You are on page 1of 6

CỐ NHÂN

Nguồn: Tác giả Hạnh Nguyễn


1.
Chiếc taxi dừng ở đầu con ngõ nhỏ, nơi san sát những ngôi nhà lợp ngói cũ kĩ, mốc meo, rêu phong phủ kín.
Người đàn ông già, tay chống cái ba toong, chân bước chậm rãi và cẩn thận trên con đường lổn nhổn toàn sỏi
và những mẩu gạch vụn, cùng những mảnh sành lớn nhỏ bị vỡ ra từ bát đĩa cũ. Hai bên đường, là những bức
tường bao loan xây bằng gạch, mà theo thời gian, chúng đã loang lổ và ghẻ lở, đây đó có những lỗ thủng mà
một con chó cũng có thể chui qua. Ông Hải thầm nghĩ, sao thời đại này rồi vẫn có những nơi mang đặc dáng
dấp quê mùa và nghèo nàn như mấy chục năm về trước.
Đảo mắt ngó nghiêng mà vẫn chưa tìm thấy cái cần tìm, mắt ông chợt sáng lên khi nhìn thấy một người đàn bà
lam lũ, đang quảy một gánh cỏ nặng trĩu tiến về phía mình.
- Chị làm ơn cho tôi hỏi, nhà ông Phong là nhà nào vậy?
- Bác đi về phía cuối ngõ, cái nhà có bờ rào là rặng mây đó, thì là nhà bác ấy. Mà giờ này bác tới chưa chắc đã
gặp đâu. Nếu bác vào mà không có bác ấy ở nhà, thì bác quay lại phía đầu làng, chỗ người ta đốt lò gạch, may
ra sẽ thấy.
- Vâng, cảm ơn chị.
Người đàn bà lại tiếp tục quảy đôi quang gánh đi. Cái dáng vóc nhỏ bé càng khiến chị ta trông liêu xiêu , vẹo
vọ, lẫn trong đống cỏ cao vút hai bên. Chị rẽ vào cái lối nhỏ ngay gần chỗ họ gặp nhau, không quên đánh ánh
mắt dò xét tới ngoại hình của người đàn ông cô vừa nói chuyện .
Theo chỉ dẫn, ông Hải đi về cuối ngõ. Bước chân ông dường như vội vã hơn, trống ngực ông đập dồn dập hơn.
Ông thấy hồi hộp đến khó thở, cái cảm xúc khi đứng trước một điều gì đáng quý mà đã để vuột mất từ lâu.
Đúng là ngôi nhà nhỏ được bao quanh bởi những bụi mây, cây cối che um tùm, khiến nó lại càng trở nên nhỏ
bé. Ông cẩn thận nhấc cái ngọn rào chếch sang một bên để lấy lối đi vào. Vì không có cổng nên chắc ông
Phong đã chặt ngọn tre và rào nó vào đó, chắc là để tránh gà hay chó nhà hàng xóm chạy qua- ông nghĩ thế.
Cái lối từ cổng vào nhà cũng là đường đất. Được cái gọn gàng và sạch sẽ, bởi thời còn trẻ ông Phong vốn là
người ngăn nắp. Ngôi nhà cũ kĩ với những cánh cửa gỗ- bị mọt ăn lỗ chỗ- khép hờ. Ông Hải đánh tiếng hai
câu :
-“Có ai ở nhà không ạ?”, nhưng không ai trả lời. Ông khẽ đẩy cửa bước vào bên trong. Bên ngoài sao thì trong
vậy, sơ sài, lạc hậu và nghèo nàn. Một bộ trường kỉ kê giữa nhà, một chiếc tủ chè khảm trai đặt bên cạnh, vừa
làm tủ vừa là nơi đặt bát nhang thờ mẹ ông Phong. Đầu tủ phía bên trái, một chiếc giường cũ chừng 1.5m.Trên
tường, một cái móc treo quần áo, với hai cái sơ mi đã ngả màu theo thời gian. Bên cạnh, có treo một bức ảnh đã
cũ, bức ảnh chụp hai người bọn họ- Hải và Phong- hồi còn trẻ, khi họ đã từng thân thiết như anh em một nhà.
Thay vì ra khu lò gạch tìm bạn như chị hàng xóm lúc nãy nhắc, ông Hải quyết định ngồi chờ ông Phong về.
