You are on page 1of 19

HÃY THAY ĐỔI TRONG SỰ CẦU NGUYỆN

Ngày 05/09/2011

Một Người Con Chúa

Câu hỏi: Tại sao Tin lành tại Việt Nam không phát triển như tại Singapore
hay Nam Hàn? Xin phân tích nguyên nhân và kiến nghị một số giải pháp?

Trả lời: Nhận định rằng Tin lành tại Hàn Quốc, Singapore phát triển thật
không sai, bởi trong những năm gần đây cả thế giới phải ngạc nhiên vì số
lượng tín đồ tại đây ngày một gia tăng nhanh chóng và có ảnh hưởng
mạnh mẽ trên mọi bình diện của đất nước. Tất nhiên ở mỗi quốc gia có
những điểm riêng biệt khác nhau, tuy nhiên phải lược qua một số điểm
chính về Tin lành tại Hàn Quốc, Singapore để so sánh với Việt Nam, từ đó
mới có thể tìm ra nguyên nhân về sự chậm phát triển của Đạo Chúa tại đất
Việt và đề ra những giải pháp.
Hàn Quốc: Có thể nói chưa có quốc gia nào mà Tin lành được phát triển
ngoạn mục như tại Hàn Quốc. Từ con số chưa đến một triệu trong những
năm 60 cho đến những năm gần đây theo một số thống kê cho biết Cơ đốc
nhân chiếm gần một nữa trong khoảng gần 50 triệu dân Hàn Quốc. Số
lượng nhà truyền giáo Hàn Quốc đến các quốc gia khác đứng thứ nhì trên
thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ: Năm 2000, đã có 10.646 nhà truyền giáo Tin lành
được gởi đến 156 quốc gia. Liên hiệp truyền giáo thế giới của Hàn Quốc
cho biết hiện nay (năm 2009) có khoảng 19.000 giáo sĩ Hàn Quốc đang
thực hiện công tác truyền giáo trên khắp thế giới.
Về đào tạo Thần học, ngoài các phân khoa Thần Học trong các Đại Học
Quốc Gia, còn có hơn 400 Chủng Viện, trong đó có 40 Đại Chủng Viện cho
ra hằng năm khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp. Trong những năm qua
không ít sinh viên Việt Nam du học tại Hàn Quốc, một số sinh viên sẽ tốt
nghiệp PhD. các ngành Cơ Đốc Giáo Dục, Truyền Giáo, Cựu Ước và Tân
Ước, v.v… Các tổ chức Truyền Giáo như OMS, CCC, KEC, v.v… hằng năm
đều có nhiều chương trình tươi mới và nâng cấp cho Mục sư, Giáo sĩ, Sinh
viên, Chấp sự. Những Giáo sĩ thường sau mỗi 5 năm đều được nâng cấp
tại các Chủng Viện ở Hoa Kỳ hoặc Anh Quốc. Nhiều tín hữu Cơ Đốc Hàn
Quốc, trong đó có Tiến sĩ David Yonggi Cho, Quản nhiệm Hội Thánh Yoido
Full Gospel (Hội Thánh lớn nhất thế giới) – có nhiều ảnh hưởng và được
biết đến tại nhiều quốc gia. Càng đặc biệt hơn nữa khi Tin lành có ảnh
hưởng rất lớn đến văn hóa, xã hội cũng như chính trị tại Hàn Quốc. Tổng
thống đương nhiệm Lee Myung Bak cũng là một trưởng lão tại Hội Thánh
Somang ở Seoul, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Bankimoon là tín đồ của một
Hội thánh Tin lành độc lập. Ngoài ra còn nhiều nhân vật chính trị cấp cao
tại Hàn Quốc là những con cái Chúa.
Thiết nghĩ cũng nên nhắc lại rằng vào những năm của thế kỷ 18, 19 Cơ-
đốc giáo tại nơi đây bị chỉ trích, phê bình rất gay gắt. Từ những khởi đầu
không thuận lợi đó, các giáo sĩ tiếp tục bền lòng cầu nguyện và chuyên
tâm để Hàn Quốc bây giờ có được sự phục hưng lớn. Tất nhiên để có được
những kết quả to lớn như ngày hôm nay chính là do quyền năng tác động,
sự làm việc của Đức Thánh Linh bắt đầu từ những tấm lòng nóng cháy,
tinh thần cầu nguyện và cưu mang cho dân tộc của mỗi tín hữu Hàn Quốc
khi họ thực sự tin nhận Chúa và kinh nghiệm sự cứu rỗi đến từ Ngài. Tuy
vậy, cũng nên xét một vài yếu tố đặc trưng của sự phát triển Tin lành tại
Hàn Quốc như sau:
• Có thể nói đặc trưng lớn nhất và cũng là chìa khóa để đem lại sự phục
hưng cho dân tộc Hàn Quốc chính là tinh thần và tấm lòng cầu nguyện
dốc đổ. Người Cơ Đốc tại Hàn Quốc cầu nguyện liên tục và đều đặn mỗi
ngày trước khi bắt đầu mọi sự. Núi Cầu Nguyện là một minh chứng cho
tinh thần cầu nguyện của người Hàn Quốc nói chung và là biểu tượng phấn
hưng của hội thánh Yoido Full Gospel (Hội thánh lớn nhất thế giới) nói
riêng. Trên đỉnh núi có một thánh đường với sức chứa khoảng 10.000
người mà lúc nào cũng chật kín tín hữu và luôn vang lên tiếng hát, tiếng
cầu nguyện không thôi.
• Hàn Quốc từng là thuộc địa kiểu mới của Mỹ, sau đó lại là Đồng minh
nên Mỹ và văn hóa Mỹ cũng tác động nhiều đến người dân Hàn Quốc. Đặc
biệt các lãnh đạo, các chính trị gia hết sức giúp đỡ, tạo điều kiện cho việc
phổ biến Kinh thánh, truyền bá Phúc Âm. Hiện nay, Tin Lành có ảnh hướng
mạnh mẽ trên xã hội Hàn Quốc, nhiều trường học, bệnh viện, tổ chức nhân
đạo Tin Lành được thành lập và phát triển.
• Tinh thần tự lực và cưu mang của người Hàn Quốc rất lớn, Sau khi nhận
sứ điệp Phúc Âm thì chính họ cũng là những người giáo sĩ tiên phong rao
giảng Tin lành cứu rỗi cho dân tộc mình, sau đó tiến hành mô hình nhân
cấp thuộc linh thông qua chính những người con xứ Hàn
 • Tấm lòng người Hàn rất mềm mại trước sứ điệp Phúc Âm: Hàn Quốc có
một số truyền thuyết khá tương đồng với Thánh Kinh nên khi nghe sứ điệp
Phúc Âm, họ dễ dàng chấp nhận. Đồng thời những Cơ-đốc nhân Hàn Quốc
trong thời kỳ chiến tranh, khó khăn đã bày tỏ quan niệm sống của Thánh
Kinh, với tấm lòng yêu nước nhiệt thành đã tạo ảnh hưởng tốt về đạo Chúa
đến toàn thể nhân dân Hàn Quốc.
• Phong trào thờ phượng cháy bỏng, sôi động của tín đồ Hàn Quốc, đặc
biệt là giới trẻ đã không những tạo nên một làn sóng thuộc linh mạnh mẽ,
rộng khắp mà còn thu hút sự chú ý của nhiều người, đây là cơ hội tốt dẫn
họ đến với Phúc Âm, góp phần vào sự phục hưng đất nước.
• Chứng đạo cá nhân ở Hàn Quốc được đẩy mạnh, hàng tuần  rất nhiều tín
hữu dành số lượng lớn thời gian để ra đi chia sẻ Phúc Âm.
Singapore: Singapore chính thức trở thành một quốc gia độc lập kể từ
ngày 9/8/1965. Theo số liệu thống kê năm 2005 của Chính phủ nước này,
Cơ-đốc giáo nói chung chiếm tỉ lệ 14,6%, trong đó Tin lành chiếm đại đa
số trong Cơ-đốc giáo (khoảng 8% dân số), tuy nhiên một số thống kê cho
thấy con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.
