sự được đâu vào đó.
- Nhưng ngài không thể nào thu nhặt lại lưởi hái để tra vào cán gỗ này cho
con được! Nó đã rơi tỏm xuống đáy hồ rồi.
- Ngài đã cứu Plaxiđô khỏi chết đuối. Và lời cầu nguyện của ngài đã khiến
tôi đi trên mặt nước được kia mà!
Vẻ chân thành trong câu nói của Maurô, đem lại hy vọng trong ánh mắt
của đan sĩ Gioan. Thầy nói chậm rãi:
- Chắc thầy nói đúng. Ngợi khen Thiên Chúa. Biết đâu chúng ta lại chẳng
chứng kiến được một phép lạ nữa tại Subiacô! Vậy, con phải làm gì đây, trong
khi chờ đợi thầy trở lại với Đan phụ? Maurô mỉm cười:
- Anh có thể đọc ít kinh trong khi chờ đợi.
Với niềm tin tưởng đơn sơ như một đứa trẻ, đan sĩ Gioan quỳ xuống chỗ
đất gồ ghề, tay nắm chặt cái cán hái bằng gỗ. Cho tới lúc thầy Maurô trở lại với
Đan phụ, thầy Gioan đã đọc ít nhất là 12 lần kinh Lạy Cha và thêm vài lời cầu
nguyện riêng nữa. Thầy vẫn tiếp tục quỳ đó trong khi Đan phụ đến gần, mắt
thầy nhìn xuống đất một cách hổ thẹn và đau khổ.
- Thưa cha, đang khi làm việc ở bờ hồ, con đã tự đắc về sức lực phi thường
của con. Con đã tự nhủ không một ai ở Subiacô có thể dọn sạch miếng đất như
con. Rồi con đã vung mạnh cái hái, không hề nghĩ đến giá trị của nó…
Đan phụ mỉm cười:
- Thôi con ạ, ta đã biết rõ câu chuyện rồi. Hãy đứng dậy và đừng lo buồn gì
nữa.
- Nhưng thưa cha, lưỡi hái bằng thép đã văng mất, nó đang ở đáy hồ!
Đan phụ gật đầu và cầm lấy cán gỗ, dịu dàng nói:
- Hãy đi với cha. Thiên Chúa luôn luôn nhân từ với những ai tin cậy Ngài!
Tất cả đi đến chỗ thầy Gioan làm việc. Biển Đức thinh lặng nhìn xuống hồ
một lát, rồi vừa nhúng cái cán gỗ xuống nước, ngài vừa nguyện một câu vắn
tắt. Maurô và Gioan nóng lòng nhìn xem. Bổng cả hai kêu lên một cách kinh
ngạc: cách đó vài thước, cái lưỡi hái bằng thép đang vui vẻ lắc lư trên mặt nước.
Thầy Gioan kêu lên:
- Xin Chúa thương xót chúng con! Rồi lại quỳ xuống thốt lên:
- Thật là quá sức tưởng tượng!
Maurô quỳ xuống và nhìn một cách kinh ngạc trong khi lưỡi hái trôi thẳng
vào bờ. Đan phụ giơ cái cán gỗ ra, dường như có một sức mầu nhiệm nào sai
khiến, cái lưỡi hái bằng thép tự nhiên ráp chặt vào cán gỗ. Biển Đức bình tĩnh
lôi lưởi hái lên bờ, rồi đưa cho thầy Gioan đang sững sờ, ngài nói thật dịu dàng:
- Đây con, hãy tiếp tục làm việc và đừng buồn nữa!
Chương 5: KẺ THÙ MƯU HẠI

Thêm một phép lạ khác nữa xảy ra tại Subiacô càng làm cho danh tiếng Biển
Đức lẫy lừng hơn. Đã gần một tuần, những người trưởng giả ở Rôma, đều đến
để ghi danh cho con họ vào học ở trường của ngài. Nhiều người khác cũng đến
xin gia nhập đan viện. Sau nhiều năm, Đan phụ Biển Đức thấy không cần chiêu
mộ đệ tử trong số các cư dân mộc mạc ở vùng đồi núi nữa. Mọi người đều nhắc
tới tên của ngài, và các tu viện gần Aniô đã thu nhận nhiều người thuộc tầng
lớp khá giả ở Rôma. Thiên hạ thường bảo nhau:
- Bề trên của các đan sĩ này quả thật là một vị thánh. Chưa hề thấy ai suốt
ngày chỉ lo chăm sóc người khác, lại biết sống an hòa với chính mình và với tha
nhân như thế. Và ngài đề cao giá trị của cần lao, một điều trước kia chưa hề
nghe nói tới. Nhờ công sức lao động và sự thánh thiện của ngài, mà Subiacô đã
trở thành một miền đầy dẫy những loại hoa màu trong nước Ý.
Tuy nhiên, cũng có một người rất ghen ghét Biển Đức. Mỗi lần thấy những
người Rôma giàu có đến thăm Biển Đức, người ấy lại tức giận đến phát khùng
lên. Đó là linh mục Florence, ông này sống ở một vùng lân cận Subiacô.
Florence tự nhủ:
- Biển Đức không p hải là một người thánh đâu. Thực ra, ông ta đâu có làm
được phép lạ. Hắn chỉ lừa dối dân chúng bằng những xảo thuật, để dân chúng
tưởng là một vĩ nhân và đem tiền đến biếu. Còn ta đây, sao họ không có mắt?
Sao họ không thấy ta cũng cần được giúp đỡ?
Thế nhưng, những du khách đến Subiacô rất ít để ý đến Florence. Biển
Đức mới là nhân vật họ muốn gặp để nói chuyện. Biển Đức là người đã khởi
xướng một lối giáo dục mới cho tuổi trẻ ở nước Ý. Ngài cũng là người có
những lời cầu nguyện quyền năng trước Ngai Thiên Chúa, đến nỗi hình như
không có việc gì là không thể được.
Vào khoảng năm 527, khi Biển Đức đã ở Subiacô gần 30 năm, Florence
không còn chịu đựng tình cảnh đau khổ này được nữa. Ông quyết định gởi cho
Biển Đức một ổ bánh mì nhỏ, có bỏ thuốc độc. Bằng cách này, ông hy vọng sẽ
loại trừ được người láng giềng khó chịu của mình. Bởi vì vào thời ấy, bạn bè
gửi tặng nhau những ổ bánh mì nhỏ là một việc bình thường. Những tặng vật
ấy quen gọi là Eulogia, và là dấu hiệu ưu ái, tượng trưng sự thông hiệp giữa
những Kitô hữu, nhờ tấm bánh mì là Mình Đức Kitô. Eulogia được gởi tặng
nhau vào bất cứ mùa nào trong năm. Và Florence tự hào rằng không một ai có
thể nghi ngờ, vì ông chỉ muốn tỏ lòng cảm mến Đan phụ Biển Đức thôi. Ông
tự nhủ:
- Thật là một ý tưởng tuyệt diệu, và nhất định sẽ đạt mục đích! Biển Đức sẽ
ăn ổ bánh mì có thuốc độc, và sẽ chết ngay sau đó vài giờ. Rồi khi ấy, có lẽ
thiên hạ sẽ bắt đầu nghĩ tưởng đến ta.
Tội nghiệp cho Florence! Ông cũng từng là một người tốt lành, nhưng lâu
nay sự ghen ghét đã gieo vào lòng ông một mưu mô độc ác. Và giờ đây, ông sẵn
sàng làm bất cứ việc gì để loại trừ Biển Đức. Dù sao, ông đã chẳng sống ở
Subiacô lâu năm hơn Biển Đức đó sao? Há ông chẳng phải linh mục; còn Biển
Đức chỉ là một tâm hồn bình thường, đã có lần muốn làm nhà ẩn tu đó ư?
Quyết không nên để cho những nhân vật quan trọng ở Rôma quá tôn kính một
con người như thế!
Thế nhưng, khi tặng vật của Florence được gởi đến với nhiều lời tâng bốc
quá đáng, Biển Đức được ơn trên soi sáng đặc biệt như ở Vicôvarô. Một lần
nữa, kẻ thù cố gắng giết chết sự an hòa ngài rất yêu quý, sự an hòa mà ngài đã
mất nhiều công phu dạy bảo cho các môn đệ của mình. Vừa ngắm nhìn ổ mì
nhỏ Florence gởi đến, Biển Đức vừa tự nhủ:
- Bánh này có thuốc độc. Lạy Chúa, con phải làm gì đây?
Vấn để thật nghiêm trọng. Không còn hoài nghi gì cả. Dĩ nhiên, Biển Đức
sẽ cầu nguyện cho kẻ thù nghịch với mình như ngài đã thường làm trước kia.
Nhưng mối liên hệ với Florence trong tương lai sẽ ra sao. Lát nữa đây, khi vị
linh mục lầm đường ấy hay biết sự thất bại trong chương trình của mình, rồi sẽ
xảy ra sự gì nữa? Đầu óc ông sẽ còn nảy ra mưu độc nào khác nữa để hại Đan
phụ Subiacô?
Biển Đức, trong lúc ngồi ở phòng riêng, lòng đang bâng khuâng sầu khổ
bỗng thấy con quạ ngài đã tập luyện cách đây vài năm, bay đến đậu trên khung
cửa sổ. Như thường lệ, nó đến để lãnh bữa trưa. Nó nhìn cha Đan phụ với cặp
mắt long lanh đầy hy vọng, hình như muốn hỏi: “Bắp của con đâu?”
Lòng nguôi nguôi khi thấy con quạ quen thân, Biển Đức đứng lên, tay chỉ ổ
bánh mì có thuốc độc, miệng nói:
- Bạn ơi, hãy lấy ổ bánh mì này đi, nhân danh Chúa, và hãy bỏ nó vào một
nơi không thể gây nguy hiểm cho ai.
Con quạ kêu lên một tiếng, rồi bay thẳng đến ổ bánh mì. Nhưng bỗng nó
đổi ý, và mặc dù Biển Đức nhắc lại mệnh lệnh nhiều lần, nó cũng không chịu
cắp ổ bánh độc hại đó mang đi. Biển Đức mỉm cười buồn rầu.
- Ngay bạn cũng biết ổ mình này có thuốc độc sao? Đừng sợ, ta sẽ không
làm hại bạn đâu.
Con quạ cứ nhìn ổ bánh mì một cách ngờ vực, nó vỗ cánh và kêu lên như
để phản đối mệnh lệnh của cha Đan phụ. Sau cùng, Biển Đức khuyên nhủ và
hứa sẽ cho nó bữa ăn trưa thường ngày sau khi nó hoàn thành nhiệm vụ, con
quạ mới há mỏ, gắp ổ bánh độc hại, tung cánh bay đi. Sau ba tiếng đồng hồ, nó
mới lại xuất hiện trên khung cửa sổ để lãnh bữa ăn đã hứa.
Một ý nghĩ khác lại lóe lên trong đầu Biển Đức đang khi ngài cho quạ ăn
bắp. Florence rồi ra sẽ làm gì nữa? Mù quáng vì ghen ghét, chắc ông ta chưa
chịu dừng lại đâu.
Sau đó, nhiều chuyện đã sớm xảy ra. Quá tức giận vì kế hoạch bị hỏng.
Florence nhất định gieo rắc mối bất hòa giữa những môn đệ Biển Đức. Ông ta
đặt nhũng chước cám dỗ trên bước đường của những cậu hiến sinh, loan
truyền nhiều lời dối trá xảo quyệt. Ông cố hết sức làm cho các đan sĩ ở Subiacô
cảm thấy rằng việc họ đã tuyên thệ suốt đời vâng phục bề trên là rất sai lầm.
Ông làm bộ hỏi thăm một cách thương hại:
- Rồi các anh sẽ được gì? Các anh phải làm việc vất vả chẳng khác nào
những nông dân, và chỉ được hưởng những nhu cầu tối cần thiết mà thôi. Thật,
tôi thương hại các anh quá!
Biển Đức run sợ cho những mưu mô nham hiểm đó. Sau hết, ngài thấy chỉ
có một việc phải làm. Ngài không thể nhìn cánh các môn đệ của mình quay về
thế tục. Để bảo vệ ơn thiên triệu của họ, ngài sẽ rời Subiacô. Maurô đã 17 tuổi
rồi. Thầy có thể thay ngài làm bề trên; thầy là một thanh niên có khả năng,
mạnh khỏe, thánh thiện và khôn ngoan. Chắc chắn, Florence sẽ không còn tìm
cách phá rối nữa. Biển Đức buồn rầu nghĩ tiếp:
- Thực ra, ông ấy chỉ then ghét một mình ta mà thôi. Lạy Chúa, con chắc
rằng, đây là giải pháp tốt nhất để vượt khỏi khó khăn này?
Tất cả đan viện Subiacô đều ngạc nhiên khi hay tin Biển Đức sắp ra đi. Các
môn đệ lớn tuổi cố gắng thuyết phục ngài ở lại, để đấu tranh với Florence và
những lời dối trá thâm độc của ông ta, nhưng Biển Đức một mực từ chối. Ngài
không muốn đấu tranh. Trong suốt 30 năm sống tại Subiacô, lúc đầu làm nhà
ẩn tu, sau đó làm Đan phụ, ngài đã từng rao giảng sự an hòa tốt đẹp. Ngài đã
dạy người ta hãy ném gươm giáo đi và trau dồi những nghệ thuật an hòa. Ngài
đã lấy câu sau đây làm khẩu hiệu cho đan viện của ngài: “Hãy tránh xa điều ác
và làm điều thiện. Hãy kiếm tìm và đeo đuổi sự an hòa”. Làm sao ngài có thể
quên được những lời ngài dạy?
Hôm Biển Đức rời Subiacô để đi thẳng về hướng đông, đến tại Capua,
Florence thấy lòng vui như mở hội. Thế là, rốt cuộc ông đã thành công. Từ nay,
không bao giờ ông còn thấy một vị bề trên mà mọi tầng lớp xã hội đều quý
trọng. Khi bước lên bao lơn nhà mình để quan sát cho rõ hơn cuộc ra đi của kẻ
thù, ông nhận thấy có một nhóm ít đan sĩ cũng ra đi theo Biển Đức, trong số
đó có Plaxiđô, lúc đó 12 tuổi. Ông tức giận lẩm bẩm:
- Họ đi đâu thế kia? Biển Đức đã đầu hàng vĩnh viễn rồi! Họ không biết sao
mà còn cố theo đuổi ông ta, để mong tìm hạnh phúc?
Đang khi đứng đó để vui mừng nhìn Biển Đức ra đi, Florence không để ý
đến chỗ rạn nứt nguy hiểm trên bao lơn. Ông không chú ý đến việc gì cả, ngoại
trừ sự đắc thắng cuối cùng của ông nhờ những lời dối trá và lòng nham hiểm.
Nhưng trong lúc ông đang ngạo nghễ đứng nhìn, thì bỗng nhiên, cả bao lơn
dưới chân ông bắt đầu sụp đổ.
- Trời ơi, cứu tôi với! Florence thét lên trước mối nguy hiểm thực sự.
Nhưng tiếng gào thét của ông bị át đi giữa những tiếng đỗ vỡ. Ít phút sau, một
bác nông dân đi ngang qua đó, thấy vị linh mục độc ác ấy chỉ còn là một cái
xác bất động. Bác liền chạy đi báo tin cho Maurô, đang làm bề trên của mười
hai đan viện. Bác lắp bắp nói, vừa sợ vừa hả dạ:
- Ông ấy đã chết rồi! Một cây đà lớn đã đè chết!
Maurô nửa tin nửa ngờ, liền cho một vài thầy đi dò xem. Khi họ báo cáo lại
rằng bác nông dân nói đúng, Florence quả thực đã chết cách khốn khổ. Maurô
liền nhanh chóng quyết định chạy theo Đan phụ, để thuyết phục ngài khỏi cần
rời Subiacô nữa. Con người đã gieo bao nhiêu tai họa bấy lâu, giờ đây đã chết.
Nhờ chạy nhanh hết sức, Maurô và một ít đan sĩ khác đã bắt kịp được Đan
phụ Biển Đức. Nhưng ngài không vui mừng gì khi hay tin ấy. Ngài bảo mọi
người hãy quỳ xuống bên lề đường và đọc kinh cho người mới qua đời. Ngài
buồn rầu hỏi:
- Này các thầy, chúng ta làm sao có thể vui mừng được trước sự rủi ro của
người khác? Đang khi nói lời đó, mắt ngài quay nhìn Maurô. Vị đan sinh này
cúi đầu hổ thẹn. Đúng là thầy đã vui mừng sung sướng khi hay tin Florence
chết. Trong lúc quá xúc động, thầy đã quên hẳn đức ái vĩ đại nơi cha Đan phụ -
một đức ái được thi thố cho mọi người ngay cả cho kẻ thù địch.
Sau khi cảm thấy đã được Đan phụ tha thứ. Maurô lên tiếng hỏi:
- Nhưng… cha trở về lại chứ? Xin cha trở về để lãnh đạo chúng con.
Plaxiđô hy vọng nhìn Đan phụ, các đan sĩ cũng vậy, không còn ai thích tiếp
tục cuộc hành trình nữa. Nhưng Biển Đức lắc đầu và bình thản nói:
- Thánh ý Chúa muốn cha ra đi. Thầy Maurô, hãy trở về với nhiệm vụ của
thầy tại Subiacô. Xin Chúa chúc lành cho công việc mới mẻ của con.
Chương 6: CON NGƯỜI CỦA NÚI ĐỒI

Bao nhiêu ý tưởng nảy lên trong đầu, đang khi Biển Đức cùng một số đan sĩ đi
theo con đường đầy cát bụi, từ Rôma đến Capua. Vị Bề trên năm ấy 47 tuổi,
thật ra cũng không muốn rời bỏ Subiacô. Ngài biết rằng dù định cư ở bất cứ
nơi đâu, ngài cũng phải bắt đầu lại công trình trước đây. Nhưng dường như có
tiếng bảo ngày hãy tiếp tục công trình này, hãy làm hết sức, để phổ biến sự
bình an của Đức Kitô tại một miền khác trong nước Ý.
Đang khi cùng rảo bước với nhóm anh em theo ngài, Biển Đức đôi lúc hơi
mỉm cười khi thấy các môn đệ nóng lòng muốn biết chương trình của ngài ra
sao. Nhất là Plaxiđô không che giấu được sự kích thích của tuổi trẻ. Cậu tuy
không hỏi lời nào, nhưng sự tò mò lộ rõ trong ánh mắt cậu. Biển Đức suy nghĩ:
- Ta biết nói gì với Plaxiđô đây? Chính ta cũng như họ, chẳng biết gì về
chương trình của Thiên Chúa.
Chỉ sau ít ngày, cả đoàn đã tới thành Cassinum, là đoạn giữa từ Rôma đi
Napoli và gần sông Liri. Dưới thời các hoàng đế Rôma, thành phố Cassinum là
một trung tâm rất phồn thịnh. Nhưng qua những cuộc xâm lăng của ngoại
bang, tất cả đều thay đổi. Quá bận rộn vì giao tranh, người ta không còn nghĩ
gì đến việc cày bừa ruộng đất hoặc giáo dục con cái nữa. Giờ đây, Cassinum chỉ
là một ngôi làng đang cố vươn lên, không hơn không kém. Dân cư thì nghèo
nàn ngu dốt. Họ tôn thờ tà thần ngoại giáo tại những đồi um tùm cây cối phía
trên thành phố, và không ai hiểu biết gì về chân lý của đức tin Kitô giáo, Biển
Đức bỗng lên tiếng nói:
- Cha nghĩ rằng chúng ta nên dừng lại đây, và các con ạ, cha sẽ rời các con
một ít lâu nhưng cha sẽ trở lại, đừng sợ.
Trước tin đột ngột ấy, các đan sĩ đều buồn rầu. Nhưng sau khi được Đan
phụ giải thích, là ngài muốn dành ít ngày để đọc kinh cầu nguyện, xin Chúa soi
sáng tâm trí để ngài biết phải tiếp tục đi đâu; và họ bắt đầu hiểu. Lâu nay, Đan
phụ thường dạy họ giá trị của việc cầu xin ơn Chúa trợ lực mỗi khi muốn bắt
tay vào bất cứ công việc gì. Ngài mỉm cười nói với họ:
- Cha sẽ lại được làm nhà ẩn tu. Từ ngày cha sống một mình đến nay, kể
cũng đã lâu rồi.
Trong những ngày Biển Đức sống như nhà ẩn tu trên núi đầy cây cối ở phía
trên thành phố, dân chúng Cassinum ngày càng lưu ý đến Plaxiđô và các bạn
của cậu. Họ là ai vậy? Tại sao họ mặc những chiếc áo thô sơ bằng da cừu như
thế? Và vị Thiên Chúa lạ lùng họ tôn thờ là ai? Plaxiđô nói cách vắn tắt:
- Ngài là Đấng tạo thành vũ trụ. Ngài đã sửa soạn một chỗ tuyệt diệu gọi là
Thiên đàng cho tất cả những ai trung thành phụng sự Ngài.
Dân chúng Cassinum cũng đưa ra một ít câu hỏi khác nữa:
- Thiên Chúa của các vị có lớn hơn Jupiter và Apôlô không? Các bạn của
Plaxiđô trả lời:
- Không một vị thần nào lớn hơn Thiên Chúa của chúng tôi được. Ít lâu
sau, cha chúng tôi sẽ nói với quý vị về Thiên Chúa của chúng tôi.
Dân chúng đều ngạc nhiên khi nghe nói vị lãnh tụ của các đan sĩ này đang
ở trên núi. Một ít người leo lên ngọn núi cao, xưa kia là tường lũycủa thành
Rôma, nhưng họ không thấy dấu vết của Biển Đức đâu cả. Người ta cũng
không gặp thấy ngài ở vùng kế cận đền thờ Jupiter, Apôlô và Venus. Plaxiđô
giải thích:
- Ngài đang cầu nguyện cho quý vị và cho chúng tôi. Ngài đang cầu xin
Thiên Chúa cho biết thánh ý Người muốn gì. Một cụ già lọm khọm tiến lại gần
ngạc nhiên hỏi:
- Cậu chỉ là một cậu bé, tại sao lại cùng đi với các đan sĩ này? Plaxiđô mỉm
cười, giải thích:
- Cháu là một người tận hiến. Cách đây 5 năm, cha cháu đã đưa cháu đến
gặp Đan phụ Biển Đức để cháu dâng mình cho Chúa!
Cụ già đưa tay lên che cặp mắt yếu ớt, lẩm bẩm:
- Tôi không hiểu. Lễ vật dâng cho Chúa thì phải là của lễ toàn thiêu chứ.
Chúng tôi chỉ dâng cho các vị thần của chúng tôi những con vật béo tốt nhất,
chứ không bao giờ dâng con cái. Một đan sĩ cao tuổi hơn bước tới:
- Các lễ vật của quý vị dâng sẽ được đốt ra tro. Nhưng lễ vật của những
người Kitô hữu thì vẫn tiếp tụ làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì họ hợp nhất với
công nghiệp của Đức Giêsu Kitô.