Ông đi ra phía đầu hồi căn nhà, nơi có cái giếng bên cạnh giàn mướp xanh mướt, lốm đốm điểm những bông
hoa màu vàng. Thả cái gầu múc nước xuống giếng, ông chật vật kéo cái dây chạc để múc lên một gầu nước
trong vắt. Mỏi tay thật, vì cái giếng nó sâu hoắm do nước cạn. Thò tay vốc một vốc nước rửa mặt. Mát quá, cái
cảm giác vừa sảng khoái dễ chịu khi những giọt nước trong vắt và mát lịm được táp lên mặt ông, nó làm ông
gợi nhớ tới cái tuổi thơ theo cha mẹ về quê, đã từng cùng bọn trẻ trong xóm tranh nhau uống nước lã như thế
nào. Cứ một thằng cầm gầu nước đứng trên cao đổ xuống, bên dưới là năm sáu cái mồm đã há sẵn để hứng
được nhiều hơn. Rồi thì, những đêm hè oi ức không ngủ được, lục đục dậy dội nước tắm ùm ùm ra sao. Ông
nhớ lắm những kỉ niệm đó, bởi với một đứa trẻ thành phố thì những việc không tưởng ấy có khác gì sự trải
nghiệm và khám phá.
Nơi đây yên bình và tĩnh lặng quá, không gian bốn bề vắng ngắt, có thể nghe rõ tiếng những con chim sâu lích
chích trong vòm lá, tiếng những con gà mái nhà ai đang nhảy ổ cục tác, và tiếng gió thổi lá cây rụng trong vườn
xào xạc. Ngả lưng xuống cái chõng tre được kê dưới gốc cây vú sữa già, ông nhắm mắt để cảm nhận sự thư thái
mà bao lâu rồi ông chưa có được. Cả một kí ức của mấy mươi năm về trước bỗng chốc lại hiện rõ mồn một
trong suy nghĩ ông.
.....
2.
Phong là đứa con không có bố- là dân họ vẫn thường dè bỉu mẹ con nó như vậy, chứ không phải tự nhiên mà nó
lại có mặt được trên đời. Người mà lẽ ra có tên trong cái giấy khai sinh của nó, vốn là một ông phó bí thư thành
ủy. Mẹ nó, Hương- một cô thợ may trẻ người non dạ, rời quê ra thành phố làm ăn, đã vướng phải lưới tình oan
nghiệt của gã đàn ông trăng hoa và đã có vợ kia, để rồi yêu đến chết đi sống lại. Đến khi no xôi chán chè, anh ta
muốn chấm dứt với cô vì những lời dị nghị điều ra tiếng vào về mối quan hệ bất chính đó đã tới tai thường vụ,
tới những lãnh đạo cấp cao hơn, và tất nhiên, tới cả tai ông bố vợ quyền thế. Ông ta ra lệnh cho anh một tuần
phải giải quyết cho gọn chuyện đó, đừng để ảnh hưởng tới danh tiếng của gia đình nhà ông.. Vốn dĩ, một kẻ chó
chui gậm chạn, sống nhờ nhà vợ và bám dựa vào thanh thế nhà vợ như anh ta, luôn biết cân nhắc những được
mất của đời mình kĩ lắm. Mà cũng phải thôi, dù cô có xinh đẹp, dịu dàng và biết cách yêu chiều chăng nữa, anh
ta cũng không dám đánh đổi cái chức vụ mà anh ta phải mất bao công luồn cúi mới ngoi lên được , để ở bên cô
thợ may quê mùa và thiếu hiểu biết xã hội. Khi thấy những biểu hiện lạ ở cô, anh ta đoán cô có thai. Nhỡ cô ta
có con thật thì anh ta biết làm thế nào? Điều này lại càng như một quả bom dội vào bao rắc rối, khiến anh ta
càng lúng túng, làm sao để chia tay mà cô ấy không cảm thấy uất ức rồi làm um lên. Sau hai đêm liền trằn trọc,
anh ta đã lên kế hoạch cẩn thận, dàn dựng một vụ ngoại tình của cô ấy với một gã đàn ông khác, để rồi chính
anh ta bắt tại trận khiến cô không chối cãi được. Dĩ nhiên, anh ta phải bỏ kha khá tiền để thuê một gã giang hồ
nhập vai.
Mọi chuyện diễn ra y như dự tính. Cô người yêu hiền lành và ngây thơ kia, người đang chờ đợi từng ngày để có
một danh phận, người đang mang trong mình giọt máu mà chưa hề biết, đã rơi vào cái bẫy do chính người đàn
ông mình thương yêu nhất đã gài sẵn. Cô ra sức thanh minh mình vô tội, vì chính cô cũng không biết tại sao khi
cô tỉnh dậy, lại trần truồng nằm bên cạnh một người đàn ông lạ trong cái quán cắt may đó. Những sự van nài
khóc lóc của cô, càng khiến vở kịch của anh ta đi đúng hướng. Anh ta tỏ vẻ cáu giận, thất vọng, và hụt hẫng,
mất niềm tin về cô. Cô gái ngu ngốc đó, bước đường cùng đã nhảy sông tự vẫn để chứng minh mình trong sạch.
