You are on page 1of 20

Lời giới thiệu: 

Một con cái Chúa tại miền Bắc, xin được đóng góp bài viết
về cuốn chứng đạo đơn: “Chữ Hiếu trong đạo Tin Lành”. Xin được đăng tải
để quý vị cẩn trọng khi nghiên cứu, viết bài cho công việc Chúa. Đây là bài
viết đại diện cho một quan điểm cá nhân và không đại diện cho quan điểm
của trang nhà. V.I.B.I là sân chơi chung cho tất cả các con dân Chúa yêu
mến sự học và nghiên cứu. Về bài viết này để liên hệ trực tiếp với tác giả,
quý  vị có thể Email trực tiếp cho tác giả: auduongbacha@gmail.com

MỘT SỐ Ý KIẾN XUNG QUANH CHỨNG ĐẠO ĐƠN: CHỮ HIẾU


TRONG ĐẠO TIN LÀNH

  Âu Dương Bắc Hà

I. Dẫn nhập

Thông thường trước mỗi mùa giáng sinh các tín hữu Tin Lành Việt Nam
đều rất phấn chấn chuẩn bị lễ trọng này, trong đó không thể thiếu những
tài liệu để chứng đạo; đó là những cuốn Kinh Thánh Tân Ước bỏ túi, các
chứng đạo đơn, đĩa VCD, DVD . . . tuy nhỏ gọn, đơn sơ nhưng chứa đựng
trong đó là những Lẽ Thật của Đức Chúa Trời, là Phúc Âm của Đức Chúa
Trời dành cho nhân loại, trong mùa giáng sinh năm nay cũng vậy. Các tín
hữu trong giáo hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) [HTTLVN
(MB)], đã chuẩn bị được khá nhiều tài tiệu chứng đạo, trong đó có cuốn
chứng đạo đơn có đầu đề là: CHỮ HIẾU TRONG ĐẠO TIN LÀNH (CHTĐTL),
tác giả của cuốn này là mục sư Dương Hữu Khiêm, do Nhà Xuất Bản Đồng
Nai cấp giấy phép, và xuất bản năm 2012. Toàn bộ chứng đạo đơn này
dài  khoảng 40 trang A 6, tức là về “kích thước” thì đúng “tiêu chuẩn” của
một tài liệu chứng đạo. Tuy nhiên, sau khi đọc xong cuốn CHTĐTL chúng
tôi thấy có quá nhiều thiếu sót và sai lầm, thậm chí có những sai lầm thuộc
về kiến thức căn bản. Điều này gây ra cho người đọc không chỉ sự khó chịu
mà còn gây ra tác dụng ngược với mục đích tốt đẹp của Phúc Âm của Đức
Chúa Trời. Sau đây chúng tôi xin “nhặt ra vài hạt sạn” của cuốn chứng đạo
đơn này.

II. Nội dung

1. Xét về mặt hình thức:


Về  hình thức của cuốn CHTĐTL chúng tôi thấy có những điều tối thiểu mà
tác cần phải lưu ý như sau:

Thứ nhất: về bố cục chưa hợp lý; thể hiện qua một số điểm:

Một là không cân đối; cụ thể: bài viết chỉ có hai phần, trong đó phần I nói
về Quan điểm hiếu kính và thờ cúng tổ tiên của người Việt,  (dài khoảng 8
trang A 6), phần II nói về Quan điểm hiếu kính tổ tiên của người Tin
Lành  (dài khoảng 27 trang A 6), nếu so sánh về độ dài thì độ dài của phần
II gấp hơn ba lần độ dài của phần I, như thế là quá chênh lệch, nếu một
người thực sự biết viết lách không ai để chênh lệch lớn đến như vậy;

Hai là thiếu chặt chẽ, cụ thể là phần II, tác giả trình bày nhiều vấn đề
nhưng không phân ra các tiểu mục, điều này tạo cho người đọc có cảm
giác tác giả viết “tràng giang đại hải, dây cà ra dây muống” mà không thấy
nhằm vào mục đích cụ thể nào; đọc toàn bộ 27 trang của phần II mà
người ta không thấy được sự nổi bật đặc trưng căn bản của chữ hiếu theo
quan điểm của Tin Lành;

Ba là không có tính hệ thống và liên tục; ví dụ: ở trang 25 tác giả đang lên
án về phong tục thờ cúng trong đó có hủ tục bày cỗ bàn và ăn uống, trang
27 thì tác giả lên án suy nghĩ của người thực hiện hành vi thờ cúng mà tác
giả cho là sai trái, thì  lại để cho cái cô Đoàn Thị Lúa nào đó, ở một địa
phương nào đó nhảy vào giữa để “làm chứng” chiếm gần hết trang 26;
điều này thực sự làm cho người đọc bị phân tâm và rất khó chịu; chưa hết
ở trang 32 trong khi tác giả đang luận về con cái có hiếu nhất là đứa con
đưa cha mẹ đến tin Chúa, thì ngay sau đó tác giả lại chen ngang bằng một
cái ông vua tên lạ hoắc với người Việt là Frederick, và ở một cái nước quỉ
quái nào đó có tên là Prussia; điều này làm cho người đọc hết sức bức xúc;
chắc chắn nhiều người Việt không ai biết cái ông vua Frederick là ai, người
nước nào, sống ở thời đại nào? Đồng thời cũng không nhiều người Việt biết
cái nước Prussia kia là ở châu lục nào? Cái tên đó là ở vào thời kỳ nào? Vì
ngày nay, vẫn còn một số nước duy trì chế độ Hoàng gia như Anh, Thụy
Điển, Thái Lan, Nhật Bản . . ., nhưng có tìm mỏi mắt trên bản đồ thế giới
cũng không có cái quốc gia của nợ nào tên là Prussia. Muốn biết nước
Prussia xưa kia  ngày nay là quốc gia nào thì buộc người ta lại phải tra cứu,
hoặc ít nhất là vào google; chắc ông mục sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm thừa
biết rằng, ngày nay chẳng có một người ngoại nào nhận được cuốn
CHTĐTL của ông rồi sau đó muốn hiểu được lời của ông người ta lại phải
mất thời gian để vào thư viện tra cứu hoặc ít ra là vào google. Thử hỏi cái
lối chứng đạo như của ông liệu người ta có dễ chấp nhận không? Và kết
quả của chứng đạo kiểu đó như thế nào thì khỏi cần nói, chắc ông mục sư
tiến sĩ của chúng ta cũng dư sức để trả lời.

Thứ  hai: với một tài liệu chứng đạo không nên dẫn nhập bằng lối phản
đề. Cụ thể tác giả đã mở đề như sau: “Đa số người Việt chống đối, bắt bớ
từ chối theo đạo Tin Lành vì họ cho rằng người Tin Lành bỏ ông bỏ bà.
Người Việt quan niệm rằng thờ cúng tổ tiên là hiếu kính ông bà, cha mẹ;
còn ngược lại là con cái bất hiếu”(1).  Khi đặt vấn đề như vậy tác giả đã
quên mất rằng: cuốn CHTĐTL là để dành cho người chưa tin Chúa đọc, và
mục đích tối thượng của chứng đạo là đưa người chưa biết đến Phúc Âm
của Đức Chúa Trời, quay về tin Chúa Giê-su và trở nên con cái của Ngài.
Vậy, liệu có thể thuyết phục được người đối thoại với mình không, khi mới
vào đề chúng ta đã “khởi thế công”? Về điều này, rất mong tác giả hãy biết
khiêm nhường hạ mình, hãy tham khảo và học tập những tài liệu chứng
đạo đã nổi tiếng khác như: Ông Trời Của Người Việt Nam, hay Tin Lành
Dành Cho Người Việt Nam . . . để xem các tác giả đó họ đặt vấn đề như
thế nào, và bố cục của một chứng đạo đơn ra sao?

