You are on page 1of 5

PHẦN I: MỞ ĐẦU

Hiện nay, trong đời sống thực tế, căn cứ vào từng khía cạnh, phát sinh rất nhiều hợp đồng
dân sự như: hợp đồng chính, hợp đồng phụ; hợp đồng song vụ, hợp đồng đơn vụ; hợp đồng thực tế,
hợp đồng ưng thuận; hợp đồng có đề bù, hợp đồng không có đền bù; hợp đồng có đối tượng là tài
sản, hợp đồng có đối tượng là công việc, hợp đồng dân sự hỗn hợp… Đứng trước một vụ án tranh
chấp hợp đồng dân sự cụ thể, luật sư cần nắm vững những quy định liên quan đến hợp đồng và từ
những quy định đó, khả năng dẫn đến tranh chấp là cách luật sư chuẩn bị “vốn liếng” cho mình khi
tham gia tranh tụng trước phiên tòa. Trên cơ sở đó, luật sư bước vào hoạt động tranh tụng phải nắm
vững các kỹ năng cụ thể được trình bày dưới đây.
PHẦN II: NỘI DUNG
1. Kỹ năng của luật sư trong phần thủ tục bắt đầu phiên toà
BLTTDS năm 2015 quy định thủ tục bắt đầu phiên toà trong phạm vi 08 điều từ điều 239-
Điều 246. Do vậy, Luật sư cần năm chắc các quy định này để thực hành kỹ năng tranh tụng của
mình một cách tốt nhất tại phiên toà sơ thẩm.
Thứ nhất, về việc đề xuất yêu cầu hoãn phiên toà
Luật sư cần căn cứ theo quy định tại Điều 233 BLTTDS năm 2015 và tình huống thực tiễn
tại phiên toà để yêu cầu đề xuất hoãn phiên toà. Trong trường hợp HĐXX ra quyết định hoãn phiên
toà không theo căn cứ pháp lý thì luật sư cần đề xuất ý kiến hoặc khiếu nại đối với quyết định hoãn
phiên toà đó. Tuy nhiên, nếu nhận thấy việc hoãn phiên toà là cần thiết và có lợi cho thân chủ thì
luật sư không nên phản đối mà đề xuất ý kiến đề nghị hoãn phiên toà để đảm bảo quyền và lợi ích
hợp pháp của thân chủ.
Tại phiên toà sơ thẩm, luật sư cần hết sức chú ý về tố tụng, không được thờ ơ đối với vấn đề
này, vì đó là vấn đề tiên quyết, vì nếu sai về tố tụng thì không cần xét đến nội dung. Khi thư ký
phiên toà báo cáo danh sách những người được triệu tập, luật sư cần ghi lại những người nào vắng
mặt, có mặt; nếu thấy sự vắng mặt của một người tham gia tố tụng nào đó mà có khả năng là ảnh
hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của mình bảo vệ thì luật sư có thể trình bày ngay ý kiến đề nghị
hoãn phiên toà theo luật định nhằm bảo vệ một cách tốt nhất cho thân chủ của mình; trong trường
hợp cần đưa thêm tài liệu, chứng cứ ra xem xét trước phiên toà mà trước đó luật sư chưa có hoặc
chưa muốn cung cấp cho toà án, hoặc thấy cần thiết triệu tập thêm người làm chứng quan trọng thì
luật sư cũng cần đề nghị với Hội đồng xét xử xem xét.
Thứ hai, về việc tham gia của những người làm chứng
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, toà án có triệu tập người làm chứng sẽ được
thể hiện trên quyết định này. Tuy nhiên, tại phần thủ tục bắt đầu phiên toà, luật sư phải chú ý khi
thẩm phán chủ toạ kiểm tra căn cước của người tham gia tố tụng khác để biết số người làm chứng là
những ai có mặt, họ là người làm chứng đã có lời khai trong hồ sơ vụ án có lợi hay không có lợi cho
thân chủ mình. Nếu là người làm chứng có lời khai bất lợi cho phía thân chủ của mình thì luật sư
cần đề nghị chủ toạ phiên toà cách ly những người làm chứng với đương sự phía đối tụng để họ
không nghe được lời khai của nhau hoặc tiếp xúc với những người có liên quan gây bất lợi cho thân
chủ của mình.
