You are on page 1of 33

CHƯƠNG 2.

ĐO LƯỜNG CÁC BIẾN SỐ KINH TẾ VĨ MÔ

Kinh tế học vĩ mô sẽ cung cấp cho chúng ta những kiến thức và công
cụ phân tích kinh tế. Những mô hình kinh tế đã được giản đơn hóa giúp
chúng ta nắm bắt được các nhân tố quan trọng có ảnh hưởng quyết định
đối với các biến số kinh tế vĩ mô như sản lượng, việc làm và giá cả. Và
những mô hình kinh tế này sẽ chỉ ra những mối quan hệ mang tính lý
thuyết giữa các biến số kinh tế vĩ mô, bao gồm cả các biến chính sách. Để
hiểu rõ những mối quan hệ mang tính lý thuyết này, trước hết chúng ta đi
vào nghiên cứu các biến số kinh tế vĩ mô sẽ xuất hiện trong các mô hình.
Trong chương 2 chúng ta sẽ đi vào xem xét khái niệm, phương pháp tính,
ý nghĩa và mối quan hệ của một số biến số kinh tế vĩ mô như: GDP, GNP,
NNP, NI, Yd, CPI, DGDP… Ngoài ra, chương 2 cũng đi vào xem xét các
vấn đề về năng suất và tăng trưởng, các yếu tố quyết định năng suất, tăng
trưởng kinh tế và chính sách công.
2.1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP)
2.1.1. Khái niệm
Có nhiều chỉ tiêu đo lường tổng kết quả mà nền kinh tế tạo ra nhưng
chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) được coi là thước đo thành tựu
kinh tế, là chỉ tiêu tốt nhất để phản ánh tình hình hoạt động của nền kinh
tế.
Đối với hoạt động kinh tế diễn ra hàng ngày, mọi người đều quan
tâm xem họ kiếm được bao nhiêu thu nhập từ sản lượng hàng hóa và dịch
vụ đã sản xuất ra và cần chi tiêu bao nhiêu để mua sản lượng hàng hóa
dịch vụ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng.
Nền kinh tế với tư cách một tổng thể, GDP cho biết tổng thu nhập
của mọi người trong nền kinh tế, cũng cho biết tổng mức chi tiêu để mua
sản lượng hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế. GDP cũng được coi là
“hàn thử biểu” của nền kinh tế, một số liệu thống kê thường gặp nhất vì
được coi là chỉ báo tốt nhất về phúc lợi kinh tế của xã hội. Chúng ta có
khái niệm tổng sản phẩm trong nước như sau:
Tổng sản phẩm trong nước: là giá trị thị trường của tất cả các hàng
hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ quốc
gia, trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm).
GDP là kết quả của hàng triệu hoạt động kinh tế diễn ra trong phạm
vi lãnh thổ quốc gia. Những hoạt động kinh tế này có thể do công dân
nước sở tại hay công dân nước ngoài tiến hành. GDP không bao gồm kết
quả hoạt động của công dân nước sở tại tiến hành ở nước ngoài. Để hiểu
rõ về khái niệm GDP chúng ta cần lưu ý các cụm từ trong khái niệm:
(1) Cụm từ “GDP là giá trị thị trường”: Hàm ý để tính toán tổng
giá trị mọi hàng hóa và dịch vụ sản xuất ra trong nền kinh tế, chúng ta sử
dụng giá trị thị trường làm thước đo giá trị. Giá trị thị trường phản ánh số
tiền mọi người sẵn sàng trả cho lượng hàng hóa hay dịch vụ cuối cùng
được sản xuất ra trong nền kinh tế. Chẳng hạn, nếu nền kinh tế sản xuất
5kg thịt và 10 kg gạo biết thịt giá 60 nghìn đồng/kg và giá gạo 12 nghìn
đồng/kg, GDP khi đó được tính như sau:
GDP = (Giá thịt x Lượng thịt) + (Giá gạo x Lượng gạo)
= (60 nghìn đồng x 5 kg) + (12 nghìn đồng/kg x 10 kg)
= 300 nghìn đồng + 120 nghìn đồng = 420 nghìn đồng
(2) Cụm từ “tất cả…”: GDP tìm cách tính toán tất cả các hàng hóa
và dịch vụ được sản xuất ra và tiêu thụ hợp pháp trên thị trường. Tuy
nhiên, một số sản phẩm không được tính vào GDP do chúng không được
mang ra thị trường nên việc xác định giá trị của chúng trở nên khó khăn,
đó là những sản phẩm “tự cung tự cấp” trong gia đình, hay những hoạt
động giúp đỡ nhau…GDP cũng không tính tới giá trị các giao dịch ngầm
(bất hợp pháp) như ma túy…
(3) Cụm từ “cuối cùng”: GDP chỉ bao gồm những hàng hóa và dịch
vụ cuối cùng: Các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cuối cùng của hộ gia
đình; thiết bị nhà xưởng mua sắm và xây dựng lần đầu của các hãng kinh
doanh; nhà mới xây dựng, hàng hóa và dịch vụ mà các cơ quan quản lý
Nhà nước mua sắm và phần hàng hóa chênh lệch xuất khẩu và nhập khẩu.
GDP không bao gồm các giá trị trung gian dùng để sản xuất ra các hàng
hóa khác. Tuy nhiên, phần hàng hóa trung gian nhưng được dùng làm dự
trữ và được đưa vào hàng tồn kho thì cũng được coi là hàng hóa cuối cùng.
(4) Cụm từ “Hàng hóa và dịch vụ”: GDP bao gồm cả hàng hóa hữu
hình như: quần áo, thực phẩm, xe máy, ô tô…và cả hàng hóa vô hình như:
dịch vụ du lịch, vận chuyển, bưu điện, ngân hàng, bảo hiểm…
(5) Cụm từ “được sản xuất ra”: GDP bao gồm giá trị của tất cả các
hàng hóa và dịch vụ mới được tạo ra ở thời kỳ hiện hành chứ không liên
quan đến các giá trị giao dịch của những hàng hóa đã được tạo ra trong
thời kỳ trước đó. Điều này rất quan trọng, vì nếu không xác định chính
xác đâu là hàng hóa mới, thì GDP có thể sẽ bị tính trùng tính lại của thời
kỳ trước. Ví dụ một chiếc xe máy sản xuất và tiêu thụ năm 2017 thì giá trị
của chiếc xe máy này được tính vào GDP của năm 2017. Đến năm 2018
chủ sở hữu chiếc xe này lại bán cho một người khác thì giá trị giao dịch
của chiếc xe không được tính vào GDP của năm 2018 nữa. Như vậy GDP
không bao gồm giá trị của những hàng hóa đã qua sử dụng.
(6) Cụm từ “trong phạm vi lãnh thổ quốc gia”: tất cả các hàng hóa
và dịch vụ được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ kinh tế của quốc gia
đều được tính vào GDP. Bất kể nó được tạo ra bởi công dân nước nào và
doanh nghiệp thuộc sở hữu trong nước hay nước ngoài.
(7) Cụm từ “trong một thời kỳ nhất định”: nghĩa là GDP phán ảnh
giá trị sản lượng tạo ra trong một khoảng thời gian cụ thể. Thông thường,
GDP được tính cho thời kỳ một năm hoặc theo các quý trong năm.
2.1.2. Các phương pháp đo lường tổng sản phẩm trong nước
2.1.2.1. Dòng luân chuyển kinh tế vĩ mô
Một nền kinh tế hoàn chỉnh thường có bốn tác nhân kinh tế đó là các
hộ gia đình, các hãng kinh doanh, chính phủ và người nước ngoài song để
tìm ra phương pháp đo lường GDP, người ta dùng nền kinh tế giản đơn
khép kín có hai tác nhân kinh tế đó là các hộ gia đình và các hãng kinh
doanh được biểu diễn như sơ đồ sau đây:
Hình 2.1. Sơ đồ dòng luân chuyển kinh tế vĩ mô giản đơn

