You are on page 1of 19

MỤC LỤC

I. TỔNG QUAN VỀ CHẤT THẢI NGUY HẠI.......................................................5

1. Khái niệm Chất thải nguy hại............................................................................5

2. Khái niệm về Quản lý chất thải và quản lý chất thải nguy hại........................5

3. Phân loại Chất thải nguy hại..............................................................................5

4. Ảnh hưởng của Chất thải nguy hại....................................................................6

5. Các giải pháp quản lý Chất thải nguy hại.........................................................7

6. Yêu cầu về an toàn trong quản lý Chất thải nguy hại......................................8

II. TÌNH HÌNH PHÁT SINH VÀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI..............8

Ở VIỆT NAM.............................................................................................................. 8

1. Tình hình phát sinh chất thải nguy hại tại Việt Nam.......................................8

2. Tình hình quản lý chất thải nguy hại tại Việt Nam..........................................9

2.1Khung thể chế trong việc quản lý chất thải nguy hại tại Việt Nam.................9

2.2Tình hình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại...............................15

III. CÁC CÔNG NGHỆ XỬ LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI ĐIỂN HÌNH VÀ
PHỔ BIẾN Ở VIỆT NAM........................................................................................18

1. Lò đốt tĩnh hai cấp.............................................................................................18

2. Đồng xử lý trong lò nung xi măng....................................................................18

3. Chôn lấp CTNH.................................................................................................19

5. Hóa rắn (bê tông hóa)........................................................................................19

6. Tái chế dầu thải................................................................................................19

7. Xử lý bóng đèn huỳnh quang thải....................................................................19

8. Xử lý chất thải điện tử.......................................................................................20


IV. LỢI ÍCH TRONG QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI...............................20

1. Lợi ích trong ngăn ngừa phát sinh Chất thải nguy hại...................................20

2. Lợi ích trong tái sinh, tái chế Chất thải nguy hại............................................20

3. Lợi ích trong quản lý tổng hợp Chất thải nguy hại........................................21

KẾT LUẬN...............................................................................................................22

DANH MỤC VIẾT TẮT

BVMT Bảo vệ Môi trường

CTNH Chất thải nguy hại

CTR Chất thải rắn

Tp.HCM Thành phố Hồ Chí Minh

MỞ ĐẦU

Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, với sự
hình thành, phát triển của các ngành nghề sản xuất, sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng
hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng,... là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã
hội của đất nước. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nỗi lo về môi trường, đặc biệt vấn đề
chất thải rắn như chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp,
chất thải y tế, chất thải xây dựng, chất thải nguy hại,...

Việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải rắn, đặc biệt là chất thải
nguy hại đã và đang trở thành một bài toán khó đối với các nhà quản lý tại hầu hết các
nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế đang phát triển, trong đó có
Việt Nam.

Theo một điều tra khảo sát của JICA, tổng lượng chất thải phát sinh tại Việt
Nam năm 2010 là trên 31,5 triệu tấn, trong đó chất thải công nghiệp là 5,5 triệu tấn và
CTNH là 0,86 triệu tấn. Theo dự báo, tổng lượng phát sinh chất thải năm 2020 là
khoảng 67,6 triệu tấn (2,8 triệu tấn CTNH) và đến năm 2025 là khoảng 91 triệu tấn
(27,8 triệu tấn chất thải công nghiệp). Do lượng phát sinh CTNH ngày càng gia tăng,
nếu không có các biện pháp quản lý phù hợp sẽ dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi
trường nghiêm trọng bắt nguồn từ các hoạt động không kiểm soát như vận chuyển trái
phép hoặc xử lý không an toàn về môi trường.

Chính vì vậy, quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại đang là một yêu
cầu cấp bách đối với nước ta. Trong phạm vi nghiên cứu dựa trên tổng quan các báo
cáo và tài liệu có sẵn, bài tiểu luận “ ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG QUẢN LÝ CHẤT
THẢI NGUY HẠI Ở VIỆT NAM” sẽ cung cấp thông tin và đánh giá một cách khái
quát các hoạt động quản lý chất thải nguy hại ở Việt Nam bao gồm từ quá trình thu
gom đến xử lý để chúng ta có cái nhìn tổng quan về tình hình quản lý chất nguy hại ở
nước ta hiện nay, làm cơ sở để nghiên cứu chuyên sâu hoặc đề ra các đề xuất, giải
pháp thích hợp hơn để giải quyết vấn đề quản lý chất thải nguy hại.
I. TỔNG QUAN VỀ CHẤT THẢI NGUY HẠI

1. Khái niệm Chất thải nguy hại


Theo Luật Bảo vệ môi trường (2005): “Chất thải nguy hại (CTNH) là chất thải
chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm, gây ngộ độc
hoặc đặc tính nguy hại khác”.