Thứ ba, đề xuất việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu
Theo quy định tại Điều 243 BLTTDS 2015, liên quan đến thủ tục hỏi đương sự về việc thay
đổi, bổ sung, rút yêu cầu. Luật sư cần lưu ý, HĐXX chỉ chấp nhận việc thay đổi, bổ sung, rút yêu
cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung đó vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện/phản tố/yêu
cầu độc lập ban đầu ( Khoản 1 Điêu 244). Đối với trường hợp đương sự rút một phần hoặc toàn bộ
yêu cầu trên cơ tụ nguyện thì HĐXX chấp nhận, đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ
yêu cầu đã rút. Song, nếu trong vụ án, đương sự có yêu cầu khởi kiện/phản tố/yêu cầu độc lập thì
luật sư phải chú ý việc rút yêu cầu của thân chủ mình hoặc của bên đối tụng sẽ làm thay đổi địa vị tố
tụng theo quy định tại Điều 245 BLTTDS năm 2015. Điều đó có gây bất lợi cho thân chủ mình
không để quyết định rút hay rút yêu cầu.
Thứ tư, về việc công nhận sự thoả thuận của các đương sự tại phiên toà sơ thẩm
Việc thoả thuận được với nhau hay không phụ thuộc vào thái độ, thành ý, thiện chí của các
bên. Nếu chỉ có thân củ của mình muốn hoà giải mà bên đối tụng hoặc người có quyền lợi và nghĩa
vụ liên quan không muốn hoà giải thì Luật sư cũng rất khó để thuyết phục hoà giải giữa các bên
đương sự do tính đối tụng, các bên đương sự khác họ lo sợ việc hoà giải bất lợi hơn cho họ.
Sự thoả thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án phải là sự tự nguyện của tất cả các bên,
không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
Việc thoả thuận tự nguyện, đúng luật, đúng đạo đức xã hội
Một số vấn đề cần lưu ý tại phần thủ tục bắt đầu phiên toà:
- Về việc bổ sung chứng cứ tại phiên toà: Luật sư cần lưu ý việc đương sự cung cấp tài liệu,
chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ấn định nhưng không được vượt quá thời
hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm. Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, Luật
sư hướng dẫn cho thân chủ của mình thực hiện quyền giao nộp tài liệu, chứng cứ tại phiên toà
- Về việc triệu tập người làm chứng: trong trường hợp thân chủ muốn đề nghị đưa ai vào tham
gia tố tụng trong vụ án với tư cách người làm chứng thì Luật sư cần hướng dẫn để thân chủ có đơn
đề nghị gửi Toà án trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
- về yêu cầu cung cấp thêm chứng cứ hoặc triệu tập thêm người làm chứng. Trong trường hợp
cần phải triệu tập thêm người làm chứng (ví dụ như người làm chứng trong việc chứng thực hợp
đồng mua bán nhà ở) hoặc cung cấp thêm bằng chứng, luật sư cần nắm bắt và sự dụng cơ hội, cũng
là quyền của mình trước Tòa. Tuy nhiên, cần lưu ý tới việc yêu cầu về việc cung cấp thêm chứng
cứ, người làm chứng vì chỉ những chứng cứ, lời khai của người làm chứng sẽ phục vụ cho mục đích
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ, được Hội đồng xét xử chú ý và nhìn nhận lại vụ
tranh chấp theo hướng mà luật sư chọn để bảo vệ. Trong giao kết hợp đồng mua bán nhà ở, chính
những yếu tố như lời khai của người làm chứng, các điều kiện về chủ thể sẽ quyết định rất lớn đến t
ính chất và nội dung vụ án. Luật sư cần xem xét kỹ các loại giấy tờ chứng minh tư cách của người
tham gia tố tụng để tránh các sai sót có thể xảy ra gây bất lợi cho thân chủ. Ví dụ, có những trường
hợp Tòa án đã thụ lý vụ án về tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở, nhưng người khởi kiện lại không
có vị trí nào trong mối quan hệ pháp luật đang phát sinh tranh chấp.