Thứ  ba: Chứng đạo đơn thì khác hoàn toàn với một bài nghiên cứu,
chứng đạo đơn người ta cần ngắn gọn, súc tích, dựa trên cơ sở những gì
người đối thoại với chứng nhân đã hiểu, hoặc đã từng nghe biết; hay nói
cách khác là những kiến thức phổ thông mà người đối thoại với chứng
nhân đã thu nhận được trong đời sống thường nhật của họ; chứng nhân
cần tránh dùng thuật ngữ, hay “nói chữ”, vì thế không cần thiết phải
“footnote”, hoặc trong trường hợp bắt buộc phải ghi chú ở cuối trang thì
phải ghi chú chính xác và đúng luật.

Trước khi đưa ra những ý kiến thuộc về kiến thức căn bản và tối thiểu như 
trên chúng tôi đã rất băn khoăn và phải cân nhắc rất kỹ. Bởi theo như một
số thông tin do các anh chị em trong giới Tin Lành ở thành phố Hồ Chí
Minh cung cấp cho thì mục sư Dương Hữu Khiêm là người có học vấn cực
kỳ cao; cụ thể là có tới ba bằng thạc sĩ  tốt nghiệp ở Phi-líp-pin và một
bằng tiến sĩ, đồng thời là giáo sư của nhiều thần học viện trên thế giới; nói
theo ngôn ngữ của các cháu thế hệ 9 X ở Hà Nội thì ông Khiêm thuộc loại
“hàng khủng”; vì ông ta không chỉ là mục sư mà còn là một tiến sĩ nữa; với
chức vụ thánh (mục sư) và học vị như vậy, chúng tôi thiết nghĩ không phải
tín hữu Tin Lành nào ở Việt Nam cũng có thể phấn đấu được. Tuy nhiên,
theo thiển ý của chúng tôi thì vấn đề  quyết định để được coi là một trí
thức Cơ Đốc thực thụ lại nằm ở chỗ: có bằng cấp, có học vị là một chuyện,
nhưng tri thức, khả năng và lối hành xử của người sở hữu cái học vị, cái
bằng cấp ấy liệu có xứng đáng với cái bằng cấp, cái học vị ấy hay không
mới thực sự quan trọng, chứ không phải chỉ căn cứ vào ba cái tờ giấy và
vài cái dấu “củ khoai”  mà ngày nay chỉ cần vài ba ngàn hoặc thậm chí chỉ
vài ba trăm đô-la là có ngay. Chúng ta cũng cần hiểu một điều là: việc nói
được một ngoại ngữ, thạo công nghệ chỉ là điều kiện đủ chứ không phải
là điều kiện cần của tri thức thật. Chúa Giê-su đã dạy dỗ các con cái Ngài
một phương pháp trắc nghiệm không thể chính xác hơn, ấy là: “. . . cây
lành sinh quả lành, cây độc sinh quả độc. Cây lành không thể sinh quả
độc, cây độc cũng không sinh quả lành. Cây nào không sinh quả lành sẽ bị
đốn và nén vào lửa. Thế thì, các con nhận biết người ta là nhờ quả của
họ”  (Ma-thi-ơ 7: 17-19; BDM). Vậy, trên cơ sở nguyên tắc của Chúa Giê-su
đã dạy dỗ, chúng ta cùng xem xét “cái quả” là cuốn chứng đạo đơn
CHTĐTL, để có thể hiểu thực chất về “cái cây” là ông mục sư tiến sĩ Dương
Hữu Khiêm.

Để có bằng chứng  thuyết phục chúng tôi xin đưa ra một vài ví dụ để “mục
sở thị” trình độ thật của tác giả cuốn chứng đạo đơn CHTĐTL.

Ví dụ 1:  ở trang 3 tác giả viết: “Người Việt cũng tin rằng, thờ cúng ông bà
tổ tiên, thành hoàng . . .”,  rồi sau đó tác giả ghi chú ở cuối trang để giải
thích về thành hoàng như sau: “Trong mỗi làng thường có vị thành hoàng,
đây chính là thần thổ địa thường được thờ cúng tại một đền miếu. Vị
thành hoàng có thể là một anh hùng, một anh thư, người sáng lập làng,
ông tổ nghề nghiệp của làng, vị quan làm điều lành cho làng, một thiên
thần hoặc một người chết bất đắc kỳ tử”(2). Ở những dòng ghi chú này
hãy khoan bàn đến sự kém cỏi về kiến thức của tác giả khi giải thích về từ
thành hoàng, mà chỉ cần xem cái cách thức ghi chú đã thấy về phương
pháp viết lách thì tác giả chỉ đạt ở mức độ nghiệp dư, vì chí ít tác giả phải
ghi chú là ý kiến ấy là của tác giả nào, trong sách nào; còn nếu của chính
tác giả thì phải mở ngoặc là: chú thích của tác giả, thì người đọc mới có
thể hiểu được.

Ví dụ 2:  trang 5 của cuốn CHTĐTL sau khi trích dẫn lời đàm thoại giữa
Khổng Tử và Phàn Trì thì tác giả có ghi chú thứ 6 ở cuối trang như sau:
“Nguyễn Văn Dụ, 88”(3); trong khi trước đó chưa hề có cuốn sách nào của
Nguyễn Văn Dụ được  tác giả Dương Hữu Khiêm trích dẫn (lỗi này còn lặp
lại ở chú thích thứ 8 trang 6, trong cuốn CHTĐTL).

Ví dụ 3: trang 11, sau khi giải thích sự khác nhau giữa hai từ hiếu
kính và thờ cúng mặc dù người đọc không tìm thấy sự khác nhau ở chỗ
nào, nhưng tác giả Dương Hữu Khiêm đã ghi ở chú thích thứ 14 như
sau: “Sách đã dẫn, 1589”(4); trong khi phần trích dẫn ngay trước đó tác
giả dẫn là từ trang web:www.kythu.net; khi ghi chú kiểu này ông mục
sư tiến sĩ Khiêm đã thực sự đánh đố những người đọc;  lý do là những
sách ông trích dẫn trước đó không có bất kỳ sách nào có liên quan đến con
số 1589 cả; điều này làm cho người đọc không thể biết sách ông trích dẫn
là sách nào, con số 1589 là năm xuất bản hay số trang?

Như vậy, chỉ cần nhìn qua hình thức của cuốn CHTĐTL thì chúng ta đã
thấy ông mục sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm hình như chưa hề biết gì về
phương pháp viết khảo luận, chính điều này làm cho người đọc không chỉ
khó chịu mà còn bắt buộc người đọc phải  đặt nhiều câu hỏi về trình độ
của một người không chỉ có chức vụ thánh mà còn có tới ba bằng thạc sĩ
và một bằng tiến sĩ.

Về mặt hình thức thì như vậy, bây giờ chúng ta cùng xem một số một
dung mà tác giả Dương Hữu Khiêm đã đề cập trong cuốn CHTĐTN.