Từ một quốc gia thuộc địa, phụ thuộc, có khi chỉ là một tiểu bang trong
Liên bang Malysia, sau đó trở thành một quốc gia tự chủ với đầy dẫy
những khó khăn, người dân Singapore đa số là những người nghèo, gồm
11 sắc dân trong đó người Hoa chiếm đa số; ngoài ra còn có những sắc
dân đến người Mã Lai, Ấn Độ, Pakistan…với những tôn giáo truyền thống
của họ như Phật giáo, Ấn giáo, Thần giáo…Nhưng bây giờ Singapore đã
từng bước phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn về số người tin Chúa.
Những năm tháng gần đây, Singapore đang chứng kiến sự phục hưng rộng
khắp với những chiến dịch truyền giáo lớn đến từ các tổ chức trong và
ngoài nước, gần đây nhất phải kể đến đoàn truyền giáo của Nhà truyền
giáo trứ danh người Đức ReinHard Bonke.
Khoảng 73 Giáo Phái hoạt động tại Singapore, trong đó Giám lý chiếm một
nửa. Từ năm 1980, khoảng 15 hệ phái Tin Lành tại Singapore hiệp lại
thành tổ chức”Hiệp hội thông công Tin Lành Singapore”. Giống như Antiốt
của Á Châu, Singapore là tổng hợp các hoạt động Truyền Giáo và Thần
Học với hằng trăm tổ chức Truyền Giáo, khoảng 50 Cơ Quan Phát Hành
Văn Phẩm Cơ Đốc và hằng trăm tổ chức Para-Church yểm trợ Hội Thánh.
Singapore có nhiều trường Thần Học, trong đó có 4 trường tham gia Hiệp
Hội ATESEA (Hiệp hội Thần học Đông Nam Á): Baptist Theological
Seminary, East Asia School of Theology, Tung Ling Bible College và Trinity
Theological College. Tất cả các trường đều cấp học vị Cao học Thần Học.
Một số sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp MDiv. Và MTh. tại TTC và 3 vị
trong số ấy là Phụ giáo của VTKTH Việt Nam.
Cũng như Hàn Quốc, Singapore là đồng minh lâu đời của Mỹ, có nhiều
thuận lợi để phát triển niềm tin Cơ Đốc. Tuy nhiên phải kể đến một điểm
đặc biệt trong quá trình phát triển Phúc Âm tại nơi đây đó là:
– Có rất nhiều trường học Cơ-đốc và viện Thánh Kinh thần học được hình
thành để đạo tạo ra số lượng nhân sự và người chăn rất lớn, đáp ứng nhu
cầu phát triển Hội Thánh và phục vụ công tác truyền giáo.
– Các hệ phái Tin Lành tại Singapore có sự hiệp nhất cao, cùng chung tay
trong công tác truyền giảng Phúc Âm, đào tạo nhân sự và tổ chức truyền
giáo.
– Tin lành có ảnh hưởng rất lớn trên xã hội. Các tổ chức, hệ phái Tin Lành
đã xây dựng nhiều trường học, bệnh viện, trại mồ côi, có những kênh
thông tin Cơ đốc… Nhiều người có địa vị, trình độ học vấn cao trong xã hội
như Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ…được nhiều người kính trọng; vì thế Tin lành
tạo ảnh hưởng lớn đến người dân.
– Việc truyền giáo thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình rất phát
triển. Tại nơi đây có nhiều kênh truyền thông Tin Lành hướng ra cả những
nước lân cận.
– Ngoài ra Singapore còn nổi tiếng với những buổi truyền giảng lớn vượt ra
khỏi khuôn viên nhà thờ, tại các sân vận động và cầu nguyện chữa lành.
Việt Nam: Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó người Việt (người
Kinh) chiếm đại đa số. Tuy nhiên hiện nay, số lượng người Tin lành thuộc
các sắc tộc lại chiếm phần lớn trong số tín đồ ở Việt Nam. Một số dân tộc
có số người tin Chúa rất đông như H’Mong, Ê-đê, K’ho…
Tin lành truyền đến Việt Nam đã được một thế kỷ (1911-2011) bởi các giáo
sĩ thuộc Hội Truyền gíáo Phúc âm Liên hiệp (The Christian and Missionary
Alliance). Quá trình phát triển tuy chậm chạp nhưng chắc chắn. Sau Phúc
Âm Liên Hiệp (C&MA), nhiều tổ chức, hệ phái khác nhau tiếp tục truyền
giáo tại Việt Nam, thành lập nên các giáo hội khác nhau như Báp-tít,
Trưởng lão, Liên hữu Cơ đốc, Ngũ tuần…Hiện nay, tuy số tín đồ có phần
hạn chế nhưng Việt Nam có mặt hầu hết các tổ chức, các hệ phái lớn trên
thế giới (trong đó chỉ có một số ít hệ phái được công nhận tư cách pháp
nhân). Sau năm 1945, nhiều giáo sĩ, mục sư và tín đồ di dân vào miền
Nam nên số tín đồ ở miền Bắc còn lại rất ít, trong khi đó khoảng 90% tín
hữu ở trong Nam. Hội Thánh Tin lành miền Bắc dầu được Nhà Nước công
nhận nhưng gặp nhiều khó khăn và ít phát triển. Tại miền Nam, sau 1975,
Tin lành gặp khó khăn, sinh hoạt thờ phượng và truyền giảng ngoài khuôn
viên nhà thờ bị xem là bất hợp pháp, công việc Chúa gặp vô số trở ngại,
nhiều giáo sĩ nước ngoài và một số lượng lớn mục sư, tín đồ Việt Nam phải
vượt biên ra nước ngoài… Đến năm 2001, Nhà nước Việt Nam chính thức
công nhận tư cách pháp nhân của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền
Nam). Tin lành trở thành một tôn giáo lớn tại Việt Nam (mặc dầu số lượng
tín đồ có phần khiêm tốn). Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm cùng với
lịch sử của đất nước, có lúc đạo Chúa được nhiều thuận lợi để phát triển
nhanh chóng, có lúc lại bị muôn vàn khó khăn, biết bao nhiêu người phải
tử đạo, bị tù tội nhưng Chúa vẫn ở cùng, gìn giữ Hội thánh Chúa đến ngày
hôm nay.
Theo số liệu vừa công bố trong kỳ hội đồng 45 của Hội thánh Tin lành Việt
Nam (miền Nam) – Giáo hội Tin lành lớn nhất Việt Nam hiện nay – thì số
tín hữu thuộc Hội thánh vào khoảng 1 triệu, như vậy số tín đồ Tin lành tính
chung trong tất cả các giáo phái tại Việt Nam vào khoảng 2 triệu (con số
ước lượng), một con số quá nhỏ bé so với hơn 86 triệu đồng bào Việt Nam.
Số lượng tín đồ khiêm tốn ấy thực sự chưa tương xứng với thời gian 100
năm Tin lành được truyền đến Việt Nam.
Về đào tạo Thần học, ngoài trường Kinh thánh tại Đà Nẵng và sau này là
Thánh kinh Thần học viện tại Nha Trang, còn có 2 trường Kinh thánh cấp
thấp hơn tại Đà Lạt và Ban Mê Thuột dành cho các dân tộc thuộc khu vực
Tây Nguyên. Từ năm 1975 đến năm 2003, sau 23 năm đào tạo, Thần học
tại Việt Nam mới được chính quyền chính thức công nhận trở lại. Nhiều
thanh niên đã dâng mình để bước vào các trường Thần học, nhiều Truyền
Đạo tình nguyện (đã dâng mình hầu việc Chúa trong thời kỳ khó khăn)
được có cơ hội để tiếp tục học những lớp bổ túc Thần học, một số sinh
viên cũng được giới thiệu để đi tu nghiệp tại các trường Thần học ở nước
ngoài, chủ yếu là Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc…
Một điểm đáng buồn là có rất đông hệ phái Tin lành nhưng tại Việt Nam
các giáo hội lại ít có sự hiệp nhất và không được nhiều tiếng nói chung.