Ví dụ: Trong vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá giữa hai công ty trong hoạt động
xây dựng. Công ty A nhận giao hàng là các thiết bị điện tử và các thiết bị xây dựng cho công ty B
theo hợp đồng mua bán hàng hoá mà hai công ty đã ký kết, công ty A đã thực hiện song việc giao
hàng của mình nhưng công ty B không thanh toán. Do không được thanh toán nên công ty A khởi
kiện công ty B tại toà án đòi tiền nợ hàng với trị giá là 15 tỷ đồng, đồng thời yêu cầu thanh toán tiền
lãi phát sinh trên số tiền chậm chưa thanh toán trong 02 năm 2019,2020 là 2,4 tỷ đồng. Quá trình
giải quyết vụ án, công ty B đê nghị được thanh toán 10 tỷ đồng tiền gốc và xin miễn 5 tỷ đồng tiền
gốc cùng toàn bộ tiền lãi. Tuy nhiên, công ty A không đồng ý vì cho rằng đã nhiều lần công ty B
hứa hẹn như vậy nhưng công ty B không thực hiện nên với phải khởi kiện ra toà
Trong trường hợp này, luật sư của công ty A nên trao đổi đề xuất công ty B cấp uỷ nhiệm chi với số
tiền như đã thống nhất và giao cho công ty A tại phiên toà sơ thẩm đề công ty A rút đơn khởi kiện là
tốt nhất. Cần thiết, luật sư có thể đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên toà để các bên thực hiện việc này
theo quy định tại điểm D khoản 1 Điều 259 BLTTDS 2015.
Trường hợp công ty B không đồng ý cấp uỷ nhiệm chi mà muốn hoà giải thì luật sư tư vấn để thân
chủ thoả thuận đồng ý đề nghị của công ty B tại phiên toà vì nếu các bên đạt được sự thoả thuận tại
phiên toà sơ thẩm thì quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự tại phiên toà này có hiệu
lực pháp luật ngay, để phòng trường hợp công ty B không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì vụ án
cũng không bị kéo dài đến cấp phúc thẩm mà công ty A có quyền yêu cầu thi hành án ngay đối với
quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự tại phiên toà sơ thẩm. Điều này giúp thân chủ
giảm bớt thời gian công sức theo đuổi thêm 1 cấp tố tụng nữa của vụ kiện.
2. Kỹ năng của luật sư trong phần hỏi tại phiên tòa sơ thẩm trong vụ án tranh chấp hợp
đồng
Giai đoạn xét hỏi tại phiên toà là giai đoạn điều tra công khai có sự tham gia của tất cả những
người tham gia tố tụng. Trong giai đoạn này các chứng cứ được lần lượt công bố, phân tích, so sánh,
nghiên cứu và tự thân nó bộc lộ giá trị chứng minh của chúng. Luật sư cần phải có mặt tại phiên toà
trong suốt thời gian xét xử, trừ trường hợp đặc biệt. Luật sư cần phải chú ý theo dõi quá trình Hội
đồng xét xử tiến hành thủ tục xét hỏi tại phiên toà. Về mặt thủ tục, Luật sư có quyền được đặt các
câu hỏi để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình bằng cách thông qua các câu trả lời để khẳng
định công khai những vấn đề cần phải làm sáng tỏ trong vụ án.