2. Xét về nội dung:

Về nội dung của cuốn CHTĐTL có rất nhiều điều cần phải trao đổi; nhưng
chúng tôi chỉ đề cập một số điều rất căn bản như sau:

Thứ nhất: tác giả đã sử dụng quá nhiều từ ngữ Hán – Việt, nhưng điều
nghiêm trọng và đáng nói nhất là chính tác giả không hề có kiến thức gì về
từ ngữ Hán – Việt.

Xin dẫn một vài ví dụ mà ông mục sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm đã sử dụng
trong bài viết:

Ví dụ 1: ở trang 9 tác giả viết: “Người Tin Lành tôn trọng truyền thống văn
hóa tốt đẹp của dân tộc, tôn trọng câu nói của nhà nho: ‘Hiếu vi bách
hạnh tiên’, nghĩa là hiếu đứng đầu trăm nết tốt”(4).  Có thể nói khi “hạ”
câu: ‘Hiếu vi bách hạnh tiên’,  thì chính tác giả Dương Hữu Khiêm đã tỏ cho
người đọc thấy đúng là tác giả không có chút kiến thức nào về ngôn ngữ
Hán – Việt; bởi nếu vào mạng gõ chữ Hiếu thì chỉ cần một người có trình
độ phổ thông trung học cũng có thể đọc đúng và hiểu đúng câu này, mà
không cần phải đọc Tứ Thư, Ngũ Kinh, Hiếu Kinh hay Tam giáo Cửu lưu
làm gì cho mệt. Xin đơn cử: trang web của Ban Tôn giáo chính phủ có
bài: Đôi Điều Tìm Hiểu Về Bàn Thờ Gia Tiên,  ngay ở phần giới thiệu của
bài chúng ta đã thấy câu đối: “tứ thời xuân tại thủ, bách hạnh hiếu vi
tiên”(5), tạm hiểu là: trong bốn mùa thì mùa Xuân là đầu, trong trăm đức
hạnh thì hiếu là trước nhất; còn nếu nói như mục sư tiến sĩ Dương Hữu
Khiêm là ‘Hiếu vi bách hạnh tiên’,  để rồi sau đó chính ông tự dịch là: hiếu
đứng dầu trăm nết tốt,  thì không chỉ các bậc túc nho Việt Nam mà đến
chính các học giả Trung Hoa có lẽ cũng chỉ biết “khóc”. Viết đến đây,
chúng tôi nhớ lại một câu chuyện của một vị quan huyện hồi đầu thế kỷ
thứ XX đã dốt nhưng lại sính chơi chữ; nay dẫn lại để quí vị cùng thưởng
lãm, chuyện đại ý rằng:

Có một viên quan huyện lập bàn thờ mẹ, các quan viên cấp dưới đến xin
dâng cho quan một bức hoành phi để tỏ tấm lòng thành kính; bức hoành
phi này có ghi bốn chữ, nhưng bốn chữ này lại không khắc trên cùng một
tấm mà họ khắc mỗi chữ trên một ô bằng gỗ hình vuông rời nhau để sau
đó quan sẽ đính vào hoành phi. Bốn chữ đó là ĐỨC ( 德 ), MẪU ( 母 ),
MẠNH (孟) , PHỐI (配).

Sau khi nhận của lễ thì quan huyện sai người nhà gắn chữ vào bức hoành
phi và treo ở chính giữa của gian thờ mẹ, và quan huyện sắp xếp dòng
chữ như sau: MẪU PHỐI MẠNH ĐỨC  ( 母 配 孟 德 ). Nhìn thấy bốn chữ
trên bức hoành phi này bất kỳ người khách nào cũng buồn cười mà phải
kìm nén, không dám cười vì sợ bị quan huyện trách phạt; mãi sau này có
một thầy đồ không nhịn được mới bật ra như sau:

– Ô! Hay thật, hóa ra bà cụ nhà ta là vợ ông Tào Tháo à?

Lúc đó cả đám khách khứa bò lăn ra mà cười; còn quan huyện thì ngượng
đến xám cả mặt. Thì ra bốn “đại tự” kia phải sắp xếp theo thứ tự: ĐỨC
PHỐI MẠNH MẪU   (德 配 孟 母)  mới đúng và mới ý nghĩa vì câu đó hàm ý
nói rằng: cái đức của mẹ ông quan huyện có thể sánh với cái đức lớn của
mẹ ông Mạnh Tử  (孟 子), vì mẹ ông Mạnh Tử ở bên Tàu là người mẹ nổi
tiếng về phương pháp dạy con. Vì quan huyện dốt nát đã sắp xếp thành
MẪU PHỐI MẠNH ĐỨC thành ra ý nghĩa khác hoàn toàn, vì phối ở đây
cũng có nghĩa là phối hợp, là phối ngẫu, còn Mạnh Đức là tên hiệu của Tào
Tháo, một nhân vật được nói tới rất nhiều trong  truyện Tam Quốc Diễn
Nghĩa của La Quán Trung bên Tàu (22).

Thế thì, việc biến hóa “thần kỳ” từ Bách hạnh hiếu vi tiên  thành Hiếu vi
bách hạnh tiên  mà vẫn dịch được rằng:  hiếu đứng dầu trăm nết tốt  của
ông mục sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm liệu có khác gì với trường hợp của
ông quan huyện trên chăng?

Ví dụ 2: trang 10 của cuốn CHTĐTL ông mục sư tiến sĩ  Dương Hữu Khiêm
còn không  biết “trời cao đất dày” là gì khi đã cả gan “chiết tự” chữ hiếu;
cụ thể tác giả viết như sau: “Theo nghĩa của chữ Hán, chữ ‘hiếu’ là chữ
viết tắt của hai chữ ‘lão’ ở trên (lược bớt phần dưới) và chữ ‘tử’ ở dưới”(6).
Đọc đến đây tuy chưa được các vị có chữ Nho coi là kẻ “có chữ” thì chúng
tôi đã thấy có điểu quái lạ; bởi cớ, theo như thiển ý của chúng tôi thì cách
cấu tạo của chữ Hán chỉ có sáu cách, hay còn gọi là lục thư  gồm:

1)  Tượng hình ( 象 形 ): Đây là loại chữ vẽ hình dáng của vật thể. Chữ
tượng hình là nguồn gốc văn tự của Trung Quốc , nhưng không thể cho
rằng tất cả văn tự của Trung Quốc đều là chữ tượng hình; ví dụ: chữ 日
đọc âm là Nhật ( là mặt trời), chữ 木 đọc âm là Mộc (là cái cây);

2)  Chỉ sự (指 事): Còn gọi là lối Tượng sự (象 事) hay Xử sự (處 事). Đây
là thứ chữ mà khi ta nhìn đến các nét của nó ta sẽ liên tưởng đến một ngụ
ý nào đó. Nói cách khác, loại này phải nhìn và xét đoán mới hiểu rõ được ý
nghĩa thường dùng để ghi lại những từ có khái niệm trừu tượng không thể
vẽ ra được; ví dụ: chữ 上 âm đọc là Thượng (là trên), chữ 下 âm đọc
là Hạ (là dưới);

