You are on page 1of 3

Đoạn 1:

Qua các thi ảnh được phơi lộ dần từ câu 1 đến câu 4, cảm giác như đây là thơ của một
hành giả dừng chân bên núi, mắt dõi theo bóng chim, áng mây cuối trời, nhìn vào một
xóm núi bắt gặp cảnh lao động xay ngô của sơn nữ, và ánh nhìn dừng lại đó, từ lúc chim
mỏi về rừng, chòm mây trôi nhẹ... đến lúc lò than đã rực hồng. Cho hay, điểm dừng lại
khá lâu, nếu người đi vội thì khó mà thấy cảnh ấy, có thơ ấy được. Ngẫm ra, cảnh thơ này
tiềm ẩn trong tâm, được hồi nhớ mà ghi lại. Hơn thế, hồi nhớ trong lúc thân thể ở trong
lao/ tinh thần ở ngoài lao thì mới nên câu tuyệt cú ngụ tấm tình ấy. Về điểm này, nhà phê
bình Nguyễn Đăng Mạnh có nhận xét rất xác đáng, đại ý: Nói về cảnh Chiều tối, Bác đã
quên đi thân phận người tù, vượt lên hoàn cảnh. Ta lại gặp chủ thể trữ tình đằm thắm
được bộc lộ kín đáo qua bài thơ. Bài thơ thể hiện một nét độc đáo trong phong cách thơ
Hồ Chí Minh, từ tư tưởng đến hình tượng thơ luôn luôn có sự vận động hướng về sự
sống, ánh sáng và tương lai…
(Trích “Ngày xuân, mạn đàm về ba thi phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh” – Đỗ Trọng
Khơi)
Đoạn 2: Mùa xuân yếm thắm môi cười là tứ thơ nổi bật của mảng thơ đồng quê trong
Thơ mới. Nó lưu giữ những nét đẹp văn hóa nghìn xưa. Đoàn Văn Cừ chấm phá giữa bức
tranh Chợ tết đầy sắc màu ngộ nghĩnh một nét cười thùy mị: Cô yếm thắm che môi cười
lặng lẽ. Giữa cái rộn ràng của sắc xuân ngày tết, nét môi cười cố giấu đi vẫn ngời lên bên
màu yếm thắm, ngỡ như chìm khuất mà sáng bừng giữa cảnh quan văn hóa làng quê.
Yếm là một hình tượng thẩm mĩ khơi gợi nhiều cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật xưa
nay. Trong Thơ mới, ý nghĩa thẩm mĩ của biểu-tượng-rất-nữ này thay đổi qua cảm xúc,
qua ngẫu hứng của nhà thơ. Bàng Bá Lân nồng nàn trong tiếng gọi quen thuộc của ca
dao: Hỡi cô yếm thắm hái dâu ơi. Anh Thơ phối ghép những màu sắc tương phản làm nổi
bật vẻ đẹp rạng ngời của thôn nữ ngày xưa: Yếm hồng thôn nữ tươi đường lúa/ Chùa lợp
ngàn hoa đại trắng tinh. Bên cạnh nụ cười, dải yếm trở thành cầu nối giữa trái tim và trái
tim, giữa cái đẹp hữu hình và cái đẹp vô hình. Trở lại với câu thơ Cô yếm thắm che môi
cười lặng lẽ của Đoàn Văn Cừ, sắc thắm của yếm cứ rực lên thêm duyên nồng cho một
nét môi e ấp thanh xuân. Nụ cười giấu đi mà sáng cả một góc hình. Đây là câu thơ tĩnh
nhất trong bức tranh chợ tết động náo và nhiều màu sắc. Kể cả khi phiên chợ đã tàn thì
nét môi lặng lẽ ấy vẫn đọng lại dư ba. Nụ cười đằm thắm điểm một nét duyên, như một
điểm sáng thẩm mĩ của bài thơ. Nó sáng ngời cái cười tỏa nắng sau này trong thơ Hoàng
Cầm: Em mặc yếm thắm/ Em thắt lụa hồng/ Em đi trẩy hội non sông/ Cười mê ánh sáng
muôn lòng xuân xanh (Bên kia sông Đuống).
(Trích “Mùa xuân, đi tìm nét môi cười trong Thơ mới” – Lê Thị Hường)
Đoạn 3: Chỉ quan sát riêng đời sống văn chương, chưa nói đến các lĩnh vực nghệ thuật
khác, ta dễ dàng nhận thấy, khi dịch bệnh vẫn đang hoành hành ở mọi nơi trên thế giới và
ở những “điểm nóng” về dịch bệnh trong nước (như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh
phía Nam trong đợt dịch thứ tư), thì những người làm văn chương đã xích lại gần nhau
hơn. Thông qua báo chí điện tử và mạng xã hội, họ cùng nhau bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc
về thời đoạn khó khăn này qua trang viết. Họ gửi gắm vào tác phẩm những nỗi niềm tâm
tư, sự cô đơn, cả nỗi đau đớn vô biên vì mất mát người thân cùng niềm hi vọng được trở
lại cuộc sống bình yên. Những cuộc liên hoan thơ, tọa đàm trao đổi về văn chương diễn
ra trong nước và xuyên biên giới lãnh thổ, bất chấp múi giờ; những câu thơ được cất lên