Được người dân cứu vớt, đưa vào viện, lúc ấy cô mới biết mình đã mang thai.
Dẫu có cảm thấy xấu hổ và ê chề, cô vẫn phải thú nhận sự thật với cha mẹ, nhưng không nói bất kì điều gì về
chủ nhân của cái thai đó. Bố mẹ cô chỉ biết nghe theo lời kể, đó là một tai nạn, mà con gái mình là nạn nhân vụ
cưỡng bức kia. Dù sao thì sự cũng đã rồi, những người nông dân chân lấm tay bùn như họ, chỉ biết chấp nhận vì
thương con, không nỡ bỏ đi đứa cháu duy nhất của mình. Cô thiếu nữ đáng thương ấy, làm mẹ khi vừa tròn 20.
Phong cứ lầm lũi mà lớn lên bên mẹ và ông bà ngoại, bên cạnh những dèm pha ác ý của dân làng. Bạn bè xa
lánh nó, nhiều thầy cô cứ hay xì xào về nó. Nó cũng buồn, nhiều lần còn dằn dỗi với mẹ. Nó căn vặn xem bố nó
là ai mà chẳng bao giờ mẹ nhắc tới. Mãi rồi nó thấy thương mẹ nhiều hơn, khi mấy lần bắt gặp mẹ khóc một
mình ngoài góc thềm lúc nửa đêm. Thêm những gì ông bà ngoại kể về hoàn cảnh ra đời của nó, nó từ đó không
một lần nhắc lại với mẹ chuyện cũ. Nó quyết tâm học và học rất giỏi. Trò đời kể cũng lạ, Nó càng đạt thành tích
cao, lại càng bị đám học sinh cá biệt bắt nạt, đánh đập và nhục mạ. Mẹ nó thấy không ổn, khi nó nghỉ hè lớp 6,
hai mẹ con đã quyết định vào nam sinh sống. Mẹ nó thuê một phòng trọ trong thành phố, ban ngày đi làm may
thuê ở xưởng cho người ta. Tối lại, phụ bán hàng ăn đêm kiếm thêm tiền cho con ăn học.
Trong này họ sống thật thoải mái, không dòm ngó đến nhân thân của nhau, không câu nệ chuyện Phong có bố
hay không, mẹ cậu ấy làm gì. Vì thế mà, dẫu có nghèo hơn các bạn, nó vẫn tự tin mà hòa nhập. Nó đã kết thúc
năm cuối cấp với thành tích xuất sắc trong kì thi Quốc gia, và được tuyển thẳng vào trường cấp 3 với suất học
bổng toàn phần. Thăng trầm cuộc đời nó, kể từ đó thực sự mới bắt đầu.

3.
- Thằng ranh, lột cái đồng hồ ra mau!
- Không được, chúng mày muốn tiền tao đã đưa. Nhưng riêng cái đồng hồ này thì cấm được động vào.
- Á à…mày dám đấu lại cơ à? Chúng mày…lột hết đồ nó ra..dạy cho nó bài học..
Hải, dù gồng mình chống trả những cú đấm của lũ thanh niên du côn, nhưng sức vóc yếu ớt của nó làm sao đỡ
được sự tấn công của chúng. Nó ngã sấp xuống đất, tay phải vẫn nắm chặt cổ tay trái, nơi nó đeo chiếc đồng hồ.
Ba thằng choai choai thi nhau đấm, đá vào người Hải. Một đứa đang cúi xuống để kéo cánh tay Hải ra, thì bỗng
dưng ăn trọn cú đá ngay vào ngực khiến nó bật ngửa ra phía sau.
- Chúng mày cậy đông, bắt nạt cậu ấy. Trấn đồ thôi chưa đủ hay sao mà còn đánh người?
- Mày là thằng nào? Xía vào làm gì? Hay cũng muốn ăn đòn?
- Mày có giỏi thì một đấu một? Tao thách đấy.
Mặt Phong đỏ rần lên, tay nắm chặt, đôi mắt đang long lên sòng sọc. Chắc có lẽ vì nó đã từng ở trong hoàn
cảnh bị chèn ép mãi rồi nên nó căm phẫn và cảm thấy bất bình. Thằng cầm đầu đám thanh niên cũng không
phải diện vừa. Nó giật phăng cúc áo, cởi trần ra hòng khoe những hình xăm ngổ ngáo nhằm uy hiếp tinh thần
đối phương. Nó bặm môi, giơ hai nắm đấm và nhằm thẳng mặt Phong lao tới. Nhanh như chớp, Phong né người
qua một bên khiến nó mất đà loạng choạng. Phong nhanh chân bồi thêm cho nó cú đá vào mạn sườn. Lũ đàn em
thấy thế, cùng hùa nhau tấn công Phong. Hải, do có người trợ giúp nên cũng tự tin mà lao vào chiến đấu. Hai
thằng đánh không lại được với cả đám. Chỉ đến khi có người lớn đi tới, chúng mới được giải vây.