2. Khái niệm về Quản lý chất thải và quản lý chất thải nguy hại
Quản lý chất thải là quá trình bao gồm thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế
hoặc tiêu hủy, và quan trắc các loại chất thải. Mục đích của quản lý chất thải là nhằm
giảm các nguy cơ, tác động của chất thải tới sức khỏe con người và môi trường.

Theo Luật Bảo vệ môi trường (2005), quản lý chất thải là hoạt động phân loại,
thu gom, vận chuyển, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy, phân loại chất
thải. Cụ thể hơn, đối với chất thải rắn, theo Nghị định số 59/2007/NĐ-CP của Chính
phủ về quản lý chất thải rắn, hoạt động quản lý chất thải rắn bao gồm các hoạt động
quy hoạch quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở quản lý chất thải rắn, các hoạt động phân
loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn nhằm
ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con
người.

3. Phân loại Chất thải nguy hại


Mục đích của phân loại chất thải nguy hại là để tăng cường thông tin. Tùy vào
mục đích sử dụng thông tin cụ thể mà có các cách phân loại sau:

- Hệ thống phân loại chung: Đây là hệ thống phân loại dành cho những người có
chuyên môn. Hệ thống phân loại nhằm đảm bảo tính thống nhất về các danh
pháp và thuật ngữ sửdụng. Hệ thống phân loại này dựa trên đặc tính của
CTNH. Theo cách phân loại này có hệthống của UNEP, qui chế QL CTNH
Việt Nam.
- Hệ thống phân loại dành cho công tác quản lý: Nhằm đảm bảo nguyên tắc chất
thải được kiểm soát từ nơi phát sinh đến nơi thải bỏ, xử lý cuối cùng. Hệ thống
này tập trung xem xét con đường di chuyển của CTNH và nguồn phát sinh ra
nó. Trong số này bao gồm:
 Hệ thống phân loại theo nguồn phát sinh
 Hệ thống phân loại theo đặc điểm
- Hệ thống phân loại để đánh giá khả năng tác động đến môi trường:
 Phân loại theo độc tính
 Phân loại theo mức độ nguy hại
- Hệ thống phân loại kĩ thuật: Đây là hệ thống phân loại đơn giản và dễ sử dụng
dặc biệt cho những người không có chuyên môn về CTNH. Tuy nhiên, hệ
thống này có giới hạn là không cung cấp thông tin đầy đủ về chất thải, khó sử
dụng trong trường hợp chất thải không có trong danh mục.

4. Ảnh hưởng của Chất thải nguy hại


a) Ảnh hưởng đến môi trường

Những vấn đề tác động môi trường cơ bản liên quan đến việc chôn lấp các chất
thải nguy hại không đúng qui cách, có liên quan đến tác động tiềm tàng đối với nước
mặt và nước ngầm. Ở Việt Nam những nguồn này thường được dùng làm nguồn nước
uống, sinh hoạt gia đình, phục vụ nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Bất cứ sự ô
nhiễm nào đối với các nguồn này đều có thể gây tiềm tàng về sức khoẻ đối với nhân
dân địa phương hay gây ra các tác động môi trường nghiêm trọng. Có không nhiều
những tài liệu về những tai nạn do ô nhiễm gây ra do việc thực hiện tiêu huỷ chất thải
nguy hại không hợp cách, và có ít kết quả quan trắc để đánh giá tác động thực tế.

Những chuyến khảo sát điều tra về chất thải nguy hại, xem xét những tài liệu
đã công bố và thảo luận vơí những cơ quan Nhà nước khác nhau đã cho thấy rằng ở
Việt Nam đang có nhiều mối quan tâm về ô nhiễm nước mặt và nước ngầm do công
nghiệp. Không thể phân lập chất thải nguy hại đã làm trầm trọng hơn vấn đề quản lý
chất thải rắn và nước thải vốn đã khá trầm trọng, đồng thời cũng làm cho việc quản lý
chất thải rắn khó khăn hơn do thiếu những hệ thống quản lý chất thải rắn đô thị, mà
riêng việc này cũng đã làm cho vấn đề ô nhiễm nước mặt và nước ngầm gia tăng rồi.
Lĩnh vực quan tâm chính về chôn lấp chất thải nguy hại liên quan đến những
vấn đề sau:

- Ô nhiễm nước ngầm hoặc là do việc lâu dài không được kiểm soát, chôn lấp tại chỗ,
chôn lấp ở nơi chôn rác không có kĩ thuật cụ thể, hoặc dùng để lấp các bãi đất trũng.

- Khả năng ô nhiễm nước mặt do việc thải các chất lỏng độc hại không được xử lý
đầyđủ, hoặc là do hậu quả của việc làm vệ sinh công nghiệp kém, hay do việc thải vào
khí quyển những hoá chất độc hại từ quá trình cháy, đốt các vật liệu nguy hại.