3) Hội ý (會 意): Còn gọi là chữ Tượng ý  (象 意), đây là loại chữ có nhiều
phần ghép lại, mỗi phần có một nghĩa, nếu hợp các nghĩa lại ta sẽ có được
ý nghĩa của cả chữ. Nói cách khác, loại chữ này kết hợp ý nghĩa của hai
hoặc ba chữ để tạo thành một chữ mới, ý nghĩa mới; ví dụ: 木 mộc + 木
mộc = 林 âm đọc là Lâm  (là rừng, nhiều cây), hay 日 Nhật + 月 Nguyệt =
明 âm đọc là Minh (là sáng sủa, rõ ràng);

4) Hình thanh (形 聲): Đây là cách thức thông dụng nhất trong các cách
cấu tạo chữ Hán. Loại chữ này do hai thành phần cấu tạo ghép lại, một
thành phần biểu ý, một thành phần biểu âm; ví dụ: 氵 bộ Thuỷ  + 羊
Dương = 洋 đọc âm Dương ( là Biển lớn),   金 bộ Kim + 同 Đồng = 銅 đọc
âm Đồng (kim loại đồng);

5) Chuyển chú (轉 注): Đây là những cặp chữ khác nhau về hình thể, âm
đọc nhưng giống nhau hoặc gần giống nhau về mặt ý nghĩa. Theo các nhà
nghiên cứu, chuyển chú là biện pháp giải thích nghĩa của chữ, không phải
là cách cấu tạo chữ. Ví dụ:  江  Giang thông nghĩa với   河  Hà (chỉ sông
ngòi), hay: 信 Tín thông nghĩa với 誠 Thành (thành thực, đáng tin cậy);

6) Giả tá (假 借): Đây là phép tạo chữ  bằng cách mượn một chữ có sẵn,
đọc âm khác hoặc đọc đúng âm nhưng mang ý nghĩa khác. Ví dụ: 長 đọc
âm Trường : Dài đọc âm Trưởng: Lớn,  hay: 好 đọc âm Hảo: làTốt, đọc
âm hiếu (tiếng miền Nam thường đọc là háo): là Yêu thích(7).

Với chữ hiếu  trong tiếng Hoa được viết là: 孝 thì nó mang hình tượng một
người trẻ cõng một cụ già trên đầu chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc, đó là biểu
hiện của sự hiếu thuận(8). Như vậy, tác giả Dương Hữu Khiêm nói rằng
chữ hiếu  là lối viết tắt của hai chữ:  lão  (老) lược bỏ phần dưới và thế vào
đó chữ tử  (子)  là hoàn toàn vô căn cứ, do ông mục sư tiến sĩ Dương Hữu
Khiêm tự “sáng tạo” ra rồi “ban” cho người Trung Hoa, chứ người Trung
Hoa hoàn toàn không có cái lối cấu tạo chữ theo kiểu “viết tắt và lược
bỏ” như chính ông đã gán cho họ; trong trường hợp nếu như ông mục sư
tiến sĩ Dương Hữu Khiêm nghe lỏm ở đâu đó rồi “sao y bản chính” thì lại
càng chứng tỏ rằng kiến thức của ông ta rất nông cạn, vì nghe (hay đọc)
mà cũng không phát hiện nổi cái sai.

Ví dụ 4: ở trang thứ 14 Dương Hữu Khiêm viết: “Trong cách sắp xếp các
giềng mối xã hội, Khổng Tử  sắp: Quân (vua), Sư (thầy), Phụ (cha,
mẹ). . .”(9). Điều này là sai lầm hoàn toàn, bởi theo triết lý của Nho giáo
thì đúng là có “ba giếng mối” (tam cương), nhưng giếng mối thứ nhất là:
Quân – Thần (hay vua – tôi), thứ hai là: Phụ – Tử (hay Cha – Con), thứ ba
là: Phu – Phụ (hay Chồng – Vợ), chứ tuyệt nhiên không phải là ba giếng
mối mà tác giả Dương Hữu Khiêm đưa ra là: Quân (vua), Sư (thầy), Phụ
(cha, mẹ).  Đến đây chúng ta lại thấy sự thảm hại của cái thứ kiến thức “ăn
đong” của vị mục sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm; mặc dù sau đó tác giả có
ghi chú thứ 15 và cho biết rằng tác giả lấy ý này của một tác giả khác tên
là Phan Văn Cử và cho biết rằng tài liệu này chỉ “lưu hành nội bộ”; có lẽ khi
ghi chú như vậy, tác giả nghĩ rằng có thể biện minh cho sự thiếu hiểu biết
của mình, tuy nhiên tác giả lại quên một điều rằng tác giả không chỉ là
mục sư, mà còn có bằng tiến sĩ, đồng thời đã từng là giáo sư giảng dạy ở
nhiều trường đại học và một số thần học viện ở nhiều nước trên thế giới;
như: Trường Đại Học The University of  Cordilleras, 2002; Trường Thần
Học Hàn Quốc tại Phi-lip-pin, 2003; Trường Thần Học Trưởng Lão Việt
Nam, 2009; Trường Thần Học Quốc Tế Agape (Agpe International
Seminary – AIS), 2009 . . .(10); Thế thì, nếu đã mang  danh một GS TS,
thì  khi đọc một tài liệu nào đó phải biết phân biệt cái sai, cái đúng, cái
hay, cái dở để lựa chọn xem có thể tin được không, có thể trích dẫn được
không; còn nếu không phân biệt nổi cái sai, cái đúng mà vẫn trích dẫn cả
điều sai để chứng minh điều mình cho là đúng thì chính tác giả đã làm lem
luốc cái danh mục sư và cái học vị tiến sĩ mà chính tác giả đang có, và khi
đó cái mác GS TS mà tác giả cuốn CHTĐTL đang mang hoàn toàn có thể
gọi theo lối nói của các cháu thế hệ 9X là Gà Sống Thiến Sót (cũng viết tắt
là GS TS) chứ không phải là giáo sư tiến sĩ mà không hề oan uổng tí nào.

...

Thứ hai: kiến thức về Việt học quá thấp, ngay đến ngôn ngữ mẹ đẻ cũng
chưa biết cách sử dụng. Chúng tôi xin đơn cử một vài ví dụ:

Ví dụ 1: Ở trang thứ 10 ông mục sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm giải thích về
chữ  hiếu như sau: “Chữ ‘hiếu’ có nghĩa là có lòng yêu mến, biết ơn, và
dưỡng dục cha mẹ”(11). Khi đọc đến dòng này rất nhiều các độc giả phải
giật mình, nhất là các bậc đã làm cha làm mẹ, họ rất bức xúc và bảo rằng:
ông mục sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm quả là một tên vừa láo toét vừa “ngu
hết phần của thiên hạ”. Tại sao, một số độc giả là các bậc đã làm cha làm
mẹ  lại dám nói như vậy? Lý do là, từ dưỡng dục trong tiếng Việt là vay
mượn từ tiếng Hán, nó có nghĩa là nuôi nấng và dạy dỗ, thường để cho
con cái nhắc  đến công ơn của cha mẹ(12), chứ không bao giờ con cái lại
có thể  dưỡng dục  cha mẹ. Đó là trong ngôn ngữ tiếng Việt, còn trong
tiếng Hán thì hai chữ dưỡng và chữ dục  là hoàn toàn có ý nghĩa riêng
không đi liền với nhau. Cụ thể như sau:

Chữ dưỡng  ( 養 ) có nghĩa là nuôi lớn,  khi đọc là dượng  thì nó lại mang ý
nghĩa là dâng biếu,  và nếu ghép nó với chữ phụng  thành phụng
dượng  (奉 養) nhiều khi người Việt chúng ta còn gọi là phụng dưỡng  thì nó
có nghĩa là cúng dâng,  hay chăm sóc và nuôi dưỡng với lòng tôn kính(13).
Còn chữ dục  ( 育 ) có nghĩa là sinh sản, sinh ra cũng còn có nghĩa lớn
lên(14), và như thế chỉ có thể nói con cái phải  phụng dưỡngcha mẹ mới
có thể nghe được; còn là con cái mà nói dưỡng dục  cha mẹ là nói láo, là
thứ đạo đức “tôm lộn lên đầu”.

