You are on page 1of 9

Điều ảnh hưởng lớn tới “Hiếu Đạo” ở Việt Nam?

Nguyễn Trọng Bình

Thưa quý ông bà anh chị em trong các gia đình Cơ Đốc kính mến, chắc
chắn mỗi một chúng ta đều đã từng là những người con và “sẽ” tiếp tục là
những người “con” vì hết thảy chúng ta dù già hay trẻ, hết thảy đều là
“con” yêu dấu của Chúa. Do đó khi nhắc tới chữ Hiếu (孝) là chúng ta đang
nhắc đến một “đường lối yêu kính thiêng liêng” cho mối quan hệ thiêng
liêng. Đó là mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời được biểu hiện
qua tình yêu với Ngài, với người, với quê hương, với môi sinh. Với cha mẹ
thân sinh mình, với anh chị em trong gia đình mình. Những điều này được
tổng hợp và thể hiện qua điều răn vĩ đại mà Chúa Giê-xu đã nhắc đến [1].

Theo đạo đức truyền thống, Hiếu được hiểu “ là mối quan hệ cha trên, con
dưới; suy rộng ra là đạo nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ
tiên.”[2] là sự tỏ lòng biết ơn, yêu kính cha mẹ lúc cha mẹ còn sống cũng
như khi cha mẹ qua đời và sống thành kính có trách nhiệm với tổ tông của
mình, đối với những Cơ Đốc nhân thì đã có luật về “Hiếu Đạo”, đây là điều
cần thi hành và phát huy để lời Chúa đi vào lòng dân tộc. Vấn đề đặt ra là
không phải là con cháu không muốn làm NHƯNG điều gì đang ảnh hưởng
tới sự hiếu đạo của con cháu nếu không phải là những “mối quan hệ”, môi
trường, luân lý cũ? Có phải sự ảnh hưởng tới hiếu đạo hoàn toàn là do lỗi
từ con cái hay không? Bài viết đề cập đến vấn đề này trên góc nhìn hạn
hẹp của những người làm con, những thanh thiếu niên và gói gọn trong
mối quan hệ cha mẹ và con cái. Hiện nay, hầu hết các bài viết về Hiếu mà
chúng ta được đọc thường bỏ qua về “những điều ảnh hưởng tới đạo Hiếu”
nhưng lại đã đưa ra đề xuất cho việc thực hành hiếu đạo? Vì vậy đã dẫn
đến một sự cống hiến giáo dục Cơ Đốc thực hành không trọn vẹn.

Trước sự thay đổi về Hiếu Đạo ở Việt Nam, TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, Phó Viện trưởng
Viện Công nghệ giáo dục từng khẳng định “ta vẫn phải đứng trên nền của
giá trị chữ Hiếu xưa của Nho giáo .“[3]. Trong cách sách của Nho giáo, nội
dung về Hiếu được đề cập chủ yếu ở sách Hiếu Kinh. Hiếu Kinh lại được
các nhà Nho Việt Nam thời xưa đưa vào dạy trong các lớp học chữ Hán [4]
để dạy cho con cháu về hiếu đạo. Cùng với đó, Việt Nam ghi nhận thêm
cuốn sách chép về gương 24 người con hiếu thảo ở Trung Quốc (Nhị Thập
Tứ Hiếu) do Lý Văn Phức (1785-1849) [5] tổng hợp để dạy dỗ. Đối với
sách Hiếu Kinh, ngay chương “Khai tôn minh nghĩa” đã có câu: “ Bắt đầu là
thờ phụng cha mẹ, rồi đến thờ vua, cuối cùng lập thân ” [6]; Đến những
chương tiếp theo hiếu đạo được dạy cẩn thận cho từng lớp người. Những
người ở địa vị khác nhau thì việc thực hành hiếu đạo cũng khác nhau như:
hiếu của Thiên tử, Chư hầu, Khanh đại phu, Sĩ, Thứ dân… “ Dùng đạo của
Trời, phân chia lợi của đất, giữ gìn thân thể tiết kiệm chi dùng để nuôi
dưỡng cha mẹ, đó là hiếu của người bình thường ”[7]. Với Nho giáo thì đất
nước ta chịu ảnh hưởng bởi luân lý Khổng Mạnh và Hán nho. Vì vậy, cái
nào ảnh hưởng tới nước ta nhiều hơn, cái đó sẻ ảnh hưởng tới “hiếu đạo”
của cả một thế hệ.