- Bản chất ăn mòn tiềm tàng của các hoá chất độc hại có thể phá huỷ hệ thống cống
cũng như làm ngộ độc môi trường tự nhiên.

b) Ảnh hưởng đến xã hội

Như đã nêu ở trên, rất khó để đánh giá những tác động thực tế liên quan đến ô
nhiễm nước mặt và nước ngầm do sự thiếu hụt các số liệu quan trắc. Tuy nhiên, tổng
quan tỉ lệ tử vong và bệnh trạng ở Việt Nam cho thấy mức độ cao bệnh tật có liên
quan đến việc cung cấp nước và vệ sinh, chủ yếu là vấn đề vệ sinh.

Việc thải các chất thải công nghiệp không được xử lý, thất thoát dầu và các hoá
chất khác do sự cố vào các con sông và hệ thống cung cấp nước ngầm đã làm bẩn các
nguồn nước uống cũng như làm chết cá và sinh vật đáy vốn được nhân dân địa
phương đánh bắt sử dụng. Một số vấn đề sức khoẻ liên quan đến những tác động đó
được hiểu như là kết quảcủa một số sự cốgây ô nhiễm, việc di chuyển dư lượng thuốc
trừ sâu không được kiểm soát. Rủi ro tăng bệnh tật do ngộ độc kim loại và ung thư do
nhiễm các chất gây ung thư vẩn đang toàn tại. Tình trạng tăng bệnh ung thư, bệnh tim,
nhiễm trùng hệ hô hấp và tiên hoá, viêm da cũng có thể tăng.

5. Các giải pháp quản lý Chất thải nguy hại


Theo thứ tự ưu tiên, một Hệ thống Quản lý Chất thải nguy hại được thực hiện
như sau:

- Giảm thiểu chất thải tại nguồn


- Thu gom lưu giữ và vận chuyển chất thải nguy hại
- Tái sinh, tái sử dụng
- Xử lý
- Chôn lấp

6. Yêu cầu về an toàn trong quản lý Chất thải nguy hại


- An toàn trong lưu giữ chất thải nguy hại

- An toàn trong vận chuyển chất thải nguy hại

- An toàn trong quản lý chất thải nguy hại

II. TÌNH HÌNH PHÁT SINH VÀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI

Ở VIỆT NAM.

1. Tình hình phát sinh chất thải nguy hại tại Việt Nam.
CTNH chiếm khoảng 15%-20% lượng CTR công nghiệp. Đây là nguồn ô
nhiễm tiềm tàng rất đáng lo ngại cho môi trường và sức khỏe của cộng đồng. CTNH
phát sinh từ các KCN của khu vực phía Nam khoảng 82.000 - 134.000 tấn/năm, cao
hơn các khu vực khác (gấp 3 lần miền Bắc và khoảng 20 lần miền Trung). Gần một
nửa số lượng chất thải công nghiệp phát sinh ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
là tại Tp.HCM, Biên Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Thực tế lượng
phát sinh CTNH này có thể lớn hơn, do chưa được quản lý đúng cách và thống kê đầy
đủ, nhiều loại CTNH được thu gom cùng rác thải sinh hoạt rồi đổ tập trung tại các bãi
rác công cộng.

Chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh chủ yếu tại các KCN. Các cơ sở sản
xuất nhỏ lẻ nằm ngoài KCN cũng là nguồn phát sinh CTNH không nhỏ. Nhìn chung,
các cơ sở sản xuất này cũng nằm tập trung ở những tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội,
Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... Các cơ sở sản xuất này với quy mô khác
nhau, hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất khác nhau như thực phẩm, dược phẩm, mỹ
phẩm, sản xuất hóa chất, sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, sản
xuất các mặt hàng điện tử, may mặc, giày da, chế biến gỗ, cơ khí... đã tạo ra một
lượng CTR công nghiệp nói chung và CTNH nói riêng khá lớn. Việc quản lý các
nguồn thải này cũng gặp nhiều khó khăn hơn so với các KCN.

Phát sinh CTNH tăng đáng kể trong những năm gần đây. Tại tỉnh Đồng Nai, ở
thời điểm năm 1999, CTNH công nghiệp chỉ có 3.759 tấn/năm, năm 2000 là 5.300
tấn, năm 2001 tăng lên khoảng 6.500 tấn và đến năm 2009 là trên 20.000 tấn. Tại tỉnh
Quảng Ninh, xu hướng phát sinh CTNH tăng dần qua từng năm, đặc biệt tăng cao
trong 3 năm từ 2007 đến 2009. Lượng phát sinh CTNH vào năm 2005 với 0,2
tấn/ngày và đến năm 2009 là 2,5 tấn/ngày (cao hơn 12 lần so với năm 2005). CTNH
phát sinh lớn nhất là dầu thải, 2 đơn vị phát sinh dầu thải lớn nhất là Công ty cổ phần
Than Núi Béo và Xí nghiệp Than Khe Sim thuộc Tổng công ty Than Đông Bắc,
chiếm đến 60% lượng CTNH phát sinh năm 2005 và 70% của 9 tháng đầu năm 2009.