Phong theo Hải về nhà cậu ấy lau rửa vết thương trên mặt, nhìn thấy một bộ sưu tập đồng hồ trên tủ của Hải,
cậu không khỏi thắc mắc:
- Cậu nhiều đồng hồ thế kia, sao không đưa cho chúng mà lại để chúng đánh như vậy.
- Duy nhất cái này tớ không thể cho. Đây là kỉ niệm của chú tớ. Chú mất rồi. Vì tai nạn, vì mẹ tớ...
Hải im bặt, Phong cũng không gặng hỏi thêm nữa dù trong lòng cậu rất tò mò. Chắc hẳn đó là cả một câu
chuyện đau lòng của cậu ấy, nên thôi hãy để nó ngủ yên đi, đừng khơi gợi lại làm gì mà khiến cậu ấy tổn
thương.
Sau cái đận vô tình cứu bạn đó, hai đứa bắt đầu chơi với nhau. Hóa ra cùng trường, cùng khối mà khác lớp. Gia
đình Hải giàu có lắm. Bố làm quan, mẹ thì bỏ nhà nước ra làm kinh doanh bên ngoài. Cậu ấy không thiếu thứ
gì, từ tiền bạc, đồ dùng, và thậm chí cả lái xe đưa đón. Cậu ấy cô đơn trong một biệt thự xa hoa, nơi thường
xuyên vắng sự quan tâm của bố và sự chăm sóc của mẹ. Họ cứ biền biệt tối ngày, phó mặc mọi chuyện cho kẻ
hầu người hạ. Cũng may, Hải ngoan ngoãn và học tốt, chứ không phải vì có tiền mà đua đòi sa ngã.
Khi biết Hải chủ động dẫn cậu bạn về nhà, mẹ Hải, bà Lan, cũng cho người tìm hiểu về Phong. Bà rất vui vì
con mình có bạn. Ít nhất thì bà đã tính đến chuyện thằng bé này có thể sẽ có ích cho gia đình bà, cho thằng con
trai lầm lũi, ít nói và đáng thương của bà. Mọi sự sẽ nằm trong tính toán sắp đặt.
Bà Lan chủ động bàn với chồng, sẽ giúp đỡ mẹ con Phong. Theo lời bà, thằng bé khá lễ phép, trông cũng sáng
sủa nhanh nhạy, nên ông Hoàn không có gì phản đối khi thấy vợ bàn sẽ tạo điều kiện cho mẹ con Phong. Vậy là
mẹ con Phong sẽ dọn về ở chung trong căn biệt thự của nhà Hải. Mẹ Phong sẽ thay bà Lan quản lý shop quần
áo. Cũng may, bà là người biết may vá, nên vừa bán quần áo cho khách, vừa có thể sửa lại theo ý khách muốn.
Tối lại, bà sẽ lo việc nhà, cơm nước dọn dẹp nhà cửa. Kể từ khi mẹ con Phong về ở đó, người giúp việc nghỉ
luôn. Mọi việc từ bếp núc đến chăm sóc Hải và chăm lo nhà cửa, một tay bà Hương quán xuyến hết. Bà cũng
chịu khó, bởi bà nghĩ, nhận ân huệ của họ thì cũng phải bỏ sức lao động ra. Coi như có đi có lại, người ta cho
mẹ con bà cơ hội sống đàng hoàng, thì bà cũng sẽ đáp đền xứng đáng. Hai đứa trẻ, càng ngày càng trở nên thân
nhau. Hải như trở thành con người khác, cởi mở hơn, hoạt bát hơn, biết cảm thông cho bố mẹ nhiều hơn. Ông
bà Hoàn Lan cũng vì thế mà an tâm, mãn nguyện.
....
Bỗng một ngày, năm cuối cấp lớp 10.
- Thưa hai bác, con muốn thưa chuyện này.
- Thì ăn cơm đi đã, có gì lát hẵng nói- Ông Hoàn gạt đi.
- Con với mẹ tính ra ngoài ở để bắt đầu một cuộc sống mới. Hai bác đã giúp đỡ mẹ con con nhiều rồi, cũng đến
lúc mẹ con con cần phải tự lập. Con thì sắp thi đại học, mà mẹ con thì không thể cứ ở vậy mãi được. Bà cũng
cần có người để nương tựa, gần gũi. Nhỡ sau này con đi học xa, con không nỡ để mẹ sống một mình. Con
mong hai bác cho phép...