“Cây Đại Nho Việt” Phan Khôi khẳng định rằng : “Cái yếu mục của luân lý
ta, ấy là cang thường, tức tam cang ngũ thường; hoặc luân thường, tức
ngũ luân và ngũ thường ấy. Tam cang hay ngũ luân, là nói về nhân cách
của luân lý; còn ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, là nói về cái hằng
đức của nhân cách.” và “trong xã hội ta trọng tam cang (miền Nam đọc là
Cang) hơn là ngũ luân”[8]. Phan Khôi bày tỏ Ngũ luân có từ thời thượng 
cổ, sau này được Khổng Mạnh thuật lại, đề xướng. Còn Tam Cương mới có
từ nhà Hán,  không ra bởi Khổng Mạnh mà ra từ Hán nho và được chép
trong sách Bạch hổ thông mô tả mối quan hệ “một chiều”: “ Quân vi thần
cang, phụ vi tử cang, phu vi thê cang,.. Cang nghĩa là cái giềng lưới,… vua,
cha, chồng như cái giềng lưới; còn tôi, con, vợ thì như những cái mắt lưới.
Cái giềng cứ ràng buộc lấy những cái mắt, và những cái mắt cứ phải ở
trong cái giềng. Nói vua, cha, chồng là cái giềng của tôi, con, vợ, ấy là tỏ
ra rằng ba đấng người sau đó chỉ có nghĩa vụ phục tùng mà thôi, chớ
không có tự do mà không có nghĩa vụ gì cả. ”[9] Vậy, thật đáng tiếc khi
nước ta bị ảnh hưởng bởi thuyết Tam Cương. Vì với Ngũ luân lại mô tả về
mối quan hệ “hai chiều” trọn vẹn: vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn
bè. “Ngũ là năm, luân là đấng bậc; ngũ luân là một cái tổng cương trong
luân lý, như là cái giấy giao kèo để buộc năm đấng bậc ấy phải ở với
nhau… hầu cho hết bổn phận mình.”[10] Tại sách Luận ngữ, sách Đại học,
sách Mạnh Tử, Phan Khôi không thấy Khổng Mạnh nói một lời nào nâng
người làm vua, cha và dìm người làm tôi, con, vợ xuống. Nhưng vua phải
đạo làm vua, tôi phải đạo làm tôi, cha phải đạo làm cha, con phải đạo làm
con, chồng phải đạo làm chồng, vợ phải đạo làm vợ, anh em phải đạo anh
em, bạn bè phải đạo bạn bè. Mỗi bên cần phải đối xử tử tế, tôn trọng,
không thiên vị, hạ thấp bên nào, thậm chí: “ … khi người làm vua làm cha
không hết bổn phận mình, bầy tôi và con cái có quyền được xét nét .”[11]
hoặc như chương Giản Tránh trong Hiếu Kinh chép về bổn phận làm con
khi thấy cha mẹ mắc lỗi lầm: “chẳng suy cho hết mọi tình, theo cha nào
phải là mình hiếu đâu”.