Mức độ phát sinh CTNH công nghiệp trong các KCN tùy thuộc vào loại hình
sản xuất chủ yếu. Nghiên cứu năm 2009 tại vùng KTTĐ phía Nam cho thấy ngành sản
xuất và dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông phát sinh lượng CTNH lớn nhất.
Trong khi đó, tại Đồng Nai, mức độ phát thải các CTNH các ngành nghề được phân
bổ như sau: ngành giầy da (35%), dệt nhuộm (25%), điện - điện tử (25%), dược phẩm
(5%), và ngành nghề khác là 10%.

2. Tình hình quản lý chất thải nguy hại tại Việt Nam.
2.1 . Khung thể chế trong việc quản lý chất thải nguy hại tại Việt Nam.

Để thực hiện quản lí chất thải trên cả nước, trong đó có chất thải rắn và chất thải
nguy hại, cần có 1 hệ thống cơ quan quản lí nhà nước tương ứng từ trung ương đến
địa phương. Cần có sự phân công, phân cấp cụ thể giữa trung ương và địa phương,
giữa các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan để tránh chồng chéo, bỏ sót
nhiệm vụ. Mặt khác, công việc này không chỉ có một cơ quan nào đó làm được mà
đòi hỏi có nhiều ngành, nhiều đơn vị cùng tham gia, phối hợp. Luật Bảo vệ môi
trường năm 2005 đã quy định trách nhiệm quản lí Nhà nước về bảo vệ môi trường
trong đó có trách nhiệm quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại thống nhất từ trung
ương tới địa phương.
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường
 Theo Nghị định số 25/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng,nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và
Môi trường thực hiện chức năng quản lí nhà nước về bảo vệ môi trường trong đó có
lĩnh vực quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, gồm những nhiệm vụ cụ thể như
sau: trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự
án nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị quyết, nghị định của
Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm, các dự án, đề
án theo phân công của Chính phủ; trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch
phát triển, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm, các chương trình, dự án quốc gia,
các dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; ban hành các quyết định,
chỉ thị, thông tư; xây dựng, công bố các tiêu chuẩn cơ sở hoặc trình Bộ trưởng Bộ
Khoa học và Công nghệ công bố các tiêu chuẩn quốc gia; xây dựng, ban hành quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia sau; chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra và chịu trách
nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược quy hoạch, kế
hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật;
hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải;
hướng dẫn, kiểm tra việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;
hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá và thẩm định thiết bị, công trình xử lý chất thải
trước khi đưa và hoạt động; cấp giấy phép về môi trường.
b) Các Bộ khác cũng được giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ
môi trường trong lĩnh vực ngành.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc
thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật
có liên quan đối với chất thải trong nông nghiệp.
- Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo
vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan đối với lĩnh vực
công nghiệp, trong đó có chất thải công nghiệp (CTCN), việc tạm nhập tái
xuất, chuyển khẩu chất thải.
- Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ
môi trường về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên
quan đối với các hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng xử lý chất thải rắn.
- Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý chất thải y tế.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm huy động lực lượng ứng phó, khắc
phục sự cố môi trường; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ
môi trường, trong đó có quản lý chất thải, trong lực lượng vũ trang thuộc thẩm
quyền quản lý. Cục Cảnh sát môi trường được thành lập để giúp Tổng Cục
trưởng Tổng cục Cảnh sát thống nhất quản lý, tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn lực
lượng Cảnh sát môi trường trong cả nước thực hiện các chủ trương, kế hoạch,
biện pháp bảo vệ môi trường; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm
và các vi phạm pháp luật khác về môi trường, trong đó có quản lý chất thải
nguy hại.
- Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan)| có nhiệm vụ giám sá, phòng ngừa việc vận
chuyển xuyên biên giới bất hợp pháp đối với phế liệu, chất thải.
c) Cấp địa phương
Tại các địa phương, theo quy định tại điều 122, chương XIII, Luật Bảo vệ Môi
trường 2005 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Uỷ
ban nhân dân các cấp trong đó có nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất thải rắn và
chất thải nguy hại, thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện quản lý
nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó có quản lý chất thải trên địa bàn toàn
tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước
về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện
chức năng, nhiệm vụ, quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn xã.
Tương tự như các Bộ, ngành khác, các Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Xây
dựng,… thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó có
quản lý chất thải thuộc lĩnh vực ngành tại địa phương.
2.2 . Tình hình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại.

a) Thu gom và vận chuyển chất thải nguy hại.

