You are on page 1of 8

Chương 7 PHÂN BÓN VI LƯỢNG

Các nguyên tố vi lượng trong đất

Cũng như với bất kỳ một chất dinh dưỡng cây trồng khác, khả năng hữu dụng đối với
cây trồng của các nguyên tố vi lượng cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố của đất. Trong
các yếu tố của đất, pH dung dịch đất và hàm lượng chất hữu cơ trong đất có tầm ảnh hưởng
rất quan trọng đến khả năng hữu dụng của các chất dinh dưỡng nói chung và các nguyên tố vi
lượng nói riêng. Các tiến trình có liên quan đến sự phong hóa các tinh khóang trong đất hay
sự phân giải các dư thừa hữu cơ, và sự hấp thu các cation vi lượng của cây trồng được trình
bày tổng quát trong hình sau. Trong đó các phức chất (hay chelate) dạng hòa tan được tiết ra
từ rễ cây hoặc được hình thành từ quá trình phân giải các dư thừa hữu cơ, nên làm gia tăng tốc
độ vận chuyển các nguyên tố vi lượng từ đất đến bề mặt rễ. Sự hiểu biết của chúng ta còn hạn
chế về các tiến trình hấp thu dinh dưỡng của cây trồng, ví dụ như các phức chất bị phá vỡ và
sự giải phóng nguyên tố vi lượng như thế nào ngay thời điểm chúng được rễ cây hấp thu.
Ngoài ra, dòng chảy khối lượng và khuếch tán là động lực chính tạo nên sự di chuyển của các
ion vi lượng từ dung dịch đất đến rễ cây trồng chúng ta cũng chưa thật sự hiểu rõ.

I Các nguyên tố dinh dưỡng vi lượng

1.1 Các chelates và động thái của chelate


Nhiều hợp chất hữu cơ tự nhiên hiện diện trong đất, hay các hợp chất tổng hợp nhân
tạo được bón vào đất có khả năng tạo phức hay tạo chelate với Fe và các nguyên tố vi lượng
kim loại khác. Nồng độ Fe trong dung dịch và hàm lượng Fe được vận chuyển đến rễ bằng
dòng chảy khối lượng và khuếch tán có thể gia tăng đáng kể thông qua sự tạo phức của Fe với
các hợp chất tạo chelate hữu cơ tự nhiên trong đất. Tốc độ khuếch tán của Fe đến rễ cây cao
lương gia tăng do nồng độ Fe hòa tan cao.
Chelate là từ có nguồn gốc tiếng Hy lạp, có nghĩa là bám vào. Chelate là các hợp chất
hữu cơ hòa tan tạo nối hóa học với các kim loại như Fe, Zn, Cu, và Mn, làm tăng khả năng
hòa tan và di chuyển nên làm tăng khả năng cung cấp các nguyên tố kim loại cho rễ cây trồng.
Các chelate hữu cơ tự nhiên là sản phẩm của các hoạt động vi sinh vật và sự phân giải chất
hữu cơ và các dư thừa thực vật trong đất. Các chất được tiết ra từ rễ thực vật cũng có khả
năng tạo phức với các nguyên tố vi lượng.
Có một hàm lượng đáng kể các phức Fe hữu cơ có thể được luân chuyển thông qua
dư thừa thực vật, Fe trong dư thừa này sẽ kéo dài sự hữu dụng cho cây trồng về sau. Rất nhiều
chelate hữu cơ tự nhiên chưa được xác định, tuy nhiên các hợp chất như citric và oxalic acids
được xác định là có tính chất của 1 chelate.
Động thái của chelate làm tăng khả năng hòa tan và vận chuyển của các nguyên tố vi
lượng được giải thích như sau: trong thời điểm rễ đang hấp thu, nồng độ của chelate Fe hay
của các nguyên tố vi lượng khác trong dung dịch luôn cao hơn nồng độ của chúng tại bề mặt
rễ; vì vậy chelate Fe sẽ được khuếch tán đến bề mặt rễ do chênh lệch nồng độ. Ở bề mặt rễ,
nối hóa học của chelate được phá vỡ hay Fe3+ sẽ phân ly từ các chelate do một cơ chế nào đó
chúng ta chưa hiểu rõ. Sau khi Fe phân ly từ chelate, thành phần hữu cơ sẽ trở nên “tự do”
(chúng ta sẽ gọi là chelate tự do) và sẽ khuếch tán trở lại vào dung dịch đất cũng do sự chênh
lệch về nồng độ (nồng độ chelate tự do gần rễ > chelate tự do trong dung dịch đất). Các
chelate tự do sau đó sẽ lại tạo phức với các ion Fe khác trong dung dịch. Khi nồng độ Fe3+
không tạo chelate trong dung dịch giảm do sự tạo chelate, Fe sẽ được giải phóng từ các bề
mặt khoáng nguyên sinh, thứ sinh hay do khoáng sét phân ly để tái cung cấp Fe cho dung