Gần đây nhiều dấu hiệu tốt cho thấy lãnh đạo các hệ phái đã bắt đầu
chung tay lại với nhau để lo công việc Chúa. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất
đồng quan điểm giữa các giới lãnh đạo. Trong những năm gần đây, Tin
lành Việt Nam đang có sự chuyển mình để đạt đến sự phục hưng rộng
khắp, nhiều chương trình truyền giảng lớn vượt ra khỏi khuôn viên nhà thờ
được tổ chức tại các sân vận động quy tụ hàng chục ngàn người tham dự,
tuy nhiên số lượng chương trình có phần hạn chế. Phong trào truyền giáo
cho giới trẻ cũng đang phát triển mạnh, đặc biệt phải kể đến phong trào
”Chinh phục sinh viên cho Đấng Christ”của tổ chức CCC với số lượng staff
và sinh viên ngày một tăng lên cách nhanh chóng. Nhiều tổ chức phi hệ
phái khác cũng ra đời với mong muốn gắn kết con dân Chúa ở khắp mọi
nơi không phân biệt tổ chức nào để hướng đến một công tác chung là
chinh phục dân tộc Việt Nam cho Chúa.
Như vậy, sau khi lược qua một số đặc điểm của Đạo Chúa cũng như sự
phát triển đặc biệt của Tin lành tại Hàn Quốc, Singapore; chúng ta có cơ
hội để nhìn lại và so sánh với Việt Nam để tìm hiểu nguyên nhân tại sao
Tin lành tại Việt Nam lại không phát triển bằng các nước bạn. Có thể nêu
ra một số nguyên nhân như sau:
 
1.Nguyên nhân khách quan: Có nhiều người cho rằng sở dĩ Hàn Quốc
và Singapore là ”thuộc địa kiểu mới” của Mỹ nên việc Mỹ áp đặt niềm tin
Cơ đốc là tất yếu. Tuy nhiên đó chỉ là một thuận lợi cho việc phát triển Tin
lành ở đây mà thôi. Bởi vì có rất nhiều quốc gia khác là những thuộc địa
kiểu mới, là những đồng minh lâu đời của Mỹ nhưng Đạo Chúa vẫn bị
nghẹt ngòi như Nhật Bản chẳng hạn. Như vậy, xét về tình cảnh cụ thể và
riêng biệt của Việt Nam có những nguyên nhân khách quan khác như:
– Tấm lòng người Việt rất cứng cỏi trước Phúc Âm – Người Việt Nam chịu
ảnh hưởng nặng bởi Tam giáo Á Đông: Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo,
từ đó trong sinh hoạt văn hóa người Việt xuất hiện những phong tục như
coi bói, tử vi, coi ngày coi tháng… (Lão giáo), thờ cúng ông bà, ma chay,
thờ tự đình làng, cúng giỗ… (Khổng giáo), thờ hình tượng, ăn chay niệm
Phật, theo luật nhân quả…(Phật giáo). Những phong tục này dần dần đi
sâu vào nếp sống người Việt và trở thành những truyền thống khó mà thay
đổi. Ngay khi Tin lành truyền đến Việt Nam, đa số người Việt không tiếp
nhận Phúc Âm chỉ vì Tin lành không cho phép thực hiện những nghi thức
trên. Từ sự thiếu hiểu biết về Đạo Chúa dẫn đến có nhiều thành kiến trong
người dân Việt Nam, từ đó khiến họ trở nên cứng lòng hơn và không muốn
nghe về Chúa.
– Người Việt chịu ảnh hưởng rất lớn từ phía gia đình, dòng họ. Họ bị ràng
buộc bởi những truyền thống, lễ nghi, hủ tục mà cha ông để lại và thực
hiện nó như là một giáo điều. Đồng thời người Việt đề cao về tình cảm
nhiều hơn, không dám bỏ đạo, đổi đạo vì sợ ông bà, cha mẹ buồn lòng,
khước từ… Vì thế nhiều người dầu biết Tin lành là chân lý song vẫn không
chấp nhận. Khi Tin lành mới truyền sang đã gặp phải chống đối từ phía
triều đình phong kiến, cũng như trong giai đoạn đầu bị khó khăn bởi chính
quyền thực dân. Đặc biệt sau biến cố 1975, Hội thánh Chúa rơi vào thời kỳ
bị bách hại, gặp rất nhiều khó khăn, một số lượng lớn tín đồ đã vượt biên
ra nước ngoài, nhiếu giáo sĩ cũng như mục sư bị buộc phải rời khỏi Việt
Nam, một số ít khác đã thôi chức vụ. – Chính quyền Việt Nam hiện nay
không được dễ dãi trong việc sinh hoạt cũng như truyền giảng về đạo
Chúa. Họ có thể bằng mặt vì dư luận thể giới nhưng lại không bằng lòng.
Đây cũng là một trở ngại lớn cho công tác truyền bá Phúc Âm.
– Tại Việt Nam, những học thuyết, những chủ nghĩa đang được giảng dạy
và truyền bá từ nhà trường đến ngoài xã hội đều chống lại niềm tin Cơ
đốc. Mặt khác họ áp đặt những thuyết, những chủ trương này như là chân
lý và bác bỏ mọi điều đi ngược với nó. Vì thế tôn giáo được định nghĩa là
niềm tin hoang đường, một số người quá khích hơn thì cho là mê tín dị
đoan.
 
2. Nguyên nhân chủ quan: Đạo Chúa kém phát triển ở Việt Nam ngoài
những nguyên nhân khách quan còn có nhiều nguyên nhân chủ quan. Có
nhiều người chỉ ”đổ thừa” cho hoàn cảnh, điều kiện không thuận lợi để né
tránh trách nhiệm của mình, điều đó là không nên. Thiết nghĩ ngày nay,
nói về điều kiện thuận lợi có mấy ai bằng Hoa Kỳ, bằng các nước Tây Âu…
thế nhưng Đạo Chúa ở những nơi này ngày càng xuống dốc, nhiều nhà thờ
bị đóng cửa, nhiều tà giáo nổi lên, nhiều người chăn phải ”hoàn tục”, đạo
đức Cơ-đốc bị xuống cấp trầm trọng. Như vậy câu trả lời cho tình hình phát
triển Tin lành tại Việt Nam hiện nay là gì?
• Đời sống đức tin nói chung của con cái Chúa trong Hội Thánh
Việt Nam (tên gọi chung cho tất cả các Hội Thánh Tin lành trên đất
nước Việt Nam):
– Thiếu sự cầu nguyện, kiêng ăn, thiếu tấm lòng cưu mang cho dân tộc:
Chìa khóa để đem đến sự phấn hưng và phát triển Đạo Chúa đó là cầu
nguyện và ra đi. Tuy nhiên nếu so với các tín đồ Hàn Quốc, Singapore thì
phong trào cầu nguyện ở Việt Nam thực sự rất yếu kém. Đồng ý rằng mỗi
nơi có một phong cách cầu nguyện, thờ phượng khác nhau nhưng dường
như có rất ít tín đồ tại Việt Nam nhiệt thành trong sự cầu nguyện. Dầu
được kêu gọi rộng khắp nhưng có mấy ai dành thì giờ tĩnh nguyện mỗi
ngày? Thực sự nếu mỗi tín đồ, mỗi gia đình, mỗi Hội thánh chưa thật sự
được phấn hưng thì đừng mong sự phấn hưng đến với đất nước này! Như
vậy, tấm lòng của chúng ta dành cho dân tộc Việt Nam vẫn chưa đủ, tại
sao có những người Hàn Quốc, Philíppine…sẵn sàng từ bỏ công ăn việc
làm, điều kiện, tiện nghi, thậm chí bán cả đất đai nhà cửa…tại đất nước họ
để đến với Việt Nam, thậm chí sống trong những căn hộ thuê mướn xuống
cấp chỉ với một lý do duy nhất là muốn nhiều người dân Việt Nam được
Chúa cứu; còn chúng ta là ai, chúng ta ở đâu, mỗi tuần chúng ta dành bao
nhiêu thời gian để nói về Chúa cho người khác? – Chúng ta thiếu người đi
rao giảng về Chúa. Mạng lệnh của Chúa Giê-xu trước khi về trời vẫn còn
đó” Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người”(Mác 16:15)
nhưng liệu có mấy ai đã vâng theo mạng lệnh Ngài. Đa số tín đồ Tin Lành
chỉ đến với nhà thờ trong những giờ thờ phượng, học Kinh thánh, sinh hoạt
ban ngành…mà không có thì giờ làm chứng cá nhân. Vì thế, hầu hết ban
chứng đạo của các Hội thánh từ lớn đến nhỏ đều có rất ít nhân sự. Và
cũng vì thế, những buổi truyền giảng được duy trì nhưng có rất ít thân hữu
đến tham dự, thậm chí không có người… Từ xưa đến nay luôn có những
giáo sĩ từ nước ngoài đến Việt Nam nhưng không biết có bao nhiêu người
ở Việt Nam đã dâng mình làm giáo sĩ?