 Thu gom từ nguồn thải công nghiệp.

Việc thu gom chất thải ở Việt Nam chủ yếu do các Công ty Môi trường đô thị cấp
tỉnh thực hiện, có trách nhiệm thu gom và xử lý rác đô thị, bao gồm chất thải công
nghiệp và chất thải rắn nguy hại.

Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), Huế, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh
(CITENCO) đã được cấp phép để thu gom và vận chuyển chất thải công nghiệp nguy
hại. Lượng CTNH còn lại do các công ty/doanh nghiệp tư nhân được cấp phép đảm
trách việc thu gom, vận chuyển.

Một số KCN có cơ sở hạ tầng và công ty dịch vụ thuộc Ban quản lý các KCN phụ
trách công tác thu gom chất thải. Tỷ lệ thu gom chất thải công nghiệp trung bình đang
tăng tên cả ở trong và ngoài KCN, nhưng vẫn còn thấp ở một số thành phố. Hiện nay,
vẫn chưa có số liệu đầy đủ về tỷ lệ thu gom chất thải công nghiệp ở từng thành phố
của Việt Nam. Tỷ lệ thu gom tại các KCN tương đối cao hơn so với bên ngoài KCN.

 Thu gom từ nguồn thải nông nghiệp.

Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp, vấn đề ô nhiễm
môi trường do sử dụng tùy tiện các loại hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) đang trở
nên ngày càng nghiêm trọng. Trong thời gian công tác tổ chức thu gom, lưu trữ, vận
chuyển và xử lý các loại hóa chất, vỏ bao bì hóa chất BVTV tồn lưu đã bị cấm sử
dụng, quá hạ và hư hỏng đã được nhiều tỉnh. Thành phố thực hiện như: Nghệ An,
Tuyên Quang, Vĩnh Long,...

 Thu gom từ nguồn thải y tế.

Theo thống kê của Bộ Y tế, có tới 95,6% bệnh viện đã thực hiện phân loại chất
thải y tế và 90,9% bệnh viện thực hiện thu gom hàng ngày.

Theo cuộc khảo sát của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường – Bộ Y tế cho
thấy khoảng 50% bệnh viện trên tổng số 1.024 bệnh viện đã thu gom chất thải theo
đúng quy định trong Quy chế quản lý chất thải ngành y tế. Tuy nhiên, việc phân loại
và thu gom vẫn chưa được thực hiện đúng quy định, gây tốn kém trong việc xử lý và
ảnh hưởng đến môi trường. Tỷ lệ bệnh viện có nơi lưu giữ chất thải y tế đảm bảo vệ
sinh theo quy định mới chỉ đạt 45,3% trong tổng số các bệnh viện trên toàn quốc.

Chất thải y tế phải được chứa trong các thùng đựng chất thải nhưng chỉ có một số
ít bệnh viện đáp ứng được quy định này. Kết quả điều tra cuả Bộ Y tế cho thấy có
53% bệnh viện có xe vận chuyển chất thải y tế có nắp đậy; 53,4% bệnh viện có nơi
lưu giữ chất thải có mái che, trong đó chỉ có 45,3% là đạt yêu cầu theo quy chế.

Đối với công tác thu gom chất thải y tế, hầu hết các bệnh viện sử dụng thùng nhựa
có bánh hoặc xe tay để thu gom và vận chuyển chất thải tại chỗ. Xe tay và thùng có
bánh có thể được sử dụng đồng thời tại một số bệnh viện. Chất thải được lưu giữ
trước khi xử lý tại chỗ hoặc các khu vực xử lý bên ngoài bệnh viện. Theo kết quả
khảo sát của JICA đối với 172 bệnh viện trong cả nước năm 2010 cho thấy chỉ có gần
1/3 các bệnh viện có khu vực lưu giữ được trang bị điều hòa và hệ thống thông gió
theo quy định, 31 bệnh viện sử dụng phòng chung để lưu giữ chất thải tạm thời và 45
bệnh viện sử dụng phòng không có hệ thống điều hòa và thông gió. Đáng chú ý hơn là
30 bệnh viện không có phòng lưu giữ chất thải riêng cho chất thải y tế. Đặc biệt, ½
trong số bệnh viện tại Thừa Thiên Huế không có khu vực lưu giữ chất thải y tế. Kết
quả này cho thấy: mặc dù việc phân loại rác tại nguồn tương đối tốt nhưng các bước
quản lý tại chỗ tiếp theo như thu gom và lưu giữ còn bộc lộ nhiều hạn chế tại các bệnh
viện.