Chỉ tiêu hàng hoá và dịch vụ

Hàng hoá và dịch vụ


Hãng kdoanh Hộ gia đình

Dịch vụ yếu tố sản xuất

Thu nhập từ các yếu tố sản xuất


Với sơ đồ trên các hộ gia đình nắm trong tay nguồn lực xã hội, họ bán
cho các hãng dưới hình thức các yếu tố sản xuất và nhờ đó có thu nhập từ
các yếu tố sản xuất. Sau khi sản xuất xong các hãng bán hàng hoá và dịch
vụ cho các hộ gia đình và các hãng nhận được thu nhập từ hàng hoá và
dịch vụ. Các hộ gia đình có thu nhập phải chi tiêu hết và các hãng phải
bán hết hàng hoá, dịch vụ để tiếp tục vòng sản xuất – tiêu dùng tiếp theo.
Với dòng luân chuyển kinh tế vĩ mô của nền kinh tế giản đơn vòng
trong là dòng vận động của hiện vật; vòng ngoài là dòng vận động của giá
trị (tiền tệ). Cung trên là đầu ra của nền sản xuất bằng cung dưới là đầu
vào của nền sản xuất. Sơ đồ dòng luân chuyển kinh tế vĩ mô gợi ý các
cách tính khối lượng sản phẩm trong một nền kinh tế. Theo cung trên,
chúng ta có thể tính tổng giá trị của các hàng hóa và dịch vụ được sản xuất
ra trong nền kinh tế do các thành phần kinh tế chi tiêu. Theo cung dưới,
có thể tính tổng mức thu nhập từ các yếu tố sản xuất. Thông qua dòng
luân chuyển kinh tế vĩ mô cũng cho thấy chính các hộ gia đình sẽ quyết
định mức chi tiêu trong nền kinh tế, tác động đến việc mở rộng hay thu
hẹp sản xuất.
2.1.2.2. Các phương pháp đo lường GDP
(1). Phương pháp chi tiêu
Theo phương pháp chi tiêu (hay phương pháp luồng sản phẩm), GDP
bao gồm toàn bộ giá trị thị trường của các hàng hoá và dịch vụ cuối cùng,
mà các hộ gia đình, các hãng kinh doanh và Chính phủ mua, và khoản
xuất khẩu ròng được thực hiện trong một đơn vị thời gian (một năm).
Tiêu dùng của các hộ gia đình (C). Tiêu dùng của các hộ gia đình
bao gồm tổng giá trị hàng hoá và dịch vụ cuối cùng của các hộ gia đình
mua được trên thị trường để chi dùng trong đời sống hàng ngày. Chi cho
xây dựng và mua nhà ở mới không được tính vào tiêu dùng mà được hạch
toán vào đầu tư của tư nhân.
Đầu tư (I). Đầu tư phản ánh đầu tưu trong nước của khu vực tư nhân.
Hàng hoá đầu tư bao gồm: Trang thiết bị là các tài sản cố định của doanh
nghiệp; Nhà ở, văn phòng mới xây dựng; và chênh lệch hàng tồn kho của
các hãng kinh doanh.
Chúng ta cũng cần phân biệt hai khái niệm tổng đầu tư (I) và đầu tư
ròng (IN).
Tổng đầu tư (I) là giá trị các tư liệu lao động chưa trừ phần đã hao
mòn trong quá trình sản xuất. Đầu tư ròng (IN) bằng tổng đầu tư (I) trừ đi
khấu hao tài sản cố định (Dep). Khấu hao (Dep) còn gọi là đầu tư thay thế
là khoản chi tiêu để bù đắp giá trị tư bản hiện vật đã hao mòn.
Đầu tư ròng = Tổng đầu tư – Khấu hao
Trong tính toán tổng sản phẩm trong nước (GDP), thường sử dụng số
liệu tổng đầu tư (I) chứ không phải đầu tư ròng (IN).
Chi tiêu về hàng hoá và dịch vụ của Chỉnh phủ (G). Hàng năm,
Chính phủ các nước phải chi tiêu những khoản tiền rất lớn vào việc xây
dựng đường sá, trường học, bệnh viện, quốc phòng, an ninh và trả lương
cho bộ máy quản lý hành chính của Nhà nước. Toàn bộ chi tiêu về hàng
hoá và dịch vụ đều được tính vào GDP. Tuy nhiên, không phải mọi khoản
chi tiêu trong ngân sách của Chỉnh phủ đều được tính vào GDP. Những
khoản thanh toán chuyển nhượng (ký hiệu là Tr), bao gồm: bảo hiểm xã
hội cho người già, tàn tật, những người thuộc diện chính sách, trợ cấp thất
nghiệp… chi ra nhưng không tương ứng với một hàng hoá và dịch vụ nào
mới được sản xuất ra trong nền kinh tế, do đó không làm tăng GDP.
Xuất và nhập khẩu (X và IM). Hàng xuất khẩu là những hàng hoá
được sản xuất ra ở trong nước, nhưng được bán ra nước ngoài. Hàng nhập
khẩu là những hàng được sản xuất ở nước ngoài, nhưng được mua để phục
vụ nhu cầu trong nước. Xuất khẩu ròng là phần chênh giữa giá trị xuất
khẩu và giá trị nhập khẩu
NX = X – IM
Trong đó: NX: Xuất khẩu ròng; X: Giá trị xuất khẩu; IM: Giá trị nhập
khẩu. Nếu X > IM thì NX > 0 đây là trường hợp xuất siêu hay cán cân
thương mại thặng dư. Nếu X < IM thì NX < 0 trường hợp này là nhập siêu
hay cán cân thương mại thâm hụt. Nếu X = IM thì NX = 0 khi đó cán cân
thương mại cân bằng.
Như vậy, công thức chung xác định GDP theo phương pháp chi tiêu
như sau:
GDP = C + I + G + NX
(2). Phương pháp thu nhập
Theo phương pháp thu nhập, khi tính GDP cần xác định tất cả các
khoản thu nhập hộ gia đình nhận được từ việc cung cấp các yếu tố sản
xuất cho doanh nghiệp. Các khoản mục thu nhập theo yếu tố thể hiện trong
các tài khoản thu nhập quốc dân và sản phẩm bao gồm:
- w là thù lao lao động: là toàn bộ khoản thanh toán doanh nghiệp trả
cho các dịch vụ lao động. Nó bao gồm tiền công và tiền lương ròng mà
công nhân nhận được hàng tháng, thuế thu nhập bị giữ lại và các khoản
phúc lợi như an sinh xã hội các khoản đóng góp vào quỹ hưu trí.
- R là tiền cho thuê tài sản: khoản tiền thanh toán cho việc sử dụng
đất đai và các yếu tố đầu vào đã thuê khác. Nó bao gồm cả tiền thuê nhà
tính theo giá thuê của gia chủ ở trong căn nhà đó.
- i là tiền lãi ròng: là toàn bộ các khoản lãi tính trên các khoản vốn
hộ gia đình cho vay, trừ đi lãi thanh toán cho các khoản vốn mà hộ gia
đình vay nợ, như tiền lãi tính theo số dư nợ trên thẻ tín dụng.
- Pr là lợi nhuận của doanh nghiệp. Phần chênh lệch giữa tổng doanh
thu và tổng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- OI là thu nhập doanh nhân: là hỗn hợp của các yếu tố thu nhập nói
trên. Doanh nhân vừa là chủ của một doanh nghiệp tự điều hành đồng thời
cung ứng cả lao động, vốn và có thể cả đất đai nhà xưởng cho doanh
nghiệp.
Cộng tất cả các khoản thu nhập trên có thể xác định được thu nhập
trong nước ròng theo chi phí yếu tố:
Thu nhập trong nước ròng theo chi phí yếu tố = w + i + R + Pr +
OI
Khi xác định GDP theo phương pháp chi tiêu thì các khoản chi tiêu
được đánh giá theo giá trị thị trường mà dân cư đã thanh toán cho các hàng
hóa và dịch vụ khác nhau. Một cách đánh giá nữa là đánh giá giá trị hàng
hóa và dịch vụ theo chi phí yếu tố là giá trị hàng hóa và dịch vụ được tính
bằng cách cộng chi phí của tất cả các yếu tố sản xuất đã sử dụng để sản
xuất hàng hóa và dịch vụ. Nếu chỉ có giao dịch kinh tế giữa hộ gia đình
và doanh nghiệp; không có thuế và trợ giá của chính phủ thì các giá trị
tính theo giá trị thị trường và chi phí yếu tố là như nhau. Nhưng với sự
xuất hiện của thuế gián thu và trợ giá làm cho hai cách đánh giá này khác
biệt nhau. Vì vậy, thu nhập trong nước ròng theo chi phí yếu tố chưa phải
là GDP. Để xác định GDP cần tiến hành hai bước điều chỉnh là điều chỉnh
từ chi phí yếu tố sang giá trị thị trường và điều chỉnh từ thu nhập ròng
sang tổng thu nhập.
Điều chỉnh thu nhập trong nước ròng theo chi phí yếu tố sang thu
nhập ròng theo giá thị trường bằng cách cộng thuế gián thu vào tổng thu
nhập theo yếu tố chi phí và trừ đi các khoản trợ cấp sản xuất hay cộng với
thuế gián thu ròng (Te).
Tổng sản phẩm trong nước ròng = W + R + i + Pr + OI + Te
Thuế gián thu ròng (Te) = Thuế gián thu – Trợ cấp cho người sản
xuất.
Thuế gián thu là khoản thuế người tiêu dùng phải chi trả khi mua
hàng hóa và dịch vụ. Do có thuế gián thu người tiêu dùng phải chi trả một
số tiền lớn hơn số tiền mà người sản xuất nhận được. Như vậy, giá thị
trường lớn hơn chi phí yếu tố. Tuy nhiên, cần phải phân biệt giữa thuế
trực thu và thuế gián thu. Các khoản thuế trực thu là thuế đánh vào thu
nhập. Các khoản thuế trực thu này đã được tính vào cấu thành tiền lương,
cũng như các khoản thu nhập khác (kể cả thuế thu nhập cá nhân và thuế
thu nhập doanh nghiệp). Do đó, không tính các khoản thuế trực thu vào
GDP tránh tình trạng tính trùng.
Trợ cấp cho người sản xuất là khoản tiền chính phủ thanh toán cho
người sản xuất đối với một số mặt hàng. Do có trợ cấp sản xuất nên đối
với một số hàng hóa và dịch vụ người tiêu dùng chỉ phải thanh toán một
khoản tiền nhỏ hơn số tiền mà người sản xuất nhận được. Trường hợp này
là trường hợp giá trị thị trường nhỏ hơn chi phí yếu tố.
Để xác định GDP cần tiến hành thêm bước điều chỉnh từ tổng sản
phẩm trong nước ròng sang tổng sản phẩm trong nước. Tổng sản phẩm
trong nước ròng là giá trị GDP đã trừ đi khấu hao tài sản cố định; Tổng
sản phẩm trong nước là giá trị trước khi trừ khấu hao tài sản cố định. Vì
vậy, để tính GDP cần phải cộng thêm giá trị phần khấu hao tài sản cố định
(Dep). Lúc này, công thức tính GDP theo phương pháp thu nhập như sau:
GDP = W + R + i + Pr + OI + Te + Dep
Dep là khấu hao tài sản cố định. Tổng đầu tư trừ đi khấu hao tài sản
cố định bằng đầu tư ròng.
Để tính GDP các nhà thống kê kinh tế đã sử dụng cả hai phương
pháp chi tiêu và phương pháp thu nhập. Trên thực tế do GDP là một con
số thống kê nên có sự sai số đáng kể, hơn thế nữa khó tránh khỏi tính trùng
trong phương pháp chi tiêu và không tính hết chi phí yếu tố trong thu
nhập. Vì vậy ngoài hai phương pháp trên các nhà kinh tế còn có thể sử
dụng phương pháp thứ ba là phương pháp giá trị gia tăng.
(3). Phương pháp giá trị gia tăng
Theo khái niệm GDP được tính từ giá trị của các hàng hoá và dịch
vụ cuối cùng. Nhưng để có hàng hoá dịch vụ cuối cùng đi từ tay người
sản xuất đến tay người tiêu dùng nó trải qua rất nhiều công đoạn ở mỗi
công đoạn các hãng chuyên môn hoá chỉ đóng góp được một phần giá trị
của mình vào sản phẩm.
Theo phương pháp sản xuất khi tính GDP sẽ đo lường đóng góp của
từng doanh nghiệp hoặc từng ngành vào GDP, và chúng ta sẽ phải thận
trọng tính giá trị gia tăng của từng doanh nghiệp hoặc từng ngành, do đó
phương pháp này còn được gọi là phương pháp giá trị gia tăng.
Gía trị gia tăng (VA) là khoản chênh lệch giữa giá trị sản lượng của
doanh nghiệp trừ đi giá trị của hàng hóa trung gian mua từ các doanh
nghiệp khác.
GDP là tổng hợp giá trị gia tăng của mọi doanh nghiệp hay mọi
ngành trong nền kinh tế.
n
GDP  VAi
i 1