Nghe nói thế, nhiều người xì xào bỡ ngỡ. Thế nhưng, đàn ông cũng như
đàn bà thành Cassinum ngày càng tụ tập đông hơn chung quanh những người
khách lạ. Mọi con mắt đều đổ dồn vào Plaxiđô và những người bạn của cậu,
mọi nét mặt đều có vẻ tư lự. Rõ ràng chẳng ai hiểu được những lời vị đan sĩ vừa
nói. Nhưng họ không tỏ vẻ gì ác cảm. Dân chúng rất hâm mộ và muốn học hỏi
thêm về Kitô giáo mà đối với họ thật kỳ lạ. Họ cũng muốn gặp lãnh tụ của các
đan sĩ, vì họ cũng đã nghe nói rất nhiều về Đan phụ Biển Đức, thật là một bậc
vĩ nhân. Và giờ đây, ngài đang dành một thời gian để cầu nguyện và sống khắc
khổ, ngõ hầu tâm hồn ngài được nên trong sạch hơn hầu đón nhận sứ điệp của
Thiên Chúa.
Sau nhiều tuần sống ẩn dật, Biển Đức trở lại với các môn đệ và báo cho họ
biết, là họ sẽ ở lại chính nơi họ đang dừng chân.
Montê Cassinô, ngọn núi cao chót vót phía trên thành phố, thuộc quyền sở
hữu của Têtulô, cha Plaxiđô. Biển Đức đã chọn nơi này để thiết lập một nhà
mới. Chắc chắn không bao lâu nữa, Têtulô sẽ cho phép xây cất những gì cần
thiết. Biển Đức giải thích:
- Đỉnh núi là một địa điểm tốt nhất cho một đan viện. Ở một vị trí như thế,
người ta sẽ ít bị những thú vui thế tục lôi cuốn.
Hay tin ấy, Plaxiđô tràn ngập vui mừng. Cậu biết rõ Montê Cassinô cũng
như nhiều dải đất rộng lớn ở Ý và ở Xixili. Thuộc quyền sở hữu của cha cậu,
nhưng cậu không hề hở môi cho các đan sĩ khác, trong số đó, có một số người
chỉ là những nông dân nghèo hèn. Nền giáo dục họ đã hấp thụ được cũng như
những tài nghệ khác, hoàn toàn nhờ sự đào luyện kiên trì của Đan phụ Biển
Đức.
Thời gian trôi qua, Biển Đức và các đan sĩ theo ngài đã xây cất được một
đan viện ngay trên đỉnh núi Montê Cassinô. Họ khai khẩn đất hoang như lúc
còn ở Subiacô, và gieo trồng hoa màu. Họ cũng đắp được một con đường hơi
ngoằn nghèo để dân chúng ở Cassinum và những miền gần thành phố Capua
đỡ vất vả khi đến viếng tham đan việc ở trên núi cao chót vót.
Các đan sĩ Biển Đức ăn mặc rất đơn sơ, phỏng theo lính La mã thuở xưa,
thường khoác ngoài chiến bào một áo bằng nỉ dài đến gần đầu gối. Các đan sĩ
này cũng mặc áo bằng nỉ, nhưng dài hơn, xuống tận gót. Lính Rôma mang một
áo khoác có mũ che đầu; mỗi khi làm công nặng nhọc, các đan sĩ cũng mang
một áo khoác gồm hai mảnh trước, sau và một cái mũ che đầu. Họ mang một
dây nịt ngang lưng. Còn những em hiến sinh thì chỉ mặc áo chùng và thắt lưng
thôi.
Dần dần, dân ngoại ở địa phương đó trở nên quen thuộc với những người
hàng xóm mới của họ, và nhiều người đã đón nhận đức tin Kitô giáo. Họ giúp
cha Đan phụ khẩn hoang ngay nhiều nơi có đền thờ thần ngoại rải rác trong
núi rừng. Thay vào chỗ đền thờ thần Apôlô, họ đã giúp ngài xây một nhà
nguyện dâng kính thánh Martinô, và một nhà nguyện khác dâng kính Gioan
Tẩy Giả.
Cũng như tại Subiacô, sự cầu nguyện và lao động đã đem lại nhiều thay đổi
lớn lao cho miền hoang dã này. Với thời gian, nhiều người xin lãnh nhận Phép
Rửa tội. Họ dường như không thể làm ngơ trước một vị đan sĩ từ tâm và luôn
luôn rao giảng Tin Mừng bình an.
Tuy nhiên, ma quỷ không bằng lòng trước những biến cố như thế. Nó
quyết tâm dùng mọi phương tiện để làm cho dân chúng tin rằng Biển Đức là
người đáng ghê tởm. Nó hiện ra với ngài dưới nhiều hình dạng. Có lúc nó đội
lốt một con chó đen hung dữ, nhe hàm răng nhọn đầy máu và cặp mắt đỏ như
lửa. Lần khác, nó lại núp trong một đám khói hôi thối, vừa gào thét vừa nghiền
rủa và đe dọa những người đang giúp ngài khai hoang rừng núi. Chỉ một mình
Biển Đức trông thấy hình dạng ấy, còn tất cả mọi người tuy không trông thấy
gì, nhưng vẫn nhe được tiếng tru tréo của chúng. Đan sĩ nọ kể lại cho đan sĩ
kia:
- Lúc đầu, nó gọi đích danh cha Đan phụ, rồi thấy ngài không thèm trả lời,
nó lại thử cách khác. Đan sĩ kia trả lời:
- Tôi biết, chính tai tôi nghe nó tru tréo và gào thét. Nó quá tức giận khi
thấy cha Đan phụ không để ý gì đến nó. Rồi nó lại thét to:
- Thất Đức ơi! Thất Đức ơi! Ngươi muốn ta làm gì? Tại sao ngươi lại sát hại
ta? Rồi thầy tiếp:
- Dĩ nhiên ai cũng hiểu tại sao nó lại gọi ngài là Thất Đức! Đan sĩ thứ nhất
gật đầu:
- Nó muốn nói ngài là con người độc ác. Nhưng cha đâu có phải là người
như thế!
Montê Cassinô trước kia rõ ràng là một nơi dành để thờ ma quỷ. Trên
mảnh đất mà Biển Đức và các đan sĩ của ngài hiện đang xây cất một nhà
nguyện, trước kia Luxiphe đã được tôn thờ. Có lẽ tất cả những sự việc ấy xảy ra
đã hàng trăm năm về trước, ngay cả trước thời kỳ người dân nước Ý tôn thờ
Jupiter, Apôlô và Vênus. Biển Đức nghĩ thầm:
- Giờ đây ma quỷ không muốn chịu thua Thiên Chúa. Nó tưởng có thể làm
cho ta kinh hãi để rời bỏ nơi đây.
Nhưng Biển Đức cũng biết rằng không bao giờ ngài chịu rời khỏi Montê
Cassinô chỉ vì ý ma quỷ muốn thế. Khi trước, ngài chịu rời Subiacô lúc gặp khó
khăn, không phải vì sợ hãi, mà vì không muốn sự hiện diện của mình xô đẩy
thêm Florence vào những hành vi độc ác.
Dần dần, những người theo Biển Đức không còn sợ ma quỷ cùng những lời
tru tréo gầm thét nguyền rủa và những trò gây rối của chúng nữa. Họ xác tín
rằng, Bề trên của họ có đủ khả năng đương đầu với mọi biến cố, và lời cầu
nguyện của ngài sẽ thắng được ma quỷ.
Một buổi sáng kia, các đan sĩ cố gắng khuân một hòn đá cần thiết để xây
đan viện mới, nhưng vô hiệu! Các thầy không thể nào lay chuyển được nó. Bốn
người xúm nhau kéo, giật, rồi 8 người, rồi 12 người. Nhưng hòn đá vẫn trơ trơ,
vững như đồng. Sau cùng, các đan sĩ chạy đi cầu cứu Đan phụ. Khi đến nơi để
xem xét sự tình, ngài làm dấu thánh giá trên hòn đá, tức thì một người có thể
nhắc nó lên nhẹ nhàng; các đan sĩ kháo láo với nhau:
- Ma quỷ đang ngồi trên hòn đá ấy, nhưng nó chẳng chống lại nổi với dấu
thánh giá và những lời cầu nguyện của cha Đan phụ đâu.
Biển Đức vừa rời các đan sĩ, ngay sau khi xảy ra vụ hòn đá, thì lại bỗng
nghe tiếng kêu cứu. Những ngọn lửa khổng lồ đang hừng hực bốc lên; nhà bếp
của đan viện đang bốc cháy!
- Thưa cha, làm thế nào bây giờ? Chúng ta không có đủ nước để dập tắt
lửa? Biển Đức đưa mắt nhìn nhà bếp đang cháy, rồi nói:
- Các thầy hãy làm dấu thánh giá trên mắt của mình rồi nhìn lại thử xem!
Các đan sĩ làm theo lời ngài dạy, và ngọn lửa khổng lồ đã biến đâu mất.
Biển Đức nói một cách bình tĩnh:
- Lại ma quỷ nữa nó thích gây khổ cực cho chúng ta.
Sau đó, một thầy vâng lời Đan phụ đi vào nhà bếp. Rồi thầy trở ra cho hay
rằng một pho tượng bằng đồng vừa mới được khám phá ngay dưới chỗ hòn đá
nặng, và trước đó Đan phụ đã ra lệnh đập vỡ nát rồi, nay vẫn trở lại nguyên
như cũ. Biển Đức liền âm thầm bước vào nhà bếp, cầm búa đập pho tượng nát
tan tành, rồi trở ra với các đan sĩ, bình tĩnh nói:
- Đừng sợ gì cả, các thầy ạ. Cha nghĩ rằng giờ đây tất cả đều xuôi thuận. Ma
quỷ sẽ thôi phá phách chúng ta trong một thời gian. Hãy an tâm và tiếp tục
công việc.
Đan phụ đã nói đúng. Trong vòng ít ngày, sự an bình đã trở lại Montê
Cassinô và các đan sĩ đã xúc tiến rất nhan công việc xây cất. Lần này, không
phải là một đan viện bằng gỗ, song là bằng đá, một thứ vật liệu có rất dồi dào
trên đỉnh núi. Nhưng vào một buổi sáng kia, trong lúc các đan sĩ đang bận xây
một bức tường, thì những viên đá họ đã xây bỗng rời ra. Rồi cả bức tường sụp
đổ giữa tiếng kêu la inh ỏi. Khi bụi không còn bốc lên, người ta khám phá ra
thi thể của một em hiến sinh bị chôn vùi trong đống gạch vụn. Đó là Sêvêrô,
con trai của một viên chức Rôma. Cậu đã bị đá sập đè chết.
Rất kinh hãi, các đan sĩ liền khám nghiệm thi thể cậu bé. Phải chăng đây
cũng lại là một trò đùa của ma quỷ. Phải chăng đây cũng chỉ là ảo ảnh giống
như ngọn lửa đốt nhà bếp? Nhưng các đan sĩ đều buồn rầu vì nhận ra rằng
Sêvêrô đã chết thật. Xương cậu bé bị gãy nát. Một đan sĩ liền kêu lên:
- Đừng vội thất vọng! Hãy mang chú ấy đến cha Đan phụ. Lời cầu nguyện
của ngài rất có hiệu lực, biết đâu…
Rồi họ khiêng thi hài cậu bé đi. Trong chốc lát, đầu đuôi câu chuyện được
tường thuật rành rẽ cho Biển Đức. Ngài tái mặt khi trông thấy khuôn mặt cậu
bé đầy máu và bụi đất. Ngài thầm thĩ đau đớn:
- Cũng lại ma quỷ nữa! Các thầy ạ, nó ghét chúng ta biết bao!
Các đan sĩ thinh lặng. Sêvêrô là một cậu bé làm việc rất giỏi và nhanh
nhẹn. Tai họa khủng khiếp này làm ai cũng thương tiếc cậu.
Đan phụ ra hiệu cho các đan sĩ lui ra, bình tĩnh nói:
- Các con hãy trở lại làm việc và nhớ cầu nguyện cho cha.
Khi còn lại một mình, Biển Đức quỳ xuống bên cạnh thi hài cậu môn đệ
niên thiếu. Mắt ngài đẫm lệ. Ngài nhớ lại ngày ngài trốn khỏi Rôma để đi ẩn
tu, lúc mới mười mấy tuổi. Ngài nhủ thầm:
- Ta được sức khỏe dồi dào, Thiên Chúa luôn quảng đại với ta; ta chưa hề
bị một tai họa kinh khủng nào cả!
Rồi ngài bắt đầu chậm rãi đọc kinh sốt sắng như thường lệ. Ngài kêu xin
Thiên Chúa, vì công nghiệp Đức Kitô đã chịu đau khổ và chịu chết, thương xót
và nghe lời ngài khẩn nguyện; ngài xin Chúa ban lại sự sống cho thi thể lạnh
ngắt của cậu bé. Ngài thầm thĩ:
- Sêvêrô đã được trao cho con coi sóc. Giờ đây, vì vâng lời con mà bị tai
nạn. Lạy Cha trên trời, xin Cha xót thương người cha nơi trần thế. Xin Cha
biểu dương quyền lực của Cha trên núi này, để tất cả mọi người đều mau
chóng nhận biết quyền năng của Cha và tôn thờ Cha.
Thời giờ trôi qua, các đan sĩ làm việc tại nơi bức tường đổ, ngước nhìn lên,
bỗng thấy Đan phụ đang chậm rãi tiến lại gần họ. Cạnh ngài có một gương mặt
quen quen. Một tu sĩ bỗng kêu lên:
- Ngợi khen Chúa! Kìa Sêvêrô!
Cả nhóm đầu xôn xao. Chính là Sêvêrô, khuôn mặt và áo quần sạch boong
không còn dính máu me bụi bặm. Cậu khỏe mạnh hoàn toàn và bước đi không
chút khập khiễng.
Khi hai cha con dừng lại cách đó ít thước, họ nghe Đan phụ bảo cậu bé:
- Con lại làm việc đi. Vừa mới đây ma quỷ đã trêu chọc chúng ta và phá
hoại tất cả công trình chúng ta đó!
Cậu bé cúi đầu vâng lệnh và hăng hái chạy ngay lại chỗ cậu thường quen
làm. Bề ngoài trông cậu dường như không hề ý thức được sự việc vừa xảy ra
trước đó một tiếng đồng hồ. Nếu cậu có hơi bối rối, thì đó lại là vì lý do khác.
Cậu tự hỏi:
- Tại sao ta lại đi cùng với Đan phụ như thế này? Sao ta đang làm lại bỏ đi
đâu thế kia?
Chương 7: ĐƯỜNG LỐI AN HÒA

Biển Đức định cư trên núi Montê Cassinô vào năm 527. Cũng vào khoảng thời
gian này, Justin trở thành thủ lãnh phân nữa phía đông của đế quốc La mã, và
đặt tổng hành dinh tại Constantinople. Trong những năm đầu tiên của triều
đại ông, Justin rất bận rộn với những cuộc chiến chống lại vua Côrô I nước Ba
Tư. Khi hòa bình được công bố năm 533, hoàng đế Justin lại nghĩ đến việc
chinh phục miền khác. Ông phái một đoàn tàu 500 chiếc, có 92 tàu chiến yểm
trợ, sang Bắc Phi. Hai năm sau, vị tướng tài ba của ông là Bêlisa, báo cáo rằng
một phần lớn Phi châu trước khi thuộc quyền đế quốc La mã, vừa rồi bị quân
Vandal chiếm hữu, nay có thể lại được coi như là một phần của đế quốc La mã.
Bêlisa hỏi:
- Tâu hoàng đế, ngài không có ý định thôn tính nước Ý sao?
Justin đồng ý. Không những ông muốn cai trị đế quốc La mã ở phía Đông,
với tổng hành dinh tại Constantinople, ông lại còn muốn thống trị cả đế quốc
La mã ở phía Tây, với tổng hành dinh tại Rôma. Ông muốn nắm trọn quyền
thống trị trong tay. Chưa ai giữ một địa vị quan trọng như thế kể từ khi hoàng
đế Theodore I qua đời, năm 395. Nhưng ý định ấy – Justin nghĩ – có thể thực
hiện được, vừa bằng cuộc dàn xếp khéo léo, vừa bằng vũ lực của quân đội hùng
mạnh. Vua Theodore của quân Ôtrôgốt trước đây cai trị nước Ý, bấy giờ đã
mất, và ông không truyền ngôi lại cho một người kế vị nào có đủ khả năng cả.
Đúng là lúc tạo điều kiện thuận lợi cho một người đang ở thế mạnh, có thể tấn
công dễ dàng.
Biển Đức rất đau đớn khi nghe biết ý định ấy của Justin. Đối với ngài, hạnh
phúc chỉ có thể đạt được bằng sự cầu nguyện và lao động, chứ không thể bằng
vũ lực hoặc tiền tài. Vào năm 535, khi những đoàn quân chiến thắng của hoàng
đế ấy từ Bắc Phi sang xâm lăng nước Ý, Biển Đức và các môn đệ của ngài
không ngớt lời cầu xin Thiên Chúa đẩy xa tai họa sắp đến. Ngài tự nhủ:
- Chính dân chúng mới là những người trước tiên phải gánh chịu mọi đau
khổ; những gia đình thấp hèn không ao ước gì hơn là được làm đủ ăn và nuôi
dưỡng con cái trong cảnh thái bình.
Từ một tháp canh tại đan viện, trên núi Montê Cassinô, Biển Đức quan sát
cảnh tưởng đen tối ấy. Ngài thấy lòng quặn đau trước những nỗi gian khổ sắp
đến. Chiến tranh thực là một điều phức tạp, thường cả hai phía đều có phần
đúng lẫn phần sai. Trong trường hợp này, Justin tự xưng là người giải phóng.
Ông đến để lấy nước Ý trả lại cho người Ý. Ông muốn xua đuổi quân man di
Ôtrôgốt, họ chẳng biết gì về văn hóa, nghệ thuật; và ông muốn đem lại cho đế
quốc La mã vinh quan và danh vọng như thuở xưa.
Nhưng quân Ôtrôgốt nhất định không chịu rút. Họ tuyên bố rằng, họ đã
giành được một địa vị hợp lý ở nước Ý hơn 40 năm qua, kể từ khi vua
Theodore của họ đánh bại Ôdose. Họ thấy rằng không có lý do gì bắt họ phải
trở về xứ sở của họ ở Bắc Âu. Biển Đức suy nghĩ:
- Nếu xảy ra chiến tranh, thì tình thế lại càng khốn đốn. Hàng ngàn thanh
niên sẽ phải chết, sưu thuế sẽ gia tăng, nông trại sẽ bị bỏ hoang, thực phẩm sẽ
khan hiếm, tất cả mọi người đều phải khốn đốn.
Nhưng ngài không đứng về phe Justin hoặc phe Ôtrôgốt. Ngài bình tĩnh ở
lại đan viện trên núi Montê Cassinô. Tại đây, ngài đã hướng dẫn các đan sĩ theo
đường lối an hòa như ngài vẫn làm xưa này, và chăm lo dạy dỗ các cậu hiến
sinh ngày càng thêm đông. Lúc ấy, ngài lại đang bận một công việc khác nữa.
Đó là soản thảo bản Tu luật của ngài; Tu luật này sẽ nổi danh khắp Châu Âu
vào khoảng năm 800. Đó là một Tu luật vạch rõ nếp sống của một đan sĩ trong
đan viện Biển Đức cách rất đầy đủ: nó giải thích cách thức đan sĩ phải làm việc,
học hành, ăn uống, ngủ nghỉ. Nhất là cho thấy rằng, nhiệm vụ quan trọng hàng
đầu của một đan sĩ là ca ngợi Thiên Chúa. Hằng ngày, đan sĩ phải vào nhà
nguyện nhiều lần với các anh em đan sĩ khác để đồng thanh dâng lời cầu
nguyện lên Thiên Chúa, bằng cách hát Thánh vịnh. Theo lời Đan phụ, lối cầu
nguyện như thế làm gia tăng lòng yêu mến. Nó không còn để chỗ cho lòng
kiêu ngạo, tham lam; nó nhấn mạnh tinh thần gia đình. Không có cách cầu
nguyện nào hay hơn nữa.
Một hôm, các đan sĩ đem đến cho Đan phụ một tin mới, là không phải chỉ
có một mình họ sống trên đỉnh núi Montê Cassinô để dâng hiến cả cuộc đời
vào việc đọc kinh cầu nguyện, mà cách đan viện không bao xa, còn có một nhà
ẩn tu. Tên ông là Martin, vì muốn trung thành với ơn gọi khó khăn của mình,
ông đã tự xích chân mình vào một tảng đá lớn. Dẫu mưa nắng hay tuyết sa,
không bao giờ ông rời khỏi hang của mình. Một đan sĩ nói bằng một giọng
kinh ngạc:
- Ông ta muốn sống một cuộc đời khắc khổ, thưa cha Đan phụ, chắc ông
phải là một thánh nhân.
Biển Đức mỉm cười. Ngài đã bỏ ra rất nhiều thì giờ để đọc về đời sống các
nhà ẩn tu ở Ai cập, Siry, Tiểu Á, Hy Lạp và những xứ Đông Phương khác. Ngài
biết rằng vào thế kỷ thứ III và thứ IV, hàng ngàn người đã muốn canh tân đời
sống thiêng liêng của mình, bằng cách rời bỏ thành thị để đi vào sa mạc, tìm
kiếm sự bình an của Đức Kitô. Trong số những nhà ẩn tu ấy, đã có nhiều tâm
hồn thánh thiện, chẳng hạn như thánh Paul – vị ẩn tu tiên khởi – đã được
thánh Jérôme viết lại tiểu sử. Nhiều người khác như Pelage và Gioan phó tế,
cũng đã chép lại nhiều câu nói khôn ngoan của các vị ẩn sĩ trong sa mạc. Đời
sống của ẩn sĩ Antôn đã được thánh Athanasiô ghi chép.
Nhưng Biển Đức đã bắt đầu có khuynh hướng hoài nghi các ẩn sĩ. Chính
ngài đã có lần là một nhà ẩn tu. Sống đơn độc trong ba năm, ngài hiểu rằng
một số người lánh vào sa mạc chỉ vì muốn trốn trách nhiệm, và để khỏi vâng
phục một Bề trên; họ tự cho rằng mình rất thánh thiện vì sống một cuộc đời
khắc khổ, nhưng lòng họ đầy tự ái kiêu căng. Biển Đức dịu dàng nói:
- Chúng ta hãy hy vọng rằng nhà ẩn tu Martin là một vị thánh. Nhưng
trong khi chờ đợi, xin một trong các thầy cho cha gởi lời nhắn thăm ông ấy.
Hãy nói với ông rằng: nếu ngài thật là một tôi tớ của Thiên Chúa, thì đừng
buộc mình bằng dây xích sắt, song bằng dây bác ái của Đức Kitô.
Vị đan sĩ có trách nhiệm nói lại lời Biển Đức nhắn cho nhà ẩn tu Martin,
muốn chờ xem ông này sẽ có phản ứng thế nào. Liệu ông có kiêu căng vì việc
hy sinh của mình không? Ông có chịu bỏ sợi dây xích buộc ông vào hang
không?
Nhưng không cần phải chờ đợi lâu, vị ẩn sĩ gầy còm và cao niên này nghĩ
rằng, Đan phụ Biển Đức có lời nhắn gởi ông, nên liền ân cần tiếp đón đan sĩ
kia. Ông nói:
- Ngài muốn nhắc tôi lời gì?