Đến đây chúng ta cần khẳng định thuyết Tam Cương được đề ra không
phải vì lợi ích cho các gia đình mà được đề ra để tạo “nghĩa vụ phục tùng”
cho bậc dưới, để dìm, chà đạp bậc dưới. Bậc dưới hoàn toàn phải “nô lệ”,
vâng phục, phải “Hiếu” cho dù các bậc trên có cư xử thiếu tôn trọng, thiếu
tình thương hay làm điều sai trái,… và cuối cùng “bậc” cao nhất là “vua” sẽ
hưởng lợi, đây chính là chiêu lợi dụng chữ “Hiếu” để “Trị” thiên hạ thông
qua gia đình: “một ông vua đè đầu cả nhân dân trong nước còn hơi khó,
chi bằng thả quyền cho những kẻ làm cha làm chồng đè giùm với mình, rồi
mình đè lên trên hết, thì tự nhiên chúng nó chết cả bè với nhau, không
cựa quậy được.”[12]. Cũng chính vì vậy để tiện cai trị mà Tam Cương bắt
các gia đình phải ở chung một nhà, nếu con cái ở riêng sẽ bị chỉ trích vì bất
hiếu. Chúng ta không khỏi đau xót vì một ngàn năm Bắc thuộc, giặc
phương Bắc đã thâm độc “cài” nạn Tam Cương vào nước ta và tạo ra một
chế độ gia đình khắt khe, ”gia trưởng”, độc đoán, hậu quả mà nó để lại
thật khó lường và đều ảnh hưởng tới “hiếu đạo” của con cháu: Nó làm
hỏng cả một thế hệ, làm “chết” mối quan hệ vợ chồng, phân biệt con
trưởng, con thứ, con trai, con gái, tạo tư tưởng “năm thê bảy thiếp” cho
các ông chồng dễ bề ngoại tình. Tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con
cái. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Trái với ý kiến của cha mẹ là bất hiếu,
chúng ta vẫn còn nhớ về một Hoàng Văn Thụ đã phải “Đoạn Tuyệt” dứt
tình Tiểu Hiếu sang Đại Hiếu khi không thể khuyên cha mình: “ Thôi từ nay
hai chữ cương thường, Con giữ trọn để thờ chung đất nước “[13]. Ngoài ra,
Tam Cương tập trung quyền cho “gia trưởng” nên xảy ra nạn bạo hành
trong gia đình: chồng đánh vợ con, cha mẹ mắng nhiếc, ức hiếp con cái
tàn bạo. Nạn cư xử “một chiều” của Tam Cương đã lên đến đến tột đỉnh:
“Vua khiến tôi chết, tôi không chết là tôi chẳng trung. Cha khiến con chết,
mà con không chết là con chẳng hiếu ” [14]. Bởi ảnh hưởng của nó, mà chữ
“Hiếu” đã bị nhìn lệch lạc. Những mỹ nữ như Hồng Hà, Mỹ Xuân, Thiên
Kim, Kim Tính, Yến Vi… vì muốn báo Hiếu,  giúp đỡ gia đình và những
người khó khăn các người đẹp đã chọn con đường bán dâm cho các đại gia
và… vào tù.
Với sách Hiếu Kinh cũng đồng tư tưởng “Hiếu Trị” vì “tuyệt đại bộ phận
chương tiết không phải nói đến “thờ cha mẹ” mà chính là nói đến ‘thờ vua’.
[15], điều này đã khởi xướng vua thành cha thiên hạ. Kinh Thư nói rằng:
“Hiếu ư! chỉ có hiếu thuận cha mẹ, thương yêu anh em, thi hành phong
thái đó ở chính trị”. [16] Vậy chúng ta thấy rằng cả:  Khổng Mạnh và Hán
nho đều chủ trương “Hiếu Trị”, nhưng luân lý  Khổng Mạnh thì bị cái Tam
Cương biến hóa. Cho dù đặt cái Tam Cương lên Ngũ Luân hay cái Ngũ
Luân lên Tam Cương thì cũng không thể thay đổi bởi cuối cùng thì cái
Cương vua tôi vẫn phải được thiết lập. Vì thế, không chỉ nhân, nghĩa, lễ,
trí, tín hay “Hiếu”,… mà ngay cả Lời Chúa nếu bị đặt ngược vào nền Tam
Cương này thì cũng làm hỏng cả nền giáo dục Cơ Đốc. Chưa kể cái luân lý
Khổng Mạnh đã lỗi thời:?tội không có người nối dõi là tội bất hiếu [17],
Hòa Thượng Thích Thanh Vân trả lời: “không phải có con cái mới là có
hiếu. Chữ Hiếu ở đây là chăm lo cho cha mẹ được an vui, hướng cho cha
mẹ có cuộc sống thánh thiện.” [18], luân lý Khổng Mạnh cũng gần như chỉ
tồn tại trong sách vở đến nỗi Trung Quốc đã phải “luật hóa” chữ Hiếu.
Chúng ta có thể phải học tập từ luân lý Khổng Mạnh trong sự Hiếu đạo để
đưa lời Chúa vào trong lòng dân tộc NHƯNG rõ ràng cần phải khẳng định
“luân lý” là cái “thay đổi”. Vậy với một cái ở trong thể “dịch” như Nho giáo
thì không thể lấy nó làm “chuẩn mực” được. Chúng ta cần phải sử dụng
một tiêu chuẩn “bất dịch” qua các thời kỳ, phải đảm bảo được sự sâu sắc
trong các mối quan hệ. Phật giáo nhấn mạnh về chữ hiếu và khẳng định có
hai loại người không thể trả ơn là cha mẹ (Tăng Chi I, 75), nhưng lại bỏ đi
mối quan hệ với Thượng Đế, vì vậy Hiếu của Phật Giáo không trọn vẹn nên
tiêu chuẩn cho con cháu chúng ta là Kinh Thánh, lời của Đức Chúa Trời.
Qua hàng ngàn năm nay, lời Chúa vẫn y nguyên, nếu mọi điều đều quy
chiếu vào Kinh Thánh, đặt trên nền Kinh Thánh thì khác hoàn toàn. Bởi
ngay lập tức vua sẽ phải “Hiếu” với Chúa và biểu hiện bằng tình thương vô
điều kiện với tất cả mọi người, cũng như vậy tất cả các mối quan hệ đều
phải dẫn tới sự vâng phục Chúa và tôn trọng, phục vụ lẫn nhau trong tình
yêu của Chúa.