1
dịch. Chu trình chelate-vi lượng là một cơ chế cực kỳ quan trọng trong đất góp phần rất lớn
tạo nên sự hữu dụng của Fe và các nguyên tố vi lượng khác đối với cây trồng.
1.2 Tính ổn định của chelate tổng hợp
Trong đất, các chelate tổng hợp khi được bón vào sẽ có tính chất tương tự như các
chelate hữu cơ tự nhiên, và các chelate tổng hợp được dùng sản xuất phân bón vi lượng và
phân tích các nguyên tố vi lượng trong đất. Vì vậy, việc nghiên cứu tính chất hóa học của
chelate là việc rất quan trọng để quản lý tốt các nguyên tố vi lượng trong đất. Các chelate
quan trọng dùng trong nông nghiệp được liệt kê trong bảng sau. Sự lựa chọn chelate nào để
làm phân bón hay phân tích đất phụ thuộc vào (1) loại nguyên tố vi lượng và (2) tính bền của
các chelate trong đất.

Khi một chelate tổng hợp hay tự nhiên được bón vào đất, chúng nhanh chóng tạo phức
với các cation hiện diện trong dung dịch đất. Ví dụ, 2 acid hữu cơ tự nhiên là citric và oxalic
acid, sẽ tạo phức với Al3+ ở pH thấp, nhưng khi pH tăng lên > 5 - 6, Ca2+ và/hay Mg2+ sẽ được
tạo phức dễ dàng hơn so với Al3+. Chú ý là citric acid không có hiệu quả trong sự tạo phức
với Fe trong dung dịch. DTPA và EDTA dễ dàng tạo chelate với Fe ở pH<7 và pH<6,5 tương
ứng, ngược lại khi pH lớn hơn các giá trị này, Ca sẽ thay thế Fe trong cả hai chelate trên. Vì
vậy, trên đất đá vôi và đất trung tính, Ca sẽ chiếm ưu thế trong các chelate tổng hợp ngoại trừ
đối với EDDHA. Chelate EDDHA có cường độ tạo phức rất mạnh với Fe và bền vững trong
một phạm vi pH rộng. Từ kết quả này, nên Fe-EDDHA được dùng tạo chelate với Fe và làm
phân bón Fe phổ biến do ái lực của EDDHA đối với Fe rất mạnh. Ví dụ, khi bón Fe-EDTA,
Fe-DTPA, và Fe-EDDHA vào đất, chelate EDDHA cung cấp Fe cho cây nhiều hơn các
chelate khác.

Bảng 7.1 Công thức hóa học của 1 số chelate tự nhiên và tổng hợp phổ biến

Các chelate phổ biến Công thức Viết tắt


Ethylenediaminetetraacetic acid C10H16O8N2 EDTA
Diethylenetriaminepentaacetic acid C14H23O10N3 DTPA
Cyclohexanediaminetetraacetic acid C14H22O8N2 CDTA
Ethylenediaminedi-o-hydroxyphenlyacetic acid C18H20O6N2 EDDHA
Hydroxyethylenediaminetriacetic acid C10H18O7N2 HEDTA
Nitrilotriacetic acid C6H9O6N NTA
Ethylene glycol bis(2-aminoethyl ether)tetraacetic C14H24O10N2 EGTA
acid
Citric acid C6H8O7 CIT
Oxalic acid C2H2O4 OX
Pyrophosphoric acid H4P2O7 P2O7