Vị đan sĩ liếc mắt nhìn sợi dây xích nơi chân nhà ẩn tu, cái xích vốn là một
bằng chứng về sự thánh thiện của ông đối với thế gian, rồi nhắc lại những lời
Biển Đức nhắn gởi: nếu ngài thật là một tôi tớ của Thiên Chúa, thì đừng buộc
mình bằng dây xích sắt, song bằng dây xích của Đức Kitô.
Nhà ẩn tu cao niên rất đỗi kinh ngạc. Lời nhắn gởi đó thật kỳ lạ đối với
một người đã tự chọn một cuộc sống khắc khổ, ngõ hầu cứu rỗi linh hồn mình
và nhiều linh hồn khác nữa, nhưng ông không phiền trách nửa lời. Ông đơn sơ
nói:
- Cha Đan phụ thật là một vị thánh. Xin quý thầy giúp tôi làm như lời ngài
dặn.
Thế rồi vị đan sĩ và nhà ẩn tu dùng những viên đá nhọn, đập phá được cái
xích sắt. Từ đó, Martin vẫn trung thành với ơn thiên triệu ẩn tu của mình, chỉ
vì lòng yêu mến Thiên Chúa thôi.
Khi hay tin ấy, Biển Đức rất vui mừng. Đối với ngài, đức vâng phục là một
trong những điều kiện căn bản nhất để được sống hạnh phúc. Sự vâng lời
nhanh chóng và không hỏi lại, chứng tỏ rằng đức khiêm nhu đã ăn rễ sâu trong
tâm hồn. Lúc bấy giờ mới thật là tâm hồn ấy đang bước đi trên con đường
thánh thiện. Ngài nói với các môn đệ của ngài:
- Chúng ta có thể học được một bài học nơi nhà ẩn tu Martin. Ông ấy là
một người tốt lành.
Mặc dù ngài luôn chăm lo dạy dỗ các đan sĩ và những cậu hiến sinh cách
thức sống an hòa hạnh phúc, song đôi khi ngài cũng thấy có những việc không
hay xảy ra trong đan viện. Điều này dễ hiểu, vì: chiếc áo chưa hẳn đã làm nên
thầy tu. Biển Đức đặc biệt lưu ý đến trường hợp thầy Phêrô. Một tối kia, đang
khi dùng bữa, ngài cho gọi đan sĩ ấy đến, ngài nói:
- Trời đã tối, thầy Phêrô ạ. Thầy hãy đi tìm một cây đèn và cầm nó để cha
dùng bữa.
- Thưa cha vâng.
Đan sĩ Phêrô trả lời và đi làm theo lời Đan phụ. Nhưng sau nhiều phút trôi
qua, đan sĩ Phêrô bắt đầu bực mình vì phải làm một công việc tầm thường như
thế. Thầy nhìn cha Đan phụ đang dùng bữa cách bình tĩnh. Rồi ông ngó lại
chiếc đèn cầm trong tay, nghĩ thầm:
- Ngài coi ta như một đứa đầy tớ không hơn không kém. Nhưng ta đây,
cũng là con một nhà luật sư nổi tiếng. Tại sao ngài không bảo người khác cầm
đèn? Còn ta, lẽ ra phải được dành cho những công việc quan trọng hơn chứ?
Biển Đức buông thìa xuống. Ngài biết rõ điều gì đang xảy ra trong tâm trí
thầy Phêrô. Ma quỷ đang cám dỗ đan sĩ trẻ tuổi ấy kiêu ngạo. Cách đây đã lâu,
ngài đã chặn đứng được cái trò khác của nó: gây hỏa hoạn, phá đổ bức tường,
gào thét và nguyền rủa. Giờ đây, nó lại tìm kiếm mưu chước khác để cám dỗ
hầu có thể phá đổ công trình của Biển Đức. Nó đang gieo sự bất mãn vào lòng
các đan sĩ như Phêrô chẳng hạn.
Nét mặt cha Đan phụ bỗng trở nên nghiêm nghị, ngài ra lệnh:
- Phêrô, con hãy làm dấu thánh giá trên ngực đi!
Đan sĩ Phêrô hơi giật mình, rồi làm theo lời ngài dạy. Nhưng bấy giờ, mặt
thầy đỏ bừng vì tức giận. Đan phụ có lẽ là một vị thánh, nhưng tại sao ngài lại
dùng những lời gắt gỏng như thế đối con một nhà luật sư nổi tiếng tại Rôma?
Và làm sao ngài biết rõ được ý nghĩ của kẻ khác? Bổng Biển Đức đứng phắt dậy,
vội vã nói:
- Hãy để cây đèn xuống, và đi gọi các đan sĩ bạn đến đây. Còn thầy, thì từ
nay trở đi, khỏi phải làm công việc phục vụ nào nữa!
Đan sĩ Phêrô, vừa xấu hổ vừa tủi nhục, đi tìm ngay các đan sĩ khác. Thầy
rất tức giận, nhất là khi thấy nhiều đan sĩ ngoan ngoãn chạy đến phòng Đan
phụ. Chỉ trong chốc lát, mọi người đều biết đầu đuôi câu chuyện. Thầy Phêrô
lẩm bẩm:
- Ta sẽ không bao giờ trở lại nơi này nữa. Ta nghĩ như thế không đúng sao?
Con nhà danh giá như ta mà phải đứng cầm cây đèn như đứa đầy tớ à?
Nóng giận đến sôi máu, Phêrô bước ra ngoài. Thầy không thấy bóng một
đan sĩ nào cả. Vì hầu hết họ đang ở trong phòng Đan phụ. Thầy thích như thế
hơn, và thích cả ánh sáng yếu ớt trong hành lang của đan viện. Nhờ đó, thầy có
đủ thời giờ lấy lại bình tĩnh trước khi chạm mặt với những anh em khác. Bỗng
thầy thấy một bóng dáng quen thuộc từ nhà nguyện khập khiễng bước ra. Đó
là thầy Luca, một đan sĩ đã cao niên, được miễn mọi công tác, vì ít tuần trước
đây, thầy đã bị trượt vấp ngoài đồng và bị thương nơi chân. Đan sĩ Luca sung
sướng nhận ra Phêrô:
- Chào thầy! Rồi khi nhận ra nét mặt cau có của bạn, thầy liền đổi giọng:
“Thầy làm sao thế?”, và lo ngại hỏi thăm: “Thầy bị đau phải không?”
Đan sĩ Phêrô cố tìm cách lánh đi bằng một vài lời lẩm bẩm. Nhưng thầy
Luca vẫn không nản, thầy khuyên dỗ:
- Nào, kể cho tôi nghe với! Anh vốn biết rằng Đan phụ đã ban phép cho
mọi người được chơi với tôi, trong lúc tôi phải nằm nghĩ với cái chân què quặt
này!
Thầy Phêrô thở dài. Thầy chẳng muốn nói với ai cả, nhất là với thầy Luca,
một môn đệ thánh thiện nhất của cha Biển Đức. Thầy sẵng giọng:
- Trước sau gì thì thầy cũng sẽ biết, và các người khác cũng vậy!
Một nụ cười nhẹ nở trên môi thầy Luca. Thầy đưa tay cho anh bạn trẻ tuổi
hơn và nói:
- Xin bạn làm ơn đưa tôi trở lại phòng của tôi.
Rồi không biết do một động lực huyền nhiệm nào thúc đẩy, đan sĩ Phêrô tự
nhiên kể lại hết đầu đuôi câu chuyện vừa xảy ra, không thêm bớt chút nào. Vị
đan sĩ già, ngồi trên chiếc giường cứng trong phòng, trông có vẻ hơi thích thú
trước câu chuyện được tường thuật một cách lúng túng. Thầy dịu dàng nói:
- Bạn đừng ngại gì cả. Càng sống lâu, tôi càng ý thức được rằng một con
người bình thường phải cần một thời gian, mới xứng đáng vào Nước Trời.
- Nhưng xứng đáng sao được, khi người ta có những tư tưởng kiêu căng và
buông theo tính nóng giận
Vị đan sĩ già thinh lặng một lúc, rồi nói:
- Bạn hãy ngồi xuống đi, và đừng lo vi phạm kỷ luật. Bạn nói chuyện thế
này với một người đau ốm, tức là bạn làm một việc bác ái đó.
Thế rồi, thầy Phêrô ngồi xuống chiếc ghế nhỏ bên cạnh giường. Một cây
nến đang cháy bập bùng trên cái bàn gần đó, hắt ánh sáng lên những bức tường
bằng đá của gian phòng nghèo nàn. Vật dụng trong phòng chỉ gồm một cái
giường, một cái ghế, một cái bàn và một cây Thánh Giá lớn bằng gộ treo trên
cửa. Nhưng không phải vì thế mà gian phòng trông buồn tẻ. Trái lại, sự bình an
trong tâm hồn vị đan sĩ già, dường như làm cho cả bầu không khí trong phòng
trở nên vui tươi ấm cúng. Thầy Luca nói:
- Tôi muốn kể cho bạn nghe một câu chuyện, nó sẽ làm cho bạn cảm thấy
khoan khoái hơn.
Thầy Phêrô mỉm cười, nói một cách miễn cưỡng:
- Một người tội lỗi như tôi đâu đáng được chiều chuộng? Tôi thật là một
người kiêu căng khốn nạn, không có địa vị gì ở Montê Cassinô. Vị đan sĩ già
mỉm cười:
- Việc đó rồi sẽ hay. Bây giờ thì xin bạn cứ yên lặng nghe. Và thầy Luca bắt
đầu kể:
Cách đây đã lâu năm, khi cha Đan phụ của chúng ta đang điều khiển mười
hai đan viện tại Subiacô, có một chàng thanh niên đến gặp ngài và xin gia nhập
đan viện. Đan phụ đón tiếp cách niềm nở. Nhưng sau vài tuần, ngài nhận thấy
anh chàng ấy ít chuyên chú cầu nguyện. Thật ra, anh ta cũng vào nhà nguyện
để hát Thánh vịnh như mọi người, cũng làm việc vất vả ở ngoài đồng. Anh giữ
thinh lặng suốt ngày. Nhưng khi các đan sĩ cầu nguyện trong tâm trí, suy ngắm
về cuộc đời Chúa Cứu Thế và những mầu nhiệm trên trời, thì anh chàng ấy
không thể nào cầm trí được. Anh ta thường lén bước ra ngoài để đi dạo; mỗi
khi gặp các đan sĩ chung quanh, anh đều cúi đầu xuống. Thầy Phêrô chú ý nhìn
lên, hỏi: “Anh ta tên gì?” Nhưng vị đan sĩ già đang thả hồn vào những lời mình
nói, không nghe câu hỏi.
“Bề trên Pompê, lúc bấy giờ điều khiển đan viện mà anh chàng đang ở, đã
nhiều lần chỉ rõ cho anh ta thấy lỗi lầm của mình. Ngài cũng nói cho cha Đan
phụ biết nữa. Đan phụ liền cố gắng hết sức để gieo vào lòng anh chàng ấy lòng
yêu mến tâm nguyện. Nhưng vô hiệu, anh ta chỉ nguyện ngắm với các đan sĩ
khác được hai ngày. Sang ngày thứ ba, anh ta lại lén bước ra ngoài đi dạo như
thường lệ.”
Đan sĩ Phêrô định hỏi lại một lần nữa tên của anh chàng. Nhưng đan sĩ
Luca vẫn say sưa tiếp tục kể: “Sau hết, cha Đan phụ cho biết ngài sẽ trở lại.
Hôm ấy, đến giờ nguyện ngắm, ngài vào quỳ chung với các đan sĩ thuộc quyền
điều khiển của cha Pompê. Bỗng ngài thấy một hiện tượng kỳ quái: một cậu bé
đen thủi đen thui đang đứng gần anh chàng không thể nguyện ngắm ấy. Nó
giật mạnh áo anh chàng và chỉ ra phía cửa. Cha Đan phụ biết ngay đó là ma
quỷ. Ngài hỏi đan sĩ Maurô cùng đi với ngài, xem có thấy hiện tượng kỳ quái
đó không. Nhưng Maurô không thấy có gì khác thường xảy ra cả. Sau hai ngày,
khi Đan phụ và Maurô đều cầu nguyện cho anh chàng thanh niên ấy, thì
Maurô cũng được thấy ma quỷ giật mạnh áo của anh ta và thúc đẩy anh ta rời
khỏi nhà nguyện.”
Thầy Phêrô sốt ruột hỏi tiếp:
- “Rồi sao nữa ạ?”
- “Rồi một vài ngày sau đó, Đan phụ đi theo anh chàng ấy. Ngài thấy anh
đang lững thững đi dạo ngoài đồng, trông có vẻ khoan khoái vì đã trốn thoát
được giờ nguyện ngắm mà anh cho là rất nặng nhọc.” Đan sĩ Phêrô thở dài, ông
chậm rãi nói:
- Tôi cũng có cảm tưởng như thế. Đã nhiều lần, tôi cũng cảm thấy như
chẳng thể cầu nguyện được!
“Nhưng cha Biển Đức đâu phải là người non dạ! Ngài biết chính ma quỷ đã
làm cho chàng đan sĩ ấy không thể ở lại nhà nguyện để cầu nguyện, ca tụng và
ngợi khen Thiên Chúa. Bởi đó, ngài lấy một cây gậy và đánh anh ta một cái
thật mạnh.”
- Ngài đánh anh ấy à?
- Phải, nhưng ma quỷ còn đau hơn anh ấy nữa. Từ ngày đó, nó hết còn
quấy rầy anh ta trong giờ nguyện ngắm nữa. Và không bao giờ nó lung lạc được
tâm trí của anh nữa.
Đan sĩ Phêrô thinh lặng một lúc. Thầy đang so sánh những tư tưởng của
thầy cách đây ít phút, khi phải cầm đèn cho cha Đan phụ với những ý tưởng
trong đầu óc của chàng thanh niên mà thầy vừa được nghe kể chuyện. Không
hoài nghi gì nữa, ma quỷ thật là khôn khéo, ngay từ lúc đầu, nó đã ghét đường
lối an hòa mà cha Biển Đức vạch ra cho các môn đệ. Và nó vẫn cố gắng tìm
cách phá hoại đường lối ấy, bằng sự kiêu căng và bất tuân. Thầy tự hứa với
mình:
- Sớm chừng nào hay chừng ấy, mình sẽ đến thú nhận với Đan phụ, mình
rất ân hận vì những tư tưởng kiêu căng, và sẽ cố gắng không bao giờ phàn nàn
lẩm bẩm khi được giao cho những công việc nhỏ mọn nữa.
Thầy Luca chống tay ngồi dậy và ho nhẹ:
- Bạn có buồn ngủ không? Đan sĩ Phêrô giật mình:
- Ồ! Không! Tôi đang suy nghĩ, thầy Luca ạ.
- Tốt lắm.
- Tôi đang nghĩ đến anh chàng đan sĩ trong câu chuyện vừa rồi của thầy.
Anh ta còn sống chứ? Đan sĩ Luca gật đầu cách bình tĩnh:
- Ồ, đội ơn Chúa, anh ấy vẫn còn sống. Và hiện giờ, anh ấy đang bị què một
chân. Xin bạn đọc cho anh ấy một kinh vắn tắt, để anh ấy bình phục nhé!
Chương 8: GẶT HÁI Ở PHƯƠNG XA

Biển Đức rất thương các môn đệ của mình như một người cha yêu mến con cái.
Mục đích duy nhất của ngài là thấy họ nên thánh. Ngài dùng tất cả tài trí khôn
ngoan để dạy dỗ họ những vấn đến đạo đức; tập cho họ ca hát những lời ngợi
khen Thiên Chúa đúng cách, và thánh hóa mọi công việc khác của họ trong
đan viện. Thỉnh thoảng, ngài kể cho họ nghe những câu chuyện của những vĩ
nhân đã tìm kiếm và gặp được Thiên Chúa cách đây không lâu: thánh
Ambrosiô, thánh Âutinh, thánh Giêrôme, thánh Xiprieng, thánh Lêô, thánh
Braxin. Tên tuổi những vị thánh này đã trở nên quen thuộc đối với các đan sĩ
và các anh em hiến sinh tại Montê Cassinô.
Họ cũng học được gương của một tâm hồn khác nữa, đó là Patrích đã làm
thừa sai ở xứ Ái-Nhĩ-Lan xa xôi. Ông đã làm nhiều việc lạ lùng cho những
người ngoại giáo sống ở đó.
Không phải chỉ có đan sĩ và các em hiến sinh là người được nghe nhiều câu
chuyện về các thánh. Song những linh mục, Giám mục và giáo dân cũng
thường đến nghe, bởi vì Montê Cassinô không cách xa một đại lộ tấp nập bao
nhiêu. Ngày kia, sau một buổi nói chuyện đầy cảm hứng của Biển Đức, một
trong những du khách ấy đến xin gặp ngài cách đặc biệt. Ông này có một sở
đất tại Têraxina, một thành phố không mấy xa Montê Cassinô. Ông nghĩ rằng
nếu Biển Đức cho một số đan sĩ đến lập dòng ở đó, thì sẽ làm được nhiều điều
hữu ích. Nhiều người ngoại giáo sẽ trở lại, đất hoang sẽ được khai phá và canh
tác. Vị du khách khiêm tốn thưa với Biển Đức:
- Theo tôi nghĩ thì đây là một chương trình tốt đẹp. Thưa Đan phụ, tôi may
mắn được Chúa cho khá nhiều của cải, và tôi mong ước ủng hộ việc xây cất
một đan viện trước khi nhắm mắt.
Đan phụ Biển Đức suy nghĩ cẩn thận về đề nghị đó. Montê Cassinô lúc bấy
giờ gần hết chỗ, với hơn 300 đan sĩ và hiến sinh. Nếu thật thánh ý Chúa muốn
cho thiết lập một đan viện mới, thì ngài có thể cung cấp được một số đan sĩ.
Biển Đức thân mật nói với du khách ấy:
- Tôi sẽ suy nghĩ lại vấn đề này. Xin Thiên Chúa chúc lành cho ông vì tấm
lòng quảng đại như thế.
Sau nhiều ngày cầu nguyện sốt sắng. Biển Đức quyết định sẽ cho thành lập
đan viện ấy. Ngài chọn mười hai đan sĩ lớn tuổi, chỉ định một người làm
trưởng nhóm, rồi công bố tin đó. Nhóm đan sĩ này sẽ từ giả Montê Cassinô để
đi Têraxina bắt tay vào việc xây cất đan viện mới. Họ không phàn nàn gì cả,
mặc dù họ rất đau lòng vì phải rời cha Đan phụ yêu quý. Họ cũng rất băn
khoăn về việc xây cất đan viện mới, một công việc chưa hề quen biết.
Hiểu thấu ý nghĩ của họ, Biển Đức rất xót thương vì họ không còn được
ngài chăm sóc nữa. Ngài dịu dàng an ủi họ:
- Các con đừng lo ngại gì cả, cha sẽ đến và chỉ cho các con nơi nào phải xây
cất nhà nguyện, nhà ăn, nhà khách và tất cả những gì cần thiết. Trong khi chờ
đợi, hãy tin cậy vào Thiên Chúa, Ngài ở trong lòng các con. Ngay giữa lúc gặp
gian truân, tưởng chừng như ngài ở xa, thật ra Ngài vẫn ở với các con. Hãy
trông cậy vào Ngài!
Thời gian trôi qua, Biển Đức rất bận rộn. Những người thân cận với ngài tự
hỏi, không biết bao giờ ngài mới có thể đi Têraxina như đã hứa. Nhưng không
ai dám chất vấn gì cả, vì đó là công việc riêng của ngài. Dĩ nhiên là mọi người
đều ngạc nhiên khi nghe một du khách đưa tin rằng các đan sĩ tại Têraxina đã
tiến hành nhanh chóng việc xây cất đan viện mới theo sự chỉ dẫn của cha Đan
phụ, và nhà nguyện đã hoàn thành được một nửa rồi. Các đan sĩ nói:
- Nhưng có bao giờ Đan phụ rời khỏi nơi này đâu? Ngài không thể nào chỉ
dẫn việc xây cất đan viện mới được!
Chẳng bao lâu, mọi người mới ngã ngũ câu chuyện: cha Đan phụ không
bao giờ rời khỏi Montê Cassinô, nhưng ngài vẫn giúp đỡ con cái ngài ở
Têraxina. Ngài hiện đến trong giấc mơ của họ, chỉ vẽ cho họ họa đồ của đan
viện mới. Thiên hạ đều nói:
- Quả thật, đây là một loại phép lạ mới, và là một phép lạ tiện lợi vô cùng!
Thế rồi, nhiều phú hộ khác cũng đến dâng cúng đất đai cho Biển Đức. Một
trong những người đó là Gótđăng, một người quý tộc tại Rôma. Nhân danh vợ
ông là Sylvi, cho ông dâng cúng cha Đan phụ một ngôi biệt thự tráng lệ, gần
thành Aquyn. Một ân nhân khác là Têtulô, cha của đan sĩ Plaxiđô, trước đây
mấy năm, đã cúng Montê Cassinô cho Đan phụ. Giờ đây, ông lại đến dâng
cúng một món quà giá trị hơn nữa: đó là 18 nông trại ở Xixili. Têtulô nói:
- Thưa cha Đan phụ, ngài muốn sử dụng đất đai ấy như thế nào tùy ý. Tôi
cũng rất sung sướng nếu cha gửi ít đan sĩ đến đó để làm cho người ta trở lại vì
Xixili đầy những dân man di.
Dân man di! Biển Đức đã quen nghe những tiếng ấy nhiều lần rồi. Các đan
sĩ đầu tiên của ngài cũng là những người dốt nát, mộc mạc, sống ở vùng đối núi
Subiacô. Về sau, mới có những con nhà thuộc tầng lớp quý tộc từ Rôma,
Napôli, và Capua đến xin dâng mình cho Chúa trong đan viện của ngài. Biển
Đức tự nhủ:
- Chắc ta có thể cử một vài đan sĩ đến làm thừa sai ở đó. Thế giới rất khao
khác sự an hòa!
Nhưng ngài không nói ra những lời ấy. Ngài cám ơn Têtulô về sự dâng
cúng quảng đại của ông, rồi trở về phòng riêng để xin ơn trên soi sáng. Đang
quỳ gối cầu nguyện, ngài thấy lời Têtulô nói đúng. Dân man di sống rất nhiều
ở Ý và những hòn đảo ở Địa Trung Hải. Ngay lúc này, quân đội của Giu-tinh
đang cố gắng đẩy lui họ về miền Bắc Âu Châu. Biển Đức miên man suy nghĩ:
- Nên dạy dỗ họ hơn là đánh đuổi họ. Lạy Chúa, xin soi dẫn con. Xin cho
con biết có nên cho một số đan sĩ của con đi làm thừa sai không?
Sau đó ít ngày, Biển Đức thấy rằng Thiên Chúa đã cho biết Thánh Ý Ngài.
Mười tám nông trại ở Xixili là một tài sản giá trị. Nếu các đan sĩ đến khẩn
hoang và canh tác ở đó, tự nhiên họ sẽ tiếp xúc với người dân địa phương ngoại
giáo. Họ sẽ được yêu cầu giải thích về nếp sống của họ, giải thích tại sao họ yêu
thích làm những công việc hòa bình, trong lúc những người khác lao vào
những cuộc chiến tranh đẫm máu. Rốt cuộc, sẽ có nhiều người xin trở lại, cũng
như ở Subiacô và Cassinum. Biển Đức liền quyết định:
- Ta sẽ gởi ít đan sĩ sang Xixili, và Plaxiđô sẽ làm trưởng nhóm.
