You are on page 1of 2

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 4

HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VIỆT NAM LẦN THỨ 8


Kính thưa quý thầy, cô giáo và các bạn học sinh.

Quảng Trị - một địa danh đại diện đầy đủ cho sự ác liệt, chia cắt, bom đạn và những
chiến dịch quân sự quy mô nhất trên một lãnh thổ. Hơn thế nữa, Quảng Trị là nơi đã khẳng
định sức mạnh kiên cường của con người trước bom đạn và những điều kiện sống ngặt
nghèo nhất của chiến tranh…Với ý nghĩa đó thư viện trường xin trân trọng giới thiệu đến
bạn đọc cuốn sách “MỘT THỜI HOA LỬA” mong góp phần nào dựng lên chân dung của
một thế hệ đã chiến đấu ở Quảng Trị 81 ngày đêm. Tự thân những hồi ức, những dòng nhật
ký, những trang viết, những câu chuyện của đồng đội, của người thân về những người đã
hy sinh, và của chính những người kể, là những chất liệu đầy xúc cảm …

Cách đây gần 50 năm đã diễn ra trận đánh có thể nói là khốc liệt nhất trong lịch sử
chiến tranh chống Mỹ. Ở cuộc chiến ấy, thời gian được tính bằng lần pháo kích hoặc
B52.Trận đánh ấy kéo dài 81 ngày đêm trên một diện tích chỉ vỏn vẹn có 4 km2, cả hai bên
đã tung vào đây những lực lượng thiện chiến nhất. Đó là trận thành cổ Quảng Trị. Khi ấy
Việt Nam là tâm điểm chú ý của cả nhân loại. Số lượng đạn bom Mỹ - ngụy trút lên thành
cổ ước tính tương đương với 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hirosima trong
chiến tranh thế giới thứ II . Còn theo tài liệu của địch để lại thì mỗi ngày chúng bắn khoảng
1,5 vạn quả pháo và dùng 100 lượt B52 oanh tạc thành cổ. 

Cuộc chiến đấu ác liệt tới mức ở đó “Thời gian


không được tính bằng giây phút mà nó lại được tính
bằng lần pháo kích hoặc B52. Nhiều khi mình có cảm
tưởng như nửa giờ đồng hồ lại có một lần khai sinh
mới...” (Trích nhật ký của liệt sĩ Kỳ Sơn). 
Cuối tháng 10 năm nay, Đài truyền hình Việt Nam và
Công ty Viễn thông quân đội Viettel đã phối hợp thực
hiện cầu truyền hình mang tên “Một thời hoa lửa” mà
có lẽ nhiều người còn nhớ.Thế nhưng một chương
trình truyền hình trực tiếp không thể chuyển tải hết
những điều muốn nói về cuộc chiến hào hùng và bi
tráng tại thành cổ Quảng Trị. 
Chắc hẳn vì thế mà hôm nay người đọc có thêm cuốn
sách “Một thời hoa lửa” (NXB Trẻ và Đài THVN phối
hợp ấn hành), bổ sung khá nhiều tư liệu ảnh, hồi ức,
nhật ký, thư từ, thơ ca, câu chuyện của những chứng nhân lịch sử, của gia đình, người thân
các liệt sĩ... dựng lại bức tranh đầy đủ và xúc động về những người lính đã làm nên “một
bản hùng ca cách mạng Việt Nam”, “một huyền thoại về sức người chống lại đạn bom”. 
Người đọc sẽ gặp lại Nguyễn Văn Thạc “mãi mãi tuổi hai mươi” và chứng kiến những giây
phút bi hùng của anh gần thành cổ. Sẽ đồng cảm với những trang nhật ký lãng mạn và say
đắm (lần đầu được công bố) của chị Phạm Thị Như Anh dành riêng cho anh Thạc mà anh
không bao giờ còn kịp đọc nữa. Sẽ gặp lại “chú chim quyên trong thành cổ Quảng Trị” -
anh Nguyễn Xuất Hiện khi ấy mới 14 tuổi, với câu hỏi “Có sợ chết không?”, trả lời : “Sợ gì
mà sợ, chết có gì mà sợ...”.

 Cựu chiến binh Đào Chí Thành nói: “Trong thành cổ Quảng Trị thì ngày nào cũng
ác liệt như ngày nào. Địch tấn công từ 6giờ sáng đến 6 giờ tối. Chúng tôi quen tới mức
không sợ nữa...”. Vì sao những người lính lại bước vào cuộc chiến với sự thanh thản và can
đảm như vậy? Người viết bài này hy vọng rằng mỗi bạn đọc sẽ tìm ra câu trả lời cho riêng
mình khi gấp cuốn sách lại, sẽ cùng chia sẻ thông điệp mà cuốn sách gửi tới bạn đọc trẻ
hôm nay “sống thế nào để sống đúng với mạch sống của dân tộc, làm thế nào để xác định
vị trí của mình trong dòng chảy đó” với tinh thần của những người đã làm nên một thời hoa
lửa và tấm lòng tri ơn, không bao giờ quên.

Và một lần đặt chân đến vùng đất lửa linh thiêng mà Thành cổ Quảng Trị là điểm
đến tâm linh có ý nghĩa rất đặc biệt. Với những giá trị và chiến công đúc kết bằng xương
máu của hàng ngàn chiến sỹ, Thành cổ Quảng Trị hôm nay trở thành một khu tưởng niệm
để tri ân cho các anh hùng liệt sỹ.

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời cũng tự trong xanh và lộng gió

Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật

Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào...”

(Tấc đất Thành Cổ -Thơ Phạm Đình Lân - Tháng 7-2002).

Hy vọng cuốn sách này sẽ góp phần nào dựng lại cuộc chiến ở Quảng Trị một thời
hoa lửa. Từ đó giáo dục truyền thống cách mạng trong, tinh thần tự hào dân tộc và lòng
biết ơn vô hạn của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho độc lập, thống nhất đất nước ở thế hệ
trẻ hiện nay.

Mời thầy cô và các bạn tìm đọc.

You might also like