Bà Lan vội ngưng đũa:
- Ơ cái thằng này, mày đi học thì mẹ mày vẫn sống với hai bác chứ có ở một mình đâu nào. Thôi không có tính
với toán gì hết, cứ ở đây đi, khi nào có người thương tao gả chồng cho. Mua nhà làm chi vừa tốn tiền, lại không
quen..
- Dạ không, mẹ con đã chủ động bàn với con rồi chứ ạ. Chắc mẹ đã có người để ý, nên muốn có cuộc sống
riêng tư, chứ con có chê gì nhà hai bác đâu. Được ở đây, được hai bác thương yêu như người nhà thì con hạnh
phúc lắm rồi.
Không khí bỗng nhiên trùng xuống, bởi tất cả mọi người đều bất ngờ và có chút bối rối. Bà Lan thì thoáng chút
ngỡ ngàng vì đề xuất đột ngột đó, nhưng rồi nghĩ lại, thằng bé nói có lý. Nó mới tí tuổi đầu mà già dặn quá. Bảo
sao mặt lúc nào cũng đăm chiêu suy nghĩ. Còn Hải, nó thấy buồn, và hụt hẫng, như kiểu sắp mất đi thứ gì. Ông
Hoàn im lặng không một phản ứng. Người bối rối nhất là mẹ của Phong, thật sự bà còn chưa hiểu con trai mình
nói gì, nhưng bà linh cảm được có chuyện không hay.
...
- Phong, con...
- Mẹ dọn đồ đi, trong tuần này chúng ta rời khỏi đây. Ban đầu mẹ tìm thuê lấy cái nhà trọ nào cũng được, rồi
mình tính tiếp. Con không sợ khó, sợ khổ. Con chỉ sợ cái tiếng có mẹ đi cướp chồng người khác thôi. Họ là ân
nhân của chúng ta. Mẹ yêu ai cũng được, mẹ gắn bó với ai cũng được, nhưng mẹ đừng phá vỡ hạnh phúc gia
đình người ta nữa. Đối với con, hai bác ấy và Hải còn gắn bó hơn ruột thịt.
Bà Hương bật khóc:
- Mẹ xin lỗi...mẹ không cố ý...
- Con biết mẹ không cố ý. Chúng ta có thể nghèo, nhưng đừng hèn mẹ ạ. Sai lầm của tuổi trẻ mẹ đã phải trả cái
giá quá đắt rồi. Con biết tất cả những chuyện quá khứ, nhưng chưa một lần con nhắc tới bởi con là con của mẹ.
Chúng ta sẽ làm lại từ đầu mẹ nhé. Rồi mẹ sẽ gặp được người phù hợp.
Phong quàng tay ôm lấy mẹ. Bà Hương lúc này còn cảm thấy tâm can đau nhói. Trong mắt bà, nó vẫn chỉ là
đứa trẻ, vậy mà những gì nó nói, nhẹ nhàng mà như dao cứa vào da thịt bà. Nó, giống một người đàn ông
trưởng thành hơn là một cậu học trò trung học.
Ông Hoàn nãy giờ đứng ngoài cửa nghe hết cả rồi. Ông lặng lẽ về phòng làm việc, ngồi đốt thuốc suốt một đêm
đó.
Ngày mẹ con Phong chuyển nhà, chắc có lẽ là ngày buồn nhất kể từ ngày họ biết nhau. Mỗi người mang một
tâm trạng, vừa như luyến tiếc, vừa hẫng hụt.
Hải đóng cửa nhốt mình trong phòng, cậu không muốn chứng kiến cảnh chia tay.
Ông Hoàn chỉ dặn dò vài câu xã giao.
Bà Lan thở phào trong lòng, bởi mối quan hệ giữa chồng và bà Hương bà đã phát hiện ra lâu nay, nhưng vì thể
diện, và vì thằng con trai nên bà chưa biết phải xử trí ra sao để không khiến nó ầm ĩ, thì may quá Phong lại chủ
động tách họ ra khỏi nhau.
Mẹ Phong khuôn mặt rầu rĩ, nói lời cảm ơn lí nhí rồi xách va ly lên. Bà thấy nuối tiếc, pha chút ân hận vì đã
không thể giữ mình.
Phong nở nụ cười hàm ơn, ôm lần lượt hai ân nhân của mẹ con mình. Cậu sải những bước chân thật dài ra phía
cổng, những giọt nước mắt bắt đầu lăn dài trên má. Cậu đã khóc, mà không thể lý giải nổi cảm xúc của mình
lúc này...
4.
Mẹ con Phong dọn ra ngoài ở đã lâu, họ vẫn giữ mối quan hệ bình thường với gia đình Hải. Tất nhiên không vồ
vập, không quá nhiệt tình, nhưng không hề hời hợt. Phong vẫn thường xuyên gặp Hải, thậm chí tình bạn của hai
đứa còn ngày một khăng khít. Bất kể vui buồn gì đều chia sẻ cùng nhau, chỉ duy nhất lí do thực sự vì sao dọn ra
ngoài thì Phong không hé răng nửa lời.