– Tấm lòng dâng hiến cưu mang cho công việc Chúa tại Việt Nam còn rất
yếu kém nếu không muốn nói là rất đông tín đồ Việt Nam”ăn cắp”của
Chúa. Nếu mỗi gia đình, mỗi tín đồ đều trung tín trong việc dâng phần
mười thì công việc Chúa tại Việt Nam đã không quá phụ thuộc vào nước
ngoài. Thành thật mà nói nếu không có những ”ân nhân” Hàn Quốc… thì
không biết làm thế nào mà tín đồ tại Việt Nam có thể xây dựng được nhà
thờ, cơ sở Cơ-đốc giáo dục, Thần học viện…Đó là một thực trạng đáng suy
nghĩ!
– Phần lớn tín đồ Tin Lành sau khi tin Chúa thì khép mình lại, chỉ làm bạn
và giao lưu với những người đồng đức tin, bỏ qua mọi sinh hoạt bên ngoài.
Xin chúng ta lưu ý lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu: ”Con chẳng cầu Cha
cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác. Họ không
thuộc về thế gian, cũng như con không thuộc về thế gian.”(Giăng 17:15-
16), như vậy Chúa đã xác định con cái Chúa là những người không thuộc
về thế gian nhưng Ngài vẫn để họ ở thế gian để làm chứng về Ngài. Nếu
chúng ta chỉ khép mình, chỉ có bạn là những người đồng đức tin thì chúng
ta sẽ nói về Chúa cho ai? Nếu Chúa Giê-xu không đến với Lê-vi (Ma-thi-ơ)
và gọi ông từ phòng thâu thuế thì làm sao ông có thể trở nên một sứ đồ
của Chúa?
– Nhiều con cái Chúa sống thiếu tình yêu và tinh thần hiệp một. Có người
đã từng nói rằng ”Khả năng Thần học của nhiều người Tin lành VN ngày
càng mở rộng, nhưng lòng yêu thương của họ thì ngày càng teo nhỏ lại…
”. Đây là một thực tế càng nên được xem lại. Chúa Giê-xu từng nói: ”Các
người là muối của đất,… là sự sáng của thế gian…”(Ma-thi-ơ 5:13,14)
nhưng nếu muối mất mặn, ánh sáng bị lu mờ thì làm sao Phúc Âm có thể
đến với người khác. Hội Thánh Chúa phải là thành trì cuối cùng cho những
tâm hồn đau khổ, bất an, tủi nhục. Họ đã mệt mõi bởi những tranh đua về
danh lợi, tiền tài… và quyết tìm đến nhà thờ để tấm lòng được thanh thản.
Nhưng nếu họ phát hiện ra rằng người Tin lành cũng chẳng khác người
đời, Hội thánh cũng chẳng có tình yêu thương thì không thể nào họ có thể
đến với Chúa được. Người ngoại họ không hề thấy Chúa, chỉ thấy con cái
Chúa. Vậy con cái Chúa trong Hội Thánh Việt Nam đã thực sự bày tỏ một
đời sống có sự hiện diện của Chúa chưa?
– Sự thiếu hiệp nhất và tình trạng bại hoại thuộc linh của một số Hội
Thánh Việt Nam: Dầu không phải là tất cả nhưng cũng có nhiều tổ chức,
nhiều hệ phái thay vì đi tìm ”chiên lạc” trở về họ lại”dắt chiên” từ bầy khác.
Thay vì làm mọi việc để Chúa được vinh hiển thì có nhiều người đã tìm sự
vinh hiển cho riêng mình, không xây dựng nước Trời nhưng chú tâm vào
vương quốc trần gian. Đây không phải là sự bịa đặt nhằm hạ uy tín của bất
kỳ tổ chức nào mà đây là sự thật đã được xác minh. Tất nhiên phải nhìn
nhận có rất rất nhiều tôi tớ con cái Chúa ”chuyên tâm cho được đẹp lòng
Đức Chúa Trời”, tuy nhiên trong cánh đồng bên cạnh những ”lúa mì” vẫn
có những ”cỏ lùng”; điều đáng nói là ”cỏ lùng” nhiều và mọc tràn lan.
“Biến cố 1975” đã làm cho Hội thánh Chúa đi vào chổ khó khăn, tuy nhiên
nó cũng giúp sửa trị và thanh lọc một số tiêu cực trong Hội thánh. Từ thời
điểm 1985 trở đi, dầu không được hợp pháp nhưng Hội thánh Chúa luôn
giữ sự trung tín nhóm lại tại nhà riêng của một số tín đồ, đó là những ”Hội
thánh Tư Gia” thuần túy và đúng nghĩa như Hội Thánh đầu tiên. Cũng từ
đây, những hình ảnh về Hội thánh Tư Gia được các giáo sĩ chụp lại và đem
về nước đã dấy lên một sự ”cảm động lớn lao” về tình yêu thương trong
thân thể của Chúa giữa vòng những con cái Chúa ở ngoại quốc. Nhiều sự
giúp đỡ về tài chính đã được gởi đến Việt Nam để lo cho công việc Chúa,
tuy nhiên cũng chính từ đây, Satan đã lợi dụng và gây náo động trong
vòng Hội Thánh. Khi điều kiện ngày một thuận lợi hơn, giới lãnh đạo các
Hội thánh thay vì gây dựng và phát triển vương quốc Đức Chúa Trời họ lại
lo xây dựng tổ chức, hệ phái, giáo hội… Và cũng vì muốn chứng tỏ cho
những ”ân nhân ngoại quốc” biết sự phát triển của tổ chức mình lãnh đạo
nên một số người thay vì rao giảng lời Chúa để đem họ vào vương quốc
Đức Chúa Trời thì khiến họ trở thành những ”tin đồ” bằng tiền của, vật
chất; từ đó khiến nhiều người nghĩ Đạo Chúa là ”Đạo dụ”. Cũng chính vì
vậy, Hội Thánh thật của Chúa đã bị đẩy vào chỗ chia rẻ, bè đảng, ganh
gỗ… Đây không phải là lời lên án, chỉ trích nhưng đây là thực trạng phải
được nêu ra để có thể tìm hướng đi đúng đắn cho Hội Thánh Chúa.
– Mội số Giáo hội trong Hội Thánh Việt Nam quá nặng về truyền thống, tổ
chức… từ đó đẩy đến chổ giáo điều, khó thay đổi, không chấp nhận cái
mới. Đây cũng là nguyên nhân cản trở Hội Thánh phát triển.
– So với Hàn Quốc và Singapore thì Tin lành tại Việt Nam thiếu tầm ảnh
hưởng trên xã hội. Những Hội Thánh Việt Nam dường như có quá ít hoạt
động xã hội, xây nhà tình thương, trường học, bệnh viện. Tin Lành ít khi
được đề cập trên truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng. Công
giáo, Phật giáo có thể có những buổi phát hình về những chương trình trên
đài truyền hình của Nhà Nước nhưng Tin Lành thì chưa bao giờ. Những tín
hữu Tin Lành cũng ít có ảnh hưởng trên xã hội.