Triphosphoric acid H5P3O10 P3O10

II Phân vi lượng
2.1 Các loại phân Fe và sử dụng

Bệnh vàng lá do thiếu Fe là một trong những bệnh thiếu dinh dưỡng vi lượng khó trị
nhất trên đồng ruộng. Một số chất có chứa Fe được dùng phổ biến để xử lý trong trường hợp
thiếu Fe. Bón trực tiếp phân Fe vào đất thường không hiệu quả do sự kết tủa quá nhanh của
phân bón thành Fe(OH)3 không hòa tan. Ví dụ, khi FeSO4.7H2O và Fe-EDDHA được bón vào
đất, chỉ có 20 % FeSO4.7H2O được trích ra được với DTPA sau một tuần, so với 70 %
FeEDDHA sau 7 tuần và 26 % sau 14 tuần.
Bảng 7.2 Fe, Zn, Cu, và Mn trích bằng DTPA

2
Mức độ Fe(ppm) Zn(ppm) Mn(ppm) Cu(ppm)
Thấp (thiếu) 0 - 2,5 0 - 0,5 < 1,0 < 0,2
Ngưỡng thiếu 2,6 - 4,5 0,6 - 1,0 - -
Cao (đủ) >4,5 > 1,0 > 1,0 > 0,2

Chữa trị sự thiếu Fe chủ yếu được thực hiện bằng cách phun dung dịch có chứa Fe lên
lá. Phun dung dịch 2 % FeSO4 thường đủ cho trường hợp thiếu Fe nhẹ. Tuy nhiên, cần phun
nhiều lần cách nhau 7-14 ngày trong trường hợp cây bị thiếu Fe nghiêm trọng. Tiêm trực tiếp
các muối Fe vào thân các cây ăn quả rất có hiệu quả để chữa trị bệnh vàng lá do thiếu Fe. Có
thể tiêm ở 200psi (1 psi = 0,069 bar) từ 0,5-2 lít cho một cây ăn quả với 1-2 % dung dịch
FeSO4.

Ngoại trừ FeSO4, phần lớn phân bón có chứa Fe là các chelate. Các chất này đều hòa
tan trong nước và có thể bón vào đất hay phun lên lá. Các chelate Fe được sản xuất dưới dạng
có tác dụng bảo vệ hạn chế các phản ứng tạo Fe(OH)3 không hòa tan trong đất.
Bảng 7.3 Các nguồn phân Fe

Nguồn Công thức % Fe (gần đúng)


Ferrous sulfate FeSO4.7H2O 19 - 20
Ferric sulfate Fe2(SO)4.4H2O 20 – 23
Ferrous oxide FeO 77
Ferric oxide Fe2O3 69
Ferrous ammonium Fe(NH4)PO4.H2 29
phosphate O
Ferrous ammonium sulfate (NH4)2SO4.FeS 14
O4.6H2O
Iron ammonium Fe(NH4)HP2O7 22
polyphosphate
Các chelate Fe NaFeEDTA 5-14
NaFeHEDTA 5-9
NaFeEDDHA 6
NaFeDTPA 10
Chất hữu cơ tự nhiên 5-10

Vì Fe-EDDHA là hợp chất bền nhất trong số các chelate Fe, nên rất được ưa chuộng
để dùng làm phân bón, nhưng Fe-DTPA cũng được sử dụng, đặc biệt là trên đất chua. Nhưng
các chelate Fe rất đắt tiền nếu dùng bón vào đất, do đó chỉ nên dùng bón cho các cây trồng có
giá trị kinh tế cao.

Sự hóa chua cục bộ của một phần vùng rễ có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của việc
chữa trị bệnh thiếu Fe. Một số loại phân bón có chứa S, như So, ammonium thiosulfate,
sulfuric acid, ammonium bisulfite, sulfur dioxide, và ammonium polysulfide, khi bón sẽ làm
giảm pH đất và làm tăng nồng độ Fe trong dung dịch.

Sự tạo phức với các loại phân polyphosphate cũng làm tăng khả năng hữu dụng của cả
hai dạng SO42- và chelate Fe, nhưng mức độ hữu hiệu của Fe-EDDHA cao hơn FeSO4 ở cùng
liều lượng Fe chứa trong phân.