Bà Hương, vì nghĩ thương con, nên hoàn toàn cắt đứt với ông Hoàn- bố Hải. Bà cũng tự mở cho mình một cửa
hàng quần áo nhỏ để tránh phải giáp mặt ông ấy, bởi cái cửa hàng cũ nơi bà làm là thuộc quyền sở hữu của vợ
ông ấy. Dù nhiều lần ông cố tình tìm, bà cũng lảng tránh. Lâu dần, ông cũng không còn níu kéo nữa, bởi những
gì bà phân tích ông đều hiểu. Điều cơ bản, ông không muốn bà phải khổ sở thêm nữa.
Rồi hai đứa cùng vào Đại Học. Phong là đứa khá nhạy bén, nên chọn học Kinh tế. Còn Hải, cậu lại muốn học
Luật, vì cậu cảm thấy nó hợp với tính cách điềm đạm của mình hơn. Những buổi tụ tập của hai đứa thưa dần, vì
học 2 trường khác nhau, và thời gian rảnh Phong đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp mẹ để trang trải học hành. Hải
nhiều lần cho Phong tiền nhưng đều bị từ chối. Biết tính bạn, nên sau đấy giữa hai người tuyệt nhiên không
nhắc chuyện tiền bạc.
Một ngày, bà Hương bị tai nạn trên đường gần tới cửa hàng. Một chiếc xe tải vì tránh đứa bé con chạy ra đường
nhặt quả bóng, đã tông thẳng vào đít xe của bà, khiến bà ngã văng ra, đầu đập mạnh xuống đất. Người đi đường
cùng xúm lại, đưa bà vào viện. Khi ấy, đầu bà bê bết máu, cánh tay phải bị gãy rời ra, bà hoàn toàn trong trạng
thái bất tỉnh. Những người bán hàng quanh đó đều biết mẹ con bà. Họ vội vàng thông báo tới trường của Phong
để nhờ các thầy cô báo cho Phong vào viện gấp. Phong hớt hải chạy vụt ra cổng, thì vô tình gặp Hải tới tìm
mình. Nhìn khuôn mặt thất thần và tái nhợt của Phong, Hải sốt sắng hỏi dồn dập nhiều câu khiến Phong rối bời.
Hải vội vã chở bạn tới viện. Ngồi đằng sau, cậu sinh viên Kinh tế vốn cứng cỏi và chững chạc trong nhiều tình
huống, lại trở nên yếu đuối, rưng rức khóc sau lưng bạn.
- Ai là người nhà của bệnh nhân Hương?
- Là cháu. Mẹ cháu sao rồi cô?
- Chúng tôi đã cầm được máu, tuy nhiên bà ấy do va đập nên chấn thương khá nặng ở đầu, cần tiến hành mổ
gấp để loại bỏ máu tụ trong não.
- Vâng, xin bác sỹ hãy cứu mẹ cháu.
- Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, nhưng có một vấn đề lớn ở đây. Bà ấy thuộc nhóm máu hiếm, O Rh-, mà hiện
tại trong viện không có máu để truyền. Nếu tiến hành phẫu thuật thì không được, nên chúng tôi đang liên hệ các
bệnh viện lân cận. Hi vọng bà ấy sẽ may mắn.
- Bác sĩ lấy máu của cháu đi. Cháu cũng cùng nhóm máu với cô ấy- Hải vừa nói vừa đứng bật dậy.
Trong khi Phong còn đang bối rối chưa biết làm thế nào, cậu cũng chưa tin được những gì Hải nói, thì cô y tá
đã đưa Hải vào thay đồ, sát khuẩn, lấy mẫu máu kiểm tra cho chính xác rồi chuyển cậu vào cùng phòng phẫu
thuật.
Hơn ba tiếng ngồi chờ bên ngoài, đối với Phong nó dài hơn quãng thời gian mẹ con cậu vào đây. Thấp thỏm,
bồn chồn, run sợ.Trong cái lúc bối rối nhất này, chỉ có duy nhất Hải là người bên cạnh mẹ con cậu. Hai bàn tay
cậu vặn vào nhau như muốn đứt rời từng ngón, cậu đi đi lại lại ngoài hành lang phòn hg cấp cứu, liên tục đánh
mắt về anh gặp mẹ cháu đi.
- Cậu cứ bình tĩnh. Chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo với cậu là mẹ cậu đã không thể qua khỏi. Do vết
thương khá nặng, và do tiền sử bệnh tim khiến bà ấy không chịu được, nên đã qua đời. Thành thật chia buồn
cùng cậu.