Biển Đức vốn rất quyến luyến Plaxiđô, từ ngày cha cậu đưa cậu (lúc ấy 7
tuổi) đến xin gia nhập đan viện tại Subiacô. Ngài nhớ lại cái đêm ngài đã đưa
cậu bé đi cầu nguyện với ngài trên đỉnh núi. Ngài cũng nhớ lại cảnh Maurô cứu
Plaxiđô khỏi chết đuối. Tất cả những sự kiện này dường như vừa mới xảy ra
hôm qua, mặc dù thực ra đã nhiều năm rồi. Plaxiđô nay không còn là một cậu
bé hiến sinh chỉ biết làm những việc lặt vặt mà thôi. Giờ đây, thầy là một đan sĩ
21 tuổi tròn.
Plaxiđô ngạc nhiên khi thấy mình được bổ nhiệm làm trưởng nhóm sang
Xixili. Trong suốt 14 năm qua, thầy chỉ giữ những địa vị khiêm tốn trong đan
viện. Bỗng nhiên được chỉ định là Trưởng nhóm coi sóc nhiều đan sĩ khác, và
lại được lệnh đi xây cất một đan viện mới, thật là một điều khó khăn. Hơn nữa,
trách nhiệm cũng rất nặng nề. Và phải từ giã Montê Cassinô, từ giã người cha
thân yêu đã từng dạy dỗ thầy tất cả. Nhưng vốn đã quen sống vâng phục,
Plaxiđô lắng tai nghe những lời Đan phụ dặn dò:
- Xixili là một miền hoang vu. Cha của thầy cho cha biết rằng thỉnh thoảng
đất đi của ông lại bị chiếm đoạt, cho nên tình trạng không được tốt. Plaxiđô
gật đầu:
- Thưa Đan phụ, sở đất ấy ở gần bờ biển, nên thường hay bị cướp phá.
Đan phụ thinh lặng một lát, mắt ngài đăm đăm nhìn thẳng vào mặt người
đan sĩ trẻ tuổi đang đứng trước mặt mình. Thầy không tỏ vẻ lo sợ gì cả. Trái lại
còn rất ao ước góp phần vào việc cứu rỗi các linh hồn ở tận những miền xa xôi
hẻo lánh. Sau hết, Biển Đức nói:
- Xin Chúa chúc lành cho con, Plaxiđô ạ, cha đã trao cho con một trách
nhiêm khó khăn. Nhưng đừng sợ, Thiên Chúa sẽ ở cùng con. Vị đan sĩ trẻ tuổi
mỉm cười:
- Con sẽ cố gắng hết sức để xứng đáng với lòng tin của cha. Xin cha nhớ
đến con trong kinh nguyện.
Sau đó ít tuần, Plaxiđô cùng mười hai anh em đi Xixili. Trong khi họ đi
xuống núi, Biển Đức giơ tay lên chúc lành cho họ cách âu yếm. Và ngài cảm
thấy lòng buồn rười rượi. Plaxiđô hãy còn quá trẻ và trách nhiệm lại quá lớn
lao! Ngài thầm thĩ cầu nguyện:
Xin Thiên Chúa phụ hộ cho Plaxiđô! Con đường thầy phải vượt qua thật là
dài và đầy gian truân.
Rồi, cũng trong ngày hôm ấy, sau khi cùng với các đan sĩ khác đi làm ở
ngoài đồng về, Biển Đức liền về phòng riêng viết một lá thư, gửi cho cô em gái
của ngài là Scôláttica. Đã ít năm nay, cô em gái này sống ở đan viện thánh
Maria, tại Plumbariôla, một thành phố cách đó ba dặm. Mỗi năm một lần, Biển
Đức cùng em gặp nhau tại một ngôi nhà, ở khoảng giữa đường hai đan việc của
họ. Trong ít ngày nữa, cuộc viếng thăm thường lệ ấy sẽ được tái diễn. Nhưng
lòng Biển Đức quá xúc động trước sự ra đi của Plaxiđô, nên không thể chờ đợi
lâu hơn để báo tin ấy cho em. Ngài giải thích những gì vừa xảy ra bằng những
lời lẽ đơn sơ, và xin cô em cầu nguyện cho nhóm đan sĩ thừa sai của ngài.
Khi ngài vừa viết xong bức thư, bỗng có tiếng gõ cửa. Chính là Maurô đang
đợi ngài. Kể từ ngày Biển Đức rời Subiacô, Maurô đã làm Đan trưởng coi sóc
cả mười hai đan viện ở đó. Nhưng gần đây, thầy đã được gọi về Montê Cassinô
để làm phụ tá của Đan phụ. Ngài hỏi cách dịu dàng, khi nhận thấy vẻ lo lắng
trên nét mặt vị phụ tá trẻ tuổi:
- Việc gì thế con? Có gì rắc rối chăng? Mau rô gật đầu:
- Thưa cha, chính là Agapít. Anh ta lại đến xin thầy Michel một ít dầu ăn,
nhưng thầy Michel trả lời chúng ta không còn đủ dầu nữa, vì chỉ còn một chai
nhỏ thôi. Biển Đức cau mày:
- Cách đây hai ngày, cha đã dặn thầy Michel cứ việc cho anh ấy ít dầu, dù
chúng ta không còn đủ dùng cũng được, đó sao?
- Vâng, nhưng thưa Đan phụ, thầy Michel nói rằng rộng lượng như thế là
thiếu khôn ngoan!
Biển Đức nhìn lá thư ngài vừa viết cho cô em. Ngài hy vọng viết một thư
nữa cho Đức cha Gierman ở Capua. Ngài muốn mọi người thân quen của mình
đều được biết tin Plaxiđô đi Xixili để cầu nguyện cho thí điểm mới. Nhưng
một việc khác gấp hơn, cần phải giải quyết ngay. Agapít cần dầu ăn, mà đan sĩ
Michel, mặc dầu đã thề hứa vâng lời, lại không chịu làm theo ý cha Đan phụ!
Biển Đức nói:
- Cha sẽ đến ngay lập tức. Rồi trong khi cùng Maurô xuống bếp, ngài nghĩ
đến Tu luật ngài đã soạn thảo để hướng dẫn việc điều khiển đan viện. Theo tu
luật ấy, mỗi người khách đến đan viện đều phải được đón tiếp như chính Đức
Kitô. Và các đan sĩ không bao giờ được xua đuổi bất kỳ ai đang gặp cơn túng
thiếu.
Chương 9: CHA CỦA NGƯỜI NGHÈO
KHÓ

Thầy Michel đã quên mất khoản Tu luật về việc đón tiếp. Hiện thời, thầy ít
nghĩ đến việc gì khác ngoài cơn đói kém đang đe dọa cả nước Ý. Thầy nói với
Agapít bằng một giọng hơi gắt gỏng:
- Cách đây hai ngày, tôi đã chẳng nói cho anh hay rằng, chúng tôi không
còn nhiều dầu nữa đó sao? Việc anh trở lại lần này, thật sự làm cho tôi rất ngạc
nhiên.
Agapít là một thanh niên đang theo học để làm linh mục. Vừa rồi, anh đã
được thụ phong phó tế. Lúc này, trông anh có vẻ chán nản khi thấy đan sĩ
Michel, người lo việc cung cấp lương thực tại Montê Cassinô, luôn luôn bận
rộn với việc bếp núc. Anh chậm rãi nói:
- Nhưng cha Đan phụ bảo tôi trở lại. Thầy không nhớ sao, ngài rất buồn
phiền khi thấy thầy từ chối tôi.
Thầy Michel mỉm cười chua chát. Đan phụ đã cao niên rồi. Năm nay ngài
đã 56 tuổi và ngài thánh thiện quá, không thể làm một người quản lý giỏi được.
Thầy lẩm bẩm:
- Đây là thời buổi khó khăn, sắp xảy ra chiến tranh tới nơi. Nếu tôi không
cẩn thận coi ngó, chắc Đan phụ sẽ cho thiên hạ hết cả lương thực của cộng
đoàn. Vậy Agapít ạ, xin anh vui lòng đi nơi khác nhé!
Agapít lên tiếng giải thích, kể lể sự túng cực của mình, rồi thở dài. Lý luận
với thầy này có ích lợi gì đâu? Anh nói chầm chậm:
- Thôi được, tôi sẽ không làm phiền thầy nữa đâu!
Trong khi Agapít bước ra về, thì thầy Michel hất mạnh cái ấm trên bếp bực
dọc. Thầy cố gắng thi hành bác ái nhưng có quá nhiều người như Agapít.
Không ngày nào là không có những người hành khất xuất hiện nơi cửa bếp để
xin ăn. Họ đói khổ, đó là lẽ tất nhiên, bởi họ là những nạn nhân của thời buổi
thiếu hụt vì chiến tranh, nhưng… họ cũng là một mối phiền phức nữa. Thầy
Michel nghĩ:
Chúng ta chỉ nhằm mục đích hạn chế bớt mà thôi, như trường hợp Agapít
chẳng hạn, tại sao anh ta không chịu bỏ ra ít thời giờ để trồng trọt, trồng cây
ôliu chẳng hạn, để khỏi phải đi xin dầu ăn như thế này? Những người khác thì
không chịu nghĩ đến tương lai và không biết dành dụm gì cả.
Đang khi thầy tự hào về sự khôn khéo của mình, bổng cửa nhà bếp mở ra,
cha Đan phụ xuất hiện nơi ngưỡng cửa. Ngài rảo mắt nhìn khắp phòng một
lượt rồi hỏi:
- Agapít có đến đây chứ, thầy Michel? Thầy gật đầu thưa:
- Thưa cha Đan phụ, anh ấy vừa mới ra khỏi đây. Nhìn qua cửa sổ, cha sẽ
còn trông thấy anh đang đi xuống núi đấy ạ.
Đan phụ bước vào nhà bếp, nhìn qua cửa sổ, rồi quay lại, nghiêm nét mặt
nhìn thầy Michel:
Anh ấy ra về tay không! Tại sao thế? Thầy Maurô đã nói với cha rằng, anh
ấy đến xin dầu như lời cha đã hứa kia mà? Thầy Michel lúng túng bào chữa:
- Thưa Đan phụ, con thấy không lý do gì giúp anh ấy được nữa, vì lương
thực chúng ta gần cạn rồi, vả lại, anh ấy là một người vô lo…
Đan phụ ra hiệu im lặng, ngài hỏi:
- Chúng ta còn bao nhiêu dầu? Thầy Michel đưa ra một chai nhỏ mà thầy
đã cất giấu cách đây đã hai ngày:
- Thưa cha, tất cả chỉ còn bây nhiêu đây. Chắc cha cũng biết, như thế cũng
không đủ dùng cho chúng ta đâu!
Biển Đức đi ngay ra cửa, gọi:
- Thầy Maurô đâu, xin lại đây ngay!
Maurô vội vã bước vào bếp, bởi thầy đang chở ở ngoài. Trước cặp mắt kinh
hãi của thầy Michel, Biển Đức đưa chai dầu cho vị phụ tá, rồi nghiêm nghị ra
lệnh:
- Hãy ném nó qua cửa sổ! Chúng ta không cần để trong nhà những thứ gì
do bất tuân mà có!
Nhà bếp được xây cất bên cạnh một dốc đá. Thầy Michel lẩm bẩm khi nghĩ
đến cái chai sẽ bể tan tành. Nhưng không hề nghe tiếng chai vỡ, mà chỉ có
tiếng gió rì rào và tiếng chim hót mà thôi. Thầy hy vọng thưa:
- Thưa cha, nếu cha cho phép, con sẽ đi xem thử, chắc là cái chai chưa bể
đâu!
Đan phụ không thèm trả lời. Ngài quay gót và bảo Maurô cùng đi đến nhà
nguyện với ngài.
Nữa giờ sau, ngài trở lại cùng với nhiều đan sĩ khác. Khi thấy nhiều người
tụ tập khác thường trong nhà bếp, thầy Michel cảm thấy khó chịu. Rõ ràng cha
Đan phụ đang tức giận vì thầy đã để cho Agapít ra về tay không.
Một sự im lặng nặng nề bao trùm cả đám đông. Mọi con mắt đều đổ dồn
vào Đan phụ và thầy Maurô. Hình như thầy mới leo xuống sườn núi lên. Áo
thầy vẫn còn dính lá cây và cành khô.
- Thầy Maurô kể lại đi nào!
Maurô lục trong tay áo rộng, lấy ra một cái chai nhỏ:
- Thưa cha, cái chai còn nguyên, dầu cũng không bị đổ. Con đã quan sát
nơi đó kỹ càng. Thầy Michel thở ra khoan khoái:
- Thật là một phép lạ!
Đan phụ cầm lấy chai dầu, rồi quay lại hai em hiến sinh đang đứng bên
cạnh, bảo họ đến nhà Agapít đưa cho anh chai dầu với những lời thăm hỏi của
Đan phụ, và nói với anh rằng: Montê Cassinô lúc nào cũng tiếp đón những
người túng thiếu như chính Chúa Giêsu vậy! Khi cần, Agapít cứ đến, đừng
ngại.
Khi các cậu hiến sinh đã đi khuất dạng, Biển Đức quay lại phía thầy
Michel. Thầy này đỏ cả mặt mà không dám nhìn lên. Ngài nói cách bình tĩnh:
- Cha biết thầy đang hổ thẹn, thầy Michel ạ. Mà hổ thẹn là phải, vì từ chối
giúp đỡ người đồng loại là có lỗi to.
Sau một lúc thinh lặng, ngài quay lại một đan sĩ khác:
- Thầy hãy nói lên những gì thầy đã tuyên hứa khi đến đây. Hãy nói rõ ràng
để mọi người đều nghe được.
Vị đan sĩ này liếc nhìn đan sĩ bạn xấu hổ, rồi nhìn thẳng vào cha Đan phụ:
- Con hứa trọn đời trong đan viện, trừ khi cha sai con đi nơi khác.
- Rồi sao nữa?
- Con đã hứa thay đổi những lối sống thế tục và cố gắng trở nên thánh
thiện.
- Rồi sau hết?
- Con hứa vâng lời cha là Đan phụ của con, và tất cả các vị niên trưởng
khác. Biển Đức gật đầu:
- Cha rất bằng lòng vì con đã nhớ kỹ. Này thầy Michel, chắc thầy cũng nhớ
rõ những điều ấy chứ? Nhất là điều sau hết? Thầy Michel thở mạnh:
- Vâng, thưa cha Đan phụ con còn nhớ rõ!
Mọi người thinh lặng chờ Đan phụ nói tiếp, nhưng ngài đưa tay ra hiệu giải
tán và nói cách bình tĩnh:
- Các thầy hãy trở lại với công việc của mình, còn thầy Michel, thầy nên trở
lại phòng mình và suy nghĩ lại về những điều thầy đã tuyên hứa khi vào đây,
nhất là vấn đề vâng phục.
Thầy Michel cúi đầu tuân lệnh và nhanh chóng nhập hàng với các đan sĩ đi
ra khỏi nhà bếp.
Còn lại một mình Biển Đức lặng lẽ nhìn quanh khắp bếp. Thầy Michel đã
cố gắng gìn giữ nhà bếp của đan viện thật sạch sẽ bóng loáng. Biển Đức nghĩ:
- Tội nghiệp thầy ấy! Vừa rồi đã bị mình quở mắng hơi quá.
Khi nghĩ lại và thấy rằng không phải thầy Michel cố tình quên lề luật, Biển
Đức thấy lòng tràn ngập xót thương. Ngài bước ngang qua bếp, đến chỗ để một
thùng dầu lớn. Nhưng thùng không còn dầu nữa, vì đã phân phát hết cho
những người nghèo khó. Biển Đức quỳ xuống cầu nguyện:
- Lạy Chúa, xin hãy xót thương các tôi tớ Ngài, và xin đừng để chúng phải
thiếu những gì cần thiết!
Biển Đức quỳ kêu xin Cha trên trời một hồi lâu. Khi đứng lên, ngài thấy
thùng dầu đã được Chúa thương xót cho đầy lại. Dầu cứ từ đáy thùng vọt lên
một cách kỳ lạ và sắp tràn. Ngài kêu lên, mắt tuôn hai dòng lệ vui mừng:
- Ngợi khen Chúa, chắc thầy Michel sẽ vui mừng lắm!

***

Càng ngày tình hình nước Ý càng thêm khốn khổ: sưu cao thuế nặng, phần
đông thanh niên phải gia nhập quân đội của Ôtrôgốt. Việc đồng áng bị bỏ bê
và kết quả là đói kém. Ngay trên núi Montê Cassinô, nơi mà Biển Đức và các
đan sĩ của ngài ở, dù tren cao cách xa trận chiến, thực phẩm cũng khan hiếm.
Thế mà nhiều người nghèo khó, bất kể nam nữ, vẫn kéo đến để xin thức ăn, áo
mặc. Nhớ lại trường hợp của thầy Michel, các đan sĩ đều rộng tay bố thí cho
mọi người. Không một ai phải ra về tay không. Bởi đó, những người ở trong
vùng lân cận, mặc dù không phải là đan sĩ, vẫn coi cha Biển Đức như bạn thân.
Ngài sẵn sàng làm bất cứ việc gì để cứu giúp người hoạn nạn.
Buổi sáng kia, một nhóm người tại Cassinum đứng nói chuyện với nhau về
cha Biển Đức, một chàng thanh niên nói với giọng kinh ngạc:
- Ngài là người thánh thiện và làm được bất cứ việc gì. Hôm qua, ngài đã
chữa lành cho một người bị phung. Bà con đã nghe việc đó chưa? Một ông lão
gật đầu lia lịa:
- Dĩ nhiên tôi có nghe về việc đó, nhưng không biết có ai ở đây đã nghe
chuyện này chưa. Tuần vừa qua, tôi cần mười hai đồng vàng để trả nợ. Tôi đến
với ngài và trình bày tất cả. Ngài không sẵn tiền của để giúp tôi ngay lúc đó,
nhưng ngài hứa sẽ cầu nguyện cho tôi, và bảo tôi đừng lo lắng gì cả. Người chủ
nợ sẽ không làm gì tôi đâu, mặc dù ông ta hăm dọa nhiều lời.
- Thế có đúng như lời ngài nói không?
- Dĩ nhiên là đúng. Sau hai ngày, tôi trở lại đan viện như lời ngài dặn.
Nhưng đố ai đoán được việc gì đã xảy ra? Có tiếng cười:
- Chắc cha Biển Đức đã cho ông mười hai đồng tiền vàng để trả nợ cho
xong chứ gì? Ông lại lắc đầu:
- Cha Đan phụ còn làm hơn thế nữa, ngài cho tôi mười ba đồng tiền vàng –
không những đủ tiền để trả nợ, mà lại còn dư một đồng cho tôi xài. Ngài nói,
ngài đã gặp thấy món tiền đó tại một nơi lạ lùng: ở trên thùng đựng bắp.
Nhưng ngài không thể giải thích làm sao món tiền ấy lại có thể ở đó được. Một
phụ nữ kêu lên:
- Tôi biết một câu chuyện này còn hay hơn nữa, vừa mới xảy ra hôm kia
thôi. Chồng bà gật đầu nói:
- Chúng tôi hết bánh mì. Khi chúng tôi đến đan viện và trình bày rằng
chúng tôi có 6 đứa con, cha Đan phụ nhân ái này và các đan sĩ của ngài liền
nhất định cho chúng nó mỗi đứa một ổ bánh. Bà vợ tiếp:
- Vâng, nhưng như thế thì các ngài chỉ còn lại năm ổ bánh mì thôi. Đan phụ
nói năm ổ ấy là quá đủ cho ngài và các thầy trong đan viện rồi.
- Quá đủ à? Tất cả hơn ba trăm người kia mà?
- Nhưng ngài nói là quá đủ rồi. Và tôi nghe ngài nói để an ủi thầy Matthêu
như thế này: tại sao thầy buồn vì chúng ta thiếu bánh mì? Hôm nay tuy thiếu,
nhưng ngày mai sẽ dư thừa! Người chồng nói tiếp:
- Đúng thế, chính tôi cũng nghe rõ những lời ấy. Và bởi vì không tin, nên
tôi lấy làm xấu hổ và đã cầm đi cả sáu ổ bánh mì. Cho nên, hôm sau tôi đem trả
lại hai ổ cho cha Đan phụ, nhưng lúc bấy giờ… Bà vợ vui vẻ nói xen vào:
- Nhưng lúc bấy giờ, một việc lạ lùng khác xảy ra. Trong đêm đó, một
người vô danh đã đem hai thùng bột đặt tại cổng đan viện. Thế là không còn lo
thiếu bột để làm bánh nữa. Cha Đan phụ bảo chúng tôi đem hải ổ bánh chúng
tôi muốn trả lại về. Ngài lại còn cho chúng tôi sáu ổ khác nữa, kèm theo một
câu chúc lành đặc biệt cho gia đình chúng tôi.
Trong khi dân chúng Cassium vui vẻ bàn tán như thế về lòng từ ái của cha
Đan phụ, thì một cảnh thương tâm xảy ra cách đó chừng một dặm. Một người
nông dân vô phúc chạm trán với chủ nợ người man di tên là Zalla. Tên này
đang cưỡi ngựa, và hắn đe dọa tính mạng của người nông dân, nếu bác không
trả nở hắn ngay tức khắc. Zalla vừa thét vừa quất cho người nông dân một roi
thật đau:
- Mày giấu vàng ở đâu? Đồ khốn kiếp, hãy mau trả nợ cho ta! Bác nông
dân khom lưng van nài:
- Tôi không có vàng. Tôi nói thật là tôi không có vàng!
Zalla cười ngạo nghễ. Hắn là một người thô bạo, râu tóc dài thòng: theo tà
thuyết Ariô, rất thích bách hại những người Kitô giáo. Hắn đã giết hại nhiều
người, và giờ đây lấy làm sung sướng, được gặp thêm một nạn nhân nữa. Người
nông dân nuốt giận:
- Xin ông hoãn một ít lâu, tôi sẽ trả hết nợ. Nhưng bây giờ…
- Bây giờ thì sao? Nói nghe thử, đồ khốn kiếp!
Người nông dân đọc một kinh vắn tắt, rồi thu hết can đảm nói:
- Bây giờ, thì cha Đan phụ Biển Đức đang giữ tiền hộ tôi. Tôi không giữ
một đồng nào, cả ở nhà lẫn trong mình!
- Mày đừng có bịa chuyện!
- Đúng thế, không tin ông cứ hỏi cha Biển Đức xem!
Zalla quất roi trong không khí. Có lẽ người nông dân nói đúng. Có lẽ hắn
ta đã đưa hết tiền cho Đan phụ Montê Cassinô. Zalla nhảy xuống ngựa, nắm
chặt lấy nạn nhân, hắn thét lên:
- Nếu mày nói dối, tao sẽ không tha đâu. Đưa tay cho tao trói, tao sẽ dẫn
mày tới gặp lão tu sĩ ấy!