• Phương pháp và chiến lược truyền giáo tại Việt Nam còn nhiều
yếu kém: Mặc dầu đây không phải là nguyên nhân trọng tâm nhưng nó
cũng rất quan trọng mà dường như Hội Thánh Việt Nam chưa có một quan
tâm đúng mức để tìm ra những hướng đi mới cho vấn đề truyền giáo. Có
thể trưng dẫn như sau:
– Hội Thánh chỉ chú trọng vào công tác truyền giảng mà chưa có một
chiến lược nào để phát triển việc chứng đạo cá nhân. Ban chứng đạo,
chăm sóc của một số Hội Thánh hoạt động kém hiệu quả nhưng không
được thay đổi, cũng cố. Các chương trình truyền giảng thường được đưa
vào quy cũ, không dám áp dụng cái mới.
– Đối tượng truyền giáo: đa số những thân hữu là những người có địa vị
xã hội giống như những tín hữu, phần lớn là tầng lớp bình dân, trung lưu.
Dường như nhiều Hội Thánh bỏ qua các đối tượng như những người cơ
nhỡ, nghèo khổ… là những người rất cần được nghe Phúc Âm hoặc giới
thượng lưu, trí thức, doanh nhân… là những người rất hữu ích cho công
việc nhà Chúa.
– Nhiều người rất sốt sắng trong việc đi nhà thờ cũng như học Kinh
Thánh… nhưng lại không biết cách để chia sẻ về Chúa cho người khác. Đó
là vì Hội Thánh chưa dành nhiều thời gian để huấn luyện về công tác
truyền giáo và chia sẻ Phúc Âm.
– Sứ điệp Phúc Âm được loan báo chưa đầy đủ, chưa trọn vẹn. Một Phúc
Âm chân chính là Phúc Âm chỉ cho người khác thấy Đức Chúa Trời yêu
nhân loại nhưng tội lỗi đã ngăn cách con người với Thượng Đế. Giải pháp
duy nhất cho vấn đề tội lỗi là Chúa Cứu Thế Giê-xu, và đích thân mỗi
người phải ăn năn tội, tiếp nhận Chúa thì được cứu rỗi và sự sống đời đời.
Tin Chúa tức là nhận mình có tội, ăn năn tội và mời Chúa làm chủ cuộc
đời. Nhiều người chỉ làm chứng rằng cầu nguyện tin Chúa là được cứu
nhưng không hề đề cập gì đến tội lỗi cũng như không kêu gọi thân hữu
phải ăn năn tội lỗi. Đó là sứ điệp Phúc Âm chưa trọn vẹn. Cũng một thể ấy,
có nhiều người chia sẻ Phúc Âm chỉ đề cập đến việc tin Chúa rồi thì sẽ
được phước nhưng không hề đề cập đến việc theo Chúa phải trải qua
những khó khăn, thử thách. Vì vậy, sau khi họ tin Chúa và bị khó khăn bắt
bớ đã chối bỏ đức tin. Một số khác để được người tin Chúa nên đã cường
điệu hóa việc Chúa làm trên chính mình, trên Hội thánh mình… Nên nhớ,
Chúa không cần chúng ta nói dối để Ngài được vinh hiển.
– Có thể nói vấn đề còn yếu kém đối với Hội Thánh việt Nam là công tác
chăm sóc. Nếu không được chăm sóc hoặc chăm sóc không đúng cách thì
những tân tín hữu khó có thể đứng vững trong đức tin. Một câu hỏi được
đặt ra là hàng ngàn người đã tiến lên cầu nguyện tin Chúa ở các sân vận
động trong những chương trình truyền giảng lớn giờ đã ở đâu? Bao nhiêu
trong số đó đã đến với nhà thờ để nhóm lại, thờ phượng Chúa và vững
mạnh trong đức tin? … Nhiều tín đồ sau khi thân hữu tin Chúa đã bắt họ
phải họ phải lập tức bỏ hết những gì của thế gian như hút thuốc, uống
rượu,… hay tin Chúa rồi phải lập tức bỏ bàn thờ, không được ăn đồ cúng…
mà chưa giải thích rõ ràng cho họ hiểu. Đối với những người mới tin Chúa
đây là điều khó chấp nhận nên họ không muốn đi nhà thờ nữa là việc tất
yếu. Một điều nữa mà chúng ta cần phải suy nghĩ và thừa nhận rằng: Sự
giúp đỡ và trợ cấp cho nhau nhằm phát triển công việc Chúa chung, hay
thực hiện chương trình nhằm Phúc Âm hóa Việt Nam là một trách nhiệm và
nghĩa vụ của mỗi tín hữu và rất đáng được tuyên dương. Nhưng ngày nay
chúng ta đã lạm dụng những việc đó khi làm bất cứ việc gì chúng ta
thường trông chờ vào một nguồn nào đó, sự trợ cấp của một ai đó hay là
sự giúp đỡ của một tổ chức nào đó từ bên ngoài nhưng chúng ta quên mất
rằng Đấng chu cấp mọi nhu cầu cho chúng ta là chính Chúa. Chúng ta làm
mọi cách để có được sự “cảm thương” của họ hơn là sự chu cấp thành tín
của Chúa. Tại sao mỗi một tín hữu trong Hội Thánh Việt Nam chúng ta
không thể tự đứng trên chân mình để đón nhận nguồn phước từ Chúa hơn
là nhận sự giúp đỡ của người khác? Hãy cầu nguyện và bước đi với Chúa
bằng đức tin trong sự tích cực làm việc.
– Kẻ thù trong trận chiến thuộc linh: Chúng ta đang nêu ra những nguyên
nhân để tìm một giải pháp cho công việc Chúa tại đất nước Việt Nam thân
yêu. Tuy nhiên cũng xin nhắc lại rằng, việc khiến cho người khác tin Chúa
nằm ngoài khả năng của chúng ta, mà đó là công tác của Đức Thánh Linh.
Một điều hết sức quen thuộc mà ai cũng biết đó là ”Chứng đạo thành
công là chia sẻ Phúc Âm cứu rỗi của Chúa Giê-xu trong quyền
năng tể trị của Chúa Thánh Linh và để kết quả cho Đức Chúa Trời
lo liệu”. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là người Việt Nam ít tin
Chúa vì Đức Thánh Linh chưa làm việc. Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương,
Ngài muốn cho mọi người đều được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật, tức là Đức
Thánh Linh luôn luôn làm việc để cho người khác có thể nghe về Chúa.
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không chỉ là Đấng yêu thương mà Ngài còn là
Đức Chúa Trời công bình, Ngài chỉ thuyết phục nhưng không ”ép” người
khác tin nhận Chúa. Vì vậy, nhiều người Việt vẫn chưa tin nhận Chúa vì họ
cứng lòng. Thế nhưng một câu hỏi được đặt ra ở đây là: Tại sao người Việt
lại cứng lòng hơn người Hàn Quốc hay Singapore (vì người Hàn Quốc và
Singapore tin Chúa nhiều hơn)? Đây là câu trả lời: ”Nếu Tin lành của chúng
tôi còn che khuất, là chỉ che khuất cho những kẻ hư mất, cho những kẻ
chẳng tin mà chúa của đời này đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không thấy
sự vinh hiển chói lói của Tin lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa
Trời” (II Cô-rinh-tô 4:3-4). Như vậy, Satan bè lũ của nó đã làm mù lòng
biết bao người dân Việt, khiến họ không chịu mở lòng ra để đón nhận ơn
cứu rỗi. Sở dĩ Satan được ”hợp pháp” để làm như vậy là vì khắp đất nước
Việt Nam, từ Nam ra Bắc đâu đâu cũng có những chùa chiền, đền thờ, am
miếu với đầy dẫy những hình tượng, là nơi chứa chất vô số các tà linh; Các
thế hệ cha ông của chúng ta đã không thờ phượng Đức Chúa Trời mà còn
rước những tà thuyết về để thờ lạy ma quỷ, thờ lạy con người, lãnh tụ (vô
thần); chúng ta đã gây ra những cuộc chiến tranh với các dân tộc lân
bang, đặc biệt là phía Tây, Nam gây đổ biết bao nhiêu máu vô tội; thay vì
nhận làm con Đức Chúa Trời, chúng ta nhận con rồng là hình ảnh của ma
quỷ làm tổ tiên… Người Việt có một niềm tự hào là con cháu của Lạc-Hồng.