Hình mô tả chữ giáp cốt về Hiếu ( 孝 ) ở đầu bài theo từ điển [19] cho
chúng ta thấy ngay về một mối quan hệ tốt: Một đứa bé với vẻ mặt “vui
vẻ” cõng một người già, người gia đang “xoa đầu” đứa trẻ và cùng đi trên
đường. Biết ơn đến công ơn sinh thành của cha mẹ, còn nhỏ thì cha mẹ,
người lớn tuổi cõng mình, lớn lên thì cõng lấy cha mẹ, kính trọng những
người lớn tuổi. Vậy chắc chắn mối quan hệ ấm cúng này không phải là:
người già được cõng trên lưng muốn sống thế nào thì sống, hay vừa được
cõng vừa ức hiếp đứa bé còn nhiệm vụ của đứa bé này là phải cõng… một
sự thực hành không trọn vẹn khi con cháu “sợ” cha mẹ đến nỗi không dám
đến “gần” để báo hiếu. Vì mối quan hệ cha mẹ với con cái rất quan trọng
mối quan hệ tốt chính là “mối quan hệ đẹp lòng Đức Chúa Trời” không
theo tiêu chuẩn của con người. Hãy tự hỏi: “Chúa ơi, liệu Chúa có đẹp lòng
về cách sống của con trong ngày hôm nay không?”.  Nếu chúng ta thường
xuyên củng cố mối quan hệ với Chúa thì chắc chắn mối quan hệ với Chúa
và với mọi người sẽ tốt đẹp, sẽ là tấm gương trong gia đình. Các bậc làm
cha làm mẹ cần phải hiểu con mình. Vì khi những đứa con còn nhỏ chúng
sẽ luôn bắt chiếc những gì mà bố mẹ chúng làm và con cái có thể xem nhẹ
và gần như bỏ qua những lời quát tháo, chúng sẵn sàng vâng phục cha
mẹ. Nhưng bắt đầu từ tuổi thiếu niên thì khác, đây là lứa tuổi của “sự thay
đổi” mà Chúa dựng nên để khiến chúng từ con trẻ thành người lớn. Nếu
cha mẹ không hiểu và quan tâm sâu sắc về sự thay đổi của chúng thì đây
sẽ là bắt đầu cho sự rạn nứt mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Trong cuốn “Tìm hiểu lứa tuổi thiếu niên”,[20] cô Minh Nguyên đã liệt kê,
phân tích những sự thay đổi trong giai đoạn của lứa tuổi thiếu niên về: thể
xác, tâm lý, tình cảm, suy nghĩ, cách làm việc, cách xử sự và sự thay đổi
mà “Chúa đặt để” này, kéo dài khoảng từ năm 12 đến 20 tuổi, và hầu hết
nó đều khiến Cha mẹ bực tức nếu không hiểu chúng. Chỉ với việc thay đổi
thể xác đã khiến các em buồn, lừ đừ, mệt mỏi, lười biếng dù chúng cao to,
nhưng nếu hiểu chúng thì chúng ta sẽ biết sức lực của các em đều dồn cho
việc tăng trưởng nên chúng mới như vậy và chúng rất vụng về vì chân tay
dài cách đột ngột, lóng ngóng hay làm hỏng việc và rất hay quên. Chính
chúng cũng không muốn như vậy nhưng đó là do sự thay đổi mà chúng
phải trải qua còn các bậc cha mẹ thường… quát, la mắng… Những sự thay
đổi khác: tâm lý, tình cảm, mối quan hệ… khiến các em muốn tự do, được
tôn trọng, không muốn gần bên cha mẹ, cần bạn bè hơn, thích có những
thì giờ riêng tư, giữ kín bí mật với bố mẹ, các em bỗng tự nhiên thờ ơ, lãnh
đạm, mặc cảm, lo lắng, sợ hãi, vui thái quá, căng thẳng, không thích đi
nhóm, không muốn nghe lời khuyên của cha mẹ… các em cũng chẳng biết
vì sao các em lại thế, các em bắt đầu biết quan sát và nhận xét đời sống
của cha mẹ, nếu cha mẹ không “sống đạo” thì các em sẽ nản lòng, mất
niềm tin, không không vâng theo lời cha mẹ dạy bảo… Khi các bậc phụ
huynh phản ứng bằng cách tức giận và sửa dạy cách gắt gao thì các em lại
càng căng thẳng với bố mẹ hơn. Các trường hợp xấu xảy đến như các em
xa lánh bố mẹ, bỏ học, sa vào tệ nạn, bỏ nhà đi bụi, trộm cắp, tự tử…
Trong bài chia sẻ về “Những ảnh hưởng của cha mẹ trên đời sống con cái”,
diễn giả Minh Nguyện đã liệt kê 9 nhóm người ảnh hưởng tiêu cực trên đời
sống con cái và đa số các bậc phụ huynh đều nằm trong những nhóm này,
đặc biệt là nhóm quá khắt khe và quá lơi lỏng với con cái.