Người nông dân run rẩy đưa tay cho tên man di trói thật chặt, đau điếng cả
người, nhưng anh ta không dám kêu rên, sợ tên Zalla sẽ hành hạ thêm.
Rồi Zalla leo lên ngựa, ra lệnh cho người nông dân dẫn hắn đến đan viện.
Quá sợ hãi, bác khẽ gật đầu và lảo đảo đi thẳng về hướng Montê Cassinô. Chốc
chốc, tên man di lại quất cho bác nông dân một roi, vừa chửi bới, vừa thúc giục
đi nhanh hơn. Người nông dân khốn khổ suy nghĩ:
- Chết tôi rồi! Ôi, lạy Chúa của những người có đạo, hãy thương cứu con
phen này. Cha Đan phụ Biển Đức đâu có biết con! Khi Zalla hỏi tiền thì liệu
ngài làm sao đây?
Sau một giờ, người nông dân đau khổ ấy đã tới Montê Cassinô. Mình mẩy
đầy máu và bụi bám, anh ta lảo đảo bước vào cổng đan viện. Có một đan sĩ
đang ngồi đọc sách dưới gốc cây gần đó. Người nông dân chỉ tay về phía ấy, và
nói một cách yếu ớt:
- Đó, Đan phụ Biển Đức đó!
Zalla thét lên để thị uy. Hắn đã quen dùng lối quát tháo hống hách như thế
để được việc. Hắn thúc ngựa chạy tới trước vị đan sĩ bình lặng ấy và la lớn:
- Này, lão thầy tu! Đứng dậy mau! Hãy đưa cho ta tất cả tiền bạc của tên
khốn kiếp này đi! Nếu không, ta sẽ đập cho nát xương ra!
Biển Đức ngưng đọc, nhìn lên. Ngài dường như không màng chi đến vẻ
hung tợn của Zalla,tay đang cầm roi, mặt bừng bừng tức giận. Ngược lại, ngài
nhìn người nông dân đang khiếp nhược một cách thân mật, và chăm chú.
Trong cái nhìn ấy, có một nét gì thật đặc biệt. Zalla tò mò ngó xem nạn
nhân của hắn, và bỗng giật mình: chiếc dây thừng trói chặt hai tay người nông
dân, tự nhiên tuột ra một cách nhanh chóng. Quá kinh ngạc trước cảnh lạ lùng
ấy, Zalla liền nhảy xuống ngựa, đến sấp mặt dưới chân Biển Đức. Tim hắn đập
mạnh khác thường, tự hỏi: ông lão này là ai mà làm được những việc lạ lùng
như thế? Hắn van vỉ:
- Xin cha Bề trên thương xót tôi, xin ngài đừng chúc dữ cho tôi!
Biển Đức không nói gì cả. Ngài cũng không nhìn Zalla, nhưng đưa tay nắm
lấy tay người nông dân đang run rẩy, và bảo bác ta đi vào đan viện. Các đan sĩ
sẽ săn sóc vết thương và cho bác ăn uống. Ngài nói:
- Đừng sợ hãi! Người này sẽ không còn làm hại con nữa đâu!
- Ít giờ sau đó, người nông dân từ biệt Biển Đức và các đan sĩ của ngài.
Lòng bác ta không còn sợ hãi. Bổng bác chạm mặt một người quen. Đó là Bảo
Lộc, một người bạn cố tri của bác. Đã nhiều tuần, hai người không gặp nhau,
và bác kể lại ngay cho bạn những biến cố vừa xảy ra, nhất là về sự trở lại của
Zalla:
- Cha Đan phụ quả thật là người vĩ đại nhất nước ta. Bảo Lộc gật đầu, bác
cũng không tỏ vẻ gì ngạc nhiên, nói:
- Hãy nhìn kìa, bạn có thấy gì không?
Người nông dân đưa tay che mắt, nhìn và nhận xét:
- Em bé đang lượm củi khi đó à? Nó là con bạn phải không?
- Phải. Tuần vừa rồi, cháu đã chết!
Người nông dân há miệng: “Thật hay bỡn?”
- Tôi nói thật đấy. Tôi đã mang thi thể cháu đến cha Biển Đức. Ngài đọc vài
kinh và cầu nguyện. Thế là trong vòng một tiếng đồng hồ, cháu hồi lại và khỏe
mạnh như trước!
Người nông dân đưa tay lên làm dấu thánh giá một cách vụng về. Bác vừa
học được cử chỉ đó nơi cha Đan phụ và các thầy cách đây đúng một giờ đồng
hồ! Đó là bước đầu dẫn đưa bác vào Kitô giáo mà lòng bác đang khát khao gia
nhập.
Chương 10: LƯỠI GƯƠM ĐAU KHỔ

Cha Biển Đức ngày càng nổi tiếng. Đan viện của ngài ở Montê Cassinô –
“Trường học phụng sự Thiên Chúa” – bấy giờ là một gia đình hết sức đông đảo.
Đan viện ở Têraxina cũng rất thịnh vượng và nhiều người quý tộc đã từ bỏ giàu
sang phú quý, để kiếm tìm Thiên Chúa trong hai đan viện Biển Đức này.
Đôi khi, ngài cũng rất khổ tâm vì được quá nổi danh như thế. Ngài hồi
tưởng lại nguyện vọng lúc còn trẻ, là làm nhà ẩn tu để phụng sự Thiên Chúa, xa
lánh những thú vui và lời tâng bốc của thế nhân. Những lúc đó, ngài thường
suy nghĩ và cầu nguyện dựa theo chương bảy của bản Tu luật ngài đã soạn thảo.
Trong đó, ngài đề cao công nghiệp của một nhân đức mà ngài yêu quý nhất:
đức khiêm nhu. Trước đây ít năm, ngài có viết rằng, đức khiêm nhường là
chiếc thang bắc lên trời. Người ra sẽ nên thánh bằng cách leo từng nấc thang
ấy. Và đức khiêm nhu dạy cho người ta biết làm việc mà không cần những thú
vui thế trần, song chỉ tìm nguồn vui chan chứa nơi Thiên Chúa mà thôi.
Các đan sĩ và các em hiến sinh chăm chú nghe những buổi nói chuyện
thường xuyên của Đan phụ về đức khiêm nhu. Họ cũng học tập quyển Tu luật
ngài đã viết – “Một quyển luật nhỏ cho những ai mới bắt đầu”, ngài thường gọi
như thế. Nó gồm 73 chương ngắn và một chương mở đầu. Có lẽ vì ngài sống
vào thời kỳ loạn lạc chiến tranh, nên đề tài chính trong quyển Tu luật của ngài
là sự an hòa. Các đan sĩ và hiến sinh phải sống an hòa với mình và với mọi
người. Các kẻ có ít nhiều quyền hành phải bỏ tính nghi kị. Mỗi người trong
đan viện phải nhớ luôn rằng, Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ ở trong những tâm hồn
an hòa. Một tâm hồn sống trong ân sủng là đền thờ của Thiên Chúa, đáng
được tôn kính và yêu mến.
Mặc dù Tu luật ấy hằng ngày được đọc cho cả cộng đoàn nghe, nhưng bản
tính con người không dễ gì thay đổi được một sớm một chiều. Một buổi chiều
kia, khi Biển Đức ra đồng làm việc, ngài thấy đan sĩ Giuse đi đến trước mặt,
ngài mỉm cười. Thầy Giuse là một người tốt, nhưng vẫn không khỏi bị ngài
khiển trách. Sáng hôm ấy, vì vô ý, thầy đã phạm một điều quan trọng trong Tu
luật:
- Thưa Đan phụ, cha cho người tìm con? Biển Đức nghiêm nét mặt nhìn
thầy:
- Sáng nay, thầy đã ra khỏi đan viện? Đan sĩ Giuse gật đầu và nói:
- Thưa Đan phụ, con đã đi giảng cho các nữ tu ở đan viện thánh Hélène
theo như lời cha dạy tối hôm qua! Nghe nói thế, Đan phụ nghiêm nét mặt lạ
thường:
- Tại sao thầy để sự xấu xâm nhập vào lòng? Sao thầy còn dám đứng trước
mặt cha sau khi đã phạm lỗi nặng như thế?
Thầy Giuse bối rối không biết mình đã phạm lỗi gì. Chính cha Đan phụ đã
bảo thầy đi giảng cho các nữ tu ấy mà. Thầy đã tuân lệnh, và sau đó, lại trở về
ngay Montê Cassinô. Thầy khẽ nói:
- Đan viện thánh Hélène chỉ cách đó hai dặm thôi. Xin lỗi cha, nếu con có
làm điều gì phiền lòng cha…
Biển Đức muốn mỉm cười, và muốn chấm dứt việc thử thách lòng khiêm
nhu của thầy Giuse. Nhưng có cái gì khiến ngài tiếp tục hỏi tiếp:
- Vậy, thầy không cho rằng thầy đã phạm lỗi gì sáng nay sao?
- Thưa Đan phụ, chắc con có lỗi gì đó, nếu không cha đã chẳng nổi giận
như thế.
- Vậy thầy không nhớ gì sao?
- Thưa Đan phụ không, con không nhớ gì cả.
Nghe những lời đó, Biển Đức nguôi giận, và dịu dàng nhìn thầy. Ngài bảo
thầy đọc thuộc lòng bản Tu luật của đan viện. Thầy Giuse mỉm cười nhẹ nhỏm.
Thầy đã sống tại Montê Cassinô mười hai năm. Thầy thuộc lòng từng chữ
trong bản Tu Luật. Khi thầy bắt đầu đọc đoạn mở đầu, Đan phụ bảo thầy nên
chú ý vào một chương thôi, đó là chương năm mươi bốn.
- Và thầy hãy đọc rõ ràng, chậm rãi, để hiểu rõ hết ý nghĩa!
- Thầy Giuse gật đầu. Sau một lúc do dự, đọc ngay đoạn cha Đan phụ
muốn:
“Đan sĩ không bao giờ được phép nhận thư từ, quà biếu của ai, ngay cả của
cha mẹ và anh em mà không có phép Đan phụ. Và nếu cha mẹ hay người nào
gửi một món quà gì, đan sĩ phải trình ngay cho Đan phụ, và không được tự ý
nhận. Nếu được phép nhận rồi, thì phải đưa ngay cho Đan phụ để ngài cho ai
mặt ý, và không được buồn lòng kẻo làm dịp cho ma quỷ…”
Đan phụ lắng tai nghe thầy Giuse đọc thuộc lòng Tu luật, ngài hơi mỉm
cười khi thấy mặt thầy bỗng tái mét.
- Được rồi, bây giờ con đã nhớ lỗi chưa? Thầy Giuse xấu hổ, đưa tay vào túi
áo rút ra một gói nhỏ. Thầy lẩm bẩm:
- Sáng nay, các nữ tu đã tặng con ít chiếc khăn tay. Nhưng thưa cha, quả
thật con quên mất! Biển Đức mỉm cười:
- Thầy Giuse ạ, các nữ tu có nhã ý đấy. Nhưng đáng lẽ, thầy phải nói lại cho
cha biết chứ?
Thầy Giuse gật đầu và đưa cả gói cho cha Đan phụ:
- Thưa Đan phụ, xin cha tha lỗi cho con!
Biển Đức quan sát cẩn thận những chiếc khăn tay. Tất cả được làm bằng
một thứ vải mịn tốt, lại có viền chung quanh. Tuy nhiên, chúng không thích
hợp cho một người gần như phải làm việc suốt ngày ở ngoài đồng.
- Có lẽ chúng sẽ làm cho người nào đó được sung sướng. Thầy Giuse, thầy
hãy đi xuống dưới làng kia, và mang tất cả những chiếc khăn này cho người
nghèo khó nào thầy gặp trước tiên! Thầy Giuse vội thưa:
- Thưa cha vâng. Con sẽ đi ngay đến Cassinum!
Khi nghe câu chuyện thầy Giuse và những chiếc khăn tay được kể lại tại
Montê Cassinô, một đan sĩ không tỏ vẻ gì ngạc nhiên cho lắm. Đó là đan sĩ
Valetien. Thầy nói:
- Cha Đan phụ chúng ta thường biết được những gì xảy ra ở cách xa. Này
thầy Giuse, thầy có cho rằng đó là một đặc ân lạ lùng không?
Thầy Giuse gật đầu:
- Ngài đã nói với tôi thế này: con không thấy cha có mặt tại đó, lúc con
nhận những chiếc khăn tay của các nữ tu tặng đó sao? Thầy Valetien ơi! Xin
miễn chấp cho tôi vì đã phạm luật một cách vô ý như thế.
Thầy Valetien mỉm cười:
- Anh đừng quá lo buồn về việc đó nữa. Nhưng nó làm cho tôi nhớ lại một
trường hợp lạ lùng khác. Anh có biết anh Jacques của tôi không?
Thầy Giuse gật đầu:
- Ông ấy mới đến thăm thầy tuần vừa rồi phải không?
- Đúng thế. Anh ấy đến thăm tôi mỗi năm một lần. Tuy anh không có ơn
thiên triệu làm đan sĩ, nhưng anh đặc biệt quyến luyến đan viện chúng ta và
cha Đan phụ. Anh thường đến đây với tinh thần một người đi hành hương,
suốt dọc đường giữ chay, không hề ăn uống gì cả.
- Chắc anh là một người mộ đạo lắm!
- Nhất định rồi. Nhưng tuần vừa qua, trên đường đến thăm tôi, anh đã gặp
một du khách. Ông này có mang theo gói lương thực. Trời thì oi bức, ông đã đề
nghị với anh Jacques nên dừng lại nghỉ ngơi và ăn uống.
- Và họ đã làm như thế?
Đan sĩ Valetien mỉm cười:
- Lúc đầu, anh tôi từ chối không chịu ăn, và giải thích rằng anh có thói
quen ăn chay mỗi khi đi thăm cha Đan phụ. Lần thứ hai, người du khách lại
mời, anh Jacques vẫn từ chối. Nhưng sau đó, khi cả hai đến gần một dòng suối
mát chảy xuyên qua cánh đồng, anh ấy không nhịn đói được nữa, và anh đã ăn
uống theo lời mời của du khách.
Thầy Giuse cười:
- Tôi có thể đoán được việc gì xảy ra khi anh Jaques tới đan viện.
- Dĩ nhiên, Thiên Chúa quyền năng đã cho cha Đan phụ trông thấy được
tất cả những gì xảy ra dọc đường. Khi anh đến đây, vào giờ đã khuya, nhưng
cha Đan phụ không muốn ban phép cho anh. Ngài hỏi tại sao ma quỷ đã dùng
miệng người lạ mặt để cám dỗ anh bỏ chay và lần đầu nó đã thất bại, nhưng
cuối cùng nó lại thành công.
- Chắc là anh của thầy rất ngạc nhiên trước những câu nói đó phải không?
- Đúng lắm. Anh tôi đã đứng câm như hến, rồi quỳ xuống, vừa thú nhận sự
yếu đuối của mình vừa run sợ vì thấy cha Đan phụ biết hết mọi sự đã xảy ra.
- Thật ra, ăn uống dọc đường đâu phải là một lỗi!
- Nhưng Đan phụ thất vọng khi thấy anh Jazques bỏ lỡ cơ hội để đền tội.
Ngài giải thích rằng, ma quỷ chỉ mong có thế. Ma quỷ luôn luôn cố gắng làm
cho chúng ta phản bội những điều đã dốc quyết. Nó xúi giục chúng ta cảm
thấy mệt mỏi. Cuối cùng, chúng ta cho nó là đúng và thấy rằng những việc
lành phúc đức của mình chẳng có gì quan trọng.
Thầy Giuse đồng ý. Tất cả mọi người trong đan việc cũng như giữa thế
gian, đều không thoát khỏi những lúc mệt mỏi trước một cuộc chiến đấu lâu
dài để trở nên thánh thiện. Muốn lướt thắng cảm tưởng đó, cần phải tự coi
mình như một đứa trẻ và luôn luôn kêu xin Cha trên trời ban ơn giúp sức. Cái
rắc rối ở chỗ ít người biết đặt mình vào địa vị một trẻ nhỏ. Họ vô tình tự kiêu
với sức lực và tài hiểu biết của mình. Khi sa ngã, họ đâm ra thất vọng, và tự
nhủ: khó khăn quá, không thể nên thánh được.
Tháng ngày cứ thế trôi qua. Cuộc sống trên núi Montê Cassinô cứ tiếp tục
trong trật tự. Biển Đức rất ít khi rời đan viện, trừ những lúc ngài đi thăm
những người nông dân ở vùng lân cận. Mối bận tâm của ngài là giúp đỡ kẻ
khác, và an ủi họ lúc đau thương. Ngài có ngờ đâu tâm hồn ngài cũng sắp bị
thương đau thử thách.
Bấy giờ, vào khoảng cuối thu năm 540, khi ngài thọ lục tuần, lưởi gươm
đau khổ đã đâm thấu trái tim ngài, khin nhận được tin từ Xixili, là Plaxiđô và
cả cộng đoàn đều bị bọn cướp giết sạch, sau khi vừa xây cất xong đan viện. Chị
một mình đan sĩ Gót-Đinh đã trốn thoát.
Biển Đức phải cố gắng lắm mới đứng vững trước nỗi đau đớn này. Plaxiđô
– môn đệ trẻ trung và yêu quý của ngài – cùng ba mươi đan sĩ khác, đã bị quân
man di tàn bạo hành hạ và giết chết. Thảm kịch xảy ra vào sáng sớm, khi cả
cộng đoàn đang cầu nguyện. Người chị và hai em trai của Plaxiđô đến thăm,
đang ở đó, cũng bị đánh thức dậy và lùa đi với các đan sĩ đến cửa biển, rồi tất
cả bị hạ sát tại đó cách rất tàn nhẫn.
Nghe tin ấy, đan sĩ Maurô quá kinh hãi, vì Plaxiđô với thầy là đôi bạn thân
nhau từ những ngày còn bé. Cả hai đã gia nhập đan viện Subiacô cùng một
ngày. Họ đã cùng trưởng thành dưới sự chăm sóc ân cần của cha Đan phụ yêu
quý. Hồi tưởng lại những điều ấy, Maurô liền xin Đan phụ cho mình đến Xixili
để xây dựng lại đan viện của Plaxiđô đã bị phá hủy. Maurô sẽ không sợ nếu
quân cướp tàn bạo quay lại. Thầy sẽ dạy cho họ chân lý Kitô giáo, và sẽ làm cho
họ thấy rằng, chỉ khi nào biết và mến Chúa cùng với sự từ bỏ chính mình thì
con người mới được hạnh phúc.
- Thưa Đan phụ, xin cha cho con đi đến đó. Biển Đức lắc đầu, dịu dàng nói:
- Không được con ạ. Cha đã dành sẵn công việc ở đây cho con rồi. Và con
đừng buồn, Plaxiđô và và các bạn hiện giờ là những vị thánh vinh hiển trên
thiên đàng. Vì công nghiệp tử đạo của họ, họ sẽ cầu cho chúng ta được nhiều
phúc lành.
Tuy ngoài miệng thì nói những lời bình tĩnh vui vẻ như thế, nhưng trong
lòng, cha Biển Đức đau như xé ruột. Thế gian thật đầy đau khổ! Chí trong vòng
5 năm nay, từ ngày đạo quân của Justin, dưới quyền điều khiển của Bêlisa tràn
sang nước Ý để giao chiến với quân Ôtrôgốt, trong khoảng thời gian ấy, hàng
ngàn thanh niên đã bỏ mình trên đất Ý! Hàng ngàn người khác, nam nữ trẻ già,
đang sắp chết vì nạn đói kém xảy ra liên tiếp. Ngay thành phố Rôma, một
thành phố vĩ đại đã từng thống trị thế giới, cũng đang ở vào tình trạng suy sụp.
Khắp nơi, những người đầy tham vọng, lúc nào cũng dòm ngó kẻ khác, để chớp
thời cơ cướp lấy quyền hành. Chỉ một số ít Kitô hữu là còn biết nghĩ đến Mười
Giới Răn. Thật vậy, đó là thời buổi văn minh khủng hoảng.
Biển Đức cầu nguyện:
- Lạy Chúa, xin thương dạy chúng con sự an hòa của các thánh. Xin dạy
chúng con biết yêu thương nhau và biết tha thứ cho kẻ thù!
Mặc dù ngài đã nổi danh, nhưng ít có người cùng ngài dâng lên những lời
nguyện như thế. Trong các đô thị, người ta chỉ chú tâm đến những vấn đề trần
tục. Chẳng hạn sưu thuế tăng như thế nào để cung ứng cho chiến tranh? Cơn
dịch hạch mà thiên hạ đồn đang đến gần nước Ý ra sao? Và rồi con số thương
binh sẽ trở về gia đình của họ, họ làm gì để sinh sống?…
Dù không thấy lối thoát, Biển Đức vẫn tiếp tục cầu nguyện và lao động.
Lúc bấy giờ, Montê Cassinô chẳng khác gì một hòn đảo an bình giữa một biển
sóng gió. Trẻ em được giáo dục và dạy nhiều nghề hữu ích dưới mái trường của
đan viện. Hằng ngày, Lời Chúa được rao giảng trong nhà nguyện. Những gia
đình túng thiếu được chăm sóc trong tinh thần bác ái. Những người vô gia cư,
bệnh tật, đều được chăm sóc nuôi dưỡng. Và trong bốn bức tường thinh lặng
của đan việc, các đan sĩ vẫn kiên nhẫn dịch thuật và soạn thảo hàng trăm bản
viết tay, nhờ đó, ánh sáng văn minh không bị dập tắt trong thời buổi chiến
tranh loạn lạc.
Sau hết, những sự kiện như thế, được đồn tới tai Tôtila, vua của quân
Ôtrôgốt. Mặc dù là một người man di, Tôtila vẫn thầm phục con người ở
Montê Cassinô – vị anh hùng của núi rừng – không hề cầm gươm giáo để
chiến đấu, nhưng đã ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn sinh linh. Một lần, Tôtila
tuyên bố:
- Ta sẽ đi thăm xem thử con người này. Mình đang trên đà chiến thắng, có
thể đi giải trí một chút!
Các thuộc hạ của Tôtila không hăm hở mấy trong việc đến thăm Montê
Cassinô, họ đã kể lại đủ chuyện về vị bề trên ấy rồi. Ngài đã chẳng làm cho
người chết sống lại, và chữa lành hàng trăm bệnh nan y; ngài đã chẳng đọc
được những tư tưởng thầm kín của kẻ khác đó sao? Họ liền can gián Tôtila:
- Xin ngài đừng đi làm gì! Ông tu sĩ Kitô giáo này phản đối chiến tranh. Có
thể ông ấy sẽ bỏ bùa cho ngài, để ngài không bao giờ còn chiến đấu được nữa!
Tôtila kêu lên:
- Đừng nói ngu! Ta không bao giờ muốn để cho thiên hạ nói rằng ta sợ một
người nào hết. Hãy chuẩn bị để ta lên đường!
Thế rồi, vào khoảng cuối năm 542, một đoàn người kỳ lạ kéo nhau đến
Montê Cassinô. Họ gồm toàn những chiến sĩ ưu tú của vua Tôtila, cưỡi ngựa và
mang gươm giáo. Dẫn đầu là nhà vua, trong chiếc ngự bào đỏ của ông. Ông tự
nhủ:
- Ta rất ước ao gặp con người này. Nếu đúng như lời thiên hạ nói, thì ông
ấy quả thật là một con người làm được phép lạ. Nhưng có lẽ ta cũng nên cho
ông ấy biết rằng ta sắp đến, kẻo khi ta tới nơi, nhằm lúc ông ấy đi vắng thì thật
uổng công.