Vậy, căn cứ vào cả ngôn ngữ Việt và ngôn ngữ Trung Hoa thì việc ông mục
sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm giải thích rằng: “Chữ ‘hiếu’ có nghĩa là có lòng
yêu mến, biết ơn, và dưỡng dục cha mẹ” thì không những ông ta không
hiểu gì ngôn ngữ của người Việt (tức là ngôn ngữ mẹ đẻ của ông) mà còn
thể hiện thái độ hỗn hào với ngay chính bậc sinh thành ra mình. Rõ ràng,
với thái độ này ông mục sư tiến sĩ của chúng ta đã  trở nên một tấm
gương rất xấu cho lớp thanh niên trong giới Tin Lành Việt Nam hiện nay.
Rất nhiều tín hữu Tin Lành tại Hà Nội hiện đang hết sức băn khoăn và tự
hỏi: Không biết hiện nay mục sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm đang dưỡng
dục  bậc sinh thành ra mình như thế nào và theo kiểu gì? Và khi các bậc
sinh thành ra ông  biết rằng ông đang  “báo hiếu” họ bằng phương
pháp dưỡng dục thì họ sẽ nghĩ gì về ông? Có lẽ với những câu hỏi này
ngoài mục sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm không ai dám mạo hiểm để tìm câu
trả lời.

Ví dụ 2: trang 21 tác giả viết: “Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt
qui định thờ cúng trong năm đời: Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Hiển và khi ông bà
nào đó qua đời, thì con cháu rút tên ông cao nhất trên bàn thờ tổ tiên,
đôn bốn vị còn lại lên vị trí cao hơn một bậc, và đưa người mới qua đời lên
chỗ ông Hiển. Đáng lẽ ông bà càng lớn thì bạn càng kính trọng; nhưng
không, tất cả các vị lớn nhất trên bàn thờ tổ tiên sẽ lần lượt bị con cháu
mình rút tên ra khỏi bàn thờ tổ tiên”(15). Mặc dù cuối đoạn này tác giả
cũng đã rất tinh ranh khi ghi chú rằng đã truy cập thông tin này tại
trang: http://www.vietlyso.com, ngày truy cập là 1/12/2011, tức là về
mặt “thủ tục” thì không có gì phải phàn nàn; nhưng điều đáng nói ở đây là
với thông tin thiếu chính xác như vậy mà ông mục sư tiến sĩ vẫn cứ sử
dụng để biện minh cho ý thích của mình. Thế thì, thông tin mà ông mục sư
tiến sĩ Dương Hữu Khiêm sử dụng thiếu tính chính xác ở chỗ nào? Xin
thưa: quan hệ huyết thống của người Việt là quan hệ theo hàng dọc, theo
truyền thống một người nam có quan hệ tới 9 thế hệ, tính từ chính anh ta
trở về trước là 4 thế hệ và sau anh ta 4 thế hệ, và có tên gọi cụ thể là: Kị,
Cụ, Ông, Cha, TÔI, Con, Cháu, Chắt, Chút; theo âm Hán – Việt thì thứ tự
sẽ là: Cao tổ, Tằng tổ, Tổ phụ, Phụ, NGÃ, Tử, Tôn, Tằng tôn, Huyền tôn
(16). Chỉ khi nào ông, bà qua đời khi lập bài vị và trong văn khấn người ta
mới gọi ông mình là Tổ khảo, bà mình là Tổ tỉ; khi cha, mẹ qua đời thì
người ta mới gọi cha mình là Hiển khảo, mẹ mình là Hiển tỉ. Như thế, cách
xưng hô giữa các thế hệ được qui định rạch ròi và tuân thủ một cách
nghiêm ngặt, nếu là Ông thì phải xưng là Cháu, nếu là Cụ thì phải xưng là
Chắt, và nếu là Kị thì phải xưng là Chút . . . vì thế không thể có
chuyện “con cháu rút tên ông cao nhất trên bàn thờ . . .”  rồi “đưa người
mới qua đời lên chỗ ông Hiển. . .”,  nói như vậy, theo ngôn ngữ của các vị
theo cựu học là nói nhảm nhí, còn theo ngôn ngữ bình dân là nói láo,
không biết phân biệt trên dưới thứ bậc, khi đó những kẻ nói như vậy
thường bị các vị theo cựu học mắng cho là “đồ vô học”; vì đơn giản đến
mức tôn ti trật tự trong gia đình cùng huyết thống mà còn không biết, thì
cái loại người như thế làm gì còn nhân cách. Có lẽ đến đây chúng ta cũng
nên thể tất cho ông mục sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm, vì ông ta dẫn lại ý
kiến của một người khác; nhưng với chức vụ thánh (mục sư) và học vị cao
như ông mà lại không hiểu biết tí gì về kiến thức hết sức phổ thông của
truyền thống dân tộc mình thì thật đáng trách, và không biết ông sẽ dạy
dỗ điều gì ở môn Chứng Đạo, hoặc Hội Nhập Văn Hóa ở hàng loạt các thần
học viện mà chính ông đã tự giới thiệu đây? Một điều nữa qua trích đoạn
này còn cho thấy ông mục sư tiến sĩ của chúng ta đã sử dụng ngôn ngữ
mẹ đẻ “tinh tế” đến cỡ nào; xin dẫn chứng: “Đáng lẽ, ông bà càng lớn thì
bạn càng kính trọng”, đọc dòng chữ này không một người nào có học một
chút không bị “sốc”, trong tất cả chúng ta liệu đã có ai được chứng
kiến ông bà  chúng ta ngày một lớn lên không? Phải nói ngay đại đa số
chúng ta không ai dám có ý tưởng bất kính ấy, trừ ông mục sư tiến sĩ
Dương Hữu Khiêm. Có lẽ ông phải viết như vậy để cho hợp với lô-gic mà
ông đã viết ở trang số 10 khi ông hạ một câu rằng: có hiếu là phải dưỡng
dục cha mẹ,  nên ông mục sư tiến sĩ của chúng ta mới có hiếu đến
mức “ông bà càng lớn càng kính trọng”.

Như vậy, qua hai ví dụ trên chúng ta thấy một sự thật là tác giả cuốn
CHTĐTL sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ còn chưa thạo. Vậy mà dám cả gan viết
chứng đạo đơn để làm chứng cho những người chưa biết đến Chúa thì thật
là liều lĩnh.

Thứ ba:  Trong bài viết tác giả vẫn còn sử dụng nhiều ý mang tính đả kích
vào truyền thống dân tộc. Xin trích dẫn một vài đoạn như sau:
Ở trang 21 tác giả viết: “Nhiều người Việt nhầm lẫn khi cho rằng cha mẹ
qua đời phải lập bàn thờ, phải giỗ kỵ thì mới gọi là con cái hiếu thảo,
nhưng có nhiều dân tộc trên thế giới như Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Ca-na-đa,
Nga v v . . . không có truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên như ở Việt
Nam thì bạn cũng xem các dân tộc đó là bất hiếu với tổ tiên hay sao?”(17).