Trong đó : VA là giá trị gia tăng của các doanh nghiệp hoặc các
ngành.
2.1.3. Các chỉ tiêu đo lường thu nhập khác
Ngoài GDP, thu nhập của nền kinh tế còn được phản ánh bằng các
chỉ tiêu khác như tổng sản phẩm quốc dân (GNP), sản phẩm quốc dân
ròng (NNP), thu nhập quốc dân (NI), thu nhập cá nhân (PI), thu nhập khả
dụng (Yd).
Tổng sản phẩm quốc dân (Gross National Product – GNP) là tổng
thu nhập do công dân của một nước tạo ra. GNP khác GDP là nó bao gồm
cả các khoản thu nhập do công dân của một nước tạo ra ở nước ngoài
nhưng không bao gồm những khoản thu nhập do công dân nước ngoài tạo
ra ở trong nước.
Do đó GNP sẽ bằng GDP cộng thêm khoản thu nhập mà cư dân
trong nước tạo ra ở nước ngoài và trừ đi khoản thu nhập mà người nước
ngoài tạo ra ở trong nước. Chênh lệch giữa các khoản thu nhập chuyển
vào trong nước và chuyển ra nước ngoài được gọi là “thu nhập tài sản
ròng từ nước ngoài – NFA”
GNP = GDP + NFA
Sản phẩm quốc dân ròng (Net National Product – NNP) bằng GNP
trừ đi khấu hao. Khấu hao là phần doanh thu được sử dụng để bù đắp giá
trị tư bản đã hao mòn trong thời kỳ báo cáo.
NNP = GNP - Dep
Thu nhập quốc dân (National Income – NI) là tổng thu nhập mà các
công dân một nước tạo ra. Nó bằng NNP trừ đi thuế gián thu và cộng với
trợ cấp cho người sản xuất. Thuế gián thu là thuế đánh vào chi tiêu mua
hàng hóa và dịch vụ bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt...
Thu nhập cá nhân là thu nhập của các hộ gia đình và các đơn vị kinh
doanh không phải là công ty.
Thu nhập khả dụng là thu nhập cá nhân còn lại sau khi nộp thuế và
các khoản đóng góp khác cho chính phủ như bảo hiểm xã hội...
2.1.4. GDP danh nghĩa và GDP thực tế
GDP phản ánh kết quả của hàng triệu hoạt động kinh tế diễn ra trong
phạm vi lãnh thổ quốc gia trong một thời kỳ xác định. Nhờ công cụ toán
học và thước đo tiền tệ người ta có thể tính được giá trị tất cả các hàng
hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua và tổng các khoản đầu tư của
hãng kinh doanh cũng như chi tiêu của chính phủ trong một thời kỳ nhất
định. Song đo lường bằng tiền các hoạt động sản xuất kinh doanh trong
một thời kỳ trong khi sức mua của đồng tiền có thể thay đổi theo thời gian
do tác động của sự thay đổi giá cả trên thị trường, nên tạo ra sự khác biệt
về lượng của GDP. Khi nghiên cứu GDP cần phân biệt hai thuật ngữ là
GDP thực tế và GDP danh nghĩa.
GDP danh nghĩa (GDPn) là GDP được tính theo giá của năm
nghiên cứu (giá hiện hành).
n
GDP   qit pit
n
t

i 1

Trong đó:
i biểu thị mặt hàng cuối cùng thứ i với i = 1,2,3,...n;
t biểu thị thời kỳ tính toán (nghiên cứu);
q biểu thị lượng từng mặt hàng, qi biểu thị lượng của mặt hàng i;
p biểu thị giá của từng mặt hàng, pi biểu thị giá của của mặt hàng i.
GDP thực tế (GDPr) là GDP được tính theo giá cố định của một
năm được gọi là năm gốc (năm cơ sở).
n
GDP   qit pi0
r
t

i 1

Trong đó: t = 0 biểu thị năm cơ sở hay năm gốc.