Mối quan hệ giữa cha mẹ với nhau cũng ảnh hưởng tới rất nhiều tới con
cái, sẽ rất khổ cho con cái khi chứng kiến cảnh bố mẹ xung đột, ly thân, ly
dị, ngoại tình… Ngày nay, chính nhiều bậc phụ huynh không dám lấy chính
mình để làm gương cho con cái trong sự tin kính và thường nhờ nhà
trường, Hội thánh dạy dỗ con cái về hiếu khi chúng đã “bất hiếu”. Do vậy
điều quan trọng là phục hồi mối quan hệ trong gia đình, với con, để xích lại
gần với con cái. Chúng ta phải hiểu rằng sẽ không có những người con
hoàn hảo và cũng không có những người cha mẹ hoàn hảo. Nên
cha mẹ và con cái cần phải trò chuyện được, thì mới có thể hiểu những
ước muốn của nhau. Nếu cha mẹ và con cái không nói chuyện được cùng
nhau thì chúng ta không nên nhắc đến chữ “Hiếu” làm gì nữa vì mọi hành
động về hiếu sẽ trở nên vô nghĩa. Như vậy, không gì hơn là sự quan tâm,
không gì hơn là chính tấm gương, sự khiêm nhường của bố mẹ, lắng nghe
con cái mình bộc bạch, khi cha mẹ nhận lỗi nhìn ra khuyết điểm và sửa
chữa, con cái sẽ vâng phục, gần gũi, yêu thương và giúp đỡ bố mẹ mình
hơn nữa.