Đối với từng đương sự, người tham gia tố tụng khác Luật sư cần lên phương án hỏi phù hợp.
Đối với thân chủ của mình, Luật sư có quyền đặt câu hỏi đối với thân chủ của mình nhưng chỉ nên
sử dụng quyền hỏi này trong trường hợp thật sự cần thiết để làm sáng tỏ hay phản biện lại ý kiến
của đối thủ, người tham gia tố tụng khác nếu có, nhưng phải cẩn trọng và có sự bàn bạc thống nhất
về nội dung các câu hỏi và nội dung trả lời của khách hàng nhằm đạt được mục đích đưa ra, tránh
gây bất ngờ cho khách hàng dẫn đến trả lời sai lệch, mâu thuẫn với nội dung đã trình bày hoặc có
thể gây bất lợi cho chính khách hàng.
Căn cứ vào bản kế hoạch hỏi đã chuẩn bị và nội dung trả lời của đối thủ, người tham gia tố
tụng khác tại phiên tòa, luật sư đặt câu hỏi cho những người tham gia tố tụng khác nhằm mục đích
bảo vệ thân chủ của mình. Để có thể đặt được những câu hỏi có hiệu quả cao, luật sư cần xác định
rõ mục đích của câu hỏi mình đưa ra (mục đích: thu nhận, xác nhận thông tin, chứng minh khách
hàng của mình là đúng….). Luật sư phải đặt những câu hỏi sắc bén, ngắn gọn, tập trung vào những
vấn đề quan trọng của vụ án nhưng chưa được làm rõ sao cho sự trả lời của người được hỏi sẽ có lợi
nhất cho người mà mình bảo vệ. Ngoài những câu hỏi trực tiếp, trong trường hợp đối tượng được
hỏi chuẩn bị trước nội dung trả lời, Luật sư cần đặt ra câu hỏi từ xa, có tác dụng dẫn dắt, định hướng
đến mục đích cuối cùng của việc hỏi.
Trong quá trình xét hỏi luật sư phải tập chung theo dõi và ghi chép lại các điểm mâu thuẫn do
các đương sự, qua các lời trình bày của các đương sự nếu thấy có sự mâu thuẫn hoặc có những tình
tiết khác mà trước đó chưa được thể hiện trong hồ sơ, nếu có lợi hoặc bất lợi cho thân chủ của mình
hoặc cho bất kỳ một người tham gia tố tụng nào thì Luật sư cũng phải lưu ý đến điểm mới đó để có
cách phản bác lại hoặc sử dụng chúng nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình. Việc ghi
chép phải bảo đảm nguyên tắc ngắn gọn, đầy đủ và làm nổi bật được những ý chính. Đối với những
tình tiết đặc biệt cần phải ghi chép riêng biệt hoặc phải nhấn mạnh để dễ lưu ý khi xem xét lại, phân
tích cả những câu hỏi và câu trả lời của những người tham gia tố tụng khác. Bản ghi chép này là tiền
đề để Luật sư đặt các câu hỏi cho thân chủ của mình hoặc cho những ngươời tham gia tố tụng khác
để họ tự mình khẳng định công khai trước Toà những vấn đề cần được làm rõ. Ví dụ đối với vụ án
tranh chấp hợp đồng lao động về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, với tư cách là Luật sư
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, Luật sư cần hỏi các đối tượng có liên quan đế
làm rõ một số hoặc tất cả các vấn đề dưới đây:
- Quan hệ lao động giữa thân chủ và người sử dụng lao động: việc ký kết hợp đông lao động;
công việc khách hàng đảm nhiệm trong quá trình làm việc cho người sứ dụng lao động từ khi bắt
đầu làm việc đến khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; nơi làm việc của khách hàng; tiền
lương và các chế độ khác mà khách hàng được hưởng từ người sử dụng lao động…
- Tình trạng bố trí công việc không đúng với hợp đồng lao động, điều kiện làm việc.