Chỉ số điều chỉnh GDP (DGDP) đo lường mức giá trung bình của
tất cả mọi hàng hóa và dịch vụ được tính vào GDP. Nó được tính bằng
công thức sau:
GDPn
DGDP  x100
GDPr
GDP danh nghĩa bằng GDP thực tế ở năm cở sở nên chỉ số điều
chỉnh GDP ở năm cơ sở bằng 1. Để thuận tiện các nhà thống kê thường
thể hiện giá trị của chỉ số điều chỉnh GDP ở năm cơ sở là 100 thay vì 1.
Nên chỉ số điều chỉnh GDP là tỷ số giữa GDP danh nghĩa và GDP thực tế
nhân với 100.
2.1.5. Tổng sản phẩm trong nước và phúc lợi kinh tế
GDP thực tế là một chỉ tiêu quan trọng về phúc lợi kinh tế của một
xã hội. GDP phản ánh đồng thời cả hai mặt là tổng thu nhập và tổng chi
tiêu của nền kinh tế. Khi phân tích mức sống của dân cư, mức độ thụ
hưởng phúc lợi kinh tế của các thành viên kinh tế người ta thường sử dụng
GDP thực tế bình quân đầu người dựa trên cơ sở lấy GDP thực tế chia cho
dân số. GDP thực tế bình quân đầu người càng cao thì mức tiêu dùng bình
quân đầu người càng cao. Với những quốc gia có thu nhập bình quân đầu
người cao ngoài việc đảm bảo cho dân cư có cuộc sống vật chất đầy đủ
còn có thể cung cấp cho dân cư của họ các dịch vụ y tế và giáo dục tốt
hơn so với các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp.
Tuy nhiên GDP không phải là thước đo hoàn hảo về phúc lợi kinh
tế. Chỉ tiêu GDP mới phản ánh được số lượng hoạt động của nền kinh tế
một cách chưa đầy đủ. Chưa phản ánh được chất lượng hoạt động của nền
kinh tế. Ví dụ: nghỉ ngơi, giải trí, du lịch, thể dục thể thao là những hoạt
động kinh tế đem lại lợi ích sức khỏe và tuổi thọ cho con người nhưng lại
chưa được phản ánh trong GDP. Hơn nữa, hoạt động sản xuất và tiêu dùng
làm bẩn nguồn nước, ô nhiễm không khí, khai thác cạn kiệt tài nguyên
làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường… Để bù đắp những thiệt hại
này xã hội phải bỏ ra chi phí rất lớn cũng không được phản ánh vào GDP.
2.1.6. Tăng trưởng kinh tế
Sự gia tăng của GDP danh nghĩa phản ánh không chính xác sự gia
tăng của sản lượng hàng hóa được sản xuất ra trong nền kinh tế vì nó có
sự gia tăng của yếu tố giá. GDP thực tế phản ánh sự gia tăng của sản lượng
hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra trong nền kinh tế vì nó đã bỏ qua
được sự gia tăng yếu tố giá (mức giá được chọn là cố định qua các năm).
Vì vậy khi tính toán tốc độ tăng trưởng kinh tế các nhà kinh tế sử dụng
chỉ tiêu GDP thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế là tỷ lệ phần trăm thay
đổi GDP thực tế của thời kỳ/ năm này so với thời kỳ/ năm trước.
t 1
GDP t
 GDP
gt  r
t 1
r
x100%
GDPr
Trong đó:
g: là tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm t;
GDPrt: GDP thực tế của năm t;
GDPrt – 1: GDP thực tế của năm (t – 1);
Xét trên góc độ kinh tế, tăng trưởng kinh tế cần xét đến tính hai mặt:
lợi ích và chi phí.
Tăng trưởng kinh tế đem lại nhiều lợi ích. Có thể thấy ngay rằng,
tăng trưởng kinh tế là cơ sở, là điều kiện để cải thiện và nâng cao đời sống
của dân cư. Tăng trưởng kinh tế là tiền đề quan trọng bậc nhất để phát
triển các mặt khác của đời sống kinh tế - xã hội như: khoa học, giáo dục,
y tế, thể dục thể thao... Do những lợi ích đó, tăng trưởng kinh tế là hết sức
cần thiết với tất cả các quốc gia. Với các nước nghèo, lạc hậu, tăng trưởng
kinh tế càng quan trọng vì mức thu nhập, mức sống của dân cư rất thấp,
nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội còn ở trình độ thấp, lạc hậu...
Tăng trưởng kinh tế kèm theo tăng chi phí. Vào những năm 1970,
mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã bị chỉ trích. Sự chỉ trích này bởi quan điểm
cho rằng: Nền kinh tế tăng trưởng càng nhanh, nhu cầu khai thác và sử
dụng tài nguyên càng lớn, vì vậy tài nguyên càng sớm bị cạn kiệt. Quy
mô khai thác và sử dụng tài nguyên càng lớn, môi trường càng bị tổn hại
và ô nhiễm. Nền kinh tế tăng trưởng càng nhanh, càng làm nảy sinh nhiều
vấn đề xã hội như phân hóa giàu nghèo, sự phát triển của các loại tội phạm
và tệ nạn xã hội... Nền kinh tế tăng trưởng càng nhanh, chi phí càng lớn.
Do tính chất hai mặt của tăng trưởng kinh tế, nhiều quan điểm cho
rằng các quốc gia không nên và không thể dành toàn bộ các nguồn lực cho
tăng trưởng kinh tế, mà thường lựa chọn tốc độ tăng trưởng hợp lý gắn
liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội vả bảo vệ tài nguyên, môi
trường...
Bên cạnh đó, cần phải thấy trong quá trình phát triển đến nay, tiến
bộ khoa học công nghệ sẽ giúp cho con người sử dụng hiệu quả hơn các
nguồn lực kinh tế và khắc phục những hạn chế do tăng trưởng kinh tế đem
lại.
2.2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
2.2.1. Khái niệm
Sự gia tăng mức giá chung là một trong những mối quan tâm hàng
đầu của các nhà kinh tế cũng như những nhà hoạch định chính sách. Chỉ
số được sử dụng phổ biến nhất để phản ánh mức giá chung là chỉ số giá
tiêu dùng (CPI).
Chỉ số giá tiêu dùng đo lường mức giá trung bình của giỏ hàng hóa
và dịch vụ điển hình mà người tiêu dùng mua. Chỉ số giá tiêu dùng là một
chỉ tiêu phản ánh sự thay đổi của chi phí sinh hoạt theo thời gian và được
sử dụng để tính toán lạm phát của nền kinh tế.
Ở Việt Nam, hàng tháng Tổng cục thống kê có nhiệm vụ tính toán
và công bố những số liệu mới về CPI. Trên cơ sở những con số thống kê
này các nhà phân tích sẽ nhanh chóng đưa ra những bình luận về nguyên
nhân của sự thay đổi giá cả và đưa ra những dự báo về sự thay đổi giá cả
trong tương lai trên các phương tiện truyền thông.
2.2.2. Xây dựng chỉ số giá tiêu dùng
Tổng hợp nhiều loại giá trong nền kinh tế như thế nào để có được
một con số duy nhất và con số này thể hiện được mức giá chung của các
loại hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng mua. Các nhà thống kê sẽ
tiến hành xác định quyền số của các hàng hóa, dịch vụ và tính toán giá
của “giỏ” hàng hóa, dịch vụ điển hình mà người tiêu dùng mua theo giá
hiện hành và giá cơ sở.
Ví dụ, nếu người tiêu dùng điển hình mua giỏ hàng gồm 6 kg thịt và
3 kg gạo/tháng vào năm 2017, lấy năm cơ sở là năm 2010 thì chỉ số CPI
sẽ được tính như sau:
(6 x giá thịt năm 2017) + (3 x giá gạo
năm 2017)
CPI =
(6 x giá thịt năm 2010) + (3 x giá gạo x 100
năm 2010)
Với việc xác định CPI như trên cho chúng ta biết để mua 6 kg thịt
và 3 kg gạo vào năm 2017 người tiêu dùng đã phải bỏ ra số tiền bằng bao
nhiêu lần so với năm 2010.
CPI là tỷ số giữa giá trị (chi phí) của giỏ hàng năm hiện hành so với
giá trị (chi phí) của giỏ hàng năm cơ sở nhân với 100. Chúng ta có công
thức tính CPI như sau:
qi0 pit
CPI t
x100
qio pi0
Trong đó: qi0: là lượng mặt hàng i trong giỏ hàng hóa mà người tiêu
dùng điển hình mua được xác định ở năm gốc; pit: là giá của mặt hàng i
trong giỏ hàng hóa tại năm hiện hành; pi0: là giá của mặt hàng i trong giỏ
hàng hóa tại năm gốc.
Cũng giống như chỉ số điều chỉnh GDP để thuận tiện các nhà thống
kê thường thể hiện giá trị của chỉ số giá tiêu dùng ở năm cơ sở là 100 thay
vì 1. Nên chỉ số giá tiêu dùng là tỷ số giữa chi phí của giỏ hàng năm hiện
hành so với chi phí của giỏ hàng năm gốc nhân với 100.
Việc xác định CPI giúp chúng ta tính được tỷ lệ lạm phát. Lạm phát
là sự gia tăng liên tục của mức giá chung. Tỷ lệ lạm phát là phần trăm thay
đổi của mức giá chung so với thời kỳ trước đó, và được tính bởi công thức
sau:
CPI t  CPI t 1
 