Rồi Tôtila nhắn tin cho Đan phụ Cassinô rằng, có quân của vua Ôtrôgốt
sắp đến thăm ngài. Biển Đức liền nhắn lại rằng ngài rất hân hoan đón tiếp nhà
vua.
Khi nghe Đan phụ Biển Đức nhắn lại như thế, nhà vua (vốn chưa hề biết
đọc biết viết) nảy ra ý nghĩ mà ông cho là lý thú nhất, để thử xem Biển Đức có
thật là một tiên tri không. Vua liền cất tiếng gọi:
- Rigô! Ta muốn ngươi mặc áo ngự bào và cưỡi con ngựa của ta.
Rigô, một chàng trai man di thô bạo từng theo hộ vệ nhà vua, tỏ ra rất ngạc
nhiên. Anh ta, một người lính tầm thường mà lại được mặc ngự bào của vua ư?
Nhưng không dám trái lệnh, anh ta nhanh nhẩu đáp:
- Xin tuân lệnh. Và trong nháy mắt, anh đã cởi bỏ chiến bào để mặc y phục
nhà vua. Nhưng vua chưa thỏa mãn.
- Rigô, ngươi hãy lên Montê Cassinô thay cho ta. Ta muốn thử xem ông
thầy tu này có đúng với lời thiên hạ đồn không. Phải đóng vai cho khéo. Đây,
thanh gươm của ta, hãy cầm lấy: và hãy để cho Vuntêrít, Rudêrít và Blidi làm
như hộ vệ cho ngươi.
Rigô gật đầu. Anh bắt đầu hiểu kế hoạch của nhà vua. Nhưng anh ta cũng
hơi nóng ruột. Nếu ông thầy này khám phá ra được cái trò lừa gạt này thì sao?
Có lẽ, ông ta sẽ tức giận kinh khủng, và anh ta sẽ phải lãnh đủ! Nhưng anh hạ
giọng nói:
- Thưa ngài, tôi sẽ cố gắng hết sức để làm y hệt một nhà vua!
Tôtila cười đắc chí:
- Đi mau đi, Rigô. Hãy làm như thể nhà vua Tôtia đến chúc mừng bề trên
tu viện Montê Cassinô nhé!
Thế rồi Rigô ra đi, với những người hộ vệ và một trăm binh sĩ mang giáo
mác. Thật là một quang cảnh lạ thường. Khi đoàn người này tiến lên con
đường núi ngoằn ngoèo, mũ sắt và gươm giáo lấp loáng dưới ánh mặt trời,
những lá cờ sặc sỡ ngạo nghễ phất phơ trước gió; những con ngựa mạnh khỏe,
tuấn tú, nghểnh đầu phóng tới cách hùng dũng.
Những người đầu tiên trông thấy cảnh tượng hào nhoáng này là một nhóm
đan sĩ đang làm việc ngoài đồng. Họ vội vàng chạy về báo tin cho Đan phụ hay
là Tôtila sắp đến:
- Thưa cha, vua ấy đang đến và có nhiều người tháp tùng ông ta!
Cha Đan phụ gật đầu bình tĩnh nói:
- Cha đã sẵn sàng.
Khi vào đan viện, Rigô không còn lo lắng như trước nữa, song rất lấy làm
khoái trá. Còn gì thích thú cho bằng được mặc y phục lộng lẫy và có nhiều
người hầu hạ kính bái! Và khoái nhất là được cầm thanh kiếm của nhà vua
trong tay. Lúc ấy, anh ta tin tưởng chắc chắn là mình đã đóng đúng vai trò, và
nhất định sẽ luôn luôn giữ vẻ bệ vệ trong khi giao tiếp với Đan phụ Biển Đức,
may ra được ngài biếu tặng cho một món quà đáng giá chăng.
Giờ đây, Rigô và đoàn tùy tùng đã tới cửa đan viện. Hắn sốt ruột rảo mắt
nhìn quanh. Nhưng chỉ trông thấy có bóng một đan sĩ thôi. Đó là một đan sĩ có
vẻ hiền hòa, tuổi độ 60, đang bình thản ngồi dưới một gốc cây. Ông ta không
thèm đứng dậy, mà chỉ ngồi đó ngắm xem đoàn người y phục rực rỡ đang diễu
hành trước mặt.
Rigô lớn tiếng hỏi và thúc ngựa chạy thẳng tới:
- Tu sĩ Biển Đức đâu rồi? Đây, vua Tôtila đến chào thăm đây!
Vị đan sĩ ngồi một mình ấy, đích thực là Đan phụ Biển Đức, bình tĩnh mỉm
cười:
- Thôi đi, hãy cởi bỏ y phục đó đi, không phải của anh đâu!
Rigô đớ người ra:
- Ông nói gì?
- Vua của anh không có mặt ở đây đâu. Ông ta đang ở cách đây một dặm,
để chờ nghe kết quả của cái trò này. Sao các anh định phỉnh gạt tôi làm gì thế?
Rigô và đoàn binh sĩ hốt hoảng. Bỗng những người đứng ở cuối hàng vội
vã quay ngựa chạy thẳng ra khỏi cổng. Rigô nhìn họ ra đi rồi ngó lại thanh
kiếm trong tay một cách thất vọng. Anh ta không đủ sức để nhấc nó lên nữa.
Anh nhìn sang Vuntêrít, Ruđêrít, và Blidi, là những tên lính lực lưỡng đã được
chỉ định đi hộ vệ anh. Mặt họ tái xanh như tàu lá, chân tay run rẩy như mắc
bệnh kinh phong. Ông vua giả hiệu liền nhảy xuống ngựa, đến sấp mình dưới
chân cha Biển Đức. Các người khác cũng bắt chước anh.
Cha Đan phụ mỉm cười, dịu dàng nói:
- Đừng sợ! Hãy trở về nói với vua các anh rằng, Montê Cassinô vẫn sẵn
sàng nghênh đón ngài. Nhưng cũng hãy nhớ thưa với ngài là nên bớt tàn bạo
trong khi giao chiến. Lưỡi gươm đau khổ bao giờ cũng là thứ vũ khí giết hại.
Nó đem lại kết quả đắng cay cho tất cả những ai dùng nó!
Chương 11: VỚI DÒNG THỜI GIAN

Rigô vội vàng trở lại báo tin cho Rôtila. Ông này kinh hãi khi nghe nói rằng
cha Đan phụ Biển Đức thật là một vị tiên tri, ngài đã có thể thấu suốt cái trò
phỉnh gạt ngài.
Tôtila bối rối hỏi ý kiến các cố vấn:
- Ta phải làm gì bây giờ? Ông này quả thật có nhiều quyền phép!
Các cố vấn không đồng ý với nhau về việc sẽ phải làm. Sau cùng, Tôtila
quyết định ông sẽ thân hành đến xin lỗi nhà tu hành ấy mặc dù ông là vua, và
trong tương lai, ông có thể sẽ chinh phục hai thành Napôli và Rôma.
Tôtila khiêm tốn lên đường đến Montê Cassinô. Gần đến cổng, ông đã
xuống ngựa, chậm rãi tiến vào. Khi trông thấy nhà tu hành tóc bạc theo lời mô
tả của thuộc hạ, mà ông đoán là Biển Đức, vẫn còn đang ngồi dưới gốc cây, ông
liền đến sấp mặt xuống đất. Tim ông đập mạnh, và nếu thiếu can đảm, chắc
chắn ông sẽ chạy trốn ngay. Nhưng ông vẫn nằm ép mặt xuống đó, chờ vị bề
trên lên tiếng:
Biết rõ đây chính là nhà vua, Biển Đức liền nói:
- Xin hãy đứng dậy đi!
Nhưng mặc dù nhắc lại nhiều lần, Tôtila vẫn không nhúc nhích. Cha Đan
phụ tiến đến, nhẹ đỡ ông dậy. Rồi với những lời lẽ thân mật, ngài ôn tồn khiển
trách ông vì cách đối xử tàn nhẫn với tù binh, và vì những nạn nhân vô tội bị
lưỡi gươm ông hạ sát.
Ngài hỏi:
- Ông có hiểu biết ý nghĩa của tình thương không? Ông không biết rằng tất
cả mọi người chúng ta đều là con Thiên Chúa sao? Tôi nói thật cho ông biết, kẻ
nào quên đi mất điều này, thì không thể nào hạnh phúc!
Tôtila khiêm tốn lắng nghe, rồi xin cha Đan phụ tha thứ cái trò phỉnh gạt
của mình. Sau hết, ông xin ngài cầu nguyện cho. Đan phụ mỉm cười:
- Cầu nguyện ư? Nếu ông không thay đổi đường lối, thì đâu có ích gì?
Tôtila chữa mình bằng cách lúng túng:
- Nhưng thưa cha, tôi là một người phải đánh giặc. Tôi đang cố gắng bảo vệ
xứ sở chúng ta khỏi bị quân ngoại bang của Justin thống trị, làm sao tôi có thể
nhân từ được với những kẻ muốn giết tôi?
Cha Biển Đức lặng thinh một lúc, rồi đặt tay lên vai Tôtila một cách thân
mật, ngài nói:
- Tôi chỉ xin ông một điều là hãy nhân từ hơn. Nếu bắt được tù binh, ông
hãy cũng luôn nhớ rằng, những con người vô phúc ấy vẫn mang trong mình
một linh hồn bất tử, giống hình ảnh của Thiên Chúa. Ông không có quyền
chửi bới và hành hạ thể xác, là nơi cư trú của linh hồn.
Sự khâm phục lóe lên trong ánh mắt của nhà vua. Đức nhân từ Kitô giáo
nơi cha Đan phụ, cũng như những lời thẳng thắn của ngài đã gây nên một ấn
tượng sâu xa, ông khẽ nói:
- Tôi sẽ cố gắng ở nhân từ hơn, xin ngài cầu nguyện cho tôi. Thiên hạ ai ai
cũng đều nói rằng, ngài làm được nhiều việc lạ lùng bằng những lời cầu
nguyện!
Nét mặt Biển Đức trở nên buồn rầu:
- Tôi sẽ cầu nguyện cho ông, vì đó là bổn phận của tôi, vốn là anh em với
ông trong Đức Kitô. Nhưng cũng vì một lý do khác nữa: ông chỉ còn cai trị
nước Ý chín năm nữa thôi. Đến năm thứ mười, ông sẽ chết, ở một miền đất bên
kia biển.
Tôtila bỗng thấy lòng run sợ:
- Không, thưa cha Đan phụ, xin ngài đừng nói rằng tôi sẽ phải chết! Cha
Đan phụ mỉm cười:
- Một người công chính không bao giờ sợ chết. Hãy nhớ lấy điều ấy khi
ông trở lại chiến trường, khi những thành thị rộng lớn bị hạ trước sức mạnh
của quân đội ông và khi mọi người đều kính phục ông!
Tôtila thinh lặng gật đầu. Ông không còn biết nói gì thêm với cha Biển Đức
nữa! Chỉ còn sống mười năm! Thời gian quả thật là quá ngắn ngủi! Ông khẽ
nói:
- Thưa cha, cảm ơn cha. Tôi sẽ không bao giờ quên được cuộc viếng thăm
này!
Trong khi vua Tôtila quay gót rời đan viện, cha Đan phụ giơ tay chúc lành
cho đoàn người cách dịu dàng. Một cách huyện diệu nào đó, ngài biết rằng từ
đây Tôtila sẽ khá hơn, nhân từ hơn trong chiến tranh, công bình hơn trước
công lý.
Một ít ngày sau chuyến viếng thăm của Tôtila, một nhóm du khách quan
trọng khác đến Montê Cassinô. Họ là những linh mục và giáo dân từ nước
Pháp đến, và họ cầm theo bức thư giới thiệu của Giám Mục thành Lơmãn. Họ
đến xin với cha Đan phụ gửi cho một số thừa sai đến lập đan viện tại Lânphơi,
một thành phố thuộc tỉnh Angiu.
Lúc bấy giờ, kể từ ngài Plaxiđô và các bạn tử đạo ở Xixili, tính ra đã gần hai
năm. Đan phụ suy nghĩ rất nhiều về việc gửi thêm các môn đệ của ngài sang
phương xa xứ lạ!
Nhưng những người trong phái đoàn nói:
- Thưa cha Đan phụ, nước Pháp khác hẳn Xixili, ở đây có rất ít quân man
di. Các đan sĩ của ngài sẽ được an toàn tại Lânphơi!
Cha Đan phụ gật đầu nói:
- Tôi hiểu, ở Pháp có ít người man di, nhưng lại có những kẻ theo tà thuyết.
- Thưa cha, người theo tà thuyết Ariô có tới hàng ngàn!
Biển Đức thinh lặng suy nghĩ và cầu nguyện hồi lâu. Bảy năm trước, ngài
đã gởi đan sĩ Plaxiđô yêu quý của ngài sang Xixili. Giờ đây, chắc chắn Thiên
Chúa đang đòi hỏi một sự hy sinh khác nữa. Trong số các đan sĩ tại Montê
Cassinô, không ai xứng đáng điều khiển đan viện mới tại Pháp bằng thầu
Maurô. Thầy vừa khôn ngoan vừa thánh thiện và kinh nghiệm trong việc dẫn
dắt người khác trên đường thánh thiện. Thầy đã ba mươi hai tuổi, và kể từ khi
còn niên thiếu, thầy gần như luôn luôn phụ tá Đan phụ trong việc quản lý đan
viện. Có một thời gian, một mình thầy đảm nhiệm hoàn toàn trách nhiệm điều
khiển đan viện tại Subiacô.
Đan phụ nói với phái đoàn:
- Để tôi suy nghĩ đã. Trong khi chờ đợi, xin quý vị cứ tự nhiên như ở nhà.
Đan sĩ Timôtê sẽ chăm lo những gì cần thiết cho quý vị ở nhà khách.
Trong vài ngày, cha Đan phụ luôn luôn kêu xin ơn soi sáng và không ngớt
suy nghĩ về việc thiết lập một đan viện mới tại Pháp. Sau hết, ngài cho gọi thầy
Maurô vào và nói:
- Cha muốn kể cho con nghe một câu chuyện. Hãy lắng nghe cho kỹ, tuy
chẳng có gì mới lạ.
Thầy Maurô gật đầu. Phải chăng đã có lần thầy quên chú ý đến vị Đan phụ
thánh thiện của mình! Cha Biển Đức bắt đầu kể:
- Khoảng bốn mươi sáu năm trước đây, nước Pháp là một xứ man rợ, được
cai trị bởi một ông vua ngoại giáo tên là Clôvít.
Maurô mỉm cười. Thầy đã học lịch sử khá nhiều trước khi vào đan viện ở
Subiacô.
- Nhưng Clôvít lấy một công chúa có đạo tên là Clôtin. Vì quá yêu nàng,
nên nhà vua đồng ý cho con cái đều được rửa tội và được giáo dục như người
công giáo. Clôtin thường cầu nguyện cho chồng trở lại, nhưng dường như
không được nhận lời. Clôvít không thiết gì đến việc tòng giáo, mặc dù ông
không hề can thiệp vào những nhiệm vụ thiêng liêng của vợ.
Maurô gật đầu. Câu chuyện này thầy cũng đã biết cả, nhưng thầy cũng vẫn
yên lặng lắng nghe và không ngắt lời cha Đan phụ.
- Năm 496, một bộ lạc man di, quân Alêman, vượt sông Ranh và xâm lăng
nước Pháp. Clôvít liền ra nghênh chiến để bảo vệ lãnh thổ của mình. Nhưng
trước khi ra trận, ông đã được bà vợ căn dặn là nếu muốn thắng trận, hãy kêu
cầu Thiên Chúa của những người Kitô hữu, Ngài là Thiên Chúa duy nhất và
được mệnh danh là Thiên Chúa của chiến thắng. Ai kêu xin ngài, nhất định
không kẻ thù nào địch lại nổi.
- Clôvít hứa sẽ ghi nhớ những lời ấy, mặc dù ông tin chắc rằng quân đội
của ông nhất định thắng trận. Nhưng quân Alêman rất thiện chiến. Chắng bao
lâu, Clôvít phải đổi ý và công nhận rằng lực lượng của ông đang lâm nguy. Một
ngày kia, khi thấy hàng ngàn binh sĩ của mình bị giết, ông thất vọng và kêu lên:
Lạy Đức Kitô, Đấng mà Clôtin thường kêu cầu và tôn xưng là Con Thiên Chúa,
xin hãy cứu tôi. Tôi đã van xin các vị thần linh của tôi, nhưng họ đều bất lực.
Vậy tôi kêu cầu Ngài, và tin cậy Ngài. Hãy cứu tôi thoát khỏi quân thù, rồi tôi
sẽ xin chịu Phép Rửa Tội.
Đan phụ thinh lặng một lúc, nhìn lên không trung, dường như ngài đang
hồi tưởng lại những ngày xa xưa ấy, lúc ngài là một học sinh mười sáu tuổi, khi
ấy, Clôvít đang giao chiến với quân Alêman hung dữ. Bỗng ngài quay lại phía
Maurô:
- Già rồi cho nên lẩm cẩm, con đừng chấp nhé! Chắc con cũng biết chuyện
rồi, con kể nốt đi! Maurô mỉm cười:
- Thưa cha, Clôvít thắng trận, và quân Alêman phải rút về nước. Khi đem
quân khải hoàn trở về với vợ. Clôvít nói cách khiêm tốn: Ta đã thắng trận quân
Alêman, nhưng nàng đã thắng Clôvít. Điều nàng mong ước bấy lâu trong lòng,
nay đã thành sự thật rồi!
- Và hoàng hậu nói gì? Đan phụ hỏi:
- Nàng trả lời: chính Thiên Chúa các cơ binh là Đấng đã đạt được cả hai
chiến thắng này!
- Rồi sau đó thì sao?
- Sau đó, hoàng hậu đưa nhà vua đến với Giám mục Rêmi, thành Reims.
Sau khi đã học giáo lý, nhà vua được rửa tội vào dịp lễ Giáng Sinh năm ấy, tức
là năm 496, đường phố rực rỡ cờ hoa. Ba ngàn binh sĩ của Clôvít cũng được
lãnh nhận Phép Rửa Tội, dồng thời với nhiều phụ nữ và trẻ con khác. Từ đó
đến nay, nước Pháp là một quốc gia Công giáo.
- Trừ một số người theo tà thuyết, thầy Maurô ạ. Maurô gật đầu:
- Vâng, thưa cha. Con đoán chắc là có nhiều người theo tà thuyết lắm!
Cha Đan phụ nói chuyện thêm một lúc nữa với người môn đệ trẻ tuổi của
ngài về tình hình nước Pháp, về Giám mục Rêmi thánh thiện qua đời năm 535.
Chính vị này đã rửa tội cho Clôvít và đã cố gắng nhiều trong việc Kitô hóa quê
hương của ngài. Khi nghe chuông báo hiệu giờ kinh chiều, Maurô sáng mắt
lên. Cuộc đàm thoại với cha Đan phụ chỉ nhằm một mục đích thôi. Thầy sẽ
được gởi sang nước Pháp. Cũng như Plaxiđô trước đây, thầy có nhiệm vụ mang
Lời Chúa đến cho các linh hồn.
Vài ngày sau đó, Đan phụ cho biết rõ quyết định của ngài. Maurô sẽ đi
Lânphơi để coi sóc việc xây cất một đan viện tại đó. Thầy sẽ cùng đi với bốn
đan sĩ khác: Simplít, Antôn, Côngtinh, và Phaolô. Tất cả đều là những đan sĩ
thánh thiện. Cả đoàn sẽ rời Montê Cassinô vào ngày 10 tháng 1.
Khi giờ quan trọng đã đến, cha Đan phụ có một bài nói chuyện thần hứng
với nhóm thừa sai ấy. Sau đó, ngài gọi riêng Maurô, thân mật đặt tay lên vai
thầy, ngài nói:
- Cha có một món quà nhỏ cho con. Hãy cầm lấy, mỗi khi nhìn đến, thì
đừng quên Biển Đức tội lỗi này.
Món quà ấy chính là một bản Tu luật do chính tay ngài chép. Cũng có
nhiều món quà khác nữa, nhưng cha Đan phụ không nhắc tới. Ngài đã chuẩn
bị tất cả để trao cho đan sĩ cầm đầu nhóm thừa sai sắp lên đường này. Trong
những tặng vật ấy, có một hộp đựng di tích các thánh, một lá thư khuyến khích
Maurô và các đan sĩ cùng đi với thầy. Trong thư, ngài nói tiên tri rằng: Maurô
sẽ phục vụ đan viện mới ở Pháp trong 38 năm, rồi thầy sẽ rút vào ẩn tu. Thầy
sẽ qua đời vào tuổi 72. Lá thư ấy cũng nói rằng Biển Đức sẽ qua đời trong vòng
40 năm nữa.
Khi Maurô và các bạn đồng hành đã khuất dạng dưới con đường núi ngoằn
ngoèo, Đan phụ vội vả trở lại phòng riêng để cầu nguyện cho họ. Phòng của
ngài thực ra là một cái tháp bằng đá do các chiến sĩ đế quốc La Mã đã xây thuở
xưa. Nó được chia làm hai, một tầng trên, một tầng dưới có một cầu thang nối
liền. Tầng dưới để đọc sách, viết lách và tiếp khách; tầng trên làm phòng để
nguyện ngắm. Đêm đêm, ngài thường lên đó khi mọi người đã an giấc, để nói
chuyện với Chúa và suy niệm về những vẻ đẹp trên trời.
Khi đã lui về phòng nguyện ở tầng trên, Biển Đức liền quỳ xuống, không
thể tưởng tượng được rằng ngài sẽ không còn gặp lại đan sĩ Maurô yêu quý của
ngài nữa. Nhưng đó là sự thật. Vị đan sĩ trẻ tuổi ấy cùng các bạn đã bắt đầu
cuộc hành trình lâu dài sang nước Pháp. Chỉ có Phaolô và Simplít là đã có lần
trở lại Montê Cassinô. Biển Đức cầu xin:
- Lạy Chúa, xin nhận sự hy sinh này của các môn đệ con. Xin ban cho họ
sức mạnh và lòng can đảm, để vượt thắng những thử thách trước mắt.
Trong lúc ngài cầu nguyện, bao nhiêu ý tưởng khác cũng len vào tâm trí
ngài. Ngài nhớ lại cuộc tử đạo của Plaxiđô tại Xixili. Ngài nhớ đến một người
bạn thân khác, giờ đây đang hưởng phúc thiên đàng đã gần hai năm, đó là
Giám mục Giecmain thành Capua. Nhờ ơn Chúa, ngài đã được đặc ân trông
thấy lin hồn vị Giám mục này bay vào thiên đàng. Điều lạ lùng ấy đã xảy ra
chính trong phòng này, vào ban đêm. Lúc đó, đan sĩ Sécvân thuộc một đan
viện gần đó, đang ngủ ở tầng dưới, Biển Đức đã gọi thầy ấy dậy để xem thị kiến
vĩ đại ấy. Cả bầu trời sáng rực một cách lạ lùng. Giữa vùng hào quang ấy, hình
như một tia sáng làm nổi bật hình dáng quả đất.