Cha mẹ phải là nơi mà con cái có thể chạy đến để tâm tình, thổ lộ được.
Gia đình cần  ôm chặt lấy nhau bởi Tình yêu vô điều kiện, vì “Tình yêu
thương hay nhịn nhục, nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng
khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng
kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều
không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ
mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. Tình yêu thương
chẳng hề hư mất bao giờ.” (I Cô-rinh-tô 13:4-8). Hãy yêu kính Chúa và yêu
thương nhau như Chúa Giê-xu đã yêu chúng ta. Đời sống kính sợ Chúa nếu
đầy dẫy trên cả cha mẹ, con cái, thì dù gia đình bị đặt vào môi trường nào
cũng giữ vững được bản chất đạo đức Cơ Đốc. Lời Chúa trong Cô-lô-se 3:
18 – 4: 1, cho chúng ta về cách đối xử trong gia đình để duy trì mối quan
hệ tốt với nhau. Chắc chắn con cái không phải không biết đến điều răn
“Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi…” (Xuất 20:12) Nhưng Cha mẹ cần cũng cần
biết “Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng
chăng.” (Cô-lô-se 3: 21). Lời Chúa dạy chúng ta phải tôn trọng nhau: “Hãy
khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình.” (Phi-líp 2:3b).
Chúng ta rất dễ tôn trọng những người chủ, sếp, những người lãnh đạo
trong Hội Thánh của mình nhưng chúng ta cũng cực kỳ dễ coi thường bố,
mẹ, con cái của mình? Chính người thân thiết nhất của chúng ta thì chúng
ta lại dễ xem thường nhất NHƯNG cũng chính những người thân của chúng
ta lại là những người kiểm nghiệm đời sống tin kính của chúng ta và chúng
ta sẽ không thể cãi lại họ. Càng những người “thuộc linh cao”, càng những
người có học thức lại càng dễ xem thường người khác, càng dễ coi thường
con cái mình. Một người cha, mẹ kiêu căng, ngang bướng thì chắc chắn
sẽ    phá hại mối quan hệ và làm nản lòng con cái. Dr. Gene A. Getz từng
nói rằng: “Tôi thật ngạc nhiên khi thấy chúng ta thường đòi hỏi con cái
chịu đựng những nhược điểm và cách cư xử thiếu chín chắn của chúng ta
nhiều hơn là chúng ta chịu đựng cách ứng xử tương tự của người khác đối
với chúng ta hoặc nhiều hơn mức chúng ta chấp nhận nơi chính mình.”[21]
Có ích gì khi chúng ta sống thiếu tình thương? Vì dù chúng ta nói được hết
các thứ tiếng, có tri thức, dầu chúng ta có ơn nói tiên tri, biết đủ sự mầu
nhiệm, có đức tin dời núi, phát gia tài cho người nghèo nhưng không có
tình yêu thương thì không có tí giá trị nào trên thiên đàng cả (I Cô-rinh-tô
13:1-3).

Phan Khôi chia sẻ: “Thử liếc mắt qua phương Tây, lấy đại thể mà nói, ta sẽ
thấy họ hiểu cách thương con khác hơn mình nhiều lắm; họ thương bằng
sự dạy dỗ điệu đàng nhiều hơn là sự hành hạ khổ khắc. Họ coi trẻ con
không phải là một con thú nhỏ không có nhân phẩm, mà trái lại, họ không
trọng gì hơn bằng trọng cái nhân phẩm trong sạch của trẻ con… Họ vẫn có
dạy nên tưng trọng trẻ con rõ ràng, như có lời Đức Chúa Giê-xu đã phán:
‘Hãy để cho con trẻ lại gần ta, vì nước Thiên Đàng là của nó. Kẻ nào được
như con trẻ thì mới được vào nước Thiên Đàng’.” [22]  Ai cũng biết Chúa
Giê-xu phục tùng bố mẹ mình là ông Giô-sép và bà Ma-ri từ nhỏ nhưng tôi
lại càng biết hơn rằng Ông Giô-sép và bà Ma-ri yêu thương Chúa Giê-xu và
không lấy quyền cha mẹ để ức hiếp Ngài kể cả khi Ngài còn nhỏ.

Vậy, hãy tôn trọng con cái mình, Hãy yêu con cái với cả tình yêu vô điều
kiện, khoan dung, tha thứ, thường xuyên chủ động hỏi chuyện con cái
mình. “Yêu” nối lại được những “đứa con hoang đàng”, hãy yêu chúng vì
chúng được tạo dựng theo hình tượng của Đức Chúa Trời, hãy yêu chúng
là những hiện hữu nhìn thấy được để yêu Chúa là Đấng không thấy được
(IGiăng 4: 20-21). Hãy tự kiểm tra mình xem có thực sự tôi đã trưởng
thành theo tiêu chuẩn về tình yêu trong I Cô-rinh-tô 13 chưa?

