You are on page 1of 4

SỰ BIẾN ĐỔI GIA ĐÌNH VIỆT NAM DƯỚI GÓC NHÌN

XÃ HỘI HỌC
Trong xã hội, từ xưa đến nay, gia đình vẫn luôn là thiết chế cơ bản nhất và gắn liền
với đời sống của mỗi con nguời. Mỗi cá nhân không thể tồn tại đơn lẻ mà phải gắn liền
với gia đình. Tùy theo cách nhìn nhận từ các ngành khoa học mà có những định nghĩa về
gia đình khác nhau, nhưng nhìn chung, nói đến gia đình là nói đến một xã hội thu nhỏ với
nhiều mối quan hệ tồn tại bên trong nó.
Với tư cách là một môn khoa học nghiên cứu về xã hội và các mối quan hệ giữa con
người và xã hội, xã hội học nhìn nhận gia đình với diện mạo một thiết chế xã hội và tập
trung nghiên cứu những quan hệ xã hội bên trong nó cũng như mối quan hệ giữa gia đình
với tổng thể xã hội bên ngoài.
Gia đình Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại có nhiều biến đổi. Sự biến đổi đó là
do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong. Có thể thấy rõ ràng nhất
là sự thay đổi về cơ cấu gia đình, trong đó bao gồm quy mô gia đình và các quan hệ xã
hội trong và ngoài gia đình.
Quy mô gia đình ngày nay tồn tại xu hướng thu nhỏ so với trước kia, số thành viên
trong gia đình trở nên ít đi. Nếu như gia đình truyền thống xưa có thể tồn tại đến ba bốn
thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà thì hiện nay, quy mô gia đình hiện đại đã ngày
càng được thu nhỏ lại. Gia đình Việt Nam hiện đại chỉ có hai thế hệ cùng sống chung:
cha mẹ - con cái, số con trong gia đình cũng không nhiều như trước, cá biệt còn có số ít
gia đình đơn thân, nhưng phổ biến nhất vẫn là loại hình gia đình hạt nhân quy mô nhỏ. Sự
thay đổi đó, ngoài những nguyên nhân khách quan như chính sách kế hoạch hóa gia đình
hay đô thị hóa... còn do nhiều nguyên nhân chủ quan khác.
Xu hướng hạt nhân hóa gia đình trở nên phổ biến ở Việt Nam hiện nay là do những
ưu điểm và lợi thế của nó, đặc biệt là tính phù hợp với thời đại mới. Theo cách nhìn của
xã hội học, gia đình được coi là một nhóm xã hội nhỏ và đóng vai trò là một thiết chế xã
hội cơ bản. Nếu như coi gia đình là một nhóm xã hội thì các nhà xã hội học sẽ nghiên cứu
các vấn đề, các mối quan hệ bên trong nó, còn khi đóng vai trò là thiết chế xã hội thì gia
đình sẽ được nghiên cứu trong mối quan hệ giữa nó với tổng thể xã hội. Trên cơ sở thuyết
cấu trúc và chức năng, nhà xã hội học người Mỹ Robert Merton đã phần nào lý giải được
vấn đề này thông qua ý tưởng về chức năng và phản chức năng của mình. Ông cho rằng,
một thành tố của cấu trúc xã hội thực hiện các chức năng, tức các hệ quả quan sát được,
tạo ra sự thích nghi và điều chỉnh của hệ thống, ngoài những hệ quả tích cực cũng có thể
gây ra các hệ quả tiêu cực (phản chức năng) (1).
Gia đình là thành tố cơ bản của cấu trúc xã hội và thực hiện chức năng của nó để
duy trì sự thích nghi và ổn định của xã hội. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam bước vào
giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế thế giới, nhiều
chuyển biến lớn lao đã xảy ra, tất yếu khiến quy mô gia đình truyền thống không còn
thích nghi được với hoàn cảnh xã hội mới. Nền kinh tế thị trường, sự du nhập của các nền
văn hóa nước ngoài đã làm cho xã hội đổi thay từng ngày. Sự đổi thay ấy diễn ra cả trong
quan niệm của con người, chẳng hạn, ngày nay sự bình đẳng đã được đề cao hơn, những
chuẩn mực lạc hậu cũng được loại bỏ nhằm hướng tới một xã hội tiến bộ hơn.
Đáng kể nhất là việc giải phóng phụ nữ: họ được đối xử bình đẳng hơn và có nhiều
điều kiện để phát triển, nâng cao vị thế xã hội của mình; vai trò của họ trong cuộc sống,
trong sản xuất,... ngày càng trở nên quan trọng hơn, gánh nặng gia đình cũng dần được
1
chia sẻ và cơ hội phát huy tiềm năng cũng đến nhiều hơn, được toàn xã hội công nhận.
Bình đẳng giới nói riêng và bình đẳng nói chung được tôn trọng làm cho mỗi người được