Hiện tại, hầu hết các bệnh viện trong cả nước đều ký hợp đồng xử lý chất thải y tế
với các công ty môi trường đô thi của tỉnh/thành phố từ khâu vận chuyển đến khâu xử
lý cuối cùng.

b) Xử lý chất thải nguy hại.

 Xử lý chất thải công nghiệp nguy hại


Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 80 doanh nghiệp hành nghề quản lý chất thải
nguy hại. Các doạnh nghiệp này được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường hoặc Sở Tài
Nguyên và Môi Trường cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động. Hầu hết các doạnh nghiệm
thu gom và xử lý CTNH đều tập trung ở phía Nam.

Số lượng các đơn vị hành nghề vận chuyển và xử lý CTNH được Bộ TN&MT cấp
giấy phép gia tăng hàng năm. Tính đến tháng 06/2011, Bộ TN&MT đã cấp được 80
giấy phép hành nghề vận chuyển CTNH và 43 giấy phép hành nghề xử lý CTNH cho
các cá nhân, tổ chức đăng ký.

Số lượng CTNH xử lý cũng gia tăng theo các năm. Theo kết quả thống kê từ năm
2008 đến năm 2012, dựa trên báo cáo của các chủ xử lý, lượng CTNH đã tăng từ
85.264 tấn/năm lên đến 129.688 tấn/năm (tăng 34%).

Nhìn chung, các công nghệ hiện có còn chưa thực sự hiện đại, sử dụng các công
nghệ đa dụng cho nhiều loại CTNH và thường ở quy mô nhỏ, nhưng cũng đã đáp ứng
phần nào nhu cầu xử lý chất thải nguy hại của Việt Nam.

 Xử lý chất thải nông nghiệp nguy hại

Tính đến năm 2012 đã có 12/15 kho thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng đã được xử lý
không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm 80%; 03 kho thuốc bảo vệ
thực vật đang triển khai xử lý ô nhiễm triệt để, chiếm 20%. Tuy nhiên, trên thực tế
cho thấy nhiều kho chứ thuốc bảo vệ thực vật tuy đã được xử lý, xây hầm bê tông
chôn thuốc tồn lưu, nhưng nhiều điểm có hiện tượng lún sụt, mùi thuốc bảo vệ thực
vật bốc lên khi thời tiết thay đổi gây ô nhiễm môi trường. Số lượng các kho thuốc bảo
vệ thực vậy được xử lý chỉ chiếm 5% trong tổng số 240 điểm hóa chất tồn lưu cần
được ưu tiên xử lý tới năm 2015, nếu không sẽ tiếp tục phát tán ô nhiễm nặng nề tới
môi trường sống và sức khỏe của người dân.

 Xử lý chất thải y tế nguy hại


Theo thống kế có 73,3% bệnh viện xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bằng phương
pháp thiêu đốt trong các lò đốt chuyên dụng, còn lại 26,7% bệnh viện thiêu đốt thủ
công ở ngoài trời hoặc thực hiện phương pháp chôn lấp.

Hiện nay, tại Việt Nam tồn tại một số mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại
như sau:

- Thiêu đốt;
- Chôn lấp;
- Chôn lấp sau khi đóng gói;
- Hóa rắn,…

Công nghệ phổ biến để xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại Việt Nam là thiêu
đốt. Có khoảng 73,3% bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đã xử lý chất thải bằng lò đốt tại
chỗ hoặc lò đốt tập trung cho cụm bệnh viện hoặc cả thành phố. Tuy nhiên, chỉ có
42,7% bệnh viện có lò đốt 2 buồng đạt tiêu chuẩn về kỹ thuật môi trường.

III. CÁC CÔNG NGHỆ XỬ LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI ĐIỂN HÌNH VÀ
PHỔ BIẾN Ở VIỆT NAM.

1. Lò đốt tĩnh hai cấp


Đây là loại công nghệ phổ biến được sử dụng nhiều ở Việt Nam với tổng số 28
lò đốt. Nhà máy xử lý rác Đại Đồng (Công ty URENCO Hà Nội) đã đầu tư một lò đốt
rác với công suất 10 - 20 tấn/ngày, và là một trong những công trình xử lý chất thải
công nghiệp lớn nhất tại vùng KTTĐ phía Bắc và đang trong quá trình thử nghiệm. Ở
miền Trung, có hai lò đốt công nghiệp (công suất 100kg/h và 200kg/h) đang hoạt
động tại Đà Nẵng. Ở miền Nam, có một số lò đốt công nghiệp như lò đốt của
CITENCO (300kg/h, 4tấn/ngày), VINAUSEEN (500kg/h, 2tấn/ngày) đang hoạt động.