- Tình trạng khách hàng bị người sử dụng lao động ngược đãi hoặc có lời nói, hành vi nhục
mạ, cưỡng bức lao động, …
- Những khúc mắc trong quan hệ lao động giữa khách hàng và người sử dụng lao động.

3. Kỹ năng của luật sư trong tranh luận tại phiên tòa


Tranh luận tại phiên toà là một hoạt động trung tâm của phiên toà giải quyết tranh chấp hợp
đồng. Mục đích của việc tranh luận là nhằm làm sáng tỏ thêm những tình tiết, sự kiện của vụ án và
thể hiện việc viện dẫn các căn cứ pháp lý, căn cứ thực tế để bảo vệ cho quan điểm giải quyết vụ án
của các bên. Đối với các vụ án dân sự nói chung, các vụ án về tranh chấp trong hợp đồng nói riêng,
tranh luận tại phiên tòa sẽ giúp luật sư trình bày luận cứ bảo vệ đương sự của mình để hội đồng xét
xử chú ý và xem xét, quyết định có lợi cho khách hàng, tuy vậy muốn thuyết phục được hội đồng
xét xử, luật sư phải có kỹ năng trình bày luận cứ bảo vệ của mình một cách tốt nhất, nếu không sẽ
không thu được hiệu quả của hoạt động tranh tụng. Cụ thể, trong các vụ án về tranh chấp trong hợp
đồng thì tranh luận tại phiên tòa sẽ giúp luật sư trình bày luận cứ bảo vệ đương sự của mình để hội
đồng xét xử chú ý, xem xét để đưa ra các quyết định có lợi cho khách hang. Tuy nhiên, để thuyết
phục được hội đồng xét xử, luật sư phải có kỹ năng trình bày luận cứ bảo vệ của mình một cách tốt
nhất để đạt được kết quả tốt trong hoạt động tranh tụng.
Thứ nhất, về trình bày luận cứ bảo vệ.
Luật sư cần trình bày bản luận cứ bảo vệ của mình rõ ràng các chứng cứ, tình tiết liên quan
đến vụ án. Luật sư cần phải vạch ra những ý kiến chủ đạo, trọng tâm và nêu bật những ý kiến và các
yêu cầu của luật sư để Hội đồng xét xử xem xét. Tránh trường hợp, nhiều luật sư khi tình bày là đọc
toàn bộ nội dung bài luận cứ. Ngoài ra, luật sư nên gửi bài bảo vệ đầy đủ của mình cho Hội đồng
xét xử sẽ giúp luật sư nói được trọng tâm vấn đề mà lại không bị rơi vào sự câu nệ về mặt hình thức.
Thứ hai, trình bày theo phương án dự định trước
Khi luật sư trình bày quan điểm trước tòa phải nên dựa vào bản luận cứ và phương án bảo vệ
mà luật sư đã thống nhất nội dung bảo vệ với khách hàng. Nếu không dựa vào bản luận cứ và
phương án bảo vệ, sẽ dẫn đến khả năng đi lạc vấn đề. Ví dụ: Phương án bảo vệ của luật sư cho
khách hàng A trong vụ án tranh chấp về hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất với B, hướng bảo
vệ của luật sư là tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu, thì luật sư phải tập
trung hướng đó để tranh luận và thuyết phục Hội đồng xét xử.
Thứ ba, lập luận chặt chẽ và viện dẫn điều luật chính xác
Trong bản luật cứ, khi luật sự đưa ra các căn cứ pháp luật đúng, chính xác để thuyết phục
đến Hội đồng xét xử lưu ý tới những vấn đề mà luật sư đưa ra. Do đó, việc nắm chắc các quy định
của pháp luật giúp luật sư phân tích và trình bày luận cứ của mình có sức thuyết phục.