Ở một chỗ khác ông mục sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm lại viết: “Nếu bạn
cho rằng người chết về ăn của cúng giỗ, thì tại sao bạn thường chỉ cúng
ông bà tổ tiên mỗi năm có một lần. Khi ông bà còn sống mỗi ngày ăn 3
bữa, vậy còn những ngày khác họ sẽ ăn ở đâu?”(18).

Khi đọc hai trích đoạn này chúng tôi có cảm giác quen quen vì nó na ná lý
sự trong cuốn Chân Giả Luận – một cuốn sách do một số con cái Chúa biên
soạn từ nửa đầu thế kỷ thứ XX, trong đó chứa đựng nhiều nhận định thiên
lệch, tìm hiểu phong tục chưa đến nơi đến chốn vì thế đưa ra những qui
kết thiếu chính xác, đó là chưa nói đến có khá nhiều những câu chữ mang
tính công kích, ngày nay các con cái Chúa dường như đã nhận ra điều này
và Chân Giả Luận ít người còn nhắc đến (mặc dù ở hải ngoại trong những
năm vừa qua có một số người đã tìm cách hiệu chỉnh nhưng cũng ít người
ủng hộ).

Hiện nay chúng ta đang sống ở thiên niên kỷ thứ Ba, thời công nghệ số
hóa, chúng ta không thể giữ lối tư duy từ thế kỷ thứ XIX hay XX được. Khi
đặt câu hỏi rằng:  “. . . nhiều dân tộc trên thế giới như Anh, Đức, Pháp,
Mỹ, Ca-na-đa, Nga v v . . . không có truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên
như ở Việt Nam thì bạn cũng xem các dân tộc đó là bất hiếu với tổ tiên
hay sao?” thì có thể nói sự hiểu biết về văn hóa của ông mục sư tiến sĩ
Dương Hữu Khiêm chưa vượt qua được ngọn cỏ. Lý do là, quốc gia nào,
dân tộc nào thì cũng có bản sắc riêng của họ, không thể có chuyện chúng
ta bắt người Đức phải tuân theo phong tục của chúng ta, cũng không thể
có chuyện người Mỹ bắt người Việt phải sinh hoạt theo văn hóa của Mỹ,
ngay đến người Trung Hoa đô hộ Việt Nam trên một ngàn năm nhưng
cũng không thể đồng hóa được dân Việt Nam mà có nhiều phong tục tập
quán của người Trung Hoa lại bị Việt hóa. Ngay ngày hôm nay, khi trào lưu
toàn cầu hóa càn quét trên toàn thế giới, đã xuất hiện nhiều công dân toàn
cầu, thì bản sắc văn hóa cũng chỉ có thể “giao thoa” với nhau mà không
thể áp đặt. Mỗi vùng miền tùy theo điều kiện địa lý tự nhiên, khí hậu mà
hình thành những đặc trưng văn hóa khác nhau. Ví dụ Việt Nam chúng ta
ở vùng khí hậu mưa thuận gió hòa, nhiều đồng bằng trú phú, người ta
sống bằng nghề nông nghiệp và vì thế hình thành nền văn hóa mang
những đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp; dân Ixraen sống ở vùng
khô cằn đồi núi chỉ có đồng cỏ, vì thế buộc phải sống bằng nghề chăn thả,
từ đó hình thành nền văn hóa du mục; tất nhiên hai nền văn hóa này có
những đặc trưng đối lập nhau; và một điều có thể khẳng định ngay rằng
không thể đem văn hóa của vùng này áp đặt cho vùng khác; nếu có cố
tình theo kiểu “dùng gươm hoặc dùng tiền” thì không khéo sẽ bị “bản địa
hóa” lúc nào không biết. Trong lịch sử phát triển của thế giới đã có quá
nhiều bằng chứng về điều này, ngay cả với lịch sử phát triển Hội Thánh
của Cơ Đốc giáo cũng đã từng xảy ra điều tương tự, điều này chắc chắn
không xa lạ gì với những người có chút chữ nghĩa.

Vì thế, chúng tôi tin chắc rằng ngày nay không một người Việt Nam nào lại
bảo người Mỹ hay người Anh là bất hiếu chỉ vì họ không thờ cúng tổ tiên;
nhận định này có lẽ chỉ có những người có trình độ tầm cỡ  “super classic”
như ông mục sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm mới có những nhận định như
vậy. Như thế, câu hỏi mà ông đưa ra có thể nói là hoàn toàn thiếu thiện
chí; đây là điều tối kỵ trong công việc chứng đạo.

Với trích đoạn thứ hai cũng vậy, khi nói rằng: mỗi năm chỉ giỗ ông bà có
một lần, rồi đặt câu hỏi: “Khi ông bà còn sống mỗi ngày ăn 3 bữa, vậy còn
những ngày khác họ sẽ ăn ở đâu?,  thì rõ ràng ông mục sư tiến sĩ của
chúng ta đã đả kích cả người sống lẫn người chết, mà không hiểu gì về đời
sống tâm linh của người Việt cả; nhiều tín hữu Tin Lành Việt Nam tưởng
rằng tinh thần của Chân Giả Luận được xếp vào viện bảo tàng rồi, thì bây
giờ lại được ông Dương Hữu Khiêm “khai quật” và sử dụng. Tuy nhiên, có
một điều các chứng nhân cho Chúa cần lưu ý là chứng đạo bằng phương
pháp đả kích hay lên án thì không bao giờ có hiệu quả. Không có ai lại
muốn người khác phê bình hay kể tội mình, kể cả trong trường hợp mình
mắc lỗi, bản chất chung của con người tự nhiên đã như vậy; ngay trong
vòng các tín hữu Tin Lành cũng không khác, và các tín hữu Tin Lành còn
thường đưa ra lý sự “góp ý phải mang tính gây dựng” để ngụy biện cho
những vấp phạm của mình. Vì thế, không thể nói rằng, một số trích đoạn
mang tính đả kích truyền thống dân tộc trong cuốn chứng đạo đơn
CHTĐTL là điều hay cần phải có trong các tài liệu chứng đạo được. Nhất là
trong bối cảnh hiện nay, khi mà tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở tỉnh
Phú Thọ lại được tổ chức Khoa Học và Văn Hóa của Liên Hợp Quốc
(UNESCO) công nhận là Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Đại Điện Của Nhân
Loại  vào ngày 06/12/2012 (19), thì lại càng phải cẩn trọng để lựa chọn và
sử dụng từ ngữ khi nói đến tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên. Liệu các
tín hữu Tin Lành Việt Nam ngày nay có dám công khai nói trước dư luận
thế giới rằng tổ chức có uy tín rất lớn như UNESCO kia là tay sai của Sa-
tan không?

Vậy, hai trích đoạn mà ông mục sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm đưa vào
trong cuốn CHTĐTL là hoàn toàn không thích hợp, và thiếu sáng suốt.