tự do phát triển mà không phải chịu nhiều ràng buộc. Hội nhập kinh tế làm cho mức sống
con người được nâng cao hơn, chất lượng cuộc sống được cải thiện, từ đó cũng làm cho
nhu cầu hưởng thụ của họ tăng lên và mang những nét cá nhân hơn. Mỗi một thành viên
trong gia đình, chứ không chỉ riêng lớp trẻ, đều muốn được có khoảng không gian riêng,
thoải mái để làm những gì mình thích, không phải bận tâm đến sự nhận xét của người
khác. Do có công ăn việc làm ổn định, con cái đến tuổi kết hôn cũng không phải phụ
thuộc kinh tế nhiều vào cha mẹ, từ đó sẽ nảy sinh ra nhu cầu ở riêng cho thuận tiện về
sinh hoạt. Mặt khác, việc duy trì gia đình truyền thống sẽ kìm hãm sự tự do, làm cho cái
tôi, cá tính riêng, năng lực của con người không có cơ hội phát triển, dẫn đến sự thiếu hụt
về lực lượng nhân tài cho đất nước trong thời buổi công nghiệp hóa hiện đại hóa.
Vậy, rõ ràng là quy mô gia đình Việt Nam ngày càng thu nhỏ để đáp ứng những nhu
cầu và điều kiện của thời đại mới đặt ra. Bên cạnh đó, nó cũng thay đổi chính xã hội hay
những giá trị của xã hội, làm cho sự bình đẳng nam nữ được đề cao hơn, cuộc sống riêng
tư của con người được tôn trọng hơn, tránh được những mâu thuẫn trong đời sống của gia
đình truyền thống. Sự biến đổi của gia đình cho thấy chính nó đang làm chức năng tích
cực, thay đổi chính bản thân gia đình và cũng là thay đổi hệ thống xã hội, làm cho xã hội
trở nên thích nghi và phù hợp hơn với tình hình mới, thời đại mới.
Tất nhiên, quá trình biến đổi đó cũng gây những phản chức năng như tạo ra sự ngăn
cách không gian giữa các thành viên trong gia đình, tạo khó khăn, trở lực trong việc gìn
giữ tình cảm cũng như các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình. Xã hội ngày càng
phát triển, mỗi người đều bị cuốn theo công việc của riêng mình với mục đích kiếm thêm
thu nhập, thời gian dành cho gia đình cũng vì vậy mà ngày càng ít đi. Con người như rơi
vào vòng xoáy của đồng tiền và vị thế xã hội mà vô tình đánh mất đi tình cảm gia đình.
Các thành viên ít quan tâm lo lắng đến nhau và giao tiếp với nhau hơn, làm cho mối quan
hệ gia đình trở nên rời rạc, lỏng lẻo... Đó là mặt hạn chế của gia đình hiện đại so với gia
đình truyền thống xưa. Chính sự coi trọng kinh tế, đặt kinh tế lên hàng đầu ấy đã làm cho
những giá trị tốt đẹp xưa của gia đình bị phai nhạt dần, thậm chí còn dễ dẫn tới các hệ lụy
xấu.
Có thể lấy ví dụ về việc chăm sóc và giáo dục trẻ em trong gia đình - nơi được coi là
môi trường xã hội hóa đầu tiên của mỗi con người. Một đứa trẻ được sinh ra và lớn lên
trong gia đình truyền thống định hình nhân cách bằng sự quan tâm giáo dục dạy bảo
thường xuyên của ông bà cha mẹ ngay từ khi rất nhỏ. Còn trong gia đình hiện đại, việc
giáo dục trẻ em gần như được phó mặc hoàn toàn cho nhà trường mà thiếu đi sự chăm
sóc, dạy dỗ của cha mẹ. Chính điều đó đã gây ra hiện trạng có nhiều trẻ em lang thang,
phạm tội hay rơi vào các tệ nạn xã hội. Hay như người cao tuổi trong gia đình, trước đây
họ được sống cùng với con cháu, vì vậy mà nhu cầu về tâm lý, tình cảm được đáp ứng
đầy đủ. Còn khi quy mô gia đình bị biến đổi, người cao tuổi phải đối mặt với sự cô đơn
thiếu thốn về tình cảm, trong khi tuổi già cần nhất là được vui vầy bên con cháu, được
chăm sóc khi ốm đau bệnh tật. Họ luôn có nguy cơ bị đẩy ra viện dưỡng lão, trung tâm
hay các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chứ không nhận được nhiều sự quan tâm của người
thân trong gia đình. Phản chức năng của quá trình biến đổi đó không chỉ xảy ra đối với
người già và trẻ em mà còn trên phạm vi toàn xã hội, nhất là trong các mối quan hệ gia
đình. Ngày càng tồn tại nhiều hiện tượng mà trước đây chưa hề hoặc ít có như bạo lực gia
đình, ly hôn, ly thân, ngoại tình, sống thử... Chúng đã làm rạn nứt, phá hoại sự bền vững
của gia đình, làm cho gia đình trở nên mong manh, dễ tan vỡ hơn. Ngoài ra, các tệ nạn