Ví dụ: Hợp đồng mua bán hàng hoá, bên A giao chậm dịch bệnh Covid, nên bên B đã chậm
thanh toán và yêu cầu phạt hợp đồng. Nếu luật sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên A thì
cần dẫn chứng các quy định của pháp luật liên quan đến trường hợp bất khả kháng, các thông tư,
nghị định của Chính phủ ban hành liên quan đến giãn cách để làm cơ sở chứng minh việc chậm giao
hàng do trở ngại khách quan.
Thứ tư, trình bày phải ngắn gọn, rõ ràng, trôi chảy
Lời lẽ từ tốn, ngữ điệu lời nói rõ ràng là cách để luật sư thể hiện luận cứ bảo vệ của mình
một cách trơn tru, dễ đi đến người nghe, khiến người nghe (Hội đồng xét xử và người người có mặt
trong phiên tòa) dễ dàng tiếp nhận ý kiến, thông tin đồng thời nhớ được những thông tin đó. Đặc
biệt, sự từ tốn là yếu tố giúp luật sư có “thính giả”, vì những lời lẽ thiếu từ tốn sẽ dẫn tới luật sư cứ
nói mà không có người nghe. Hơn nữa, việc nói dài và dùng những lời vô nghĩa trong tranh tụng là
điều luật sư tuyệt đối tránh. Trường hợp này sẽ khiến khả năng thuết phục của luật sư bị giảm thiểu.
Cuối cùng, trong đối đáp với luật sư đồng nghiệp bào chữa cho đương sự ở phía đối lập với khách
hàng, luật sư cũng cần nắm vững những kỹ năng tối thiểu để đạt được hiệu quả tranh tụng cao nhất.
Sự điềm tĩnh, nhẹ nhàng lắng nghe và đối đáp, tránh bị kích động trong phiên tòa thể hiện bản lĩnh
của người luật sư, đồng thời cho thấy khả năng đưa ra các luận cứ bào chữa xác đáng theo tinh thần
pháp luật hơn là bị rơi vào vòng luẩn quẩn của tranh cãi thiếu căn cứ pháp lý, mà lại không đưa ra
các luận cứ bảo vệ đủ sức thuyết phục Hội đồng xét xử. Như thế, trong tranh luận tại phiên tòa, việc
luật sư nắm chắc các chứng cứ, căn cứ pháp lý và thống nhất hướng bảo vệ (trừ trường hợp có
những tình tiết mới, có thể chuyển hướng, bổ sung yêu cầu theo hướng có lợi cho khách hàng) sẽ là
yếu tố quan trọng để luật sư thuyết phục được Hội đồng xét xử đưa ra những phán quyết có lợi cho
khách hàng của mình trong vụ án.
PHẦN III: KẾT LUẬN
Trong tranh tụng giải quyết các vụ án về hợp đồng dân sự, với tính chất phức tạp của
quan hệ pháp luật, lại thêm việc các văn bản pháp luật điều chỉnh về việc giải quyết tranh chấp
trong hợp đồng trải ra nhiều thời kỳ khác nhau theo thời gian không thống nhất, luật sư cần phải
nắm vững các quy định của pháp luật liên quan để thể hiện vai trò của mình trong việc giúp các
đương sự bảo vệ quyền lợi của họ. Cùng với các kỹ năng chung trong tranh tụng các vụ án dân
sự, luật sư cần nắm những kỹ năng đặc thù của tranh chấp về hợp đồng dân sự để nâng cao khả
năng thuyết phục Hồi đồng xét xử đưa ra những phán quyết có lợi cho việc bảo vệ quyền và lợi
ích chính đáng của khách hàng. Trên đây là những ý kiến của nhóm đối với việc nhìn nhận kỹ
năng của luật sư trong tranh tụng giải quyết các vụ án về tranh chấp hợp đồng dân sự. Rất mong
nhận được sự góp ý, chỉ bảo của quý thầy cô để học viên nâng cao nhận thức của mình về vấn
đề này./.

You might also like