từ lòng người chân thành động viên và sẻ chia, nỗ lực dìu nhau đi qua dịch bệnh và chết
chóc. Bằng những cuộc giao lưu vượt qua mọi khoảng cách địa lí như vậy, nhiều nhà thơ
Việt đã kết nối với các nhà thơ và các cộng đồng văn chương, báo chí ở nhiều quốc gia.
Thơ của họ góp mặt ở Liên hoan thơ châu Âu - “Europa in versi 2021”, hợp tuyển thơ
châu Á tôn vinh phụ nữ - “The epitome of power”, Tuần lễ sách tại Budapest, Diễn đàn
châu Á - “Asia Forum”... cùng nhiều tạp chí văn chương ở nhiều quốc gia. Từ các hoạt
động đó mà dù ở tâm dịch Tiền Giang, nhà thơ Nguyễn Thanh Hải vẫn có hàng chục bài
thơ được các báo, tạp chí văn chương quốc tế in ấn và đăng tải. Cùng với anh, có các nhà
thơ Nguyễn Thanh Kim, Trần Thu Hà, Hoàng Việt Hằng, Đoàn Mạnh Phương và nhiều
nhà thơ khác nữa. Có được những hoạt động này phải kể đến vai trò kết nối, chuyển ngữ
của nhà văn - nhà thơ - dịch giả Kiều Bích Hậu cùng các cộng sự của chị, những “sứ giả
văn chương” miệt mài tìm kiếm và giới thiệu văn học Việt Nam ra ngoài biên giới, đến
với các cộng đồng văn chương quốc tế và đem bầu bạn quốc tế gần lại với Việt Nam.
(Trích “Khi “một cánh cửa đóng lại...” – Nguyễn Thúy Quỳnh)
Đoạn 4:
Thứ ba, tôi hoàn toàn không thể đồng ý với việc Giáo sư cho rằng từ những năm
1970’ Việt Nam “từng bước chiếm đóng một cách phi pháp một số đảo và bãi ngầm”
thuộc quần đảo Trường Sa và đó là “nguyên nhân gây ra tranh chấp lãnh thổ giữa Trung
Quốc và Việt Nam”.
Từ thế kỷ 17, các Chúa Nguyễn đã thực thi chủ quyền của Việt Nam thông qua
việc cử các đội Hoàng Sa – Bắc Hải ra khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tiếp theo, các Hoàng đế Nhà Nguyễn đã cử các đội hải quân ra vẽ bản đồ, cắm cột mốc
chủ quyền trên hai quần đảo này… Trong giai đoạn chủ nghĩa thực dân thống trị, nước
Pháp thay mặt cho Việt Nam quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó, Việt
Nam Cộng hòa tiếp quản và quản lý hai quần đảo này từ nước Pháp theo quy định của
Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Việc tiếp quản quần đảo Trường Sa vào Mùa Xuân 1975
và những hoạt động bình thường của Việt Nam trong khu vực quần đảo Trường Sa sau
khi đất nước đã hòa bình, thống nhất là hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế và không có
một quốc gia nào phản đối, kể cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thì sao có thể nói là
“phi pháp” được.
Ngược lại, vào các năm 1974 và 1988, với những hành động bị luật quốc tế
nghiêm cấm, phía Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng một số đảo và thực thể (đảo
đá, bãi cạn) trong khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc chiếm
đóng, rồi từ đó đến nay, từng bước xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hoá một cách
bất hợp pháp một số đảo đá và bãi cạn thuộc khu vực quần đảo Trường Sa mới chính là
một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình căng thẳng, đe doạ hoà bình và ổn định
tại Biển Đông và trong khu vực. Chẳng lẽ những hành động bị các quốc gia trên thế giới
và Việt Nam lên án đó lại có thể gọi là hợp pháp và tạo thành cơ sở cho phía Trung Quốc
đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo và rồi sử dụng nó để đòi hỏi một vùng
biển rộng lớn chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được
xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
(Trích “Thư của Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam trả lời thư ngày 19/9/2019 của
Chủ tịch Hội Luật sư Quốc tế Trung Quốc”)
1. Xác định nội dung chính của đoạn văn bản
2. Chỉ ra và nêu tác dụng của các phương thức biểu đạt và các thao tác lập luận
được sử dụng trong văn bản
3. Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong văn bản

You might also like