Thứ tư: có nhiều nhận định rất chủ quan rồi suy diễn và gán cho người
khác hoặc tư tưởng khác trong khi thực tế thì không có như vậy. Xin đơn
cử một vài ví dụ:

Ví dụ 1: ở trang 6 tác giả viết: “Một số địa phương miền Bắc xưa lại có tục
‘thả cỏ’, ‘mượn giống’, nghĩa là cho vợ ăn nằm với người đàn ông khác để
có con”(20). Vậy nhận định này của ông mục sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm
cần phải hiểu thế nào? Chúng tôi xin có vài lời như sau: việc hai vợ chồng
ăn ở với nhau dăm bảy năm mà vẫn không có con, nếu là tại người vợ thì
người chồng có thể bỏ vợ đi lấy người khác, hoặc có người vợ dũng cảm
đến mức đi “tuyển” vợ bé cho chồng, nếu là tại người chồng thì có thể xin
con về nuôi, hoặc cũng có trường hợp cho phép vợ ngủ với người khác để
lấy con nối dõi. Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp hãn hữu không
phổ biến; xưa kia đã có và ngày nay cũng vẫn có, chỉ có điều ngày nay
khoa học đã có những tiến bộ vượt bậc nên có thể giúp được nhưng người
vô sinh mà vẫn có con đàng hoàng. Còn việc “thả cỏ” hay “mượn giống”
mà phổ biến đến mức trở thành một “tục” như mục sư tiến sĩ Dương Hữu
Khiêm nêu ra là hoàn toàn không có cơ sở; chúng tôi là dân miền Bắc gốc
nhưng từ thời thượng cổ đến nay chưa từng thấy lưu truyền một “tục” nào
như vậy; trong khi chúng tôi cũng được biết ông mục sư tiến sĩ Dương Hữu
Khiêm ra miền Bắc làm việc được khoảng 4 hay 5 năm gì đó vào khoảng
nửa cuối của những năm 2000; nhưng nghe đâu ông ta cũng bị dính một
chuyện tế nhị gì đó rồi về hẳn trong miền Nam. Thế thì, chỉ trong thời gian
ngắn như vậy làm sao ông ta lại biết được cái “tục” mà ngay dân Bắc Kỳ
chính cống cũng không thấy bao giờ? Hay là có thể chính ông đã từng
được nhờ làm việc này nên mới biết “tục” ấy? Nếu không phải như vậy, thì
việc ông ta nói ở một số tỉnh miền Bắc có “tục” “thả cỏ” và “mượn giống”,
theo ngôn ngữ của dân đánh giậm chuyên nghiệp ở vùng chiêm trũng
đồng bằng Bắc bộ thì ông ta đúng là “đồ ăn ốc nói mò”.

Ví dụ 2: ở trang 27 tác giả viết: “Khi cha mẹ qua đời các bạn thường cho
rằng ông bà mình chết đi trở thành ma quỉ và con cái nào có thái độ hỗn
hào, xấc xược trước bàn thờ tổ tiên sẽ bị ông bà quật chết. Bạn vô tình liệt
kê ông bà, cha mẹ vào hạng kẻ dữ, gán ghép cho ông bà những hành
động không tốt trái ngược với tình yêu thương của ông bà, cha mẹ lúc còn
sống”(21). Về trích đoạn này chúng tôi có cảm giác hình như tác giả đang
làm chứng cho một số người nào đó nhưng lại  bằng cách tố cáo và kết án
những người nghe; trong trường hợp này chắc chắn họ sẽ rất phẫn nộ; bởi
cớ là không có con cháu nào trên đất nước này lại tin rằng ông bà mình
chết đi rồi trở thành ma quỉ cả, cũng không có con cháu nào dám hỗn hào
trước bàn thờ tổ tiên hết; kể cả những tên cướp khét tiếng, chém người
như chém chuối thì khi đứng trước từ đường của gia đình họ hàng của
chúng, chúng cũng rất kính cẩn và thành tín, chỉ trừ những tín hữu Tin
Lành mới không cần thành kính và dám phá bỏ bàn thờ của những tân tín
hữu; đồng thời cũng không có bất kỳ một người Việt Nam nào lại sợ ông
bà quật chết vì hỗn hào cả. Những ý tưởng này hoàn toàn là do ông mục
sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm tự nghĩ ra rồi gán cho họ. Sau khi gán tội cho
người nghe ông mục sư liền đóng vai “phán quan” và kết tội họ rằng: “Bạn
vô tình liệt kê ông bà, cha mẹ vào hạng kẻ dữ, gán ghép cho ông bà
những hành động không tốt . . .”, thực ra là người Việt Nam không một ai
có ý nghĩ quái gở cho rằng ông bà chết đi rồi trở thành ma quỉ, và nếu hỗn
hào thì bị ông bà quật chết để rồi bị ông mục sư tiến sĩ kết tội bừa bãi như
vậy; tất cả tội trạng và phán xét đều do một tay ông mục sư tiến sĩ Dương
Hữu Khiêm “viết kịch bản” rồi lại tự “đạo diễn”, chứ không có bất kỳ một ai
nghĩ như ông. Và với “phương pháp” chứng đạo “siêu việt” này chắc chắn
kết quả của cuộc làm chứng sẽ không chỉ “nước lã ra sông” mà còn làm
cho những người nghe (hoặc đọc cuốn CHTĐTL) không thể có cái nhìn
thiệm cảm với Tin Lành.

Qua hai ví dụ đã dẫn cho thấy, tác giả cuốn CHTĐTL qui kết cho những
người chưa tin Chúa tại Việt Nam những điều mà họ không có, và không
bao giờ nghĩ tới; điều này nếu nói theo ngôn ngữ hình sự thì ông mục sư
tiến sĩ của chúng ta đã mắc tội vu cáo.

...
Như vậy, xét về nội dung của cuốn chứng đạo đơn CHTĐTL chúng ta thấy
có quá nhiều thiếu sót. Có thể  nói tuy cuốn CHTĐTL của tác giả Dương
Hữu Khiêm không dài nhưng nếu yêu cầu phải “nhặt” cho hết những “hạt
sạn” thì e rằng sẽ quá dài  cho bài viết này, và cũng sẽ là không cần thiết;
bởi vì về mặt nguyên tắc, với một bài viết nghiêm túc và lại mang tính đại
chúng thì chỉ cần có một vài sai lầm thuộc về kiến thức căn bản thì bài đó
đã không được phép phổ biến, chứ chưa nói đến vấn đề có quá nhiều “lỗ
hổng” về kiến thức căn bản như cuốn CHTĐTL của mục sư tiến sĩ Dương
Hữu Khiêm.

III. Kết luận

Vấn đề chuẩn bị những tài liệu chứng đạo trước mỗi mùa giáng sinh là
điều cần thiết; tuy nhiên, những tài liệu được phát cho những người chưa
biết đến Phúc Âm của Đức Chúa Trời thì cần phải đáp ứng những tiêu chí
cụ thể. Với chứng đạo đơn cũng vậy, mỗi cuốn chứng đạo đơn cần phải
ngắn gọn, súc tích, từ ngữ sử dụng phải phù hợp trình độ đại chúng để
mọi thành phần đều dễ đọc, dễ hiểu, không được thiên kiến, hoặc đưa vào
ý riêng của mình, và đặc biệt là không được sai lầm về những kiến thức
phổ thông. Vì thế, viết chứng đạo đơn nhiều người lầm tưởng là dễ, viết
cho những người dân thường trình độ không cao, nên có thể mặc sức
muốn viết kiểu gì thì viết; nhưng thực ra không phải vậy, để viết một
chứng đạo đơn có tính thuyết phục cao và mọi thành phần đều chấp nhận
được hoàn toàn không đơn giản một chút nào. Chính vì thế, từ nhiều năm
nay đã có rất nhiều chứng đạo đơn được lưu hành tại Việt Nam, nhưng
những cuốn thực sự thuyết phục thì chỉ có vài ba cuốn.