2
như trẻ em lang thang, nghiện hút, buôn bán phụ nữ qua biên giới... cũng đang đe dọa,
gây nhiều nguy cơ làm tan rã gia đình.
Sự biến đổi của gia đình Việt Nam không chỉ để điều chỉnh sự thích nghi của hệ
thống xã hội, mà, nhìn từ một góc độ khác, sự biến đổi lại diễn ra từ chính trong lòng
thiết chế gia đình. Gia đình lúc này sẽ không được xem xét trên bình diện rộng lớn trong
mối quan hệ của nó với xã hội, đóng vai trò là một thành phần của cấu trúc xã hội mà
được nhìn nhận từ bên trong: các quan hệ xã hội của những thành viên trong gia đình.
Dưới cách tiếp cận này thì sự biến đổi của gia đình Việt Nam từ mô hình truyền thống
sang mô hình hiện đại xuất phát từ chính những nguyên nhân bên trong nó, đó là mâu
thuẫn trong các quan hệ xã hội. Để nghiên cứu vấn đề này, có thể sử dụng một số khía
cạnh trong thuyết xung đột của nhà xã hội học người Đức Ralf Gustav Dahrendorf. Ông
lý luận rằng chính cơ cấu xã hội tạo ra các xung đột xã hội và khi các nhóm xung đột nảy
sinh, chúng sẽ dẫn tới sự biến đổi trong cấu trúc của xã hội, ở đây là gia đình với tư cách
là một tiểu xã hội (2).
Từ xưa, gia đình truyền thống luôn là một nét riêng biệt trong văn hóa phương
Đông, nhiều thế hệ cùng sống chung đầm ấm dưới một mái nhà, mọi người che chở,
thương yêu, nương tựa vào nhau. Mô hình gia đình này luôn đề cao việc gìn giữ các giá
trị văn hóa truyền thống, nghi lễ, tập tục, đạo đức, gia phong, mọi thành viên trong gia
đình sống có tôn ti trật tự chặt chẽ. Tuy nhiên trong gia đình hiện đại, tôn ti trật tự đó đã
có phần bình đẳng và bớt cứng nhắc hơn so với trước kia, chủ yếu là do mỗi cá nhân tự ý
thức được vai trò của mình mà thực hiện theo, cái trên bảo dưới nghe cũng chuyển thành
trên kính dưới nhường... Điều đó cho thấy xu hướng cá nhân hóa và sự tôn trọng tự do cá
nhân đã được đề cao hơn.
Sự du nhập ồ ạt của các nền văn hóa phương Tây làm nảy sinh vấn đề là những tập
tục, tập quán đã cũ, lỗi thời nếu vẫn được lưu giữ sẽ khiến cho gia đình Việt Nam không
phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội và trở nên lạc hậu, chậm thích ứng.
Trong khi đó, thời đại mới lại mang đến nhiều giá trị tiến bộ cần tiếp nhận như sự bình
đẳng nam nữ, bình đẳng trong nghĩa vụ trách nhiệm, dân chủ trong các mối quan hệ gia
đình, tôn trọng tự do và lợi ích cá nhân... Điều cần thiết là phải biết tiếp thu một cách có
chọn lọc các tinh hoa, giá trị tiên tiến của gia đình hiện đại đồng thời bảo tồn, phát huy
những giá trị truyền thống quý báu và cải biến, loại bỏ những giá trị cũ không còn phù
hợp. Nếu thực hiện tốt được điều đó thì gia đình Việt Nam sẽ có cơ hội để phát triển theo
xu hướng bình đẳng, tiến bộ, ấm no và hạnh phúc.
Như vậy ngay trong khuôn khổ những hệ giá trị của gia đình cũng đã có sự xung đột
giữa những giá trị mới tiến bộ cần thu nhận và những giá trị cũ lỗi thời cần loại bỏ. Điều
đó cũng góp phần thúc đẩy sự biến đổi về quy mô của gia đình Việt Nam. Còn nhân tố
chủ yếu quyết định sự biến đổi vẫn là xung đột trong các quan hệ xã hội, thách thức đặt
ra cho gia đình Việt Nam là mâu thuẫn giữa các thế hệ. Với việc trong một gia đình có ba
bốn hay thậm chí là năm thế hệ cùng chung sống, ngoài những ưu điểm thì cũng tồn tại
khá nhiều những điều bất tiện. Mâu thuẫn giữa các thế hệ diễn ra do có sự khác biệt về
tuổi tác, tư tưởng, quan niệm, lối sống sẽ làm cho các cá nhân cảm thấy gò bó mất tự do
khi cùng chung sống với nhau, cuộc sống của gia đình luôn đặt trong tình trạng căng
thẳng. Người già thường hướng về các giá trị truyền thống, do vậy họ có xu hướng bảo
thủ, áp đặt nhận thức và cách nghĩ của mình đối với những người trẻ. Điều đó dẫn đến sự
khó hòa hợp về lối sống, đôi khi có thể dẫn đến những sự va chạm, bất đồng, khiến cho
những người trẻ cảm thấy không thoải mái, không thể tự mình quyết định các vấn đề
riêng mà phải thông qua ý kiến những người lớn tuổi. Trong khi đó lớp trẻ do tiếp cận