3
2.2 Kẽm (Zn), các loại phân bón và sử dụng phân bón có chứa Zn
Sulfate kẽm (ZnSO4) có chứa khoảng 35 % Zn, là nguồn phân Zn phổ biến nhất,
nhưng việc sử dụng các chelate Zn ngày càng gia tăng. Các nguồn Zn vô cơ đều có thể dùng
làm phân bón do khả năng hòa tan cao của chúng trong đất. Phosphate kẽm Zn3(PO4)2, mặc
dù khả năng hòa tan kém hơn các loại Zn oxide, hydroxide, hay carbonate nhưng có thể cung
cấp Zn hữu dụng cho cây trong 1 thời gian dài.
Liều lượng phân Zn bón phụ thuộc vào loại cây trồng, loại phân, phương pháp bón, và
mức độ thiếu của đất Zn. Thường bón từ 2 – 5 kg/ha với Zn vô cơ và từ 0,25 – 1 kg với
chelate hay phân Zn hữu cơ. Với hầu hết các loại cây trồng và rau cải, 10 kg/ha được khuyến
cáo bón cho đất sét và đất thịt và 3 - 5 kg/ha đối với đất cát. Trong nhiều trường hợp, bón 10
kg/ha có thể có hiệu quả trong vòng 3 - 5 năm.

Do sự di động của Zn trong đất hạn chế, nên khi bón vãi phân Zn trên đồng phải vùi
lấp đều trong đất; tuy nhiên, bón theo hàng có hiệu quả hơn, đặc biệt là đất có sa cấu mịn và
đất có hàm lượng Zn thấp. Hiệu quả của việc bón phân Zn theo hàng có thể được gia tăng khi
bón cùng với các loại phân N chua.

Đối với các cây lưu niên như cây men bia, nho, và cây ăn quả, bón phân Zn trước khi
trồng có hiệu quả hơn. Liều lượng bón cho cây men bia và nho là 20 kg/ha và cây ăn quả là
100 kg/ha. Khi các cây này đã ổn định về mặt sinh trưởng, bón phân vào đất sẽ không có hiệu
quả cao.

Bón phân qua lá chủ yếu sử dụng cho các cây ăn quả. Phun dung dịch với liều lượng
10-15 kg/ha Zn cho vườn cây ăn quả trong thời kỳ ngủ, 2-3 kg/ha cho các cây đang sinh
trưởng. Để hạn chế sự cháy lá, có thể thêm vôi vào dung dịch hay sử dụng các loại phân có độ
hòa tan thấp như ZnO hay ZnCO3. Các phương pháp khác có thể sử dụng như phủ hạt, nhúng
rễ vào dung dịch, và tiêm vào cây. Cách phủ hạt có thể cung cấp đủ Zn cho các hạt có kích
thước nhỏ, nhưng ngâm hạt, rễ cây con vào dung dịch huyền phù 2 % ZnO thường có hiệu
quả hơn.

Phun các chelate và các hợp chất hữu cơ tự nhiên có chứa Zn lên lá sẽ có hiệu quả
hơn, như thế cây sẽ nhanh chóng hồi phục hơn. Các loại phân Zn có thể được dùng chung
trong các loại phân dung dịch có nồng độ cao vì chúng có khả năng hòa tan cao. Các chelate
như ZnEDTA di động có thể bón trực tiếp vào đất; tuy nhiên, do giá thành cao nên phạm vi sử
dụng chúng bị hạn chế.

Bảng 7.4 Một số loại phân bón chứa Zn

Tên Công thức % Zn (gần đúng)


Zinc sulfate monohydrate ZnSO4.H2O 35
Oxide kẽm ZnO 78
Carbonate kẽm ZnCO3 52
Phosphate kẽm Zn3(PO4) 2 51
Các chelate kẽm Na2ZnEDTA 14
NaZnNTA 13
NaZnHEDTA 9
Các chất hữu cơ tự nhiên - 5-10

4
2.3 Đồng (Cu), các loại và sử dụng phân bón có chứa Cu

Loại phân bón chứa Cu thường sử dụng là CuSO4.5H2O, mặc dù CuO, hỗn hợp CuSO4
và Cu(OH)2 và chelate Cu cũng được sử dụng khá phổ biến. Sulfate đồng chứa 25,5% Cu, là
hợp chất hòa tan trong nước, và có hiệu quả như bất cứ các loại phân bón nào khác.
Ammonium phosphate Cu có thể dùng bón vào đất hay phun lên lá. Phân Ammonium
phosphate Cu, chứa 30 % Cu, ít hòa tan trong nước nhưng có thể dùng dưới dạng huyền phù
để phun lên lá. Cũng như các loại ammonium phosphate kim loại khác, Ammonium
phosphate Cu có tính hữu dụng chậm khi bón vào đất.