t
x100%
CPI t 1
Trong đó: πt: Tỷ lệ lạm phát của năm t; CPIt: chỉ số giá tiêu dùng ở
năm t; CPIt-1: chỉ số giá tiêu dùng ở năm t-1.
DGDP cũng là chỉ số đo lường mức giá chung nên cũng có thể sử dụng
DGDP để tính tỷ lệ lạm phát, khi đó tỷ lệ lạm phát được tính theo công thức
sau:
t 1
t
DGDP  DGDP
 
t
t 1
x100%
DGDP
Trong đó: DGDP
t
: chỉ số điều chỉnh GDP ở năm t; DGDP
t 1
: chỉ số điều
chỉnh GDP ở năm t-1.
2.2.3. Những vấn đề phát sinh khi đo lường chi phí sinh hoạt
CPI thường được sử dụng để tính toán lạm phát. Tuy nhiên CPI chưa
phải là thước đo hoàn hảo phản ánh lạm phát vì nó không tính hết các thay
đổi theo thời gian của hoạt động sản xuất và tiêu dùng hàng hóa và dịch
vụ trong xã hội hiện đại. Ba nguồn chủ yếu tạo ra sai lệch về chỉ báo lạm
phát là lệch do hàng hóa mới, lệch do chất lượng thay đổi và lệch thay thế.
Lệch do hàng hóa mới là do Hàng hóa mới luôn xuất hiện thay thế
hàng hóa cũ. Hàng hóa mới xuất hiện tạo cho người tiêu dùng có sự lựa
chọn đa dạng hơn, điều này cũng có nghĩa mỗi một đồng trở nên có giá trị
hơn. Tuy nhiên, vì CPI được tính dựa trên một giỏ hàng hóa và dịch vụ cố
định, không tính đến hàng hóa mới được người tiêu dùng mua nên nó
không phản ánh được sự thay đổi về sức mua của đồng tiền trong đó.
Lệch do chất lượng thay đổi là do các hàng hóa và dịch vụ đều trải
qua sự cải thiện về mặt chất lượng không ngừng theo thời gian. Cải thiện
chất lượng đồng nghĩa với sự tăng lên về giá cả. Như vậy, chất lượng hàng
hóa dịch vụ thay đổi có thể dẫn đến sự thay đổi trong chi phí cho giỏ hàng
hóa cố định, tuy nhiên sự thay đổi này không phải là sự thay đổi của sức
mua đồng nội tệ đối với chi phí sinh hoạt.
Lệch thay thế là do giá hàng hóa và dịch vụ thay đổi từ năm này
sang năm khác song không phải giá của mọi hàng hóa đều thay đổi theo
cùng tỷ lệ. Một số hàng hóa dịch vụ giá tăng nhanh hơn so với hàng hóa
dịch vụ khác. Do phản ứng với những kích thích hoặc sự thay đổi trong
giá tương đối của các hàng hóa nên người tiêu dùng đã thay thế những
hàng hóa này với nhau. Kiểu thay thế hàng hóa rẻ hơn cho hàng hóa đắt
hơn không được tính đến trong CPI khiến chi phí cho giỏ hàng hóa cố
định thay đổi, nhưng không phản ánh được sự thay đổi về sức mua của
đồng tiền trong đó.
Khi tính CPI giỏ hàng hóa và dịch vụ được cố định nên ba nguồn sai
lệch chủ yếu trên làm cho việc phản ánh sự thay đổi chi phí sinh hoạt
không được chính xác.
2.2.4. So sánh chỉ số điều chỉnh GDP và chỉ số giá tiêu dùng
Hai chỉ số CPI và DGDP thường được sử dụng để tính toán sự gia
tăng trong mức giá. Tuy nhiên, hai chỉ số này có những điểm khác biệt
nhất định vì chúng được xây dựng và sử dụng ở những điều kiện khác
nhau.
Điểm khác nhau thứ nhất, chỉ số DGDP tính đến tất cả các hàng hóa
cuối cùng được sản xuất ra trong nền kinh tế còn chỉ số CPI chỉ tính đến
những hàng hóa mà một người tiêu dùng điển hình mua. Ví dụ, sự gia tăng
giá của một chiếc tủ lạnh được nhập khẩu từ Thái Lan không làm thay đổi
chỉ số điều chỉnh GDP. Nhưng chiếc tủ lạnh nhập khẩu là bộ phận của giỏ
hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng mua, nên sự gia tăng giá của nó
làm tăng CPI. Trong khi đó, nếu giá dầu thô được khai thác trong nước
tăng giá 10% chỉ tác động đến chỉ số điều chỉnh GDP, không tác động đến
CPI vì dầu thô không thuộc nhóm hàng tiêu dùng.
Khác biệt thứ hai, liên quan đến phương pháp tổng hợp nhiều loại
giá cả trong nền kinh tế của hai chỉ tiêu này. Chỉ số DGDP tính số lượng
hàng hóa và dịch vụ của năm nghiên cứu còn chỉ số CPI tính số lượng
hàng hóa được cố định tại năm gốc.
CPI sử dụng giỏ hàng hóa cố định, nên không tính đến thực tế người
tiêu dùng sẽ thay thế hàng hóa và dịch vụ đắt tiền bằng hàng hóa và dịch
vụ rẻ hơn hoặc ngược lại. Chỉ số điều chỉnh GDP có tính đến khả năng
thay thế các hàng hóa khác nhau, nhưng nó không phản ánh sự giảm sút
phúc lợi của người tiêu dùng phát sinh từ những trường hợp thay thế này.
Chính sự khác nhau này giải thích tại sao có sự chênh lệch khi tính tỷ lệ
lạm phát theo hai chỉ số.
2.2.5. Điều chỉnh các biến số kinh tế vĩ mô theo lạm phát
Những con số tính bằng tiền ở các thời điểm khác nhau không tạo
ra được một sự so sánh có giá trị về sức mua. Vì vậy, để so sánh một số
tiền trong quá khứ với số tiền hiện tại cần dùng chỉ số giá để chuyển số
tiền quá khứ theo tiền hiện tại.
CPI được sử dụng để điều chỉnh các biến số kinh tế theo giá trị tính
bằng tiền tại các thời điểm khác nhau. Như, tiền lương và trợ cấp xã hội
hay tiền thuê nhà được tính trượt giá theo lạm phát căn cứ vào tỷ lệ phần
trăm thay đổi của CPI. Trượt giá được hiểu là sự hiệu chỉnh tự động của
một khoản tiền để loại trừ hiệu ứng của lạm phát trên cơ sở quy định của
luật phát hay hợp đồng tư nhân.
Điều chỉnh lạm phát có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định các
dữ liệu về lãi suất. Các nhà kinh tế thường xuyên công bố về lãi suất danh
nghĩa là tổng lượng tiền tăng lên ở tài khoản tiết kiệm theo thời gian. Với
lãi suất thực tế tính đến sự thay đổi giá trị của tiền qua thời gian.
Lãi suất thực tế (r) = Lãi suất danh nghĩa (i) – Tỷ lệ lạm phát (π)
Việc sử dụng chỉ số giá để điều chỉnh ảnh hưởng của lạm phát đã
được nhiều nước trên thế giới sử dụng trong những điều luật và hợp đồng
tư nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc điều chỉnh các biến số kinh tế vĩ mô
theo lạm phát chưa được áp dụng một cách phổ biến ở nhiều lĩnh vực.
2.3. Sản xuất và tăng trưởng
2.3.1. Năng suất và tăng trưởng kinh tế
2.3.1.1. Năng suất và mức sống dân cư
Sản lượng của hầu hết các quốc gia thường xuyên biến động có lúc
tăng nhanh, có lúc tăng chậm, thậm chí có lúc giảm xuống, nhưng tăng
trưởng trong dài hạn làm một hiện tượng phổ biến. Tăng trưởng kinh tế
giúp thu nhập thực tế tăng và người dân có thể tiêu dùng nhiều hơn hàng
hóa dịch vụ mỗi ngày. Số lượng hàng hóa và dịch vụ được tiêu dùng cao
hơn dẫn đến mức sống cao hơn.
Chúng ta có thể dễ dàng quan sát thấy sự khác biệt về mức sống của
người dân giữa các nước hay giữa các thời kỳ với nhau; Sự khác biệt lớn
về mức sống giữa các quốc gia trên thế giới do năng lực sản xuất hàng
hóa và dịch vụ của các quốc gia khác nhau là khác nhau. Mức sống của
người dân phụ thuộc vào năng suất lao động của quốc gia. Năng suất lao
động phản ánh lượng hàng hóa và dịch vụ mà một công nhân sản xuất ra
trong mỗi giờ lao động. Khi tăng trưởng kinh tế, thu nhập cao hơn thì số