2. Đồng xử lý trong lò nung xi măng


Công nghệ này được áp dụng tại hai cơ sở sản xuất xi măng ở Kiên Giang và
Hải Dương. Do đặc thù của công nghệ sản xuất xi măng lò quay, có thể sử dụng
CTNH làm nguyên liệu, nhiên liệu bổ sung cho quá trình sản xuất xi măng, chất thải
được thiêu huỷ đồng thời trong lò nung xi măng ở nhiệt độ cao (trên 13000C).
3. Chôn lấp CTNH
Công nghệ này hiện nay mới áp dụng ở Hà Nội và Bình Dương với dung tích
của mỗi hầm chôn lấp từ 15.000 m3 . Bãi chôn lấp CTNH, hay thực chất là các hầm
chôn lấp, được thiết kế theo quy định tại Tiêu chuẩn xây dựng TCXDVN 320:2004 về
Bãi chôn lấp chất thải nguy hại - Tiêu chuẩn thiết kế. Việc vận hành bãi chôn lấp
CTNH thực hiện trên cơ sở Hướng dẫn kỹ thuật chôn lấp chất thải nguy hại ban hành
kèm theo Quyết định số 60/2002/ QĐ-BKHCNMT ngày 07/8/2002 của Bộ trưởng Bộ
KHCN&MT.

5. Hóa rắn (bê tông hóa)


Công nghệ hóa rắn có ưu điểm là thiết bị, công nghệ đơn giản, sẵn có (có thể tự
lắp đặt, chế tạo), dễ vận hành, có hiệu quả kinh tế vì có thể tận dụng sản xuất vật liệu
xây dựng (gạch block, tấm đan…). Tuy nhiên công nghệ hóa rắn chỉ xử lý an toàn đối
với CTNH trơ, có thành phần vô cơ. Khả năng ổn định CTNH trong khối rắn thay đổi
theo từng loại CTNH nên cần phải nghiên cứu kỹ quá trình cấp phối bê tông. Cần
giám sát sản phẩm đầu ra để đảm bảo không vượt ngưỡng CTNH theo quy định tại
QCVN 07: 2009/BTNMT.

6. Tái chế dầu thải


Công nghệ tái chế dầu, gồm các loại: chưng cất cracking dầu (chưng phân
đoạn hay còn gọi chưng nhiều bậc và chưng đơn giản hay chưng một bậc); phân ly
dầu nước bằng phương pháp cơ học (ly tâm) và bằng nhiệt.

7. Xử lý bóng đèn huỳnh quang thải


Công nghệ này có ưu điểm là chi phí đầu tư hợp lý, dễ vận hành, sau khi phân
tách riêng bột huỳnh quang, thủy tinh có thể dùng làm nguyên liệu trong sản xuất xi
măng hoặc tái sử dụng thủy tinh sạch. Tuy nhiên, sau khi xử lý bóng đèn thải, quá
trình hấp thụ hơi thuỷ ngân có trong bóng đèn thải sẽ tạo ra chất thải mới cần xử lý là
muối thuỷ ngân.
8. Xử lý chất thải điện tử
Đối với các cơ sở có lượng chất thải điện tử nhỏ thì việc phá dỡ thủ công là
phù hợp, chủ yếu để đáp ứng đủ mã CTNH xử lý trong dịch vụ. Tuy nhiên, công đoạn
phá dỡ thủ công có thể ảnh hưởng sức khỏe của công nhân do phải tiếp xúc trực tiếp
với chất thải.

IV. LỢI ÍCH TRONG QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI

1. Lợi ích trong ngăn ngừa phát sinh Chất thải nguy hại
a) Lợi ích kinh tế

- Giảm bớt chi phí cho công tác quản lý CTNH;

- Giảm bớt chi phí về nguyên vật liệu và năng lượng do sử dụng hiệu quả hơn;

- Tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường: cải thiện hình ảnh doanh nghiệp…

b) Lợi ích với môi trường và xã hội

- Giảm rủi ro đối với công nhân, cộng đồng và các thế hệ sau;

- Góp phần đáp ứng tiêu chuẩn môi trường hiện hành, giúp bảo vệ môi trường tốt hơn;

- Góp phần bảo tồn tài nguyên và năng lượng;

- Cải thiện mối quan hệ với cộng đồng xung quanh khu vực nhà máy…

2. Lợi ích trong tái sinh, tái chế Chất thải nguy hại
a) Lợi ích kinh tế

- Đem lại thu nhập cho người lao động;

- Tiết kiệm cho phí mua nguyên liệu, khai thác tài nguyên thiên nhiên;

- Giảm chi phí xử lý CTNH…

b) Lợi ích môi trường và xã hội

- Giảm lượng CTNH thải ra môi trường phải xử lý;

- Giảm khai thác tài nguyên quá mức;