Bón phân Cu vào đất hay phun lên lá đều có hiệu quả, có thể bón phân Cu vào đất, với
liều lượng từ 0,3 – 10 kg/ha để chữa trị bệnh thiếu Cu. Nhưng để nâng cao hiệu quả phân Cu
nên trộn thật đều vào vùng rễ hay bón theo hàng, theo hốc. Khi bón theo hàng nên giảm liều
lượng để đề phòng việc gây tổn thương cho rễ cây. Bón phân Cu có thể không có hiệu quả do
điều kiện đất quá ẩm hoặc quá khô, rễ cây bị bệnh, bị ngộ độc, và cây thiếu các chất dinh
dưỡng khác. Sự tồn dư của phân Cu có thể kéo dài 2 năm hay lâu hơn khi bón vài kg/ha, thời
gian tồn dư này phụ thuộc vào đất, cây và liều lượng bón.

Phun phân Cu lên lá được xác định là biện pháp tức thời chữa trị bệnh thiếu Cu được
phát hiện sau khi trồng cây xuất hiện triệu chứng thiếu (vàng lá). Tuy nhiên trong một số
vùng, phân Cu được đưa vào chương trình bón phân chính thức. Các chelate Cu (CuEDTA)
có thể dùng để phun lên lá, bón vào đất nhưng giá thành chelate Cu quá cao nên hạn chế phạm
vi sử dụng chelate Cu.
Bảng 7.5 Các hợp chất Cu được dùng làm phân bón

Tên Công thức % Cu Khả năng hòa tan trong nước


Sulfate Cu CuSO4.5H2O 25 Hòa tan
Sulfate Cu.1H2O CuSO4.H2O 35 Hòa tan
Nitrate Cu Cu(NO3)2.3H2O Hòa tan
Acetate Cu Cu(C2H3O2)2.H2O 32 Ít hòa tan
Ammonium Cu(NH4)PO4.H2O 32 Không hòa tan
phosphate Cu
Chelate Cu Na2Cu EDTA 13 Hòa tan
NaCu HEDTA 9 Hòa tan
Polyflavanoid Cu - 5-7 Hòa tan

2.4 Manganese (Mn), các loại phân và sử dụng phân bón có chứa Mn

Sulfate Manganese (MnSO4) được sử dụng rộng rãi để chữa trị bệnh thiếu Mn và
phân này có thể dùng bón vào đất hoặc phun lên lá. Ngoài nguồn phân bón vô cơ, các phức
chất hữu cơ tự nhiên và các chelate Mn cũng có thể được dùng để phun lên lá.

5
Bảng 7.6 Các loại phân bón có chứa Mn

Tên Công thức % Mn (gần đúng)


Manganese sulfate MnSO4.4H2O 26-28
Manganous oxide MnO 41-68
Manganese chloride MnCl2 17
Các phức chất hữu cơ tự nhiên - 5-9
Các chelate tổng hợp MnEDTA 5-12

Mặc dù khả năng hòa tan của Oxide Mn rất kém trong nước nhưng đấy là một loại
phân bón tốt. Kích thước hạt ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của phân bón này, hạt càng mịn
hiệu quả càng cao. Liều lượng bón phân Mn từ 1-25 kg/ha; nhưng khi bón vãi trên mặt ruộng
có thể dùng liều lượng cao hơn, ngược lại khi phun lên lá nên dùng lượng thấp hơn. Bón phân
Mn theo hàng thường có hiệu quả hơn là bón vãi đều trên mặt đất, và lượng bón theo hàng
thường chỉ bằng ½ lượng bón vãi. Tốc độ oxi hóa Mn trong phân thành các dạng ít hữu dụng
hơn thường chậm nếu bón theo hàng. Đất hữu cơ có thể có nhu cầu bón phân Mn cao hơn đất
khóang. Trong thực tiễn thường bón phân Mn kết hợp với các loại phân N-P-K khác.
Thường người ta khuyến cáo không nên bón vãi phân chelate Mn và các phức chất
hữu cơ tự nhiên vì Ca hay Fe trong đất có thể thay thế Mn trong các chelate này và Mn tự do
(giải phóng từ phân bón) dễ dàng bị biến đổi thành các dạng không hữu dụng. Và hàm lượng
các phức Ca hay Fe hữu dụng cao có thể làm gia tăng sự thiếu Mn cho cây. Sự thiếu Mn do
bón vôi hay do pH cao gây ra có thể được khắc phục bằng cách sử dụng phân S hay các loại
phân chua khác.