lượng hàng hóa và dịch vụ được tiêu dùng phụ thuộc vào số lượng hàng
hóa và dịch vụ được sản xuất ra, tức là phụ thuộc vào năng suất lao động.
Như vậy, để làm sáng tỏ sự khác biệt về mức sống theo thời gian và
giữa các quốc gia, chúng ta nhìn vào quá trình sản xuất hàng hóa và dịch
vụ để xác định các yếu tố quyết định đến tăng năng suất và tăng trưởng
kinh tế.
2.3.1.2. Các yếu tố quyết định năng suất
Yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định tăng trưởng kinh tế là năng
suất. Các yếu tố nguồn nhân lực, tư bản, tài nguyên thiên nhiên và tri thức
công nghệ là các yếu tố quyết định năng suất của các nền kinh tế.
Nguồn nhân lực. Phản ánh kỹ năng và kiến thức mà nhà quản lý, kỹ
sư, người công nhân được trang bị. Thông qua giáo dục, đào tạo và kinh
nghiệm cho phép người lao động tạo ra nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn.
Như nước Đức trong Đại chiến thế giới lần thứ hai một lượng tư bản hiện
vật đã bị tàn phá, tuy nhiên vốn nhân lực của lực lượng lao động vẫn tồn
tại. Với lượng vốn nhân lực này, nước Đức đã nhanh chóng phục hồi sau
năm 1945, sự phục hồi thần kỳ của nền kinh tế Đức thời Hậu chiến.
Tư bản. Tư bản hiện vật (vốn sản xuất) bao gồm máy móc, nhà
xưởng và hàng tồn kho, tư bản hiện vật kết hợp với các đầu vào khác để
tạo ra sản phẩm. Với đầu vào lao động cho trước, nhiều tư bản hơn sẽ làm
tăng sản lượng. Trong quá trình sử dụng tư bản hiện vật bị hao mòn theo
thời gian. Một khoản đầu tư mới cần phải được tiến hành để duy trì tư bản
hiện có không bị suy giảm. Khi lao động tăng lên, chúng ta cần đầu tư
nhiều hơn nếu muốn duy trì lượng tư bản tính trên một lao động. Khi tốc
độ đầu tư càng nhanh thì lượng tư bản tính trên một công nhân sẽ ngày
càng tăng, nó làm tăng sản lượng tính trên mỗi lao động, năng suất lao
động tăng. Mức tăng tư bản trên đầu người cao hơn là một cách chủ yếu
để tăng sản lượng tính trên một lao động cũng như thu nhập bình quân
đầu người.
Tài nguyên thiên nhiên. Là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất do
thiên nhiên mang lại như đất đai, dầu mỏ, khoáng sản… Có hai loại tài
nguyên là tài nguyên không tái tạo chỉ có thể sử dụng một lần và tài
nguyên có thể tái sinh có thể được sử dụng lại nếu không bị khai thác quá
mức. Với lượng các đầu vào khác cho trước, khi lượng nguyên liệu đầu
vào nhiều hơn cho phép sản xuất nhiều hơn. Khi nguyên liệu khan hiếm
và đắt đỏ thì người công nhân sẽ làm việc chậm đi và phải đắn đo để tránh
lãng phí nguồn nguyên liệu. Một thùng dầu khoan từ lòng đất lên và được
sử dụng làm nhiên liệu cho máy móc, thế giới đã bị giảm đi lượng dự trữ
dầu một thùng. Chúng ta chỉ có một lượng dự trữ dầu mỏ giới hạn thì cuối
cùng nó cũng phải cạn kiệt, đây là một nguồn tài nguyên không thể tái
tạo. Ngược lại, gỗ và cá nếu được khai thác hợp lý thì nó sẽ được thiên
nhiên tái tạo lại. Nhưng, nếu chúng bị khai thác quá mức thì chúng sẽ trở
nên tuyệt chủng. Với đất đai là một yếu tố đặc biệt quan trọng với các
quốc gia nông nghiệp. Nếu mỗi người lao động có nhiều đất đai hơn thì
sản lượng nông nghiệp sẽ nhiều hơn. Đất đai ở các nước công nghiệp phát
triển ít quan trọng hơn, như Hồng Kông và Singapo đã tăng trưởng rất
nhanh dù họ có rất ít đất đai. Để đất canh tác nông nghiệp hiệu quả, cần
phải sử dụng phân bón cho đất, đầu tư vào hệ thống thủy lợi và tưới tiêu,
các vùng sa mạc và đầm lầy vẫn có thể trở thành những vùng đất canh tác
được.
Tri thức công nghệ. Tại mỗi thời điểm, một xã hội có một lượng tri
thức công nghệ nhất định về những cách thức sản xuất ra hàng hóa. Một
số loại tri thức được viết thành sách có những tri thức được phản ánh trong
thực tiễn công việc và chỉ có thể học bằng cách làm việc chăm chỉ. Những
thay đổi công nghệ là những thay đổi trong quá trình sản xuất hoặc đưa ra
những sản phẩm mới sao cho có thể tạo ra được nhiều sản lượng hơn, chất
lượng hơn với cùng một đầu vào. Các phát minh lớn có thể tạo ra những
bước tiến vượt bậc trong tri thức công nghệ. Như việc phát minh bánh xe,
động cơ hơi nước, hay những máy tính hiện đại là những ví dụ. Tiến bộ
trong nông nghiệp cũng hết sức to lớn. Các xã hội công nghiệp chỉ bắt đầu
hình thành khi năng suất trong ngành nông nghiệp tăng nhanh đã giải
phóng một phần lực lượng lao động để sản xuất những mặt hàng công
nghiệp mà không lo thiếu lương thực. Việc thay thế sức trâu bò bằng máy
móc, sản xuất phân bón, hệ thống tưới tiêu, các giống mới góp phần vào
việc nâng cao năng suất lao động cho ngành nông nghiệp nhằm thúc đẩy
tăng trưởng kinh tế.
Như vậy, sự khác nhau về mức sống phát sinh từ sự khác nhau về
nguồn nhân lực, tư bản, tài nguyên thiên nhiên và tri thức công nghệ. Tiếp
theo sẽ phân tích sự ảnh hưởng của các chính sách đến tăng trưởng và sự
gia tăng mức sống của dân cư.
2.3.2. Tăng trưởng kinh tế và chính sách công
2.3.2.1. Tiết kiệm và đầu tư đối với tăng trưởng kinh tế
Trong hệ thống lý thuyết tăng trưởng kinh tế vào cuối những năm
30 thế kỷ XIX đã xuất hiện một học thuyết kinh tế mới, là học thuyết kinh
tế của J. Maynard Keynes. Theo Keynes đầu tư đóng vai trò quyết định
đến tăng trưởng kinh tế.
Roy Harrod (nhà kinh tế học người Anh) và Evsy Domar (nhà kinh
tế học người Mỹ) đã tìm cách lượng hóa vai trò của vốn đầu tư với tăng
trưởng kinh tế dựa trên tư tưởng của Keynes. Hai người độc lập nghiên
cứu và cùng phát hiện ra mô hình nên mô hình mang tên cả hai ông, mô
hình Harrod - Domar.
Trong mô hình của mình hai ông chỉ ra:
g=s/k
Trong đó:
g: là tốc độ tăng trưởng kinh tế;
s: là tỷ lệ tiết kiệm (s = S/Y);
S: Mức tiết kiệm;
Y: Sản lượng;
k: là hệ số ICOR (k= ∆K / ∆Y).
∆K là phần gia tăng của vốn; ∆Y là phần gia tăng của sản lượng.
Với sản lượng tăng thêm nhất định, phần vốn tăng thêm (∆K) càng lớn
thì k cũng càng lớn và hiệu quả của vốn càng thấp. Ngược lại, k càng
nhỏ, hiệu quả của vốn càng cao. Như vậy, k là thước đo hiệu quả của
vốn.
Đẳng thức (g = s/k) là nội dung chính của mô hình Harrod - Domar.
Mô hình chỉ rõ: tốc độ tăng trưởng kinh tế tỷ lệ thuận với tỷ lệ tiết kiệm
và đầu tư, tức là tỷ lệ thuận với quy mô của vốn đầu tư; tỷ lệ nghịch với
tỷ lệ vốn - sản lượng (k), cũng có nghĩa là tỷ lệ thuận với hiệu quả của vốn
đầu tư. Như vậy, trong điều kiện các nguồn lực khác không đổi, tốc độ
tăng trưởng của nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào vốn đầu tư - quy mô
và hiệu quả của vốn đầu tư. Logic cơ bản của mô hình là để tăng trưởng,
nền kinh tế phải tiết kiệm và đầu tư một phần thu nhập của mình. Tiết