Phong trợn tròn mắt, không tin vào tai mình.
- Không…..Tôi không tin. Ông vừa nói cái gì? Sao mẹ tôi lại chết được? chẳng phải nãy các người nói chỉ cần
phẫu thuật lấy máu tụ là được hay sao?
Phong như gào lên vào mặt người đang đứng trước mặt mình. Tay anh túm chặt cổ áo ông ấy, khiến mấy nhân
viên bảo vệ phải chạy tới lôi anh ra bên ngoài. Vị bác sỹ cảm thấy rất tiếc cho cậu, ông ta nhìn Phong đang ngồi
thụp xuống đất khóc lóc thảm thiết, lòng đầy thương cảm.
Bố mẹ Hải lo hậu sự cho bà Hương chu đáo. Những ngày đó, Hải luôn im lặng bên cạnh Phong. Cái khoảnh
khắc nhìn Phong ôm lọ tro cốt của mẹ ra khỏi nhà hỏa táng, Hải như thắt từng khúc ruột. Phong không ăn,
không ngủ. Mắt cứ nhìn trân trân di ảnh mẹ. “Sao đời mẹ lại khổ đến vậy? Sao mình còn chưa kịp đền đáp được
mẹ công lao dưỡng dục, chưa cho mẹ được hưởng vinh hoa phú quý mà mẹ đã vội vàng lìa xa cõi đời này rồi?”
- Cháu định thế nào? Sao không để hai bác chôn cất mẹ cháu ở nghĩa trang?
- Cháu muốn đưa mẹ về quê. Ông bà ngoại cháu còn chưa biết chuyện gì. Cháu muốn đưa mẹ về nơi mẹ cháu
được sinh ra.
- Vậy cũng được. cháu chuẩn bị những thứ cần thiết đi. Bác sẽ cho người đưa cháu và Hải cùng về.
- Vâng cháu cảm ơn hai bác.
Phong buồn bã trả lời, và ngồi im để ông Hoàn ôm vào lòng. Mọi ngày cậu luôn phải tránh trực diện với bác ấy,
nhưng hôm nay, sao cái ôm của bác ấy nó làm cậu cảm thấy được an ủi nhiều đến vậy. Hải cũng ngồi cạnh bên,
tay nắm chặt lấy vai bạn. Trong những giờ khắc khó khăn của Phong, Hải như một điểm tựa vũng chắc vậy.
Thu dọn lại kỉ vật của mẹ để xếp vào vali, Phong phát hiện ra một tấm ảnh chụp mẹ cậu và một người đàn ông
nào đó được kẹp trong một cuốn sổ tay giấy đã ngả màu. Lật phía sau, dòng chữ “Nguyễn Hoàng Lâm” được
viết một cách nắn nót, dù màu mực đã nhòe vì thời gian. Một phong bì thư không ghi tên người nhận. Phong
hồi hộp mở ra đọc. Là lá thư rất dài, mẹ anh viết cho người đàn ông tên Lâm kia, nội dung mẹ thanh minh vì
hiểu lầm giữa hai người, và mẹ khẳng định cái thai trong bụng là con ông ấy. Nghe lời lẽ, thì có vẻ mẹ rất khổ
tâm giải thích mà người đó không tin. Và cái thai, chính là Phong-người đang ngồi đây xếp gọn kỉ vật và tro cốt
của mẹ đây sao? Phong đau đớn quá. Tay cậu run rẩy, nước mắt không ngừng chảy. Cậu càng thấy thương mẹ
nhiều hơn, và bỗng dưng thấy căm hận con người kia dù cậu chưa từng biết tới. Trong đống đồ cũ, còn có chiếc
vòng tay bằng bạc, được khắc hai chữ cái L-H. Lúc ấy, trong đầu cậu lóe lên ý định, đưa mẹ về quê, rồi gặp ông
ta để trả lại đống đồ kia. Để xem trước mắt cậu, ông ta- người lẽ ra cậu gọi bằng bố- hiện hữu trước mắt cậu
bằng xương bằng thịt như thế nào.
Ngay hôm sau, Phong đưa mẹ về quê trên chiếc xe con của gia đình Hải, cùng với cậu bạn thân duy nhất của
mình.
...
5.
Chuyến hành trình về quê cũng diễn ra suôn sẻ. Suốt cả chặng đường đi, Phong chỉ nói vài câu đáp lời Hải. Cậu
muốn yên tĩnh để suy nghĩ xem nên nói gì khi gặp ông Lâm. Hải thấy bạn im lặng thì nghĩ do đau buồn và bị cú
shock lớn nên Phong tạm thời thay đổi tính nết.
Ông bà ngoại Phong biết con gái qua đời, họ đau nghẹn lòng. Bà ngoại cậu cứ ôm khư khư lọ tro cốt, khóc
những tiếng ai oán. Còn ông thì bỏ vào buồng nằm, không ăn uống gì, sau hai ngày đã sốt mê man.