2.5 Boron (B), các loại phân B và cách sử dụng

B là một trong những phân vi lượng được bán rộng rãi nhất. Sodium tetraborate,
Na2B4O7.5H2O là loại phân B được sử dụng rộng rãi nhất và chứa khoảng 15 % B (bảng
7.10). Solubor là loại phân B có nồng độ cao, hoàn toàn hòa tan nên có thể dùng để phun
sương hay phun bụi trực tiếp lên lá cây ăn quả, rau cải, và các loại cây trồng khác. Loại này
cũng được dùng để sản xuất các loại phân B dạng dung dịch và huyền phù. Solubor được ưa
chuộng hơn borax vì Solubor hòa tan nhanh hơn và ít thay đổi cấu trúc tinh thể do nhiệt độ.
Khoáng Ca borate, colemanite, thường được dùng bón cho các loại đất cát vì chúng ít hòa tan
nên ít bị rửa trôi hơn là sodium borate.
Các phương pháp bón phân B phổ biến là bón vãi, bón theo hàng, hay phun lên lá dưới
dạng nước hoặc dạng bụi. Trong hai phương pháp đầu, phân B thường được trộn với các loại
phân N-P-K và bón vào đất. Các muối B có thể dùng để phủ bên ngoài các loại phân bón dạng
hạt khác.

Phân B phải được bón đồng đều vào đất vì như đã thảo luận, phạm vi thiếu B và ngộ
độc B của cây rất hẹp. Trong quá trình sản xuất pha trộn phân B và các loại phân dạng hạt
khác, nên tránh sự tách rời hạt phân B và các hạt phân khác. Bón phân B với các loại phân
dạng dung dịch sẽ làm giảm được vấn đề tách rời giữa các hạt phân này.

Phun phân B lên lá thường thực hiện cho các loại cây ăn quả, kết hợp với thuốc bảo vệ
thực vật không có thành phần dầu. B cũng có thể dùng phun cùng với các chelate Mg, Mn và
urea. Phun phân B với thuốc diệt côn trùng cũng đã được sử dụng trên bông vải. B cũng có
thể dùng với thuốc diệt cỏ bón cho đậu phộng.

6
Bảng 7.7 Các loại phân Boron chính

Tên Công thức % B (gần đúng)


Borax Na2B4O7.10H2O 11
Boric acid H3BO3 17
Colemanite Ca2B6O11.5H2O 10-16
Sodium pentaborate Na2B10O16.10H2O 18
Sodium tetraborate Na2B4O7.5H2O 14-15
Solubor Na2B4O7.5H2O + Na2B10O16.10H2O 20-21

Liều lượng phân B bón phụ thuộc vào loài cây, kỹ thuật canh tác, tình trạng mưa, bón
vôi, và chất hữu cơ trong đất, cũng như các yếu tố khác. Thường phân B được khuyến cáo bón
từ 0,5 – 3 kg/ha. Lượng phân B được khuyến cáo tùy thuộc vào phương pháp bón. Ví dụ,
lượng bón cho rau cải là 0,4 -2,7 kg/ha nếu bón vãi, và 0,09 - 0,4 kg/ha nếu phun lên lá.

2.6 Chloride (Cl), các loại phân Cl và cách sử dụng

Khi cần bón phân Cl, có thể sử dụng các loại phân sau:
Ammonium chloride (NH4Cl) 66%Cl
Calcium chloride(CaCl2) 65%Cl
Magnesium chloride (MgCl2) 74%Cl
Potassium chloride (KCl) 47%Cl
Sodium chloride (NaCl) 60%Cl

Liều lượng Cl bón rất khác nhau tùy thuộc vào nhiều điều kiện, bao gồm loại cây
trồng, phương pháp bón, và mục đích bón (ví dụ như bón để chữa trị thiếu dinh dưỡng, bón để
làm giảm bệnh, hay để cải thiện tình trạng nước trong cây). Nơi nghi ngờ có thể có bệnh thối
rễ được khuyến cáo có thể bón 35 – 40 kg Cl-/ha theo hàng. Bón vãi 75 – 125 kg Cl-/ha làm
giảm có hiệu quả một số bệnh trên lá.