- Giải quyết công ăn việc làm cho người lao động;


- Giảm rủi ro đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng vì giảm lượng phát sinh
CTNH…

3. Lợi ích trong quản lý tổng hợp Chất thải nguy hại
a) Lợi ích kinh tế

- Chiến lược quản lý phù hợp sẽ làm giảm đáng kể chi phí cho hệ thống quản lý;

- Hệ thống quản lý CTNH phải tiếp cận theo cách ngăn ngừa sự phát sinh;

- Hạn chế sự thất thoát nguyên vật liệu, năng lượng trong sản xuất;

- Giảm chi phí cho quản lý CTNH tại cơ sở. giảm chi phí trong đổ bỏ, phát thải vào
môi trường (phí môi trường), giảm tiền nộp thuế, phí CTNH…

b) Lợi ích môi trường và xã hội

- Góp phần giảm thiểu , tránh gây ô nhiễm và suy thoái môi trường;

- Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên;

- Giảm rủi ro đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng;

- Góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa việc thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý,
tiêu hủy CTNH;

- Tạo công ăn, việc làm; thu hút đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau…
KẾT LUẬN
Quản lý CTNH là một vấn đề cấp bách cần được quan tâm hơn nữa. Cùng với
sự phát triển của kinh tế - xã hội CTNH ngày càng tăng nhanh chóng về mặt số lượng
và là nguồn ô nhiễm tiềm tàng rất đáng lo ngại cho môi trường và sức khỏe của cộng
đồng.

Bên cạnh các Công ty Môi trường đô thị của các thành phố thực hiện thu gom
và xử lý CTR công nghiệp và CTNH, các doanh nghiệp khác hành nghề xử lý CTNH
được Bộ TN&MT hoặc Sở TN&MT cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động, hầu hết đều
tập trung ở phía Nam. Tạo thế mất cân bằng trong cơ chế quản lý chung của cả nước.

Để xử lý CTR thông thường và nguy hại hiện nay, Việt Nam thường sử dụng
các công nghệ đa dụng cho nhiều loại CTR, với quy mô nhỏ, giải quyết được một
phần nhu cầu xử lý CTR. Nhưng nhìn chung, công nghệ xử lý CTR, đặc biệt biệt là
CTNH, còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Cần có những chính sách hỗ trợ để
nghiên cứu và phát triển các phương pháp xử lý mới và phù hợp với điều kiện của
từng khu vực để cho năng suất, hiệu quả xử lý cao hơn.

Nhiều chính sách, chiến lược về quản lý CTR được ban hành và đi vào cuộc
sống. Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về CTR cũng đang từng bước hoàn thiện,
nhiều mô hình quản lý tại một số địa phương đã cho thấy những kết quả tốt. Vai trò
của các tổ chức tư nhân cùng tham gia công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR đã
ngày càng được khẳng định. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý
CTR, vấn đề đầu tư tài chính, hợp tác quốc tế và xã hội hóa công tác quản lý CTR
cũng được tăng cường và đã có những thành công nhất định.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn rất nhiều bất cập và khó khăn bắt nguồn ngay từ sự
thiếu rõ ràng trong các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, sự chồng chéo
trong hệ thống tổ chức quản lý, thiếu đầu tư đồng bộ, dẫn đến công tác triển khai thực
hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Chính vì vậy, để công tác quản lý CTR và
CTNH đạt được hiệu quả như mong đợi, phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp nhằm
khắc phục các yếu kém tồn tại vừa nêu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Đức Khiển (2003), Quản lý Chất thải nguy hại, NXB Xây Dựng.
[2] Võ Đình Long (2008), “Quản lý Chất thải rắn và Chất thải nguy hại”, Viện
Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Trường Đại học Công nghiệp
Thành phố Hồ Chí Minh.
[3] Lê Thị Bích Thủy (2012), “Đánh giá tình hình quản lý chất thải nguy hại ở
Việt Nam và đề xuất giải pháp phù hợp để hoàn thiện về thể chế chính sách
quản lý chất thải nguy hại ở Việt Nam”, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và
Môi trường.
[4] Bộ Tài nguyên và Môi trường, World Bank (2004), Báo cáo diễn biến môi
trường 2004 về Chất thải rắn.
[5] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2010), Báo cáo Môi trường quốc gia tổng quan
2010.
[6] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011), Báo cáo Môi trường Quốc gia 2011.
[7] Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi Trường (2011), “Chuyên đề: Hiện
trạng quản lý Chất thải nguy hại ở Việt Nam”, Trường Đại học Công nghiệp
Thành phố Hồ Chí Minh.
[8] JICA (03/2011), Báo cáo Nghiên cứu quản lý Chất thải rắn tại Việt Nam.

You might also like