Một truyền thuyết “con rồng cháu tiên” nói về nguồn gốc của dân tộc Việt.
Theo đó, Lạc Long Quân, là con của Kinh Dương Vương (vua nước Xích
Quỷ – tức là Quỉ Đỏ) và bà Long Nữ, là giống rồng. Ông lấy bà âu Cơ
(giống tiên) sinh ra 100 cái trứng, nở ra 100 người con. Sau vì sống với
nhau không hợp, hai ông bà đồng ý chia hai số người con; năm mươi
người con theo mẹ lên núi, số còn lại theo cha xuống biển. Có lẽ nào
chúng ta chấp nhận một loài bò sát tưởng tượng làm tổ tiên chúng ta hay
sao? Satan là chúa của sự kiện cáo, chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để nó
”hợp pháp hóa”chổ đứng trong đất nước Việt Nam và cản trở công việc
Chúa. Bên cạnh đó, nó còn đem đến biết bao sự lừa dối trong nếp suy nghĩ
của người dân Việt đối với Tin lành. Chúng ta cần suy nghĩ cho kỹ và tìm
hiểu cho rõ ràng trước khi mình quyết định một điều gì. Đối với niềm tin và
chân lý mình tin theo thì điều này không nằm ngoại lệ. Đó là nguyên nhân
chính khiến cho Đạo Chúa tại Việt Nam bị nghẹt ngòi, không phát triển
được.
KIẾN NGHỊ MỘT SỐ GIẢI PHÁP
 
1.Nhận biết rõ công tác thuyết phục người Khác tin Chúa là việc làm của
Đức Thánh Linh. Như vậy, chúng ta không đặt trọng tâm ở khả năng của
chúng ta là người rao giảng, chúng ta sẽ dễ sa đà vào những sự đầu tư
không cần thiết khác. Điều quan trọng mà chúng ta phải làm là học hỏi Lời
Chúa cách chuyên cần để chính chúng ta sẽ đi ra và rao giảng một sứ điệp
Tin Lành chân xác theo đúng lời Kinh Thánh. Đồng thời, chúng ta có thể
lay động quyền năng của Chúa Thánh Linh bằng sự cầu nguyện cách tích
cực.
2. Các Hội Thánh Việt Nam cần cậy ơn Chúa để mạnh dạn nhìn nhận
những khuyết điểm, những tiêu cực để ăn năn tội, tìm cách sửa chữa, cải
thiện. Nếu cứ giữ những tiêu cực, những tội lỗi trong Hội Thánh thì đừng
mong Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện: ”Nếu lòng tôi có chú về tội ác, ắt Chúa
chẳng nghe tôi” (Thi thiên 66:18). Hội Thánh phải bày tỏ sự vinh hiển của
Chúa, phải tập trung xây dựng vương quốc trên trời thay vì tìm kiếm tư lợi
cho riêng mình. Mỗi người phải ý thức được trách nhiệm của mình trước
Chúa, đồng thời nhắc nhở nhau để danh Chúa được cả sáng:”Một lời quở
trách tỏ tường, hơn là thương yêu giấu kín” (Châm ngôn 27:5). Một khi
mỗi tín đồ đều thật là những con người Thánh, những thầy tế lễ (I Phierơ
2:9) thì mỗi lời cầu nguyện của chúng ta sẽ thấu đến tai của Đức Chúa
Trời, và Đức Thánh Linh sẽ làm việc trên đất nước Việt Nam thân yêu này.
3. Nhận thấy chìa khóa của sự phấn hưng là cầu nguyện, Hội Thánh Việt
Nam cần: tổ chức kêu gọi cầu nguyện cá nhân của mỗi tín hữu một cách
tích cực hơn, thực hành mạnh mẽ tinh thần và thói quen cầu nguyện
chung thường xuyên với nhau tại nhà thờ mỗi buổi sáng. Đồng thời thực
hiện và thành lập những tổ chức, những chương trình kiêng ăn, cầu
nguyện cho đất nước Việt Nam. Chúng ta phải nhân Danh Đấng Christ,
bằng lời cầu nguyện, đập tan thế lực bóng tối đang trùm lấp trên đất nước
và dân tộc chúng ta để đồng bào thân yêu của chúng ta được tự do nghe
Tin lành và được tự do quyết định trở lại với Đức Chúa Trời. Nhân danh
Đức Chúa Giê-xu Christ, chúng ta đại diện cho tất cả những người Việt
Nam để tuyên bố chối bỏ quyền lực của Satan và mọi dấu ấn của nó trên
đất nước và dân tộc Việt Nam và bẻ gảy mọi thế lực của chúng. Chúa
Jesus đã ban quyền năng cho Hội Thánh Việt Nam để chiến trận với thế lực
tối tăm, vì vậy hãy sử dụng cái quyền đó để góp phần vào công tác phục
hưng đất nước Việt Nam. Một khi thế lực của Satan không còn trên đất
nước này thì tấm lòng người Việt sẽ mềm mại và sẵn sàng tiếp nhận Phúc
Âm. Dân tộc Hàn Quốc đã được phục hưng bởi sự cầu nguyện thì người
Việt Nam chúng ta cũng hoàn toàn có thể đạt được điều ấy bởi sự làm việc
của Đức Thánh Linh thông qua sự cầu nguyện của chúng ta. Hiện nay
nhiều con cái Chúa tại Việt Nam cũng như hải ngoại đã thành lập những
nhóm cầu nguyện đặc biệt cho đất nước Việt Nam, đồng thời cũng lên
chương trình kiêng ăn cầu nguyện hằng năm và kêu gọi tham gia với quy
mô rộng khắp. Một đội gồm nhiều người thay nhau cầu nguyện liên tục
24/24 cho Việt Nam đã được thực hiện và kêu gọi sự tham gia của toàn
thể con cái Chúa vào mỗi thứ 6. Vào mỗi dịp hè, tổ chức sinh viên CCC Việt
Nam với một số lượng lớn sinh viên và staff dành riêng một tuần đặc biệt
để kiêng ăn cầu nguyện. Chương trình”Người Việt Về Nguồn” được tổ chức
hằng năm tại Mỹ vào thứ bảy và chủ nhật đầu tháng 6 với mục đích kêu
gọi con cái Chúa Việt Nam tại Mỹ hướng về Việt Nam để cầu thay cho dân
tộc…Đó là những mô hình cầu nguyện cần được nhân rộng. Billy Graham
từng nói: ”Bí quyết của sự phấn hưng trước hết là cầu nguyện, sau đó cầu
nguyện và cuối cùng cũng cầu nguyện”. Mỗi chúng ta đều đang ở trong
trường cầu nguyện. Chúng ta vẫn đang học mỗi ngày và sẽ không bao giờ
tốt nghiệp cho đến chừng chúng ta gặp thầy hiệu trưởng chúng ta là Chúa
Jêsus. Vậy hãy cầu nguyện. Đừng chỉ nói hay giảng về cầu nguyện. Hãy
cầu nguyện!
4. Thúc đẩy tinh thần hợp tác giữa các hệ phái Tin lành tại Việt Nam cũng
như tinh thần hiệp một của toàn thể con cái Chúa trong Hội thánh Việt
Nam để kết hợp chặt chẽ hơn trong công tác truyền giáo. Những năm gần
đây nhiều Hệ phái đã liên kết để tổ chức những chương trình truyền giảng
lớn tại sân vận động Tao Đàn (thành phố Hồ Chí Minh) cũng như Trung
tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội). Đây là những chương trình cần được nhân
rộng. Ngoài ra, các Hệ phái cũng cần gắn kết với nhau trong việc thành lập
những đoàn truyền giáo cũng như hợp tác với những giáo sĩ nước ngoài
trong việc rao truyền Phúc Âm. Khi chúng ta dùng từ ”hệ phái” hay ”giáo
phái” để chỉ một số giáo hội trong Hội Thánh Việt Nam, tức là chúng ta
đang nhìn nhận rằng những giáo hội đó chỉ là một bộ phận của một Hội
Thánh chung. Vì vậy, không có lý do gì mà mỗi hệ phái lại đơn độc trong
công tác truyền giáo. Hãy tăng cường mối quan hệ, kết hợp và hỗ trợ lẫn
nhau. Đồng thời Hội Thánh Việt Nam cần gắn kết với Hội Thánh thế giới
nói chung, không phân biệt màu da, sắc tộc, ngôn ngữ…, cùng tiếp bước
và hiệp nhất trong khải tượng chinh phục linh hồn tội nhân về cho Chúa.