2.7 Molybdenum (Mo), các loại phân Mo và cách sử dụng

Các loại phân bón Mo thường dùng được liệt kê trong bảng sau. Liều lượng bón
thường rất thấp, chỉ khoảng vài trăm g/ha, và dung dịch có thể được bón vào đất, phun lên lá,
hay xử lý hạt giống trước khi gieo trồng. Liều lượng Mo bón tối hảo tùy thuộc vào phương
pháp bón, với phương pháp phun lên lá nên dùng liều lượng thấp. Xử lý hạt giống bằng cách
ngâm hạt vào dung dịch sodium molybdate trước khi gieo được sử dụng rộng rãi do lượng
phân Mo cần rất thấp. Xử lý hạt giống với bùn hay bụi có chứa Mo cũng có hiệu quả. Để cho
sự phân bố được đồng đều khi bón với lượng nhỏ phân Mo vào đất, nên trộn phân Mo với các
loại phân N-P-K. Phun lên lá với NH4+ hay Na molybdate cũng có hiệu quả để chữa trị bệnh
thiếu Mo.

Bón Mo cho cây họ đậu, trong một số trường hợp sẽ làm tăng năng suất tương đương
như bón vôi. Vì bón vôi có thể tốn kém hơn nhiều, nên bón phân Mo được ưa chuộng hơn.

7
Bảng 7.8 Các loại phân Molybdenum

Tên Công thức % Mo (gần đúng)


Ammonium molybdate (NH4)6Mo7O24.2H2O 54
Sodium molybdate Na2MoO4.2H2O 39
Molybdenum trioxide MoO3 66
Molybdenum thủy tinh nguyên liệu thủy tinh 1-30

2.8 Cobalt (Co), các loại phân Co và cách sử dụng

Sự thiếu Co của động vật nhai lại có thể được chữa trị bằng cách (1) thêm Co vào thức
ăn hay nước uống của chúng; (2) cho uống thuốc có Co; (3) dùng các viên Co; và (4) bón
phân Co với lượng nhỏ cho các đồng cỏ. Bón phân Co với hàm lượng 100 g CoSO4/ha được
khuyến cáo.

Bón Super lân, với một lượng nhỏ CoSO4 cũng có thể được dùng để làm tăng nồng độ
Co trong cỏ thức ăn gia súc.

2.9 Sodium (Na), các loại phân Na và cách sử dụng


Sự đáp ứng đối với Na đã được thấy trong các loại cây trồng có tiềm năng hấp thu Na
cao. Nhu cầu Na của các cây này dường như độc lập và có thể lớn hơn nhu cầu K của chúng.

Các loại phân bón có chứa Na là:


Các loại phân K có chứa các hàm lượng NaCl khác nhau.
Sodium nitrate (khoảng 25 % Na)
Rhenania phosphate (khoảng 12 % Na).
Các loại phân đa dinh dưỡng có Na.

2.10 Selenium (Se), các loại phân Se và cách sử dụng

Mặc dù sự thiếu Se làm rối loạn dinh dưỡng cơ hay bệnh trắng cơ trong gia súc và cừu
có thể được chữa trị bằng phương pháp nội khoa, nhưng bón phân Se cho đồng cỏ sẽ tốt hơn
chữa trị bằng phương pháp nội khoa.

Việc bón phân Se có thể được chấp nhận nếu theo các khuyến cáo sau:

Không bón vào bất cứ giai đoạn nào mà có thể gây ngộ độc cho cho thức ăn gia súc;
không được bón thúc lúc cây đang sinh trưởng.
Không gây nên hậu quả là tăng hàm lượng Se trong mô động vật.
Để chống sự thiếu Se cho đồng cỏ nên bón ít nhất một lần sau khi thu hoạch cỏ trong
thời kỳ cây ở giai đoạn miên trạng.
Bón selenites cho đất sẽ thích hợp hơn vì chúng có tác dụng chậm nên ít khi làm tăng
nồng độ Se trong cây so với dạng selenates có tính hữu dụng nhanh, chỉ bón selenates khi cây
có yêu cầu hấp thu nhanh. Bón 50 g Se/ha có thể thoả mãn nhu cầu cho đồng cỏ. Phun 10g
Se/ha dưới dạng Na selenite cho bắp rất có hiệu quả.
Se hiện diện trong đá phosphate và trong phân super lân. Super lân chứa 20 ppm (hay
cao hơn) Se sẽ cung cấp đủ Se cho cây trên các vùng thiếu Se để chữa trị bệnh rối loạn dinh
dưỡng cho gia súc khi thức ăn gia súc thiếu Se.

You might also like