kiệm đầu tư càng nhiều thì tăng trưởng càng nhanh. Tuy nhiên, đây cũng
là nhược điểm của mô hình bởi nó quá đơn giản khi cho rằng tốc độ tăng
trưởng kinh tế chỉ được xác định bởi tỷ lệ tiết kiệm (đầu tư).
Robert Solow nhà kinh tế học người Mỹ thuộc trường phái Tân cổ
điển, ông đã chuyển mô hình tăng trưởng của Harrod – Domar thành mô
hình tân cổ điển bằng cách đưa vào đó một hàm sản xuất thuần ổn định và
có hiệu quả không đổi theo quy mô. Mô hình Solow chỉ ra rằng tỷ lệ tiết
kiệm là yếu tố then chốt quyết định khối lượng tư bản ở trạng thái dừng.
Nếu tỷ lệ tiết kiệm cao, nền kinh tế sẽ có khối lượng tư bản và sản lượng
cao và ngược lại. Như vậy, tỷ lệ tiết kiệm cao hơn sẽ làm tăng trưởng
nhanh hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng cao hơn chỉ tồn tại trong ngắn hạn.
Sự gia tăng tỷ lệ tiết kiệm làm tăng trưởng cho tới khi nền kinh tế đạt trạng
thái dừng mới. Nếu nền kinh tế tiếp tục duy trì tiết kiệm ở mức cao, sẽ có
thể duy trì khối lượng và sản lượng cao, nhưng không duy trì tỷ lệ tăng
trưởng cao mãi mãi.
Lý thuyết tăng trưởng hiện đại của Samuelson cho rằng một trong
những đặc trưng quan trọng của kinh tế hiện đại là “kỹ thuật công nghiệp
tiên tiến dựa vào việc sử dụng vốn lớn”. Vốn là cơ sở để phát huy các yếu
tố khác, là cơ sở để tạo ra việc làm, để có công nghệ tiến tiến. Vì vậy,
trong tính toán kinh tế ngày nay hệ số ICOR được coi là cơ sở để xác định
tỷ lệ đầu tư cần thiết phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
2.3.2.2. Lợi suất giảm dần và tăng trưởng kinh tế
Khi tiết kiệm tăng dẫn đến khối lượng tư bản tăng dẫn đến năng
suất và tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng lên. Nhưng theo quy luật lợi suất
giảm dần: Khối lượng tư bản tăng, mức sản lượng được sản xuất thêm từ
một đơn vị tư bản tăng thêm sẽ giảm xuống. Như vậy, khi công nhân đã
có một khối lượng tư bản nhất định để sản xuất hàng hóa và dịch vụ, khi
trang bị thêm cho họ một đơn vị tư bản nữa chỉ làm tăng năng suất của họ
lên đôi chút. Vì lợi suất giảm dần nên tỷ lệ tiết kiệm tăng cho phép tư bản
tăng, nhưng lợi ích thu được từ việc khối lượng tư bản tăng ngày càng
giảm, tăng trưởng chậm lại.
Lợi suất giảm dần của tư bản giải thích tính hội tụ của các nền kinh
tế - hay sự san bằng khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia. Khi các
yếu tố khác không đổi, một nước có xuất phát điểm thấp sẽ thường có tốc
độ tăng trưởng cao hơn, dần đuổi kịp các quốc gia có mức thu nhập cao
hơn, nhờ tăng tỷ lệ tiết kiệm, hiện tượng này còn được gọi là hiệu ứng
đuổi kịp. Hiệu ứng này giải thích cho chúng ta một số kết quả khó giải
thích, như vì sao trong khoảng thời gian trên 30 năm, Mỹ và Hàn Quốc có
tỷ trọng đầu tư trong GDP tương đương nhau, nhưng Mỹ chỉ đạt được tốc
độ tăng trưởng trung bình 2%, Hàn Quốc đạt được tốc độ cao hơn nhiều
6%. Hay, Nhật Bản trong những năm 1950 – 1960 dần đuổi kịp Mỹ về
mức thu nhập bình quân đầu người.
2.3.2.3. Các chính sách công và tăng trưởng kinh tế
Các nhà hoạch định chính sách có thể làm tăng mức sống như thế
nào thông qua chính sách thúc đẩy kinh tế? Đây là câu hỏi mà tất cả các
nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới đều muốn giải đáp.
Tư bản hiện vật, vốn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên và tri thức
công nghệ là những nhân tố quyết định năng suất, còn năng suất quyết
định mức sống. Do đó, muốn nâng cao năng suất và mức sống, Chính phủ
có thể thực hiện những chính sách sau:
Khuyến khích tiết kiệm và đầu tư trong nước: Nếu hôm nay nền kinh
tế sản xuất nhiều hàng hóa đầu tư, thì ngày mai sẽ có nhiều tư bản hơn và
có thể sản xuất ra nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn. Do vậy, để nâng cao
năng suất trong tương lai thì đầu tư nguồn lực hiện có nhiều hơn vào quá
trình sản xuất hàng hóa đầu tư. Khi tăng cường nguồn lực cho sản xuất
hàng hóa đầu tư, nghĩa là xã hội đầu tư nhiều hơn vào tư bản, buộc nền
kinh tế phải tiêu dùng ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn trong thu nhập. Với
chính sách này xã hội đã phải hi sinh tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ hiện
tại để thụ hưởng mức tiêu dùng cao hơn trong tương lai.
Khuyến khích đầu tư từ nước ngoài: Tiết kiệm trong nước không
phải là cách duy nhất để một nền kinh tế có thể tăng đầu tư, chính phủ có
thể thực hiện việc khuyến khích đầu tư nước ngoài để tăng đầu tư và do
đó là tăng trưởng kinh tế dài hạn. Có nhiều loại đầu tư nước ngoài như
đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), viện trợ phát triển chính thức (ODA),
nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ (NGO), nguồn vốn tín dụng
thương mại, phát hành chứng khoán ra thị trường thế giới, hay nguồn viện
trợ không hoàn lại. Đầu tư nước ngoài làm tăng khối lượng tư bản, dẫn
đến năng suất và tiền lương cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và đầu tư
nước ngoài là một cách để nước nghèo trực tiếp học hỏi công nghệ của
các nước giàu, các nước phát triển.
Chính sách về nhân lực: nguồn nhân lực luôn được coi trọng và đặt
lên hàng đầu. Chất lượng nguồn nhân lực với các yếu tố về năng lực sáng
tạo, ý thức tổ chức kỷ luật… sẽ là nguồn gốc của việc tăng năng suất lao
động trong sản xuất. Cùng với nguồn nhân lực, nền kinh tế cần khai thác
có hiệu quả nguồn vốn, đất đai, khoa học công nghệ… để phục vụ cho sản
xuất kinh doanh.
Bảo vệ quyền sở hữu và duy trì ổn định chính trị: Sự tôn trọng quyền
sở hữu tài sản trên toàn bộ nền kinh tế là tiền đề quan trọng để hệ thống
giá cả hoạt động. Sự thịnh vượng của nền kinh tế một phần phụ thuộc vào
sự ổn định về chính trị. Bằng cách bảo hộ quyền sở hữu và tăng cường sự
ổn định chính trị các nhà hoạch định chính sách có thể thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế.
Khuyến khích thương mại tự do: Thương mại quốc tế cải thiện phúc
lợi kinh tế của công dân một nước khi tham gia vào quá trình tự do hóa
thương mại, hội nhập với kinh tế thế giới. Khi chúng ta xuất khẩu gạo và
nhập khẩu thép, lợi ích của đất nước thu được giống như chúng ta sáng
chế được công nghệ biến gạo thành thép. Do vậy, quá trình toàn cầu hóa
hội nhập kinh tế quốc tế giúp tăng trưởng kinh tế như khi đạt được một
tiến bộ vượt bậc trong công nghệ.
Kiểm soát tăng trưởng dân số: Dân số là nhân tố quyết định lực
lượng lao động của một quốc gia. Một quốc gia đông dân có xu hướng tạo