5. Đề ra một chiến lược và phương pháp truyền giáo thiết thực, phù hợp
với công việc Chúa tại Việt Nam:
A. Ý thức tấm quan trọng đặc biệt của Chứng đạo cá nhân hơn là các
chương trình truyền giảng. Vì vậy phải đẩy mạnh công tác huấn luyện
môn đồ, mỗi tín hữu phải thực sự là một môn đồ của Chúa Giê-
xu và tiếp tục trong đại mạng lệnh ”ra đi môn đồ hóa muôn dân”. Từ đó
tiến hành ”mô hình nhân cấp thuộc linh”. Nếu thực hiện được điều nầy thì
chắc chắn số lượng tín hữu của Hội Thánh Việt Nam sẽ tăng lên một cách
mạnh mẽ chứ không phải chỉ 2 triệu.
B. Hội Thánh Việt Nam cần phải quan tâm và đầu tư đặc biệt vào công tác
truyền giáo bằng các phương tiện truyền thông, đặc biệt là Internet. Trên
thế giới hiện nay đã có rất nhiều tổ chức truyền giáo thông qua những
chương trình như thế này và hiệu quả mang lại rất thiết thực. Giữa năm
2009 vừa qua, mạng lưới Global Media Outreach (GMO) của tổ chức CCC
cho biết đã có 1.030.581 tiếp nhận Chúa và tái kết ước với Chúa qua một
trong hơn 90 chương trình của GMO được thưc hiện trên trang web Phúc
Âm (Gospel Webside) vào tháng 6. Tại Việt Nam, Vai trò của việc chia sẻ
Phúc Âm bằng truyền thông đã được minh chứng qua việc tin Chúa của
gần như toàn bộ người H’Mong tại miền núi Tây Bắc cách đây vài năm.
Đặc biệt, ngày nay, Internet đã trở thành một kênh truyền thông mạnh mẽ
và sâu rộng bậc nhất của nhân loại. Ở Việt Nam, số liệu tính đến giữa năm
2008 là khoảng 20 triệu người dân sử dụng Internet, con số này càng lớn
hơn ở phạm vi người Việt toàn cầu và mỗi ngày không ngừng tăng lên.
Đây chính là thời điểm chiến lược để những Cơ Đốc Nhân người Việt thiết
lập những kênh truyền thông Tin lành. Trong bối cảnh ấy nhiều Website
Tin lành của người Việt cũng đã ra đời và góp phần vào công tác truyền
giáo nhưVietchristian.com, Tinlanh.org, Godislove.net… Thế nhưng những
trang Web này được thực hiện bởi những Cơ đốc nhân người Việt tại hải
ngoại nên nói chung còn nhiều bất cập với tình hình công việc Chúa tại Việt
Nam. Đầu tháng 7 vừa qua, Website http://hoithanh.com đã ra đời, đây là
một kênh truyền thông độc lập với mục tiêu gắn kết toàn thể con cái Chúa
người Việt ở khắp mọi nơi cùng chung tay để phát triển công việc Chúa
qua những nội dung: tin tức cập nhật của Hội thánh Người Việt toàn cầu;
tài liệu dưỡng linh mới mẻ, chất lượng; những bài viết giới thiệu Phúc Âm
được thực hiện bởi những con người yêu mến Chúa tại Việt Nam cũng như
hải ngoại. Hy vọng rằng những Website của Cơ Đốc Nhân tương tự thế này
sẽ được đầu tư phát triển và tiếp tục nhân rộng trong thời gian sắp tới.
Cùng với chiến lược truyền bá trên Internet, Hội Thánh Việt Nam cần đầu
tư để có thể thiết lập những đài phát thanh, truyền hình Tin lành. Thông
qua đó một mặt có thể sử dụng để rao truyền Phúc Âm, đồng thời cập
nhật những tin tức thời sự, dưỡng linh của các Hội Thánh trong nước và
thế giới. Từ đó, góp phần gia tăng ảnh hưởng của Tin lành trên xã hội.
C. Cùng với truyền thông, truyền giảng bằng thông tin cần được đẩy mạnh
bằng cách: Tăng cường phổ biến những băng đĩa, văn phẩm, sách vở báo
chí Cơ Đốc, đặc biệt là các tác phẩm có tính chất biện giáo ra bên ngoài xã
hội, hướng đến giới tri thức. Đầu tư để có thể phát hành miễn phí những
đĩa phim về Cuộc đời Chúa Giê-xu, những bản nhạc Thánh ca giới thiệu
Phúc âm trong những dịp lễ Giáng sinh, Phục sinh….Theo bản tường trình
của Church Around the World (năm 2004) cho biết Phim ”Cuộc đời Chúa
Giê-su” đã được thực hiện với những kết quả tuyệt vời như sau:
• Phim Chúa Giê-su được chuyển ngữ sang 861 ngôn ngữ
• Có 5.78 tỉ người đã xem phim Chúa Giê-su
• Có 197.4 triệu người mở lòng tin nhận Chúa
• Phim Chúa Giê-su được chiếu ở 228 quốc gia
• Phim Chúa Giê-su được chiếu trên TV ở 176 quốc gia
• Phim Chúa Giê-su được phổ biến theo dạng VCD, DVD, Video khoảng 51
triệu. Với kết quả và sự ảnh hưởng như thế, Việt Nam cần đầu tư để đẩy
mạnh chiến lược phát hành phim trên. Riêng đối với những đồng bào vùng
sâu vùng xa, ít tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, Hội
Thánh cần kết hợp làm những chương trình từ thiện, tặng sách vở, quần
áo cũ, thông qua đó gởi tặng những quyển truyền đạo đơn với nội dung
chia sẻ sứ điệp Phúc Âm cách đơn giản, nhấn mạnh đến khái niệm Ông
Trời và Đức Chúa Trời, đặc biệt phải giải tỏa những quan niệm sai lầm của
người dân đối với Tin lành.
D. Tạo ảnh hưởng bằng những hoạt động xã hội kết hợp truyền giáo. Nếu
có thể được, các Hội Thánh Việt Nam có thể xây dựng nhà tình thương,
xây dựng trường học, bệnh viện… Tin lành. Thông qua những hoạt động
đó Tin lành sẽ gây ảnh hưởng lớn trên xã hội, đây sẽ là điều kiện rất thuận
lợi cho công tác truyền giáo và chia sẻ Phúc Âm đến người dân Việt.
E. Hội Thánh Việt Nam cần điều chỉnh và lưu ý một số điều trong quá trình
chia sẻ về Chúa và chăm sóc tân tín hữu. Hãy chú tâm đến công tác gieo
sự cứu rỗi trước hết. Thay vì phê bình, bắt buộc những người vừa mới tin
Chúa từ bỏ những thói quen cũ của họ như là hút thuốc, uống rượu, thờ
cúng, v.v… ta hãy giúp họ học lời Chúa trước. Một tín hữu sau khi được
sâu nhiệm Lời Chúa rồi, họ được Thánh Linh cáo trách để từ bỏ nếp sống
cũ mà mặc lấy con người mới. Đồng thời, trước khi bắt buộc người khác
thực hành nếp sống đạo nên nhớ cần phải luôn luôn giúp họ hiểu ý muốn
Chúa trên đời sống họ và khuyến khích họ tự đưa ra một quyết định đáp
ứng với lời Chúa.