Phong cùng anh em họ hàng chôn cất mẹ xong, cậu lần theo những manh mối trong thư của mẹ. Cũng chẳng
khó khăn gì để tìm được ông ta, vì giờ cái tên Nguyễn Hoàng Lâm đã quá nổi tiếng trên cái ghế phó chủ tịch
Tỉnh. Nhưng làm sao để tiếp cận ông ta đây, vì đâu dễ gì mà muốn gặp là gặp.
Phong lân la cổng bảo vệ của trụ sở ủy ban để tìm hiểu giờ giấc đi về của ông ta. Mấy ngày liền cứ đi như thế,
khiến Hải thắc mắc vì sao. Phong đành phải nói thật với Hải, vừa để chia sẻ và cũng xem Hải có cách gì giúp
mình không.
Hải đưa cho Phong một số tiền và bảo:
- Cậu mang tiền này giúi cho bảo vệ, nhờ anh ta cho cậu vào trong tìm phòng làm việc của ông ta.
- Nhỡ anh ta không nhận thì sao?
- Cậu cứ thử đi, nếu không được sẽ tính cách khác. Giả sử anh ta có cho cậu vào, nếu bị chỉ trích cũng chỉ cần
giải thích trong lúc sơ ý này kia, cậu lẻn vào là xong.
Làm theo gợi ý của bạn, Phong đã vào được bên trong trụ sở ủy ban Tỉnh. Theo chỉ dẫn của bảo vệ, phòng ông
ta nằm ở tầng 3 dãy nhà phía sau. Phong hồi hộp từng bước chân, đi mà như chạy vì sợ không kịp gặp. Đưa tay
lên gõ cửa, mà tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Cậu đẩy cửa bước vào khi có tiếng phản hồi. Người ngồi
trước mặt cậu với cái biển Phó chủ tịch, trông thật to béo phốp pháp. So với người trong bức hình cậu đang
cầm, tuy già và béo hơn, nhưng nét mặt không mấy khác. Ông ta nhìn cậu hỏi:
- Cậu là ai, và tìm tôi có việc gì?
Phong hít một hơi thật sâu, tiến lại gần hơn nơi ông ta ngồi, mắt nhìn thẳng không hề chớp dù trong lòng vẫn
đang rất hồi hộp.
- Tôi đến để trả ông mấy thứ này.
Ông Lâm tròn mắt nhìn Phong. Có nét giật mình thoáng qua trên khuôn mặt ông. Phong nhìn chằm chằm vào
mắt ông ta, để xem mọi phản ứng dù là nhỏ nhất, khi lần đầu ông ta chạm trán thằng con hoang này. Một chút
hồ nghi, ông ta lần mở chiếc hộp. Chẳng cần đọc những gì trong tờ giấy kia, thì nhìn tấm ảnh và chiếc vòng tay
ông cũng đoán được là của ai. Thoáng chút bối rối, ông ta cố lấy lại điềm tĩnh, hất hàm nhìn Phong dò xét.
- Cậu đưa cho tôi những cái này với mục đích gì?
- Tôi trả lại ông, vì ông mới thực sự là chủ nhân của nó.
- Cậu tự nhiên xuất hiện trước mắt tôi với cái đống vớ vẩn này, biết đâu cậu cũng ăn cắp từ ai mà tới đây định
vòi vĩnh tôi chăng? Cậu nhầm người rồi đấy.
- Chỉ có mẹ tôi nhìn nhầm người, chứ tôi thì không đâu.
Ông Lâm như bị ai nói trúng tim đen, chạm vào cái điều bí mật sâu kín mà ông cất giấu bao lâu nay.
- Cậu...
- Phải, tôi là con của người chụp ảnh cùng ông kia, một đứa con ngoài giá thú. Nhưng tôi đến tìm ông không
phải để nhận cha, càng không muốn liên quan gì tới ông cả. Tôi chỉ muốn trả lại những gì mẹ tôi chưa kịp trả
cho ông trước khi mất mà thôi.
- Tôi...
- Ông không cần phải giải thích gì cả. Tôi và ông không có quan hệ gì hết. Ông chưa một lần xứng đáng để tôi
gọi bằng Bố. Tôi gặp ông lần đầu, và cũng là lần cuối ông xuất hiện trong cuộc đời tôi. Mẹ tôi thật bất hạnh khi
quen một người vô liêm sỉ như ông.
Chẳng kịp để ông ta nói thêm câu gì, Phong bước nhanh ra khỏi đó.
Còn lại một mình ông Lâm, tay đang vịn vào góc bàn, hoang mang, bối rối.
HẾT .

You might also like