ra GDP lớn hơn các quốc gia ít dân. Nhưng GDP chưa phải là chỉ tiêu
hoàn hảo phản ánh phúc lợi kinh tế của một quốc gia. Để phản ánh mức
sống, GDP bình quân đầu người sẽ cho biết lượng hàng hóa và dịch vụ
mà người dân điển hình trong nền kinh tế được hưởng. Khi dân số tăng
nhanh, việc trang bị máy móc trang thiết bị cho người lao động sẽ trở nên
khó khăn hơn. Tỷ lệ tư bản trên mỗi công nhân giảm, GDP bình quân đầu
người giảm.
Nghiên cứu và triển khai công nghệ mới: Tiến bộ công nghệ giúp
nâng cao mức sống, vì tiến bộ công nghệ làm nâng cao năng lực sản xuất
của nền kinh tế. Chính phủ cần thúc đẩy nhanh hơn sự lan truyền của tri
thức khoa học và xây dựng hệ thống luật pháp bảo hộ quyền sở hữu trí
tuệ, các thể chế hỗ trợ thị trường sẽ tạo cho các chủ thể sở hữu các hàng
hóa công nghệ có một động lực rất lớn trong việc tiếp tục phát triển, tiếp
tục sáng tạo ra các sản phẩm khoa học - công nghệ. Khi những lợi ích
chính đáng của các chủ thể sở hữu, chủ thể sáng tạo ra sản phẩm khoa học
- công nghệ không được bảo đảm thì chắc chắn hoạt động nghiên cứu sáng
tạo sẽ không thể phát triển.
TÓM TẮT CHƯƠNG
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là giá trị thị trường của tất cả các
hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ
quốc gia, trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm).
Có ba phương pháp xác định GDP. Theo phương pháp chi tiêu GDP
= C + I + G + NX. Theo phương pháp thu nhập GDP = W + R + i + Pr +
OI + Te + Dep. Và, theo phương pháp sản xuất GDP = ∑VA.
Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) là tổng thu nhập do công dân của
một nước tạo ra.
GDP danh nghĩa phản ánh giá trị sản lượng của nền kinh tế tính theo
giá hiện hành. GDP thực tế phản ánh giá trị sản lượng của nền kinh tế theo
giá cố định ở năm cơ sở.
GDP là một chỉ tiêu đo lường phúc lợi kinh tế tốt nhưng không phải
là một thước đo phúc lợi kinh tế hoàn hảo.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đo lường mức giá chung của một giỏ hàng
hóa và dịch vụ tiêu dùng cố định do một người tiêu dùng điển hình mua.
Chỉ số DGDP và CPI là hai chỉ số đo lường mức giá chung trong nền
kinh tế và tỷ lệ lạm phát. Nhưng hai chỉ số này có những điểm khác biệt:
DGDP đo lường mức giá của hàng hóa dịch vụ được sản xuất ra trong phạm
vi lãnh thổ quốc gia, CPI đo lường mức giá của hàng hóa dịch vụ được
tiêu dùng; CPI sử dụng giỏ hàng hóa cố định, DGDP lại điều chỉnh sự thay
đổi nhóm hàng hóa và dịch vụ theo thời gian khi cấu thành của GDP thay
đổi.
Những con số tính bằng tiền ở các thời điểm khác nhau không tạo
ra được một sự so sánh có giá trị về sức mua.
Tăng trưởng kinh tế giúp thu nhập thực tế tăng và người dân được
tiêu dùng nhiều hơn hàng hóa dịch vụ mỗi ngày.
Trong tính toán kinh tế ngày nay hệ số ICOR được coi là cơ sở để
xác định tỷ lệ đầu tư cần thiết phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Chính phủ có thể thực hiện những
chính sách sau : Khuyến khích tiết kiệm và đầu tư trong nước; Khuyến
khích đầu tư từ nước ngoài; Chính sách về vốn nhân lực; Bảo vệ quyền sở
hữu và duy trì ổn định chính trị; Khuyến khích thương mại tự do; Kiểm
soát tăng trưởng dân số; Nghiên cứu và triển khai công nghệ mới.
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Hãy giải thích tại sao thu nhập nền kinh tế bằng đúng chi tiêu của nền
kinh tế?
2. Hãy phân biệt chi tiêu về hàng hóa cuối cùng và chi tiêu về hàng hóa
trung gian.
3. Hãy trình bày các cách xác định GDP.
4. Hãy nêu cách tính chỉ số điều chỉnh GDP. Cách tính chỉ số giá tiêu dùng
CPI. So sánh hai chỉ số giá này.
5. Tại sao các nhà kinh tế dùng GDP thực tế chứ không phải GDP danh
nghĩa để tính tăng trưởng kinh tế? và đánh giá phúc lợi kinh tế? GDP thực
tế có phải là chỉ tiêu hoàn hảo để đánh giá phúc lợi kinh tế không?
6. Các nhà thống kê kinh tế đã sử dụng các chỉ số giá để điều chỉnh các
biến kinh tế theo thời gian như thế nào?
7. Trình bày khái niệm về tăng trưởng kinh tế. Vì sao có sự khác biệt về
mức sống của dân cư ở các nước khác nhau và vì sao có sự khác biệt về
mức sống của dân cư ở các thời kỳ khác nhau của một nước?
8. Hãy giải thích các yếu tố cơ bản quyết định tăng trưởng kinh tế của một
quốc gia. Và trình bày các chính sách công chính phủ có thể sử dụng để
tác động đến tăng trưởng kinh tế.
9. Hãy nêu định nghĩa tổng sản phẩm trong nước (GDP)? Cho biết những
hàng hóa đã qua sử dụng và được bán lại, và những hàng hóa không được
giao dịch công khai trên thị trường có được tính vào GDP hay không, tại
sao? Điều này ảnh hưởng như thế nào đến việc dùng GDP làm thước đo
phúc lợi kinh tế của một nước và so sánh giữa các nước phát triển và kém
phát triển?
10. Giá trị gia tăng là gì? Nêu cách tính GDP theo phương pháp giá trị gia
tăng? Trong trường hợp một nông dân bán lúa mỳ cho chủ xay xát với giá
1 nghìn đồng. Chủ xay xát xay lúa mỳ thành bột và bán bột cho người làm
bánh mỳ với giá 3 nghìn đồng. Người làm bánh mỳ sử dụng bột mỳ để
làm bánh mỳ và bán cho một kỹ sư với giá 6 nghìn đồng. Người kỹ sư đó
ăn bánh mỳ. Mỗi cá nhân tạo ra bao nhiêu giá trị gia tăng? Đóng góp của
họ vào GDP là bao nhiêu?
11. Mỗi giao dịch sau đây có ảnh hưởng như thế nào (nếu có) đến các yếu
tố cấu thành GDP của Việt Nam theo cách tiếp cận chi tiêu, hãy giải thích:
a. Một gia đình mua một chiếc tủ lạnh mới
b. Hãng liên doanh Honda bán chiếc xe hiệu Toyota từ hàng tồn kho
c. Bạn mua chiếc điện thoại Sam Sung được sản xuất ở Hàn Quốc
d. Thành phố Hà Nội mua tranh cát làm quà tặng cho khách quốc tế sang
làm việc.
e. Gia đình bạn mua một ngôi nhà 5 tầng mới xây
12. Mỗi giao dịch sau đây có ảnh hưởng như thế nào (nếu có) đến các yếu
tố cấu thành GDP của Việt Nam theo cách tiếp cận chi tiêu, hãy giải thích:
a. Bạn mua một chai nước Pepsi do công ty nước ngoài đầu tư 100% vốn
ở Việt Nam sản xuất
b. Thành phố Hà Nội trải lại thảm nhựa con đường Quán Thánh
c. Bố mẹ bạn mua một chai rượu vang của Pháp
d. Công ty Chiến Thắng mua một tòa nhà mới ở thành phố Đà Nẵng làm
văn phòng đại diện.
e. Chính phủ tăng trợ cấp cho những người thất nghiệp
13. Sự kiện sau đây có tác động như thế nào đến CPI và chỉ số điều chỉnh
GDP?
a. Xe máy Vespa LX150 nhập khẩu từ Italia tăng giá
b. Giá dầu thô khai thác trong nước giảm giá 30%
c. Hiện dịch cúm gia cầm bùng phát tại nhiều tỉnh thành trong cả nước,
làm cho giá gia cầm trong nước đã tăng 30%
d. Vừa qua tiền lương cho nhân viên hành chính sự nghiệp tăng 5,2%

You might also like