Biển Đức tưởng chừng như mình đã có thể trông thấy cả thế giới và tất cả
các dân tộc cùng một lúc. Ngài thầm thĩ:
- Ôi, lạy Chúa, đêm ấy, Ngài đã ỏ lòng nhân từ với con biết bao! Ngài đã
cho con thấy rằng, mãi mãi trong thiên hạ, sẽ còn người tiếp tục sống theo quy
luật của con!
Đang khi ngài quỳ đó, nhớ lại những ơn lành như thế, ngài tự nhiên đưa trí
tưởng tượng lui về thời kỳ ngài vá lành cái rây cho Xirila, lúc ngài trốn đi để
làm nhà ẩn tu, cuộc sống thật an bình. Tuy nhiên, có một ngày, ngài đã hết
muốn cố gắng để nên thánh thiện nữa: khi ấy, ngài sống trong hang và bị đói
lạnh, một cơn cám dỗ mãnh liệt đã hành hạ ngài. Có tiếng trong lòng chế giễu
những sự khắc khổ của đời sống ẩn tu, và nêu lên bao nhiêu lạc thú người ta có
thể hưởng tại Rôma. Cũng có những lạc thú thật chính đáng nữa, như việc lập
gia đình và sinh con cái, việc được đồng bào kính trọng. Biển Đức thầm nghĩ:
- Nhưng lạy Chúa, Ngài đã giúp con. Ngài đã soi sáng cho con xua đuổi
những tư tưởng như thế, bằng cách tự hành hạ thân xác con. Con đã lăn vào
bụi gai gần hang con ở, và nhờ đó, quên hết tất cả mọi cơn cám dỗ. Rốt cuộc,
khi đứng dậy, con thấy mình trầy trụa và đầy những vết máu, nhưng lòng chỉ
còn ước muốn tiếp tục việc phụng sự Chúa bằng kinh nguyện và hy sinh. Và
giờ đây, con sung sướng biết bao vì được ơn Chúa giúp! Bởi vì nếu ở lại Rôma,
chắc con sẽ khốn khổ lắm. Chỉ có một việc có thể đem lại niềm vui cho con ở
đó, là việc tìm cơ hội đi thăm những hang toại đạo.
Từ khi Maurô sang Pháp, cuộc sống tại Montê Cassinô vẫn tiếp tục trong
trật tự nề nếp. Nhiều người lớn bé đến xin cha Đan phụ nhận vào đan sĩ hay
hiến sinh. Chiến tranh vẫn tàn phá nước Ý và gieo khốn khổ khắp nơi. Nhưng
các đan sĩ tại Montê Cassinô vẫn là những chiến sĩ bênh vực người nghèo khó.
Trừ một ít trường hợp, họ là những người học thức duy nhất trên toàn nước Ý,
biết tin tưởng rằng lao động thể xác không phải là một dấu hiệu của tầng lớp
thấp hèn. Họ nhấn mạnh rằng, khi được chấp nhận với một tinh thần thích
hợp, sự lao động có thể rất hữu ích cho cả thể xác lẫn linh hồn; nó cũng là
đường lối đưa đến đức khiêm nhu. Nhân đức này là một cái thang kỳ diệu bắc
lên tới tận ngai Thiên Chúa.
Biển Đức thường ao ước có nhiều người tin tưởng như thế. Chiến tranh sẻ
kết thúc nếu thiên hạ ý thức rằng tất cả chúng ta đều là anh em với nhau trong
Đức Kitô, chỉ vì tội nguyên tổ mà nhiều người bị lầm đường lạc lối. Nhưng,
không mấy người nghĩ như thế. Thiên hạ vẫn đề cao giá trị của tiền tài, quyền
thế và danh vọng. Họ vẫn tìm cách đàn áp nhau. Ngay trong lúc cầu nguyện,
họ cũng vẫn có thái độ chống đối. Họ chỉ biết cầu nguyện cho mình và không
muốn cầu nguyện cho kẻ khác. Nếu toàn thể nhân loại biết coi mình như là
một gia đình trong Đức Kitô thì quý hóa biết bao! Hận thù sẽ tan biến, chiến
tranh sẽ không còn nữa và trần thế sẽ trở thành thiên đàng.
Mặc dù chiến tranh tàn phá nước Ý đã gần 10 năm, nhưng tinh thần an hòa
vẫn được nung nấu trong đan viện. Mỗi ngày 7 lần, bắt đầu từ lúc 2 giờ sáng,
Đan phụ và các đan sĩ quây quần như trong một gia đình, cùng dâng lên Thiên
Chúa những lời chúc tụng, bằng cách đọc Thánh vịnh. Đan phụ thường nói
rằng, không có công việc nào quan trọng hơn là đọc cách sốt sắng những câu
kinh lâu đời ấy.
Ngày tháng dần trôi, nhiều nhân vật quan trọng vẫn tiếp tục từ Rôma hay
từ Napôli kéo đến xin Đan phụ cầu nguyện hoặc khuyên bảo. Một du khách
thường xuyên khác, là Giám mục Sabin thành Cassinum, ở Đông Nam nước Ý.
Giám mục này vui vẻ tán thành mọi lý tưởng của Biển Đức. Một hôm, vào cuối
tháng 12 năm 546, cả hai người ngồi nói chuyện trong phòng khách. Trước đó
ít ngày, quân Tôtila đã đánh bại quân đội của vua Justin và nắm quyền kiểm
soát thành Rôma.
Giám mục Sabin kêu lên:
- Ôi, Rôma rồi đây sẽ bị ông vua này tiêu diệt! Chắc không ai còn ở đó
được nữa! Biển Đức mỉm cười cách buồn rầu:
- Rôma sẽ không bị quân man di tiêu diệt đâu. Nhưng nó sẽ bị sụp đổ vì
bão tố, sấm sét và động đất! Giám mục Sabin thở dài:
- Thiên hạ thật là điên khùng. Tại sao họ lại không ý thức được rằng sự an
hòa là bí quyết của hạnh phúc? Cha Biển Đức, trong Tu luật của cha có câu này
tôi rất thích: “Hãy xa lánh điều ác và làm việc thiện. Hãy tìm kiếm và đeo đuổi
sự an hòa”. Thật là những lời khôn ngoan biết bao!
- Nhưng không phải chính con đặt ra đâu. Đó là những lời con mượn trong
Thánh vịnh 33.
- Vị Giám mục gật đầu. Lúc ấy, tiếng chuông gọi cộng đoàn vào nhà
nguyện vì đã đến giờ ca tụng Thiên Chúa, giờ các đan sĩ đồng thanh hát Thánh
vịnh.
Vị Giám mục nói:
- Tôi sẽ đi với cha. Tôi rất vui thích khi được cầu nguyện cùng với Đan
viện.
Mặc dù Cha Đan phụ Biển Đức rất hiếu khách, cởi mở, không bao giờ để lỡ
cơ hội giúp đỡ những ai chạy đến với mình, nhưng ngài vẫn sung sướng hơn
khi được ở một mình. Những lúc như thế, ngài cảm thấy gần gũi Thiên Chúa
hơn bao giờ hết. Những lo lắng buồn phiền của ngài bỗng tan biến mất.
Nhưng một ngày kia, việc cầu nguyện một mình như thế, không đem lại
cho ngài sự vui thích như thường lệ. Tâm hồn ngài không thể xua đuổi được
một mối buồn rầu huyện diệu. Nhờ ơn Chúa, ngài trông thấy tất cả những tai
họa một ngày kia sẽ giáng xuống toàn thể thế giới. Ngài nghe tiếng giẫm chân
của hàng triệu người đi đều bước. Ngài trông thấy những bãi chiến trường đẫu
máu; những quả phụ khóc than và những đứa trẻ côi cút. Ngài thấy những kẻ
xảo quyệt lên nắm những địa vị quan trọng; bàn tay họ chất đầy chiến lợi
phẩm. Và ngài chỉ thấy có ít người dám lấy hai chữ AN HÒA làm khẩu hiệu.
Thị kiến ấy hãi hùng quá, đến nỗi ngài không thể cầm được nước mắt. Lúc
đó, thầy Thêôprô đến báo tin có một vài người khách quan trọng muốn gặp
ngài, ngài dường như không nghe thấy gì cả. Ngài vẫn quỳ bên cửa sổ, gục đầu
xuống lòng bàn tay, nức nở khóc. Thấy thế, thầy Thêôprô sợ hãi chạy thẳng
tới:
- Thưa cha, chắc cha nhận được tin không hay về thầy Maurô?
Chậm rãi như một người đang trong giấc mộng, Đan phụ nhìn lên người
môn đệ đang lo lắng. Gương mặt ngài héo hắt vì sầu khổ:
- Không, không phải những tin không hay từ Pháp đâu.
Thêôprô vốn là một người quý tộc ngoại giáo, đã gia nhập đời tu sau khi
nghe cha Đan phụ giảng. Trong nhiều năm qua, kể từ ngày trở thành đan sĩ,
thầy đã được thân cận với cha Đan phụ. Giờ đây, trông thấy người cha thân yêu
của mình đang sầu khổ lạ thường, thầy quyết định gạn hỏi, biết đâu thầy có thể
làm được việc gì giúp ngài.
- Thưa cha, cha có thể cho con biết cha đã gặp việc gì rắc rối?
Cha Đan phụ từ từ đứng dậy. Đôi mắt vẫn còn tuôn lệ, ngài nhìn thẳng vào
Thêôprô và nói:
- Ý Chúa muốn cho tất cả đan viện này cũng như tất cả những gì cha đã
cung cấp cho anh em, đều sẽ rơi vào tay quân man di, và cha khó lòng bảo vệ
được tình trạng cho con cái của cha.
Thêôprô sửng sốt:
- Thưa cha, chắc là không đúng như vậy đâu!
Biển Đức nở một nụ cười héo hắt:
- Đúng thế đấy, thầy ạ. Dòng thời gian sẽ đem lại may mắn cũng như rủi
ro; may mắn thì dễ chấp nhận, nhưng rủi ro thì phải là một vị thánh mới thấu
triệt được ý nghĩa của nó!
Chương 12: CUỐI ĐƯỜNG

Sau cuộc hội kiến này với Thêôprô được ít tuần, đã tới ngày định kỳ hằng năm,
Biển Đức được thăm em gái song sinh là Schôlastica. Cùng đem theo vài đan sĩ,
Biển Đức ra đi vào lúc sáng tinh sương để đến nơi đã hẹn: một ngôi nhà trên
sườn núi, nằm ở khoảng giữa đường tính từ đan viện của Schôlastica đến
Montê Cassinô.
Khi Biển Đức bước vào cổng, thì thấy Đan mẫu Schôlastica cùng vài nữ đan
sĩ đã đến đó rồi. Giữa hai anh em song sinh này có một sự giống hệt lạ lùng:
không những giống nhau về nét mặt, mà còn giống về y phục nữa. Bởi vì y
phục của Đan mẫu mô phỏng theo y phục của ông anh: gồm một áo chùng
thâm, với áo khoác gồm hai mảnh trước sau và một dây nịt, trên đầu là chiếc
khăn đen.
Đan phụ đưa tay chào cách thân mật. Đan mẫu Schôlastica là người yêu
quý nhất của ngài lúc bấy giờ, bởi gia đình ngài chỉ còn lại hai anh em thôi.
Một lý do nữa, là vì cả hai cùng nhất trí trong việc phụng sự Thiên Chúa.
- Tưởng anh không bao giờ đến nữa chứ!
Biển Đức mỉm cười:
- Không có sốt ruột như em đâu.
Schôlastica thở dài:
- Anh Biển Đức, anh có thấy rằng thời gian ngày một thêm ngắn ngủi
không? Và chúng ta cũng sắp được gọi về thiên đàng rồi.
- Chúng ta đâu còn trẻ nữa!
Đan mẫu ngẫm nghĩ:
- 67 tuổi, kể ra cũng khá thọ rồi.
Biển Đức gật đầu. Trong suốt 67 năm ấy, từ 480 đến 549, nhiều sự việc đã
xảy ra trên đất Ý. Quân man di, Ôđôsẽ và Thêôđôrô đã cai trị một phần lớn
trong thời kỳ này. Rồi đến năm 535, hoàng đế Justin xâm lăng nước Ý, với ý
định tái lập đế quốc La-mã ở miền Tây, và sáp nhập với miền Dông đang dưới
quyền của ông. Bấy giờ, vua Tôtila đánh bại quân đội của Justin. Rôma lọt vào
tay ông ấy đã nhiều tuần. Nhưng ông không giữ được lâu, vì Giutinh trở lại
phản công, thế là cuộc chiến dai dẳng và tốn kém đã kéo dài đến 10 năm trời.
Rồi đến một thời kỳ tương đối hòa bình. Sau đó, lại có một bộ lạc man di khác
từ miền Bắc kéo sang xâm lăng nước Ý. Họ là những người Lômba, chính họ sẽ
hủy diệt Montê Cassinô vào năm 581.
Trông thấy anh vẫn thinh lặng, Schôlastica bỡ ngỡ. Bà nhìn lên nói chầm
chậm:
- Anh đang có việc gì lo buồn phải không?
Biển Đức gật đầu đáp:
- Anh đang suy nghĩ về tuổi 67 của chúng ta. Em ạ, thế kỷ thứ VI chúng ta
đang sống đây, là một thời kỳ đầy loạn lạc. Nhưng những nỗi khốn khổ bây giờ
so với tương lai thì chẳng thấm vào đâu cả!
Schôlastica thở dài:
- Phải chăng anh muốn nói rằng, sẽ có nhiều cuộc chiến tranh và nhiều sự
khốn khổ hơn?
- Chiến tranh và khốn khổ ngoài sức tưởng tượng em ạ. Không thể tránh
được.
Thời giờ trôi qua nhanh chóng đang khi Biển Đức và Schôlastica nói về đủ
thứ chuyện. Mãi đến xế chiều, họ mới nhớ tới việc cùng nhau dùng bữa ăn đơn
giản mà các nữ đan sĩ đan viện Thánh Mẫu đã đem theo. Thức ăn được dọn
trên ba bàn, trong ba phòng khác nhau. Một bàn cho các nam đan sĩ, một bàn
cho các nữ đan sĩ, và một bàn cho hai anh em Biển Đức. Đang khi hầu bàn cho
ông anh, Schôlastica thấy lòng buồn đau thấm thía. Rồi đây sẽ phải từ biệt
nhau, và phải đợi đến một năm nữa. Nhưng bà không muốn nói câu từ biệt.
Khi bữa ăn đã xong, Biển Đức đứng dậy, Schôlastica nhìn ngài van lơn:
- Anh Biển Đức, khoan đi đã. Trời chưa muộn đâu, và chúng ta còn biết
bao chuyện để nói.
Biển Đức nhìn lên trời:
- Em đừng muốn cho anh vi phạm quy luật chứ! Em không thấy rằng mặt
trời đã sắp lặn rồi sao? Anh không thể vắng đan viện ban đêm được.
Schôlastica mỉm cười:
- Nhưng chỉ xin anh chiều ý em một lần thôi. Em đã gần đất xa trời rồi!
- Thế thì anh đành làm gương xấu cho các đan sĩ sao?
- Không đâu. Để họ cùng ở lại nữa, và các chị em của em cũng thế, anh
Biển Đức ạ! Chúng em muốn được nghe anh nói về Thiên Chúa. Nói suốt đêm
cũng được!
- Suốt đêm? Em nói gì lạ thế!
Biển Đức đẩy lui ghế đứng dậy:
- Chỉ còn vừa kịp thì giờ để anh trở về Montê Cassinô và để em trở lại
Plumbariôla. Thôi, hãy cùng ra cổng với anh.
Schôlastica không trả lời. Bà chắp tay đặt trên bàn phía trước mặt. Đôi mắt
đăm đăm nhìn lên trời. Biển Đức nhìn em gái hơi khó chịu, phải chăng
Schôlastica đang cầu nguyện?
Ngài vừa định cất tiếng hỏi, bỗng nhiên sấp sét nổi lên làm rung chuyển cả
nhà. Bầu trời cách đây ít phút đang quang đãng, bỗng đổ mưa như trút nước.
Sấm sét vang rền giữa trận cuồng phong. Chưa bao giờ có một trận giông tố
hãi hùng như thế.
Schôlastica vẫn bình tĩnh, bà nhìn ông anh:
- Anh muốn về thì cứ đi! Hãy trở về đan viện của anh, để em ở lại đây một
mình cũng được.
Biển Đức kinh ngạc hỏi:
- Xin Chúa tha tội cho em, em làm gì vậy?
- Em đã van xin anh, nhưng anh không nghe. Nên em đã van xin Chúa, và
Ngài đã nhận lời em.
Biển Đức thinh lặng một hồi lâu, rồi nhớ lại các anh em ở phòng bên, ngài
liền sang giải thích cho họ. Khi trở lại, nét mặt ngài bớt vẻ nghiêm khắc.
- Em đã thắng cuộc, giờ thì em muốn gì?
- Em sẽ sang nói cho chị em biết về ân huệ đặc biệt này.
Cơn giông tố vẫn tiếp tục dữ dội, nhưng tất cả các đan sĩ nam cũng như nữ
đang tề tựu chung quanh một cái bàn lớn, ít nghe thấy gì. Họ đang chăm chú
nghe cha Đan phụ nói về nước thiên đàng.
Thời giờ trôi qua, lòng Schôlastica tràn ngập vui mừng. Thiên Chúa nhân
từ quá! Ngài đã nhậm lời bà cầu xin, và đã dùng quyền năng của Ngài để giữ
mọi người lại. Thật vậy, đó là một chuyến viếng thăm tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Schôlastica thầm nghĩ, khi nhìn lên gương mặt ông anh.
Biển Đức nói về những việc trên trời hay quá. Ngài dường như đang bừng
bừng lửa yêu mến!
Tất cả mọi người có mặt cũng đều cảm thấy như thế. Nhất là các nữ tu,
chưa bao giờ họ được nghe Đan phụ nói chuyện lâu giờ như vậy. Họ không
thấy buồn ngủ. Bình minh ló dạng. Cơn giông tố im hẳn. Chim chóc bắt đầu ca
hát, và ở phương Đông mặt trời nhô lên, soi sáng bầu trời quang đãng và mát
lạnh. Biển Đức nhìn em:
- Bây giờ thì anh đi được rồi chứ?
Schôlastica mỉm cười:
- Anh đã làm cho em rất sung sướng, nhưng còn một điều nữa!
- Điều gì vậy? Em cứ nói.
- Xin anh ban phép lành cho chúng em, và khi về tới nhà, anh tiếp tục cầu
nguyện cho chúng em.
Tất cả mọi người cùng quỳ xuống. Biển Đức địu dàng nói:
- Nguyện xin sự bình an của Chúa, hằng ở cùng anh chị em luôn mãi. Rồi
ngài thì thầm:
- Và đặc biệt cùng em, Schôlastica yêu quý!
Sau nhiều lời cáo biệt, các nam nữ đan sĩ giã từ nhau ra về. Khi Biển Đức
bắt đầu ra khỏi cổng, Schôlastica quay nhìn lại lần cuối. Bà dịu dàng nói lẩm
nhẩm:
- Không hiểu, anh ấy có biết rõ gì chưa?
Một nữ đan sĩ trẻ đứng cạnh hỏi lại:
- Thưa mẹ, rõ việc gì?
Schôlastica mỉm cười:
- Biết rõ rằng đã đến cuối đường rồi!
Chị nữ tu trẻ ngơ ngác hỏi:
- Sao lại cuối đường ạ? Chúng ta vừa mới lên đường, đan viện chúng ta còn
xa kia mà!
Schôlastica gật đầu, bà bình tĩnh trả lời:
- Phải đấy. Và có lẽ các chị em ở nhà, họ đang lo lắng về việc chúng ta vắng
nhà suốt đêm qua. Hãy đi nhanh lên, kẻo họ trông.
- Thưa mẹ, vâng.
Chị nữ tu trẻ vừa trả lời vừa liếc nhìn trộm Đan mẫu thân yêu. Cuối đường
rồi! Con người thánh thiện ấy, muốn nói gì vậy?
Hai ngày sau, mọi người mới vỡ lẽ. Giữa lúc đêm khuya. Thiên Chúa đã gọi
Schôlastica về với Ngài. Bà bình an bước vào nơi hân hoan đẹp đẽ mà Biển Đức
đã mô tả rất hay trong đêm giông tố. Các nữ đan sĩ liền nhắn tin lên Montê
Cassinô. Đan phụ cũng đã biết rõ em mình qua đời. Một lần nữa, Thiên Chúa
đã cho ngài được trông thấy một thị kiến. Đang khi đứng trong phòng riêng,
ngước mắt nhìn lên để cầu nguyện, Biển Đức đã trông thấy linh hồn em gái
mình, dưới hình một ocn chim bồ câu, lìa khỏi xác và bay thẳng lên trời cao.
Ngài mững rỡ kêu lên:
- Lại một vị thánh nữa, để làm vinh danh Thiên Chúa.
Rồi ngài bảo các đan sĩ của mình, hãy đi đến đan viện Thánh Mẫu và đưa
xác em gái của ngài về, để đặt vào ngôi mộ mà ngày kia sẽ chôn cất ngài.
Các đan sĩ hơi ngạc nhiên về mệnh lệnh đó, nhưng họ vẫn nhanh chóng
tuân theo. Trong nhà nguyện dâng kính thánh Gioan Tẩy Giá, mộ của Biển
Đức được đào xong trong vòng một tiếng đồng hồ.
Khi đám tang từ Plumbariôla đến, cha Đan phụ Biển Đức đã đứng đợi sẵn
ở cổng đan viện. Gần như toàn dân trong miền thôn quê ấy, đã đưa xác em gái
ngài đến tận nơi an nghĩ cuối cùng. Đàn ông, đàn bà, từ già đến trẻ, mỗi người
đều có một câu chuyện nhỏ để thuật lại về cuộc đời thánh thiện của
Schôlastica. Các nữ đan sĩ đều thinh lặng, mặt phủ khăn tang đen; nhưng
những người dân quê thì tự do trò chuyện: bà Đan mẫu đã cho gia đình nọ gia
đình kia thức ăn hoặc cứu họ khỏi chết đói. Bà đã cầu nguyện cho một đứa trẻ
bị ốm nặng, và chỉ hai ngày sau, nó được bình phục. Bà đã tìm được tiền trả nợ
cho những người nghèo khó. Bà đã đem hàng chục người trở lại…
Một bà lại kêu khóc:
- Trời ơi! Nay không có bà, thì chúng ta sẽ ra sao? Không ai có thể thay thế
bà được!
Biển Đức mỉm cười, dịu dàng nói:
- Bà vẫn trợ giúp chúng ta luôn, miễn là chúng ta tin tưởng ở lời cầu
nguyện của bà. Và xin các bạn nhớ cho điều này: chúng ta không có lý do gì
phải buồn phiền cả. Bởi vì ngay lúc chúng ta đang đứng đây, than khóc vì bà
không còn nữa, thì thật ra, bà đang vui mừng hưởng phúc trên thiên đàng. Nếu
có thể trở lại với chúng ta – với tôi là anh bà – chắc bà cũng không trở về.