Với thế hệ con cháu, Hiếu là việc con cháu phải chủ động làm trong cái
tâm đầy dẫy tình yêu, đạo hiếu là đạo yêu cha mẹ với tình yêu của Chúa.
Nếu sự giáo huấn của Cha mẹ là giáo huấn từ Chúa thì chúng ta cần
nghiêm túc, vâng phục. Với những gia đình chưa tin kính Chúa, con cái cần
cầu nguyện và cư xử khôn ngoan trong sự mềm mại, không có sự bất kính.
Nếu đã khuyên răn nhưng cha mẹ vẫn có sự cư xử tiêu cực, chúng ta cần
hiểu rằng chúng ta không ưa tội lỗi của cha mẹ nhưng không ghét bỏ cha
(mẹ). “Bạn hãy nhìn cha như một người bệnh, cha càng nhiều bệnh thì
càng nên thương, quan tâm chăm sóc nhiều hơn và không vì thế mà xa
lánh cha.” [23]. Chúng ta cần xây dựng lại một truyền thống đạo đức tốt
đẹp của dân tộc để có thể bày tỏ về danh Chúa, tiếp nối những tấm gương
của cha ông. Cầu xin Chúa soi dẫn, giúp chúng ta có thể làm cho mối quan
hệ trong gia đình đẹp theo y muốn Chúa. Amen!

Nguyễn Trọng Bình 

( “Điều ảnh hưởng lớn tới Hiếu Đạo ở Việt Nam”. Tạp Chí Thông Công.
Tổng Hội HTTL Việt Nam (Miền Bắc) – Số 44. Trang 25 -29. )

Tài liệu tham khảo:

[1]Kinh Thánh Cựu Ước & Tân Ước, NXB Tôn Giáo, 2012 BTT, Mác 12:30-
31

[2]Tân Việt. 100 Điều Nên Biết Về Phong Tục Việt Nam, NXB Văn Hóa Dân
Tộc, 2013, 76

[3]Báo điện tử Thể Thao & Văn Hóa, “Đừng vội buồn khi chữ ‘Hiếu’ đổi
thay” ra ngày 31/1/2014 – thethaovanhoa.vn

[4,6,7,15,16][Lê Văn Quán, “THỬ BÀN VỀ ĐẠO “HIẾU” CỦA NHO GIA”, TẠP
CHÍ HÁN NÔM SỐ 2(57) NĂM 2003

[5]Nhị Thập Tứ Hiếu : 24 người con hiếu thảo, Giáo xứ Đaminh Ba


Chuông, gxdaminh.net
[8,9,10,11,12]Phan Khôi, “Cái chế độ gia đình nước ta đem gióng với luân
lý của Khổng Mạnh”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 85 (4.6.1931)

[13]Hoàng Văn Thụ, “Đoạn Tuyệt”, 1940 vi.wikipedia.org

[14]Xem thêm: Kim Định, “Hồn Nước Với Lễ Gia Tiên ”, “Câu này chính của
Thái Tử Phù Tô nói khi nhận lệnh cha là Tần Thủy Hoàng bắt phải chết do
Lý Tư ngụy tạo. Câu này đã được Hán nho đưa ra làm nguyên tắc cho ngu
trung ngụy hiếu.”

[17]Đoàn Trung Còn. Tứ Thư. Mạnh Tử hạ. Thiên Li Lâu thượng. Tiết 26.
NXB Thuận Hóa. 2011.

[18,23]VnExpress.Net, “Chữ Hiếu của người Việt thời hiện đại” đăng ngày
16/8/2013

[19]Lý Lạc Nghị, Tìm về cội Nguồn Chữ Hán, NXB Thế Giới, 1997, Tr 267

[20]Minh Nguyên, Tìm hiểu lứa tuổi thiếu niên, NXB Thời Đại, 2011 – Đọc
cuốn này, để có phương pháp thích hợp dạy thiếu niên cho phù hợp với
mỗi sự thay đổi của các em

[21]Gene A. Getz, Tầm Thước Của Nam Giới, chương 10

[22]Phan Khôi, “Hạn Chế Quyền Cha Mẹ Đối Với Con”, Trung lập, Sài Gòn,
s. 6892 (10. 12. 1932)

You might also like