3
nhiều hơn với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các trào lưu văn hóa mới từ nước ngoài nên
hướng tới thay đổi về suy nghĩ và nhận thức, họ trở nên độc lập hơn, cái tôi cá nhân phát
triển hơn, họ muốn được tự do nói lên những suy nghĩ của mình, tiếp thu những giá trị
hiện đại.
Lẽ tất nhiên là những cái mới không phải đều chứa đựng yếu tố tích cực, tốt đẹp,
khó tránh được có những cái không phù hợp với truyền thống, bởi vậy cần tiếp thu có
chọn lọc. Lớp trẻ khi nhận được sự góp ý của người già thì cảm thấy khó chịu, cho rằng
những người già là cổ hủ, lạc hậu, thích dạy bảo. Sự chênh nhau về thế hệ này khiến cho
xu hướng tách ra ở riêng tăng cao, khi đó mỗi cá nhân sẽ thỏa mãn được nhu cầu tự do
của riêng mình, có thể hành động theo ý muốn của bản thân. Một gia đình chỉ có hai thế
hệ: cha mẹ - con cái tất nhiên sẽ tồn tại ít xung đột hơn so với một gia đình có ba, bốn thế
hệ. Việc những xung đột thế hệ ngày càng trở nên phổ biến làm cho gia đình truyền thống
cũng dần mất đi và đến bây giờ chỉ còn tồn tại với số lượng rất ít.
Như vậy, dưới góc nhìn xã hội học, có thể thấy rằng sự biến đổi quy mô gia đình
Việt Nam là một tất yếu không thể tránh khỏi do tác động của toàn cầu hóa. Gia đình, dù
được nhìn nhận với tư cách là một thiết chế xã hội cơ bản hay với tư cách là một nhóm xã
hội, đều chứa đựng nhiều yếu tố tạo nên sự thay đổi. Sự thay đổi đó điều chỉnh chính bản
thân gia đình cho phù hợp với xã hội và đồng thời cũng điều chỉnh xã hội cho phù hợp
với điều kiện cụ thể bên ngoài. Hệ quả tạo ra là một mô hình gia đình mới có khả năng
thích ứng tốt hơn với sự biến đổi của xã hội để thay thế gia đình truyền thống cũ. Đó là
xu hướng tiến bộ chung dù cho cũng còn tồn tại nhiều mặt hạn chế. Điều quan trọng nhất
là phải gìn giữ được những giá trị tốt đẹp, quý báu của gia đình truyền thống và phát huy
những mặt tích cực của gia đình hiện đại, tạo ra một khuôn mẫu gia đình Việt Nam tiến
bộ, phát triển.
_______________
1, 2. Vũ Quang Hà, Các lý thuyết xã hội học, tập 1, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội,
2001, tr.164, 185.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 319, tháng 1-2011


Tác giả: Phạm Việt Tùng

http://vhnt.org.vn/NewsDetails.aspx

You might also like