Thưa các bạn, làm sao chúng ta lại khóc than khi một người thân của chúng ta
đi về với Chúa?
Lễ an táng không kéo dài. Sau khi xác của Schôlastica đã được đặt vào nơi
an nghỉ cuối cùng, Đan phụ Biển Đức liền rời nhà nguyện, đi thẳng vào phòng
ngài, lên tầng trên, ngài muốn được ở một mình để cầu nguyện và suy ngắm
chốc lát. Hôm ấy, là ngày 10 tháng 2 năm 547. Tự thâm tâm, ngài biết rằng thời
gian của ngài nơi trần thế, cũng gần kết thúc. Ngài suy nghĩ:
- Ta nên nói cho các anh em biết, để họ cầu nguyện cho mình.
Một số đan sĩ trẻ tại Montê Cassinô không muốn tin lời của Đan phụ nói
tiên tri rằng, độ năm tuần nữa, ngài sẽ qua đời nhằm ngày 21 tháng 3. Nhưng
các đan sĩ lớn tuổi, đã từng chứng kiến bao việc lạ lùng trong đời cha Đan phụ,
thì nghĩ rằng sẽ đúng như lời ngài nói.
Một buổi sáng kia, đan sĩ Thêôprô đến tìm Đan phụ yêu quý. Từ ngày được
chứng kiến nỗi đau khổ lớn lao của Đan phụ và nghe ngài nói Montê Cassinô
sắp bị hủy diệt, Thêôprô luôn áy náy trong lòng.
Thầy chậm rãi nói:
- Thưa cha, xin cho con được hỏi một điều. Biển Đức mỉm cười:
- Được, thầy cứ nói.
- Đan viện của chúng ta sắp bị quân Rôma hủy diệt vào năm 581, trong 34
năm nữa. Trước đây, cha đã nói với con như thế. Nhưng cha có thể biết được…
- Biết được rằng đan viện này có được xây cất lại không ư?
- Vâng, con chỉ xin Đan phụ cho con biết điều đó.
Biển Đức gật đầu, dịu dàng nói:
- Đan viện sẽ được xây cất lại.
- Và sẽ còn những đan sĩ tiếp tục sống Tu luật của cha không?
- Mãi mãi sẽ còn. Thêôprô mỉm cười:
- Cám ơn cha. Như thế thì con đủ mãn nguyện rồi.
Biển Đức nói tiếp:
- Cũng sẽ có những nam nữ đan sĩ sống theo Tu luật như tại Plumbariôla.
Họ sẽ có mặt khắp nơi trên thế giới, để giúp đỡ người nghèo khó ốm đau và
giáo dục trẻ con. Cũng sẽ có những người hiến sinh nữa; trong các đan viện và
ở giữa thế tục, nam cũng như nữ, họ yêu quý khẩu hiệu của chúng ta: AN HÒA.
Nhiều người trong đó, sẽ nên thánh. Và tất cả đều làm hết sức để nếp sống của
chúng ta được phổ biến và được yêu chuộng.
Thêôprô thinh lặng. Trong tâm hồn, thầy thầm nghĩ rằng những lời tiên tri
này của Đan phụ sẽ được ứng nghiệm. Giây phút này thật trang nghiêm, nhưng
viễn cảnh tương lai không khỏi làm cho lòng thầy tràn ngập hy vọng. Nếp sống
Biển Đức đã vạch ra cho các môn đệ - nam nữ đan sĩ và hiến sinh – sẽ tồn tại
mãi, và được gặp thấy ngay cả ở những phương trời xa xôi.
Ngày tháng trôi qua. Đến ngày 15 tháng 3, Biển Đức bảo chuẩn bị mộ của
ngài cho sẵn sáng. Rồi ngài bệnh nằm liệt giường và sốt nặng. Mặc dù các đan
sĩ lớn tuổi đều biết rằng ngày lâm chung của ngài đã đến, nhưng các đan sĩ trẻ
vẫn còn hy vọng. Cha Đan phụ của họ đã làm nhiều phép lạ cho kẻ khác, sao
ngài lại không làm cho chính mình? Một người 67 tuổi cũng chưa phải là già
yếu lắm. Nhiều vị thánh đã sống lâu hơn thế nữa, biết đâu cha Đan phụ cũng
như vậy.
Dường như đọc được trong tâm tư họ, cha Đan phụ đáp:
- Không đâu, các thầy ạ. Công việc của cha đã hoàn tất, chỉ xin các con cầu
nguyện để đẹp lòng Chúa thôi.
Lòng nặng trĩu đau buồn, các đan sĩ vâng lời đi vào nhà nguyện, mở nắp
mộ trong đó đã có xác của Schôlastica an nghĩ từ hơn một tháng. Hai anh em
song sinh đã tha thiết yêu quý nhau lúc còn sống, thì lúc chết cũng không
muốn lìa xa nhau.
Đan sĩ Marcô, mộ người trẻ tuổi, đã nói lên niềm hy vọng:
Biết đâu rồi đây sẽ xảy ra một điều gì đó để có thể giữ ngài lại? Biết đâu
nhờ một thang thuốc mới? Hoặc nhờ sự nghỉ ngơi chăm sóc?
Các đan sĩ lắc đầu hỏi lại:
- Thầy không nghe ngài nói sáu ngày nữa ngài sẽ qua đời sao? Và ngài cũng
tiên đoán một trong số anh em trong chúng ta vắng mặt, sẽ trông thấy ngài
vinh quang bước vào thiên đàng.
Đan sĩ Marcô gật đầu:
- Vâng, tôi có nghe hết. Nhưng tôi vẫn hy vọng là chúng ta sẽ không phải
mất Đan phụ thân yêu của chúng ta!
Đến ngày 21 tháng 3, khi trời vừa hừng sáng, Biển Đức gọi các đan sĩ lại lần
cuối cùng. Ngài bình tĩnh yêu cầu:
- Các con hãy đem cha sang nhà nguyện!
Các đan sĩ liền khiêng ngài đi chầm chậm, lòng họ rất đau đớn. Khi đến
nhà nguyện, các thầy muốn đưa ngài đến chỗ của ngài thường ngồi lâu nay,
nhưng ngài bảo đặt ngài trước Mình Thánh Chúa lần cuối cùng.
Nhiều đan sĩ không cầm được nước mắt. Biển Đức mỉm cười nhìn các môn
đệ thân yêu của mình, thì thào qua hơi thở đã kiệt sức:
- Cha không bỏ các con lại một mình đâu! Rồi ngài rước Mình Thánh
Chúa.
Sau khi đã được thêm sức mạnh nhờ Mình Máu Thánh và được các môn đệ
nâng đỡ, ngài lẩy bẫy đứng dậy, trút hơi thở cuối cùng giữa lúc đang cầu
nguyện. Bấy giờ, người ta thấy ngài lên thiên đang, đi trên con đường trải thảm
hoa, rực rỡ ánh đèn.
Chương 13: CÔNG TRÌNH VẪN TIẾP
TỤC

Biển Đức không quên gia đình nhỏ bé của mình tại Montê Cassinô. Công trình
ở đó vẫn thịnh vượng và tiếp tục phát triển. Nhiều ơn lạ được ban xuống cho
những người xin ngài cầu giúp.
- Cha Đan phụ chúng ta giờ đây là một vị thánh trên thiên đàng.
Đó là lời các đan sĩ thường nói với nhau cách sung sướng, đang khi họ đến
cầu nguyện hằng ngày tại nơi an nghỉ cuối cùng của ngài, trong nhà nguyện
nhỏ đâng kính thánh Gioan Tẩy Giả.
Các nữ đan sĩ thuộc đan viện Thánh Mẫu thường đi hành hương đến
Montê Cassinô cũng nói:
- Mẹ Đan mẫu Schôlastica của chúng tôi cũng vậy. Ngài hiện là một vị
thánh trên thiên đàng. Cái một đôi này, thật là một nơi thánh!
Tuy nhiên, đến năm 581, đúng như lời Biển Đức đã nói tiên tri 34 năm về
trước. Quân man di ngoại giáo Lômba từ phương Bắc tràn xuống và phá hủy
hoàn toàn đan viện nổi tiếng nhất nước Ý, kể cả những cánh đồng phì nhiêu,
những vườn nho tươi xanh và những ngôi nhà đẹp đẻ. Tất cả đều trở thành
than đen và gạch vụn.
Cha Đan phụ Rônít được may mắn thoát khỏi Rôma với cả cộng đoàn của
ngài, đã kêu lên:
- Trời ơi! Chúng ta phải làm gì đây?
Giáo Hoàng Pêlagô II, một con người nhân hậu, nghe thấy thế vội trả lời:
- Cha đừng lo. Chúng tôi sẽ tìm những khu vực khác cho cha.
- Nhưng còn hài cốt thì sao? Hài cốt của cha Đan phụ Biển Đức và Đan
mẫu Schôlastica, không biết sẽ ra sao, nếu phải rơi vào tay quân man di?
Giáo Hoàng Pêlagô thấy lòng chua xót trước nỗi khổ tâm của Đan phụ
Bônít và các đan sĩ, ngài hứa:
- Chúng tôi sẽ cho người đến lục soát, tìm kiếm sớm chừng nào tốt chừng
nấy.
Nhưng những người được sai đi, khi trở về đã đem toàn những tin thất
vọng. Họ nói cả đan viện Montê Cassinô chỉ còn là đống đá vụn, cho nên
không thể xác định được vị trí đã an táng hai vị. Muốn biết hài cốt của hai vị
thánh ấy còn hay mất, chỉ còn một cách là chờ đợi cho đến khi dọn dẹp xong
những đống đổ nát ấy và xây cất đan viện lại. Đan phụ Bônít đau đón hỏi:
- Thế thì còn phải chờ đợi đến bao giờ? Giữa thời buổi đầy nguy hiểm này,
chắc còn lâu chúng ta mới dám nghĩ tới việc trở về lại mái nhà xưa.
Nhưng các đan sĩ vẫn cố gắng xua đuổi nỗi lo buồn. Vì một ngày kia, chắc
chắn quân man di khủng khiếp ấy sẽ chấm dứt việc tàn phá. Họ sẽ quay lại làm
điều thiện, bỏ điều ác, sẽ tìm kiếm và đeo đuổi an hòa, đúng như lời cha Đan
phụ Biển Đức đã giảng dạy và cầu xin. Trong lúc chờ đợi…
- Xin vâng ý Chúa!
Các đan sĩ vui vẻ bảo nhau như thế, trong lúc họ bắt tay vào việc tổ chức
nếp sống trong đan viện mà Giáo Hoàng Pêlagô vừa cho họ: đó là một ngôi
nhà rộng lớn đẹp đẽ, nối liền với Vương cung thánh đường Gioan Latêran.
Đức tin đơn sơ của con cái Biển Đức đã được đẹp lòng Thiên Chúa. Với
năm tháng, lại có nhiều người đến xin gia nhập đan viện mới tại Rôma để dâng
mình phụng sự Thiên Chúa. Vô số những người khác cũng học hỏi và yêu mến
Tu Luật thánh ấy, và đem áp dụng vào đời sống. Trong số đó có một người bạn
thân của Giáo Hoàng Pêlagô, đó là nhà trí thức Grêgôriô.
Grêgôriô vốn luôn luôn quan tâm đến đời sống đan tu. Thật vậy, năm 34
tuổi, lúc còn là một giáo dân sang trọng ở Rôma, ông đã dâng cúng tất cả
ruộng vườn, chỉ còn lại một ngôi nhà ở, ông cũng dâng hiến cho thánh Anrê,
rồi cùng với một số bạn hữu đồng chí hướng, rút lui vào đó để sống một cuộc
đời hy sinh và cầu nguyện.
Grêgôriô làm bề trên đan viện nhỏ bé ấy và cảm thấy rất hạnh phúc. Tuy
nhiên, ngài cũng bắt đầu cảm thấy dường như ý Chúa muốn kêu gọi mình làm
thừa sai. Xưa kia, đức tin đã được du nhập vào nước Anh do những người Kitô
giáo trong đạo quân xâm lược của Cêsa, cũng như do những người được ơn soi
sáng từ Ái-nhĩ-lan đến. Nhưng trải qua nhiều cuộc xâm lăng của quân man di,
các công trình truyền giáo ấy gần như bị tiêu hủy. Grêgôriô nghĩ rằng, làm cho
cả nước Anh hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa thật, phổ biến cho họ đời sống
Biển Đức và Tu luật thánh mà Grêgôriô và các bạn đang hăm hở nghiên cứu và
thực hành tại đan viện thánh Anrê, thật là một việc tốt đẹp biết bao! Nhưng
Grêgôriô không được như ý nguyện, vì các bạn hữu của ông không muốn đi
làm thừa sai. Năm 588, khi ông lên đường sang Anh quốc, họ đã đuổi theo và
đem ông trở về đan viện thánh Anrê trong vòng không đầy một tuần.
Họ phản đối:
- Thưa cha, xin cha đừng đi. Hãy để người khác sang giúp đỡ người Anh.
Thiên Chúa đã dành cho cha một công việc khác tại Rôma!
- Nhưng này các bạn…
- Thưa cha, Giáo Hoàng Pêlagô đã có tuổi và đang lâm bệnh, có lẽ ngài
chẳng còn sống được bao lâu nữa. Chắc chắn, cha sẽ được mời lên thay thế.
Cha Grêgôriô ngạc nhiên và không tin những lời ấy. Nhưng hai năm sau,
vào tháng 2 năm 590 Giáo Hoàng Pêlagô qua đời, và Grêgôriô nhanh chóng
được bầu lên kế vị.
Vị tân Giáo hoàng xem ra không được hạnh phúc mấy với địa vị cao trọng
như thế. Không bao giờ ngài có thể làm thừa sai được nữa! Nhưng ngài không
quên được những người Anh quốc ngoại giáo!
Vào năm 596, ngài quyết định gửi một số linh mục đến dạy đức tin chân
chính cho họ. Theo ý ngài, miền Kên ở Đông Nam nước Anh, là địa điểm tốt
nhất để bắt đầu, vì ngài đã được nhiều du khách từ miền Bắc về mô tả hoàn
cảnh ở đó. Vua Êthêba là một người ngoại giáo, đúng như thế. Nhưng hơn 20
năm nay, nhà vua đã cho phép vợ của mình, một người Pháp, tên là Bétta được
tự do giữ đạo và nuôi một vài linh mục người Pháp trong triều đình. Điều này
chứng tỏ nhà vua là một người cởi mở và ôn hòa.
Sau khi đã cầu nguyện và suy nghĩ rất nhiều, Giáo Hoàng Grêgoriô chỉ
định người bạn thân của mình là Âutinh (lúc đó đang làm Đan phụ tại đan viện
thánh Anrê), đứng ra khởi đầu công việc.
Một hôm, ngài hỏi Đan phụ Âutinh:
- Cha có thích sang nước Anh làm thừa sai không?
Đan phụ Âutinh không biết phải trả lời làm sao. Còn cơ hội nào tốt bằng
đem các linh hồn về cùng Chúa? Nhưng ở Rôma, chắc chắn còn có nhiều linh
mục đắc lực hơn để làm việc này?
Dường như hiểu rò ý nghĩ thầm kín của bạn, Giáo Hoàng Grêgoriô liền
nói:
- Tôi chỉ muốn cha sang Anh quốc, chứ không muốn ai khác. Cha hãy chọn
trong số các đan sĩ tại đan viện, để cùng đi phụ lực với cha, rồi chuẩn bị ra đi,
càng sớm càng tốt.
Thế rồi, vào đầu mùa xuân năm 597, Âutinh cùng với bốn mươi đan sĩ đổ
bộ lên đảo Thenet, cách thành phố Cantơbơri chừng mười hai dặm. Y như lòng
họ mong đợi, vua Éthêbơ đón tiếp họ cách thân mật và cho phép họ được tự do
rao giảng Phúc Âm.
Âutinh liền dâng lời cầu nguyện như sau:
- Lạy cha thánh Biển Đức, xin cha chúc lành cho công trình chúng con sắp
thực hiện. Xin hãy làm cho nó được kết quả tốt đẹp, nhân danh Đức Giêsu Kitô
là Chúa chúng ta…
Lời cầu xin chân thành này được Thiên Chúa đón nhận cách lạ lùng. Bởi vì
vua Éthebơ quan tân đến chân lý đức tin và đã xin chịu phép Rửa Tội, vào ngày
lễ Giáng Sinh năm 597, với mười ngàn thuộc hạ của nhà vua.
Hay tin ấy, Giáo Hoàng Grêgoriô kêu lên:
- Thật là một ân sủng lạ lùng!
Chẳng bao lâu, nhiều tin tức tốt lành hơn nữa được gởi về Rôma. Đang khi
các đan sĩ bắt tay vào việc xây cất một đan viện tại Cantơbơri, nhiều người lạ
mặt tò mò kéo đến xem. Họ thường hỏi:
- Làm người Kitô hữu nghĩa là gì vậy?
- Phải chăng các đan sĩ này định cày bừa ruộng đất giống như những người
nông dân, để tự túc lương thực?
- Phải chăng họ dự định dạy cho trẻ con biết đọc biết viết? Chỉ vẻ cho
người lớn cách thức sống an hòa với chính mình và với đồng loại? Lo ăn lo mặc
cho những người nghèo túng và chăm sóc bệnh nhân?
Âutinh trả lời thân mật:
- Đúng thế. Đó là ý định của chúng tôi.
Những người lạ mặt ấy quả quyết:
- Thế thì ở tại Cantơbơri tốt quá. Chúng tôi sẽ rủ bạn bè đến đây nữa.
Vào khoảng năm 673, Cantơbơri đã thực sự trở thành một trung tâm Kitô
giáo quan trọng. Nhiều trung tâm tương tự khác cũng được thành lập tại
Rôsêtơ và Minsêtơ. Cũng năm ấy, nơi đây lại nhận được một tin vui mừng là
thi hài của cha Đan phụ Biển Đức và mẹ Chôlastica, đã được tìm thấy dưới
những đống đá vụn tại Montê Cassinô.
Các đan sĩ người Anh vui vẻ bảo nhau:
- Thật lạ lùng!
- Vâng, đây chính là một phép lạ!
Trong năm 747, càng có nhiều tin tức tốt lành hơn từ đại lục đến. Đan viện
Biển Đức nổi danh tại Montê Cassinô, vốn bị tàn phá năm 581, nay được xây
cất lại, và đẹp đẽ chẳng kém gì thời cha Biển Đức còn sống. Và có thể, nó sẽ lại
bị tàn phá do những bào tay hiếu chiến, nhưng chắc chắn rồi cũng sẽ được xây
dựng lại. Và công trình tại Anh quốc, nhất định cũng sẽ tiếp tục thịnh đạt.
Những hy vọng ấy đã được Thiên Chúa cho trở thành sự thực. Vào khoảng
năm 754, một vị đan sĩ người Anh tên là Boniface, đã mang chân lý đức tin đến
Hòa-lan và Đức quốc. Lòng đầy can đảm không kém, nhiều con cái khác của
cha Biển Đức, đã đi làm thừa sai trên khắp các nước còn lại ở Âu Châu. Vì thế,
đã có khoảng 35 ngàn đan sĩ phụng sự Thiên Chúa theo Tu luật Biển Đức.
Tuy vậy, mãi đến thế kỷ 18, vẫn chưa có một đan viện nào ở Tân thế giới.
Thế rồi, vào ngày 16 tháng 9 năm 1846, cha Boniface Wime, 37 tuổi từ đan
viện thánh Michel ở Metten, xứ Bavaria, đặt chân đến Nữu Ước. Cùng đi với
ngài là bốn đan sĩ và mười bốn tập sinh. Một tháng sau, trong một ngôi nhà
nghèo nàn gần thành phố Larốp, tiểu bang Pensynvania, nhóm người nhỏ bé
này đã trở thành cộng đoàn Biển Đức đầu tiên tại Hoa kỳ.
Công trình của cha Boniface và các đan sĩ của ngài, thu gặt thành công lạ
lùng giữa những kiều dân đến định cư ở Pensynvania, người Đức, người Ái-
nhĩ-lan và người Ý. Trong vòng không đầy chín năm, đan viện nhỏ của ngài –
đan viện thánh Vinh Sơn – đã được Giáo Hoàng Piô IX nhấc lên ngang hàng
với các đan viện lớn vào ngày 24 tháng 8 năm 1855. Đến năm 1883, Giáo
Hoàng Lêo XIII lại nhấc lên hàng Tổng đan viện. Đó là Tổng đan viện đầu tiên
tại Châu Mỹ.
Người ta thường ngạc nhiên kháo láo với nhau: Đan phụ Boniface và các
đan sĩ của ngài quả thật là những người sống đúng theo đường lối thánh Biển
Đức. Họ không bao giờ biết mệt mỏi trong việc giúp đỡ kẻ khác hiểu biết và
yêu mến Thiên Chúa. Vả lại, vào năm 1852, họ lại đưa cả những nữ đan sĩ Biển
Đức từ đan viện nổi danh ở Eichstaet đến, để góp phần vào công việc giáo dục
con em chúng ta.
Tuy nhiên, hiện nay những đan sĩ tiên phong thuộc đan viện thánh Vinh
Sơn không còn là những đan sĩ Biển Đức duy nhất ở Mỹ Châu nữa. Vào đầu
năm 1853, các cha Ulrich, Christen, và Bède O’Connor, thuộc đan viện Maria
Einsiedeln ở Thụy Sĩ đã đến tiểu bang Indiana để lập đan viện và trường học.
Cảnh trí được chọn lựa ở cách Evansville độ 50 dặm về phía đông, trong khu
rừng Spencer County. Vào ngày 21 tháng 3 năm 1854, một đan viện nhỏ bằng
gỗ được thiết lập ở đó để phụng sự Thiên Chúa, dưới quyền bảo trở của thánh
Meinrad, một nhà ẩn tu người Thụy Sĩ thuộc thế kỷ IX. Mười sáu năm sau, vào
ngày 30 tháng 9 năm 1870, đan viện thánh Meinrad được Giáo Hoàng Piô IX
nhấc lên hàng đan viện lớn. Và ngày 21 tháng 3 năm 1954, lại được Giáo
Hoàng Piô XII nhấc lên hàng Tổng Đan viện.
Ngày nay, hàng triệu người Mỹ hiểu biết và yêu mến thánh Biển Đức. Họ
cũng rất vui mừng khi được biết thi thể của ngài (cũng như thánh Scholastica)
vẫn còn nguyên vẹn, trong ngôi một tại Montê Cassinô trong Thế Chiến II. Từ
Đông sang Tây, trên khắp nước Mỹ, hàng ngàn con cái thiêng liêng của ngài,
nam cũng như nữ, trong hai Tổng đan viện, hai mươi sáu đan viện lớn và hàng
chục đan viện nhỏ, vẫn đang tiếp tục công trình vinh quang mà ngài đã bắt đầu
hơn mười bốn thế kỷ trước đây. Đất đai được khai phá, hoa màu được trồng
trọt, thanh thiếu niên được giáo dục, các nghệ thuật sống an hòa được rèn
luyện, lời ca ngợi Thiên Chúa được hát lên suốt ngày đêm.
Công trình ấy đã, đang và sẽ được tiến hành mãi mãi.
Lạy cha thánh Biển Đức,
xin cầu cho chúng con
xứng đáng với những lời Đức Kitô đã hứa.

You might also like