F. Hội Thánh Việt Nam cần thành lập những tổ chức truyền giáo đến
những vùng sâu vùng xa trong khắp cả nước, kêu gọi những con người có
tấm lòng và cưu mang công việc Chúa dâng mình làm giáo sĩ, vận động
những tôi con Chúa có khả năng dâng hiến cho những tổ chức truyền giáo
như thế. Một thực tế đang diễn ra ở Việt Nam là số lượng giáo sĩ đến từ
các quốc gia khác nhau, đặc biệt là Hàn Quốc, Hoa Kỳ… và cả những giáo
sĩ người Việt ở Hải ngoại đang hướng về Việt Nam rất đông, trong khi Hội
Thánh Việt Nam lại chưa cưu mang cho công tác này. Thánh Kinh chép: ”Vì
ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu. Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu
sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao
giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể
nào?” (Rô-ma 10:13-15). Như vậy, ngoài việc chứng đạo cá nhân thông
qua công tác huấn luyện môn đồ, Hội Thánh cần tích cực sai phái những
con người “ra đi” để chinh phục muôn dân về cho Chúa.
G. Quan tâm và tổ chức những chương trình truyền giảng khác nhau cho
từng đối tượng thân hữu khác nhau thuộc mọi thành phần, đẳng cấp trong
xã hội. Có thể chú ý đặc biệt và đề ra kế hoạch truyền giảng hướng đến
những người có nhiều ảnh hưởng trong xã hội, những thành phần trung
lưu, thượng lưu tại Việt Nam (mà từ trước đến nay chúng ta thiếu quan
tâm). Đầu tháng 7 vừa qua, tại khách sạn New World, lần đầu tiên, một
trong những chương trình chia sẻ Phúc Âm hướng tới giới doanh nhân đã
được thực hiện. Chương trình được tổ chức bởi các nhân sự của phong
trào Cựu sinh viên Cơ đốc cùng với sự giúp đỡ của một số doanh nghiệp
lớn đến từ Hoa Kỳ. Đây là một trong những mô hình truyền giáo cho doanh
nhân cần được nhân rộng.
H. Hội Thánh không nên quá truyền thống, cứng nhắc và rập khuôn trong
những chương trình truyền giảng. Nên thay đổi, áp dụng những phong
cách mới (tất nhiên là không được mâu thuẩn với Thánh Kinh) để có thể
tạo ấn tượng và thu hút nhiều thân hữu đến với sứ điệp Phúc Âm. Có thể
kết hợp truyền giảng thông qua những buổi giao lưu, hội thảo về âm nhạc,
kinh tế, tình yêu…Điều quan trọng là sứ điệp về Phúc Âm phải chân xác
theo đúng với Thánh Kinh.
I. Quan tâm đến tầng lớp trẻ, đầu tư, tạo điều kiện, hỗ trợ và kết hợp với
những phong trào thanh niên, sinh viên Cơ-đốc để truyền giảng Tin lành.
Hiện nay, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có những phong
trào diễn ra rất mạnh mẽ, nóng cháy và thành công như Chinh phục sinh
viên cho Christ (CCC), Tuổi trẻ cho Chúa… Hội Thánh cần ủng hộ và giúp
đỡ vì đây là những thế hệ trụ cột tương lai của Hội Thánh và đất nước.
J. Người Việt Nam rất nặng tình nghĩa và chịu ảnh hưởng nhiều từ phía gia
đình. Đây là một sự cản trở nhưng đồng thời cũng là thuận lợi để phát
triển công việc Chúa. Những con cái Chúa cần thông qua những mối quan
hệ người thân, bạn bè, đồng nghiệp… để truyền bá Phúc Âm. Có thể tổ
chức những bữa tiệc cảm tạ kết hợp truyền giảng. Đồng thời, các tín hữu
đừng cố khép mình, đừng chỉ làm bạn với những người cùng niềm tin. Hãy
tích cực hơn trong các hoạt động xã hội để thông qua đó tạo mối quan hệ
với nhiều thân hữu, đem lại sự ảnh hưởng lớn cho Hội Thánh trên xã hội,
đồng thời có thể chia sẻ về Chúa cho họ.
K. Tiếp tục phát triển những chương trình truyền giảng với quy mô lớn
vượt ra khỏi khuôn viên nhà thờ cả về lượng lẫn về chất. Đầu tư đặc biệt
để chương trình càng ngày càng chất lượng hơn. Vận động nhiều nguồn
thân hữu khác nhau như khối trường học (sinh viên, học sinh), công nhân,
nhân viên (thông qua các công ty Cơ-đốc hoặc công ty có tín đồ Cơ-đốc
làm việc) và nguồn thân hữu do ban truyền giáo của các Hội Thánh tạo
mối quan hệ. Tăng cường quảng bá về chương trình thông qua báo chí,
truyền thông, truyền hình, Internet, dán poster, tờ rơi, áo thun quảng
cáo….với mục đích đưa được số lượng thân hữu đến dự truyền giảng một
cách lớn nhất có thể. Mặt khác, mời gọi những sứ giả phấn hưng, những
đoàn truyền giáo được ơn trên thế giới đến Việt Nam và kết hợp với Hội
Thánh Việt Nam để tổ chức truyền giảng, công bố sứ điệp Phúc Âm.
Những năm gần đây Hội Thánh Tin lành Việt Nam cũng như Liên Hệ phái
Tin lành tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng đã tổ chức được những
chương trình truyền giảng tại các sân vận động. Mong rằng các chương
trình này sẽ càng được nhân rộng trên khắp cả nước. Cũng hy vọng rằng
trong những năm tới đây các đoàn truyền giáo trứ danh của thế giới sẽ
đến với Việt Nam vào một tương lai không xa.
KẾT LUẬN
 
Trên đây cũng chỉ là những nhận định và những phương pháp với mong
muốn công việc Chúa tại Việt Nam được phát triển cách mạnh mẽ, Việt
Nam sẽ được phấn hưng. Có lẽ những nguyên nhân đưa ra không phải là
mới, có lẽ những giải pháp đề cập đến không phải là xa lạ, Hội Thánh Chúa
đều biết. Tuy nhiên vấn đề chúng ta thiếu là tấm lòng và sự hành động. Vì
vậy, điều quan trọng nhất đó là Hội Thánh Việt Nam cần phải hạ mình, cầu
nguyện xin Đức Thánh Linh làm việc trên Hội Thánh, trên con cái Chúa và
đặc biệt trên đất nước, dân tộc Việt Nam. Chỉ có Ngài mới thực sự là Đấng
chỉ rõ cho chúng ta biết cần phải làm gì để phục hưng Việt Nam. Phục
hưng không đến từ bất cứ con người hay tổ chức nào mà đó là công việc
của Ðức Chúa Trời và là một công việc vĩ đại. Điều mà chúng ta, những
con cái Chúa có thể làm được là cậy ơn Chúa, sử dụng hết khả năng, ân tứ
mà Ngài ban cho để góp phần vào công tác của Đức Chúa Trời. Chúa là
Đấng nhìn thấy trong tấm lòng của mỗi người, sẽ ban phước và thổi bùng
lên ngọn lửa phấn hưng trên dân tộc Việt Nam.
Mỗi con người sống trên thế gian này đều có nhiều sự lựa chọn. Chúng ta
có thể lựa chọn trường mình thích học, việc mình thích làm, thậm chí cả
người mình sẽ chung sống trọn đời. Nhưng có những điều mà con người ta
không thể lựa chọn đó là quê hương, là nơi sinh thành, dưỡng dục. Mỗi
chúng ta mặc dầu bây giờ đang ở đâu, làm gì nhưng Đức Chúa Trời đã đặt
để trong mỗi người dòng máu Việt Nam, chúng ta phải có trách nhiệm với
quê hương, với dân tộc mình. Thánh Kinh chép rằng: ”Các ngươi sẽ tìm Ta,
và gặp được khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng”. (Giêrêmi 29:13). Nếu mỗi
người hết lòng tìm kiếm Chúa, hết lòng làm việc Chúa, hết lòng rao truyền
Phúc Âm,”bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn
nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi” (IITimôthê
4:2) thì tin chắc dân tộc Việt Nam sẽ sớm được phục hưng. A-men!
Một Người Con Chúa
(Theo Sống Đạo OnLine)

You might also like