Riêng cuốn CHTĐTL của mục sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm như chúng tôi
vừa trình bày trên đã mắc quá nhiều lỗi, trong đó có những lỗi thuộc về
kiến thức nền tảng căn bản. Đó là chưa tính đến việc ông mục sư tiến sĩ
Dương Hữu Khiêm cho in thêm quá nhiều so với giấy phép được Nhà Xuất
Bản Đồng Nai cấp; cụ thể là trên giấy phép do NXB Đồng Nai cấp ngày
13/05/2012 thì chỉ in 2000 bản; tuy nhiên chỉ riêng giáo hội HTTLVN (MB)
đã mua của ông mục sư tiến sĩ Dương Hữu Khiêm tới trên 20 000 (hai
mươi ngàn) cuốn; cái lối in dôi ra so với số lượng được cấp trên giấy phép
này theo ngôn ngữ ngành in hình như người ta gọi là “in nối bản” thì phải;
và hình như lối in này cũng không sạch sẽ gì cho lắm. Nếu như ở một đất
nước pháp luật được thực thi nghiêm túc, chắc ông mục sư tiến sĩ của
chúng ta khó thoát khỏi việc “đứng trước vành móng ngựa”.

Vì thế chúng tôi đề nghị những giáo phái, những Hội Thánh trên đất Việt
Nam, nếu chưa mua cuốn CHTĐTL thì nên đình lại không mua nữa, nếu đã
chót ký hợp đồng nhưng chưa giao tiền và nhận hàng thì nên từ chối giao
tiền và nhận hàng, thậm chí chấp nhận nộp phạt, còn những giáo phái,
hay Hội Thánh nào đã chót mua cuốn CHTĐTL rồi thì nên tiêu hủy không
phát hành hay phổ biến nữa. Vì chúng ta cần nhớ rằng: cuốn CHTĐTL này
là để phát cho những người chưa tin Chúa, chứ không phải để cho các con
cái Chúa đọc; nếu các con cái Chúa đọc thì người ta có thể còn thông cảm
và chấp nhận; nhưng những người chưa tin Chúa mà đọc thì “lợi sẽ bất
cập hại”. Bởi mấy lý do sau: một là: họ coi thường kiến thức của những trí
thức Tin Lành vì ngay kiến thức phổ thông cũng chưa nắm được; hai là họ
sẽ bức xúc vì có những điều họ không nghĩ tới, không làm nhưng bị cuốn
CHTĐTL gán cho; và thứ ba là: họ sẽ có cái nhìn thiếu thiện cảm với Tin
Lành vì họ bị đả kích.

Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi sau khi đọc xong chứng đạo đơn
có đầu đề: Chữ Hiếu Trong Đạo Tin Lành của mục sư tiến sĩ Dương Hữu
Khiêm. Bài viết của chúng tôi dù sao cũng chỉ mang tính chủ quan, vì thế
chúng tôi rất muốn các quí anh chị em trong Chúa đóng góp ý kiến một
cách chân thành, cởi mở, để chính chúng tôi cũng được phần mở mang
kiến thức; và cũng là để tất cả những quí anh chị em nào muốn hầu việc
Chúa trong lĩnh vực nghiên cứu, viết sách cần phải hết sức thận trọng, vì
sự ảnh hưởng của những loại công việc này là rất rộng lớn.

Nguyện xin Đức Chúa Trời Ba Ngôi luôn ban phúc lành trên các anh chị
em.

Hà Nội, ngày 6/11/2014

Âu Dương Bắc Hà

Chú thích:
_________________________________________

(1) Dương Hữu Khiêm. Chữ Hiếu Trong Đạo Tin Lành. NXB Đồng Nai.
2012. Trang 1.

(2) Dương Hữu Khiên. Sđd. Trang 3.

(3) Dương Hữu Khiêm. Sđd. Trang 5.

(4) Dương Hữu Khiêm. Sđd. Trang 9.

(5)
Theo:http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/3646/
Doi_dieu_tim_hieu_ve_ban_tho_gia_tien_Phan_I_.

(6) Dương Hữu Khiêm. Sđd. Trang 10.

(7) Lý Nhạc Nghị. Tìm Về Cội Nguồn Chữ Hán. NXB Thế Giới. 1997. Trang
xxiv – xxvi.

(8) Lý Nhạc Nghị. Sđd. Trang 267.

(9) Dương Hữu Khiêm. Sđd. Trang 14.

(10) Dương Hữu Khiêm. Người Việt Tìm Hiểu Đạo Tin Lành. Tài liệu lưu
hành nội bộ, không ghi nhà xuất bản, không ghi năm.

(11) Dương Hữu Khiêm. Chữ Hiếu Trong Đạo Tin Lành. NXB Đồng Nai.
2012. Trang 10.

(12) Viện Ngôn Ngữ Học. Từ Điển Tiếng Việt. NXB Đà Nẵng. 2004.

(13) Theo: hanviet.org.

(14) Theo: hanviet.org.

(15) Dương Hữu Khiêm. Chữ Hiếu Trong Đạo Tin Lành. NXB Đồng Nai.
2012. Trang 21-22.

(16) Trần Ngọc Thêm. Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam. NXB Giáo Dục. 2000.
Trang 90.
(17) Dương Hữu Khiêm. Chữ Hiếu Trong Đạo Tin Lành. NXB Đồng Nai.
2012. Trang 21.

(18) Dương Hữu Khiêm. Sđd. Trang 24-25.

(19) Theo: http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/100026/tin-nguong-
tho-cung-hung-vuong-thanh-di-san-unesco.html

(20) Dương Hữu Khiêm. Sđd. Trang 6.

(21) Dương Hữu Khiêm. Sđd. Trang 27.

(22) Vũ Ngọc Khánh. Giai Thoại Folklore Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội.
1996. Trang 192.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Chữ Hiếu Trong Đạo Tin Lành. Dương Hữu Khiêm. NXB Đồng Nai.
2012.

[2] Người Việt Tìm Hiểu Đạo Tin Lành. Dương Hữu Khiêm. Lưu Hành Nội
Bộ. Không ghi năm.

[3] Tìm Về Cội Nguồn Chữ Hán. Lý Nhạc Nghị. NXB Thế Giới. 1997.

[4] Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam. Trần Ngọc Thêm. NXB Giáo Dục. 2000.

[5] Giai Thoại Folklore Việt Nam. Vũ Ngọc Khánh. NXB Khoa Học Xã Hội.
1996.

[6] Từ Điển Tiếng Việt. Viện Ngôn Ngữ Học. NXB Đà Nẵng. 2004.

[7] Một số các trang web: http://vietnamnet.vn;


hanviet.org. http://btgcp.gov.vn
 

TB: Dưới đây chúng tôi xin đăng ảnh một số trang của cuốn CHTĐTL và
cuốn Người Việt Tìm Hiểu Đạo Tin Lành  của tác giả Dương Hữu Khiêm để
các quí anh chị em có thể nhận diện.

You might also like